Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy
Số hiệu: | 136/2020/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 24/11/2020 | Ngày hiệu lực: | 10/01/2021 |
Ngày công báo: | 07/12/2020 | Số công báo: | Từ số 1125 đến số 1126 |
Lĩnh vực: | Tài nguyên - Môi trường | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Bỏ một số điều kiện an toàn về PCCC đối với khu dân cư
Ngày 24/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi.
Theo đó, khu dân cư phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) sau đây:
- Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
- Có nội quy về PCCC, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an.
- Có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện PCCC bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an.
Điều kiện an toàn về PCCC quy định như trên phải được Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.
Như vậy, so với quy định hiện hành tại Điều 8 Nghị định 79/2014/NĐ-CP thì không còn quy định một số nội dung như:
- Hệ thống điện phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn về PCCC.
- Có thiết kế và phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với khu dân cư xây dựng mới.
Nghị định 136/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/01/2021 và thay thế Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 136/2020/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2020 |
QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY VÀ LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Nghị định này quy định về hoạt động phòng cháy và chữa cháy, tổ chức lực lượng, phương tiện phòng cháy và chữa cháy, kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy, kinh phí bảo đảm cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hoạt động, sinh sống trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ban hành kèm theo Nghị định này các phụ lục sau đây:
1. Phụ lục I: Danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy.
2. Phụ lục II: Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.
3. Phụ lục III: Danh mục cơ sở do cơ quan Công an quản lý.
4. Phụ lục IV: Danh mục cơ sở do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.
5. Phụ lục V: Danh mục dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.
6. Phụ lục VI: Danh mục phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
7. Phụ lục VII: Danh mục phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc diện kiểm định.
8. Phụ lục VIII: Quy cách cờ hiệu, biển báo và băng sử dụng trong chữa cháy.
9. Phụ lục IX: Biểu mẫu sử dụng trong công tác phòng cháy và chữa cháy.
1. Cơ sở quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001, được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013 (sau đây gọi chung là Luật Phòng cháy và chữa cháy) được xác định là cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy.
Cơ quan, tổ chức có thể có một hoặc nhiều cơ sở; trong phạm vi một cơ sở có thể có nhiều cơ quan, tổ chức cùng hoạt động.
2. Danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
1. Cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:
a) Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
b) Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định, trừ trường hợp quy định tại điểm g khoản 3 Điều 31 Nghị định này;
c) Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
d) Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
đ) Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
e) Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự.
2. Cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:
a) Các điều kiện quy định tại các điểm a, c và điểm d khoản 1 Điều này; trường hợp cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V Nghị định này phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy;
b) Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
c) Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy. Người làm nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.
3. Cơ quan, tổ chức hoạt động trong phạm vi một cơ sở đã bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, trong phạm vi quản lý của mình phải thực hiện các nội dung sau đây:
a) Bảo đảm điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Sử dụng thiết bị điện, sinh lửa, sinh nhiệt, nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy;
c) Cử người tham gia đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở;
d) Phối hợp với người đứng đầu cơ sở thực hiện, duy trì điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình.
4. Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở tổ chức thực hiện trước khi đưa vào hoạt động và được duy trì trong suốt quá trình hoạt động.
Trường hợp trong cơ sở có nhiều cơ quan, tổ chức cùng hoạt động, người đứng đầu cơ sở chịu trách nhiệm quản lý và duy trì điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy chung của cơ sở.
5. Hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy của cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III, Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này do người đứng đầu cơ sở lập và lưu giữ. Thành phần hồ sơ thực hiện theo quy định của Bộ Công an.
1. Khu dân cư là nơi sinh sống của cá nhân, hộ gia đình được bố trí trên phạm vi thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và đơn vị dân cư tương đương (gọi chung là thôn). Một thôn được xác định là một khu dân cư thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy.
2. Khu dân cư phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:
a) Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
b) Có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện phòng cháy và chữa cháy bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
c) Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
d) Có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
3. Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều này phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.
1. Hộ gia đình phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Phòng cháy và chữa cháy.
2. Hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:
a) Điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
c) Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.
3. Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải được chủ hộ gia đình tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.
4. Hộ gia đình quy định tại khoản 2 Điều này đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy tương ứng với loại hình cơ sở theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.
1. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 04 chỗ ngồi trở lên phải bảo đảm điều kiện hoạt động đã được kiểm định; vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.
Đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên 09 chỗ ngồi, phương tiện hoạt động trên đường thủy nội địa, phương tiện giao thông đường sắt phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Có nội quy, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
b) Hệ thống điện, nhiên liệu, vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy;
c) Có phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
d) Có quy định, phân công nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
2. Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được quy định tại mục 21 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này phải bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:
a) Các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, trừ các phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự;
c) Có phương án chữa cháy do chủ phương tiện phê duyệt.
3. Phương tiện giao thông cơ giới khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ trên đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt phải có Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ do cơ quan Công an cấp theo quy định của pháp luật về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt (trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng) và phải bảo đảm, duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy sau đây:
a) Các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Động cơ của phương tiện phải được cách ly với khoang chứa hàng bằng vật liệu không cháy hoặc buồng (khoang) đệm theo quy định;
c) Ống xả của động cơ phải được che chắn, bảo đảm an toàn về cháy, nổ;
d) Sàn, kết cấu của khoang chứa hàng và các khu vực khác của phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm cháy, nổ phải làm bằng vật liệu không cháy;
đ) Các điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định;
e) Phải có dây tiếp đất khi phương tiện giao thông đường bộ vận chuyển chất lỏng nguy hiểm về cháy, nổ;
g) Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải có biểu trưng hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ (Mẫu số PC01) ở kính phía trước; phương tiện giao thông đường sắt phải có biểu trưng hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ (Mẫu số PC01) ở hai bên thành phương tiện trong suốt quá trình vận chuyển;
h) Phương tiện thủy nội địa, ban ngày phải cắm cờ báo hiệu chữ “B”, ban đêm phải có đèn báo hiệu phát sáng màu đỏ trong suốt quá trình vận chuyển. Quy cách, tiêu chuẩn cờ, đèn báo hiệu theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
4. Điều kiện đối với người điều khiển phương tiện, người làm việc trên phương tiện vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ:
a) Người điều khiển phương tiện phải có giấy phép điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt;
b) Người điều khiển phương tiện, người làm việc trên phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hành khách trên 29 chỗ ngồi và phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy quy định tại Điều 33 Nghị định này.
1. Hồ sơ đề nghị, thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ thuộc loại 1, loại 2, loại 3, loại 4 và loại 9 bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trên đường thủy nội địa thực hiện theo quy định của Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định về Danh mục hàng hoá nguy hiểm, vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa (sau đây gọi là Nghị định số 42/2020/NĐ-CP).
2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ trên đường sắt:
a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ (Mẫu số PC02);
b) Bản sao chứng thực (hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ thể hiện rõ việc tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động kinh doanh hoặc vận tải hàng hóa nguy hiểm;
c) Bảng kê danh mục, khối lượng và tuyến vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ (ga đi, ga đến); danh sách người áp tải hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
d) Bản sao có xác nhận của doanh nghiệp đối với hợp đồng vận chuyển hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ bằng đường sắt giữa người thuê vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;
đ) Phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố trong vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ có chữ ký, đóng dấu xác nhận của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
e) Phương án làm sạch phương tiện và bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau khi kết thúc vận chuyển theo các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này cho cơ quan có thẩm quyền theo một trong các hình thức sau:
a) Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền;
b) Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền (đối với các văn bản, giấy tờ thuộc danh mục bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước);
c) Thông qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật.
4. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra thành phần, tính hợp lệ của hồ sơ và thực hiện theo các quy định sau:
a) Trường hợp hồ sơ đầy đủ thành phần và hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều này thì tiếp nhận và ghi thông tin vào Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC03);
b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thành phần hoặc chưa hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều này thì hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định và ghi thông tin vào Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC04).
5. Thông báo kết quả xử lý hồ sơ:
a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải giao trực tiếp 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy cho người đến nộp hồ sơ và lưu 01 bản;
b) Trường hợp nộp hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận gửi thông báo qua thư điện tử, tin nhắn điện thoại về việc tiếp nhận hoặc hướng dẫn bổ sung hồ sơ đến cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ;
c) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải gửi 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ trước đó và lưu 01 bản.
6. Người được cơ quan, tổ chức cử đến liên hệ nộp hồ sơ phải có Giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền, xuất trình thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
7. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện theo các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định này và xem xét, cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ (Mẫu số PC05) và biểu trưng hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ cho phương tiện (Mẫu số PC01). Trường hợp không cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
8. Thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ trên đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt:
a) Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ cho phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc phương tiện hoạt động trên địa bàn được phân công, phân cấp quản lý về phòng cháy và chữa cháy;
b) Công an cấp huyện cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ cho phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc phương tiện hoạt động trên địa bàn quản lý không thuộc thẩm quyền của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh và những trường hợp do Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh ủy quyền.
9. Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ có hiệu lực trên toàn quốc và có giá trị một lần đối với phương tiện có hợp đồng vận chuyển theo chuyến; có giá trị không quá 24 tháng đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ theo kế hoạch hoặc hợp đồng vận chuyển và không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ), Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với phương tiện thủy nội địa), Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với phương tiện giao thông đường sắt).
10. Việc vận chuyển hàng hoá nguy hiểm về cháy, nổ bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt thực hiện theo quy định của Nghị định số 42/2020/NĐ-CP và Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt.
Khi lập quy hoạch xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác theo Luật Quy hoạch phải bảo đảm các nội dung sau:
1. Địa điểm xây dựng công trình, cụm công trình, bố trí các khu đất, các lô nhà phải bảo đảm chống cháy lan, giảm đến tối thiểu tác hại của nhiệt, khói bụi, khí độc do đám cháy sinh ra đối với các khu vực dân cư và công trình xung quanh.
2. Hệ thống giao thông, khoảng trống phải đủ kích thước và tải trọng bảo đảm cho phương tiện chữa cháy cơ giới triển khai các hoạt động chữa cháy.
3. Phải có nguồn nước chữa cháy; hệ thống thông tin liên lạc, cung cấp điện bảo đảm phục vụ các hoạt động chữa cháy, thông tin báo cháy.
4. Bố trí địa điểm xây dựng doanh trại cho đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy phải theo quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng.
5. Trong dự án phải có dự toán kinh phí cho các hạng mục phòng cháy và chữa cháy.
Khi lập dự án và thiết kế xây dựng mới hoặc cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng của công trình, hạng mục công trình (sau đây gọi chung là công trình) phải bảo đảm theo quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy với các nội dung sau:
1. Địa điểm xây dựng công trình phải bảo đảm khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với các công trình xung quanh.
2. Bậc chịu lửa của công trình phải phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình; có giải pháp bảo đảm ngăn cháy và chống cháy lan giữa các hạng mục của công trình và giữa công trình này với công trình khác.
3. Công nghệ sản xuất, hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, chống nổ của công trình và việc bố trí hệ thống kỹ thuật, thiết bị, vật tư phải bảo đảm các yêu cầu an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
4. Lối, đường thoát nạn, thiết bị chiếu sáng, chỉ dẫn thoát nạn, báo tín hiệu; thông gió chống tụ khói; phương tiện cứu người phải bảo đảm cho việc thoát nạn nhanh chóng, an toàn.
5. Hệ thống giao thông, bãi đỗ phục vụ cho phương tiện chữa cháy cơ giới hoạt động phải bảo đảm kích thước và tải trọng; hệ thống cấp nước chữa cháy phải bảo đảm yêu cầu phục vụ chữa cháy.
6. Hệ thống báo cháy, chữa cháy và phương tiện chữa cháy khác phải bảo đảm số lượng; vị trí lắp đặt và các thông số kỹ thuật phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của công trình.
1. Kinh phí phòng cháy và chữa cháy trong đầu tư, xây dựng gồm các khoản kinh phí cho hạng mục phòng cháy và chữa cháy quy định tại Điều 10 và Điều 11 Nghị định này và các khoản kinh phí khác phục vụ cho việc lập dự án thiết kế, thẩm duyệt, thử nghiệm, kiểm định, thi công, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
2. Kinh phí phòng cháy và chữa cháy trong đầu tư, xây dựng phải được bố trí ngay trong giai đoạn lập dự án đầu tư và thiết kế công trình.
1. Quy hoạch xây dựng, thiết kế xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng dự án, công trình, thiết kế phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy khi chế tạo mới hoặc hoán cải thuộc mọi nguồn vốn đầu tư phải tuân theo các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy. Việc lập đồ án quy hoạch, hồ sơ thiết kế xây dựng dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này phải do đơn vị có đủ điều kiện theo quy định thực hiện và phải được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.
2. Thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy là việc cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đối chiếu các giải pháp, nội dung thiết kế dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế về phòng cháy và chữa cháy được phép áp dụng tại Việt Nam theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
Kết quả thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy là một trong những căn cứ để xem xét, phê duyệt quy hoạch, phê duyệt dự án, thẩm định thiết kế xây dựng và cấp giấy phép xây dựng.
3. Đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy:
a) Đồ án quy hoạch xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác theo Luật Quy hoạch;
b) Các dự án, công trình quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này khi xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại điểm b khoản 5 Điều này;
c) Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại mục 21 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này khi chế tạo mới hoặc hoán cải ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại điểm c khoản 5 Điều này.
4. Hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy:
a) Đối với đồ án quy hoạch xây dựng: Văn bản đề nghị xem xét, cho ý kiến về giải pháp phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, tổ chức lập quy hoạch (Mẫu số PC06); các tài liệu và bản vẽ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 đối với khu công nghiệp quy mô trên 20 ha, tỷ lệ 1/500 đối với các trường hợp còn lại thể hiện những nội dung yêu cầu về giải pháp phòng cháy và chữa cháy quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều 10 Nghị định này;
b) Đối với chấp thuận địa điểm xây dựng trước khi tiến hành thiết kế các công trình độc lập có nguy hiểm cháy, nổ quy định tại các mục 15 và 16 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này (trừ trạm cấp xăng dầu nội bộ và cơ sở sử dụng khí đốt): Văn bản đề nghị chấp thuận địa điểm xây dựng về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (Mẫu số PC06), trường hợp chủ đầu tư ủy quyền cho đơn vị khác thì phải có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc văn bản chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp đối với dự án, công trình; bản vẽ, tài liệu thể hiện rõ hiện trạng địa hình của khu đất có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy như bậc chịu lửa của công trình, khoảng cách từ công trình dự kiến xây dựng đến các công trình xung quanh, hướng gió, cao độ công trình;
c) Đối với thiết kế cơ sở của dự án, công trình: Văn bản đề nghị xem xét, cho ý kiến về giải pháp phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (Mẫu số PC06), trường hợp chủ đầu tư ủy quyền cho đơn vị khác thì phải có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật; Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công; văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng (nếu có) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc văn bản chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp đối với dự án, công trình sử dụng vốn khác; Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy của đơn vị tư vấn thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế cơ sở thể hiện những nội dung yêu cầu về giải pháp phòng cháy và chữa cháy quy định tại Điều 11 Nghị định này;
d) Đối với thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình: Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (Mẫu số PC06), trường hợp chủ đầu tư ủy quyền cho đơn vị khác thì phải có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật; văn bản góp ý thiết kế cơ sở về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (nếu có); Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công; văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng (nếu có) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc văn bản chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp đối với dự án, công trình sử dụng vốn khác; Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy của đơn vị tư vấn thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; dự toán xây dựng công trình; bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Điều 11 Nghị định này; bản sao Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản thẩm duyệt thiết kế, bản vẽ được đóng dấu thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy (đối với hồ sơ thiết kế cải tạo, điều chỉnh); văn bản thẩm định thiết kế xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng (nếu có);
đ) Đối với thiết kế kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy: Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư, chủ phương tiện (Mẫu số PC06), trường hợp chủ đầu tư, chủ phương tiện ủy quyền cho đơn vị khác thì phải có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật; Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy của đơn vị tư vấn thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; dự toán tổng mức đầu tư phương tiện; bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế kỹ thuật thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy quy định tại điểm b và điểm c khoản 1, điểm b, c, d và điểm e khoản 3 Điều 8 Nghị định này;
e) Văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hoặc bản sao hoặc bản chụp kèm theo bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu. Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế phải có xác nhận của chủ đầu tư hoặc chủ phương tiện. Hồ sơ nếu bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch ra tiếng Việt và chủ đầu tư, chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm về nội dung của bản dịch đó.
5. Nội dung thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy:
a) Đối với đồ án quy hoạch phải xem xét, đối chiếu sự phù hợp của đồ án với các quy định tại khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều 10 Nghị định này;
b) Đối với dự án, công trình phải xem xét, đối chiếu sự phù hợp của thiết kế với các quy định hiện hành theo các nội dung sau: Danh mục quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy, các tài liệu kỹ thuật, chỉ dẫn kỹ thuật và công nghệ được áp dụng để thiết kế công trình; đường giao thông cho xe chữa cháy, khoảng cách an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với các công trình xung quanh; hệ thống cấp nước chữa cháy; bậc chịu lửa, hạng nguy hiểm cháy nổ và bố trí công năng của công trình liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy; giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan; giải pháp chống tụ khói; giải pháp thoát nạn; giải pháp cứu nạn và hỗ trợ cứu nạn; phương án chống sét, chống tĩnh điện; giải pháp cấp điện cho hệ thống phòng cháy và chữa cháy và các hệ thống kỹ thuật khác có liên quan về phòng cháy và chữa cháy; hệ thống báo cháy, chữa cháy và phương tiện chữa cháy của công trình;
c) Đối với phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy: Giải pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với tính chất hoạt động và đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ của phương tiện; điều kiện ngăn cháy, chống cháy lan, thoát nạn, cứu người khi có cháy xảy ra; giải pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với hệ thống điện, hệ thống nhiên liệu và động cơ; hệ thống báo cháy, chữa cháy và phương tiện chữa cháy khác; hệ thống, thiết bị phát hiện và xử lý sự cố rò rỉ các chất khí, chất lỏng nguy hiểm về cháy, nổ;
d) Đối với công trình đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng theo quy định, khi lắp đặt mới hoặc cải tạo hệ thống, thiết bị phòng cháy và chữa cháy thì chỉ thầm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với phần lắp đặt mới hoặc cải tạo của hệ thống, thiết bị phòng cháy và chữa cháy trong công trình.
6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 4 Điều này cho cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 12 Điều này theo một trong các hình thức sau:
a) Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền;
b) Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền (đối với các văn bản, giấy tờ thuộc danh mục bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước);
c) Thông qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật.
7. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra thành phần, tính hợp lệ của hồ sơ và thực hiện theo các quy định sau:
a) Trường hợp hồ sơ đầy đủ thành phần và hợp lệ theo quy định tại khoản 4 Điều này thì tiếp nhận và ghi thông tin vào Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC03);
b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thành phần hoặc chưa hợp lệ theo quy định tại khoản 4 Điều này thì hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định và ghi thông tin vào Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC04).
8. Thông báo kết quả xử lý hồ sơ:
a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải giao trực tiếp 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy cho người đến nộp hồ sơ và lưu 01 bản;
b) Trường hợp nộp hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận gửi thông báo qua thư điện tử, tin nhắn điện thoại về việc tiếp nhận hoặc hướng dẫn bổ sung hồ sơ đến cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ;
c) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải gửi 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ trước đó và lưu 01 bản;
d) Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện (dự án, công trình không thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này hoặc không thuộc thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 12 Điều này) thì phải có văn bản trả lời cơ quan, tổ chức, cá nhân theo thời hạn quy định tại khoản 10 Điều này về việc từ chối giải quyết hồ sơ. Cơ quan có thẩm quyền trả lời cơ quan, tổ chức, cá nhân theo hình thức tương ứng với hình thức mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ trước đó.
9. Người được cơ quan, tổ chức cử đến liên hệ nộp hồ sơ phải có Giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền, xuất trình thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
10. Thời hạn thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy:
Thời hạn thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy được tính kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cụ thể như sau:
a) Đồ án quy hoạch xây dựng: Không quá 05 ngày làm việc;
b) Chấp thuận địa điểm xây dựng công trình: Không quá 05 ngày làm việc;
c) Thiết kế cơ sở: Không quá 10 ngày làm việc đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A; không quá 05 ngày làm việc đối với các dự án còn lại;
d) Thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công: Không quá 15 ngày làm việc đối với dự án, công trình quan trọng quốc gia, dự án, công trình nhóm A; không quá 10 ngày làm việc đối với các dự án, công trình còn lại;
đ) Thiết kế kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy: Không quá 10 ngày làm việc.
11. Kết quả thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy:
a) Đối với đồ án quy hoạch: Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trả lời bằng văn bản góp ý về giải pháp phòng cháy và chữa cháy;
b) Đối với hồ sơ đề nghị chấp thuận địa điểm xây dựng: Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trả lời bằng văn bản chấp thuận địa điểm xây dựng;
c) Đối với hồ sơ thiết kế cơ sở: Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trả lời bằng văn bản góp ý về giải pháp phòng cháy và chữa cháy;
d) Đối với hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công công trình, hồ sơ thiết kế kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy: Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC07), đóng dấu đã thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC08) vào bản thuyết minh, các bản vẽ đã được thẩm duyệt và trả lại cho chủ đầu tư, chủ phương tiện. Chủ đầu tư, chủ phương tiện có trách nhiệm nộp tệp tin (file) bản chụp hoặc bản sao hồ sơ được đóng dấu đã thẩm duyệt cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã thẩm duyệt để lưu trữ theo quy định trước khi nhận Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
Trường hợp hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đối với cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng công trình hoặc hoán cải phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy: Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trả lời bằng văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC09), đóng dấu đã thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC08) vào bản thuyết minh, các bản vẽ đã được thẩm duyệt và trả lại cho chủ đầu tư, chủ phương tiện. Chủ đầu tư, chủ phương tiện có trách nhiệm nộp tệp tin (file) bản chụp hoặc bản sao hồ sơ được đóng dấu đã thẩm duyệt cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã thẩm duyệt để lưu trữ theo quy định trước khi nhận văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
đ) Trường hợp cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy không trả kết quả quy định tại điểm a, b, c và điểm d khoản này thì phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do và trả lại hồ sơ cho chủ đầu tư, chủ phương tiện trong thời hạn quy định tại khoản 10 Điều này.
12. Thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy:
a) Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với: Dự án, công trình không phân biệt nguồn vốn đầu tư đáp ứng tiêu chí phân loại dự án, công trình quan trọng quốc gia, dự án, công trình nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công (trừ các dự án, công trình đầu tư xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước do cấp tỉnh là chủ đầu tư); công trình có chiều cao trên 100 m; công trình xây dựng trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên; phương tiện đường thủy có chiều dài từ 50 m trở lên vận chuyển hành khách, vận chuyển chất lỏng dễ cháy, khí cháy, vật liệu nổ, hóa chất có nguy hiểm về cháy, nổ; dự án đầu tư xây dựng công trình do Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh đề nghị, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự;
b) Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với: Đồ án quy hoạch đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác theo Luật Quy hoạch trên địa bàn quản lý; dự án, công trình không thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý và những trường hợp do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ủy quyền; phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn quản lý không thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và những trường hợp do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ủy quyền, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự.
13. Dự án, công trình không thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này khi xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng vẫn phải thiết kế bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy.
14. Phí thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy được xác định trong tổng mức đầu tư của dự án, công trình và phương tiện giao thông cơ giới.
1. Trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ phương tiện giao thông cơ giới:
a) Lập dự án thiết kế theo đúng quy định tại Điều 11 Nghị định này và phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. Chỉ tiến hành thi công, xây dựng khi hồ sơ thiết kế công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
b) Tổ chức thi công, kiểm tra, giám sát thi công theo đúng thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt. Trường hợp trong quá trình thi công nếu có sự thay đổi, điều chỉnh về thiết kế và thiết bị phòng cháy và chữa cháy ảnh hưởng đến một trong các nội dung quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 5 Điều 13 Nghị định này thì lập thiết kế bổ sung để bảo đảm theo quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy và chữa cháy và phải được thẩm duyệt các nội dung thay đổi, điều chỉnh trước khi thi công;
c) Tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này và chịu trách nhiệm về kết quả nghiệm thu;
d) Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình trong suốt quá trình xây dựng đến khi nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng;
đ) Cung cấp hồ sơ thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của công trình, phương tiện giao thông cơ giới cho đơn vị quản lý, vận hành khi đưa công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng để xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
e) Xuất trình hồ sơ thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của công trình, phương tiện giao thông cơ giới khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
2. Trách nhiệm của đơn vị tư vấn dự án và giám sát thi công:
a) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư trong việc thực hiện các nội dung về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về hoạt động tư vấn dự án và tư vấn giám sát trong phạm vi của hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn;
b) Tham gia trong quá trình nghiệm thu.
3. Trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế:
a) Thiết kế bảo đảm các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy; chịu trách nhiệm về chất lượng của sản phẩm thiết kế công trình;
b) Thực hiện quyền giám sát tác giả trong quá trình thi công xây lắp công trình.
4. Trách nhiệm của đơn vị thi công:
a) Thi công theo đúng thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt;
b) Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý của mình trong suốt quá trình thi công đến khi bàn giao công trình;
c) Lập hồ sơ hoàn công; chuẩn bị các tài liệu và điều kiện để phục vụ công tác nghiệm thu và tham gia nghiệm thu công trình.
5. Trách nhiệm của cơ quan phê duyệt quy hoạch, cơ quan phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và cơ quan cấp giấy phép xây dựng:
a) Cơ quan phê duyệt quy hoạch, cơ quan phê duyệt dự án đầu tư xây dựng dự án, công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này chỉ phê duyệt dự án, công trình khi có văn bản trả lời kết quả thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 11 Điều 13 Nghị định này;
b) Cơ quan cấp giấy phép xây dựng trước khi cấp giấy phép có trách nhiệm yêu cầu chủ đầu tư xuất trình Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (nếu có) và bản vẽ được đóng dấu thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với các dự án, công trình quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
6. Trách nhiệm của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy:
a) Xem xét, trả lời về địa điểm xây dựng công trình quy định tại mục 15 và 16 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này (trừ trạm cấp xăng dầu nội bộ và cơ sở sử dụng khí đốt), giải pháp phòng cháy và chữa cháy đối với đồ án quy hoạch xây dựng, hồ sơ thiết kế cơ sở quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với các dự án, công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
d) Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình thi công xây dựng công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
1. Dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phải được chủ đầu tư, chủ phương tiện tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy. Chủ đầu tư, chủ phương tiện phải đề nghị cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã thẩm duyệt trước đó đến kiểm tra kết quả nghiệm thu nêu trên và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng.
Nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy bao gồm nghiệm thu từng phần, từng giai đoạn, từng hạng mục, từng hệ thống và nghiệm thu bàn giao; riêng đối với các bộ phận của công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy khi thi công bị che khuất thì phải được nghiệm thu trước khi tiến hành các công việc tiếp theo. Chủ đầu tư quyết định việc nghiệm thu từng phần công trình trong trường hợp khu vực được nghiệm thu đủ điều kiện vận hành độc lập, bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy và phải được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy kiểm tra kết quả nghiệm thu và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu trước khi đưa phần công trình đó vào sử dụng.
2. Hồ sơ nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy:
a) Bản sao Giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy kèm theo hồ sơ đã được đóng dấu thẩm duyệt của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy;
b) Bản sao Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
c) Các biên bản thử nghiệm, nghiệm thu từng phần và nghiệm thu tổng thể hệ thống phòng cháy và chữa cháy;
d) Các bản vẽ hoàn công hệ thống phòng cháy và chữa cháy và các hạng mục liên quan đến phòng cháy và chữa cháy phù hợp với hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt;
đ) Tài liệu, quy trình hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng các thiết bị, hệ thống phòng cháy và chữa cháy và các hệ thống liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của công trình, phương tiện giao thông cơ giới;
e) Văn bản nghiệm thu hoàn thành các hạng mục, hệ thống liên quan đến phòng cháy và chữa cháy;
g) Bản sao Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy của đơn vị tư vấn giám sát (nếu có), đơn vị thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy.
Các văn bản, tài liệu có trong hồ sơ phải có xác nhận của chủ đầu tư, chủ phương tiện, đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị thi công. Hồ sơ nếu bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch ra tiếng Việt.
3. Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư, chủ phương tiện theo các nội dung sau:
a) Kiểm tra nội dung và tính pháp lý của hồ sơ nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 2 Điều này do chủ đầu tư, chủ phương tiện giao thông cơ giới chuẩn bị;
b) Kiểm tra sự phù hợp giữa kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư, chủ phương tiện đối với thiết kế đã được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt trước đó;
c) Tổ chức kiểm tra, thử nghiệm xác suất hoạt động thực tế của các phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy và hệ thống liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của công trình, phương tiện giao thông cơ giới để đối chiếu với kết quả thử nghiệm của chủ đầu tư, chủ phương tiện. Việc kiểm tra phải được lập thành biên bản (Mẫu số PC 10).
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này kèm theo báo cáo của chủ đầu tư, chủ phương tiện về tình hình kết quả thi công, kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm và nghiệm thu các hệ thống, thiết bị và giải pháp phòng cháy và chữa cháy và văn bản đề nghị kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC11) cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã thẩm duyệt trước đó theo một trong các hình thức sau:
a) Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền;
b) Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền (đối với các văn bản, giấy tờ thuộc danh mục bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước);
c) Thông qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Thời gian nộp hồ sơ tối thiểu trước 10 ngày làm việc đối với dự án, công trình quan trọng quốc gia, dự án, công trình nhóm A hoặc tối thiểu trước 07 ngày làm việc đối với các công trình còn lại và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy so với ngày chủ đầu tư, chủ phương tiện đề nghị tổ chức kiểm tra nghiệm thu.
5. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra thành phần, tính hợp lệ của hồ sơ và thực hiện theo các quy định sau:
a) Trường hợp hồ sơ đầy đủ thành phần và hợp lệ theo quy định thì tiếp nhận và ghi thông tin vào 02 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC03);
b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thành phần hoặc chưa hợp lệ theo quy định thì hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ và ghi thông tin vào 02 bản Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC04).
6. Thông báo kết quả xử lý hồ sơ:
a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải giao trực tiếp 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy cho người đến nộp hồ sơ và lưu 01 bản;
b) Trường hợp nộp hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận gửi thông báo qua thư điện tử, tin nhắn điện thoại về việc tiếp nhận hoặc đề nghị hướng dẫn, bổ sung hồ sơ đến cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ;
c) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật, cán bộ tiếp nhận hồ sơ gửi 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy đến địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ trước đó và lưu 01 bản.
7. Người được cơ quan, tổ chức cử đến liên hệ nộp hồ sơ phải có Giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền, xuất trình thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
8. Trong thời hạn 10 ngày làm việc đối với dự án, công trình quan trọng quốc gia, dự án, công trình nhóm A hoặc 07 ngày làm việc đối với các dự án công trình còn lại và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều này, cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã thẩm duyệt trước đó có trách nhiệm tổ chức kiểm tra nghiệm thu và lập biên bản kiểm tra kết quả nghiệm thu (Mẫu số PC 10). Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua biên bản kiểm tra nghiệm thu, cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm xem xét, ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC 12) và trả lại hồ sơ nghiệm thu đã nhận trước đó cho chủ đầu tư, chủ phương tiện. Trường hợp không chấp thuận kết quả nghiệm thu thì phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
9. Văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy là một trong những căn cứ để cơ quan có thẩm quyền cấp phép đưa công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy vào sử dụng.
1. Đối tượng kiểm tra:
a) Cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy;
b) Khu dân cư, hộ gia đình, rừng, phương tiện giao thông cơ giới, hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
c) Công trình xây dựng trong quá trình thi công thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự;
d) Cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy.
2. Nội dung kiểm tra:
a) Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới quy định tại các Điều 5, 6, 7 và Điều 8 Nghị định này;
b) Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;
c) Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình xây dựng trong quá trình thi công: Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này; nội quy về phòng cháy và chữa cháy, biển chỉ dẫn thoát nạn; quy định về phân công trách nhiệm bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư, đơn vị thi công trong phạm vi thẩm quyền; chức trách, nhiệm vụ của người được phân công làm nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy; việc sử dụng hệ thống, thiết bị điện, sinh lửa, sinh nhiệt, nguồn lửa, nguồn nhiệt; trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy ban đầu phù hợp với tính chất, đặc điểm của công trình xây dựng;
d) Việc thực hiện trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, chủ phương tiện giao thông cơ giới, chủ hộ gia đình, chủ rừng theo quy định;
đ) Điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 41 Nghị định này.
3. Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy được tiến hành theo hình thức kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất, cụ thể:
a) Người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy, chủ hộ gia đình, chủ rừng có trách nhiệm tổ chức kiểm tra thường xuyên về an toàn phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình;
b) Người đứng đầu cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy thường xuyên; định kỳ 06 tháng gửi báo cáo kết quả kiểm tra về cơ quan Công an quản lý trực tiếp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra;
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy định kỳ một năm một lần; kiểm tra đột xuất khi phát hiện các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định này hoặc vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy mà có nguy cơ phát sinh cháy, nổ hoặc phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền đối với các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này, khu dân cư thuộc phạm vi quản lý;
d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra đột xuất phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền đối với các đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này trong phạm vi quản lý của mình;
đ) Cơ quan Công an có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy định kỳ 06 tháng một lần đối với các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này; định kỳ một năm một lần đối với hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy và các cơ sở còn lại thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này; kiểm tra đột xuất khi phát hiện các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định này hoặc vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy mà có nguy cơ phát sinh cháy, nổ hoặc phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền thuộc phạm vi quản lý; kiểm tra một năm một lần trong quá trình thi công đối với công trình xây dựng thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
4. Kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy được tiến hành theo hình thức kiểm tra định kỳ, đột xuất, cụ thể:
Sau khi cơ sở được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy, cơ quan Công an có thẩm quyền quy định tại khoản 12 Điều 45 Nghị định này thực hiện chế độ kiểm tra định kỳ một năm một lần để xác định việc duy trì, bảo đảm các điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy của cơ sở; kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy quy định tại Điều 41 Nghị định này hoặc lợi dụng hoạt động phòng cháy và chữa cháy để xâm phạm an ninh, trật tự bị cơ quan có thẩm quyền kiến nghị xử lý. Khi phát hiện vi phạm, lập biên bản (Mẫu số PC 10) và đề xuất cấp có thẩm quyền ký quyết định thu hồi (Mẫu PC35).
5. Thủ tục kiểm tra:
a) Đối với trường hợp kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy:
Cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra quy định tại điểm c và điểm đ khoản 3 Điều này trước khi thực hiện kiểm tra định kỳ phải thông báo trước 03 ngày làm việc cho đối tượng được kiểm tra về thời gian, nội dung và thành phần đoàn kiểm tra. Khi tổ chức kiểm tra về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở do cấp dưới quản lý thì phải thông báo cho cấp quản lý cơ sở đó biết. Trường hợp cần thiết thì yêu cầu cấp quản lý cơ sở đó tham gia đoàn kiểm tra, cung cấp tài liệu và tình hình liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy của cơ sở được kiểm tra. Kết quả kiểm tra được thông báo cho cấp quản lý cơ sở biết;
Cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra quy định tại các điểm c, d và điểm đ khoản 3 Điều này khi thực hiện kiểm tra đột xuất phải thông báo rõ lý do kiểm tra cho đối tượng được kiểm tra. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân khi thực hiện công tác kiểm tra đột xuất phải xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan trực tiếp quản lý;
Đối tượng được kiểm tra phải chuẩn bị đầy đủ các nội dung kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đã được thông báo và bố trí người có thẩm quyền, trách nhiệm để làm việc với cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra;
b) Đối với trường hợp kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 4 Điều này:
Cơ quan Công an đã cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy trước khi thực hiện kiểm tra định kỳ phải thông báo trước 03 ngày làm việc cho đối tượng được kiểm tra về thời gian, nội dung và thành phần đoàn kiểm tra;
Cơ quan, người có thẩm quyền khi thực hiện kiểm tra đột xuất phải thông báo rõ lý do kiểm tra cho đối tượng được kiểm tra. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân khi thực hiện công tác kiểm tra đột xuất phải xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan trực tiếp quản lý;
Đối tượng được kiểm tra phải chuẩn bị đầy đủ các nội dung kiểm tra điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy đã được thông báo và bố trí người có thẩm quyền, trách nhiệm để làm việc với cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra;
c) Việc kiểm tra định kỳ, đột xuất của cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại các điểm c, d và điểm đ khoản 3 và khoản 4 Điều này phải được lập thành biên bản (Mẫu số PC 10). Trường hợp đối tượng kiểm tra không ký biên bản thì phải có xác nhận của hai người làm chứng hoặc chính quyền địa phương.
1. Các trường hợp bị tạm đình chỉ hoạt động:
a) Trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ xuất hiện nguồn lửa, nguồn nhiệt hoặc khi đang có nguồn lửa, nguồn nhiệt mà xuất hiện môi trường nguy hiểm cháy, nổ (sau đây gọi là nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ);
b) Vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu khắc phục bằng văn bản mà không thực hiện, bao gồm: Tàng trữ, sử dụng trái phép hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; sản xuất, kinh doanh, san, chiết, nạp hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép hoặc không đúng nơi quy định; làm mất tác dụng của lối thoát nạn, ngăn cháy lan mà khi xảy ra cháy, nổ có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản;
c) Vi phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định về phòng cháy và chữa cháy:
Cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng của cơ sở, hạng mục thuộc cơ sở, hoán cải phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này ảnh hưởng đến một trong các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại điểm b, điểm c khoản 5 Điều 13 Nghị định này khi chưa có văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an có thẩm quyền;
Đưa công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này vào hoạt động, sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an có thẩm quyền.
2. Việc tạm đình chỉ hoạt động chỉ giới hạn trong phạm vi nhỏ nhất và theo nguyên tắc nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ xuất hiện ở phạm vi nào hoặc vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy ở phạm vi nào thì tạm đình chỉ hoạt động trong phạm vi đó.
3. Thời hạn tạm đình chỉ hoạt động được xác định căn cứ vào điều kiện, khả năng loại trừ nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ, khả năng khắc phục vi phạm về phòng cháy và chữa cháy nhưng không vượt quá 30 ngày.
4. Cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy, hộ gia đình và hoạt động của cá nhân bị tạm đình chỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này đã hết thời hạn tạm đình chỉ mà không khắc phục hoặc không thể khắc phục được thì bị đình chỉ hoạt động. Việc đình chỉ hoạt động có thể thực hiện đối với từng bộ phận hoặc toàn bộ cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy, hộ gia đình và hoạt động của cá nhân.
5. Quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động được thể hiện bằng văn bản; có thể ra quyết định tạm đình chỉ bằng lời nói đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nhưng sau đó phải thể hiện quyết định bằng văn bản.
6. Trình tự, thủ tục tạm đình chỉ hoạt động:
a) Khi phát hiện trường hợp bị tạm đình chỉ hoạt động theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người đang thi hành nhiệm vụ yêu cầu tổ chức, cá nhân ngừng hoạt động hoặc chấm dứt hành vi vi phạm và thực hiện theo trình tự sau:
Lập biên bản xác định phạm vi nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ hoặc hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy;
Ra quyết định hoặc báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động;
b) Quyết định tạm đình chỉ hoạt động phải được thể hiện bằng văn bản (Mẫu số PC 13). Trường hợp cấp thiết có thể ra quyết định tạm đình chỉ bằng lời nói và sau đó phải thể hiện quyết định bằng văn bản. Khi ra quyết định tạm đĩnh chỉ bằng lời nói phải xưng rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, phạm vi và những hoạt động bị tạm đình chỉ;
Người ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động có trách nhiệm tổ chức theo dõi việc khắc phục, loại trừ nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ.
7. Thủ tục đình chỉ hoạt động:
a) Khi hết thời hạn tạm đình chỉ hoạt động, người có thẩm quyền đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động trước đó có trách nhiệm tổ chức kiểm tra cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình và hoạt động của cá nhân bị tạm đình chỉ để xem xét khả năng loại trừ nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ hoặc khắc phục vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy. Việc kiểm tra phải được lập thành biên bản (Mẫu số PC 10);
b) Kết thúc kiểm tra, nếu xét thấy nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ chưa được loại trừ hoặc vi phạm không được khắc phục hoặc không thể khắc phục được thì người có thẩm quyền đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động trước đó xem xét, ra quyết định đình chỉ hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình, hoạt động của cá nhân (Mẫu số PC 14).
8. Thẩm quyền tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động:
a) Bộ trưởng Bộ Công an quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của bộ phận, toàn bộ cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình, hoạt động của cá nhân trong phạm vi cả nước, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của bộ phận, toàn bộ cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình, hoạt động của cá nhân thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của mình. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của bộ phận, toàn bộ cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình, hoạt động của cá nhân trong trường hợp tổ chức kiểm tra theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 16 Nghị định này;
c) Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng Công an cấp xã trong phạm vi thẩm quyền của mình quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với từng bộ phận, toàn bộ cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình, hoạt động của cá nhân thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của mình, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự;
d) Cán bộ, chiến sĩ Công an được tạm đình chỉ hoạt động đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và trong thời gian ngắn nhất sau khi tạm đình chỉ phải báo cáo người trực tiếp quản lý có thẩm quyền quy định tại điểm c Khoản này ra quyết định tạm đình chỉ.
9. Quyết định tạm đình chỉ hoạt động, quyết định đình chỉ hoạt động phải được giao cho đối tượng bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, cấp trên trực tiếp quản lý của đối tượng bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động (nếu có), Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện nơi đối tượng bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động có trụ sở hoặc cư trú; trường hợp các hoạt động bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động có liên quan tới nhiều đối tượng thì phải giao cho mỗi đối tượng một quyết định.
10. Biện pháp bảo đảm thi hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động:
a) Người đứng đầu cơ sở, cơ quan, tổ chức, người điều khiển hoặc chủ phương tiện giao thông cơ giới, chủ hộ gia đình, cá nhân khi nhận được quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động phải chấp hành ngay và có trách nhiệm loại trừ nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ hoặc khắc phục vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong thời gian ngắn nhất;
b) Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động thông báo công khai trên trang thông tin điện tử, phương tiện truyền thông về việc tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình, cá nhân không bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đến khi được phục hồi hoạt động. Nội dung công bố công khai gồm tổ chức, cá nhân vi phạm, hành vi vi phạm, hình thức xử lý.
1. Người có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động có quyền quyết định phục hồi hoạt động. Trường hợp người có thẩm quyền sau khi ra quyết định tạm đình chỉ bằng lời nói, chưa thể hiện bằng văn bản mà nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ hoặc vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy đã được loại trừ hoặc khắc phục ngay thì có thể quyết định phục hồi hoạt động bằng lời nói.
2. Trong thời hạn tạm đình chỉ hoạt động hoặc hết thời hạn tạm đình chỉ hoạt động, nếu nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ đã được loại trừ hoặc vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy đã được khắc phục thì người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới, chủ hộ gia đình, cá nhân phải có văn bản đề nghị phục hồi hoạt động (Mẫu số PC15) gửi người có thẩm quyền đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động trước đó xem xét, quyết định phục hồi hoạt động.
3. Cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình và cá nhân đã bị đình chỉ hoạt động, nếu sau đó đáp ứng đủ các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy và muốn hoạt động trở lại thì người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới, chủ hộ gia đình, cá nhân phải có văn bản đề nghị phục hồi hoạt động (Mẫu số PC 15) gửi người có thẩm quyền đã ra quyết định đình chỉ hoạt động trước đó xem xét, quyết định phục hồi hoạt động.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp 01 văn bản đề nghị cho cơ quan của người có thẩm quyền theo quy định tại khoản 8 Điều 17 Nghị định này theo một trong các hình thức sau:
a) Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền;
b) Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền (đối với các văn bản, giấy tờ thuộc danh mục bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước);
c) Thông qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật.
5. Thông báo kết quả xử lý:
a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận phải giao trực tiếp 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC03) cho người đến nộp văn bản và lưu 01 bản;
b) Trường hợp nộp hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận gửi thông báo qua thư điện tử, tin nhắn điện thoại về việc tiếp nhận hoặc hướng dẫn bổ sung hồ sơ đến cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ;
c) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật, cán bộ tiếp nhận phải gửi 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp trước đó và lưu 01 bản.
6. Người được cơ quan, tổ chức cử đến liên hệ nộp văn bản đề nghị phải có Giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền, xuất trình thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
7. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị phục hồi hoạt động, người đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động, đình chỉ hoạt động trước đó phải tổ chức kiểm tra, lập biên bản kiểm tra kết quả khắc phục nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ, khắc phục vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy hoặc các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC 10) và xem xét, ra Quyết định phục hồi hoạt động (Mẫu số PC 16). Trường hợp không ra Quyết định phục hồi hoạt động thì phải có văn bản trả lời cơ quan, tổ chức, cá nhân theo hình thức tương ứng với hình thức mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp văn bản đề nghị trước đó.
8. Quyết định phục hồi hoạt động phải được giao cho đối tượng bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, cấp trên trực tiếp quản lý của đối tượng bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động (nếu có), Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện nơi đối tượng bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động có trụ sở hoặc cư trú và đăng trên trang thông tin điện tử, phương tiện truyền thông.
1. Các loại phương án chữa cháy:
a) Phương án chữa cháy của cơ sở (Mẫu số PC 17);
b) Phương án chữa cháy của cơ quan Công an (Mẫu số PC 18).
2. Phương án chữa cháy phải bảo đảm các yêu cầu và nội dung cơ bản sau:
a) Nêu được tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy;
b) Đề ra tình huống cháy phức tạp nhất và một số tình huống cháy đặc trưng khác có thể xảy ra, khả năng phát triển của đám cháy theo các mức độ khác nhau;
c) Đề ra kế hoạch huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, tổ chức chỉ huy, biện pháp kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và các công việc phục vụ chữa cháy phù hợp với từng giai đoạn của từng tình huống cháy;
d) Phương án chữa cháy phải được bổ sung, chỉnh lý kịp thời và được cấp có thẩm quyền phê duyệt lại khi có những thay đổi lớn về quy mô, tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy.
3. Trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy và phối hợp xây dựng phương án chữa cháy:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy của cơ sở đối với khu dân cư, cơ sở, phương tiện sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ trong phạm vi quản lý (Mẫu số PC 17);
b) Trưởng Công an cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy của cơ quan Công an đối với các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này và khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn được phân công thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy (Mẫu số PC 18);
c) Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy của cơ quan Công an đối với các cơ sở còn lại thuộc danh mục quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này, phương án chữa cháy cần huy động lực lượng Công an, Quân đội, cơ quan, tổ chức đóng ở địa phương và lực lượng Công an của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Mẫu số PC18).
Khi xây dựng phương án chữa cháy, cơ quan Công an phải thông báo trước 03 ngày làm việc cho người đứng đầu cơ sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao về thời gian xây dựng phương án và những yêu cầu cần thiết cho việc xây dựng phương án.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao, người đứng đầu cơ sở quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này có trách nhiệm cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết liên quan tới việc xây dựng phương án chữa cháy theo yêu cầu của cơ quan Công an, bố trí người tham gia và bảo đảm các điều kiện phục vụ xây dựng phương án chữa cháy.
4. Hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở đối với các cơ sở quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này:
a) Văn bản đề nghị phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở (Mẫu số PC 19);
b) 02 bản phương án chữa cháy của cơ sở đã được người có trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án ký tên, đóng dấu (nếu có).
5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 4 Điều này cho cơ quan có thẩm quyền theo một trong các hình thức sau:
a) Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền;
b) Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền (đối với các văn bản, giấy tờ thuộc danh mục bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước);
c) Thông qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật.
6. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra thành phần, tính hợp lệ của hồ sơ và thực hiện theo các quy định sau:
a) Trường hợp hồ sơ đầy đủ thành phần và hợp lệ theo quy định tại khoản 4 Điều này thì tiếp nhận và ghi thông tin vào Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC03);
b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thành phần hoặc chưa hợp lệ theo quy định tại khoản 4 Điều này thì hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định và ghi thông tin vào Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC04).
7. Thông báo kết quả xử lý hồ sơ:
a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải giao trực tiếp 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy cho người đến nộp hồ sơ và lưu 01 bản;
b) Trường hợp nộp hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận gửi thông báo qua thư điện tử, tin nhắn điện thoại về việc tiếp nhận hoặc hướng dẫn bổ sung hồ sơ đến cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ;
c) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải gửi 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ trước đó và lưu 01 bản.
8. Người được cơ quan, tổ chức cử đến liên hệ nộp hồ sơ phải có giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền, xuất trình thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
9. Quản lý phương án chữa cháy:
a) Phương án chữa cháy của cơ sở được quản lý tại cơ sở, khu dân cư, trên phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy;
b) Phương án chữa cháy của cơ quan Công an được quản lý tại cơ quan Công an trực tiếp xây dựng phương án. Cơ quan, tổ chức có lực lượng, phương tiện tham gia trong phương án được sao gửi, phổ biến những nội dung liên quan đến nhiệm vụ của mình.
10. Trách nhiệm tổ chức thực tập phương án chữa cháy:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết, tổ chức thực tập phương án chữa cháy của cơ sở, khu dân cư, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của mình;
b) Cơ quan Công an có trách nhiệm tổ chức thực tập phương án chữa cháy của cơ quan Công an theo yêu cầu của người có thẩm quyền phê duyệt;
c) Lực lượng, phương tiện có trong phương án chữa cháy khi được huy động thực tập phải tham gia đầy đủ;
d) Người có trách nhiệm tổ chức thực tập phương án chữa cháy của cơ sở phải gửi kế hoạch, báo cáo kết quả tổ chức thực tập phương án chữa cháy đến cơ quan Công an quản lý trực tiếp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực tập phương án chữa cháy.
11. Cơ quan Công an có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, thực tập, quản lý và sử dụng phương án chữa cháy.
1. Người phát hiện thấy cháy phải bằng mọi cách báo cháy ngay cho người xung quanh biết và báo cho một hoặc tất cả các đơn vị sau đây:
a) Đội dân phòng hoặc đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tại nơi xảy ra cháy;
b) Đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất;
c) Chính quyền địa phương nơi xảy ra cháy.
2. Cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 1 Điều này khi nhận được tin báo về vụ cháy xảy ra trong địa bàn được phân công quản lý thì phải nhanh chóng đến tổ chức chữa cháy, đồng thời báo cho các cơ quan, đơn vị cần thiết khác để chi viện chữa cháy.
3. Cơ quan, đơn vị quy định tại điểm b khoản 1 Điều này khi nhận được tin báo cháy ngoài địa bàn được phân công quản lý phải nhanh chóng thông báo cho cơ quan, đơn vị quản lý địa bàn nơi xảy cháy để thực hiện nhiệm vụ chữa cháy; đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp quản lý để xem xét, quyết định điều động lực lượng, phương tiện đến chữa cháy khi có yêu cầu phối hợp.
4. Người có mặt tại nơi xảy ra cháy phải tìm mọi biện pháp phù hợp để cứu người, ngăn chặn cháy lan và chữa cháy; người tham gia chữa cháy phải chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy chữa cháy.
5. Lực lượng Công an, Quân đội, Dân quân tự vệ, cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường đô thị, giao thông và các cơ quan khác có liên quan có nhiệm vụ chữa cháy và tham gia chữa cháy theo quy định tại các khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 33 Luật Phòng cháy và chữa cháy.
1. Người chỉ huy chữa cháy trong lực lượng Công an nhân dân là người có chức vụ cao nhất chỉ huy đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có mặt tại nơi xảy ra cháy.
2. Trong trường hợp tại nơi xảy ra cháy, lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chưa đến mà đám cháy lan từ cơ sở này sang cơ sở khác hoặc cháy lan từ cơ sở sang khu dân cư hoặc ngược lại thì người chỉ huy chữa cháy của cơ sở và khu dân cư bị cháy phải có trách nhiệm phối hợp trong chỉ huy chữa cháy.
3. Trường hợp phương tiện giao thông cơ giới bị cháy trong địa phận của cơ sở, thôn, khu rừng mà lực lượng Cảnh sát phòng chảy và chữa cháy chưa đến thì người chỉ huy chữa cháy phương tiện giao thông cơ giới phải phối hợp với người có trách nhiệm chỉ huy chữa cháy sở tại để chỉ huy chữa cháy.
4. Khi người có chức vụ cao nhất của lực lượng Công an nhân dân đến nơi xảy ra cháy thì người chỉ huy chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm tham gia ban chỉ huy chữa cháy và chịu sự phân công của người chỉ huy chữa cháy thuộc lực lượng Công an nhân dân.
1. Nhiệm vụ chỉ huy chữa cháy:
a) Huy động lực lượng, phương tiện, tài sản, nguồn nước, chất và vật liệu chữa cháy để chữa cháy;
b) Xác định khu vực chữa cháy, đề ra và tổ chức thực hiện các biện pháp kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy;
c) Đề ra các yêu cầu về bảo đảm giao thông, trật tự;
d) Tổ chức hậu cần chữa cháy, phục vụ chữa cháy và y tế;
đ) Tổ chức thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy;
e) Tổ chức công tác chính trị tư tưởng trong chữa cháy;
g) Tổ chức thông tin về vụ cháy;
h) Quyết định kết thúc hoạt động chữa cháy;
i) Phối hợp tổ chức bảo vệ hiện trường vụ cháy;
k) Tổ chức rút kinh nghiệm vụ cháy;
l) Đề xuất các yêu cầu khác phục vụ cho chữa cháy.
2. Chỉ đạo chữa cháy được áp dụng đối với các trường hợp quy định tại Điều 39 Luật Phòng cháy và chữa cháy. Nhiệm vụ của người chỉ đạo chữa cháy là tổ chức và chỉ đạo các hoạt động bảo đảm chữa cháy an toàn, hiệu quả và khắc phục hậu quả vụ cháy.
3. Khi lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chưa đến đám cháy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Khi lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đến đám cháy thì người chỉ huy đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy và thực hiện các nhiệm vụ chỉ đạo chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều này.
1. Thẩm quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy:
a) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi quản lý của mình; trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản ngoài phạm vi quản lý của mình thì phải đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định;
b) Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của lực lượng phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình. Sau khi huy động thì thông báo cho người có thẩm quyền quản lý lực lượng, phương tiện và tài sản đó biết. Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản ngoài phạm vi quản lý của mình thì đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định;
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức trong phạm vi quản lý của mình. Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện, tài sản ngoài phạm vi quản lý của mình thì đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định;
d) Giám đốc Công an cấp tỉnh được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của lực lượng Công an thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản ngoài phạm vi quản lý của mình thì đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định;
đ) Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi cả nước. Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản ngoài phạm vi quản lý của mình thì đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định. Sau khi huy động thì thông báo cho người có thẩm quyền quản lý lực lượng, phương tiện và tài sản đó biết;
e) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi quản lý của mình và lực lượng quân đội đóng ở địa phương. Sau khi huy động thì thông báo cho người có thẩm quyền quản lý lực lượng, phương tiện, tài sản đó biết;
g) Bộ trưởng Bộ Công an được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi cả nước. Sau khi huy động thì thông báo cho người có thẩm quyền quản lý lực lượng, phương tiện và tài sản đó biết.
2. Thủ tục huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy:
a) Việc huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy phải được thể hiện bằng Lệnh huy động, điều động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy (Mẫu số PC20); trường hợp khẩn cấp, lệnh huy động có thể bằng lời nói, nhưng chậm nhất không quá 03 ngày làm việc phải thể hiện lệnh đó bằng văn bản. Người ra lệnh huy động bằng lời nói phải xưng rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, đồng thời phải nêu rõ căn cứ huy động và yêu cầu về người, phương tiện, tài sản cần huy động, thời gian, địa điểm tập kết;
b) Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài phạm vi quản lý, người chỉ huy chữa cháy báo cáo đề xuất và được người có thẩm quyền huy động đồng ý thì được phép huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó để chữa cháy nhưng sau đó phải tham mưu cho người có thẩm quyền huy động ban hành quyết định huy động bằng văn bản.
1. Người và phương tiện của quân đội khi không làm nhiệm vụ khẩn cấp đều có thể được huy động để chữa cháy và phục vụ chữa cháy. Người chỉ huy đơn vị quân đội khi nhận được lệnh huy động lực lượng và phương tiện để chữa cháy và phục vụ chữa cháy phải chấp hành ngay hoặc báo cáo ngay lên cấp có thẩm quyền để Tổ chức thực hiện.
2. Không huy động các loại xe sau đây để chữa cháy và phục vụ chữa cháy:
a) Xe quân sự, xe Công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp;
b) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
c) Xe hộ đê, xe đang làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai hoặc tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
d) Đoàn xe có Cảnh sát dẫn đường;
đ) Đoàn xe tang;
e) Các xe ưu tiên khác theo quy định của pháp luật.
3. Người và phương tiện của tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam đều có thể được huy động để chữa cháy và phục vụ chữa cháy trừ những tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
1. Các xe, tàu, xuồng, máy bay và các phương tiện giao thông khác của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy khi đi chữa cháy và phục vụ chữa cháy được sử dụng tín hiệu ưu tiên, quyền ưu tiên lưu thông và các quyền ưu tiên khác theo quy định của pháp luật.
Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa của cơ quan, tổ chức và cá nhân được huy động làm nhiệm vụ chữa cháy được hưởng quyền ưu tiên quy định tại điểm b khoản 2 Điều 36 Luật Phòng cháy và chữa cháy và được ưu tiên qua cầu, phà và được miễn phí lưu thông trên đường.
2. Người được huy động làm nhiệm vụ chữa cháy khi xuất trình lệnh huy động hoặc thông báo về yêu cầu huy động của người có thẩm quyền huy động (trong trường hợp lệnh huy động bằng lời nói) thì chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện giao thông hoặc những người có trách nhiệm liên quan giải quyết đi ngay trong thời gian sớm nhất.
Người chỉ huy chữa cháy thuộc lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy được thực hiện quyền quyết định phá, dỡ nhà, công trình, vật chướng ngại và di chuyển tài sản quy định tại điểm d khoản 1 Điều 38 Luật Phòng cháy và chữa cháy trong những tình thế cấp thiết sau đây:
1. Có người đang bị mắc kẹt trong đám cháy hoặc đám cháy đang trực tiếp đe dọa tính mạng của nhiều người.
2. Đám cháy có nguy cơ trực tiếp dẫn đến nổ, độc; nguy cơ tác động xấu đến môi trường; nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản; khả năng gây tác động ảnh hưởng xấu về chính trị, đối ngoại nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời.
3. Nhà, công trình, vật chướng ngại cản trở việc triển khai chữa cháy mà không có cách nào khác để chữa cháy đạt hiệu quả cao hơn.
Phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được huy động để chữa cháy và phục vụ chữa cháy phải được hoàn trả ngay sau khi kết thúc chữa cháy. Trường hợp phương tiện, tài sản được huy động mà bị tổn hao; nhà, công trình bị phá dỡ theo quy định tại các điểm c, d khoản 1 Điều 38 Luật Phòng cháy và chữa cháy thì được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
1. Lực lượng phòng cháy và chữa cháy của Việt Nam chỉ được phép vào trụ sở của các cơ quan sau đây để chữa cháy khi có yêu cầu hoặc có sự đồng ý của người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của các cơ quan đó:
a) Trụ sở của cơ quan đại diện ngoại giao;
b) Trụ sở của cơ quan lãnh sự của những nước ký kết với Việt Nam hiệp định lãnh sự trong đó có quy định lực lượng phòng cháy và chữa cháy của Việt Nam được phép vào để chữa cháy khi có yêu cầu hoặc có sự đồng ý của người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của các cơ quan đó;
c) Trụ sở cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc;
d) Trụ sở cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế liên Chính phủ ngoài hệ thống Liên hợp quốc, các đoàn thể của tổ chức quốc tế, nếu trong điều ước ký kết giữa Việt Nam và các tổ chức này có quy định lực lượng phòng cháy và chữa cháy của Việt Nam được phép vào để chữa cháy khi có yêu cầu hoặc có sự đồng ý của người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của các cơ quan đó.
2. Lực lượng phòng cháy và chữa cháy của Việt Nam được vào trụ sở cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế không quy định tại khoản 1 Điều này để chữa cháy mà không cần có yêu cầu hoặc có sự đồng ý của người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của cơ quan.
3. Lực lượng phòng cháy và chữa cháy của Việt Nam chỉ được phép vào nhà ở của những người sau đây để chữa cháy khi có yêu cầu hoặc có sự đồng ý của những người đó:
a) Nhà ở của viên chức ngoại giao, thành viên gia đình của viên chức ngoại giao không phải là công dân Việt Nam; nhân viên hành chính, kỹ thuật và thành viên gia đình họ không phải là công dân Việt Nam hoặc không phải là người thường trú tại Việt Nam;
b) Nhà ở của viên chức lãnh sự không phải là công dân Việt Nam hoặc không phải là người thường trú tại Việt Nam; nếu trong hiệp định lãnh sự giữa Việt Nam và nước cử lãnh sự có quy định lực lượng phòng cháy và chữa cháy của Việt Nam được phép vào để chữa cháy khi có yêu cầu hoặc có sự đồng ý của những người đó.
4. Lực lượng phòng cháy và chữa cháy của Việt Nam được vào nhà ở của các thành viên các cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế không thuộc đối tượng được quy định tại khoản 3 Điều này để chữa cháy mà không cần có yêu cầu hoặc có sự đồng ý của các thành viên đó.
1. Cờ hiệu, biển báo và băng sử dụng trong chữa cháy, gồm:
a) Cờ hiệu chữa cháy; cờ hiệu ban chỉ huy chữa cháy;
b) Băng chỉ huy chữa cháy;
c) Biển báo, dải băng phân ranh giới khu vực chữa cháy;
d) Biển cấm qua lại khu vực chữa cháy.
2. Quy cách cờ hiệu, biển báo và băng sử dụng trong chữa cháy quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này,
1. Công an cấp xã có trách nhiệm tham mưu với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thành lập đội dân phòng trên cơ sở đề xuất của Trưởng thôn và trực tiếp chỉ đạo hoạt động của đội dân phòng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt động, bảo đảm kinh phí, nơi làm việc, trang bị phương tiện, bảo đảm các điều kiện cần thiết và duy trì hoạt động của đội dân phòng.
2. Bố trí lực lượng dân phòng:
a) Đội dân phòng có biên chế từ 10 người đến 20 người, trong đó 01 đội trưởng và 01 đội phó; biên chế trên 20 người đến 30 người được biên chế thêm 01 đội phó. Đội dân phòng có thể được chia thành các tổ dân phòng; biên chế của tổ dân phòng từ 05 đến 09 người, trong đó có 01 tổ trưởng và 01 tổ phó;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định bổ nhiệm đội trưởng, đội phó đội dân phòng, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phòng.
3. Thành viên đội dân phòng là những người thường xuyên có mặt tại nơi cư trú.
4. Cơ quan Công an có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy đối với lực lượng dân phòng.
1. Người đứng đầu cơ sở và người đứng đầu cơ quan, đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có trách nhiệm thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và trực tiếp duy trì hoạt động theo chế độ chuyên trách hoặc không chuyên trách. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm thành lập và duy trì đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành và trực tiếp duy trì hoạt động theo chế độ chuyên trách hoặc không chuyên trách.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cơ sở có trách nhiệm quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt động, bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện, bảo đảm các điều kiện cần thiết và duy trì hoạt động của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.
3. Bố trí lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành:
a) Cơ sở có dưới 10 người thường xuyên làm việc thì tất cả những người làm việc tại cơ sở đó là thành viên đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành và do người đứng đầu cơ sở chỉ huy, chỉ đạo;
b) Cơ sở có từ 10 người đến 50 người thường xuyên làm việc thì biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tối thiểu là 10 người, trong đó có 01 đội trưởng;
c) Cơ sở có trên 50 người đến 100 người thường xuyên làm việc thì biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tối thiểu là 15 người, trong đó có 01 đội trưởng và 01 đội phó;
d) Cơ sở có trên 100 người thường xuyên làm việc thì biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tối thiểu là 25 người, trong đó có 01 đội trưởng và 02 đội phó;
đ) Cơ sở có nhiều phân xưởng, bộ phận làm việc độc lập có trên 100 người thường xuyên làm việc thì mỗi bộ phận, phân xưởng có 01 tổ phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành; biên chế của tổ phòng cháy và chữa cháy tối thiểu 05 người, trong đó có 01 tổ trưởng;
e) Cơ sở được trang bị phương tiện chữa cháy cơ giới thì biên chế đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành phải bảo đảm duy trì số người thường trực đáp ứng theo cơ số của phương tiện chữa cháy cơ giới;
g) Đối với trạm biến áp được vận hành tự động, có hệ thống phòng cháy và chữa cháy tự động được liên kết, hiển thị, cảnh báo cháy về cơ quan chủ quản và có hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố đến cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thì không phải thành lập và duy trì lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở. Cơ quan, tổ chức trực tiếp vận hành, quản lý trạm biến áp phải chịu trách nhiệm duy trì và bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với trạm biến áp do mình quản lý.
4. Cơ quan Công an có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy đối với lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành.
1. Cá nhân tình nguyện tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận, lập danh sách gửi cơ quan Công an quản lý địa bàn.
Tổ chức tình nguyện tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy phải đăng ký với cơ quan Công an quản lý địa bàn.
2. Tổ chức, cá nhân khi đã đăng ký tình nguyện tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy phải thực hiện nhiệm vụ và chịu sự chỉ đạo của đội trưởng, đội phó đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hoặc người có thẩm quyền khác theo quy định.
3. Chế độ, chính sách đối với cá nhân tình nguyện tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy được áp dụng như thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở.
1. Đối tượng phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy
a) Người có chức danh chỉ huy chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Phòng cháy và chữa cháy;
b) Thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở;
c) Thành viên đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;
d) Người làm việc trong môi trường có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc với hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
đ) Người điều khiển phương tiện, người làm việc trên phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hành khách trên 29 chỗ ngồi và phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
e) Người làm nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy tại các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
g) Thành viên đội, đơn vị phòng cháy và chữa cháy rừng.
2. Nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy
a) Kiến thức pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với từng đối tượng;
b) Phương pháp tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy;
c) Biện pháp phòng cháy; biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy;
d) Phương pháp xây dựng và thực tập phương án chữa cháy;
đ) Phương pháp bảo quản, sử dụng các phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
e) Phương pháp kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
3. Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy
a) Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ lần đầu: Từ 16 đến 24 giờ đối với đối tượng quy định tại các điểm a, b, d, đ, e và điểm g khoản 1 Điều này và từ 32 đến 48 giờ đối với đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
b) Thời gian huấn luyện lại để được cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy sau khi chứng nhận này hết thời hạn sử dụng tối thiểu là 16 giờ đối với các đối tượng quy định tại các điểm a, b, d, đ, e và điểm g khoản 1 Điều này và 32 giờ đối với đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
c) Thời gian bồi dưỡng bổ sung hàng năm về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy tối thiểu 08 giờ đối với đối tượng quy định tại điểm a, b, d, đ, e và điểm g khoản 1 Điều này và tối thiểu 16 giờ đối với đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
4. Trách nhiệm tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở có trách nhiệm tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý;
b) Cơ quan, tổ chức, cơ sở hoặc cá nhân có nhu cầu được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy thì đề nghị cơ quan Công an hoặc cơ sở huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy đã được xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy tổ chức huấn luyện. Kinh phí tổ chức huấn luyện do cơ quan, tổ chức, cơ sở hoặc cá nhân tham gia huấn luyện chịu trách nhiệm.
5. Hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy:
a) Đối với cơ sở huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy tổ chức huấn luyện: Văn bản đề nghị kiểm tra, cấp chứng nhận huấn luyện (Mẫu số PC21); kế hoạch, chương trình, nội dung huấn luyện; danh sách trích ngang lý lịch của người đã được huấn luyện;
b) Đối với cơ quan, tổ chức, cơ sở đề nghị cơ quan Công an hoặc cơ sở huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy tổ chức huấn luyện: Văn bản đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp chứng nhận huấn luyện (Mẫu số PC22); danh sách trích ngang lý lịch của người đăng ký huấn luyện;
c) Đối với cá nhân có nhu cầu được huấn luyện và cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy: Văn bản đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp chứng nhận huấn luyện (Mẫu số PC23).
6. Hồ sơ đề nghị cấp đổi Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp bị hư hỏng gồm văn bản đề nghị cấp đổi, cấp lại Chứng nhận huấn luyện (Mẫu số PC24) và Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy đã được cấp trước đó.
7. Hồ sơ đề nghị cấp lại Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp bị mất: Văn bản đề nghị cấp đổi cấp lại Chứng nhận huấn luyện (Mẫu số PC24).
8. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 13 Điều này theo một trong các hình thức sau:
a) Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền;
b) Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền (đối với các văn bản, giấy tờ thuộc danh mục bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước);
c) Thông qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật.
9. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra thành phần, tính hợp lệ của hồ sơ và thực hiện theo các quy định sau:
a) Trường hợp hồ sơ đầy đủ thành phần và hợp lệ theo quy định thì tiếp nhận và ghi thông tin vào Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC03);
b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thành phần hoặc chưa hợp lệ theo quy định thì hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định và ghi thông tin vào Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC04).
10. Thông báo kết quả xử lý hồ sơ:
a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải giao trực tiếp 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy cho người đến nộp hồ sơ và lưu 01 bản;
b) Trường hợp nộp hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận gửi thông báo qua thư điện tử, tin nhắn điện thoại về việc tiếp nhận hoặc hướng dẫn bổ sung hồ sơ đến cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ;
c) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải gửi 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy hoặc Phiếu hướng dẫn, bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ trước đó và lưu 01 bản.
11. Người được cơ quan, tổ chức cử đến liên hệ nộp hồ sơ phải có Giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền, xuất trình thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
12. Thời hạn giải quyết các thủ tục về huấn luyện, kiểm tra, cấp, cấp đổi, cấp lại Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy:
a) Đối với cơ sở huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy tổ chức huấn luyện: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan Công an có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả của đối tượng tham gia huấn luyện;
b) Đối với cơ quan, tổ chức, cơ sở, cá nhân đề nghị cơ quan Công an tổ chức huấn luyện:
Trường hợp số lượng người đăng ký huấn luyện từ 20 người trở lên: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan Công an có trách nhiệm tổ chức huấn luyện và kiểm tra, đánh giá kết quả của đối tượng tham gia huấn luyện;
Trường hợp số lượng người đăng ký huấn luyện ít hơn 20 người: Cơ quan Công an có trách nhiệm tập hợp; khi đủ số lượng thì thông báo thời gian, địa điểm tổ chức huấn luyện và kiểm tra, đánh giá kết quả;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy (Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy) cho các cá nhân hoàn thành chương trình huấn luyện nghiệp vụ. Trường hợp không cấp Chứng nhận phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do;
d) Thời hạn cấp đổi, cấp lại Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp không cấp đổi, cấp lại Chứng nhận phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
13. Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện cấp và có giá trị sử dụng trên phạm vi cả nước trong thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp. Hết thời hạn này, phải huấn luyện lại để được cấp Chứng nhận mới.
1. Người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy theo lệnh triệu tập, huy động của người có thẩm quyền thì được hưởng chế độ như sau:
a) Nếu thời gian chữa cháy dưới 02 giờ được bồi dưỡng một khoản tiền bằng 0,3 ngày lương tối thiểu vùng;
b) Nếu thời gian chữa cháy từ 02 giờ đến dưới 04 giờ được bồi dưỡng một khoản tiền bằng 0,45 ngày lương tối thiểu vùng;
c) Nếu thời gian chữa cháy từ 04 giờ trở lên hoặc chữa cháy nhiều ngày thì cứ 04 giờ được bồi dưỡng một khoản tiền bằng 0,6 ngày lương tối thiểu vùng. Nếu tham gia chữa cháy vào ban đêm từ 22 giờ đến 6 giờ sáng thì được tính gấp 2 lần theo cách tính trên;
d) Trường hợp bị tai nạn, bị thương được thanh toán tiền khám bệnh, chữa bệnh; bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; bị chết thì được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí. Những khoản chi chế độ nêu trên do tổ chức bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chi trả theo quy định; nếu người đó chưa tham gia bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội thì do ngân sách địa phương hoặc cơ quan, tổ chức quản lý bảo đảm;
đ) Trường hợp bị thương thuộc một trong các trường hợp quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì được xét hưởng chính sách thương binh hoặc như thương binh;
e) Trường hợp bị chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì được xét công nhận là liệt sỹ.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho các chức danh Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng; mức hỗ trợ căn cứ điều kiện thực tế của từng địa phương nhưng không thấp hơn 15% lương tối thiểu vùng.
3. Đội trưởng, Đội phó đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành hoạt động theo chế độ không chuyên trách ngoài việc được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp khác (nếu có) còn được hưởng hỗ trợ thường xuyên do cơ quan, tổ chức quản lý chi trả. Căn cứ vào điều kiện thực tế, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định, mức hỗ trợ cho từng chức danh nhưng không thấp hơn hệ số 0,2 lương tối thiểu vùng.
4. Thành viên đội dân phòng khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, mỗi ngày được hưởng trợ cấp một khoản tiền bằng 0,6 ngày lương tối thiểu vùng; thành viên đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành trong thời gian tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp khác (nếu có) và mỗi ngày được hưởng một khoản tiền bồi dưỡng bằng 0,3 ngày lương tối thiểu vùng.
5. Đối tượng quy định tại khoản 4 Điều này khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy nếu bị tai nạn, tổn hại sức khỏe hoặc bị chết thì được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí; trường hợp chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì do ngân sách địa phương hoặc cơ quan, tổ chức quản lý bảo đảm.
1. Thẩm quyền điều động lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành tham gia các hoạt động phòng cháy và chữa cháy:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức được điều động đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của mình;
b) Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện được điều động lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành trong phạm vi địa bàn quản lý của mình;
c) Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được điều động lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành trong phạm vi cả nước.
2. Khi nhận được lệnh điều động tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy thì người có thẩm quyền quản lý lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành phải chấp hành.
3. Thủ tục điều động lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy:
a) Đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành khi được điều động tham gia tuyên truyền, mít tinh, diễu hành, hội thao về phòng cháy và chữa cháy, thực tập phương án chữa cháy; tham gia khắc phục nguy cơ phát sinh cháy, nổ; khắc phục hậu quả vụ cháy và những hoạt động phòng cháy và chữa cháy khác phải có trách nhiệm thực hiện theo yêu cầu của người có thẩm quyền;
b) Điều động lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy phải bằng lệnh huy động, điều động lực lượng, phương tiện và tài sản tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC20); trong trường hợp khẩn cấp thì được điều động bằng lời nói, nhưng chậm nhất không quá 03 ngày làm việc phải có lệnh bằng văn bản. Khi điều động bằng lời nói, người điều động phải xưng rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, địa chỉ, số điện thoại liên lạc và nêu rõ yêu cầu về số lượng người cần điều động, thời gian, địa điểm có mặt và nội dung hoạt động;
c) Lệnh điều động được gửi cho đối tượng có nghĩa vụ chấp hành và lưu hồ sơ.
Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy ngoài việc được hưởng chế độ, chính sách theo quy định đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân còn được hưởng các chế độ định lượng ăn cao, bồi dưỡng khi tập luyện, khi chữa cháy; được hưởng chế độ theo danh mục ngành, nghề đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại theo quy định của pháp luật.
1. Phương tiện phòng cháy và chữa cháy gồm phương tiện cơ giới, thiết bị, máy móc, dụng cụ, hóa chất, công cụ hỗ trợ chuyên dùng cho việc phòng cháy, chữa cháy, cứu người, cứu tài sản được quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Phương tiện chữa cháy cơ giới của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy được quy định tại mục 1 Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Phương tiện phòng cháy và chữa cháy sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Bảo đảm về các thông số kỹ thuật theo thiết kế phục vụ cho phòng cháy và chữa cháy;
b) Phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế được phép áp dụng tại Việt Nam.
1. Kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy là hoạt động theo quy trình của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để kiểm tra, đánh giá và chứng nhận sự phù hợp của phương tiện phòng cháy và chữa cháy với yêu cầu quy định trong quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc yêu cầu về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy theo hướng dẫn của Bộ Công an.
2. Phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc danh mục quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này được sản xuất mới, lắp ráp, hoán cải trong nước hoặc nhập khẩu trước khi đưa vào lưu thông phải được kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
3. Nội dung kiểm định:
a) Kiểm định chủng loại, mẫu mã phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
b) Kiểm định thông số kỹ thuật liên quan đến chất lượng phương tiện.
a) Kiểm tra số lượng, nguồn gốc xuất xứ, thời gian sản xuất, số sêri và các thông số kỹ thuật của phương tiện;
b) Kiểm tra chủng loại, mẫu mã phương tiện;
c) Kiểm tra, thử nghiệm, thực nghiệm, đánh giá chất lượng mẫu phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Mẫu phương tiện để kiểm định được lấy ngẫu nhiên theo phương pháp lấy mẫu quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng. Trường hợp chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quy định kiểm tra, thử nghiệm, thực nghiệm, đánh giá chất lượng mẫu phương tiện phòng cháy và chữa cháy thì thực hiện theo quy chuẩn, tiêu chuẩn nước ngoài hoặc quốc tế được phép áp dụng tại Việt Nam. Cho phép sử dụng kết quả kiểm định của các cơ quan, tổ chức nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp phép để xem xét cấp giấy chứng nhận kiểm định;
d) Đánh giá kết quả và lập biên bản kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC25).
5. Hồ sơ đề nghị kiểm định, cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy:
a) Hồ sơ đề nghị kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy: Văn bản đề nghị kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC26) của đơn vị trực tiếp sản xuất, lắp ráp, hoán cải trong nước hoặc nhập khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy; Giấy chứng nhận xuất xứ hoặc xuất xưởng của phương tiện; Giấy chứng nhận chất lượng của phương tiện (nếu có); tài liệu kỹ thuật của phương tiện đề nghị kiểm định;
b) Hồ sơ đề nghị kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy: Văn bản đề nghị kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC26) của đơn vị trực tiếp sản xuất, lắp ráp, hoán cải trong nước hoặc nhập khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy; Giấy chứng nhận xuất xứ hoặc xuất xưởng của phương tiện; Giấy chứng nhận chất lượng của phương tiện (nếu có); tài liệu kỹ thuật của phương tiện đề nghị kiểm định;
c) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy: Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC27); biên bản kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy của cơ sở kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy; biên bản lấy mẫu phương tiện kiểm định (Mẫu số PC28); Giấy chứng nhận xuất xứ hoặc xuất xưởng của phương tiện; Giấy chứng nhận chất lượng của phương tiện (nếu có); tài liệu kỹ thuật của phương tiện đề nghị kiểm định;
d) Văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hoặc bản sao hoặc bản chụp kèm theo bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu. Nếu hồ sơ bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch ra tiếng Việt và cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị kiểm định phải chịu trách nhiệm về nội dung của bản dịch đó.
6. Cơ quan, tổ chức nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 5 Điều này cho cơ quan Công an có thẩm quyền quy định tại khoản 11 Điều này theo một trong các hình thức sau:
a) Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền;
b) Trực tuyến tại cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền (đối với các văn bản, giấy tờ thuộc danh mục bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước);
c) Thông qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật.
7. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra thành phần, tính hợp lệ của hồ sơ và thực hiện theo các quy định sau:
a) Trường hợp hồ sơ đầy đủ thành phần và hợp lệ theo quy định tại khoản 5 Điều này thì tiếp nhận và ghi thông tin vào Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC03);
b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thành phần hoặc chưa hợp lệ theo quy định tại khoản 5 Điều này thì hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định và ghi thông tin vào Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC04).
8. Thông báo kết quả xử lý hồ sơ:
a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải giao trực tiếp 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy cho người đến nộp hồ sơ và lưu 01 bản;
b) Trường hợp nộp hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận gửi thông báo qua thư điện tử, tin nhắn điện thoại về việc tiếp nhận hoặc hướng dẫn bổ sung hồ sơ đến cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ;
c) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải gửi 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ trước đó và lưu 01 bản.
9. Người được cơ quan, tổ chức cử đến liên hệ nộp hồ sơ phải có Giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền, xuất trình thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
10. Thời hạn giải quyết hồ sơ:
a) Trường hợp cơ quan, tổ chức đề nghị cơ quan Công an trực tiếp kiểm định, cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy:
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều này, cơ quan Công an đã tiếp nhận hồ sơ phải có thông báo cho cơ quan, tổ chức đã gửi hồ sơ trước đó về việc tổ chức lấy mẫu xác suất để thực hiện việc kiểm định, sau khi lấy mẫu phải lập biên bản lấy mẫu phương tiện kiểm định (Mẫu số PC28). Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm định kèm theo biên bản kiểm định, cơ quan Công an phải thông báo kết quả kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy; trường hợp không cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do;
b) Trường hợp phương tiện phòng cháy và chữa cháy do cơ sở kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy thực hiện kiểm định và đề nghị cơ quan Công an cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy quy định tại điểm c khoản 5 Điều này, cơ quan Công an có trách nhiệm xem xét, đánh giá kết quả kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy; trường hợp không cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do;
c) Mỗi phương tiện phòng cháy và chữa cháy chỉ thực hiện kiểm định một lần và được cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC29) và dán tem kiểm định. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy, đơn vị thực hiện kiểm định có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy tổ chức dán tem kiểm định lên phương tiện theo Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy đã cấp.
11. Thẩm quyền kiểm định, cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy:
a) Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện kiểm định, cấp Giấy chứng nhận kiểm định đối với phương tiện phòng cháy và chữa cháy quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận kiểm định đối với phương tiện phòng cháy và chữa cháy quy định tại các mục 2, 3, 6, 7 và 8 Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này của cơ quan, tổ chức có trụ sở đóng trên địa bàn quản lý và các loại phương tiện phòng cháy và chữa cháy do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ủy quyền;
c) Đơn vị thuộc cơ quan Công an có đủ điều kiện, được Bộ Công an cho phép thực hiện công tác kiểm định; cơ sở kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy đã được xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy được phép thực hiện các hoạt động tiếp nhận hồ sơ đề nghị kiểm định, lấy mẫu, kiểm tra, kiểm định kỹ thuật và lập biên bản kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC25) đối với loại phương tiện phòng cháy và chữa cháy đã được cấp phép kiểm định thuộc danh mục quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này. Sau khi có kết quả kiểm định phải thông báo bằng văn bản kèm theo biên bản kiểm định để đơn vị đề nghị kiểm định gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều này đến cơ quan Công an có thẩm quyền xem xét, cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy.Bổ sung
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy được trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy và các phương tiện, thiết bị khác bảo đảm về số lượng và chất lượng, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, cứu người trong mọi tình huống và trong mọi lĩnh vực, phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước.
1. Phương tiện phòng cháy và chữa cháy phải được quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa theo đúng quy định và bảo đảm sẵn sàng chữa cháy. Phương tiện chữa cháy cơ giới còn được sử dụng vào các mục đích sau đây:
a) Tham gia công tác bảo đảm an ninh chính trị;
b) Tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;
c) Cấp cứu người bị nạn; xử lý tai nạn khẩn cấp;
d) Chống thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai.
2. Bộ trưởng Bộ Công an hoặc người được ủy quyền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi quản lý của mình có quyền điều động phương tiện chữa cháy cơ giới sử dụng vào mục đích quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện trong phạm vi quản lý của mình có quyền điều động phương tiện chữa cháy cơ giới sử dụng vào mục đích quy định tại các điểm b, c và điểm d khoản 1 Điều này.
4. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi quản lý của mình có quyền điều động phương tiện chữa cháy cơ giới sử dụng vào mục đích quy định tại các điểm c và điểm d khoản 1 Điều này.
1. Cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết gọn là cơ sở kinh doanh), gồm: Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; chi nhánh, cơ sở trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức; hộ kinh doanh.
2. Người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều này phải có văn bằng hoặc Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy và là người có tên tại một trong các văn bản sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy phép hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp; Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; văn bản thành lập hoặc cho phép hoạt động kèm theo văn bản thông báo mã số thuế đối với đơn vị sự nghiệp.
Trường hợp người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh là người nước ngoài, đã có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy hoặc chứng chỉ hành nghề về phòng cháy và chữa cháy do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp thì phải có văn bản hợp pháp hóa lãnh sự.
3. Có cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị bảo đảm cho hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy:
a) Đối với cơ sở kinh doanh về tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát về phòng cháy và chữa cháy: Có địa điểm hoạt động; phương tiện, thiết bị bảo đảm thực hiện tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát về phòng cháy và chữa cháy;
b) Đối với cơ sở kinh doanh về tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy: Có phòng thí nghiệm và thiết bị kiểm định được cơ quan có thẩm quyền công nhận chất lượng;
c) Đối với cơ sở kinh doanh về tư vấn chuyển giao công nghệ phòng cháy và chữa cháy; huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy: Có phương tiện, thiết bị bảo đảm thực hiện tư vấn chuyển giao công nghệ; phương tiện, thiết bị phục vụ huấn luyện, địa điểm tổ chức huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy;
d) Đối với cơ sở kinh doanh về thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy: Có phương tiện, thiết bị, máy móc bảo đảm cho việc thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy;
đ) Đối với cơ sở kinh doanh về sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy: Có địa điểm hoạt động; có nhà xưởng, phương tiện, thiết bị bảo đảm cho hoạt động sản xuất, lắp ráp, thử nghiệm phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy.
4. Đối với cơ sở kinh doanh về tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát về phòng cháy và chữa cháy, ngoài quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, phải có ít nhất 02 cá nhân có Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với lĩnh vực tư vấn theo quy định tại điểm b, điểm d khoản 3 Điều 43 Nghị định này; trong đó có ít nhất 01 cá nhân đảm nhiệm chức danh chủ trì thiết kế, thẩm định, giám sát về phòng cháy và chữa cháy.
5. Đối với cơ sở kinh doanh về tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy, ngoài quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, phải có ít nhất 02 cá nhân có chứng chỉ hành nghề theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 43 Nghị định này.
6. Đối với cơ sở kinh doanh về tư vấn chuyển giao công nghệ phòng cháy và chữa cháy; huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, ngoài quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, phải có ít nhất 01 người có trình độ đại học trở lên ngành phòng cháy và chữa cháy hoặc trình độ đại học trở lên ngành khác phù hợp với lĩnh vực hoạt động và được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy.
7. Đối với cơ sở kinh doanh về thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy, ngoài quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, phải có ít nhất 01 chỉ huy trưởng thi công được cấp Chứng chỉ hành nghề chỉ huy thi công về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 43 Nghị định này.
8. Đối với cơ sở kinh doanh về sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy, ngoài quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, phải có ít nhất 01 người có trình độ đại học trở lên ngành phòng cháy và chữa cháy hoặc trình độ đại học trở lên ngành khác phù hợp với lĩnh vực hoạt động và được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy.
9. Đối với cơ sở kinh doanh phương tiện, thiết bị, vật tư phòng cháy và chữa cháy phải đáp ứng các quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.
10. Các cá nhân quy định tại khoản 4, 5, 6, 7 và khoản 8 Điều này phải tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ sở đó.
Cá nhân đã sử dụng văn bằng, chứng chỉ để bảo đảm cho một cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy thì không được sử dụng văn bằng, chứng chỉ đó để bảo đảm cho cơ sở khác đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy.
Cá nhân được phép hành nghề dịch vụ phòng cháy và chữa cháy khi đáp ứng các điều kiện sau:
1. Có Chứng chỉ hành nghề về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với hoạt động kinh doanh.
2. Hoạt động cho cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy.
1. Văn bằng về phòng cháy và chữa cháy:
a) Bằng tiến sĩ ngành phòng cháy và chữa cháy;
b) Bằng thạc sĩ và văn bằng trình độ tương đương ngành phòng cháy và chữa cháy;
c) Bằng cử nhân và văn bằng trình độ tương đương ngành phòng cháy và chữa cháy;
d) Bằng tốt nghiệp cao đẳng ngành phòng cháy và chữa cháy;
đ) Bằng tốt nghiệp trung cấp ngành phòng cháy và chữa cháy.
2. Chứng chỉ về phòng cháy và chữa cháy:
a) Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy;
b) Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy: Chứng chỉ hành nghề tư vấn thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; Chứng chỉ hành nghề tư vấn thẩm định về phòng cháy và chữa cháy; Chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát về phòng cháy và chữa cháy; Chứng chỉ hành nghề tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy; Chứng chỉ hành nghề chỉ huy thi công về phòng cháy và chữa cháy.
3. Điều kiện cấp chứng chỉ về phòng cháy và chữa cháy:
a) Cá nhân để được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy phải qua bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy.
Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy do cơ sở giáo dục có chức năng đào tạo nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy cấp và có giá trị sử dụng trên phạm vi toàn quốc;
b) Cá nhân để được cấp Chứng chỉ hành nghề tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định về phòng cháy và chữa cháy phải đáp ứng yêu cầu sau:
Có trình độ cao đẳng trở lên ngành phòng cháy và chữa cháy hoặc trình độ đại học trở lên ngành khác phù hợp với lĩnh vực hoạt động và đã được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy;
Đã tham gia thực hiện tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định về phòng cháy và chữa cháy ít nhất 03 dự án, công trình đã được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.
c) Cá nhân để được cấp Chứng chỉ hành nghề tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy phải đáp ứng yêu cầu sau:
Có trình độ cao đẳng trở lên ngành phòng cháy và chữa cháy hoặc trình độ đại học trở lên ngành khác phù hợp với lĩnh vực hoạt động và đã được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy;
d) Cá nhân để được cấp Chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát về phòng cháy và chữa cháy phải đáp ứng yêu cầu sau:
Có trình độ trung cấp trở lên ngành phòng cháy và chữa cháy hoặc trình độ trung cấp trở lên ngành khác phù hợp với lĩnh vực hoạt động và đã được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy;
Đã tham gia thực hiện giám sát thi công ít nhất 03 dự án, công trình đã được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy;
Có Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công.
đ) Cá nhân để được cấp Chứng chỉ hành nghề chỉ huy thi công về phòng cháy và chữa cháy phải đáp ứng yêu cầu sau:
Có trình độ trung cấp trở lên ngành phòng cháy và chữa cháy hoặc trình độ trung cấp trở lên ngành khác phù hợp với lĩnh vực hoạt động và đã được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy;
Đã tham gia thực hiện thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy ít nhất 03 dự án, công trình đã được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
4. Cá nhân đảm nhiệm chức danh chủ trì thiết kế, thẩm định, giám sát về phòng cháy và chữa cháy phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này phù hợp với chức danh đảm nhiệm;
b) Có ít nhất 03 năm kinh nghiệm phù hợp với lĩnh vực hoạt động và đã thực hiện tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát về phòng cháy và chữa cháy ít nhất 03 công trình đã được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
5. Ngành phù hợp quy định tại Điều 41 và Điều này bao gồm các mã nhóm ngành đào tạo: Kiến trúc và quy hoạch; xây dựng; quản lý xây dựng (trừ mã ngành kinh tế xây dựng); công nghệ kỹ thuật kiến trúc và công trình xây dựng; công nghệ kỹ thuật cơ khí; công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông; công nghệ dầu khí và khai thác; kỹ thuật cơ khí và cơ kỹ thuật (trừ mã ngành kỹ thuật in); kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông (trừ mã ngành kỹ thuật y sinh) theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
1. Hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy:
a) Văn bản đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC30);
b) Bản khai kinh nghiệm công tác chuyên môn trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC31);
c) Văn bằng, chứng chỉ có liên quan đến nội dung đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy;
d) 02 ảnh màu, cỡ 3x4 cm của cá nhân đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy.
2. Hồ sơ đề nghị cấp đổi Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy đối với trường hợp bổ sung nội dung hành nghề tư vấn mới gồm tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này và Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy đã được cấp trước đó.
3. Hồ sơ đề nghị cấp đổi Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy đối với trường hợp Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy hết thời hạn sử dụng hoặc bị hư hỏng gồm các tài liệu quy định tại điểm a, d khoản 1 Điều này và Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy đã được cấp trước đó.
