Karaoke tuân thủ PCCC phải đáp ứng điều kiện gì? (ảnh 1)
Karaoke tuân thủ PCCC phải đáp ứng điều kiện gì?

1. Karaoke tuân thủ PCCC phải đáp ứng điều kiện gì?

Hiện nay, quy định về phòng cháy chữa cháy quán karaoke đang được nêu tại Điều 5 Thông tư 147/2020/TT-BCA quy định biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Cụ thể:

(1) Điều kiện

  • Cao ≥ 3 tầng hoặc tổng khối tích ≥ 1.000 m3:
    • Có nội quy, biển cấm, biển cáo, biển chỉ dẫn/sơ đồ phòng cháy chữa cháy, thoát nạn;
    • Có lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở được huấn luyện nghiệp vụ sẵn sàng chữa cháy tại chỗ;
    • Có phương án chữa cháy được phê duyệt;
    • Có hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, cấp nước…
    • Có giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản thẩm quyệt thiết kế và chấp thuận két quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy…
  • Cao < 3 tầng hoặc tổng khối tích < 1.000 m3:
    • Có nội quy, biển cấm, biển cáo, biển chỉ dẫn/sơ đồ phòng cháy chữa cháy, thoát nạn;
    • Có phương án chữa cháy được phê duyệt;
    • Có hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện…
  • Trong nhà cao tầng, nhà đa năng:
    • Có nội quy, biển cấm, biển cáo, biển chỉ dẫn/sơ đồ phòng cháy chữa cháy, thoát nạn;
    • Dùng thiết bị điện, sinh lửa, sinh nhiệt, nguồn lửa, nguồn nhiệt đảm bảo.
    • Cử người tham gia đội phòng cháy chữa cháy cơ sở.
    • Phối hợp thực hiện, duy trì điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy.

(2) Thiết kế

  • Đối tượng: Quán karaoke cao ≥ 3 tầng hoặc tổng khối tích ≥ 1.500 m3; nằm trong nhà.
  • Thiết kế:
    • Liền kề với công trình khác: Tường ngoài là tường ngăn cháy loại 1 (nhà có bậc chịu lửa I, II, III); loại 2 (nhà có bậc chịu lửa IV).
    • Quán karaoke cao nhất là không quá 16 tầng; cho phép bố trí trong tầng hầm 01 hoặc tầng bán hàm khi tổng diện tích không lớn hơn 300 m2 và có ít nhất 02 lối thoát nạn trực tiếp ra ngoài.
    • Trong một gian phòng, một tầng hoặc một nhà phải có hệ số sàn là 01 m2/người.
    • Biển quảng cáo là vật liệu không cháy, được lắp không che kín toàn bộ nhà, công trình, lối thoát nạn, ban công. Nếu là biển ngang thì đảm bảo mỗi tầng chỉ đặt một biển cao ≤02m, ngang không vượt quá chiều ngang mặt tiền công trình; mặt ngoài nhô ra khỏi tường ≤0,2m. Biển dọc thì ngang ≤01m, cao ≤04m không vượt quá chiều cao của tầng đặt biển, mặt ngoài nhô ra khỏi tường ≤0,2m.
    • Hệ thống chiếu sáng là nguồn điện riêng, có cầu dao, aptomat bảo vệ, không để hàng hoá dễ cháy dưới/gần chỗ đặt biển quảng cáo. Đèn chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn có ở tùng gian phòng hát.
    • Đảm bảo đủ số lượng, chất lượng phương tiện phòng cháy chữa cháy; chuông, đèn báo cháy hành lang tầng, chuông báo cháy có ở trong từng gian phòng; hệ thống báo cháy liên động để tự động ngắt hệ thống điện của dàn âm thanh trong các phòng hát khi hệ thống báo cháy hoạt động nếu có sự cố, nổ xảy ra.
    • Mỗi tầng của nhà, mỗi phòng có diện tích > 50m2 phải có ít nhất 02 lối thoát nạn. Nếu số người đồng thời không quá 20 người/tầng thì có phép mỗi tầng có 01 lối thoát nạn.
    • Cửa phòng quán karaoke phải mở theo chiều thoát nạn…

2. Lối ra thoát nạn quán karaoke phải đáp ứng điều kiện gì?

Lối ra thoát nạn quán karaoke phải đáp ứng điều kiện gì?

Lối ra thoát nạn quán karaoke phải đáp ứng điều kiện gì?

Căn cứ Mục 3.2 Lối ra thoát nạn và lối ra khẩn cấp theo QCVN 06:2022/BXD quy định:

  • Các lối ra được coi là lối ra thoát nạn (còn gọi là lối thoát nạn) nếu:
    • Dẫn từ các gian phòng ở tầng 1 ra ngoài theo một trong những cách sau:
      • Ra ngoài trực tiếp;
      • Qua hành lang;
      • Qua tiền sảnh (hay phòng chờ);
      • Qua buồng thang bộ;
      • Qua hành lang và tiền sảnh (hay phòng chờ);
      • Qua hành lang và buồng thang bộ.
    • Dẫn từ các gian phòng của tầng bất kỳ, trừ tầng 1, vào một trong các nơi sau:
      • Trực tiếp vào buồng thang bộ hay tới cầu thang bộ loại 3;
      • Vào hành lang dẫn trực tiếp vào buồng thang bộ hay tới cầu thang bộ loại 3;
      • Vào phòng sử dụng chung (hay phòng chờ) có lối ra trực tiếp dẫn vào buồng thang bộ hoặc tới cầu thang bộ loại 3;
      • Vào hành lang bên của nhà có chiều cao PCCC dưới 28 m dẫn trực tiếp vào cầu thang bộ loại 2.
    • Dẫn vào gian phòng liền kề (trừ gian phòng nhóm F5 hạng A hoặc B) trên cùng tầng mà từ gian phòng này có các lối ra như được nêu tại đoạn a) và đoạn b) của điều này. Lối ra dẫn vào gian phòng hạng A hoặc B được phép coi là lối ra thoát nạn nếu nó dẫn từ gian phòng kỹ thuật không có chỗ cho người làm việc thường xuyên mà chỉ dùng để phục vụ các gian phòng hạng A hoặc B nêu trên.
  • Các lối ra từ các tầng hầm và tầng nửa hầm là lối ra thoát nạn khi thoát trực tiếp ra ngoài và tách biệt với các buồng thang bộ chung của nhà (xem minh họa ở Hình I.1, Phụ lục I).

Cho phép bố trí:

    • Các lối ra thoát nạn từ các tầng hầm đi qua các buồng thang bộ chung có lối đi riêng ra bên ngoài được ngăn cách với phần còn lại của buồng thang bộ bằng vách đặc ngăn cháy loại 1 (xem minh họa ở Hình I.2, Phụ lục I);

    • Các lối ra thoát nạn từ các tầng hầm và tầng nửa hầm có bố trí các gian phòng hạng C, D, E, đi vào các gian phòng hạng C4, D và E và vào sảnh nằm trên tầng một của nhà nhóm F5 khi bảo đảm các yêu cầu của 4.25;
    • Các lối ra thoát nạn từ phòng chờ, phòng gửi đồ, phòng hút thuốc và phòng vệ sinh ở các tầng hầm hoặc tầng nửa hầm của nhà nhóm F2, F3 và F4 đi vào sảnh của tầng 1 theo các cầu thang bộ riêng loại 2;
    • Khoang đệm (kể cả khoang đệm kép) trên lối ra ngoài trực tiếp từ nhà, từ tầng hầm và tầng nửa hầm.
  • Các lối ra không được coi là lối ra thoát nạn nếu trên lối ra này có đặt cửa hay cổng có cánh mở kiểu trượt hoặc xếp, cửa cuốn, cửa quay.

Các cửa đi có cánh mở ra (cửa bản lề) nằm trong các cửa hay cổng nói trên được coi là lối ra thoát nạn nếu được thiết kế theo đúng yêu cầu quy định.

  • Số lượng và chiều rộng của các lối ra thoát nạn từ các gian phòng, các tầng và các nhà được xác định theo số lượng người thoát nạn lớn nhất có thể đi qua chúng và khoảng cách giới hạn cho phép từ chỗ xa nhất có thể có người (sinh hoạt, làm việc) tới lối ra thoát nạn gần nhất.
    • CHÚ THÍCH 1: Số lượng người thoát nạn lớn nhất từ các không gian khác nhau của nhà hoặc nhà được xác định theo G.3, Phụ lục G.
    • CHÚ THÍCH 2: Ngoài các yêu cầu chung được nêu trong quy chuẩn này, yêu cầu cụ thể về số lượng và chiều rộng của các lối ra thoát nạn được nêu trong tài liệu chuẩn cho từng loại công trình. Phụ lục G nêu một số quy định cụ thể cho các nhóm nhà thường gặp.

Khi gian phòng hoặc nhóm các gian phòng có số người sử dụng đồng thời lớn hơn 50 người và có tính nguy hiểm cháy theo công năng khác với ngôi nhà thì phải đảm bảo lối thoát nạn riêng cho các gian phòng đó (trực tiếp ra ngoài hoặc vào buồng thang bộ thoát nạn).

  • Các gian phòng sau phải có không ít hơn hai lối ra thoát nạn:
    • Các gian phòng nhóm F1.1 có mặt đồng thời hơn 15 người.
    • Các gian phòng trong các tầng hầm và tầng nửa hầm có mặt đồng thời hơn 15 người; riêng các gian phòng trong tầng hầm và tầng nửa hầm có từ 6 đến 15 người có mặt đồng thời thì cho phép một trong hai lối ra tuân theo các yêu cầu tại đoạn d) của 3.2.13;
    • Các gian phòng có mặt đồng thời hơn 50 người;
    • Các gian phòng nhóm F5 hạng A hoặc B có số người làm việc trong ca đông nhất lớn hơn 5 người, hạng C - khi số người làm việc trong ca đông nhất lớn hơn 25 người hoặc có diện tích lớn hơn 1 000 m2;
    • Các sàn công tác hở hoặc các sàn dành cho người vận hành và bảo dưỡng thiết bị trong các gian phòng nhóm F5 có diện tích lớn hơn 100 m2 - đối với các gian phòng thuộc hạng A và B hoặc lớn hơn 400 m2 - đối với các gian phòng thuộc các hạng khác;
    • Các gian phòng nhóm F1.3 (căn hộ) được bố trí ở cả hai tầng (2 cao trình - thường gọi là căn hộ thông tầng), khi chiều cao PCCC của tầng phía trên lớn hơn 18 m thì phải có lối ra thoát nạn từ mỗi tầng.
  • Các tầng nhà thuộc các nhóm sau đây phải có không ít hơn hai lối ra thoát nạn:
    • F1.1; F1.2; F2.1; F2.2; F3; F4;
    • F1.3 khi tổng diện tích các căn hộ trên một tầng lớn hơn 500 m2 (đối với các nhà đơn nguyên thì tính diện tích trên một tầng của đơn nguyên). Trường hợp tổng diện tích nhỏ hơn hoặc bằng 500 m2 và khi chỉ có một lối ra thoát nạn từ một tầng, thì từ mỗi căn hộ ở độ cao lớn hơn 15 m, ngoài lối ra thoát nạn phải có một lối ra khẩn cấp theo quy định tại 3.2.13;
    • F5, hạng A hoặc B khi số người làm việc trong ca đông nhất lớn hơn 5 người, hạng C khi số người làm việc trong ca đông nhất lớn hơn 25 người.

Các tầng hầm và nửa hầm phải có không ít hơn hai lối ra thoát nạn khi có diện tích lớn hơn 300 m2 hoặc dùng cho hơn 15 người có mặt đồng thời.

Cho phép có một lối ra thoát nạn từ mỗi tầng (hoặc từ một phần của tầng được ngăn cách khỏi các phần khác của tầng bằng các bộ phận ngăn cháy) có nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.2, F1.4, F2, F3, F4.2, F4.3, F4.4 với số người trên mỗi tầng, tính theo Bảng G.9 (Phụ lục G), không vượt quá 20 người và khi lối thoát nạn đi vào buồng thang bộ không nhiễm khói có cửa đi ngăn cháy loại 2 (theo Bảng 2), đồng thời phải đảm bảo một trong những điều kiện sau:

    • Đối với nhà có chiều cao PCCC không quá 15 m thì diện tích mỗi tầng không được lớn hơn 300 m2.
    • Đối với nhà có chiều cao từ trên 15 m đến 21 m thì diện tích mỗi tầng không được lớn hơn 200 m2 và toàn bộ nhà được bảo vệ bằng hệ thống chữa cháy tự động.
  • Số lối ra thoát nạn từ một tầng không được ít hơn hai nếu tầng này có gian phòng với yêu cầu số lối ra thoát nạn không ít hơn hai.

Số lối ra thoát nạn từ một nhà không được ít hơn số lối ra thoát nạn từ bất kỳ tầng nào của nhà đó.

  • Khi có từ hai lối ra thoát nạn trở lên, chúng phải được bố trí phân tán và khi tính toán khả năng thoát nạn của các lối ra cần giả thiết là đám cháy đã ngăn cản không cho người sử dụng thoát nạn qua một trong những lối ra đó. Các lối ra còn lại phải bảo đảm khả năng thoát nạn an toàn cho tất cả số người có trong gian phòng, trên tầng hoặc trong ngôi nhà đó (tham khảo minh họa ở Hình I.3).

Khi một gian phòng, một phần nhà hoặc một tầng của nhà yêu cầu phải có từ 2 lối ra thoát nạn trở lên thì ít nhất hai trong số những lối ra thoát nạn đó phải được bố trí phân tán, đặt cách nhau một khoảng bằng hoặc lớn hơn một nửa chiều dài của đường chéo lớn nhất của mặt bằng gian phòng, phần nhà hoặc tầng nhà đó. Khoảng cách giữa hai lối ra thoát nạn được đo theo đường thẳng nối giữa hai cạnh gần nhất của chúng (tham khảo minh họa ở Hình I.4 a), b), c)). Nếu nhà được bảo vệ toàn bộ bằng hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler, thì khoảng cách này có thể giảm xuống còn 1/3 chiều dài đường chéo lớn nhất của mặt bằng các gian phòng trên (tham khảo minh họa ở Hình I.4 d)).

Khi có hai buồng thang thoát nạn nối với nhau bằng một hành lang trong thì khoảng cách giữa hai lối ra thoát nạn (cửa vào buồng thang thoát nạn) được đo dọc theo đường di chuyển theo hành lang đó (Hình I.5). Hành lang này phải được bảo vệ theo quy định trong 3.3.5.

  • Chiều cao thông thủy của lối ra thoát nạn phải không nhỏ hơn 1,9 m, chiều rộng thông thủy không nhỏ hơn:
    • 1,2 m - từ các gian phòng nhóm F1.1 khi số người thoát nạn lớn hơn 15 người, từ các gian phòng và nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng khác có số người thoát nạn lớn hơn 50 người, ngoại trừ nhóm F1.3;
    • 0,8 m - trong tất cả các trường hợp còn lại.

Chiều rộng của các cửa đi ra bên ngoài của buồng thang bộ cũng như của các cửa đi từ buồng thang bộ vào sảnh không được nhỏ hơn giá trị tính toán hoặc chiều rộng của bản thang được quy định tại 3.4.1.

Trong mọi trường hợp, khi xác định chiều rộng của một lối ra thoát nạn phải tính đến dạng hình học của đường thoát nạn qua lỗ cửa hoặc cửa để bảo đảm không cản trở việc vận chuyển các cáng tải thương có người nằm trên.

  • Các cửa của lối ra thoát nạn và các cửa khác trên đường thoát nạn phải được mở theo chiều lối thoát từ trong nhà ra ngoài.

Không quy định chiều mở của các cửa đối với:

    • Các gian phòng nhóm F1.3 và F1.4.
    • Các gian phòng có mặt đồng thời không quá 15 người, ngoại trừ các gian phòng hạng A hoặc B;
    • Các phòng kho có diện tích không lớn hơn 200 m2 và không có chỗ cho người làm việc thường xuyên.
    • Các buồng vệ sinh.
    • Các lối ra dẫn vào các chiếu thang của các cầu thang bộ loại 3.
  • Các cửa của các lối ra thoát nạn từ các hành lang tầng, không gian chung, phòng chờ, sảnh và buồng thang bộ phải không có chốt khóa để có thể mở được cửa tự do từ bên trong mà không cần chìa. Trong các nhà chiều cao PCCC lớn hơn 15 m, các cánh cửa nói trên, ngoại trừ các cửa của căn hộ, phải là cửa đặc hoặc cửa với kính cường lực.

Các cửa của lối ra thoát nạn từ các gian phòng hay các hành lang được bảo vệ chống khói cưỡng bức phải là cửa đặc được trang bị cơ cấu tự đóng và khe cửa phải được chèn kín. Các cửa này nếu cần để mở khi sử dụng thì phải được trang bị cơ cấu tự động đóng khi có cháy.

Đối với các buồng thang bộ, các cửa ra vào phải có cơ cấu tự đóng và khe cửa phải được chèn kín. Các cửa trong buồng thang bộ mở trực tiếp ra ngoài cho phép không có cơ cấu tự đóng và không cần chèn kín khe cửa. Ngoại trừ những trường hợp được quy định riêng, cửa của buồng thang bộ phải bảo đảm là cửa ngăn cháy loại 1 đối với nhà có bậc chịu lửa I, II; loại 2 đối với nhà có bậc chịu lửa III, IV; và loại 3 đối với nhà có bậc chịu lửa V.

Ngoài những quy định được nói riêng, các cửa của lối ra thoát nạn từ các hành lang tầng đi vào buồng thang bộ phục vụ từ 4 tầng nhà trở lên (ngoại trừ trong các nhà phục vụ mục đích giam giữ, cải tạo) phải bảo đảm:

    • Tất cả các khóa điện lắp trên cửa phải tự động mở khi hệ thống báo cháy tự động của tòa nhà bị kích hoạt. Ngay khi mất điện thì các khóa điện đó cũng phải tự động mở;
    • Người sử dụng buồng thang luôn có thể quay trở lại phía trong nhà qua chính cửa vừa đi qua hoặc qua các điểm bố trí cửa quay trở lại phía trong nhà;
    • Bố trí trước các điểm quay trở lại phía trong nhà theo nguyên tắc các cánh cửa chỉ được phép ngăn cản việc quay trở lại phía trong nhà nếu đáp ứng tất cả các yêu cầu sau:
      • Có không ít hơn hai tầng, ở đó có thể đi ra khỏi buồng thang bộ để đến một lối ra thoát nạn khác.
      • Có không quá 4 tầng nằm giữa các tầng nhà có thể đi ra khói buồng thang bộ để đến một lối ra thoát nạn khác.
      • Việc quay trở lại phía trong nhà phải có thể thực hiện được tại tầng trên cùng hoặc tầng dưới liền kề với tầng trên cùng được phục vụ bởi buồng thang bộ thoát nạn nếu tầng này cho phép đi đến một lối ra thoát nạn khác.
      • Các cửa cho phép quay trở lại phía trong nhà phải được đánh dấu trên mặt cửa phía trong buồng thang bằng dòng chữ “CỬA CÓ THỂ ĐI VÀO TRONG NHÀ” với chiều cao các chữ ít nhất là 50 mm, chiều cao bố trí không thấp hơn 1,2 m và không cao hơn 1,8 m.
      • Các cửa không cho phép quay trở lại phía trong nhà phải có thông báo trên mặt cửa phía trong buồng thang để nhận biết được vị trí của cửa quay trở lại phía trong nhà hoặc lối ra thoát nạn gần nhất theo từng hướng di chuyển;

CHÚ THÍCH: Đối với các cửa không cho phép quay trở lại phía trong nhà, ở mặt cửa phía hành lang trong nhà (ngoài buồng thang) nên có biển cảnh báo người sử dụng không thể quay trở lại phía trong nhà được khi họ đi qua cửa đó.

  • Các lối ra không thỏa mãn các yêu cầu đối với lối ra thoát nạn có thể được xem là lối ra khẩn cấp để tăng thêm mức độ an toàn cho người khi có cháy. Các lối ra khẩn cấp không được đưa vào tính toán thoát nạn khi cháy.
  • Ngoài trường hợp đã nêu ở 3.2.12, các lối ra khẩn cấp còn gồm có:
    • Lối ra ban công hoặc lôgia, mà ở đó có khoảng tường đặc với chiều rộng không nhỏ hơn 1,2 m tính từ mép ban công (lôgia) tới ô cửa sổ (hay cửa đi lắp kính) hoặc không nhỏ hơn 1,6 m giữa các ô cửa kính mở ra ban công (lôgia).
    • Lối ra dẫn vào một lối đi chuyển tiếp hở (cầu vượt) dẫn tiếp đến một đơn nguyên liền kề của nhà nhóm F1.3 hoặc đến một khoang cháy liền kề. Lối đi chuyển tiếp này phải có chiều rộng không nhỏ hơn 0,6 m.
    • Lối ra ban công hoặc lôgia, mà ở đó có trang bị thang bên ngoài nối các ban công hoặc lôgia theo từng tầng.
    • Lối ra bên ngoài trực tiếp từ các gian phòng có cao trình sàn hoàn thiện không thấp hơn âm 4,5 m và không cao hơn 5,0 m qua cửa sổ hoặc cửa đi có kích thước không nhỏ hơn 0,75 m x 1,5 m, cũng như qua cửa nắp có kích thước không nhỏ hơn 0,6 m x 0,8 m; khi đó tại các lối ra này phải được trang bị thang leo; độ dốc của các thang leo này không quy định.
    • Lối ra mái của nhà có bậc chịu lửa I, II và III thuộc cấp S0 và S1 qua cửa sổ, cửa đi hoặc cửa nắp với kích thước và thang leo được quy định như tại đoạn d) của điều này.
  • Trong các tầng kỹ thuật cho phép bố trí các lối ra thoát nạn với chiều cao không nhỏ hơn 1,8 m.

Từ các tầng kỹ thuật chỉ dùng để đặt các mạng kỹ thuật công trình (đường ống, đường dây và các đối tượng tương tự) cho phép bố trí lối ra khẩn cấp qua cửa đi với kích thước không nhỏ hơn 0,75 m x 1,5 m hoặc qua cửa nắp với kích thước không nhỏ hơn 0,6 m x 0,8 m mà không cần bố trí lối ra thoát nạn.

Khi tầng kỹ thuật có diện tích tới 300 m2 cho phép bố trí một lối ra thoát nạn, còn cứ mỗi diện tích tiếp theo nhỏ hơn hoặc bằng 2 000 m2 thì phải bố trí thêm không ít hơn một lối ra thoát nạn.

Trong các tầng kỹ thuật hầm các lối ra này phải được ngăn cách với các lối ra khác của nhà và dẫn trực tiếp ra bên ngoài.

3. Mức phạt quán karaoke vi phạm phòng cháy chữa cháy mới nhất 2025

Mức phạt quán karaoke vi phạm phòng cháy chữa cháy mới nhất 2025

Mức phạt quán karaoke vi phạm phòng cháy chữa cháy mới nhất 2025

Nếu cơ sở karaoke vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy thì bị phạt hành chính theo Điều 44 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:

Mức phạt

Hành vi

100.000 - 300.000 đồng

Cảnh cáo

- Che khuất, cản trở lối phương tiện chữa cháy.

- Dùng phương tiện chữa cháy thông dụng không đảm bảo chất lượng.

500.000 - 1,5 triệu đồng

- Không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện phòng cháy chữa cháy định kỳ.

- Làm mất, hỏng, mất tác dụng phương tiện chữa cháy.

03 - 05 triệu đồng

- Sử dụng, lắp đặt phương tiện phòng cháy chữa cháy chưa kiểm định.

- Dùng phương tiện chữa cháy dùng với mục đích khác.

05 - 10 triệu đồng

- Không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho nhà, công tình có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy.

- Làm mất, hỏng, mất tác dụng của hệ thống báo cháy, chữa cháy.

- Tẩy xoá, sữa chữa nội dung giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy…

15 - 25 triệu đồng

Không lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy.

4. Một số câu hỏi thường gặp

4.1. Yêu cầu đối với hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động mới nhất 2025

Quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD không chỉ tập trung vào việc đảm bảo lối thoát nạn mà còn chú trọng đến hệ thống báo cháy và phòng cháy chữa cháy. Điều này nhằm mục đích đảm bảo an toàn tối đa cho những địa điểm như nhà kinh doanh dịch vụ karaoke và vũ trường, nơi nguy cơ cháy nổ có thể tăng cao do sự đông đúc và sử dụng các thiết bị điện tử phức tạp.

  • Hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động: Hệ thống này phải tuân thủ các tiêu chuẩn như TCVN 3890, TCVN 5738, TCVN 7336 để đảm bảo hiệu suất và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Các chuông và đèn báo cháy cần được bố trí sao cho có thể nghe và nhìn rõ ràng trong các hành lang, sảnh chung, và từng phòng trong nhà kinh doanh.
  • Liên động và ngắt tự động: Hệ thống điện của giàn âm thanh và hình ảnh cần phải kết nối liên động và tự động ngắt khi có tín hiệu từ hệ thống báo cháy tự động. Điều này giúp ngăn chặn và kiểm soát ngay lập tức mọi hoạt động không mong muốn khi có sự cố cháy. Ngoài ra, cần có điều khiển ngắt bằng tay, được đặt tại phòng trực điều khiển chống cháy hoặc khu vực lễ tân, đảm bảo khả năng can thiệp nhanh chóng từ người quản lý hoặc nhân viên an toàn.
  • Phòng trực điều khiển chống cháy: Nếu có, phòng trực điều khiển chống cháy cần tuân thủ các yêu cầu quy định trong 6.17 QCVN 06:2022/BXD. Điều này bao gồm các biện pháp như bảo đảm an toàn cho nhân viên trực, cung cấp thiết bị liên quan đầy đủ, và thiết lập các quy trình hoạt động trong trường hợp khẩn cấp.

Việc tuân thủ nghiêm túc các quy định này không chỉ đảm bảo sự an toàn của người sử dụng mà còn giúp doanh nghiệp tránh được những hậu quả nặng nề về mặt pháp lý và tài chính trong trường hợp có sự cố cháy.

4.2. Các yêu cầu khác đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke như thế nào?

Quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD đặt ra một số yêu cầu khác để đảm bảo an toàn cháy trong nhà kinh doanh dịch vụ karaoke và vũ trường. Đây là những quy định quan trọng giúp xây dựng môi trường làm việc an toàn và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng:

  • Bậc chịu lửa: Bậc chịu lửa của nhà kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường phải tuân thủ các quy định tại QCVN 06:2022/BXD và ít nhất là bậc IV. Điều này đảm bảo rằng công trình có khả năng chống cháy và kiểm soát sự lan truyền của ngọn lửa hiệu quả.
  • Vật liệu hoàn thiện, trang trí (bao gồm cả tấm trần treo nếu có): Các vật liệu ốp lát và vật liệu phủ sàn sử dụng trong nhà kinh doanh phải có cấp nguy hiểm cháy không thấp hơn CV1. Điều này nhấn mạnh vào việc sử dụng vật liệu an toàn và chống cháy để giảm nguy cơ cháy nổ.
  • Sân thượng thoáng và lối vào từ trên cao: Nhà kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường phải có sân thượng thoáng và lối vào từ trên cao để lực lượng chữa cháy có thể tiếp cận dễ dàng. Điều này giúp đảm bảo rằng, trong trường hợp cần thiết, lực lượng chữa cháy có thể nhanh chóng và hiệu quả tiếp cận các khu vực chính.
  • Biển quảng cáo: Biển quảng cáo của nhà kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường phải tuân thủ quy định của QCVN 17:2018/BXD. Điều này đảm bảo rằng biển quảng cáo không chỉ làm nổi bật dịch vụ mà còn tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và thẩm mỹ.

Lưu ý: Các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke và vũ trường được đưa vào sử dụng trước thời điểm QCVN 06:2022/BXD có hiệu lực cần thực hiện việc rà soát, khắc phục, và bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy theo hướng dẫn riêng của cơ quan công an có thẩm quyền. Điều này là quan trọng để đảm bảo rằng cảnh báo cháy và các biện pháp an toàn đều được thực hiện một cách hiệu quả.

4.3. Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với thành viên đội PCCC cơ sở là bao lâu?

Tại khoản 3 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP có quy định như sau:

Điều 33. Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy

"1. Đối tượng phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy

...

b) Thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở;

...

3. Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy

a) Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ lần đầu: Từ 16 đến 24 giờ đối với đối tượng quy định tại các điểm a, b, d, đ, e và điểm g khoản 1 Điều này và từ 32 đến 48 giờ đối với đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

b) Thời gian huấn luyện lại để được cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy sau khi chứng nhận này hết thời hạn sử dụng tối thiểu là 16 giờ đối với các đối tượng quy định tại các điểm a, b, d, đ, e và điểm g khoản 1 Điều này và 32 giờ đối với đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

c) Thời gian bồi dưỡng bổ sung hàng năm về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy tối thiểu 08 giờ đối với đối tượng quy định tại điểm a, b, d, đ, e và điểm g khoản 1 Điều này và tối thiểu 16 giờ đối với đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

..."

Như vậy, thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với thành viên đội PCCC cơ sở như sau:

  • Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ lần đầu đối với thành viên đội PCCC cơ sở là từ 16 đến 24 giờ.
  • Thời gian huấn luyện lại để được cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy đối với thành viên đội PCCC cơ sở sau khi chứng nhận này hết thời hạn sử dụng tối thiểu là 16 giờ.
  • Thời gian bồi dưỡng bổ sung hàng năm về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy tối thiểu 08 giờ đối với thành viên đội PCCC cơ sở.

4.4. Nhà ở phải đảm bảo điều kiện PCCC thế nào?

Căn cứ theo Điều 20 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 từ 01/07/2025, phòng cháy đối với nhà ở được quy định cụ thể như sau:

  • Nhà ở không thuộc loại hình quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 20 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy sau đây:
    • Lắp đặt, sử dụng thiết bị điện bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy quy định tại điểm c khoản 1 Điều 24 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024;
    • Bố trí bếp đun nấu, nơi thờ cúng, đốt vàng mã bảo đảm an toàn; không để vật, chất dễ cháy, nổ gần nguồn lửa, nguồn nhiệt.
  • Nhà ở không thuộc loại hình quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 20 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 phải bảo đảm các điều kiện về chữa cháy, thoát nạn sau đây:
    • Có phương tiện phòng cháy, chữa cháy phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để sẵn sàng chữa cháy, thoát nạn;
    • Bố trí, duy trì lối thoát nạn, lối ra khẩn cấp hoặc lối đi bảo đảm việc thoát nạn.
  • Nhà ở có quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn được viện dẫn trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó.
  • Nhà ở trong danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy thực hiện theo quy định tại Điều 23 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024.
  • Đối với nhà ở tại thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy thì phải trang bị bình chữa cháy, thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy theo lộ trình do Chính phủ quy định.
  • Đối với nhà ở tại khu vực khác thì khuyến khích trang bị thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy.
  • Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm hướng dẫn việc kết nối thiết bị truyền tin báo cháy với hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy khi có yêu cầu.

Lưu ý: Việc trang bị thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy theo lộ trình quy định tại Khoản 5 Điều 20 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 được thực hiện chậm nhất từ ngày 01/7/2027.