Nghị định 19/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
Số hiệu: | 19/2015/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 14/02/2015 | Ngày hiệu lực: | 01/04/2015 |
Ngày công báo: | 09/03/2015 | Số công báo: | Từ số 299 đến số 300 |
Lĩnh vực: | Tài nguyên - Môi trường | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
10/01/2022 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2014
Ngày 14/02/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 19/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường.
Theo đó, Nghị định hướng dẫn các nội dung liên quan đến:
- Cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.
- Kiểm soát ô nhiễm môi trường đất.
- Bảo vệ môi trường làng nghề.
- Bảo vệ môi trường đối với hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
- Xác nhận hệ thống quản lý môi trường; Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường; Xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
- Ưu đãi hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường.
- Cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường.
Nghị định 19 có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2015.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Nghị định này quy định chi tiết: Điểm đ Khoản 1 Điều 38; Khoản 5 Điều 61; Khoản 3 Điều 68; Khoản 7 Điều 70; Khoản 3 Điều 75; Khoản 5 Điều 104; Khoản 3 Điều 146; Khoản 2 Điều 151; Khoản 3 Điều 167 của Luật Bảo vệ môi trường, bao gồm:
1. Cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.
2. Kiểm soát ô nhiễm môi trường đất.
3. Bảo vệ môi trường làng nghề.
4. Bảo vệ môi trường đối với hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
5. Xác nhận hệ thống quản lý môi trường; bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường; xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
6. Ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường.
7. Cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Cải tạo, phục hồi môi trường là hoạt động đưa môi trường, hệ sinh thái tại khu vực môi trường bị tác động về gần với trạng thái môi trường ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, môi trường, phục vụ các mục đích có lợi cho con người.
2. Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường là việc tổ chức, cá nhân gửi một khoản tiền vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc quỹ bảo vệ môi trường địa phương (gọi tắt là quỹ bảo vệ môi trường) để bảo đảm trách nhiệm cải tạo, phục hồi môi trường của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động khai thác khoáng sản.
3. Phương án cải tạo, phục hồi môi trường là các giải pháp nhằm cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
4. Xử lý chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật (khác với sơ chế) làm giảm, loại bỏ, cô lập, cách ly, thiêu đốt, tiêu hủy, chôn lấp chất thải và các yếu tố có hại trong chất thải.
5. Cơ sở xử lý chất thải bao gồm: Cơ sở xử lý chất thải nguy hại, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt và cơ sở xử lý chất thải thông thường.
6. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường làng nghề được khuyến khích phát triển bao gồm hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải tập trung; hệ thống các điểm và phương tiện thu gom, tập kết, vận chuyển chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại; cây xanh tại các khu vực công cộng.
7. Công nghệ thân thiện với môi trường là công nghệ mà trong quá trình hoạt động, sử dụng gây hại ít hơn cho môi trường so với công nghệ tương tự.
8. Cơ sở thân thiện với môi trường là cơ sở đáp ứng các tiêu chí về sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm nước, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải.
9. Sản phẩm thân thiện với môi trường là sản phẩm đáp ứng các tiêu chí nhãn sinh thái và được chứng nhận nhãn sinh thái.
10. Cộng đồng dân cư là cộng đồng người sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư.
1. Mọi tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải có phương án cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Phương án cải tạo, phục hồi môi trường phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch khai thác khoáng sản, quy hoạch sử dụng đất và bảo vệ môi trường của địa phương.
3. Việc cải tạo, phục hồi môi trường phải được thực hiện ngay trong quá trình khai thác khoáng sản.
4. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản tiếp tục thuê đất, hưởng các chính sách ưu đãi trong trường hợp cải tạo, phục hồi môi trường thành khu du lịch, khu sinh thái, khu vui chơi giải trí, phục vụ mục đích có lợi cho con người.
1. Các đối tượng phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường (gọi tắt là phương án) bao gồm:
a) Tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản;
b) Tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản nhưng chưa có phương án được phê duyệt hoặc chưa ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường;
c) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã có phương án được phê duyệt nhưng không triển khai thực hiện dự án trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm được phê duyệt thì phải lập lại phương án.
2. Các đối tượng phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung (gọi tắt là phương án bổ sung) bao gồm:
a) Tổ chức, cá nhân đã có giấy phép khai thác khoáng sản và phương án được phê duyệt nhưng thay đổi diện tích, độ sâu, công suất khai thác khoáng sản;
b) Tổ chức, cá nhân đề nghị thay đổi nội dung cải tạo, phục hồi môi trường so với phương án đã được duyệt.
3. Các trường hợp sau không phải lập phương án:
a) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích ranh giới của dự án đầu tư xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ sử dụng cho xây dựng công trình đó;
b) Hộ gia đình, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình trong diện tích đó.
1. Thời điểm lập, trình thẩm định phương án và phương án bổ sung được quy định như sau:
a) Tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư khai thác khoáng sản quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 phải lập, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án trước khi xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản;
b) Tổ chức, cá nhân quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 5 ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính phải lập, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án trước ngày 31 tháng 12 năm 2016;
c) Tổ chức, cá nhân quy định tại Khoản 2 Điều 5 phải lập, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án bổ sung trước khi xin cấp phép khai thác khoáng sản mới hoặc thay đổi giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường.
2. Phương án bao gồm các nội dung chính sau đây:
a) Đặc điểm khai thác khoáng sản, hiện trạng môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội và hệ sinh thái bị tác động trong quá trình khai thác khoáng sản;
b) Các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường; phân tích, đánh giá, lựa chọn giải pháp tốt nhất để cải tạo, phục hồi môi trường;
c) Danh mục, khối lượng các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường đối với giải pháp lựa chọn;
d) Kế hoạch thực hiện; phân chia kế hoạch thực hiện theo từng năm, từng giai đoạn cải tạo, phục hồi môi trường; chương trình quản lý, giám sát trong thời gian cải tạo, phục hồi môi trường; kế hoạch kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án;
đ) Bảng dự toán kinh phí để tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường cho từng hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường của phương án đã lựa chọn; các khoản tiền ký quỹ theo lộ trình.
3. Phương án bổ sung bao gồm các nội dung chính sau đây:
a) Đặc điểm khai thác khoáng sản, hiện trạng môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội của khu vực thực hiện dự án tại thời điểm lập phương án bổ sung;
b) Những thay đổi về nội dung cải tạo, phục hồi môi trường so với phương án đã được phê duyệt; phân tích, đánh giá, lựa chọn giải pháp tốt nhất để cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung;
c) Danh mục, khối lượng các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung;
d) Kế hoạch thực hiện; phân chia kế hoạch thực hiện theo từng năm, từng giai đoạn cải tạo, phục hồi môi trường; chương trình quản lý, giám sát trong thời gian cải tạo, phục hồi môi trường; kế hoạch kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án bổ sung;
đ) Dự toán kinh phí để tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường theo từng hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung, không bao gồm các hạng mục đã thực hiện.
1. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án, phương án bổ sung quy định như sau:
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án, phương án bổ sung đối với các dự án khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản;
b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án, phương án bổ sung đối với các dự án khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản.
2. Việc thẩm định phương án hoặc phương án bổ sung được thực hiện thông qua hội đồng thẩm định. Thành phần hội đồng thẩm định gồm đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, địa chất và khoáng sản, các chuyên gia liên quan đến lĩnh vực của phương án, trong đó có: Chủ tịch hội đồng, trường hợp cần thiết có thêm một phó chủ tịch hội đồng; một ủy viên thư ký; hai ủy viên phản biện và các ủy viên. Đối với phương án thuộc thẩm quyền thẩm định, phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành phần hội đồng phải có đại diện của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi triển khai thực hiện phương án.
3. Kinh phí thẩm định phương án hoặc phương án bổ sung do tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chịu trách nhiệm chi trả theo quy định của pháp luật.
1. Số tiền ký quỹ bằng tổng kinh phí thực hiện các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường. Kinh phí thực hiện từng hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường phải áp dụng định mức, đơn giá của địa phương tại thời điểm lập phương án hoặc phương án bổ sung. Trường hợp địa phương không có định mức, đơn giá thì áp dụng theo định mức, đơn giá của Bộ, ngành tương ứng. Trong trường hợp Bộ, ngành không có đơn giá thì áp dụng theo giá thị trường.
2. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ hằng năm hoặc theo giai đoạn có tính tới yếu tố trượt giá.
3. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ tại quỹ bảo vệ môi trường địa phương hoặc Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam. Tiền ký quỹ được nộp, hoàn trả bằng tiền đồng Việt Nam.
4. Tiền ký quỹ được hưởng lãi suất bằng lãi suất cho vay của quỹ bảo vệ môi trường nơi ký quỹ và được tính từ thời điểm ký quỹ. Tổ chức, cá nhân chỉ được rút tiền lãi một lần sau khi có giấy xác nhận hoàn thành toàn bộ nội dung phương án hoặc phương án bổ sung.
5. Việc hoàn trả khoản tiền ký quỹ trên cơ sở tổ chức, cá nhân đã hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ nội dung cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án hoặc phương án bổ sung được phê duyệt.
6. Trường hợp, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã ký quỹ nhưng giải thể hoặc phá sản và chưa thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng phương án hoặc phương án bổ sung được phê duyệt thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án hoặc phương án bổ sung có trách nhiệm sử dụng số tiền đã ký quỹ bao gồm cả tiền lãi để thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường.
1. Tổ chức, cá nhân sau khi đã hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ nội dung cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án hoặc phương án bổ sung được phê duyệt thì lập hồ sơ hoàn thành phương án hoặc phương án bổ sung đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận hoàn thành.
2. Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án hoặc phương án bổ sung là cơ quan phê duyệt phương án hoặc phương án bổ sung.
3. Việc kiểm tra, xác nhận hoàn thành toàn bộ nội dung phương án hoặc phương án bổ sung được thực hiện trong quá trình nghiệm thu kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ. Nội dung quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản bao gồm nội dung xác nhận hoàn thành toàn bộ phương án hoặc phương án bổ sung. Quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản thay thế giấy xác nhận hoàn thành toàn bộ phương án hoặc phương án bổ sung.
1. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường:
a) Xây dựng và ban hành các hướng dẫn về trình tự, thủ tục, nội dung thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án, phương án bổ sung và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản;
b) Thống nhất quản lý nhà nước về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản;
c) Thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án, phương án bổ sung thuộc thẩm quyền;
d) Xây dựng và ban hành hướng dẫn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản;
đ) Định kỳ kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
2. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (gọi tắt là Bộ, ngành):
a) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản có liên quan tới cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản;
b) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức triển khai các quy định về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định này;
c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường tại các quỹ bảo vệ môi trường.
3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
a) Thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án, phương án bổ sung thuộc thẩm quyền;
b) Kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn việc cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn quản lý;
c) Báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; tình hình quản lý, sử dụng tiền ký quỹ trước ngày 31 tháng 12 hằng năm.
4. Trách nhiệm của quỹ bảo vệ môi trường:
a) Tiếp nhận và xác nhận bằng văn bản về việc ký quỹ của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản;
b) Hoàn trả tiền ký quỹ và lãi suất tiền ký quỹ cho các tổ chức, cá nhân theo quy định;
c) Quản lý, sử dụng tiền ký quỹ theo đúng quy định của pháp luật. Hằng năm, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính về tình hình quản lý, sử dụng tiền ký quỹ;
d) Đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đúng hạn; kiến nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt về việc chậm ký quỹ.
5. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản
a) Lập, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án hoặc phương án bổ sung; thông báo nội dung phương án hoặc phương án bổ sung đã được phê duyệt cho Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi có hoạt động khai thác khoáng sản để kiểm tra, giám sát;
b) Thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng quy định;
c) Lập, trình cấp có thẩm quyền đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ phương án hoặc phương án bổ sung;
d) Nộp phí thẩm định, kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án hoặc phương án bổ sung theo quy định của pháp luật;
đ) Báo cáo công tác thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường về cơ quan phê duyệt phương án hoặc phương án bổ sung và cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường tại địa phương trước ngày 15 tháng 12 hằng năm.
1. Các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất phải được xác định, thống kê, đánh giá và kiểm soát là các chất gây ô nhiễm phát sinh từ:
a) Quá trình tự nhiên: Biến đổi khí hậu, lũ lụt, xâm nhập mặn, hoang mạc hóa, sự lắng đọng các chất ô nhiễm từ hoàn lưu khí quyển, thiên tai, phong hóa tự nhiên;
b) Hoạt động của con người: Hoạt động làm phát sinh hóa chất chủ định hoặc không chủ định; chất thải từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ, dân sinh; khai thác, chế biến khoáng sản; tái chế, xử lý chất thải; lưu giữ, tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất độc chiến tranh.
2. Việc kiểm soát các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất phải được thực hiện như sau:
a) Áp dụng các biện pháp phòng ngừa, hạn chế các tác động tới môi trường từ nguồn phát sinh;
b) Thường xuyên theo dõi, giám sát;
c) Kịp thời cô lập và xử lý khi có dấu hiệu ô nhiễm môi trường.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các nguồn, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh yếu tố gây ô nhiễm môi trường đất cần phải kiểm soát nghiêm ngặt; hướng dẫn việc thống kê, đánh giá, xác định và các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát đối với các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất.
1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ phải thực hiện các biện pháp theo dõi, giám sát chặt chẽ các công đoạn, khu vực phát sinh yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất; phát hiện kịp thời, cô lập và xử lý các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất khi có dấu hiệu ô nhiễm; xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật.
2. Các cơ sở sau đây phải thực hiện quan trắc chất lượng môi trường đất định kỳ, báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường:
a) Cơ sở xử lý chất thải;
b) Cơ sở khai thác khoáng sản;
c) Cơ sở sản xuất hóa chất và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có sử dụng hóa chất độc hại thuộc Danh mục thực hiện quan trắc chất phát thải do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành theo quy định tại Khoản 2 Điều 121 Luật Bảo vệ môi trường.
3. Khi chuyển quyền sử dụng đất, người nhận quyền sử dụng đất có quyền yêu cầu người chuyển quyền sử dụng đất cung cấp thông tin về chất lượng môi trường đất tại khu vực thực hiện chuyển quyền sử dụng đất.
4. Các cơ sở được quy định tại Khoản 2 Điều này, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở, đất thương mại phải thực hiện việc đánh giá chất lượng môi trường đất; công bố thông tin giữa các đối tượng sử dụng đất. Chất lượng môi trường đất phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cơ quan có thẩm quyền xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường xác nhận phù hợp với mục đích sử dụng là đất ở, đất thương mại. Trong trường hợp chất lượng đất tại khu vực được chuyển đổi mục đích sử dụng không phù hợp với mục đích sử dụng là đất ở, đất thương mại, người đang sử dụng đất và người sẽ sử dụng đất cho mục đích đất ở, đất thương mại phải có phương án xử lý môi trường đất phù hợp với mục đích sử dụng.
1. Các khu vực đất bị ô nhiễm thuộc trách nhiệm xử lý của Nhà nước bao gồm:
a) Khu vực ô nhiễm môi trường đất do hóa chất độc hại sử dụng trong chiến tranh;
b) Khu vực ô nhiễm môi trường đất do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu;
c) Khu vực ô nhiễm môi trường đất nhưng không xác định được đối tượng gây ô nhiễm.
2. Việc kiểm soát ô nhiễm môi trường đất thuộc trách nhiệm xử lý của Nhà nước phải thực hiện như sau:
a) Thống kê, điều tra sơ bộ các khu vực bị ô nhiễm; đánh giá rủi ro sơ bộ;
b) Điều tra chi tiết, xác định phạm vi, mức độ ô nhiễm và đánh giá rủi ro ô nhiễm;
c) Xây dựng mô hình và các giải pháp xử lý ô nhiễm, cải tạo và phục hồi môi trường;
d) Khoanh vùng, cô lập, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường theo các giải pháp được phê duyệt;
đ) Quan trắc, theo dõi sau xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đối với đối tượng được quy định tại Khoản 1 Điều này, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt.
Trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất để sử dụng cho mục đích khác thì phải lập phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường trước khi sử dụng đất.
4. Các cơ sở thuộc Danh mục quy định tại Khoản 3 Điều 11 Nghị định này mà không thuộc đối tượng được quy định tại Khoản 1 Điều này phải chịu trách nhiệm tổ chức điều tra, đánh giá, khoanh vùng và xử lý, phục hồi khi xảy ra ô nhiễm môi trường đất.
5. Chất lượng môi trường đất tại các khu vực bị ô nhiễm hóa chất độc hại sử dụng trong chiến tranh, hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu và các chất độc hại khác phải được công khai cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
a) Xây dựng quy định, hướng dẫn đánh giá khả năng tiếp nhận của môi trường đất theo mục đích sử dụng;
b) Ban hành hướng dẫn xác định, thống kê, đánh giá, khoanh vùng và kiểm soát các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất; cung cấp thông tin về chất lượng môi trường đất; xác nhận chất lượng đất các khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở, đất thương mại quy định tại Khoản 4 Điều 12 Nghị định này;
c) Xây dựng, cập nhật hệ thống thông tin quốc gia về các khu vực ô nhiễm đất và kiểm soát ô nhiễm môi trường đất;
d) Tổng hợp và công bố chất lượng môi trường đất và các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất trên phạm vi toàn quốc;
đ) Hướng dẫn phương thức công bố thông tin về chất lượng môi trường đất.
2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, thống kê thông tin về chất lượng môi trường đất đối với đất quốc phòng, an ninh và gửi báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp; tổ chức thực hiện xử lý các khu vực đất ô nhiễm được giao quản lý.
a) Tổ chức điều tra, đánh giá và công khai thông tin về các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất trên địa bàn; quan trắc chất lượng môi trường đất các khu vực công cộng;
b) Công bố thông tin về chất lượng môi trường đất (bản đồ, báo cáo đánh giá chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất) theo quy định của pháp luật về đất đai; cập nhật thông tin về kiểm soát ô nhiễm môi trường đất trên địa bàn vào hệ thống thông tin quốc gia về kiểm soát ô nhiễm môi trường đất;
c) Ban hành cảnh báo đối với các khu vực có chất lượng đất không phù hợp với mục đích sử dụng; theo dõi, giám sát việc lập, tổ chức thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường đất để phù hợp với mục đích sử dụng của chủ sử dụng đất hoặc người gây ô nhiễm thuộc Danh mục quy định tại Khoản 3 Điều 11 Nghị định này;
d) Tổ chức thực hiện xử lý các khu vực đất ô nhiễm trên địa bàn.Bổ sung
1. Phương án bảo vệ môi trường làng nghề bao gồm nội dung, cách thức, trình tự tiến hành hoạt động bảo vệ môi trường của làng nghề; hiện trạng hoạt động sản xuất, sinh hoạt của làng nghề; các loại và lượng chất thải phát sinh; việc tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường nói chung, các biện pháp giảm thiểu, thu gom, xử lý chất thải phát sinh từ làng nghề; bố trí nguồn lực thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của các làng nghề có không ít hơn 20% số cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển (gọi tắt là làng nghề được khuyến khích phát triển) được đầu tư từ ngân sách nhà nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí ngân sách địa phương để đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cho làng nghề được khuyến khích phát triển, huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các làng nghề trên địa bàn.
3. Cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề là các cơ sở thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục I Nghị định này. Theo từng thời kỳ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Phụ lục I Nghị định này phù hợp với thực tiễn.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với cơ sở thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển, làng nghề được khuyến khích phát triển; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí về bảo vệ môi trường trong việc công nhận làng nghề.
1. Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản hoặc báo cáo về các biện pháp bảo vệ môi trường.
Trường hợp các cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản phải lập báo cáo về các biện pháp bảo vệ môi trường, mô tả hoạt động của cơ sở, các loại chất thải phát sinh, các biện pháp giảm thiểu, kiểm soát bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, thu gom và xử lý nước thải, khí thải tại chỗ; phân loại, lưu giữ, tự xử lý hoặc chuyển giao đối với chất thải rắn, gửi cơ quan quản lý môi trường tại địa phương để thực hiện kiểm tra, theo dõi.
2. Đóng góp đầy đủ các loại phí bảo vệ môi trường và nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật cho hoạt động bảo vệ môi trường của làng nghề.
3. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong làng nghề không thuộc đối tượng quy định Khoản 3 Điều 15 Nghị định này phải tuân thủ quy định tại Khoản 3 Điều 70 Luật Bảo vệ môi trường và các quy định về bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
1. Lập, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn để tổ chức thực hiện.
2. Đôn đốc việc xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong hương ước, quy ước của làng nghề.
3. Bố trí cán bộ có kiến thức về pháp luật, quản lý môi trường theo dõi việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường làng nghề; hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề.
4. Ưu tiên bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn kinh phí khác cho công tác quản lý môi trường, đầu tư, sửa chữa, cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại các làng nghề được khuyến khích phát triển trên địa bàn.
5. Quản lý, vận hành và duy tu, bảo dưỡng theo đúng quy định khi được bàn giao, tiếp nhận các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường làng nghề.
6. Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở trên địa bàn.
7. Tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường; hướng dẫn các cơ sở tận thu, tái chế, tái sử dụng và xử lý tại chỗ các loại chất thải.
8. Công bố thông tin về hiện trạng môi trường, công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên các phương tiện thông tin của địa phương, thông qua các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương và trong các cuộc họp Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp xã.
9. Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác bảo vệ môi trường, tình hình phát sinh và xử lý chất thải của làng nghề trên địa bàn định kỳ một năm một lần trước ngày 30 tháng 10 hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu.
1. Thực hiện điều tra, thống kê, lập danh sách làng nghề, làng nghề được khuyến khích phát triển, cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề trên địa bàn; chỉ đạo cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện xem xét thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề không thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không bảo đảm khoảng cách đối với khu dân cư.
2. Đôn đốc, phê duyệt, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện và kiểm tra việc thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề.
3. Chỉ đạo xây dựng và kiểm tra, theo dõi việc thực hiện nội dung bảo vệ môi trường trong hương ước, quy ước của làng nghề.
4. Rà soát, đề xuất quy hoạch các cụm công nghiệp tập trung hoặc bố trí khu chăn nuôi, khu sản xuất tập trung bên ngoài khu dân cư đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường để lập kế hoạch, tổ chức thực hiện việc di dời cơ sở sản xuất không thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư.
5. Ưu tiên phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường cho công tác quản lý môi trường, kinh phí từ các nguồn khác để đầu tư, xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cho các làng nghề được khuyến khích phát triển.
6. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất trên địa bàn.
7. Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; tổ chức các hoạt động khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, công nghệ thân thiện môi trường, thu gom và tái chế chất thải.
8. Công bố thông tin về hiện trạng môi trường, công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên các phương tiện thông tin của địa phương và trong các cuộc họp Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp huyện.
9. Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác bảo vệ môi trường, tình hình phát sinh và xử lý chất thải của làng nghề trên địa bàn định kỳ một năm một lần trước ngày 30 tháng 11 hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu.
1. Tổng hợp, công bố danh sách làng nghề, làng nghề được khuyến khích phát triển, các cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển; kế hoạch phát triển làng nghề, kế hoạch chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời ra khỏi khu dân cư đối với cơ sở sản xuất không thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
2. Phân bổ kinh phí từ ngân sách địa phương cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề. Ưu tiên phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn kinh phí khác cho công tác quản lý môi trường và đầu tư xây dựng công trình bảo vệ môi trường, cải tạo, nâng cấp công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cho các làng nghề được khuyến khích phát triển.
3. Xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển; cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải di dời ra khỏi khu dân cư hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất.
4. Bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường trong việc công nhận làng nghề.
5. Đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề, xây dựng kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, bao gồm:
a) Thống kê lượng nước thải, khí thải, chất thải rắn thông thường, chất thải rắn nguy hại phát sinh từ các cơ sở trong làng nghề;
b) Đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường nước mặt, nước ngầm, đất và không khí xung quanh;
c) Lập và triển khai biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề.
6. Chỉ đạo quy hoạch, phê duyệt và đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cho các làng nghề được khuyến khích phát triển; quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung hoặc khu vực chăn nuôi, khu sản xuất tập trung bên ngoài khu dân cư đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư.
7. Quản lý việc thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải nông thôn, chất thải phát sinh từ hoạt động của các cơ sở trong làng nghề.
8. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất trên địa bàn.
9. Công bố thông tin về hiện trạng môi trường, công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên các phương tiện thông tin của địa phương và trong các cuộc họp Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
10. Báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác bảo vệ môi trường, tình hình phát sinh và xử lý chất thải của làng nghề trên địa bàn một năm một lần trước ngày 30 tháng 12 hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu.
1. Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định điều kiện về bảo vệ môi trường đối với làng nghề; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với các cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển; phối hợp với Bộ Tài chính ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển, làng nghề được khuyến khích phát triển.
2. Quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu về bảo vệ môi trường làng nghề trên phạm vi toàn quốc; công bố danh mục làng nghề ô nhiễm môi trường và làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường làng nghề.
3. Hướng dẫn xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động của các cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề.
4. Hướng dẫn nội dung, trình tự xây dựng và phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề; lập báo cáo về các biện pháp bảo vệ môi trường của các cơ sở thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề.
5. Hướng dẫn và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, phổ biến kinh nghiệm, cung cấp thông tin về pháp luật môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường, sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, tổ chức triển lãm, hội chợ, quảng bá sản phẩm thân thiện với môi trường, công nghệ môi trường cho các cơ sở được khuyến khích phát triển tại làng nghề.
1. Được ưu tiên phân bổ ngân sách, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật có liên quan; giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong các hoạt động thương mại, du lịch; đào tạo, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư, tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường và cán bộ quản lý môi trường cấp xã.
2. Được ưu tiên trong quá trình xét duyệt và cho vay vốn ưu đãi của các tổ chức tín dụng về môi trường, Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, quỹ bảo vệ môi trường ngành và quỹ bảo vệ môi trường của địa phương đối với các đối tượng có dự án bảo vệ môi trường theo quy định về tổ chức hoạt động của quỹ bảo vệ môi trường.
3. Được ưu tiên trong quá trình xem xét, lựa chọn thực hiện chương trình khuyến công, khuyến nông, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; được ưu tiên trong việc tiếp nhận, triển khai các mô hình xử lý chất thải từ các dự án quốc tế, các nhiệm vụ, đề tài, dự án từ ngân sách nhà nước.
1. Dự án xây dựng cơ sở phá dỡ tàu biển phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
2. Cơ sở hoạt động phá dỡ tàu biển phải áp dụng tiêu chuẩn hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001.
3. Khi phá dỡ từng con tàu, cơ sở phá dỡ tàu biển phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển bao gồm các nội dung chính sau:
a) Phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường trong quá trình phá dỡ tàu biển;
b) Kế hoạch thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải thông thường, chất thải nguy hại trong quá trình phá dỡ tàu biển;
c) Biện pháp xử lý nước thải và khí thải phát sinh từ quá trình phá dỡ tàu biển bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường có liên quan.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể thủ tục, hồ sơ và tổ chức đánh giá, phê duyệt kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
4. Quy trình đánh giá, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng:
a) Cơ sở phá dỡ tàu biển gửi kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng tới Tổng cục Môi trường trước khi tiến hành phá dỡ 60 ngày theo mẫu văn bản quy định tại Phụ lục IV Nghị định này;
b) Trong thời hạn 20 ngày, Tổng cục Môi trường có trách nhiệm tổ chức đánh giá, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng;
c) Trường hợp kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật, trong thời hạn 10 ngày, Tổng cục Môi trường ra quyết định phê duyệt kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng. Mẫu quyết định phê duyệt được quy định tại Phụ lục V Nghị định này;
d) Trường hợp kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật, trong thời hạn 05 ngày, Tổng cục Môi trường thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do để cơ sở biết.
5. Điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ và con người về bảo vệ môi trường đối với cơ sở phá dỡ tàu biển:
a) Có ụ khô hoặc có bãi chuyên dụng trên bờ và thiết bị kéo tàu lên bờ phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo vệ môi trường để làm địa điểm trực tiếp thực hiện phá dỡ tàu biển;
b) Có công nghệ, thiết bị phá dỡ, xử lý tạp chất đi kèm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải;
c) Có trang thiết bị, biện pháp kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường tại địa điểm phá dỡ tàu biển;
d) Có cán bộ được cấp chứng chỉ tập huấn nghiệp vụ về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
1. Việc nhập khẩu tàu biển để phá dỡ ngoài việc thực hiện các thủ tục nhập khẩu theo quy định hiện hành còn phải xuất trình chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường với tàu biển nhập khẩu để phá dỡ do tổ chức chứng nhận phù hợp cấp.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định tổ chức chứng nhận phù hợp theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hướng dẫn về trình tự, thủ tục đánh giá điều kiện về bảo vệ môi trường đối với tàu biển nhập khẩu để phá dỡ.
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì tổ chức triển khai thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
2. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tổ chức, triển khai các quy định bảo vệ môi trường đối với hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
3. Các Bộ, ngành có liên quan trong phạm vi thẩm quyền phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai các quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
4. Trong phạm vi quyền hạn của mình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động của các cơ sở phá dỡ tàu biển theo quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.Bổ sung
1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đi vào hoạt động có phát sinh lượng chất thải lớn, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục II Nghị định này phải thực hiện xác nhận hệ thống quản lý môi trường.
2. Cơ sở có giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 còn hiệu lực do tổ chức chứng nhận đã đăng ký lĩnh vực hoạt động theo quy định của pháp luật cấp không phải thực hiện xác nhận hệ thống quản lý môi trường.
Người đứng đầu cơ sở phải có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền xác nhận cam kết tuân thủ đầy đủ các nội dung quy định tại Điều 27 Nghị định này.
3. Theo từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh Danh mục cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện xác nhận hệ thống quản lý môi trường trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
1. Các cơ sở đang tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện việc xác nhận hệ thống quản lý môi trường lần đầu chậm nhất là 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
2. Các cơ sở không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này phải thực hiện việc xác nhận hệ thống quản lý môi trường lần đầu sau khi tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được 12 tháng nhưng không quá 24 tháng kể từ thời điểm cơ sở tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
1. Nội dung hệ thống quản lý môi trường:
a) Kế hoạch hoặc quy trình vận hành các cơ sở sản xuất phù hợp với các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường;
b) Cam kết sử dụng các quy trình, thiết bị sản xuất hiệu quả để tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu thô, giảm thiểu ô nhiễm môi trường;
c) Thiết lập và duy trì quy trình theo dõi liên tục các tác động môi trường của hoạt động sản xuất; mục tiêu và chỉ tiêu về môi trường đối với hoạt động bảo vệ môi trường và đánh giá hiệu quả của chúng;
d) Xác định, thực hiện và duy trì vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của lãnh đạo và nhân viên cơ sở về bảo vệ môi trường; bố trí cán bộ phụ trách quản lý môi trường; cung cấp nguồn lực cần thiết để thực hiện công tác bảo vệ môi trường của cơ sở;
đ) Chương trình nâng cao nhận thức cho người lao động, công nhân viên về tác động của hoạt động sản xuất tại cơ sở đối với môi trường và các biện pháp để giảm thiểu các tác động đó (ít nhất một năm một lần);
e) Chính sách ưu tiên cho các nhà cung cấp và các nhà thầu được công nhận là cơ sở thân thiện với môi trường hoặc có sản phẩm được dán nhãn sinh thái;
g) Kế hoạch công bố báo cáo môi trường hằng năm; kế hoạch thông tin cho khách hàng và cộng đồng xung quanh các biện pháp cần thiết để bảo vệ môi trường.
2. Hệ thống quản lý môi trường phải được điều chỉnh kịp thời với những thay đổi trong quá trình hoạt động của cơ sở.
1. Hồ sơ đề nghị xác nhận hệ thống quản lý môi trường bao gồm:
a) Đơn đề nghị xác nhận hệ thống quản lý môi trường;
b) Báo cáo về hệ thống quản lý môi trường của cơ sở.
2. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gửi hồ sơ đề nghị xác nhận hệ thống quản lý môi trường đến cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Chủ cơ sở có quyền gửi hồ sơ đề nghị xác nhận thông qua thư điện tử.
3. Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị xác nhận hệ thống quản lý môi trường, cơ quan có thẩm quyền xác nhận tiến hành rà soát hồ sơ, trường hợp hồ sơ không đủ hoặc không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày phải thông báo bằng văn bản cho chủ cơ sở để hoàn thiện hồ sơ.
4. Sau khi nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xác nhận có trách nhiệm tổ chức việc xác nhận và cấp giấy xác nhận hệ thống quản lý môi trường trong thời hạn 30 ngày.
Trường hợp không cấp giấy xác nhận hệ thống quản lý môi trường, cơ quan có thẩm quyền xác nhận có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới chủ cơ sở và nêu rõ lý do.
5. Giấy xác nhận hệ thống quản lý môi trường có thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp.
6. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định mẫu báo cáo và trình tự, thủ tục xác nhận hệ thống quản lý môi trường của cơ sở.
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận hệ thống quản lý môi trường đối với các cơ sở không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xác nhận hệ thống quản lý môi trường đối với các cơ sở thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
1. Trường hợp cơ sở có những thay đổi theo hướng giảm nhẹ yêu cầu và trách nhiệm về bảo vệ môi trường đã được xác nhận trong hệ thống quản lý môi trường hoặc thay đổi quy mô, công suất, công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan xác nhận. Cơ quan xác nhận có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
2. Cơ sở phải nộp hồ sơ xác nhận lại hệ thống quản lý môi trường trước thời điểm giấy xác nhận hệ thống quản lý môi trường hết hiệu lực ít nhất là 90 ngày. Hồ sơ xác nhận lại bao gồm:
a) Đơn đề nghị xác nhận lại;
b) Giấy xác nhận hệ thống quản lý môi trường;
c) Báo cáo tuân thủ nội dung hệ thống quản lý môi trường đã được xác nhận.
Trường hợp có thay đổi trong nội dung hệ thống quản lý môi trường đã được xác nhận thì cơ sở phải nêu rõ việc thay đổi này.
3. Quy trình xác nhận lại hệ thống quản lý môi trường thực hiện theo quy định tại Điều 28 Nghị định này. Thời hạn xử lý hồ sơ, cấp lại giấy xác nhận hệ thống quản lý môi trường không quá 20 ngày.
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sau đây phải có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật:
a) Hoạt động dầu khí bao gồm hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, kể cả các hoạt động phục vụ trực tiếp cho các hoạt động này;
b) Sản xuất, kinh doanh hóa chất, xăng dầu;
c) Sử dụng tàu biển chuyên dùng để vận chuyển dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác khi hoạt động trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam;
d) Lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại; vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.
2. Căn cứ vào loại hình, quy mô, tính chất, địa điểm hoạt động, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan lập danh mục đối tượng phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường; quy định mức trách nhiệm tối thiểu đối với từng đối tượng.
3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro.
1. Đối tượng bảo hiểm của bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm đối với các chi phí phát sinh để thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường trong các trường hợp sau:
a) Môi trường nước phục vụ mục đích bảo tồn, sinh hoạt, giải trí, sản xuất và mục đích khác bị ô nhiễm, ô nhiễm nghiêm trọng, ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Môi trường đất phục vụ cho các mục đích bảo tồn, sản xuất và mục đích khác bị ô nhiễm, ô nhiễm nghiêm trọng, ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Hệ sinh thái tự nhiên thuộc và không thuộc khu bảo tồn thiên nhiên bị suy thoái;
d) Loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật bị chết, bị thương.
2. Phạm vi môi trường bị tác động được xác định tùy theo loại hình, quy mô, tính chất, địa điểm hoạt động của tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm trách nhiệm.
1. Việc xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải được tiến hành khách quan, công bằng, đúng pháp luật; căn cứ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và mức độ vi phạm của các hành vi gây ô nhiễm môi trường, bao gồm:
a) Hành vi xả nước thải, khí thải, bụi vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;
b) Hành vi gây tiếng ồn, độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;
c) Hành vi chôn lấp, thải vào đất, môi trường nước các chất gây ô nhiễm ở thể lỏng, rắn, bùn không đúng quy định làm môi trường đất, nước, không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh.
2. Các yếu tố xác định mức độ vi phạm của hành vi gây ô nhiễm môi trường
a) Đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này bao gồm: Lượng nước thải, lưu lượng khí thải, bụi của cơ sở; số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường của các thông số môi trường đặc trưng và số các thông số môi trường đặc trưng vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải có trong nước thải, khí thải, bụi của cơ sở;
b) Đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này bao gồm: Số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn, độ rung; đối tượng chịu tác động; thời điểm và địa điểm diễn ra hành vi;
c) Đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này bao gồm: Số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, nước ngầm, nước biển, không khí xung quanh và môi trường đất của các thông số môi trường do các hành vi này gây ra.
3. Thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường được xác định trên cơ sở kết quả quan trắc thông số môi trường đó đối chiếu với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường tương ứng được thực hiện bởi đơn vị có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
1. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính phải được đưa vào danh mục kèm theo biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường và thời hạn thực hiện, trừ các trường hợp bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động.
2. Biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi đưa vào danh mục bao gồm:
a) Di dời địa điểm đến vị trí phù hợp với quy hoạch và sức chịu tải của môi trường;
b) Cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;
c) Cải tạo, phục hồi môi trường tại khu vực đã gây ô nhiễm.
3. Trong thời gian thực hiện biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm phù hợp. Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm của cơ sở phải được xác định trong danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá kết quả và xác nhận hoàn thành các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; chủ trì thanh tra, kiểm tra công tác xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi cả nước.
1. Các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường có trách nhiệm gửi Sở Tài nguyên và Môi trường kết quả thanh tra, kiểm tra và hồ sơ có liên quan sau 05 ngày kể từ ngày ban hành thông báo kết luận thanh tra, kiểm tra (trừ các cơ sở do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện thanh tra, kiểm tra).
2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kết quả kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường, kết quả trưng cầu giám định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và căn cứ tiêu chí phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Sở Tài nguyên và Môi trường lập danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời gửi danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho Bộ, ngành có liên quan.
3. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đồng thời báo cáo danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn và các hồ sơ có liên quan để Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đối với cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, ngành thì phải tham khảo ý kiến của Bộ, ngành liên quan trước khi đưa vào danh mục.
4. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành kết luận kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường, kết quả trưng cầu giám định và căn cứ tiêu chí phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an lập danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, đồng thời gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để theo dõi.
5. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an gửi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc phạm vi quản lý và các hồ sơ có liên quan để Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, báo cáo của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và dựa trên kết quả thanh tra, trưng cầu giám định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoặc phê duyệt danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.
7. Danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải kèm theo biện pháp xử lý được quy định tại Khoản 2 Điều 34 Nghị định này.
1. Danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và biện pháp xử lý sau khi phê duyệt được gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ sở có hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau 05 ngày kể từ ngày phê duyệt.
2. Sau khi nhận được quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đăng tải thông tin về cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường cho đến khi cơ sở được chứng nhận đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường.
3. Sau khi nhận được quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm đăng tải thông tin về cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại địa bàn trên trang thông tin điện tử của tỉnh, trên các phương tiện thông tin đại chúng cho đến khi cơ sở được chứng nhận đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường; đồng thời phổ biến quyết định phê duyệt danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cơ sở có hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng biết.
4. Sau khi nhận được quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:
a) Đăng tải thông tin về các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang hoạt động trên địa bàn phải thực hiện biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên trang thông tin điện tử của địa phương cho đến khi cơ sở được chứng nhận đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường; đồng thời phổ biến quyết định phê duyệt danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở có hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng biết;
b) Thông tin thường xuyên về việc cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn phải thực hiện biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên hệ thống truyền thanh của địa phương.
5. Sau khi nhận được quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:
a) Niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã thông tin về các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang hoạt động trên địa bàn phải thực hiện biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Thông báo thông tin về các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang hoạt động trên địa bàn phải thực hiện biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tới các thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố và tương đương, các tổ chức chính trị - xã hội của xã để biết và phối hợp giám sát việc thực hiện.
1. Nhà nước thực hiện ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế đối với hoạt động bảo vệ môi trường; trợ giá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường và các ưu đãi, hỗ trợ khác đối với hoạt động bảo vệ môi trường.
2. Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ tương ứng cho các hoạt động đó theo quy định tại Nghị định này.
3. Trường hợp hoạt động bảo vệ môi trường cùng được ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo văn bản có quy định mức ưu đãi, hỗ trợ cao hơn.
4. Trường hợp pháp luật, chính sách mới được ban hành quy định ưu đãi, hỗ trợ cao hơn so với ưu đãi, hỗ trợ mà nhà đầu tư đã được hưởng theo quy định tại Nghị định này thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt nội dung ưu đãi, hỗ trợ đối với dự án đầu tư theo quy định tại Nghị định này.
5. Mức độ và phạm vi ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được điều chỉnh bảo đảm phù hợp với chính sách về bảo vệ môi trường từng thời kỳ.
1. Đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ bao gồm các tổ chức, cá nhân có hoạt động đầu tư công trình bảo vệ môi trường; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về bảo vệ môi trường được quy định tại Phụ lục III Nghị định này.
2. Hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ về bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ.
3. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định các dạng năng lượng tái tạo khác theo quy định tại Khoản 13 Phụ lục III Nghị định này.
Chủ đầu tư dự án xây dựng công trình bảo vệ môi trường quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 6 Phụ lục III Nghị định này được hưởng hỗ trợ về đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng như sau:
1. Nhà nước ưu tiên bố trí quỹ đất gắn với các công trình, hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, năng lượng) sẵn có ngoài phạm vi dự án nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.
2. Trong trường hợp Nhà nước không bố trí được quỹ đất gắn với các công trình, hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật sẵn có ngoài phạm vi dự án nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực, chủ đầu tư dự án được hưởng chính sách như hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật về đầu tư.
1. Chủ dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung quy định tại Khoản 1 Phụ lục III Nghị định này và xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn thông thường tập trung quy định tại Khoản 2 Phụ lục III Nghị định này được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai như các đối tượng thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư và được Nhà nước hỗ trợ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Trong trường hợp chủ đầu tư dự án đã ứng trước kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ được khấu trừ theo quy định của pháp luật về đất đai.
2. Chủ dự án xây dựng công trình quy định tại các Khoản 4, 5, 9, 10 Phụ lục III Nghị định này được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai như các đối tượng thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.
3. Chủ dự án thực hiện các hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất được quy định tại các Khoản 11, 12, 13, 14 Phụ lục III Nghị định này được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai như các đối tượng thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.
1. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải di dời (sau đây gọi là cơ sở) nếu được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 (trước thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực) hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp mà tiền sử dụng đất đã nộp cho Nhà nước hoặc tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã trả có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì được sử dụng toàn bộ tiền bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (sau khi đã trừ các khoản chi phí tổ chức bán đấu giá) và được ghi vào vốn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật để trả tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chi phí di dời, chi phí đổi mới, nâng cấp công nghệ và thực hiện dự án đầu tư tại cơ sở sản xuất mới.
Trường hợp đất tại cơ sở sản xuất cũ được thu hồi và sử dụng vào mục đích công cộng thì cơ sở được Nhà nước cấp vốn để trả tiền sử dụng đất, chi phí di dời, cải tiến, đổi mới, nâng cấp công nghệ và thực hiện dự án đầu tư tại cơ sở sản xuất mới tương ứng với giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của khu đất đó tính theo giá đất thị trường tại thời điểm thu hồi.
2. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải di dời nếu được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 hoặc cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp mà tiền sử dụng đất hoặc tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì được chuyển mục đích sử dụng đối với diện tích đất tại cơ sở cũ nhưng phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trường hợp cơ sở không có nhu cầu sử dụng đất thì được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác để sử dụng theo quy hoạch trong thời gian còn lại theo quy định của pháp luật về đất đai.
1. Ưu đãi từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, quỹ bảo vệ môi trường địa phương và các tổ chức tín dụng khác:
a) Chủ đầu tư dự án thực hiện hoạt động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Phụ lục III Nghị định này nếu áp dụng công nghệ xử lý có tỷ lệ chất thải phải chôn lấp sau xử lý dưới 30% trên tổng lượng chất thải rắn thu gom thì được vay vốn với lãi suất ưu đãi tối đa không quá 50% mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước do cơ quan có thẩm quyền công bố tại thời điểm cho vay, tổng mức vay vốn không quá 80% tổng mức đầu tư xây dựng công trình; được ưu tiên hỗ trợ sau đầu tư hoặc bảo lãnh vay vốn;
b) Chủ đầu tư dự án thực hiện các hoạt động quy định tại Phụ lục III Nghị định này mà không thuộc Điểm a Khoản 1 Điều này được vay vốn với lãi suất ưu đãi tối đa không quá 50% mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước do cơ quan có thẩm quyền công bố tại thời điểm cho vay, tổng mức vay vốn không quá 70% tổng mức đầu tư xây dựng công trình; được ưu tiên hỗ trợ sau đầu tư hoặc bảo lãnh vay vốn.
2. Ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam:
Chủ đầu tư dự án thực hiện các hoạt động quy định tại Phụ lục III Nghị định này được hưởng ưu đãi về tín dụng đầu tư như các dự án thuộc danh mục vay vốn tín dụng đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Chủ đầu tư dự án thực hiện hoạt động quy định tại Khoản 11 Phụ lục III Nghị định này, ngoài việc được hưởng các ưu đãi như quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này còn được Nhà nước hỗ trợ 10% tổng vốn đầu tư thiết bị triển khai ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường.
4. Chủ đầu tư dự án thực hiện hoạt động được quy định tại Phụ lục III Nghị định này, trừ hoạt động quy định tại Khoản 3 và Khoản 8 Phụ lục III Nghị định này, nếu là dự án được quy định trong các kế hoạch, chiến lược được Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội ban hành và thuộc các lĩnh vực quy định tại Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn thi hành thì được ưu tiên xem xét, sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
5. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn trình tự, thủ tục để hỗ trợ vốn đầu tư quy định tại Khoản 3 Điều này.
6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết thực hiện quy định tại Khoản 4 Điều này.
7. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc cho vay vốn và thực hiện hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư đối với các dự án vay vốn từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn việc cho vay vốn và thực hiện hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư đối với các dự án vay vốn từ quỹ bảo vệ môi trường địa phương.
Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện các dự án đầu tư mới quy định tại các Khoản 1, 2, 4, 5, 6, 9, 10 Phụ lục III Nghị định này và thực hiện các dự án sản xuất mới quy định tại các Khoản 11, 12, 13, 14 Phụ lục III Nghị định này được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như các đối tượng thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
1. Máy móc, phương tiện, dụng cụ, vật liệu dùng cho các hoạt động quy định tại Khoản 10 và Khoản 14 Phụ lục III Nghị định này khi nhập khẩu được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu như các đối tượng thuộc lĩnh vực được đặc biệt khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
2. Bộ Tài chính quy định việc miễn, giảm thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm quy định tại Khoản 12 Phụ lục III Nghị định này khi xuất khẩu.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết danh mục sản phẩm quy định tại Khoản 12 Phụ lục III Nghị định này.Bổ sung
1. Hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh từ hoạt động bảo vệ môi trường áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
2. Thủ tướng Chính phủ quy định ưu đãi thuế giá trị gia tăng đối với một số sản phẩm, dịch vụ bảo vệ môi trường đặc thù.
Chủ dự án thực hiện các hoạt động, cung ứng các sản phẩm sau đây nếu đáp ứng các tiêu chí về sản phẩm, dịch vụ công ích thì được trợ giá theo quy định của pháp luật về sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích:
1. Hoạt động quy định tại Khoản 2 và Khoản 9 Phụ lục III Nghị định này, hoạt động quan trắc môi trường nền quy định tại Khoản 8 Phụ lục III Nghị định này.
2. Sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại Khoản 12 và Khoản 13 Phụ lục III Nghị định này.
1. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm ưu tiên mua sắm công sản phẩm quy định tại Khoản 12 và Khoản 13 Phụ lục III Nghị định này khi mua sắm loại sản phẩm đó.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy chế về mua sắm công đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường theo quy định tại Khoản này.
2. Tổ chức, cá nhân ưu tiên mua sắm các sản phẩm thân thiện với môi trường theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các hoạt động sau:
a) Quảng bá sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ;
b) Sản xuất và phổ biến các thể loại phim, chương trình truyền hình về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường;
c) Cung cấp miễn phí các dụng cụ cho người dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt, sản phẩm thải bỏ tại nguồn.
2. Chi phí thực hiện các hoạt động quy định tại Khoản 1 Điều này được hạch toán vào chi phí sản xuất của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã.
3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện chính sách khuyến khích quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
1. Định kỳ hai năm một lần, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức bình chọn, trao giải thưởng và tôn vinh tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể cơ cấu giải thưởng, tiêu chuẩn và thủ tục xét tặng các giải thưởng; phối hợp với Bộ Tài chính quy định cụ thể mức chi cho giải thưởng về bảo vệ môi trường.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể đối với các giải thưởng về bảo vệ môi trường của địa phương.
4. Kinh phí cho việc tổ chức và trao giải thưởng được chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, tài trợ của các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.Bổ sung
1. Cộng đồng dân cư có thể lựa chọn tổ chức hoặc cá nhân làm người đại diện cộng đồng dân cư thông qua cuộc họp toàn thể hoặc đại diện hộ gia đình trong cộng đồng dân cư.
2. Tổ chức, cá nhân chấp thuận làm người đại diện của cộng đồng dân cư có trách nhiệm thực hiện những hoạt động trong phạm vi được cộng đồng ủy quyền và chịu trách nhiệm trước cộng đồng dân cư và pháp luật về những hoạt động của mình.
1. Thông tin môi trường được cung cấp định kỳ ít nhất một năm một lần bao gồm:
a) Các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường;
b) Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, địa phương; các báo cáo chuyên đề về môi trường do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường xây dựng và công bố;
c) Danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các khu vực môi trường bị ô nhiễm, bị suy thoái nghiêm trọng; khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường lập và công bố;
d) Danh sách, thông tin về các nguồn thải, các loại chất thải có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người và môi trường do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường lập và công bố;
đ) Các xuất bản phẩm, ấn phẩm theo chuyên đề về môi trường, tài liệu truyền thông về môi trường và các vấn đề liên quan;
e) Kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn dân cư;
g) Hoạt động bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn dân cư;
h) Giấy phép liên quan đến khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn dân cư.
2. Thông tin môi trường được cung cấp bằng một trong các hình thức sau:
a) Tài liệu, ấn phẩm, xuất bản phẩm được thông báo rộng rãi địa chỉ phát hành trên các phương tiện thông tin đại chúng;
b) Đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; chủ đầu tư dự án; chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
c) Niêm yết công khai tại cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ; trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã;
d) Tổ chức họp báo công bố công khai;
đ) Họp phổ biến thông tin cho cộng đồng dân cư;
e) Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
3. Thời gian công khai thông tin theo hình thức quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 2 Điều này tối thiểu là 30 ngày.
4. Trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường cho cộng đồng dân cư:
a) Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường có trách nhiệm cung cấp các thông tin quy định từ Điểm a đến Điểm e Khoản 1 Điều này;
b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm cung cấp thông tin quy định tại Điểm g và Điểm h Khoản 1 Điều này.
1. Các chủ trương, chính sách của Nhà nước sau đây cần có sự tham vấn của cộng đồng dân cư về môi trường trước khi quyết định:
a) Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án bảo vệ môi trường cấp quốc gia, vùng, liên vùng và cấp tỉnh;
b) Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường;
c) Xác lập các chỉ tiêu về môi trường trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, liên vùng, vùng và cấp tỉnh.
2. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước khi quyết định các chủ trương, chính sách quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm tổ chức tham vấn cộng đồng dân cư về môi trường thông qua việc công bố công khai dự thảo văn bản trên các trang thông tin điện tử hoặc phương tiện thông tin đại chúng.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận và xử lý các ý kiến tham vấn về môi trường của cộng đồng dân cư; phản hồi với cộng đồng dân cư việc tiếp thu hay không tiếp thu các ý kiến tham vấn về môi trường của cộng đồng dân cư thông qua các hình thức quy định tại Khoản 2 Điều 51 Nghị định này.
4. Hoạt động tham vấn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường thực hiện theo quy định của pháp luật về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường.
5. Hoạt động giám sát đầu tư công về bảo vệ môi trường của cộng đồng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
1. Đại diện cộng đồng dân cư được quyền tham gia đánh giá kết quả bảo vệ môi trường đối với các đối tượng sau đây:
a) Chủ dự án trong việc thực hiện các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và thực hiện nội dung các giấy phép liên quan đến khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường;
b) Tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường; thực hiện nội dung các giấy phép liên quan đến khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường;
c) Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong thực hiện cam kết bảo vệ môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường; thực hiện nội dung các giấy phép liên quan đến khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường.
2. Nội dung đánh giá:
a) Việc thực hiện nội dung các giấy phép liên quan đến khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường;
b) Thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường; cam kết bảo vệ môi trường; kế hoạch bảo vệ môi trường;
c) Thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.
3. Căn cứ vào thông tin môi trường của cơ sở được cung cấp định kỳ, cộng đồng dân cư hoặc đại diện cộng đồng dân cư đánh giá việc thực hiện các hoạt động liên quan đến nội dung đánh giá được nêu tại Khoản 2 Điều này theo tiêu chí thực hiện đúng, đủ nội dung. Đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư là một trong những căn cứ cho việc khen tặng thành tích trong công tác bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
1. Nhà nước khuyến khích và có cơ chế chính sách hỗ trợ cộng đồng dân cư xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình cộng đồng bảo vệ tài nguyên và môi trường, phát triển bền vững, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu.
2. Cộng đồng dân cư có trách nhiệm tham gia vào việc xây dựng mục tiêu, chương trình hoạt động, giám sát, đánh giá hiệu quả của chương trình bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia; tham gia quản lý, bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia.
3. Cộng đồng dân cư có quyền chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện các mô hình bảo vệ tài nguyên và môi trường dựa vào cộng đồng, cùng với các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tham gia giám sát, kiểm tra việc quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia.
4. Cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp và hướng dẫn cộng đồng dân cư xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng, mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững; ban hành cơ chế khuyến khích cộng đồng bảo vệ môi trường, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, các mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững.
1. Hồ sơ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận để giải quyết theo thủ tục hành chính về môi trường trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì được xử lý theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận.
2. Hoạt động bảo vệ môi trường, sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường đã được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ theo Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường thì tiếp tục được hưởng ưu đãi, hỗ trợ trong thời gian còn lại; trường hợp thuộc đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ cao hơn theo quy định tại Nghị định này thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung của dự án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc đề án cải tạo, phục hồi môi trường đã được Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện đã phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận hoàn thành phương án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung của dự án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc đề án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc dự án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung hoặc đề án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung đã được Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực.
5. Đối với các dự án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc dự án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung, đề án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc đề án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung đã được phê duyệt trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thì không phải lập phương án hoặc phương án bổ sung theo hướng dẫn tại Nghị định này.
6. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã thực hiện ký quỹ trước ngày Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản có hiệu lực nhưng có nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường không phù hợp với nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị định này thì phải xây dựng lại phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định tại Nghị định này, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 31 tháng 12 năm 2016.
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2015.
2. Các văn bản sau hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực:
a) Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;
b) Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;
c) Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường;
d) Quyết định số 18/2013/QĐ-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị định này; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành trái với quy định của Luật Bảo vệ môi trường, của Nghị định này để sửa đổi, bổ sung.
2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc thực hiện và kiểm tra tình hình thực hiện Nghị định này; hướng dẫn đào tạo, tập huấn, truyền thông, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
DANH MỤC NGÀNH NGHỀ ĐƯỢC KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN TẠI LÀNG NGHỀ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ)
TT |
Loại hình sản xuất |
Quy mô |
I |
SẢN XUẤT HÀNG THỦ CÔNG MỸ NGHỆ HOẶC ĐỒ GIA DỤNG |
Không quá 10 lao động/cơ sở |
1 |
Đan mây, tre, trúc, giang, ... đan lờ lợp, cần xé, đan bội, lục bình, se trân, đan mê bồ |
|
2 |
Thêu, ren, đan, móc |
|
3 |
Thảm sợi xơ dừa, chỉ xơ dừa |
|
4 |
Gạch ngói truyền thống, gốm sứ, lợn đất, lò đất, đúc lu |
|
5 |
Đồ mỹ nghệ từ dừa, vỏ hải sản khô |
|
6 |
Làm nón, chiếu, chổi |
|
7 |
Cơm dẹp, chằm lá dừa nước |
|
8 |
Guốc gỗ, cối, chày, thớt, đũa |
|
9 |
Sản xuất hương |
|
10 |
Đồ gỗ, sơn mài, sừng mỹ nghệ |
|
11 |
Kim loại và đá quý |
|
12 |
Ươm tơ, dệt vải, dệt lụa, dệt nhiễu, dệt lanh, dệt thổ cẩm |
|
13 |
Tranh dân gian, lưới vó, giấy dó, giấy bản |
|
14 |
Nhạc cụ dân tộc |
|
15 |
Thuốc nam |
|
16 |
Cào bông, đan tơ lưới, lược bí |
|
17 |
Hầm than củi |
|
18 |
Đúc, rèn truyền thống để sản xuất nông cụ và đồ gia dụng |
Quy mô dưới 0,2 tấn/ngày/cơ sở |
19 |
Chế tác đá |
Không quá 10 lao động/cơ sở; không có công đoạn cưa, xẻ nguyên liệu |
II |
NUÔI, TRỒNG SINH VẬT CẢNH |
Không quá 10 lao động/cơ sở |
III |
CHẾ BIẾN, BẢO QUẢN THỦ CÔNG NÔNG SẢN, LÂM SẢN, THỦY SẢN, HẢI SẢN LÀM THỰC PHẨM |
|
1 |
Chè |
Dưới 0,1 tấn sản phẩm/ngày/cơ sở |
2 |
Các loại thịt sấy khô, lạp xưởng |
Dưới 0,1 tấn sản phẩm/ngày/cơ sở |
3 |
Sản xuất mía đường, làm cốm |
Dưới 0,1 tấn sản phẩm/ngày/cơ sở |
4 |
Mứt, bánh kẹo thủ công - Hà Nội |
Dưới 0,1 tấn sản phẩm/ngày/cơ sở |
5 |
Sản xuất các loại nước mắm, nước tương thủ công |
Dưới 500 lít sản phẩm/ngày/cơ sở |
6 |
Sản xuất đậu, các loại bún, bánh, miến |
Dưới 0,1 tấn sản phẩm/ngày/cơ sở |
7 |
Nấu rượu |
Dưới 100 lít sản phẩm/ngày/cơ sở |
8 |
Chế biến thủy sản, hải sản |
Dưới 0,1 tấn sản phẩm/ngày/cơ sở |
9 |
Chế biến tinh bột |
Dưới 0,1 tấn/ngày/cơ sở |
PHỤ LỤC II
DANH MỤC CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ PHẢI THỰC HIỆN XÁC NHẬN HỆ THỐNG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ)
TT |
Loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ |
Quy mô/công suất |
1. |
Cơ sở sản xuất có chứa chất phóng xạ hoặc phát sinh chất thải phóng xạ |
Vượt quá mức miễn trừ theo quy định của pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ |
2. |
Nhà máy lọc, hóa dầu; cơ sở khai thác dầu khí |
Tất cả |
3. |
Cơ sở sản xuất hóa chất cơ bản, sơn và mực in, cao su, thuốc bảo vệ thực vật, chất tẩy rửa, phụ gia, phân hóa học |
Công suất từ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên |
4. |
Cơ sở khai thác đất hiếm, khoáng sản có tính phóng xạ; tuyển, làm giàu đất hiếm, khoáng sản có tính phóng xạ |
Công suất từ 50.000 tấn sản phẩm/năm trở lên; |
5. |
Cơ sở phá dỡ tàu biển |
Tất cả |
6. |
Cảng biển |
Tiếp nhận tàu có trọng tải từ 50.000 DWT trở lên |
7. |
Cơ sở sản xuất ắc quy |
Công suất từ 300.000 KWh/năm trở lên hoặc 600 tấn sản phẩm/năm trở lên |
8. |
Cơ sở khai thác khoáng sản rắn (bao gồm đất đá thải, khoáng sản) |
Công suất từ 500.000 m3 nguyên khai/năm trở lên |
9. |
Cơ sở chế biến, tinh chế đất hiếm, kim loại màu, khoáng sản có tính phóng xạ |
Công suất từ 200.000 tấn sản phẩm/năm trở lên |
10. |
Cơ sở luyện gang thép |
Công suất từ 200.000 tấn sản phẩm/năm trở lên |
11. |
Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, khu đô thị |
Diện tích từ 200 ha trở lên |
12. |
Khu tái chế, xử lý, chôn lấp, tiêu hủy chất thải nguy hại thu gom từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ |
Tất cả |
13. |
Khu tái chế, xử lý, chôn lấp, tiêu hủy chất thải rắn thông thường |
Công suất từ 250 tấn/ngày đêm trở lên |
14. |
Cơ sở vận hành hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung |
Công suất từ 5.000 m3 nước thải/ngày đêm trở lên. |
15. |
Cơ sở chế biến thủy sản |
Công suất từ 5.000 tấn sản phẩm/năm trở lên |
16. |
Nhà máy sản xuất xi măng |
Công suất từ 1.200.000 tấn/năm trở lên |
17. |
Nhà máy sản xuất bột giấy |
Công suất từ 25.000 tấn sản phẩm/năm trở lên |
18. |
Nhà máy sản xuất cồn, rượu |
Công suất từ 1.000.000 lít sản phẩm/năm trở lên |
19. |
Nhà máy sản xuất bia, nước giải khát |
Công suất từ 50.000.000 lít sản phẩm/năm trở lên |
DANH MỤC HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐƯỢC ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ)
1. Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500m3 nước thải trở lên trong một ngày đêm đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên.
2. Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung.
3. Xử lý chất thải nguy hại, đồng xử lý chất thải nguy hại.
4. Xử lý, cải tạo các khu vực môi trường bị ô nhiễm tại các khu vực công cộng.
5. Ứng cứu, xử lý sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất và sự cố môi trường khác.
6. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp làng nghề.
7. Di dời, chuyển đổi hoạt động của cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
8. Quan trắc môi trường.
9. Dịch vụ hỏa táng, điện táng.
10. Giám định thiệt hại về môi trường; giám định sức khỏe môi trường; giám định về môi trường đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ.
11. Sản xuất ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được nhà nước bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
12. Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận.
13. Sản xuất xăng, nhiên liệu diezen và nhiên liệu sinh học được chứng nhận hợp quy; than sinh học; năng lượng từ sử dụng sức gió, ánh sáng mặt trời, thủy triều, địa nhiệt và các dạng năng lượng tái tạo khác.
14. Sản xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; quan trắc và phân tích môi trường; sản xuất năng lượng tái tạo; xử lý ô nhiễm môi trường; ứng phó, xử lý sự cố môi trường.
15. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cơ sở thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường chứng nhận nhãn sinh thái.
MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ THẨM ĐỊNH, XÁC NHẬN KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG PHÁ DỠ TÀU BIỂN ĐÃ QUA SỬ DỤNG
(Ban hành kèm theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ)
TÊN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
V/v đề nghị đánh giá, phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng |
….., ngày … tháng … năm … |
Kính gửi: Tổng cục Môi trường.
1. Tên doanh nghiệp ..................................................................................................
Tên giao dịch: ............................................................................................................
2. Địa chỉ trụ sở: ........................................................................................................
Điện thoại: ……………………………………..; Fax: ................................................... ;
E-mail: .......................................................................................................................
3. Họ và tên người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp:..................................
....................................................................................................................................
....................................................................................................................................
4. Quyết định thành lập/Giấy đăng ký kinh doanh số ……………………….., cơ quan cấp:……….., ngày cấp ………………….. tại ……………………………
Chúng tôi gửi kèm theo văn bản này Kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ con tàu có số đăng ký là ………., quốc tịch ………………………………..
Chúng tôi cam kết thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường gửi kèm theo văn bản này trong quá trình phá dỡ con tàu. Đề nghị Tổng cục Môi trường xem xét, thẩm định và xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường chúng tôi đã xây dựng. Ngoài ra, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.
Nơi nhận: |
ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC |
MẪU QUYẾT ĐỊNH XÁC NHẬN KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG PHÁ DỠ TÀU BIỂN ĐÃ QUA SỬ DỤNG
(Ban hành kèm theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ)
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /QĐ-TCMT |
Hà Nội, ngày tháng năm |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG PHÁ DỠ TÀU BIỂN ĐÃ QUA SỬ DỤNG
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 114/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng;
Căn cứ Nghị định số ngày tháng năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2014;
Căn cứ Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Thông tư số /2015/TT-BTNMT ngày tháng năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ;
Xét Kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng của (tên tổ chức)....kèm theo văn bản số …..;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm và Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ con tàu có số đăng ký…. quốc tịch…. của (tên doanh nghiệp, địa chỉ) đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường trong quá trình phá dỡ.
Điều 2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động phá dỡ tàu biển.
Điều 3. Điều này sẽ ghi trách nhiệm của tổ chức được chỉ định và các cơ quan liên quan.
(Tên tổ chức được chỉ định) và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TỔNG CỤC TRƯỞNG |
THE GOVERNMENT |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No.: 19/2015/ND-CP |
Hanoi, 14 February 2015 |
DETAILING THE IMPLEMENTATION OF A NUMBER OF ARTICLES OF THE LAW ON ENVIRONMENTAL PROTECTION
Pursuant to the Law on organization of Government dated 25 December 2001;
Pursuant to the Law on environmental protection dated 23 June 2014;
At the request of the Minister of of Natural Resources and Environment,
The Government issues this Decree detailing the implementation of a number of articles of the
law on environmental protection.
Article 1. Scope of adjustment
This Decree stipulates in detail: Point dd, Clause 1, Article 38; Clause 5, Article 61; Clause 3, Article 68; Clause 7, Article 70; Clause 3, Article 75; Clause 5, Article 104; Clause 3, Article 146; Clause 2, Article 151; Clause 3, Article 167 of the Law on environmental protection, including:
1. Environmental renovation, restoration and deposit making for environmental renovation, restoration of mineral extraction activities.
2. Control of land environment pollution.
3. Protection of handicraft village environment.
4. Environmental protection for importing activities and used ship breaking.
5. Certifyation of environmental management system; liability insurance for damages to the environment and handling of facilities which cause serious environmental pollution.
6. Incentives and support for environmental protection activities
7. Participation of residential community in environmental protection.
Article 2. Subjects of application
This Decree applies to organizations, agencies, households and individuals operating in the territory of the Socialist Republic of Vietnam, including the mainland, islands, waters and airspace.
Article 3. Interpretation of terms
In this Decree, the following terms are construed as follows:
1. Environmental renovation and restoration are activities to bring the environment and ecosystem in the effected environmental area closer to the original state of the environment or achievement of standards and regulations on safety, environment in service of purposes useful to human being.
2. Deposit making for environmental renovation and restoration is that the organizations or individuals deposit an amount of money in the Vietnam Environment Protection Fund or the local environmental protection fund (referred to as environmental protection fund) to ensure the responsibility for the environmental renovation and restoration of organizations and individuals for mineral extraction activities.
3. Plan for environmental renovation and restoration is the solutions to environmental renovation and restoration in mineral extraction activities approved by the competent state authorities.
4. Waste treatment is the process of using technological and technical solutions (different from pre-processing) in order to reduce, eliminate, isolate, burn, destroy or bury waste and hazardous elements in such waste.
5. Waste treatment facilities includes the hazardous waste treatment facility, the domestic solid waste treatment facility and normal waste treatment facility
6. Technical infrastructure for protection of handicraft village receiving the encouraged development includes the centralized water drainage, collection and treatment of wastewater system, point system and means of collection, gathering and transport of normal solid waste and hazardous waste and trees in public areas.
7. Environmentally friendly technologies are the ones causing less harm to the environment compared with similar ones during operation.
8. Environmentally friendly facilities are the one meeting criteria of effectively using energy, water saving, reduction, re-use and re-cycling of waste.
9. Environmentally friendly products are the ones meeting criteria of eco-label criteria and eco-label certification.
10. Residential community is the community of people living in the same hamlet, village, mountain village, highland village, residential group and residential point.
ENVIRONMENTAL RENOVATION AND RESTORATION AND PAYMENT OF DEPOSIT FOR ENVIRONMENTAL RENOVATION AND RESTORATION FOR MINERAL EXTRACTION ACTIVITIES
Article 4. General provisions on environmental renovation and restoration for mineral extraction activities
1. All organizations and individuals extracting minerals must have plan for environmental renovation and restoration and deposit making for environmental restoration to be submitted to the competent state authorities for approval.
2. The plan for environmental renovation and restoration must consist with the social – economic development planning, the mineral extraction planning and land use and environmental protection planning of localities.
3. The environmental renovation and restoration must be done during the mineral extraction.
4. The State encourages and creates favorable conditions for organizations and individuals extracting the mineral to continue their land lease to be entitled to incentive policies in case of environmental renovation and restoration into tourist attraction, ecological parks or recreation areas for the beneficial purpose to humans.
Article 5. Subjects for preparing plan for environmental renovation and restoration and additional plan for environmental renovation
1. The subjects that must prepare plan for environmental renovation and restoration (hereafter referred to as plan) include:
a) Organizations and individuals preparing dossier to request the issue of mining license;
b) Organizations and individuals that are carrying out their mineral extraction but have not had the approved plan or have not made a deposit for environmental restoration
c) Organizations and individuals extracting minerals already have the approved plan but fail to implement it within 24 months from the time of approval must prepare plan again.
2. The subjects that must prepare additional plan for environmental renovation and restoration (hereafter referred to as additional plan) include:
a) Organizations and individuals that already have the mining license and approved plan but have changed the area, depth and capacity of mineral extraction;
b) Organizations and individuals that request the change of contents of environmental renovation and restoration compared with the approved plan.
3. The following cases do not need to prepare plan:
a) Organizations and individuals that extract the minerals for common building materials in the boundary area of works construction investment project approved by the competent state authorities or given permission for investment anf the extracted products are used only for such works;
b) Households and individuals that carry out the mineral extraction for common building materials in the residential land area of the land use right of the households and individuals for building works in such area.
Article 6. Time to prepare and submit for assessment of contents of plan and additional plan
1. The time to prepare and submit for assessment of contents of plan and additional plan is provided for as follows:
a) Organizations and individuals having mineral extraction investment project specified at Point a, Clause 1, Article 5 must prepare and submit it to the competent authorities for assessment and approval before asking for the issue of mining license.
b) Organizations and individuals specified under Point b, Clause 1, Article 5, in addition to sanctioning of administrative violations, must prepare and submit the plan to the competent authorities for plan assessment and approval before 31 December 2016;
c) Organizations and individuals specified in Clause 2, Article 5 must prepare and submit the plan to the competent authorities for additional plan assessment and approval before asking for issue of new mineral license or change of solutions to environmental renovation and restoration.
2. The plan includes the following contents:
a) Characteristics of mineral extraction, current state of the natural, economic and social environment, and ecological system affected during the mining;
b) Solutions to environmental renovation and restoration; analysis, evaluation and selection of best solution for environmental renovation and restoration;
c) List and volume of items of environmental renovation and restoration for alternative solution;
d) Implementation plan; division of implementation plan by each year and each stage of environmental renovation and restoration; the management and monitoring program during the environmental renovation and restoration; plan for inspection and certifyation of plan completion;
dd) Cost estimate for environmental renovation and restoration for each item of environmental renovation and restoration of the selected plan; deposits as per road map.
3. Additional plan includes the following main contents:
a) Characteristics of mineral extraction, current state of the natural, economic and social environment of the project area at the time to prepare additional plan;
b) Changes in contents of environmental renovation and restoration compared with the approved plan; analysis, assessment and selection of best solution for environmental renovation and restoration;
c) Additional list and volume of items of environmental renovation and restoration;
d) Implementation plan; division of implementation plan by each year and each stage of environmental renovation and restoration; the management and monitoring program during the environmental renovation and restoration; plan for inspection and certifyation of additional plan completion;
dd) Cost estimate for environmental renovation and restoration for each additional item of environmental renovation and restoration, excluding the implemented items;
Article 7. Assessment and approval for plan and additional plan
1. The authority to assess and approve plan and additional plan is defined as follows:
a) The Ministry of Natural Resources and Environment shall assess and approve plan and additional plan of mining projects under its authority to issue the mining license;
b) The People’s Committee of provinces and centrally-run cities (referred to as provincial People’s Committee) shall assess and approve plan and additional plan of mining projects under its authority to issue the mining license;
2. The assessment of plan and additional plan is done through the assessment board. The composition of the board includes representatives of state management agencies on environmental, geological and mineral protection, expert related to the field of such plan, including: Chairman of the board, a deputy Chairman in case of necessity; one secretary, two opponents and other members. For plan under the assessment and approval authority of the Ministry of Natural Resources and Environment, the composition must include the representative of provincial People’s Committee where the plan is carried out.
3. The funding for assessment of plan or additional plan shall be born by the organizations and individuals carrying out the mineral extraction under regulations of law.
Article 8. Deposit making for environmental renovation and restoration of mineral extraction activities
1. The amount of deposit is equal to the total funding of works items of environmental renovation and restoration. The funding for each item of works of environmental renovation and restoration must apply the norm and unit price of localities at the time of preparation for plan or additional plan. In case the locality has no norm or unit price, the norm or unit price of respective Ministry or sector. In case the Ministry or sector has no norm or unit price, the market price shall be applied.
2. Organizations and individuals extracting minerals must make deposit annually or by each stage taking into account of inflation factors.
3. Organizations and individuals extracting minerals must make deposit in the Vietnam Environment Protection Fund or the local environmental protection fund. The deposit shall be refunded in Vietnam dong.
4. The deposit shall be entitled to interest which is equal to the borrowing interest of the environmental protection fund where the deposit is made and is calculated from the time of depositing. Organizations and individuals shall draw interest only once after having certification of completion of all contents of plan or additional plan.
5. The refund of deposit shall be done on the basis of organizations and individuals’ completion of each part or the whole of contents of environmental renovation and restoration under the approved plan or additional plan.
6. Where the organizations and individuals have made deposit but been dissolved and have not carried out the environmental renovation and restoration in accordance with the approved plan or additional plan, the agency having authority to approve the plan or additional plan shall use the amount of deposit including its interest for implementation of environmental renovation and restoration.
Article 9. Certifyation of completion of plan or additional plan
1. Organizations and individuals, after having completed each part or the whole contents of environmental renovation and restoration as per the approved plan or additional plan, shall prepare dossier of completion of plan or additional plan to request the inspection and certifyation of completion from the competent authorities.
2. The competent authorities having the authority to do the inspection and certifyation of completion of plan or additional plan is the authorities approving such plan or additional plan.
3. The inspection and certifyation of completion of entire contents of plan or additional plan is done during the acceptance of result of mine closing plan. The contents of decision on mine closing include the content of completion of entire plan or additional plan. The decision on mine closing supersedes the certifyation of completion of entire plan or additional plan.
Article 10. Responsibility of management authorities and units
1. Responsibilities of the Ministry of Natural Resources and Environment:
a) Develop and issue instructions on order, procedures, assessment contents, approval, inspection and certifyation of plan or addtional plan, deposit making for environmental renovation and restoration for mineral extraction activities;
b) Uniformly carry out the state management on environmental renovation and restoration and deposit making for environmental renovation and restoration for mineral extraction activities;
c) Assess, approve, inspect and certify the completion of plan or addtional plan under its authority;
d) Develop and issue the technical instructions on environmental protection, renovation and restoration in mineral extraction activities;
dd) Perform the periodic examination and inspection of environmental protection, renovation and restoration of organizations and individuals doing the mineral extraction and report to the Prime Minister on implementation result.
2. Responsibilities of ministries, ministerial-level agencies, government agencies (referred to as ministries and sectors):
a) Coordinate with the Ministry of Natural Resources and Environment in development and issue or submission to the competent level for the issue of documents related to the environmental renovation and restoration and deposit making for environmental renovation and restoration for mineral extraction activities;
b) Coordinate with the Ministry of Natural Resources and Environment and other agencies and organizations in implementation of regulations on environmental renovation and restoration and deposit making for environmental renovation and restoration for mineral extraction activities in accordance with the provisions in this Decree;
c) The Ministry of Finance shall take charge and coordinate with the Ministry of Natural Resources and Environment in instruction, management and use of deposit for environmental renovation and restoration from the environmental protection funds.
3. Responsibilities of the provincial People's Committees:
a) Assess, approve, inspect and certify the completion of plan or addtional plan under its authority;
b) Examine, inspect and provide instructions on environmental renovation and restoration and deposit making for environmental restoration of the organizations and individuals doing the mineral extraction in their management area;
c) Report to the Ministry of Natural Resources and Environment on the result of implementation of environmental renovation and restoration and deposit making for environmental restoration; reality of management and use of deposit before 31 December of each year.
4. Responsibilities of environmental protection funds:
a) Receive and confim in writing on deposit making of organizations and individuals doing mineral extraction;
b) Refund the deposit and its interest to the organizations and individuals under regulations;
c) Manage and use deposit in accordance with regulations of law. Make annual report to the provincial People’s Committee, the Ministry of Natural Resources and Environment and the Ministry of Finance on the reality of management and use of deposit.
d) Urge organizations and individuals extracting minerals to make deposit for environmental renovation and restoration on schedule and request the competent authorities to issue penalty decision due to late deposit.
5. Responsibilities of organizations and individuals extracting minerals
a) Prepare and submit plan or addtional plan to the competent level for assessment and approval; inform the contents of approved plan or addtional plan to the People’s Committee or communal Fatherland Front Committee where there are mineral extraction activities for inspection and supervision;
b) Carry out the environmental renovation and restoration and deposit for environmental renovation and restoration in accordance with regulation;
c) Develop and submit to the competent level, request the inspection and certify the completion of each part or the entire plan or addtional plan;
d) Make payment of assessment, inspection and certification of completion of plan or addtional plan in accordance with regulations of law;
dd) Report the implementation of environmental renovation and restoration and deposit making for environmental renovation and restoration to the agency approving the plan or addtional plan and the agency managing the environmental protection at localities before 15 December of each year.
CONTROL OF LAND ENVIRONMENT POLLUTION
Article 11. Identifying, listing, assessing and controlling factors prone to cause land environment pollution
1. The factors prone to cause land environment pollution to be identified, listed, assessed and controlled are the pollutants generated from:
a) Natural process: Climate change, flooding, saltwater intrusion, desertification, deposition of pollutants from the atmospheric circulation, natural disasters and natural weathering;
b) Human activities: Activities generate intentional or unintentional chemicals; wastes from agricultural, industrial production, business, services, livelihood; mineral extraction and processing; recycling and waste treatment; retention and residues of plant protection chemicals and chemical warfare agents.
2. The control of factors prone to cause land environment pollution must be done as follows:
a) Application of preventive measures and restricting effects on environment from the generating sources;
b) Regular monitoring and supervision;
c) Timely isolation and treatment upon signs of environmental pollution.
3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall take charge and coordinate with the Ministries, sectors and localities in review and aggregation and request the Prime Minister to issue the List of sources, business and production facilities and services generating factors of land environment pollution to be strictly controlled; provide instructions on listing, assessment, identification and preventive and controlling measures over the factors prone to cause land environment pollution.
Article 12. Control of land environment pollution at services, business and production facilities
1. The services, business and production facilities must take measures to strictly monitor and supervise stages and areas generating factors prone to cause land environment pollution; promptly detect, isolate and handle factors prone to cause land environment pollution upon signs of pollution; prepare and carry out plan for prevention and response to environmental incidents under regulations of law.
2. The following facilities must observe the quality of land environment periodically and report the result to the environmental management under regulations of the Ministry of Natural Resources and Environment:
a) Waste treatment facilities;
b) Mineral extraction facilities;
c) Chemical production facilities and services, business and production facilities using hazardous chemicals of the List of waste observation issued by the Ministry of Natural Resources and Environment as stipulated in Clause 2, Article 121 of the Law on environmental pollution.
3. Upon transfer of land use right, the receiver of land use right has the right to request the transferer of land use right to provide information on the quality of land environment in the area of transfer of land use right.
4. The facilities specified in Clause 2 of this Article, upon transfer of purpose of land use to residential land or commercial land, must assess the quality of land environment and make public the information between the subjects using land. The quality of land environment must be certified by the agency having the authority to approve the report on the environmental impact or by the agency having the authority to certify the environmental protection plan in accordance with the purpose of use as residential land or commercial land. Where the quality of land in the area of transfer of purpose of use does not consist with the purpose of use as residential land or commercial land, the person who is using the land and the person who will use the land for the purpose of residential land or commercial land must have plan for land environment treatment to consist with the purpose of use.
Article 13. Control of land environment pollution in the areas polluted with chemical warfare agents, residues of plant protection chemicals and other hazardous substances
1. The polluted land areas under the treatment responsibility of the State include:
a) The area of land environment pollution due to chemical warfare agents;
b) The area of land environment pollution due to residues of plant protection chemicals
c) The area of land environment pollution without identified pollutants.
2. The control of land environment pollution under the treatment responsibility of the State and must be done as follows:
a) Listing and preliminarily surveying the polluted areas and assessing the preliminary risks;
b) Surveying in detail, determing scope, extent of pollution and assessing risks of pollution;
c) Developing models and solutions to pollution treatment and environmental renovation and restoration;
d) Zoning, isolating, treating, renovating and restoring environment as per approved solutions.
dd) Peforming survey and monitoring after the environmental treatment, renovation and restoration.
3. The provincial People’s Committee shall prepare plan for environmental treatment, renovation and restoration for the subjects specified in Clause 1 of this Article to be submitted to the Ministry of Natural Resources and Environment for assessment and approval.
Where the organizations and individuals need the environmental treatment, renovation and restoration for other purposes of use, they must prepare the plan for the environmental treatment, renovation and restoration to be submitted to the provincial People’s Committee for assessment, approval, inspection and certification of completion of environmental renovation and restoration before land use.
4. The facilities named in the list specified in Clause 3, Article 11 of this Decree not being the subjects specified in Clause 1 of this Article must organize the survey, assessment, zoning, treatment and restoration upon occurrence of land environment pollution.
5. The quality of land environment in areas polluted with chemical warfare agents, residues of plant protection chemicals and other hazardous chemicals must be publicized to the related organizations and individuals.
Article 14. Responsibilities for control of land environment pollution of agencies
1. Ministry of Natural Resources and Environment:
a) Develops regulations and instructions on assessing the receipt capacity of land environment as per the purpose of use;
b) Issues the instructions on identification, listing, assessment, zoning and control of factors prone to cause land environment pollution, provides information on quality of land environment, certifies the quality of land in areas of transfer of purpose of land use to residential land or commercial land specified in Clause 4, Article 12 of this Decree;
c) Develops and updates the national information system on areas with polluted land and control of land environment pollution;
d) Aggregates and publicizes the quality of land environment and factors prone to cause land environment pollution nationwide;
dd) Provides method for publicizing information about the quality of land environment.
2. The Ministry of Defense, Ministry of Public Security shall take charge and coordinate with the provincial People's Committee to conduct a survey and do statistics of information about the quality of land environment of land used for national defense and security and send the results to the Ministry of Natural Resources and Environment for synthesis; organizes the treatment of areas with polluted land under their management.
3. Provincial People's Committee:
a) Organizes survey, assessment and publicizes information about factors prone to cause land environment pollution in the areas; observes the quality of land environment in public areas;
b) Publicizes information about the quality of land environment (map, report on assessment of land quality, land degradation and land pollution) under regulations of law on land; updates information on the control of land environment pollution in the areas in the national information system on control of land environment pollution.
c) Issues the warning towards the areas with the land quality inconsistent with the purpose of use; monitors and supervises the preparation and implementation of plan for treatment, renovation and restoration of land environment to consist with the purpose of use of land users or polluters named in the list specified in Clause 3, Article 11 of this Decree.
d) Implements the treatment of areas with polluted land
PROTECTION OF HANDICRAFT VILLAGE ENVIRONMENT
Article 15. General provisions on protection of handicraft village environment
1. The plan for protection of handicraft village environment includes the contents, methods, order of implementation of protection of handicraft village environment; types and volume of generated wastes; organization of protection of handicraft village environment in general, measures of reduction, collection and treatment of wastes generated from handicraft villages; arrangement of resources for implementation of environmental protection and responsibilities of related organizations
2. Infrastructure of environmental protection of handicraft villages with no less than 20% of the number of production facilities which have business categories receiving the encouraged development (referred to as handicraft village receiving the encouraged development) is invested from the state budget. The provincial People’s Committee shall allocate its local budget for technical infrastructure investment for environmental protection of handicraft village receiving the encouraged development and mobilize resources for technical infrastructure investment to protect the environment of handicraft villages in the area.
3. The production facilities which have business categories receiving the encouraged development at handicraft village are the ones named in the list specified in Annex I of this Decree. The Ministry of Natural Resources and Environment shall take charge and coordinate with the Ministries, sectors and localities in review for submission to the Prime Minister for amendment or supplementation of Annex I of this Decree in accordance with reality from time to time.
4. The Ministry of Natural Resources and Environment shall issue or request the competent level to issue incentive and supportive mechanisms and policies for facilities which have business categories receiving the encouraged development and handicraft villages receiving the encouraged development; coordinate with the Ministry of Natural Resources and Environment to provide for the criteria on environmental protection in recognition of handicraft villages.
Article 16. Responsibilities for environmental protection of production facilities in handicraft villages
1. Fully implementing measures of environmental protection mentioned in the report on environmental impact assessment, commitment of environmental protection, detailed environmental protection scheme, simple environmental protection scheme or report on measures of environmental protection.
Where the production facilities which have business categories receiving the encouraged development in the handicraft village have not the report on environmental impact assessment, commitment of environmental protection, detailed environmental protection scheme, simple environmental protection scheme, they must prepare the report on measures of environmental protection, describe activities of facilities, types of waste, measures of reduction and control of dust, temperature, noise, vibration, on-the-spot collection and treatment of wastewater, classification, storage, self-treatment or transfer of solid wastes which shall be sent to the local environmental management agency for testing and monitoring.
2. Contributing all of the environmental protection fees and financial obligations under regulations of law for the environmental protection of handicraft village.
3. The services, business and production facilities in the handicraft villages not being the subjects specified in Clause 3, Article 15 of this Decree must comply with the provisions in Clause 3, Article 70 of the Law on environmental protection and other provisions on environmental protection for services, business and production facilities.
Article 17. Responsibilities of communal People’s Committee
1. Prepares and submit the plan for protection of handicraft village environment in the areas for implementation.
2. Urges the preparation of contents of environmental protection in the village convention or regulation of handicraft villages.
3. Arranges officers qualified for law and environmental management to monitor the implementation of protection of handicraft village environment; provides instructions on activities of self-regulatory organizations for environmental protection of handicraft villages.
4. Gives priority to the allocation of environmental non-business funding and other funding for environmental protection, investment and renovation of technical infrastructure works for environmental protection in the handicraft villages which are encouraged to develop in the areas.
5. Carries out the management, operation and maintenance properly upon handover of technical infrastructure projects or works for protection of handicraft village environment.
6. Regularly provides instruction and inspect the implementation and handle violations of law on environmental protection of the facilities in the areas.
7. Propagates, disseminates information and improve conciousness for people about the responsibilities for environmental protection; gives instructions to facilities on recovery, recycling, re-use and treatment on the spot of wastes.
8. Publicizes information about the environmental reality and protection of handicraft village environment on the local mass media, via politica-social unions and organizations at localities and in the meetings of communal People’s Committee and People’s Council.
9. Reports to the district People’s Committee on the environmental protection and generation and treatment of wastes from handicraft villages in the area once a year before 30 October of each year or irregularly upon requirement.
Article 18. Responsibilities of district People’s Committee
1. Carries out the survey and listing of handicraft villages and handicraft villages receiving the encouraged development, production facilities which have business categories receiving the encouraged development inthe handicraft villages in the area; directs district business registration agency to consider and revoke the business household Certificate of the production facilities in the handicraft villages which do not have the business categories receiving the encouraged development, do cause serious environmental pollution and not ensure the required distance from residential areas.
2. Urges, approves and provides instructions to the communal People’s Committee on implementing and inspecting the implementation of plan for protection of handicraft village environment.
3. Directs the development, inspection and monitoring of implementation of environmental protection specified in the village regulation or convention of handicraft villages.
4. Reviews and suggests the planning of concentrated industrial clusters or arrangement of livestock area and concentrated production area outside residential area that meet the regulations on environmental protection to plan and implement the relocation of production facilities which do not have business categories receiving the encouraged development and cause environmental pollution out of residential areas.
5. Gives priority to the allocation of environmental non-business funding for environmental management and funding from other sources for investment, building, upgrade and renovation of technical infrastructure works for environmental protection in the handicraft villages which are encouraged to develop in the areas.
6. Provides instructions, carries out the examination, inspection and handles violation of law on environmental protection of production facilities in the area.
7. Propagates and disseminates regulations of law on environmental protection; organizes activities to encourage the services, business and production facilities to apply cleaner production solutions, environmentally friendly technologies, collection and recycling of waste materials.
8. Publicizes information about the environmental reality, protection of handicraft village environment on the local mass media and and in the meetings of district People’s Committee and People’s Council.
9. Aggregates and reports to the district People’s Committee on the environmental protection and generation and treatment of wastes from handicraft villages in the area once a year before 30 November of each year or irregularly upon requirement.
Article 19. Responsibilities of provincial People’s Committee
1. Aggregates and publicizes the list of handicraft villages and handicraft villages receiving the encouraged development, production facilities which have business categories receiving the encouraged development; the plan for handicraft village development and plan for conversion of business categories or relocation out of residential area for the production facilities which do not have business categories receiving the encouraged development and cause environmental pollution in the area.
2. Allocates funding from local budget for the protection of handicraft village environment. Gives priority to the allocation of environmental non-business funding and other sources of funding for environmental management and investment in building works for environmental protection, renovation and upgrade of technical infrastructure works for environmental protection to the handicraft villages which are encouraged to develop.
3. Develops and issues or requests the competent authorities to issue and implement the incentive and supportive mechanisms and policies to the production facilities which have business categories receiving the encouraged development; supportive mechanisms and policies to the facilities which cause environmental pollution and must be relocated out of residential area or must convert their production categories.
4. Ensure conditions for environmental protection in recognition of handicraft villages.
5. Assesses the extent of handicraft village pollution, prepares plans for treating the pollution of handicraft village environment, including:
a) Calculates volume of wastewater, waste gas, common solid waste and hazardous solid waste generated from the facilities in the handicraft villages;
b) Assesses the extent of environmental pollution of surface water, underground water, land and ambient air;
c) Prepares and takes measures to remedy the pollution of handicraft village environment.
6. Directs the planning, approval and allocation of funding of technical infrastructure for environmental protection to the handicraft villages which are encouraged to develop; carries out the planning of industrial parks, concentrated industrial cluster, livestock area or concentrated production area outside the residential areas that meets the regulations on environmental protection for relocating production facilities causing environmental pollution out of residential area.
7. Manages the collection, transport, re-cycling and treatment of rural waste or waste from operation of facilities in the handicraft village.
8. Provides instructions, examines, inspects and handles violations of law on environmental protection of the production facilities in the area.
9. Publicizing information about the environmental reality and the protection of handicraft village environment on local mass media and in the meetings of provincial People’s Committee and People’s Council.
10. Reports to the Ministry of Natural Resources and Environment on the environmental protection and generation and treatment of wastes from handicraft villages in the area once a year before 31 December of each year or irregularly upon requirement.
Article 20. Responsibilities of the Ministry of Natural Resources and Environment
1. Issues or requests the competent authorities to issue regulations and conditions on environmental protection for handicraft villages; the national technical Regulation on environment for production facilities which have business categories receiving the encouraged development; coordinates with the Ministry of Finance to issue or requests the competent level to issue the supportive and incentive mechanisms and policies on environmental protection for production facilities which have business categories and handicraft villages receiving the encouraged development.
2. Manages and updates information and data on protection of handicraft village environment nationwide; publicizes the list of handicraft villages causing environmental pollution and handicraft villages causing serious environmental pollution; instructs and inspects the implementation of regulations on protection of handicraft village environment.
3. Provides instructions on waste treatment generated from the activities of production facilities which are encouraged in the handicraft villages.
4. Provides instructions on contents and order of development and approval for the handicraft village environment protection plan; prepares reports on measures of environmental protection of production facilities which are encouraged in the handicraft villages.
5. Provides instructions and organizes the training, re-training, practice, experience dissemination, supply of information about environmental law, solutions to environmental protection, production towards environmentally friendly, exhibitions, fairs, promotion of environmentally friendly products and environmental technologies to the production facilities which are encouraged in the handicraft villages.
Article 21. Policies on encouraged development of handicraft villages and production facilities which have business categories receiving the encouraged development
1. Given priority to the allocation of budget for construction of environmental protection infrastructure under relevant laws; introduction and promotion of products in activities of commerce, tourism, training, dissemination of knowledge about environmental protection to the residential communities, self-regulatory organizations on environmental protection and communal environmental management officers.
2. Given priority in the process of review and approval and lending of incentive capital of credit institutions on environment, Vietnam Environment Protection Fund, the sectoral environmental protection fund and the local environmental protection fund for environmental protection proejcts under regulations on operational organization of the environmental protection fund.
3. Given priority in the review and selection of implementation of industrial and agricultural extension program and national target program on new rural development; given priority in receiving and implementing the models of waste treatment from international projects, duties, themes and projects from the state budget.
ENVIRONMENTAL PROTECTION FOR IMPORT OF USED SHIPS FOR BREAKING
Article 22. Environmental protection requirements for used ship breaking facilities
1. The project to build the ship breaking facilities must have the report on environmental impact assessment approved by the Ministry of Natural Resources and Environment.
2. The ship breaking facilities must apply the environmental management system standard as per the national standard TCVN ISO 14001.
3. When breaking each ship, the ship breaking facilities must make the environmental protection plan to be submitted to the Ministry of Natural Resources and Environment for approval. The plan consists of the following main contents:
a) Plan for prevention, response and remedy of environmental incidents during ship breaking;
b) Plan for collection, storage, transport and treatment of common and hazardous wastes during ship breaking;
c) Measures to treat wastewater and waste gas generated from the ship breaking to ensure the compliance with relevant national technical regulations on environment;
The Ministry of Natural Resources and Environment shall provide specific instructions on the procedures, dossier and organize the assessment and approval for environmental protection plan in used ship breaking activities.
4. The process of assessment and certification of environmental protection plan in used ship breaking activities.
a) The ship breaking facilities send the environmental protection plan in used ship breaking activities to the General Department of Environment 60 days before ship breaking as per the form specified in Annex IV of this Decree;
b) Within 20 days, the General Department of Environment shall organize the assessment and certification of environmental protection plan in used ship breaking activities.
c) Where the environmental protection plan in used ship breaking activities meet the requirements for environmental protection under regulations of law, within 10 days, the General Department of Environment shall issue a decision on approving the environmental protection plan in used ship breaking activities. The form of approval decision is specified in Annex V of this Decree;
d) Where the environmental protection plan in used ship breaking activities does not meet the requirements for environmental protection under regulations of law, within 5 days, the General Department of Environment shall give a written notice specifying reasons.
5. Conditions for technical and technological facilities and human resources on environmental protection for the ship breaking facilities:
a) Having dry dock or specialized open space on land and appropriate ashhore towing equipment ashore and ensuring conditions for environmental protection to be the direct site for ship breaking;
b) Having technologies and equipment to break and treat accompanied impurities meeting environmental technical regulation and in accordance with laws on waste management;
c) Having technical equipment and measures to control the pollution and environmental protection at the site of ship breaking;
d) Having employees who were issued with operational training certificate on environmental protection as required by the Ministry of Natural Resources and Environment.
Article 23. Environmental protection requirements to the imported ships for breaking
1. The import of ship for breaking, in addition to the implementation of importing procedures under current regulations, must present the certification of conformity with the environmental national technical regulations to the ships imported for breaking issued by the conformity certification organization.
2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall appoint the conformity certification organization under regulations of law on technical regulations and standards; provide instructions on the order and procedures for assessing conditions for environmental protection to the ships imported for breaking.
Article 24. Responsibilities of the Ministries, agencies and provincial People’s Committee for the import of used ships for breaking
1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall take charge in organizing the implementation of regulations on environmental protection for the import of used ships for breaking.
2. The Ministry of Transport shall coordinate with the Ministry of Natural Resources and Environment to implement the regulations on environmental protection for import of used ships for breaking.
3. The Ministries and sectors concerned within their authority shall coordinate with the Ministry of Natural Resources and Environment to implement the regulations on environmental protection for the import of used ships for breaking.
4. Within their power, the provincial People’s Committees shall organize the inspection and monitoring of compliance with law on environmental protection in the activities of ship breaking facilities under the provisions in this Decree and other relevant laws.
CERTIFICATION OF ENVIRONMENTAL MANAGEMENT SYSTEM; INSURANCE ON ENVIRONMENTAL DAMAGE COMPENSATION LIABILITY; HANDLING OF FACILITIES CAUSING SERIOUS ENVIRONMENTAL POLLUTION
Section 1: CERTIFICATION OF ENVIRONMENTAL MANAGEMENT SYSTEM
Article 25. Subjects obliged to implement certification of environmental management system
1. The services, business and production facilities which have come into operation with large amount of waste and prone to serious impact on environment named in the list specified in Annex II of this Decree must implement the certification of environmental management system.
2. The facilities having the valid certificate of conformity with national standard TCVN ISO 14001 issued by a certification organization which has registered its operational fields under regulations of law shall not have to implement the certification of environmental management system.
The head of facilities must send a written commitment to the agency with certification authority to certify confirm the compliance with all contents specified in Article 27 of this Decree.
3. The Prime Minister shall review and decide the modification of List of services, business and production facilities which must implement the certification of environmental management system as recommended by the Ministry of Natural Resources and Environment.
Article 26. Time to implement certification of environmental management system.
1. The facilities which are carrying out their services, business and production activities must implement the certification of environmental management system for the first time within 12 months from the effective date of this Decree.
2. The facilities not being the subjects specified in Clause 1 of this Article must implement the certification of environmental management system for the first time after having carried out their services, business and production activities for 12 months but no more than 24 months from the time the facilities carried out their services, business and production activities.
Article 27. Contents of environmental management system
1. Contents of environmental management system:
a) Plan or process of operating the production facilities in accordance with the regulations of law on environmental protection;
b) Commitment to using the procedures and production equipment effectively to save energy and raw materials and reduction in environmental pollution;
c) Establishment and maintenance of procedures for continuous monitoring of environmental impact of production activities; environmental objectives and indicators for the environmental protection and assessment of their effectiveness;
d) Determination, implementation and maintenance of role, responsibility and power of facilities leadership and employees on environmental protection; arrangement of officers in charge of environmental management; provision of necessary resources to implement the environmental protection of the facilities;
dd) Programs improving the employees’ consciousness on the impact of production activities at the facilities to the environment and other measures to reduce such impacts (at least once a year);
e) Priority policies for the suppliers and contractors recognized as the environmentally friendly facilities or having products with eco-labels.
g) Plan for publication of annual environmental report; plan for provision of information to customers and surrounding community on necessary measures for environmental protection.
2. The environmental management system must be adjusted in a timely manner with the changes during the facilities’ operation.
Article 28. Certification of environmental management system
1. Dossier to request the certification of environmental management system:
a) Application for certification of environmental management system;
b) Report on environmental management system of the facilities;
2. Owner of services, business and production facilities shall send dossier to request the certification of environmental management system to the agency with certification authority. The owners of facilities have the right to send dossier for certification by e-mail.
3. After receiving the dossier, the agency with certification authority shall review it and give a written notice to the facility owner for completion of dossier within 03 days in case of invalidity or incompleteness;
4. After receiving valid dossier, the agency with certification authority shall organize the certification and issue of certificate of environmental management system within 30 days.
In case of failure to issue the certificate of environmental management system, the agency with certification authority shall give a written notice to the facility owner specifying the reasons.
5. The certificate of environmental management system is valid in 05 years from the date of issue.
6. The Ministry of Natural Resources and Environment provides for the form of report, order and procedures for certification of environmental management system of the facilities.
Article 29. Authority to certify the environmental management system
1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall certify the environmental management system for facilities not related to the field of national defense and security.
2. The Ministry of National Defense and the Ministry of Public Security shall certify the environmental management system for the facilities related to the field of national defense and security.
Article 30. Change and re-certification of environmental management system
1. Where the facilities have changes towards reduction in requirement and responsibility for environmental protection determined in the environmental management system or changes in scale, capacity and technology that increase negative impact on the environment, such changes must be approved in writing of the certification agency. This agency shall reply in writing within 20 days from the date of receipt of valid dossier.
2. The facilities must submit dossier for re-certification of environmental management system at least 90 day in advance before the expiration of certificate of environmental management system. The dossier includes:
a) Application for re-certification;
b) Certificate of environmental management system;
c) Report on compliance with the contents of environmental management system which has been certified.
If there are changes in the contents of environmental management system which has been certified, the facilities must specify such changes.
3. The process of re-certification of environmental management system shall comply with the provisions in Article 28 of this Decree. The time limit for processing of dossier and re-issue of certificate of environmental management system is no more than 20 days.
Section 2: INSURANCE ON ENVIRONMENTAL DAMAGE COMPENSATION LIABILITY
Article 31. Organizations and individuals buying insurance on environmental damage compensation liability
1. Organizations and individuals having the following business and production activities must buy the insurance on environmental damage compensation liability or appropritate provision funds under regulations of law:
a) Oil and gas activities including the searching, exploration, mine development and extraction, including direct activities for such activities;
b) Production and business of chemicals, oil and gas;
c) Use of specialized ship for transport of oil, petroleum products or other dangerous goods when operating in the port waters and the waters of Vietnam;
d) Storage, transport and treatment of dangerous waste; transport of dangerous goods.
2. Based on the type, scale, nature and location of operation, the Ministry of Natural Resources and Environment shall take charge and coordinate with the Ministry of Finance and other relevant agencies to make a lists of subjects which must buy the insurance on environmental damage compensation liability; provide for the minimum liability for each subject.
3. The Ministry of Finance shall coordinate with the Ministry of Natural Resources and Environment to stipulate in detail the appropriation of provision funds.
Article 32. Insurance subjects
1. The insurance subjects of the insurance on environmental damage compensation liability is the liability of organizations and individuals buying insurance for generated costs to execute the environmental damage compensation liability in the following cases:
a) Water environment for the purpose of conservation, life activities, entertainment, production and other purpose is polluted, severely polluted or particularly severely polluted;
b) Land environmental for the purpose of conservation, life activities, entertainment, production and other purpose is polluted, severely polluted or particularly severely polluted;
c) Natural ecosystem which does or does not belong to the natural conservation is degraded;
d) Endangered, precious and rare species which are given the prioritized protection under regulation of law are killed or wounded.
2. The environmental scope affected is determined depending on the type, scale, nature and location of operation of the organizations and individuals buying liablity insurance.
Section 3: HANDLING FACILITIES CAUSING SEVERE ENVIRONMENTAL POLLUTION
Article 33. Principles and grounds to identify facilities causing severe environmental pollution
1. The identification of facilities which cause environmental pollution or severe environmental pollution must be done objectively, equally and in accordance with law; depending on the environmental national technical regulation and seriousness of acts of violation causing environmental pollution, including:
a) Acts of wastewater, emission and dust discharge exceeding the environmental national technical regulations;
b) Acts of causing noise and vibration exceeding the environmental national technical regulations;
c) Acts of landfill or discharge into soil or water environment of pollutants in solid, liquid or muddy form improperly that makes the soil or water environment exceed the national technical regulation on the surrounding environmental quality.
2. Determinants of seriousness of violation of acts causing environmental pollution
a) For the acts specified under Point a, Clause of this Article, including: volume of wastewater, discharge of waste gas and dust from the facilities; a number of times exceeding the environmental national technical regulation of the specific environmental parameters exceeding the national technical regulation on waste existing in wastewater, waste gas and dust from the facilities;
b) For the acts specified under Point b, Clause 1 of this Article, including: a number of times exceeding the national technical regulation on noise, vibration, subjects affected, point of time and location of acts;
c) For the acts specified under Point c, Clause 1 of this Article, including: a number of times exceeding the national technical regulation on quality of surface water, underground water, sea water, ambient air and land environment of environmental parameters caused by such acts.
3. The environmental parameters exceeding the environmental national technical regulation determined on the basis of result of observation of such environmental parameters compared with the corresponding environmental national technical regulation. The observation must be done by the unit having certificate of eligibility for operating the environmental observation services.
4. The Ministry of Natural Resources and Environment provides for the criteria to identify the facilities causing severe environmental pollution.
Article 34. List of facilities causing severe environmental pollution and measures to treat the environmental pollution
1. After receiving the sanctioning of administrative violation, the facilities causing severe environmental pollution must be included in the list with the measures to treat the environmental pollution and time of implementation, except for cases of suspension or ban from operation.
2. The measures to treat the environmental pollution for the facilities severe environmental pollution when included in the list are:
a) Relocation to a site in accordance with the planning and bearing capacity of the environment;
b) Renovation, upgrade or building of new waste treatment system up to the environmental national technical regulation;
c) Environmental renovation and restoration in the polluted area.
3. During the implementation of measures to treat the environmental pollution, the facilities causing severe environmental pollution must take appropriate measures to reduce pollution. Such measures must be determined in the list of facilities causing severe environmental pollution.
4. The Ministry of Natural Resources and Environment shall provide instructions on inspection, result assessment and certification of completion of measures of radical environmental pollution treatment at the facilities causing severe environmental pollution; take charge of inspection and examination of radical treatment towards the facilities causing severe environmental pollution nationwide.
Article 35. Order and procedures for deciding the list of facilities causing severe environmental pollution
1. The agencies having functions of inspection or examination on environmental protection must send the Department of Natural Resources and Environment the result of inspection and examination and relevant dossier within 05 days from the date of issuing the notice of conclusion of inspection and examination (except for the facilities which shall be inspected or examined by the Ministry of Defense, Ministry of Public Security).
2. Within 30 days after receipt of result of inspection or examination on environmental protection, the result of expertise solicitation from the competent state authorities and based on the criteria of classification of facilities causing severe environmental pollution, the Department of Natural Resources and Environment shall make list of facilities causing severe environmental pollution in the area for report to the provincial People’s Committee, the Ministry of Natural Resources and Environment and send such list to the related Ministries and sectors.
3. Within 20 days after receipt of report from the Department of Natural Resources and Environment, the provincial People’s Committee shall aggregate the list of facilities causing severe environmental pollution and make a report on the list of facilities causing severe environmental pollution in the area and relevant dossiers to the Ministry of of Natural Resources and Environment for review, summary and report to the Prime Minister; for the facilities under the management of the Ministries or sectors, such facilities shall be included in the list after the consultation with the Ministries or sectors;
4. Within 30 days after the issue of result of examination or inspection on environmental protection, the result of expertise solicitation and the criteria of classification of facilities causing severe environmental pollution, the specialized environmental protection agencies of the Ministry of Defense and the Ministry of Public Security shall make a list of facilities causing severe environmental pollution in the field of national defense, security for report to the Minister of Defense and the Minister of Public Security and send the list to the Ministry of Natural Resources and Environment for monitoring.
5. Within 20 days after the receipt of report from the specialized environmental protection agencies, the Ministry of Defense and the Ministry of Public Security shall send the list of facilities causing severe environmental pollution under their management and the relevant dossiers to the Ministry of Natural Resources and Environment for review, aggregation and report to the Prime Minister.
6. Within 30 days after the receipt of report from the provincial People’s Committee, from the Ministry of Defense and the Ministry of Public Security and based on the result of inspection and examination, expertise solicitation of the Ministry of Natural Resources and Environment, the Ministry of Natural Resources and Environment shall review, aggregate and report to the Prime Minister or approve the list of facilities causing severe environmental pollution under the authorization of the Prime Minister.
7. The list of facilities causing severe environmental pollution must be enclosed with the treatment measures specified in Clause 2, Article 34 of this Decree.
Article 36. Publicization of list of facilities causing severe environmental pollution and measures of environmental pollution treatment
1. After being approved, the list of facilities causing severe environmental pollution and the measures of environmental pollution treatment, they shall be sent to the Ministry of Natural Resources and Environment, sector management Ministries and the provincial People’s Committee where the facilities are operating and causing severe environmental pollution within 05 days from the date of approval.
2. After having received the approval decision from the competent state authorities, the Ministry of Natural Resources and Environment shall post the information about the facilities causing severe environmental pollution on its website and the website of the General Department of Environment until such facilities are certified to have taken measures of environmental pollution treatment.
3. After having received the approval decision from the competent state authorities, the provincial People’s Committee shall post the information about the facilities causing severe environmental pollution in its area on its website and on the mass media until such facilities are certified to have taken measures of environmental pollution treatment and notify the approval decision on the list of facilities causing severe environmental pollution of the competent state authorities to the district People’s Committee where such facilities are operating and causing severe environmental pollution for information.
4. After having received the approval decision from the competent state authorities, the district People’s Committee shall:
a) Post information about the facilities operating in the area and causing severe environmental pollution must take measures of environmental pollution treatment as per the decision of the competent state authorities on the local website until such facilities are certified to have completed measures of environmental pollution treatment and notify the approval decision on the list of facilities causing severe environmental pollution of the competent state authorities to the communal People’s Committee where such facilities are operating and causing severe environmental pollution for information.
b) Regularly post information about the facilities causing severe environmental pollution must takes measures of environmental pollution treatment according to the decision of the competent state authorities on the local radio system.
5. After receiving the approval decision from the competent state authorities, the communal People’s Committee shall:
a) Publicly post at the office of communal People’s Committee the information about the facilities causing severe environmental pollution must takes measures of environmental pollution treatment according to the decision of the competent state authorities;
b) Provide information about the facilities causing severe environmental pollution must takes measures of environmental pollution treatment according to the decision of the competent state authorities for hamlets, villages, residential groups and equivalent level and the political-social organizations of communes for information and coordinated monitoring of implementation.
INCENTIVES AND ASSISTANCE OF ENVIRONMENTAL PROTECTION ACTIVITIES
Article 37. Principles of incentives and assistance
1. The state has the policies on incentives and assistance with land, capital, exemption and reduction in tax for the environmental protection activities, price support, assistance with product consumption from the environmental protection activities and other incentives and assistance for the environmental protection activities.
2. Organizations and individuals with a lot of environmental protection activities entitle to incentives and assistance shall receive the respective incentives and assistance for such activities in accordance with the provisions in this Decree.
3. Where the environmental protection activities are entitled to the incentives and assistance as stipulated in this Decree and other legal normative documents, they shall be entitled to the incentives and assistance as per documents providing for higher rate of incentives and assistance.
4. Where the law or new policies issued provide for the incentives and assistance with higher rate compared with the incentives and assistance which the investors are entitled to in accordance with the provisions in this Decree, the investors shall be entitled to the incentives and assistance according to the new regulations. The Ministry of Planning and Investment shall take charge and coordinate with the Ministry of Finance and the Ministry of Natural Resources and Environment to provide instructions on order, procedures for assessment and approval for contents of incentives and assistance for the investment projects in accordance with the provisions in this Decree.
5. The extent and scope of incentives and assistance for environmental protection are adjusted to ensure the consistency with the policies on environmental protection of each period.
Article 38. Subjects entitled to incentives and assistance
1. The subjects entitled to incentives and assistance consist of organizations and individuals investing in environmental protection projects and services, business and production activities concerning the environmental protection specified in Annex III of this Decree.
2. Activities of technological and scientific research, technological transfer of environmental protection shall be entitled to the incentives and support according to regulations of law on science and technology and technology transfer.
3. The Ministry of Industry and Trade shall coordinate with the Ministry of Natural Resources and Environment to define other forms of renewable energy as stipulated in Clause 13, Annex III of this Decree.
Section 1: INCENTIVES AND ASSISTANCE ON INFRASTRUCTURE AND LAND
Article 39. Assistance on building of infrastructure works
The investor of environmental protection works specified in Clause 1, 2 and 6, Annex III of this Decree shall be entitled to the assistance on building of environmental protection works as follows:
1. The state give the priority to the allocation of land fund associated with works, works items of technical infrastructure (roads, electricity, water supply and drainage, communications and energy) available outside the scope of project connected with the common technical infrastructure of the area.
2. Where the state cannot allocate land fund associated with works, works items of technical infrastructure available outside the scope of project connected with the common technical infrastructure of the area, the investor of project shall be entitled to the policies such as assistance in building infrastructure outside the fence of industrial park, export processing zone or high-tech park according to regulations of law on investment.
Article 40. Incentives for land rent and assistance on site clearance and compensation
1. The owner of concentrated living wastewater treatment system project specified in Clause 1, Annex III of this Decree and concentrated common solid treatment facilities specified in Clause 2, Annex III of this Decree shall be entitled to the land rent under regulations of law on land like the subjects in the fields of special investment incentives and receive the site compensation from the state.
Where the project owner has advanced the funding for compensation and site clearance under the plan approved by the competent level, he/she shall be deducted as stipulated by the regulations of law on land.
2. The owner of construction project specified in Clause 4, 5, 9, 10, Annex III of this Decree shall be entitled to the incentives for land rent as stipulated by the regulations of law on land like the subjects in the fields of special investment incentives.
3. The project owner carries out the building of production facilities specified in Clause 11, 12, 13, 14, Annex III of this Decree shall be entitled to the incentives for land rent as stipulated by the regulations of law on land like the subjects in the fields of special investment incentives.
Article 41. Financial incentives for land to the facilities causing severe environmental pollution to be relocated
1. The facilities causing severe environmental pollution to be relocated (referred to as facilities), if are allocated land by the state without or with land use fees before 01 July 2014 (before the effective date of the Land Law 2013) or received the transfer of legal land use right and the land use fees have been paid to the state or the money received from the transfer of land use right from the state budget, shall have the right to use all proceeds from the auction of land use right and properties attached to land (after deduction of all expenses of auction organization). Such proceed shall be recorded in the state capital as stipulated by law in order to pay the land use fees, land rent, relocation expenses, technological renovation and upgrade and implementation of investment project at the new production facilites.
Where the land at the old production facilities is recovered and use for public purpose, such facilities shall be allocated capital to pay the land use fees, relocation expenses, technological renovation and upgrade and implementation of investment project at the new production facilites corresponding to the value of land use right and the properties attached to land of such land lot under market price at the time of recovery.
2. If such facilities are allocated land with collection of land use fees by the state before 01 July 2014 or lease land with one time payment for the leasing period or receive legal land transfer but the land use fees or the proceeds from land transfer not from the state budget, they may change the purpose of use of land area at the old facilities but consisistent with the detail planning of land used, urban construction planning and rural residential area construction planning approved by the competent state authorities under regulations of law on land.
Where the facilities do not have their need of using land, they have the right to transfer the land use right to others for use under the planning during the remain time under regulations of law on land.
Section 2: INCENTIVES AND ASSISTANCE WITH CAPITAL AND TAX
Article 42. Incentives for investment capital
1. Incentives from the Vietnam Environment Protection Fund, the local environmental protection fund or other credit institutions:
a) If the project owners carrying out activities specified in Clause 1 and 2, Annex III of this Decree applies the treatment technologies with the percentage of waste to be buried after treatment of less than 30% of the total collected volume of solid waste, they shall be entitled to loan at preferential interest rate no more than 50% of state interest rate of investment credit announced by the competent authorities at the time of lending; the total loan shall not exceed 80% of the total construction investment; entitled to prioritized assistance after investment or guarantee of loan;
b) The project owners carrying out activities specified in Annex III of this Decree but not subject to Point a, Clause 1 of this Article shall be entitled to loan at preferential interest rate no more than 50% of state interest rate of investment credit announced by the competent authorities at the time of lending; the total loan shall not exceed 70% of the total construction investment; entitled to prioritized assistance after investment or guarantee of loan;
2. Incentives from Vietnam Development Bank:
The project owners carrying out activities specified in Annex III of this Decree shall be entitled to preferential investment credit like the projects of the list of investment credit loan under the current regulations of law.
3. The project owners carrying out activities specified in Clause 11, Annex III of this Decree, in addition to be entitled to the incentives as stipulated in Clause 1 and 2 of this Article, shall receive the assistance of 10% of the total equipment investment for application in environmental protection.
4. The project owners carrying out activities specified in Annex III of this Decree, except for activities specified in Clause 3 and 8 of Annex III of this Decree, if being the projects specified in the plans and strategies issued by the Prime Minister, the Government and National Assembly and in the fields specified in the Law on management of public debt and the guiding documents of implementation shall be given the priority to the consideration and use of official development assistance.
5. The Ministry of Finance shall take charge and coordinate with the Ministry of Planning and Investment in providing instructions on order and procedures for assistance of investment capital specified in Clause 3 of this Article.
6. The Ministry of Planning and Investment shall take charge and coordinate with the Ministry of Finance and the Ministry of Natural Resources and Environment in providing detailed instructions on implementation of provisions specified in Clause 4 of this Article.
7. The Ministry of Natural Resources and Environment shall provide instructions on loan and post-investment assistance of interest rate and guarantee of investment credit for projects receiving loan from Vietnam Environment Protection Fund. The provincial People’s Committee shall provides instructions on loan and post-investment assistance of interest rate and guarantee of investment credit for projects receiving loan from the local environmental protection fund.
Article 43. Preferential enterprise income tax
The enterprise income from the implementation of new investment projects specified in Clauses 1, 2, 4, 5, 6, 9, 10, Annex III of this Decree and new production projects specified in Clause 11, 12, 13, 14, Annex III of this Decree shall be entitled to the preferential enterprise income tax like the subjects in the field of environmental protection under regulations of law on enterprise income tax.
Article 44. Preferential import and export tax
1. Machinery, means, tools and materials used for activities specified in Clause 10 and 14, Annex III of this Decree, upon imported, shall be entitled to preferential import and export tax like the subjects subjects in the fields of special investment incentives under regulations of law on import and export tax.
2. The Ministry of Finance provides for the exemption and reduction in export tax for the products specified in Clause 12, Annex III of this Decree upon export.
3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall provide detailed instructions on the list of products specified in Clause 12, Annex III of this Decree.
Article 45. Prefenrential value added tax
1. The goods and services produced and traded from the activities of environmental protection shall apply the policies on value addes tax under regulations of law on value addes tax.
2. The Prime Minister provides for the prefenrential value added tax to a number of specific products and services of environmental protection.
Section 3: ASSISTANCE ON PRICE AND PRODUCT CONSUMPTION
Article 46. Price support for products and services of environmental protection
The project owner carrying out the activities and supply of following products if meeting the criteria of products and public services shall be entitled to the price support under regulations of law on production, supply of products and public services:
1. The activities specified in Clause 2 and 9, Annex III of this Decree, activities of base observation specified in Clause 8, Annex III of this Decree.
2. The products from the activities of environmental protection specified in 12 and 13, Annex III of this Decree.
Article 47. Consumption assistance for products
1. The head of agencies and units using state budget must prioritize the public procurement of products specified in Clause 12 and 13, Annex III of this Decree upon purchasing such products.
The Ministry of Finance shall take charge and coordinate with the Ministry of Natural Resources and Environment to develop the regulations on public procurement of environmentally friendly products as specified in this Clause.
2. Organizations and individuals shall prioritize the purchase of environmentally friendly products as guided by the Ministry of Natural Resources and Environment
Section 4: OTHER INCENTIVES AND ASSISTANCE
Article 48. Assistance for product promotion and waste classification at source
1. The state encourage organizations, individuals, enterprises and cooperatives to carry out the following activities:
a) Promoting products from the environmental protection, recovery and processing of discharged products;
b) Producing and disseminating types of film, television program on environmental protection to raise people’s consciousness in environmental protection and use of environmentally friendly products;
c) Providing people with tools free of charge to classify domestic waste and products discharged at source.
2. The expenses for implementing the activities specified in Clause 1 of this Article shall be recorded in the production expenses of organizations, individuals, enterprises and cooperatives;
3. The Ministry of Finance shall take charge and coordinate with the Ministry of Natural Resources and Environment, the Ministry of Information and Communications to guide the implementation of incentive policies specified in Clause 1 and 2 of this Article.
Article 49. Award for environmental protection
1. Every two years, the Ministry of Natural Resources and Environment shall take charge and coordinate with the Ministry of Science and Technology, Vietnam Chamber of Commerce and Industry and Vietname Television to organize the selection and vote, handover of award to honor the organizations and individuals with excellent achievements in environmental protection, recovery and processing of discharged products
2. The Ministry of Natural Resources and Environment specifies the structure of award, standard and procedures for awards; coordinates with the Ministry of Finance to specify the expenses for environmental protection.
3. The provincial People’s Committee specifies the local environmental protection awards.
4. The expenses for organization and awarding are from the environmental non-business funding, Vietnam Environment Protection Fund and funding from organizations and individuals and other legal mobilized capital.
RESIDENTIAL COMMUNITY PARTICIPATING IN ENVIRONMENTAL PROTECTION
Article 50. Representative of residential community
1. The residential community can choose organizations or individuals as representative of residential community through the meeting of all or representative of family household in the residential community.
2. Organizations or individuals accepting to be the representative of residential community shall carry out activities within the scope authorized by the community and take responsibility before the residential community and the law for their activities.
Article 51. Providing environmental information for the residential community
1. The environmental information is provided at least once a year periodically, including:
a) Legal normative document on environment;
b) Report on the reality of national and local environment; specialized environmental reports made and publicized by the state management authorities on natural resources and environment;
c) List of facilities causing severe environmental pollution, areas with severely polluted or degraded environment, areas prone to environmental incidents made and publicized by the state management authorities on natural resources and environment;
d) List and information on waste sources and types of waste prone to cause harm to human health and environment prepared and publicized by the state management authorities on natural resources and environment;
dd) Publications and printed matters on environmental themes and environmental communication materials and relevant issues;
e) Result of inspection, examination and handling of violation of the services, business and production facilities in the residential area;
g) Environmental protection activities of the services, business and production facilities in the residential area;
h) License related to the extraction, use and protection of natural resources and environment of the services, business and production facilities in the residential area;
2. The environmental information is provided by one of the following forms:
a) Materials, printed matters and publications whose issuing address is widely announced on mass media;
b) Posted on official websites of the state management authorities on natural resources and environment; the owner of projects or the services, business and production facilities;
c) Publicly posted at the services, business and production facilities and office of communal People’s Committee;
d) Organization of press conference for public announcement;
dd) Meeting held for information dissemination to the residential community;
e) Other forms under regulations of law.
3. The time for information publication in the form specified at Point b and c, Clause 2 of this Article is no less than 30 days.
4. Responsibility for supply of environmental information to residential community:
a) The environmental state management authoritites are responsible for providing information specified from Point a to Point e, Clause 1 of this Article;
b) The services, business and production facilities are responsible for providing information specified under Point g and Point h, Clause 1 of this Article.
Article 52. Consultation and supervision of residential community on environment
1. The following guidelines and policies of the state need consultation and supervision of residential community on environment before decision:
a) Developing strategies, planning, plans, programs and schemes of environmental protection at national, regional, inter-regional and provincial level;
b) Developing legal normative documents on environment;
c) Establishing environmental indicators in social-economic development strategies, planning, and plan at national, regional, inter-regional and provincial level;
2. Before deciding the guidelines and policies specified in Clause 1 of this Article, the competent state management authorities must consult the residential community about environment by publicizing the draft documents on their websites or mass media.
3. The state management authorities on natural resources and environment shall receive and process the environmental consultation opinions of the residential community and gives the feedback to the community on accepting or not accepting such environmental consultation opinions of the residential community through the forms specified in Clause 2, Article 51 of this Decree.
4. Consultion about strategic environmental assessment and environmental impact assessment shall be carried out under regulations of law on strategic environmental assessment and environmental impact assessment.
5. Public investment supervision on environmental protection of community is done under the law on public investment.
Article 53. Assessing the result of environmental protection of the services, business and production facilities
1. The representatives of residential community have the right to participating in assessing the result of environmental protection to the following subjects:
a) Project owners in implementation of approved reports on environmental impact assessment and implementation of contents of licenses related to the exploitation, use and protection of natural resources and environment;
b) Organizations and individuals in taking remedial measures in decision on sanctioning of administrative violation on environmental protection and implementation of contents of licenses related to the exploitation, use and protection of natural resources and environment;
c) The services, business and production facilities in the implementation of environmental protection commitments or environmental protection plan; implementation of contents of licenses related to the exploitation, use and protection of natural resources and environment;
2. Assessment contents:
a) Implementation of contents of licenses related to the exploitation, use and protection of natural resources and environment;
b) Implementation of report on environmental impact assessment; environmental protection commitments and environmental protection plan;
c) Remedial measures in decision on sanctioning of administrative violation on environmental protection.
3. Based on the environmental information of the facilities periodically, the residential community or representative of residential community shall assess the implementation of activities related to the assessment contents specified in Clause 2 of this Article as per criteria of proper and complete contents. Assessment of environmental protection result of the residential community is one of the grounds for commendation of achievement in the activities of environmental protection of the services, business and production facilities
Article 54. Developing and implementing the model of environmental protection relying on the residential communities
1. The state encourages and has mechanisms and policies on assistance for residential community to develop and implement models of community for protection of natural resources and environment, sustainable development, conservation, rational use of natural resources and response to climate change.
2. The residential community shall participate in developing the objectives, operation programs, monitoring and assessment of effectiveness of the protection programs of natural reserves and national parks; participate in management and protection of natural reserves and national parks;
3. The residential community has the right to actively develop and implement the models of natural resources and environmental protection models relying on communities, participating in monitoring and inspection of management of natural reserves and national parks with the state management authorities on natural resources and environment;
4. The state management authorities on natural resources and environment shall take charge, coordinate and provide instructions to residential communities to develop models of environmental and natural resources protection relying on the communities, models of production and sustainable consumption; issue mechanisms to encourage the communities to protect the environment, preserve and rationally use natural resources and models of production and sustainable consumption.
Article 55. Transitional provision
1. Dossiers which have been received by the competent state authorities for processing by the administrative procedures before the effective date of this Decree shall be processed in accordance with the regulations of law at the time of receipt.
2. Activities of environmental protection and the products from such activities of environmental protection entitled to the incentives and assistance under Decree No. 04/2009/ND-CP dated 14 January 2009 of the Government on incentives and assistance for activities of environmental protection shall continue to be entitled to the incentives and assistance during the remaining time; in case of being the subjects receiving the higher incentives and assistance as specified in this Decree, such subjects shall be entitled to the incentives and assistance specified in this Decree.
3. The provincial People’s Committee shall assess and approve the additional plan for environmental renovation and restoration or the plan for environmental renovation and restoration or the environmental renovation and restoration schemes that have been approved by the Department of Natural Resources and Environment and district People’s Committee before the effective date of this Decree.
4. Provincial People’s Committee shall certify the completion of plan or additional plan for environmental renovation and restoration of the environmental renovation and restoration project or environmental renovation and restoration scheme or additional environmental renovation and restoration project or additional environmental renovation and restoration scheme approved by district People’s Committee before the effective date of this Decree.
5. For the environmental renovation and restoration project or the additional environmental renovation and restoration project, the environmental renovation and restoration scheme or the environmental renovation and restoration scheme that have been approved before the effective date of this Decree shall not have prepare scheme or additional scheme as guided by this Decree.
6. The mining organizations and individuals that have made deposit before the effective date of Decision No. 71/2008/QD-TTg dated 29 May 2008 of the Prime Minister on making deposit for environmental renovation and restoration of the mineral extraction activities but the contents of environmental renovation and restoration scheme do not consist with those specified in the Law on environmental protection 2014 and this Decree must re-develop the environmental renovation and restoration scheme in accordance with the provisions of this Decree to be submitted to the competent authorities for approval before 31 December 2016.
1. This Decree takes effect from 01 April 2015.
2. The following documents shall be invalided from the effective date of this Decree:
a) Decree No. 80/2006/ND-CP dated 09 August 2006 of the Government detailing and guiding the implementation of the Law on environmental protection;
b) Decree No. 21/2008/ND-CP dated 28 February 2008 of the Government on amending and supplementing a number of articles of Decree No. 80/2006/ND-CP dated 09 August 2006 detailing and guiding the implementation of the Law on environmental protection;
c) Decree No. 04/2009/ND-CP dated 14 January 2009 of the Government on incentives and assistance for environmental protection activities;
d) Decision No. 18/2013/QD-TTg dated 29 March 2013 of the Prime Minister on environmental renovation and restoration and making of deposit for environmental renovation and restoration for the mineral extraction activities.
Article 57. Responsibility for implementation
1. The Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government agencies, Chairman of People's Committees of provinces and centrally-run cities are responsible for organizing the implementation of this Decree; reviewing the legal documents issued by themselves which are contrary to the provisions of the Law on Environmental Protection and this Decree for amendment and supplementation.
2. The Minister of Natural Resources and Environment shall take charge and coordinate with the ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government, chairman of the People's Committees of provinces and centrally-run cities in guiding and inspecting the implementation of this Decree; provide instructions on training, practice, communication and dissemination of laws on environmental protection.
|
FOR THE GOVERNMENT |
LIST OF BUSINESS CATEGORIES RECEIVING THE ENCOURAGED DEVELOPMENT AT HANDICRAFT VILLAGES
(Issued with Decree No. 19/2015/ND-CP dated 14 February 2015 of the Government)
No. |
Types of production |
Scale |
I |
PRODUCTION OF HANDICRAFT GOODS OR HOUSEHOLD ITEMS |
No more than 10 employee/facility |
1 |
Handicraft items made from rattan, bamboo, ivory bamboo, ... fish-pot, trap, baskets, items from water hyacinth... |
|
2 |
Embroidery, lace, knitting, crochet |
|
3 |
Carpet made from coir fiber or coir thread |
|
4 |
Traditional brick and tile, ceramic, piggy bank, earthen oven, big jar casting |
|
5 |
Handicraft items from coconut, dry shell of marine products |
|
6 |
Hats, mats, brooms |
|
7 |
Flattened rice, sewing of water coconut leaves |
|
8 |
Wooden shoes, mortar, pestle, chopping boards, chopsticks |
|
9 |
Incense making |
|
10 |
Furniture, lacquer, horny handicraft |
|
11 |
Metal and precious stone |
|
12 |
Silkworm reaing, fabric, silk, crape, linen, traditional brocade weaving. |
|
13 |
Folk painting, scoop net, Nepal paper, tissue paper |
|
14 |
Traditional musical instruments |
|
15 |
Southern medicine |
|
16 |
Cotton napping, net knitting, fined-tooth comb |
|
17 |
Coal and firewood baking |
|
18 |
Traditional casting and forging to produce agricultural tools and household items |
Scale of less than 0.2 tons/day/facility |
19 |
Stone manipulation |
No more than 10 employees/facility; no phase of material sawing and cutting |
II |
REARING AND CULTIVATION OF PETS |
No more than 10 employees/facility; |
III |
MANUAL PROCESSING AND PRESERVATION OF AGRICULTURAL, FORESTRY, AQUATIC AND MARINE PRODUCTS AS FOOD |
|
1 |
Tea |
Less than 0.1 ton of product/day/facility |
2 |
Dried meat, sausages |
Less than 0.1 ton of product/day/facility |
3 |
Sugarcane and green rice production, |
Less than 0.1 ton of product/day/facility |
4 |
Manual production of jam, confectionery - Hanoi |
Less than 0.1 ton of product/day/facility |
5 |
Manual production of fish sauce, soy sauce |
Less than 500 liters of product /day/facility |
6 |
Production of beans, assorted noodle, cake, vermicelli |
Less than 0.1 ton of product /day/facility |
7 |
Wine brewery |
Less than 100 liters of product /day/facility |
8 |
Aquatic and marine product processing |
Less than 0.1 ton of product /day/facility |
9 |
Starch processing |
Less than 0.1 ton of product /day/facility |
LIST OF SERVICES, BUSINESS AND PRODUCTION FACILITIES
(Issued with Decree No. 19/2015/ND-CP dated 14 February 2015 of the Government)
No. |
Type of services, business and production |
Scale/capacity |
1. |
Production facilities containing radioactive material or radioactive waste |
Exceeding the immunity limit under regulation of law on radiation safety and control |
2. |
Refineries, petrochemicals; base oil and gas extraction Refinery and Petrochemical Plant, oil and gas extraction facilities |
All |
3. |
Facilities producing basic chemicals, painting, printing ink, rubber, pesticides, detergents, additives and chemical fertilizers
|
Capacity from 10,000 tons of products/year or more |
4. |
Facilities extracting rare earth and radioactive minerals; selection and enrichment of rare earth and radioactive minerals |
Capacity from 50,000 tons of products/year or more |
5. |
Ship breaking facilities |
All |
6. |
Seaport |
Receipt of ships from 50,000 tons or more |
7. |
Battery production facilities |
Capacity from 300,000 KWh/year or more or 600 tons |
8. |
Solid mineral extraction facilities (including waste stones and minerals) |
Capacity from 500,000 m3 of crude minerals/year or more |
9. |
Facilities processing and refining rare earth, color metal and radioactive minerals |
Capacity from 200,000 tons of products /year or more |
10. |
Iron and steel refining facilities |
Capacity from 200,000 tons of products/ year or more |
11. |
Industrial parks, export processing zones, high-tech parks, industrial parks, tourist and entertainment sites, urban areas |
Area from 200 ha or more |
12. |
Recycling, processing, landfill, destruction areas of hazardous waste collected from the services, business and production facilities |
All |
13. |
Recycling, processing, landfill, destruction areas of common solid waste |
Capacity from 250 tons/day or more |
14. |
Facilities operating the concentrated industrial waterwaste treating system |
Capacity from 5,000 m3 of wastewater/day or more |
15. |
Marine product processing facilities |
Capacity from 5,000 tons of product/year or more |
16. |
Cement plants |
Capacity from 1,200,000 tons of product/year or more |
17. |
Pulp mills |
Capacity from 25,000 tons of product/year or more |
18. |
Wine and alcohol production factories |
Capacity from 1,000,000 liters of product/year or more |
19. |
Beer and soft drink production factories |
Capacity from 50,000,000 liters of product/year or more |
LIST OF ENVIRONMENTAL PROTECTITION ACTIVIES RECEIVING INCENTIVES AND ASSISTANCE
(Issued with Decree No. 19/2015/ND-CP dated 14 February 2015 of the Government)
1. Treatment of concentrated domestic wastewater with design capacity from 2,500 m3 of wastewater/day for urban areas of grade IV or more.
2. Collection, transport and treatment of concentrated common solid waste.
3. Treatment of hazardous wastes.
4. Treatment and renovation of polluted environmental in public areas;
5. Rescue and handling of oil spill, chemical incidents and other environmental incidents.
6. Development of technical infrastructure for environmental protection in industrial parks and clusters of handicraft villages.
7. Relocation and conversion of operation of the facilities causing severe environmental pollution.
8. Environmental observation.
9. Cremation and electric cremation.
10. Inspection of damage to environment; inspection of environmental health and environmental inspection for the goods, machinery, equipment and technologies.
11. Production and application of invention to protect the environmental under the state protection in the form of issuing the Patent or Patent of useful solutions.
12. Production of environmentally friendly products which are attached Vietnam green label; products from the recycling and treatment of waste which the competent state authorities have certified.
13. Production of gasoline, diesel and biological energy certification of conformity; biochar, energy from the use of wind power, sunlight, tidal, geothermal energy and other forms of renewable energy.
14. Manufacturing and importing of machinery, equipment and special-use means for direct use in collection, transport, treatment of waste; environmental observation and analysis, production of renewable energy, treatment of environmental pollution, response and handling of environmental incidents.
15. Activities of services, business and production of the environmentally friendly facilities have been certified with eco-label by the Ministry of Natural Resources and Environment
FORM OF WRITTEN REQUEST FOR ASSESSMENT AND CERTIFICATION OF ENVIRONMENTAL PROTECTION PLAN IN ACTIVITIES OF USED SHIP BREAKING
(Issued with Decree No. 19/2015/ND-CP dated 14 February 2015 of the Government)
NAME OF ORGANIZATION OR INDIVIDUAL |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
Subject: Request for assessment and approval for environmental protection plan in breaking activities of used ships |
….., date … month … year … |
To: General Department of Environment
1. Name of enterprise............................................................
Transaction name: .....................................................................................................
2. Address of head office: ..........................................................................................
Tel: ……………………………………..; Fax: ................................................... ;
E-mail: .......................................................................................................................
3. Full name of enterprise’s legal representative:...................
....................................................................................................................................
....................................................................................................................................
4. Establishment decision/business registration number……………………….., issued by:……….., issue date ………………….. in……………………………
………………………………..
We enclose with this document the environmental protection plan in breaking the ship with registration number………….., nationality…….
We undertake to implement the environmental protection plan enclosed with this document during the ship breaking. We kindly request the General Department of Environment to consider, assess and certify the environmental protection plan which we have made. In addition, we undertake to fulfil our responsibility and obligations in accordance with regulations of law on environmental protection in importing used ships for breaking.
Sent to: |
REPRESENTATIVE OF ORGANIZATION |
FORM OF DECISION ON CERTIFYING THE ENVIRONMENTAL PROTECTION PLAN IN BREAKING ACTIVITIES OF USED SHIPS
(Issued with Decree No. 19/2015/ND-CP dated 14 February 2015 of the Government)
MINISTRY OF NATURAL RESOURCES AND ENVIRONMENT |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No.: /QD-TCMT |
Hanoi, date month year |
DECISION
APPROVING THE ENVIRONMENTAL PROTECTION PLAN IN ACTIVITIES OF USED SHIP BREAKING
GENERAL DIRECTOR OF GENERAL DEPARTMENT OF ENVIRONMENT
Pursuant to the Law on environmental protection dated 23 June 2014;
Pursuant to Decree No.114/2014/ ND-CP dated 26 November 2014 of the Government defining the subjects and conditions for permitted import and breaking of used ships;
Pursuant to Decree No………dated…….2014 of the Government detailing a number of articles of the Law on environmental protection 2014;
Pursuant to Decision No.25/2014/QD-TTg dated 25 March 2014 defining functions, tasks, powers and organizational structure of the General Department of Environment directly under the Ministry of Natural Resources and Environment;
Pursuant to Circular No. /2015/TT-BTNMT dated…………..2015 of the Ministry of Natural Resources and Environment issuing the national technical regulation on environment for used ships imported for breaking;
Considering the environmental protection plan in the breaking activities of used ships of (name of organizations)……attached to document No……;
Considering the request of the Director of Department on pollution control and the Director of Department of Policies and Legal Affairs;
DECIDES:
Article 1. Approving the environmental protection plan in the breaking activities of ship with registration number…….nationality…..of (name of enterprise, address) which must meet the environmental protection requirements during the breaking.
Article 2. Responsibility of organizations and individuals in ship breaking activities.
Article 3. This Article shall specify the responsibility of the appointed organization and the units concerned.
(Name of appointed organization and agencies and units concerned liable to execute this Decision./.)
|
GENERAL DIRECTOR |
Văn bản liên quan
Cập nhật
Điều 3. Vị trí, chức năng của Dân quân tự vệ
Điều 15. Hệ thống thông tin thống kê cấp tỉnh
Điều 16. Hệ thống thông tin thống kê cấp huyện
Điều 18. Điều chỉnh, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia
Điều 19. Hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành
Điều 20. Thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành
Điều 6. Thời điểm lập, trình thẩm định, nội dung phương án và phương án bổ sung
Điều 7. Tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án, phương án bổ sung
Điều 8. Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản
Điều 9. Xác nhận hoàn thành phương án, phương án bổ sung
Điều 10. Trách nhiệm các cơ quan quản lý và các đơn vị
Điều 11. Xác định, thống kê, đánh giá và kiểm soát các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất
Điều 12. Kiểm soát ô nhiễm môi trường đất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
Điều 14. Trách nhiệm kiểm soát ô nhiễm môi trường đất của các cơ quan
Điều 22. Yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng
Mục 1. XÁC NHẬN HỆ THỐNG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG
Điều 25. Đối tượng phải thực hiện xác nhận hệ thống quản lý môi trường
Điều 26. Thời điểm thực hiện việc xác nhận hệ thống quản lý môi trường
Điều 27. Nội dung hệ thống quản lý môi trường
Điều 28. Xác nhận hệ thống quản lý môi trường
Điều 29. Thẩm quyền xác nhận hệ thống quản lý môi trường
Điều 30. Thay đổi, xác nhận lại hệ thống quản lý môi trường
Mục 2. BẢO HIỂM TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ MÔI TRƯỜNG
Điều 31. Tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường
Mục 3. XỬ LÝ CƠ SỞ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NGHIÊM TRỌNG
Điều 33. Nguyên tắc và căn cứ xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Điều 34. Danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường
Điều 35. Trình tự, thủ tục quyết định danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Điều 42. Ưu đãi về huy động vốn đầu tư
Điều 43. Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp
Điều 44. Ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
Điều 14. Trách nhiệm kiểm soát ô nhiễm môi trường đất của các cơ quan
Điều 16. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất tại làng nghề
Điều 25. Đối tượng phải thực hiện xác nhận hệ thống quản lý môi trường
Điều 30. Thay đổi, xác nhận lại hệ thống quản lý môi trường
Điều 35. Trình tự, thủ tục quyết định danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Điều 52. Tham vấn và giám sát của cộng đồng dân cư về môi trường