Luật quy hoạch 2017 số 21/2017/QH14
Số hiệu: | 21/2017/QH14 | Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Nguyễn Thị Kim Ngân |
Ngày ban hành: | 24/11/2017 | Ngày hiệu lực: | 01/01/2019 |
Ngày công báo: | 29/12/2017 | Số công báo: | Từ số 1061 đến số 1062 |
Lĩnh vực: | Xây dựng - Đô thị | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Luật này quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch.
Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định.
2. Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
3. Quy hoạch không gian biển quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia về phân vùng chức năng và sắp xếp, phân bố hợp lý không gian các ngành, lĩnh vực trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
4. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia về phân bổ và khoanh vùng đất đai cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương trên cơ sở tiềm năng đất đai.
5. Quy hoạch ngành quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia theo ngành trên cơ sở kết nối các ngành, các vùng có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.
6. Vùng là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia bao gồm một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lân cận gắn với một số lưu vực sông hoặc có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, lịch sử, dân cư, kết cấu hạ tầng và có mối quan hệ tương tác tạo nên sự liên kết bền vững với nhau.
7. Quy hoạch vùng là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia ở cấp vùng về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, xây dựng vùng liên tỉnh, kết cấu hạ tầng, nguồn nước lưu vực sông, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối các tỉnh.
8. Quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
9. Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành bao gồm các quy hoạch được quy định tại Phụ lục 2 của Luật này.
10. Tích hợp quy hoạch là phương pháp tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong việc lập quy hoạch trên một phạm vi lãnh thổ xác định nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.
11. Hoạt động quy hoạch bao gồm việc tổ chức lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch.
12. Cơ quan lập quy hoạch là cơ quan, tổ chức được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao trách nhiệm lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.
13. Cơ sở dữ liệu về quy hoạch là tập hợp thông tin thể hiện nội dung cơ bản về quy hoạch được xây dựng, cập nhật, duy trì để quản lý, khai thác và sử dụng thông qua các phương tiện điện tử.
14. Sơ đồ, bản đồ quy hoạch là bản vẽ thể hiện nội dung quy hoạch.
1. Tuân theo quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường.
3. Bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia.
4. Bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới.
5. Bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước; bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch, tính bảo tồn.
6. Bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan lập quy hoạch với Hội đồng thẩm định quy hoạch.
7. Bảo đảm nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
8. Bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước về quy hoạch, phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cơ quan nhà nước.
1. Quy hoạch cấp quốc gia.
Quy hoạch cấp quốc gia bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia.
2. Quy hoạch vùng.
3. Quy hoạch tỉnh.
4. Quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.
5. Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
1. Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.
2. Quy hoạch ngành quốc gia phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Trường hợp quy hoạch ngành quốc gia có mâu thuẫn với quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia hoặc các quy hoạch ngành quốc gia mâu thuẫn với nhau thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch tổng thể quốc gia.
3. Quy hoạch vùng phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch tỉnh phải phù hợp quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia.
Trường hợp quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có mâu thuẫn với quy hoạch ngành quốc gia thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tổng thể quốc gia.
Trường hợp quy hoạch vùng có mâu thuẫn với nhau, quy hoạch tỉnh có mâu thuẫn với nhau thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch cao hơn; trường hợp quy hoạch tỉnh có mâu thuẫn với quy hoạch vùng thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch vùng và quy hoạch cấp quốc gia.
4. Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
1. Lập quy hoạch:
a) Lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch;
b) Tổ chức lập quy hoạch.
2. Thẩm định quy hoạch.
3. Quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch.
4. Công bố quy hoạch.
5. Thực hiện quy hoạch.
1. Thời kỳ quy hoạch là khoảng thời gian được xác định để làm cơ sở dự báo, tính toán các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho việc lập quy hoạch.
2. Thời kỳ quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là 10 năm. Tầm nhìn của quy hoạch cấp quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm. Tầm nhìn của quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh là từ 20 năm đến 30 năm.
1. Chi phí lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng từ vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
2. Chi phí đánh giá quy hoạch được sử dụng từ nguồn kinh phí thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
1. Nhà nước quản lý phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường theo quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt.
2. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và huy động nguồn lực để thúc đẩy phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt.
3. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động quy hoạch bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch.
4. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động quy hoạch.
5. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động quy hoạch.
1. Hợp tác quốc tế trong hoạt động quy hoạch nhằm bảo đảm hoạt động quy hoạch đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch quy định tại Điều 4 của Luật này.
2. Các hoạt động hợp tác quốc tế chủ yếu trong hoạt động quy hoạch gồm chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng khoa học và công nghệ mới, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực cho hoạt động quy hoạch.
3. Hợp tác quốc tế trong hoạt động quy hoạch phải phù hợp với đường lối và chính sách đối ngoại của Việt Nam; bảo đảm nguyên tắc hòa bình, hợp tác, hữu nghị cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cùng có lợi, tôn trọng pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
1. Cơ quan, tổ chức, cộng đồng có quyền tham gia ý kiến, giám sát hoạt động quy hoạch; cá nhân có quyền tham gia ý kiến về hoạt động quy hoạch.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời trong thời hạn yêu cầu.
3. Cơ quan được giao trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, thực hiện và điều chỉnh quy hoạch phải tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng tham gia ý kiến, giám sát hoạt động quy hoạch; tạo điều kiện cho cá nhân tham gia ý kiến về hoạt động quy hoạch.
4. Ý kiến tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân về hoạt động quy hoạch phải được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.
1. Lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch không phù hợp với quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
2. Lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ.
3. Lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, tư vấn phản biện độc lập không đủ điều kiện về năng lực chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận hoặc trái với quy định của pháp luật.
4. Cản trở việc tham gia ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân.
5. Không công bố, công bố chậm, công bố không đầy đủ quy hoạch hoặc từ chối cung cấp thông tin về quy hoạch, trừ trường hợp thông tin thuộc bí mật nhà nước; cố ý công bố sai quy hoạch; cố ý cung cấp sai thông tin về quy hoạch; hủy hoại, làm giả hoặc làm sai lệch hồ sơ, giấy tờ, tài liệu.
6. Thực hiện không đúng quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt.
7. Can thiệp bất hợp pháp, cản trở hoạt động quy hoạch.
1. Chính phủ tổ chức lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
2. Thủ tướng Chính phủ tổ chức lập quy hoạch vùng.
3. Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch tỉnh.
1. Nhiệm vụ lập quy hoạch bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Căn cứ lập quy hoạch;
b) Yêu cầu về nội dung, phương pháp lập quy hoạch;
c) Chi phí lập quy hoạch;
d) Thời hạn lập quy hoạch;
đ) Trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc tổ chức lập quy hoạch.
2. Thẩm quyền tổ chức thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch được quy định như sau:
a) Chính phủ tổ chức thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia;
b) Thủ tướng Chính phủ tổ chức thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
1. Quy trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia thực hiện theo các bước sau đây:
a) Cơ quan lập quy hoạch chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch trình Chính phủ phê duyệt;
b) Cơ quan lập quy hoạch lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch; chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng quy hoạch; phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đề xuất các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, các định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở lập quy hoạch;
c) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan lựa chọn tổ chức tư vấn để xây dựng các nội dung quy hoạch đã được phân công và tổ chức thẩm định các nội dung này trước khi gửi cơ quan lập quy hoạch;
d) Cơ quan lập quy hoạch chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan xem xét, xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của quy hoạch; đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung quy hoạch do các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan xây dựng;
đ) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện nội dung quy hoạch được phân công gửi cơ quan lập quy hoạch;
e) Cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch và gửi lấy ý kiến theo quy định tại Điều 19 của Luật này;
g) Cơ quan lập quy hoạch tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện quy hoạch trình Hội đồng thẩm định quy hoạch;
h) Cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch theo kết luận của Hội đồng thẩm định quy hoạch báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định.
2. Quy trình lập quy hoạch ngành quốc gia thực hiện theo các bước sau đây:
a) Cơ quan tổ chức lập quy hoạch chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ liên quan xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
b) Cơ quan lập quy hoạch lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch; xây dựng quy hoạch và gửi lấy ý kiến theo quy định tại Điều 19 của Luật này;
c) Cơ quan lập quy hoạch tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện quy hoạch trình Hội đồng thẩm định quy hoạch;
d) Cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch theo kết luận của Hội đồng thẩm định quy hoạch báo cáo Bộ trưởng xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Quy trình lập quy hoạch vùng thực hiện theo các bước sau đây:
a) Cơ quan lập quy hoạch chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
b) Cơ quan lập quy hoạch lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch; chủ trì, phối hợp vái các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng quy hoạch; phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của vùng, đề xuất các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, các định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở lập quy hoạch;
c) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan lựa chọn tổ chức tư vấn để xây dựng các nội dung quy hoạch đã được phân công và tổ chức thẩm định các nội dung này trước khi gửi cơ quan lập quy hoạch;
d) Cơ quan lập quy hoạch chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan xem xét, xử lý các vấn đề liên vùng, liên tỉnh nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của quy hoạch; đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung quy hoạch do các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan xây dựng;
đ) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện nội dung quy hoạch được phân công gửi cơ quan lập quy hoạch;
e) Cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch và gửi lấy ý kiến theo quy định tại Điều 19 của Luật này;
g) Cơ quan lập quy hoạch tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện quy hoạch trình Hội đồng thẩm định quy hoạch;
h) Cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch theo kết luận của Hội đồng thẩm định quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
4. Quy trình lập quy hoạch tỉnh thực hiện theo các bước sau đây:
a) Cơ quan lập quy hoạch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
b) Cơ quan lập quy hoạch lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện nghiên cứu, xây dựng quy hoạch; phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đề xuất các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, các định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở lập quy hoạch;
c) Các cơ quan, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện đề xuất nội dung đưa vào quy hoạch thuộc lĩnh vực phụ trách và gửi cơ quan lập quy hoạch;
d) Cơ quan lập quy hoạch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, xử lý các vấn đề liên ngành, liên huyện nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của quy hoạch; đề xuất Điều chỉnh, bổ sung nội dung quy hoạch do các cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng;
đ) Các cơ quan, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện Điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện nội dung quy hoạch được phân công gửi cơ quan lập quy hoạch;
e) Cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch và gửi lấy ý kiến theo quy định tại Điều 19 của Luật này;
g) Cơ quan lập quy hoạch tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện quy hoạch trình Hội đồng thẩm định quy hoạch;
h) Cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch theo kết luận của Hội đồng thẩm định quy hoạch trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
i) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, thông qua quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
1. Cơ quan lập quy hoạch, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương được phân công phải lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
2. Tổ chức tư vấn lập quy hoạch phải có tư cách pháp nhân và phải đáp ứng điều kiện về năng lực chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận theo quy định của Chính phủ.
1. Cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm tổ chức lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
2. Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược phải được lập, thẩm định đồng thời với quá trình lập, thẩm định quy hoạch.
3. Nội dung báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
1. Cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm lấy ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp của địa phương liên quan và cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, trừ quy hoạch ngành quốc gia thì do cơ quan tổ chức lập quy hoạch lấy ý kiến. Đối với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, cơ quan lập quy hoạch phải lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các địa phương liền kề.
2. Việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân được thực hiện bằng hình thức gửi hồ sơ, tài liệu và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.
3. Việc lấy ý kiến cộng đồng về quy hoạch được thực hiện bằng hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch, niêm yết, trưng bày tại nơi công cộng, phát phiếu Điều tra phỏng vấn, tổ chức hội nghị, hội thảo và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
4. Ý kiến đóng góp phải được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch. Cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm công bố, công khai ý kiến đóng góp và việc tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp.
5. Chính phủ quy định chi tiết việc lấy ý kiến về từng loại quy hoạch.
1. Bảo đảm yêu cầu hoạch định và phát triển trên toàn bộ không gian lãnh thổ quốc gia, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
2. Việc phân bố phát triển không gian trong quá trình lập quy hoạch phải bảo đảm thống nhất giữa kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai và bảo vệ môi trường, dịch vụ hệ sinh thái.
3. Bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các ngành và các vùng trong cả nước, giữa các địa phương trong vùng và khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương gắn với tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
4. Bảo đảm sự cân bằng giữa các yếu tố kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường trong quá trình lập quy hoạch.
5. Bảo đảm giảm thiểu các tác động tiêu cực do kinh tế - xã hội, môi trường gây ra đối với sinh kế của cộng đồng, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em. Quá trình lập quy hoạch phải được kết hợp với các chính sách khác thúc đẩy phát triển các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn và bảo đảm sinh kế bền vững của người dân trong khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn.
6. Bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và lợi ích của cộng đồng; giữa lợi ích của các vùng, các địa phương.
7. Bảo đảm quyền tham gia ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong quá trình lập quy hoạch.
8. Bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.
9. Nội dung của từng loại quy hoạch phải thống nhất, liên kết với nhau và được thể hiện bằng báo cáo quy hoạch và hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu về quy hoạch.
1. Nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời.
2. Quy hoạch tổng thể quốc gia bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng phát triển quốc gia, xu thế phát triển trong nước và quốc tế, các chủ trương, định hướng phát triển lớn, các quy hoạch, kế hoạch có liên quan và các nguồn lực phát triển; xu thế phát triển của khoa học, công nghệ; khu vực quân sự, an ninh cấp quốc gia; khu bảo tồn; khu vực cần được bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và đối tượng đã được kiểm kê di tích; khu vực hạn chế khai thác, sử dụng và khu vực khuyến khích phát triển theo quy định của pháp luật có liên quan;
b) Xác định các quan điểm và mục tiêu phát triển;
c) Dự báo xu thế phát triển và các kịch bản phát triển;
d) Định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội;
đ) Định hướng phát triển không gian biển;
e) Định hướng sử dụng đất quốc gia;
g) Định hướng khai thác và sử dụng vùng trời;
h) Định hướng phân vùng và liên kết vùng;
i) Định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia;
k) Định hướng phát triển ngành hạ tầng xã hội cấp quốc gia;
l) Định hướng phát triển ngành hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia;
m) Định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu;
n) Danh mục dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện;
o) Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
3. Chính phủ quy định chi tiết nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia tại khoản 2 Điều này; quy định việc tích hợp quy hoạch vào quy hoạch tổng thể quốc gia.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để triển khai các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
1. Nội dung quy hoạch không gian biển quốc gia xác định việc phân vùng chức năng, sắp xếp, phân bổ và tổ chức không gian các ngành, lĩnh vực trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
2. Quy hoạch không gian biển quốc gia bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Phân tích, đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng không gian của các hoạt động trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam;
b) Xác định các vùng cấm khai thác, các vùng khai thác có điều kiện, khu vực khuyến khích phát triển, khu vực cần bảo vệ đặc biệt cho mục đích quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái trong vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam;
c) Dự báo xu thế biến động của tài nguyên và môi trường, các tác động của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên và môi trường; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và yêu cầu bảo vệ môi trường trong vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong thời kỳ quy hoạch;
d) Dự báo bối cảnh và các kịch bản phát triển; đánh giá các cơ hội và thách thức cho các hoạt động sử dụng không gian biển;
đ) Xác định các quan điểm và mục tiêu phát triển;
e) Định hướng bố trí sử dụng không gian các hoạt động trong vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam;
g) Phân vùng sử dụng vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam;
h) Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch;
i) Danh mục dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện.
3. Chính phủ quy định chi tiết nội dung quy hoạch không gian biển quốc gia tại khoản 2 Điều này; quy định việc tích hợp quy hoạch vào quy hoạch không gian biển quốc gia.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để triển khai các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
1. Nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia xác định việc phân bổ và tổ chức không gian sử dụng đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực mang tính liên vùng, liên tỉnh.
2. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Phân tích, đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực;
b) Dự báo xu thế biến động của việc sử dụng đất;
c) Xác định các quan điểm và mục tiêu sử dụng đất trong thời kỳ mới;
d) Định hướng phân bổ không gian và chỉ tiêu sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng;
đ) Định hướng phân bổ không gian và chỉ tiêu sử dụng đất phi nông nghiệp;
e) Xác định không gian đất chưa sử dụng;
g) Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
3. Chính phủ quy định chi tiết nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia tại khoản 2 Điều này.
1. Nội dung quy hoạch ngành quốc gia xác định phương hướng phát triển, phân bố và tổ chức không gian, nguồn lực cho các ngành mang tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh.
2. Danh mục các quy hoạch ngành quốc gia quy định tại Phụ lục 1 của Luật này.
Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ rà soát Danh mục các quy hoạch ngành quốc gia và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung.
3. Quy hoạch kết cấu hạ tầng quốc gia bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Phân tích, đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng phân bố, sử dụng không gian của ngành kết cấu hạ tầng quốc gia;
b) Dự báo xu thế phát triển, và các kịch bản phát triển ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu hạ tầng quốc gia trong thời kỳ quy hoạch;
c) Đánh giá về liên kết ngành, liên kết vùng; xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với ngành; những cơ hội và thách thức phát triển của ngành kết cấu hạ tầng quốc gia;
d) Xác định các quan điểm, mục tiêu phát triển của ngành kết cấu hạ tầng quốc gia;
đ) Phương án phát triển ngành kết cấu hạ tầng trên phạm vi cả nước và các vùng lãnh thổ;
e) Định hướng bố trí sử dụng đất cho phát triển ngành kết cấu hạ tầng quốc gia và các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn sinh thái, cảnh quan, di tích đã xếp hạng quốc gia;
g) Danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành kết cấu hạ tầng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện;
h) Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
4. Quy hoạch sử dụng tài nguyên quốc gia bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, điều tra, khảo sát, thăm dò hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên;
b) Đánh giá tác động của việc khai thác, sử dụng tài nguyên;
c) Phân tích, đánh giá chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường quốc gia và các quy hoạch có liên quan;
d) Dự báo tiến bộ khoa học, công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội tác động tới việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên trong thời kỳ quy hoạch;
đ) Quan điểm, mục tiêu khai thác, sử dụng tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội;
e) Xác định khu vực cấm, khu vực hạn chế, khu vực khuyến khích khai thác, sử dụng tài nguyên;
g) Định hướng bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu;
h) Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.Bổ sung
5. Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; tình hình và dự báo phát sinh chất thải; tác động của biến đổi khí hậu; tình hình quản lý và bảo vệ môi trường;
b) Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường;
c) Phân vùng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; quản lý chất thải; quan trắc và cảnh báo môi trường;
d) Danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư bảo vệ môi trường và thứ tự ưu tiên thực hiện;
đ) Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
6. Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Đánh giá hiện trạng, diễn biến đa dạng sinh học, tình hình quản lý bảo tồn đa dạng sinh học;
b) Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học;
c) Khu vực đa dạng sinh học cao; cảnh quan sinh thái quan trọng; khu bảo tồn thiên nhiên; hành lang đa dạng sinh học; cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học;
d) Danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư bảo tồn đa dạng sinh học và thứ tự ưu tiên thực hiện;
đ) Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
7. Chính phủ quy định chi tiết nội dung quy hoạch ngành quốc gia tại các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều này; quy định việc tích hợp quy hoạch vào quy hoạch ngành quốc gia.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để triển khai các nội dung quy định tại các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
1. Nội dung quy hoạch vùng xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên vùng và liên tỉnh.
2. Quy hoạch vùng bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng;
b) Quan điểm, mục tiêu phát triển vùng;
c) Phương hướng phát triển ngành có lợi thế của vùng; phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bố nguồn lực phát triển trên lãnh thổ vùng;
d) Phương hướng xây dựng, bao gồm xác định hệ thống đô thị, nông thôn; khu kinh tế; khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; khu du lịch; khu nghiên cứu, đào tạo; khu thể dục thể thao; khu bảo tồn, khu vực cần được bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và đối tượng đã được kiểm kê di tích; vùng sản xuất tập trung;
đ) Phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng;
e) Phương hướng bảo vệ môi trường, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên lãnh thổ vùng;
g) Danh mục dự án và thứ tự ưu tiên thực hiện;
h) Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
3. Chính phủ quy định chi tiết nội dung quy hoạch vùng tại khoản 2 Điều này; quy định việc tích hợp quy hoạch vào quy hoạch vùng.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để triển khai các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
1. Nội dung quy hoạch tỉnh thể hiện các dự án cấp quốc gia đã được xác định ở quy hoạch cấp quốc gia; các dự án cấp vùng, liên tỉnh đã được xác định ở quy hoạch vùng; định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.
2. Quy hoạch tỉnh bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị, nông thôn;
b) Quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển;
c) Phương hướng phát triển ngành quan trọng trên địa bàn; lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội;
d) Phương án quy hoạch hệ thống đô thị, bao gồm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đã được xác định trong quy hoạch vùng trên địa bàn; phương án phát triển đô thị tỉnh lỵ và các thành phố, thị xã, thị trấn trên địa bàn; phương án phát triển hệ thống khu kinh tế; khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; khu du lịch; khu nghiên cứu, đào tạo; khu thể dục thể thao; khu bảo tồn, khu vực cần được bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và đối tượng đã được kiểm kê di tích đã được xác định trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn; phương án phát triển các cụm công nghiệp; phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; phương án phân bố hệ thống điểm dân cư; xác định khu quân sự, an ninh; phương án phát triển những khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn, những khu vực có vai trò động lực;
đ) Phương án phát triển mạng lưới giao thông, bao gồm mạng lưới đường cao tốc, quốc lộ, đường sắt; các tuyến đường thủy nội địa và đường hàng hải; các cảng biển, sân bay quốc tế, quốc gia; mạng lưới đường bộ, đường thủy liên tỉnh đã được xác định trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn; mạng lưới đường tỉnh;
e) Phương án phát triển mạng lưới cấp điện, bao gồm các công trình cấp điện và mạng lưới truyền tải điện đã được xác định trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn; mạng lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối;
g) Phương án phát triển mạng lưới viễn thông, bao gồm các tuyến viễn thông quốc tế, quốc gia, liên tỉnh đã được xác định trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn; phương án phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động; công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và công trình viễn thông của tỉnh;
h) Phương án phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước, bao gồm mạng lưới thủy lợi, mạng lưới cấp nước quy mô vùng, liên tỉnh đã được xác định trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn; mạng lưới thủy lợi, cấp nước liên huyện;
i) Phương án phát triển các khu xử lý chất thải, bao gồm các khu xử lý chất thải nguy hại cấp vùng, liên tỉnh đã được xác định trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn; các khu xử lý chất thải liên huyện;
k) Phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, bao gồm các dự án hạ tầng xã hội cấp quốc gia, cấp vùng, liên tỉnh đã được xác định trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn; các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch, trung tâm thương mại, hội chợ, triển lãm và các công trình hạ tầng xã hội khác của tỉnh;
l) Phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện;
m) Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện;
n) Phương án bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn;
o) Danh mục dự án của tỉnh và thứ tự ưu tiên thực hiện;
p) Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
3. Chính phủ quy định chi tiết nội dung quy hoạch tỉnh tại khoản 2 Điều này; quy định việc tích hợp quy hoạch vào quy hoạch tỉnh.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để triển khai các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Nội dung quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng.
Việc công bố, công khai quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng.
1. Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch để thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch để thẩm định quy hoạch tỉnh.
1. Thành phần Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng bao gồm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên của Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch là Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ. Thành viên của Hội đồng thẩm định bao gồm đại diện Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương và tổ chức, cá nhân khác. Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định do Chủ tịch Hội đồng thẩm định quyết định.
2. Thành phần Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh bao gồm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên của Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thành viên của Hội đồng thẩm định bao gồm đại diện Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương và tổ chức, cá nhân khác. Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định do Chủ tịch Hội đồng thẩm định quyết định.
3. Hội đồng thẩm định quy hoạch làm việc theo chế độ tập thể và chịu trách nhiệm thẩm định quy hoạch theo nhiệm vụ được giao. Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức khác có liên quan trước khi trình Hội đồng thẩm định quy hoạch.
Trường hợp cần thiết, Hội đồng thẩm định quy hoạch có thể lựa chọn tư vấn phản biện độc lập. Tư vấn phản biện độc lập phải đáp ứng điều kiện về năng lực chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận theo quy định của pháp luật có liên quan và quy định của Chính phủ.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
1. Hồ sơ trình thẩm định quy hoạch gồm các tài liệu chủ yếu sau đây:
a) Tờ trình;
b) Báo cáo quy hoạch;
c) Dự thảo văn bản quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch;
d) Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân về quy hoạch; bản sao ý kiến góp ý của Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý về quy hoạch;
đ) Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược;
e) Hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu về quy hoạch.
2. Hội đồng thẩm định quy hoạch chỉ tổ chức thẩm định khi nhận đủ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp cần thiết, Hội đồng thẩm định có quyền yêu cầu cơ quan trình thẩm định quy hoạch cung cấp thêm thông tin, giải trình về các nội dung liên quan.
Nội dung thẩm định quy hoạch tập trung vào các vấn đề sau đây:
1. Sự phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch đã được phê duyệt;
2. Việc tuân thủ quy trình lập quy hoạch quy định tại Điều 16 của Luật này;
3. Việc tích hợp các nội dung quy hoạch do Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan được phân công thực hiện;
4. Sự phù hợp của quy hoạch với quy định tại Mục 2 Chương II của Luật này.
1. Báo cáo thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải thể hiện rõ ý kiến của Hội đồng thẩm định quy hoạch về nội dung thẩm định quy hoạch quy định tại Điều 32 của Luật này và kết luận về việc quy hoạch đủ điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện để Chính phủ trình Quốc hội quyết định.
2. Báo cáo thẩm định quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh phải thể hiện rõ ý kiến của Hội đồng thẩm định quy hoạch về nội dung thẩm định quy hoạch quy định tại Điều 32 của Luật này và kết luận về việc quy hoạch đủ Điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Báo cáo thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng và các tài liệu kèm theo phải được gửi đến cơ quan lập quy hoạch chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày kết thúc thẩm định. Cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ trình quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch.
Báo cáo thẩm định quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh và các tài liệu kèm theo phải được gửi đến cơ quan tổ chức lập quy hoạch chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày kết thúc thẩm định. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch.
Trường hợp kết luận quy hoạch chưa đủ điều kiện trình quyết định hoặc phê duyệt thì Hội đồng thẩm định quy hoạch trả lại hồ sơ cho cơ quan trình thẩm định quy hoạch và nêu rõ lý do.
1. Quốc hội quyết định quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
2. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Đối với quy hoạch Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi có ý kiến của Quốc hội.
Hồ sơ trình quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch bao gồm các tài liệu chủ yếu sau đây:
1. Tờ trình;
2. Báo cáo quy hoạch;
3. Dự thảo văn bản quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch;
4. Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân về quy hoạch; bản sao ý kiến góp ý của Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý về quy hoạch;
5. Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược;
6. Báo cáo thẩm định quy hoạch; bản sao ý kiến của chuyên gia, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức khác có liên quan; báo cáo phản biện của tư vấn phản biện độc lập (nếu có);
7. Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định;
8. Hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu về quy hoạch.
1. Chậm nhất là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chính phủ gửi hồ sơ trình quyết định quy hoạch đến cơ quan của Quốc hội để thẩm tra.
2. Cơ quan thẩm tra có quyền yêu cầu Chính phủ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo về những vấn đề thuộc nội dung quy hoạch. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu phục vụ cho việc thẩm tra.
3. Nội dung thẩm tra tập trung vào các vấn đề sau đây:
a) Sự phù hợp của nội dung quy hoạch với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp; tính thống nhất trong hệ thống quy hoạch; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Sự phù hợp của quy hoạch với quy định tại Mục 2 Chương II của Luật này;
c) Tính khả thi của quy hoạch và điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để thực hiện quy hoạch.
4. Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
1. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, toàn bộ nội dung của quy hoạch phải được công bố công khai, trừ những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
2. Quy hoạch được công bố theo hình thức quy định tại Điều 40 của Luật này.
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức công bố quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức công bố quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
3. Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức công bố quy hoạch ngành quốc gia thuộc thẩm quyền tổ chức lập.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức công bố quy hoạch tỉnh.
1. Quy hoạch phải được đăng tải thường xuyên, liên tục trên trang thông tin điện tử của cơ quan tổ chức lập quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch.
2. Ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, quy hoạch còn được công bố theo các hình thức sau đây:
a) Thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng;
b) Trưng bày mô hình, hệ thống sơ đồ, bản đồ, hệ thống cơ sở dữ liệu về quy hoạch;
c) Tổ chức hội nghị, hội thảo;
d) Phát hành ấn phẩm.
3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.
1. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch được xây dựng, vận hành thống nhất trên phạm vi cả nước phục vụ cho hoạt động quy hoạch.
Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch bao gồm hồ sơ quy hoạch, các dữ liệu về tự nhiên, kinh tế - xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu, quốc phòng, an ninh gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia đã được chuẩn hóa và cập nhật thường xuyên.
2. Trách nhiệm xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch được quy định như sau:
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch;
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia đã được chuẩn hóa và được cập nhật thường xuyên để tạo dữ liệu khung cho hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch;
c) Bộ, cơ quan ngang Bộ cung cấp dữ liệu có liên quan thuộc phạm vi quản lý để cập nhật vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch;
d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cung cấp dữ liệu có liên quan thuộc phạm vi quản lý của địa phương để cập nhật vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
1. Thông tin về quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt phải được cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu, trừ những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm cung cấp thông tin về quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cung cấp thông tin về quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia.
4. Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm cung cấp thông tin về quy hoạch ngành quốc gia thuộc thẩm quyền tổ chức lập.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin về quy hoạch tỉnh.
1. Hồ sơ quy hoạch được lưu trữ bao gồm:
a) Hồ sơ trình thẩm định quy hoạch quy định tại Điều 31 của Luật này;
b) Hồ sơ trình quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch quy định tại Điều 35 của Luật này;
c) Báo cáo thẩm tra quy hoạch đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia;
d) Văn bản quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch;
đ) Tài liệu khác (nếu có).
2. Việc lưu trữ hồ sơ quy hoạch thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
1. Kế hoạch thực hiện quy hoạch được ban hành sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt.
2. Kế hoạch thực hiện quy hoạch bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Dự án đầu tư công;
b) Dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công;
c) Kế hoạch sử dụng đất;
d) Xác định các nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
Chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch được ban hành phù hợp với kế hoạch thực hiện quy hoạch bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Thu hút đầu tư phát triển theo quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt;
2. Phát triển nguồn nhân lực;
3. Phát triển khoa học và công nghệ;
4. Bảo đảm an sinh xã hội;
5. Bảo vệ môi trường;
6. Bảo đảm nguồn lực tài chính;
7. Bảo đảm quốc phòng, an ninh.
1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, bố trí hoặc trình cơ quan có thẩm quyền bố trí nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình cơ quan có thẩm quyền bố trí các nguồn vốn cho dự án đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình cơ quan có thẩm quyền ban hành kế hoạch sử dụng đất để thực hiện quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành kế hoạch sử dụng đất và bố trí nguồn lực để thực hiện quy hoạch tỉnh.
1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi báo cáo về hoạt động quy hoạch đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31 tháng 10 để tổng hợp báo cáo Chính phủ trước ngày 31 tháng 12 hằng năm.
2. Chính phủ có trách nhiệm báo cáo Quốc hội về hoạt động quy hoạch theo định kỳ 05 năm.
1. Đánh giá thực hiện quy hoạch được thực hiện định kỳ hoặc đột xuất theo tiêu chí đánh giá do Chính phủ quy định.
2. Trách nhiệm đánh giá thực hiện quy hoạch được quy định như sau:
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng;
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá thực hiện quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia;
c) Bộ, cơ quan ngang Bộ đánh giá thực hiện quy hoạch ngành quốc gia theo thẩm quyền;
d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đánh giá thực hiện quy hoạch tỉnh.
3. Cơ quan đánh giá thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia gửi báo cáo đánh giá đến Chính phủ. Trường hợp cần thiết, Chính phủ báo cáo Quốc hội.
Cơ quan đánh giá thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh gửi báo cáo đến Thủ tướng Chính phủ.
1. Tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện quy hoạch; đánh giá mức độ đạt được so với quy hoạch hoặc so với mức đạt được của kỳ trước.
2. Xác định yếu tố, nguyên nhân ảnh hưởng đến tình hình và kết quả thực hiện quy hoạch; đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động quy hoạch trong kỳ quy hoạch, kỳ quy hoạch tiếp theo; kiến nghị Điều chỉnh quy hoạch (nếu có).
1. Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt việc điều chỉnh quy hoạch.
2. Cơ quan có thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch chịu trách nhiệm tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch.
3. Việc điều chỉnh quy hoạch không làm thay đổi mục tiêu của quy hoạch, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều 53 của Luật này.
1. Quy hoạch được rà soát theo định kỳ 05 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.
2. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm tổ chức rà soát quy hoạch.
3. Kết quả rà soát quy hoạch phải được báo cáo bằng văn bản với cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch.
Việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau đây:
1. Có sự điều chỉnh mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực làm thay đổi mục tiêu của quy hoạch;
2. Có sự điều chỉnh của quy hoạch cao hơn làm thay đổi nội dung quy hoạch hoặc có sự mâu thuẫn với quy hoạch cùng cấp;
3. Có sự thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính làm ảnh hưởng đến tính chất, quy mô không gian lãnh thổ của quy hoạch;
4. Do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, chiến tranh làm thay đổi mục tiêu, định hướng, tổ chức không gian lãnh thổ của quy hoạch;
5. Do biến động bất thường của tình hình kinh tế - xã hội làm hạn chế nguồn lực thực hiện quy hoạch;
6. Do sự phát triển của khoa học, công nghệ làm thay đổi cơ bản việc thực hiện quy hoạch;
7. Do yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh.
1. Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Bộ, cơ quan ngang Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia thuộc thẩm quyền tổ chức lập.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh quy hoạch vùng.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh quy hoạch tỉnh.
2. Trình tự, thủ tục điều chỉnh, công bố và cung cấp thông tin điều chỉnh quy hoạch được thực hiện như đối với việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và cung cấp thông tin quy hoạch quy định tại Chương II và Chương III của Luật này.
3. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm cập nhật và thể hiện trong quy hoạch những nội dung được điều chỉnh.
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quy hoạch; ban hành kế hoạch, chính sách, giải pháp và bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
2. Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch, chính sách, giải pháp và bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch;
b) Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành kế hoạch, chính sách, giải pháp và bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng;
c) Trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng;
d) Hướng dẫn Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc lập và tổ chức thực hiện quy hoạch;
đ) Ban hành định mức cho hoạt động quy hoạch;
e) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về quy hoạch;
g) Chủ trì, phối hợp tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động quy hoạch;
h) Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan phổ biến, giáo dục pháp luật về quy hoạch.
4. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch, chính sách, giải pháp và bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch ngành quốc gia; thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch ngành quốc gia;
b) Tổ chức thực hiện quy hoạch ngành quốc gia; các nội dung quy hoạch trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng theo thẩm quyền;
c) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về quy hoạch;
d) Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động quy hoạch.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 4 Điều này và nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất để thực hiện quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng;
b) Trình Chính phủ ban hành kế hoạch, chính sách, giải pháp và bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch đối với quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia;
c) Trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng cấp quốc gia, quy hoạch sử dụng đất an ninh cấp quốc gia.
6. Bộ Tài chính có nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 4 Điều này và nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Chính phủ ban hành chính sách, giải pháp bảo đảm nguồn lực tài chính để thực hiện quy hoạch;
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch tại địa phương và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành kế hoạch, chính sách, giải pháp và bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch tỉnh;
2. Tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh;
3. Phối hợp lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng liên quan;
4. Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về quy hoạch;
5. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về quy hoạch;
6. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động quy hoạch.
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 50 của Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 như sau:
“2. Bộ Thông tin và Truyền thông công bố danh mục và xây dựng chương trình phát triển các sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm trong từng thời kỳ phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ thông tin.”.
2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 như sau:
a) Bãi bỏ điểm g khoản 3 Điều 19;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 128 như sau:
“a) Phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt;”.
3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thú y số 79/2015/QH13 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 5 như sau:
“b) Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật; xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật theo hướng công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi;”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 9 như sau:
“b) Xây dựng quy hoạch vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh và tổ chức thực hiện; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật, chương trình giám sát, khống chế, thanh toán dịch bệnh động vật;”;
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 40 như sau:
“3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc lập trạm kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông trên phạm vi cả nước.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại khoản 3 Điều này quyết định thành lập và tổ chức thực hiện việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật của các trạm kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông trên địa bàn.”;
d) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 76 như sau:
“b) Chỉ đạo xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung và lập kế hoạch thực hiện việc giết mổ động vật tập trung;”;
đ) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 76 như sau:
“a) Phối hợp với các phòng, ban, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung;”.
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 58 của Luật Dự trữ quốc gia số 22/2012/QH13 như sau:
“Điều 58. Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia
1. Việc lập quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia phải tuân thủ các nguyên tắc theo quy định của Luật Quy hoạch và bảo đảm phù hợp với chiến lược dự trữ quốc gia; đồng bộ, phù hợp với nơi sản xuất nguồn hàng, mật độ dân cư; bảo đảm an toàn.
2. Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia bao gồm các nội dung theo quy định của Luật Quy hoạch và đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Phù hợp với mục tiêu và yêu cầu dự trữ quốc gia;
b) Bảo đảm tính liên hoàn của hệ thống kho dự trữ quốc gia theo tuyến, vùng lãnh thổ;
c) Bảo đảm phát triển theo hướng hiện đại hóa;
d) Phù hợp với khả năng vốn đầu tư;
đ) Xác định rõ giải pháp và lộ trình thực hiện.
3. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch và quy định khác của pháp luật có liên quan.”.
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 của Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 như sau:
“Điều 8. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp
1. Việc lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tuân thủ các nguyên tắc theo quy định của Luật Quy hoạch và bảo đảm cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo và cơ cấu vùng, miền; tính đa dạng, đồng bộ của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
2. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm nội dung theo quy định của Luật Quy hoạch và các nội dung sau đây:
a) Cơ cấu mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và quy mô đào tạo theo ngành, nghề, trình độ đào tạo, loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
b) Phân bố các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo từng vùng, từng địa phương;
c) Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp;
d) Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo.
3. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, nghề nghiệp quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch và quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp quốc gia xây dựng và phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương mình và chịu trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức thực hiện.
Việc tích hợp quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương vào các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch.”.
6. Bổ sung khoản 5 vào Điều 82 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 như sau:
“5. Quy hoạch hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành được tích hợp vào quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia; quy hoạch hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của địa phương được tích hợp vào quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch.”.
7. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viễn thông số 41/2009/QH12 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 8 như sau:
“a) Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch cấp quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ; tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 như sau:
“3. Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia và tích hợp vào quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch và quy định khác của pháp luật có liên quan.”;
c) Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 14 như sau:
“đ) Được phân bổ tài nguyên viễn thông theo quy định về quản lý tài nguyên viễn thông;”;
d) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 38 như sau:
“3. Việc sửa đổi, bổ sung giấy phép viễn thông trong thời gian giấy phép còn hiệu lực được thực hiện theo đề nghị của tổ chức được cấp giấy phép hoặc theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông phải phù hợp với các quy định về quản lý tài nguyên viễn thông, kết nối, giá cước, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông.”;
đ) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 60 như sau:
“1. Việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước, viễn thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác được thực hiện theo nguyên tắc hiệu quả, tiết kiệm, bảo đảm yêu cầu về cảnh quan, môi trường, phù hợp với các quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.”.
8. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí số 44/2013/QH13 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 5 như sau:
“d) Các quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch phát triển ngành, vùng; kế hoạch sử dụng đất; danh mục dự án đầu tư, nguồn vốn đầu tư; kế hoạch và hoạt động khai thác tài nguyên;”;
b) Sửa đổi, bổ sung Điều 33 như sau:
“Điều 33. Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch và danh mục dự án đầu tư
1. Việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch phát triển ngành, vùng, lĩnh vực và sản phẩm; kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của nền kinh tế.
2. Việc lập, thẩm định và phê duyệt danh mục dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch phát triển ngành, vùng, lĩnh vực và sản phẩm; kế hoạch sử dụng đất.”;
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 34 như sau:
“1. Lập, thẩm định dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch phát triển ngành, vùng; kế hoạch sử dụng đất; danh mục dự án đầu tư theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong xây dựng.”.
9. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tại Luật Quốc phòng số 39/2005/QH11, Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12, Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Giáo dục số 44/2009/QH12, Luật Biển Việt Nam số 18/2012/QH13, Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13, Luật Nhà ở số 65/2014/QH13, Luật Công an nhân dân số 73/2014/QH13, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13, Luật Tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13, Luật Du lịch số 09/2017/QH14, Pháp lệnh về Giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11, Pháp lệnh về Giống vật nuôi số 16/2004/PL- UBTVQH11, Pháp lệnh Dân số số 06/2003/PL-UBTVQH11 đã được sửa đổi, bổ sung theo Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số số 08/2008/PL-UBTVQH12 và các văn bản quy phạm pháp luật khác được thay thế bằng quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.
2. Các quy định của Luật này về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2018.
Chính phủ bảo đảm kinh phí lập, thẩm định quy hoạch quy định tại khoản này theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước.
1. Các quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực được thực hiện như sau:
a) Quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được thực hiện đến hết thời kỳ quy hoạch; trường hợp nội dung của quy hoạch đó không phù hợp với quy định của Luật này thì phải Điều chỉnh theo quy định của Luật này;
b) Các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành quy định tại Phụ lục 2 của Luật này được tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp nội dung của quy hoạch đó không phù hợp với quy hoạch cao hơn đã được quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật này thì phải điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch cao hơn;
c) Các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được thực hiện cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
d) Các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ đã được quyết định hoặc phê duyệt hết hiệu lực chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2018.
2. Quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được lập, thẩm định trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa được quyết định hoặc phê duyệt thì được thực hiện quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật này.
3. Dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy hoạch đã được công bố trước ngày Luật này có hiệu lực thì được thực hiện đến hết thời hạn của dự án đó theo quy định của pháp luật có liên quan.
4. Chính phủ rà soát, ban hành danh mục các quy hoạch quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều này và tại điểm 39 của Phụ lục 2 trước ngày 31 tháng 12 năm 2018.
5. Chính phủ rà soát, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch trong các bộ luật, luật thuộc danh mục quy định tại Phụ lục 3 của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch và có hiệu lực thi hành chậm nhất là ngày 01 tháng 01 năm 2019.
THE NATIONAL ASSEMBLY |
THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
Law No. 21/2017/QH14 |
Hanoi, November 14, 2017 |
LAW
ON PLANNING
Pursuant to the Constitution of Socialist Republic of Vietnam;
The National Assembly promulgates the Law on Planning.
GENERAL PROVISIONS
This Law provides for formulation, appraisal, decision or approval, announcement, implementation, assessment and adjustment of the planning under the national planning system; responsibility for state management of planning.
This Law applies to organizations and individuals involved in the formulation, appraisal, decision or approval, announcement, implementation, assessment and adjustment of the planning under the national planning system and other relevant organizations and individuals.
For the purposes of this Law, the terms below shall be construed as follows:
1. “planning” means the spatial arrangement and distribution of socio-economic, national defense and security activities in combination with infrastructure development, use of natural resources and environmental protection in a defined territory in order to effectively use the resources of country in service of sustainable development for a definite period of time.
2. “national comprehensive planning” means the national and strategic planning towards zoning and interconnecting regions of a territory, including mainland, islands, archipelagoes, territorial waters and airspace; urban and rural systems; infrastructure; use of natural resources and environmental protection; natural disaster management, climate change resilience, assurance of national defense and security and international integration.
3. “national marine spatial planning” means the national planning that is aimed at realizing the national comprehensive planning for zoning of various fields and sectors within coastal areas, islands, archipelagoes, territorial waters and airspace that belong to sovereignty, sovereign rights and national jurisdiction of Vietnam.
4. “national land use planning” means the national planning that is aimed at realizing the national comprehensive planning for allocation and zoning of land used by fields, sectors and areas on the basis of land potential.
5. “national sector planning” means the national planning that is aimed at realizing the national comprehensive planning according to sectors on the basis of interconnection of sectors and regions related to infrastructure, use of natural resources, environmental protection and biodiversity conservation.
6. “region” means a part of a national territory that includes some neighboring provinces and central-affiliated cities adjacent to some river basins or has similarities in natural and socio-economic conditions, history, population and infrastructure, and has an interrelationship that makes a strong connection.
7. “regional planning” means the planning that is aimed at realizing the national comprehensive planning at regional level in terms of spaces used for socio-economic, national defense and security activities, urban system and rural population distribution, development of inter-provincial regions, infrastructure, water resources of river basins, use of natural resources and environmental protection on the basis of provincial interconnection.
8. “provincial planning” means the planning that is aimed at realizing the national comprehensive planning and regional planning at provincial level in terms of spaces used for socio-economic, national defense and security activities, urban system and rural population distribution, land allocation, infrastructure, use of natural resources and environmental protection on the basis of interconnection of national, regional, urban and rural planning.
9. “detailed planning” means the planning that is aimed at realizing national, regional and provincial planning. The detailed planning includes the planning specified in the Appendix 2 of this Law.
10. “integrated planning” means an approach that integrates fields and sectors related to infrastructure, use of natural resources and environmental protection in a uniform manner upon the formulation of the planning in a define territory in order to achieve the goal of balanced, harmonious, effective and sustainable development.
11. “planning” includes formulation, appraisal, decision or approval, announcement, implementation, assessment and adjustment of the planning.
12. “planning authority” means an authority assigned to formulate planning under the national planning system by the Government, Prime Minister, Ministries, ministerial authorities and People’s Committees of provinces.
13. “planning database” means a collection of information showing basic contents of the planning which is formulated, updated and maintained to serve management and use of information through electronic means.
14. “planning diagram or map” means a drawing that shows contents of the planning.
Article 4. Basic principles of planning
1. Comply with regulations of this Law, other relevant regulations of law and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.
2. Ensure uniformity between the planning and the socio-economic development strategy and plan, ensure the combination of the sector management and territorial management; ensure national defense and security; protect the environment.
3. Ensure compliance, continuity, inheritance, stability and hierarchy in the national planning system.
4. Ensure participation of the people, the public, other organizations and individuals; ensure harmony of national interests, interests of regions and areas and the people with an emphasis on national interests; ensure gender equality.
5. Ensure scientism, application of modern technology, interconnection, forecast, feasibility, economization and effective use of national resources; ensure objectivity, publicity, transparency and conservation.
6. Ensure independence between the planning authority and planning appraisal council.
7. Provide resources to implement planning.
8. Ensure uniform state management of planning, appropriate assignment and authorization between regulatory authorities.
Article 5. National planning system
1. National planning.
National planning includes national comprehensive planning, national marine spatial planning, national land use planning and national sector planning.
2. Regional planning.
3. Provincial planning.
4. Special administrative-economic unit planning.
Special administrative-economic unit planning decided by the National Assembly.
5. Urban planning, rural planning.
Article 6. Relationship between planning types
1. The national comprehensive planning serves as a basis for formulation of national marine spatial planning, national land use planning, national sector planning, regional planning, provincial planning, special administrative-economic unit planning, urban planning and rural planning nationwide.
2. The national sector planning shall be conformable to the national comprehensive planning, national marine spatial planning and national land use planning.
In the event that the national sector planning is inconsistent with the national marine spatial planning and national land use planning or national planning is inconsistent with each other, it shall be adjusted and implemented according to the national marine spatial planning, national land use planning and national comprehensive planning.
3. The regional planning shall be conformable to the national planning; the provincial planning shall be conformable to the regional planning and national planning.
In the event that the regional planning and provincial planning are inconsistent with the national sector planning, they shall be adjusted and implemented according to the national sector planning and national comprehensive planning.
In the event that the regional planning is inconsistent with each other and the provincial planning is inconsistent with each other, they shall be adjusted and implemented according to the planning at a higher level; in the event that the provincial planning is inconsistent with the regional planning, it shall be adjusted and implemented according to the regional planning and national planning.
4. The urban planning and rural planning shall be conformable to the national planning, regional planning and provincial planning.
Article 7. Procedures for planning
1. Formulate planning:
a) Formulate, appraise and approve planning tasks;
b) Organize formulation of planning.
2. Appraise planning.
3. Decide or approve planning.
4. Announce planning.
5. Implement planning.
1. The planning period is a time limit determined to serve as a basis for forecasting and setting socio-economic targets to serve planning formulation.
2. The planning under the national planning system covers a period of 10 years. The orientations of the national planning cover a period of 30 - 50 years. The orientations of the regional planning and provincial planning cover a period of 20 - 30 years.
1. The costs of formulation, appraisal, decision or approval, announcement and adjustment of the planning shall be covered by public investments in accordance with regulations of the Law on Public Investment.
2. The costs of planning assessment shall be covered by regular funding sources in accordance with regulations of the Law on State Budget.
Article 10. State policies on planning
1. The State shall manage socio-economic development, ensure national defense and security and protect the environment according to the decided or approved planning.
2. The State shall introduce policies on encouragement and mobilization of resources to promote sustainable development in association with environmental protection and climate change resilience according to the decided or approved planning.
3. The State shall introduce policies on encouraging domestic and foreign organizations and individuals to provide resources for planning in an objective, public and transparent manner.
4. The State shall introduce policies on encouraging and enabling organizations and individuals of all economic sectors to participate in planning.
5. The State shall introduce policies on promotion of international cooperation in planning.
Article 11. International cooperation in planning
1. International cooperation in planning is aimed at ensuring that the planning is compliant with international integration requirements and basic principles of planning specified in Article 4 of this Law.
2. The main international cooperation activities include experience sharing, application of new science and technology, provision of training and mobilization of human resources for planning.
3. International cooperation in planning shall be conformable to Vietnam’s diplomatic policies; ensure application of the principle of peace, cooperation and friendship on the basis of respect for independence, sovereignty and territorial integrity, mutual benefit, Vietnam’s law and relevant international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.
Article 12. Rights and responsibilities of the public, other organizations and individuals for offering opinions on and supervising planning
1. The public and organizations have the right to offer opinions on and supervise planning; individuals have the right to offer opinions on planning.
2. The enquired organizations and individuals shall respond within the prescribed time limit.
3. The organization assigned to formulate, appraise, decide or approve, implement and adjust planning shall enable the public and organizations to offer opinions on and supervise planning; enable individuals to offer opinions on planning.
4. Opinions of the public, other organizations and individuals on planning must be considered, responded to and published in accordance with regulations of law.
Article 13. Prohibited acts in planning
1. Formulating, appraising, deciding or approving, and adjusting planning inconsistent with regulations of this Law and relevant regulations of law.
2. Formulating, appraising, deciding or approving, and adjusting planning for investment in and development of specific goods, services and products, determination of the volume of goods, services and products that are produced and sold.
3. Selecting the planning consultancy and independent reviewers that fail to satisfy qualification requirements suitable for their assigned tasks or in contravention of law.
4. Obstructing the public, other organizations and individuals in offering opinions.
5. Not announcing, delaying, inadequately announcing planning or refusing to provide information on planning, except for information classified as state secret; deliberately announcing wrong planning; deliberately providing false information on planning; destroying, forging or falsifying documents.
6. Failure to implement the decided or approved planning.
7. Illegally interfering in or obstructing planning.
PLANNING FORMULATION
SECTION 1. ORGANIZING PLANNING FORMULATION
Article 14. Power to organize planning formulation
1. The Government shall organize formulation of the national comprehensive planning, national marine spatial planning and national land use planning.
2. The Prime Minister shall organize formulation of regional planning.
3. Ministry and ministerial authorities shall organize formulation of national sector planning.
4. The People’s Committees of provinces shall organize formulation of provincial planning.
1. Planning tasks include:
a) Bases for planning formulation;
b) Requirements for planning contents and planning formulation methods;
c) Costs of planning formulation;
d) Time limit for planning formulation;
dd) Responsibilities of relevant authorities for organization of planning formulation.
2. The power to organize appraisal and approval for planning tasks:
a) The Government shall organize appraisal and approval for the tasks in formulation of the national comprehensive planning, national marine spatial planning and national land use planning;
b) The Prime Minister shall organize appraisal and approval for the tasks in formulation of the national sector planning, regional planning and provincial planning.
3. The Government shall elaborate this Article.
Article 16. Procedures for planning formulation
1. Procedures for formulation of the national comprehensive planning, national marine spatial planning and national land use planning:
a) The planning authority shall take charge and cooperate with Relevant Ministries, ministerial authorities and local governments in determining planning tasks and submitting them to the Government for approval.
b) The planning authority shall select a planning consultancy; take charge and cooperate with relevant Ministries, ministerial authorities and local governments in formulating planning; analyze, assess and forecast factors, conditions, resources, development situation, assess national socio-economic development, propose viewpoints, objectives and prioritized development orientations serving as a basis for planning formulation;
c) Relevant Ministries, ministerial authorities and local governments shall select a consultancy to develop the parts of the planning contents and appraise such parts before they are submitted to the planning authority;
d) The planning authority shall take charge and cooperate with Relevant Ministries, ministerial authorities and local governments in considering and addressing common, inter-regional and inter-provincial issues to ensure uniformity and effectiveness of the planning; propose adjustments to contents of the planning developed by relevant Ministries, ministerial authorities and local governments;
dd) Relevant Ministries, ministerial authorities and local governments shall adjust and complete parts of the planning and send them to the planning authority;
e) The planning authority shall complete the planning and send it for enquiry as prescribed in Article 19 of this Law;
g) The planning authority shall respond to opinions, complete the planning and submit it to the planning appraisal council;
h) The planning authority shall complete the planning according to the conclusion of the planning appraisal council, report it to the Prime Minister, who will submit it to the National Assembly.
2. Procedures for formulation of the national sector planning:
a) The authority organizing formulation of the planning shall take charge and cooperate with Ministries and ministerial authorities concerned in determining planning tasks and submitting them to the Prime Minister for approval.
b) The planning authority shall select a planning consultancy; formulate planning and send it for enquiry as prescribed in Article 19 of this Law;
c) The planning authority shall respond to opinions, complete the planning and submit it to the planning appraisal council;
d) The planning authority shall complete the planning according to the conclusion of the planning appraisal council, report it to the Minister, who will submit it to the Prime Minister for approval.
3. Procedures for formulation of the regional planning:
a) The planning authority shall take charge and cooperate with Relevant Ministries, ministerial authorities and local governments in determining planning tasks and submitting them to the Prime Minister for approval.
b) The planning authority shall select a planning consultancy; take charge and cooperate with Relevant Ministries, ministerial authorities and local governments in formulating planning; analyze, assess and forecast factors, conditions, resources, development situation, assess regional socio-economic development, propose viewpoints, objectives and prioritized development orientations serving as a basis for planning formulation;
c) Relevant Ministries, ministerial authorities and local governments shall select a consultancy to develop the parts of the planning contents and appraise such parts before they are submitted to the planning authority;
d) The planning authority shall take charge and cooperate with relevant Ministries, ministerial authorities and local governments in considering and addressing inter-regional and inter-provincial issues to ensure uniformity and effectiveness of the planning; propose adjustments to the contents of the planning developed by relevant Ministries, ministerial authorities and local governments;
dd) Relevant Ministries, ministerial authorities and local governments shall adjust and complete the parts of the planning and send them to the planning authority;
e) The planning authority shall complete the planning and send it for enquiry as prescribed in Article 19 of this Law;
g) The planning authority shall respond to opinions, complete the planning and submit it to the planning appraisal council;
h) The planning authority shall complete the planning according to the conclusion of the planning appraisal council, which will submit it to the Prime Minister for approval.
4. Procedures for formulation of the provincial planning:
a) The planning authority shall take charge and cooperate with relevant authorities, the People’s Committees of districts in determining planning tasks, reporting them to the People’s Committees of provinces, which will submit them to the Prime Minister for approval;
b) The planning authority shall select a planning consultancy; take charge and cooperate with relevant authorities and the People’s Committees of districts in formulating planning; analyze, assess and forecast factors, conditions, resources, development situation, assess local socio-economic development, propose viewpoints, objectives and prioritized development orientations serving as a basis for planning formulation;
c) Relevant authorities and the People’s Committees of districts shall propose the contents to be included in the planning under the their management and send them to the planning authority;
d) The planning authority shall take charge and cooperate with relevant authorities and the People’s Committee of the district in considering and addressing common and inter-district issues to ensure uniformity and effectiveness of the planning; propose adjustments to the contents of the planning developed by authorities and People's Committees of districts;
dd) Relevant authorities and People’s Committees of districts shall adjust and complete the parts of the planning and send them to the planning authority;
e) The planning authority shall complete the planning and send it for enquiry as prescribed in Article 19 of this Law;
g) The planning authority shall respond to opinions, complete the planning and submit it to the planning appraisal council;
h) The planning authority shall complete the planning according to the conclusion of the planning appraisal council and submit it to the People’s Committees of provinces;
i) The People’s Committee of the province shall submit the planning to the People's Council of the province, which will submit it to the Prime Minister for approval.
Article 17. Planning consultancy
1. Planning authorities, Ministries, ministerial authorities and local governments shall select planning consultancies in accordance with regulations of the Law on Bidding.
2. A planning consultancy shall have a legal status and satisfy qualification requirements suitable for its assigned tasks in accordance with regulations of the Government.
Article 18. Strategic environmental assessment during planning formulation
1. The planning authority shall prepare a strategic environmental assessment report in accordance with regulations of the Law on Environmental Protection.
2. The strategic environmental assessment report shall be prepared and appraised at the same time the planning is formulated and appraised.
3. The contents of the strategic environmental assessment report upon planning formulation are specified in the Law on Environmental Protection.
Article 19. Seeking opinions on planning
1. The planning authority shall seek opinions from Ministries, ministerial authorities, People’s Committees at all levels of relevant local governments, the public, and other organizations and individuals related to planning, except for those related to the national sector planning, their opinions shall be sought by the authority organizing formulation of the planning. For the regional and provincial planning, the planning authority shall seek opinions from the People’s Committees of provinces of adjacent areas.
2. Opinions of organizations and individuals shall be sought through submission of documents and website of the planning authority. The enquired organizations shall give written responses.
3. The public’s opinions on the planning shall be sought through website of the planning authority, public places, questionnaires, conferences, workshops and in other forms in accordance with regulations of the law on exercise of democracy in communes, wards and townships.
4. Opinions must be considered, responded to and reported to a competent authority before the planning is appraised, decided or approved. The planning authority shall make opinions and responses to opinions publicly available.
5. The Government shall elaborate seeking of opinions on each type of planning.
Article 20. Bases for formulating planning
1. Socio-economic development strategy and field and sector development strategy during the same development period.
2. Planning at a higher level.
3. Planning of the previous period.
Article 21. Requirements for contents of the planning
1. Ensure the fulfillment of requirements for planning and developing entire national territory towards sustainable development in association with environmental protection, natural disaster management and climate change resilience; distribute, extract and use natural resources in a proper and effective manner and preserve historical-cultural relics, cultural heritages and natural heritages for present and future generations.
2. Regarding the spatial distribution during planning formulation, ensure uniformity between infrastructure, land allocation and environmental protection, ecosystem services.
3. Ensure connection, uniformity and systematism between sectors and regions nationwide, between areas in the regions and take maximum advantage of the existing infrastructure; fully exploit potentials and advantages of each region and area in association with social progress and equality and assurance of social security and national defense and security.
4. Maintain a balance between socio-economic factors, national defense and security, and environmental protection during planning formulation.
5. Secure reduction in negative effects of socio-economic development and environment on the livelihood of the public, elderly people, disabled people, ethnics, women and children. The planning shall be formulated in combination with other policies to promote development in disadvantaged and extremely disadvantaged areas and ensure sustainable livelihood of the people in disadvantaged and extremely disadvantaged areas.
6. Ensure harmony of interests between the State and the public and between regions and areas.
7. Protect the public’s and other organizations and individuals’ right to offer their opinions during planning formulation.
8. Ensure scientism and apply modern technology during planning formulation; meet technical standards and regulations and conform to the country’s needs for development and international integration.
9. Ensure uniformity and connection in planning contents, which shall be shown in a planning report and system of planning diagrams, maps and database.
Article 22. Contents of the national comprehensive planning
1. The national comprehensive planning shall specify spatial distribution and arrangement of nationally or internationally important socio-economic, defense, security and environmental protection activities as well as inter-regionally strategic ones in the territory of Vietnam, including mainland, islands, archipelagoes, territorial waters and airspace.
2. The national comprehensive planning includes the following main parts:
a) Analysis and assessment of natural conditions, national development, national and international development trend, major development policies and orientations, relevant planning and plans, and resources; scientific and technological development trends; national defense and security areas; nature reserves; areas that need to be preserved or rehabilitated, historical-cultural relics, scenic beauties and subjects already inventoried; areas where extraction and use are restricted and areas where development is encouraged in accordance with relevant regulations of law.
b) Viewpoints and objectives for development;
c) Forecasting of development trends and developmental scenarios;
d) Orientation for socio-economic space development;
dd) Orientation for marine space development;
e) Orientation for national land use;
g) Orientation for airspace exploitation and use;
h) Orientation for zoning and regional interconnection;
i) Orientation for development of national urban and rural system;
k) Orientation for development of national social infrastructure;
k) Orientation for development of national technical infrastructure;
m) Orientation for use of natural resources, environmental protection, natural disaster management and climate change resilience;
n) List of nationally important projects and their execution in order of priority;
o) Solutions and resources for planning implementation.
3. The Government shall elaborate the contents of the national comprehensive planning that are specified in Clause 2 of this Article and provide for integration of planning into the national comprehensive planning.
The formulation, appraisal, approval and adjustment of the detailed planning for development of the contents specified in Clause 2 of this Article shall be carried out in accordance with relevant regulations of law.
Article 23. Contents of the national marine spatial planning
1. The national marine spatial planning shall specify zoning and spatial arrangement, distribution and organization of various fields and sectors within coastal areas, islands, archipelagoes, territorial waters and airspace that belong to sovereignty, sovereign rights and national jurisdiction of Vietnam.
2. The national marine spatial planning includes the following main contents:
a) Analysis and assessment of factors, natural conditions, resources, conditions directly affecting and use of spaces for carrying out activities within coastal areas, islands, archipelagoes, territorial waters and airspace that belong to sovereignty, sovereign rights and national jurisdiction of Vietnam;
b) Areas where extraction is prohibited, conditional extraction areas, areas where development is encouraged, areas that need to be provided with special protection for the purposes of national defense, security, environmental protection and preservation of ecosystem within coastal areas, islands, archipelagoes, territorial waters and airspace that belong to sovereignty, sovereign rights and national jurisdiction of Vietnam;
c) Forecasting of trends in fluctuation of natural resources and environment, effects of climate change on natural resources and environment; demand for extraction and use of natural resources and requirements for protection of environment within coastal areas, islands, archipelagoes, territorial waters and airspace that belong to sovereignty, sovereign rights and national jurisdiction of Vietnam during the planning period;
d) Forecasting of developmental context and scenarios; assessment of opportunities and challenges to activities requiring marine space;
dd) Viewpoints and objectives for development;
e) Orientation for provision and use of spaces for carrying out activities within coastal areas, islands, archipelagoes, territorial waters and airspace that belong to sovereignty, sovereign rights and national jurisdiction of Vietnam;
g) Zoning of land within coastal areas, islands, archipelagoes, territorial waters and airspace that belong to sovereignty, sovereign rights and national jurisdiction of Vietnam;
h) Solutions and resources for planning implementation;
i) List of nationally important projects and their execution in order of priority;
3. The Government shall elaborate the contents of the national marine spatial planning that are specified in Clause 2 of this Article and provide for integration of planning into the national marine spatial planning.
The formulation, appraisal, approval and adjustment of the detailed planning for development of the contents specified in Clause 2 of this Article shall be carried out in accordance with relevant regulations of law.
Article 24. Contents of the national land use planning
1. The national land use planning shall specify distribution and organization of spaces used for the purposes of socio-economic development, national defense and security assurance, environmental protection, natural disaster management and climate change resilience according to land potentials and demand for land use by inter-regional and inter-provincial fields and sectors.
2. The national land use planning includes the following main parts:
a) Analysis and assessment of factors, natural conditions, resources, conditions directly affecting and use of land by fields and sectors.
b) Forecasting of trends in fluctuation of land use;
c) Viewpoints and objectives for land use during the new period;
d) Orientation for distribution of spaces and quotas for use of farming land and forest land;
dd) Orientation for distribution of spaces and quotas for use of non-farming land;
e) Unused land space;
g) Solutions and resources for planning implementation.
3. The Government shall elaborate the contents of the national land use planning that are specified in Clause 2 of this Article.
Article 25. Contents of the national sector planning
1. The national sector planning shall specify orientations for development, distribution and organization of spaces and resources used for common, inter-regional and inter-provincial sectors.
2. A list of national sector planning is specified in the Appendix 1 of this Law.
According to socio-economic conditions and state management requirements during each period, the Government shall review the list of national sector planning and submit it to the Standing Committee of National Assembly.
3. The national infrastructure planning includes the following main parts:
a) Analysis and assessment of factors, natural conditions, resources, provision and use of spaces by national infrastructure sectors;
b) Forecasting of development trends and development scenarios directly affecting national infrastructure during the planning period;
c) Common and inter-regional assessment; socio-economic development requirements applied to sectors; opportunities and challenges to the development of national infrastructure sectors;
d) Viewpoints and objectives for development of national infrastructure sectors;
dd) Plans for development of infrastructure sectors nationwide and in territories;
e) Orientation for provision of land used for development of national infrastructure sectors, environmental protection, climate change resilience and preservation of ecology, landscapes and relics that have been nationally ranked;
g) List of nationally important projects, prioritized projects on national infrastructure sectors and their execution in order of priority;
h) Solutions and resources for planning implementation.
4. The national natural resource use planning includes the following main contents:
a) Analysis and assessment of natural conditions, investigation and survey of extraction and use of natural resources;
b) Assessment of effects of extraction and use of natural resources;
c) Analysis and assessment of socio-economic development policies and orientations related to extraction and use of natural resources, national environmental protection and relevant planning;
d) Forecasting of science and technology advances and socio-economic development that affects protection, extraction and use of natural resources during the planning period;
dd) Viewpoints and objectives for extraction and use of natural resources in service of socio-economic development;
e) Areas where extraction and use of natural resources are prohibited, restricted or encouraged;
g) Orientation for environmental protection, natural disaster management and climate change resilience;
h) Solutions and resources for planning implementation.
5. The national environmental protection planning includes the following main parts:
a) Assessment of state and changes in the quality of environment, natural landscapes and biodiversity; waste generation and forecasting of waste generation; effects of climate change; environmental management and protection;
b) Viewpoints, objectives, tasks and solutions for environmental protection;
c) Environmental zoning; nature and biodiversity conservation; waste management; environmental monitoring and warning;
d) List of nationally important projects, prioritized projects on environmental protection and their execution in order of priority;
dd) Solutions and resources for planning implementation.
6. The national biodiversity conservation planning includes the following main contents:
a) Assessment of state and changes in biodiversity, biodiversity management and conservation;
b) Viewpoints, objectives, tasks and solutions for biodiversity conservation;
c) High-biodiversity areas; important ecological landscapes; nature reserves; biodiversity corridors; biodiversity conservation establishments;
d) List of nationally important projects, prioritized projects on biodiversity conservation and their execution in order of priority;
dd) Solutions and resources for planning implementation.
7. The Government shall elaborate the contents of the national sector planning that are specified in Clauses 3, 4, 5 and 6 of this Article and provide for integration of planning into the national sector planning.
The formulation, appraisal, approval and adjustment of the detailed planning for development of the contents specified in Clauses 3, 4, 5 and 6 of this Article shall be carried out in accordance with relevant regulations of law.
Article 26. Contents of the regional planning
1. The regional planning shall specify orientations for development, arrangement and distribution of resources for carrying out common, inter-regional and inter-provincial socio-economic, national defense and security, and environmental protection activities.
2. The regional planning includes the following main parts:
a) Analysis and assessment of factors, natural conditions, special resources of the region;
b) Viewpoints and objectives for regional development;
c) Orientation for development of key sectors of the region; plans for development, arrangement, selection and provision of resources for development within the region;
d) Orientation for creation of urban and rural system; economic zones, industrial parks, export-processing zones, hi-tech parks; tourism areas; research and training areas; sports complex; nature reserves, areas that need to be preserved or rehabilitated, historical-cultural relics, scenic beauties and subjects already inventoried; centralized production areas;
dd) Orientation for infrastructure development;
e) Orientation for environmental protection, extraction and protection of river basin water, natural disaster management and climate change resilience within the region;
g) List of projects and their execution in order of priority;
dd) Solutions and resources for planning implementation.
3. The Government shall elaborate the contents of the regional planning that are specified in Clause 2 of this Article and provide for integration of planning into the regional planning.
The formulation, appraisal, approval and adjustment of the detailed planning for development of the contents specified in Clause 2 of this Article shall be carried out in accordance with relevant regulations of law.
Article 27. Contents of the provincial planning
1. The provincial planning shall specify national projects included in the national planning; regional and inter-provincial projects included in the regional planning; orientation for development and arrangement of spaces and provision of resources for carrying out socio-economic, national defense and security, and environmental protection activities at provincial and inter-district level, and orientation for distribution within districts.
2. The provincial planning includes the following main parts:
a) Analysis and assessment of and forecasting of factors, special development conditions of the province; assessment of socio-economic development, land use, and urban and rural systems;
b) Viewpoints, objectives and plans for development;
c) Orientation for development of important sectors within the province; plans for organization of socio-economic activities;
d) Schemes for urban system planning, including national and regional urban areas already specified in the regional planning within the province; plans for development of provincial capitals, cities and towns within the province; plans for distribution of economic zones; industrial parks; export-processing zones, hi-tech parks; tourism areas; research and training areas; sports complexes; nature reserves, areas that need to be preserved or rehabilitated, historical-cultural relics, scenic beauties and subjects already inventoried and specified in the national planning and regional planning within the province; plans for development of industrial clusters; plans for spatial organization of rural areas and development of centralized agricultural production areas; plans for distribution of residential areas; determination of military and security zones; plans for development of disadvantaged and extremely disadvantaged areas and key areas;
dd) Plans for development of transport network, including the network of expressways, national highways and railways; inland waterways and sea routes; seaports, international and national airports; inter-provincial road and waterway networks already specified in the national planning and regional planning within the province; provincial road network;
e) Plans for development of electricity supply network, including electricity supply works and transmission network already specified in the national planning and regional planning within the province; transmission network and distribution grid;
g) Plans for development of telecommunications network, including international, national and inter-provincial telecommunications already specified in the national planning and regional planning within the province; plans for development of passive telecommunications infrastructure; important telecommunications works related to national security and telecommunications works of provinces;
h) Plans for development of irrigation and water supply networks, including regional and inter-provincial irrigation and water supply networks already specified in the national planning and regional planning within the province; inter-district irrigation and water supply networks;
i) Plans for development of waste treatment areas, including regional and inter-provincial hazardous waste treatment areas already specified in the national planning and regional planning within the province; inter-district waste treatment areas;
k) Plans for development of social infrastructure, including national, regional and inter-provincial social infrastructure projects already specified in the national planning and regional planning within the province; culture, sports and tourism institutions, trade centers, fairs, exhibitions and other social infrastructure of provinces;
l) Allocation and zoning of land by purpose and type of land up to district level;
m) Schemes for inter-regional and inter-district construction planning;
n) Plans for environmental protection, extraction, use and protection of natural resources, biodiversity, natural disaster management and climate change resilience within the province;
o) List of provincial projects and their execution in order of priority;
p) Solutions and resources for planning implementation.
3. The Government shall elaborate the contents of the provincial planning that are specified in Clause 2 of this Article and provide for integration of planning into the provincial planning.
The formulation, appraisal, approval and adjustment of the detailed planning for development of the contents specified in Clause 2 of this Article shall be carried out in accordance with relevant regulations of law.
Article 28. Contents of the urban planning and rural planning
The contents of the urban and rural planning and the development, appraisal, approval, implementation and adjustment thereof shall be carried out in accordance with regulations of the Law on Urban Planning and Law on Construction.
The urban and rural planning shall be made publicly available in accordance with regulations of this Law, the Law on Urban Planning and Law on Construction.
APPRAISAL, DECISION OR APPROVAL, ANNOUNCEMENT AND PROVISION OF INFORMATION ON PLANNING
SECTION 1. PLANNING FORMULATION
Article 29. The power to establish a planning appraisal council
1. The Prime Minister shall establish a planning appraisal council to appraise the national and regional planning.
2. The Ministry of Planning and Investment shall establish a planning appraisal council to appraise the provincial planning.
Article 30. Planning appraisal council
1. A national and regional planning appraisal council includes President and members of the council. President of the planning appraisal council is the Prime Minister or Deputy Prime Minister. Members of the appraisal council include representatives of Ministries, ministerial authorities, local governments and other organizations and individuals. The standing body of the appraisal council shall be decided by the President of the council.
2. A provincial planning appraisal council includes President and members of the Council. The President of the appraisal council is the Minister of Planning and Investment. Members of the appraisal council include representatives of Ministries, ministerial authorities, local governments and other organizations and individuals. The standing body of the appraisal council shall be decided by the President of the council.
3. The planning appraisal council shall operate according to the collective system and be responsible for formulating planning. The standing body of the appraisal council shall seek opinions from experts, socio-professional organizations and other relevant organizations before sending them to the planning appraisal council.
When necessary, the planning appraisal council may select an independent reviewer. An independent reviewer must satisfy qualification requirements suitable for his/her assigned tasks in accordance with relevant regulations of law and regulations of the Government.
4. The Government shall elaborate this Article.
Article 31. Applications for planning appraisal
1. An application for planning appraisal includes the following main documents:
a) An application form;
b) A planning report;
c) A draft planning decision or approval.
d) A consolidated report on opinions of the public and other organizations and individuals on the planning, copies of written opinions of Relevant Ministries, ministerial authorities and local governments; report on response to opinions on planning (hereinafter referred to as “response report”).
dd) A strategic environmental assessment report;
e) Planning diagrams, maps and database.
2. The planning appraisal council shall only carry out the appraisal when receiving a sufficient application specified in Clause 1 of this Article. When necessary, the appraisal council may request the submitting authority to provide additional information and explain relevant contents.
Article 32. Issues that need appraising
The appraisal shall focus on:
1. conformity to the approved planning tasks;
2. compliance with the procedures for planning formulation that are specified in Article 16 of this Law;
3. integration of planning contents provided by relevant Ministries, ministerial authorities and local governments;
4. conformity of the planning to the regulations specified in Section 2, Chapter II of this Law.
Article 33. Planning formulation report
1. A report on appraisal of the national comprehensive planning, national marine spatial planning and national land use planning shall clearly specify opinions of the planning appraisal council on issues that need appraising specified in Article 32 of this Law and decide whether to submit the planning to the National Assembly for decision.
2. A report on appraisal of the national sector planning, regional planning and provincial planning shall clearly specify opinions of the planning appraisal council on issues that need appraising specified in Article 32 of this Law and decide whether to submit the planning to the National Assembly.
3. A report on appraisal of the national comprehensive planning, national marine spatial planning, national land use planning and regional planning and enclosures shall be submitted to the planning authority within 15 days from the end of the appraisal. The planning authority shall consider and respond to appraisal opinions to modify and complete the application for decision or approval for planning.
A report on appraisal of the national sector planning and provincial planning and enclosures shall be submitted to the authority organizing formulation of the planning within 15 days from the end of the appraisal. The authority organizing formulation of the planning shall direct the planning authority to consider and respond to appraisal opinions to modify and complete the application for approval for planning.
In case the planning conclusion is ineligible to be submitted for decision or approval, the planning appraisal council shall return the application to the submitting authority and provide explanation.
Section 2. DECISION OR APPROVAL FOR PLANNING
Article 34. The power to decide or approve planning
1. The National Assembly shall decide the national comprehensive planning, national marine spatial planning and national land use planning.
2. The Prime Minister shall approve the national sector planning, regional planning and provincial planning.
Regarding the capital planning, the Prime Minister shall approve it after opinions of the National Assembly are obtained.
Article 35. Application for decision or approval for planning
An application for decision or approval for planning includes the following main documents:
1. An application form;
2. A planning report;
3. Draft planning decision or approval;
4. A consolidated report on opinions of the public, organizations and individuals on the planning, copies of written opinions of Relevant Ministries, ministerial authorities and local governments; response report.
5. A strategic environmental assessment report;
6. A planning appraisal report, copies of written opinions of experts, socio-professional organizations and other relevant organizations; a review prepared by the independent reviewer (if any);
7. A response report;
8. Planning diagrams, maps and database.
Article 35. Procedures for decision on the national comprehensive planning, national marine spatial planning and national land use planning
1. Within 60 days before the opening date of the session of the National Assembly, the Government shall submit the application for decision on planning to the National Assembly's authority for inspection.
2. The inspecting authority may request the Government and relevant organizations and individual to report issues concerning the contents of the planning. Organizations and individuals shall provide sufficient information and documents to serve the appraisal.
3. The inspection shall focus on:
a) Conformity of the contents of the planning to the Communist Party’s policies; constitutionality, legitimacy and uniformity in the planning system; compatibility with relevant international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory;
b) Conformity of the planning to the regulations specified in Section 2, Chapter II of this Law;
c) Feasibility of the planning and conditions for ensuring resources and finance for planning implementation.
4. The National Assembly shall consider and approve the resolution on national comprehensive planning, national marine spatial planning and national land use planning.
Article 37. Contents of decision or approval for planning
The contents of the decision or approval for planning are specified in Clause 2 Article 22, Clause 2 Article 23, Clause 2 Article 24, Clauses 3, 4, 5 and 6 Article 25, Clause 2 Article 26 and Clause 2 Article 27 of this Law, depending on the type of planning.
Section 3. ANNOUNCEMENT AND PROVISION OF INFORMATION ON PLANNING
Article 38. Announcement of planning
1. Within 15 days from the day on which the planning is decided or approved by the competent authority, its contents must be announced publicly, except for those that contain state secrets in accordance with regulations of the Law on Protection of State Secrets.
2. The planning shall be announced in the forms specified in Article 40 of this Law.
Article 39. Responsibilities for organization of planning announcement
1. The Ministry of Planning and Investment shall organize announcement of the national comprehensive planning and regional planning.
2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall organize announcement of the national marine spatial planning and national land use planning.
3. Ministries and ministerial authorities shall organize announcement of the national sector planning within their power.
4. The People’s Committees of provinces shall organize announcement of the provincial planning.
Article 40. Forms of planning announcement
1. The planning shall be published on the website of the authority organizing formulation of the planning and planning authority on a regular and continuous basis.
2. Apart from compliance with Clause 1 of this Article, the planning shall be announced in the following forms:
a) Use of media;
b) Presentation of planning models, diagrams, maps and database;
c) Organization of conferences and workshops;
d) Release of publications.
3. The Government shall elaborate Clause 2 of this Article.
Article 41. National planning information and database systems
1. The national planning information and database systems shall be established and operated in a uniform manner nationwide to serve planning.
The national planning information and database systems include planning documents, data on nature, economy, society, environment, climate change, national defense and security in association with the standardized and regularly updated national geographic database system.
2. Responsibilities for establishment of national planning information and database systems:
a) The Ministry of Planning and Investment shall organize establishment, management and operation of national planning information and database systems;
b) The Ministry of Natural Resources and Environment shall provide the standardized and regularly updated national geographic database system to create a framework database for the national planning information and database systems;
c) Ministries and ministerial authorities shall update relevant data under their management to the national planning information and database systems;
d) The People’s Committees of provinces shall update relevant data under local management to the national planning information and database systems.
3. The Government shall elaborate this Article.
Article 42. Provision of information on planning for organizations and individuals
1. Information on the decided or approved planning must be adequately, promptly and accurately provided for organizations and individuals upon request, except for information relating to state secrets in accordance with regulations of the Law on Protection of State Secrets.
2. The Ministry of Planning and Investment shall provide information on the national planning, regional planning and provincial planning.
3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall provide information on the national land use planning and national marine spatial planning.
4. Ministries and ministerial authorities shall provide information on the national sector planning within their power.
5. The People’s Committees of provinces shall provide information about the provincial planning.
Article 43. Forms of provision of information on planning
1. Provision of information in writing or in person on request.
2. Publication of information on websites and through the media according to Article 40 of this Law.
3. Provision of publications about planning.
Article 44. Archiving planning documents
1. The planning documents to be archived include:
a) Documents about planning appraisal specified in Article 31 of this Law;
b) Documents submitted for decision or approval for planning specified in Article 35 of this Law;
c) Reports on appraisal of the national comprehensive planning, national marine spatial planning and national land use planning;
d) Planning decision or written approval;
dd) Other documents (if any).
2. Planning documents shall be archived in accordance with regulations of the Law on Archives.
IMPLEMENTATION, ASSESSMENT AND ADJUSTMENT OF PLANNING
Section 1. PLANNING IMPLEMENTATION
Article 45. Planning implementation plan
1. A planning implementation plan shall be unveiled after the planning is decided or approved.
2. A planning implementation plan includes the following main contents:
a) Public investment project;
b) Investment projects funded by sources other than public investments;
c) Land use plan;
d) Resources and use of resources for planning implementation.
Article 46. Policies and solutions for planning implementation
Policies and solutions for planning implementation shall be introduced in conformity with the planning implementation plan and include the following main contents:
1. Attraction of investment according to the decided or approved planning;
2. Development of human resources;
3. Development of science and technology;
4. Social security assurance;
5. Environmental protection;
6. Assurance of financial resources;
7. Assurance of national defense and security.
Article 47. Resources for planning implementation
1. Ministries and ministerial authorities shall, within their power, provide resources or request a competent authority to provide resources for planning implementation.
2. The Ministry of Planning and Investment shall take charge and cooperate with the Ministry of Finance in requesting funding for public investment projects in accordance with regulations of the Law on Public Investment and Law on State Budget to a competent authority.
3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall take charge and cooperate with Ministries, ministerial authorities and People’s Committees of provinces in submitting the land use plan to a competent authority to implement the national planning and regional planning.
4. The People's Committee of the province shall unveil the land use plan within its power or request a competent authority to unveil it and provide resources for provincial planning implementation.
1. Before October 21, Ministries, ministerial authorities and People’s Committees of provinces shall submit planning reports to the Ministry of Planning and Investment, which will submit them to the Prime Minister before December 31.
2. The Government shall submit a planning report to the National Assembly every five years.
Section 2. ASSESSMENT OF PLANNING IMPLEMENTATION
Article 49. Responsibilities for assessment of planning implementation
1. The assessment of planning implementation shall be carried out periodically or upon request according to the assessment criteria decided by the Government.
2. Responsibilities for assessment of planning implementation:
a) The Ministry of Planning and Investment shall assess the implementation of the national comprehensive planning and regional planning;
b) The Ministry of Natural Resources and Environment shall assess the implementation of the national marine spatial planning and national land use planning;
c) Ministries and ministerial authorities shall assess the implementation of the national sector planning within their power;
d) The People’s Committees of provinces shall assess the implementation of the provincial planning.
3. The authority charged with assessing the national comprehensive planning, national marine spatial planning and national land use planning shall submit an assessment report to the Government. When necessary, the Government shall submit it to the National Assembly.
The authority charged with assessing the national sector planning, regional planning and provincial planning shall submit an assessment report to the Prime Minister.
Article 50. Contents of assessment of planning implementation
1. Consolidation, analysis and assessment of the implementation and implementation results; assessment of the extent of accomplishment compared to the planning or the previous period’s extent of accomplishment.
2. Factors and reasons affecting the implementation and implementation results; proposed solutions for improvement of effectiveness in planning during the planning period and the next planning period; request for adjustments to the planning (if any).
Section 3. ADJUSMENT TO PLANNING
Article 51. Principles of planning adjustment
1. The authority that has the power to decide or approve the planning has the power to decide or approve the adjustment to the planning.
2. The authority that has the power to organize planning formulation shall organize the implementation of the plan for adjustments to the planning.
3. The adjustment shall not change the objectives of the planning, except for the cases specified in Clauses 1, 3 and 4, Article 53 of this Law.
Article 52. Review of planning
1. The planning shall be reviewed every five years so that adjustments can be made in conformity with the socio-economic development during each period.
2. The authority organizing formulation of the planning shall organize the review of the planning.
3. A report on review results shall be submitted to the authority that has the power to decide or approve the planning.
Article 53. Bases for adjustments to planning
Adjustments to planning shall be made if one of the following bases is available:
1. Adjustments to the objectives of the socio-economic development strategy and field and sector development strategy change the objectives of the planning;
2. Adjustments to the planning at a higher level change contents of the planning or the plannings at the same level are inconsistent with each other;
3. Changes or adjustments to administrative division affect the nature and scale of space of the planning;
4. Effects of natural disasters, climate change and war change the objectives, orientations and spatial organization of the planning.
5. Random fluctuations of the socio-economic situation limit the resources for planning implementation;
6. Development of science and technology considerably changes the planning implementation;
7. Assurance of nation defense and security is required.
Article 54. Procedures for and power of adjustment to planning
1. The Government shall submit the guidelines for adjustments to the national comprehensive planning, national marine spatial planning and national land use planning to the National Assembly.
Ministries and ministerial authorities shall submit the guidelines for adjustments to the national sector planning within their power to the Prime Minister for approval.
The Ministry of Planning and Investment shall submit the guidelines for adjustments to the regional planning to the Prime Minister for approval.
The People’s Committees of the provinces shall submit the guidelines for adjustments to the provincial planning to the Prime Minister for approval.
2. Procedures for adjustments, announcement and provision of information on adjustments to planning are the same as those for formulation, appraisal, decision or approval, announcement and provision of planning information that are specified in Chapter II and Chapter III of this Law.
3. The authority organizing formulation of the planning shall update and specify adjusted contents in the planning.
STATE MANAGEMENT OF PLANNING
Article 55. Responsibilities of the Government, Ministries and ministerial authorities for state management of planning
1. The Government shall uniform state management of planning; unveil plans, policies and solutions for and provide resources for implementation of the national comprehensive planning, national marine spatial planning and national land use planning.
2. The Prime Minister shall unveil plans, policies and solutions for and provide resources for implementation of the national sector planning, regional planning and provincial planning.
3. The Ministry of Planning and Investment shall be in charge of assisting the Prime Minister in performing state management of planning and have the following tasks and powers:
a) Promulgate legislative documents on planning or request a competent authority to promulgate them and organize implementation of such documents;
b) Request a competent authority to unveil plans, policies and solutions and provide resources for implementation of the national comprehensive planning and regional planning.
c) Request the Prime Minister to establish a national comprehensive planning and regional planning appraisal council;
d) Instruct Ministries, ministerial authorities and People’s Committees of provinces to formulate and organize implementation of planning;
dd) Issue norms for planning activities;
e) Take charge and cooperate with relevant authorities in international cooperation in planning;
g) Take charge and cooperate in providing and managing training for human resources, researching and applying science and technology to planning;
h) Cooperate with relevant authorities and organizations in disseminating the law on planning.
4. Ministries and ministerial authorities shall, within their power, cooperate with the Ministry of Planning and Investment in performing state management of planning and have the following tasks and powers:
a) Request the Prime Minister to unveil plans, policies and solutions for and provide resources for implementation of the national sector planning to the Prime Minister; establish the national sector planning appraisal council;
b) Organize implementation of the national sector planning and development of the contents specified in the national comprehensive planning, national marine spatial planning, national land use planning and regional planning within their power;
c) Carry out inspections, settle complaints and denunciations and take actions against violations of the law on planning;
d) Reward organizations and individuals for their achievements in planning.
5. The Ministry of Natural Resources and Environment has the tasks and powers specified in Clause 4 of this Article and the following ones:
a) Take charge and cooperate with Ministries, ministerial authorities and People’s Committees of provinces in submitting the land use plan to a competent authority to implement the national planning and regional planning;
b) Request the Government to unveil plans, policies and solutions and provide resources for implementation of the national marine spatial planning and national land use planning;
c) Request the Prime Minister to establish a council to appraise the national marine spatial planning, national land use planning and national planning for national defense or security land.
6. The Ministry of Finance has the tasks and powers specified in Clause 4 of this Article and the following ones:
a) Take charge and cooperate with Ministries, ministerial authorities and People’s Committees of provinces in submitting plans and solutions for assurance of financial resources to the Prime Minister to implement planning;
b) Promulgate regulations on prices of planning services.
Article 56. Responsibilities of the People’s Committees of provinces for state management of planning
The People’s Committees of provinces shall, within their power, perform state management of planning within their provinces and have the following tasks and powers:
1. Unveil plans, policies and solutions for implementation of the provincial planning within their power or request the competent authority to unveil them and provide resources for implementation of the provincial planning;
2. Organize implementation of the provincial planning;
3. Cooperate in formulating the national planning and relevant regional planning;
4. Organize dissemination of planning law;
5. Carry out inspections, settle complaints and denunciations and take actions against violations of the law on planning;
6. Reward organizations and individuals for their achievements in planning.
IMPLEMENTATION CLAUSE
Article 57. Amendments to certain articles of the laws relating to planning
1. Clause 2, Article 50 of the Law on Information Technology No. 67/2006/QH11 is amended as follows:
“2. The Ministry of Information and Communications shall announce the list and formulate a plan for development of focal information technology products during each period in conformity with the information technology development strategy.”.
2. Certain articles of the Law on Local Government Organization No. 77/2015/QH13 are amended as follows:
a) Point g, Clause 3 of Article 19 is annulled
b) Point a, Clause 2 of Article 128 is amended as follows:
“a) Conform to the relevant planning decided or approved by the competent authority;”.
3. Certain articles of the Law on Veterinary Medicine No. 79/2015/QH13 are amended as follows:
a) Point b, Clause 1 of Article 5 is amended as follows:
“b) Creation of system for tracing origin of animals and animal products; creation of a network of slaughterhouses and animal product preparing establishments towards industrialization in association with breeding areas;”;
b) Point b, Clause 1 of Article 9 is amended as follows:
“b) Formulate planning for animal epidemic-free zones and establishments, integrate it into the provincial planning and organize implementation thereof; formulate, unveil and organize implementation of the plan for prevention and fighting against animal diseases; programs for supervision, control and eradication of animal diseases;”;
c) Clause 3 and Clause 4, Article 40 are amended as follows:
“3. The Minister of Agriculture and Rural Development shall decide the establishment of animal quarantine stations at main roads nationwide.
4. The People's Committees of provinces shall, according to the regulation of the Minister of Agriculture and Rural Development that is specified in Clause 3 of this Article, decide to establish and organize quarantine of animals and animal products of animal quarantine stations at main roads in within their provinces.”;
d) Point b, Clause 1 of Article 76 is amended as follows:
“b) Direct creation of a network of centralized slaughterhouses and formulation of plans for centralized animal slaughter;
dd) Point a, Clause 2 of Article 76 is amended as follows:
“a) Cooperate with relevant divisions and sectors in setting up a network of centralized slaughterhouses;”.
4. Article 58 of the Law on National Reserve No. 22/2012/QH13 is amended as follows:
“Article 58. Comprehensive national reserve warehouse system planning
1. The comprehensive planning of the system of national reserve warehouses shall be formulated in accordance with the principles prescribed by the Law on Planning and in conformity with the national reserve strategy; in conformity with places of commodity sources, population density; in accordance with safety requirements.
2. The comprehensive national reserve warehouse system planning includes the contents prescribed by the Law on Planning and is compliant with the following requirements:
a) Conform to the objectives and requirements for national reserves;
b) Ensure continuity in the system of national reserve warehouses according to territorial lines and regions;
c) Ensure development towards modernization;
d) Conform to the amount of investments;
dd) Clearly determine implementation solutions and roadmaps.
3. The formulation, appraisal, approval, announcement, implementation and adjustment of the comprehensive national reserve warehouse system planning shall be carried out in accordance with regulations of the Law on Planning and other relevant regulations of law.”.
5. Article 8 of the Law on Vocational Education No. 74/2014/QH13 is amended as follows:
“Article 8. Vocational education institution network planning
1. The vocational education institution network planning shall be formulated in accordance with the principles prescribed by the Law on Planning and ensure the structure of disciplines, training levels and structure of regions; diversity and uniformity of the vocational education system, combination of training and production, business and services; improvement in training quality, and shall serve industrialization, modernization and international integration.
2. The vocational education institution network planning includes the contents prescribed by the Law on Planning and the following contents:
a) Structure of networks of vocational education institutions and training scope according to disciplines, training levels, and types of vocational education institutions;
b) Dispose vocational education institutions in every area or local government;
c) Develop teaching staff and vocational education administrative officials;
d) Invest in training facilities and equipment.
3. The formulation, appraisal, approval, announcement, implementation and adjustment of the national vocational educational institution network planning shall be carried out in accordance with regulations of the Law on Planning and other relevant regulations of law.
4. Ministries, ministerial authorities and People’s Committees of provinces shall, according to the national vocational educational institutions network planning, formulate and approve the planning for a network of their vocational educational institutions and take responsibility for directing the implementation thereof.
The planning for a network of national vocational educational institutions of Ministries, ministerial authorities and local governments shall be integrated into the planning under the national planning system in accordance with regulations of the Law on Planning.”.
6. Clause 5 is added to Article 82 of the Law on Medical Examination and Treatment No. 40/2009/QH12 as follows:
“5. The planning for the system of health facilities nationwide and specialized health facilities shall be integrated into the national health facility network planning; the local health facility system planning shall be integrated into the provincial planning in accordance with regulations of the Law on Planning.".
7. Certain articles of the Law on Telecommunications No. 41/2009/QH12 are amended as follows:
a) Point a, Clause 2 of Article 8 is amended as follows:
“a) Conform to the national socioeconomic development strategy, national planning and national socio-economic development plan during each period; comply with Vietnamese laws and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory;”;
b) Clause 3 of Article 8 is amended as follows:
“3. The Ministry of Information and Communications shall formulate the national telecommunications development planning and integrate it into the national information and communication infrastructure planning in accordance with regulations of the Law on Planning and other relevant regulations of law.”;
c) Point dd, Clause 1 of Article 14 is amended as follows:
“dd) Be allowed to distribute telecommunications resources in accordance with regulations on management of telecommunications resources;”;
b) Clause 3 of Article 38 is amended as follows:
“3. The adjustment that is made to a telecommunications license within its validity period at the request of the licensed organization or of the Ministry of Information and Communications shall be conformable to regulations on management of telecommunications resources, telecommunications connection, charge rates, technical standards and regulations on telecommunications.”;
dd) Clause 1 of Article 60 is amended as follows:
“1. The common use of transport, energy supply, public lighting, water supply and drainage and telecommunications infrastructure and other infrastructure works must ensure effectiveness and thrift and fulfillment of requirements for landscape and environment, and be conformable to the planning decided or approved by a competent authority.”.
8. Certain articles of the Law on Thrift Practice and Waste Combat No. 44/2013/QH13 are amended as follows:
a) Point d, Clause 2 of Article 5 is amended as follows:
“d) The planning decided or approved by the competent authority; socio-economic development plans; sector and regional development plans; land use plans; list of investment projects and investments; natural resource extraction plans and natural resource extraction;";
b) Article 33 is amended as follows:
“Article 33. Formulation, appraisal and approval of planning, plans and list of investment projects
1. The formulation, appraisal and approval of the planning under the national planning; socio-economic development planning; sector and regional development planning; and land use planning shall be conformable to the socio-economic development strategy and orientation and capability of the economy.
2. The formulation, appraisal and approval of the list of investment projects shall be conformable to the planning decided or approved by the competent authority; socio-economic development plans; plans for development of sectors, regions, fields and products; land use plans.”;
c) Clause 1 of Article 34 is amended as follows:
“1. The formulation and appraisal of the investment projects shall be conformable to the planning decided or approved by the competent authority; socio-economic development plans; sector and regional development plans; land use plans; list of investment projects in accordance with regulations and standards on construction.”.
9. The socio-economic development planning and comprehensive socio-economic development planning which are specified in the Law on National Defense No. 39/2005/QH11, Law on Radio Frequencies No. 42/2009/QH12, Law on Education No. 38/2005/QH11 already amended in the Law on amendments to certain articles of the Law on Education No 44/2009/QH12, Law on Vietnamese Sea No. 18/2012/QH13, Law on Natural disaster management No. 33/2013/QH13, Law on Housing No. 65/2014/QH13, Law on the People’s Public Security Forces No.73/2014/QH13, Law On Natural Resources and Environment of Sea And Islands No. 82/2015/QH13, Law on Access to Information No. 104/2016/QH13, Law on Tourism No.09/2017/QH14, Ordinance on Plant Varieties No. 15/2004/PL-UBTVQH11, Ordinance on Livestock Breeds No. 16/2004/PL- UBTVQH11, Ordinance on Population No. 08/2008/PL-UBTVQH12 already amended in the Ordinance on amendments to Article 10 of the Ordinance on Population No. 08/2008/PL-UBTVQH12 and other legislative documents shall be replaced with the planning decided or approved by the competent authority.
1. This Law comes into force from January 01, 2019.
2. The regulations of this Law on formulation and appraisal of the national planning, regional planning and regional planning come into force from March 01, 2018.
The Government shall provide funding for formulation and appraisal of the planning specified in this Clause in accordance with regulations of the Law on Public Investment and Law on State Budget.
1. The planning already decided or approved in accordance with regulations of Law before the effective date of this Law shall be implemented as follows:
a) The national, regional and provincial planning shall be implemented until the end of the planning period. If the contents of such planning are inconsistent with regulations of this Law, such contents shall be adjusted as prescribed by this Law;
b) The detailed planning specified in Appendix 2 of this Law shall continue to be implemented in accordance with relevant regulations of law. If the contents of such planning are inconsistent with the planning at a higher level that is already decided or approved as prescribed by this Law, such contents shall be adjusted to be consistent with the planning at a higher level;
c) The planning integrated into the national, regional and provincial planning shall be implemented until the national, regional and provincial planning are decided or approved as prescribed by this Law, except for the case prescribed in Point b of this Clause;
d) The planning for investment in and development of specific goods, services and products, determination of the volume of goods, services and produced and sold products that is decided or approved is null and void no later than December 31, 2018.
2. The national, regional and provincial planning already that are formulated and appraised before the effective date of this Law but are yet to be decided or approved shall be decided or approved as prescribed by this Law.
3. The planning already decided or approved by the competent authority according to the planning announced before the effective date of this Law shall be implemented until the expiry of such planning in accordance with regulations of law.
4. The Government shall review and issue the list of planning set forth in Point c and Point d, Clause 1 of this Article and Point 39 of the Appendix 2 before December 31, 2018.
5. The Government shall review and request the National Assembly to amend the regulations on planning which are specified in codes and laws on the list provided in the Appendix 3 of this Law and other legislative documents to ensure conformity with the Law on Planning and which come into force no later than January 01, 2019.
This Law was passed by the 14th National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam, at its 4th session on November 24, 2017.
|
CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY |
APPENDIX
(Enclosed with the Law on Planning No. 21/2017/QH14)
APPENDIX I
LIST OF NATIONAL SECTOR PLANNING
No. |
NAME OF PLANNING |
I |
INFRASTRUCTURE |
1. |
Road network planning |
2. |
Rail network planning |
3. |
Comprehensive planning for seaport system development |
4. |
Comprehensive planning for development of national airport and aerodrome system |
5. |
Inland waterway infrastructure planning |
6. |
National hydrometeorological station network planning |
7. |
Comprehensive energy planning |
8. |
Power development planning |
9. |
Oil and gas storage and supply infrastructure planning |
10. |
Information and communication infrastructure planning |
11. |
Press agency, broadcasting and electronic information establishment and publisher network development planning |
12. |
National disaster management and irrigation planning |
13. |
Tourism system planning |
14. |
Culture and sports facility network planning |
15. |
Public science and technology organization network planning |
16. |
Higher education institution and pedagogical institution network planning |
17. |
Planning for system of specialized educational institutions for disabled people and system of inclusive education development support centers |
18. |
Vocational education institution network planning |
19. |
Social support center network planning |
20. |
Planning for system of sanatoriums taking care of people with meritorious services to the revolution |
21. |
Fishing port and anchorage system planning |
22. |
Health facility network planning |
23. |
Comprehensive planning for national reserve warehouse system |
24. |
Planning for systems of national defense works, military zones, ammunition depots and national defense industry |
25. |
Fire prevention and fighting infrastructure planning |
26. |
Urban and rural system planning |
27. |
National defense and security education center network planning |
II |
USE OF NATURAL RESOURCES |
28. |
Comprehensive planning for sustainable extraction and use of coastal resources |
29. |
Planning for geological baseline surveys of minerals |
30. |
Water resource planning |
31. |
Planning for exploration, extraction, processing and use of radioactive ores |
32. |
Planning for exploration, extraction, processing and use of minerals |
33. |
Planning for exploration, extraction, processing and use of minerals used as building materials |
34. |
Forestry planning |
35. |
Aquatic resource protection and extraction planning |
36. |
National defense land use planning |
37. |
Security land use planning |
III |
ENVIRONMENTAL PROTECTION |
38. |
Environmental protection planning |
IV |
BIODIVERSITY CONSERVATION |
39. |
Comprehensive biodiversity conservation planning |
APPENDIX II
No. |
NAME OF PLANNING |
REGULATED BY |
1. |
District-level planning for land use |
Law on Land No. 45/2013/QH13 |
2. |
National comprehensive environmental monitoring planning |
Law on Environmental Protection No. 55/2014/QH13 |
3. |
Comprehensive planning for inter-provincial river basins and watercourses |
Law on Water Resources No. 17/2012/QH13 |
4. |
Planning for protection, extraction and use of international water resources |
Law on Water Resources No. 17/2012/QH13 |
5. |
Comprehensive planning for baseline survey of water resources |
Law on Water Resources No. 17/2012/QH13 |
6. |
Planning for zones free of the harmful organisms |
Law on Plant Protection and Quarantine No. 41/2013/QH13 |
7. |
Irrigation planning |
Law on Irrigation No.08/2017/QH14 |
8. |
Planning for flood control on river routes with dikes |
Law on Dikes No. 79/2006/QH11 |
9. |
Dike planning |
Law on Dikes No. 79/2006/QH11 |
10. |
Planning for residential areas and production areas for natural disaster adaptation; |
Law on Natural disaster management No. 33/2013/QH13 |
11. |
Construction planning |
Law on Construction No.50/2014/QH13 |
12. |
Relic preservation and rehabilitation planning |
Law on Cultural Heritages No. 28/2001/QH10 amended in the Law on amendments to certain articles of the Law on Cultural Heritages No. 32/2009/QH12 |
13. |
Archaeological planning |
Law on Cultural Heritages No. 28/2001/QH10 amended in the Law on amendments to certain articles of the Law on Cultural Heritages No. 32/2009/QH12 |
14. |
Planning for the system of orthopedic and functional rehabilitation establishments and care homes for disabled people |
Law on Disabled People No. 51/2010/QH12 |
15. |
Planning for aged care homes |
Law on Elderly People No. 39/2009/QH12 |
16. |
Higher education institution network planning |
Law on Higher Education No. 08/2012/QH13 |
17. |
Provincial planning for a network of vocational education institutions of Ministries and ministerial authorities |
Law on Vocational Education No. 74/2014/QH13 |
18. |
Border checkpoint planning; railway line and station planning; airport and aerodrome planning |
Law on National Border No. 06/2003/QH11; Law on Railway No. 06/2017/QH14; Law on Vietnam Civil Aviation No.66/2006/QH11 amended in the Law on amendments to certain articles of the Law on Vietnam Civil Aviation No. 61/2014/QH13 |
19. |
Planning for flight information regions |
Law on Vietnam Civil Aviation No. 66/2006/QH11 amended in the Law on amendments to certain articles of the Law on Vietnam Civil Aviation No. 61/2014/QH13 |
20. |
Detailed planning for a cluster of seaports, ports, wharves, floating terminals and dedicated waters |
Vietnam Maritime Code No. 95/2015/QH13 |
21. |
Detailed planning for development of seaport land and waters |
Vietnam Maritime Code No. 95/2015/QH13 |
22. |
Inland port system development planning |
Vietnam Maritime Code No. 95/2015/QH13 |
23. |
Road traffic infrastructure planning |
Law on Road Traffic No. 23/2008/QH12 |
24. |
Atomic energy development and application planning |
Law on Atomic Energy No. 18/2008/QH12 |
25. |
Nuclear power development planning |
Law on Atomic Energy No. 18/2008/QH12 |
26. |
Health facility system planning |
Law on Medical Examination and Treatment No. 40/2009/QH12 |
27. |
National telecommunications development planning |
Law on Telecommunications No. 41/2009/QH12 |
28. |
Planning for telecommunications number storages |
Law on Telecommunications No. 41/2009/QH12 |
29. |
Internet resource planning |
Law on Telecommunications No. 41/2009/QH12 |
30. |
Passive telecommunications infrastructure planning |
Law on Telecommunications No. 41/2009/QH12 |
31. |
Planning for radio frequencies |
Law on Radio Frequencies No. 42/2009/QH12 |
32. |
Public postal network development planning |
Law on Post No. 49/2010/QH12 |
33. |
Detailed planning for a network of national reserve warehouses |
Law on National Reserve No. 22/2012/QH13 |
34. |
Planning for national defense works and military zones |
Law on National Defense No. 39/2005/QH11 |
35. |
National sea use planning |
Law on Vietnamese Sea No. 18/2012/QH13 |
36. |
Outdoor advertising planning |
Law on Advertising No. 16/2012/QH13 |
37. |
Planning for animal epidemic-free zones and establishments |
Law on Veterinary Medicine No. 79/2015/QH13 |
38. |
Planning for state-owned testing system |
Law on Pharmacy No. 105/2016/QH13 |
39. |
Other detailed planning to be integrated into the system of national planning |
|
APPENDIX III
LIST OF CODES AND LAWS CONTAINING REGULATIONS RELATING TO THE PLANNING TO BE AMENDED
No. |
NAME OF CODES AND LAWS |
POINTS, CLAUSES AND ARTICLES TO BE AMENDED |
1. |
Vietnam Maritime Code No. 95/2015/QH13 |
Clause 2 of Article 7, Clause 12, Article 12, Article 44, Article 46, Clause 1 of Article 48, Article 81, Points a and b, Clause 1 of Article 82, Clause 1 of Article 88, Clause 1 of Article 92, Point dd, Clause 1 of Article 126 |
2. |
Law on Inland Waterway Navigation No. 23/2004/QH11 amended in the Law on amendments to certain articles of the Law on Inland Waterway Navigation No. 48/2014/QH13 |
Clause 1 of Article 3, Article 10, Clause 3 of Article 13, Clause 4 of Article 99 and Clause 2 of Article 100 |
3. |
Law on Road Traffic No. 23/2008/QH12 |
Article 6, Clause 2 of Article 46, Clause 3 of Article 64 and Clause 1 of Article 84 |
4. |
Law on Chemicals No. 06/2007/QH12 |
Article 8, Article 9, Clause 3 of Article 49 |
5. |
Law on Biodiversity No. 20/2008/QH12 |
Article 8, Article 10, Article 11, Article 12, Article 13, Article 14, Article 15, Clause 1 of Article 24 |
6. |
Law on Tobacco Harm Prevention No. 09/2012/QH13 |
Clause 3 of Article 4, Article 20, Clause 1 of Article 21 |
7. |
Law on Environmental Protection No. 55/2014/QH13 |
Article 21 of Article 3, Article 8, Article 9, Clause 2 of Article 10, Article 11, Article 12, Clause 1 of Article 13, Article 40, Clauses 1 and 5 of Article 49, Clause 1 of Article 52, Article 94, Article 98, Point a, Clause 3 of Article 142 |
8. |
Law on Natural Resources and Environment of Sea And Islands No. 82/2015/QH13 |
Article 26, Article 27, Article 28, Article 29, Article 30, Article 31, Article 32 |
9. |
Law on Land No. 45/2013/QH13 |
Article 35, Clauses 1 and 2 of Article 38, Clause 1 of Article 39, Clause 1 of Article 40, Article 41, Article 42, Articles 43, 44, Article 45, Article 46, Article 48, Clause 1 of Article 151 |
10. |
Law on Minerals No. 60/2010/QH12 |
Clauses 1 and 3 of Article 3, Clause 1 of Article 4, Article 10, Clause 1 of Article 11, Article 12, Article 13, Article 14, Article 15, Clause 1 of Article 26, Point b, Clause 2 of Article 40, Point b, Clause 1 of Article 47, Point a, Clause 2 of Article 53, Point b, Clauses 2 and Clause 3 of Article 80, Point c, Clause 1 of Article 81 |
11. |
Law on Water Resources No. 17/2012/QH13 |
Clause 2 of Article 10, Article 11, Point a, Clause 1 of Article 14, Article 15, Article 16, Article 17, Article 18, Article 20, Article 21, Article 22, Article 24, Clause 3 of Article 50, Point b, Clause 1 of Article 55. , Points a and b, Clause 2 of Article 70 |
12. |
Law on Hydrometeorology No. 90/2015/QH13 |
Article 11 |
13. |
Law on Electricity No. 28/2004/QH11 amended in the Law on amendments to certain articles of the Law on Electricity No. 24/2012/QH13 |
Article 8, Article 8a, Article 9, Article 10 |
14. |
Law on Science and Technology No. 29/2013/QH13 |
Article 10, Clauses 2 and 3 of Article 67 |
15. |
Law on Higher Education No. 08/2012/QH13 |
Article 11, Point a, Clause 1 of Article 22 |
16. |
Law on Construction No. 50/2014/QH13 |
Point a, Clause 1 and Point a, Clause 2 of Article 14, Article 16, Article 20, Clause 5 of Article 34, Article 35, Article 40, Article 41, Article 42, Article 43 |
17. |
Law on Urban Planning No. 30/2009/QH12 |
Clause 2 of Article 17, Article 1 of Article 24 , Clause 1 of Article 47, Article 53, Article 54, Article 55 |
18. |
Law on Notarization No. 53/2014/QH13 |
Clause 1 of Article 18, Clause 1 of Article 24, Points b and c, Clause 2 of Article 69, Point b, Clause 1 of Article 70 |
19. |
Law on Dikes No. 79/2006/QH11 |
Article 12, Article 13, Article 14, Article 16, Article 17, Article 18, Article 19 |
20. |
Law on Children No.102/2016/QH13 |
Clause 2 of Article 45, Clauses 1 and 2 of Article 57 |
21. |
Law on Investment No. 67/2014/QH13 |
Clause 1 of Article 20, Article 21 |
22. |
Law on Public Investment No. 49/2014/QH13 |
Article 8, Article 9, Article 10, Point d, Clause 2 of Article 21, Clause 2 of Article 40, Point b, Clause 2 of Article 47 |
23. |
Law on Pharmacy No. 105/2016/QH13 |
Point c, Clause 1 of Article 10 |
24. |
Law on Economical and Efficient Use of Energy No. 50/2010/QH12 |
Point b, Clause 1 and Clause 2 of Article 6 |
25. |
Law on Irrigation No. 08/2017/QH14 |
Clause 5 of Article 11, Article 12, Article 13, Article 14, Point b, Clause 1 of Article 57 |
Văn bản liên quan
Cập nhật
Điều 15. Nhiệm vụ lập quy hoạch
Điều 19. Lấy ý kiến về quy hoạch
Điều 22. Nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia
Điều 23. Nội dung quy hoạch không gian biển quốc gia
Điều 24. Nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia
Điều 25. Nội dung quy hoạch ngành quốc gia
Điều 26. Nội dung quy hoạch vùng
Điều 27. Nội dung quy hoạch tỉnh
Điều 30. Hội đồng thẩm định quy hoạch
Điều 41. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch
Điều 15. Nhiệm vụ lập quy hoạch
Điều 17. Tổ chức tư vấn lập quy hoạch
Điều 19. Lấy ý kiến về quy hoạch
Điều 22. Nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia
Điều 23. Nội dung quy hoạch không gian biển quốc gia
Điều 24. Nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia
Điều 25. Nội dung quy hoạch ngành quốc gia
Điều 26. Nội dung quy hoạch vùng
Điều 27. Nội dung quy hoạch tỉnh
Điều 30. Hội đồng thẩm định quy hoạch
Điều 40. Hình thức công bố quy hoạch
Điều 41. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch