Một số điểm mới của Luật tổ chức Tòa án 2024 có hiệu lực ngày 01/01/2025

Một số điểm mới của Luật tổ chức Tòa án 2024 có hiệu lực ngày 01/01/2025

1. Điểm mới của Luật tổ chức Tòa án 2024

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 được Quốc hội thông qua ngày 24/6/2024, gồm 09 chương, 152 điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

- Đổi mới tổ chức của Tòa án nhân dân theo quy định tại Điều 4 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024.

Cụ thể, tổ chức của Tòa án nhân dân bao gồm:

+ Tòa án nhân dân tối cao;

+ Tòa án nhân dân cấp cao;

+ Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

+ Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;

+ Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ, Tòa án nhân dân chuyên biệt Phá sản (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt);

+ Tòa án quân sự trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực (sau đây gọi chung là Tòa án quân sự).

Trước đó, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 không có Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, cũng không có sự phân cấp giữa Tòa án quân sự.

Điểm mới của Luật tổ chức Tòa án 2024
Điểm mới của Luật tổ chức Tòa án 2024

- Quy định về ngạch Thẩm phán. Cụ thể tại Điều 90 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định 02 ngạch Thẩm phán gồm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Thẩm phán.

- Quy định về chế độ tiền lương, phụ cấp của Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Toà án tại Điều 143 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 như sau:

+ Nhà nước có chính sách ưu tiên về tiên lương, phụ cấp đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Toà án

+ Chế độ tiền lương và phụ cấp đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

+ Chế độ tiền lương, phụ cấp đối với công chức khác, viên chức và người lao động của Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật.

+ Công chức, viên chức của Tòa án được điều động, luân chuyển, biệt phái tại các Tòa án được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

- Quy định về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp tại Điều 141 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024, cụ thể:

+ Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập đến phiên tòa.

+ Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán trong thời gian diễn ra phiên họp, phiên tòa phải được sự đồng ý của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp.

Trường hợp ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp.

2. Tòa án nhân dân được nhập hoặc tách vụ án dân sự khi nào?

Căn cứ theo Điều 42 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về việc Tòa án nhân dân được nhập hoặc tách vụ án dân sự khi:

- Tòa án nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Tòa án đó đã thụ lý riêng biệt thành một vụ án để giải quyết nếu việc nhập và việc giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật.

- Đối với vụ án có nhiều người có cùng yêu cầu khởi kiện đối với cùng một cá nhân hoặc cùng một cơ quan, tổ chức thì Tòa án có thể nhập các yêu cầu của họ để giải quyết trong cùng một vụ án.

Tòa án nhân dân được nhập hoặc tách vụ án dân sự khi nào?
Tòa án nhân dân được nhập hoặc tách vụ án dân sự khi nào?

- Tòa án tách một vụ án có các yêu cầu khác nhau thành hai hoặc nhiều vụ án nếu việc tách và việc giải quyết các vụ án được tách bảo đảm đúng pháp luật.

- Khi nhập hoặc tách vụ án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 42 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án đã thụ lý vụ án phải ra quyết định và gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp, đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

3. Điều kiện để Tòa án thụ lý vụ án dân sự

Bộ luật tố tụng dân sự quy định điều kiện thụ lý vụ án như sau:

– Chủ thể khởi kiện có quyền khởi kiện: Chủ thể khởi kiện vụ án dân sự là người có đủ năng lực hành vi dân sự hoặc cơ quan, tổ chức thành lập hợp pháp và có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

“Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

– Vụ án khởi kiện phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án: Tòa án chỉ thụ lý vụ án dân sự đối với những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Để vụ án được thụ lý, đơn khởi kiện phải gửi đến đúng Tòa án có thẩm quyền giải quyết, xét xử. Việc xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết trước hết cần xác định tranh chấp đó có thuộc thẩm quyền Tòa án không; thẩm quyền theo cấp xét xử và phải đúng thẩm quyền theo lãnh thổ.

Điều kiện để Tòa án thụ lý vụ án dân sự
Điều kiện để Tòa án thụ lý vụ án dân sự

– Vụ án chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật: Tòa án chỉ được thụ lý giải quyết những việc trước đó chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật, trừ những trường hợp vụ án mà Toà án bác đơn xin ly hôn, xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại hoặc vụ án đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Toà án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện khởi kiện;

Các điều kiện khác: Ngoài các điều kiện trên, để vụ án được thụ lý thì đơn khởi kiện phải thỏa mãn các nội dung cơ bản theo quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và kèm theo đơn khởi kiện, người khởi kiện phải cung cấp các tài liệu, chứng cứ cho Tòa án để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Người khởi kiện còn phải nộp tiền tạm ứng án phí nếu thuộc đối tượng có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Tìm hiểu về nhà nước quân chủ chuyên chế?

Chính phủ là gì? Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong bộ máy nhà nước?

Thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay?