Các trường hợp hộ kinh doanh không cần đăng ký kinh doanh

1. Hộ kinh doanh là gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.

Theo đó, hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh nhỏ, được các cá nhân lựa chọn nhiều khi kinh doanh, sản xuất. Vì việc thành lập và điều hành cũng khá đơn giản theo quy định, với quy mô gia đình.

2. Các trường hợp hộ kinh doanh không cần đăng ký kinh doanh

Căn cứ vào khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì các trường hợp hộ kinh doanh không cần phải đăng ký kinh doanh bao gồm:

- Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối;

- Những người bán hàng rong: là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;

- Những người bán quà vặt: là những người có các hoạt động mua, bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định

- Người buôn chuyến: là các hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc ng­ười bán lẻ;

- Người kinh doanh lưu động: là các hoạt động như đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

- Kinh doanh thời vụ;

- Người làm dịch vụ có thu nhập thấp. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.

Như vậy, khi hộ kinh doanh kinh doanh những ngành nghề và hình thức trên thì không phải đăng ký hộ kinh doanh theo quy định. Tuy nhiên, pháp luật cũng loại trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì phải đăng ký kinh doanh và giấy phép hoạt động ngành nghề đó theo đúng quy định.

Các trường hợp hộ kinh doanh không cần đăng ký kinh doanh

3. Mức xử phạt đối với hộ kinh doanh không đăng ký kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 62 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, thì sẽ áp dụng mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hộ kinh doanh không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.

Như vậy, khi kinh doanh bạn cần phải tìm hiểu xem ngành nghề kinh doanh của bạn có thuộc trường hợp phải đăng ký hộ kinh doanh không. Trường hợp, nếu cần đăng ký kinh doanh theo quy định, bạn cần lập hộ kinh doanh cũng như các giấy phép hoạt động đầy đủ đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tránh những vi phạm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của bạn.

4. Nguyên tắc áp dụng trong đăng ký hộ kinh doanh

Căn cứ vào Điều 84 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì nguyên tắc áp dụng trong đăng ký hộ kinh doanh như sau:

- Hộ kinh doanh, người thành lập hộ kinh doanh tự kê khai hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh.

- Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của người thành lập hộ kinh doanh, hộ kinh doanh.

- Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện không giải quyết tranh chấp giữa các cá nhân trong hộ kinh doanh với nhau hoặc với tổ chức, cá nhân khác.

- Chủ hộ kinh doanh có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh theo quy định tại Điều 12 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

Trên đây là những nội dung cơ bản liên quan đến Các trường hợp hộ kinh doanh không cần đăng ký kinh doanh. Hi vọng sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quát hơn về vấn đề liên quan đến đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh.

Xem thêm các bài viết có liên quan:

Quy định về mức thuế khoán hộ kinh doanh cá thể

Thuế thu nhập đặc biệt là gì? Trường hợp nào hộ kinh doanh đóng thuế thu nhập đặc biệt?