Quy định pháp luật về quyền chủ tịch nước năm 2024
Quy định pháp luật về quyền chủ tịch nước năm 2024

1. Thế nào là Quyền chủ tịch nước?

Theo Điều 93 Hiến pháp 2013 quy định như sau:

“Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước.

Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới”.

Có thể thấy, quyền Chủ tịch nước là quyền hạn tạm thời được ủy thác cho Phó Chủ tịch nước khi Chủ tịch nước không thể thực hiện nhiệm vụ trong thời gian dài hoặc khi vị trí này bị bỏ trống. Tình huống này thường xảy ra khi Chủ tịch nước qua đời, từ chức, hoặc do lý do sức khỏe không đủ khả năng tiếp tục công tác.

2. Năm 2024 quyền chủ tịch nước bao gồm những quyền gì?

Căn cứ Điều 86 Hiến pháp 2013: “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại”.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước được quy định tại Điều 88 Hiến pháp 2013, cụ thể như sau:

  • Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày pháp lệnh được thông qua, nếu pháp lệnh đó vẫn được Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất;
  • Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ;
  • Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán các Tòa án khác, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá;
  • Quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam;
  • Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban thường vụ Quốc hội, công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;
  • Tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm; quyết định cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phong hàm, cấp đại sứ; quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước; trình Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế quy định tại Khoản 14 Điều 70; quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế khác nhân danh Nhà nước.
Quyền chủ tịch nước bao gồm những gì?
Quyền chủ tịch nước bao gồm những gì?

3. Điều kiện giữ quyền Chủ tịch nước năm 2024

Theo Điều 93 Hiến pháp 2013, người được giữ quyền Chủ tịch nước phải là Phó Chủ tịch nước.

Để trở thành Phó Chủ tịch nước, cá nhân cần đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định tại Tiểu mục 2.10 Mục 2 của Quy định 214-QĐ/TW ngày 02/01/2020, bao gồm:

  • Tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương: Phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương.
  • Kiến thức cần thiết về các lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, tư pháp: Phải có kiến thức sâu rộng và cần thiết về các lĩnh vực quan trọng của đất nước, bao gồm đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, và tư pháp.
  • Uy tín cao trong xã hội: Phải có uy tín cao trong cộng đồng, được công nhận và tôn trọng bởi cả nhân dân và cơ quan chính phủ.
  • Khả năng tập hợp, quy tụ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc: Có khả năng giao tiếp, tạo sự đồng thuận và khích lệ sự đoàn kết trong xã hội, theo đường lối của Đảng.
  • Năng lực lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công: Có khả năng lãnh đạo và điều hành các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, và quyền hạn được giao.
  • Kinh nghiệm trong lãnh đạo chính trị: Phải là Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trong một nhiệm kỳ, và có kinh nghiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo ở các cấp tỉnh hoặc ở các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.

4. Chủ tịch nước Việt Nam hiện nay là ai? Lương của Chủ tịch nước là bao nhiêu?

Chủ tịch nước Việt Nam hiện nay là đồng chí Tô Lâm. Ông đã tuyên thệ và phát biểu nhậm chức vào sáng 22/5/2024, sau khi Quốc hội hoàn tất quy trình bầu chọn. Đồng chí Tô Lâm hiện đang đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, bao gồm Chủ tịch nước, Ủy viên Bộ Chính trị và Bộ trưởng Bộ Công an. Ông cũng là Đại tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chủ tịch nước Tô Lâm
Chủ tịch nước Tô Lâm

Căn cứ Điều 3 Thông tư 07/2024/TT-BNV thì công thức tính mức lương của các dối tượng cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng áp dụng mức lương cơ sở thì công thức tính mức lương như sau:

Mức lương = Mức lương cơ sở x hệ số lương hiện hưởng

Trong đó, mức lương cơ sở hiện nay là: 2.340.000 đồng/tháng (Căn cứ quy định tại khoản Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP)

Hệ số lương của Chủ tịch nước hiện nay là 13.00 (Theo Nghị quyết 730/2004/NQ-UBTVQH11)

Vậy, mức lương của Chủ tịch nước hiện nay là 30.420.000 đồng/tháng.

5. Chủ tịch nước, Thủ tướng và Tổng Bí thư ai có quyền hạn cao hơn?

Từ các quy định của pháp luật hiện nay, các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Tổng Bí thư có chức năng và quyền hạn khác nhau, do đó quyền hạn của các chức năng này riêng không chồng lấn xung đột lẫn nhau, cụ thể:

Tại Điều 86 Hiến pháp 2013 quy định về Chủ tịch nước như sau:

“Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.”

Theo Khoản 2 Điều 95 Hiến Pháp 2013 quy định về Thủ tướng Chính phủ như sau:

“Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao; báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.”

Tổng Bí thư là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo Điều 4 Hiến pháp 2013, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.

Như vậy, Chủ tịch nước đứng đầu nhà nước, thay mặt nhà nước về đối nội lẫn đối ngoại, Thủ tướng Chính phủ thì đứng đầu hệ thống các cơ quan hành pháp, còn Tổng Bí thư là người đứng đầu lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy, không chức vụ nào có quyền hạn cao hơn.