Chương I: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 Những quy định chung
Số hiệu: | 34/2024/QH15 | Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Trần Thanh Mẫn |
Ngày ban hành: | 24/06/2024 | Ngày hiệu lực: | 01/01/2025 |
Ngày công báo: | *** | Số công báo: | Dữ liệu đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Bộ máy hành chính | Tình trạng: | Chưa có hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Điểm mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 được Quốc hội thông qua ngày 24/6/2024, gồm 09 chương, 152 điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Điểm mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024
- Đổi mới tổ chức của Tòa án nhân dân theo quy định tại Điều 4 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024.
Cụ thể, tổ chức của Tòa án nhân dân bao gồm:
+ Tòa án nhân dân tối cao;
+ Tòa án nhân dân cấp cao;
+ Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
+ Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;
+ Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ, Tòa án nhân dân chuyên biệt Phá sản (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt);
+ Tòa án quân sự trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực (sau đây gọi chung là Tòa án quân sự).
Trước đó, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 không có Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, cũng không có sự phân cấp giữa Tòa án quân sự.
- Quy định về ngạch Thẩm phán. Cụ thể tại Điều 90 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định 02 ngạch Thẩm phán gồm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Thẩm phán.
- Quy định về chế độ tiền lương, phụ cấp của Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Toà án tại Điều 143 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 như sau:
+ Nhà nước có chính sách ưu tiên về tiên lương, phụ cấp đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Toà án
+ Chế độ tiền lương và phụ cấp đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
+ Chế độ tiền lương, phụ cấp đối với công chức khác, viên chức và người lao động của Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật.
+ Công chức, viên chức của Tòa án được điều động, luân chuyển, biệt phái tại các Tòa án được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
- Quy định về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp tại Điều 141 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024, cụ thể:
+ Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập đến phiên tòa.
+ Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán trong thời gian diễn ra phiên họp, phiên tòa phải được sự đồng ý của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp.
Trường hợp ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp.
Xem chi tiết tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Luật này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân; về bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân.
1. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.
2. Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp để thực thi nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bằng hoạt động của mình, góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.
3. Tòa án nhân dân nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật.
1. Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật, về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
2. Khi thực hiện quyền tư pháp, Tòa án nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Xét xử, giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự (gồm vụ án dân sự và việc dân sự), vụ việc phá sản và vụ án, vụ việc khác theo quy định của pháp luật;
b) Giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật;
c) Quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật;
d) Phát hiện, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của luật;
đ) Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;
e) Tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; phát triển án lệ;
g) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về thi hành án theo quy định của luật;
h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
1. Tổ chức của Tòa án nhân dân bao gồm:
a) Tòa án nhân dân tối cao;
b) Tòa án nhân dân cấp cao;
c) Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
d) Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;
đ) Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ, Tòa án nhân dân chuyên biệt Phá sản (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt);
e) Tòa án quân sự trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực (sau đây gọi chung là Tòa án quân sự).
2. Thẩm quyền thành lập, giải thể Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt và Tòa án quân sự được quy định như sau:
a) Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể và quy định về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt; thành lập, giải thể Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
b) Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể và quy định về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
1. Độc lập theo thẩm quyền xét xử.
2. Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật và Tòa án.
3. Thực hiện quyền tư pháp kịp thời, công bằng, công khai, vô tư, khách quan.
4. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.
5. Thực hiện chế độ xét xử sơ thẩm có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.
6. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
7. Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.
8. Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm.
9. Bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.
10. Tòa án chịu sự giám sát của Nhân dân, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Các Tòa án được tổ chức và hoạt động độc lập theo thẩm quyền xét xử.
Tòa án xét xử theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, giới tính, thành phần, địa vị xã hội; mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trước Tòa án.
1. Tòa án thực hiện quyền tư pháp kịp thời, trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng, công khai, vô tư, khách quan.
2. Tòa án xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ, Tòa án có thể xét xử kín.
3. Tòa án thực hiện công khai hoạt động xét xử và hoạt động khác. Phạm vi, nội dung, hình thức công khai hoạt động của Tòa án do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định.
1. Tòa án bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm.
Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật. Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn luật định có hiệu lực pháp luật.
Bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án, vụ việc phải được xét xử, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
2. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Tòa án xét xử sơ thẩm các vụ án có Hội thẩm tham gia theo quy định của luật, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.
1. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào.
2. Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm và người có chức danh tư pháp khác của Tòa án không phải giải trình, không được thông tin về quan điểm xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đang trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc đó.
3. Không điều tra đối với Thẩm phán, Hội thẩm về việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đang trong quá trình tố tụng, trừ trường hợp có căn cứ xác định Thẩm phán, Hội thẩm vi phạm pháp luật hình sự trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đó.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi can thiệp vào việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc của Thẩm phán, Hội thẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn. Thành phần Hội đồng xét xử theo quy định của luật.
Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng thực hiện quyền tranh tụng theo quy định của luật.
1. Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được bảo đảm. Bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; bị hại, đương sự trong vụ án có quyền tự mình hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm quyền tự bào chữa, được bào chữa, được trợ giúp pháp lý, được có người đại diện của bị can, bị cáo theo quy định của luật.
Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho bị hại, đương sự thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
1. Trong vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác, các bên thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án theo quy định của pháp luật.
2. Tòa án hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác theo quy định của pháp luật.
3. Tòa án yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu của Tòa án.
4. Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ bằng việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác theo quy định của pháp luật trong trường hợp các bên đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ và đề nghị Tòa án hỗ trợ.
5. Tòa án tiếp nhận tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp, các bên giao nộp.
6. Tòa án kiểm tra, thẩm định tính xác thực của tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật.
7. Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp, các bên giao nộp, làm rõ tại phiên tòa, phiên họp theo quy định của pháp luật và kết quả tranh tụng để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc.
1. Tiếng nói, chữ viết dùng trước Tòa án là tiếng Việt.
2. Tòa án bảo đảm cho người tham gia tố tụng quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình; người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật trước Tòa án, các trường hợp này phải có phiên dịch.
1. Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
2. Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật được bảo đảm thi hành theo quy định của pháp luật.
3. Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật nếu có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, kết luận không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, vụ việc phải do Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định và khắc phục theo trình tự, thủ tục theo quy định của luật.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan không thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, người có chức danh tư pháp khác của Tòa án và nghiêm chỉnh chấp hành quyết định, yêu cầu của Tòa án.
2. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân cản trở, can thiệp, tác động trái pháp luật vào hoạt động xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoặc ngoài Tòa án có hành vi quy định tại khoản này thì Thẩm phán, Hội thẩm, người có chức danh tư pháp khác của Tòa án phải báo cáo ngay với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để kịp thời giải quyết, xử lý.
3. Nghiêm cấm mọi hành vi xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của Tòa án; đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của Thẩm phán, Hội thẩm, người có chức danh tư pháp khác của Tòa án hoặc những người thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án; lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống Thẩm phán, Hội thẩm, người có chức danh tư pháp khác, công chức khác, viên chức và người lao động của Tòa án.
4. Người có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
1. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Tòa án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức nghiên cứu, đề xuất chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm hoặc vi phạm pháp luật tại cơ quan, tổ chức đó.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, yêu cầu của Tòa án, cơ quan, tổ chức nhận được kiến nghị, yêu cầu phải thông báo cho Tòa án về kết quả giải quyết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Cơ quan, tổ chức, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, có trách nhiệm phối hợp để Tòa án thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
1. Tòa án nhân dân tối cao quản lý các Tòa án nhân dân về tổ chức.
2. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức.
Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
1. Nhân dân giám sát hoạt động của Tòa án và thực hiện các quyền yêu cầu, đề nghị, kiến nghị với Tòa án theo quy định của pháp luật.
2. Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động của Tòa án theo quy định của luật. Việc giám sát hoạt động của Tòa án để bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của Tòa án; bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Tòa án, việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc của Thẩm phán, Hội thẩm.
1. Ngày truyền thống Tòa án nhân dân là ngày 13 tháng 9 hằng năm.
2. Tòa án nhân dân có biểu trưng riêng. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về biểu trưng của Tòa án nhân dân.
Tình trạng hiệu lực: Chưa có hiệu lực