Có được lấy họ của cha là người nước ngoài để đăng ký khai sinh cho con ở Việt Nam không?
Có được lấy họ của cha là người nước ngoài để đăng ký khai sinh cho con ở Việt Nam không mới nhất 2025?

1. Có được lấy họ của cha là người nước ngoài để khai sinh cho con ở Việt Nam không?

Căn cứ tại Điều 16 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định:

Quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam

...

2. Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam.

Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định:

Xác định nội dung đăng ký khai sinh, khai tử

1. Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:

a) Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì xác định theo tập quán. Quốc tịch của trẻ em được xác định theo quy định của pháp luật về quốc tịch…

Căn cứ theo Khoản 3 Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Quyền có họ, tên

1. Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.

2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.

Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong Bộ luật này là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

3. Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.

Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.

  • Theo đó, cha mẹ có quyền thỏa thuận lựa chọn về quốc tịch cho con là quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch nước ngoài.
  • Khi thỏa thuận lựa chọn quốc tịch cho con (trong trường hợp lựa chọn quốc tịch nước ngoài) thì cần phải có văn bản thỏa thuận lựa chọn quốc tịch và xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước mà trẻ được chọn mang quốc tịch về việc trẻ có quốc tịch phù hợp quy định pháp luật của nước đó.
  • Trường hợp cơ quan có thẩm quyền nước ngoài không xác nhận thì cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ, nhưng để trống phần ghi về quốc tịch trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh. (khoản 2 Điều 7 Thông tư 04/2020/TT-BTP)
  • Trường hợp lựa chọn cho con có quốc tịch Việt Nam thì khi đăng ký khai sinh tại Việt Nam tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh (điểm a khoản 1 Điều 35 Luật Hộ tịch 2014) thì tên người con phải bằng Tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.
  • Tuy nhiên, đối với họ thì pháp luật lại không ràng buộc “phải bằng Tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ” mà họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán.

Như vậy, có quyền sử dụng họ của cha là người nước ngoài để đặt tên họ cho con. Tuy nhiên, tên của người con phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam.

Trường hợp lựa chọn cho con là quốc tịch nước ngoài thì việc đặt tên phải quy hợp với quy định của quốc gia mà con bạn mang quốc tịch. Do đó, vẫn có thể sử dụng họ của cha để làm họ cho con nếu pháp luật có quy định.

2. Nội dung đăng ký khai sinh gồm những gì?

Căn cứ khoản 6 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 quy định về giấy khai sinh như sau:

Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

...

6. Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch 2014 quy định về nội dung đăng ký khai sinh như sau:

Nội dung đăng ký khai sinh

1. Nội dung đăng ký khai sinh gồm:

a) Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;

b) Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;

c) Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.

Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định giá trị pháp lý của giấy khai sinh như sau:

Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.

Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.

Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.

Như vậy, đăng ký khai sinh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ được cấp giấy khai sinh, đây là giấy tờ hộ tịch gốc cho mỗi cá nhân.

Nội dung đăng ký khai sinh gồm những gì?
Nội dung đăng ký khai sinh gồm những gì?

3. Thẩm quyền đăng ký khai sinh

Người có trách nhiệm (cha, mẹ; ông hoặc bà hoặc người thân thích khác; cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ) sẽ làm Giấy khai sinh cho con tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ (Điều 13 Luật Hộ tịch 2014).

Trường hợp làm Giấy khai sinh cho trẻ có yếu tố nước ngoài thì được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của cha hoặc mẹ (khoản 2 Điều 7 Luật Hộ tịch 2014).

  • Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau:
    • Trẻ có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, người không quốc tịch.
    • Trẻ có cha và mẹ là người nước ngoài, người không quốc tịch nhưng trẻ được sinh ra tại Việt Nam.

Trường hợp làm Giấy khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam thì được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tiếp giáp với đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam nơi mẹ hoặc cha là công dân nước láng giềng thường trú (điểm d khoản 1 Điều 7 Luật Hộ tịch 2014, khoản 1 Điều 17 Nghị định 123/2015/NĐ-CP).

Trường hợp, trẻ là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài thì làm Giấy khai sinh tại Cơ quan đại diện (khoản 3 Điều 7 Luật Hộ tịch 2014, Điều 2 Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-BNG-BTP).

4. Thủ tục đăng ký khai sinh cho con có cha là người nước ngoài

  • Bước 1: Người đi đăng ký khai sinh nộp giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014 cho cơ quan đăng ký hộ tịch
    • Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con.
    • Trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân.
  • Bước 2: Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại Bước 1, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức làm công tác hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại Điều 14 Luật Hộ tịch 2014 vào Sổ hộ tịch;
  • Bước 3: Công chức làm công tác hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cho con cùng ký tên vào Sổ hộ tịch.
    • Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

5. Các câu hỏi thường gặp

5.1. Làm giấy khai sinh cho con trễ thì có bị phạt không?

Theo Điều 37 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định các mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh bao gồm:

  • Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
  • Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
    • Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh;
    • Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh;
    • Sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký khai sinh.

Như vậy, việc cha, mẹ hoặc người có trách nhiệm đăng ký khai sinh trễ cho con sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên nếu đăng ký khai sinh không đúng hạn thì sẽ phải nộp lệ phí đăng ký khai sinh.

5.2. Thời hạn là giấy khai sinh cho con là khi nào?

Theo khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

5.3. Đăng ký khai sinh online ở đâu?

Để đăng ký khai sinh trực tuyến, người dân hiện nay có thể lựa chọn một trong ba cách sau:

Lưu ý: Hiện nay, thủ tục đăng ký khai sinh trực tuyến mới được tích hợp ở mức độ 3. Điều này có nghĩa là người dân vẫn phải đến cơ quan có thẩm quyền để thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả trực tiếp.