4. Hồ sơ đề nghị cấp lại Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy đối với trường hợp Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy bị mất gồm các tài liệu quy định tại điểm a, d khoản 1 Điều này và giấy báo mất có xác nhận của cơ quan Công an nơi bị mất Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy.
5. Các văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy khi gửi cơ quan Công an là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hoặc bản sao hoặc bản chụp kèm theo bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu.
6. Cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 11 Điều này theo một trong các hình thức sau:
a) Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền;
b) Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền (đối với các văn bản, giấy tờ thuộc danh mục bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước);
c) Thông qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật.
7. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra thành phần, tính hợp lệ của hồ sơ và thực hiện theo các quy định sau:
a) Trường hợp hồ sơ đầy đủ thành phần và hợp lệ theo quy định thì tiếp nhận và ghi thông tin vào Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC03);
b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thành phần hoặc chưa hợp lệ theo quy định thì hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ và ghi thông tin vào Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC04).
8. Thông báo kết quả xử lý hồ sơ:
a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải giao trực tiếp 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy cho người đến nộp hồ sơ và lưu 01 bản;
b) Trường hợp nộp hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận gửi thông báo qua thư điện tử, tin nhắn điện thoại về việc tiếp nhận hoặc hướng dẫn bổ sung hồ sơ đến cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ;
c) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải gửi 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy cho cá nhân đã nộp hồ sơ trước đó và lưu 01 bản.
9. Người đến liên hệ nộp hồ sơ phải có Giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền, xuất trình thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
10. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, cấp, cấp đổi, cấp lại Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC32). Trường hợp không cấp Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
11. Thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy:
Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp, cấp đổi, cấp lại Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy cho các cá nhân trên phạm vi toàn quốc.
12. Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy có giá trị sử dụng trên phạm vi toàn quốc.
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy bao gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC33);
b) Văn bằng hoặc Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy của người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh;
c) Danh sách cá nhân có Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy của cơ sở; có kèm theo Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy và quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động của từng cá nhân;
d) Văn bản chứng minh về điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị bảo đảm cho hoạt động kinh doanh: Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc hợp đồng thuê địa điểm hoạt động; bảng kê khai các phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh; Chứng chỉ công nhận chất lượng của phòng thí nghiệm và đánh giá hiệu chuẩn thiết bị kiểm định của cơ quan có thẩm quyền đối với trường hợp đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy.
2. Hồ sơ đề nghị cấp đổi Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy đối với trường hợp cơ sở kinh doanh có sự thay đổi về người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật gồm văn bản quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này và Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy đã được cấp trước đó.
3. Hồ sơ đề nghị cấp đổi Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy đối với trường hợp cơ sở kinh doanh thay đổi địa điểm, thay đổi hoặc bổ sung ngành, nghề kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy gồm văn bản quy định tại điểm a, c và điểm d khoản 1 Điều này và Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy đã được cấp trước đó.
4. Hồ sơ đề nghị cấp đổi Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy đối với trường hợp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy bị hư hỏng hoặc cơ sở kinh doanh có sự thay đổi về tên gọi gồm văn bản quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy đã được cấp trước đó.
5. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy đối với trường hợp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy bị mất gồm văn bản quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và giấy báo mất có xác nhận của cơ quan Công an nơi bị mất Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy.
6. Các văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy khi gửi cơ quan Công an là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hoặc bản sao hoặc bản chụp kèm theo bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu.
7. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 12 Điều này theo một trong các hình thức sau:
a) Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền;
b) Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền (đối với các văn bản, giấy tờ thuộc danh mục bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước);
c) Thông qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật.
8. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra thành phần, tính hợp lệ của hồ sơ và thực hiện theo các quy định sau:
a) Trường hợp hồ sơ đầy đủ thành phần và hợp lệ theo quy định thì tiếp nhận và ghi thông tin vào Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC03);
b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thành phần hoặc chưa hợp lệ theo quy định thì hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định và ghi thông tin vào Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC04).
9. Thông báo kết quả xử lý hồ sơ:
a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải giao trực tiếp 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy cho người đến nộp hồ sơ và lưu 01 bản;
b) Trường hợp nộp hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận gửi thông báo qua thư điện tử, tin nhắn điện thoại về việc tiếp nhận hoặc hướng dẫn bổ sung hồ sơ đến cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ;
c) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải gửi 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ trước đó và lưu 01 bản.
10. Người được cơ quan, tổ chức cử đến liên hệ nộp hồ sơ phải có Giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền, xuất trình thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
11. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy cho cơ sở (Mẫu số PC34). Trường hợp không cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
12. Thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy:
a) Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy cho cơ sở kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy, cơ sở sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy; cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy được thành lập theo quyết định của cấp bộ; cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy có vốn đầu tư nước ngoài;
b) Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy cho cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn quản lý, trừ các cơ sở kinh doanh thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
13. Cơ sở kinh doanh chỉ được tiến hành các hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy sau khi được cơ quan Công an cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy.
1. Người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm quản lý Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy và thực hiện trách nhiệm sau đây:
a) Khi cơ sở kinh doanh bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật hoặc không còn kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy thì phải nộp lại cho cơ quan Công an đã cấp trước đó để thu hồi;
b) Trường hợp tạm ngừng hoạt động phải có văn bản thông báo cho cơ quan Công an đã cấp trước đó biết về lý do, thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh;
c) Trường hợp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy bị mất, hư hỏng, cơ sở kinh doanh có sự thay đổi về tên gọi, địa điểm, người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, thay đổi hoặc bổ sung ngành, nghề kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy thì phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp lại hoặc cấp đổi giấy xác nhận;
d) Xuất trình Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy cho cơ quan Công an và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.
2. Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy bị thu hồi khi cơ sở kinh doanh không bảo đảm duy trì các điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy sau khi đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy. Việc thu hồi thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 16 Nghị định này. Sau khi thu hồi, cơ quan Công an có văn bản thông báo cho cơ quan đăng ký doanh nghiệp hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép cơ sở kinh doanh hoạt động.
1. Nguồn tài chính cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy được sử dụng cho các nội dung sau đây:
a) Đầu tư cho hoạt động, cơ sở vật chất, trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy và các thiết bị của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy;
b) Hỗ trợ hoạt động của lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;
c) Hỗ trợ tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy;
d) Hỗ trợ khen thưởng trong công tác phòng cháy và chữa cháy;
đ) Hỗ trợ các hoạt động phòng cháy và chữa cháy khác.
2. Nguồn tài chính cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy được quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật.Bổ sung
1. Kinh phí bảo đảm cho các hoạt động phòng cháy và chữa cháy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các đơn vị khác thụ hưởng ngân sách nhà nước ở trung ương và địa phương do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Hàng năm, Bộ Công an lập kế hoạch ngân sách cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy và giao Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện; Ủy ban nhân dân các cấp phải lập kế hoạch ngân sách bảo đảm cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy của địa phương.
2. Cơ quan, tổ chức không thụ hưởng ngân sách nhà nước, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức nước ngoài đóng trên lãnh thổ Việt Nam tự bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định.
3. Ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy được sử dụng cho các nội dung sau:
a) Hoạt động thường xuyên của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy;
b) Trang bị, đổi mới và hiện đại hóa phương tiện phòng cháy và chữa cháy và cơ sở vật chất kỹ thuật; nghiên cứu khoa học và công nghệ về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.
4. Nội dung chi cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy của Ủy ban nhân dân các cấp bao gồm:
a) Hỗ trợ xây dựng, cải tạo và sửa chữa trụ sở làm việc, mua sắm, trang bị, bảo dưỡng, sửa chữa, đổi mới, hiện đại hóa phương tiện phòng cháy và chữa cháy và cơ sở vật chất kỹ thuật cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đóng trên địa bàn;
b) Hoạt động thường xuyên của lực lượng dân phòng; hỗ trợ thường xuyên cho Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng;
c) Mua sắm thiết bị bảo hộ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở thuộc cơ quan tổ chức thụ hưởng ngân sách nhà nước.
1. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế đầu tư, tài trợ trong các lĩnh vực sau đây:
a) Hoạt động phòng cháy và chữa cháy;
b) Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
c) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức phòng cháy và chữa cháy;
d) Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào hoạt động phòng cháy và chữa cháy;
đ) Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ công tác phòng cháy và chữa cháy.
2. Nhà nước khuyến khích nghiên cứu sản xuất, lắp ráp trong nước, xuất khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp phương tiện phòng cháy và chữa cháy trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của Nhà nước.
1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
a) Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định về phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý và thẩm quyền của mình;
b) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, hướng dẫn kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; chỉ đạo xây dựng và duy trì phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy;
c) Chỉ đạo việc đầu tư kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy, trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
d) Chỉ đạo về tổ chức chữa cháy và khắc phục hậu quả vụ cháy;
đ) Bố trí lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy; thống kê, báo cáo Chính phủ và Bộ Công an về phòng cháy và chữa cháy.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng nội dung, thời lượng và quy định việc lồng ghép kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vào chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông, hoạt động ngoại khóa phù hợp với từng cấp học, bậc học và trình độ đào tạo.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
4. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và các quy hoạch thuộc phạm vi quản lý gắn với quy hoạch hạ tầng về phòng cháy và chữa cháy bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn; nghiên cứu sửa đổi, xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy đối với các loại hình công trình đặc thù hiện chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để áp dụng.
5. Bộ Tài chính chủ trì, bố trí ngân sách chi thường xuyên cho các bộ, cơ quan trung ương thực hiện công tác phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an, các bộ, ngành có liên quan tổng hợp kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm, hàng năm về lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy của các bộ, ngành, địa phương vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của nhà nước bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh; thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án đầu tư xây dựng cơ sở, sản xuất, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Luật Đầu tư công; tổng hợp trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt thực hiện.
7. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an trong công tác phòng cháy và chữa cháy trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và nhà ở của thành viên các cơ quan này; đăng tải thông tin về những tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ huy động để tham gia chữa cháy; thông báo cho Bộ Công an về trụ sở của cơ quan lãnh sự của những nước ký kết với Việt Nam hiệp định lãnh sự, trụ sở cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc, trụ sở cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế liên Chính phủ ngoài hệ thống Liên hợp quốc, các đoàn thể của tổ chức quốc tế mà lực lượng phòng cháy và chữa cháy của Việt Nam chỉ được phép vào để chữa cháy khi có yêu cầu hoặc có sự đồng ý của người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của các cơ quan đó; thông báo cho Bộ Công an về nhà ở của viên chức lãnh sự không phải là công dân Việt Nam hoặc không phải là người thường trú tại Việt Nam mà trong hiệp định lãnh sự giữa Việt Nam và nước cử lãnh sự có quy định lực lượng phòng cháy và chữa cháy của Việt Nam chỉ được phép vào để chữa cháy khi có yêu cầu hoặc có sự đồng ý của những người đó.
8. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy theo lệnh triệu tập, huy động của người có thẩm quyền trong trường hợp bị tai nạn, bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa, bị thương, bị thương thuộc một trong các trường hợp quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, bị chết, bị chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; chế độ đối với thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy; chế độ đối với thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy bị tai nạn, tổn hại sức khỏe hoặc bị chết sau khi thống nhất với Bộ Công an và Bộ Tài chính.
9. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan xây dựng thực hiện hiệu quả phương án, kế hoạch huy động các lực lượng tham gia công tác phòng cháy và chữa cháy rừng.
Bộ Công an có trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi cả nước và thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1. Đề xuất và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phòng cháy và chữa cháy trên phạm vi toàn quốc.
2. Đề xuất ban hành hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy; quy định việc phân cấp quản lý về phòng cháy và chữa cháy, phân cấp huấn luyện, cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy trong Công an nhân dân; quy định về nội dung, thời lượng bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; hướng dẫn về kiểm tra, tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.
3. Hướng dẫn, chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy.
4. Thực hiện công tác quản lý về phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới và cơ sở thuộc phạm vi quản lý; kiểm tra, thanh tra về phòng cháy và chữa cháy; giải quyết các khiếu nại, tố cáo có liên quan đến lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi thẩm quyền.
5. Thực hiện thẩm duyệt, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư, chủ phương tiện đối với các dự án, công trình xây dựng, các phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và quy định việc thực hiện các nội dung này trong lực lượng Công an nhân dân; kiểm tra, kiểm định và chứng nhận phù hợp đối với thiết bị, phương tiện phòng cháy và chữa cháy; quy định, quản lý, in và phát hành tem kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
6. Thực hiện công tác điều tra, xử lý vụ cháy và xử lý các vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy.
7. Quy định, hướng dẫn, chỉ đạo việc tiếp nhận, xử lý thông tin báo cháy, chỉ huy chữa cháy, tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy và triển khai hoạt động chữa cháy, xây dựng và thực tập phương án chữa cháy theo quy định.
8. Xây dựng và tổ chức thực hiện dự án đầu tư trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn trang bị, quản lý, bảo quản, bảo dưỡng và sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
9. Xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; tổ chức đào tạo cán bộ chuyên môn về phòng cháy và chữa cháy.
10. Tổ chức việc nghiên cứu, phổ biến và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy.
11. Thực hiện thống kê nhà nước về phòng cháy và chữa cháy.
12. Tổ chức hệ thống thông tin quản lý, chỉ huy điều hành hoạt động phòng cháy và chữa cháy.
13. Kiểm tra hoạt động bảo hiểm cháy, nổ gắn với hoạt động phòng cháy và chữa cháy.
14. Trình Chính phủ về việc tham gia các tổ chức quốc tế, ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế về hoạt động phòng cháy và chữa cháy; thực hiện các hoạt động quốc tế liên quan đến hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo thẩm quyền.
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy ở địa phương và có nhiệm vụ cụ thể sau đây:
a) Ban hành các quy định về phòng cháy và chữa cháy tại địa phương;
b) Chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy tại địa phương; xử lý các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy theo thẩm quyền;
c) Hướng dẫn, chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy cho nhân dân, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy;
d) Đầu tư ngân sách cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy; trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
đ) Bảo đảm điều kiện về thông tin báo cháy, đường giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy;
e) Quy hoạch địa điểm, đề xuất cấp đất và xây dựng doanh trại cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy;
g) Chỉ đạo việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy cần huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia;
h) Chỉ đạo tổ chức chữa cháy và khắc phục hậu quả vụ cháy;
i) Thống kê, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên, Chính phủ và Bộ Công an về phòng cháy và chữa cháy.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy ở địa phương và có nhiệm vụ cụ thể sau:
a) Ban hành, chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh và cơ sở thuộc phạm vi quản lý; xử lý các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy theo thẩm quyền;
b) Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy;
c) Tổ chức quản lý đội dân phòng tại các thôn;
d) Đầu tư kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy; trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho các đội dân phòng theo quy định;
đ) Chỉ đạo việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy;
e) Tổ chức chữa cháy và khắc phục hậu quả vụ cháy;
g) Thống kê, báo cáo về phòng cháy và chữa cháy lên Ủy ban nhân dân cấp huyện.
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 01 năm 2021 và thay thế Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (sau đây gọi là Nghị định số 79/2014/NĐ-CP).
2. Các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu trong Nghị định này khi được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì nội dung dẫn chiếu trong Nghị định này cũng được điều chỉnh và thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế.
3. Giải quyết thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công:
a) Trong trường hợp Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền chưa bảo đảm các điều kiện thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, việc nộp hồ sơ và thông báo kết quả xử lý hồ sơ được thực hiện theo hình thức trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật;
b) Thực hiện việc nộp hồ sơ và thông báo kết quả xử lý hồ sơ trực tuyến khi Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền bảo đảm các điều kiện thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, theo quy định của Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
4. Quy định chuyển tiếp:
a) Đối với dự án, công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP đã được cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy nhưng không thuộc đối tượng quy định tại Phụ lục V Nghị định này thì vẫn thực hiện việc thi công, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 14 và Điều 15 Nghị định này;
b) Đối với dự án, công trình không thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV Nghị định số 79/2014/NĐ-CP đã được cơ quan quản lý xây dựng thẩm định, cấp giấy phép xây dựng hoặc đã tổ chức thi công, nếu thuộc đối tượng quy định tại Phụ lục V Nghị định này thì chủ đầu tư tiếp tục thi công, nghiệm thu và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với công trình;
c) Phương án chữa cháy của cơ sở đã được xây dựng theo Mẫu số PC11 ban hành kèm theo Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP (sau đây gọi là Thông tư số 66/2014/TT-BCA) và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nếu không có sự thay đổi về tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy thì tiếp tục được sử dụng, không phải xây dựng và phê duyệt lại;
d) Cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết các thủ tục sau đây trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 79/2014/NĐ-CP: Cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; thẩm duyệt thiết kế, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; phê duyệt phương án chữa cháy; cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy; kiểm định phương tiện phương tiện phòng cháy và chữa cháy; cấp Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy, xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ về phòng cháy và chữa cháy;
đ) Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; Giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy, văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy; Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy; Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy; Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy đã được cấp theo quy định tại Nghị định số 79/2014/NĐ-CP tiếp tục có giá trị sử dụng đến khi hết thời hạn (nếu có) theo quy định;
e) Các đơn vị đã được Bộ Công an cho phép thực hiện kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy tiếp tục thực hiện kiểm định theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP , sau thời gian 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực phải đáp ứng đầy đủ điều kiện thực hiện kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo Nghị định này. Tem kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy được in theo Mẫu số PC20 ban hành kèm theo Thông tư số 36/2018/TT-BCA ngày 05 tháng 12 năm 2018 của Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 66/2014/TT-BCA và tiếp tục thực hiện đến khi Bộ Công an quy định mới về tem kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
PHỤ LỤC I
DANH MỤC CƠ SỞ THUỘC DIỆN QUẢN LÝ VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
(Kèm theo Nghị định số: 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ)
1. Trụ sở cơ quan nhà nước các cấp.
2. Nhà chung cư; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá; nhà hỗn hợp.
3. Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non; trường tiểu học, trung học cơ sở; trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học; trường cao đẳng, đại học, học viện; trường trung cấp chuyên nghiệp; trường dạy nghề; cơ sở giáo dục thường xuyên; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục.
4. Bệnh viện; phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế, cơ sở y tế khác được thành lập theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
5. Nhà hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc; trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện; nhà văn hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; quán bar, câu lạc bộ, thẩm mỹ viện, kinh doanh dịch vụ xoa bóp, công viên giải trí, vườn thú, thủy cung.
6. Chợ; trung tâm thương mại, điện máy; siêu thị; cửa hàng bách hóa; cửa hàng tiện ích; nhà hàng, cửa hàng ăn uống.
7. Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ; nhà trọ, cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch.
8. Nhà làm việc của các doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội.
9. Bảo tàng, thư viện; nhà triển lãm; nhà trưng bày, nhà lưu trữ, nhà sách, nhà hội chợ; cơ sở tôn giáo.
10. Bưu điện, cơ sở truyền thanh, truyền hình, viễn thông; nhà lắp đặt thiết bị thông tin; trung tâm lưu trữ, quản lý dữ liệu.
11. Sân vận động; nhà thi đấu thể thao; cung thể thao trong nhà; trung tâm thể dục, thể thao; trường đua, trường bắn; cơ sở thể thao khác được thành lập theo Luật Thể dục, thể thao.
12. Cảng hàng không; đài kiểm soát không lưu; bến cảng biển; cảng cạn; cảng thủy nội địa; bến xe khách; trạm dừng nghỉ; nhà ga đường sắt; nhà chờ cáp treo vận chuyển người; công trình tàu điện ngầm; cơ sở đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới; cửa hàng kinh doanh, sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, mô tô, xe gắn máy.
13. Gara để xe ô tô, bãi trông giữ xe được thành lập theo quy định của pháp luật.
14. Hầm đường bộ, hầm đường sắt có chiều dài từ 500 m trở lên.
15. Cơ sở hạt nhân; cơ sở sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; kho vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ; cảng xuất, nhập vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ; kho vũ khí, công cụ hỗ trợ.
16. Cơ sở khai thác, chế biến, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, bảo quản dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt trên đất liền; kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, kho khí đốt; cảng xuất, nhập dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt; cửa hàng kinh doanh xăng dầu, cửa hàng kinh doanh chất lỏng dễ cháy; cửa hàng kinh doanh khí đốt.
17. Cơ sở công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B, C, D, E.
18. Nhà máy điện; trạm biến áp có điện áp từ 110 kV trở lên.
19. Hầm có hoạt động sản xuất, bảo quản, sử dụng chất cháy, nổ; kho hàng hóa, vật tư cháy được hoặc hàng hóa, vật tư không cháy đựng trong các bao bì cháy được; bãi chứa hàng hóa, vật tư, phế liệu cháy được có diện tích từ 500 m2 trở lên.
20. Cơ sở khác không thuộc danh mục từ mục 1 đến mục 19 có trạm cấp xăng dầu nội bộ hoặc có sử dụng hệ thống cấp khí đốt trung tâm có tổng lượng khí sử dụng từ 70kg trở lên.
21. Nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình./.
PHỤ LỤC II
DANH MỤC CƠ SỞ CÓ NGUY HIỂM VỀ CHÁY, NỔ
(Kèm theo Nghị định số: 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ)
1. Trụ sở cơ quan nhà nước các cấp cao từ 10 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích của các khối nhà làm việc từ 25.000 m3 trở lên.
2. Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 10.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
3. Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non có từ 350 cháu trở lên hoặc có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập từ 5.000 m3 trở lên; trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập từ 5.000 m3 trở lên; trường cao đẳng, đại học, học viện, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề, cơ sở giáo dục thường xuyên cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập từ 10.000 m3 trở lên; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
4. Bệnh viện có từ 250 giường bệnh trở lên; phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế, cơ sở y tế khác được thành lập theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
5. Nhà hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc có từ 600 chỗ ngồi trở lên; trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích của các nhà tổ chức hội nghị, sự kiện từ 10.000 m3 trở lên; nhà văn hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, câu lạc bộ, thẩm mỹ viện, kinh doanh dịch vụ xoa bóp, công viên giải trí, vườn thú, thủy cung có khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
6. Chợ hạng 1, chợ hạng 2; trung tâm thương mại, điện máy, siêu thị, cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện ích, nhà hàng, cửa hàng ăn uống có tổng diện tích kinh doanh từ 500 m2 trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
7. Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích của các khối nhà phục vụ lưu trú từ 10.000 m3 trở lên.
8. Nhà làm việc của doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích của các khối nhà làm việc từ 10.000 m3 trở lên.
9. Bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà trưng bày, nhà lưu trữ, nhà sách, nhà hội chợ có khối tích từ 10.000 m3 trở lên.
10. Bưu điện, cơ sở truyền thanh, truyền hình, viễn thông cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích của khối nhà chính từ 10.000 m3 trở lên; nhà lắp đặt thiết bị thông tin, trung tâm lưu trữ, quản lý dữ liệu có khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
11. Sân vận động có sức chứa từ 40.000 chỗ ngồi trở lên; nhà thi đấu thể thao; cung thể thao trong nhà có sức chứa từ 500 chỗ ngồi trở lên; trung tâm thể dục thể thao, trường đua, trường bắn có tổng khối tích của các nhà thể thao từ 10.000 m3 trở lên hoặc có sức chứa từ 5.000 chỗ trở lên; cơ sở thể thao khác được thành lập theo Luật Thể dục, thể thao có khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
12. Cảng hàng không; đài kiểm soát không lưu; bến cảng biển; cảng cạn; cảng thủy nội địa loại I, loại II; bến xe khách loại 1, loại 2; trạm dừng nghỉ loại 1; nhà ga đường sắt, nhà chờ cáp treo vận chuyển người có khối tích từ 5.000 m3 trở lên; công trình tàu điện ngầm; cơ sở đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới; cửa hàng kinh doanh, sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, mô tô, xe gắn máy có diện tích kinh doanh từ 500 m2 trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
13. Gara để xe có sức chứa từ 10 xe ô tô trở lên.
14. Cơ sở hạt nhân; cơ sở sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; kho vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ; cảng xuất, nhập vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ; kho vũ khí, công cụ hỗ trợ.
15. Cơ sở khai thác, chế biến, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, bảo quản dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt trên đất liền; kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, kho khí đốt; cảng xuất, nhập dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt; cửa hàng kinh doanh xăng dầu; cửa hàng kinh doanh chất lỏng dễ cháy, cửa hàng kinh doanh khí đốt có tổng lượng khí tồn chứa từ 200 kg trở lên.
16. Cơ sở công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B có tổng khối tích của các khối nhà có dây chuyền công nghệ sản xuất chính từ 5.000 m3 trở lên; hạng nguy hiểm cháy, nổ C có tổng khối tích của các khối nhà có dây chuyền công nghệ sản xuất chính từ 10.000 m3 trở lên; hạng nguy hiểm cháy, nổ D, E có tổng khối tích của các khối nhà có dây chuyền công nghệ sản xuất chính từ 15.000 m3 trở lên.
17. Nhà máy điện; trạm biến áp có điện áp từ 110 kV trở lên.
18. Hầm có hoạt động sản xuất, bảo quản, sử dụng chất cháy, nổ có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; kho hàng hóa, vật tư cháy được hoặc hàng hóa vật tư không cháy đựng trong các bao bì cháy được có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên./.
PHỤ LỤC III
DANH MỤC CƠ SỞ DO CƠ QUAN CÔNG AN QUẢN LÝ
(Kèm theo Nghị định số: 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ)
1. Trụ sở cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở lên.
2. Nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 2.500 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 1.500 m3 trở lên.
3. Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non có từ 100 cháu trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000 m3 trở lên; trường tiểu học, trung học cơ sở có tổng khối tích từ 2.000 m3 trở lên; trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học; trường cao đẳng, đại học, học viện; trường trung cấp chuyên nghiệp; trường dạy nghề; cơ sở giáo dục thường xuyên; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục có tổng khối tích từ 1.000 m3 trở lên.
4. Bệnh viện; phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế, cơ sở y tế khác được thành lập theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000 m3 trở lên.
5. Nhà hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc; trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.500 m3 trở lên; nhà văn hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cao từ 3 tầng trở lên hoặc khối tích từ 1.000 m3 trở lên; quán bar, câu lạc bộ, thẩm mỹ viện, kinh doanh dịch vụ xoa bóp, công viên giải trí, vườn thú, thủy cung cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.500 m3 trở lên.
6. Chợ hạng 1, chợ hạng 2; trung tâm thương mại, điện máy, siêu thị, cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện ích, nhà hàng, cửa hàng ăn uống có tổng diện tích kinh doanh từ 300 m2 trở lên hoặc có khối tích từ 1.000 m3.
7. Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 1.500 m3 trở lên; nhà trọ, cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch cao từ 3 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 1.000 m3 trở lên.
8. Nhà làm việc của doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.500 m3 trở lên.
9. Bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà trưng bày, nhà lưu trữ, nhà sách, nhà hội chợ có khối tích từ 1.500 m3 trở lên; cơ sở tôn giáo có khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
10. Bưu điện, cơ sở truyền thanh, truyền hình, viễn thông cao từ 3 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 1.500 m3 trở lên; nhà lắp đặt thiết bị thông tin, trung tâm lưu trữ, quản lý dữ liệu có khối tích từ 1.000 m3 trở lên.
11. Sân vận động; nhà thi đấu thể thao, cung thể thao trong nhà; trung tâm thể dục, thể thao; trường đua, trường bắn; cơ sở thể thao khác được thành lập theo Luật Thể dục, thể thao có khối tích từ 1.500 m3 trở lên.
12. Cảng hàng không; đài kiểm soát không lưu; bến cảng biển; cảng cạn; cảng thủy nội địa; bến xe khách; trạm dừng nghỉ; nhà ga đường sắt, nhà chờ cáp treo vận chuyển người; công trình tàu điện ngầm; cơ sở đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới; cửa hàng kinh doanh, sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, mô tô, xe gắn máy có diện tích kinh doanh từ 500 m2 trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
13. Gara để xe có sức chứa từ 10 xe ô tô trở lên; bãi trông giữ xe được thành lập theo quy định của pháp luật có sức chứa từ 20 xe ô tô trở lên.
14. Hầm đường bộ, hầm đường sắt có chiều dài từ 500 m trở lên.
15. Cơ sở hạt nhân; cơ sở sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; kho vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ; cảng xuất, nhập vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ; kho vũ khí, công cụ hỗ trợ.
16. Cơ sở khai thác, chế biến, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, bảo quản dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt trên đất liền; kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, kho khí đốt; cảng xuất, nhập dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt; cửa hàng kinh doanh xăng dầu; cửa hàng kinh doanh chất lỏng dễ cháy, cửa hàng kinh doanh khí đốt có tổng lượng khí tồn chứa từ 150 kg trở lên.
17. Cơ sở công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B; hạng nguy hiểm cháy, nổ C có tổng khối tích của các khối nhà có dây chuyền công nghệ sản xuất chính từ 2.500 m3 trở lên; hạng nguy hiểm cháy, nổ D, E có tổng khối tích của các khối nhà có dây chuyền công nghệ sản xuất chính từ 5.000 m3 trở lên.
18. Nhà máy điện; trạm biến áp có điện áp từ 110 kV trở lên.
19. Hầm có hoạt động sản xuất, bảo quản, sử dụng chất cháy, nổ có tổng khối tích từ 1.500 m3 trở lên; kho hàng hóa, vật tư cháy được hoặc hàng hóa vật tư không cháy đựng trong các bao bì cháy được có tổng khối tích từ 1.500 m3 trở lên; bãi chứa hàng hóa, vật tư, phế liệu cháy được có diện tích từ 1.000 m2 trở lên.
20. Cơ sở khác không thuộc danh mục từ mục 1 đến mục 19 có trạm cấp xăng dầu nội bộ hoặc có sử dụng hệ thống cấp khí đốt trung tâm có tổng lượng khí sử dụng từ 70 kg trở lên.
21. Nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình có tổng diện tích sản xuất, kinh doanh từ 300 m2 trở lên./.
PHỤ LỤC IV
DANH MỤC CƠ SỞ DO ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ QUẢN LÝ
(Kèm theo Nghị định số: 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ)
1. Trụ sở cơ quan nhà nước cấp xã.
2. Nhà chung cư cao dưới 5 tầng và có khối tích dưới 5.000 m3; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 2.500 m3; nhà hỗn hợp cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 1.500 m3.
3. Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non có dưới 100 cháu và có tổng khối tích dưới 1.000 m3; trường tiểu học, trung học cơ sở có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập dưới 2.000 m3; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục có khối tích dưới 1.000 m3.
4. Phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế, cơ sở y tế khác được thành lập theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh cao dưới 3 tầng và có tổng khối tích dưới 1.000 m3.
5. Trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện cao dưới 3 tầng hoặc có tổng khối tích dưới 1.500 m3; nhà văn hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cao dưới 3 tầng và có tổng khối tích dưới 1.000 m3; quán bar, câu lạc bộ, thẩm mỹ viện, kinh doanh dịch vụ xoa bóp, công viên giải trí, vườn thú, thủy cung có khối tích dưới 1.500 m3.
6. Chợ hạng 3; trung tâm thương mại, điện máy, siêu thị, cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện ích, nhà hàng, cửa hàng ăn uống có diện tích kinh doanh dưới 300 m2 và có khối tích dưới 1.000 m3.
7. Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 1.500 m3; nhà trọ, cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch cao dưới 3 tầng và có tổng khối tích dưới 1.000 m3.
8. Nhà làm việc của doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội cao dưới 5 tầng và có khối tích dưới 1.500 m3.
9. Bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà trưng bày, nhà lưu trữ, nhà sách, nhà hội chợ có khối tích dưới 1.500 m3; cơ sở tôn giáo có khối tích dưới 5.000 m3.
10. Bưu điện, cơ sở truyền thanh, truyền hình, viễn thông cao dưới 3 tầng và có khối tích dưới 1.500 m3; nhà lắp đặt thiết bị thông tin có khối tích dưới 1.000 m3; trung tâm lưu trữ, quản lý dữ liệu có khối tích dưới 1.000 m3.
11. Cơ sở thể thao được thành lập theo Luật Thể dục, thể thao có khối tích dưới 1.500 m3.
12. Cửa hàng kinh doanh, sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, mô tô, xe gắn máy có diện tích kinh doanh dưới 500 m2 và có khối tích dưới 5.000 m3
13. Gara để xe trong nhà có sức chứa dưới 10 xe ô tô; bãi trông giữ xe được thành lập theo quy định của pháp luật có sức chứa dưới 20 xe ô tô.
14. Cửa hàng kinh doanh chất lỏng dễ cháy, cửa hàng kinh doanh khí đốt có tổng lượng khí tồn chứa dưới 150 kg.
15. Cơ sở công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy, nổ C có tổng khối tích của các khối nhà có dây chuyền công nghệ sản xuất chính dưới 2.500 m3; hạng nguy hiểm cháy, nổ D, E có tổng khối tích của các khối nhà có dây chuyền công nghệ sản xuất chính dưới 5.000 m3.
16. Hầm có hoạt động sản xuất, bảo quản, sử dụng chất cháy, nổ có tổng khối tích dưới 1.500 m3; kho hàng hóa, vật tư cháy được hoặc hàng hóa, vật tư không chạy đựng trong các bao bì cháy được có tổng khối tích dưới 1.500 m3; bãi chứa hàng hóa, vật tư, phế liệu cháy được có diện tích dưới 1.000 m2.
17. Nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình có tổng diện tích sản xuất, kinh doanh dưới 300 m2./.
PHỤ LỤC V
DANH MỤC DỰ ÁN, CÔNG TRÌNH, PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI THUỘC DIỆN THẨM DUYỆT THIẾT KẾ VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
(Kèm theo Nghị định số: 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ)
1. Trụ sở cơ quan nhà nước các cấp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
2. Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
3. Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non có từ 100 cháu trở lên hoặc có tổng khối tích 3.000 m3 trở lên; trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; trường cao đẳng, đại học, học viện, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
4. Bệnh viện; phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế, cơ sở y tế khác được thành lập theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 3.000 m3 trở lên.
5. Nhà hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc có từ 300 chỗ ngồi trở lên; trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà văn hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, câu lạc bộ, thẩm mỹ viện, kinh doanh dịch vụ xoa bóp, công viên giải trí, vườn thú, thủy cung cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.500 m3 trở lên.
6. Chợ, trung tâm thương mại, điện máy, siêu thị, cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện ích, nhà hàng, cửa hàng ăn uống có tổng khối tích từ 3.000 m3 trở lên.
7. Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
8. Nhà làm việc của doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
9. Bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà trưng bày, nhà lưu trữ, nhà sách, nhà hội chợ có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
10. Bưu điện, cơ sở truyền thanh, truyền hình, viễn thông, nhà lắp đặt thiết bị thông tin, trung tâm lưu trữ, quản lý dữ liệu cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
11. Sân vận động có sức chứa từ 5.000 chỗ ngồi trở lên; nhà thi đấu thể thao, cung thể thao trong nhà, trung tâm thể dục, thể thao, trường đua, trường bắn, cơ sở thể thao khác được thành lập theo Luật Thể dục, thể thao có sức chứa từ 5.000 chỗ ngồi trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
12. Cảng hàng không; đài kiểm soát không lưu; bến cảng biển; cảng cạn; cảng thủy nội địa; nhà chờ bến xe ô tô, nhà ga đường sắt, nhà chờ cáp treo vận chuyển người, trạm dừng nghỉ có tổng khối tích từ 1.500 m3 trở lên; công trình tàu điện ngầm; cơ sở đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới, cửa hàng kinh doanh, sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, mô tô, xe gắn máy có diện tích kinh doanh từ 500 m2 trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
13. Gara để xe ô tô trong nhà có tổng khối tích từ 3.000 m3 trở lên.
14. Hầm đường bộ có chiều dài từ 500 m trở lên; hầm đường sắt có chiều dài từ 1.000 m trở lên.
15. Cơ sở hạt nhân; cơ sở sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; kho vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ; cảng xuất, nhập vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ; kho vũ khí, công cụ hỗ trợ.
16. Cơ sở khai thác, chế biến, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, bảo quản dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt trên đất liền; kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, kho khí đốt; cảng xuất, nhập dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt; cửa hàng kinh doanh xăng dầu, trạm cấp xăng dầu nội bộ có từ 01 cột bơm trở lên; cơ sở kinh doanh khí đốt, hệ thống cấp khí đốt trung tâm có tổng lượng khí tồn chứa từ 200 kg trở lên.
17. Cơ sở công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B có tổng khối tích từ 1.500 m3 trở lên; hạng nguy hiểm cháy, nổ C, D, E có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
18. Nhà máy điện; trạm biến áp có điện áp từ 110 kV trở lên.
19. Hầm có hoạt động sản xuất, bảo quản, sử dụng chất cháy, nổ và có tổng khối tích từ 1.000 m3 trở lên. Nhà kho hàng hóa, vật tư cháy được hoặc có bao bì cháy được có tổng khối tích từ 3.000 m3 trở lên.
20. Công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác theo Luật Quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của cấp huyện trở lên.
21. Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy: Phương tiện giao thông đường sắt, phương tiện đường thủy có chiều dài từ 20 m trở lên vận chuyển hành khách, vận chuyển xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy, khí cháy, vật liệu nổ, hóa chất có nguy hiểm về cháy, nổ./.
PHỤ LỤC VI
DANH MỤC PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
(Kèm theo Nghị định số: 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ)
1. Phương tiện chữa cháy cơ giới
a) Xe chữa cháy: Xe chữa cháy có xitec, xe chữa cháy không có xitec, xe chữa cháy sân bay, xe chữa cháy rừng, xe chữa cháy hóa chất (bột, chất tạo bọt, khí), xe chữa cháy đường hầm, xe chữa cháy đường sắt, xe chữa cháy lưỡng cư;
b) Các loại xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy: Xe thang; xe nâng; xe chỉ huy; xe trung tâm thông tin chỉ huy; xe khám nghiệm hiện trường cháy; xe chiếu sáng chữa cháy; xe trạm bơm; xe chở nước; xe chở phương tiện; xe chở quân; xe chở hóa chất; xe cứu nạn, cứu hộ; xe hút khói; xe sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật; xe hậu cần; xe cẩu; xe xử lý hóa chất độc hại, sinh học và hạt nhân; xe cung cấp chất khí chữa cháy; xe chở và nạp bình khí thở chữa cháy; xe chở vòi chữa cháy; xe tiếp nhiên liệu; xe cứu thương; mô tô chữa cháy;
c) Máy bay chữa cháy; tàu chữa cháy; xuồng chữa cháy; ca nô chữa cháy; các cấu trúc nổi chữa cháy khác có động cơ;
d) Các loại máy bơm chữa cháy;
đ) Các loại phương tiện cơ giới khác: Máy nạp khí sạch; thiết bị cưa, cắt, khoan, đục, đập, tời, kéo, banh, kích, nâng (có sử dụng động cơ) thiết bị xử lý thực bì (máy cắt thực bì, máy cắt cỏ); quạt thổi khói; quạt hút khói; máy phát điện; máy thổi gió; bình chữa cháy đeo vai có động cơ.
2. Phương tiện chữa cháy thông dụng
a) Vòi, ống hút chữa cháy;
b) Lăng chữa cháy;
c) Đầu nối, ba chạc, hai chạc chữa cháy, Ezectơ;
d) Trụ nước, cột lấy nước chữa cháy;
đ) Thang chữa cháy;
e) Bình chữa cháy các loại: Bột, bọt, khí, gốc nước.
3. Chất chữa cháy các loại: Hóa chất chữa cháy gốc nước, bột chữa cháy, khí chữa cháy, chất tạo bọt chữa cháy.
4. Chất hoặc vật liệu chống cháy; vật liệu ngăn cháy, cửa ngăn cháy, kính ngăn cháy, vách ngăn cháy, van ngăn cháy; màn, rèm ngăn cháy.
5. Thiết bị thuộc hệ thống báo cháy: Tủ trung tâm báo cháy, đầu báo cháy các loại, thiết bị cảnh báo cháy sớm, modul các loại, chuông báo cháy, đèn báo cháy, nút báo cháy, nút ấn báo cháy, hệ thống âm thanh báo cháy và hướng dẫn thoát nạn.
6. Thiết bị thuộc hệ thống chữa cháy (bằng khí, sol-khí, nước, bột, bọt): Tủ điều khiển chữa cháy; chuông, còi, đèn, bảng cảnh báo xả chất chữa cháy; van báo động, van tràn ngập, van giám sát, van chọn vùng, công tắc áp lực, công tắc dòng chảy; ống phi kim loại dùng trong hệ thống cấp nước chữa cháy tự động, ống mềm dùng cho đầu phun chữa cháy; họng tiếp nước chữa cháy (họng chờ), đầu phun chất chữa cháy các loại; chai, thiết bị chứa khí, sol-khí, bột, bọt chữa cháy các loại.
7. Đèn chỉ dẫn thoát nạn, đèn chiếu sáng sự cố.
8. Trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân
a) Quần, áo, mũ, ủng, găng tay, giầy, thắt lưng, kính, khẩu trang chữa cháy; quần, áo, mũ, ủng, găng tay, giầy cách nhiệt; ủng, găng tay cách điện; thiết bị chiếu sáng cá nhân;
b) Mặt nạ lọc độc; mặt nạ phòng độc cách ly; thiết bị hỗ trợ thở cá nhân dùng trong chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.
9. Phương tiện cứu người: Dây cứu người; đai cứu hộ; đệm cứu người; thang cứu người; ống tụt cứu người; thiết bị dò tìm người; phương tiện, thiết bị phục vụ cứu hộ trên cao; phương tiện, thiết bị phục vụ cứu hộ dưới nước; phương tiện, thiết bị phục vụ cứu hộ trong không gian hạn chế; phương tiện, thiết bị phục vụ cứu hộ sự cố hóa chất, phóng xạ; thiết bị phục vụ sơ cấp cứu người bị nạn.
10. Phương tiện, dụng cụ phá dỡ thô sơ: Kìm, cưa, búa, rìu, cuốc, xẻng, xà beng, dụng cụ phá dỡ đa năng, câu liêm, dao phát, cào, bàn dập.
11. Thiết bị, dụng cụ thông tin liên lạc, chỉ huy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ
a) Bàn chỉ huy, lều chỉ huy, cờ chỉ huy, băng chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
b) Hệ thống thông tin hữu tuyến;
c) Hệ thống thông tin vô tuyến, các thiết bị giám sát phục vụ chỉ huy chữa cháy rừng, trên không, định vụ cầm tay GPS.
12. Phương tiện, thiết bị kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy, kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy./.
PHỤ LỤC VII
DANH MỤC PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY THUỘC DIỆN KIỂM ĐỊNH
(Kèm theo Nghị định số: 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ)
1. Xe chữa cháy; xe cứu nạn, cứu hộ; xe thang chữa cháy; xe trạm bơm; xe cung cấp chất khí chữa cháy; xe chở và nạp bình khí thở chữa cháy; xe hút khói; tàu, xuồng ca nô chữa cháy; máy nạp khí sạch.
2. Máy bơm chữa cháy.
3. Phương tiện chữa cháy thông dụng: Vòi chữa cháy; lăng chữa cháy; đầu nối, trụ nước chữa cháy; bình chữa cháy các loại.
4. Chất chữa cháy gốc nước, chất tạo bọt chữa cháy.
5. Mẫu kết cấu được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy; mẫu cấu kiện ngăn cháy (cửa ngăn cháy, vách ngăn cháy, van ngăn cháy, màn ngăn cháy).
6. Thiết bị thuộc hệ thống báo cháy: Tủ trung tâm báo cháy, đầu báo cháy các loại, chuông báo cháy, đèn báo cháy, nút ấn báo cháy.
7. Thiết bị thuộc hệ thống chữa cháy (bằng khí, sol-khí, nước, chất chữa cháy gốc nước, bọt, bột): Tủ điều khiển hệ thống chữa cháy tự động; chuông, còi, đèn cảnh báo xả chất chữa cháy, nút ấn xả chất chữa cháy; van báo động, van tràn ngập, van chọn vùng, công tắc áp lực, công tắc dòng chảy; ống phi kim loại dùng trong hệ thống cấp nước chữa cháy, ống mềm dùng cho đầu phun chữa cháy; đầu phun chất chữa cháy các loại; chai chứa khí.
8. Đèn chỉ dẫn thoát nạn, đèn chiếu sáng sự cố.
9. Quần, áo, mũ, ủng, găng tay chữa cháy chuyên dụng./.
PHỤ LỤC VIII
QUY CÁCH CỜ HIỆU, BIỂN BÁO VÀ BĂNG SỬ DỤNG TRONG CHỮA CHÁY
(Ban hành kèm theo Nghị định số: 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ)
1. Cờ ưu tiên cho xe chữa cháy
Cờ hình tam giác cân có kích thước chiều rộng 270 mm, chiều cao 370 mm, cờ có nền màu xanh lục, viền màu vàng, ở giữa cờ in hoặc thêu hình mũi tên màu vàng dài 235 mm, đuôi mũi tên dài 50 mm, rộng 30 mm, bản mũi tên rộng 5 mm, đầu mũi tên cách đường may nẹp luồn cán cờ 20 mm, giữa thân mũi tên có in hoặc thêu dòng chữ “CHỮA CHÁY” màu vàng, chữ cao 30 mm, phông chữ Times New Roman, loại chữ in hoa. Cán cờ cao 500 mm, đường kính cán cờ 15 mm.
2. Dải băng phân định ranh giới khu vực chữa cháy
Băng có nền màu vàng có chiều rộng 80 mm, chiều dài từ 50 m đến 100 m. Dọc chiều dài của băng có các đoạn 2 dòng chữ song ngữ màu đen in liên tiếp, dòng 1 là chữ tiếng Việt “KHU VỰC CHỮA CHÁY”, dòng 2 là chữ tiếng Anh “FIRE AREA”, chữ cao 20 mm, phông chữ Times New Roman, loại chữ in hoa.
3. Cờ hiệu của Ban chỉ huy chữa cháy
Cờ bằng vải hình tam giác cân có kích thước chiều rộng 300 mm, chiều cao 400 mm, cờ có nền màu đỏ, viền màu vàng, trên cờ in hoặc thêu chữ “BAN CHỈ HUY CHỮA CHÁY” màu vàng, chữ cao 40 mm, phông chữ Times New Roman, loại chữ in hoa. Đỉnh cờ có nẹp luồn cán cờ để treo, kích thước 20 mm.
4. Băng chỉ huy chữa cháy
Băng chỉ huy chữa cháy (để đeo trên cánh tay) bằng vải có nền màu đỏ, viền màu vàng, chiều rộng 100 mm và có chu vi từ 350 - 450 mm. Trên băng có dòng chữ “CHỈ HUY CHỮA CHÁY” màu vàng, chữ cao 40 mm, phông chữ Times New Roman, loại chữ in hoa.
5. Biển báo khu vực chữa cháy
Biển bằng nhựa dạng gấp gọn màu vàng, trên hai mặt của biển có các dòng chữ tiếng Việt và tiếng Anh phản quang màu xám bạc: “KHU vực CHỮA CHÁY” “KHÔNG NHIỆM VỤ CẤM VÀO”, “FIRE AREA” “NO ENTRY”, chữ cao 30 mm, phông chữ Times New Roman, loại chữ in hoa./.
PHỤ LỤC IX
BIỂU MẪU SỬ DỤNG TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
(Kèm theo Nghị định số: 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ)
Mẫu biểu trưng hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ |
|
Văn bản đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ bằng đường sắt |
|
Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy |
|
Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy |
|
Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ |
|
Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy |
|
Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy |
|
Mẫu dấu thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy |
|
Văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy |
|
Biên bản kiểm tra |
|
Văn bản đề nghị kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy |
|
Văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy |
|
Quyết định tạm đình chỉ hoạt động |
|
Quyết định đình chỉ hoạt động |
|
Văn bản đề nghị phục hồi hoạt động |
|
Quyết định phục hồi hoạt động |
|
Phương án chữa cháy của cơ sở |
|
Phương án chữa cháy của cơ quan Công an |
|
Văn bản đề nghị phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở |
|
Lệnh huy động/điều động lực lượng, phương tiện và tài sản tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy |
|
Văn bản đề nghị kiểm tra, cấp chứng nhận huấn luyện |
|
Văn bản đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp chứng nhận huấn luyện |
|
Văn bản đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp chứng nhận huấn luyện |
|
Văn bản đề nghị cấp đổi/cấp lại chứng nhận huấn luyện |
|
Biên bản kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy |
|
Văn bản đề nghị kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy |
|
Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy |
|
Biên bản lấy mẫu phương tiện kiểm định |
|
Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy |
|
Văn bản đề nghị cấp/cấp đổi/cấp lại Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy |
|
Bản khai kinh nghiệm công tác chuyên môn trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy |
|
Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy |
|
Văn bản đề nghị cấp/cấp đổi/cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy |
|
Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy |
|
Quyết định thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy |
Công an các đơn vị, địa phương khi in các biểu mẫu nêu trên, không được tự ý thay đổi nội dung biểu mẫu; có trách nhiệm quản lý việc in, cấp phát, sử dụng biểu mẫu và có sổ sách để theo dõi.
Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định số 83/2017/NĐ-CP) và Dấu thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC08) do Bộ Công an phát hành./.
Mẫu số PC01
BIỂU TRƯNG HÀNG HÓA NGUY HIỂM VỀ CHÁY, NỔ
Mặt trước:
Ghi chú:
(1): Loại, nhóm hàng vận chuyển;
(2): Số UN (mã số Liên Hợp quốc) tương ứng với loại, nhóm hàng;
(3): Số giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
(4): Ghi biển kiểm soát của phương tiện vận chuyển. Dòng chữ BKS: Cỡ chữ 18, loại chữ in hoa, kiểu chữ đậm, màu đen, phông chữ Times New Roman;
(5): Dòng chữ “Có giá trị đến hết ngày .../..../....”: Cỡ chữ 14, loại chữ in thường, màu đen, phông chữ Times New Roman; ghi thời hạn của giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ.
Mặt sau:
NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý 1. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải dán biểu trưng ở kính chắn gió phía trước, phương tiện giao thông đường sắt phải dán biểu trưng ở hai bên thành phương tiện trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ. 2. Chỉ được chở loại hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ ghi trong giấy phép. 3. Không được chở người không có nhiệm vụ trên phương tiện. 4. Phải chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông. 5. Phải duy trì đầy đủ điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy của phương tiện trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ. |
Mẫu số PC02
…....(1)....... |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA NGUY HIỂM VỀ CHÁY, NỔ BẰNG ĐƯỜNG SẮT
Kính gửi: ..................(2)..................
1. Tên tổ chức đề nghị: .........................................(1)..............................................
Địa chỉ: .....................................................................................................................
Điện thoại: ................................ Fax: ........................ Email:....................................
2. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: .......................................................
3. Thông tin về người điều khiển phương tiện và người áp tải (nếu có): ......(3).....
Đề nghị Quý cơ quan xem xét và cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ là các hàng hóa sau:
TT |
Tên hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ |
Số UN |
Loại nhóm hàng |
Số hiệu nguy hiểm |
Khối lượng vận chuyển |
Ga đi - Ga đến |
1 |
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
... |
|
|
|
|
|
|
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ bao gồm: ............................................(4)...............................................................................................
................(1).................. cam kết bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ./.
|
................, ngày ....... tháng..... năm ....... |
Ghi chú:
(1) Tên tổ chức đề nghị cấp Giấy phép;
(2) Tên cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép;
(3) Ghi các thông tin: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số CMND/CCCD/Hộ chiếu (áp dụng trong trường hợp vận chuyển theo chuyến) đã được cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy;
(4) Liệt kê theo quy định tại Điều 9 Nghị định số /2020/NĐ-CP.
Mẫu số PC03
.....(1)..... |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ....../PN-.... |
|
PHIẾU TIẾP NHẬN GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
Hồ sơ đề nghị: .............................................(3).....................................................
Đối với ......................................................(4)........................................................
Họ tên người nộp hồ sơ: ......................................................................................
Số CCCD/CMND/Hộ chiếu: ................................................ cấp ngày: ...../..../....,
Cơ quan, đơn vị công tác: ...................................................................................
Địa chỉ: .................................................................................................................
Điện thoại: ....................................... Email: ........................................................
Giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền (nếu có): ......................................................
Hồ sơ gồm có:
1. ..........................................................................................................................
2. ..........................................................................................................................
3. ..........................................................................................................................
4. ..........................................................................................................................
Số lượng hồ sơ: .................... (bộ).
Phí thực hiện thủ tục hành chính (nếu có): ..........................................................
Ngày hẹn lấy mẫu phương tiện (nếu có): .............................................................
Ngày hẹn trả kết quả: ...... giờ ...... phút, ngày ...... tháng ...... năm ......
|
................., ngày ....... tháng..... năm ....... |
Ghi chú:
(1) Tên cơ quan chủ quản trực tiếp của đơn vị tiếp nhận hồ sơ;
(2) Tên cơ quan tiếp nhận hồ sơ;
(3) Ghi một trong các nội dung sau: Cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; Thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; Kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; Phục hồi hoạt động của cơ sở, phương tiện, hộ gia đình, cá nhân; Phê duyệt phương án chữa cháy; Huấn luyện, kiểm tra, cấp/cấp đổi/cấp lại chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy; Kiểm định, cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy; Cấp/cấp đổi/cấp lại chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy; Cấp/cấp đổi/cấp lại giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy;
(4) Ghi tên công trình/cơ sở/khu dân cư/hộ gia đình/cơ quan, tổ chức/phương tiện/cá nhân.
Mẫu số PC04
.....(1)..... |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ....../HD-.... |
|
PHIẾU HƯỚNG DẪN BỔ SUNG HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
Họ tên người nộp hồ sơ: ......................................................................................
Số CCCD/CMND/Hộ chiếu: ................................................ cấp ngày: ...../..../....,
Cơ quan, đơn vị công tác: ...................................................................................
Địa chỉ: .................................................................................................................
Điện thoại: ....................................... Email: ........................................................
Giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền (nếu có): ......................................................
Nội dung yêu cầu giải quyết: .............................................(3)..............................
đối với ......................................................(4)........................................................
Yêu cầu hoàn thiện hồ sơ gồm những nội dung sau:
1. ..........................................................................................................................
2. ..........................................................................................................................
3. ..........................................................................................................................
4. ..........................................................................................................................
Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, nếu có vướng mắc, ông/bà vui lòng liên hệ với .................(2)................. , số điện thoại: ................. để được hướng dẫn./.
|
................., ngày ....... tháng..... năm ....... |
Ghi chú:
(1) Tên cơ quan chủ quản trực tiếp của đơn vị tiếp nhận hồ sơ;
(2) Tên cơ quan tiếp nhận hồ sơ;
(3) Ghi một trong các nội dung sau: Cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; Thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; Kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; Phục hồi hoạt động của cơ sở, phương tiện, hộ gia đình, cá nhân; Phê duyệt phương án chữa cháy; Huấn luyện, kiểm tra, cấp/cấp đổi/cấp lại chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy; Kiểm định, cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy; Cấp/cấp đổi/cấp lại chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy; Cấp/cấp đổi/cấp lại giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy;
(4) Ghi tên công trình/cơ sở/khu dân cư/hộ gia đình/cơ quan, tổ chức/phương tiện/cá nhân.
Mẫu số PC05
Ghi chú: Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy Hiểm về cháy, nổ in trên khổ A4; khung viền kép, hai nét đều nhau, màu đỏ; nền giấy màu xanh lam nhạt, ở giữa lưới bảo vệ có hình Công an hiệu.
(1) Tên cơ quan cấp trên trực tiếp;
(2) Tên cơ quan Công an cấp giấy phép;
(3) Tên cơ quan, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép;
(4) Quyền hạn, chức vụ của người ký.
DANH MỤC
HÀNG HÓA NGUY HIỂM VỀ CHÁY, NỔ ĐƯỢC PHÉP VẬN CHUYỂN
(Kèm theo Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ số .......... ngày ...... tháng .......... năm .......... của ..........(2)..........)
TT |
Tên hàng hóa nguy hiểm |
Số hiệu UN |
Loại, nhóm hàng |
Số hiệu nguy hiểm |
Khối lượng vận chuyển |
Ghi chú (1) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú:
(1) Đối với trường hợp vận chuyển theo chuyến trên đường bộ và đường thủy nội địa: Ghi thông tin về phương tiện (biển số đăng ký, thời hạn kiểm định, trọng tải được phép chở) và thông tin về người điều khiển phương tiện, người áp tải (họ và tên, ngày tháng năm sinh, hạng giấy phép điều khiển phương tiện); ghi hành trình, lịch trình vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ, ga đi, ga đến.
Mẫu số PC06
.....(1)..... |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ....................... |
................., ngày ....... tháng..... năm ....... |
THẨM DUYỆT THIẾT KẾ VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
Kính gửi: ..........................(2)............................
........(1)........ đề nghị Quý cơ quan ........(3)........ của dự án/công trình/phương tiện ........(4)........ với các nội dung chính sau:
I. THÔNG TIN CHUNG DỰ ÁN/CÔNG TRÌNH/PHƯƠNG TIỆN
1. Tên dự án/công trình/phương tiện: ................................................................
2. Tên chủ đầu tư/chủ phương tiện: .................................; thông tin liên hệ (địa chỉ, điện thoại): .............................................................................................................................
3. Người đại diện theo pháp luật: ........................................................................
4. Đại diện chủ đầu tư (nếu có): ..........................................................................
5. Địa điểm xây dựng/chế tạo/hoán cải: ..............................................................
6. Tổng mức đầu tư: ............................................................................................
7. Đơn vị tư vấn thiết kế: .....................................................................................
8. Quy mô dự án/công trình (chiều cao, số tầng, công năng,...); quy mô, tính chất phương tiện (kích thước, dung tích, trọng tải, số người, vùng hoạt động,...): .........................
9. Các thông tin khác (nếu có): .............................(5)..........................................
II. DANH MỤC HỒ SƠ GỬI KÈM
1. Hồ sơ, tài liệu quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định số ...../2020/NĐ-CP (6).
2. Văn bản ủy quyền nộp hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư/chủ phương tiện (trong trường hợp chủ đầu tư/chủ phương tiện ủy quyền cho đơn vị khác).
3. Các văn bản khác có liên quan đã được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp trước đây.
...................(1)................... đề nghị Quý cơ quan ...................(3)......................../.
|
ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC/CÁ NHÂN |
Ghi chú:
(1) Tên đơn vị/cá nhân đề nghị thẩm duyệt;
(2) Tên cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt;
(3) Ghi một trong các nội dung sau: Góp ý về phòng cháy và chữa cháy đồ án quy hoạch; chấp thuận địa điểm xây dựng; góp ý về phòng cháy và chữa cháy đối với hồ sơ thiết kế cơ sở; thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công; thẩm duyệt thiết kế điều chỉnh về phòng cháy và chữa cháy;
(4) Tên dự án, công trình hoặc phương tiện giao thông cơ giới;
(5) Nội dung thiết kế điều chỉnh; nội dung thiết kế cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng của dự án/công trình; nội dung thiết kế hoán cải phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy;
(6) Liệt kê thành phần hồ sơ, tài liệu.
Mẫu số PC07
QUY MÔ DỰ ÁN/CÔNG TRÌNH/PHƯƠNG TIỆN VÀ DANH MỤC TÀI LIỆU, BẢN VẼ ĐƯỢC THẨM DUYỆT THIẾT KẾ VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
(Kèm theo Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy số ............/TD-PCCC ngày ....../..../...... của ................ (2)............)
TT |
Nội dung |
Ghi chú |
I |
QUY MÔ DỰ ÁN/CÔNG TRÌNH/PHƯƠNG TIỆN |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
II |
DANH MỤC TÀI LIỆU, BẢN VẼ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Lưu ý: Thông tin tại Giấy chứng nhận này chỉ xác nhận bảo đảm các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy, không có giá trị về quyền sử dụng đất và các chỉ tiêu về quy hoạch, xây dựng./.
Ghi chú: Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy in trên giấy khổ A4; khung viền kép, hai nét đều nhau, màu đỏ; nền giấy màu vàng nhạt, ở giữa lưới bảo vệ có hình Công an hiệu.
(1) Tên cơ quan cấp trên trực tiếp;
(2) Tên cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy ban hành giấy chứng nhận thẩm duyệt;
(3) Tên cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị thẩm duyệt;
(4) Tên dự án, công trình hoặc phương tiện giao thông cơ giới được thẩm duyệt;
(5) Quyền hạn, chức vụ của người ký.
Mẫu số PC08
MẪU DẤU THẨM DUYỆT THIẾT KẾ VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
Quy cách:
- Kích thước: Chiều dài: 70 mm; Chiều rộng: 37 mm;
- Vạch chia cách mép trên 14 mm, 1 nét, độ đậm nét 2 pt;
- Khung viền: Kép 2 nét đều nhau; độ đậm nét 2 pt.
Nội dung:
- Tên cơ quan cấp trên trực tiếp: Phông chữ Times New Roman; cỡ chữ 8; loại chữ in hoa; kiểu chữ đứng;
- Tên cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt: Phông chữ Times New Roman; cỡ chữ 8; loại chữ in hoa; kiểu chữ đứng, đậm;
- Đã thẩm duyệt thiết kế: Phông chữ Times New Roman; cỡ chữ 13; loại chữ in hoa; kiểu chữ đứng, đậm;
- Về phòng cháy và chữa cháy: Phông chữ Times New Roman; cỡ chữ 10; loại chữ in hoa; kiểu chữ đứng, đậm;
- Số:... TD-PCCC ngày.../.../...: Phông chữ Times New Roman; cỡ chữ 12; loại chữ in thường; kiểu chữ đứng.
Ghi chú:
(1) Tên cơ quan cấp trên trực tiếp;
(2) Tên cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt.
Mẫu số PC09
……(1)….. |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …../TD-PCCC&CNCH |
……., ngày … tháng … năm ….. |
Kính gửi: ……(3)………
Căn cứ Nghị định số ……../2020/NĐ-CP ngày …. tháng …. năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy số ………. ngày ….. tháng ….. năm ………..của ………………………..
Xét hồ sơ và văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế điều chỉnh về phòng cháy và chữa cháy số ………. ngày ….. tháng ….. năm ………..của ………(4) …………
…………………(2)……………………………… đồng ý về thiết kế phòng cháy và chữa cháy đối với các nội dung sau:
I. THÔNG TIN VỀ NỘI DUNG ĐIỀU CHỈNH THIẾT KẾ/CẢI TẠO, THAY ĐỔI TÍNH CHẤT SỬ DỤNG CỦA DỰ ÁN, CÔNG TRÌNH/HOÁN CẢI PHƯƠNG TIỆN
...................................................................................................................
...................................................................................................................
II. NỘI DUNG THẨM DUYỆT
...................................................................................................................
...................................................................................................................
Quy mô dự án/công trình/phương tiện và danh mục các tài liệu, bản vẽ được thẩm duyệt thiết kế về điều chỉnh phòng cháy và chữa cháy được kèm theo văn bản này./.
|
………(5)……… |
QUY MÔ DỰ ÁN/CÔNG TRÌNH/PHƯƠNG TIỆN VÀ DANH MỤC TÀI LIỆU, BẢN VẼ ĐƯỢC THẨM DUYỆT THIẾT KẾ VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
(Kèm theo văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy số …………. ngày …… tháng ... năm……. của ……….(2)………..)
TT |
Nội dung |
Ghi chú |
I |
QUY MÔ DỰ ÁN/CÔNG TRÌNH/PHƯƠNG TIỆN VÀ NỘI DUNG ĐIỀU CHỈNH |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
II |
DANH MỤC TÀI LIỆU, BẢN VẼ THIẾT KẾ ĐIỀU CHỈNH |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú: Văn bản thẩm duyệt in trên giấy khổ A4;
(1) Tên cơ quan cấp trên trực tiếp;
(2) Tên cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy ban hành văn bản thẩm duyệt;
(3) Tên chủ đầu tư/chủ phương tiện;
(4) Tên cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị thẩm duyệt;
(5) Quyền hạn, chức vụ của người ký.
Mẫu số PC10
……(1)….. |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
…………(3)…………..
Hồi …. giờ …. ngày …. tháng … năm …………., tại …………………………
Địa chỉ: ………………………………………………………………………………
Chúng tôi gồm:
Đại diện: ………………………………………………………………………………
- Ông/bà: …………………………….; Chức vụ: ……………………………………….
- Ông/bà: …………………………….; Chức vụ: ……………………………………….
Đã tiến hành kiểm tra ………… (3)…………… đối với ………………..(4)……………
Đại diện: ……………………………………………………………………………………
- Ông/bà: …………………………….; Chức vụ: ……………………………………….
- Ông/bà: …………………………….; Chức vụ: ……………………………………….
Tình hình và kết quả kiểm tra như sau:
…………………………….. (5) …………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………..
Biên bản được lập xong hồi … giờ ... ngày …. tháng ….. năm .........., gồm …. trang, được lập thành ….. bản, mỗi bên liên quan giữ 01 bản, đã đọc lại cho mọi người cùng nghe, công nhận đúng và nhất trí ký tên dưới đây./.
ĐẠI DIỆN |
ĐẠI DIỆN |
ĐẠI DIỆN |
Ghi chú:
(1) Tên cơ quan cấp trên trực tiếp;
(2) Tên cơ quan, tổ chức chủ trì kiểm tra;
(3) Ghi nội dung kiểm tra: An toàn về phòng cháy và chữa cháy hoặc kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy hoặc điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy;
(4) Tên đối tượng được kiểm tra;
(5) Phần trình bày của đại diện đơn vị được kiểm tra (chủ cơ sở, chủ đầu tư, chủ phương tiện,...), phần kiểm tra hồ sơ, phần kiểm tra thực tế, nhận xét, đánh giá và kiến nghị;
(6) Đại diện đơn vị được kiểm tra ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu nếu có;
(7) Đại diện đơn vị, cá nhân có liên quan ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu nếu có;
(8) Đại diện đoàn kiểm tra hoặc người được phân công thực hiện kiểm tra ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu nếu có.
Mẫu số PC11
…..(1)….. |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ………. |
……, ngày … tháng … năm …. |
ĐỀ NGHỊ
KIỂM TRA KẾT QUẢ NGHIỆM THU VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
Kính gửi: …………………………(2)…………………………
……(1)…… đề nghị ………(2)……… kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án/công trình/phương tiện với các nội dung chính sau:
I. THÔNG TIN CHUNG DỰ ÁN / CÔNG TRÌNH / PHƯƠNG TIỆN
1. Tên công trình / phương tiện: …………………………………………………………….
2. Tên chủ đầu tư / chủ phương tiện:…………………….; thông tin liên hệ (địa chỉ, điện thoại): …………………………………………………………………………………………………………..
3. Địa điểm xây dựng / chế tạo / hoán cải: ………………………………………………………..
4. Đơn vị tư vấn thiết kế: …………………………………………………………………………………
5. Đơn vị tư vấn giám sát: ……………………………………………………………………………….
6. Đơn vị thi công: ………………………………………………………………………………………….
7. Quy mô dự án / công trình (chiều cao, số tầng, công năng,…); quy mô, tính chất phương tiện (kích thước, dung tích, trọng tải, số người, vùng hoạt động,…):…………..
8. Các thông tin khác (nếu có): ………………………………………………………………………..
II. DANH MỤC HỒ SƠ GỬI KÈM (3)
1. ……………………………………………………………………………………………………………
2. ……………………………………………………………………………………………………………
3. ……………………………………………………………………………………………………………
Công trình / phương tiện đã được chủ đầu tư và đơn vị thi công nghiệm thu theo quy định. …………………..(1)…………………. đề nghị …………………….(2)……………………. kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của dự án/công trình/phương tiện với các nội dung nêu trên./.
|
ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC/CÁ NHÂN |
Ghi chú:
(1) Tên cơ quan, tổ chức, đơn vị đề nghị kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy;
(2) Tên cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có thẩm quyền;
(3) Thành phần theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số ……./2020/NĐ-CP.
Mẫu số PC12
…..(1)….. |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ………. |
……, ngày … tháng … năm …. |
Kính gửi: ………………(3)……..………..
Căn cứ Nghị định số …../2020/NĐ-CP ngày …../…../2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ theo Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy số …………/TD-PCCC ngày ….. tháng…..năm……… của …………………………(2)…………………………
Xét hồ sơ và văn bản đề nghị kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy số…………………….. ngày….. tháng…..năm……… của: ………………….(3)……………………
Người đại diện theo pháp luật là ông/bà: ……………………… Chức vụ: …………………………
Căn cứ biên bản kiểm tra kết quả nghiệm thu ngày …..tháng…..năm……. của………………….,
………………(2)…………….. chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của …………(4)………… với các nội dung sau:
Địa điểm xây dựng / chế tạo / hoán cải: ………………………………………………………
Chủ đầu tư/chủ phương tiện: ……………………………………………………………………
Đơn vị tư vấn giám sát: ...................................................................................................
Đơn vị thi công: ……………………………………………………………………….................
Quy mô công trình/phương tiện: ………………………………………………….
Nội dung được nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy:
……………………………………………………………………………………………………………..
Các yêu cầu kèm theo:
- Thực hiện đúng quy trình, quy định về vận hành sử dụng, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế các hệ thống, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và hệ thống kỹ thuật có liên quan;
- Duy trì liên tục chế độ hoạt động bình thường của hệ thống, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và hệ thống kỹ thuật có liên quan đã được lắp đặt theo đúng chức năng trong suốt quá trình sử dụng;
- ……………………………………………(5)……………………………………………………………
|
………..(6)………. |
Ghi chú:
(1) Tên cơ quan cấp trên trực tiếp;
(2) Tên cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có thẩm quyền;
(3) Tên chủ đầu tư/chủ phương tiện;
(4) Tên công trình hoặc phương tiện giao thông cơ giới được nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy;
(5) Ghi các yêu cầu khác khi cần thiết;
(6) Quyền hạn, chức vụ của người ký.
Mẫu số PC13
…..(1)….. |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …/QĐTĐC-… |
……, ngày … tháng … năm …. |
…………(3)…………..
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số /2020/NĐ-CP ngày …. tháng .... năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Biên bản kiểm tra ……………………………………………………………….. lập ngày … tháng …. năm ……của …………………………………………….
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Tạm đình chỉ hoạt động đối với: ……………………(4) ………………….
Địa chỉ: ………………………………………………………………………………….
Do ông/bà: …………………..là ………………………... (5) …………………………
kể từ.... giờ ………. phút, ngày … tháng … năm ……đến …. giờ …. phút, ngày …..tháng … năm……
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ .... giờ .... phút, ngày .... tháng .... năm …..
Điều 3.
Ông/bà: ………………………..có trách nhiệm thi hành Quyết định này và thực hiện các yêu cầu về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.
Ông/bà: ……………………………….. bị tạm đình chỉ hoạt động có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với Quyết định này theo quy định của pháp luật./.
|
………..(6)………. |
Ghi chú:
(1) Tên cơ quan chủ quản cấp trên;
(2) Tên cơ quan của người ra quyết định;
(3) Thẩm quyền ban hành quyết định;
(4) Tên công trình, cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình, cá nhân, địa điểm hoặc khu vực xuất hiện nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ, không bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy;
(5) Chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông cơ giới;
(6) Quyền hạn, chức vụ của người ký.
Mẫu số PC14
…..(1)….. |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …/QĐĐC-… |
……, ngày … tháng … năm …. |
………………(3)……………….
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số /2020/NĐ-CP ngày …. tháng .... năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Quyết định tạm đình chỉ hoạt động số ……… ngày.... tháng.... năm……..của ……….(2)… ……………………………………..
Căn cứ tình hình thực tế, xét thấy nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ chưa được loại trừ, vi phạm không được khắc phục hoặc không thể khắc phục được và có nguy cơ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng của ………………(4) …………….
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Đình chỉ hoạt động đối với: …………….(4) ……………..
Địa chỉ: ……………………………………………………………
Do ông/bà: …………………….là ………………….(5) ………….. kể từ … giờ … phút, ngày … tháng… năm……
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ.... giờ.... phút, ngày .... tháng ....năm ………
Điều 3.
Ông/bà: …………………………….. có trách nhiệm thi hành Quyết định này và thực hiện các yêu cầu về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.
Ông/bà: …………………………….. bị đình chỉ hoạt động có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với Quyết định này theo quy định của pháp luật./.
|
………..(6)………. |
Ghi chú:
(1) Tên cơ quan chủ quản cấp trên;
(2) Tên cơ quan của người ra quyết định;
(3) Thẩm quyền ban hành quyết định;
(4) Tên công trình, cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình, cá nhân, địa điểm hoặc khu vực xuất hiện nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ không bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy;
(5) Chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở; chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông cơ giới;
(6) Quyền hạn, chức vụ của người ký.
Mẫu số PC15
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Kính gửi: …………(1)…………
Tên tổ chức/cá nhân: ……………………………………………………………………………
Địa chỉ: ……………………………………………………………………………
Điện thoại: ………………..Fax: …………………Email: ………………………….
Họ tên người đại diện pháp luật: ………………………………………………………………………
Chức vụ: ……………………………………………………………………………
CCCD/CMND/Hộ chiếu: ……………………………………………………………………………
Sau khi thi hành Quyết định tạm đình chỉ/đình chỉ hoạt động số: ……………. ngày … tháng … năm … của: …………….(1) …………………………
Hiện tại: ……….(2)…………… đã loại trừ nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ/đã khắc phục vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy kể từ hồi ……. giờ .... phút ngày … tháng … năm….
Đồ nghị quý cơ quan cho phục hồi hoạt động đối với: ………..(2) …………….. kể từ … giờ … ngày … tháng … năm……….
Tôi xin cam đoan những nội dung nêu trên là đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật./.
|
…………, ngày … tháng … năm…… |
Ghi chú:
(1) Tên cơ quan của người ban hành quyết định tạm đình chỉ/đình chỉ hoạt động trước đó;
(2) Tên công trình, cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới hộ gia đình, cá nhân, địa điểm hoặc khu vực bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động.
Mẫu số PC16
…..(1)….. |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …/QĐPH-… |
……, ngày … tháng … năm …. |
………….(3)………….
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số /2020/NĐ-CP ngày …. tháng .... năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Biên bản kiểm tra ……………………………………….. lập ngày … tháng … năm …. của …………………………………………………………
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phục hồi hoạt động đối với: ………………….(4) …………………
Địa chỉ: ……………………………………………………………………..
Do ông/bà: …………………………………..là …………………….(5)………………… trước đó đã bị tạm đình chỉ/đình chỉ hoạt động theo Quyết định số: ………………ngày… tháng… năm……
Điều 2. Kể từ …… giờ ……. phút, ngày … tháng … năm ………… Quyết định số ……… ngày … tháng … năm ……hết hiệu lực.
Điều 3. Ông/bà: ……………………………. chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
………..(6)………. |
Ghi chú:
(1) Tên cơ quan chủ quản cấp trên;
(2) Tên cơ quan của người ra quyết định;
(3) Thẩm quyền ban hành quyết định;
(4) Tên công trình, cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình, cá nhân, địa điểm hoặc khu vực xuất hiện nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ không bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy;
(5) Chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở; chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông cơ giới, cá nhân;
(6) Quyền hạn, chức vụ của người ký.
Mẫu số PC17
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số (17):……………
Tên cơ sở/khu dân cư/phương tiện giao thông cơ giới:(1) …………………..
Địa chỉ/Biển kiểm soát: …………………………………………………………………….
Điện thoại: …………………………………………………………………….
Cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp: …………………………………………………………………….
Điện thoại: …………………………………………………………………….
Cơ quan Công an được phân công thực hiện nhiệm vụ chữa cháy: ………………………………….
Điện thoại: …………………………………………………………………….
SƠ ĐỒ MẶT BẰNG TỔNG THỂ (2)
A. ĐẶC ĐIỂM CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC CHỮA CHÁY
I. VỊ TRÍ CƠ SỞ/KHU DÂN CƯ: (3)
…………………………………………………………………….
- Phía Đông giáp: …………………………………………………………………….
- Phía Tây giáp: …………………………………………………………………….
- Phía Nam giáp: …………………………………………………………………….
- Phía Bắc giáp: …………………………………………………………………….
II. GIAO THÔNG PHỤC VỤ CHỮA CHÁY: (4)
…………………………………………………………………….
III. NGUỒN NƯỚC PHỤC VỤ CHỮA CHÁY: (5)
TT |
Nguồn nước |
Trữ lượng (m3) hoặc lưu lượng (l/s) |
Vị trí, khoảng cách nguồn nước |
Những điểm cần lưu ý |
I |
Bên trong: |
|
|
|
1 |
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
II |
Bên ngoài: |
|
|
|
1 |
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
…. |
|
|
|
|
IV. ĐẶC ĐIỂM CỦA CƠ SỞ/KHU DÂN CƯ/PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG:
- Đặc điểm kiến trúc xây dựng (Số tầng, diện tích mặt bằng, kết cấu xây dựng) của các hạng mục, công trình trong cơ sở/phương tiện giao thông cơ giới.
- Tính chất hoạt động, công năng sử dụng của các hạng mục, công trình (Đối với phương án chữa cháy của khu dân cư không nêu nội dung này).
- Số người thường xuyên có mặt tại cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới (Đối với phương án chữa cháy của khu dân cư không nêu nội dung này).
V. TÍNH CHẤT, ĐẶC ĐIỂM NGUY HIỂM VỀ CHÁY, NỔ, ĐỘC: (6)
................................................................................................................
................................................................................................................
VI. TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG CHỮA CHÁY TẠI CHỖ:
1. Tổ chức lực lượng: (7)
- Đội (tổ) PCCC cơ sở/dân phòng: Có được thành lập hay không?
- Số lượng đội viên: .... người. Được cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC: ......người.
- Họ và tên người chỉ huy đội PCCC cơ sở/dân phòng: …………. số điện thoại: ………….
2. Tổ chức thường trực chữa cháy:
- Số người thường trực trong giờ làm việc: ………… người.
- Số người thường trực ngoài giờ làm việc: ………... người.
VII. PHƯƠNG TIỆN CHỮA CHÁY TẠI CHỖ: (8)
STT |
Chủng loại phương tiện chữa cháy |
Đơn vị tính |
Số lượng |
Vị trí bố trí |
Ghi chú |
1 |
Xe chữa cháy…… |
chiếc |
|
|
|
2 |
Máy bơm chữa cháy .... |
chiếc |
|
|
|
3 |
Bình bột chữa cháy .... |
chiếc |
|
|
|
4 |
Bình khí CO2 chữa cháy…. |
chiếc |
|
|
|
5 |
chất tạo bọt chữa cháy.... |
lít |
|
|
|
... |
… |
|
|
|
|
B. PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ MỘT SỐ TÌNH HUỐNG CHÁY
I. PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ TÌNH HUỐNG CHÁY PHỨC TẠP NHẤT:
1. Giả định tình huống cháy phức tạp nhất: (9)
..................................................................................................................
..................................................................................................................
2. Tổ chức triển khai chữa cháy: (10)
..................................................................................................................
..................................................................................................................
3. Sơ đồ triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy: (11)
II. PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ CÁC TÌNH HUỐNG CHÁY ĐẶC TRƯNG: (12)
1. Tình huống 1:
..................................................................................................................
..................................................................................................................
2. Tình huống 2:
..................................................................................................................
..................................................................................................................
3. Tình huống ……..:
..................................................................................................................
..................................................................................................................
C. BỔ SUNG, CHỈNH LÝ PHƯƠNG ÁN CHỮA CHÁY (13)
TT |
Ngày, tháng, năm |
Nội dung bổ sung, chỉnh lý |
Người xây dựng phương án ký |
Người phê duyệt phương án ký |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
D. THEO DÕI HỌC VÀ THỰC TẬP PHƯƠNG ÁN CHỮA CHÁY (14)
Ngày, tháng, năm |
Nội dung, hình thức học tập, thực tập |
Tình huống cháy giả định |
Số người, phương tiện tham gia |
Kết quả (đạt/không đạt) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
………., ngày … tháng …. năm…… |
………., ngày … tháng …. năm…… |
HƯỚNG DẪN GHI PHƯƠNG ÁN CHỮA CHÁY
Chú ý: Mẫu phương án chữa cháy có thể thay đổi số lượng trang tùy theo đặc điểm, tính chất hoạt động của cơ sở, số lượng tình huống giả định. Phương án chữa cháy của phương tiện giao thông cơ giới không ghi các mục I, II và III của phần A.
(1) Tên của cơ sở/khu dân cư/phương tiện: Ghi theo tên giao dịch hành chính.
(2) Sơ đồ mặt bằng tổng thể: Cần thể hiện rõ tên gọi của các hạng mục, nhà, đường giao thông, nguồn nước trong cơ sở và các nguồn nước chữa cháy tiếp giáp xung quanh. Phương án chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới thì bản vẽ thể hiện các khu vực nguy hiểm cháy, nổ và bố trí phương tiện chữa cháy. Sơ đồ vẽ trên khổ giấy A4 hoặc lớn hơn cho phù hợp.
(3) Vị trí cơ sở/khu dân cư: Ghi vị trí địa lý cơ sở, khoảng cách từ trung tâm quận, huyện đến cơ sở/khu dân cư; ghi cụ thể hướng của cơ sở tiếp giáp với các cơ sở, công trình, đường phố, sông, hồ... Đối với khu dân cư chỉ ghi sơ lược vị trí, không ghi tiếp giáp khu dân cư về các hướng.
(4) Giao thông phục vụ chữa cháy: Ghi cụ thể kích thước chiều rộng, chiều cao (cổng, hành lang), kết cấu xây dựng của các tuyến đường bên trong và bên ngoài cơ sở/khu dân cư phục vụ công tác chữa cháy.
(5) Nguồn nước phục vụ chữa cháy: Tất cả các cơ sở phải thống kê các nguồn nước ở bên trong cơ sở. Riêng đối với cơ sở thuộc Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này phải thống kê thêm nguồn nước ở gần cơ sở như: Bể, hồ, ao, sông, ngòi, kênh, rạch, trụ, bến lấy nước, hố lấy nước... có thể phục vụ công tác chữa cháy; ghi rõ khả năng lấy nước vào các mùa, thời điểm trong ngày; chỉ dẫn vị trí, khoảng cách tới các nguồn nước ở bên ngoài.
(6) Tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc: Ghi rõ loại chất cháy chủ yếu, vị trí bố trí, sắp xếp, số lượng, khối lượng, đặc điểm cháy, yếu tố độc hại khi cháy, khả năng cháy lan ra khu vực xung quanh của các hạng mục, công trình. Thống kê các loại nguồn nhiệt có khả năng phát sinh gây cháy: lửa trần; sự cố hệ thống điện, thiết bị điện, sự cố kỹ thuật....
Ví dụ: Đối với cơ sở chế biến gỗ thì chất cháy chủ yếu là gỗ, sơn, dung môi, giấy bao bì. Nguồn nhiệt gây cháy có thể do sơ suất trong việc sử dụng lửa trần để gia công sản phẩm hoặc do sự cố thiết bị điện (chập điện), sự cố dây chuyền công nghệ sản xuất (kẹt động cơ điện...). Khi cháy tại các nhà xưởng, kho hàng hóa sẽ tỏa ra nhiệt lượng lớn, sinh nhiều khói khí độc, đặc biệt khi xảy ra cháy ở khu vực kho chứa các thùng hóa chất làm dung môi pha sơn có khả năng gây nổ, đám cháy sẽ nhanh chóng lan truyền trên diện rộng, gây thương vong. Khi nhà xưởng bị cháy trên 30 phút có thể dẫn đến sụp đổ mái tôn của nhà xưởng gây khó khăn cho việc tiếp cận chữa cháy....
(7) Ghi tổ chức của lực lượng phòng cháy chữa cháy đã được thành lập đội (tổ) phòng cháy chữa cháy cơ sở hay đội dân phòng.
(8) Phương tiện chữa cháy tại chỗ: Thống kê chủng loại, mã hiệu (ví dụ: Máy bơm chữa cháy động cơ xăng Tohatsu V52; bình bột chữa cháy ABC MFZ4...), số lượng, vị trí bố trí phương tiện chữa cháy. Không thống kê những phương tiện, thiết bị, dụng cụ chữa cháy chất lượng kém, không có khả năng chữa cháy.
(9) Giả định tình huống cháy phức tạp nhất: Giả định tình huống cháy có quy mô lớn, diễn biến phức tạp, có thể gây thiệt hại lớn về người và tài sản, công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Trong đó giả định cụ thể thời điểm xảy ra cháy, nơi xuất phát cháy và nguyên nhân xảy ra cháy; chất cháy chủ yếu; quy mô, diện tích đám cháy tại thời điểm phát hiện cháy; những yếu tố gây ảnh hưởng tác động lớn tới việc chữa cháy như: Nhiệt độ cao, nhiều khói, khí độc, sụp đổ công trình...; vị trí và số lượng người bị kẹt hoặc bị nạn trong khu vực cháy.
(10) Tổ chức triển khai chữa cháy: Trên cơ sở tình huống cháy giả định, xây dựng trình tự xử lý sự cố cháy kể từ khi phát hiện cháy: hô hoán, báo động cho mọi người xung quanh biết, tổ chức cắt điện, báo cháy cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, gọi điện báo cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, tổ chức cứu người và hướng dẫn thoát nạn (nếu có), sử dụng các phương tiện, dụng cụ chữa cháy tại chỗ để dập lửa, sơ tán tài sản để ngăn cháy lan, phối hợp với các lực lượng khác (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, chính quyền sở tại, công an, điện lực, y tế,...) trong công tác tổ chức chữa cháy và giữ gìn trật tự, bảo vệ tài sản; bảo đảm hậu cần và thực hiện các hoạt động phục vụ chữa cháy; bảo vệ hiện trường và khắc phục hậu quả vụ cháy. Các công việc trên phải tổ chức phân công cho các tổ (đội), cá nhân một cách cụ thể, rõ ràng, trong đó cần nêu rõ nhiệm vụ của chỉ huy chữa cháy tại chỗ trước và khi lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có mặt tại đám cháy (chỉ huy lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại chỗ triển khai các hoạt động chữa cháy; báo cáo tình hình, cung cấp thông tin cho chỉ huy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, tham gia ban chỉ huy chữa cháy, tham gia bảo vệ hiện trường phục vụ điều tra xác định nguyên nhân vụ cháy).
(11) Sơ đồ triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy: Vẽ sơ đồ thể hiện vị trí điểm phát sinh cháy, diện tích đám cháy; hướng gió chủ đạo; bố trí lực lượng, phương tiện để cứu người, hướng dẫn thoát nạn (nếu có) và tổ chức chữa cháy, sơ tán tài sản, chống cháy lan; thể hiện hướng tấn công chính... bằng các ký hiệu thống nhất theo quy định tại mẫu phương án chữa cháy này. Sơ đồ vẽ trên khổ giấy A4 hoặc lớn hơn cho phù hợp.
(12) Phương án xử lý các tình huống cháy đặc trưng: Đối với các cơ sở có các khu vực, hạng mục công trình có tính chất hoạt động, công năng sử dụng tương tự nhau (như các lớp học, các bể chứa LPG, các phòng làm việc...) lựa chọn một khu vực, hạng mục, công trình đặc trưng làm tình huống giả định cháy để xây dựng phương án xử lý. Các tình huống sắp xếp theo thứ tự “Tình huống 1, 2, 3...”; nội dung từng tình huống được nêu tóm tắt tương tự như đối với tình huống cháy phức tạp nhất.
(13) Bổ sung, chỉnh lý phương án chữa cháy: Nêu nội dung bổ sung, chỉnh lý trong phương án có liên quan đến việc tổ chức chữa cháy của cơ sở.
(14) Theo dõi học và thực tập phương án chữa cháy: Sau mỗi lần tổ chức học tập, thực tập phương án chữa cháy phải ghi lại thông tin cơ bản về lần học tập, thực tập phương án đó.
(15) Quyền hạn, chức vụ của người phê duyệt phương án chữa cháy.
(16) Quyền hạn, chức vụ của người có trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy.
(17) Số phương án chữa cháy do cơ quan Công an ghi theo số hồ sơ phê duyệt phương án chữa cháy (theo quy định của Bộ Công an về công tác hồ sơ, thống kê nghiệp vụ cảnh sát).
KÝ HIỆU DÙNG TRONG SƠ ĐỒ BỐ TRÍ LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN CHỮA CHÁY
Mẫu số PC18
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
………………………………………(1)
……………………………………….(2)
Số (25):……………….. |
|
Cấp phê duyệt phương án: (3) |
PHƯƠNG ÁN CHỮA CHÁY CỦA CƠ QUAN CÔNG AN
Tên cơ sở, khu dân cư:(4) ……………………………………………………………………..
Địa chỉ: …………………………………………………………………………………………
Điện thoại: …………………………………………………………………………………………
Cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp: ……………………………………………………………………
Điện thoại: …………………………………………………………………………………………
Cơ quan Công an được phân công thực hiện nhiệm vụ chữa cháy: …………………………………
Điện thoại: …………………………………………………………………………………………
A. ĐẶC ĐIỂM CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC CHỮA CHÁY
I. VỊ TRÍ CƠ SỞ/KHU DÂN CƯ: (5)
…………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………
II. GIAO THÔNG BÊN TRONG VÀ BÊN NGOÀI: (6)
…………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………
III. NGUỒN NƯỚC PHỤC VỤ CHỮA CHÁY: (7)
TT |
Nguồn nước |
Trữ lượng (m3) hoặc lưu lượng (l/s) |
Vị trí, khoảng cách nguồn nước |
Những điểm cần lưu ý |
I |
Bên trong: |
|
|
|
1 |
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
II |
Bên ngoài: |
|
|
|
1 |
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
IV. TÍNH CHẤT, ĐẶC ĐIỂM NGUY HIỂM VỀ CHÁY, NỔ, ĐỘC: (8)
…………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………
V. TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG CHỮA CHÁY TẠI CHỖ: (9)
1. Tổ chức lực lượng:
…………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………
2. Tổ chức thường trực chữa cháy:
…………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………
VI. PHƯƠNG TIỆN CHỮA CHÁY TẠI CHỖ: (10)
…………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………
B. PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ TÌNH HUỐNG CHÁY PHỨC TẠP NHẤT CÓ HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN CỦA NHIỀU ĐƠN VỊ, CƠ QUAN, TỔ CHỨC THAM GIA
I. GIẢ ĐỊNH TÌNH HUỐNG CHÁY PHỨC TẠP NHẤT: (11)
…………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………
II. CHIẾN THUẬT CHỮA CHÁY: (12)
…………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………
III. TÍNH TOÁN LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN CHỮA CHÁY: (13)
…………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………
IV. LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN DỰ KIẾN HUY ĐỘNG: (14)
TT |
Đơn vị được huy động |
Điện thoại |
Số người được huy động |
Số lượng, chủng loại phương tiện được huy động |
Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
V. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI CHỮA CHÁY:
1. Nhiệm vụ của lực lượng tại chỗ: (15)
…………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………
2. Nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy: (16)
…………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………
3. Nhiệm vụ của các lực lượng khác: (17)
…………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………
VI. SƠ ĐỒ BỐ TRÍ LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN CHỮA CHÁY: (18)
C. PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ MỘT SỐ TÌNH HUỐNG CHÁY ĐẶC TRƯNG (19)
I. TÌNH HUỐNG 1:
…………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………
II. TÌNH HUỐNG 2:
…………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………
III. TÌNH HUỐNG ...
…………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………
D. BỔ SUNG, CHỈNH LÝ PHƯƠNG ÁN CHỮA CHÁY (20)
Ngày, tháng, năm |
Nội dung bổ sung, chỉnh lý |
Người xây dựng phương án ký |
Chỉ huy đơn vị xây dựng phương án ký |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Đ. THEO DÕI HỌC VÀ THỰC TẬP PHƯƠNG ÁN CHỮA CHÁY (21)
Ngày, tháng, năm |
Nội dung, hình thức học tập, thực tập |
Tình huống cháy giả định |
Số người, phương tiện tham gia |
Nhận xét, đánh giá kết quả |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
……, ngày.... tháng ... năm…. |
……, ngày.... tháng ... năm…. |
|
HƯỚNG DẪN GHI PHƯƠNG ÁN CHỮA CHÁY
Ghi chú: Phương án chữa cháy có thể co giãn số trang tùy theo yêu cầu thực tế; giữa các trang cần đóng dấu giáp lai và đóng dấu treo sơ đồ đính kèm.
(1) Ghi tên cơ quan chủ quản cấp trên của cơ quan xây dựng phương án chữa cháy.
(2) Ghi tên cơ quan xây dựng phương án chữa cháy.
(3) Cấp phê duyệt phương án chữa cháy, ghi:
+ “C07” đối với phương án chữa cháy do Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phê duyệt;
+ “UBT” đối với phương án chữa cháy do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
+ “UBT + C07” đối với phương án chữa cháy do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phê duyệt;
+ “CAT” đối với phương án chữa cháy do Giám đốc Công an cấp tỉnh phê duyệt;
+ “PC07” đối với phương án chữa cháy do Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh phê duyệt;
+ “UBH” đối với phương án chữa cháy do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt;
+ “CAH” do Trưởng Công an cấp huyện phê duyệt.
(4) Ghi tên của cơ sở/khu dân cư theo văn bản giao dịch hành chính.
(5) Vị trí cơ sở/khu dân cư: Ghi rõ các cơ sở, công trình, đường phố, sông, hồ tiếp giáp theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.
(6) Giao thông bên trong và bên ngoài: Ghi rõ các tuyến đường và khoảng cách từ cơ quan Công an được phân công thực hiện nhiệm vụ chữa cháy đến cơ sở khu dân cư; các tuyến đường bên trong và bên ngoài cơ sở mà các phương tiện chữa cháy cơ giới hoạt động, tiếp cận được.
(7) Nguồn nước phục vụ chữa cháy: Thống kê các nguồn nước ở xung quanh cơ sở có thể phục vụ chữa cháy như: bể, hồ, ao, sông, ngòi, kênh, rạch, trụ, bến lấy nước, hố lấy nước..., ghi rõ khả năng lấy nước vào các mùa, thời điểm trong ngày; chỉ dẫn vị trí, khoảng cách tới các nguồn nước ở bên ngoài.
(8) Tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc: Nêu khái quát đặc điểm kiến trúc, xây dựng của các hạng mục công trình (số tầng, bậc chịu lửa, diện tích mặt bằng, loại vật liệu của các cấu kiện xây dựng chủ yếu như tường, cột, trần, sàn, mái...); số người thường xuyên có mặt trong các hạng mục công trình; tính chất hoạt động, công năng sử dụng của các hạng mục công trình liên quan đến nguy hiểm cháy, nổ, độc; đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ của các chất cháy chủ yếu (loại chất cháy, vị trí bố trí, sắp xếp, số lượng, khối lượng, vận tốc cháy, đặc điểm cháy, yếu tố độc hại khi cháy, khả năng cháy lan ra khu vực xung quanh); các loại nguồn nhiệt có khả năng phát sinh gây cháy (lửa trần, sự cố hệ thống điện, thiết bị điện, sự cố kỹ thuật...).
(9) Tổ chức lực lượng chữa cháy tại chỗ: Nêu tình hình tổ chức, số lượng đội viên phòng cháy chữa cháy và số người đã qua huấn luyện về phòng cháy và chữa cháy. Số người thường trực trong và ngoài giờ làm việc.
(10) Phương tiện chữa cháy tại chỗ: Thống kê chủng loại, số lượng, vị trí bố trí phương tiện chữa cháy cơ giới, hệ thống chữa cháy vách tường, phương tiện cứu người... (chỉ thống kê những phương tiện, thiết bị, dụng cụ có khả năng sử dụng để chữa cháy).
(11) Giả định tình huống cháy phức tạp nhất: Giả định tình huống cháy có quy mô lớn, diễn biến phức tạp, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn nhất, cần phải huy động nhiều lực lượng và phương tiện mới có thể xử lý được, trong đó giả định cụ thể về thời điểm xảy ra cháy (có thể vào ban đêm hoặc ngoài giờ làm việc, việc phát hiện và báo cháy muộn); điểm xuất phát cháy, nguyên nhân xảy ra cháy và nguyên nhân dẫn đến cháy lớn; loại chất cháy chủ yếu, thời gian cháy tự do; quy mô, diện tích đám cháy tại thời điểm phát hiện cháy; dự kiến khả năng phát triển của đám cháy và những yếu tố ảnh hưởng tác động tới việc chữa cháy như nhiệt độ cao, nhiều khói, khí độc, sụp đổ công trình...; dự kiến vị trí và số lượng người bị nạn trong khu vực cháy.
(12) Chiến, kỹ thuật chữa cháy: Căn cứ vào quy mô, diện tích, loại hình, tính chất, đặc điểm của đám cháy, chất cháy chủ yếu, dạng phát triển của đám cháy (giả định) và khả năng huy động lực lượng phương tiện để đề ra chiến thuật, kỹ thuật, phương pháp, biện pháp chữa cháy phù hợp
(13) Tính toán lực lượng, phương tiện chữa cháy: Trên cơ sở áp dụng chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy đối với tình huống cháy giả định, tính toán số lượng lực lượng, phương tiện, chất chữa cháy cần thiết để chữa cháy (tổ chức trinh sát, cứu người, hướng dẫn thoát nạn; làm mát, phá dỡ ngăn chặn cháy lan; cấp nước chữa cháy, cứu tài sản...) và phục vụ chữa cháy (xe thang, xe cứu thương, xe chở nước, xe máy xúc, máy ủi, xe cẩu, xe nâng...). Trường hợp tính toán lực lượng, phương tiện cần thiết để chữa cháy vượt quá khả năng đáp ứng của đơn vị, địa phương mình thì phải tính đến việc huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy của các đơn vị, cơ quan, tổ chức trong và ngoài địa phương để đề nghị người có thẩm quyền huy động.
(14) Lực lượng, phương tiện dự kiến huy động: Căn cứ vào kết quả tính toán ở (13) để ghi vào bảng thống kê lực lượng, phương tiện dự kiến huy động (kể cả của các đơn vị trong và ngoài công an hoặc của địa phương khác chi viện chữa cháy).
(15) Nhiệm vụ của lực lượng tại chỗ: Ghi tóm tắt nhiệm vụ chữa cháy sẽ phân công cho người chỉ huy và lực lượng chữa cháy tại chỗ, trong đó phải phối hợp với lực lượng cơ sở nắm rõ thông tin về tình trạng nguồn điện tại khu vực cháy; loại, số lượng chất cháy trong đám cháy, nhất là đối với các loại hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ, độc hại; các khu vực có khả năng phát sinh nổ; khai thác sử dụng các nguồn nước chữa cháy tại chỗ và bảo đảm công tác hậu cần phục vụ chữa cháy trong trường hợp chữa cháy lâu dài; tổ chức bảo vệ hiện trường phục vụ công tác điều tra nguyên nhân vụ cháy và khắc phục hậu quả vụ cháy.
(16) Nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy: Nêu rõ nhiệm vụ, vai trò của chỉ huy chữa cháy trong việc tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin về vụ cháy, tổ chức điều động, huy động lực lượng, phương tiện đi chữa cháy. Trường hợp xác định đám cháy có quy mô lớn, diễn biến phức tạp, kéo dài, người chỉ huy chữa cháy phải kịp thời đề xuất thành lập ban chỉ đạo chữa cháy để huy động lực lượng, phương tiện của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài địa phương chi viện chữa cháy theo thẩm quyền; thành lập ban chỉ huy, ban tham mưu chữa cháy, xác định số lượng và nhiệm vụ cụ thể của thành viên thuộc các ban. Khi đến hiện trường phải tổ chức chỉ huy chữa cháy theo quy định (tổ chức trinh sát đám cháy, nắm tình hình người bị nạn, quy mô, diễn biến của đám cháy, khai thác sử dụng các nguồn nước chữa cháy; xác định khu vực chữa cháy và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị tham gia chữa cháy; đề ra và tổ chức thực hiện các biện pháp chiến, kỹ thuật chữa cháy, cứu người theo từng giai đoạn phù hợp với tình hình lực lượng, phương tiện chữa cháy hiện có; kịp thời thông tin phối hợp với các lực lượng tham gia khác bảo đảm trật tự, giao thông, y tế, cấp nước, thông tin liên lạc, chiếu sáng, hậu cần bảo đảm phục vụ chữa cháy). Trường hợp chữa cháy lâu dài phải có phương án thay quân, bổ sung nhiên liệu, chất chữa cháy, thực phẩm, đồng thời tổ chức động viên tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy.
Bên cạnh việc tổ chức chữa cháy, chỉ huy chữa cháy phải chủ động tập hợp thông tin về vụ cháy phục vụ công tác báo cáo và truyền thông.
Khi đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn, chỉ huy chữa cháy phải tổ chức thu hồi lực lượng, phương tiện chữa cháy, tập hợp thông tin, thống kê phục vụ xây dựng báo cáo; phối hợp bảo vệ hiện trường, phục vụ công tác điều tra nguyên nhân vụ cháy.
(17) Nhiệm vụ của các lực lượng khác: Ghi rõ nhiệm vụ cơ bản sẽ phân công cho các lực lượng được huy động tham gia chữa cháy và thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến chữa cháy.
(18) Sơ đồ bố trí lực lượng phương tiện chữa cháy: Vẽ sơ đồ mặt bằng tổng thể cơ sở, trong đó thể hiện các công trình, đường giao thông, sông, hồ... giáp ranh; hướng gió chủ đạo; giao thông nguồn nước bên trong và chỉ dẫn nguồn nước bên ngoài cơ sở; vị trí phát sinh cháy; quy mô diện tích đám cháy; hướng phát triển của đám cháy; vị trí ban chỉ huy; hướng tấn công chính; bố trí lực lượng, phương tiện chữa cháy của các đơn vị tham gia... bằng các ký hiệu thống nhất theo quy định tại mẫu phương án này. Trường hợp tổ chức chữa cháy theo nhiều giai đoạn thì có thể trình bày bằng nhiều sơ đồ để thuận tiện khi khai thác sử dụng phục vụ công tác chỉ huy chữa cháy. Sơ đồ sử dụng khổ giấy A4 hoặc lớn hơn cho phù hợp.
(19) Phương án xử lý một số tình huống cháy đặc trưng: Đối với các cơ sở có các khu vực, hạng mục, công trình có tính chất hoạt động, công năng sử dụng tương tự nhau (như các lớp học, các bể chứa LPG, các phòng làm việc...) lựa chọn một khu vực, hạng mục, công trình đặc trưng làm tình huống giả định cháy để xây dựng phương án xử lý. Các tình huống sắp xếp theo thứ tự “Tình huống 1, 2, 3...”, nội dung từng tình huống được nêu tóm tắt tương tự như đối với tình huống cháy phức tạp nhất.
(20) Bổ sung, chỉnh lý phương án chữa cháy: Nếu nội dung bổ sung, chỉnh lý trong phương án có liên quan đến việc tổ chức chữa cháy của cơ sở.
(21) Theo dõi học và thực tập phương án chữa cháy: Sau mỗi lần tổ chức học tập, thực tập phương án chữa cháy phải ghi lại thông tin cơ bản về lần học tập, thực tập phương án đó.
(22) Quyền hạn, chức vụ của người phê duyệt phương án chữa cháy. Đối với phương án có huy động lực lượng, phương tiện của các cơ quan, tổ chức, quân đội của địa phương và lực lượng Công an của Công an cấp tỉnh các địa phương lân cận tham gia xử lý sẽ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt trực tiếp vào mục “Phê duyệt phương án”, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ có văn bản phê duyệt phương án riêng.
(23) Quyền hạn, chức vụ của người chỉ huy đơn vị tổ chức xây dựng và trình duyệt phương án chữa cháy (Đội, Phòng, Công an cấp huyện, Công an cấp tỉnh).
(24) Quyền hạn, chức vụ của người trực tiếp xây dựng phương án chữa cháy hoặc chủ trì xây dựng phương án chữa cháy;
(25) Số phương án chữa cháy do cơ quan Công an ghi theo số hồ sơ phê duyệt phương án chữa cháy (theo quy định của Bộ Công an về công tác hồ sơ, thống kê nghiệp vụ cảnh sát).
KÝ HIỆU DÙNG TRONG SƠ ĐỒ BỐ TRÍ LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN CHỮA CHÁY
Mẫu số PC19
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
ĐỀ NGHỊ
PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN CHỮA CHÁY CỦA CƠ SỞ
Kính gửi: …………(1)…………
Tên tôi là: ……………………………………………………………………………………
Số CCCD/CMND/Hộ chiếu: …………………….. cấp ngày: ……tháng……… năm……………….
Điện thoại: ………………………………Email: ……………………………………….
Chức vụ: ……………………………………………………………………………………
Đại diện cơ sở/khu dân cư/chủ phương tiện: …………………………………………………
Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………
Điện thoại: …………………….Email: ………………………………….
Đề nghị …………..(1)……………… phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở đối với: ………(3) …………………….
|
……., ngày … tháng … năm ….. |
Ghi chú:
(1) Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tiếp nhận hồ sơ;
(2) Quyền hạn, chức vụ của người ký;
(3) Tên cơ sở/khu dân cư/phương tiện.
Mẫu số PC20
…..(1)….. |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ..../LHĐ-.... |
………., ngày … tháng … năm ….. |
LỆNH HUY ĐỘNG/ĐIỀU ĐỘNG LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN VÀ TÀI SẢN THAM GIA HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
Căn cứ Nghị định số …../2020/NĐ-CP ngày …. tháng ….. năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Theo đề nghị của …………………..(3) ………………………..
Tôi:…………………………………..; Chức vụ: ………………………………………………
Cơ quan/đơn vị: ………………………………………………………………………………..
Yêu cầu ông/bà: ………………………………………………………………………………..
Đại diện cho cơ quan/tổ chức/hộ gia đình: ……………………………………………………
Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………….
Huy động/Điều động ngay lực lượng, phương tiện, tài sản thuộc phạm vi quản lý, gồm:
- Lực lượng: ………………………………………người;
- Phương tiện: ………………………………………………………………………………..
- Tài sản: ………………………………………………………………………………..
Có mặt tại: ………………………………………………………………………………..
trước …… giờ ……. phút, ngày …../….. /…… để …………….(4)………………….
Thời gian huy động/điều động (nếu có): đến ….. giờ ….. ngày....tháng……năm……../.
- Thời điểm phát lệnh: ....giờ .... phút, ngày …./..../….. |
….......(5)........... |
Ghi chú:
(1) Tên cơ quan chủ quản cấp trên;
(2) Tên cơ quan của người ra lệnh;
(3) Tên cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị huy động/điều động;
(4) Ghi cụ thể nhiệm vụ tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy;
(5) Quyền hạn, chức vụ của người ký.
Mẫu số PC21
……(1)…… |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …../…… |
…….., ngày … tháng …. năm ……. |
ĐỀ NGHỊ
KIỂM TRA, CẤP CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN
Kính gửi: ………………(3)………….
Đơn vị: ………………………….(2)……………………………………………………………..
Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………………
Điện thoại: ……………………………………………………………………………………………
Căn cứ Điều 33 Nghị định số ……./2020/NĐ-CP ngày …. tháng....năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Từ ngày …… tháng ….. năm.... đến ngày …. tháng … năm ……, ……….(2)…….. đã tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy/cứu nạn, cứu hộ cho …………(4)………. Địa điểm tổ chức: ……………………………………………………………….
Tổng số người được huấn luyện: ………….. (có danh sách kèm theo).
……………………(2)…………………. đề nghị …………………..(3)………………… tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả và cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy/cứu nạn, cứu hộ./.
|
………..(5)………. |
Ghi chú:
(1) Tên cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp (nếu có);
(2) Tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản;
(3) Tên cơ quan Công an kiểm tra, cấp Chứng nhận huấn luyện;
(4) Đối tượng đã được huấn luyện;
(5) Chức vụ của người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức, cơ sở.
DANH SÁCH ĐỀ NGHỊ
KIỂM TRA, CẤP CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN
(Kèm theo Công văn số: …………..ngày ....tháng.....năm…….. của ……….(2)...........)
TT |
Họ và tên |
Năm sinh |
Giới tính |
CCCD/ CMND/ Hộ chiếu |
Ngày cấp |
Nơi làm việc/ Thường trú |
Ghi chú |
|
Nam |
Nữ |
|||||||
1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
|
|
|
|
4 |
|
|
|
|
|
|
|
|
5 |
|
|
|
|
|
|
|
|
6 |
|
|
|
|
|
|
|
|
7 |
|
|
|
|
|
|
|
|
8 |
|
|
|
|
|
|
|
|
9 |
|
|
|
|
|
|
|
|
. . . |
|
|
|
|
|
|
|
|
Mẫu số PC22
……(1)…… |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …../…… |
…….., ngày … tháng …. năm ……. |
ĐỀ NGHỊ
HUẤN LUYỆN, KIỂM TRA, CẤP CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN
Kính gửi: ………….(3)………….
Đơn vị: ………………………………….(2)……………………………………………
Địa chỉ: ………………………………………………………………………………….
Điện thoại: ………………………………………………………………………………….
Căn cứ Điều 33 Nghị định số ……/2020/NĐ-CP ngày .....tháng …….. năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Đề nghị ………..(3)……………………….. tổ chức huấn luyện, kiểm tra và cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy/cứu nạn, cứu hộ cho ………….(4)…………….. với tổng số học viên là: …………(có danh sách kèm theo).
Thời gian dự kiến từ ngày ….. tháng …… năm.... đến ngày ....tháng...năm………/.
|
………..(5)…….. |
Ghi chú:
(1) Tên cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp (nếu có);
(2) Tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản;
(3) Tên cơ quan Công an kiểm tra, cấp Chứng nhận huấn luyện/cơ sở huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy;
(4) Đối tượng đăng ký huấn luyện, kiểm tra, cấp Chứng nhận;
(5) Chức vụ của người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức, cơ sở.
DANH SÁCH ĐỀ NGHỊ
HUẤN LUYỆN, KIỂM TRA, CẤP CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN
(Kèm theo Công văn số: ……… ngày ….. tháng.....năm……… của ……….(2)……….)
TT |
Họ và tên |
Năm sinh |
Giới tính |
CCCD/ CMND/ Hộ chiếu |
Ngày cấp |
Nơi làm việc/ Thường trú |
Ghi chú |
|
Nam |
Nữ |
|||||||
1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
|
|
|
|
4 |
|
|
|
|
|
|
|
|
5 |
|
|
|
|
|
|
|
|
6 |
|
|
|
|
|
|
|
|
7 |
|
|
|
|
|
|
|
|
8 |
|
|
|
|
|
|
|
|
9 |
|
|
|
|
|
|
|
|
... |
|
|
|
|
|
|
|
|
Mẫu số PC23
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
ĐỀ NGHỊ
HUẤN LUYỆN, KIỂM TRA, CẤP CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN
Kính gửi: ……………..(1)…………….
Tôi là: …………………………………………………………………………………………………
Ngày, tháng, năm sinh: ……………………………………………………………………………..
Số CCCD/CMND/Hộ chiếu: ………………………………. Ngày cấp:.....................................
Nơi làm việc/thường trú: …………………………………………………………………………..
Số điện thoại: …………………………………………………………………………..
Tôi xin đăng ký tham dự lớp huấn luyện nghiệp vụ:
- Phòng cháy, chữa cháy □
- Cứu nạn, cứu hộ □
Tôi xin chấp hành đầy đủ các quy định về tổ chức của lớp huấn luyện./.
|
………, ngày …. tháng …. năm …… |
Ghi chú:
(1) Ghi tên cơ quan tổ chức lớp huấn luyện.
Mẫu số PC24
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
ĐỀ NGHỊ
CẤP ĐỔI/CẤP LẠI CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN
Kính gửi: ……………..(1)…………….
Tôi là: …………………………………………………………………………………………………
Ngày, tháng, năm sinh: ……………………………………………………………………………..
Số CCCD/CMND/Hộ chiếu: ………………………………. Ngày cấp:.....................................
Nơi làm việc/thường trú: …………………………………………………………………………..
Số điện thoại: …………………………………………………………………………..
Ngày ….. tháng ….. năm ……….., tôi được …………….(1)…………….. cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy/cứu nạn, cứu hộ.
Do: Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ bị hư hỏng/mất.
Đề nghị quý cơ quan ……………….(2)…………….. Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy/cứu hạn, cứu hộ.
Tôi xin cam đoan những nội dung trên là đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật./.
|
………, ngày …. tháng …. năm …… |
Ghi chú:
(1) Ghi tên cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận huấn luyện;
(2) Ghi một trong các nội dung: Cấp đổi, cấp lại.
Mẫu số PC25
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy
Hồi ……….. giờ ……. phút, ngày … tháng …. năm ……. tại: …………………………………………
………………………………………………………………………………………………………………..
Chúng tôi gồm: ………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………………..
Đã tiến hành kiểm định chất lượng, chủng loại, mẫu mã phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo văn bản đề nghị kiểm định ngày …… tháng ……năm …… của ……….(1)………..
I. PHƯƠNG THỨC KIỂM ĐỊNH:
1. Mẫu thử nghiệm: ………………………………………………………………………………………..
………………………………………………………………………………………………………………..
2. Kiểm tra hồ sơ, tài liệu: ………………………………………………………………………………..
………………………………………………………………………………………………………………..
………………………………………………………………………………………………………………..
3. Kiểm định các thông số kỹ thuật của phương tiện phòng cháy và chữa cháy:
………………………………………………………………………………………………………………..
………………………………………………………………………………………………………………..
II. THIẾT BỊ KIỂM ĐỊNH:
………………………………………………………………………………………………………………..
………………………………………………………………………………………………………………..
III. KẾT QUẢ KIỂM ĐỊNH:
TT |
Tên, số hiệu, quy cách phương tiện |
Ký, mã hiệu |
Đơn vị tính |
Số lượng |
Nơi sản xuất |
Năm sản xuất |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
TT |
Nội dung kiểm định |
Đối chiếu về thông số kỹ thuật kiểm định |
Nhận xét đánh giá |
||
Theo QCVN/TCVN/quy định |
Tài liệu kỹ thuật |
Thực tế |
|||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
IV. KẾT LUẬN:
………………………………………………………………………………………………………………..
………………………………………………………………………………………………………………..
………………………………………………………………………………………………………………..
………………………………………………………………………………………………………………..
………………………………………………………………………………………………………………..
Biên bản được hoàn thành vào hồi....giờ …. phút ngày …. tháng …. năm……. và được lập thành …….. bản./.
NGƯỜI KIỂM ĐỊNH |
ĐẠI DIỆN CƠ QUAN/ĐƠN VỊ KIỂM ĐỊNH |
Ghi chú:
(1) Tên đơn vị trực tiếp sản xuất, lắp ráp, hoán cải trong nước hoặc nhập khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy đề nghị kiểm định.
Mẫu số PC26
….(1)…. |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …./……. |
………., ngày … tháng …. năm …….. |
…………(2)…………..
Kính gửi: …………(3)………………
Tên đơn vị đề nghị: ……………………………………………………………………………….
Địa chỉ: ……………………………………………………………………………….
Điện thoại: ………………………………..Email: …………………………………………….
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: ….. ngày …. tháng.... năm..., cơ quan cấp: …………. ……………………………………………………………
Họ tên người đại diện theo pháp luật: …………………………………………………………………
Chức vụ: ……………………………………………………………………………….
Số CCCD/CMND/Hộ chiếu: …………….. cấp ngày ....tháng …. năm ……………….,
Đề nghị Quý cơ quan ………(2)…………… cho phương tiện/lô phương tiện ghi tại bảng thống kê kèm theo./.
|
………….(4)………. |
Ghi chú:
(1) Tên đơn vị trực tiếp sản xuất, lắp ráp, hoán cải trong nước hoặc nhập khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy đề nghị kiểm định;
(2) Ghi “Kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy” đối với trường hợp kiểm định kỹ thuật; ghi “Kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy” đối với trường hợp kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
(3) Cơ quan Công an có thẩm quyền kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy;
(4) Quyền hạn, chức vụ của người ký.
BẢNG THỐNG KÊ
PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY ĐỀ NGHỊ KIỂM ĐỊNH
(Kèm theo Văn bản đề nghị của ……….(1)……….. ngày …. tháng …. năm ……..)
TT |
Tên, số hiệu, quy cách phương tiện |
Ký, mã hiệu |
Đơn vị |
Số lượng |
Nơi sản xuất |
Năm sản xuất |
Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Mẫu số PC27
….(1)…. |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …./……. |
………., ngày … tháng …. năm …….. |
ĐỀ NGHỊ
CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN KIỂM ĐỊNH PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
Kính gửi: ………(2)…………
Căn cứ kết quả kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện/lô phương tiện tại biên bản kiểm định ngày .... tháng ….. năm ….. của …...(3)……
Chúng tôi đề nghị …….(2)……… cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho phương tiện/lô phương tiện theo bảng thống kê kèm theo./.
|
………..(4)……… |
Ghi chú:
(1) Tên đơn vị trực tiếp sản xuất, lắp ráp, hoán cải trong nước hoặc nhập khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy đề nghị kiểm định;
(2) Tên cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp Giấy chứng nhận kiểm định;
(3) Tên cơ sở kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy;
(4) Quyền hạn, chức vụ của người ký.
BẢNG THỐNG KÊ
PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN KIỂM ĐỊNH VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
(Kèm theo Văn bản đề nghị ngày …. tháng.....năm…… của …………..(1)………..)
TT |
Tên, số hiệu, quy cách của phương tiện |
Ký, mã hiệu |
Đơn vị |
Số lượng |
Nơi sản xuất |
Năm sản xuất |
Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Mẫu số PC28
…..(1)….. |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Vào hồi …….. giờ …… ngày ….. tháng …. năm …… tại: ……………………………
Chúng tôi gồm:
1. Đại diện đơn vị kiểm định
- Ông/Bà: ……………………………; Chức vụ: ………………………………..
- Ông/Bà: ……………………………; Chức vụ: ………………………………..
2. Đại diện đơn vị đề nghị kiểm định:
- Ông/Bà: ……………………………; Chức vụ: ………………………………..
- Ông/Bà: ……………………………; Chức vụ: ………………………………..
Đã tiến hành kiểm đếm số lượng, lấy mẫu phương tiện phòng cháy, chữa cháy (PCCC) để kiểm định (theo văn bản đề nghị ngày ..... tháng …….. năm ………….), bao gồm:
TT |
Tên phương tiện PCCC |
Ký, mã hiệu |
Đơn vị tính |
Số lượng đề nghị kiểm định |
Ngày sản xuất /số lô (nếu có) |
Số lượng lấy mẫu |
Ghi chú |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
|
|
|
….. |
|
|
|
|
|
|
|
1. Phương pháp lấy mẫu: Theo TCVN ……………./QCVN ……………/Quy định kỹ thuật/Phương pháp ngẫu nhiên bảo đảm mẫu là đại diện cho lô phương tiện PCCC đề nghị kiểm định.
2. Tình trạng mẫu:
- Mẫu được niêm phong có sự chứng kiến của đại diện tổ chức, cá nhân đề nghị kiểm định.
- Số lượng phương tiện còn lại được niêm phong toàn bộ (có xác nhận của đại diện đơn vị lấy mẫu và đơn vị đề nghị kiểm định).
3. Thời gian kết thúc lấy mẫu: Hồi …… giờ ……. phút ngày …. tháng ….. năm…….
Biên bản đã được các bên thông qua và được lập thành 02 bản có giá trị như nhau, mỗi bên giữ 01 bản, được ký tên dưới đây./.
ĐẠI DIỆN ĐƠN VỊ |
ĐẠI DIỆN ……(2)…… |
NGƯỜI LẤY MẪU |
Ghi chú:
(1) Tên cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp (nếu có);
(2) Tên cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện kiểm định.
Mẫu số PC29
Ghi chú: Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy in trên giấy khổ A4; khung viền kép, hai nét đều nhau, màu đỏ; nền giấy màu xanh nhạt, ở giữa có hình Công an hiệu;
(1) Tên cơ quan chủ quản cấp trên;
(2) Tên đơn vị cấp giấy chứng nhận kiểm định;
(3) Đơn vị trực tiếp sản xuất, lắp ráp, hoán cải trong nước hoặc nhập khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
(4) Đơn vị thực hiện kiểm định kỹ thuật;
(5) Phương tiện phòng cháy, chữa cháy đề nghị kiểm định;
(6) Tên và địa chỉ của đơn vị trực tiếp sản xuất, lắp ráp, hoán cải trong nước hoặc nhập khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
(7) Quyền hạn, chức vụ của người ký.
BẢNG THỐNG KÊ
PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY ĐÃ ĐƯỢC KIỂM ĐỊNH
(Kèm theo Giấy chứng nhận kiểm định số ……., ngày …. tháng.....năm ……. của ……….(2)……)
TT |
Tên, số hiệu, quy cách của phương tiện |
Ký, mã hiệu |
Đơn vị |
Số lượng |
Nơi sản xuất |
Năm sản xuất |
Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Mẫu số PC30
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
ĐỀ NGHỊ
CẤP/CẤP ĐỔI/CẤP LẠI CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ TƯ VẤN VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
Kính gửi: …………(1)…………..
1. Họ và tên: ………………………………………Nam/Nữ: …………………..
2. Sinh ngày ……….. tháng………… năm…………… Nơi sinh: ………………………..
3. Quốc tịch: …………………………………………………………………………………….
4. Số CCCD/CMND/Hộ chiếu: ……………….., cấp ngày ….. tháng …. năm……..,
5. Nơi ở hiện nay: …………………………………………………………………………………….
6. Số điện thoại: …………………………………………………………………………………….
7. Trình độ chuyên môn (ghi rõ ngành đào tạo): ………………………………………………
8. Văn bằng, chứng chỉ đã được cấp: …………………………………………………………………
Đề nghị được cấp (hoặc cấp đổi/cấp lại) chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy trong các lĩnh vực: ……………..(2) …………………….. (có bảng khai kinh nghiệm công tác gửi kèm theo).
Tôi xin chịu trách nhiệm về nội dung trên và cam kết hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy theo đúng nội dung ghi trong chứng chỉ được cấp và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.
|
………, ngày …. tháng …. năm ……. |
Ghi chú:
(1) Tên cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy;
(2) Ghi lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ: Tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy, chỉ huy thi công về phòng cháy và chữa cháy.
Mẫu số PC31
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
BẢN KHAI KINH NGHIỆM CÔNG TÁC CHUYÊN MÔN
TRONG HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
1. Họ và tên: ……………………………………………………………………………………….
2. Quá trình hoạt động chuyên môn về phòng cháy và chữa cháy:
TT |
Thời gian |
Hoạt động phòng cháy và chữa cháy trong cơ quan, tổ chức |
Nội dung hoạt động phòng cháy và chữa cháy |
Tên cơ quan chủ đầu tư, địa điểm xây dựng |
(1) |
(2) |
(3) |
(4) |
(5) |
I |
Kinh nghiệm tư vấn thiết kế về phòng cháy và chữa cháy |
|||
1 |
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
II |
Kinh nghiệm tư vấn thẩm định về phòng cháy và chữa cháy |
|||
1 |
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
III |
Kinh nghiệm tư vấn giám sát về phòng cháy và chữa cháy |
|||
1 |
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
IV |
Kinh nghiệm tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy |
|||
1 |
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
V |
Kinh nghiệm thi công về phòng cháy và chữa cháy |
|||
1 |
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
Tôi xin cam đoan nội dung bản khai này là đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật./.
….., ngày…..tháng…..năm….. |
....., ngày….tháng…..năm….. |
Ghi chú:
(1) Số thứ tự;
(2) Ghi rõ từ tháng, năm... đến tháng, năm...;
(3) Ghi rõ tên cơ quan, tổ chức đã hoạt động;
(4) Ghi rõ tên công trình đã được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế hoặc văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy và nội dung hoạt động phòng cháy và chữa cháy (thiết kế hoặc thẩm định hoặc thi công hoặc giám sát về phòng cháy và chữa cháy); vai trò chủ trì hay tham gia.
Mẫu số PC32
CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ
TƯ VẤN VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
Trách nhiệm của người 1. Chỉ được nhận và thực hiện các hoạt động tư vấn về phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi của chứng chỉ này. 2. Tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy và các quy định của pháp luật có liên quan. 3. Không được cho người khác thuê, mượn hoặc sử dụng chứng chỉ này để hành nghề. 4. Không tẩy xóa, sửa chữa chứng chỉ. 5. Xuất trình khi có yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền./. |
|
BỘ CÔNG AN
CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ TƯ VẤN |
Ghi chú: Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy in trên giấy khổ A5, nền giấy mặt ngoài màu vàng nhạt; nền giấy mặt trong màu xanh nhạt, ở giữa có hình Công an hiệu.
(1) Ghi nội dung lĩnh vực hành nghề về phòng cháy và chữa cháy: Tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật, chỉ huy thi công về phòng cháy và chữa cháy.
(2) Quyền hạn, chức vụ của người ký.
Mẫu số PC33
….(1)….. |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
ĐỀ NGHỊ CẤP/CẤP ĐỔI/CẤP LẠI GIẤY XÁC NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
Kính gửi: ………….(2)……………
…………………………………………………………(1)……………………………………………….
Địa chỉ …………………………………………………………………………………………………..
Điện thoại: ……………………………..Fax: …………………………………………
……………………(3)………………………. số: ……………………………………………………..
Người đại diện theo pháp luật là ông/bà: ………………………………………………………….
Chức vụ: …………………………………………………………………………………………………..
CCCD/CMND/Hộ chiếu: ……………………………………cấp ngày: …………………………..
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: ……………………………………………………………….
Đề nghị quý cơ quan xem xét cấp/cấp đổi/cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy cho: …………………(1) …………………. trong các lĩnh vực sau: ……………….(4) ……………………………..
Tôi cam kết thực hiện, bảo đảm và duy trì liên tục các điều kiện theo quy định như đã được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy xác nhận; đồng thời, có trách nhiệm thông báo kịp thời cho quý cơ quan biết về những thay đổi có liên quan đến điều kiện về phòng cháy và chữa cháy đã được xác nhận./.
|
…………., ngày …. tháng …. năm ….. |
Ghi chú:
(1) Tên cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy;
(2) Cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy xác nhận;
(3) Ghi tên một trong những loại văn bản sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy phép hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam; Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; văn bản thành lập hoặc cho phép hoạt động kèm theo văn bản thông báo mã số thuế đối với đơn vị sự nghiệp;
(4) Ghi rõ lĩnh vực hoạt động (tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy; tư vấn chuyển giao công nghệ phòng cháy và chữa cháy; huấn luyện, hướng dẫn nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy; thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy; sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy; kinh doanh phương tiện, thiết bị, vật tư phòng cháy và chữa cháy);
(5) Chức vụ của người đề nghị.
Mẫu số PC34
DANH MỤC NGÀNH, NGHỀ
ĐƯỢC PHÉP KINH DOANH DỊCH VỤ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
(Kèm theo Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy số .... /GXN-PCCC ngày tháng..... năm... của………..)
TT |
Ngành, nghề được phép kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy |
Mã ngành |
Ghi chú |
1 |
|
|
……..(6)………. |
2 |
|
|
|
3 |
|
|
|
4 |
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú: Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy in trên giấy khổ A4; khung viền kép, hai nét đều nhau, màu đỏ; nền giấy màu xanh nhạt, ở giữa có hình Công an hiệu.
(1) Tên cơ quan cấp trên trực tiếp;
(2) Tên cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp giấy xác nhận;
(3) Tên cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy;
(4) Ghi tên một trong các loại văn bản sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy phép hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam; Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; văn bản thành lập hoặc cho phép hoạt động kèm theo văn bản thông báo mã số thuế đối với đơn vị sự nghiệp;
(5) Quyền hạn, chức vụ của người ký;
(6) Liệt kê các phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy được phép kiểm định (đối với trường hợp kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy).
Mẫu số PC35
….(1)….. |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …./QĐ-…… |
……., ngày …. tháng …. năm …… |
Thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy
…………………(3)………………..
Căn cứ Nghị định số ……./2020/NĐ-CP ngày …. tháng.....năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ ……………………….(4) …………………………………………….
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy số ……………/GXN-PCCC cấp ngày ….. tháng ….. năm…….. đối với: ………….(5)............
Điều 2. ………….(5)………….. phải nộp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy số ………../GXN-PCCC cấp ngày … tháng …. năm ……. cho ……….(2)…….. trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. ………….(5)………………… chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
............(6)……….. |
Ghi chú:
(1) Tên cơ quan cấp trên trực tiếp;
(2) Tên cơ quan Công an có thẩm quyền;
(3) Chức vụ của người đứng đầu cơ quan Công an có thẩm quyền;
(4) Thông báo về việc giải thể/phá sản của cơ sở hoặc biên bản kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy;
(5) Tên cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy;
(6) Quyền hạn, chức vụ của người ký;
(7) Cơ quan đăng ký doanh nghiệp hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép cơ sở kinh doanh hoạt động.
THE GOVERNMENT |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 136/2020/ND-CP |
Hanoi, November 24, 2020 |
PROVIDING GUIDELINES FOR A NUMBER OF ARTICLES OF LAW ON FIRE PREVENTION AND FIGHTING AND LAW ON AMENDMENTS TO LAW ON FIRE PREVENTION AND FIGHITNG
Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015 and Law on Amendments to Law on Government Organization and Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;
Pursuant to the Law on People’s Public Security Force dated November 20, 2018;
Pursuant to the Law on Fire Prevention and Fighting dated June 29, 2001 and Law on Amendments to Law on Fire Prevention and Fighting dated November 22, 2013;
At the request of the Minister of Public Security;
The Government hereby promulgates a Decree providing guidelines for a number of Articles of Law on Fire Prevention and Fighting and Law on Amendments to Law on Fire Prevention and Fighting.
This Decree provides for fire prevention and fighting, organization of fire prevention and fighting forces and equipment, fire prevention and fighting service business, funding for fire prevention and fighting, responsibilities of ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies and People’s Committees at all levels for fire prevention and fighting.
This Decree is applicable to regulatory bodies, organizations, households and individuals operating and/or living in the territory of the Socialist Republic of Vietnam.
Promulgated together with this Decree are the following appendixes:
1. Appendix I: List of facilities requiring fire management
2. Appendix II: List of facilities at risk of fire or explosion
3. Appendix III: List of facilities under police management
4. Appendix IV: List of facilities under management of commune-level People’s Committees
5. Appendix V: List of projects, works and motor vehicles requiring appraisal of fire safety design
6. Appendix VI: List of fire prevention and firefighting equipment
7. Appendix VII: List of fire prevention and firefighting equipment requiring inspection
8. Appendix VIII: Specifications of signal flags, signage, armband and tape used in firefighting operations
9. Appendix IX: Forms used in firefighting operations
Article 4. Facilities requiring fire management
1. The facilities the definition of which is provided for in Clause 3 Article 3 of the 2001 Law on Fire Prevention and Fighting, which is amended according to Clause 1 Article 1 of the 2013 Law on Amendments to Law on Fire Prevention and Fighting (hereinafter collectively referred to as “Law on Fire Prevention and Fighting”), are subject to fire management.
A regulatory body or an organization may have one or more than one facility; multiple regulatory bodies and/or organizations may be located on the premises of one facility.
2. List of facilities requiring fire management is provided for in Appendix I enclosed therewith.
Article 5. Fire safety requirements applicable to facilities
1. Any facility mentioned in the list in Appendix III enclosed therewith must satisfy the following fire safety requirements:
a) Regulations, prohibition signs, signage, plans or instruction signs concerning fire prevention, fighting and escape are provided in accordance with fire prevention and fighting regulations and standards or regulations of the Ministry of Public Security;
b) There are internal and specialized firefighting forces suitable for the facility’s characteristics and having received training in fire prevention and fighting operation, and on-site combat-ready firefighters according to regulations, excluding the case provided for in Point g Clause 2 Article 31 herein;
c) There is a firefighting plan approved by the competent authority.
d) Power system, lightning protection system, antistatic system, electrical equipment, spark-generating equipment, heat-generating equipment, and the use of fire sources and heat sources must ensure fire safety in accordance with regulations and standards on fire prevention and fighting or regulations of the Ministry of Public Security;
dd) There are sufficient and quality traffic system, water supply system and communication system supporting fire fighting, system for management of database on fire prevention and fighting, incident notification system, fire alarm system, firefighting system, fire blocking system, smoke blocking system, fire escape system, other fire prevention and fighting equipment, and rescue equipment in accordance with regulations and standards on fire prevention and fighting or regulations of the Ministry of Public Security;
e) The fire safety and firefighting authority (hereinafter referred to as “firefighting authority”) has issued a certificate of design appraisal and design appraisal document (if any) and written approval of fire safety commissioning results for projects and works included in the list in Appendix V enclosed therewith, excluding national defense facilities operating for military purpose and motor vehicles subject to special fire safety requirements manufactured or converted for military purpose by national defense facilities.
2. Any facility mentioned in the list in Appendix IV enclosed therewith must satisfy the following fire safety requirements:
a) The requirements in Points a, c and d Clause 1 herein; a certificate of design appraisal and design appraisal document (if any) and written approval of fire safety commissioning results are required for the facilities included in the list in Appendix V enclosed therewith;
b) There are sufficient and quality traffic system, water supply system and communication system supporting fire fighting, fire alarm system, firefighting system, fire blocking system, smoke blocking system, fire escape system, other fire prevention and fighting equipment, and rescue equipment in accordance with technical regulations and standards on fire prevention and fighting or regulations of the Ministry of Public Security;
c) There are fire prevention and fighting regulations and task assignment. Persons in charge of fire prevention and fighting must join training and refresher courses on fire prevention and fighting operation according to regulations in Article 33 of this Decree.
3. Any regulatory body or organization located on the premises of a facility having satisfied the fire safety requirements in Clauses 1 and 2 herein shall perform the following tasks intra vires:
a) Ensure compliance with the requirements in Point a Clause 1 herein;
b) Use electrical equipment, spark-generating equipment, heat-generating equipment, fire sources and heat sources in accordance with fire safety requirements;
c) Assign persons to the facility’s internal firefighting force;
d) Cooperate with the facility head in complying with fire safety requirements intra vires.
4. Heads of the facility and the regulatory body/ies and/or organization(s) located on the premises thereof must ensure that the fire safety requirements in Clauses 1, 2 and 3 herein are satisfied before putting the facility to operation and throughout the facility's operation.
In case multiple regulatory bodies and/or organizations are located on the premises of one facility, the facility head shall take charge in managing and maintaining compliance with fire safety requirements in the whole facility.
5. There are documents supporting management and monitoring of fire prevention and fighting of the facilities included in the lists in Appendix III and Appendix IV enclosed therewith, which are formulated and retained by facility heads. The components of these documents are provided for by the Ministry of Public Security.
Article 6. Fire safety requirements applicable to residential areas
1. A residential area is a place where individuals and households live as parts of a village, hamlet, mountain village, neighborhood and equivalent residential unit (hereinafter collectively referred to as “village”). A village is a residential area subject to fire management.
2. Residential areas must satisfy the following fire safety requirements:
a) Regulations on fire prevention and fighting and use of electricity, fire, flammable materials and explosives are provided in accordance with technical regulations and standards on fire prevention and fighting or regulations of the Ministry of Public Security;
b) There are sufficient and quality traffic system, water supply for firefighting, fire spread preventing solutions and, fire prevention and fighting equipment in accordance with technical regulations and standards on fire prevention and fighting or regulations of the Ministry of Public Security;
c) There is a firefighting plan approved by the competent authority.
d) There are a neighborhood having received training in fire prevention and fighting operation and on-site combat-ready firefighters.
3. Chairpersons of commune-level People’s Committees must organize and maintain compliance with the fire safety requirements in Clause 2 throughout the existence of the residential areas.
Article 7. Fire safety requirements applicable to households
1. Households must satisfy the fire safety requirements in Clause 1 Article 17 of the Law on Fire Prevention and Fighting.
2. Households engaging in business operations must satisfy the following fire safety requirements:
a) The requirements in Clause 1 herein;
b) Regulations on fire prevention and fighting and use of electricity, fire, flammable materials and explosives are provided in accordance with technical regulations and standards on fire prevention and fighting or regulations of the Ministry of Public Security;
c) There are solutions for fire escape, fire spread prevention and smoke blocking between the living quarters and the business area.
3. Household heads must organize and maintain compliance with the fire safety requirements in Clauses 1 and 2 herein throughout the existence of the households.
4. The households mentioned in Clause 2 herein and issued with the enterprise registration certificate must satisfy the fire safety requirements corresponding to the type of enterprise that they are according to regulations in Article 5 of this Decree.
Article 8. Fire safety requirements applicable to motor vehicles
1. Road motor vehicles with at least 04 seats must meet conditions for inspected operation; and materials and goods on the vehicles must be arranged in compliance with fire safety requirements.
Road motor vehicles with more than 09 seats, inland watercrafts and railway vehicles must satisfy the following requirements:
a) Regulations, prohibition signs, signage and instruction signs are provided in accordance with fire prevention and fighting regulations and standards or regulations of the Ministry of Public Security;
b) The power system, fuel, materials and goods on these vehicles must be arranged in compliance with fire safety requirements;
c) There are sufficient and quality firefighting equipment appropriate to the characteristics and operations of the vehicles in accordance with regulations and standards on fire prevention and fighting or regulations of the Ministry of Public Security;
d) There are fire prevention and fighting regulations and task assignment and on-site combat-ready firefighters.
2. The motor vehicles subject to special fire safety requirements mentioned in section 21 in Appendix V enclosed therewith must comply with the following fire safety requirements and maintain such compliance:
a) The requirements in Clause 1 herein;
b) The firefighting authority has issued a certificate of design appraisal and design appraisal document (if any) and written approval of fire safety commissioning results, excluding motor vehicles subject to special fire safety requirements manufactured or converted for military purpose by national defense facilities;
c) There is a firefighting plan approved by the vehicle owner.
3. A motor vehicle may transport goods posing fire or explosion hazard on the road, inland waterway or railway when it has obtained the permit for transport of goods posing fire or explosion hazard issued by the police authority according to regulations of laws on road, inland waterway and railway transport of dangerous goods (excluding cases within the competence of the Ministry of National Defense) and must comply with the following fire safety requirements and maintain such compliance:
a) The requirements in Clause 1 herein;
b) The vehicle’s motor must be separated from the cargo compartment by fire-resistant materials or buffer chamber as per regulations;
c) The motor’s exhaust pipe must be covered and ensure fire and explosion safety;
d) The floor and structure of the cargo compartment and other areas of the vehicle at fire and explosion risk must be made of fire-resistant materials;
dd) Technical safety and environmental protection requirements per regulations;
e) Road vehicles transporting liquids posing fire or explosion hazard must be grounded;
g) Road motor vehicles must bear signage of goods posing fire and explosion hazards (Form No. PC01) on the windshield; railway vehicles must bear signage of goods posing fire and explosion hazards (Form No. PC01) on both of their sides throughout the transport process;
h) Inland watercrafts must fly the letter B signal flag in the day and set up red signal light at night throughout the transport process. Specifications and standards of the signal flag and light are provided for by the Ministry of Transport.
4. Drivers and crewmembers of vehicles transporting passengers and goods posing fire and explosion hazards shall comply with the following requirements:
a) Drivers must have a driving license according to regulations of laws on road, inland waterway and railway transport;
b) Drivers and crewmembers of motor passengers vehicles with more than 29 seats and motor vehicles transporting goods posing fire and explosion hazards shall participate in training and refresher courses on fire prevention and fighting according to regulations in Article 33 herein.
Article 9. Issuance of licenses to transport goods posing fire and explosion hazards and transport of goods posing fire and explosion hazards
1. Applications and procedures for issuance of licenses to transport goods posing fire and explosion hazards of classes 1, 2, 3, 4 and 9 by road motor vehicles and by inland waterways are provided for in the Government’s Decree No. 42/2020/ND-CP dated April 08, 2020 on list of dangerous goods, transport of dangerous goods by land motor vehicles and transport of dangerous goods by inland waterways (hereinafter referred to as “Decree No. 42/2020/ND-CP”).
2. An application for the license to transport goods posing fire and explosion hazards by railway includes:
a) An application for the license to transport goods posing fire and explosion hazards (Form No. PC02);
b) Certified true copy (or copy together with the authentic copy for comparison) of the enterprise registration certificate of the applicant, which proves that the applicant is permitted to trade or transport dangerous goods;
c) List of goods posing fire and explosion hazards and weight and transport route thereof (route start and end); list of escorts;
d) Copy certified by the enterprise of the transport contract or written agreement on transport of goods posing fire and explosion hazards by railway between the consignor and the rail transport enterprise;
dd) Plan for incident prevention and response during transport of goods posing fire and explosion hazards bearing the signature and seal of the applicant;
e) Plan for vehicle cleaning and assurance of environmental protection requirements post-transport according to existing regulations on environmental protection.
3. The applicant shall submit 01 application prepared per Clause 2 herein to the competent authority in one of the following ways:
a) Directly at the single-window unit of the competent authority;
b) Online via the public service portal of the competent authority (documents included in state secret lists shall be submitted in compliance with regulations of laws on state secret protection);
c) By public postal service, service provided by an enterprise or individual or authorization as prescribed by law.
4. The official receiving the application shall check its components and validity and perform the following tasks:
a) If the application is adequate and valid according to regulations in Clause 2 herein, receive it and fill out the acknowledgement of receipt of application for administrative procedure concerning fire prevention and fighting (using Form No. PC03) (hereinafter referred to as “acknowledgement of application receipt”);
b) If the application is inadequate or invalid according to regulations in Clause 2 herein, instruct the applicant on how to complete the application as per regulations and fill out the written instruction on revision of application for administrative procedure concerning fire prevention and fighting (using Form No. PC04) (hereinafter referred to as “application revision instruction”).
5. Announcement of application processing results:
a) If the application is submitted directly at the single-window unit of the competent authority, the official receiving it shall give 01 copy of the acknowledgement of application receipt or application revision instruction to the applicant and retain 01 copy;
b) If the application is submitted via the public service portal of the competent authority, the official receiving the application shall send a notification of application receipt or instruction on application revision to the applicant via email or text message;
c) If the application is submitted by public postal service, the service of an enterprise and individual or authorization as per the law, the official receiving it shall send 01 copy of the acknowledgement of application receipt or application revision instruction to the applicant and retain 01 copy.
6. The person sent to submit the application by the applicant must have a letter of introduction or letter of authorization and present their unexpired identity card or passport.
7. Within 05 working days starting from the date of receipt of a valid application, the competent authority shall inspect the vehicle’s fire safety based on the requirements stated in Clause 3 Article 8 herein, consider and issue the license to transport goods posing fire and explosion hazards (using Form No. PC05) and signage of goods posing fire and explosion hazards (using Form No. PC01). If the application is rejected, the competent authority must provide an explanation in writing.
8. Competence in issuance of licenses to transport goods posing fire and explosion hazards by road, inland waterway or railway:
a) Fire safety, firefighting, and rescue authorities affiliated to provincial police authorities (hereinafter referred to as “fire departments”) have the power to issue the license to transport goods posing fire and explosion hazards to vehicles of applicants whose business premises are located in and vehicles operating in areas under their management;
b) District-level police authorities have the power to issue the license to transport goods posing fire and explosion hazards to vehicles of applicants whose business premises are located in and vehicles operating in areas under their management and beyond the competence of fire departments and to cases authorized by fire departments.
9. Licenses to transport goods posing fire and explosion hazards may be used across the country and shall be used once for vehicles operating under a charter agreement; shall remain valid for no more than 24 months for vehicles transporting goods posing fire and explosion hazards per a transport plan or agreement within the effective period of the inspection certificate for compliance with technical safety and environmental protection requirements (for road motor vehicles), certificate for compliance with technical safety and environmental protection requirements (for inland watercrafts) or certificate for compliance with quality, technical safety and environmental protection requirements (for railway vehicles).
10. Transport of goods posing fire and explosion hazards by road motor vehicles, inland watercrafts and railway vehicles shall adhere to regulations of Decree No. 42/2020/ND-CP and the Government’s Decree No. 65/2018/ND-CP dated May 12, 2018 elaborating some Articles of Law on Railway Transport.
Article 10. Fire safety requirements applicable to formulation of or amendment to planning for construction of cities, economic zones, industrial parks, industry clusters, export-processing zones, hi-tech parks and other functional zones according to Law on Planning
Requirements for formulation of or amendment to planning for construction of cities, economic zones, industrial parks, industry clusters, export-processing zones, hi-tech parks and other functional zones according to the Law on Planning:
1. Building sites of works and work clusters, land areas and land lots must be located in a manner that prevents fire from spreading and minimizes the effects of heat, smoke, dust and noxious gases produced by fire on surrounding residential areas and works.
2. Size and load capacity of transport systems and spaces must enable firefighting operations of motor firefighting equipment.
3. Firefighting water supply; communication systems and power supply must be available for firefighting activities and fire incident reporting.
4. Building sites of premises of firefighting authorities must be located according to regulations of technical regulations and standards on construction planning.
5. All projects must make a cost estimate for fire prevention and fighting items.
Article 11. Fire safety requirements applicable to development of projects on and designs for construction or renovation or repurposing of works
Development of projects on and designs for construction or renovation or repurposing of works and work items (hereinafter collectively referred to as “works”) must be compliant with fire safety regulations and standards. To be specific:
1. Building sites of works must ensure adequate fire safety separation distance from surrounding works.
2. Every work must have a fire resistance level appropriate to its size and purpose; and have solutions for fire safety and preventing fire from spreading to other items of the work and between the work and another work.
3. Production technology, power system, lightning protection system, antistatic system and explosion protection system of works and locations of technical systems and equipment must adhere to fire safety requirements.
4. Fire escape routes, lighting and instructions and fire alarm signals; smoke exhaust ventilation systems; and rescue equipment must ensure fast and safe escape.
5. Size and load capacity of transport systems and parking lots must enable firefighting operations of motor firefighting equipment; firefighting water supply must enable firefighting activities.
6. Quantities, locations and technical specifications of fire alarm and firefighting systems and other firefighting equipment of every work must be appropriate to the characteristics and purpose of the work.
Article 12. Funding for fire safety in investment and construction
1. Funding for fire safety in investment and construction includes funding for the fire safety items mentioned in Articles 10 and 11 of this Decree and other amounts of funding for development of fire safety design projects and appraisal, testing, inspection, construction and commissioning in relation to fire safety.
2. Funding for fire safety in investment and construction must be allocated during the stage of work design and investment project development.
Article 13. Development and appraisal of fire safety design
1. Construction, renovation or repurposing of projects and works and manufacturing or conversion of motor vehicles subject to special fire safety requirements must comply with fire prevention and fighting regulations and standards. Planning schemes and construction design dossiers of projects, works and motor vehicles mentioned in Appendix V enclosed therewith shall be formulated by units eligible according to regulations and are subject to fire safety design appraisal.
2. Fire safety design appraisal refers to inspection and comparison of design content and solutions of projects, works and motor vehicles subject to special fire safety requirements with standards and regulations of Vietnamese law related to fire prevention and fighting or foreign and international standards on fire prevention and fighting applicable in Vietnam carried out by competent authorities following the procedure stipulated by law.
Fire safety design appraisal results shall provide a basis for consideration and planning approval, project approval, construction design appraisal and construction permit granting.
3. Fire safety designs of the following subjects require appraisal:
a) Schemes for or amendments to planning for construction of cities, economic zones, industrial parks, industry clusters, export-processing zones, hi-tech parks and other functional zones according to the Law on Planning;
b) Projects and works which are mentioned in Appendix V enclosed therewith and the construction, renovation or repurposing of which affects one of the fire safety conditions provided for in Point b Clause 5 herein;
c) Motor vehicles subject to special fire safety requirements which are mentioned in Section 21 of Appendix V enclosed therewith and the manufacturing or conversion of which affects one of the fire safety conditions provided for in Point c Clause 5 herein.
4. Components of applications for fire safety design appraisal:
a) For application for feedback on construction planning scheme: application for consideration of and feedback on fire safety solution of entity formulating the planning (made using Form No. PC06); documents and detailed planning drawings at a scale of 1/2000 (for industrial parks of more than 20ha) or 1/500 (for the remaining cases) showing requirements for fire safety solutions mentioned in Clauses 1, 2, 3 and 4 Article 10 herein;
b) For application for building site approval prior to design of independent works posing fire or explosion hazard and mentioned in Sections 15 and 16 of Appendix V enclosed therewith (excluding internal filling stations and gas using facilities): application for building site approval by investor (made using Form No.06), and letter of authorization per the law if the investor authorizes another unit to carry out this task; certificate of land use rights or written proof of lawful land use rights for land of the project/work; drawings and documents showing current topographic conditions of the land relevant to fire safety such as fire resistance level of the work, distance between the work and surrounding works, wind direction and height of the work;
c) For application for feedback on fundamental design of project/work: application for consideration of and feedback on fire safety solution of investor (made using Form No. PC06), and letter of authorization per the law if the investor authorizes another unit to carry out this task; decision to approve construction investment guidelines (for state-funded projects); written approval of construction investment guidelines (if any) or investment registration certificate (if any) or certificate of land use rights or written proof of lawful land use rights (for the remaining cases); certificate of eligibility for fire prevention and fighting service business of fire safety design consultancy unit; fundamental design description and drawings showing requirements for fire safety solutions mentioned in Article 11 herein;
d) For application for appraisal of technical design or construction drawing design: application for appraisal of fire safety design of investor (made using Form No. PC06), and letter of authorization per the law if the investor authorizes another unit to carry out this task; written feedback on fundamental fire safety design from the firefighting authority (if any); decision to approve construction investment guidelines (for state-funded projects); written approval of construction investment guidelines (if any) or investment registration certificate (if any) or certificate of land use rights or written proof of lawful land use rights (for the remaining cases); certificate of eligibility for fire prevention and fighting service business of fire safety design consultancy unit; cost estimate for construction of work; drawings and description of technical design or construction drawing design showing fire safety requirements mentioned in Article 11 herein; copies of design appraisal certificate, design appraisal document, drawing bearing seal of fire safety appraisal (for renovation/amended design dossiers); document on construction design appraisal by construction authority (if any);
dd) For application for appraisal of technical design of motor vehicle subject to special fire safety requirements: application for appraisal of fire safety design of investor/vehicle owner (made using Form No. PC06), and letter of authorization per the law if the investor/vehicle owner authorizes another unit to carry out this task; certificate of eligibility for fire prevention and fighting service business of fire safety design consultancy unit; estimated investment in vehicle; technical design description and drawings showing fire safety requirements mentioned in Points b and c Clause 1 and Points b, c, d and e Clause 3 Article 8 herein;
e) Documents included in these applications shall be the authentic copy or certified or notarized true copy or copy/photocopy submitted together with its authentic copy for comparison. The design description and drawing must be certified by the applicant. For applications in a foreign language, a Vietnamese translation must be provided and the applicant shall take responsibility for the content of the translation.
5. Appraised items:
a) For planning schemes: compliance of planning schemes with regulations in Clauses 1, 2, 3 and 4 Article 10 herein;
b) For projects and works: compliance of their designs with existing regulations on the following matters: list of regulations and standards on fire prevention and fighting, technical documents, technical instructions and technologies applicable to work design; roads for fire trucks, fire safety separation distance from surrounding works; water supply for fire fighting; fire resistance levels, fire and explosion hazard classes and purpose-based space division related to fire prevention and fighting; solutions for fire and fire spread prevention; smoke dispersion solutions; escape solutions; solutions for rescue and rescue support; plans for lightning and static prevention; solutions for supply of power to fire prevention and fighting system and other technical systems relevant to fire prevention and fighting; fire alarm and firefighting systems and firefighting equipment of works;
c) For motor vehicles subject to special fire safety requirements: fire safety solutions suitable for characteristics of operations and fire and explosion hazards of vehicles; conditions for fire prevention, fire spread prevention, escape and human rescue during fire; fire safety solutions applicable to power system, fuel system and engine; fire alarm and firefighting systems and other firefighting equipment; systems and equipment for detection and handling of leakage of gases and liquids posing fire and explosion hazards;
d) For construction or renovation of fire prevention and fighting systems or equipment of works having undergone commissioning and been put into use according to regulations: fire safety design of the constructed or renovated parts of the fire prevention and fighting systems or equipment.
6. The applicant shall submit 01 application prepared according to Clause 4 herein to the competent authority mentioned in Clause 12 herein in one of the following ways:
a) Directly at the single-window unit of the competent authority;
b) Online via the public service portal of the competent authority (documents included in state secret lists shall be submitted in compliance with regulations of laws on state secret protection);
c) By public postal service, service provided by an enterprise or individual or authorization as prescribed by law.
7. The official receiving the application shall check its components and validity and perform the following tasks:
a) If the application is adequate and valid according to regulations in Clause 4 herein, receive it and fill out the acknowledgement of application receipt (using Form No. PC03);
b) If the application is inadequate or invalid according to regulations in Clause 4 herein, instruct the applicant on how to complete the application as per regulations and fill out the application revision instruction (using Form No. PC04).
8. Announcement of application processing results:
a) If the application is submitted directly at the single-window unit of the competent authority, the official receiving it shall give 01 copy of the acknowledgement of application receipt or application revision instruction to the applicant and retain 01 copy;
b) If the application is submitted via the public service portal of the competent authority, the official receiving the application shall send a notification of application receipt or instruction on application revision to the applicant via email or text message;
c) If the application is submitted by public postal service, the service of an enterprise and individual or authorization as per the law, the official receiving it shall send 01 copy of the acknowledgement of application receipt or application revision instruction to the applicant and retain 01 copy;
d) If an application is invalid (the applying project or work does not require fire safety design appraisal according to regulations in Appendix V enclosed therewith or the receiving authority is not competence in appraising fire safety design of the applying project or work according to regulations in Clause 12 herein), the receiving authority shall notify the applicant that the application is rejected within the time limit prescribed in Clause 10 herein in writing and in the way in which the applicant sent their application.
9. The person sent to submit the application by the applicant must have a letter of introduction or letter of authorization and present their unexpired identity card or passport.
10. Time limit for fire safety design appraisal:
Time limit for fire safety design appraisal starting from the date of receipt of a valid and adequate application:
a) For construction planning schemes: no later than 05 working days;
b) Building site approval: no later than 05 working days;
c) Fundamental designs: no later than 10 working days for projects of national importance and group A projects; no later than 05 working days for the remaining projects;
d) Technical designs or construction drawing designs: no later than 15 working days for projects and works of national importance and group A projects and works; no later than 10 working days for the remaining projects and works;
dd) Technical designs of motor vehicles subject to special fire safety requirements: no later than 10 working days.
11. Results of fire safety design appraisal:
a) For planning schemes: firefighting authorities shall give their feedback on fire safety solutions in writing;
b) For building site approval: firefighting authorities shall approve of the building sites in writing;
c) For fundamental designs: firefighting authorities shall give their feedback on fire safety solutions in writing;
d) For technical designs or construction drawing designs and technical designs of motor vehicles subject to special fire safety requirements: firefighting authorities shall issue the certificate of fire safety design appraisal (made using Form No. PC07) and stamp the seal of fire safety design appraisal (made using Form No. PC08) on appraised descriptions and drawings and return these documents to applicants. Every applicant shall submit a file containing the photocopy or copy of the application bearing the seal of appraisal to the firefighting authority carrying out the appraisal for retention purpose according to regulations before receiving the certificate of fire safety design appraisal;
For technical designs or construction drawing designs of renovation or repurposing of works or conversion of motor vehicles subject to special fire safety requirements: firefighting authorities shall approve of the fire safety design (using Form No.08) in writing and stamp the seal of fire safety design appraisal (made using Form No. PC08) on appraised descriptions and drawings and return these documents to applicants. Every applicant shall submit a file containing the photocopy or copy of the application bearing the seal of appraisal to the firefighting authority carrying out the appraisal for retention purpose according to regulations before receiving the written approval of fire safety design appraisal;
dd) If firefighting authorities do not announce the results provided for in Points a, b, c and d herein, they shall provide a written explanation and return the applications to applicants within the time limit prescribed in Clause 10 herein.
12. Competence in fire safety design appraisal:
a) Police Department of Fire Prevention and Firefighting and Rescue has the power to appraise fire safety designs of projects and works meeting criteria for projects and works of national importance and group A projects and works as per the law on public investment (excluding state-funded projects and works whose investors are provincial governments); works of more than 100 m in height; works located in 02 or more central-affiliated cities and provinces; watercrafts of 50 m or more in length carrying passengers or flammable liquids, flammable gases, explosives and chemicals posing fire and explosion hazards; and work investment projects proposed by fire departments (excluding national defense facilities operating for military purpose and motor vehicles subject to special fire safety requirements manufactured or converted for military operations by national defense facilities);
b) Fire departments have the power to appraise fire safety designs of planning schemes for cities, economic zones, industrial parks, industry clusters, export-processing zones, hi-tech parks and other functional zones according to the Law on Planning located in localities under their management; projects and works fire safety designs of which are not appraised by Police Department of Fire Prevention and Firefighting and Rescue and which are located in localities under their management, and cases authorized by Police Department of Fire Prevention and Firefighting and Rescue; motor vehicles which are subject to special fire safety requirements and located in localities under their management and fire safety designs of which are not appraised by Police Department of Fire Prevention and Firefighting and Rescue, and cases authorized by Police Department of Fire Prevention and Firefighting and Rescue, excluding national defense facilities operating for military purpose and motor vehicles subject to special fire safety requirements manufactured or converted for military operations by national defense facilities.
13. Construction, renovation or repurposing of projects and works not included in the list in Appendix V enclosed therewith must satisfy fire safety requirements stipulated by fire prevention and fighting regulations and standards.
14. Fees of fire safety design appraisal shall be included in the total investment of each project, work and motor vehicle.
Article 14. Responsibilities of investors, motor vehicle owners, project consultancy and construction supervision units, design consultancy units, construction units, authorities competent in approving planning, authorities competent in approving construction investment projects, authorities competent in granting construction permits and firefighting authorities in investment and construction
1. Responsibilities of the investor/motor vehicle owner:
a) Develop the design project according to regulations in Article 11 herein and approved planning. If the work/motor vehicle is subject to special fire safety requirements according to the list in Appendix V enclosed therewith, construction shall start when its design dossier has been appraised by the firefighting authority competent in appraising fire safety design;
b) Organize construction and construction inspection and supervision according to the appraised fire safety design. In case there is any change to the fire safety design or a piece of fire safety equipment during the construction process that affects one or more than one of the contents provided for in Point b or c Clause 5 Article 13 herein, an additional design shall be prepared to ensure compliance with fire safety regulations and standards, and the change must be appraised before construction;
c) Organize fire safety commissioning if the project, work or motor vehicle is subject to special fire safety requirements according to the list in Appendix V enclosed therewith and take responsibility for the commissioning results;
d) Ensure fire safety of their work from construction to commissioning, handover and putting into operation;
dd) Provide dossiers on appraisal of fire safety design and commissioning of their work/motor vehicle for the manager/user when putting the work/motor vehicle into use, which will be presented at the request of the competent authority;
e) Present dossiers on appraisal of fire safety design and commissioning of their work/motor vehicle at the request of the competent authority.
2. Responsibilities of the project consultancy and construction supervision unit:
a) Take responsibility before the law and the investor for performance of fire safety tasks in compliance with regulations of law on project consultancy and supervision consultancy under the agreement between the investor and the consultancy unit;
b) Participate in the commissioning process.
3. Responsibilities of the design consultancy unit:
a) Make a design in compliance with fire safety requirements; take responsibility for the quality of the design product;
b) Exercise designer's supervision during the construction process.
4. Responsibilities of the construction unit:
a) Build the work in accordance with the appraised fire safety design;
b) Ensure fire safety of areas under its management from construction to handover;
c) Formulate the as-built dossier; prepare documents and conditions necessary for commissioning and participate in commissioning.
5. Responsibilities of authorities competent in approving planning, authorities competent in approving construction investment projects and authorities competent in granting construction permits:
a) Authorities competent in approving planning and authorities competent in approving construction investment projects for projects and works included in the list in Appendix V enclosed therewith shall approve these projects and works after the reply to the fire safety design appraisal results provided for in Clause 11 Article 13 herein;
b) For projects and works included in the list in Appendix V enclosed therewith, authorities competent in granting construction permits shall request the investor to present the fire safety design appraisal certificate and document (if any) and the drawing bearing the seal of fire safety design appraisal of the firefighting authority before granting the construction permit.
6. Responsibilities of firefighting authorities:
a) Consider and decide whether to approve the building sites of the works mentioned in Sections 15 and 16 of Appendix V enclosed therewith (excluding internal filling stations and gas using facilities) and fire safety solutions for construction planning projects and design dossiers of the facilities mentioned in Appendix V enclosed therewith;
b) Appraise the fire safety design in the technical design dossier or construction drawing design of projects, works and motor vehicles subject to special fire safety requirements according to the list in Appendix V enclosed therewith;
c) Inspect fire safety commissioning results of projects, works, work items and motor vehicles subject to special fire safety requirements according to the list in Appendix V enclosed therewith;
d) Inspect fire safety during construction of works included in the list in Appendix V enclosed therewith.
Article 15. Fire safety commissioning and inspection of results thereof
1. The investor or owner of a project, work or motor vehicle which is subject to special fire safety requirements and the fire safety design of which has been appraised must organize fire safety commissioning for the project, work or motor vehicle. The investor or owner shall request the firefighting authority appraising the fire safety design to inspect the commissioning results and issue a written approval of fire safety commissioning results before putting the work or motor vehicle into use.
Fire safety commissioning comprises commissioning of each part, stage, work item and system and commissioning for handover; for parts of a project, work or motor vehicle which is subject to special fire safety requirements that are hidden from view during the construction process, they must be commissioned before starting other tasks. The investor has the power to decide commissioning of an individual part of the work if the area to undergo commissioning could operate independently and meet fire safety requirements; the firefighting authority must inspect the commissioning results and issue a written approval of the results before that part of the work could be put into use.
2. Application for fire safety commissioning includes:
a) Copy of fire safety design appraisal certificate and document submitted together with the dossier bearing the appraisal seal the firefighting authority;
b) Copy of certificate of fire prevention and fighting equipment inspection (hereinafter referred to as “equipment inspection certificate");
c) Records of testing, commissioning of each part and comprehensive commissioning of the fire prevention and fighting system;
d) As-built drawings of the fire prevention and fighting system and items related to fire prevention and fighting in accordance with the appraised design dossier;
dd) Written guidelines for operation and maintenance of fire prevention and fighting equipment and system and systems related to fire prevention and fighting of the work or motor vehicle;
e) Records of commissioning of work items and systems related to fire prevention and fighting;
g) Copies of certificates of eligibility for fire prevention and fighting service business of the supervision consultancy unit (if any) and fire prevention and fighting system construction unit.
Documents in the application must be certified by the investor or vehicle owner, supervision consultancy unit and construction unit. The application must be translated into Vietnamese if it is in a foreign language.
3. Content of inspection of fire safety commissioning results from investors and vehicle owners by firefighting authorities:
a) Inspect content and validity of the application for fire safety commissioning prepared by the investor or vehicle owner according to regulations in Clause 2 herein;
b) Inspect consistency between the commissioning results from the investor or vehicle owner and the appraised design;
c) Organize inspection and testing of actual operation probability of fire prevention and fighting equipment and systems related to fire prevention and fighting of the work or motor vehicle to compare with the commissioning results from the investor or vehicle owner. The inspection must be recorded in writing (using Form No. PC10).
4. The applicant shall submit 01 application containing the documents mentioned in Clause 2 herein together with the report on results of construction, inspection, testing and commissioning of fire prevention and fighting system, equipment and solutions and an application for inspection of fire safety commissioning results (using Form No. PC11) to the firefighting authority appraising the fire safety design in any of the following ways:
a) Directly at the single-window unit of the competent authority;
b) Online via the public service portal of the competent authority (documents included in state secret lists shall be submitted in compliance with regulations of laws on state secret protection);
c) By public postal service, service provided by an enterprise or individual or authorization as prescribed by law.
The application must be submitted at least 10 working days (for projects and works of national importance and group A projects and works) or at least 07 working days (for the remaining works and motor vehicles subject to special fire safety requirements) prior to the date upon which the inspection takes place.
5. The official receiving the application shall check its components and validity and perform the following tasks:
a) If the application is adequate and valid according to regulations, receive it and fill out 02 copies of the acknowledgement of application receipt (Form No. PC03);
b) If the application is inadequate or invalid according to regulations, instruct the applicant on how to complete the application and fill out 02 copies of the application revision instruction (Form No. PC04).
6. Announcement of application processing results:
a) If the application is submitted directly at the single-window unit of the competent authority, the official receiving it shall give 01 copy of the acknowledgement of application receipt or application revision instruction to the applicant and retain 01 copy;
b) If the application is submitted via the public service portal of the competent authority, the official receiving the application shall send a notification of application receipt or instruction on application revision to the applicant via email or text message;
c) If the application is submitted by public postal service, the service of an enterprise and individual or authorization as per the law, the official receiving it shall send 01 copy of the acknowledgement of application receipt or application revision instruction to the applicant and retain 01 copy.
7. The person sent to submit the application by the applicant must have a letter of introduction or letter of authorization and present their unexpired identity card or passport.
8. Within 10 working days (for projects and works of national importance and group A projects and works) or 07 working days (for the remaining works and motor vehicles subject to special fire safety requirements) from the date of receipt of an application adequate per regulations in Clause 4 herein, the firefighting authority shall inspect the commissioning results and draw up an inspection record (using Form No. PC10). Within 7 working days from the date of approval of the inspection record, the firefighting authority shall consider and decide to issue a written approval of fire safety commissioning results (using Form No. PC12) and return the commissioning dossier received to the applicant. If the commissioning results are rejected, the firefighting authority must provide a written explanation for the applicant.
9. The written approval of fire safety commissioning results shall provide a basis for the authority competent in granting permits to put works and motor vehicles subject to special fire safety requirements into use.
Article 16. Fire safety inspection
1. Entities subject to inspection:
a) Facilities requiring fire management;
b) Residential areas, households, forests, motor vehicles and technical infrastructures related to fire prevention and fighting of cities, economic zones, industrial parks, industry clusters, export-processing zones and hi-tech parks;
c) Works included in the list in Appendix V enclosed therewith in their construction stage, excluding national defense facilities operating for military purpose;
d) Fire prevention and fighting service businesses.
2. Inspected items:
a) Fire safety requirements applicable to facilities, residential areas, households and motor vehicles provided for in Articles 5, 6, 7 and 8 herein;
b) Forest fire safety requirements according to regulations of the Government’s Decree No. 156/2018/ND-CP dated November 16, 2018 elaborating a number of Articles of Law on Forestry;
c) Fire safety requirements applicable to construction works in their construction stages: fire safety design appraisal certificate or document for works included in the list in Appendix V enclosed therewith; regulations on fire prevention and fighting and fire escape signage; regulations on fire safety task assignment by the investor and construction unit intra vires; duties of personnel in charge of fire safety; use of power system, electrical equipment, spark-generating equipment, heat-generating equipment, fire sources and heat sources; and provision of emergency firefighting equipment appropriate to the characteristics of the work;
d) Performance of fire prevention and fighting duty of heads of regulatory bodies and organizations, investors, contractors, motor vehicle owners, household heads and forest owners per the law;
dd) Requirements applicable to fire prevention and fighting service businesses per regulations in Article 41 of this Decree.
3. Fire safety inspection shall be carried out on a regular, periodic and ad hoc basis. To be specific:
a) Heads of facilities and owners of motor vehicles subject to special fire safety requirements, household heads and forest owners shall organize fire safety inspection on a regular basis intra vires;
b) Heads of facilities included in the list in Appendix III enclosed therewith shall inspect fire safety of their facilities on a regular basis; send biannual reports on the inspection results to the supervisory police authority and take responsibility before the law for these results;
c) Chairpersons of commune-level People’s Committees shall direct and organize fire safety inspection on an annual basis; and ad hoc inspection upon detection of any of the cases provided for in Points a and b Clause 1 Article 17 herein or a violation against fire safety regulations that can lead to fire or explosion or for the purpose of security and order preservation as per instructional documents of the competent authority for facilities included in the list in Appendix IV enclosed therewith, and residential areas under their management;
d) Chairpersons of People’s Committees at district level and higher shall direct and organize ad hoc inspection for the purpose of security and order preservation as per instructional documents of the competent authority for the entities mentioned in Points and b Clause 1 herein intra vires;
dd) Police authorities shall inspect fire safety on a biannual basis for facilities included in the list in Appendix II enclosed therewith; on an annual basis for technical infrastructures related to fire prevention and fighting of cities, economic zones, industrial parks, industry clusters, export-processing zones and hi-tech parks, and motor vehicles subject to special fire safety requirements and the remaining facilities included in the list in Appendix III enclosed therewith; and on an ad hoc basis upon detection of any of the cases provided for in Points a and b Clause 1 Article 17 herein or a violation against fire safety regulations that can lead to fire or explosion or for the purpose of security and order preservation as per instructional documents of the competent authority intra vires; and on an annual basis during the construction process for construction works included in the list in Appendix IV enclosed therewith.
4. Fire prevention and fighting service businesses shall be subject to inspection on a periodic and ad hoc basis. To be specific:
After a fire prevention and fighting service business is granted a certificate of eligibility for fire prevention and fighting service business, the competent police authority mentioned in Clause 12 Article 45 herein shall inspect the business on an annual basis to determine the business’s compliance with conditions for fire prevention and fighting service business and maintenance of such compliance; and on an ad hoc basis upon detection of sign of breaching of a condition for fire prevention and fighting service business provided for in Article 41 herein or misuse of fire prevention and fighting operations to compromise security or disturb order, which requires handling at the request of the competent authority. Upon detection of such violation, draw up a record (using Form No. PC10) and propose a revocation decision (made using Form PC35) to the competent authority for signing.
5. Inspection procedure;
a) For fire safety inspection
The bodies and individuals with competence in inspection mentioned in Points c and dd Clause 3 herein shall notify the inspected entity of the inspection time, inspected items and inspection team members 03 working days prior to the date of a periodic inspection. When inspecting the fire safety of a facility managed by a subordinate body, notify the subordinate body of the inspection. Where necessary, request the subordinate body to join the inspection team and provide documents and update situation related to fire prevention and fighting of the inspected facility. Notify the inspection results to the subordinate body;
The bodies and individuals with competence in inspection mentioned in Points c, d and dd Clause 3 herein shall notify the specific reason for an ad hoc inspection to the inspected entity. When carrying out an ad hoc inspection, police officers must present a letter of introduction from their supervisory body;
Inspected entities must prepare for all notified inspected items and assign the competent or responsible person(s) to work with the bodies and individuals competent in carrying out the inspection;
b) For inspection of fire prevention and fighting service businesses per regulations in Clause 4 herein:
The police authority having granted the certificate of eligibility for fire prevention and fighting service business must notify the inspected entity of the inspection time, inspected items and inspection team members 03 working days prior to the date of a periodic inspection;
The competent bodies and individuals shall notify the specific reason for an ad hoc inspection to the inspected entity. When carrying out an ad hoc inspection, police officers must present a letter of introduction from their supervisory body;
Inspected entities must prepare for all notified inspected items and assign the competent or responsible person(s) to work with the bodies and individuals competent in carrying out the inspection;
c) The competent bodies and individuals mentioned in Points c, d and dd Clauses 3 and 4 herein shall record their periodic and ad hoc inspections in writing (using Form No. PC10). In case the inspected entity fails to sign the inspection record, the record must be certified by two witnesses or the local government.
Article 17. Temporary suspension and suspension of operations of facilities, motor vehicles, households and individuals not meeting fire safety requirements
1. Cases subject to temporary suspension of operations:
a) Presence of a fire or heat source in an environment at risk of fire or explosion or appearance of an environment at risk of fire or explosion in the presence of a fire or heat source (hereinafter referred to as “direct fire or explosion risk”);
b) Failure to remedy a serious violation against fire prevention and fighting regulations after the competent authority has requested remedy in writing, including illegal storage and use of goods posing fire or explosion hazard; production, trade, division and filling of goods posing fire or explosion hazard without permit or at unauthorized location; and obstruction of fire escape and buffer chamber during fire or explosion that can lead to serious damage to human lives and property;
c) Extremely serious violation against fire prevention and fighting regulations:
Renovation or repurposing of a facility or an item of a facility or conversion of a motor vehicle subject to special fire safety requirements according to the list in Appendix V enclosed therewith that affects one of the fire safety conditions provided for in Points b and c Clause 5 Article 13 herein without a fire safety design appraisal document from the competent police authority;
Putting a work, work item or motor vehicle subject to special fire safety requirements according to the list in Appendix V enclosed therewith into use without a written approval of fire safety commissioning results from the competent police authority.
2. Temporary suspension of operations shall be limited to the operations that pose a risk of fire or explosion or violate fire prevention and fighting regulations.
3. The temporary suspension duration shall be determined based on the ability to eliminate the direct fire or explosion risk or remedy the violation against fire prevention and fighting regulations and shall not exceed 30 days.
4. If facilities and motor vehicles subject to special fire safety requirements and households and individuals whose operations are temporarily suspended according to regulations in Clause 1 herein fail to remedy their violations by the end of the temporary suspension period, their operations will be suspended. This suspension may apply to a part or the whole operations of the facilities and motor vehicles, households and individuals.
5. The temporary suspension or suspension decision shall be made in writing; a verbal temporary suspension decision may be made for the case provided for in Point a Clause 1 herein but a written decision must be issued afterwards.
6. Procedure for temporary suspension of operations:
a) Upon detection of a case subject to temporary suspension of operations as per regulations in Clause 1 herein, the present official shall request the organization or individual to stop its/their operations or violation according to the following procedure:
Draw up a record of the extent of direct fire or explosion risk or violation against fire prevention and fighting regulations.
Issue the temporary suspension decision or report to the competent person for issuance of the temporary suspension decision;
b) The temporary suspension decision shall be made in writing (using Form No. PC13). In an emergency, a verbal temporary suspension decision may be made and a written decision shall be issued afterwards. A verbal temporary suspension decision must include full name, post, workplace of the present official, extent of the risk or violation and temporarily suspended operations;
The issuer of the temporary suspension decision shall organize supervision of elimination of the direct fire or explosion risk.
7. Procedure for suspension of operations:
a) Upon end of the temporary suspension period, the temporary suspension decision issuer shall organize an inspection of the facility, motor vehicle, household or individual whose operation is imposed the temporary suspension decision to consider its/their ability to eliminate the direct fire or explosion risk or remedy the violation against fire prevention and fighting regulations. The inspection must be recorded in writing (using Form No. PC10);
b) Upon end of the inspection, if deeming the direct fire or explosion risk not eliminated or the violation not remedied or irremediable, the temporary suspension decision issuer shall consider and issue a decision to suspend operations of the facility, motor vehicle, household or individual (using Form No. PC14).
8. Competence in temporary suspension and suspension of operations:
a) The Minister of Public Security has the power to issue decisions to temporarily suspend or suspend a part or the whole operations of facilities, motor vehicles, households and individuals across the country, excluding national defense facilities operating for military purpose and motor vehicles subject to special fire safety requirements manufactured or converted for military purpose by national defense facilities;
b) Chairpersons of commune-level People’s Committees have the power to issue decisions to temporarily suspend or suspend a part or the whole operations of facilities, motor vehicles, households and individuals under their management. Chairpersons of district-level People’s Committees have the power to temporarily suspend or suspend a part of the whole operations of facilities, motor vehicles, households and individuals subject to the inspections provided for in Point d Clause 3 Article 16 herein;
c) Heads of Central Departments of Fire Safety, Firefighting and Rescue, heads of provincial police authorities, heads of fire departments, heads of district-level police authorities and heads of commune-level police authorities have the power to issue decision to temporarily suspend or suspend a part or the whole operations of facilities, motor vehicles, households and individuals under their management intra vires, excluding national defense facilities operating for military purpose and motor vehicles subject to special fire safety requirements manufactured or converted for military purpose by national defense facilities;
d) Police officers have the power to temporarily suspend operations in the cases provided for in Point a Clause 1 herein and must report to their superiors, who have the power to issue the temporary suspension decision according to regulations in Point c herein, as soon as possible.
9. The temporary suspension decision or suspension decision must be delivered to the entity whose operation is imposed such temporary suspension or suspension, supervisory body thereof (if any), the People's Committee of the commune or district where the premises or place of residence of the temporarily suspended or suspended entity are/is located; in case the temporarily suspended or suspended operations concern multiple entities, each entity shall receive one decision.
10. Measures to ensure execution of temporary suspension and suspension decisions:
a) Upon receipt of a temporary suspension or suspension decision, heads of facilities, regulatory bodies and organizations, motor vehicle operators or owners, household heads and individuals must comply with the decision immediately and eliminate the direct fire or explosion risk or remedy the violation against fire prevention and fighting regulations as soon as possible;
b) Authorities competent in issuing temporary suspension or suspension decisions shall announce temporary suspension and suspension of facilities, motor vehicles, households and individuals not meeting fire safety requirements on websites and via the media until these entities are permitted to resume their operations. An announcement shall include name of the offender, the violation and imposed penalty.
Article 18. Resumption of operations of facilities, motor vehicles, households and individuals
1. The person competent in issuing the temporary suspension or suspension decision has the power to resume the temporarily suspended or suspended operation. If the competent person has decided to suspend an operation verbally and yet to issue a decision, but the direct fire or explosion risk or violation against fire prevention and fighting regulations is eliminated or remedied immediately, they may decide to resume the operation verbally.
2. During the temporary suspension period or upon end of the temporary suspension period, if the direct fire or explosion risk has been eliminated or violation against fire prevention and fighting regulations has been remedied, the facility head, motor vehicle owner, household head or individual must submit an application for operation resumption (using Form No. PC15) to the competent person who issued the temporary suspension decision for consideration and decision to resume the operation.
3. If a facility, motor vehicle, household or individual whose operation is suspended meets all fire safety requirements and wishes to resume its/their operation, the facility head, motor vehicle owner, household head or individual shall submit an application for operation resumption (using Form No. PC15) to the competent person who issued the suspension decision for consideration and decision to resume the operation.
4. The applicant shall submit 01 application to the workplace of the competent person mentioned in Clause 8 Article 17 herein in one of the following ways:
a) Directly at the single-window unit of the competent authority;
b) Online via the public service portal of the competent authority (documents included in state secret lists shall be submitted in compliance with regulations of laws on state secret protection);
c) By public postal service, service provided by an enterprise or individual or authorization as prescribed by law.
5. Announcement of application processing results:
a) If the application is submitted directly at the single-window unit of the competent authority, the official receiving it shall give 01 copy of the acknowledgement of application receipt (made using Form No. PC03) to the applicant and retain 01 copy;
b) If the application is submitted via the public service portal of the competent authority, the official receiving the application shall send a notification of application receipt or instruction on application revision to the applicant via email or text message;
c) If the application is submitted by public postal service, the service of an enterprise and individual or authorization as per the law, the official receiving it shall send 01 copy of the acknowledgement of application receipt to the applicant and retain 01 copy.
6. The person sent to submit the application by the applicant must have a letter of introduction or letter of authorization and present their unexpired identity card or passport.
7. Within 07 working days starting from the date of receipt of the application for operation resumption, the person having issued the temporary suspension decision or suspension decision must inspect elimination of the direct fire or explosion risk or remedy of the violation against fire prevention and fighting regulations or fire safety requirements, record the inspection in writing (using Form No. PC10), consider and decide to issue the operation resumption decision (using Form No. PC16). If the operation resumption decision is not issued, a written explanation must be provided for the applicant in the way in which the applicant sent their application.
8. The operation resumption decision must be delivered to the entity whose operation is imposed temporary suspension or suspension, supervisory body thereof (if any), and the People's Committee of the commune or district where the premises or place of residence of the temporarily suspended or suspended entity are/is located; and posted on websites and via the media.
Article 19. Firefighting plans
1. a) Types of firefighting plans:
a) Facility firefighting plan (Form No. PC17);
b) Police authority firefighting plan (Form No. PC18).
2. Requirements for and basic content of a firefighting plan:
a) The plan includes the dangers posed by fire, explosion and toxic hazards and firefighting-related conditions;
b) The plan provides the most complicated fire scenario and some other possible typical fire scenarios, different levels of fire spread possibility;
c) The plan elaborates mobilization and use of forces and equipment, direction organization, technical measures, tactics and support activities concerning firefighting for each stage of each fire scenario;
d) The plan must be revised in a timely manner and reapproved by the competent authority upon large change in size, dangers posed by fire, explosion and toxic hazards and firefighting-related conditions.
3. Responsibility for firefighting plan formulation and cooperation in firefighting plan formulation:
a) Chairpersons of commune-level People’s Committees, heads of facilities requiring fire management and owners of motor vehicles subject to special fire safety requirements shall organize formulation of facility firefighting plans for residential areas, facilities and vehicles employing on-site forces and equipment under their management (using Form No. PC17);
b) Heads of district-level police authorities shall organize formulation of police authority firefighting plans for facilities mentioned in the list in Appendix II enclosed therewith and residential areas facing high fire and explosion risk in localities under their fire management (using Form No. PC18);
c) Heads of fire departments shall organize formulation of police authority firefighting plans for the remaining facilities mentioned in the list in Appendix II enclosed therewith as well as firefighting plans requiring mobilization of local organizations, regulatory bodies, military and police and police forces of multiple central-affiliated cities and provinces (using Form No. PC18).
When formulating firefighting plans, police authorities must notify heads of facilities and Chairpersons of People’s Committees of communes where residential areas facing high fire and explosion risk are located of the plan formulation time and requirements for the formulation at least 03 working days before the formulation begins.
Chairpersons of People’s Committees of communes where residential areas facing high fire and explosion risk are located and heads of facilities mentioned in Appendix II enclosed therewith shall provide necessary documents and information related to firefighting plan formulation at the request of police authorities, assign personnel to join the formulation and satisfy conditions supporting the formulation.
4. Application for approval of facility firefighting plan for facilities mentioned in Appendix III enclosed therewith:
a) Application for approval of facility firefighting plan (made using Form No. PC19);
b) 02 copies of facility firefighting plan bearing the signature and seal of the person in charge of formulation (if any).
5. The applicant shall submit 01 application prepared according to Clause 4 herein to the competent authority in one of the following ways:
a) Directly at the single-window unit of the competent authority;
b) Online via the public service portal of the competent authority (documents included in state secret lists shall be submitted in compliance with regulations of laws on state secret protection);
c) By public postal service, service provided by an enterprise or individual or authorization as prescribed by law.
6. The official receiving the application shall check its components and validity and perform the following tasks:
a) If the application is adequate and valid according to regulations in Clause 4 herein, receive it and fill out the acknowledgement of application receipt (using Form No. PC03);
b) If the application is inadequate or invalid according to regulations in Clause 4 herein, instruct the applicant on how to complete the application as per regulations and fill out the application revision instruction (using Form No. PC04).
7. Announcement of application processing results:
a) If the application is submitted directly at the single-window unit of the competent authority, the official receiving it shall give 01 copy of the acknowledgement of application receipt or application revision instruction to the applicant and retain 01 copy;
b) If the application is submitted via the public service portal of the competent authority, the official receiving the application shall send a notification of application receipt or instruction on application revision to the applicant via email or text message;
c) If the application is submitted by public postal service, the service of an enterprise and individual or authorization as per the law, the official receiving it shall send 01 copy of the acknowledgement of application receipt or application revision instruction to the applicant and retain 01 copy.
8. The person sent to submit the application by the applicant must have a letter of introduction or letter of authorization and present their unexpired identity card or passport.
9. Firefighting plan management:
a) Facility firefighting plans shall be retained in facilities, in residential areas and on motor vehicles subject to special fire safety requirements;
b) Every police authority firefighting plan shall be retained at the premises of the formulating police authority. Regulatory bodies and organizations whose forces and equipment are involved in the plan may copy and disseminate content related to their tasks.
10. Responsibility for organization of firefighting plan drills:
a) Chairpersons of commune-level People’s Committees, heads of facilities and owners of motor vehicles subject to special fire safety requirements shall ensure all necessary conditions and organize firefighting plan drills for facilities, residential areas and vehicles under their management;
b) Police authorities shall organize drills of their firefighting plans at the request of persons competent in approval;
c) Forces and equipment involved in a firefighting plan must participate in a satisfactory manner when mobilized for drills;
d) The person in charge of organizing facility firefighting plan drills shall send the plan and a report on results of the drills to the supervisory police authority and take responsibility before the law for the results.
11. Police authorities shall provide guidelines for and inspect firefighting plan formulation, drills, management and employment.
Article 20. Responsibility for fire incident reporting, fire fighting and firefighting participation
1. Anyone detecting a fire must inform people around them about it and notify one or all of the following units:
a) The neighborhood watch or internal/specialized firefighting force of the locality where the fire occurs;
b) The nearest police authority or firefighting authority;
c) The government of the locality where the fire occurs.
2. Upon receipt of report on a fire in a locality under their management, the regulatory bodies and units mentioned in Clause 1 herein shall promptly arrive at the scene to suppress the fire and, concurrently, notify other essential regulatory bodies and units for reinforcement.
3. Upon receipt of report on a fire outside of the locality under its management, the regulatory body/unit mentioned in Point b Clause 1 herein shall promptly notify the regulatory bodies and units managing the locality where the fire occurs to have the fire suppressed; and, concurrently, report to the supervisory unit for consideration and decision to mobilize forces and equipment for reinforcement upon request.
4. Persons present at the fire scene must take all suitable measures to save human lives, prevent the fire from spreading and suppress the fire; firefighting participants must obey all orders from the incident commander.
5. Police forces, military forces, militia and self-defense forces, health, power, water, urban environment and transport authorities as well as other relevant regulatory bodies shall suppress the fire and participate in the firefighting operation according to regulations in Clauses 2, 3 and 4 Article 33 of the Law on Fire Prevention and Fighting.
Article 21. Incident commanders
1. The incident commander in a people’s police force shall be the highest-ranking leader of the firefighting authority present at the fire scene.
2. In case where the fire spreads from one facility to another or from one facility to a residential area or vice versa before the firefighting authority arrive at the fire scene, the incident commanders of the facility and the residential area must cooperate with each other in directing firefighting operation.
3. In case where the firefighting authority has yet to reach a motor vehicle caught on fire on the premises of a facility or in a village or forest, the incident commander in charge of the motor vehicle on fire shall cooperate with the person in charge of local firefighting operation in directing firefighting operation.
4. When the highest-ranking person of the people's police force arrives at the fire scene, the incident commander mentioned in Clause 2 Article 37 of the Law on Fire Prevention and Fighting shall join the firefighting command team and take orders from the incident commander of the people’s police force.
Article 22. Firefighting commanding and directing tasks
1. Firefighting commanding tasks:
a) Mobilize forces, equipment, property, water supply and firefighting substances and materials for firefighting operations;
b) Identify the fire area, provide firefighting tactics and technical measures and organize adoption thereof;
c) Set requirements for assurance of public and traffic order;
d) Organize logistics activities, support and healthcare for firefighting operations;
dd) Establish communication for firefighting operations;
e) Organize political education in fire fighting;
g) Organize notification of the fire incident;
h) Decide to end firefighting operations;
i) Cooperate in organizing protection of the fire scene;
k) Organize experience-learning meetings;
l) Propose other requests in support of firefighting operations.
2. Firefighting operations direction shall be carried out in the cases provided for in Article 39 of the Law on Fire Prevention and Fighting. Persons in charge of firefighting operations direction shall organize and direct safe and effective firefighting activities and recovery from fire damage.
3. Before the firefighting authority arrives at the fire scene, a regulatory body or organization head or Chairperson of the People's Committee at commune level or higher shall perform the tasks mentioned in Clauses 1 and 2 herein. When the firefighting authority arrives at the fire scene, its leader shall perform the tasks mentioned in Clause 1 herein; and the regulatory body or organization head or Chairperson of the People's Committee at commune level or higher shall command firefighting operations and perform the directing tasks mentioned in Clause 2 herein.
Article 23. Competence in and procedures for mobilization of forces, equipment and property for firefighting purpose
1. Competence in mobilization of forces, equipment and property for firefighting purpose:
a) Regulatory body or organization heads and Chairpersons of commune-level People’s Committees have the power to mobilize forces, equipment and property of regulatory bodies, organizations, households and individuals under their management; and must propose mobilization of forces, equipment and property not under their management to the person competent in mobilization of these forces, equipment and property for decision;
b) Fire department heads and heads of provincial police authorities have the power to mobilize forces, equipment and property of firefighting forces under their management, shall notify managers of the mobilized forces, equipment and property, and must propose mobilization of forces, equipment and property not under their management to the person competent in mobilization of these forces, equipment and property for decision;
c) Chairpersons of district-level People’s Committees have the power to mobilize forces, equipment and property of regulatory bodies and organizations under their management; and must propose mobilization of forces, equipment and property not under their management to the person competent in mobilization of these forces, equipment and property for decision;
d) Heads of provincial police authorities have the power to mobilize forces, equipment and property of police forces under their management; and must propose mobilization of forces, equipment and property not under their management to the person competent in mobilization of these forces, equipment and property for decision;
dd) Head of the Central Department of Fire safety, Firefighting, and Rescue has the power to mobilize forces, equipment and property of firefighting authorities throughout the country. They must propose mobilization of forces, equipment and property not under their management to the person competent in mobilization of these forces, equipment and property for decision, and notify managers of the mobilized forces, equipment and property;
e) Chairpersons of provincial People’s Committees have the power to mobilize forces, equipment and property of regulatory bodies, organizations, households and individuals under their management and military forces stationed in their provinces, and must notify managers of the mobilized forces, equipment and property;
g) The Minister of Public Security has the power to mobilize forces, equipment and property of regulatory bodies, organizations, households and individuals throughout the country, and must notify managers of the mobilized forces, equipment and property.
2. Procedures for mobilization of forces, equipment and property for firefighting purpose:
a) Mobilization of forces, equipment and property for firefighting purpose must be documented in an order for mobilization of forces, equipment and property for firefighting purpose (made using Form No. PC20); in case of emergency, the mobilization order may be given verbally and shall be documented within the 03 following working days. The person giving a verbal mobilization order must provide their full name, post and workplace as well as the grounds for mobilization, requirements for mobilized persons, equipment and property, and assembly time and point;
b) In case of mobilization of forces, equipment and property of a regulatory body, organization or individual not under their management, the incident commander may mobilize these forces, equipment and property for firefighting purpose with the verbal permission of the competent person, and shall advise this competent person on issuance of a written mobilization decision.
Article 24. Mobilization of prioritized vehicles, personnel and equipment of military forces, international organizations and foreign organizations and individuals in Vietnam for firefighting purpose
1. Military personnel and equipment not on emergency duty may be mobilized for firefighting and firefighting support purposes. Upon receipt of an order for mobilization of forces and equipment for firefighting and firefighting support purposes, military leaders must execute the order immediately or report to the competent authority for execution.
2. The following vehicles shall not be mobilized for firefighting and firefighting support purposes:
a) Military vehicles and police vehicles on emergency duty;
b) Ambulances on duty;
c) Dike protection vehicles, vehicles on natural disaster recovery or emergency duty per the law;
d) Motorcades led by the police;
dd) Vehicles in funeral processions;
e) Other prioritized vehicles per the law.
3. Personnel and vehicles of international organizations and foreign organizations and individuals in Vietnam may be mobilized for firefighting and firefighting support purposes, excluding international organizations and foreign organizations and individuals entitled to privileges and immunities as prescribed by law and conventions to which Vietnam is a signatory.
Article 25. Priority for personnel and equipment mobilized for firefighting purpose and exercise of priority rights
1. When operating for firefighting and firefighting support purposes, road vehicles, watercrafts, aircrafts and other vehicles of firefighting authorities may use priority signals and exercise traffic priority right and other priority rights as per the law.
Road motor vehicles and inland watercrafts of regulatory bodies, organizations and individuals mobilized for firefighting purpose are entitled to the priority rights mentioned in Point b Clause 2 Article 36 of the Law on Fire Prevention and Fighting, and given priority when crossing bridges and using ferries, and exempt from road tolls.
2. When a person mobilized for firefighting purpose presents a mobilization order or notification of mobilization request from the competent person (in case the mobilization order is issued verbally), the vehicle owner or vehicle operator or persons with relevant responsibility shall permit the mobilized person to leave as soon as practicable.
Article 26. Urgent situations where right to demolish houses, works and obstacles and move property during firefighting operations may be exercised
The incident commander of a firefighting authority may exercise the right to demolish houses, works and obstacles and move property provided for in Point d Clause 1 Article 38 of the Law on Fire Prevention and Fighting in the following urgent situations:
1. A person is trapped by the fire or the fire is directly threatening the lives of multiple persons.
2. The fire poses a direct risk of explosion or toxic hazard; a risk to the environment; a major threat to human lives and property; or a threat to political situation or foreign affairs unless preventive measures are promptly taken.
3. The houses, works and obstacles obstruct firefighting operations and there is no other more effective firefighting option.
Article 27. Return of and compensation for equipment and property mobilized for firefighting purpose
Equipment and property of regulatory bodies, organizations, households and individuals mobilized for firefighting or firefighting support purpose must be returned immediately after firefighting operations end. Mobilized equipment and property that are damaged, and houses and works that are demolished according to regulations in Points c and d Clause 1 Article 38 of the Law on Fire Prevention and Fighting shall be compensated as per the law.
Article 28. Suppression of fire on premises of diplomatic missions, consular missions, representatives of international organizations and houses of members thereof
1. Vietnamese firefighting forces may enter the premises of the following bodies for firefighting purpose at the request or with the permission of the head or authorized person of these bodies:
a) Diplomatic missions;
b) Consular missions of countries with which Vietnam has signed a consular agreement stipulating that Vietnamese firefighting forces may enter the premises of these missions for firefighting purpose at the request or with the permission of the heads or authorized persons of these missions;
c) Representatives of international organizations affiliated to the United Nations;
d) Representatives of intergovernmental international organizations not affiliated to the United Nations, and mass organizations of international organizations with which Vietnam has signed an agreement stipulating that Vietnamese firefighting forces may enter the premises of these bodies for firefighting purpose at the request or with the permission of the heads or authorized persons of these bodies.
2. Vietnamese firefighting forces may enter the premises of consular missions and representatives of international organizations besides those mentioned in Clause 1 herein for firefighting purpose without a request or permission from the heads or authorized persons of these bodies.
3. Vietnamese firefighting forces may enter the houses of the following persons for firefighting purpose at the request or with the permission of these persons:
a) Members of diplomatic missions, and family members of members of diplomatic missions who do not hold Vietnamese nationality; administrative and technical staff and their family members who do not hold Vietnamese nationality or reside permanently in Vietnam;
b) Members of consular posts who do not hold Vietnamese nationality or reside permanently in Vietnam; if the consular agreements between Vietnam and the home countries of these persons stipulate that Vietnamese firefighting forces may enter their houses for firefighting purpose at their request or with their permission.
4. Vietnamese firefighting forces may enter the houses of members of consular missions and representatives of international organizations besides those mentioned in Clause 3 herein for firefighting purpose without a request or permission from these members.
Article 29. Signal flags, signage, armband and tape used in firefighting operations
1. Signal flags, signage, armband and tape used in firefighting operations include:
a) Firefighting signal flag; signal flag of firefighting command team;
b) Incident commander armband;
c) Fire area signboard, fire area barricade tape;
d) Fire area no entry sign.
2. Specifications of signal flags, signage, armband and tape used in firefighting operations are provided for in Appendix VIII enclosed therewith.
Article 30. Establishment and management of neighborhood watch and assurance of operating conditions thereof
1. The commune-level police authority shall advise the Chairperson of the People’s Committee at the same level on establishment of the neighborhood watch at the request of the village head and directly direct operations of the neighborhood watch. The Chairperson of the commune-level People’s Committee shall decide establishment, promulgate operating regulations, ensure funding, workplace, equipment and necessary conditions and maintain operation of the neighborhood watch.
2. Neighborhood watch composition:
a) The neighborhood watch shall have from 10 to 20 members on payroll, including 01 leader and 01 vice leader; one more person shall be appointed vice leader if the payroll has from 20 to 30 members. The neighborhood watch may be divided into smaller teams consisting of from 05 to 09 members on payroll, including 01 leader and 01 vice leader;
b) The Chairperson of the commune-level People’s Committee has the power to appoint the leader and vice leader(s) of the neighborhood watch and leaders and vice leaders of neighborhood watch teams.
3. The neighborhood watch shall comprise of persons regularly present at their places of residence.
4. The police authority shall direct, inspect and provide guidance on fire prevention and fighting operations for the neighborhood watch.
Article 31. Establishment and management of internal and specialized firefighting forces and assurance of operating conditions thereof
1. Heads of facilities and owners of businesses of infrastructures for industrial parks, industry clusters, export-processing zones and hi-tech parks shall establish an internal firefighting force and directly maintain its operation on a full-time or part-time basis. Heads of the regulatory bodies and organizations mentioned in Clause 3 Article 44 of the Law on Fire Prevention and Fighting shall establish and maintain a specialized firefighting force and directly maintain its operation on a full-time or part-time basis.
2. Heads of regulatory bodies and organizations directly managing a facility shall decide establishment, promulgate operating regulations, ensure funding, equipment and necessary conditions and maintain operation of the internal firefighting force and specialized firefighting force.
3. Composition of internal and specialized firefighting forces:
a) For facilities with less than 10 regular workers, all workers shall participate in the internal and/or specialized firefighting force, which shall be led by the facility head;
b) For facilities with from 10 to 50 regular workers, the internal and/or specialized firefighting force shall have at least 10 members on payroll, including 01 leader;
c) For facilities with from 50 to 100 regular workers, the internal and/or specialized firefighting force shall have at least 15 members on payroll, including 01 leader and 01 vice leader;
d) For facilities with more than 100 regular workers, the internal and/or specialized firefighting force shall have at least 25 members on payroll, including 01 leader and 02 vice leaders;
dd) For facilities with multiple independent business units and factories and more than 100 regular workers, each unit or factory shall have 01 internal and/or specialized firefighting team with at least 05 members on payroll, including 01 leader;
e) For facilities provided with motor firefighting equipment, the standing members of the internal or specialized firefighting force on payroll must correspond to the number of equipment;
g) For automated electrical substations the automated fire safety systems of which are connected with and display and report fire incidents to the supervisory authorities, and which have systems for management of databases on fire prevention, fire fighting and fire reporting to firefighting authorities, they are not require to establish and maintain an internal firefighting force. Regulatory bodies and organizations directly operating and managing electrical substations shall satisfy fire safety conditions applicable to their electrical substation and maintain such satisfaction.
4. Police authorities shall direct, inspect and provide guidance on fire prevention and fighting operations for internal and specialized firefighting forces.
Article 32. Volunteer fire prevention and fighting
1. Individuals volunteering for fire prevention and fighting must register with the People’s Committees of the communes where they reside or their workplaces or commune-level People's Committees, regulatory bodies and organizations responsible for receiving their registration and drawing up and sending a list of volunteers to the supervisory police authority.
Organizations volunteering for fire prevention and fighting must register with the supervisory police authority.
2. Organizations and individuals having registered for volunteer fire prevention and fighting must fulfill their duties and follow the direction of the leader and vice leaders of the neighborhood watch and internal firefighting forces or other competent persons according to regulations.
3. Fire prevention and fighting volunteers are entitled to benefits offered to members of the neighborhood watch and internal firefighting forces.
Article 33. Training and refresher courses on fire prevention and fighting operations
1. Persons required to participate in training and refresher courses on fire prevention and fighting operations include:
a) The persons holding the incident commander title provided for in Clause 2 Article 37 of the Law on Fire Prevention and Fighting;
b) Members of the neighborhood watch and internal firefighting forces;
c) Members of specialized firefighting forces:
d) Persons working in an environment containing fire or explosion hazard or regularly coming into contact with goods posing fire or explosion hazard;
dd) Drivers and crewmembers of motor passengers vehicles with more than 29 seats and motor vehicles transporting goods posing fire or explosion hazard;
e) Persons in charge of fire prevention and fighting in facilities included in the list in Appendix IV enclosed therewith;
g) Members of forest fire fighting forces.
2. Content of training and refresher courses on fire prevention and fighting operations comprises:
a) Legal knowledge and knowledge about fire prevention and fighting suitable for each type of trainees;
b) Methods for communication and establishment of the all people’s fire prevention and fighting movement;
c) Fire prevention measures; firefighting techniques, tactics and measures;
d) Methods for firefighting plan formulation and drills;
dd) Methods for preservation and use of fire prevention and fighting equipment;
e) Methods for fire safety inspection.
3. Duration of training and refresher courses on fire prevention and fighting operations
a) Duration of first training and refresher courses: from 16 to 24 hours for the persons mentioned in Points a, b, d, dd, e and g Clause 1 herein and from 32 to 48 hours for the persons mentioned in Point c Clause 1 herein;
b) Duration of retraining for reissuance of an expired certificate of training in fire prevention and fighting operations: at least 16 hours for the persons mentioned in Points a, b, d, dd, e and g Clause 1 herein and 32 hours for the persons mentioned in Point c Clause 1 herein;
c) Duration of annual refresher courses: at least 08 hours for the persons mentioned in Points a, b, d, dd, e and g Clause 1 herein and at least 16 hours for the persons mentioned in Point c Clause 1 herein.
4. Responsibility for organization of training and refresher courses on fire prevention and fighting operations:
a) Chairpersons of People’s Committees at all levels and heads of regulatory bodies, organizations and facilities shall organize training and refresher courses on fire prevention and fighting operations for persons under their management;
b) Any regulatory body, organization, facility or individual wishing to participate in a training or refresher course on fire prevention and fighting operations may request the police authority or a provider of training in fire prevention and fighting operations certified as eligible for fire prevention and fighting service business to provide the course. The regulatory body, organization, facility or individual participating in the course shall incur the training cost.
5. Application for certificate of training in fire prevention and fighting operations includes:
a) For providers of training in fire prevention and fighting operations: an application for examination and issuance of the training certificate (made using Form No. PC21); training plan, program and content; and list of trainee’s resume;
b) For regulatory bodies, organizations and facilities requesting the police authority or a provider of training in fire prevention and fighting operations to provide training: an application for training, examination and issuance of the training certificate (made using Form No. PC22); and list of trainee’s resume;
c) For individuals wishing to receive training and apply for the certificate of training in fire prevention and fighting operations: an application for training, examination and issuance of the training certificate (made using Form No. PC23).
6. Application for reissuance of a damaged certificate of training in fire prevention and fighting operations includes an application for reissuance of the training certificate (made using Form No. PC24) and issued training certificate.
7. Application for reissuance of a lost certificate of training in fire prevention and fighting operations includes an application for reissuance of the training certificate (made using Form No. PC24).
8. The applicant shall submit 01 application prepared according to Clause 13 herein to the competent authority in one of the following ways:
a) Directly at the single-window unit of the competent authority;
b) Online via the public service portal of the competent authority (documents included in state secret lists shall be submitted in compliance with regulations of laws on state secret protection);
c) By public postal service, service provided by an enterprise or individual or authorization as prescribed by law.
9. The official receiving the application shall check its components and validity and perform the following tasks:
a) If the application is adequate and valid according to regulations, receive it and fill out 02 copies of the acknowledgement of application receipt (using Form No. PC03);
b) If the application is inadequate or invalid according to regulations in Clause 4 herein, instruct the applicant on how to complete the application as per regulations and fill out the application revision instruction (using Form No. PC04).
10. Announcement of application processing results:
a) If the application is submitted directly at the single-window unit of the competent authority, the official receiving it shall give 01 copy of the acknowledgement of application receipt or application revision instruction to the applicant and retain 01 copy;
b) If the application is submitted via the public service portal of the competent authority, the official receiving the application shall send a notification of application receipt or instruction on application revision to the applicant via email or text message;
c) If the application is submitted by public postal service, the service of an enterprise and individual or authorization as per the law, the official receiving it shall send 01 copy of the acknowledgement of application receipt or application revision instruction to the applicant and retain 01 copy.
11. The person sent to submit the application by the applicant must have a letter of introduction or letter of authorization and present their unexpired identity card or passport.
12. Time limit for handling of procedures for training, examination, issuance and reissuance of the certificate of training in fire prevention and fighting operations:
a) For providers of training in fire prevention and fighting operations: within 05 working days starting from the date of receipt of a valid application, the police authority shall assess training results of trainees;
b) For regulatory bodies, organizations, facilities and individuals requesting the police authority to provide training:
If there are 20 trainees or more, within 05 working days starting from the date of receipt of a valid application, the police authority shall provide the training and assess training results of the trainees;
If there are less than 20 trainees, the police authority shall gather trainees; and, when there are sufficient trainees, notify the training time and location and assess training results;
c) Within 05 working days starting from the date upon which a pass result is available, the competent police authority shall issue the certificate of training in fire prevention and fighting operations (made using Form No. 02 promulgated together with the Government’s Decree No. 83/2017/ND-CP dated July 18, 2017) to trainees having completed the training course. A written explanation must be provided for trainees not granted a certificate.
d) The certificate of training in fire prevention and fighting operations shall be reissued within 05 working days starting from the date of receipt of a valid application. A written explanation must be provided for rejected applications.
13. Police Department of Fire Prevention and Fighting and Rescue, fire departments and district-level police authorities have the power to issue the certificate of training in fire prevention and fighting operations, which is valid throughout the country for 5 years starting from the date of issuance. When the certificate expires, the holder must undergo training in order to be issued with a new certificate.
Article 34. Benefits offered to firefighting participants and members of the neighborhood watch and internal and specialized firefighting forces
1. Persons mobilized to participate in and support firefighting operations directly per a mobilization order by the competent person are entitled to the following benefits:
a) Receive an amount equal to 30% of the region-based daily minimum wage if they are mobilized for less than 02 hours;
b) Receive an amount equal to 45% of the region-based daily minimum wage if they are mobilized for from 02 to less than 04 hours;
c) If they are mobilized for 04 hours or more or for multiple days, they are entitled to an amount equal to 60% of the region-based daily minimum wage every 04 hours. If they are mobilized from 10:00 PM to 6:00 AM, they are entitled to twice the abovementioned amount;
d) If they are involved in an accident or sustain an injury, their medical bills will be covered; if they sustain an injury that reduces their work capacity according to the conclusion of the medical examination council, they are entitled to a benefit corresponding to the level of work capacity reduction; if they are deceased, they are entitled to death benefits and funeral payment. The abovementioned benefits shall be provided by social insurance and health insurance according to regulations; if a recipient of any of these benefits is an eligible social/health insurance participant, their benefit shall be provided by local government budget or the body managing them;
dd) If they sustain an injury in a manner mentioned in the Ordinance on Benefits for People with Meritorious Services to Revolutions, they may be considered for receipt of benefits offered to war invalids or similar benefits;
e) If they are deceased in a manner mentioned in the Ordinance on Benefits for People with Meritorious Services to Revolutions, they may be considered for recognition as martyrs.
2. Chairpersons of the People’s Committees of provinces and central-affiliated cities shall propose decision on monthly benefit rates for leaders and vice leaders the neighborhood watch, which are set based on actual situation of each province/city but no lower than 15% of the region-based minimum wage, to the People's Council of the same level.
3. Leaders and vice leaders of internal and specialized firefighting forces operating on a part-time basis are entitled to full wages and other allowances (if any) and regular remuneration from their managing bodies. Based on actual situation, heads of their managing bodies shall decide the benefit rate for each title, which shall be no lower than 20% of the region-based minimum wage.
4. When participating in a training or refresher course on fire prevention and fighting operations, members of the neighborhood watch are entitled to an amount equal to 60% of the region-based daily minimum wage on a daily basis; members of internal and specialized firefighting forces may be exempt from their duties and receive full wages and other allowances (if any), and are entitled to an amount equal to 30% of the region-based daily minimum wage on a daily basis.
5. When the persons mentioned in Clause 4 herein participate in a training or refresher course on fire prevention and fighting operations and got involved in an accident, suffer from bodily harm or are deceased, they are entitled to social insurance benefits, death benefits and funeral payment; if they are eligible social insurance participants, these amounts shall be provided by local government budget or their managing bodies.
Article 35. Mobilization of neighborhood watch and internal and specialized firefighting forces for fire prevention and fighting operations
1. Competence in mobilization of the neighborhood watch and internal and specialized firefighting forces for fire prevention and fighting operations:
a) Chairpersons of the People’s Committees at all levels and heads of regulatory bodies and organizations have the power to mobilize the neighborhood watch, internal firefighting forces and specialized firefighting forces under their management;
b) Heads of provincial police authorities, heads of fire departments and heads of district-level police authorities have the power to mobilize the neighborhood watch and internal and specialized firefighting forces in the localities under their management;
c) Head of the Police Department of Fire Prevention and Fighting and Rescue has the power to mobilize the neighborhood watch and internal and specialized firefighting forces across the country,
2. Upon receipt of a mobilization order, managers of the mobilized neighborhood watch and internal and specialized firefighting forces must follow the order.
3. Procedure for mobilization of the neighborhood watch and internal and specialized firefighting forces for fire prevention and fighting operations:
a) When mobilized for communication activities, meetings, marches and maneuvers concerning fire prevention and fighting, firefighting plan drills; elimination of fire and explosion risks; recovery from fire damage and other fire prevention and fighting operations, the neighborhood watch, internal firefighting forces and specialized firefighting forces shall comply with requests from competent persons;
b) The neighborhood watch and internal and specialized firefighting forces must be mobilized for fire prevention and fighting operations by a mobilization order (made using Form No. PC20); in case of emergency, they may be mobilized verbally and a written mobilization order shall be issued no later than 03 working days afterwards. A verbal mobilization order must include full name, post, workplace, address and phone number of the person giving the order, the exact number of people to mobilize, assembly time and point, and information on the operation;
c) Mobilization orders shall be sent to the mobilized entities and archived.
Article 36. Benefits offered to officers, non-commissioned officers and soldiers of firefighting authorities
Besides benefits offered to officers, non-commissioned officers and soldiers of the police force according to regulations, officers, non-commissioned officers and soldiers of firefighting authorities are entitled to special diet after training or working; and benefits offered according to the list of extremely arduous, hazardous and dangerous occupations prescribed by law.
FIRE PREVENTION AND FIGHTING EQUIPMENT
Article 37. Fire prevention and fighting equipment
1. Fire prevention and fighting equipment includes motor equipment, equipment, machines, tools, chemicals and support tools used for fire prevention and fighting as well as human and property rescue and mentioned in Appendix VI enclosed therewith.
2. Motor firefighting equipment of firefighting authorities are mentioned in Section 1 of Appendix VI enclosed therewith.
3. Requirements for domestically manufactured or imported fire prevention and fighting equipment:
a) They must meet technical specifications laid down for fire prevention and fighting purposes;
b) They are compliant with Vietnamese regulations and standards or foreign or international standards applicable in Vietnam.
Article 38. Inspection of fire prevention and fighting equipment
1. Inspection of fire prevention and fighting equipment is a procedural activity carried out by competent authorities and organizations to inspect, assess and certify the compliance of fire prevention and fighting equipment with requirements and regulations stated in technical regulations and standards or fire safety requirements according to guidelines from the Ministry of Public Security.
2. The fire prevention and fighting equipment included in the list in Appendix VII enclosed therewith and domestically manufactured, assembled or converted or imported must undergo an inspection and be issued with a equipment inspection certificate before they are put into use.
3. Inspected items:
a) Type and design of the equipment;
b) Technical specifications related to the quality of the equipment.
4. Inspection methods:
a) Inspect quantity, origin, manufacturing date, serial number and technical specifications of the equipment;
b) Inspect type and design of the equipment;
c) Inspect, test and assess quality of sample equipment.
The sample equipment used for inspection shall be randomly selected using the sampling method stipulated in the corresponding technical regulation or standard. In case there is no technical regulation or standard providing for inspection, testing and assessment of quality of sample of a type of fire prevention and fighting equipment, foreign or international regulations and standards applicable in Vietnam shall apply. Results of inspections performed by foreign authorities and organizations permitted to consider issuance of the inspection certificate by competent authorities of their home countries are acceptable;
d) Assess results and draw up a record of fire prevention and fighting equipment inspection (using Form No. PC25).
5. Components of applications for inspection and/or issuance of the equipment inspection certificate:
a) Application for inspection and issuance of the equipment inspection certificate includes an application for inspection and issuance of the equipment inspection certificate (made using Form No. PC26) by the unit directly and domestically manufacturing, assembling or converting or importing the equipment; certificate of origin or factory release certificate; equipment quality certificate (if any); and technical documents of the inspected equipment;
b) Application for inspection of fire prevention and fighting equipment includes an application for fire prevention and fighting equipment inspection (made using Form No. PC26) by the unit directly and domestically manufacturing, assembling or converting or importing the equipment; certificate of origin or factory release certificate; equipment quality certificate (if any); and technical documents of the inspected equipment;
c) Application for issuance of the equipment inspection certificate includes an application for issuance of the equipment inspection certificate (made using Form No. PC27); inspection record by provider of technical fire prevention and fighting inspection consultancy (hereinafter referred to as “inspection consultancy provider”); record of inspected equipment sampling (made using Form No. PC28); certificate of origin or factory release certificate; equipment quality certificate (if any); and technical documents of the inspected equipment;
d) Documents included in these applications shall be the authentic copy or notarized or certified true copy or copy/photocopy submitted together with its authentic copy for comparison. For applications in a foreign language, a Vietnamese translation must be provided and the applicant shall take responsibility for the content of the translation.
6. The applicant shall submit 01 application prepared according to Clause 5 herein to the competent police authority mentioned in Clause 11 herein in one of the following ways:
a) Directly at the single-window unit of the competent authority;
b) Online via the public service portal of the competent authority (documents included in state secret lists shall be submitted in compliance with regulations of laws on state secret protection);
c) By public postal service, service provided by an enterprise or individual or authorization as prescribed by law.
7. The official receiving the application shall check its components and validity and perform the following tasks:
a) If the application is adequate and valid according to regulations in Clause 5 herein, receive it and fill out the acknowledgement of application receipt (using Form No. PC03);
b) If the application is inadequate or invalid according to regulations in Clause 5 herein, instruct the applicant on how to complete the application as per regulations and fill out the application revision instruction (using Form No. PC04).
8. Announcement of application processing results:
a) If the application is submitted directly at the single-window unit of the competent authority, the official receiving it shall give 01 copy of the acknowledgement of application receipt or application revision instruction to the applicant and retain 01 copy;
b) If the application is submitted via the public service portal of the competent authority, the official receiving the application shall send a notification of application receipt or instruction on application revision to the applicant via email or text message;
c) If the application is submitted by public postal service, the service of an enterprise and individual or authorization as per the law, the official receiving it shall send 01 copy of the acknowledgement of application receipt or application revision instruction to the applicant and retain 01 copy.
9. The person sent to submit the application by the applicant must have a letter of introduction or letter of authorization and present their unexpired identity card or passport.
10. Time limit for application processing:
a) In case of application for inspection by the police authority and issuance of the equipment inspection certificate:
Within 02 working days starting from the date of receipt of an application valid according to regulations in Point a Clause 5 herein, the receiving police authority shall notify the applicant that the sample will be selected by probability sampling, and draw up a sampling record after finishing sampling (using Form No. PC28). Within 03 working days starting from the date upon which the inspection results and inspection record are available, the police authority shall notify the inspection results and issue the equipment inspection certificate to the applicant; and provide a written explanation for the applicant if not issuing the certificate.
b) In case of application for issuance of the equipment inspection certificate to equipment inspected by inspection consultancy provider:
Within 05 working days starting from the date of receipt of an application valid according to regulations in Point c Clause 5 herein, the competent police authority shall consider and assess the inspection results and issue the equipment inspection certificate; and provide a written explanation for the applicant if not issuing the certificate;
c) Each piece of fire prevention and fighting equipment shall undergo inspection once before it is issued with the equipment inspection certificate (made using Form No. PC29) and affixed with an inspection stamp. Within 03 working days starting from the date of issuance of the equipment inspection certificate, the inspecting unit shall cooperate with the issuing authority in affixing the inspection stamp to the equipment according to the issued equipment inspection certificate.
11. Competence in inspection and issuance of the equipment inspection certificate:
a) Police Department of Fire Prevention and Fighting and Rescue has the power to inspect and issue the equipment inspection certificate to the fire prevention and fighting equipment included in the list in Appendix VII enclosed therewith;
b) Fire departments have the power to issue the equipment inspection certificate to the fire prevention and fighting equipment mentioned in Sections 2, 3, 6, 7 and 8 of Appendix VII enclosed therewith and owned by regulatory bodies and organizations whose premises are located in the localities under their management, and to cases authorized by the Police Department of Fire Prevention and Fighting and Rescue;
c) Police-affiliated units eligible and permitted to perform inspection by the Ministry of Public Security; and inspection consultancy providers certified as eligible to engage in fire prevention and fighting service business may receive inspection applications, sample, perform inspection and make inspection records (using Form No. PC25) for the types of fire prevention and fighting equipment which are mentioned in the list in Appendix VII enclosed therewith and of which they are permitted to perform inspection. After the inspection results are available, they must send a written notification together with the inspection record to the applicant applying for the inspection, who will then complete their application for issuance of the equipment inspection certificate according to regulations in Point c Clause 5 herein and submit the application to the competent police authority for consideration and issuance of the certificate.
Article 39. Provision of equipment to firefighting authorities
Firefighting authorities shall be provided with modern fire prevention and fighting equipment and other equipment in adequate and consistent quantity and quality, meeting fire prevention, firefighting and rescue requirements in all cases and within capacity of state budget.
Article 40. Management and use of fire prevention and fighting equipment
1. Fire prevention and fighting equipment must be managed, maintained and repaired according to regulations and be ready for firefighting operations. Motor firefighting equipment may also be used for the following purposes:
a) Political security preservation;
b) Protection of public order and social safety;
c) Human rescue; emergency intervention;
d) Natural disaster control and recovery.
2. The Minister of Public Security or an authorized person and Chairpersons of provincial People’s Committees have the right to mobilize motor firefighting equipment for the purposes mentioned in Clause 1 herein.
3. Head of Police Department of Fire Prevention and Fighting and Rescue, heads of provincial police authorities, heads of fire departments and heads of district-level police authorities have the right to mobilize motor firefighting equipment for the purposes mentioned in Points b, c and d Clause 1 herein intra vires.
4. Heads of regulatory bodies and organizations have the right to mobilize motor firefighting equipment for the purposes mentioned in Points c and d Clause 1 herein intra vires.
FIRE PREVENTION AND FIGHTING SERVICE BUSINESS
Article 41. Conditions for fire prevention and fighting service business
1. Fire prevention and fighting service businesses (hereinafter referred to as “service businesses”) include enterprises; cooperatives; cooperative unions; branches and facilities affiliated to enterprises, cooperatives and cooperative unions; service providers of regulatory bodies and organizations; and household businesses.
2. Heads and legal representatives of the service businesses mentioned in Clause 1 herein must have a degree or certificate concerning completion of a refresher course on fire prevention and fighting operations and undersign any of the following documents: enterprise registration certificate; investment registration certificate; branch/affiliate operation registration certificate; cooperative/cooperative union registration certificate; certificate of registration of branch/business location of cooperative/cooperative union; operation license issued by the competent authority; household business registration certificate; or establishment document or operation license and tax identification number notification (for service providers).
In case the head or legal representative of a service business is a foreigner who has a degree or certificate concerning completion of a refresher course on fire prevention and fighting operations or practitioner certificate in fire prevention and fighting issued by a foreign authority or organization, the degree or certificate must undergo consular legalization.
3. Requirements for facilities and equipment of fire prevention and fighting service business:
a) For service businesses providing fire safety design consultancy, appraisal consultancy or supervision consultancy, they shall have business premises; and equipment enabling fire safety design consultancy, appraisal consultancy or supervision consultancy;
b) For service businesses providing technical fire prevention and fighting inspection consultancy, they shall have laboratories and inspection equipment whose quality is certified by competent authorities;
c) For service businesses providing consultancy concerning transfer of fire prevention and fighting technology; or training in fire prevention and fighting operations, they shall have equipment enabling technology transfer consultancy; or equipment and location for training in fire prevention and fighting operations;
d) For service businesses engaging in fire prevention and fighting system construction, they shall have equipment enabling fire prevention and fighting system construction;
dd) For service businesses engaging in production and assembling of fire prevention and fighting equipment, they shall have business premises; and factories and equipment for production, assembling and testing of fire prevention and fighting equipment.
4. For service businesses providing fire safety design consultancy, appraisal consultancy and supervision consultancy, besides the conditions in Clauses 2 and 3 herein, each of these businesses must have at least 02 individuals who hold a practitioner certificate in fire prevention and fighting consultancy suitable for the consultancy area in compliance with regulations in Points and d Clause 3 Article 43 herein; in which, at least 01 individual takes charge of fire safety design, appraisal and supervision.
5. For service businesses providing technical fire prevention and fighting inspection consultancy, besides the conditions in Clauses 2 and 3 herein, each of these businesses must have at least 02 individuals who hold a practitioner certificate in compliance with regulations in Point c Clause 3 Article 43 herein.
6. For service businesses providing consultancy concerning transfer of fire prevention and fighting technology; or training in fire prevention and fighting operations, besides the conditions in Clauses 2 and 3 herein, each of these businesses shall have at least 01 person holding a bachelor’s degree or higher in fire prevention and fighting or another major suitable for the business’s scope of service and a certificate of completion of refresher course on fire prevention and fighting operations.
7. For service businesses engaging in fire prevention and fighting system construction, besides the conditions in Clauses 2 and 3 herein, each of these businesses must have at least 01 construction manager who has a practitioner certificate in managing fire prevention and fighting construction in compliance with regulations in Point dd Clause 3 Article 43 herein.
8. For service businesses engaging in production and assembling of fire prevention and fighting equipment, besides the conditions in Clauses 2 and 3 herein, each of these businesses shall have at least 01 person holding a bachelor’s degree or higher in fire prevention and fighting or another major suitable for the business’s scope of service and a certificate of completion of refresher course on fire prevention and fighting operations.
9. Service businesses engaging in trade of fire prevention and fighting equipment shall adhere to regulations in Clauses 2 and 3 herein.
10. The persons mentioned in Clauses 4, 5, 6, 7 and 8 herein must directly participate in service business operations of their businesses.
A person who has used a degree or certificate to enable operation of a service business may not use this degree or certificate to enable operation of another service business.
Article 42. Conditions for individual providers of fire prevention and fighting services
An individual may provide fire prevention and fighting services under the following conditions:
1. The individual has a practitioner certificate in fire prevention and fighting suitable for their business operations.
2. The individual works for a service business.
Article 43. Degrees and certificates concerning fire prevention and fighting and conditions for issuance of certificates concerning fire prevention and fighting
1. Degrees concerning fire prevention and fighting:
a) Doctor’s degree in fire prevention and fighting;
b) Master’s degree and equivalent degrees in fire prevention and fighting;
c) Bachelor’s degree and equivalent degrees in fire prevention and fighting;
d) College’s degree in fire prevention and fighting;
dd) Intermediate professional education diploma in fire prevention and fighting.
2. Certificates concerning fire prevention and fighting:
a) Certificate of completion of refresher course on fire prevention and fighting;
b) Practitioner certificates in fire prevention and fighting consultancy: practitioner certificate in fire safety consultancy; practitioner certificate in fire safety appraisal consultancy; practitioner certificate in fire safety supervision consultancy; practitioner certificate in technical fire prevention and fighting inspection consultancy; and practitioner certificate in managing fire prevention and fighting construction.
3. Conditions for granting of certificates concerning fire prevention and fighting:
a) Those who have completed a refresher course on fire prevention and fighting will be granted a certificate of completion of refresher course on fire prevention and fighting.
The certificate of completion of refresher course on fire prevention and fighting shall be granted by educational institutions providing training in fire prevention and fighting operations and is valid throughout the country;
b) Conditions for granting of practitioner certificates in fire safety design consultancy and fire safety appraisal consultancy:
The applicant holds a college's degree or higher in fire prevention and fighting or bachelor’s degree or higher in a major suitable for their scope of consultancy and a certificate of completion of refresher course in fire prevention and fighting operations;
The applicant has provided fire safety design or appraisal consultancy for at least 03 projects and/or works issued with the certificate of fire safety design appraisal by firefighting authorities.
c) Conditions for granting of practitioner certificate in technical fire prevention and fighting inspection:
The applicant holds a college's degree or higher in fire prevention and fighting or bachelor’s degree or higher in a major suitable for their scope of consultancy and a certificate of completion of refresher course in fire prevention and fighting operations;
d) Conditions for granting of practitioner certificate in fire safety supervision consultancy:
The applicant holds a intermediate professional education diploma or higher in fire prevention and fighting or intermediate professional education diploma or higher in a major suitable for their scope of consultancy and a certificate of completion of refresher course in fire prevention and fighting operations;
The applicant has supervised the construction of at least 03 projects and/or works issued with the written approval of fire safety commissioning results by firefighting authorities;
The applicant has a certificate of completion of refresher course in construction supervision operations.
dd) Conditions for granting of practitioner certificate in managing fire prevention and fighting construction:
The applicant holds a intermediate professional education diploma or higher in fire prevention and fighting or intermediate professional education diploma or higher in a major suitable for their work and a certificate of completion of refresher course in fire prevention and fighting operations;
The applicant has supervised the construction of the fire prevention and fighting system of at least 03 projects and/or works issued with the written approval of fire safety commissioning results by firefighting authorities.
4. Conditions for persons in charge of fire safety design, appraisal and supervision:
a) They have a practitioner certificate in fire prevention and fighting consultancy mentioned in Point b Clause 2 herein appropriate to their titles;
b) They have at least 03 years of experience relevant to their work and have provided fire safety design, appraisal or supervision consultancy for at least 03 projects and/or works issued with the certificate of fire safety design appraisal and written approval of fire safety commissioning results by firefighting authorities.
5. The suitable majors mentioned in Article 41 and this Article include the following academic disciplines: architecture and planning; construction; construction management (excluding construction economics); construction and architectural engineering technology; mechanical engineering technology; electrical, electronic and telecommunications engineering technology; oil and gas technology and extraction; mechanical engineering and engineering mechanics (excluding printing engineering); and electrical, electronic and telecommunications engineering (excluding biomedical engineering) according to regulations of the Ministry of Education and Training.
Article 44. Practitioner certificates in fire prevention and fighting consultancy
1. Application for issuance of a practitioner certificate in fire prevention and fighting consultancy includes:
a) An application for issuance of practitioner certificate in fire prevention and fighting consultancy (made using Form No. PC30);
b) Declaration of professional experience in fire prevention and fighting operations (made using Form No. PC31);
c) Degrees and certificates related to application for issuance of the certificate;
d) 02 3x4 cm color photos of the applicant.
2. Application for reissuance of a practitioner certificate in fire prevention and fighting consultancy upon addition to the applicant’s scope of consultancy includes the documents mentioned in Clause 1 herein and the issued practitioner certificate in fire prevention and fighting consultancy.
3. Application for reissuance of an expired or damaged practitioner certificate in fire prevention and fighting consultancy includes the documents mentioned in Points a and d Clause 1 herein and the issued practitioner certificate in fire prevention and fighting consultancy.
4. Application for reissuance of a lost practitioner certificate in fire prevention and fighting consultancy includes the documents mentioned in Points a and d Clause 1 herein and a declaration of loss of the certificate with confirmation of the police authority of the locality where the certificate is lost.
5. Documents included in applications for issuance or reissuance of practitioner certificates in fire prevention and fighting consultancy submitted to police authorities shall be the authentic copy or notarized or certified true copy or copy/photocopy submitted together with its authentic copy for comparison.
6. The applicant shall submit 01 application to the competent authority specified in Clause 11 in any of the following ways:
a) Directly at the single-window unit of the competent authority;
b) Online via the public service portal of the competent authority (documents included in state secret lists shall be submitted in compliance with regulations of laws on state secret protection);
c) By public postal service, service provided by an enterprise or individual or authorization as prescribed by law.
7. The official receiving the application shall check its components and validity and perform the following tasks:
a) If the application is adequate and valid according to regulations, receive it and fill out 02 copies of the acknowledgement of application receipt (using Form No. PC03);
b) If the application is inadequate or invalid according to regulations, instruct the applicant on how to complete the application and fill out the application revision instruction (using Form No. PC04).
8. Announcement of application processing results:
a) If the application is submitted directly at the single-window unit of the competent authority, the official receiving it shall give 01 copy of the acknowledgement of application receipt or application revision instruction to the applicant and retain 01 copy;
b) If the application is submitted via the public service portal of the competent authority, the official receiving the application shall send a notification of application receipt or instruction on application revision to the applicant via email or text message;
c) If the application is submitted by public postal service, the service of an enterprise and individual or authorization as per the law, the official receiving it shall send 01 copy of the acknowledgement of application receipt or application revision instruction to the applicant and retain 01 copy.
9. The person sent to submit the application by the applicant must have a letter of introduction or letter of authorization and present their unexpired identity card or passport.
10. Within 07 working days from the date of receipt of a valid application, the competent authority shall consider and issue or reissue the practitioner certificate in fire prevention and fighting consultancy (using Form No. PC32). If the application is rejected, the competent authority must send a written explanation to the applicant.
11. Competence in issuance and reissuance of practitioner certificates in fire prevention and fighting consultancy:
Police Department of Fire Prevention and Fighting and Rescue has the power to issue and reissue practitioner certificates in fire prevention and fighting consultancy nationwide.
12. Practitioner certificates in fire prevention and fighting consultancy are valid nationwide.
Article 45. Certificates of eligibility for fire prevention and fighting service business
1. Application for issuance of a certificate of eligibility for fire prevention and fighting service business includes:
a) An application for issuance of certificate of eligibility for fire prevention and fighting service business (made using Form No. PC33);
b) Degree or certificate concerning completion of a refresher course in fire prevention and fighting of the head or legal representative of the service business;
c) List of holders of a practitioner certificate in fire prevention and fighting consultancy suitable for the service business’s scope of service; and practitioner certificate in fire prevention and fighting consultancy and decision on employment or labor contract of each holder;
d) Written proof of availability of facilities and equipment necessary for business operations: certificate of ownership or agreement on lease of business location; list of equipment for business operations; certificate of laboratory quality and assessment of calibration of inspection equipment by the competent authority (for application for issuance of certificate of eligibility for technical fire prevention and fighting inspection consultancy).
2. Application for reissuance of a certificate of eligibility for fire prevention and fighting service business upon change of head or legal representative includes the documents mentioned in Points a and b Clause 1 herein and the issued certificate of eligibility of fire prevention and fighting service business.
3. Application for reissuance of a certificate of eligibility for fire prevention and fighting service business upon change of business location or change or addition to fire prevention and fighting service business lines includes the documents mentioned in Points a, c and d Clause 1 herein and the issued certificate of eligibility of fire prevention and fighting service business.
4. Application for reissuance of a certificate of eligibility for fire prevention and fighting service business upon damage to the certificate or change to the service business’s name includes the documents mentioned in Point a Clause 1 herein and the issued certificate of eligibility of fire prevention and fighting service business.
5. Application for reissuance of a lost certificate of eligibility for fire prevention and fighting service business includes the documents mentioned in Point a Clause 1 herein and a declaration of loss of the certificate with confirmation of the police authority of the locality where the certificate is lost.
6. Documents included in applications for issuance or reissuance of certificates of eligibility for fire prevention and fighting service business submitted to police authorities shall be the authentic copy or notarized or certified true copy or copy/photocopy submitted together with its authentic copy for comparison.
7. The applicant shall submit 01 application prepared according to Clause 12 herein to the competent authority in one of the following ways:
a) Directly at the single-window unit of the competent authority;
b) Online via the public service portal of the competent authority (documents included in state secret lists shall be submitted in compliance with regulations of laws on state secret protection);
c) By public postal service, service provided by an enterprise or individual or authorization as prescribed by law.
8. The official receiving the application shall check its components and validity and perform the following tasks:
a) If the application is adequate and valid according to regulations, receive it and fill out 02 copies of the acknowledgement of application receipt (using Form No. PC03);
b) If the application is inadequate or invalid according to regulations in Clause 4 herein, instruct the applicant on how to complete the application as per regulations and fill out the application revision instruction (using Form No. PC04).
9. Announcement of application processing results:
a) If the application is submitted directly at the single-window unit of the competent authority, the official receiving it shall give 01 copy of the acknowledgement of application receipt or application revision instruction to the applicant and retain 01 copy;
b) If the application is submitted via the public service portal of the competent authority, the official receiving the application shall send a notification of application receipt or instruction on application revision to the applicant via email or text message;
c) If the application is submitted by public postal service, the service of an enterprise and individual or authorization as per the law, the official receiving it shall send 01 copy of the acknowledgement of application receipt or application revision instruction to the applicant and retain 01 copy.
10. The person sent to submit the application by the applicant must have a letter of introduction or letter of authorization and present their unexpired identity card or passport.
11. Within 07 working days from the date of receipt of a valid application, the competent authority shall consider and issue or reissue the certificate of eligibility for fire prevention and fighting service business (using Form No. PC34). If the application is rejected, the competent authority must send a written explanation to the applicant.
12. Competence in issuance and reissuance of certificates of eligibility for fire prevention and fighting service business
a) Police Department of Fire Prevention and Fighting and Rescue has the power to issue and reissue certificates of eligibility for fire prevention and fighting service business to service businesses providing technical fire prevention and fighting inspection consultancy, service businesses engaging in production and assembling of fire prevention and fighting equipment; service businesses established according to a ministerial-level decision; and foreign-invested service businesses;
b) Fire departments have the power to issue and reissue certificates of eligibility for fire prevention and fighting service business to service businesses in localities under their management, excluding service businesses issuance of certificates of eligibility for fire prevention and fighting service business of which is within the competence of Police Department of Fire Prevention and Fighting and Rescue.
13. Service businesses may engage in fire prevention and fighting service business only after they are granted a certificate of eligibility for fire prevention and fighting service business by the police authority.
Article 46. Management, use and revocation of certificates of eligibility for fire prevention and fighting service business
1. The head/legal representative of a service business shall manage the certificate of eligibility for fire prevention and fighting service business issued to their business and perform the following tasks:
a) Return the certificate to the issuing police authority for revocation when their business is dissolved or goes bankrupt as per the law or no longer engages in fire prevention and fighting service business;
b) Notify the issuing police authority of the reason for and duration of temporary suspension of their business’s operations in writing when their business’s operations are temporarily suspended;
c) Carry out procedure for reissuance of the certificate when the certificate is lost or damaged, or the name, address or head/legal representative of their business is changed as per the law, or there is change or addition to the fire prevention and fighting service business lines of their business;
d) Present the certificate to the competent state agencies and police authority upon request.
2. A service business will have its certificate of eligibility for fire prevention and fighting service business revoked when it fails to satisfy conditions for fire prevention and fighting service business after the certificate is issued. The certificate shall be revoked in compliance with regulations in Clause 4 Article 16 herein. After revocation, the police authority shall notify the revocation to the enterprise registration authority or competent authority permitting the service business to operate in writing.
FUNDING FOR FIRE PREVENTION AND FIGHTING OPERATIONS
Article 47. Use of funding for fire prevention and fighting operations
1. Funding for fire prevention and fighting operations shall be distributed to the following activities:
a) Investment in fire prevention and fighting operations, facilities and equipment and equipment for firefighting authorities;
b) Assistance for operations of the neighborhood watch, internal firefighting forces and specialized firefighting forces;
c) Assistance for communication and establishment of the all people’s fire prevention and fighting movement;
d) Assistance for commendation in relation to fire prevention and fighting operations;
dd) Assistance for other fire prevention and fighting operations.
2. Funding for fire prevention and fighting operations shall be managed and used as prescribed by law.
Article 48. Funding for fire prevention and fighting operations
1. Funding for fire prevention and fighting operations of firefighting authorities, state agencies, service providers, armed forces and other units funded by central and local government budgets shall be covered by state budget in accordance with existing state budget decentralization and other legal funding sources as per the law.
On an annual basis, the Ministry of Public Security shall formulate a plan for budget for fire prevention and fighting operations and assign Police Department of Fire Prevention and Fighting and Rescue to carry out this plan; People's Committees at all levels must formulate a plan for funding for fire prevention and fighting operations in their localities.
2. Regulatory bodies and organizations not funded by state budget, households, individuals and foreign organizations in Vietnam shall cover their fire prevention and fighting operations according to regulations.
3. Funding from state budget for operations of firefighting authorities shall be distributed to the following activities:
a) Regular operations of firefighting authorities;
b) Provision, renovation and modernization of fire prevention and fighting equipment and technical facilities; and scientific and technological research on fire prevention and fighting according to regulations.
4. Expenditure items for fire prevention and fighting operations of People's Committees at all levels:
a) Assistance for building, conversion and repair of work premises, purchase, provision, maintenance, repair, renovation and modernization of fire prevention and fighting equipment and technical facilities for firefighting authorities stationed in their localities;
b) Regular operations of the neighborhood watch; regular assistance for the leader and vice leaders of the neighborhood watch;
c) Purchase of protective equipment and fire prevention and fighting equipment for the neighborhood watch and internal firefighting forces of regulatory bodies and organizations funded by state budget.
Article 49. Encouraging investment in fire prevention and fighting
1. The State shall encourage and enable Vietnamese regulatory bodies, organizations and individuals, overseas Vietnameses, foreign organizations and individuals and international organizations to invest in and sponsor the following:
a) Fire prevention and fighting operations;
b) Fire prevention and fighting equipment;
c) Training and refresher courses on fire prevention and fighting;
d) Application of scientific and technological advancements in fire prevention and fighting;
dd) Building and development of facilities and technologies supporting fire prevention and fighting.
2. The State shall encourage research, domestic manufacturing and assembling and export of fire prevention and fighting equipment.
3. Regulatory bodies, organizations and individuals involved in domestic manufacturing and assembling, import and export of fire prevention and fighting equipment are entitled to tax incentives as per the State’s regulations.
RESPONSIBILITIES OF MINISTRIES, MINISTERIAL-LEVEL AGENCIES, GOVERNMENTAL AGENCIES AND PEOPLE’S COMMITTEES AT ALL LEVELS FOR FIRE PREVENTION AND FIGHTING
Article 50. Responsibilities of ministries, ministerial-level agencies and Governmental agencies
1. Within their competence, ministries, ministerial-level agencies and Governmental agencies shall perform the following tasks:
a) Promulgate legislative documents and regulations on fire prevention and fighting applicable to areas under their management;
b) Organize dissemination of law and education on fire prevention and fighting; direct launch and preservation of the all people’s fire prevention and fighting movement;
c) Direct investment of funding in fire prevention and fighting and provision of fire prevention and fighting equipment;
d) Direct firefighting operations and recovery from fire damage;
dd) Assign personnel for fire prevention and fighting; produce statistics and submit reports on fire prevention and fighting to the Government and Ministry of Public Security.
2. The Ministry of Education and Training shall take charge and cooperate with the Ministry of Public Security and relevant ministries, central authorities and units in formulating content of training in fire prevention, firefighting and rescue, deciding training time and stipulating incorporation of training into subject-centered curricula and educational activities of the general education curricula and extracurricular activities as suitable for each educational stage and qualification.
3. The Ministry of Information and Communications shall take charge and cooperate with the Ministry of Public Security and relevant regulatory bodies in promoting dissemination of and education on law and providing knowledge and skills concerning fire prevention, firefighting and rescue.
4. The Ministry of Construction shall take charge and cooperate with the Ministry of Public Security and relevant ministries and central authorities in reviewing and amending construction planning, urban planning and planning under its management connected to planning for fire prevention and fighting infrastructures as appropriate to actual situation; researching, amending and formulating technical regulations and standards related to fire prevention and fighting for types of works lacking technical regulations and standards.
5. The Ministry of Finance shall take charge of allocating funding for recurrent expenditure to ministries and central government authorities in charge of fire prevention and fighting according to regulations of the Law on State Budget and guidelines thereof.
6. The Ministry of Planning and Investment shall take charge and cooperate with the Ministry of Finance, Ministry of Public Security and relevant ministries and central authorities in incorporating plans for 5-year and annual investment in development of fire prevention and fighting of ministries, central authorities and local governments into 5-year and annual socio - economic development plans of the state to ensure socio - economic development is connected with strengthening of national defense and security; appraising funding sources and ability to balance funding for projects on investment in construction of facilities and manufacturing and procurement of equipment for fire prevention and fighting according to regulations of the Law on Public Investment; and proposing the consolidated plans to the Government and the National Assembly for approval.
7. The Ministry of Foreign Affairs shall take charge and cooperate with the Ministry of Public Security in fire prevention and fighting for premises of diplomatic missions, consular missions and representatives of international organizations and houses of members thereof; post information on Vietnam-based international organizations and foreign organizations and individuals entitled to privileges and immunities concerning exemption from firefighting mobilization; notify the Ministry of Public Security of premises of consular missions of countries with which Vietnam has signed a consular agreement, premises of representatives of international organizations affiliated to the United Nations, premises of representatives of intergovernmental international organizations not affiliated to the United Nations, and mass organizations of international organizations where Vietnamese firefighting forces may enter for firefighting purpose at the request or with the permission of the heads or authorized persons of these entities; notify the Ministry of Public Security of houses of members of consular posts who do not have Vietnamese nationality or permanently reside in Vietnam where Vietnamese firefighting forces may enter for firefighting purpose at their request or with their permission as stipulated by consular agreements between Vietnam and their countries.
8. The Ministry of Labor - War Invalids and Social Affairs shall provide guidelines for benefits offered to persons mobilized to directly participate in or support firefighting operations as per a mobilization order by the competent person and involved in an accident, or suffering from reduced work capacity due to an accident as per the conclusion of the medical examination council, or sustaining an injury, or sustaining an injury mentioned in the Ordinance on Benefits for People with Meritorious Services to Revolutions, or deceased, or deceased in a manner mentioned in the Ordinance on Benefits for People with Meritorious Services to Revolutions; benefits offered to members of the neighborhood watch and internal and specialized firefighting forces upon participation in a training or refresher course on fire prevention and fighting operations; and benefits offered to members of the neighborhood watch and internal and specialized firefighting forces involved in an accident, suffering from bodily harm or deceased during a refresher or training course on fire prevention and fighting operations as agreed upon with the Ministry of Public Security and Ministry of Finance.
9. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall take charge and cooperate with the Ministry of Public Security, ministries, central authorities, local governments and relevant regulatory bodies in developing and implementing plans for force mobilization in forest fire prevention and fighting in an effective manner.
Article 51. Responsibilities of Ministry of Public Security
The Ministry of Public Security shall exercise unified state management of fire prevention and fighting throughout the country and perform the following tasks:
1. Propose and implement fire prevention and fighting strategies, planning and plans nationwide.
2. Promulgate or propose legislative documents, regulations and standards on fire prevention and fighting for promulgation; stipulate decentralization of fire prevention and fighting management, decentralization of training in fire prevention and fighting operations in police authorities and issuance of certificate thereof; stipulate content and duration of refresher courses on fire prevention and fighting; and provide guidelines for inspection of and training in fire safety design inspection and appraisal.
3. Provide guidance and direction on dissemination of law and education on fire prevention and fighting; establishment of the all people’s fire prevention and fighting movement;
4. Carry out fire management of motor vehicles and facilities under its management; inspect fire prevention and fighting; handle complaints and denunciations related to fire prevention and fighting intra vires.
5. Appraise and inspect fire safety commissioning results of investors and vehicle owners for projects, construction works and motor vehicles subject to special fire safety requirements and provide for performance of these tasks by the police; inspect and issue certificate of compliance for fire prevention and fighting equipment; provide for, manage, print and distribute inspection stamps used for fire prevention and fighting equipment.
6. Investigate and handle fire incidents and handle violations against fire prevention and fighting regulations.
7. Provide regulations, guidelines and directions on receipt and handling of fire incident reports, firefighting operations direction, combat-ready firefighters, and firefighting plan formulation and drills according to regulations.
8. Develop and perform projects on investment in fire prevention and fighting equipment for firefighting authorities; promulgate and organize implementation of regulations on norms and standards for provision, management, preservation, maintenance and use of fire prevention and fighting equipment.
9. Develop firefighting authorities; organize training for fire prevention and fighting officials.
10. Organize research, distribution and application of scientific and technological advances in fire prevention and fighting.
11. Produce state statistics on fire prevention and fighting.
12. Organize an information system for management and command of fire prevention and fighting operations.
13. Inspect fire and explosion insurance connected with fire prevention and fighting.
14. Propose participation in international organizations and signing or participation in conventions on fire prevention and fighting to the Government; carry out international activities related to fire prevention and fighting intra vires.
Article 52. Responsibilities of People’s Committees at all levels
1. Provincial and district-level People’s Committees shall exercise state management of fire prevention and fighting in their provinces and districts and perform the following tasks intra vires:
a) Promulgate regulations on fire prevention and fighting in their provinces and cities;
b) Direct, inspect and organize implementation of regulations of law on fire prevention and fighting in their provinces and districts; handle violations against fire prevention and fighting regulations intra vires;
c) Provide guidance and direction on dissemination of law and education on fire prevention and fighting for the people; develop the all people’s fire prevention and fighting movement;
d) Allocate funding from budget to fire prevention and fighting and provision of fire prevention and fighting equipment;
dd) Ensure conditions for fire incident reporting and roads and water supply for firefighting purpose;
e) Develop planning for barracks of firefighting authorities, propose land allocation and build these barracks;
g) Direct formulation and drills of firefighting plans involving mobilization of multiple forces and equipment;
h) Direct firefighting operations and recovery from fire damage;
i) Produce statistics and submit reports on fire prevention and fighting to the supervisory People's Committees, the Government and Ministry of Public Security.
2. Commune-level People’s Committees shall exercise state management of fire prevention and fighting in their communes and perform the following tasks intra vires:
a) Promulgate, direct, inspect and organize implementation of regulations of law on fire prevention and fighting; inspect fire safety of residential areas, households, household businesses and facilities under their management; and handle violations against fire prevention and fighting regulations intra vires;
b) Organize dissemination of law and education on fire prevention and fighting; establish the all people’s fire prevention and fighting movement;
c) Organize management of the neighborhood watch of villages;
d) Direct investment of funding in fire prevention and fighting and provision of fire prevention and fighting equipment;
dd) Direct firefighting plan formulation and drills;;
e) Organize firefighting operations and recovery from fire damage;
g) Produce statistics and submit reports on fire prevention and fighting to district-level People's Committees.
1. This Decree takes effect from January 10, 2021 and supersedes the Government’s Decree No. 79/2014/ND-CP dated July 31, 2014 providing guidelines for a number of Articles of Law on Fire Prevention and Fighting and Law on Amendments to Law on Fire Prevention and Fighting (hereinafter referred to as “Decree No. 79/2014/ND-CP”).
2. In the cases where any of the legislative documents referred to in this Decree is amended or replaced, the newest one shall apply.
3. Handling of administrative procedures via the public service portal:
a) In the event where public service portals of competent authorities have not satisfied conditions for handling of administrative procedures by electronic means, application submission and announcement of application processing results shall be carried out directly at single-window units of competent authorities or by public postal service, service provided by an enterprise or individual or authorization as prescribed by law;
b) Application submission and announcement of application processing results when public service portals of competent authorities have satisfied conditions for handling of administrative procedures by electronic means shall be carried out in accordance with regulations of the Government’s Decree No.45/2020/ND-CP dated April 08, 2020 on administrative procedures by electronic means.
4. Transitional provisions:
a) For projects and works included in the list in Appendix IV and motor vehicles subject to special fire safety requirements mentioned in Clause 2 Article 10 of Decree No. 79/2014/ND-CP and issued with the certificate of design appraisal but not mentioned in the list in Appendix V enclosed therewith, their construction and commissioning of their fire safety shall conform to regulations in Articles 14 and 15 of this Decree;
b) For projects and works excluded from the list in Appendix IV enclosed with Decree No. 79/2014/ND-CP and having been appraised and issued with the construction permit by construction authorities or currently under construction, if they are included in the list in Appendix V enclosed with this Decree, their investors may continue the construction, carry out commissioning and take responsibility for their fire safety;
c) For facility firefighting plans formulated using Form No. PC11 enclosed with Circular No. 66/2014/TT-BCA dated December 16m 2014 by the Ministry of Public Security detailing implementation of a number of Articles of Decree No. 79/2014/ND-CP dated July 31, 2014 (hereinafter referred to as “Circular No. 66/2014/TT-BCA”) and approved by competent authorities, if there is no change to the dangers posed by fire, explosion and toxic hazards and firefighting-related conditions, these plans may continue to be adopted and do not require reformulation or reapproval;
d) Applicants whose applications for the following procedures have been received before the entry into force of this Decree shall continue to follow regulations in Decree No. 79/2014/ND-CP: issuance of the permit for transport of goods posing fire or explosion hazard; fire safety design appraisal and inspection of fire safety commissioning results; firefighting plan approval; issuance of the certificate of training in fire prevention and fighting operations; inspection of fire prevention and fighting equipment; and issuance of the practitioner certificate in fire safety consultancy and certificate of eligibility for fire prevention and fighting service business;
dd) Permits to transport goods posing fire or explosion hazard; fire safety design appraisal certificates, fire safety design appraisal documents; records of fire safety commissioning; inspection certificates of motor vehicles; practitioner certificates in fire safety consultancy; certificates of eligibility for fire prevention and fighting service business; and certificates of completion of refresher course on fire prevention and fighting operations issued according to regulations of Decree No. 79/2014/ND-CP may continue to be used until their expiry dates (if any) as prescribed by law;
e) Units permitted to inspect fire prevention and fighting equipment by the Ministry of Public Security may continue to perform such inspection according to regulations of Decree No. 79/2014/ND-CP, and must satisfy all requirements for inspection of fire prevention and fighting equipment provided for in this Decree within 24 months after the entry into force of this Decree. Inspection stamps used for fire prevention and fighting equipment shall be printed using Form No. PC20 promulgated together with Circular No. 36/2018/TT-BCA dated December 05, 2018 by the Ministry of Public Security amending some Articles of Circular No. 66/2014/TT-BCA until the Ministry of Public Security provides new regulations on inspection stamps used for fire prevention and fighting equipment.
Article 54. Implementing responsibilities
Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of Governmental agencies, Chairpersons of People’s Committees of provinces and central-affiliated cities and relevant organizations and individuals shall implement this Decree./.
|
P.P. THE GOVERNMENT |
LIST OF FACILITIES REQUIRING FIRE MANAGEMENT
(Enclosed with the Government's Decree No. 136/2020/ND-CP dated November 24, 2020)
1. Premises of regulatory bodies at all levels.
2. Apartment buildings; tenement houses, dormitories; mixed-use buildings.
3. Junior kindergartens, senior kindergartens; primary schools, lower secondary schools; upper secondary schools, multi-level secondary schools; colleges, universities, academies; post-secondary schools; vocational schools; continuing education institutions; other educational institutions established under the Education Law.
4. Hospitals; polyclinics, clinics, sanitariums, physical rehabilitation facilities, orthopedic facilities, nursing homes, epidemic prevention and control facilities, medical centers, other healthcare facilities established under the Law on Medical Examination and Treatment.
5. Theaters, cinemas, circuses; convention centers; cultural centers, karaoke facilities, night clubs; bars, clubs, beauty clinics, massage shops, theme parks, zoos, aquariums.
6. Markets; shopping malls; supermarkets; department stores; convenience stores; restaurants and eateries.
7. Hotels, guesthouses; rented houses and other types of lodgings established under the Law on Tourism.
8. Workplaces of enterprises and socio - political organizations.
9. Museums, libraries; exhibits; storage facilities, bookstores, fair facilities; religious establishments.
10. Post offices, broadcasting and telecommunications facilities; information equipment housing units; data storage and management centers.
11. Stadiums; arenas; sports centers; racing tracks, shooting ranges; other sports facilities established under the Law on Physical Training and Sports.
12. Airports, air traffic control towers; wharves of seaports; dry ports; inland ports; coach stations; rest stops; rail stations; aerial passenger tramway terminals; subway facilities; motor vehicle registration facilities; automobile, motorcycle and moped trading and maintenance facilities.
13. Automobile garages and parking lots established under the law.
14. Road tunnels and railway tunnels of at least 500 m.
15. Nuclear facilities; facilities for producing, trading, preserving and using industrial explosives and explosive precursors; industrial explosive and explosive precursor storage; industrial explosive and explosive precursor import and export ports; weapon and combat gear storage.
16. Facilities for extracting, processing, producing, transporting, trading and preserving petroleum, petroleum products and gas on land; petroleum and petroleum product terminals, gas terminals; petroleum, petroleum product and gas import and export ports; filling stations, flammable liquid stations; gas stations.
17. Industrial facilities with grade A, B, C, D or E risk of fire and explosion.
18. Power plants; electrical substations with voltage of at least 110 kV.
19. Tunnels with production, storage and use of flammable materials and explosives; storage of flammable goods or non-flammable goods contained in flammable packaging; flammable goods and scrap yards with area of at least 500 m2.
20. Facilities besides those mentioned from section 1 to section 19 that have internal filling stations or use internal gas supply systems with total weight of gas used of at least 70 kg.
21. Mixed-use houses involved in trade of flammable goods or substances or goods contained in flammable packaging of household./.
LIST OF FACILITIES AT RISK OF FIRE OR EXPLOSION
(Enclosed with the Government's Decree No. 136/2020/ND-CP dated November 24, 2020)
1. Premises of regulatory bodies at all levels with at least 10 stories or total volume of all work buildings of at least 25.000 m3.
2. Apartment buildings, tenement houses and dormitories with at least 7 stories or total volume of at least 10.000 m3; mixed-use buildings with at least 5 stories or total volume of at least 5.000 m3.
3. Junior kindergartens and senior kindergartens with at least 350 students or total volume of all educational buildings of at least 5.000 m3; primary schools, lower secondary schools; upper secondary schools and multi-level secondary schools with total volume of all educational buildings of at least 5.000 m3; colleges, universities, academies, post-secondary schools, vocational schools and continuing education institutions with at least 7 stories or total volume of all educational buildings of at least 10.000 m3; other educational institutions established under the Education Law with total volume of at least 5.000m3.
4. Hospitals with at least 250 beds; polyclinics, clinics, sanitariums, physical rehabilitation facilities, orthopedic facilities, nursing homes, epidemic prevention and control facilities, medical centers and other healthcare facilities established under the Law on Medical Examination and Treatment with at least 5 stories or total volume of at least 5.000 m3.
5. Theaters, cinemas and circuses with at least 600 seats; convention centers with at least 5 stories or total volume of all convention buildings of at least 10.000 m3; cultural centers, karaoke facilities, night clubs; bars, clubs, beauty clinics, massage shops, theme parks, zoos and aquariums with volume of at least 5.000 m3.
6. Classes 1 and 2 markets; shopping malls; supermarkets; department stores; convenience stores; restaurants and eateries with total business space of at least 500 m2 or volume of at least 5.000 m3.
7. Hotels, guesthouses; rented houses and other types of lodgings established under the Law on Tourism with at least 7 stories or total volume of all lodgings of at least 10.000 m3.
8. Workplaces of enterprises and socio - political organizations with at least 7 stories or total volume of all work buildings of at least 10.000 m3.
9. Museums, libraries; exhibits; storage facilities, bookstores and fair facilities with volume of at least 10.000 m3.
10. Post offices and broadcasting and telecommunications facilities with at least 5 stories or volume of the main building of at least 10.000 m3; information equipment housing units and data storage and management centers with volume of at least 5.000 m3.
11. Stadiums with at least 40.000 seats; arenas with at least 500 seats; sports centers; racing tracks and shooting ranges with total volume of all sport buildings of at least 10.000 m3 or at least 5.000 seats; other sports facilities established under the Law on Physical Training and Sports with volume of at least 5.000 m3.
12. Airports, air traffic control towers; wharves of seaports; dry ports; classes I and II inland ports; classes 1 and 2 coach stations; class 1 rest stops; rail stations; and aerial passenger tramway terminals with volume of at least 5.000 m3; subway facilities; motor vehicle registration facilities; and automobile, motorcycle and moped trading and maintenance facilities with business space of at least 500 m2 or volume of at least 5.000 m3.
13. Garages capable of accommodating at least 10 automobiles.
14. Nuclear facilities; facilities producing, trading, preserving and using industrial explosives and explosive precursors; industrial explosive and explosive precursor storage; industrial explosive and explosive precursor import and export ports; weapon and combat gear storage.
15. Facilities for extracting, processing, producing, transporting, trading and preserving petroleum, petroleum products and gas on land; petroleum and petroleum product terminals, gas terminals; petroleum, petroleum product and gas import and export ports; filling stations, flammable liquid stations; and gas stations with total gas storage of at least 200 kg.
16. Industrial facilities with grade A or B risk of fire and explosion and total volume of all buildings housing the main production lines of at least 5.000 m3; grade C risk of fire and explosion and total volume of all buildings housing the main production lines of at least 10.000 m3; grade D or E risk of fire and explosion and total volume of all buildings housing the main production lines of at least 15.000 m3.
17. Power plants; electrical substations with voltage of at least 110 kV.
18. Tunnels with production, storage and use of flammable materials and explosives and total volume of at least 5.000 m3; storage of flammable goods or non-flammable goods contained in flammable packaging with total volume of at least 5.000 m3./.
LIST OF FACILITIES UNDER POLICE MANAGEMENT
(Enclosed with the Government's Decree No. 136/2020/ND-CP dated November 24, 2020)
1. Premises of regulatory bodies at district level and higher.
2. Apartment buildings with at least 5 stories or volume of at least 5.000m3, tenement houses and dormitories with at least 5 stories or total volume of at least 2.500 m3; mixed-use buildings with at least 5 stories or total volume of at least 1.500 m3.
3. Junior kindergartens and senior kindergartens with at least 100 students or total volume of at least 1.000 m3; primary schools and lower secondary schools with total volume of at least 2.000 m3; upper secondary schools and multi-level secondary schools; colleges, universities, academies; post-secondary schools; vocational schools; continuing education institutions; and other educational institutions established under the Education Law with total volume of at least 1.000 m3.
4. Hospitals; polyclinics, clinics, sanitariums, physical rehabilitation facilities, orthopedic facilities, nursing homes, epidemic prevention and control facilities, medical centers and other healthcare facilities established under the Law on Medical Examination and Treatment with at least 3 stories or total volume of at least 1.000 m3.
5. Theaters, cinemas, circuses; convention centers with at least 3 stories or total volume of at least 1.500 m3; cultural centers, karaoke facilities and night clubs with at least 3 stories or volume of at least 1.000 m3; bars, clubs, beauty clinics, massage shops, theme parks, zoos and aquariums with at least 3 stories or total volume of at least 1.500 m3.
6. Classes 1 and 2 markets; shopping malls; supermarkets; department stores; convenience stores; restaurants and eateries with total business space of at least 300 m2 or volume of at least 1.000 m3.
7. Hotels and guest houses with at least 5 stories or volume of at least 1.500 m3; rented houses and other types of lodgings established under the Law on Tourism with at least 3 stories or volume of at least 1.000 m3.
8. Workplaces of enterprises and socio - political organizations with at least 5 stories or total volume of at least 1.500 m3.
9. Museums, libraries; exhibits; storage facilities, bookstores and fair facilities with volume of at least 1.500 m3; religious establishments with volume of at least 5.000 m3.
10. Post offices and broadcasting and telecommunications facilities with at least 3 stories or volume of at least 1.500 m3; information equipment housing units and data storage and management centers with volume of at least 1.000 m3.
11. Stadiums; arenas; sports centers; racing tracks, shooting ranges; other sports facilities established under the Law on Physical Training and Sports with volume of at least 1.500 m3.
12. Airports, air traffic control towers; wharves of seaports; dry ports; inland ports; coach stations; rest stops; rail stations; aerial passenger tramway terminals; subway facilities; motor vehicle registration facilities; and automobile, motorcycle and moped trading and maintenance facilities with business space of at least 500 m2 or volume of at least 5.000 m3.
13. Garages capable of accommodating at least 10 automobiles; parking lots established under the law and capable of accommodating at least 20 automobiles.
14. Road tunnels and railway tunnels of at least 500 m.
15. Nuclear facilities; facilities producing, trading, preserving and using industrial explosives and explosive precursors; industrial explosive and explosive precursor storage; industrial explosive and explosive precursor import and export ports; weapon and combat gear storage.
16. Facilities for extracting, processing, producing, transporting, trading and preserving petroleum, petroleum products and gas on land; petroleum and petroleum product terminals, gas terminals; petroleum, petroleum product and gas import and export ports; filling stations, flammable liquid stations; and gas stations with total gas storage of at least 150 kg.
17. Industrial facilities with grade A or B risk of fire and explosion; grade C risk of fire and explosion and total volume of all buildings housing the main production lines of at least 2.500 m3; grade D or E risk of fire and explosion and total volume of all buildings housing the main production lines of at least 5.000 m3.
18. Power plants; electrical substations with voltage of at least 110 kV.
19. Tunnels with production, storage and use of flammable materials and explosives and total volume of at least 1.500 m3; storage of flammable goods or non-flammable goods contained in flammable packaging with total volume of at least 1.500 m3; flammable goods and scrap yards with area of at least 1000 m2.
20. Facilities besides those mentioned from section 1 to section 19 that have internal filling stations or use internal gas supply systems with total weight of gas used of at least 70 kg.
21. Mixed-use houses involved in trade of flammable goods or substances or goods contained in flammable packaging of household with total business space of at least 300 m2./.
LIST OF FACILITIES UNDER MANAGEMENT OF COMMUNE-LEVEL PEOPLE’S COMMITTEES
(Enclosed with the Government's Decree No. 136/2020/ND-CP dated November 24, 2020)
1. Premises of regulatory bodies at commune level.
2. Apartment buildings with less than 5 stories and volume of less than 5.000 m3, tenement houses and dormitories with less than 5 stories and total volume of less than 2.500 m3; mixed-use buildings with less than 5 stories and total volume of less than 1.500 m3.
3. Junior kindergartens and senior kindergartens with less than 100 students or total volume of less than 1.000 m3; primary schools and lower secondary schools with total volume of all educational buildings of less than 2.000 m3; other educational institutions established under the Education Law with volume of less than 1.000 m3.
4. Polyclinics, clinics, sanitariums, physical rehabilitation facilities, orthopedic facilities, nursing homes, epidemic prevention and control facilities, medical centers and other healthcare facilities established under the Law on Medical Examination and Treatment with less than 3 stories and total volume of less than 1.000 m3.
5. Convention centers with less than 3 stories or total volume of less than 1.500 m3; cultural centers, karaoke facilities and night clubs with less than 3 stories and volume of less than 1.000 m3; bars, clubs, beauty clinics, massage shops, theme parks, zoos and aquariums with volume of less than 1.500 m3.
6. Class 3 markets; shopping malls; supermarkets; department stores; convenience stores; restaurants and eateries with business space of less than 300 m2 and volume of less than 1.000 m3.
7. Hotels and guest houses with less than 5 stories and total volume of less than 1.500 m3; rented houses and other types of lodgings established under the Law on Tourism with less than 3 stories and total volume of less than 1.000 m3.
8. Workplaces of enterprises and socio - political organizations with less than 5 stories and volume of less than 1.500 m3.
9. Museums, libraries; exhibits; storage facilities, bookstores and fair facilities with volume of less than 1.500 m3; religious establishments with volume of less than 5.000 m3.
10. Post offices and broadcasting and telecommunications facilities with less than 3 stories and volume of less than 1.500 m3; information equipment housing units and data storage and management centers with volume of less than 1.000 m3.
11. Sports facilities established under the Law on Physical Training and Sports with volume of less than 1.500 m3.
12. Automobile, motorcycle and moped trading and maintenance facilities with business space of less than 500 m2 and volume of less than 5.000 m3.
13. Indoor garages capable of accommodating less than 10 automobiles; parking lots established under the law and capable of accommodating less than 20 automobiles.
14. Flammable liquid stations and gas stations with total gas storage of less than 150 kg.
15. Industrial facilities with grade C risk of fire and explosion and total volume of all buildings housing the main production lines of less than 2.500 m3; and grade D or E risk of fire and explosion and total volume of all buildings housing the main production lines of less than 5.000 m3.
16. Tunnels with production, storage and use of flammable materials and explosives and total volume of less than 1.500 m3; storage of flammable goods or non-flammable goods contained in flammable packaging with total volume of less than 1.500 m3; flammable goods and scrap yards with area of less than 1000 m2.
17. Mixed-use houses involved in trade of flammable goods or substances or goods contained in flammable packaging of household with total business space of less than 300 m2./.
LIST OF PROJECTS, WORKS AND MOTOR VEHICLES REQUIRING APPRAISAL OF FIRE SAFETY DESIGN
(Enclosed with the Government's Decree No. 136/2020/ND-CP dated November 24, 2020)
1. Premises of regulatory bodies at all levels with at least 7 stories or total volume of at least 5.000 m3.
2. Apartment buildings, tenement houses and dormitories with at least 7 stories or total volume of at least 5.000 m3; mixed-use buildings with at least 7 stories or total volume of at least 5.000 m3.
3. Junior kindergartens and senior kindergartens with at least 100 students or total volume of at least 3.000 m3; primary schools, lower secondary schools, upper secondary schools and multi-level secondary schools with total volume of at least 5.000 m3; colleges, universities, academies; post-secondary schools; vocational schools; continuing education institutions; and other educational institutions established under the Education Law with at least 5 stories or total volume of at least 5.000 m3.
4. Hospitals; polyclinics, clinics, sanitariums, physical rehabilitation facilities, orthopedic facilities, nursing homes, epidemic prevention and control facilities, medical centers and other healthcare facilities established under the Law on Medical Examination and Treatment with at least 5 stories or total volume of at least 3.000 m3.
5. Theaters, cinemas and circuses with at least 300 seats; convention centers with at least 5 stories or total volume of at least 5.000 m3; cultural centers, karaoke facilities and night clubs with at least 3 stories or volume of at least 1.000 m3; bars, clubs, beauty clinics, massage shops, theme parks, zoos and aquariums with at least 3 stories or total volume of at least 1.500 m3.
6. Markets; shopping malls; supermarkets; department stores; convenience stores; restaurants and eateries with total volume of at least 3.000 m3.
7. Hotels, guest houses, rented houses and other types of lodgings established under the Law on Tourism with at least 7 stories or total volume of at least 5.000 m3.
8. Workplaces of enterprises and socio - political organizations with at least 7 stories or total volume of at least 5.000 m3.
9. Museums, libraries; exhibits; storage facilities, bookstores and fair facilities with total volume of at least 5.000 m3.
10. Post offices and broadcasting and telecommunications facilities; information equipment housing units and data storage and management centers with at least 5 stories or total volume of at least 5.000 m3.
11. Stadiums with at least 5.000 seats; arenas, sports centers racing tracks, shooting ranges and other sports facilities established under the Law on Physical Training and Sports with at least 5.000 seats or total volume of at least 5.000 m3.
12. Airports, air traffic control towers; wharves of seaports; dry ports; inland ports; coach stations; rail stations; aerial passenger tramway terminals and rest stops with total volume of at least 1.500 m3; subway facilities; motor vehicle registration facilities; and automobile, motorcycle and moped trading and maintenance facilities with business space of at least 500 m2 or volume of at least 5.000 m3.
13. Indoor garages with total volume of at least 3.000 m3.
14. Road tunnels of at least 500 m; railway tunnels of at least 1.000 m.
15. Nuclear facilities; facilities producing, trading and preserving industrial explosives and explosive precursors; industrial explosive and explosive precursor storage; industrial explosive and explosive precursor import and export ports; weapon and combat gear storage.
16. Facilities for extracting, processing, producing, transporting, trading and preserving petroleum, petroleum products and gas on land; petroleum and petroleum product terminals, gas terminals; petroleum, petroleum product and gas import and export ports; filling stations, internal filling stations with at least 01 fuel dispenser; gas stations and internal gas supply systems with total gas storage of at least 200 kg.
17. Industrial facilities with grade A or B risk of fire and explosion and total volume of at least 1.500 m3; and grade C, D or E risk of fire and explosion and total volume of at least 5.000 m3.
18. Power plants; electrical substations with voltage of at least 110 kV.
19. Tunnels with production, storage and use of flammable materials and explosives and total volume of at least 1.000 m3. Warehouses of flammable goods or non-flammable goods contained in flammable packaging with total volume of at least 3.000 m3.
20. Technical infrastructures related to fire prevention and fighting of cities, economic zones, industrial parks, industry clusters, export-processing zones, hi-tech parks and other functional zones according to the Law on Planning requiring approval from authority at district level or higher.
21. Motor vehicles subject to special requirements for fire safety. Railway vehicles and watercrafts at least 20 m in length transporting passengers, gasoline, oil, flammable liquids, flammable gas, explosives and chemicals posing fire and explosion hazards./.
LIST OF FIRE PREVENTION AND FIGHTING EQUIPMENT
(Enclosed with the Government's Decree No. 136/2020/ND-CP dated November 24, 2020)
1. Motor firefighting equipment
a) Fire trucks: fire trucks with tanks, fire trucks without tanks, airport fire trucks, forest fire trucks, chemical (powder, foaming agent, gas) fire trucks, tunnel fire trucks, railway fire trucks and amphibious fire trucks;
b) Firefighting vehicles: ladder trucks; bucket trucks; command vehicles; command center vehicles; fire scene examination vehicles; lighting vehicles; pumpers; water tenders; equipment carriers; firefighter carriers; chemical carriers; rescue vehicles; smoke removal vehicles; technical maintenance vehicles; logistics vehicles; crane trucks; chemical, biological and nuclear hazard handling vehicles; extinguishant carriers; breathing apparatus transport and charging vehicles; fire hose carriers; fuel carriers; ambulances; and fire bikes;
c) Firefighting aircrafts; firefighting boats; firefighting canoes; firefighting motorboats; other firefighting floating structures with motor;
d) Firefighting pumps;
dd) Other motor equipment: air charging machines; sawing, cutting, drilling, hammering, winching, pulling and spreading equipment (with motor), power inverters, bucket equipment, vegetation processing equipment (vegetation cutters, grass cutters); PPV fans; smoke extract fans; power generators; air blowers; and shoulder-supported fire extinguishers with motor.
2. Common firefighting equipment
a) Fire hoses and suction hoses;
b) Hose nuzzles;
c) Dividing breechings, ejectors;
d) Fire hydrants;
dd) Fire ladders;
e) Powder, foam, gas and water-based fire extinguishers.
3. Extinguishants: water-based firefighting chemicals, firefighting powder, firefighting gas and firefighting foaming agents.
4. Fire-resistant substances or materials; fire protection materials, fire protection doors, fire protection glass, fire protection dividers, fire dampers; and fire curtains.
5. Equipment of fire alarm systems: fire alarm control panels, detectors of all types, early warning equipment, modules of all types, fire alarm bells, fire alarm lights, fire alarm pull stations, fire alarm buttons, fire alarm sound systems and evacuation instructions.
6. Equipment of firefighting systems (by gas, aerosol, water, powder, foam): firefighting control panels; extinguishant releasing bells, horns, lights and signs; alarm valves, deluge valves, supervisory valves, selector valves, pressure switches, flow switches; non-metal pipes in automated firefighting water supply systems, soft pipes used for fire hoses; hose connections of fire hydrants, extinguishant hoses of all types; bottles and equipment containing firefighting gas, aerosol, powder and foam of all types.
7. Escape lights, emergency lights.
8. Personal protective clothing and equipment
a) Firefighting trousers, tops, hats, boots, gloves, shoes, belts, glasses and face masks; heat-resistant trousers, tops, hats, boots, gloves and shoes; insulated boots and gloves; personal lighting equipment;
b) Toxic-filtering respirators; respiratory protective devices; self-contained breathing apparatus.
9. Human rescue equipment: human rescue ropes; rescue belts; human rescue mattresses; human rescue ladders; evacuation slides; human detectors; high-altitude rescue equipment; underwater rescue equipment; confined space rescue equipment; equipment for rescue during events of chemical and radiation hazards; first-aid equipment.
10. Forcible entry tools: pliers, saws, hammers, axes, hoes, shovel, crowbars, multi-purpose forcible entry tools, long-handled sickles, machete, rakes, flappers.
11. Equipment for communication, commanding of firefighting operations and rescue
a) Command tables, command tents, command flags, incident commander armbands;
b) Wired communication systems;
c) Radio communication systems, surveillance equipment supporting commanding of forest and aerial firefighting operations, handheld GPS devices.
12. Equipment for inspection of fire safety and fire prevention and fighting equipment./.
LIST OF FIRE PREVENTION AND FIREFIGHTING EQUIPMENT REQUIRING INSPECTION
(Enclosed with the Government's Decree No. 136/2020/ND-CP dated November 24, 2020)
1. Fire trucks; rescue vehicles; ladder trucks; pumpers; extinguishant carriers; breathing apparatus transport and charging vehicles; smoke removal vehicles; firefighting boats, canoes and motorboats; air charging machines.
2. Firefighting pumps.
3. Common firefighting equipment: fire hoses; hose nuzzles; dividing breechings, fire hydrants; extinguishers of all types.
4. Water-based firefighting chemicals, firefighting foaming agents.
5. Specimens of structures covered by fire-resistant substances or materials; specimens of fire protection structural components (fire protection doors,, fire protection dividers, fire dampers, fire curtains).
6. Equipment of fire alarm systems: fire alarm control panels, detectors of all types, fire alarm bells, fire alarm lights, fire alarm buttons.
7. Equipment of firefighting systems (by gas, aerosol, water-based extinguishant, powder, foam): automated firefighting system control panels; extinguishant releasing bells, horns and lights, extinguishant manual release buttons; alarm valves, deluge valves, selector valves, pressure switches, flow switches; non-metal pipes in firefighting water supply systems, soft pipes used for fire hoses; extinguishant hoses of all types; gas bottles.
8. Escape lights, emergency lights.
9. Specialized firefighting trousers, tops, hats, boots and gloves./.
SPECIFICATIONS OF SIGNAL FLAGS, SIGNAGE, ARMBAND AND TAPE USED IN FIREFIGHTING OPERATIONS
(Enclosed with the Government's Decree No. 136/2020/ND-CP dated November 24, 2020)
1. Fire truck priority flag
The flag has the shape of an isosceles triangle with a width of 270 mm and a height of 370 mm and a green background with yellow border. In the middle of the flag is a printed or embroidered yellow arrow with a length of 235 mm, a tail of 50 mm in length and 30 mm in width, a body of 5 mm in width and a head 20 mm away from the flag’s border. In the middle of the arrow are the printed or embroidered “CHỮA CHÁY" ("FIRE FIGHTING") words in yellow capitalized Times New Roman font and of 30 mm in height. The flag handle is 500 mm in height and 15 mm in diameter.
2. Fire area barricade tape
The tape has a yellow background, a width of 80 mm and a length of from 50 to 100 m. 2 lines of words run along the length of the tape repeatedly. The first line contains the words “KHU VỰC CHỮA CHÁY” (“FIRE AREA”) and the second line contains the words “FIRE AREA” of 20 mm in height and in capitalized Times New Roman font.
3. Signal flag of firefighting command team
The flag has the shape of an isosceles triangle with a width of 300 mm and a height of 400 mm and a red background with yellow border. The flag contains printed or embroidered words “BAN CHỈ HUY CHỮA CHÁY” (“FIREFIGHTING COMMAND TEAM”) in yellow capitalized Times New Roman font and of 40 mm in height. The flag handle is pushed through a 20 mm hole at the top of the flag for hanging.
4. Incident commander armband
The incident commander armband is made from fabric with a red background with yellow border, a width of 100 mm and a circumference of from 350 to 450 mm. The armband contains the words “CHỈ HUY CHỮA CHÁY” (“INCIDENT COMMANDER”) in yellow capitalized Times New Roman font and of 40 mm in height.
5. Fire area no entry sign
The yellow sign is made from plastic, can be folded neatly, and contains the silver reflective words “KHU vực CHỮA CHÁY” (“FIRE AREA”), “KHÔNG NHIỆM VỤ CẤM VÀO” (“NO ENTRY”), “FIRE AREA” and “NO ENTRY” of 30 mm in height and in capitalized Times New Roman font on both sides./.
Văn bản liên quan
Cập nhật
Điều 4. Cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy
Điều 7. Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với hộ gia đình
Điều 20. Trách nhiệm báo cháy, chữa cháy và tham gia chữa cháy
Điều 21. Người chỉ huy chữa cháy
Điều 22. Nhiệm vụ chỉ huy, chỉ đạo chữa cháy
Điều 27. Hoàn trả và bồi thường thiệt hại phương tiện, tài sản được huy động để chữa cháy
Điều 33. Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy
Điều 37. Nâng lương đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng
Điều 4. Cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy
Điều 5. Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở
Điều 8. Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới
Điều 9. Cấp phép, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ
Điều 13. Thiết kế và thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy
Điều 15. Nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy
Điều 16. Kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy
Điều 18. Phục hồi hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình và cá nhân
Điều 33. Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy
Điều 38. Kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy
Điều 41. Điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy
Điều 44. Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy
Điều 45. Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy
Điều 47. Sử dụng nguồn tài chính cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy