Luật tổ chức tín dụng 1997 số 07/1997/QH10
Số hiệu: | 07/1997/QH10 | Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Nông Đức Mạnh |
Ngày ban hành: | 12/12/1997 | Ngày hiệu lực: | 01/10/1998 |
Ngày công báo: | 10/02/1998 | Số công báo: | Số 4 |
Lĩnh vực: | Tiền tệ - Ngân hàng, Doanh nghiệp | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
01/01/2011 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Luật này quy định tổ chức, hoạt động của các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Việc tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng, hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác phải tuân theo các quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan của pháp luật. Chính phủ quy định cụ thể về hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác.
1. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Luật này, thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
2. Các bên tham gia hoạt động ngân hàng có thể thoả thuận áp dụng tập quán quốc tế, nếu tập quán đó không trái với pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
1. Thống nhất quản lý mọi hoạt động ngân hàng, xây dựng hệ thống các tổ chức tín dụng hiện đại, đủ sức đáp ứng nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế và dân cư, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
2. Đầu tư vốn và các nguồn lực khác để phát triển các tổ chức tín dụng nhà nước, tạo điều kiện cho các tổ chức này giữ vai trò chủ đạo và chủ lực trên thị trường tiền tệ.
3. Phát triển các ngân hàng chính sách hoạt động không vì mục đích lợi nhuận phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước.
4. Bảo hộ quyền sở hữu, quyền và lợi ích hợp pháp khác trong hoạt động của các tổ chức tín dụng hợp tác nhằm tạo điều kiện cho người lao động tương trợ nhau trong sản xuất và đời sống.
5. Xây dựng các ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân với các chính sách ưu đãi về vốn, lãi suất và các điều kiện vay vốn.
Nhà nước có chính sách động viên các nguồn lực trong nước là chính và tranh thủ tối đa nguồn lực ngoài nước; mở rộng đầu tư tín dụng, góp phần giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế, bảo đảm cho doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ quyền quốc gia; bảo đảm an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia; mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế; thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống của nhân dân.
Nhà nước có chính sách tín dụng về vốn, điều kiện vay đối với doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện để các doanh nghiệp này đổi mới thiết bị, hiện đại hoá công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhà nước có chính sách tín dụng tạo điều kiện về vốn, điều kiện vay nhằm hỗ trợ cho hợp tác xã và các hình thức kinh tế hợp tác khác đổi mới và phát triển; bảo đảm kinh tế nhà nước cùng với kinh tế hợp tác trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân.
Nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi về vốn, lãi suất, điều kiện, thời hạn vay vốn đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân nhằm góp phần xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hoá, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn.
Nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi về vốn, lãi suất, điều kiện, thời hạn vay vốn, mở rộng đầu tư phát triển kinh tế hàng hoá, giao lưu kinh tế miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
1. Nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi về vốn, lãi suất, điều kiện và thời hạn vay đối với người nghèo, các đối tượng chính sách khác để có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.
2. Nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi về lãi suất, điều kiện và thời hạn vay tiền đối với học sinh nghèo để có điều kiện học tập
Nhà nước thống nhất quản lý, có chính sách mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá; khuyến khích việc huy động các nguồn vốn tín dụng từ nước ngoài đầu tư vào công cuộc phát triển kinh tế ở Việt Nam; tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tăng cường hợp tác với nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức này.
1. Các tổ chức tín dụng Việt Nam gồm có: tổ chức tín dụng nhà nước, tổ chức tín dụng cổ phần của Nhà nước và nhân dân, tổ chức tín dụng hợp tác.
2. Theo nhu cầu cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Nhà nước cho phép thành lập tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng phi ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; cho phép mở tại Việt Nam chi nhánh của ngân hàng nước ngoài.
Tổ chức tín dụng nước ngoài có thể mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Văn phòng đại diện không được thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
3. Chỉ các tổ chức tín dụng có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật mới được phép thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng, phục vụ đa lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội.
1. Các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng có thể được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện một số hoạt động ngân hàng khi đáp ứng đầy đủ các quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này.
2. Các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng có hoạt động ngân hàng phải tuân theo các quy định của Luật này có liên quan đến các hoạt động ngân hàng được phép.
Mọi tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động thì được thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.
Các tổ chức tín dụng có quyền tự chủ kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Không một tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào quyền tự chủ kinh doanh của các tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng có quyền từ chối yêu cầu cấp tín dụng, góp vốn, cung ứng các dịch vụ ngân hàng, nếu thấy không đủ điều kiện, không có hiệu quả, không phù hợp với pháp luật.
1. Các tổ chức hoạt động ngân hàng được hợp tác và cạnh tranh hợp pháp.
2. Nghiêm cấm các hành vi cạnh tranh bất hợp pháp, gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và lợi ích hợp pháp của các bên.
3. Hành vi cạnh tranh bất hợp pháp bao gồm:
a) Khuyến mại bất hợp pháp;
b) Thông tin sai sự thật làm tổn hại lợi ích của tổ chức tín dụng khác và của khách hàng;
c) Đầu cơ lũng đoạn thị trường tiền tệ, vàng, ngoại tệ;
d) Các hành vi cạnh tranh bất hợp pháp khác.
Tổ chức tín dụng có trách nhiệm:
1. Tham gia tổ chức bảo toàn hoặc bảo hiểm tiền gửi; mức bảo toàn hoặc bảo hiểm do Chính phủ quy định;
2. Tạo thuận lợi cho khách hàng gửi và rút tiền theo yêu cầu; bảo đảm trả đầy đủ, đúng hạn gốc và lãi của mọi khoản tiền gửi;
3. Bảo đảm bí mật số dư tiền gửi của khách hàng; từ chối việc điều tra, phong toả, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi mà không có sự đồng ý của khách hàng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
4. Thông báo công khai mức lãi suất tiền gửi.
Tổ chức tín dụng phải công bố thời gian giao dịch và không được tự ý ngừng giao dịch vào thời gian đã công bố. Trong trường hợp ngừng giao dịch, tổ chức tín dụng phải niêm yết tại nơi giao dịch chậm nhất là 24 giờ trước thời điểm ngừng giao dịch.
1. Tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng không được che giấu, thực hiện bất kỳ dịch vụ nào liên quan đến khoản tiền đã có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp.
2. Trong trường hợp phát hiện các khoản tiền có dấu hiệu bất hợp pháp, tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng phải thông báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật để hoạt động kinh doanh tiền tệ, làm dịch vụ ngân hàng với nội dung nhận tiền gửi và sử dụng tiền gửi để cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ thanh toán.
2. Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện toàn bộ hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác có liên quan. Theo tính chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển, ngân hàng đầu tư, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác và các loại hình ngân hàng khác.
3. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một số hoạt động ngân hàng như là nội dung kinh doanh thường xuyên, nhưng không được nhận tiền gửi không kỳ hạn, không làm dịch vụ thanh toán. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác.
4. Tổ chức tín dụng nước ngoài là tổ chức tín dụng được thành lập theo pháp luật nước ngoài.
5. Tổ chức tín dụng hợp tác là tổ chức kinh doanh tiền tệ và làm dịch vụ ngân hàng, do các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập để hoạt động ngân hàng theo Luật này và Luật hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống. Tổ chức tín dụng hợp tác gồm ngân hàng hợp tác, quỹ tín dụng nhân dân, hợp tác xã tín dụng và các hình thức khác.
6. Cổ đông lớn là cá nhân hoặc tổ chức sở hữu trên 10% vốn điều lệ hoặc nắm giữ trên 10% vốn cổ phần có quyền bỏ phiếu của một tổ chức tín dụng.
7. Hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng với nội dung thường xuyên là nhận tiền gửi, sử dụng số tiền này để cấp tín dụng và cung ứng các dịch vụ thanh toán.
8. Hoạt động tín dụng là việc tổ chức tín dụng sử dụng nguồn vốn tự có, nguồn vốn huy động để cấp tín dụng.
9. Tiền gửi là số tiền của khách hàng gửi tại tổ chức tín dụng dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các hình thức khác. Tiền gửi được hưởng lãi hoặc không hưởng lãi và phải được hoàn trả cho người gửi tiền.
10. Cấp tín dụng là việc tổ chức tín dụng thoả thuận để khách hàng sử dụng một khoản tiền với nguyên tắc có hoàn trả bằng các nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ khác.
11. Cho thuê tài chính là hoạt động tín dụng trung hạn, dài hạn trên cơ sở hợp đồng cho thuê tài sản giữa bên cho thuê là tổ chức tín dụng với khách hàng thuê. Khi kết thúc thời hạn thuê, khách hàng mua lại hoặc tiếp tục thuê tài sản đó theo các điều kiện đã thoả thuận trong hợp đồng thuê. Trong thời hạn cho thuê, các bên không được đơn phương huỷ bỏ hợp đồng.
12. Bảo lãnh ngân hàng là cam kết bằng văn bản của tổ chức tín dụng với bên có quyền về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết; khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng số tiền đã được trả thay.
13. Vốn tự có gồm giá trị thực có của vốn điều lệ, các quỹ dự trữ, một số tài sản "Nợ" khác của tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Vốn tự có là căn cứ để tính toán các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng.
14. Chiết khấu là việc tổ chức tín dụng mua thương phiếu, giấy tờ có giá ngắn hạn khác của người thụ hưởng trước khi đến hạn thanh toán.
15. Tái chiết khấu là việc mua lại thương phiếu, giấy tờ có giá ngắn hạn khác đã được chiết khấu trước khi đến hạn thanh toán.
Ngân hàng Nhà nước là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho tổ chức tín dụng và cấp giấy phép hoạt động ngân hàng cho các tổ chức khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật.
1. Các điều kiện để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng đối với tổ chức tín dụng gồm có:
a) Có nhu cầu hoạt động ngân hàng trên địa bàn xin hoạt động;
b) Có vốn quy định tại Điều 83 của Luật này;
c) Thành viên sáng lập là tổ chức, cá nhân có uy tín và năng lực tài chính;
d) Người quản trị, điều hành có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và trình độ chuyên môn phù hợp với từng loại hình tổ chức tín dụng;
đ) Có điều lệ tổ chức, hoạt động phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật;
e) Có phương án kinh doanh khả thi.
2. Các điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động ngân hàng đối với tổ chức không phải là tổ chức tín dụng gồm có:
a) Hoạt động ngân hàng là cần thiết và có liên quan chặt chẽ với hoạt động chính;
b) Có đủ vốn, điều kiện vật chất phù hợp với yêu cầu của hoạt động ngân hàng;
c) Có đội ngũ cán bộ am hiểu hoạt động ngân hàng;
d) Có phương án kinh doanh khả thi về hoạt động ngân hàng.
1. Hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với tổ chức tín dụng gồm có:
a) Đơn xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động;
b) Dự thảo điều lệ;
c) Phương án hoạt động 3 năm đầu, trong đó nêu rõ hiệu quả và lợi ích kinh tế của hoạt động ngân hàng;
d) Danh sách, lý lịch, các văn bằng chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn của thành viên sáng lập, thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Tổng giám đốc (Giám đốc);
đ) Mức vốn góp, phương án góp vốn và danh sách những cá nhân, tổ chức góp vốn;
e) Tình hình tài chính và những thông tin liên quan khác về các cổ đông lớn;
g) Chấp thuận của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền về nơi đặt trụ sở của tổ chức tín dụng.
2. Hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động ngân hàng đối với tổ chức không phải là tổ chức tín dụng gồm có:
a) Đơn xin cấp giấy phép hoạt động ngân hàng;
b) Quyết định hoặc giấy phép thành lập, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề hiện tại;
c) Điều lệ;
d) Danh sách, lý lịch của các thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc), Ban kiểm soát (nếu có);
đ) Tình hình tài chính 3 năm gần nhất;
e) Phương án hoạt động ngân hàng.
Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với tổ chức tín dụng, giấy phép hoạt động ngân hàng đối với các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước phải cấp hoặc từ chối cấp giấy phép. Trong trường hợp từ chối cấp giấy phép, Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản giải thích lý do.
Tổ chức được cấp giấy phép phải nộp một khoản lệ phí cấp giấy phép theo quy định của pháp luật.
1. Tổ chức được cấp giấy phép phải sử dụng đúng tên và hoạt động đúng nội dung quy định trong giấy phép.
2. Cấm làm giả, tẩy xoá, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn giấy phép.
Sau khi được cấp giấy phép, tổ chức tín dụng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
1. Để tiến hành các hoạt động ngân hàng, tổ chức tín dụng được cấp giấy phép phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có điều lệ được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y;
b) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có đủ vốn pháp định và có trụ sở phù hợp với yêu cầu hoạt động ngân hàng;
c) Phần vốn pháp định góp bằng tiền phải được gửi vào tài khoản phong toả không được hưởng lãi mở tại Ngân hàng Nhà nước trước khi hoạt động tối thiểu 30 ngày. Số vốn này chỉ được giải toả sau khi tổ chức tín dụng hoạt động;
d) Đăng báo trung ương, địa phương theo quy định của pháp luật về những nội dung quy định trong giấy phép.
2. Để tiến hành các hoạt động ngân hàng, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng được cấp giấy phép hoạt động ngân hàng phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có trụ sở kinh doanh phù hợp với yêu cầu hoạt động ngân hàng;
b) Đăng báo trung ương, địa phương theo quy định của pháp luật về những nội dung quy định trong giấy phép.
3. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép, tổ chức được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép phải hoạt động.
1. Tổ chức được cấp giấy phép có thể bị thu hồi giấy phép khi xảy ra một trong những trường hợp sau đây:
a) Có chứng cứ là trong hồ sơ xin cấp giấy phép có những thông tin cố ý làm sai sự thật;
b) Sau thời hạn quy định tại Điều 28 của Luật này mà không hoạt động;
c) Tự nguyện hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc phải giải thể;
d) Chia, sáp nhập, hợp nhất, phá sản;
đ) Hoạt động sai mục đích;
e) Không có đủ các điều kiện quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 28 của Luật này.
2. Sau khi bị thu hồi giấy phép, các tổ chức phải chấm dứt ngay các hoạt động ngân hàng.
3. Quyết định thu hồi giấy phép được Ngân hàng Nhà nước công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
1. Điều lệ của tổ chức tín dụng phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên và nơi đặt trụ sở chính;
b) Nội dung và phạm vi hoạt động;
c) Thời hạn hoạt động;
d) Vốn điều lệ và phương thức góp vốn;
đ) Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) và Ban kiểm soát;
e) Thể thức bầu, bổ nhiệm và miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) và Ban kiểm soát;
g) Quyền và nghĩa vụ của cổ đông;
h) Các nguyên tắc tài chính, kế toán, kiểm tra và kiểm toán nội bộ;
i) Các trường hợp giải thể, thủ tục giải thể;
k) Thủ tục sửa đổi điều lệ.
2. Điều lệ của tổ chức tín dụng chỉ được thực hiện sau khi được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
1. Tổ chức tín dụng phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi thay đổi một trong những điểm sau đây:
a) Tên của tổ chức tín dụng;
b) Mức vốn điều lệ, mức vốn được cấp;
c) Địa điểm đặt trụ sở chính, sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện;
d) Nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động;
đ) Chuyển nhượng cổ phần có ghi tên quá tỷ lệ quy định của Ngân hàng Nhà nước;
e) Tỷ lệ cổ phần của các cổ đông lớn;
g) Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) và thành viên Ban kiểm soát.
2. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, tổ chức tín dụng phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những thay đổi quy định tại khoản 1 Điều này và phải đăng báo trung ương, địa phương theo quy định của pháp luật.
Tổ chức tín dụng được phép:
1. Mở sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện tại các địa bàn trong nước, ngoài nước nơi có nhu cầu hoạt động, kể cả nơi đặt trụ sở chính, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản;
2. Thành lập công ty trực thuộc có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập bằng vốn tự có để hoạt động trên một số lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm theo quy định của Chính phủ;
3. Thành lập các đơn vị sự nghiệp sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
1. Tổ chức tín dụng có thể được mở sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, thành lập công ty theo quy định tại Điều 32 của Luật này khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có thời gian hoạt động tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
b) Hoạt động kinh doanh có lãi; tình hình tài chính lành mạnh;
c) Bộ máy quản trị, điều hành và hệ thống kiểm tra nội bộ hoạt động có hiệu quả;
d) Hệ thống thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý;
đ) Không vi phạm các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng và các quy định khác của pháp luật.
2. Hồ sơ, thủ tục xin mở sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, thành lập công ty của tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, mua lại, giải thể tổ chức tín dụng phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.
Các tổ chức tín dụng hợp tác được quyền liên kết với nhau trong việc điều hoà và hỗ trợ tài chính để tăng cường khả năng tương trợ nhằm bảo đảm an toàn và hiệu quả trong hoạt động của từng tổ chức.
1. Việc bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch và các thành viên khác trong Hội đồng quản trị, Trưởng ban và các thành viên khác trong Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Chủ tịch và các thành viên khác trong Hội đồng quản trị, Trưởng ban và thành viên khác trong Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chuẩn y hoặc được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước uỷ quyền chuẩn y, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.
1. Hội đồng quản trị có chức năng quản trị tổ chức tín dụng theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật.
2. Hội đồng quản trị có số thành viên tối thiểu là 3 người, gồm những người có uy tín, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết về hoạt động ngân hàng.
3. Chủ tịch và các thành viên khác trong Hội đồng quản trị không được uỷ quyền cho những người không phải là thành viên Hội đồng quản trị thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
4. Chủ tịch Hội đồng quản trị không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc) hoặc Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) tổ chức tín dụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
5. Chủ tịch Hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng này không được phép tham gia Hội đồng quản trị hoặc tham gia điều hành tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty của tổ chức tín dụng.
1. Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng hoạt động theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật.
2. Ban kiểm soát có nhiệm vụ kiểm tra hoạt động tài chính của tổ chức tín dụng; giám sát việc chấp hành chế độ hạch toán, hoạt động của hệ thống kiểm tra và kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng.
3. Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng có tối thiểu là 3 người, trong đó có một người là Trưởng ban và ít nhất phải có một nửa số thành viên là chuyên trách.
4. Thành viên Ban kiểm soát phải đáp ứng được các yêu cầu về trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp do Ngân hàng Nhà nước quy định.
5. Ban kiểm soát được sử dụng hệ thống kiểm tra và kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng để thực hiện các nhiệm vụ của mình.
1. Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng là người chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị điều hành hoạt động hàng ngày theo nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với các quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật.
2. Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của tổ chức tín dụng phải có các tiêu chuẩn sau đây:
a) Phải cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm;
b) Có trình độ chuyên môn, năng lực điều hành một tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
1. Những người sau đây không được bầu vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát hoặc bổ nhiệm làm Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc):
a) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Đã bị kết án về các tội nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, các tội nghiêm trọng xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa, sở hữu của công dân; các tội nghiêm trọng về kinh tế;
c) Đã bị kết án về các tội phạm khác mà chưa được xoá án;
d) Đã từng là thành viên Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc (Giám đốc) của một công ty đã bị phá sản, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật phá sản doanh nghiệp;
đ) Đã từng là đại diện theo pháp luật của một công ty bị đình chỉ hoạt động do vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
2. Bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) không được là thành viên Ban kiểm soát, Kế toán trưởng của cùng một tổ chức tín dụng
Tổ chức tín dụng phải lập hệ thống kiểm tra, kiểm toán nội bộ thuộc bộ máy điều hành, giúp Tổng giám đốc (Giám đốc) điều hành thông suốt, an toàn và đúng pháp luật mọi hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng.
Các tổ chức tín dụng phải thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật và các quy định nội bộ; trực tiếp kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ trên tất cả các lĩnh vực tại sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện và các công ty trực thuộc.
Tổ chức tín dụng phải kiểm toán hoạt động nghiệp vụ từng thời kỳ, từng lĩnh vực nhằm đánh giá chính xác kết quả hoạt động kinh doanh và thực trạng tài chính của mình.
Kết quả kiểm tra, kiểm toán nội bộ phải được báo cáo kịp thời với Tổng giám đốc (Giám đốc), Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
1. Ngân hàng được nhận tiền gửi của tổ chức, cá nhân và các tổ chức tín dụng khác dưới các hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn và các loại tiền gửi khác.
2. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng được nhận tiền gửi có kỳ hạn từ một năm trở lên của tổ chức, cá nhân theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, tổ chức tín dụng được phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu và giấy tờ có giá khác để huy động vốn của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.
Các tổ chức tín dụng được vay vốn của nhau và của tổ chức tín dụng nước ngoài.
Tổ chức tín dụng là ngân hàng được vay vốn ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định tại Điều 30 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tổ chức tín dụng được cấp tín dụng cho tổ chức, cá nhân dưới các hình thức cho vay, chiết khấu thương phiếu và giấy tờ có giá khác, bảo lãnh, cho thuê tài chính và các hình thức khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
1. Tổ chức tín dụng cho các tổ chức, cá nhân vay ngắn hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đời sống.
2. Tổ chức tín dụng cho các tổ chức, cá nhân vay trung hạn, dài hạn nhằm thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đời sống.
Việc cho vay phải được lập thành hợp đồng tín dụng. Hợp đồng tín dụng phải có nội dung về điều kiện vay, mục đích sử dụng tiền vay, hình thức vay, số tiền vay, lãi suất, thời hạn vay, hình thức bảo đảm, giá trị tài sản bảo đảm, phương thức trả nợ và những cam kết khác được các bên thoả thuận.
1. Tổ chức tín dụng chủ động tìm kiếm các dự án sản xuất, kinh doanh khả thi, có hiệu quả và có khả năng hoàn trả nợ để cho vay.
2. Tổ chức tín dụng cho vay trên cơ sở có bảo đảm bằng tài sản cầm cố, thế chấp của khách hàng vay, bảo lãnh của bên thứ ba; không được cho vay trên cơ sở cầm cố bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng cho vay.
3. Việc cho vay có bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay và việc cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với khách hàng được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
4. Tổ chức tín dụng nhà nước được cho vay không có bảo đảm theo chỉ định của Chính phủ. Tổn thất do nguyên nhân khách quan của các khoản cho vay này được Chính phủ xử lý.
1. Tổ chức tín dụng được yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh phương án kinh doanh khả thi, khả năng tài chính của mình và của người bảo lãnh trước khi quyết định cho vay.
2. Tổ chức tín dụng phải tổ chức việc xét duyệt cho vay theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa các khâu thẩm định và quyết định cho vay.
3. Tổ chức tín dụng phải kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng.
1. Tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt việc cho vay, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm hợp đồng tín dụng.
2. Trong trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, nếu các bên không có thoả thuận khác thì tổ chức tín dụng có quyền:
a) Bán tài sản cầm cố để thu hồi nợ; chuyển nhượng, bán tài sản thế chấp để thu hồi vốn trong một thời hạn nhất định theo quy định của pháp luật;
b) Yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;
c) Khởi kiện khách hàng vi phạm hợp đồng tín dụng và người bảo lãnh theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp khách hàng vay hoặc người bảo lãnh không trả được nợ do bị phá sản, việc thu hồi nợ của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp.
4. Tổ chức tín dụng được miễn, giảm lãi suất, phí; gia hạn nợ; mua bán nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Việc đảo nợ được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
1. Tổ chức tín dụng phải lưu giữ hồ sơ tín dụng bao gồm:
a) Hợp đồng tín dụng và tài liệu ghi rõ mục đích sử dụng vốn, căn cứ pháp lý về tài sản bảo đảm (nếu có);
b) Báo cáo thực trạng tài chính của khách hàng, của người bảo lãnh;
c) Quyết định cấp tín dụng có chữ ký của người có thẩm quyền; trong trường hợp quyết định tập thể, phải có biên bản, ghi rõ quyết định được thông qua;
d) Những tài liệu phát sinh trong quá trình sử dụng khoản vay liên quan đến hợp đồng tín dụng.
2. Thời hạn lưu trữ hồ sơ tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật.
1. Khách hàng vay có những quyền sau đây:
a) Từ chối các yêu cầu của tổ chức tín dụng không đúng với các thoả thuận trong hợp đồng tín dụng;
b) Khiếu nại, khởi kiện việc từ chối cho vay không có căn cứ và các vi phạm hợp đồng tín dụng theo quy định của pháp luật.
2. Khách hàng vay có những nghĩa vụ sau đây:
a) Cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin, tài liệu liên quan đến việc vay vốn và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, tài liệu này;
b) Sử dụng tiền vay đúng mục đích và thực hiện đúng các nội dung khác đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng;
c) Trả nợ gốc và lãi tiền vay theo thoả thuận trong hợp đồng tín dụng;
d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi không thực hiện đúng hợp đồng tín dụng.
1. Tổ chức tín dụng được cấp tín dụng dưới hình thức chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác. Người chủ sở hữu thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác phải chuyển giao ngay mọi quyền, lợi ích hợp pháp phát sinh từ các giấy tờ đó cho tổ chức tín dụng.
2. Tổ chức tín dụng được cấp tín dụng dưới hình thức cầm cố thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác. Tổ chức tín dụng được thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp phát sinh trong trường hợp chủ sở hữu các giấy tờ đó không thực hiện đầy đủ những cam kết trong hợp đồng tín dụng.
3. Các tổ chức tín dụng được tái chiết khấu, cầm cố thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác cho nhau.
4. Tổ chức tín dụng là ngân hàng có thể được Ngân hàng Nhà nước tái chiết khấu và cho vay trên cơ sở cầm cố thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác đã được chiết khấu.
5. Việc chiết khấu, tái chiết khấu, cầm cố thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác để cấp tín dụng trong hệ thống các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước quy định.
1. Tổ chức tín dụng được bảo lãnh bằng uy tín và khả năng tài chính của mình đối với người nhận bảo lãnh.
2. Tổ chức tín dụng được bảo lãnh vay, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh dự thầu và các hình thức bảo lãnh ngân hàng khác cho các tổ chức, cá nhân.
3. Chỉ các ngân hàng được phép thực hiện thanh toán quốc tế mới được thực hiện bảo lãnh vay, bảo lãnh thanh toán và các hình thức bảo lãnh ngân hàng khác mà người nhận bảo lãnh là tổ chức, cá nhân nước ngoài.
1. Tổ chức tín dụng thực hiện bảo lãnh có những quyền sau đây:
a) Yêu cầu khách hàng cung cấp các tài liệu về khả năng tài chính và những tài liệu liên quan đến giao dịch được bảo lãnh;
b) Yêu cầu khách hàng phải có bảo đảm cho việc bảo lãnh của mình; c) Thu phí dịch vụ bảo lãnh theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
d) Kiểm soát việc thực hiện nghĩa vụ của người được bảo lãnh;
đ) Từ chối bảo lãnh đối với các khách hàng không đủ uy tín.
2. Tổ chức tín dụng thực hiện bảo lãnh có nghĩa vụ thực hiện cam kết đối với người nhận bảo lãnh khi người được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ.
Người được bảo lãnh có những nghĩa vụ sau đây:
1. Cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin và tài liệu liên quan đến việc bảo lãnh theo yêu cầu của tổ chức tín dụng thực hiện bảo lãnh;
2. Thực hiện đúng cam kết của mình đối với người nhận bảo lãnh và tổ chức tín dụng thực hiện bảo lãnh;
3. Chịu sự kiểm soát của tổ chức tín dụng thực hiện bảo lãnh đối với mọi hoạt động liên quan đến nghĩa vụ được bảo lãnh;
4. Nhận nợ và hoàn trả gốc, lãi cùng chi phí phát sinh mà tổ chức tín dụng thực hiện bảo lãnh đã trả thay theo cam kết bảo lãnh.
1. Hoạt động cho thuê tài chính đối với tổ chức, cá nhân được thực hiện qua công ty cho thuê tài chính.
2. Công ty cho thuê tài chính (sau đây gọi là bên cho thuê) sở hữu tài sản cho thuê. Khi kết thúc hợp đồng, bên thuê được quyền lựa chọn mua tài sản thuê hoặc tiếp tục thuê theo thoả thuận trong hợp đồng cho thuê.
3. Bên thuê và bên cho thuê không được đơn phương huỷ hợp đồng cho thuê.
1. Bên cho thuê có những quyền sau đây:
a) Mua, nhập khẩu trực tiếp tài sản theo yêu cầu của bên thuê;
b) Yêu cầu bên thuê bồi thường mọi thiệt hại do không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo quản, sửa chữa, thanh toán tiền bảo hiểm tài sản thuê trong thời hạn cho thuê;
c) Thu hồi tài sản cho thuê và yêu cầu bên thuê phải thanh toán ngay toàn bộ số tiền thuê khi vi phạm hợp đồng cho thuê.
2. Bên cho thuê có những nghĩa vụ sau đây:
a) Ký hợp đồng mua tài sản, hoàn tất các thủ tục nhập khẩu tài sản, thanh toán toàn bộ tiền mua tài sản cho thuê;
b) Bồi thường thiệt hại cho bên thuê trong trường hợp bên cho thuê vi phạm hợp đồng cho thuê
1. Bên thuê có những quyền sau đây:
a) Lựa chọn, thương lượng và thoả thuận với người bán về đặc tính kỹ thuật, chủng loại, giá cả, việc bảo hiểm, cách thức và thời hạn giao nhận, lắp đặt và bảo hành tài sản thuê;
b) Trực tiếp nhận tài sản thuê từ người bán theo thoả thuận trong hợp đồng mua tài sản;
c) Lựa chọn việc tiếp tục thuê hoặc mua tài sản thuê khi kết thúc hợp đồng cho thuê.
2. Bên thuê có những nghĩa vụ sau đây:
a) Sử dụng tài sản thuê đúng mục đích đã thoả thuận trong hợp đồng cho thuê; không được chuyển quyền sử dụng tài sản thuê cho cá nhân, tổ chức khác nếu không được bên cho thuê đồng ý bằng văn bản;
b) Trả tiền thuê theo quy định trong hợp đồng cho thuê và thanh toán các chi phí liên quan đến việc nhập khẩu, thuế, bảo hiểm đối với tài sản thuê;
c) Chịu mọi rủi ro về việc mất mát, hư hỏng đối với tài sản thuê và những rủi ro mà tài sản thuê gây ra đối với tổ chức, cá nhân khác;
d) Bảo dưỡng, sửa chữa tài sản thuê trong thời hạn thuê;
đ) Khi hết hạn thuê, bên thuê mua lại tài sản thuê hoặc tiếp tục thuê theo thoả thuận trong hợp đồng cho thuê;
e) Bên thuê không được dùng tài sản thuê để cầm cố, thế chấp hoặc để bảo đảm cho bất kỳ một nghĩa vụ tài chính nào.
Tổ chức tín dụng hợp tác được huy động vốn của các thành viên và của các tổ chức, cá nhân để cho các thành viên vay. Việc cho các đối tượng không phải là thành viên vay phải được Đại hội thành viên hoặc Đại hội đại biểu chấp thuận và không được vượt quá tỷ lệ tối đa do Ngân hàng Nhà nước quy định.
1. Tổ chức tín dụng được mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước, tại các tổ chức tín dụng khác.
2. Tổ chức tín dụng có nhận tiền gửi phải mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và duy trì tại đó số dư bình quân không thấp hơn mức dự trữ bắt buộc do Ngân hàng Nhà nước quy định.
3. Tổ chức tín dụng là ngân hàng được mở tài khoản cho khách hàng trong nước và ngoài nước. Khách hàng được chọn một ngân hàng để mở tài khoản giao dịch chính.
Tổ chức tín dụng là ngân hàng được thực hiện các dịch vụ thanh toán sau đây:
1. Cung ứng các phương tiện thanh toán;
2. Thực hiện dịch vụ thanh toán trong nước cho khách hàng;
3. Thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép;
4. Thực hiện các dịch vụ thu hộ và chi hộ;
5. Thực hiện các dịch vụ thanh toán khác do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Tổ chức tín dụng được thực hiện dịch vụ thu và phát tiền mặt cho khách hàng.
Ngân hàng được tổ chức hệ thống thanh toán nội bộ và tham gia hệ thống thanh toán liên ngân hàng trong nước. Việc tham gia các hệ thống thanh toán quốc tế phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Tổ chức tín dụng được dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp và của các tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật.
Tổ chức tín dụng được kinh doanh ngoại hối và vàng trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Tổ chức tín dụng được quyền uỷ thác, nhận uỷ thác, làm đại lý trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kể cả việc quản lý tài sản, vốn đầu tư của tổ chức, cá nhân theo hợp đồng.
Tổ chức tín dụng không được trực tiếp kinh doanh bất động sản.
1. Tổ chức tín dụng được lập công ty độc lập để kinh doanh bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
2. Ngân hàng được cung ứng các dịch vụ bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
Tổ chức tín dụng được cung ứng các dịch vụ tư vấn tài chính, tiền tệ cho khách hàng.
Tổ chức tín dụng được cung ứng dịch vụ bảo quản hiện vật quý, giấy tờ có giá, cho thuê tủ két, cầm đồ và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
1. Tổ chức tín dụng không được cho vay đối với những người sau đây:
a) Thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của tổ chức tín dụng;
b) Người thẩm định, xét duyệt cho vay;
c) Bố, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc). 2. Các quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với các tổ chức tín dụng hợp tác.
3. Tổ chức tín dụng không được chấp nhận bảo lãnh của các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này để làm cơ sở cho việc cấp tín dụng đối với khách hàng.
1. Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với những điều kiện ưu đãi cho những đối tượng sau đây:
a) Tổ chức kiểm toán, Kiểm toán viên đang kiểm toán tại tổ chức tín dụng; Kế toán trưởng, Thanh tra viên;
b) Các cổ đông lớn của tổ chức tín dụng;
c) Doanh nghiệp có một trong những đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật này sở hữu trên 10% vốn Điều lệ của doanh nghiệp đó.
2. Tổng dư nợ cho vay đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này không được vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức tín dụng.
1. Giới hạn cho vay đối với một khách hàng được quy định như sau: a) Tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp đối với những khoản cho vay từ các nguồn vốn uỷ thác của Chính phủ, của các tổ chức, cá nhân hoặc trường hợp khách hàng vay là tổ chức tín dụng khác;
b) Trường hợp nhu cầu vốn của một khách hàng vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng hoặc khách hàng có nhu cầu huy động vốn từ nhiều nguồn thì các tổ chức tín dụng được cho vay hợp vốn theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;
c) Trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội mà khả năng hợp vốn của các tổ chức tín dụng chưa đáp ứng được yêu cầu vay vốn của một khách hàng thì Thủ tướng Chính phủ có thể quyết định mức cho vay tối đa đối với từng trường hợp cụ thể.
2. Mức bảo lãnh đối với một khách hàng và tổng mức bảo lãnh của một tổ chức tín dụng không được vượt quá tỷ lệ so với vốn tự có của tổ chức tín dụng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.
Mức góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng trong một doanh nghiệp, tổng mức góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng trong tất cả các doanh nghiệp không được vượt quá mức tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định đối với từng loại hình tổ chức tín dụng.
1. Tổ chức tín dụng phải duy trì các tỷ lệ bảo đảm an toàn sau đây:
a) Khả năng chi trả được xác định bằng tỷ lệ giữa tài sản "Có" có thể thanh toán ngay so với các loại tài sản "Nợ" phải thanh toán tại một thời điểm nhất định của tổ chức tín dụng;
b) Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu được xác định bằng tỷ lệ giữa vốn tự có so với tài sản "Có", kể cả các cam kết ngoại bảng được điều chỉnh theo mức độ rủi ro;
c) Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn;
d) Tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với số dư tiền gửi.
2. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định các tỷ lệ nói tại khoản 1 Điều này đối với từng loại hình tổ chức tín dụng.
3. Tổng số vốn của một tổ chức tín dụng đầu tư vào tổ chức tín dụng khác dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần phải trừ khỏi vốn tự có khi tính toán các tỷ lệ an toàn.
1. Tổ chức tín dụng phải dự phòng rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Khoản dự phòng rủi ro này phải được hạch toán vào chi phí hoạt động.
2. Việc phân loại tài sản "Có", mức trích, phương pháp lập khoản dự phòng và việc sử dụng khoản dự phòng để xử lý các rủi ro trong hoạt động ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ tài chính.
3. Trong trường hợp tổ chức tín dụng thu hồi được vốn đã được xử lý bằng khoản dự phòng rủi ro, số tiền thu hồi này được coi là doanh thu của tổ chức tín dụng.
Mức vốn pháp định của mỗi loại hình tổ chức tín dụng do Chính phủ quy định.
1. Thu, chi tài chính của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
Năm tài chính của tổ chức tín dụng bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm dương lịch.
Tổ chức tín dụng phải thực hiện hạch toán theo hệ thống tài khoản, chế độ chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê.
1. Hàng năm tổ chức tín dụng phải trích từ lợi nhuận sau thuế để lập và duy trì các quỹ sau đây:
a) Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ được trích hàng năm theo tỷ lệ 5% lợi nhuận sau thuế. Mức tối đa của quỹ này do Chính phủ quy định;
b) Các quỹ khác theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức tín dụng không được dùng các quỹ quy định tại khoản 1 Điều này để trả lợi tức cổ phần.
Tổ chức tín dụng được mua, đầu tư vào tài sản cố định của mình không quá 50% vốn tự có.
1. Tổ chức tín dụng phải thực hiện chế độ báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê và báo cáo hoạt động nghiệp vụ định kỳ theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
2. Ngoài những báo cáo định kỳ, tổ chức tín dụng có trách nhiệm báo cáo ngay với Ngân hàng Nhà nước trong những trường hợp sau đây:
a) Diễn biến không bình thường trong hoạt động nghiệp vụ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của mình;
b) Thay đổi lớn về tổ chức.
3. Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tổ chức tín dụng phải gửi Ngân hàng Nhà nước các báo cáo hàng năm theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 120 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tổ chức tín dụng phải công khai các báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật.
Khi có nguy cơ mất khả năng chi trả cho khách hàng của mình, tổ chức tín dụng phải báo cáo ngay với Ngân hàng Nhà nước về thực trạng tài chính, nguyên nhân và các biện pháp đã áp dụng, dự kiến áp dụng để khắc phục.
1. Kiểm soát đặc biệt là việc một tổ chức tín dụng được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán.
2. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện kịp thời những trường hợp có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán.
3. Tổ chức tín dụng có thể được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt trong những trường hợp sau đây:
a) Có nguy cơ mất khả năng chi trả;
b) Nợ không có khả năng thu hồi có nguy cơ mất khả năng thanh toán;
c) Khi số lỗ luỹ kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% tổng số vốn điều lệ thực có và các quỹ.
1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ra quyết định đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
2. Quyết định đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt gồm những nội dung sau đây:
a) Tên tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt;
b) Lý do kiểm soát đặc biệt;
c) Họ, tên thành viên và nhiệm vụ cụ thể của Ban kiểm soát đặc biệt;
d) Thời hạn kiểm soát đặc biệt.
3. Quyết định kiểm soát đặc biệt được Ngân hàng Nhà nước thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các cơ quan hữu quan trên địa bàn để phối hợp thực hiện.
4. Không đưa ra công luận khi một tổ chức tín dụng được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
1. Ban kiểm soát đặc biệt có những nhiệm vụ sau đây:
a) Chỉ đạo Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án củng cố tổ chức và hoạt động;
b) Chỉ đạo và giám sát việc triển khai các giải pháp được nêu trong phương án củng cố tổ chức tín dụng đã được Ban kiểm soát đặc biệt thông qua;
c) Báo cáo Ngân hàng Nhà nước về tình hình hoạt động, kết quả thực hiện phương án củng cố tổ chức tín dụng.
2. Ban kiểm soát đặc biệt có những quyền hạn sau đây:
a) Đình chỉ những hoạt động không phù hợp với phương án củng cố tổ chức và hoạt động đã được thông qua, các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng có thể gây phương hại đến lợi ích của người gửi tiền;
b) Tạm đình chỉ quyền quản trị, điều hành, kiểm soát tổ chức tín dụng của thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) nếu xét thấy cần thiết;
c) Yêu cầu Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) miễn nhiệm, đình chỉ công tác đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật, không chấp hành phương án củng cố tổ chức và hoạt động đã được thông qua;
d) Kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước gia hạn hoặc chấm dứt thời hạn kiểm soát đặc biệt;
đ) Kiến nghị với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về khoản cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.
3. Ban kiểm soát đặc biệt chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trong quá trình thực hiện việc kiểm soát đặc biệt.
1. Xây dựng phương án củng cố tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng trình Ban kiểm soát đặc biệt thông qua và tổ chức triển khai thực hiện phương án đó;
2. Tiếp tục quản trị, kiểm soát, điều hành hoạt động và bảo đảm an toàn tài sản của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 94 của Luật này;
3. Chấp hành các yêu cầu của Ban kiểm soát đặc biệt liên quan đến tổ chức, quản trị, kiểm soát, điều hành tổ chức tín dụng.
Trong trường hợp cấp bách, để bảo đảm khả năng chi trả tiền gửi của khách hàng, tổ chức tín dụng có thể được các tổ chức tín dụng khác hoặc Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt. Khoản vay đặc biệt này sẽ được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác của tổ chức tín dụng.
1. Việc kiểm soát đặc biệt được kết thúc trong các trường hợp sau đây:
a) Hết hạn kiểm soát đặc biệt mà không được gia hạn;
b) Hoạt động của tổ chức tín dụng trở lại bình thường;
c) Trước khi kết thúc thời hạn kiểm soát đặc biệt, tổ chức tín dụng được sáp nhập, hợp nhất;
d) Tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản.
2. Việc kết thúc kiểm soát đặc biệt được thực hiện bằng một quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Quyết định này được thông báo cho các cơ quan liên quan.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản về việc không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của tổ chức tín dụng mà tổ chức tín dụng đó vẫn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn, thì có thể bị Toà án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo quy định của Luật phá sản doanh nghiệp.
Tổ chức tín dụng giải thể trong các trường hợp sau đây:
1. Tự nguyện xin giải thể nếu có khả năng thanh toán hết nợ và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận;
2. Khi hết hạn hoạt động không xin gia hạn hoặc xin gia hạn nhưng không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận;
3. Bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động.
1. Trong trường hợp tổ chức tín dụng bị tuyên bố phá sản, việc thanh lý của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp.
2. Khi giải thể theo điều 99 của Luật này, tổ chức tín dụng phải tiến hành thanh lý ngay dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
3. Mọi chi phí liên quan đến việc thanh lý do tổ chức tín dụng bị thanh lý chịu.
Tổ chức tín dụng phải thông tin định kỳ cho chủ tài khoản về những giao dịch và số dư trên tài khoản của họ tại tổ chức tín dụng.
Các tổ chức tín dụng được trao đổi thông tin với nhau về hoạt động ngân hàng và về khách hàng.
Tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước các thông tin liên quan đến việc cấp tín dụng cho khách hàng theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và được Ngân hàng Nhà nước cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động ngân hàng của những khách hàng có quan hệ với tổ chức tín dụng.
1. Nhân viên tổ chức tín dụng và những người liên quan không được tiết lộ bí mật quốc gia và bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng mà mình biết.
2. Tổ chức tín dụng được quyền từ chối yêu cầu của tổ chức, cá nhân về việc cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi, tài sản của khách hàng và hoạt động của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.
1. Tổ chức tín dụng nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam dưới các hình thức sau đây:
a) Tổ chức tín dụng liên doanh;
b) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng 100% vốn nước ngoài;
c) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
2. Tổ chức tín dụng nước ngoài được đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài không được thực hiện các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
1. Các điều kiện để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng phi ngân hàng 100% vốn nước ngoài gồm có:
a) Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật này;
b) Tổ chức tín dụng nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép thực hiện các hoạt động ngân hàng;
c) Tổ chức tín dụng nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép hoạt động tại Việt Nam.
2. Các điều kiện để được cấp giấy phép mở chi nhánh của ngân hàng nước ngoài gồm có:
a) Các điều kiện được quy định tại các điểm a, b, d và e khoản 1 Điều 22 của Luật này;
b) Được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép mở chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam;
c) Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có văn bản bảo đảm khả năng giám sát toàn bộ hoạt động của chi nhánh tại Việt Nam;
d) Ngân hàng nước ngoài có văn bản bảo đảm chịu trách nhiệm đối với mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh tại Việt Nam.
3. Các điều kiện để được cấp giấy phép mở văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài gồm có:
a) Tổ chức tín dụng nước ngoài là pháp nhân được phép hoạt động ngân hàng ở nước ngoài;
b) Tổ chức tín dụng nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép mở văn phòng đại diện tại Việt Nam;
c) Tổ chức tín dụng nước ngoài có quan hệ hợp tác với các tổ chức kinh tế Việt Nam.
1. Hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng phi ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam gồm có:
a) Đơn xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động;
b) Dự thảo điều lệ;
c) Phương án hoạt động 3 năm đầu, trong đó nêu rõ hiệu quả và lợi ích kinh tế của hoạt động ngân hàng;
d) Danh sách, lý lịch, các văn bằng chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn của thành viên sáng lập, thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc);
đ) Mức vốn góp, phương án góp vốn và danh sách những tổ chức, cá nhân góp vốn;
e) Tình hình tài chính và những thông tin liên quan về cổ đông lớn;
g) ý kiến chấp nhận của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở của tổ chức tín dụng;
h) Điều lệ của tổ chức tín dụng nước ngoài;
i) Giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng nước ngoài;
k) Văn bản của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cho phép tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;
l) Bảng cân đối tài chính, bảng kết quả lãi, lỗ đã được kiểm toán và báo cáo tình hình hoạt động 3 năm gần nhất của tổ chức tín dụng nước ngoài;
m) Hợp đồng liên doanh đối với tổ chức tín dụng liên doanh;
n) Họ, tên của Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng phi ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
2. Hồ sơ xin cấp giấy phép mở chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam gồm có:
a) Các tài liệu quy định tại các điểm a và c khoản 1 Điều này;
b) Điều lệ của ngân hàng nước ngoài;
c) Giấy phép hoạt động của ngân hàng nước ngoài;
d) Văn bản của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cho phép ngân hàng nước ngoài mở chi nhánh hoạt động tại Việt Nam;
đ) Bảng cân đối tài chính, bảng kết quả lãi, lỗ đã được kiểm toán và báo cáo tình hình hoạt động 3 năm gần nhất của ngân hàng nước ngoài;
e) Họ, tên, lý lịch của Tổng giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
3. Hồ sơ xin cấp giấy phép mở văn phòng đại diện hoạt động tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài gồm có:
a) Đơn xin mở văn phòng đại diện tại Việt Nam;
b) Giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng nước ngoài;
c) Văn bản của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cho phép tổ chức tín dụng nước ngoài mở văn phòng đại diện tại Việt Nam;
d) Bảng cân đối tài chính, bảng kết quả lãi, lỗ đã được kiểm toán và báo cáo tình hình hoạt động 3 năm gần nhất của tổ chức tín dụng nước ngoài;
đ) Họ, tên, lý lịch của Trưởng văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Nội dung hoạt động của tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng phi ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam phải tuân theo những quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.
1. Mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng phi ngân hàng 100% vốn nước ngoài và mức vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam do Chính phủ quy định.
2. Thu, chi tài chính của tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
1. Tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng phi ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có nghĩa vụ hạch toán theo hệ thống tài khoản, chế độ chứng từ và báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Trong thời hạn 180 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng phi ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam phải gửi báo cáo năm của tổ chức tín dụng nước ngoài cho Ngân hàng Nhà nước.
1. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng phi ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam được chuyển ra nước ngoài số lợi nhuận còn lại thuộc sở hữu của mình sau khi đã trích lập các quỹ và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Bên nước ngoài trong tổ chức tín dụng liên doanh được chuyển ra nước ngoài số lợi nhuận được chia sau khi tổ chức tín dụng liên doanh đã trích lập các quỹ và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng phi ngân hàng 100% vốn nước ngoài và bên nước ngoài trong tổ chức tín dụng liên doanh được chuyển ra nước ngoài số tài sản còn lại của mình sau khi đã thanh lý, kết thúc hoạt động tại Việt Nam.
4. Việc chuyển tiền và các tài sản khác ra nước ngoài quy định tại các khoản 1,2 và 3 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác.
Nội dung quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng gồm có:
1. Ban hành và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động ngân hàng; xây dựng chính sách, chiến lược và quy hoạch phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng;
2. Cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng;
3. Thanh tra, kiểm tra hoạt động của tổ chức tín dụng, hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác theo quy định của pháp luật;
4. Áp dụng các biện pháp nhằm ngăn ngừa và khắc phục rủi ro; ngăn ngừa các hành vi huỷ hoại đồng tiền và hoạt động tiền tệ có nguồn gốc bất hợp pháp;
5. Tổ chức thu thập, xử lý, cung cấp thông tin và dự báo tình hình thị trường tiền tệ, thị trường vốn;
6. Ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế về tiền tệ và hoạt động ngân hàng;
7. Quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng Việt Nam ở nước ngoài;
8. Tổ chức và quản lý công tác nghiên cứu khoa học ngân hàng;
9. Tổ chức đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và nghiệp vụ cho hệ thống các tổ chức tín dụng.
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng.
2. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật.
4. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý nhà nước đối với tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng hoạt động tại địa phương theo quy định của pháp luật.
Các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng phải chịu sự thanh tra của Thanh tra ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Khi Thanh tra ngân hàng thực hiện việc thanh tra, tổ chức được thanh tra có những quyền sau đây:
1. Yêu cầu Thanh tra viên xuất trình quyết định thanh tra, thẻ Thanh tra viên và thực hiện đúng pháp luật về thanh tra;
2. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi của Thanh tra viên và kết luận, quyết định của Thanh tra ngân hàng mà mình cho là không đúng;
3. Yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi, quyết định xử lý không đúng pháp luật của Thanh tra ngân hàng gây ra.
Khi Thanh tra ngân hàng thực hiện việc thanh tra, tổ chức được thanh tra có những nghĩa vụ sau đây:
1. Thực hiện các yêu cầu của Thanh tra ngân hàng về nội dung thanh tra;
2. Chấp hành các quyết định xử lý của Thanh tra ngân hàng.
Khi tiến hành thanh tra, Thanh tra ngân hàng có những quyền hạn sau đây:
1. Yêu cầu đối tượng bị thanh tra và các bên có liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ và trả lời những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra;
2. Lập biên bản thanh tra và kiến nghị biện pháp giải quyết;
3. Áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Khi tiến hành thanh tra, Thanh tra ngân hàng có trách nhiệm:
1. Xuất trình quyết định thanh tra và thẻ Thanh tra viên;
2. Thực hiện đúng trình tự, thủ tục thanh tra, không gây phiền hà, sách nhiễu làm cản trở hoạt động ngân hàng bình thường và gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng;
3. Báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về kết quả thanh tra và kiến nghị biện pháp giải quyết;
4. Tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và trước pháp luật về kết luận thanh tra và mọi hành vi, quyết định của mình.
1. Chậm nhất là 30 ngày trước khi kết thúc năm tài chính, tổ chức tín dụng phải lựa chọn một tổ chức kiểm toán không phải kiểm toán nội bộ để kiểm toán các hoạt động của mình. Tổ chức kiểm toán đó phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
2. Trong quá trình kiểm toán, tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các thông tin theo yêu cầu của Kiểm toán viên.
3. Việc kiểm toán đối với các tổ chức tín dụng hợp tác do Ngân hàng Nhà nước quy định phù hợp với yêu cầu quản lý và quy mô hoạt động của các tổ chức này.
Sau khi kiểm toán, Kiểm toán viên có trách nhiệm:
1. Xác nhận tính chính xác, trung thực, hợp pháp của các tài liệu, số liệu kế toán, báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng;
2. Nhận xét, đánh giá việc chấp hành chính sách, chế độ tài chính, kế toán của tổ chức tín dụng;
3. Kiến nghị với tổ chức tín dụng được kiểm toán các vấn đề phát hiện trong quá trình kiểm toán.
Tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong hoạt động ngân hàng, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Các hành vi vi phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng gồm có:
1. Kinh doanh không có giấy phép hoặc kinh doanh không đúng với nội dung ghi trong giấy phép của Ngân hàng Nhà nước;
2. Hoạt động ngân hàng khi đã bị đình chỉ, thu hồi giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngân hàng đã hết hạn;
3. Không chấp hành quy định về mức tiền dự trữ bắt buộc và các tỷ lệ an toàn; không thực hiện đúng lãi suất, hoa hồng, phí dịch vụ, mức tiền phạt đã công bố, niêm yết;
4. Vi phạm các quy định về hạch toán, kế toán; lưu giữ hoặc ghi chép sổ sách kế toán không đầy đủ, không trung thực;
5. ép buộc tổ chức tín dụng cấp tín dụng, góp vốn, mua cổ phần, bảo lãnh sai quy định; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mưu lợi ích riêng, bao che cho người vi phạm;
6. Cạnh tranh bất hợp pháp;
7. Chống lại Thanh tra viên ngân hàng khi đang thi hành công vụ;
8. Các hành vi khác vi phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật.
1. Tổ chức, cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại đối với quyết định xử lý đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Toà án. Việc khiếu nại, khởi kiện được thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Trong thời gian khiếu nại hoặc khởi kiện, tổ chức, cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính vẫn phải thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính. Khi có quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, thì thi hành theo quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo bản án, quyết định của Toà án.
1. Tổ chức tín dụng đã thành lập và hoạt động theo giấy phép hoạt động do Ngân hàng Nhà nước cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành không phải thực hiện các thủ tục xin cấp lại giấy phép thành lập và hoạt động.
2. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể thời gian để các tổ chức tín dụng tiến hành điều chỉnh cơ cấu tổ chức và hoạt động phù hợp với những quy định của Luật này và những văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng đang có hoạt động ngân hàng phải chấm dứt hoạt động hoặc phải xin giấy phép hoạt động ngân hàng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
1. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 1998.
2. Pháp lệnh ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính ngày 23 tháng 5 năm 1990 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
3. Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức việc rà soát các quy định của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng để tự mình huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp với các quy định của Luật này.
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.
THE STANDING COMMITTEE OF NATIONAL ASSEMBLY |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM |
No. 07/1997/QH10 |
Hanoi, December 12, 1997 |
To ensure healthy, safe and effective operations of credit institutions; to protect the interests of the State, the legitimate rights and interests of organizations and individuals; and to contribute to the implementation of the national monetary policy as well as the development of the socialist-oriented multi-sector commodity economy under the State-regulated market mechanism;
Pursuant to the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;
This Law provides for the organization and operation of credit institutions and banking activities conducted by other organizations.
Article 1.- Scope of regulation
This Law provides for the organization and operation of credit institutions and banking activities of other organizations in the Socialist Republic of Vietnam.
Article 2.- Application of the Law on Credit Institutions and relevant laws
The organization and operation of credit institutions and banking activities of other organizations must comply with the provisions of this Law and other relevant provisions of law. The Government shall issue detailed stipulations on banking activities of other organizations.
Article 3.- Application of international agreements and international practices in banking activities with foreign countries
1. In cases where an international agreement signed or acceded to by the Socialist Republic of Vietnam contains provisions different from those of this Law, the provisions of such international agreement shall apply.
2. The parties involved in banking activities may agree to apply an international practice, provided that such practice is not contrary to the law of the Socialist Republic of Vietnam.
Article 4.- State policies on the formulation of various types of credit institutions
1. To uniformly manage all banking activities, to build a modern credit institution system capable of meeting the capital and banking service demands of the economy and the population, and to contribute to implementing the national monetary policy, ensuring the safety of the credit institution system and protecting the legitimate interests of depositors.
2. To invest capital and other resources in the development of State credit institutions, thus creating conditions for these institutions to play a leading and key role in the monetary market.
3. To develop policy banks that operate for a non-profit purpose to serve the poor and other policy beneficiaries in order to materialize the socio-economic policies of the State.
4. To protect the ownership and other legitimate rights and interests in the operation of cooperative credit institutions in order to create conditions for the laborers to assist one another in production and life.
5. To develop banks in service of agricultural and rural development as well as farmers with the preferential policies regarding capital, interest rates and borrowing terms.
The State shall adopt policies to mobilize domestic resources as a main source and make maximum use of foreign resources, to expand credit investment, contributing to the liberation of every production capacity, bringing into full play all potentials of various economic sectors and ensuring the leading role of State enterprises; to firmly maintain the socialist orientation and national sovereignty; to ensure the safety of the national financial and monetary system; to expand international cooperation and integration; to realize the national industrialization and modernization; and to contribute to meeting the requirements of socio-economic development, ensuring the national defense and security and raising the people's living standards.
Article 6.- Credit policies for State enterprises
The State shall adopt credit policies regarding capital and capital-borrowing terms for State enterprises, creating conditions for these enterprises to renew their equipment, modernize their technology, expand their production scope, conduct their business efficiently, play the leading role in the national economy and contribute to the country's socio-economic development.
Article 7.- Credit policies for cooperatives and other forms of cooperative economy
The State shall adopt credit policies to create conditions regarding capital and capital-borrowing terms so as to support cooperatives and other forms of cooperative economy in their renewal and development; to ensure that the State economy and the cooperative economy become the foundation of the national economy.
Article 8.- Credit policies for agriculture, rural areas and farmers
The State shall adopt preferential credit policies regarding capital, interest rates, capital-borrowing terms and duration for agriculture, rural areas and farmers in order to contribute to building the material base and infrastructure, stepping up the economic restructure in agriculture, developing the production of commodities and realizing the agricultural and rural industrialization and modernization.
Article 9.- Credit policies for mountainous, island, deep-lying and remote areas and areas with difficult socio-economic conditions
The State shall adopt preferential credit policies regarding capital, interest rates, capital-borrowing terms and duration, expands investment in the development of the commodity economy and economic exchange in mountainous, island, deep-lying and remote areas and areas with difficult socio-economic conditions.
Article 10.- Credit policies for the poor and other social policy beneficiaries
1. The State shall adopt preferential credit policies regarding capital, interest rates, capital-borrowing terms and duration for the poor and other social policy beneficiaries so that they can have conditions to develop production and business.
2. The State shall adopt preferential credit policies regarding interest rates, capital-borrowing terms and duration for poor students so that they shall have conditions to study.
Article 11.- International cooperation in the banking field
The State shall perform uniform management, adopt a policy to expand international cooperation in the banking field on the basis of respecting independence, sovereignty, equality and mutual benefit along the direction of multilateralization and diversification; encourage the mobilization of foreign credit sources for investment in the economic development of Vietnam; and create conditions for credit institutions to promote cooperation with foreign countries in order to raise the efficiency in the operation of these institutions.
Article 12.- Types of credit institutions
1. The Vietnamese credit institutions include: State credit institutions, joint stock credit institutions of the State and the people, and cooperative credit organizations.
2. Depending on the demands of the country's socio-economic development, the State shall allow the establishment of joint-venture credit institutions, non-bank credit institutions with 100% foreign capital in Vietnam; permit foreign banks to open their branches in Vietnam.
Foreign credit institutions may open their representative offices in Vietnam. Such representative offices shall not be allowed to conduct business operations in Vietnam.
3. Only credit institutions that satisfy all conditions provided for by law shall be permitted to conduct a full range of monetary business operations and banking services to serve various domains of socio-economic activities.
Article 13.- Banking activities of organizations which are not credit institutions
1. Organizations which are not credit institutions may be permitted by the State Bank to carry out several banking activities when they fully meet the conditions provided for in Clause 2, Article 22 of this Law.
2. Organizations which are not credit institutions but involved in banking activities shall have to comply with the provisions of this Law concerning the permitted banking activities.
Article 14.- Right to carry out banking activities
All organizations that fully meet the conditions provided for by this Law and other provisions of law and have operation licenses granted by the State Bank shall be entitled to carry out some or all banking activities in Vietnam.
Article 15.- Right to business autonomy
Credit institutions shall have the right to business autonomy and take responsibility for their own business results. No organization or individual can illegally intervene in the credit institutions' right to business autonomy. The credit institutions shall have the right to reject requests for credit granting, capital contribution or provision of banking services if they deem such requests are ineligible, ineffective or at variance with law.
Article 16.- Cooperation and competition in banking activities
1. Organizations involved in banking activities shall be entitled to lawful cooperation and competition.
2. All acts of illegal competition that may adversely affect the implementation of the national monetary policy, the safety of the credit institution system and the legitimate interests of the concerned parties shall be strictly forbidden.
3. Acts of illegal competition include:
a/ Illegal sale promotion;
b/ Provision of falsified information, thus damaging the interests of other credit institutions and customers;
c/ Speculation to manipulate the monetary, gold or foreign currency market;
d/ Other acts of unlawful competition.
Article 17.- Protection of the interests of depositors
Credit institutions shall have to:
1. Join the organizations that preserve or underwrite deposits; the level of preservation or underwriting shall be stipulated by the Government;
2. Create favorable conditions for customers to deposit and withdraw their money at their request; ensure full repayment of the principal and interest on all deposits as scheduled;
3. Keep secret the customers' deposit balance; refuse the investigation, blocking, seizure, deduction or transfer of deposits without the consent of customers, except otherwise provided for by law.
4. Publicize the deposit interest rates.
Credit institutions shall have to announce their transaction time and shall not be allowed to cease transactions on their own will during the announced time. In case of cessation of transaction, a credit institution must post up a notice thereon at the transaction place not later than 24 hours in advance.
Article 19.- Liability for money of illicit origin
1. Credit institutions and other organizations involved in banking activities shall not be allowed to conceal or provide any service related to any sum of money proven to be of illicit origin.
2. In cases where sums of money with illicit signs are detected, credit institutions and other organizations involved in banking activities shall immediately notify the competent State agencies thereof.
Article 20.- Interpretation of words and expressions
In this Law the following words and expressions are construed as follows:
1. A credit institution is an enterprise established under this Law and other provisions of law to deal in currencies, provide banking services through taking deposits and using deposits for granting credit and to provide payment service.
2. A bank is a type of credit institution that is allowed to carry out all banking activities and other related business operations. According to the nature and objective of operation, the types of banks include commercial banks, development banks, investment banks, policy banks, cooperative banks and other types of banks.
3. A non-bank credit institution is a type of credit institution that is allowed to carry out several banking activities as a routine business operation but is not allowed to take demand deposits or to provide payment services. Non-bank credit institutions include financial companies, financial leasing companies and other non-bank credit institutions.
4. A foreign credit institution is a credit institution established under the law of a foreign country.
5. A cooperative credit organization is an organization engaged in monetary business and provide banking services, established voluntarily by organizations, individuals and households to conduct banking operations in accordance with this Law and the Law on Cooperatives for the principal objective of mutual assistance in the development of production and business and in the improvement of their living standards. Cooperative credit organizations include cooperative banks, people's credit funds, credit cooperatives and other types.
6. A major shareholder is an individual or organization that owns more than 10% of the statutory capital or more than 10% of the voting shares of a credit institution.
7. A banking operation is a monetary business operation or a banking service of regularly taking deposits and using such deposits for granting credit and providing payment services.
8. A credit operation is a credit institution's operation to use its own and mobilized capital to grant credit;
9. A deposit is a sum of money deposited by a customer at a credit institution in the form of demand or time deposit, saving or other forms. A deposit may or may not bear interest and must be reimbursed to depositors.
10. Credit granting is a transaction in which a credit institution agrees to allow a customer to use a sum of money on the principle of repayment through the operations of lending, discounting, financial leasing, bank guaranty and others.
11. Financial leasing is a medium-term or long-term credit operation on the basis of an asset-leasing contract between the lessor that is a credit institution and a customer, the lessee. Upon the expiry of the lease duration, the lessee may purchase or continue to lease the asset on the terms agreed upon in the lease contract. During the lease duration, the contractual parties shall not be allowed to unilaterally cancel the contract.
12. Bank guaranty is a written commitment of a credit institution to the obligee for fulfilling a financial obligation on behalf of its customer when such customer has failed to fulfill the already committed obligation; the customer must acknowledge the debt and refund to the credit institution the amount of money already paid on his/her behalf.
13. Own capital includes the real value of the statutory capital, reserve funds and some "current liabilities" of a credit institution as prescribed by the State Bank. The own capital serves as basis for calculating the safety ratios in banking activities.
14. Discounting means the purchase of commercial papers and other short-term valuable papers by a credit institution from their beneficiaries before they become mature.
15. Re-discounting means the purchase of already discounted commercial papers and other short-term valuable papers before they become mature.
ORGANIZING AND MANAGING CREDIT INSTITUTIONS
Section 1. GRANTING ESTABLISHMENT AND OPERATION LICENSES
Article 21.- Competence to grant establishment and operation licenses
The State Bank is the body competent to grant establishment and operation licenses to credit institutions and banking operation licenses to other organizations in accordance with the provisions of this Law and other provisions of law.
Article 22.- Conditions for being granted establishment and operation licenses
1. The conditions for a credit institution to be granted an establishment and operation license include:
a/ There is demand for banking activities in the place where the credit institution is to operate;
b/ Having the capital prescribed in Article 83 of this Law;
c/ The founding members are financially prestigious and capable organizations and individuals;
d/ The managerial and executive personnel have the full capacity for civil acts and the professional qualifications suited to each type of credit institution;
e/ Having the organization and operation Statute in accordance with the provisions of this Law and relevant laws;
f/ Having a feasible business plan.
2. The conditions for an organization which is not a credit institution to be granted a license for banking activities include:
a/ The banking activities are necessary and closely associated with the organization's principal operation;
b/ Having sufficient capital and material conditions suitable to the banking operation requirements;
c/ Having a contingent of personnel knowledgeable about banking operations;
d/ Having a feasible business plan for banking activities.
Article 23.- Dossier of application for an establishment and operation license
1. For credit institutions, the dossier of application for an establishment and operation license includes:
a/ The application for an establishment and operation license;
b/ The draft Statute;
c/ The operation plan for the first three years, clearly stating the economic efficiency and benefits of banking activities;
d/ A list, curricula vitae and certificates proving the capabilities and professional qualifications of founding members and members of the Managing Board, the Control Board and the general director (director);
e/ The amount of contributed capital, the capital contribution plan and the list of capital contributing individuals and organizations;
f/ The financial status and other information related to major shareholders;
g/ The competent People's Committee's approval of the location of the credit institution's head office.
2. For organizations which are not credit institutions, the dossier of application for licenses to conduct banking activities includes:
a/ The application for a license to conduct banking activities;
b/ The establishment decision or license, the certificate of registration of the current business line(s);
c/ The Statute;
d/ The list and curricula vitae of the general director (director), members of the Managing Board and the Control Board (if any);
e/ The financial status in the last three years;
f/ The plan on banking activities.
Article 24.- Time limit for granting licenses
Within 90 days from the date of receipt of the full dossiers of application for establishment and operation licenses with regard to credit institutions, for licenses for banking activities with regard to organizations that are not credit institutions, the State Bank must grant or refuse to grant such licenses. In case of refusal, the State Bank shall have to clearly state in writing the reasons.
The organization to which a license is granted shall have to pay a licensing fee in accordance with the provisions of law.
1. The organization to which a license is granted must use the right name and operate in compliance with the provisions in the license.
2. The forging, erasing, assignment, lease or lending of a license is forbidden.
Article 27.- Business registration
After being granted a license, a credit institution must register its business in accordance with the provisions of law.
Article 28.- Conditions for operation
1. To conduct banking operations, a credit institution to which a license is granted must meet all the following conditions:
a/ Having its Statute endorsed by the State Bank;
b/ Having the business registration certificate, sufficient legal capital and a head office suitable to the banking operation requirements;
c/ The portion of the legal capital contributed in cash must be deposited in an interest-free escrow account at the State Bank at least 30 days before the commencement of operation. This portion shall be released only after the credit institution starts its operation;
d/ Publishing the provisions of its license on the central and local newspapers in accordance with the provisions of law;
2. To conduct banking activities, an organization which is not a credit institution and already granted a license for banking activities must meet all the following conditions:
a/ Having the business registration certificate, a head office suitable to the banking operation requirements;
b/ Publishing the provisions of the license on the central and local newspapers in accordance with the provisions of law.
3. Within 12 months after receipt of a license from the State Bank, the organization must start its operation.
Article 29.- Revocation of licenses
1. An organization to which a license is granted may have its license revoked in one of the following cases:
a/ The dossier of application for the license proves to have contained intentionally falsified information;
b/ Past the time limit prescribed in Article 28 of this Law, the organization still fails to start its operation;
c/ Voluntary dissolution or compulsory dissolution by decision of a competent agency;
d/ Split-up, merger, consolidation or bankruptcy;
e/ Operating for a wrong purpose;
f/ Lack of the conditions prescribed in Clauses 1 and 2, Article 28 of this Law.
2. After its license is revoked, the organization must immediately terminate its banking activities.
3. The decision to revoke a license shall be announced by the State Bank through the mass media.
1. The Statute of a credit institution must contain the following principal contents:
a/ The name and address of the head office;
b/ Contents and scope of its operation;
c/ Operation duration;
d/ The statutory capital and the mode of capital contribution
e/ Tasks and powers of the Managing Board, the general director (director) and the Control Board;
f/ Procedures for voting, appointment or dismissal of the Managing Board members, the general director (director) and the Control Board;
g/ Rights and obligations of shareholders;
h/ Principles in financial, accounting, internal inspection and auditing activities;
i/ Cases of dissolution and procedures for dissolution;
j/ Procedures for amending the Statute.
2. The Statute of a credit institution shall be effected only after it is endorsed by the State Bank, except otherwise provided for by law.
Article 31.- Changes subject to approval
1. A credit institution must seek the approval from the State Bank before it can change one of the following points:
a/ Its name;
b/ The level of legal and/or allocated capital;
c/ The location of its head office, transaction office, branch or representative office;
d/ The contents, scope and duration of its operation;
e/ Assignment of registered shares that exceed the ratio prescribed by the State Bank;
f/ The ratio of shares owned by major shareholders;
g/ Members of the Managing Board, the general director (director) and members of the Control Board.
2. After obtaining the approval from the State Bank, the credit institution shall have to register with the competent State agency the change(s) prescribed in Clause 1 of this Article and make announcements thereon in the central and local newspapers in accordance with the provisions of law.
Section 2. ORGANIZATIONAL STRUCTURE OF CREDIT INSTITUTIONS
Article 32.- Opening of transaction offices, branches and representative offices; establishment of companies and non-business units
Credit organizations are entitled to:
1. Open transaction offices, branches and representative offices in geographical areas inside and outside the country, where there is demand for their operation, even in areas where their head offices are based, after obtaining the written approval from the State Bank;
2. Set up attached companies which have legal person status, apply an independent cost accounting system with their own capital and operate in some financial, banking and insurance fields in accordance with the stipulations of the Government.
3. Establish non-business units after getting the approval from the State Bank.
Article 33.- Conditions, dossiers and procedures for opening transaction offices, branches and representative offices; for establishing companies
1. Credit institutions may open transaction offices, branches and representative offices and set up companies under Article 32 of this Law when they satisfy the following conditions:
a/ Having the minimum operating duration stipulated by the State Bank;
b/ Having profitable business operations and a healthy financial status;
c/ The managerial and executive mechanism and the internal inspection system function effectively;
d/ The information system meets the management requirements;
e/ Not violating the regulations on safety in banking activities and other relevant provisions of law.
2. The application dossier and procedures for opening transaction offices, branches, representative offices and for setting up companies of credit institutions shall comply with the regulations of the State Bank.
Article 34.- Separation, splitting, merger, consolidation, purchase or dissolution
The separation, splitting, merger, consolidation, purchase or dissolution of a credit institution must be approved in writing by the State Bank.
Article 35.- Association between cooperative credit institutions
Cooperative credit institutions shall be entitled to associate with one another in financial regulation and support so as to enhance mutual assistance for ensuring safety and efficiency in the operations of each institution.
Section 3. ADMINISTRATION, MANAGEMENT AND CONTROL
Article 36.- Administration, management and control
1. The election, appointment or dismissal of the chairman and other members of the Managing Board, the head and other members of the Control Board, the general director (director) of a credit institution shall comply with the provisions of law.
2. The chairman and other members of the Managing Board, the head and other members of the Control Board, the general director (director) of a credit institution must be ratified by the Governor of the State Bank or by a person authorized by the Governor of the State Bank, except for cases of appointment by the Prime Minister.
1. The Managing Board of a credit institution has the function to administer the credit institution in accordance with the provisions of this Law and relevant laws.
2. The Managing Board is composed of at least three members who are possessed of professional prestige and morals and knowledgeable about banking activities.
3. The chairman and other members of the Managing Board shall not be allowed to authorize those people who are not members of the Managing Board to perform their tasks or powers.
4. The chairman of the Managing Board must not concurrently be the general director (director) or deputy general director (deputy director) of the same credit institution, except otherwise provided for by law.
5. The chairman of the Managing Board of this credit institution shall not be allowed to participate in the Managing Board or in the management of another credit institution, except for cases where the latter is the former's attached company.
1. The Control Board of a credit institution operates in accordance with the provisions of this Law and other provisions of law.
2. The Control Board is tasked to supervise the financial activities of the credit institution; oversee the observance of the accounting regime, operations of the internal inspection and auditing system of the credit institution.
3. The Control Board of a credit institution is composed of at least three people, including its head, and at least half of its member work on a full-time basis.
4. Members of the Control Board must have professional qualifications and morals required by the State Bank.
5. The Control Board may use the internal inspection and auditing system of the credit institution to perform its tasks
Article 39.- General director (director)
1. The general director (director) of a credit institution is a person who take responsibility to the Managing Board for running day-to-day activities according to his/her tasks and powers in accordance with the provisions of this Law and other provisions of law.
2. The general director (director), deputy general director(s) (deputy director(s)) of a credit institution must meet the following criteria:
a/ Residing in Vietnam during the working term;
b/ Having the professional qualifications and capabilities to run a credit institution as defined by the State Bank.
Article 40.- People who shall not be allowed to be members of the Managing Board and the Control Board, or executive officers
1. The following people shall not be elected to the Managing Board, the Control Board or appointed as general director (director) or deputy general director (deputy director):
a/ Being under investigation for penal liability;
b/ Having been sentenced for serious offenses of infringement upon the national security, serious offenses of infringement upon the socialist ownership or citizen's ownership; or serious economic offenses;
c/ Having been convicted of other offenses and such criminal records have not yet been written off;
d/ Being a former member of the Managing Board or former general director (director) of a bankrupt company, except for cases prescribed in Clause 2, Article 50 of the Law on Enterprises' Bankruptcy;
e/ Being a former representative at law of a company which has been suspended from operation due to serious violation of law;
2. Parents, spouses, children and siblings of the Managing Board members, the general director (director) shall not be allowed to be members of the Control Board or the chief accountant of the same credit institution.
Section 4. INTERNAL INSPECTION AND AUDITING SYSTEM
Article 41.- Internal inspection and auditing system
A credit institution shall have to set up an internal inspection and auditing system as part of the executive apparatus to assist the general director (director) in running all professional operations of the credit institution in a smooth, safe and lawful manner.
Article 42.- Internal inspection
Credit institutions shall have to regularly inspect the observance of law and internal regulations; directly inspect operations in all domains at their respective transaction offices, branches, representative offices and attached companies.
Article 43.- Internal auditing
Credit institutions shall have to audit their operations in each period and each area so as to accurately evaluate the results of their business operations and actual financial status.
Article 44.- Reporting of internal inspection and auditing
The result of internal inspection and auditing must be promptly reported to the general director (director), the Managing Board and the Control Board.
OPERATION OF CREDIT INSTITUTIONS
Section 1. CAPITAL MOBILIZATION
1. Banks are entitled to take deposits from organizations, individuals and other credit institutions in the forms of demand deposits, time deposits and other types of deposits.
2. Non-bank credit institutions are entitled to take deposits with a term of one year or more from organizations and individuals as stipulated by the State Bank.
Article 46.- Issuance of valuable papers
When approved by the State Bank, credit institutions are allowed to issue certificates of deposits, bonds and other valuable papers so as to mobilize capital from organizations and individuals inside and outside the country.
Article 47.- Capital borrowing among credit institutions
Credit institutions are entitled to borrow capital from each other and from foreign credit institutions.
Article 48.- Borrowing capital from the State Bank
Credit institutions that are banks may borrow capital from the State Bank in the form of capital re-allocation under Article 30 of the Law on the State Bank.
Article 49.- Granting of credit
Credit institutions are entitled to grant credit to organizations and individuals in the forms of loans, discounting of commercial papers and other valuable papers, guaranty, financial leasing and other forms as stipulated by the State Bank.
1. Credit institutions may provide short-term loans for organizations and individuals to meet the need of capital for production, business, service and daily life.
2. Credit institutions may provide medium- and long-term loans for organizations and individuals to realize investment projects on developing production, business and services and improving the people's living conditions.
The lending must be established in a credit contract. The credit contract must contain the lending conditions, the loan use purpose, the form of loan, the loan amount, the interest rate, the loan duration, the security form, the value of the property as security, the mode of debt repayment and other commitments agreed upon by the involved parties.
Article 52.- Security of loans
1. Credit institutions shall take the initiative in seeking feasible and effective production and business projects which are capable of repaying debts so as to provide loans for.
2. Credit institutions shall provide loans which are secured with pledged or mortgaged property of borrowing customers, or with the third party's guaranty; shall not be allowed to provide loans which are pledged with the shares of the lending credit institution.
3. The provision of loans secured with the property formed from the borrowed capital and the provision of loans not secured with the customers' property shall comply with the stipulations of the Government.
4. State credit institutions may provide unsecured loans as designated by the Government. Losses of these loans due to objective reasons shall be handled by the Government.
Article 53.- Consideration and approval of loans and inspection of the use of loans
1. Credit institutions are entitled to request customers to supply documents proving the feasibility of their business plans, their financial capabilities and those of the guarantor before deciding the lending.
2. Credit institutions shall have to organize the consideration and approval of loans on the principle of assignment of responsibilities between the loan evaluation and decision phases.
3. Credit institutions must inspect and supervise the process of borrowing capital, using loans and repaying debts by their customers.
Article 54.- Loan termination, debt handling and adjustment of interest rates
1. A credit institution shall be entitled to terminate a loan and recover debts ahead of schedule when discovering that a customer has provided false information or breached the credit contract.
2. In case a customer fails to pay a due debt, if the involved parties do not otherwise agree, the credit institution shall be entitled to:
a/ Sell the pledged property to recover the debt; assign or sell the mortgaged property to recover the capital within a given time limit prescribed by law;
b/ Request the guarantor to perform the guaranty obligation;
c/ Initiate a lawsuit against the customer who has breached the credit contract and/or the guarantor in accordance with the provisions of law.
3. In cases where a borrower or a guarantor fails to pay a debt due to bankruptcy, the recovery of debt by the credit institution shall comply with the provisions of legislation on enterprises' bankruptcy.
4. Credit institutions are entitled to interest rate and/or fee exemption or reduction; to rollover of debts, sale or purchase of debts in accordance with the regulations of the State Bank. The renewal of debts shall comply with the stipulations of the Government.
Article 55.- Filing of credit dossiers
1. Credit institutions must file credit dossiers, including:
a/ Credit contracts and documents clearly stating the use purpose of loans, legal basis of secured properties (if any);
b/ Reports on the financial status of customers and guarantors;
c/ Credit-granting decisions signed by competent persons; in case such a decision is made collectively, there must be a written report clearly stating that the decision has been adopted;
d/ Documents derived from the use of loans and related to credit contracts.
2. The time limit for filing of credit dossiers shall comply with the provisions of law.
Article 56.- Rights and obligations of the borrowers
1. A borrower shall have the following rights:
a/ To reject any requests of a credit institution which are not in compliance with the provisions of the credit contract;
b/ To complain or initiate lawsuits against groundless refusal of loans and violations of the credit contract in accordance with the provisions of law.
2. A borrower shall have the following obligations:
a/ To provide sufficient and truthful information and documents related to the borrowing and to be accountable for the accuracy of such information and documents;
b/ To use the loan for the right purpose and strictly observe other contents agreed upon in the credit contract;
c/ To pay debt principal and interest as agreed upon in the credit contract;
d/ To be answerable before law for failing to correctly perform the credit contract.
Article 57.- Discounting, re-discounting and pledging of commercial papers and other short-term valuable papers
1. Credit institutions are entitled to grant credit in the form of discounting commercial papers and other short-term valuable papers. Owners of commercial papers and other short-term valuable papers must immediately transfer all legitimate rights and interests derived therefrom to the credit institutions.
2. Credit institutions are entitled to grant credit in the form of pledging commercial papers and other short-term papers. Credit institutions are entitled to exercise the legitimate rights and enjoy the legitimate interests derived therefrom in case the owners of such papers fail to fulfill the commitments made in the credit contracts.
3. Credit institutions are entitled to re-discount and pledge commercial papers and other short-term valuable papers among themselves.
4. Credit institutions which are banks may enjoy re-discounts and loans from the State Bank on the basis of pledging already discounted commercial papers and other short-term valuable papers.
5. The discounting, re-discounting and pledge of commercial papers and other short-term valuable papers for granting credits within the system of credit institutions shall be stipulated by the State Bank.
1. Credit institutions are entitled to guarantee with their financial prestige and capability for the guarantee.
2. Credit institutions are entitled to guarantee loans, payment, performance of contracts, bid participation and other forms of bank guaranty for organizations and individuals.
3. Only banks which are allowed to perform the international payment can issue loan guaranty, payment guaranty and other forms of bank guaranty to the guarantees that are foreign organizations and individuals.
Article 59.- Rights and obligations of guaranteeing credit institutions
1. A credit institution that makes a guaranty shall have the following rights:
a/ To request customers to supply documents on their financial capability and documents related to the guaranteed transactions;
b/ To request customers to secure its guaranty;
c/ To collect guaranty service fees according to the regulations of the State Bank;
d/ To supervise the performance of obligation by the guaranteed;
e/ To refuse guaranty for customers who lack prestige.
2. Guaranteeing credit institutions are obliged to fulfill their commitments toward the guarantee when the guaranteed fails to perform or fulfill his/her obligations.
Article 60.- Obligations of the guaranteed
The guaranteed shall have the following obligations:
1. To supply sufficient and accurate information and documents related to the guaranty at the request of the guaranteeing credit institution.
2. To fulfill his/her commitments toward the guarantee and the guarantor.
3. To submit to the supervision by the guaranteeing credit institution over all operations related to the guaranteed obligations.
4. To acknowledge debts and pay principal, interest thereon and related expenses which the guaranteeing credit institution has paid in his/her behalf according to the guaranty commitment.
Article 61.- Financial leasing
1. Financial leasing operations of organizations and individuals shall be conducted through financial leasing companies.
2. A financial leasing company (thereunder referred to as the lessor) is the owner of the assets for lease. Upon termination of a contract, the lessee shall be entitled to opt to either purchase the leased asset or continue the lease as agreed upon in the lease contract.
3. The lessor and the lessee shall not be allowed to unilaterally cancel the lease contract.
Article 62.- Rights and obligations of the lessor:
1. The lessor shall have the following rights:
a/ To buy or directly import the assets at the request of the lessee;
b/ To request the lessee to compensate any damage caused by from the lessee's failure to fulfill the obligations to maintain, repair and pay insurance premiums for the leased asset during the lease term;
c/ To recover the leased asset and request the lessee to immediately pay all rental when the lessee breaches the lease contract.
2. The lessor shall have the following obligations:
a/ To sign contracts for purchase of assets, complete all procedures for the import of the assets and pay fully for the purchase of assets for lease;
b/ To make compensation to the lessee in case the lessor breaches the lease contract.
Article 63.- Rights and obligations of the lessee
1. The lessee shall have the following rights:
a/ To select, negotiate and agree with the selling party on the technical specifications, categories, prices, insurance, mode and time limit for delivery, installation and warranty of the assets for lease;
b/ To directly receive the assets for lease from the selling party as agreed upon in the asset purchasing contract;
c/ To opt to either continue the lease or buy the leased asset upon termination of the lease contract;
2. The lessee shall have the following obligations:
a/ To use the leased property for the right purpose as agreed upon in the lease contract; not to transfer the right to use the leased asset to another individual or organization without the written consent of the lessor;
b/ To pay rental as stipulated in the lease contract and pay the expenses related to the import, tax and insurance of the leased asset;
c/ To bear all risks of loss or damage to the leased asset and risks caused by the leased asset to another organization or individual;
d/ To maintain and repair the leased asset during the lease term;
e/ Upon the expiry of the lease, the lessee may buy the leased asset or continue the lease as agreed upon in the lease contract;
f/ The lessee shall not be allowed to use the leased asset for pledging, mortgaging or guaranteeing any financial obligation.
Article 64.- Credit activities of cooperative credit institutions
Cooperative credit institutions are entitled to mobilize capital from their members and from various organizations and individuals to lend to their members. The lending to non-member recipients must be approved by the Congress of Members or the Congress Members' Delegates of Members' Delegates and such loans must not exceed the maximum level set by the State Bank.
Section 3. PAYMENT AND TREASURY SERVICES
Article 65.- Opening of accounts
1. Credit institutions may open deposit accounts at the State Bank and at other credit institutions.
2. Credit institutions which take deposits shall have to open deposit accounts at the State Bank and keep therein an average balance not lower than the compulsory reserve level set by the State Bank.
3. Credit institutions that are banks may open accounts for domestic and foreign customers. Customers may choose banks to open principal transaction account.
Credit institutions that are banks may provide the following payment services:
1. Provision of payment instruments;
2. Provision of domestic payment services for customers;
3. Provision of international payment services when so permitted by the State Bank;
4. Provision of authorized payment and collection services;
5. Provision of other payment services stipulated by the State Bank.
Article 67.- Treasury services
Credit institutions are entitled to provide the cash collection and disbursement service for customers.
Article 68.- Organizing and participating in various payment systems
Banks are entitled to organize internal payment systems and participate in the domestic inter-bank payment system. The participation in the international payment systems must be permitted by the State Bank.
Article 69.- Capital contribution and purchase of shares
Credit institutions are entitled to use their statutory capital and the reserve funds for contributing capital to or purchasing shares of enterprises and other credit institutions in accordance with the provisions of law.
Article 70.- Participation in the monetary market
Credit institutions are entitled to participate in the monetary market organized by the State Bank, including the treasury bill auction market, domestic and foreign currency inter-bank markets and other short-term valuable paper market according to the regulations of the State Bank.
Article 71.- Trading in foreign exchange and gold
Credit institutions are entitled to trade in foreign exchange and gold on the domestic and international markets if so permitted by the State Bank.
Article 72.- Fiduciary and agency operations
Credit institutions shall be entitled to trust, accept trust or act as agent in areas related to banking operations, including the management of assets and investment capital of organizations and individuals as contracted.
Article 73.- Dealing in immovable assets
Credit institutions shall not be allowed to directly deal in immovable assets.
Article 74.- Insurance business and service
1. Credit institutions are entitled to set up independent companies to do business in insurance in accordance with the provisions of law.
2. Banks are entitled to provide insurance services in accordance with the provisions of law.
Article 75.- Consultancy services
Credit institutions are entitled to provide financial and monetary consultancy services for customers.
Article 76.- Other services related to banking activities
Credit institutions are entitled to provide services in keeping precious objects, valuable papers, leasing safes, pawning and other services according to law.
Section 5. RESTRICTIONS TO ENSURE SAFETY IN THE OPERATION OF CREDIT INSTITUTIONS
Article 77.- Cases not eligible for loans
1. A credit institution shall not be allowed to provide loans for the following people:
a/ Members of the Managing Board and the Control Board, the general director (director), deputy general director(s) (deputy director(s)) of the credit institution;
b/ The people who evaluate, consider and approve loans;
c/ Parents, spouses and children of the members of the Managing Board, the Control Board, the general director (director), deputy general director (deputy director).
2. The provisions in Clause 1 of this Article shall not apply to cooperative credit institutions.
3. Credit institutions shall not be allowed to accept guaranty from the people specified in Clause 1 of this Article as basis for granting credit to customers.
Article 78.- Credit restriction
1. A credit institution shall not be allowed to grant credit without security or grant credit with preferential conditions to the following subjects
a/ The auditing organization and auditors that are auditing the credit institution; the chief accountant and inspectors;
b/ Major shareholders of the credit institution;
c/ An enterprise where one of the people specified in Clause 1, Article 77 of this Law owns more than 10% of the statutory capital of such enterprise.
2. The total outstanding loans made to the subjects prescribed in Clause 1 of this Article shall not exceed 5% of the own capital of a credit institution.
Article 79.- Loan and guaranty limits
1. The loan limit for a customer is stipulated as follows:
a/ The total outstanding loans for a customer shall not exceed 15% of the own capital of a credit institution, except for loans from the trust fund sources of the Government, organizations and individuals or in cases where the customer is another credit institution.
b/ In cases where the capital demand of a customer exceeds 15% of the own capital of a credit institution or the customer has a need to mobilize loans from various sources, credit institutions shall be allowed to syndicate loans in accordance with the regulations of the Governor of the State Bank;
c/ In special cases, in order to implement socio-economic tasks but the credit institutions' syndicated loans still can not meet a customer's demand for capital, the Prime Minister may decide the maximum loan amount for each specific case.
2. The amount of guaranty for a customer and the total guaranty amount of a credit institution shall not be allowed to exceed the ratio between these amounts and the own capital of the credit institution set by the Governor of the State Bank.
Article 80.- Limit of capital contribution and share purchase
The level of capital contribution and share purchase by a credit institution in an enterprise, the aggregate level of capital contribution and share purchase by a credit institution in all enterprises shall not be allowed to exceed the maximum level set by the Governor of the State Bank for each type of credit institution.
1. A credit institution shall have to maintain the following safety ratios:
a/ The liquidity that is determined by the ratio between the "credit" assets immediately payable and the "debit" assets payable at a given time of a credit institution;
b/ The minimum capital safety ratio that is determined by the ratio between the own capital and the "credit" assets, including off-balance sheet commitments adjusted according to the degree of risk;
c/ The maximum proportion of the short-term capital flows used for granting medium-term and long-term loans;
d/ The maximum ratio of outstanding loans to the balance of deposits.
2. The Governor of the State Bank shall set the ratios mentioned in Clause 1 of this Article for each type of credit institution.
3. The total capital invested by a credit institution into another credit institution in the form of capital contribution or share purchase must be excluded from its own capital when calculating the safety ratios.
Article 82.- Contingency reserve
1. A credit institution must establish a contingency reserve for banking operations. This contingency reserve must be accounted in the operational expenses.
2. The classification of "credit" assets, the level of deduction, the method of setting up the reserve and the use of the reserve for dealing with risks in banking operations shall be prescribed by the Governor of the State Bank after consulting the Minister of Finance.
3. In case a credit institution recovers the capital already offset by the contingency reserve, this recovered amount shall be considered turnover of the credit institution.
FINANCE, COST-ACCOUNTING AND REPORTING
The level of the legal capital of each type of credit institution shall be stipulated by the Government.
Article 84.- Financial revenue and expenditure
1. Financial revenues and expenditures of credit institutions shall comply with the provisions of law.
2. The Minister of Finance shall guide and supervise the implementation of the financial regime by credit institutions in accordance with the provisions of law.
The fiscal year of a credit institution starts on January 1st and ends on December 31 of the calendar year.
Credit institutions shall have to apply cost-accounting according to the system of accounts and regulations on vouchers in accordance with the provisions of the legislation on accounting and statistics.
1. Annually, credit institutions shall have to deduct part of their after-tax profits to set up and maintain the following funds:
a/ The reserve fund for the statutory capital that is set up from a 5% deduction of after-tax profits. The maximum level of this fund shall be stipulated by the Government;
b/ Other funds as prescribed by law.
2. Credit institutions shall not be allowed to use the funds prescribed in Clause 1 of this Article to pay share dividends.
Article 88.- Purchase of and investment in fixed assets
A credit institution may purchase and invest in its fixed assets by not more than 50% of its own capital.
1. Credit institutions shall have to comply with the regulations on financial reporting in accordance with the provisions of legislation on accounting and statistics and regular reporting on their operations in accordance with the regulations of the Governor of the State Bank.
2. Apart from regular reports, credit institutions shall have to promptly report to the Governor of the State Bank in the following cases:
a/ Irregular developments in the professional operations which may seriously affect their business situation;
b/ Substantial changes in the organizational structure.
3. Within 90 days from the end of the fiscal year, credit institutions shall have to submit annual reports to the State Bank in accordance with the provisions of law.
Article 90.- Making public financial reports within 120 days from the end of the fiscal year, credit institutions shall to make public their financial reports in accordance with the provisions of law
SPECIAL CONTROL, BANKRUPTCY, DISSOLUTION AND LIQUIDATION
Article 91.- Reporting on reimbursement difficulties
When facing a risk of loosing its ability to reimburse customers, a credit institution shall have to immediately report to the State Bank on its present financial status, causes and measures already taken and to be taken to overcome the situation.
Article 92.- Application of special control
1. Special control is the placing of a credit institution under the direct control of the State Bank because such credit institution faces a risk of loosing its ability of reimbursement or ability of payment..
2. The State Bank shall have to inspect and discover in time cases facing the risk of loosing the ability of reimbursement or the ability of payment.
3. A credit institution may be placed in the state of special control in the following cases:
a/ Facing the risk of loosing its reimbursement ability;
b/ Facing the risk of loosing its payment ability due to irrecoverable debts ;
c/ When the amount of its cumulative losses exceeds 50% of the total actual statutory capital and funds.
Article 93.- Decision on special control
1. The Governor of the State Bank shall issue the decision to place a credit institution in the state of the special control.
2. The decision to place a credit institution in the state of the special control includes the following details:
a/ The name of the credit institution to be placed under special control;
b/ Reason(s) for the special control;
c/ The full names of the members of the special control commission and their specific tasks;
d/ Duration of the special control.
3. The decision on special control shall be notified by the State Bank to the competent State agency and concerned local agencies for coordinated implementation.
4. The placing of a credit institution in the state of special control shall not be made public.
Article 94.- Tasks, powers and responsibilities of the special control commission
1. The special control commission shall have the following tasks:
a/ To direct the Managing Board, the Control Board, the general director (director) of the credit institution placed in the state of special control to formulate the plan on strengthening its organization and operation;
b/ To direct and supervise the application of the measures mentioned in the plan on strengthening the credit institution already approved by the special control commission;
c/ To report to the State Bank on the situation of operation and the result of the execution of the plan on strengthening the credit institution.
2. The special control commission shall have the following powers:
a/ To suspend the operations which are inconsistent with the already approved plan on strengthening the organization and operation, with the regulations on safety in banking activities, which may harm the interests of depositors;
b/ To temporarily suspend the rights to administer, manage and control the credit institution of the members of the Managing Board, the Control Board, the general director (director), the deputy general director (director), if deemed necessary;
c/ To request the Managing Board, the general director (director) to dismiss or suspend the work of the people who commit acts of law offenses or fail to abide by the already approved plan on strengthening the organization and operation.
d/ To propose the Governor of the State Bank to extend or terminate the duration of special control;
e/ To make recommendations to the Governor of the State Bank on special loans to credit institutions.
3. The special control commission shall take responsibility for its decisions in the course of exercising the special control.
Article 95.- Duties of the credit institution under the special control
The Managing Board, the Control Board and the general director (director) of the credit institution under the special control shall have the responsibility to:
1. To draw up a plan on strengthening the organization and operation of the credit institution and submit it to the special control commission for approval and organizing the execution of such plan;
2. To continue to manage, supervise and run the operations and ensure safety for the assets of the credit institution, except for cases specified in Point b, Clause 2, Article 94 of this Law;
3. To respond to the requests of the special control commission regarding the organization, management, supervision and running of the credit institution.
In case of emergency, to ensure the ability to reimburse deposits to its customers, a credit institution may be provided with special loans by other credit institutions or the State Bank. Priority shall be given to the repayment of these special loans prior to all other debts of the credit institution.
Article 97.- Termination of special control
1. The special control shall terminate in the following cases:
a/ Upon the expiration of the special control duration without extension;
b/ The operations of the credit institution return to normal;
c/ Before the expiration of the special control duration, the credit institution is merged or consolidated;
d/ The credit institution falls into the state of bankruptcy.
2. The special control shall be terminated by a decision of the Governor of the State Bank. This decision shall be notified to the concerned agencies.
Section 2. BANKRUPTCY, DISSOLUTION, LIQUIDATION
Article 98.- Bankruptcy of credit institutions
After the State Bank issues a document on the non-application or termination of the application of the measures to rehabilitate the payment ability of a credit institution but such credit institution still loses its ability to pay mature debts, a Court may start procedures to settle the request for declaring the credit institution bankrupt in accordance with the Law on Enterprises' Bankruptcy.
Article 99.- Dissolution of credit institutions
A credit institution may dissolve in the following cases:
1. The credit institution voluntarily applies for the dissolution if it is able to pay all debts and the State Bank so approves.
2. Upon the expiration of the operating duration the credit institution does not apply for extension or applies for extension but such extension is rejected by the State Bank.
3. The credit institution has its establishment and operation license revoked.
Article 100.- Liquidation of credit institutions
1. In case a credit institution is declared bankrupt, it shall be liquidated in accordance with the legislation on enterprises' bankruptcy.
2. When dissolving in accordance with Article 98 of this Law, the credit institution must conduct liquidation under the supervision of the State Bank.
3. All costs related to the liquidation shall be incurred by the liquidated credit institution.
INFORMATION AND CONFIDENTIALITY
Article 101.- Provision of information for account holders
Credit institutions shall regularly provide information to account holders with information on the transactions and their balances of their accounts at the credit institutions.
Article 102.- Exchange of information among credit institutions
Credit institutions may exchange information among themselves on banking activities and customers.
Article 103.- Exchange of information between the State Bank and credit institutions
Credit institutions shall have to provide the State Bank with information related to the granting of credit to customers at the request of the latter and be provided by the latter with the information related to banking activities of customers who have relations with the credit institutions.
Article 104.- Keeping secret banking information
1. Staff of credit institutions and concerned people are not allowed to disclose the national secrets and the credit institutions' business secrets they are aware of.
2. Credit institutions shall be entitled to reject the requests of organizations and individuals regarding the provision of information related to deposits and assets of customers as well as the operations of credit institutions; except for cases where it is so requested by competent State bodies under the provisions of law or so consented by customers.
FOREIGN CREDIT INSTITUTIONS AND REPRESENTATIVE OFFICES OF FOREIGN CREDIT INSTITUTIONS IN VIETNAM
Article 105.- Forms of operation
1. Foreign credit institutions shall be permitted to operate in Vietnam in the following forms:
a/ Joint-venture credit institution;
b/ Non-bank credit institutions with 100% foreign capital;
c/ Foreign banks' branches in Vietnam.
2. Foreign credit institutions may open their representative offices in Vietnam. The representative offices of foreign credit institutions shall not be allowed to conduct business operations in Vietnam.
Article 106.- Conditions for being granted establishment and operation licenses
1. Conditions for a joint-venture credit institution or a non-bank credit institution with 100% foreign capital to be granted the establishment and operations license include:
a/ The conditions prescribed in Clause 1, Article 22 of this Law;
b/ The foreign credit institution is permitted by a competent agency of the concerned foreign country to conduct banking operations;
c/ The foreign credit institution is permitted by a competent agency of the concerned foreign country to operate in Vietnam;
2. Conditions for a foreign bank to be granted licenses for opening its branch(es) include:
a/ The conditions prescribed in Points a, b, d and f, Clause 1, Article 22 of this Law;
b/ The foreign bank is permitted by a competent agency of the concerned foreign country to open its branch(es) in Vietnam;
c/ A competent agency of the concerned foreign country ensures in writing the ability to supervise the entire operations of the branch(es) to be opened in Vietnam;
d/ The foreign bank ensures in writing to take responsibility for all obligations and commitments of its branch(es) in Vietnam.
3/ Conditions for a foreign credit institution to be granted the license for opening its representative office(s) include:
a/ The foreign credit institution is a legal entity permitted to conduct banking operations overseas;
b/ The foreign credit institution is permitted by a competent agency of the concerned foreign country to open its representative office(s) in Vietnam;
c/ The foreign credit institution has cooperation relations with Vietnamese economic organizations.
Article 107.- Competence to grant licenses
The State Bank shall grant establishment and operation licenses to joint-venture credit institutions, non-bank credit institutions with 100% foreign capital; licenses for opening foreign banks' branches and foreign credit institutions' representative offices in Vietnam.
Article 108.- Dossiers of application for licenses
1. The dossier of application for an establishment and operation license of a joint-venture credit institution or a non-bank credit institution in Vietnam includes:
a/ The application for the establishment and operation license;
b/ The draft Statute;
c/ The operation plan for the first three years, clearly stating the economic efficiency and benefits of banking activities;
d/ The list, curricula vitae and certificates of the professional capabilities and qualifications of the founding members, the members of the Managing Board and the Control Board, and the general director (director);
e/ The level of contributed capital, the plan on capital contribution and the list of organizations and individuals that contribute capital;
f/ The financial status and information related to major shareholders;
g/ The approval of the People's Committee of the province or city directly under the Central Government where the credit institution is to open its head office;
h/ The Statute of the foreign credit institution;
i/ The operation license of the foreign credit institution;
j/ The document issued by a foreign competent agency permitting the foreign credit institution to operate in Vietnam;
k/ The financial balance sheet, the already audited profit-loss statement and the report on the operation situation in the last three years of the foreign credit institution;
l/ The joint-venture contract with regard to a joint-venture credit institution;
m/ The full name of the general director (director) of the joint-venture credit institution or non-bank credit institution with 100% foreign capital in Vietnam.
2. The dossier of application for a license to open a branch in Vietnam by a foreign bank includes:
a/ The documents prescribed in Points a and c, Clause 1 of this Article;
b/ The Statute of the foreign bank;
c/ The operation license of the foreign bank;
d/ The document issued by a foreign competent body permitting the foreign agency to open its branch to operate in Vietnam
e/ The financial balance, the already audited profit-loss statement and the report on the operation situation in the last three years of the foreign bank;
f/ The full name and the curriculum vitae of the general director (director) of the foreign bank's branch to be opened in Vietnam.
3. The dossier of application for a license to open a representative office in Vietnam by a foreign credit institution:
a/ The application for opening a representative office in Vietnam;
b/ The operation license of the foreign credit institution;
c/ The document issued by a foreign competent body permitting the foreign credit institution to open a representative office in Vietnam;
d/ The financial balance sheet, the already audited profit-loss statement and the report on the operation situation in the last three years of the foreign credit institution.
e/ The full name and curriculum vitae of the head of the representative office in Vietnam.
Article 109.- Operation contents
The contents of operations of joint-venture credit institution, non-bank credit institutions with 100% foreign capital, foreign banks' branches in Vietnam and foreign credit institutions' representative offices in Vietnam shall comply with the provisions of this Law and other provisions of Vietnamese law.
Article 110.- Capital, financial revenues and expenditure of foreign credit institutions operating in Vietnam
1. The level of the legal capital of joint-venture credit institutions, non-bank credit institutions with 100% foreign capital and the level of allocated capital of foreign banks' branches operating in Vietnam shall be stipulated by the Government.
2. Financial revenue and expenditure of foreign credit institutions operating in Vietnam shall comply with the provisions of Vietnamese law.
Article 111.- Cost-accounting, reporting
1. Joint-venture credit institutions, non-bank credit institutions with 100% foreign capital, foreign banks' branches operating in Vietnam shall have to apply cost-accounting according to the system of accounts, the regulations on vouchers and financial reporting in accordance with the provisions of Vietnamese law.
2. Within 180 days from the date ending the fiscal year, joint-venture credit institutions, non-bank credit institutions with 100% foreign capital, foreign banks' branches and foreign credit institutions' representative offices in Vietnam shall have to send their annual reports to the State Bank.
Article 112.- Remittance of profits and transfer of assets abroad
1. Foreign banks' branches and non-bank credit institutions with 100% foreign capital in Vietnam are entitled to remit abroad the remaining profits under their ownership after making deductions therefrom to set up funds and fully fulfilling the financial obligations in accordance with the provisions of Vietnamese law.
2. The foreign parties to joint-venture credit institutions may remit abroad their shared profits after the joint-venture credit institutions have made deductions therefrom to set up funds and fulfilled the financial obligations in accordance with the provisions of Vietnamese laws.
3. Foreign banks' branches, non-bank credit institutions with 100% foreign capital and foreign parties to joint-venture credit institutions may transfer abroad their remaining assets after liquidation and termination of operation in Vietnam.
4. The remittance of money and transfer of other assets abroad prescribed in Clauses 1, 2 and 3 of this Article shall comply with the provisions of Vietnamese law.
Article 113.- Other provisions
Pursuant to the basic principles of this Law, the Government shall stipulate in detail the organization and operation of joint-venture credit institutions, non-bank credit institutions with 100% foreign capital, foreign banks' branches in Vietnam and foreign credit institutions' representative offices in Vietnam;
STATE MANAGEMENT OVER THE OPERATION OF CREDIT INSTITUTIONS AND BANKING ACTIVITIES OF OTHER ORGANIZATIONS
Article 114.- Unified State management
The State shall exercise unified management over the operations of credit institutions and banking activities of other organizations.
Article 115.- Contents of State management over banking operations
The contents of State management of banking operations include:
1. Issuing and guiding the implementation of legal documents regarding banking operations; make policies, strategies and plans for the development of the system of credit institutions;
2. Granting and revoking establishment and operation licenses of banks;
3. Inspecting and supervising the operation of credit institutions and banking operations of other organizations in accordance with the provisions of law;
4. Taking measures to prevent and overcome risks; prevent acts of destroying currencies as well as illegal monetary activities;
5. Organizing the collection, processing and supply of information and forecasting the situation of the monetary market and the capital market;
6. Signing or acceding to international agreements on monetary and banking activities;
7. Managing the operations of Vietnamese credit institutions in foreign countries;
8. Organizing and managing the banking scientific research work
9. Organizing the training and building a contingent of managerial and professional personnel for the credit institution system.
Article 116.- State management agencies
1. The Government shall exercise the unified State management over banking operations.
2. The Governor of the State Bank shall take responsibility to the Government for performing the State management over banking operations.
3. The ministries, the ministerial-level agencies and the agencies attached to the Government shall, within their tasks and powers, have to take the responsibility for State management over credit institutions and other organizations involved in banking activities in accordance with the provisions of law.
4. The People's Committees of all levels shall perform the State management over the credit institutions and other organizations involved in banking activities operating in the localities in accordance with the provisions of law.
BANK INSPECTION, AUDITING OF CREDIT INSTITUTIONS AND BANKING ACTIVITIES OF OTHER ORGANIZATIONS
Section 1. INSPECTION BY THE STATE BANK
Article 117.- Bank Inspectorate
Credit institutions and other organizations involved in banking activities shall be subject to the inspection by the Bank Inspectorate in accordance with the provisions of law.
Article 118.- Rights of the inspected organizations
When the Bank Inspectorate inspects, the inspected organization shall have the following rights:
1. To request the inspectors to produce the inspection decision, the inspector's card and to comply with the legislation on inspection;
2. To lodge complaints and denunciations or to initiate lawsuits to the competent State agency against the acts of inspectors or conclusion and decision of the Bank Inspectorate which they deem incorrect;
3. To demand compensation for damages caused by the Bank Inspectorate's acts or handling decisions in contravention of law.
Article 119.- Obligations of inspected organizations
When the Bank Inspectorate inspects, the inspected organization shall have the following obligations:
1. To respond to the request of the Bank Inspectorate concerning the inspection contents.
2. To abide by the handling decisions of the Banking Inspectorate.
Article 120.- Powers of the Bank Inspectorate
When inspecting, the Bank Inspectorate shall have the following powers:
1. To request the inspected subjects and related parties to provide materials, evidences and answer the questions related to the inspection contents;
2. To make an inspection report and recommendations on the handling measures;
3. To take measures to prevent and promptly handle violations in accordance with the provisions of law.
Article 121.- Responsibilities of the Bank Inspectorate
When inspecting, the Bank Inspectorate shall have the following responsibilities:
1. To produce the inspection decision and the inspector's card;
2. To comply with the inspection order and procedures, not to cause any troubles or hassles that may obstruct normal banking activities and damage the legitimate interests of credit institutions and other organizations involved in banking activities;
3. To report to the Governor of the State Bank on the inspection results and recommend handling measures;
4. To abide by law and take responsibility to the Governor of the State Bank and before law for the inspection conclusions and all of its acts and decisions.
1. Not later than 30 days before the end of the fiscal year, a credit institution shall have to choose an auditing organization that is not its internal auditing body to audit its operations. Such auditing organization must be approved by the State Bank.
2. In the course of auditing credit, the institution shall have to supply accurate and sufficient information requested by auditors in a timely manner.
3. The auditing of cooperative credit institutions shall be stipulated by the State Bank in compliance with the management requirements and operation scope of these institutions.
Article 123.- Responsibilities of the auditor
After auditing, the auditor shall have the responsibility:
1. To certify the accuracy, genuineness and lawfulness of accounting records and data and financial reports of credit institutions;
2. To comment and assess the observance of the financial and accounting policy and regulations by credit institutions;
3. To make recommendations to the audited credit institutions the problems detected in the course of auditing.
COMMENDATION AND HANDLING OF VIOLATIONS
Organizations and individuals that have made achievements in banking activities, contributing to the promotion of the business and production development and the detection of acts of violation of legislation on currency and banking activities, shall be commended in accordance with the provisions of law.
Article 125.- Acts violating legislation on currency and banking activities
Acts of violation of legislation on currency and banking activities include:
1. Conducting business without license or not in compliance with the contents prescribed in the license granted by the State Bank;
2. Continuing banking operations after they have been suspended or the banking operation license has been revoked or expired;
3. Failing to comply with the regulations on the level of compulsory reserves and safety ratios, failing to apply the interest rates, commissions, service fees and fines already announced and post up,
4. Violating the regulations on cost-accounting and accountancy; insufficient or improper keeping or writing of accounting books;
5. Forcing credit institutions to grant credit, contribute capital, purchase shares or make guaranty in contravention of the regulations; abusing positions and powers for personal interests, covering up violators;
6. Illegal competition;
7. Opposing banking inspectors while they are on official duties;
8. Other acts of violating the legislation on currency and banking activities.
Article 126.- Forms of handling violations
Organizations and individuals that violate the provisions of Article 125 of this Law shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined, administratively sanctioned or examined for penal liability, and pay compensation for any damage as provided for by law.
Article 127.- Competence to handle violations
The State Bank shall have the competence to handle administrative violations by organizations and individuals in the field of currency and banking activities in accordance with the provisions of law.
Article 128.- Complaints, lawsuits against decisions on handling of administrative violations
1. Organizations and individuals that are sanctioned for administrative violations shall be entitled to lodge complaints against the handling decisions to the competent State agency(ies) or initiate lawsuits at a court. The making of complaints and initiation of lawsuits shall comply with the provisions of law.
2. During the time of lodging complaints or initiating a lawsuit, the organization or individual that is sanctioned for administrative violation shall still have to abide by the decision handling the administrative violation. When there is a competent State agency's decision to settle the complaint or when the court's decision or verdict takes legal effect, such competent State agency's decision or the court's decision or verdict shall be executed.
Article 129.- Provisions applicable to organizations involved in banking activities
1. Credit institutions already established and operating according to the operation licenses granted by the State Bank before the date of effect of this Law shall not have to fill the procedures to apply for new establishment and operation licenses.
2. The State Bank shall set a specific schedule for credit institutions to adjust their organizational structure and operations in accordance with the provisions of this Law and the documents guiding the implementation thereof.
2. The organizations which are not credit institutions involved in banking operations shall have to terminate the operations or apply for banking operation licenses from the date of effect of this Law.
Article 130.- Effect of implementation
1. This Law takes effect from October 1st, 1998.
2. The Ordinance on Banks, Credit Cooperatives and Financial Companies of May 23, 1990 shall cease to be effective from the date this Law comes into effect.
3. The Government, the Supreme People's Court and the Supreme People's Procuracy shall, within their respective tasks and powers, organize the review of legal documents on currency and banking activities and annul, amend, supplement by themselves the existing documents or issue new ones or propose the Standing Committee of the National Assembly or the National Assembly to annul, amend or supplement the existing documents or issue new ones to make them comply with the provisions of this Law.
Article 131.- Guidance on the implementation of this Law
The Government shall specify and guide the implementation of this Law.
This Law has been passed by the Xth National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its second session on December 12, 1997.
|
CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY |