Giảm vốn điều lệ trong Công ty TNHH 1 Thành viên

Giảm vốn điều lệ trong Công ty TNHH 1 Thành viên

1. Thủ tục giảm vốn điều lệ trong Công ty TNHH 1 thành viên là gì?

Theo khoản 1 Điều 75 Luật doanh nghiệp 2020: “Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty”.

Giảm vốn điều lệ là hình thức mà trong quá trình tiến hành hoạt động kinh doanh sản xuất, công ty có nhu cầu giảm vốn điều lệ trong một số trường hợp nhất định theo luật định. Có nhiều lý do dẫn đến việc giảm vốn điều lệ trong công ty, ví dụ:

- Cải thiện tình hình tài chính: Giảm vốn điều lệ có thể giúp công ty điều chỉnh chi phí và tài sản.

- Thay đổi chiến lược kinh doanh: Khi công ty không còn cần vốn lớn như trước

- Bù đắp thua lỗ: Giảm vốn để khắc phục các khoản lỗ tích lũy.

2. Các trường hợp nào được giảm vốn điều lệ trong Công ty TNHH 1 thành viên?

Căn cứ tại Khoản 3 Điều 87 Luật doanh nghiệp 2020, đối với Công ty TNHH 1 Thành viên, giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:

a) Hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty;

Cụ thể, nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty.

Việc thanh toán các khoản nợ sẽ dựa vào báo cáo tài chính theo quy định pháp luật của công ty tại kỳ gần nhất. Chỉ khi đáp ứng đủ các điều kiện trên, công ty TNHH một thành viên mới được hoàn trả một phần vốn góp.

b) Vốn điều lệ không được chủ sở hữu công ty thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 75 của Luật doanh nghiệp.

Việc vốn điều lệ không được thanh toán đầy đủ và đúng hạn được quy định cụ thể tại Điều 75 Luật doanh nghiệp 2020, cụ thể như sau:

Chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, chủ sở hữu công ty có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp đã cam kết.

Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn 90 ngày theo quy định, chủ sở hữu công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày cuối cùng công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ theo quy định tại khoản này.

3. Thành phần hồ sơ và Quy trình xử lí hồ sơ giảm vốn trong Công ty TNHH 1 thành viên là gì?

Để có thể hiểu và nắm rõ quy trình xử lý hồ sơ giảm vốn trong Công ty TNHH 1 thành viên sẽ thực hiện qua các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị một bộ hồ sơ hoàn chỉnh căn cứ tại Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP

- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;

- Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty

- Văn bản ủy quyền cho người thực hiện hồ sơ và các giấy tờ tùy thân như: Căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đi nộp hồ sơ

Bước 2: Nộp hồ sơ lên Phòng đăng ký kinh doanh - Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh (thành phố) nơi doanh nghiệp đặt địa chỉ trụ sở chính

Bước 3: Trong thời gian 03 ngày làm việc (kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ) Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới cho doanh nghiệp sau khi được chấp thuận việc giảm vốn điều lệ cho công ty. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ có thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ biết và nêu rõ lý do, các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Bước 4: Nhận kết quả

Lưu ý: Trường hợp giảm vốn điều lệ, doanh nghiệp phải cam kết bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác sau khi giảm vốn.

4. Việc không thông báo tới phòng đăng kí kinh doanh- Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh (thành phố) sau khi giảm vốn trong Công ty TNHH 1 thành viên có bị xử lý vi phạm không?

Khi doạnh nghiệp có sự thay đổi về nội dung đăng ký doanh nghiệp (Giảm vốn điều lệ công ty), doanh nghiệp gửi thông báo về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt địa chỉ trụ sở chính trong thời gian 10 ngày kể từ ngày có sự thay đổi.

Quá thời hạn nêu trên, các doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 49 Nghị định 122/2021/NĐ-CP. Cụ thể:

“Điều 49. Vi phạm về thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp

1. Cảnh cáo đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 01 ngày đến 10 ngày.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 11 ngày đến 30 ngày.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 31 ngày đến 90 ngày.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 91 ngày trở lên.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo quy định.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này trong trường hợp chưa thông báo thay đổi theo quy định;

b) Buộc gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.

Xem thêm các bài viết liên quan

So sánh công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên và doanh nghiệp tư nhân

Phân biệt công ty TNHH 1 thành viên và 2 thành viên

Công ty TNHH một thành viên được phát hành trái phiếu không?