Thông tư 38/2015/TT-BTNMT về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Số hiệu: | 38/2015/TT-BTNMT | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Tài nguyên và Môi trường | Người ký: | Nguyễn Minh Quang |
Ngày ban hành: | 30/06/2015 | Ngày hiệu lực: | 17/08/2015 |
Ngày công báo: | 31/07/2015 | Số công báo: | Từ số 875 đến số 876 |
Lĩnh vực: | Tài nguyên - Môi trường | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
10/01/2011 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38/2015/TT-BTNMT |
Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2015 |
VỀ CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;
Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản,
Thông tư này hướng dẫn thực hiện quy định về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP), bao gồm:
1. Trình tự, thủ tục, nội dung thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án cải tạo, phục hồi môi trường (sau đây gọi tắt là phương án) và phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung (sau đây gọi tắt là phương án bổ sung) đối với hoạt động khai thác khoáng sản.
2. Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước; tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
1. Tổ chức, cá nhân quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 và Điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP có phương án hoặc phương án bổ sung và báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc cùng một cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì lập phương án hoặc phương án bổ sung theo mẫu quy định tại Phụ lục số 2 hoặc Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư này và nộp kèm theo hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Văn bản đề nghị thẩm định, phê duyệt theo mẫu quy định tại Phụ lục số 1B ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt phương án trong trường hợp không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này:
a) Văn bản đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục số 1A ban hành kèm theo Thông tư này;
b) 07 (bảy) bản phương án theo mẫu quy định tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này;
c) 01 (một) bản sao báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường đơn giản hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được phê duyệt hoặc xác nhận.
3. Hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt phương án bổ sung trong trường hợp không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này:
a) Văn bản đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục số 1A ban hành kèm theo Thông tư này;
b) 07 (bảy) bản phương án bổ sung theo mẫu quy định tại Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư này;
c) 01 (một) bản sao báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường đơn giản hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được phê duyệt hoặc xác nhận;
d) 01 (một) bản sao phương án kèm theo quyết định đã được phê duyệt.
1. Hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt phương án, phương án bổ sung được nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện cho cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP.
2. Thời hạn thẩm định phương án, phương án bổ sung tối đa là 35 (ba mươi lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ. Đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư này, thời hạn thẩm định phương án thực hiện theo thời hạn thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
3. Kết quả thẩm định, phê duyệt phương án, phương án bổ sung được trả trực tiếp tại cơ quan thẩm định, phê duyệt hoặc qua đường bưu điện.
1. Đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư này, trình tự, thủ tục thẩm định được thực hiện theo trình tự, thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cơ quan thường trực thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan thường trực thẩm định phương án, phương án bổ sung (sau đây gọi là cơ quan thường trực thẩm định phương án) thực hiện các nội dung sau:
a) Xem xét tính hợp lệ của hồ sơ: Hồ sơ được coi là hợp lệ khi có cả ý kiến đồng thuận của cơ quan thường trực thẩm định phương án;
b) Thành lập hội đồng thẩm định: Thành phần hội đồng thẩm định phải bao gồm cả thành phần hội đồng thẩm định phương án quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP. Quyết định thành lập hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án, phương án bổ sung được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục số 5B ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Tổ chức các hoạt động kiểm tra thực địa, kiểm chứng các thông tin, số liệu; lấy mẫu phân tích kiểm chứng; tham vấn ý kiến của các tổ chức, cá nhân có liên quan; thuê các chuyên gia, tổ chức xã hội - nghề nghiệp phản biện trong trường hợp có đề nghị của cơ quan thường trực thẩm định phương án;
d) Tổ chức họp hội đồng thẩm định: Biên bản họp hội đồng thẩm định được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục số 6B ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Đối với trường hợp không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này, việc thẩm định phương án, phương án bổ sung được thực hiện theo Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP. Hoạt động của hội đồng thẩm định phương án, phương án bổ sung (sau đây gọi tắt là hội đồng thẩm định) quy định tại Mục 2 Chương này. Trình tự thẩm định như sau:
a) Trong thời hạn không quá 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan thường trực thẩm định phương án có trách nhiệm thành lập hội đồng thẩm định. Quyết định thành lập hội đồng thẩm định được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục số 5A ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc không hợp lệ thì trong thời hạn không quá 5 (năm) ngày làm việc cơ quan thường trực thẩm định thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân biết để hoàn thiện hồ sơ;
b) Trường hợp cần thiết, trong thời hạn không quá 12 (mười hai) ngày làm việc kể từ ngày thành lập hội đồng thẩm định, cơ quan thường trực thẩm định phương án tiến hành các hoạt động: kiểm tra thực địa, kiểm chứng các thông tin, số liệu; lấy mẫu phân tích kiểm chứng tại địa điểm thực hiện phương án, phương án bổ sung và khu vực kế cận; tham vấn ý kiến của các tổ chức, cá nhân có liên quan; thuê các chuyên gia, tổ chức xã hội - nghề nghiệp phản biện các nội dung của phương án, phương án bổ sung;
c) Trong thời hạn không quá 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành các nội dung quy định tại Điểm a hoặc Điểm b Khoản 2 Điều này, cơ quan thường trực thẩm định phương án tổ chức họp hội đồng thẩm định. Biên bản họp hội đồng thẩm định, bản nhận xét phương án, phương án bổ sung, phiếu đánh giá phương án, phương án bổ sung được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục số 6A, Phụ lục số 7, Phụ lục số 8 ban hành kèm theo Thông tư này;
d) Trong thời hạn 06 (sáu) ngày làm việc kể từ ngày tổ chức họp hội đồng thẩm định, cơ quan thường trực thẩm định phương án thông báo bằng văn bản kết quả thẩm định cho tổ chức, cá nhân;
đ) Sau khi nhận thông báo kết quả thẩm định, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm:
- Chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung phương án, phương án bổ sung trong trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 8 Thông tư này. Thời hạn chỉnh sửa, bổ sung không quá 06 (sáu) tháng kể từ ngày ban hành văn bản thông báo kết quả thẩm định. Thời gian chỉnh sửa, hoàn thiện không tính vào thời gian thẩm định, phê duyệt quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Thông tư này. Quá thời gian chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ, tổ chức, cá nhân phải lập lại phương án, phương án bổ sung;
- Lập lại phương án, phương án bổ sung và nộp lại trong trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 8 Thông tư này; trình tự thẩm định được thực hiện như đối với trường hợp nộp hồ sơ lần đầu.
1. Đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư này, trình tự, thủ tục phê duyệt phương án, phương án bổ sung thực hiện theo trình tự, thủ tục phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cơ quan thường trực thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan thường trực thẩm định phương án thực hiện các nội dung sau:
a) Kiểm tra, rà soát sự phù hợp, đầy đủ của hồ sơ và các nội dung sau khi tổ chức, cá nhân chỉnh sửa, hoàn thiện theo kết luận của hội đồng thẩm định;
b) Đồng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án, phương án bổ sung. Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án, phương án bổ sung được lập theo mẫu tại Phụ lục số 9B ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Trường hợp không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này:
a) Nếu phương án, phương án bổ sung được thông qua không phải chỉnh sửa, bổ sung, tổ chức, cá nhân đóng dấu giáp lai và nộp lại phương án, phương án bổ sung cho cơ quan thẩm định, phê duyệt xem xét, ra quyết định phê duyệt với số lượng quy định như sau:
- Trường hợp thuộc thẩm quyền thẩm định, phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường, số lượng phải đủ để gửi tới các địa chỉ: Bộ Tài nguyên và Môi trường 01 (một) bản kèm theo 01 (một) đĩa CD ghi toàn bộ dữ liệu; Sở Tài nguyên và Môi trường nơi thực hiện phương án, phương án bổ sung 01 (một) bản; tổ chức, cá nhân 01 (một) bản;
- Trường hợp thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), số lượng phải đủ để gửi tới các địa chỉ: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh 01 (một) bản kèm theo 01 (một) đĩa CD ghi toàn bộ dữ liệu; tổ chức, cá nhân 01 (một) bản.
b) Nếu phương án, phương án bổ sung được thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung, sau khi chỉnh sửa, bổ sung, tổ chức, cá nhân đóng dấu giáp lai phương án, phương án bổ sung kèm theo văn bản giải trình cụ thể và gửi đến cơ quan thẩm định, phê duyệt với số lượng tại Điểm a Khoản 2 Điều này;
c) Trong thời hạn không quá 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị phê duyệt, cơ quan phê duyệt ban hành quyết định phê duyệt và xác nhận vào mặt sau trang phụ bìa của phương án, phương án bổ sung. Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện phê duyệt thì cơ quan có thẩm quyền có ý kiến bằng văn bản nêu rõ lý do. Quyết định phê duyệt phương án, quyết định phê duyệt phương án bổ sung và mẫu xác nhận vào mặt sau phụ bìa theo mẫu quy định tại Phụ lục số 9A, Phụ lục số 9C, Phụ lục số 10 ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Cơ quan phê duyệt gửi quyết định phê duyệt kèm theo phương án, phương án bổ sung đã được phê duyệt cho tổ chức, cá nhân và các cơ quan quy định tại Khoản 2 Điều này; gửi 01 (một) quyết định phê duyệt đến quỹ bảo vệ môi trường nơi tiếp nhận tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường.
1. Cơ sở pháp lý, sự phù hợp về cấu trúc và nội dung của phương án, phương án bổ sung với các quy định hiện hành.
2. Tính phù hợp của nội dung phương án, phương án bổ sung với các yêu cầu về bảo vệ môi trường, các quy hoạch khai thác khoáng sản, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch môi trường (nếu có) của địa phương.
3. Cơ sở tính toán khối lượng các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường và kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường; tính chính xác, đầy đủ khối lượng và dự toán kinh phí, tính phù hợp của phương thức ký quỹ.
1. Hội đồng thẩm định được thành lập để thẩm định cho từng phương án, phương án bổ sung.
2. Hội đồng thẩm định có trách nhiệm tư vấn cho cơ quan thẩm định, phê duyệt phương án, phương án bổ sung; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan thẩm định, phê duyệt về kết quả thẩm định.
3. Hội đồng thẩm định làm việc theo nguyên tắc thảo luận công khai và kết luận theo đa số.
4. Kết quả thẩm định được thể hiện theo 01 (một) trong 03 (ba) trường hợp sau đây:
a) Thông qua: khi tất cả thành viên hội đồng thẩm định tham dự cuộc họp có phiếu đánh giá nhất trí thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung;
b) Thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung: khi có ít nhất 2/3 (hai phần ba) số thành viên hội đồng tham dự có phiếu đánh giá đồng ý thông qua hoặc thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung, trong đó có Chủ tịch hội đồng hoặc Phó Chủ tịch hội đồng được ủy quyền có phiếu đánh giá đồng ý thông qua hoặc thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa;
c) Không thông qua: khi có trên 1/3 (một phần ba) số thành viên hội đồng tham dự có phiếu đánh giá không thông qua.
1. Trách nhiệm của Ủy viên hội đồng:
a) Nghiên cứu phương án, phương án bổ sung và các hồ sơ, tài liệu liên quan do cơ quan tổ chức thẩm định cung cấp;
b) Tham gia các cuộc họp của hội đồng thẩm định, các hoạt động điều tra, khảo sát được tổ chức trong quá trình (nếu có);
c) Viết bản nhận xét gửi cơ quan thẩm định trước cuộc họp chính thức của hội đồng thẩm định ít nhất 01 (một) ngày làm việc; trình bày bản nhận xét tại cuộc họp chính thức của hội đồng thẩm định;
d) Ghi phiếu đánh giá;
đ) Quản lý các tài liệu được cung cấp theo quy định của pháp luật và nộp lại các tài liệu này khi có yêu cầu của cơ quan tổ chức thẩm định sau khi hoàn thành nhiệm vụ;
e) Chịu trách nhiệm trước cơ quan thẩm định, phê duyệt và trước pháp luật về những nhận xét, đánh giá đưa ra và những nội dung công việc được phân công trong quá trình thẩm định.
2. Quyền hạn của Ủy viên hội đồng:
a) Đề nghị cơ quan thẩm định cung cấp các tài liệu liên quan đến hồ sơ đề nghị thẩm định để nghiên cứu, đánh giá;
b) Đề xuất với cơ quan thẩm định tổ chức các cuộc họp, hội nghị chuyên đề và các hoạt động khác để phục vụ trực tiếp việc thẩm định;
c) Được tham dự các cuộc họp của hội đồng thẩm định và các hoạt động khác để phục vụ thẩm định;
d) Trao đổi trực tiếp với tổ chức, cá nhân tại cuộc họp của hội đồng thẩm định; được bảo lưu ý kiến trong trường hợp có ý kiến khác với kết luận của hội đồng thẩm định;
đ) Được hưởng thù lao theo quy định hiện hành khi thực hiện nhiệm vụ; được thanh toán các khoản chi phí đi lại, ăn, ở và các chi phí khác theo quy định của pháp luật khi tham gia các hoạt động của hội đồng thẩm định.
3. Ngoài trách nhiệm và quyền hạn quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này, Chủ tịch hội đồng có thêm các trách nhiệm và quyền hạn sau:
a) Điều hành các cuộc họp của hội đồng thẩm định;
b) Xử lý các ý kiến được nêu trong các cuộc họp của hội đồng thẩm định và kết luận các cuộc họp của hội đồng thẩm định;
c) Ký biên bản cuộc họp và chịu trách nhiệm trước cơ quan thẩm định, phê duyệt về các kết luận đưa ra trong cuộc họp theo trách nhiệm và quyền hạn được giao.
4. Phó Chủ tịch hội đồng có trách nhiệm và quyền hạn như Ủy viên hội đồng quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này và của Chủ tịch hội đồng trong trường hợp được Chủ tịch hội đồng ủy quyền.
1. Rà soát tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị thẩm định phương án, phương án bổ sung.
2. Dự thảo quyết định thành lập hội đồng thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
3. Liên hệ, đề nghị tổ chức, cá nhân cung cấp bổ sung các tài liệu liên quan trong trường hợp cần thiết và gửi đến các thành viên hội đồng thẩm định.
4. Tổ chức các cuộc họp của hội đồng thẩm định và các hoạt động khác của hội đồng thẩm định.
5. Thông báo bằng văn bản đến chủ dự án về kết quả thẩm định và những yêu cầu liên quan đến việc hoàn chỉnh hồ sơ thẩm định.
6. Tổ chức rà soát nội dung phương án, phương án bổ sung sau khi được tổ chức, cá nhân chỉnh sửa, bổ sung; gửi văn bản đề nghị một số thành viên hội đồng thẩm định tiếp tục cho ý kiến nhận xét về phương án, phương án bổ sung trong trường hợp cần thiết.
7. Dự thảo quyết định phê duyệt phương án, phương án bổ sung trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
1. Có sự tham gia (có mặt tại cuộc họp hoặc tham gia họp trực tuyến) tối thiểu từ 2/3 (hai phần ba) trở lên số lượng thành viên hội đồng thẩm định theo quyết định thành lập. Hội đồng thẩm định không đủ kiều kiện họp khi không có mặt của Chủ tịch hội đồng hoặc Phó Chủ tịch hội đồng (trường hợp được ủy quyền khi Chủ tịch hội đồng vắng mặt).
2. Có sự tham gia của đại diện theo pháp luật của tổ chức, cá nhân hoặc người được ủy quyền.
3. Tổ chức, cá nhân đã nộp phí thẩm định phương án, phương án bổ sung theo quy định của pháp luật.
1. Tổng số tiền ký quỹ (chưa bao gồm yếu tố trượt giá) bằng tổng kinh phí của các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường. Phương pháp tính và dự toán chi phí cải tạo, phục hồi môi trường được quy định tại Phụ lục số 11 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Số tiền ký quỹ hằng năm (chưa bao gồm yếu tố trượt giá) được tính bằng tổng số tiền ký quỹ trừ đi số tiền ký quỹ lần đầu quy định tại Khoản 2 Điều 13 của Thông tư này sau đó chia đều cho các năm còn lại theo thời gian trong dự án đầu tư hoặc Giấy phép khai thác khoáng sản.
3. Tổ chức, cá nhân nộp số tiền ký quỹ hàng năm phải tính đến yếu tố trượt giá và được xác định bằng số tiền ký quỹ hàng năm quy định tại Khoản 2 Điều này nhân với chỉ số giá tiêu dùng của các năm trước đó tính từ thời điểm phương án, phương án bổ sung được phê duyệt. Chỉ số giá tiêu dùng hàng năm áp dụng theo công bố của Tổng cục Thống kê cho địa phương nơi khai thác khoáng sản hoặc cơ quan có thẩm quyền.
4. Thời gian ký quỹ:
a) Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản mới, thời gian ký quỹ được xác định theo dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nhưng tối đa không được quá 30 (ba mươi) năm;
b) Trường hợp tổ chức, cá nhân đã có Giấy phép khai thác khoáng sản: thời gian ký quỹ xác định theo thời hạn còn lại trong Giấy phép khai thác khoáng sản tính từ thời điểm phê duyệt phương án, phương án bổ sung;
c) Trường hợp Giấy phép khai thác có thời hạn khai thác khác với thời gian đã tính trong phương án, phương án bổ sung đã phê duyệt thì tổ chức, cá nhân điều chỉnh nội dung và tính toán số tiền ký quỹ theo thời gian trong Giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp và gửi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án, phương án bổ sung để xem xét, điều chỉnh.
1. Trường hợp tổ chức, cá nhân có Giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn dưới 03 (ba) năm thì thực hiện ký quỹ một lần. Mức tiền ký quỹ bằng 100% (một trăm phần trăm) số tiền được phê duyệt, có tính yếu tố trượt giá tại thời điểm ký quỹ.
2. Trường hợp tổ chức, cá nhân có Giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn từ 03 (ba) năm trở lên thì được phép ký quỹ nhiều lần. Số tiền ký quỹ lần đầu phải tính tới yếu tố trượt giá tại thời điểm ký quỹ và được xác định như sau:
a) Giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn dưới 10 (mười) năm: mức ký quỹ lần đầu bằng 25% (hai mươi lăm phần trăm) tổng số tiền ký quỹ;
b) Giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn từ 10 (mười) năm đến dưới 20 (hai mươi) năm: mức ký quỹ lần đầu bằng 20% (hai mươi phần trăm) tổng số tiền ký quỹ;
c) Giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn từ 20 (hai mươi) năm trở lên: mức ký quỹ lần đầu bằng 15% (mười lăm phần trăm) tổng số tiền ký quỹ.Bổ sung
3. Số tiền ký quỹ có tính tới yếu tố trượt giá được tổ chức, cá nhân tự kê khai, nộp tiền ký quỹ và thông báo cho quỹ bảo vệ môi trường nơi ký quỹ theo mẫu quy định tại Phụ lục số 12 ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Trường hợp tổ chức, cá nhân đã thực hiện ký quỹ theo quy định của pháp luật nhưng dừng hoạt động khai thác từ 01 (một) năm trở lên thì phải làm văn bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án, phương án bổ sung để điều chỉnh lại khoản tiền ký quỹ của các lần tiếp theo.
5. Trường hợp tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản hoặc mua bán, đổi tên, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp thì tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản hoặc tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu mới của doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án, phương án bổ sung đã phê duyệt.
1. Thời điểm thực hiện ký quỹ:
a) Tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản thực hiện ký quỹ lần đầu trong thời hạn không quá 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày được phê duyệt phương án, phương án bổ sung;
b) Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản mới thực hiện ký quỹ lần đầu trước ngày đăng ký bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ;
c) Trường hợp ký quỹ nhiều lần, việc ký quỹ từ lần thứ hai trở đi phải thực hiện trước ngày 31 tháng 01 của năm ký quỹ.
2. Tiếp nhận tiền ký quỹ:
a) Nơi nhận tiền ký quỹ được quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP. Trường hợp địa phương chưa có quỹ bảo vệ môi trường thì tổ chức, cá nhân ký quỹ tại Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam;
b) Quỹ bảo vệ môi trường có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác của khoản tiền ký quỹ và cấp Giấy xác nhận đã ký quỹ cho tổ chức, cá nhân theo mẫu quy định tại Phụ lục số 13 ban hành kèm theo Thông tư này.
1. Nguyên tắc hoàn trả tiền ký quỹ:
a) Việc hoàn trả tiền đã ký quỹ được thực hiện theo quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 8 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP;
b) Các khoản tiền đã ký quỹ không liên quan trực tiếp đến kinh phí thực hiện các công trình cải tạo, phục hồi môi trường được hoàn trả 01 (một) lần sau khi xác nhận hoàn thành toàn bộ phương án, phương án bổ sung.
2. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy xác nhận hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường, nơi nhận tiền ký quỹ hoàn trả tiền ký quỹ cho tổ chức, cá nhân.
3. Việc hoàn trả khoản tiền ký quỹ đối với tổ chức, cá nhân trả lại hoặc bị thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản được thực hiện sau khi có quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản.
1. Tổ chức, cá nhân sau khi hoàn thành từng phần nội dung cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án, phương án bổ sung đã phê duyệt được lập và gửi hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP để kiểm tra, xác nhận hoàn thành.
2. Hồ sơ đề nghị xác nhận hoàn thành từng phần phương án, phương án bổ sung bao gồm:
a) Văn bản đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục số 14 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) 07 (bảy) Báo cáo hoàn thành từng phần phương án, phương án bổ sung theo mẫu quy định tại Phụ lục số 15 ban hành kèm theo Thông tư này.
1. Thời hạn xác nhận hoàn thành từng phần phương án, phương án bổ sung tối đa là 40 (bốn mươi) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan xác nhận nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
2. Trình tự kiểm tra, xác nhận:
a) Trong thời hạn không quá 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan xác nhận có trách nhiệm thành lập đoàn kiểm tra. Thành phần đoàn kiểm tra gồm: đại diện của cơ quan xác nhận, đại diện cơ quan cấp phép khai thác khoáng sản, các chuyên gia về môi trường, khoáng sản và lĩnh vực liên quan; đại diện cơ quan quản lý môi trường địa phương, quỹ bảo vệ môi trường nơi tổ chức, cá nhân ký quỹ. Trường hợp cần thiết, cơ quan xác nhận mời thêm đơn vị giám sát chất lượng công trình, chất lượng môi trường và một số đơn vị liên quan tham gia đoàn kiểm tra. Quyết định thành lập đoàn kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục số 16 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc không hợp lệ, cơ quan xác nhận thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân biết để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;
b) Trong thời hạn không quá 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày thành lập đoàn kiểm tra, cơ quan xác nhận tiến hành kiểm tra thực địa; kết quả kiểm tra thực địa được thể hiện bằng biên bản kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục số 17 ban hành kèm theo Thông tư này. Cơ quan xác nhận được thuê cơ quan có chức năng để đo đạc, lấy mẫu kiểm chứng các thông tin, số liệu trong báo cáo;
c) Trong thời hạn không quá 20 (hai mươi) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra cơ quan xác nhận cấp Giấy xác nhận hoàn thành từng phần phương án, phương án bổ sung theo mẫu quy định tại Phụ lục số 18 ban hành kèm theo Thông tư này;
d) Trường hợp cần thiết, cơ quan xác nhận lấy ý kiến bằng văn bản cơ quan cấp phép khai thác khoáng sản về trữ lượng khoáng sản nằm trong diện tích khu vực đã thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường. Thời gian lấy ý kiến không tính vào thời gian xác nhận hoàn thành từng phần phương án, phương án bổ sung;
đ) Trường hợp hạng mục, công trình đã thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường có chất lượng và khối lượng không phù hợp với phương án, phương án bổ sung đã được phê duyệt thì cơ quan xác nhận thông báo bằng văn bản nêu rõ các vấn đề còn tồn tại để tổ chức, cá nhân khắc phục và hoàn thiện.
3. Kết quả xác nhận trả trực tiếp tại cơ quan xác nhận hoặc qua đường bưu điện.
4. Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đề nghị trả lại một phần diện tích đã khai thác, trình tự, thủ tục kiểm tra, xác nhận hoàn thành từng phần được thực hiện theo trình tự, thủ tục phê duyệt, nghiệm thu đề án đóng cửa mỏ khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định. Trong quá trình nghiệm thu đề án đóng cửa mỏ từng phần phải có sự tham gia và ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án. Quyết định đóng cửa mỏ từng phần thay thế giấy xác nhận hoàn thành từng phần phương án, phương án bổ sung.
1. Nội dung kiểm tra:
a) Kiểm tra từng nội dung và hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường đã hoàn thành so với báo cáo và hồ sơ của tổ chức, cá nhân đã nộp;
b) Kiểm tra khối lượng, chất lượng, kết quả duy tu, bảo trì các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường so với các chỉ tiêu đã cam kết trong phương án, phương án bổ sung, hồ sơ thiết kế khai thác, các tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng.
2. Đoàn kiểm tra làm việc theo nguyên tắc thảo luận công khai giữa các thành viên và giữa các thành viên với đại diện tổ chức, cá nhân trong các cuộc họp và trong quá trình kiểm tra.
3. Đoàn kiểm tra chỉ tiến hành việc kiểm tra thực tế các hạng mục, công trình cải tạo, phục hồi môi trường khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Tham gia của ít nhất 2/3 (hai phần ba) số lượng thành viên đoàn kiểm tra theo quyết định thành lập của cơ quan xác nhận, trong đó phải có Trưởng đoàn (hoặc Phó trưởng đoàn khi Trưởng đoàn vắng mặt);
b) Tham gia đại diện có thẩm quyền của tổ chức, cá nhân;
c) Tổ chức, cá nhân đã nộp phí kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án, phương án bổ sung theo quy định của pháp luật.
1. Trách nhiệm và quyền hạn của các thành viên đoàn kiểm tra:
a) Nghiên cứu hồ sơ đề nghị xác nhận hoàn thành từng phần phương án, phương án bổ sung;
b) Tham gia các cuộc họp, hoạt động kiểm tra thực tế của đoàn kiểm tra;
c) Trao đổi trực tiếp với tổ chức, cá nhân về hạng mục, công trình cải tạo, phục hồi môi trường trong quá trình kiểm tra thực tế;
d) Viết bản nhận xét, đánh giá việc thực hiện hạng mục, công trình cải tạo, phục hồi môi trường theo mẫu quy định tại Phụ lục số 19 ban hành kèm theo Thông tư này và gửi Trưởng đoàn kiểm tra; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nhận xét, đánh giá của mình;
đ) Quản lý các tài liệu được cung cấp theo quy định của pháp luật và nộp lại khi có yêu cầu của cơ quan thực hiện việc kiểm tra sau khi hoàn thành nhiệm vụ;
e) Được hưởng thù lao theo quy định của pháp luật hiện hành trong quá trình kiểm tra thực tế.
2. Ngoài trách nhiệm và quyền hạn quy định tại Khoản 1 Điều này, Trưởng đoàn kiểm tra có thêm các trách nhiệm:
a) Chịu trách nhiệm chung về hoạt động của đoàn kiểm tra;
b) Phân công nhiệm vụ cho các thành viên đoàn kiểm tra;
c) Chủ trì và điều hành các cuộc họp của đoàn kiểm tra;
d) Chủ trì xử lý các kiến nghị của các thành viên đoàn kiểm tra, của tổ chức, cá nhân và đại diện tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình kiểm tra thực tế và đưa ra kết luận.
1. Việc xác nhận hoàn thành toàn bộ phương án, phương án bổ sung được thực hiện theo Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP.
2. Cơ quan thẩm định đề án đóng cửa mỏ chủ trì, phối hợp và lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan thẩm định phương án về nội dung xác nhận hoàn thành toàn bộ phương án, phương án bổ sung trong quá trình thẩm định, trình phê duyệt và nghiệm thu kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ.
3. Trình tự, thủ tục xác nhận hoàn thành toàn bộ phương án, phương án bổ sung được thực hiện theo trình tự, thủ tục phê duyệt, nghiệm thu đề án đóng cửa mỏ khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định.
1. Tổng cục Môi trường là cơ quan thẩm định, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt phương án, phương án bổ sung; tổ chức kiểm tra, xác nhận hoàn thành từng phần phương án, phương án bổ sung thuộc thẩm quyền kiểm tra, xác nhận của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án, phương án bổ sung; tổ chức kiểm tra, xác nhận hoàn thành từng phần phương án, phương án bổ sung thuộc thẩm quyền kiểm tra, xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tình hình thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trước ngày 31 tháng 12 hằng năm theo mẫu quy định tại Phụ lục số 20 ban hành kèm theo Thông tư này. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm rà soát, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định; cập nhật cơ sở dữ liệu về cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản tại trang thông tin điện tử: http://www.caithienmoitruong.vea.gov.vn.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17 tháng 8 năm 2015 và thay thế Thông tư số 34/2009/TT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về lập, phê duyệt, kiểm tra, xác nhận dự án cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.
2. Tổng cục Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, quỹ bảo vệ môi trường, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này. Tổng cục Môi trường hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có phát sinh những khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ THẨM ĐỊNH PHƯƠNG ÁN, PHƯƠNG ÁN BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
… (1) … |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: … |
(Địa danh), ngày … tháng … năm … |
Kính gửi: … (3) …
Chúng tôi là: … (1) …, chủ dự án của …(2)… thuộc đối tượng phải lập phương án cải tạo phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung thuộc đối tượng tại Khoản…Điều…Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
- Địa chỉ: …;
- Điện thoại: …; Fax: …; E-mail: …
Xin gửi quý … (3) … hồ sơ phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung gồm:
- 07 (bảy) bản thuyết minh phương án/phương án bổ sung kèm theo các bản vẽ liên quan;
- Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc Bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc Đề án bảo vệ môi trường đơn giản hoặc Đề án bảo vệ môi trường chi tiết.
- …
Chúng tôi xin bảo đảm về độ trung thực của các số liệu, tài liệu trong các văn bản nêu trên. Nếu có gì sai phạm chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Kính đề nghị … (3) …xem xét, thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung..(2)…của chúng tôi./.
|
… (4) … |
Ghi chú: (1) Tên tổ chức, cá nhân; (2) Tên đầy đủ của dự án khai thác khoáng sản; (3) Cơ quan thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường; (4) Thủ trưởng, người đứng đầu của tổ chức, cá nhân.
MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ THẨM ĐỊNH BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ PHƯƠNG ÁN/PHƯƠNG ÁN BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
(1) |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:... |
(Địa danh), ngày… tháng… năm… |
Kính gửi: (3)
Chúng tôi là: (1), chủ dự án của (2), thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc mục số... Phụ lục II (hoặc thuộc mục số... Phụ lục III) Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường và phương án/phương án bổ sung thuộc đối tượng tại Khoản….Điều… Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường Dự án đầu tư do... phê duyệt.
- Địa điểm thực hiện Dự án: …;
- Địa chỉ liên hệ: …;
- Điện thoại: …; Fax:…; E-mail: … Xin gửi đến quý (3) hồ sơ gồm:
- Một (01) bản dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương).
- Bảy (07) bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án.
- Bảy (07) phương án cải tạo, phục hồi môi trường của Dự án.
Chúng tôi xin bảo đảm về độ trung thực của các số liệu, tài liệu trong các văn bản nêu trên. Nếu có gì sai phạm chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật của Việt Nam.
Đề nghị (3) thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung của Dự án.
Nơi nhận: |
(4) |
Ghi chú: (1) Chủ dự án; (2) Tên đầy đủ, chính xác của Dự án; (3) Cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án; (4) Đại diện có thẩm quyền của Chủ dự án.
CẤU TRÚC VÀ HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Phần I:
THUYẾT MINH PHƯƠNG ÁN
MỞ ĐẦU
Nêu tóm tắt những yếu tố hình thành, xuất xứ, sự cần thiết lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường.
Chương I.
KHÁI QUÁT CHUNG
I. Thông tin chung
- Tên tổ chức, cá nhân:
- Địa chỉ liên lạc:
- Điện thoại:...... Fax:.....
- Giấy đăng ký kinh doanh (hoặc Giấy chứng nhận đầu tư).
- Hình thức đầu tư và quản lý phương án. Hình thức đầu tư, nguồn vốn và lựa chọn hình thức quản lý phương án. Trường hợp thuê tư vấn quản lý phương án phải nêu rõ thông tin, địa chỉ, tính pháp lý của tổ chức tư vấn quản lý phương án.
II. Cơ sở để lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường
Cơ sở pháp lý: Nghị định số 19/2015/NĐ-CP; Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT; Giấy phép khai thác khoáng sản (nếu có), quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi/phương án đầu tư, kết quả thẩm định thiết kế cơ sở, các văn bản phê duyệt quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất khu vực triển khai phương án, quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận Bản cam kết bảo vệ môi trường và các văn bản khác có liên quan; quy định về công tác dự toán, đơn giá, định mức, quy chuẩn kỹ thuật khai thác khoáng sản, quy chuẩn môi trường áp dụng xây dựng phương án cải tạo, phục hồi môi trường.
Tài liệu cơ sở: Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ được phê duyệt và thiết kế cơ sở được thẩm định hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi; Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Bản cam kết bảo vệ môi trường được phê duyệt/xác nhận; tài liệu quan trắc môi trường.
Nêu rõ tên tổ chức tư vấn lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường, tên người chủ trì và danh sách những người trực tiếp tham gia.
III. Đặc điểm khai thác khoáng sản, hiện trạng môi trường
Mô tả rõ ràng vị trí địa lý, tọa độ, ranh giới… của địa điểm thực hiện phương án cải tạo, phục hồi môi trường.
1. Công tác khai thác khoáng sản
- Nêu tóm tắt đặc điểm địa hình, địa mạo của khu vực khai thác khoáng sản; điều kiện địa chất, địa chất công trình, đặc điểm thành phần thạch học, thành phần khoáng vật khoáng sản; đặc điểm phân bố khoáng sản.
- Tài nguyên, biên giới và trữ lượng khai trường: Nêu tóm tắt về trữ lượng tài nguyên khoáng sản, điều kiện kỹ thuật khai thác.
- Chế độ làm việc, công suất và tuổi thọ mỏ: Nêu chế độ làm việc, công suất và tuổi thọ mỏ.
- Mở vỉa, trình tự và hệ thống khai thác: Nêu tóm tắt phương án mở vỉa, trình tự khai thác và hệ thống khai thác.
- Vận tải, bãi thải và thoát nước mỏ: Nêu phương thức vận tải trong mỏ, công tác đổ thải và thoát nước mỏ.
- Kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp và phòng chống cháy: Nêu các giải pháp về kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp và phòng chống cháy nổ.
- Tổng mặt bằng, vận tải ngoài và tổ chức xây dựng: Mô tả tóm tắt giải pháp bố trí tổng mặt bằng, tổ chức vận tải ngoài và tổ chức xây dựng của dự án; các giải pháp kiến trúc-xây dựng,thiết kế cơ sở đã lựa chọn.
2. Hiện trạng môi trường
- Tóm tắt điều kiện tự nhiên, hệ thống đường giao thông, hệ thống sông suối, đặc điểm địa hình…, điều kiện kinh tế - xã hội và các đối tượng xung quanh khu vực khai thác khoáng sản.
- Nêu hiện trạng môi trường thời điểm lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường. Kết quả phân tích môi trường thời điểm lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường.
Chương II.
CÁC GIẢI PHÁP CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG
I. Lựa chọn giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường
- Căn cứ vào điều kiện thực tế của từng loại hình khai thác khoáng sản, ảnh hưởng của quá trình khai thác đến môi trường, cộng đồng dân cư xung quanh; căn cứ cấu tạo địa chất, thành phần khoáng vật và chất lượng môi trường của khu vực, tổ chức, cá nhân phải xây dựng các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khả thi. Giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường phải đảm bảo không để xảy ra các sự cố môi trường, sức khỏe cộng đồng.
- Việc cải tạo, phục hồi môi trường thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này và các quy định có liên quan.
- Mô tả khái quát các giải pháp; các công trình và khối lượng công việc cải tạo, phục hồi môi trường. Xây dựng bản đồ hoàn thổ không gian đã khai thác và thể hiện các công trình cải tạo, phục hồi môi trường.
- Đánh giá ảnh hưởng đến môi trường, tính bền vững, an toàn của các công trình cải tạo, phục hồi môi trường của phương án (bao gồm: sụt lún, trượt lở, chống thấm, hạ thấp mực nước ngầm, nứt gãy, sự cố môi trường,…).
- Tính toán “chỉ số phục hồi đất” cho các giải pháp lựa chọn (tối thiểu 02 giải pháp cho mỗi hạng mục công trình) được xác định theo biểu thức sau:
Ip = (Gm - Gp)/Gc
Trong đó:
+ Gm: giá trị đất đai sau khi phục hồi, dự báo theo giá cả thị trường tại thời điểm tính toán;
+ Gp: tổng chi phí phục hồi đất để đạt được mục đích sử dụng;
+ Gc: giá trị nguyên thủy của đất đai trước khi mở mỏ ở thời điểm tính toán (theo đơn giá của Nhà nước);
Trên cơ sở đánh giá và so sánh chỉ số phục hồi đất và ưu điểm, nhược điểm của các giải pháp (tối thiểu 02 giải pháp cho mỗi hạng mục công trình), lựa chọn giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường tối ưu.
II. Nội dung cải tạo, phục hồi môi trường
Từ giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường đã lựa chọn, xây dựng nội dung, danh mục, khối lượng các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường, cụ thể:
- Thiết kế, tính toán khối lượng công việc các công trình chính để cải tạo, phục hồi môi trường theo hướng dẫn tại Phụ lục số 11 của Thông tư này.
- Thiết kế, tính toán khối lượng công việc để cải tạo, phục hồi môi trường đáp ứng mục tiêu đã đề ra, phù hợp với điều kiện thực tế;
- Thiết kế các công trình để giảm thiểu tác động xấu, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với từng giai đoạn trong quá trình cải tạo, phục hồi môi trường;
- Lập bảng các công trình cải tạo, phục hồi môi trường; khối lượng công việc thực hiện theo từng giai đoạn và toàn bộ quá trình cải tạo, phục hồi môi trường;
- Lập bảng thống kê các thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu, đất đai, cây xanh sử dụng trong quá trình cải tạo, phục hồi môi trường theo từng giai đoạn và toàn bộ quá trình cải tạo, phục hồi môi trường;
- Xây dựng các kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố trong quá trình cải tạo, phục hồi môi trường.
Các chỉ tiêu kỹ thuật để thiết kế, thi công các công trình cải tạo, phục hồi môi trường dựa trên báo cáo nghiên cứu khả thi khai thác mỏ hoặc thiết kế cơ sở khai thác mỏ hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường.
III. Kế hoạch thực hiện
Trình bày sơ đồ tổ chức thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường.
Trình bày tiến độ thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và kế hoạch giám sát chất lượng công trình.
Kế hoạch tổ chức giám định các công trình cải tạo, phục hồi môi trường để kiểm tra, xác nhận hoàn thành các nội dung của phương án cải tạo, phục hồi môi trường.
Giải pháp quản lý, bảo vệ các công trình cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kiểm tra, xác nhận.
Trong quá trình khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân có thể kết hợp sử dụng kết quả giám sát môi trường trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường/Bản cam kết bảo vệ môi trường/Đề án bảo vệ môi trường được phê duyệt.
Lập bảng tiến độ thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường theo mẫu sau:
TT |
Tên công trình |
Khối lượng/đơn vị |
Đơn giá |
Thành tiền |
Thời gian thực hiện |
Thời gian hoàn thành |
Ghi chú |
I |
Khu vực khai thác |
|
|
|
|
|
|
I.1 |
Đối với khai thác lộ thiên |
|
|
|
|
|
|
1 |
Cải tạo bờ mỏ, đáy mỏ, bờ moong, đáy mong khu A |
|
|
|
|
|
|
2 |
Trồng cây khu A |
|
|
|
|
|
|
… |
…. |
|
|
|
|
|
|
I.2 |
Đối với khai thác lộ thiên |
|
|
|
|
|
|
1 |
Cải tạo đường lò, cửa lò khu A |
|
|
|
|
|
|
2 |
Hệ thống thoát nước khu A |
|
|
|
|
|
|
…. |
…. |
|
|
|
|
|
|
II |
Khu vực bãi thải |
|
|
|
|
|
|
1 |
San gạt khu A |
|
|
|
|
|
|
2 |
Trồng cây khu A. |
|
|
|
|
|
|
… |
… |
|
|
|
|
|
|
III |
Khu vực SCN và phụ trợ |
|
|
|
|
|
|
1 |
Tháo dỡ khu A |
|
|
|
|
|
|
2 |
Trồng cây khu A |
|
|
|
|
|
|
… |
… |
|
|
|
|
|
|
IV |
Công tác khác |
|
|
|
|
|
|
… |
….. |
|
|
|
|
|
|
Chương III.
DỰ TOÁN KINH PHÍ CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG
I. Dự toán chi phí cải tạo, phục hồi môi trường
- Căn cứ tính dự toán: định mức, đơn giá mới nhất của địa phương hoặc theo các Bộ, ngành tương ứng trong trường hợp địa phương chưa có định mức, đơn giá.
- Nội dung của dự toán: theo điều kiện thực tế của công tác cải tạo, phục hồi môi trường; theo khối lượng và nội dung công việc cải tạo, phục hồi nêu trên và theo hướng dẫn tại Phụ lục số 11 ban hành kèm theo Thông tư này.
- Lập bảng tổng hợp chi phí gồm các công trình cải tạo, phục hồi môi trường; khối lượng; đơn giá từng hạng mục công trình theo từng giai đoạn và tổng chi phí cải tạo, phục hồi môi trường.
II. Tính toán khoản tiền ký quỹ và thời điểm ký quỹ
Các khoản tiền ký quỹ lần đầu và các lần tiếp theo, thời điểm ký quỹ lần đầu và các lần tiếp theo theo hướng dẫn quy định của Thông tư này.
II. Đơn vị nhận ký quỹ: Tổ chức, cá nhân lựa chọn đơn vị nhận ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường (Quỹ bảo vệ môi trường địa phương hoặc Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam).
Chương IV.
CAM KẾT THỰC HIỆN VÀ KẾT LUẬN
I. Cam kết của tổ chức, cá nhân
Các cam kết của tổ chức, cá nhân về thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường; tuân thủ các quy định chung về cải tạo, phục hồi môi trường, bảo vệ môi trường có liên quan đến các giai đoạn của phương án. Cụ thể:
- Cam kết tính trung thực, khách quan khi tính toán khoản tiền ký quỹ;
- Các cam kết thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường tại Quỹ bảo vệ môi trường... theo đúng cam kết trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường;
- Cam kết bố trí nguồn vốn để thực hiện;
- Các cam kết thực hiện và hoàn thành các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường;
- Cam kết thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và cam kết đền bù, khắc phục ô nhiễm môi trường trong trường hợp gây ra sự cố môi trường;
- Cam kết thực hiện chế độ nộp báo cáo, chế độ kiểm tra theo đúng quy định;
- Cam kết lập báo cáo về kết quả thực hiện phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung và kết quả chương trình giám sát môi trường gửi cơ quan có phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của địa phương theo quy định.
II. Kết luận
Nêu kết luận và đánh giá hiệu quả của phương án cải tạo, phục hồi môi trường. Tính hợp lý của số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường.
Phần II:
CÁC PHỤ LỤC
1. Phụ lục các bản vẽ
TT |
Tên bản vẽ |
1 |
Bản đồ vị trí khu vực khai thác mỏ (tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/10.000) |
2 |
Bản đồ địa hình có (hoặc không có) lộ vỉa khu mỏ (tỷ lệ 1/1.000 hoặc 1/2.000) |
3 |
Bản đồ kết thúc từng giai đoạn khai thác |
4 |
Bản đồ tổng mặt bằng mỏ (tỷ lệ 1/2.000 hoặc 1/5.000), có thể hiện tất cả các hạng mục công trình và mạng kỹ thuật. |
5 |
Bản đồ kết thúc khai thác mỏ (tỷ lệ 1/2.000 hoặc 1/5.000). |
6 |
Bản đồ tổng mặt bằng hiện trạng mỏ (tỷ lệ 1/2.000 hoặc 1/5.000), có thể hiện tất cả các hạng mục công trình và mạng kỹ thuật |
7 |
Bản đồ vị trí khu vực cải tạo, phục hồi môi trường (tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/10.000) |
8 |
Bản đồ cải tạo, phục hồi môi trường theo từng giai đoạn, từng năm |
9 |
Bản đồ hoàn thổ không gian đã khai thác (tỷ lệ 1/1.000 hoặc 1/2.000) |
10 |
Các bản vẽ thiết kế chi tiết các công trình cải tạo, phục hồi môi trường |
11 |
Sơ đồ vị trí các công trình quan trắc môi trường, giám sát môi trường |
2. Phụ lục các Hồ sơ, tài liệu liên quan
- Bản sao quyết định phê duyệt/giấy xác nhận Báo cáo đánh giá tác động môi trường/Bản cam kết bảo vệ môi trường/Đề án bảo vệ môi trường đơn giản/Đề án bảo vệ môi trường chi tiết/Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản; Giấy phép khai thác khoáng sản (nếu có);
- Bản sao quyết định phê duyệt Dự án đầu tư khai thác và Thông báo thẩm định thiết kế cơ sở hoặc tài liệu tương đương (nếu có);
- Đơn giá sử dụng tính dự toán kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường; đơn giá, định mức của các bộ, ngành và địa phương liên quan; bản đồ quy hoạch sử dụng đất (nếu có).
PHỤ LỤC SỐ 3
HƯỚNG DẪN CÁC GIẢI PHÁP CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG TRONG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
I. Đối với mỏ khai thác lộ thiên không có nguy cơ phát sinh dòng thải axit mỏ
1. Khai trường khi kết thúc khai thác
a) Đối với khai trường là moong dạng hố mỏ có đáy moong khi kết thúc khai thác nằm dưới mực nước ngầm hoặc mực nước thông thủy: thực hiện lấp đầy bằng với mức địa hình xung quanh; tạo hệ thống lưu, thoát nước và trồng cây, phủ xanh trên toàn bộ khai trường. Trường hợp để lại thành hồ chứa nước nhưng độ sâu mực nước không được sâu hơn mức nước thông thủy 30m và phải có hệ thống lưu thông nước với các khu vực bên ngoài; xây dựng kè bờ chắc chắn và cải tạo bờ moong giật cấp đảm bảo an toàn - kỹ thuật; xây dựng đê xung quanh moong đảm bảo ngăn súc vật và người; trồng cây xen dày xung quanh hơn định mức trồng cây thông thường ít nhất 2 lần; lập hàng rào và biển báo nguy hiểm tồn tại vĩnh viễn ghi rõ độ sâu của moong; tái tạo hệ sinh thái và môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu;
b) Đối với khai trường là moong dạng hố mỏ có đáy moong khi kết thúc khai thác nằm trên mực nước ngầm hoặc mực nước thông thủy: thực hiện việc lấp đầy bằng với mức địa hình xung quanh; tạo hệ thống lưu, thoát nước và trồng cây trên toàn bộ khai trường. Trường hợp để lại địa hình hố mỏ thì độ cao từ đáy moong đến mức cao địa hình xung quanh không được lớn hơn 15 m; cải tạo, củng cố bờ moong đảm bảo an toàn kỹ thuật; xây dựng bờ kè và hệ thống thoát nước; trồng cây và phủ xanh toàn bộ đáy moong; tái tạo hệ sinh thái và môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu;
c) Khai trường khai thác địa hình khác dạng hố mỏ: thực hiện san gạt, tạo mặt bằng hoặc cắt tầng, phủ đất để trồng cây hoặc chuyển đổi mục đích; xây dựng hệ thống thoát nước bề mặt; tái tạo hệ sinh thái và môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu.
2. Khu vực xung quanh khai trường
a) Xung quanh khai trường là địa hình bằng phẳng: san gạt, tạo mặt bằng; xử lý ô nhiễm môi trường theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn; phủ đất để trồng cây;
b) Xung quanh khai trường là địa hình vách núi: cải tạo, củng cố bờ tầng vách núi đảm bảo an toàn - kỹ thuật; phủ đất và trồng cây trên mặt tầng; xây dựng hệ thống thu gom nước tại mặt tầng và chân tầng vách núi; xây dựng tường kè chân tầng vách núi; lập hàng rào và biển báo nguy hiểm xung quanh chân tầng; trồng cây tại các khu vực xung quanh.
3. Bãi thải đất đá
Tiến hành san gạt, tạo mặt bằng và trồng cây. Trường hợp bãi thải dạng đống không thể san gạt thì phải cải tạo, san cắt tầng thải và tạo độ dốc của bãi thải đảm bảo an toàn - kỹ thuật; góc nghiêng của sườn bãi thải phải nhỏ hơn hoặc bằng góc trượt tự nhiên của đất đá thải đổ xuống; xây dựng hệ thống chân kè bãi thải đảm bảo bền vững; hệ thống thu gom nước các mặt tầng và chân tầng bãi thải; phủ đất và trồng cây trên các mặt tầng và sườn tầng bãi thải (cây bụi và cây thân gỗ).
4. Bãi thải quặng đuôi
a) Đối với các bãi thải quặng đuôi dạng thô, rắn, dễ thoát nước: san gạt, tạo mặt bằng và trồng cây trên toàn bộ diện tích bãi thải; xây dựng hệ thống thoát và xử lý nước chảy tràn;
b) Đối với các hồ thải quặng đuôi dạng mịn, khó thoát nước, không có khả năng hoàn thổ phủ xanh: xây dựng đê, đập tràn vĩnh viễn đảm bảo an toàn - kỹ thuật và phải được đơn vị có chức năng thẩm định thiết kế kỹ thuật; xây dựng hệ thống xử lý nước rỉ quặng đuôi đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi thải ra ngoài môi trường; tái tạo hệ sinh thái và môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu; xây dựng hàng rào kiên cố, trồng cây xen dày và lắp đặt biển báo nguy hiểm xung quanh.
5. Sân công nghiệp và khu vực phụ trợ phục vụ khai thác và chế biến khoáng sản
Tháo dỡ các hạng mục công trình, thiết bị không còn mục đích sử dụng; xử lý ô nhiễm môi trường đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường; san gạt, tạo mặt bằng và trồng cây trên toàn bộ diện tích sân công nghiệp và khu vực phụ trợ; xây dựng hệ thống thoát nước xung quanh; tái tạo hệ sinh thái và môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu.
6. Khu vực xung quanh không thuộc diện tích được cấp phép của mỏ nhưng bị thiệt hại do các hoạt động khai thác khoáng sản
Tiến hành xử lý, khắc phục ô nhiễm và sự cố môi trường trong trường hợp gây ô nhiễm và sự cố môi trường. Việc xử lý, khắc phục ô nhiễm và sự cố môi trường phải có sự tham gia, giám sát và thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
II. Đối với mỏ khai thác lộ thiên có nguy cơ tạo dòng thải axit; có phát sinh thành phần nguy hại
Tất cả các mỏ khai thác khoáng sản rắn có thành phần khoáng vật sulfua, phát sinh dòng thải axit mỏ và các mỏ khoáng sản có chất thải mỏ phát sinh có thành phần nguy hại vượt ngưỡng theo quy định hiện hành phải thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường nghiêm ngặt như sau:
1. Khai trường khi kết thúc khai thác
a) Đối với khai trường là moong dạng hố mỏ có đáy moong khi kết thúc khai thác nằm dưới mực nước ngầm hoặc mực nước thông thủy: thực hiện lấp đầy bằng với mức địa hình xung quanh; tạo độ nghiêng thích hợp để thu gom nước chảy tràn; phủ một lớp vật liệu có độ thẩm thấu thấp, rồi lu lèn đạt độ thẩm thấu nhỏ hơn 1x 10-6cm/s hoặc sử dụng vải địa kỹ thuật chống thấm đảm bảo an toàn; phủ đất và trồng cây trên toàn bộ khai trường; xây dựng hệ thống thoát nước bề mặt.
Trường hợp để lại thành hồ chứa nước nhưng độ sâu mực nước không được sâu hơn mức nước thông thủy 30m; phải làm ngập nước vĩnh viễn, xây dựng hệ thống lưu thông nước, xử lý, trung hòa nước đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường trước khi đổ ra các khu vực bên ngoài; xây dựng kè bờ chắc chắn hoặc cải tạo bờ moong giật cấp đảm bảo an toàn - kỹ thuật; xây dựng đê xung quanh moong đảm bảo ngăn súc vật và người; trồng cây xen dầy xung quanh hơn định mức trồng rừng thông thường ít nhất 2 lần; lập hàng rào và biển báo nguy hiểm tồn tại vĩnh viễn ghi rõ độ sâu của moong; tái tạo hệ sinh thái và môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu;
b) Đối với khai trường là moong dạng hố mỏ có đáy moong khi kết thúc khai thác nằm trên mực nước ngầm hoặc mực nước thông thủy: thực hiện việc lấp đầy bằng với mức địa hình xung quanh; tạo độ nghiêng để thu gom nước và xây dựng hệ thống thoát nước cho khu vực; phủ một lớp vật liệu có độ thẩm thấu thấp, rồi lu lèn đạt độ thẩm thấu nhỏ hơn 1x 10-6cm/s hoặc sử dụng vải địa kỹ thuật chống thấm đảm bảo an toàn; phủ đất và trồng cây trên toàn bộ khai trường. Trường hợp để lại địa hình hố mỏ thì độ cao từ đáy moong đến mức cao địa hình xung quanh không được lớn hơn 15 m; cải tạo, củng cố bờ moong đảm bảo an toàn kỹ thuật; phủ một lớp vật liệu có độ thẩm thấu thấp, rồi lu lèn đạt độ thẩm thấu nhỏ hơn 1x 10-6cm/s hoặc sử dụng vải địa kỹ thuật chống thấm đảm bảo an toàn trên các bờ tầng và đáy moong; phủ đất và trồng cây trên toàn bộ khai trường; phủ đất và trồng cây trên toàn bộ đáy moong và bờ tầng; xây dựng bờ kè và hệ thống thoát nước xung quanh moong; tái tạo hệ sinh thái và môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu;
c) Khai trường khai thác địa hình khác dạng hố mỏ: thực hiện san gạt, tạo mặt bằng hoặc san cắt tầng và tạo độ nghiêng thu gom nước chảy tràn; phủ một lớp vật liệu có độ thẩm thấu thấp, rồi lu lèn đạt độ thẩm thấu nhỏ hơn 1x 10-6cm/s hoặc sử dụng vải địa kỹ thuật chống thấm đảm bảo an toàn; phủ đất và trồng cây; xây dựng hệ thống thu gom nước bề mặt; tái tạo hệ sinh thái và môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu.
2. Khu vực xung quanh khai trường
a) Xung quanh khai trường là địa hình bằng phẳng: san gạt, tạo mặt bằng; xử lý ô nhiễm môi trường theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường; phủ đất để trồng cây;
b) Xung quanh khai trường là địa hình vách núi: cải tạo, củng cố bờ tầng vách núi đảm bảo an toàn - kỹ thuật; phủ một lớp vật liệu có độ thẩm thấu thấp, rồi lu lèn đạt độ thẩm thấu nhỏ hơn 1x 10-6cm/s hoặc sử dụng vải địa kỹ thuật chống thấm đảm bảo an toàn trên các bờ tầng; phủ đất và trồng cây trên mặt tầng; xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước tại mặt tầng và chân tầng vách núi; xây dựng tường kè chân tầng vách núi; lập hàng rào và biển báo nguy hiểm xung quanh chân tầng; trồng cây tại các khu vực xung quanh.
3. Các bãi thải đất, đá
Tiến hành san gạt, tạo mặt bằng và trồng cây. Trường hợp bãi thải dạng đống không thể san gạt thì phải cải tạo, san cắt tầng thải và tạo độ dốc của bãi thải đảm bảo an toàn - kỹ thuật; phủ bãi thải bằng một lớp vật liệu có độ thẩm thấu thấp, rồi lu lèn đạt độ thẩm thấu nhỏ hơn 1x 10-6 cm/s hoặc sử dụng vải địa kỹ thuật chống thấm đảm bảo an toàn; góc nghiêng của sườn bãi thải phải nhỏ hơn hoặc bằng góc trượt tự nhiên của đất đá thải đổ xuống; xây dựng hệ thống chân kè bãi thải đảm bảo bền vững và phải được đơn vị có chức năng thẩm định thiết kế kỹ thuật; hệ thống thu gom nước các mặt tầng và chân tầng bãi thải; phủ đất và trồng cây trên các mặt tầng và sườn tầng bãi thải.
4. Bãi thải quặng đuôi
a) Đối với các bãi thải quặng đuôi dạng thô, rắn, khô: san gạt, tạo mặt bằng phủ bề mặt bãi thải bằng một lớp vật liệu có độ thẩm thấu thấp, rồi lu lèn đạt độ thẩm thấu nhỏ hơn 1x 10-6 cm/s hoặc sử dụng vải địa kỹ thuật chống thấm đảm bảo an toàn, phủ đất và trồng cây trên toàn bộ diện tích bãi thải; xây dựng hệ thống thoát và xử lý nước chảy tràn;
b) Đối với các hồ thải quặng đuôi dạng mịn, khó thoát nước, không có khả năng cải tạo phủ xanh: xây dựng đê, đập tràn vĩnh viễn đảm bảo an toàn - kỹ thuật và phải được đơn vị có chức năng thẩm định thiết kế kỹ thuật; phải làm ngập nước vĩnh viễn, xây dựng hệ thống lưu thông nước, xử lý, trung hòa nước đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường trước khi đổ ra các khu vực bên ngoài; xây dựng kè bờ chắc chắn; xây dựng đê xung quanh hồ thải quặng đuôi đảm bảo ngăn súc vật và người; trồng cây ken dầy xung quanh hơn định mức trồng rừng thông thường ít nhất 2 lần; lập hàng rào và biển báo nguy hiểm tồn tại vĩnh viễn ghi rõ độ sâu và trạng thái chất thải trong hồ.
5. Sân công nghiệp và khu vực phụ trợ phục vụ khai thác và chế biến khoáng sản
Tháo dỡ các hạng mục công trình, thiết bị không còn mục đích sử dụng; xử lý ô nhiễm môi trường đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường; san gạt, tạo mặt bằng và trồng cây trên toàn bộ diện tích sân công nghiệp và khu vực phụ trợ; xây dựng hệ thống thoát nước xung quanh; tái tạo hệ sinh thái và môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu.
6. Khu vực xung quanh không thuộc diện tích được cấp phép của mỏ nhưng bị thiệt hại do các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản
Tiến hành xử lý, khắc phục ô nhiễm và sự cố môi trường trong trường hợp gây ô nhiễm và sự cố môi trường xung quanh. Việc xử lý, khắc phục ô nhiễm và sự cố môi trường phải có sự tham gia, giám sát và thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
III. Đối với khai thác hầm lò
1. Các đường lò và khu vực cửa giếng lò
a) Đối với các khu vực khai thác trên bề mặt đất không có các công trình xây dựng, thành phố thị xã, khu vực dân cư:
- Trường hợp phá hỏa toàn phần các đường lò: thực hiện san gạt, tạo mặt bằng những khu vực bị sụt lún, trồng cây tái tạo hệ sinh thái và môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu hoặc chuyển đổi mục đích;
- Trường hợp để lại các đường lò: phải thực hiện lấp các cửa lò chính và cửa lò giếng theo quy chuẩn, quy phạm khai thác hầm lò;
b) Đối với những khu vực khai thác dưới những công trình xây dựng, thành phố thị xã, khu vực dân cư có nguy cơ sụt lún, phải được cải tạo phục hồi môi trường bằng phương pháp chèn lò từng phần hoặc toàn phần, cần chèn lấp toàn bộ những đường lò còn lại sau khi kết thúc khai thác để đảm bảo duy trì các công trình trên mặt đất.
2. Các bãi thải đất, đá; bãi thải quặng đuôi
Các bãi thải đất đá; bãi thải quặng đuôi: tiến hành cải tạo phục hồi môi trường như đối với khai thác lộ thiên.
3. Sân công nghiệp và khu vực phụ trợ phục vụ khai thác khoáng sản
Tháo dỡ các hạng mục công trình, thiết bị không còn mục đích sử dụng; xử lý ô nhiễm môi trường đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường; san gạt, tạo mặt bằng và trồng cây trên toàn bộ diện tích sân công nghiệp và khu vực phụ trợ; xây dựng hệ thống thoát nước xung quanh; tái tạo hệ sinh thái và môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu.
4. Khu vực xung quanh không thuộc diện tích được cấp phép của mỏ nhưng bị thiệt hại do các hoạt động khai thác khoáng sản
Tiến hành xử lý, khắc phục ô nhiễm và sự cố môi trường trong trường hợp gây ô nhiễm và sự cố môi trường xung quanh. Việc xử lý, khắc phục ô nhiễm và sự cố môi trường phải có sự tham gia, giám sát và thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
IV. Đối với khai thác cát sỏi, khoáng sản lòng sông, cửa biển
1. Khu vực khai trường
a) Thực hiện khắc phục các khu vực xói lở bờ sông, bờ kè đê do hoạt động khai thác cát, sỏi, sa khoáng lòng sông gây ra; xây dựng bờ kè đoạn khu vực khai thác;
b) San gạt và nạo vét các khu vực sông bị bồi lắng do hoạt động khai thác bằng các tàu, bè dùng máy bơm hút để tuyển rửa quặng trực tiếp trên tàu thải xuống sông.
2. Kho bãi khu vực phụ trợ phục vụ khai thác
a) Tháo dỡ các hạng mục công trình, thiết bị không còn mục đích sử dụng; xử lý ô nhiễm môi trường đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường; san gạt, tạo mặt bằng và trồng cây trên toàn bộ diện tích sân công nghiệp và khu vực phụ trợ; xây dựng hệ thống thoát nước xung quanh; tái tạo hệ sinh thái và môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu;
b) Khu vực kho bãi tập kết cát, sỏi, sa khoáng, đường vận chuyển phải dọn sạch, san phẳng tái tạo lại hệ sinh thái và môi trường gần với trạng thái ban đầu hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.
3. Khu vực xung quanh không thuộc diện tích được cấp phép nhưng bị thiệt hại do các hoạt động khai thác
Tiến hành xử lý, khắc phục ô nhiễm và đền bù sự cố sạt lở bờ sông trong trường hợp gây ô nhiễm và sự cố sạt lở do hoạt động khai thác. Việc xử lý, khắc phục ô nhiễm và sự cố môi trường phải có sự tham gia, giám sát và thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
V. Đối với khai thác nước nóng và nước khoáng thiên nhiên
1. Khu vực khai thác
Thực hiện lấp các giếng khoan theo quy định về việc xử lý, trám lấp giếng khoan không sử dụng.
2. Khu vực phụ trợ phục vụ khai thác
Tháo dỡ các hạng mục công trình, thiết bị không còn mục đích sử dụng; xử lý ô nhiễm môi trường đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường; san gạt, tạo mặt bằng và trồng cây trên toàn bộ diện tích sân công nghiệp và khu vực phụ trợ; xây dựng hệ thống thoát nước xung quanh; tái tạo hệ sinh thái và môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.
VI. Khai thác khoáng sản có chứa thành phần phóng xạ
Tất cả các khu vực có liều phóng xạ giới hạn vượt quá tiêu chuẩn cho phép và phải có giải pháp khoanh vùng, cắm biển báo khu vực không an toàn về phóng xạ để cảnh báo cho nhân dân biết. Tuyệt đối không chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp đất ở cho dân hoặc trồng các loại cây lương thực cho đến khi phông phóng xạ trở về trạng thái giới hạn cho phép; Thực hiện các giải pháp cải tạo phục hồi môi trường giảm thiểu tác động của phóng xạ cụ thể như sau:
1. Khai trường khi kết thúc khai thác
a) Đối với khai trường là moong dạng hố mỏ có đáy moong khi kết thúc khai thác nằm dưới mực nước ngầm hoặc mực nước thông thủy: thực hiện lấp đầy bằng với mức địa hình xung quanh; tạo hệ thống thu thoát và xử lý nước bề mặt không để phát tán ra môi trường xung quanh; phủ lớp đất mặt không chứa thành phần phóng xạ trồng cây công nghiệp, phủ xanh trên toàn bộ khai trường. Trường hợp để lại thành hồ chứa nước nhưng độ sâu mực nước không được sâu hơn mức nước thông thủy 30 m, xây dựng kè bờ chắc chắn hoặc cải tạo bờ moong giật cấp đảm bảo an toàn - kỹ thuật; xây dựng đê xung quanh moong đảm bảo ngăn súc vật và người; trồng cây ken dầy xung quanh hơn định mức trồng rừng thông thường ít nhất 2 lần; lập hàng rào và biển báo nguy hiểm tồn tại vĩnh viễn ghi rõ độ sâu của moong; tái tạo hệ sinh thái và môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu;
b) Đối với khai trường là moong dạng hố mỏ có đáy moong khi kết thúc khai thác nằm trên mực nước ngầm hoặc mực nước thông thủy: thực hiện việc lấp đầy bằng với mức địa hình xung quanh; tạo hệ thống thu thoát nước bề mặt không để phát tán ra môi trường xung quanh; phủ lớp đất mặt trồng cây trên toàn bộ khai trường. Trường hợp để lại địa hình hố mỏ thì độ cao từ đáy moong đến mức cao địa hình xung quanh không được lớn hơn 15 m; cải tạo, củng cố bờ moong đảm bảo an toàn kỹ thuật; xây dựng bờ kè và hệ thống thu nước bề mặt và xử lý không để phát tán làm ô nhiễm môi trường xung quanh; phủ đất trồng cây và phủ xanh toàn bộ đáy moong; tái, tạo hệ sinh thái và môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu;
c) Khai trường khai thác địa hình khác dạng hố mỏ: Thực hiện san gạt, tạo mặt bằng, phủ đất để trồng cây hoặc chuyển đổi mục đích; xây dựng hệ thống thu nước bề mặt về hồ xử lý; tái, tạo hệ sinh thái và môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu.
2. Khu vực xung quanh khai trường
a) Xung quanh khai trường là địa hình bằng phẳng: san gạt, tạo mặt bằng; xử lý ô nhiễm môi trường theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn; phủ đất để trồng cây công nghiệp hoặc trồng cỏ;
b) Xung quanh khai trường là địa hình vách núi: cải tạo, củng cố bờ tầng vách núi đảm bảo an toàn - kỹ thuật; phủ đất và trồng cây trên mặt và các sườn tầng; xây dựng hệ thống thu gom nước tại mặt tầng và chân tầng vách núi; xây dựng tường kè chân tầng vách núi; lập hàng rào và biển báo nguy hiểm xung quanh chân tầng; trồng cây tại các khu vực xung quanh.
3. Bãi thải đất đá
Tiến hành san gạt, tạo mặt bằng và trồng cây công nghiệp. Trường hợp bãi thải dạng đống không thể san gạt thì phải cải tạo, san cắt tầng thải và tạo độ dốc của bãi thải đảm bảo an toàn - kỹ thuật; xây dựng hệ thống chân kè bãi thải; hệ thống thu gom nước các mặt tầng và chân tầng bãi thải, và hố thu và xử lý nước; hố thu nước phải có biển báo ô nhiễm phóng xạ; phủ đất và trồng cây trên các mặt tầng và sườn tầng bãi thải. Bãi thải không được cao hơn địa hình đồi núi tự nhiên gần nhất.
4. Hồ thải quặng đuôi
Đối với các hồ thải quặng đuôi xây dựng hoặc gia cố lại đê, đập tràn vĩnh viễn, đảm bảo an toàn; tái tạo hệ sinh thái và môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu; xây dựng hàng rào kiên cố, trồng cây xen dày và lắp đặt biển báo nguy hiểm về độ sâu và ô nhiễm phóng xạ xung quanh hồ thải.
5. Kho bãi và các công trình phụ trợ phục vụ khai thác
a) Tháo dỡ các hạng mục công trình, thiết bị không còn mục đích sử dụng; các thiết bị phải được tẩy xạ; phế thải nhiễm xạ phải được thu gom để xử lý theo đúng quy phạm an toàn bức xạ ion hóa; thực hiện san gạt, tạo mặt bằng phủ lớp đất mặt không chứa chất phóng xạ và trồng các loại cây công nghiệp trên toàn bộ diện tích sân công nghiệp và khu vực phụ trợ, tuyệt đối không trồng cây lương thực; xây dựng hệ thống thu thoát nước bề mặt hạn chế phát tán ra khu vực xung quanh; tái tạo hệ sinh thái và môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu; khoanh vùng cắm biển báo khu vực không an toàn về phóng xạ để cảnh báo cho nhân dân biết;
b) Các khu vực kho, hầm chứa chất phóng xạ phải được tháo dỡ, thu gom vận chuyển xử lý theo đúng quy phạm an toàn bức xạ ion hóa.
6. Những khu vực xung quanh không thuộc diện tích được cấp phép của mỏ nhưng bị thiệt hại do các hoạt động khai thác khoáng sản
Tiến hành xử lý, khắc phục ô nhiễm và sự cố môi trường trong trường hợp gây ô nhiễm và sự cố môi trường xung quanh. Việc xử lý, khắc phục ô nhiễm và sự cố môi trường phải có sự tham gia, giám sát và thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
VII. Những yêu cầu khác
1. Lựa chọn cây trồng để phục hồi môi trường phải lựa chọn loài cây, giống cây phù hợp với điều kiện sống ở địa phương, có giá trị kinh tế cao;
2. Cải tạo moong khai thác thành hồ chứa nước, yêu cầu phải đảm bảo khả năng chứa nước, lưu thông nước; đảm bảo mục đích phục vụ nuôi trồng thủy sản hoặc cung cấp nước sinh hoạt;
3. Trong quá trình bóc tầng đất phủ bề mặt trước khi tiến hành khai thác phải lưu giữ lại tầng đất phủ bề mặt để phục vụ công tác cải tạo, phục hồi môi trường;
4. Việc duy tu, bảo trì công trình cải tạo, phục hồi môi trường hoặc công tác trồng dặm, chăm sóc cây yêu cầu tối thiểu từ 3 đến 5 năm, tỷ lệ trồng dặm yêu cầu từ 10-30 % mật độ cây trồng. Đối với các công trình cải tạo, phục hồi môi trường của các mỏ khai thác có nguy cơ phát sinh dòng thải axit và các mỏ phóng xạ, công tác duy tu, bảo trì công trình xác định theo từng phương án, phương án bổ sung.
CẤU TRÚC VÀ HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Chương 1.
KHÁI QUÁT CHUNG
1. Tên phương án
Nêu đúng như tên trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được cấp quyết định phê duyệt trước đó. Trường hợp đã được đổi tên khác thì nêu cả tên cũ, tên mới và thuyết minh rõ về quá trình, tính pháp lý của việc đổi tên này.
2. Tổ chức, cá nhân
- Nêu đầy đủ: tên, địa chỉ và phương tiện liên hệ với tổ chức, cá nhân; họ tên và chức danh của người đứng đầu tổ chức, cá nhân tại thời điểm lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung.
- Tên và địa chỉ đơn vị tư vấn, những người trực tiếp tham gia thực hiện xây dựng phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung.
3. Căn cứ và mục tiêu đặt ra đối với phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung.
4. Vị trí địa lý của phương án
Mô tả vị trí địa lý, địa điểm thực hiện phương án theo quy định như đối với phương án cải tạo, phục hồi môi trường trước đó khi có sự thay đổi của các đối tượng tự nhiên, các đối tượng về kinh tế - xã hội và các đối tượng khác xung quanh khu vực phương án chịu ảnh hưởng trực tiếp của phương án, kèm theo sơ đồ vị trí địa lý thể hiện các đối tượng này, có chú giải rõ ràng.
5. Hiện trạng môi trường tự nhiên và các yếu tố kinh tế, xã hội của khu vực thực hiện phương án (cho đến thời điểm lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung).
Chương 2.
CÁC GIẢI PHÁP CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG
1. Những thay đổi về nội dung của phương án
Mô tả chi tiết, rõ ràng lý do và những nội dung thay đổi của phương án cho đến thời điểm lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung.
2. Các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường
- Mô tả các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường đã và đang thực hiện (nếu có);
- Mô tả lại các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường được giữ nguyên, không thay đổi trong phương án đã phê duyệt;
- Nêu chi tiết những giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường; danh mục, khối lượng các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung và các thay đổi so với phương án đã được phê duyệt.
Chương 3.
DỰ TOÁN KINH PHÍ CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG
1. Kinh phí cải tạo phục hồi môi trường và trình tự ký quỹ
- Đối với các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường đã được xác nhận từng phần, tổ chức, cá nhân trong quá trình tính toán khoản tiền ký quỹ được loại bỏ các hạng mục này nhưng phải giải trình chi tiết;
- Tổ chức, cá nhân tính toán lại khoản tiền ký quỹ cho các hạng mục chưa được xác nhận hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường và các hạng mục công trình có sự thay đổi về giải pháp thực hiện, khối lượng bổ sung có áp dụng các đơn giá mới tại thời điểm lập phương án bổ sung. Việc tính toán khoản tiền ký quỹ tương tự như tính toán trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường quy định tại Thông tư này;
- Tổng số tiền ký quỹ trong phương án bổ sung bằng tổng số tiền ký quỹ của các hạng mục công trình sau khi trừ đi số tiền tổ chức, cá nhân đã ký quỹ. Số tiền ký quỹ hàng năm trong phương án bổ sung được xác định tương tự như quy định tại Thông tư này.
2. Kế hoạch thực hiện
Phân chia kế hoạch thực hiện theo từng năm, từng giai đoạn cải tạo, phục hồi môi trường, chương trình quản lý, giám sát trong thời gian cải tạo, phục hồi môi trường; kế hoạch kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án bổ sung.
Chương 4.
CAM KẾT VÀ KẾT LUẬN
Cam kết và Kết luận
Các phụ lục đính kèm tương tự với Phần II của Phụ lục số 2.
MẪU QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH PHƯƠNG ÁN/PHƯƠNG ÁN BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
...(1)… |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:…/QĐ-... |
(Địa danh), ngày… tháng… năm………. |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc thành lập Hội đồng thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung của “…(2)…”
-----------
…(3)…
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường 2014; Căn cứ Luật Khoáng sản 2010;
Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản;
Căn cứ …(4)…quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của …(1)…
Xét Công văn số ngày tháng năm của “…(5)…” về việc đề nghị thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung “…2…”;
Theo đề nghị của …(6)….
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.Thành lập Hội đồng thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung “…(2)…” tại …. (địa điểm thực hiện dự án khoáng sản) của …(5)… gồm các ông, bà có tên sau đây:
TT |
Họ tên |
Học hàm, học vị |
Nơi công tác |
Chức danh trong Hội đồng |
1 |
|
|
|
Chủ tịch |
2 |
|
|
|
Phó Chủ tịch |
3 |
|
|
|
Ủy viên phản biện |
… |
|
|
|
… |
Điều 2. Hội đồng có nhiệm vụ xem xét, thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung của dự án nêu trên, chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định. Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 3. Các chi phí cho hoạt động của Hội đồng thẩm định được thực hiện theo quy định của pháp luật và theo các quy định hiện hành.
Điều 4.Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
…(6)… và các thành viên có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
….(3)… |
Ghi chú: (1) Tên cơ quan cấp quyết định phê duyệt; (2) Tên đầy đủ của phương án; (3) Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan cấp quyết định phê duyệt; (4) Tên đầy đủ của văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của …(1)…; (5) Tên cơ quan tổ chức, cá nhân; (6) Thủ trưởng cơ quan thẩm định.
MẪU QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ PHƯƠNG ÁN/PHƯƠNG ÁN BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
...(1)… |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:…/QĐ-... |
(Địa danh), ngày… tháng… năm….. |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc thành lập Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án/phương án bổ sung của “…(2)…”
----------
…(3)…
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường 2014;
Căn cứ Luật Khoáng sản 2010;
Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản;
Căn cứ Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
Căn cứ …(4)…quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của …(1)…
Xét Công văn số ngày tháng năm của “…(5)…” về việc đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung “…2…”;
Theo đề nghị của …(6)….
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án/phương án bổ sung“…(2)…” tại …. (địa điểm thực hiện dự án khoáng sản) của …(5)… gồm các ông, bà có tên sau đây:
TT |
Họ tên |
Học hàm, học vị |
Nơi công tác |
Chức danh trong Hội đồng |
1 |
|
|
|
Chủ tịch |
2 |
|
|
|
Phó Chủ tịch |
3 |
|
|
|
Ủy viên phản biện |
… |
|
|
|
… |
Điều 2. Hội đồng có nhiệm vụ xem xét, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung của dự án nêu trên, chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định. Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 3. Các chi phí cho hoạt động của Hội đồng thẩm định được thực hiện theo quy định của pháp luật và theo các quy định hiện hành.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
…(6)… và các thành viên có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
….(3)… |
Ghi chú: (1) Tên cơ quan cấp quyết định phê duyệt; (2) Tên đầy đủ của phương án; (3) Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan cấp quyết định phê duyệt; (4) Tên đầy đủ của văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của …(1)…; (5) Tên cơ quan tổ chức, cá nhân; (6) Thủ trưởng cơ quan thẩm định.
MẪU BIÊN BẢN HỌP HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH PHƯƠNG ÁN, PHƯƠNG ÁN BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------
BIÊN BẢN HỌP HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH
PHƯƠNG ÁN CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG/PHƯƠNG ÁN CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG
1. Tên phương án:…
2. Hội đồng họp ngày…tháng…năm….tại....... …theo Quyết định số… ngày… tháng… năm…của…
3. Thành phần gồm:
a) Hội đồng thẩm định: tổng số…; có mặt:…; vắng mặt:…
- Ghi rõ họ tên, chức danh trong Hội đồng của các thành viên có mặt;
- Ghi rõ họ tên, chức danh trong Hội đồng của các thành viên vắng mặt hoặc ủy quyền tham dự.
b) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản: ghi họ tên, chức danh đại diện theo pháp luật của tổ chức, cá nhân hoặc có văn bản ủy quyền cho cấp phó tham dự.
c) Cơ quan tư vấn: ghi tên đơn vị tư vấn; họ tên, chức danh của các thành viên của đơn vị tư vấn lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường.
4. Người trình bày: Ghi rõ họ tên, đơn vị công tác.
5. Nội dung cuộc họp:
- Ghi theo trình tự, diễn biến cuộc họp;
- Ghi đầy đủ, trung thực các câu hỏi, câu trả lời, ý kiến trao đổi của các bên tham dự họp.
6. Kết luận của Hội đồng:
a) Những nội dung đạt yêu cầu (nêu cụ thể từng nội dung);
b) Những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung (nêu cụ thể từng nội dung và theo trình tự của phương án theo quy định tại Thông tư này);
c) Những nhận xét khác: …;
d) Kết luận về kết quả thẩm định:
7. Ý kiến của tổ chức, cá nhân về kết luận chính thức của Hội đồng:
8. Kết quả đánh giá:
- Tổng số phiếu đánh giá:...
- Số phiếu thông qua:....
- Số phiếu thông qua có yêu cầu chỉnh sửa:...
- Số phiếu không thông qua:...
9. Người chủ trì phiên họp tuyên bố kết thúc phiên họp:
Cuộc họp kết thúc vào hồi.. ngày… tháng … năm…
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG |
ỦY VIÊN THƯ KÝ |
Ghi chú: Chủ trì phiên họp và Thư ký hội đồng ký phía dưới của từng trang biên bản (trừ trang cuối).
MẪU BIÊN BẢN HỌP THẨM ĐỊNH BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ PHƯƠNG ÁN/PHƯƠNG ÁN BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------
BIÊN BẢN PHIÊN HỌP CHÍNH THỨC HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG VÀ PHƯƠNG ÁN/PHƯƠNG ÁN BỔ SUNG
Tên dự án:
Quyết định thành lập hội đồng thẩm định số… ngày … tháng … năm … của …
Thời gian họp: ngày … tháng … năm …
Địa chỉ nơi họp: …
1. Thành phần tham dự phiên họp hội đồng thẩm định:
1.1. Hội đồng thẩm định
- Thành viên hội đồng có mặt: (chỉ nêu số lượng thành viên hội đồng có mặt)
- Thành viên hội đồng vắng mặt: (ghi rõ số lượng kèm theo họ tên, chức danh trong hội đồng của tất cả các thành viên vắng mặt, nêu rõ có lý do hoặc không có lý do; trường hợp ủy quyền tham dự họp, nêu đầy đủ tên của văn bản ủy quyền)
1.2. Chủ dự án: (ghi rõ họ, tên, chức vụ tất cả các thành viên của chủ dự án tham dự họp; trường hợp ủy quyền tham dự họp, nêu đầy đủ tên, ngày tháng của văn bản ủy quyền)
1.3. Đơn vị tư vấn lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường: (ghi rõ họ tên, học vị và chức vụ của đại diện đơn vị tư vấn tham dự họp)
1.4. Đại biểu tham dự: …
2. Nội dung và diễn biến phiên họp: (Yêu cầu ghi theo trình tự diễn biến của phiên họp hội đồng, ghi đầy đủ, trung thực các câu hỏi, trả lời, các ý kiến trao đổi, thảo luận của các bên tham gia phiên họp hội đồng thẩm định)
2.1. Ủy viên Thư ký thông báo lý do cuộc họp và giới thiệu thành phần tham dự; giới thiệu người chủ trì phiên họp (Chủ tịch hội đồng hoặc Phó chủ tịch hội đồng trong trường hợp Chủ tịch hội đồng vắng mặt) điều hành phiên họp
2.2. Chủ dự án và đơn vị tư vấn trình bày nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường: (ghi những nội dung chính được chủ dự án và đơn vị tư vấn trình bày, đặc biệt chú trọng vào các nội dung trình bày khác so với báo cáo đánh giá môi trường)
2.3. Thảo luận, trao đổi giữa thành viên hội đồng với chủ dự án và đơn vị tư vấn về nội dung của dự án, nội dung của báo cáo đánh giá môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường (ghi chi tiết và đầy đủ các nội dung trao đổi)
2.4. Ý kiến nhận xét về báo cáo đánh giá tác động môi trường của các thành viên hội đồng
2.5. Ý kiến nhận xét về phương án cải tạo, phục hồi môi trường của các thành viên hội đồng
2.5. Ý kiến của các đại biểu tham dự (nếu có)
2.6. Ý kiến phản hồi của chủ dự án
3. Kết luận phiên họp về báo cáo đánh giá tác động môi trường
3.1. Người chủ trì phiên họp công bố kết luận của hội đồng thẩm định: (được tổng hợp trên cơ sở ý kiến của các thành viên hội đồng thẩm định, trong đó tóm tắt ngắn gọn những ưu điểm nổi trội, những nội dung đạt yêu cầu của báo cáo, những nội dung của báo cần phải được chỉnh sửa, bổ sung theo từng chương, mục của báo cáo đánh giá môi trường)
3.2. Ý kiến khác của các thành viên hội đồng thẩm định (nếu có): …
3.3. Ý kiến của chủ dự án về kết luận của hội đồng: …
3.4. Kết quả kiểm phiếu thẩm định:
3.4.1. Số phiếu thông qua báo cáo không cần chỉnh sửa, bổ sung: …
3.4.2. Số phiếu thông qua báo cáo với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung: …
3.4.3. Số phiếu không thông qua báo cáo: …
4. Kết luận phiên họp về phương án/phương án bổ sung
4.1. Người chủ trì phiên họp công bố kết luận của hội đồng thẩm định: (được tổng hợp trên cơ sở ý kiến của các thành viên hội đồng thẩm định, trong đó tóm tắt ngắn gọn những ưu điểm, những nội dung đạt yêu cầu của phương án, những nội dung cần phải được chỉnh sửa, bổ sung theo từng chương, mục của phương án/phương án bổ sung)
4.2. Ý kiến khác của các thành viên hội đồng thẩm định (nếu có): …
4.3. Ý kiến của chủ dự án về kết luận của hội đồng: …
4.4. Kết quả kiểm phiếu thẩm định:
4.2.1 Số phiếu thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung: …
4.4.2. Số phiếu thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung: …
4.4.3. Số phiếu không thông qua: …
5. Người chủ trì phiên họp tuyên bố kết thúc phiên họp
NGƯỜI CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP |
THƯ KÝ HỘI ĐỒNG |
Ghi chú: Chủ trì phiên họp và Thư ký hội đồng ký phía dưới của từng trang biên bản (trừ trang cuối).
MẪU BẢN NHẬN XÉT PHƯƠNG ÁN/PHƯƠNG ÁN BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------
BẢN NHẬN XÉT
PHƯƠNG ÁN CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG/PHƯƠNG ÁN CẢI TẠO,
PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG
1. Họ và tên người nhận xét:
2. Chuyên ngành được đào tạo, nghiên cứu, số năm hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn:
3. Học hàm, học vị, chức vụ công tác:
4. Nơi công tác (tên, địa chỉ, số điện thoại, Fax, Email):
5. Chức danh: (ghi rõ chức danh trong Hội đồng thẩm định hoặc trong Đoàn kiểm tra phục vụ thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường)
6. Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định:
7. Tên phương án: “…”
8. Nhận xét về nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung:
a) Cơ sở pháp lý, sự phù hợp về cấu trúc và nội dung của phương án, phương án bổ sung với các quy định hiện hành;
b) Tính phù hợp của nội dung phương án, phương án bổ sung với các yêu cầu về bảo vệ môi trường với các quy hoạch khai thác khoáng sản, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch môi trường (nếu có) của địa phương;
c) Cơ sở tính toán khối lượng các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường và kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường; tính chính xác, đầy đủ khối lượng và dự toán kinh phí, tính phù hợp của phương thức ký quỹ;
d) Những nhận xét khác: …
9. Đánh giá về phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung:
a) Về kết cấu, nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường (trong đó lưu ý đến tính thích hợp, mức độ đầy đủ của phương án đã áp dụng);
b) Về thông tin, số liệu làm cơ sở cho lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường; tính toán khoản tiền ký quỹ trong đó lưu ý đến mức độ đầy đủ, chi tiết, chính xác của các thông tin, số liệu có liên quan);
c) Về mức độ chính xác, đầy đủ khi tính toán khoản tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đề ra trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường;
d) Kết luận nêu trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường
- Những nội dung đạt yêu cầu của giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường trong phương án/phương án bổ sung;
- Những nội dung cần thay đổi, bổ sung của giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường trong phương án/phương án bổ sung (nêu rõ lý do); đánh giá tính khả thi của phương án được lựa chọn, phù hợp từng nội dung cải tạo, phục hồi môi trường và khối lượng; kế hoạch thực hiện; phù hợp với quy hoạch của địa phương, của ngành….
- Cơ sở tính toán kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường; tính chính xác, đầy đủ của dự toán kinh phí và tính phù hợp của phương thức kỹ quỹ(Nêu rõ những yêu cầu phải tính toán lại kinh phí đối với từng hạng mục công việc theo Phụ lục số 15 của Thông tư này).
10. Kết luận:
Nhận xét về nội dung các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường trong phương án/phương án bổ sung nêu rõ ý kiến Thông qua hay Thông qua có chỉnh sửa hay Không thông qua phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung.
|
Ngày tháng năm … |
MẪU PHIẾU ĐÁNH GIÁ PHƯƠNG ÁN/PHƯƠNG ÁN BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
…(1)… |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
(Địa danh), ngày…tháng…năm… |
PHIẾU ĐÁNH GIÁ
PHƯƠNG ÁN CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG/PHƯƠNG ÁN CẢI TẠO,
PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG
1. Họ và tên
2. Chuyên ngành được đào tạo, số năm hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn
3. Học hàm, học vị, chức vụ công tác
4. Nơi công tác: (tên, địa chỉ, số điện thoại, Fax, Email):
5. Chức danh: (ghi rõ chức danh trong Hội đồng thẩm định hoặc trong Đoàn kiểm tra phục vụ thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung)
6. Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định
7. Tên phương án: “…”
8. Ý kiến nhận xét:
a) Nhận xét tóm tắt về nội dung các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường trong phương án/phương án bổ sung;
b) Nhận xét tóm tắt về phương pháp tính toán khoản tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và phương thức ký quỹ.
9. Đánh giá phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung:
- Thông qua phương án: ¨
- Thông qua phương án có chỉnh sửa, bổ sung: ¨
- Không thông qua phương án: ¨
10. Kiến nghị:
|
(Địa danh), ngày … tháng … năm… |
Ghi chú: (1) Tên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt/Cơ quan được ủy quyền thẩm định (kèm theo dấu treo).
MẪU QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
...(1)… |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:…/QĐ-... |
(Địa danh), ngày… tháng… năm…… |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường “…(2)…”
-----------------
…(3)…
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường 2014; Căn cứ Luật Khoáng sản 2010;
Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản;
Căn cứ …(4)…quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của …(1)…
Xét nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường “…(2)…” đã được chỉnh sửa, bổ sung kèm theo văn bản giải trình số…ngày…tháng …năm…của…(5)…;
Theo đề nghị của …(7)…,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường “…(2)…” của …(5)…(sau đây gọi là tổ chức, cá nhân) với các nội dụng cụ thể sau:
a) Giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường:
b) Dự toán kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường và phương thức ký quỹ:
- Tổng kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường là:
- Số lần ký quỹ:…lần
+ Lần 1, số tiền:…;
+ Lần …, số tiền:…;
- Đơn vị nhận ký quỹ:
Số tiền nêu trên chưa bao gồm yếu tố trượt giá sau năm….. (năm phê duyệt phương án).
Điều 2. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, những nội dung trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường và những yêu cầu bắt buộc sau đây:
1……….
2……….
Điều 3. Tổ chức, cá nhân phải tuân thủ nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường trong quá trình cải tạo, phục hồi môi trường, chế độ thông tin, báo cáo về việc thực hiện nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt theo các yêu cầu của Quyết định này và Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Điều 4. phương án cải tạo, phục hồi môi trường…(2)… và những yêu cầu bắt buộc tại Điều 2 và Điều 3 của Quyết định này là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, xác nhận thực hiện công tác ký quỹ và cải tạo, phục hồi môi trường của tổ chức, cá nhân.
Điều 5. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có những thay đổi về nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt, tổ chức, cá nhân phải có văn bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền và chỉ được thực hiện những thay đổi đó sau khi có văn bản chấp thuận của …(1)…
Điều 6. ủy nhiệm cho…(6)… thực hiện việc kiểm tra, giám sát thực hiện các nội dung cải tạo, phục hồi môi trường trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt; công tác bảo vệ môi trường trong quá trình cải tạo, phục hồi môi trường và yêu cầu tại Điều 2 của Quyết định này.
Điều 7. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: |
….(3)… |
Ghi chú: (1) Tên cơ quan cấp quyết định phê duyệt; (2) Tên đầy đủ của phương án; (3) Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan cấp quyết định phê duyệt; (4) Tên đầy đủ của văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của …(1)…; (5) Tên cơ quan tổ chức, cá nhân; (6) Cơ quan được giao trách nhiệm kiểm tra, giám sát sau phê duyệt; (7) Thủ trưởng cơ quan thẩm định.
MẪU QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ PHƯƠNG ÁN/PHƯƠNG ÁN BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
(1) |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: … |
(Địa danh), ngày… tháng… năm….. |
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung của Dự án (2)
-------------
(3)
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ Quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản;
Căn cứ (4);
Căn cứ (5) (nếu có);
Theo đề nghị của hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung của Dự án (2) họp ngày… tháng… năm… tại…;
Xét nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường của Dự án (2) đã được chỉnh sửa, bổ sung gửi kèm Văn bản số… ngày… tháng… năm… của (6);
Xét đề nghị của (7),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án (2) được lập bởi (6) (sau đây gọi là Chủ dự án) với các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Phạm vi, quy mô, công suất của Dự án:
1.1. …
1.2. …
…
2. Yêu cầu bảo vệ môi trường đối với Dự án:
2.1. …
2.2. …
…
3. Các điều kiện kèm theo (nếu có):
3.1. …
3.2. …
…
Điều 2. Phê duyệt nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường Dự án (2) của Chủ dự án với các nội dụng cụ thể sau:
a) Giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường:
b) Dự toán kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường và phương thức ký quỹ:
- Tổng kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường là:
- Số lần ký quỹ:…lần
+ Lần 1, số tiền:…;
+ Lần …, số tiền:…;
- Đơn vị nhận ký quỹ:
Số tiền nêu trên chưa bao gồm yếu tố trượt giá sau năm….. (năm phê duyệt phương án)
Điều 3. Chủ dự án có các trách nhiệm:
1. Lập, phê duyệt và niêm yết công khai kế hoạch quản lý môi trường của Dự án trước khi triển khai thực hiện dự án theo quy định pháp luật.
2. Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về bảo vệ môi trường và các điều kiện nêu tại các Khoản 2, Khoản 3 Điều 1 Quyết định này và các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
3. Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường để được kiểm tra, xác nhận hoàn thành trước khi đưa Dự án vào vận hành chính thức theo quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường (chỉ áp dụng đối với các dự án thuộc cột 4 Phụ lục II Nghị định 18/2015/NĐ-CP).
4. Trong quá trình thực hiện nếu Dự án có những thay đổi so với các Khoản 1 và 2 Điều 1 của Quyết định này, Chủ dự án phải có văn bản báo cáo và chỉ được thực hiện những thay đổi sau khi có văn bản chấp thuận của (1).
5. Tuân thủ nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường trong quá trình cải tạo, phục hồi môi trường, chế độ thông tin, báo cáo về việc thực hiện nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt theo các yêu cầu của Quyết định này và Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Điều 4. Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án là căn cứ để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định các bước tiếp theo của Dự án theo quy định tại Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường.
Điều 5. phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường và những yêu cầu bắt buộc tại Điều 2 và Điều 3 của Quyết định này là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, xác nhận thực hiện công tác ký quỹ và cải tạo, phục hồi môi trường của tổ chức, cá nhân.
Điều 6. Ủy nhiệm (8) thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và các nội dung cải tạo, phục hồi môi trường trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt; công tác bảo vệ môi trường trong quá trình cải tạo, phục hồi môi trường và yêu cầu tại Quyết định này.
Điều 7. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Nơi nhận: |
(3) |
Ghi chú: (1) Tên cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và phương án cải tạo, phục hồi môi trường của Dự án; (2) Tên đầy đủ, chính xác của Dự án; (3) Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM của Dự án; (4) Tên đầy đủ của văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của (1); (5) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền ủy quyền cho (1) thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM, phương án cải tạo, phục hồi môi trường (nếu có); (6) Chủ dự án; (7) Thủ trưởng cơ quan thường trực thẩm định ĐTM và phương án; (8) Cơ quan được giao trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án.
MẪU QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
...(1)… |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:…/QĐ-... |
(Địa danh), ngày… tháng… năm…… |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung “…(2)…”
---------
…(3)…
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường 2014; Căn cứ Luật Khoáng sản 2010;
Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản;
Căn cứ …(4)…quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của …(1)…;
Xét nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung “…(2)…” đã được chỉnh sửa, bổ sung kèm theo văn bản giải trình số…ngày…tháng …năm…của…(5)…;
Theo đề nghị của …(9)…,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung “…(2)…” của …(5)…(sau đây gọi là tổ chức, cá nhân) với các nội dụng cụ thể sau:
a) Giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường:
b) Dự toán kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường và phương thức ký quỹ:
- Tổng kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường là:
- Số lần ký quỹ:…lần
+ Lần 1, số tiền:…;
+ Lần …, số tiền:…;
- Đơn vị nhận ký quỹ:
Số tiền nêu trên chưa bao gồm yếu tố trượt giá sau năm….. (năm phê duyệt phương án/phương án bổ sung)
Điều 2. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, những nội dung trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung và những yêu cầu bắt buộc sau đây:
1……….
2……….
Điều 3. Tổ chức, cá nhân phải tuân thủ nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường trong quá trình cải tạo, phục hồi môi trường, chế độ thông tin, báo cáo về việc thực hiện nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung đã được phê duyệt theo các yêu cầu của Quyết định này và Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản;
Điều 4. Phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung và những yêu cầu bắt buộc tại Điều 2 và Điều 3 của Quyết định này là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, xác nhận thực hiện công tác ký quỹ và cải tạo, phục hồi môi trường của tổ chức, cá nhân.
Điều 5. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có những thay đổi về nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung được phê duyệt, tổ chức, cá nhân phải có văn bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền và chỉ được thực hiện những thay đổi đó sau khi có văn bản chấp thuận của …(1)…
Điều 6. ủy nhiệm cho…(6)… thực hiện việc kiểm tra, giám sát thực hiện các nội dung cải tạo, phục hồi môi trường trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt; công tác bảo vệ môi trường trong quá trình cải tạo, phục hồi môi trường và yêu cầu tại Điều 2 của Quyết định này.
Điều 7. Quyết định này thay thế cho Quyết định số….(7)… ngày … tháng … năm… của…(8)…. và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: |
….(3)… |
Ghi chú: (1) Tên cơ quan cấp quyết định phê duyệt; (2) Tên đầy đủ của phương án; (3) Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan cấp quyết định phê duyệt; (4) Tên đầy đủ của văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của …(1)…; (5) Tên cơ quan tổ chức, cá nhân; (6) Cơ quan được giao trách nhiệm kiểm tra, giám sát sau phê duyệt; (7) Số, ký, mã hiệu của quyết định phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường trước đó; (8) Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan đã ban hành quyết định phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường trước đó; (9) Thủ trưởng cơ quan thẩm định.
MẪU XÁC NHẬN VÀO MẶT SAU PHỤ BÌA CỦA PHƯƠNG ÁN/PHƯƠNG ÁN BỔ SUNG ĐÃ PHÊ DUYỆT
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
a. Đối với phương án cải tạo, phục hồi môi trường
… (1) … xác nhận: phương án cải tạo, phục hồi môi trường “…(2) …” được phê duyệt tại Quyết định số … ngày … tháng … năm … của … (3) …
|
b. Đối với phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung
… (1) … xác nhận: phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung “…(2) …” được phê duyệt tại Quyết định số … ngày … tháng… năm … của … (3) …
|
Ghi chú: (1) Cơ quan có thẩm quyền hoặc được ủy quyền xác nhận; (2) Tên đầy đủ của phương án; (3) Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung.
PHƯƠNG PHÁP TÍNH VÀ DỰ TOÁN CHI PHÍ CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Tùy thuộc vào phương án cải tạo, phục hồi môi trường được lựa chọn, tổng dự toán cải tạo, phục hồi môi trường (Mcp) bằng tổng các chi phí thực hiện các hạng mục chính dưới đây:
Mcp = Mkt + Mcn + Mbt + Mxq + Mhc + Mk
Trong đó:
Mkt: Chi phí cải tạo, phục hồi môi trường khai trường khai thác, bao gồm các chi phí: củng cố bờ moong trong tầng đất phủ, trong tầng đá; lập hàng rào, biển báo; trồng cây xung quanh và khu vực moong khai thác; xây dựng các công trình thoát nước, xử lý nước; san gạt, phủ đất màu; đối với mỏ khai thác hầm lò, chi phí lấp kín cửa đường hầm vào mỏ, các lò nhánh (nếu cần thiết) theo quy phạm khai thác hầm lò; xây dựng hệ thống ngăn ngừa dòng thải axit mỏ đối với các mỏ khai thác khoáng vật sulfua và các mỏ có tính phóng xạ và các chi phí khác có liên quan;
Mcn: Chi phí cải tạo, phục hồi môi trường mặt bằng sân công nghiệp, khu vực phân loại, làm giàu,khu vực phụ trợ và các hoạt động khác có liên quan, bao gồm các chi phí: tháo dỡ các công trình trên mặt bằng và vận chuyển đến nơi lưu chứa; san gạt tạo mặt bằng, phủ đất màu, trồng cây; xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước;
Mbt: Chi phí cải tạo, phục hồi môi trường khu vực bãi thải, bao gồm các chi phí: san gạt, cắt tầng đảm bảo các yêu cầu an toàn; xây dựng kè chân tầng để đảm bảo an toàn, tránh trượt lở chân bãi thải; xây dựng hệ thống thu gom nước trên mặt tầng và chân tầng; xử lý nước từ các mặt tầng, chân tầng bãi thải trước khi xả ra môi trường; xây dựng hệ thống ngăn ngừa dòng thải axit mỏ đối với các mỏ khai thác khoáng vật sulfua và các mỏ có tính phóng xạ; trồng cây trên mặt tầng, sườn tầng các bãi thải;
Mxq: Chi phí cải tạo, phục hồi môi trường khu vực ngoài biên giới mỏ nơi bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác, bao gồm các chi phí: nạo vét, khơi thông các dòng thủy vực; duy tuy, bảo dưỡng các tuyến đường vận chuyển; trồng cây tái tạo lại hệ sinh thái, thảm thực vật tại các khu vực xung quanh mỏ;
Mhc: chi phí duy tu, bảo trì các công trình cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc hoạt động cải tạo, phục hồi môi trường (được tính bằng 10% tổng chi phí cải tạo, phục hồi môi trường); Chi phí hành chính phục vụ cho công tác cải tạo, phục hồi môi trường; chi phí thiết kế, thẩm định thiết kế; chi phí dự phòng do phát sinh khối lượng; chi phí vận hành hệ thống xử lý nước thải;
Mk: Những khoản chi phí khác.
Bảng: Tổng hợp chi phí các công trình phục hồi môi trường
SỐ TT |
Mã hiệu |
Nội dung công việc |
Đơn vị |
Khối lượng |
Đơn giá ban hành (đ) |
Hệ số điều chỉnh |
Đơn giá sau hiệu chỉnh (đ) |
Đơn giá (đ) |
Thành tiền (đ) |
||||||
Vật liệu |
Nhân công |
Máy |
Vật liệu |
Nhân công |
Máy |
Vật liệu |
Nhân công |
Máy |
|||||||
(1) |
(2) |
(3) |
(4) |
(5) |
(6) |
(7) |
(8) |
(9) |
(10) |
(11) |
(12) |
(13) |
(14) |
(15) |
(16) |
I |
Khu vực khai thác |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
I.1 |
Đối với khai thác lộ thiên |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 |
|
Cải tạo bờ mỏ, đáy mỏ, bờ moong, đáy khai trường |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
Xây dựng hệ thống thoát nước |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 |
|
Lập hàng rào quanh khai trường, quanh moong |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4 |
|
Lắp biển báo |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
5 |
|
Trồng cây |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
6 |
|
Vận chuyển đất đá |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
7 |
|
…. |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
I.2 |
Đối với khai thác hầm lò |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 |
|
Cải tạo đường lò, cửa lò |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
Vận chuyển đất đá |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 |
|
Xây dựng hệ thống thoát nước |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4 |
|
Lập hàng rào quanh cửa lò |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
5 |
|
Lắp biển báo |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
6 |
|
Trồng cây |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
7 |
|
…. |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
II |
|
Khu vực bãi thải |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 |
|
San gạt |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
Xây dựng kè chân bãi thải |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 |
|
Xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
5 |
|
Trồng cây |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
6 |
|
…. |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
III |
Khu vực SCN, khu văn phòng và khu phụ trợ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 |
|
Tháo dỡ công trình khu văn phòng và khu phụ trợ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
Tháo dỡ công trình SCN |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 |
|
Tháo dỡ trạm biến áp, trạm cân và các thiết bị khác |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4 |
|
Chi phí vận chuyển thiết bị, phế thải ra khỏi mỏ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
5 |
|
San gạt mặt bằng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
6 |
|
Chi phí trồng cây |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
7 |
|
Đo vẽ địa hình khi kết thúc |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
IV |
Giám sát trong quá trình cải tạo |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
V |
Duy tu, bảo trì công trình |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
VI |
Tổng chi phí trực tiếp |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
VII |
Chi phí trực tiếp khác |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
VIII |
Công trực tiếp chi phí |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
IX |
Chi phí chung |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
X |
Giá dự toán |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
XI |
Thu nhập chịu thuế tính trước |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
XII |
Tổng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
XIII |
Chi phí nhà tạm |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
XIV |
Tổng chi phí phục hồi môi trường |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
THÔNG BÁO SỐ TIỀN KÝ QUỸ CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
...(1)... |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số.... |
(địa danh), ngày… tháng… năm…… |
THÔNG BÁO SỐ TIỀN KÝ QUỸ CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG
TRONG HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN
(Lần thứ...)
Kính gửi:...(3)...
Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản;
Căn cứ quyết định phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung....(2)....
Áp dụng Chỉ số tiêu dùng CPI của tỉnh/thành phố....trong các năm....
Tên tổ chức, cá nhân:
Địa chỉ:..................................................................................................................
Điện thoại:...................................................Fax:...................................................
Đại diện:.......................................................Chức vụ:..........................................
Tài khoản:......................................................tại Ngân hàng:.................................
Đề nghị.....(3)..... cho...(1)...xác nhận số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản với nội dung sau:
1. Tên phương án cải tạo, phục hồi môi trường...(2)...:
Địa điểm:................................................................................................................
Quyết định số....ngày..tháng...năm...do.........cấp
2. Tổng số tiền ký quỹ:……………………. (Bằng chữ: ………………..)
Số tiền đã ký quỹ: ………….……. (Bằng chữ: ………………..) tại:…
Tổng số lần đã ký quỹ: lần (từ năm đến năm )
Số tiền đề nghị ký quỹ lần:…là:………….……... (Bằng chữ: ……….). Chi tiết như sau:
STT |
Năm ký quỹ |
Số tiền ký quỹ hàng năm (Theo QĐ phê duyệt) |
Chỉ số giá tiêu dùng các năm trước |
Số tiền ký quỹ năm kê khai |
|||
Năm 20... |
Năm 20... |
Năm 2... |
Năm .... |
||||
1 |
20.. |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Số tiền ký quỹ năm 20… bao gồm yếu tố trượt giá được xác định như sau:
Ti = T0 x CPI0 x CPI1 x … x CPIi-1
Trong đó:
Ti: Số tiền ký quỹ của năm thứ i (i>1).
T0: Số tiền ký quỹ hàng năm chưa bao gồm yếu tố trượt giá.
CPI0: Chỉ số giá giá tiêu dùng của năm được phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường.
CPI1: Chỉ số giá tiêu dùng của năm thứ nhất tiếp theo.
CPIi-1: Chỉ số giá tiêu dùng của năm trước năm ký quỹ.
Chúng tôi cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật về ký quỹ tại cải tạo, phục hồi môi trường.
Các tài liệu gửi kèm:
- Giấy xác nhận/Sao kê/Phiếu chi/Phiếu chuyển tiền... của ngân hàng thực hiện chuyển tiền.
|
(địa danh), ngày… tháng… năm….. |
Ghi chú: (1) Tên tổ chức, cá nhân; (2) Tên đầy đủ của phương án; (3) Tên Quỹ bảo vệ môi trường nơi ký quỹ; (4) Thủ trưởng cơ quan tổ chức, cá nhân.
MẪU GIẤY XÁC NHẬN ĐÃ KÝ QUỸ CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
….(1) …. |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …../QBVMT-…. |
(địa danh), ngày… tháng… năm… |
GIẤY XÁC NHẬN
ĐÃ KÝ QUỸ CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG
(Lần thứ...)
Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản;
Căn cứ Quyết định số/QĐ-…của…(cơ quan có thẩm quyền phê duyệt) ngày… tháng…năm… về việc phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung…(2)...
…(1) ….xác nhận:
Tên tổ chức, cá nhân:
Địa chỉ:
Điện thoại: Fax:
Tài khoản: tại Ngân hàng:
Đại diện: Chức vụ:
Đã nộp số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản, số tiền nộp lần thứ.......là: ……………….. (Bằng chữ: …………) vào tài khoản của Quỹ Bảo vệ môi trường... theo đúng cam kết trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung và quyết định phê duyệt cho:
- Tên phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung:
- Địa điểm:…………………………………..……………………………………
- Giấy phép khai thác khoáng sản số … ngày… tháng năm … do ……. cấp
- Thời hạn của Giấy phép từ ngày …… đến ngày… tháng… năm…….
Nơi nhận: |
(địa danh), ngày… tháng… năm…… |
Ghi chú: (1) Tên Quỹ Bảo vệ môi trường nơi ký quỹ; (2) Tên đầy đủ của phương án; (3) Tên Tổ chức, cá nhân; (4) Thủ trưởng Quỹ Bảo vệ môi trường nơi ký quỹ.
VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ KIỂM TRA, XÁC NHẬN HOÀN THÀNH TỪNG PHẦN PHƯƠNG ÁN/PHƯƠNG ÁN BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
… (1) … |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:... |
(Địa danh), ngày… tháng … năm … |
Kính gửi: … (3) …
Chúng tôi là: … (1) …, Chủ phương án, phương án bổ sung “ … (2) … ”
- Địa điểm thực hiện phương án: …
- Địa chỉ liên hệ: …
- Điện thoại: …; Fax: …; E-mail: …
Xin gửi đến … (3) … những hồ sơ sau:
- 07 (bảy) bản báo cáo hoàn thành từng phần phương án/phương án bổ sung;
- 01 (một) bản sao phương án/phương án bổ sung kèm theo bản sao Quyết định phê duyệt phương án/phương án bổ sung “… (2) … ”;
Chúng tôi xin bảo đảm về độ trung thực của các số liệu, tài liệu trong các văn bản nêu trên.Nếu có gì sai phạm chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Kính đề nghị …(3)…xem xét, báo cáo cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung..(2)..của chúng tôi./.
Nơi nhận: |
… (5) … |
Ghi chú: (1) Cơ quan tổ chức, cá nhân; (2) Tên đầy đủ của phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung; (3) Cơ quan tổ chức việc thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung; (4) Cơ quan đã ra quyết định phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường; (5) Thủ trưởng cơ quan tổ chức, cá nhân.
BÁO CÁO HOÀN THÀNH TỪNG PHẦN PHƯƠNG ÁN/PHƯƠNG ÁN BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
BÁO CÁO
HOÀN THÀNH TỪNG PHẦN NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG/PHƯƠNG ÁN CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG
“… (2) …” (Lần thứ…)
I. Thông tin chung
1. Địa điểm thực hiện: …
2. Tên cơ quan, doanh nghiệp Tổ chức, cá nhân: …
Địa chỉ liên hệ: …Điện thoại: …; Fax: …; E-mail: …
3. Tên cơ quan, doanh nghiệp thực hiện các công trình cải tạo, phục hồi môi trường (nếu có):
Địa chỉ: …Điện thoại: …; Fax: ….; E-mail: …
4. Tổng số tiền ký quỹ:........
Số tiền đã ký quỹ:.....tại Quỹ bảo vệ môi trường...
Số tiền đã rút:...
II. Các công trình cải tạo, phục hồi môi trường đã hoàn thành
1. Nội dung hoàn thành:
- Trình bày nội dung tổng thể và chi tiết đã hoàn thành theo từng giai đoạn hoặc toàn bộ quá trình cải tạo, phục hồi môi trường theo nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung đã phê duyệt và yêu cầu của quyết định phê duyệt;
- Nêu mục tiêu tổng quát và chất lượng đạt được của các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt.
2. Các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường đã hoàn thành
- Mô tả chi tiết các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường đã hoàn thành theo phương án đã được phê duyệt;
- Khối lượng công việc thực hiện các công trình cải tạo, phục hồi môi trường đã hoàn thành;
- Khối lượng các công trình cải tạo, phục hồi môi trường phát sinh (không có trong kế hoạch) để thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường đã đề ra;
- Công tác quản lý và giám sát môi trường để thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường đã đề ra;
- Lập bảng khối lượng công việc đã hoàn thành, thời gian và kinh phí thực hiện:
TT |
Các công trình đã hoàn thành |
Khối lượng/đơn vị |
Đơn giá |
Thành tiền |
Thời gian hoàn thành |
Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
III. Kết quả giám sát và giám định
1. Kết quả giám sát
- Trình bày chuỗi số liệu về hiện trạng môi trường tại khu vực theo báo cáo giám sát môi trường hàng năm mà tổ chức, cá nhân đã cam kết trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường;
- Đánh giá kết quả chất lượng môi trường từ bắt đầu triển khai thi công công trình đến khi kết thúc thi công công trình cải tạo, phục hồi môi trường.
2. Kết quả giám định
- Kết quả giám định kỹ thuật của đơn vị giám định các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường đã hoàn thành (nêu rõ chỉ tiêu đạt được, chỉ tiêu chưa đạt được và nguyên nhân).
- Số liệu giám sát, kết quả phân tích, kết quả giám định được sao gửi kèm báo cáo.
IV. Đánh giá, đề xuất, kiến nghị
1. Đánh giá kết quả đạt được:
2. Đề xuất, kiến nghị:
- Đề xuất thay đổi kinh phí ký quỹ do thay đổi hệ số trượt giá, định mức, đơn giá của địa phương, ngành.
- Kiến nghị: cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, xác nhận hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ của các nội dung trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường.
V. Phụ lục
- Các đơn giá, định mức sử dụng.
- Giấy xác nhận đã nộp tiền ký quỹ.
- Bản đồ không gian trước và sau quá trình cải tạo, phục hồi môi trường.
- Kết quả giám sát môi trường.
- Kết quả giám định các công trình cải tạo, phục hồi môi trường; giám định môi trường.
QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP ĐOÀN KIỂM TRA THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN/PHƯƠNG ÁN BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
… (1) … |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:.../QĐ... |
(Địa danh), ngày… tháng … năm … |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc thành lập Đoàn kiểm tra lần… việc thực hiện các nội dung và yêu cầu của Quyết định phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường “ … (2) … ”
… (3) …
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường 2014; Căn cứ Luật Khoáng sản;
Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản;
Căn cứ … (4) … quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của … (1) …;
Căn cứ Quyết định số..... ngày … tháng … năm … của … (5) … về việc phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung “… (2) …”;
Xét đề nghị của … (6) … tại văn bản số.... ngày … tháng … năm… về việc xác nhận từng phần hoặc toàn bộ hoàn thành các nội dung của phương án cải tạo, phục hồi môi trường và yêu cầu của quyết định phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung của “… (2) …”;
Theo đề nghị của … (7) …,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Đoàn kiểm tra về việc xác nhận từng phần các nội dung của phương án và yêu cầu của quyết định phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung “… (2) …” của …(6)…tại…, gồm các thành viên sau đây:
1. Ông/bà …, Trưởng đoàn;
2. Ông/bà …, Thư ký;
3. Ông/bà (ghi tên cụ thể người tham gia hoặc đại diện của cơ quan tham gia) …, Thành viên.
Điều 2. Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra thực hiện từng phần nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung và các yêu cầu của quyết định phê duyệt; công tác bảo vệ môi trường trong quá trình cải tạo, phục hồi môi trường;lập biên bản kiểm tra theo quy định.
Nội dung kiểm tra:
- Kiểm tra thực hiện các nội dung cải tạo, phục hồi môi trường đã cam kết trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung và yêu cầu của quyết định phê duyệt;
- Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong quá trình triển khai cải tạo, phục hồi môi trường;
- Lấy mẫu giám định chất lượng của các công trình cải tạo, phục hồi môi trường.
Các yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân:
- Cử đại diện Lãnh đạo và cán bộ chuyên môn làm việc với đoàn kiểm tra;
- Cung cấp hồ sơ hoàn công, hồ sơ giám định kỹ thuật các công trình cải tạo, phục hồi môi trường, các công tác bảo vệ môi trường trong quá trình cải tạo, phục hồi môi trường, các thông tin liên quan khác theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra;
- Chuẩn bị tài liệu làm việc với Đoàn kiểm tra theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra.
Thời hạn kiểm tra:
Chế độ kiểm tra: theo yêu cầu tại Công văn số....ngày...tháng...năm... của...(6).. về việc đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành từng phần/toàn bộ các nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung…
Điều 3. Trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra được sử dụng quyền hạn theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký đến khi hoàn thành nhiệm vụ; các ông, bà có tên trong Điều 1, tổ chức, cá nhân “… (2) …” chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: |
… (3) … |
Ghi chú: (1) Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra; (2) Tên đầy đủ của phương án; (3) Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan ra quyết định; (4) Tên đầy đủ của văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của (1); (5) Tên cơ quan cấp quyết định phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường; (6) Tên của Tổ chức, cá nhân; (7) Thủ trưởng cơ quan được giao trách nhiệm kiểm tra.
BIÊN BẢN KIỂM TRA HOÀN THÀNH TỪNG PHẦN PHƯƠNG ÁN/PHƯƠNG ÁN BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
… (1) … |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:……/BB... |
(Địa danh), ngày… tháng … năm … |
BIÊN BẢN KIỂM TRA
VIỆC HOÀN THÀNH TỪNG PHẦN PHƯƠNG ÁN CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG/PHƯƠNG ÁN CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG
“Lần thứ…”
Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản;
Đoàn kiểm tra việc thực hiện từng phần các nội dung của phương án và yêu cầu của quyết định phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung của “…” được thành lập theo Quyết định số … ngày … tháng … năm … của … đã tiến hành kiểm tra từ ngày … tháng … năm … đến ngày … tháng … năm … tại …
I. Thành phần Đoàn kiểm tra gồm: (ghi đầy đủ họ tên của Trưởng đoàn và tất cả các đoàn viên có mặt)
II. Đại diện tổ chức, cá nhân: (ghi đầy đủ họ, tên, chức vụ những người có mặt)
III. Với sự tham gia của: (ghi đầy đủ họ, tên, chức vụ, đơn vị công tác của những người có mặt).
IV. Nội dung kiểm tra:
- Kiểm tra thực hiện các nội dung cải tạo, phục hồi môi trường đã cam kết trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung và yêu cầu của quyết định phê duyệt;
- Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong quá trình triển khai cải tạo, phục hồi môi trường;
- Lấy mẫu giám định chất lượng của các công trình cải tạo, phục hồi môi trường.
V. Nhận xét, kết luận:
1. Hoạt động sản xuất của tổ chức, cá nhân:
- Loại hình khai thác khoáng sản:
- Tên, sản lượng các sản phẩm chính:
- Giấy phép khai thác khoáng sản:
- Công suất khai thác:
- Thời gian bắt đầu khai thác/tuổi thọ mỏ:
- Diện tích khai trường:
- Báo cáo đánh giá tác động môi trường/Bản cam kết bảo vệ môi trường:
- Các thông tin khác:
2. Về phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung:
- Quyết định phê duyệt;
- Mục tiêu đặt ra;
- Các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường;
- Các công trình cải tạo, phục hồi môi trường.
3. Đánh giá nội dung kiểm tra:
- Đối chiếu, đánh giá chất lượng và khối lượng hoàn thành các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường đã hoàn thành theo đơn đề nghị kiểm tra với các nội dung đã được phê duyệt trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung; trình bày rõ phương pháp kiểm tra đối với từng hạng mục công trình.
- Đánh giá công tác bảo vệ môi trường trong quá trình cải tạo, phục hồi môi trường.
4. Các yêu cầu, kiến nghị cụ thể đối với tổ chức, cá nhân:
VI. Ý kiến của tổ chức, cá nhân:
Biên bản được lập vào hồi … giờ … ngày … tháng … năm tại cơ sở kiểm tra. Biên bản được lập thành.... bản, Đoàn kiểm tra giữ... bản, tổ chức, cá nhân giữ... bản và đã đọc kỹ cho những người tham dự cùng nghe và nhất trí ký tên./.
Đại diện tổ chức, cá nhân |
Trưởng Đoàn kiểm tra |
|
Đại diện các cơ quan phối hợp kiểm tra |
Ghi chú: Trưởng đoàn kiểm tra và đại diện tổ chức, cá nhân ký vào góc trái phía dưới của từng trang biên bản (trừ trang cuối).
MẪU GIẤY XÁC NHẬN HOÀN THÀNH TỪNG PHẦN PHƯƠNG ÁN CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG/PHƯƠNG ÁN CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
… (1) … |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:..../GXN... |
(Địa danh), ngày… tháng … năm … |
GIẤY XÁC NHẬN
Về việc hoàn thành từng phần phương án cải tạo, phục hồi môi trường, phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung (…2…)
(Lần thứ..)
… (1) …
XÁC NHẬN
Điều 1. …(3)… đã hoàn thành từng phần phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung và yêu cầu của Quyết định số … ngày … tháng … năm … của … (4) … về việc phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường/phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung “… (2) …” như sau:
- (Liệt kê các công trình cải tạo, phục hồi môi trường đã được hoàn thành)
- (Tương ứng số tiền ký quỹ được rút)
Điều 2. Tổ chức, cá nhân (hoặc cơ quan tiếp quản các công trình) có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu bắt buộc sau đây:
1. Thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung cải tạo, phục hồi môi trường nêu trong phương án và các yêu cầu của quyết định phê duyệt trong các giai đoạn tiếp theo.
2. Chủ động xử lý, khắc phục kịp thời các sự cố và các tình huống bất lợi xảy ra gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường trong quá trình thực hiện và báo cáo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và các cơ quan liên quan khác để được hướng dẫn, hỗ trợ.
3. Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 3. Giấy xác nhận này là cơ sở để tổ chức, cá nhân làm các thủ tục tiếp theo để được hoàn trả tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường. Giấy xác nhận có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: |
… (5) … |
Ghi chú: (1) Cơ quan có thẩm quyền xác nhận; (2) Tên đầy đủ của phương án; (3) Tên cơ quan tổ chức, cá nhân; (4) Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan đã cấp quyết định phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung; (5) Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
MẪU BẢN NHẬN XÉT HOÀN THÀNH TỪNG PHẦN PHƯƠNG ÁN/PHƯƠNG ÁN BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------
BẢN NHẬN XÉT
HOÀN THÀNH TỪNG PHẦN PHƯƠNG ÁN CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG/PHƯƠNG ÁN CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG
1. Họ và tên người nhận xét:...
2. Chuyên ngành được đào tạo, nghiên cứu, số năm hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn:….
3. Học hàm, học vị, chức vụ công tác: …
4. Nơi công tác (tên, địa chỉ, số điện thoại, Fax, Email): …
5. Chức danh: (ghi rõ chức danh trong Đoàn kiểm tra phục vụ xác nhận hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường)
6. Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra
7. Tên phương án: “…”
8. Nhận xét các hạng mục công trình đã hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường theo đề nghị
a) Đánh giá chất lượng các công trình cải tạo, phục hồi môi trường đã hoàn thành;
b) Đánh giá khối lượng các công trình cải tạo, phục hồi môi trường đã hoàn thành
c) Phù hợp về chất lượng, khối lượng của các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường với nội dung của phương án hoặc phương án bổ sung đã được phê duyệt;
d) Đánh giá công tác cải tạo, phục hồi môi trường trong quá trình cải tạo, phục hồi môi trường;
đ) Những nhận xét khác: …
9. Đánh giá về hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường:
a) Về mức độ chính xác của thông tin, số liệu hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường của báo cáo hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường;
b) Về mức độ chính xác về chất lượng các công trình hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường trong báo cáo hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường;
c) Về tính chính xác về số tiền đề nghị hoàn trả cho các hạng mục hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường nêu trong báo cáo hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường.
10. Kết luận: nêu rõ ý kiến Đồng ý hay Không đồng ý xác nhận hoàn thành các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường (nêu rõ đồng ý thông qua xác nhận hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường các hạng mục công trình gì, khối lượng, số tiền là bao nhiêu…).
|
(Địa danh), ngày … tháng … năm… |
MẪU BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
… (1) … |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:..../BC... |
(Địa danh), ngày… tháng … năm … |
BÁO CÁO VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN
CÔNG TÁC CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN NĂM …
1. Tình hình triển khai công tác bảo vệ môi trường, cải tạo và phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản
Báo cáo chi tiết công tác tham mưu, chỉ đạo, đôn đốc, triển khai công tác bảo vệ môi trường, cải tạo và phục hồi môi trường đối với các cơ sở khai thác khoáng sản trên địa bàn do cơ quan quản lý.
2. Kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường, cải tạo và phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản
- Báo cáo chi tiết việc triển khai và kết quả triển khai công tác bảo vệ môi trường, cải tạo và phục hồi môi trường tại các cơ sở khai thác khoáng sản.
- Lũy kế số lượng phương án, phương án bổ sung đã phê duyệt các năm trước năm báo cáo. Tổng số tiền phê duyệt các phương án, phương án bổ sung.
- Số lượng phương án, phương án bổ sung được phê duyệt trong năm báo cáo. Tổng số tiền phê duyệt.
- Tình hình kiểm tra, xác nhận hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường. Tổng số Đề án được xác nhận hoàn thành toàn bộ, từng phần cải tạo, phục hồi môi trường. Tổng số tiền phê duyệt hoàn trả cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.
- Tình hình quản lý khoản tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản của Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương.
3. Các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị (nếu có)
4. Danh mục các Dự án khai thác khoáng sản (lập theo mẫu dưới đây)
TT |
Tên phương án |
Địa điểm, công suất, loại khoáng sản khai thác |
Giấy phép khai thác khoáng sản |
Quyết định phê duyệt ĐTM |
Quyết định phê duyệt phương án, phương án bổ sung |
Thời gian khai thác (Theo Giấy phép KTKS) |
Tổng số tiền phê duyệt (đồng) |
Số tiền đã ký quỹ (đồng) |
Nơi ký quỹ |
Ghi chú |
|||
Thời gian khai thác |
Thời gian đã khai thác |
Lần đầu |
Các lần sau |
Tổng số tiền đã ký quỹ |
|||||||||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
11 |
12 |
13 |
14 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Nơi nhận: |
… (2) … |
Ghi chú: (1) Tên cơ quan lập báo cáo; (2) Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
MINISTRY OF NATURAL RESOURCES AND ENVIRONMENT |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No.: 38/2015/TT-BTNMT |
Hanoi, 30 June 2015 |
ON ENVIRONMENTAL REMEDIATION AND RESTORATION IN MINERAL MINING ACTIVITIES
Pursuant to the Law on Environmental Protection No. 55/2014/QH13 dated 23/6/2014;
Pursuant to the Mineral Law No. 60/2010/QH12 dated 17/11/2010;
Pursuant to the Decree No. 19/2015/ND-CP dated 14/02/2015 of the Government detailing the implementation of some articles of the Law on Environmental Protection;
Pursuant to Decree No.15/2012/ND-CP dated 09/03/2012 of the Government detailing the implementation of some articles of the Mineral Law.
Pursuant to the Decree No. 21/2013/ND-CP dated 04/03/2013 of the Government defining the functions, duties, powers and organizational structure of the Ministry of Natural Resources and Environment;
At the request of the Director General of Vietnam Environment Administration and the Director General of Department of Legal Affairs;
The Minister of Natural Resources and Environment issued this Circular on environmental remediation and restoration in mineral mining activities;
Article 1. Scope of regulation
This Circular guides the implementation of provisions on environmental remediation and restoration and deposit for environmental remediation and restoration of the mineral mining activities of Resolution No. 19/2015/ND-CP dated 14/02/2015 of the Government detailing the implementation of some articles of the Law on Environmental Protection (Hereafter referred to as Decree No. 19/2015/ND-CP, including:
1. The order, procedures and contents of appraisal, approval, inspection and certification of completion of environmental remediation and restoration plan (hereafter referred to as plan) and the additional environmental remediation and restoration plan (hereafter referred to as additional plan) of the mineral mining activities.
2. Making of deposit for environmental remediation and restoration of mineral mining activities.
Article 2. Subjects of application
This Circular applies to the state organs, organizations and individuals carrying out the mineral mining activities (hereafter referred to as organizations and individuals) and other relevant organizations and individuals.
ORDER, PROCEDURES, CONTENTS OF APPRAISAL AND APPROVAL OF PLAN AND ADDITIONAL PLAN
Section 1. Order and procedures for appraisal and approval of plan and additional plan
Article 3. Dossier to request the appraisal and approval of plan and additional plan
1. The organizations and individuals specified under Point a, Clause 1, Article 5 and Point a, Clause 2, Article 5 of Decree No. 19/2015/ND-CP having plan or additional plan and report on environmental impact assessment of the same organ having authority to approve it shall make a plan or additional plan under the form specified in Annex 02 or 04 issued with this Circular and submit it with dossier for appraisal and approval for report on environmental impact assessment. The written request for appraisal and approval is under the form specified in Annex 1B issued with this Circular.
2. In case the dossier for appraisal and approval for the plan is not subject to the provisions in Clause 1 of this Article:
a) A written request under the form specified in Annex 1A issued with this Circular;
b) 07 (seven) plans under the form specified in Annex 02 issued with this Circular;
c) 01 (one) copy of report on environmental impact assessment or registration of satisfaction of environmental standard or the simple environmental protection scheme or the detailed environmental protection scheme approved or certified.
3. In case the dossier for appraisal and approval for the additional plan is not subject to the provisions in Clause 1 of this Article:
a) A written request under the form specified in Annex 1A issued with this Circular;
b) 07 (seven) additional plans under the form specified in Annex 04 issued with this Circular;
c) 01 (one) copy of report on environmental impact assessment or environmental protection plan or commitment to environmental protection or registration of satisfaction of environmental standard or simple environmental protection scheme or detailed environmental protection scheme approved or certified.
d) 01 (one) copy of plan attached to the approved decision.
Article 4. Receipt of dossier and time limit for appraisal
1. The dossier for appraisal and approval for plan or additional plan shall be submitted directly or by post to the organs specified in Clause 1, Article 7 of Decree No. 19/2015/ND-CP.
2. The time limit for appraisal and approval for plan or additional plan is no more than 35 (thirty five) working days after receiving valid dossier. In cases specified in Clause 1, Article 3 of this Circular, the time limit shall comply with the one for appraisal of report on environmental impact assessment.
3. The result of appraisal and approval for the plan or additional plan shall be returned directly at the appraising or approving organ or by post.
Article 5. Appraisal for the plan or additional plan
1. In cases specified in Clause 1, Article 3 of this Circular, the order and procedures for appraisal shall comply with the order and procedures for appraisal of report on environmental impact assessment. The standing organ appraising the report on environmental impact assessment shall coordinate with the standing organ appraising the plan or additional plan (hereafter referred to as the standing organ appraising the report) shall carry out the following contents:
a) Reviews the validity of dossier: The dossier is deemed valid when it has the consent of the standing organ appraising the plan;
b) Establishes the appraisal board: The composition of such board shall include the composition of plan appraisal board specified in Clause 2, Article 7 of Decree No. 19/2015/ND-CP. The decision on establishment of appraisal board of report on environmental impact assessment and plan or additional plan is made under the form specified in Annex 5B issued with this Circular.
c) Organizes inspection at site, verification of information and data; takes sample for analysis and verification; consults the relevant organizations and individuals; hire experts and occupational-social organizations for counter-argument in case of requirement of the standing organ appraising the plan.
d) Organizes meeting of appraisal board: The minutes of appraisal board is made under the form specified in Annex 6B issued with this Circular.
2. In cases not subject to the provisions in Clause 1 of this Article, the appraisal of plan or additional plan shall comply with the provisions in Clause 2, Article 7 of Decree No. 19/2015/ND-CP. The activities of the appraisal board of plan or additional plan (hereafter referred to as appraisal board) are specified in Section 2 of this Chapter. The appraisal order is as follows:
a) Within 10 (ten) working days after receiving dossier, the standing organ appraising the plan shall establish the appraisal board. The decision on establishment of appraisal board is made under the form specified in Annex No.5A issued with this Circular. In case the dossier is incomplete or invalid, within 5 (five) working days, the standing organ appraising the plan shall notify in writing the organizations or individuals for completion of their dossiers.
b) In case of necessity, within 12 (twelve) working days after the establishment of appraisal board, the standing organ appraising plan shall carry out its inspection at the site and verify information and data; take sample for analysis and verification at location of plan or additional plan implementation and adjacent area; consult the relevant organizations and individuals; hire experts and occupational-social organizations for counter-argument in case of requirement of the standing organ appraising the plan or additional plan.
c) Within 07 (seven) working days after the completion of contents specified under Point a or b, Clause 2 of this Article, the standing organ appraising plan shall hold a meeting of appraisal board. The minutes of meeting, comment of plan or additional plan, plan or additional plan assessment form is made under the form specified in Annex 6A, 7 and 8 issued with this Circular;
d) Within 06 (six) working days after the meeting of appraisal board, the standing organ appraising plan shall give a written notice of the appraisal result to the organizations or individuals.
dd) After receiving the written notice of the appraisal result, the organizations or individuals shall
- Modify and complete the contents of plan or additional plan in case specified under Point b, Clause 4, Article 8 of this Circular. The time limit for modification or addition does not exceed 06 (six) months after the issuance of written notice of appraisal result. The time of modification and completion shall not be included in the time of appraisal and approval specified in Clause 2, Article 4 of this Circular. In case the time of modification or addition of dossier is over, the organizations or individuals have to prepare the plan or additional plan again;
- Prepare the plan or additional plan again and re-submit it in cases specified under Point C, Clause 4, Article 8 of this Circular. The order of appraisal is done like the case of first submission of dossier.
Article 6. Approval for plan or additional plan
1. In cases specified under Clause 1, Article 5 of this Circular, the order and procedures for approving plan or additional plan shall comply with the order and procedures for approving the report on environmental impact assessment. The standing organ appraising the report on environmental impact assessment shall coordinate with the standing organ appraising plan to implement the following contents:
a) Verifying and reviewing the consistency and completion of dossier and contents after the organizations or individuals have modified and completed it according to the conclusion of the appraisal board;
b) Jointly submitting the report on environmental impact assessment and the plan or additional plan to the competent authorities for approval. The decision on approving the report on environmental impact assessment and the plan or additional plan is prepared under the form specified in Annex No. 9B issued with this Circular.
2. In cases not subject to the provisions in Clause 1 of this Article:
a) If the plan or additional plan is adopted without modification or addition, the organizations or individuals shall affix seal on adjoining edges of pages the plan or additional plan and return it to the organ in charge of appraisal and approval for review and decision on approval with the number prescribed as follows:
- In cases under the appraisal and approval authority of the Ministry of Natural Resources and Environment, the number of dossier must be sufficient to be sent to the addresses: the Ministry of Natural Resources and Environment: 01 (one) copy with 01 (one) CD recording all data; the Department of Natural Resources and Environment of the area where the plan or additional plan is done: 01 (one) copy; organizations or individuals: 01 (one) copy;
- In cases under the approval authority of the People’s Committee of provinces and centrally-run cities (hereafter referred to as provincial-level People’s Committee), the number of dossier must be sufficient to be sent to the addresses: provincial-level People’s Committee: 01 (one) copy with 01 (one) CD recording all data; organizations or individuals: 01 (one) copy;
b) If the plan or additional plan is adopted provided that it must be modified or added. After modification or additions, organizations or individuals shall affix seal on adjoining edges of pages of the plan or additional plan and send it with a written explanation to the organ in charge of appraisal and approval with the number specified under Point a, Clause 2 of this Article;
c) Within 15 (fifteen) working days after receiving dossiers for approval, the approving organ shall issue the approval decision and certify on the back side of cover of the plan or additional plan. Where the dossier does not meet the conditions for approval, the competent authorities shall state the reason in writing. The decision on plan or additional plan approval and the form of certification on the back side of cover is under the form specified in Annex 9A, 9C and 10 issued with this Circular.
3. The approving organ shall send the approval decision attached to the plan or additional plan approved to the organizations, individuals and organs specified in Clause 2 of this Article and send 01 (one) approval decision to the environmental protection fund which receives the deposit for environmental remediation and restoration.
Section 2. Contents of appraisal and activities of appraisal board
Article 7. Contents of appraisal of plan or additional plan
1. The legal grounds and consistency with the structure and contents of the plan or additional plan.
2. The consistency of contents of plan or additional plan with the requirements for environmental protection, mineral mining planning, land use planning and environmental planning (if any) of the locality
3. The grounds for calculating volume of items and expenditure of environmental remediation and restoration; correct and complete calculation of volume and estimation of expenditure and consistency of method of deposit.
Article 8. Principles for operation and conclusion of appraisal board
1. The appraisal board is established to appraise each plan or additional plan.
2. The appraisal board shall give advice to the appraising organs, approve the plan or additional plan and take responsibility before law and appraising organ and approve the result of appraisal.
3. The appraisal board works on the principles of public discussion and comes to the conclusion unanimously.
4. The appraisal conclusion is shown accordinig to 01 (one) in 03 (three) cases as follows:
a) Adoption: when all members of appraisal board participating in the meeting have unanimous approval evaluation form without any modification or addition;
b) Adoption provided that there must be modification or addition: when there are at least 2/3 (two thirds) of number of board members attending the meeting have their approval evaluation form or adoption with required modification or addition including the Chairman or authorized Vice Chairman having his/her consent evaluation form to adopt or adopt with required modification or addition;
c) No adoption: when there is more than 1/3 (one third) of of number of board members attending the meeting have their disapproval evaluation form.
Article 9. Responsibility and powers of members of appraisal board
1. Responsibility of board members:
a) Study the plan or additional plan and relevant dossiers and documents provided by the appraisal organizing organ;
b) Participate in the meetings of the appraisal board, investigation and survey organized during the implementation (if any);
c) Write comments and send them to the appraising organs before the official meeting of the appraisal board at least 01 (one) working day in advance; present their opinions at the official meeting of the appraisal board;
d) Record the evaluation form;
dd) Manage documents provided as prescribed by law and return such documents upon the requirements of the appraisal organizing organ after completion of duties;
e) Take responsibility before the appraising or approving organs and before law for their comments or evaluation and assigned work contents during the appraisal;
2. Powers of board members:
a) Request the appraising organs to provide documents related to the dossier for appraisal for study and evaluation;
b) Recommend the appraising organ for organizing specialized meetings and conferences and other activities for direct service of appraisal;
c) Attend the meetings of the appraisal board and other activities for the purpose of appraisal;
d) Directly discuss with organizations or individuals at the meetings of the appraisal board; reserve their opinions in case they are different from the conclusion of the appraisal board;
dd) Receive remuneration under the current regulations upon implementation of duties; receive their traveling expenses, accommodation and other expenses as prescribed by law upon participation in activities of the appraisal board.
3. In addition to responsibilities and powers specified in Clause 1 and 2 of this Article, the Chairman of appraisal board has additional responsibilities and powers as follows:
a) Directs the meetings of the appraisal board;
b) Deals with opinions presented in the meetings of the appraisal board and give conclusions thereof.
c) Signs minutes of meetings and takes responsibility before the appraising or approving the conclusions given in the meetings under his/her assigned responsibilities and powers.
4. The Vice Chairman of the appraisal board has his/here responsibilities and powers like the members of the appraisal board as specified in Clause 1 and 2 of this Article and like the Chairman of the appraisal board in case authorized by the Chairman.
Article 10. Responsibilities of the standing organ appraising plan
1. Reviews the valiadity of dossier for appraising the plan or additional plan.
2. Drafts the decision on establishment of appraisal board and submits to the competent level for review and decision.
3. Contacts and requires organizations or individuals to additionally provide relevant documents in case of necessity and distribute them to the other members of the appraisal board.
4. Organizes the meetings of appraisal board and other its activities.
5. Notifies in writing the project owner of the appraisal result and the requirements related to the completion of appraisal dossier.
6. Reviews the contents of plan or additional plan after it is modified or added; distributes documents to request some members of the board to give their comments about the plan or additional plan in case of necessity.
7. Drafts the decision on approving the plan or additional plan and submits it to the competent level for consideration and decision.
Article 11. Conditions of official meeting of the appraisal board
1. There is an attendance (presence at the meeting or online attendance) of at least from 2/3 (two thirds) or more of a number of members of appraisal board under the establishment decision. The appraisal board shall not hold a meeting upon the absence of the Chairman or the Vice Chairman (in case authorized by the Chairman upon his/her absence).
2. There is an attendace of legal representative of organizations, individuals or authorized person.
3. Organizations or individuals have paid the appraisal fees of plan or additional plan as prescribed by law.
DEPOSIT FOR ENVIRONMENTAL REMEDIATION AND RESTORATION
Article 12. Calculation of deposit
1. The total deposit (not including the factor of price slippage) is equal to the total expenditure of items of works of environmental remediation and restoration. The method of calculation and estimation of expenditure for environmental remediation and restoration is specified in the Annex 11 issued with this Circular.
2. The annual deposit (not including the factor of price slippage) is calculated by the total deposit minus the first deposit specified in Clause 2, Article 13 of this Circular then divide equally by the remaining years by the time in the investment project or the mineral mining Permit.
3. The organizations or individuals submitting the annual deposit must calculate the factor of price slippage defined by the annual deposit specified in Clause 2 of this Article multiplied by the consumer price index of the previous years from the time of approval of the plan or additional plan. The consumer price index is applied as per the announcement from the General Department of Statistics for the locality where the mineral mining activities are carried out or from the competent organs.
4. Duration of deposit:
a) Where the organizations or individuals request the issuance of new mineral mining Permit, the time of deposit is defined by the investment projects which are appraised by the competent authorities but must not exceed a maximum of 30 (thirty) years;
b) Where the organizations or individuals already have the mineral mining Permit: the time of deposit is defined by the remaining duration of the mineral mining Permit from the time to approve the plan or additional plan;
c) Where the mineral mining Permit has its duration of mining different from the time calculated in the approved plan or additional plan, the organizations or individuals shall modify the contents and calculate the deposit amount by the time specified in the issued mineral mining Permit and send it to the organ having the authority to approve the plan or addition plan for consideration and modification.
1. Where the organizations or individuals have the mineral mining Permit with a duration of less than 03 (three) years, they shall deposit one time only. This deposit is equal to 100% (one hundred percent) of the approved amount taking into account the price slippage at the time of deposit.
2. Where the organizations or individuals have the mineral mining Permit with a duration of more than 03 (three) years, they shall make some deposits. The first amount of deposit must take into account the price slippage at the time of deposit and is defined as follows:
a) The mineral mining Permit with duration of less than 10 (ten) years: the first deposit is equal to 25% (twenty five percent) of the total deposit;
b) The mineral mining Permit with duration from10 (ten) years to less than 20 (twenty) years: the first deposit is equal to 20% (twenty percent) of the total deposit;
c) The mineral mining Permit with duration of 20 (twenty) years or more: the first deposit is equal to 15% (fifteen percent) of the total deposit;
3. The deposit whose the price slippage is taken into account shall be declared and paid by the organizations or individuals and notified to the environmental protection fund at the place of deposit under the form specified in Annex 12 issued with this Circular.
4. Where the organizations or individuals have made their deposit as prescribed by law but have stopped their mining activities for 01 (one) year or more, they must make a written report to the competent organs having authority to approve the plan or additional plan for adjustment of deposit of the subsequent times.
5. Where the organizations or individuals permitted to carry out the mineral mining activities transfer the mineral mining right or implement the sale, purchase, renaming, merger or consolidation of the enterprise, the organizations or individuals receiving the mineral mining right or the organizations or individuals as new owners of the enterprise must continue to fulfil their obligations on environmental remediation and restoration and make deposit for environmental remediation and restoration under the approved plan or additional plan.
Article 14. Time of deposit and receipt of deposit
1. Time of deposit:
a) The organizations or individuals that are mining mineral shall make the first deposit within 30 (thirty) working days after the approval of plan or additional plan;
b) The organizations or individuals that are issued with new mineral mining Permit shall make the first deposit before the registration of starting date of basic mine construction.
c) In case of making deposits for several times, the second deposit onwards must be made before the 31st of January of deposit year.
2. Receipt of deposit:
a) The place of deposit receipt is specified in Clause 3, Article 8 of Decree No. 19/2015/ND-CP. Where any locality has no its environmental protection fund, the organizations or individuals shall make their deposit at the Vietnam Environment Protection Fund;
b) The environmental protection fund shall check the correctness of deposit and issue the Certificate of deposit to the organizations or individuals under the form specified in Annex 13 issued with this Circular.
1. The principles for deposit refunding:
a) The refunding of deposited money is done under the provisions of Clause 4 and 5, Article 8 of Decree No. 19/2015/ND-CP;
b) The deposited money not related directly to the expenditure for implementation of works of environmental remediation and restoration shall be refunded 01 (one) time after the completion of all plan or additional plan has been certified.
2. Within 05 (five) working days after receipt of Certification of completion of environmental remediation and restoration, the place receiving the deposit shall refund the deposit to the organizations or individuals.
3. The refunding of deposited money to the organizations or individuals that return or are revoked their mineral mining Permit is done after there is a decision on closure of mineral mine.
ORDER AND PROCEDURES FOR CERTIFICATION OF EACH PART AND THE WHOLE OF PLAN OR ADDITIONAL PLAN
Article 16. Dossier to request the certification of partial completion of plan or additional plan
1. After completing each part of contents of environmental remediation and restoration under the approved plan or additional plan, the organizations or individuals shall prepare and send their dossiers to request the competent organs specified in Clause 2, Article 9 of Decree No. 19/2015/ND-CP for verification and certification of completion.
2. The dossier to request the certification of partial completion of plan or additional plan includes:
a) A written request under the form specified in Annex 14 issued with this Circular.
b) 07 (seven) Reports on partial completion of plan or additional plan under the form specified in Annex 15 issued with this Circular.
Article 17. Verification and certification of partial completion of plan or additional plan
1. The time limit for certification of partial completion of plan or additional plan is no more than 40 (forty) working days after the certifying organ receives the complete and valid dossiers.
2. Order of verification and certification:
a) Within 10 (ten) working days after the receipt of dossier, the certifying organ shall establish an inspection team which consists of representative of certifying organ, representative of organ issuing the mineral mining Permit, experts of environment and mineral and other relevant areas; representative of organ managing the local environment and environmental protection fund where the organizations or individuals have made their deposit. In case of necessity, the certifying organ shall invite the organ supervising the environmental and works quality and some relevant unit to participate in the inspection team. The decision on establishment of inspection team is made under the form specified in Annex 16 issue with this Circular. In case the dossier is incomplete or invalid, the certifying organ shall notify in writing the organizations or individuals for addition and completion.
b) Within 10 (ten) working days after the establishment of inspection team, the certifying organ shall inspect the site and the result of site inspection is recorded in the form specified in Annex 17 issued with this Circular. The certifying organ may hire another functional organ to measure and take sample for verification of information and data in the reports.
c) Within 20 (twenty) working days after the completion of inspection, the certifying organ shall issue the Certification of partial completion of plan or additional plan under the form specified in Annex 18 issued with this Circular;
d) In case of necessity, the certifying organ shall consult in writing the organ issuing the mineral mining Permit about the mineral reserve within the area whose environment has been remediated and restored. The time to consult the opinions is not included in the time for certification of partial completion of plan or additional plan;
dd) Where the items and works whose environment has been remediated and restored but the quality and volume do not consist with the approved plan and additional plan, the certifying organ shall notify in writing and state the shortcomings to the organizations or individuals for remedy and completion.
3. The result of certification shall be returned at the certifying organ or by post.
4. Where the organizations or individuals mining the mineral requests to return a part of area which has been mined, the order and procedures for inspection and certification of partial completion shall comply with the order and procedures for approval and acceptance of mine closure scheme stipulated by the Ministry of Natural Resources and Environment. During the acceptance of mine closure scheme of each part, there must be the involvement and written opinion of the organ having the authority to appraise the scheme. The decision on mine closure shall supersede the certification of partial completion of plan or additional plan.
Article 18. Contents of inspection and working principles of inspection team
1. Contents of inspection:
a) Inspecting each content and item of works of environmental remediation and restoration completed in comparison with the reports and dossiers organizations or individuals have submitted;
b) Inspecting the volume, quality, result of maintenance of items of environmental remediation and restoration compared with the targets committed in the plan or additional plan, mining design dossier and applicable standards and regulations.
2. The inspection team works on the principle of open discussion between the members and between the members and representatives of organizations or individuals in the meetings and during inspection.
3. The inspection team only carries out the actual inspection of items and works of environmental remediation and restoration upon satisfaction of following condtions:
a) There are at least 2/3 (two thirds) of members of inspection team under the establishment decision of the certifying organ with the required presence of the team Head (or Deputy Head upon the Head’s absence).
b) There are competent representatives of organizations or individuals;
c) The organizations or individuals have paid the fees of inspection and certification of plan or additional as prescribed by law.
Article 19. Responsibilities and powers of inspection members
1. Responsibilities and powers of inspection members:
a) Study dossiers for certification of partial completion of plan or additional plan;
b) Participate in the meetings and actual inspection activities of inspection team;
c) Discuss directly with the organizations or individuals about the items and works of environmental remediation and restoration during the actual inspection;
d) Write comments and assessments of implementation of items and works of environmental remediation and restoration under the form specified in Annex 19 issued with this Circular and send them to the Head of inspection team for examination; take responsibility before law for their comments and assessments;
dd) Manage the provided materials as prescribed by law and return them upon requirement of the organ performing the inspection after the completion of duties;
e) Receive renumeration as prescribed by the current regulations of law during the actual inspection.
2. In addition to the responsibilities and powers specified in Clause 1 of this Article, the Head of inspection team shall have additional responsibilities as follows:
a) Takes general responsibility for activities of the inspection team;
b) Assigns duties to the members of inspection team;
c) Chairs and runs the meetings of inspection team;
d) Deals with recommendations of members of inspection team, organizations or individuals and representatives of relevant organizations or individuals during the actual inspection and comes to his/her conclusion.
Article 20. Certification of completion of the whole of plan or additional plan
1. The certification of completion of the whole of plan or additional plan is done in accordance with the provisions in Clause 3, Article 9 of Decree No. 19/2015/ND-CP.
2. The organ appraising the mine closure scheme shall coordinate and consult in writing the plan appraising organ about the contents of certification of completion of the whole of plan or additional plan during the appraisal, submission for approval and acceptance of result of implementation of mine closure scheme.
3. The order and procedures for certification of completion of the whole of plan or additional plan are done the same as those for approval and acceptance of mine closure scheme stipulated by the Ministry of Natural Resources and Environment.
Article 21. Implementation organization
1. The Vietnam Environment Administration is the organ which appraises and submits the plan or additional plan to the Ministry of Natural Resources and Environment for approval; inspects and certifies the partial completion of plan or additional plan under the inspection and certification authority of the Ministry of Natural Resources and Environment.
2. The Department of Natural Resources and Environment is the organ which appraises and submits the plan or additional plan to the provincial People’s Committee for approval; inspects and certifies the partial completion of plan or additional plan under the inspection and certification authority of the provincial People’s Committee.
3. The provincial People’s Committee shall report to the Ministry of Natural Resources and Environment on the actual implementation and deposit for environmental remediation and restoration before the 31st of December annually under the form specified in Annex 20 issued with this Circular. The Department of Natural Resources and Environment is responsible for reviewing, inspecting and urging the organizations or individuals in the areas to implement and make deposit for environmental remediation and restoration as prescribed by law; updates database of environmental remediation and restoration in mineral mining on the website at http://www.caithienmoitruong.vea.gov.vn.
Article 22. Effect and responsibility for implementation
1. This Circular takes effect from 17 August 2015 and supersedes Circular No. 34/2009/TT-BTNMT dated 31 December 2009 of the Minister of Natural Resources and Environment stipulating the formulation, approval, inspection and certification of environmental remediation and restoration projects and deposit for environmental remediation and restoration for the mineral mining activities.
2. The Vietnam Environment Administration, the provincial People’s Committee, the Department of Natural Resources and Environment, the environmental protection fund, organizations and individuals mining the mineral and other relevant organizations and individuals are liable to execute this Circular. The Vietnam Environment Administration shall guide, inspect and monitor the implementation of this Circular.
3. Any difficult or problem arising during the implementation of this Circular should be promptly reported to the Ministry of Natural Resources and Environment for consideration, adjustment or addition accordingly./.
|
MINISTER |
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực