Chương IV Nghị định 08/2022/NĐ-CP : Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất,kinh doanh,dịch vụ,đô thị,nông thôn và một số lĩnh vực
Số hiệu: | 08/2022/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Lê Văn Thành |
Ngày ban hành: | 10/01/2022 | Ngày hiệu lực: | 10/01/2022 |
Ngày công báo: | 30/01/2022 | Số công báo: | Từ số 169 đến số 170 |
Lĩnh vực: | Tài nguyên - Môi trường | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
04 nhóm ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề
Đây là nội dung tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Theo đó, không khuyến khích phát triển tại các làng nghề đối với 04 nhóm ngành, nghề sau:
- Ngành, nghề sản xuất không thuộc ngành nghề nông thôn theo quy định của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
- Ngành, nghề thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục II;
- Ngành, nghề sử dụng nhiên liệu, nguyên liệu hoặc hóa chất dễ cháy, dễ nổ, hóa chất nguy hiểm, hóa chất hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật về hóa chất;
- Ngành, nghề sử dụng dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị lạc hậu thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
Cơ sở, HGĐ sản xuất trong làng nghề thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển phải thực hiện các quy định về đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Nghị định 08/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/01/2022.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Làng nghề được công nhận phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và kế hoạch chuyển đổi ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề, kế hoạch di dời cơ sở, hộ gia đình ra khỏi làng nghề đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
3. Nội dung của phương án bảo vệ môi trường làng nghề, bao gồm:
a) Thông tin chung về làng nghề;
b) Loại hình, quy mô sản xuất của làng nghề;
c) Tình trạng phát sinh khí thải, nước thải, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại; các công trình bảo vệ môi trường của làng nghề;
d) Kế hoạch xây dựng, triển khai, vận hành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường: xử lý khí thải, nước thải, khu vực tập kết chất thải rắn, khu xử lý chất thải rắn (nếu có) và các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường khác;
đ) Chương trình quan trắc, giám sát chất thải theo quy định;
e) Tổ chức thực hiện phương án bảo vệ môi trường; nhu cầu kinh phí thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề;
g) Kế hoạch thực hiện việc chuyển đổi ngành, nghề sản xuất của cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành nghề không khuyến khích phát triển tại địa phương hoặc di dời cơ sở, hộ gia đình sản xuất theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
4. Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề được Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập; hoạt động theo quy chế do Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành và có trách nhiệm sau đây:
a) Tham gia quản lý, vận hành, duy tu, cải tạo các công trình thuộc hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp xã;
b) Phổ biến, theo dõi, đôn đốc các cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề thực hiện các quy định bảo vệ môi trường quy định tại Điều 34 Nghị định này;
c) Tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề; nội dung bảo vệ môi trường trong hương ước, quy ước của làng nghề; tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho môi trường;
d) Tham gia, phối hợp kiểm tra việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở trong làng nghề khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
đ) Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã về hiện trạng hoạt động, tình hình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; khi phát hiện dấu hiệu về ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường hoặc các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong làng nghề;
e) Thực hiện các nhiệm vụ khác về bảo vệ môi trường theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải thực hiện các quy định về đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Công trình bảo vệ môi trường của cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải đáp ứng các yêu cầu sau:
1. Có hệ thống thu gom, thoát nước mưa, nước thải theo quy định của chính quyền địa phương, bảo đảm phù hợp với hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề.
2. Có công trình xử lý nước thải hoặc công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong trường hợp hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
3. Có công trình xử lý khí thải hoặc công trình, thiết bị xử lý khí thải tại chỗ đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong trường hợp có phát sinh khí thải phải xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện các giải pháp kỹ thuật để giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
5. Có biện pháp, công trình thu gom, lưu giữ chất thải rắn theo quy định của pháp luật.
1. Ngành, nghề sản xuất không khuyến khích phát triển tại làng nghề, bao gồm:
a) Ngành, nghề sản xuất không thuộc ngành nghề nông thôn theo quy định của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
b) Ngành, nghề thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Ngành, nghề sử dụng nhiên liệu, nguyên liệu hoặc hóa chất dễ cháy, dễ nổ, hóa chất nguy hiểm, hóa chất hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật về hóa chất;
d) Ngành, nghề sử dụng dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị lạc hậu thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
2. Cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề đó theo quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm thực hiện quy định tại Điều 34 Nghị định này và tuân thủ kế hoạch chuyển đổi ngành, nghề sản xuất hoặc di dời trong phương án bảo vệ môi trường làng nghề quy định tại điểm g khoản 3 Điều 33 Nghị định này.
3. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong làng nghề là cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong làng nghề có hành vi vi phạm quy định về xả nước thải, thải bụi, khí thải, gây ô nhiễm tiếng ồn, độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải hoặc chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn, chất thải nguy hại trái quy định về bảo vệ môi trường, đến mức bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
4. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường kéo dài trong làng nghề là cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong làng nghề có hành vi vi phạm quy định về xả nước thải, thải bụi, khí thải, gây ô nhiễm tiếng ồn, độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải hoặc chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn, chất thải nguy hại trái quy định về bảo vệ môi trường, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tiếp tục tái phạm và hết thời hạn khắc phục hậu quả vi phạm vẫn chưa khắc phục được.
5. Việc lập, phê duyệt kế hoạch chuyển đổi ngành nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề, di dời cơ sở, hộ gia đình sản xuất ra khỏi làng nghề được thực hiện như sau:
a) Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện danh sách cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề; cơ sở, hộ gia đình không thực hiện kế hoạch chuyển đổi ngành, nghề và các trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này;
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt kế hoạch chuyển đổi ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề, di dời cơ sở, hộ gia đình ra khỏi làng nghề;
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch chuyển đổi ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề, di dời cơ sở, hộ gia đình ra khỏi làng nghề, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
1. Việc lập, thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản được quy định như sau:
a) Chủ dự án đầu tư khai thác khoáng sản quy định tại điểm a khoản 2 Điều 67 Luật Bảo vệ môi trường lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường và được thẩm định trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;
b) Chủ cơ sở khai thác khoáng sản quy định tại điểm b khoản 2 Điều 67 Luật Bảo vệ môi trường hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng không có phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định thì bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường. Trường hợp cơ sở thuộc đối tượng phải cấp giấy phép môi trường thì buộc lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường trong đó có phương án cải tạo, phục hồi môi trường và được thẩm định trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường; trường hợp cơ sở không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép môi trường thì buộc lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường và được thẩm định theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều này;
c) Chủ cơ sở khai thác khoáng sản quy định tại điểm b khoản 2 Điều 67 Luật Bảo vệ môi trường thuộc đối tượng phải cấp giấy phép môi trường có thay đổi nội dung cải tạo, phục hồi môi trường so với phương án đã được phê duyệt thì lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường, trong đó có phương án cải tạo, phục hồi môi trường với nội dung được thay đổi và được thẩm định trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường; trường hợp cơ sở không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép môi trường thì lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường và được thẩm định theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều này;
d) Chủ cơ sở khai thác khoáng sản quy định tại điểm c khoản 2 Điều 67 Luật Bảo vệ môi trường lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường là một phần của đề án đóng cửa mỏ khoáng sản của dự án khai thác khoáng sản và được thẩm định trong quá trình thẩm định đề án đóng cửa mỏ khoáng sản.
2. Hồ sơ đề nghị thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với trường hợp cơ sở không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép môi trường quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này, bao gồm:
a) 01 văn bản đề nghị thẩm định của chủ cơ sở;
b) 01 bản phương án cải tạo, phục hồi môi trường;
c) 01 bản sao báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường đơn giản hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được phê duyệt hoặc xác nhận.
3. Thời hạn thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này là không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Trong thời hạn quy định tại khoản này, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ cơ sở về kết quả thẩm định. Thời gian chủ cơ sở chỉnh sửa, bổ sung phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan thẩm định và thời gian xem xét, ra quyết định phê duyệt quy định tại khoản 6 Điều này không tính vào thời hạn thẩm định.
4. Nội dung thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường, bao gồm:
a) Cơ sở pháp lý, sự phù hợp về cấu trúc và nội dung của phương án cải tạo, phục hồi môi trường với các quy định hiện hành;
b) Sự phù hợp của nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường với các yêu cầu về bảo vệ môi trường, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh (nếu có), quy hoạch sử dụng đất có liên quan;
c) Cơ sở tính toán khối lượng các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường và kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường; tính chính xác, đầy đủ khối lượng và dự toán kinh phí, tính phù hợp của phương thức ký quỹ.
5. Việc thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện thông qua hội đồng thẩm định do cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 8 Điều này thành lập. Hội đồng thẩm định có ít nhất là 07 thành viên, bao gồm: Chủ tịch hội đồng, Phó Chủ tịch hội đồng (trong trường hợp cần thiết) và phải có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là chuyên gia. Chuyên gia là thành viên hội đồng phải có chuyên môn về môi trường, khoáng sản hoặc lĩnh vực khác có liên quan và có kinh nghiệm công tác đáp ứng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 34 Luật Bảo vệ môi trường.
Chuyên gia tham gia xây dựng phương án cải tạo, phục hồi môi trường không được tham gia hội đồng thẩm định phương án đó.
Trong trường hợp cần thiết, cơ quan thẩm định tổ chức khảo sát thực tế, lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức và chuyên gia để phục vụ cho hoạt động thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường.
Trong thời gian thẩm định, trường hợp có yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung phương án cải tạo, phục hồi môi trường, cơ quan thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ dự án đầu tư để thực hiện. Trong thời hạn tối đa 12 tháng kể từ ngày có văn bản yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung của cơ quan thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường, chủ cơ sở có trách nhiệm hoàn thiện phương án cải tạo, phục hồi môi trường gửi cơ quan thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường kèm theo văn bản giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định. Sau thời hạn này, việc thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.
6. Kết quả thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường được thể hiện bằng quyết định phê duyệt kết quả thẩm định. Trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu (nếu có), cơ quan thẩm định có trách nhiệm ra quyết định phê duyệt kết quả thẩm định; trường hợp không phê duyệt thì phải trả lời bằng văn bản cho chủ cơ sở và nêu rõ lý do. Hồ sơ phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu (nếu có) bao gồm:
a) 01 văn bản giải trình ý kiến thẩm định;
b) 01 bản phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được chỉnh sửa, bổ sung.
7. Việc gửi hồ sơ đề nghị thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường, thông báo kết quả thẩm định phương án được thực hiện thông qua một trong các hình thức gửi trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc hệ thống dịch vụ công trực tuyến theo lộ trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
8. Thẩm quyền thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này được quy định như sau:
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với các cơ sở khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với các cơ sở khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
9. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành mẫu văn bản đề nghị thẩm định, quy định hoạt động của hội đồng thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường quy định tại Điều này.
1. Số tiền ký quỹ phải được tính toán bảo đảm đủ kinh phí để cải tạo, phục hồi môi trường căn cứ vào các nội dung cải tạo, phục hồi môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Việc tính toán số tiền ký quỹ phải áp dụng định mức, đơn giá của địa phương tại thời điểm lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường. Trường hợp địa phương không có định mức, đơn giá thì áp dụng theo định mức, đơn giá của bộ, ngành tương ứng. Trong trường hợp bộ, ngành không có đơn giá thì áp dụng theo giá thị trường.
3. Tính toán số tiền ký quỹ:
a) Tổng số tiền ký quỹ (chưa bao gồm yếu tố trượt giá) bằng tổng kinh phí của các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường. Phương pháp tính và dự toán chi phí cải tạo, phục hồi môi trường được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Số tiền ký quỹ hằng năm (chưa bao gồm yếu tố trượt giá) được tính bằng tổng số tiền ký quỹ trừ đi số tiền ký quỹ lần đầu sau đó chia đều cho các năm còn lại theo thời gian trong dự án đầu tư hoặc giấy phép khai thác khoáng sản;
c) Tổ chức, cá nhân nộp số tiền ký quỹ hằng năm phải tính đến yếu tố trượt giá và được xác định bằng số tiền ký quỹ hằng năm quy định tại điểm b khoản này nhân với chỉ số giá tiêu dùng của các năm trước đó tính từ thời điểm phương án, phương án bổ sung được phê duyệt. Chỉ số giá tiêu dùng hằng năm áp dụng theo công bố của Tổng cục Thống kê cho địa phương nơi khai thác khoáng sản hoặc cơ quan có thẩm quyền.
4. Thời gian ký quỹ:
a) Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản mới, thời gian ký quỹ được xác định theo dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nhưng tối đa không được quá 30 năm;
b) Trường hợp tổ chức, cá nhân đã có giấy phép khai thác khoáng sản: thời gian ký quỹ xác định theo thời hạn còn lại trong giấy phép khai thác khoáng sản tính từ thời điểm phê duyệt phương án;
c) Trường hợp giấy phép khai thác có thời hạn khai thác khác với thời gian đã tính trong phương án đã phê duyệt thì tổ chức, cá nhân điều chỉnh nội dung và tính toán số tiền ký quỹ theo thời gian trong giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp và gửi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án để xem xét, điều chỉnh.
5. Phương thức ký quỹ:
a) Trường hợp tổ chức, cá nhân có giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn nhỏ hơn hoặc bằng 01 năm thì thực hiện ký quỹ một lần. Mức tiền ký quỹ bằng 100% số tiền được phê duyệt, có tính yếu tố trượt giá tại thời điểm ký quỹ;
b) Trường hợp tổ chức, cá nhân có giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn từ 01 năm trở lên thì được phép ký quỹ nhiều lần. Số tiền ký quỹ lần đầu phải tính tới yếu tố trượt giá tại thời điểm ký quỹ và được xác định như sau:
Giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn dưới 10 năm: mức ký quỹ lần đầu bằng 25% tổng số tiền ký quỹ.
Giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn từ 10 năm đến dưới 20 năm: mức ký quỹ lần đầu bằng 20% tổng số tiền ký quỹ.
Giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn từ 20 năm trở lên: mức ký quỹ lần đầu bằng 15% tổng số tiền ký quỹ;
c) Số tiền ký quỹ có tính tới yếu tố trượt giá được tổ chức, cá nhân tự kê khai, nộp tiền ký quỹ và thông báo cho quỹ bảo vệ môi trường nơi ký quỹ;
d) Tiền ký quỹ được hưởng lãi suất bằng lãi suất cho vay của quỹ bảo vệ môi trường nơi ký quỹ và được tính từ thời điểm ký quỹ.
6. Thời điểm ký quỹ và tiếp nhận tiền ký quỹ:
a) Tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản thực hiện ký quỹ lần đầu trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày được phê duyệt phương án, phương án bổ sung;
b) Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản mới thực hiện ký quỹ lần đầu trước ngày đăng ký bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ;
c) Trường hợp ký quỹ nhiều lần, việc ký quỹ từ lần thứ hai trở đi phải thực hiện trong khoảng thời gian không quá 07 ngày, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền công bố chỉ số giá tiêu dùng của năm trước năm ký quỹ;
d) Nơi nhận tiền ký quỹ được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 137 Luật Bảo vệ môi trường;
đ) Nơi tiếp nhận tiền ký quỹ có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác của khoản tiền ký quỹ và cấp giấy xác nhận đã ký quỹ cho tổ chức, cá nhân.
7. Việc hoàn trả khoản tiền ký quỹ trên cơ sở tiến độ tổ chức, cá nhân đã hoàn thành nội dung cải tạo, phục hồi môi trường. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án đóng cửa mỏ của dự án khai thác khoáng sản kiểm tra việc hoàn thành phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong giai đoạn nghiệm thu kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ. Nội dung hoàn thành phương án cải tạo, phục hồi môi trường là một phần của nội dung quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản:
a) Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản, nơi nhận tiền ký quỹ hoàn trả tiền ký quỹ cho tổ chức, cá nhân;
b) Tổ chức, cá nhân chỉ được rút tiền lãi một lần sau khi có quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản;
c) Việc hoàn trả khoản tiền ký quỹ đối với tổ chức, cá nhân trả lại hoặc bị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản được thực hiện sau khi có quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản.
8. Trường hợp có thay đổi tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản thì tổ chức, cá nhân mới có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và thông báo cho cơ quan thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường, cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh.
9. Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã ký quỹ nhưng giải thể hoặc phá sản và chưa thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng phương án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án đóng cửa mỏ của dự án khai thác khoáng sản có trách nhiệm sử dụng số tiền đã ký quỹ bao gồm cả tiền lãi để thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường.
10. Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản tại các quỹ bảo vệ môi trường.
1. Chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (sau đây gọi tắt là chất POP) phải được đăng ký miễn trừ theo quy định của Công ước Stockholm được ban hành tại Phụ lục XVII ban hành kèm theo Nghị định này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đăng ký miễn trừ chất POP với Ban Thư ký Công ước Stockholm theo yêu cầu của Công ước Stockholm trên cơ sở tổng hợp, đánh giá hiện trạng, dự báo đăng ký miễn trừ chất POP của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trường hợp Công ước Stockholm có thay đổi yêu cầu về đăng ký miễn trừ thì thực hiện theo các thay đổi này.
2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất POP thuộc Phụ lục XVII ban hành kèm theo Nghị định này làm nguyên liệu sản xuất trực tiếp thực hiện đăng ký miễn trừ chất POP và gửi hồ sơ đăng ký miễn trừ chất POP về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hồ sơ đăng ký bao gồm:
a) 01 văn bản đăng ký miễn trừ chất POP thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục XVIII ban hành kèm theo Nghị định này;
b) 01 báo cáo đăng ký miễn trừ chất POP thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục XIX ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Kết quả quan trắc và giám sát môi trường gần nhất theo quy định của pháp luật.
3. Trình tự, thủ tục đăng ký miễn trừ các chất POP:
a) Tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đăng ký miễn trừ chất POP theo quy định tại khoản 2 Điều này gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký miễn trừ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ; thông báo bằng văn bản về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ cho tổ chức, cá nhân;
c) Sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn kiểm tra để đánh giá hồ sơ đăng ký miễn trừ chất POP theo quy định;
d) Trong thời hạn 45 ngày, kể từ thời điểm nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, căn cứ kết quả kiểm tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo chấp thuận đăng ký miễn trừ chất POP đến tổ chức, cá nhân theo mẫu quy định tại Phụ lục XX ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không chấp thuận đăng ký miễn trừ chất POP thì phải trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân và nêu rõ lý do.
4. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, thông báo chấp thuận đăng ký miễn trừ chất POP của Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ sở để cơ quan hải quan xem xét, cho phép làm thủ tục hải quan đối với các chất POP.
5. Tổ chức, cá nhân nhận ủy thác nhập khẩu các chất POP thuộc Phụ lục XVII ban hành kèm theo Nghị định này cho tổ chức, cá nhân đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận đăng ký miễn trừ các chất POP làm nguyên liệu sản xuất trực tiếp chỉ được phép nhập khẩu đúng chủng loại, khối lượng các chất POP theo thông báo chấp thuận đăng ký miễn trừ chất POP cho tổ chức, cá nhân đăng ký miễn trừ các chất POP. Tổ chức, cá nhân nhận ủy thác nhập khẩu các chất POP thuộc Phụ lục XVII ban hành kèm theo Nghị định này phải chuyển giao toàn bộ các chất POP nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân ủy thác nhập khẩu theo đúng hợp đồng ủy thác.
6. Sau khi hết thời hạn đăng ký miễn trừ theo yêu cầu của Công ước Stockholm, các chất POP thuộc Phụ lục XVII ban hành kèm theo Nghị định này phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.
1. Căn cứ quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy phải thực hiện dán nhãn và công bố thông tin theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Dán nhãn nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Vị trí, kích thước, màu sắc, hình ảnh, ký hiệu, ngôn ngữ của nhãn nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;
b) Nội dung thể hiện trên nhãn nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy, bao gồm: tên và hàm lượng chất ô nhiễm khó phân hủy được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị hoặc thông tin về việc đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế có liên quan đến chất ô nhiễm khó phân hủy và các thông tin khác theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
3. Đối với nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm hoàn chỉnh không có bao bì thương phẩm, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh phải gửi thông báo về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo mẫu do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định và thực hiện việc công bố thông tin chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu theo nội dung quy định tại điểm b khoản 2 Điều này trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân.
4. Tổ chức, cá nhân sản xuất nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy phải dán nhãn, công bố thông tin chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này sau khi thực hiện đánh giá sự phù hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 40 Nghị định này và trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
5. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh không thực hiện đúng các quy định về việc dán nhãn, công bố thông tin đối với nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy phải thực hiện các biện pháp khắc phục, thu hồi, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
1. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất phải gửi văn bản tới Bộ Tài nguyên và Môi trường kèm theo kết quả đánh giá sự phù hợp đối với nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy sau khi được thông quan và trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
2. Việt Nam công nhận, thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp đối với nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy do tổ chức quốc tế, quốc gia có năng lực thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy trước khi dán nhãn, công bố thông tin phải lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp để thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường tương ứng.
4. Tổ chức đánh giá sự phù hợp là tổ chức được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường đối với chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy.
5. Việc kiểm tra đối với chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Mẫu quyết định thành lập đoàn kiểm tra, biên bản kiểm tra và kết quả đánh giá sự phù hợp do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định. Trường hợp phát hiện chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường tương ứng, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh phải bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và công khai thông tin theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
1. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy phải bảo đảm không vượt quá giới hạn tối đa cho phép theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm tiêu hủy, xử lý an toàn chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy vượt giới hạn tối đa cho phép bằng hình thức tự xử lý theo công nghệ phù hợp đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường hoặc chịu toàn bộ trách nhiệm và chi phí tiêu hủy, xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu chất POP thuộc Phụ lục XVII ban hành kèm theo Nghị định này phải có văn bản thông báo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về khối lượng và tên chất POP trước khi thực hiện hoạt động nhập khẩu đối với từng lô hàng.
3. Tổ chức, cá nhân sản xuất chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy và tổ chức, cá nhân sử dụng chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy làm nguyên liệu sản xuất trực tiếp có trách nhiệm sau đây:
a) Hằng năm, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về khối lượng, chủng loại chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy được quy định tại quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị. Nội dung báo cáo được tích hợp trong báo cáo công tác bảo vệ môi trường;
b) Có kế hoạch ngừng sản xuất, sử dụng chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy trong trường hợp vượt giới hạn tối đa cho phép theo quy định;
c) Thực hiện các biện pháp thu gom, lưu giữ, xử lý và quản lý an toàn chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy theo quy định;
d) Chuyển giao chất thải có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy cho tổ chức, cá nhân có đủ năng lực xử lý theo quy định.
4. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường đất có trách nhiệm đánh giá, cảnh báo rủi ro và xử lý, cải tạo phục hồi môi trường đối với khu vực đất bị ô nhiễm chất ô nhiễm khó phân hủy theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tổ chức thực hiện việc đăng ký miễn trừ các chất POP và kiểm tra, giám sát việc ngừng nhập khẩu, sản xuất, sử dụng các chất POP làm nguyên liệu sản xuất theo quy định về đăng ký miễn trừ các chất POP; đánh giá nhu cầu sản xuất, sử dụng các chất POP; kiểm soát nguồn phát sinh, đánh giá sự phù hợp và kiểm tra đối với chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy theo quy định của pháp luật; ký thỏa thuận công nhận, thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp đối với nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy với các tổ chức quốc tế, quốc gia có năng lực theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
a) Bộ Công Thương, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường và cung cấp, chia sẻ thông tin thuộc lĩnh vực ngành, địa phương mình phụ trách về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng đối với chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy theo quy định tại các Điều 38, 39 và 40 Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan;
b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm đánh giá, xác định, cảnh báo rủi ro, xử lý và cải tạo, phục hồi đối với khu vực đất bị ô nhiễm chất ô nhiễm khó phân hủy do lịch sử để lại hoặc không xác định được tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm theo quy định tại Điều 14 Nghị định này.
1. Đối tượng được phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ được thực hiện theo quy định của Chính phủ về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
2. Điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với cơ sở phá dỡ tàu biển:
a) Có khu vực và thiết bị phá dỡ tàu biển chuyên dụng phù hợp với từng chủng loại và tải trọng tàu, bảo đảm không để rò rỉ, phát tán các chất thải chưa qua xử lý, quản lý ra bên ngoài khu vực phá dỡ gây ô nhiễm môi trường nước, đất và không khí;
b) Có khu vực lưu giữ vật liệu, thiết bị sau khi phá dỡ có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt; sàn bảo đảm kín khít, không rạn nứt, bằng vật liệu chống thấm, đủ độ bền chịu được tải trọng của lượng vật liệu, thiết bị cao nhất theo tính toán. Trường hợp sử dụng bãi lưu giữ phải có hệ thống thu gom và xử lý nước mưa chảy tràn bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
c) Có khu vực lưu giữ chất thải nguy hại; khu vực lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong quá trình phá dỡ tàu biển bảo đảm các yêu cầu theo quy định.
3. Có biện pháp quản lý chất thải và phế liệu trong hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng như sau:
a) Thu gom nhiên liệu, dầu, nước đáy tàu, nước dằn tàu, chất lỏng khác và các vật liệu có khả năng gây cháy, nổ. Tiến hành các biện pháp thông gió, cấp đủ dưỡng khí cho các không gian kín trên tàu (như khoang chứa hàng, đáy đôi, bồn két chứa) để bảo đảm điều kiện làm việc an toàn. Hoạt động này phải được thực hiện trong toàn bộ quá trình phá dỡ;
b) Bóc tách amiăng và PCBs: Trước khi cắt con tàu thành các phần, phải bóc tách, thu gom, vận chuyển amiăng, PCBs khỏi vị trí cắt. Sau khi các phần của con tàu được đưa lên bờ, phải tiếp tục thu gom toàn bộ phần amiăng và PCBs còn lại khi đã dễ dàng tiếp cận hơn. Khu vực bóc tách và thu gom amiăng phải được quây kín để giảm phát tán các sợi amiăng ra môi trường xung quanh, người không phận sự miễn vào. Amiăng phải được làm ẩm trước và trong suốt quá trình bóc tách. Phải bố trí tối thiểu 02 lao động được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động để loại bỏ amiăng, trong đó 01 người chịu trách nhiệm làm ẩm và 01 người bóc tách amiăng. Khu vực bóc tách amiăng trên bờ phải được bố trí ở khu vực riêng biệt với quy trình tương tự;
c) Amiăng sau khi bóc tách phải được đựng trong các bao bì chuyên dụng kín, có ít nhất 02 lớp, sau đó vận chuyển về kho lưu giữ chất thải nguy hại và chuyển giao để xử lý theo đúng quy định;
d) Chất thải lỏng có chứa PCBs phải được lưu chứa trong các bao bì cứng hoặc thiết bị lưu chứa đặt trên các tấm nâng và không cho phép xếp chồng lên nhau. Khu vực lưu giữ chất thải chứa PCBs (dạng rắn và dạng lỏng) phải được cách ly với các chất thải khác và bảo đảm an toàn trước khi chuyển giao để xử lý theo đúng quy định;
đ) Dầu và nhiên liệu phải được bơm về các bồn hoặc thùng chứa riêng (không trộn lẫn) trước khi chuyển về khu vực lưu giữ và chuyển giao để xử lý theo đúng quy định;
e) Đối với vật liệu phi kim được bóc tách ra từ kim loại phải được phân định, phân loại và xử lý theo quy định về quản lý chất thải;
g) Chất thải phóng xạ phát sinh từ quá trình phá dỡ phải được thu gom, lưu giữ, xử lý và quản lý theo đúng quy định về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng theo quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử;
h) Sau khi hoàn thành việc phá dỡ con tàu, trong thời hạn không quá 45 ngày, cơ sở phải chuyển giao toàn bộ chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải xử lý cho đơn vị có chức năng theo quy định.
4. Cơ sở hoạt động phá dỡ tàu biển phải có hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001 được chứng nhận.
1. Tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ phải đáp ứng yêu cầu về chủng loại được phép nhập khẩu theo quy định của Chính phủ về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
2. Tàu biển nhập khẩu để phá dỡ phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) Bảo đảm chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ không vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử;
b) Phải được thu hồi toàn bộ khí C.F.C trong các thiết bị trước khi nhập khẩu vào Việt Nam;
c) Nước dằn tàu không được chứa loài ngoại lai xâm hại hoặc loài có nguy cơ xâm hại thuộc danh mục do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành;
d) Không chứa vũ khí, đạn dược và chất gây nổ;
đ) Đã loại bỏ toàn bộ các hàng hóa lưu giữ trên tàu.
3. Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ. Việc chứng nhận sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ được thực hiện bởi tổ chức chứng nhận sự phù hợp theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất cho dự án đầu tư, cơ sở sản xuất của mình và phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2 Điều 71 Luật Bảo vệ môi trường. Một số yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường cụ thể được quy định như sau:
1. Có cơ sở sản xuất với công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định.
2. Có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm phế liệu nhập khẩu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Trường hợp không có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm thì phải chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để xử lý.
3. Điều kiện về kho hoặc bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu:
a) Kho lưu giữ phế liệu nhập khẩu:
Có hệ thống thu gom nước mưa riêng; có hệ thống thu gom và xử lý các loại nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ phế liệu bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải theo quy định;
Có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt; mặt sàn trong khu vực lưu giữ phế liệu được thiết kế để tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào; sàn bảo đảm kín, chống thấm, chịu được tải trọng của lượng phế liệu cao nhất theo tính toán;
Có tường và vách ngăn bằng vật liệu không cháy; có mái che nắng, mưa cho toàn bộ khu vực lưu giữ phế liệu bằng vật liệu không cháy; có biện pháp hoặc thiết kế để hạn chế gió trực tiếp vào bên trong;
b) Bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu:
Có hệ thống thu gom và xử lý nước mưa chảy tràn qua bãi phế liệu nhập khẩu và các loại nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ phế liệu bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải theo quy định;
Có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt; sàn bảo đảm kín, chống thấm, chịu được tải trọng của lượng phế liệu cao nhất theo tính toán;
Có biện pháp giảm thiểu bụi phát sinh từ bãi lưu giữ phế liệu.
4. Có giấy phép môi trường, trong đó có nội dung sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất hoặc giấy phép môi trường thành phần là giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường, trừ trường hợp quy định tại khoản 18 Điều 168 Nghị định này và trường hợp nhập khẩu phế liệu phát sinh từ hoạt động của khu phi thuế quan, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất.
5. Ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 46 Nghị định này.
6. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu được lựa chọn làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý cửa khẩu nhập hoặc cơ quan hải quan nơi có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu; được lựa chọn địa điểm kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu tại cửa khẩu nhập hoặc tại cơ quan hải quan nơi có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu hoặc tại cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu. Phế liệu nhập khẩu chỉ được phép dỡ xuống cảng khi đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Tổ chức, cá nhân nhận hàng trên Bản lược khai hàng hóa (E-Manifest) có giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần quy định tại khoản 4 Điều này còn hiệu lực và còn khối lượng phế liệu nhập khẩu;
b) Tổ chức, cá nhân nhận hàng trên E-Manifest có Văn bản xác nhận đã ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu đối với phế liệu ghi trên E-Manifest theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 46 Nghị định này.
Cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra các thông tin quy định tại điểm a và b khoản này trước khi cho phép dỡ phế liệu xuống cảng.
7. Đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất
a) Tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất bao gồm: Tổ chức giám định được chỉ định theo quy định của pháp luật; tổ chức giám định nước ngoài được thừa nhận theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường được cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam sau khi đã đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, quy định của Chính phủ về điều kiện kinh doanh đánh giá sự phù hợp và các quy định của pháp luật về kiểm tra chuyên ngành.
8. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất khai thông tin, nộp hồ sơ chứng từ điện tử và làm thủ tục nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan. Ngoài những hồ sơ theo quy định của pháp luật về hải quan, hồ sơ phế liệu nhập khẩu phải có các tài liệu sau đây:
a) Chứng chỉ chất lượng của nước xuất khẩu (nếu có); giấy chứng nhận xuất xứ (nếu có); ảnh hoặc bản mô tả phế liệu;
b) Văn bản xác nhận đã ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu (bản quét từ bản chính có xác thực chữ ký điện tử của tổ chức, cá nhân nhập khẩu);
c) Chứng thư giám định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu;
d) Văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo mẫu quy định tại Phụ lục XXI ban hành kèm theo Nghị định này.
9. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất có trách nhiệm như sau:
a) Nhập khẩu đúng chủng loại, khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu quy định trong giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần quy định tại khoản 4 Điều này;
b) Sử dụng toàn bộ phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất để sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa theo quy định tại Nghị định này;
c) Phân định, phân loại chất thải phát sinh từ quá trình sử dụng phế liệu nhập khẩu để có phương án xử lý chất thải phù hợp;
d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; phối hợp với hiệp hội ngành nghề thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo quy định; thanh toán toàn bộ các khoản chi phí xử lý phế liệu nhập khẩu vi phạm.
10. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật đánh giá sự phù hợp và chứng nhận, thừa nhận tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường, giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất quy định tại Điều này.
1. Mục đích và phương thức ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất:
a) Ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất nhằm bảo đảm tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu;
b) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu thực hiện ký quỹ tại Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh hoặc tổ chức tín dụng nơi tổ chức, cá nhân mở tài khoản giao dịch (sau đây gọi tắt là tổ chức nhận ký quỹ). Việc ký quỹ thực hiện theo từng lô hàng hoặc theo từng hợp đồng có thông tin và giá trị của lô hàng phế liệu nhập khẩu;
c) Tiền ký quỹ được nộp, hoàn trả bằng tiền đồng Việt Nam và được hưởng lãi suất đã thỏa thuận theo quy định của pháp luật.
2. Khoản tiền ký quỹ bảo bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất:
a) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sắt, thép phế liệu phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định như sau:
Khối lượng nhập khẩu dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
Khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn đến dưới 1.000 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
Khối lượng nhập khẩu từ 1.000 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
b) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu giấy phế liệu và nhựa phế liệu phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định như sau:
Khối lượng nhập khẩu dưới 100 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
Khối lượng nhập khẩu từ 100 tấn đến dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 18% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
Khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
c) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định là 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.
3. Quy trình ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất:
a) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải thực hiện ký quỹ trước thời điểm phế liệu dỡ xuống cảng đối với trường hợp nhập khẩu qua cửa khẩu đường biển hoặc nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam đối với các trường hợp khác;
b) Ngay sau khi nhận ký quỹ, tổ chức nhận ký quỹ xác nhận việc ký quỹ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu vào văn bản đề nghị ký quỹ của tổ chức, cá nhân. Nội dung xác nhận ký quỹ phải thể hiện đầy đủ các thông tin sau: tên tài khoản phong tỏa; tổng số tiền ký quỹ được tính toán theo quy định tại Nghị định này; thời hạn hoàn trả tiền ký quỹ thực hiện ngay sau khi hàng hóa được thông quan; thời hạn phong tỏa tài khoản (nếu có);
c) Tổ chức nhận ký quỹ gửi tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu 02 bản chính văn bản xác nhận đã ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu gửi 01 bản chính văn bản xác nhận đã ký quỹ cho cơ quan hải quan nơi làm thủ tục thông quan.
4. Quản lý và sử dụng số tiền ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất:
a) Tổ chức nhận ký quỹ nơi tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất có trách nhiệm phong tỏa số tiền ký quỹ theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức nhận ký quỹ đã nhận ký quỹ có trách nhiệm hoàn trả số tiền ký quỹ cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu sau khi nhận được văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu kèm theo thông tin về số tờ khai hải quan nhập khẩu đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu đã được thông quan hoặc thông tin về việc hủy tờ khai hải quan nhập khẩu của cơ quan hải quan hoặc chấp hành xong quyết định tái xuất, tiêu hủy theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải;
c) Trường hợp phế liệu nhập khẩu không được thông quan và không thể tái xuất được, khoản tiền ký quỹ được sử dụng để thanh toán chi phí xử lý, tiêu hủy phế liệu vi phạm. Nếu số tiền ký quỹ nhập khẩu phế liệu không đủ thanh toán toàn bộ các khoản chi phí để xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu có trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí này. Sản phẩm sau xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm có giá trị sẽ bị tịch thu theo quy định của pháp luật (không bao gồm phần sản phẩm tạo ra từ nguyên liệu, phụ gia hoặc phế liệu khác được phối trộn theo quy trình sản xuất của đơn vị được chỉ định để xử lý phế liệu nhập khẩu vi phạm) và không được hạch toán vào chi phí xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm.
Việc xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm được thực hiện theo quy định về quản lý chất thải. Tổ chức, cá nhân vi phạm có trách nhiệm thỏa thuận với đơn vị có đủ năng lực để xử lý, tiêu hủy chất thải, phế liệu vi phạm; đơn vị xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm phải được ghi trong quyết định xử phạt của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu vi phạm, việc xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm do nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật;
d) Trường hợp số tiền ký quỹ còn thừa sau khi thanh toán để xử lý lô hàng phế liệu nhập khẩu vi phạm, trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản về việc hoàn thành quá trình xử lý, tiêu hủy phế liệu của cơ quan có thẩm quyền đã xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tổ chức nhận ký quỹ có trách nhiệm hoàn trả số tiền ký quỹ còn lại cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu.
1. Các phân khu chức năng trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung phải được quy hoạch bảo đảm các điều kiện sau: giảm thiểu ảnh hưởng của các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác; thuận lợi cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế chất thải, tiết kiệm năng lượng và cộng sinh công nghiệp.
2. Các dự án trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung có khoảng cách an toàn môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật để giảm thiểu khả năng ảnh hưởng đến các cơ sở khác và các đối tượng kinh tế - xã hội xung quanh khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung.
3. Khuyến khích việc tái sử dụng chất thải, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, cộng sinh công nghiệp và kinh tế tuần hoàn.
4. Khuyến khích thành lập mới hoặc chuyển đổi các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung theo mô hình khu công nghiệp sinh thái.
1. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường được bố trí phù hợp với các loại hình đầu tư trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, bảo đảm giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường xung quanh và phải được xây dựng, hoàn thành trước khi các cơ sở trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cụm công nghiệp đi vào hoạt động.
2. Hệ thống thu gom và thoát nước mưa phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) Tách riêng hệ thống thoát nước mưa với hệ thống thu gom, thoát nước thải;
b) Phải có hố ga lắng cặn, tách váng dầu trước khi xả vào hệ thống thoát nước mưa chung của khu vực;
c) Thường xuyên được nạo vét, duy tu, bảo dưỡng định kỳ để bảo đảm luôn trong điều kiện vận hành bình thường.
3. Hệ thống thu gom, thoát nước thải sau xử lý phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau:
a) Vị trí, cốt hố ga phải bố trí phù hợp để đấu nối với điểm xả nước thải của các cơ sở, bảo đảm khả năng thoát nước thải của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung; vị trí đấu nối nước thải nằm trên tuyến thu gom của hệ thống thoát nước khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và đặt bên ngoài phần đất của các cơ sở;
b) Hệ thống thu gom, thoát nước thải sau xử lý bảo đảm kiên cố, chống thấm, chống rò rỉ nước thải ra ngoài môi trường theo tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế về xây dựng hoặc tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm hàng hóa;
c) Điểm xả nước thải sau xử lý phải có biển báo, có sàn công tác diện tích tối thiểu là 01 m2 và có lối đi để thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm soát nguồn thải;
d) Thường xuyên được nạo vét, duy tu, bảo dưỡng định kỳ để bảo đảm luôn trong điều kiện vận hành bình thường.
4. Hệ thống xử lý nước thải tập trung phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau:
a) Được phép chia thành nhiều đơn nguyên (mô-đun) phù hợp với tiến độ lấp đầy và hoạt động của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp nhưng phải bảo đảm xử lý toàn bộ lượng nước thải phát sinh đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và phù hợp với giấy phép môi trường đã được cấp;
b) Có công tơ điện độc lập;
c) Có hệ thống quan trắc tự động, liên tục theo quy định tại khoản 4 Điều 97 Nghị định này;
d) Được vận hành thường xuyên theo đúng quy trình công nghệ để bảo đảm nước thải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra nguồn tiếp nhận; phải duy tu, bảo dưỡng định kỳ, bảo đảm luôn vận hành bình thường;
đ) Bùn cặn của hệ thống xử lý nước thải tập trung phải thu gom, vận chuyển và xử lý hoặc tái sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải;
e) Các thiết bị thu gom, công trình lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, xử lý khí thải (nếu có) phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường tương ứng quy định tại Chương V Nghị định này;
g) Việc vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung phải có nhật ký vận hành ghi chép đầy đủ các nội dung: lưu lượng (đầu vào, đầu ra), các thông số đặc trưng của nước thải đầu vào và đầu ra (nếu có); lượng điện tiêu thụ; loại và lượng hóa chất sử dụng, bùn thải phát sinh. Nhật ký vận hành viết bằng tiếng Việt và lưu giữ tối thiểu 02 năm;
h) Tiêu chuẩn nước thải đầu vào của hệ thống xử lý nước thải tập trung phải được ghi trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, giấy đăng ký môi trường và quy chế về bảo vệ môi trường của của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.
5. Có công trình, thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật.
1. Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 51 Luật Bảo vệ môi trường; chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường. Một số nội dung được quy định cụ thể như sau:
a) Việc tiếp nhận dự án mới hoặc nâng công suất dự án đang hoạt động có phát sinh nước thải vào khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp phải phù hợp với khả năng tiếp nhận, xử lý nước thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các dự án mới trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp phải đấu nối nước thải vào điểm thu gom trước khi đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung;
b) Không tiếp nhận thêm dự án mới hoặc nâng công suất dự án đang hoạt động có phát sinh nước thải sản xuất trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp trong các trường hợp sau: dự án mới có ngành nghề không thuộc danh mục ngành nghề được phép thu hút đầu tư của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp không có hoặc không đáp ứng một trong các yêu cầu về hạ tầng bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 48 Nghị định này;
c) Không được pha loãng nước thải trước điểm xả nước thải của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp;
d) Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đang hoạt động trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bên trong đã được miễn trừ đấu nối theo quy định của pháp luật chỉ được phép tiếp nhận dự án đầu tư mới sau khi đáp ứng quy định tại Điều 48 Nghị định này, trừ trường hợp dự án đầu tư mới không phát sinh nước thải công nghiệp xả ra môi trường khi đi vào vận hành chính thức;
đ) Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đã được phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường, trước khi xây dựng kế hoạch đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái có trách nhiệm rà soát, đánh giá và thực hiện điều chỉnh theo các quy định tại Điều 27 và Điều 30 Nghị định này (nếu có);
e) Thực hiện các trách nhiệm cụ thể khác theo quy định tại Nghị định này.
2. Chủ cơ sở hoạt động trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có trách nhiệm thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường. Một số nội dung được quy định cụ thể sau:
a) Dự án đầu tư mới trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp phải xử lý sơ bộ và đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp. Nước thải chuyển giao để xử lý phải có khối lượng và các thông số ô nhiễm không vượt quá tiêu chuẩn nước thải đầu vào của hệ thống xử lý nước thải tập trung; đáp ứng điều kiện trong văn bản thỏa thuận với chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và giấy phép môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đó; trừ trường hợp cơ sở đã được miễn trừ đấu nối theo quy định;
b) Các cơ sở đang hoạt động đã đấu nối nước thải sau xử lý vào hệ thống thoát nước thải và các cơ sở đã được miễn trừ đấu nối vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp theo các quy định trước đây thì phải thực hiện trách nhiệm đối với cơ sở được miễn trừ đấu nối theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường.
c) Cơ sở đang hoạt động có xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa phải phối hợp với chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp thực hiện trách nhiệm theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 51 Luật Bảo vệ môi trường.
3. Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện các quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 51 Luật Bảo vệ môi trường và có trách nhiệm khác sau đây:
a) Hướng dẫn, kiểm tra chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, chủ cơ sở bên trong thực hiện các trách nhiệm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;
b) Trong quá trình phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư theo thẩm quyền đối với các dự án mới hoặc dự án đang hoạt động nâng công suất có phát sinh nước thải trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung phải xem xét sự phù hợp với các yêu cầu về hạ tầng bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 48 Nghị định này.
4. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thực hiện các quy định tại khoản 5 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường và có trách nhiệm khác sau đây:
a) Hướng dẫn, kiểm tra chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, chủ cơ sở trong cụm công nghiệp thực hiện các trách nhiệm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;
b) Trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hoặc phối hợp xử lý thủ tục đầu tư, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét các dự án mới hoặc dự án đang hoạt động nâng công suất có phát sinh nước thải trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp phải phù hợp với các yêu cầu về hạ tầng bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 48 Nghị định này.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện các quy định tại khoản 5 Điều 51, khoản 6 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường và có trách nhiệm khác sau đây:
a) Trong quá trình chỉ đạo về việc phê duyệt quyết định đầu tư theo thẩm quyền đối với các dự án mới hoặc dự án đang hoạt động nâng công suất có phát sinh nước thải trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung phải yêu cầu cơ quan chuyên môn xem xét sự phù hợp với các yêu cầu về hạ tầng bảo vệ môi trường quy định tại Điều 48 Nghị định này;
b) Hướng dẫn, giải quyết đề nghị của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp về việc bố trí vị trí đất của hồ sự cố và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp;
c) Xây dựng lộ trình di dời dân cư sinh sống trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp (nếu có); lộ trình chuyển đổi các làng nghề thành cụm công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường.
1. Cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 59 và khoản 1 Điều 66 Luật Bảo vệ môi trường lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cùng cấp đối với hồ sơ về công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ, thiết bị thu gom và lưu chứa tạm thời chất thải của dự án theo quy định tại khoản 2 Điều này, trừ trường hợp dự án đã được phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường.
2. Hồ sơ lấy ý kiến về công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ, thiết bị thu gom và lưu chứa tạm thời chất thải bao gồm:
a) Văn bản của cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng gửi cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cùng cấp đề nghị cho ý kiến về công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ, thiết bị thu gom và lưu chứa tạm thời chất thải;
b) Báo cáo về phương án, hồ sơ thiết kế cơ sở, thuyết minh công nghệ xử lý của công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với thiết bị xử lý nước thải tại chỗ bao gồm cả phương án xả nước thải sau xử lý ra môi trường tiếp nhận, phương án tái sử dụng nước thải, phương án xử lý bùn, cặn phát sinh từ quá trình xử lý nước thải, phương án xử lý mùi, khí thải và hóa chất độc hại (nếu có); phương án kèm theo mô tả chi tiết khu vực, thiết bị thu gom và lưu chứa tạm thời chất thải.
3. Chủ đầu tư dự án có trách nhiệm cung cấp thành phần hồ sơ lấy ý kiến về công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ, thiết bị thu gom và lưu chứa tạm thời chất thải của dự án quy định tại điểm b khoản 2 Điều này cho cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng.
4. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường gửi văn bản trả lời về công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ, thiết bị thu gom và lưu chứa tạm thời chất thải cho cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng. Trường hợp không thống nhất phải nêu rõ lý do.
1. Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ và nước thải chăn nuôi phát sinh từ hoạt động chăn nuôi nông hộ được sử dụng làm phân bón, nước tưới cho cây trồng hoặc mục đích khác phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
2. Việc sử dụng chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ và nước thải chăn nuôi phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trang trại làm phân bón hữu cơ, nước tưới cây hoặc làm thức ăn cho thủy sản được thực hiện như sau:
a) Chất thải chăn nuôi chỉ được sử dụng làm phân bón, nước tưới cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thuỷ sản khi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được quy định tại khoản 4 Điều này;
b) Việc vận chuyển chất thải chăn nuôi ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại phải sử dụng phương tiện, thiết bị đảm bảo kín khít, không bị tràn đổ, rò rỉ, không gây ô nhiễm môi trường.
3. Việc sử dụng chất thải rắn chăn nuôi có nguồn gốc hữu cơ phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trang trại để sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất phải đáp ứng quy định tại điểm b khoản 2 Điều này và không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sử dụng.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải rắn chăn nuôi có nguồn gốc hữu cơ sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng.
1. Khoảng cách an toàn về môi trường:
a) Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường, khoảng cách an toàn về môi trường là khoảng cách tối thiểu từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đến công trình hiện hữu và hợp pháp của khu dân cư gồm nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư, công trình giáo dục, y tế để bảo đảm an toàn về môi trường;
b) Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường, khoảng cách an toàn về môi trường là khoảng cách tối thiểu từ điểm xả nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đến điểm lấy nước, công trình cấp nước đô thị.
2. Xác định khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư:
a) Khoảng cách an toàn về môi trường từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường đến khu dân cư được xác định căn cứ vào quy mô, công suất của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng và đặc tính của chất dễ cháy, dễ nổ, chất phóng xạ, chất thải phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ, chất độc hại đối với người và sinh vật;
b) Khoảng cách an toàn về môi trường từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường đến khu dân cư được xác định căn cứ vào quy mô, công suất của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng và tính chất của bụi, mùi khó chịu, mức độ tiếng ồn và nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt;
c) Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có nhiều nguồn phát thải, khoảng cách an toàn về môi trường được xác định từ nguồn phát thải gần nhất của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đến khu dân cư. Trường hợp không xác định được nguồn phát thải hoặc không có nguồn phát thải, khoảng cách an toàn về môi trường được xác định từ vị trí tường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng, nhà hoặc công trình bao chứa nguồn phát sinh ô nhiễm, chứa chất dễ cháy, dễ nổ, chất phóng xạ, chất thải phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ, chất độc hại đối với người và sinh vật;
d) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng mà thuộc đồng thời từ hai trường hợp trở lên theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường thì phải áp dụng giá trị khoảng cách lớn nhất.
3. Khoảng cách an toàn về môi trường từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đến khu dân cư quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường thực hiện theo quy định về khoảng cách an toàn của pháp luật về an toàn phòng cháy và chữa cháy, quản lý vật liệu nổ, an toàn bức xạ, an toàn hóa chất, tài nguyên nước và pháp luật khác có liên quan.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường, trừ quy định tại khoản 3 Điều này.
5. Khoảng cách an toàn về môi trường của dự án đầu tư cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng được cơ quan có thẩm quyền xem xét, áp dụng khi chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập quy hoạch hoặc giới thiệu vị trí thực hiện dự án đầu tư; hoặc khi chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc khi chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
1. Chủ dự án đầu tư thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất đối với ít nhất một hoạt động hoặc công đoạn sản xuất theo lộ trình như sau:
a) Trước ngày 01 tháng 01 năm 2027 đối với dự án đầu tư thuộc Mức I Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Trước ngày 01 tháng 01 năm 2028 đối với dự án đầu tư thuộc Mức II Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Trước ngày 01 tháng 01 năm 2029 đối với dự án đầu tư thuộc Mức III Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Chủ cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất đối với ít nhất một hoạt động hoặc công đoạn sản xuất theo lộ trình như sau:
a) Trước ngày 01 tháng 01 năm 2028 đối với cơ sở thuộc Mức I Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Trước ngày 01 tháng 01 năm 2029 đối với cơ sở thuộc Mức II Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Trước ngày 01 tháng 01 năm 2030 đối với cơ sở thuộc Mức III Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Khuyến khích chủ dự án, cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất đối với ít nhất một hoạt động hoặc công đoạn sản xuất sớm hơn lộ trình quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này.
1. Quy định về vận hành thử nghiệm:
a) Công trình bảo vệ môi trường của dự án khai thác dầu khí trên biển không phải vận hành thử nghiệm;
b) Dự án quy định tại điểm a khoản này nếu thuộc đối tượng cấp giấy phép môi trường thì phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường (bao gồm công trình xử lý chất thải và các công trình bảo vệ môi trường khác) trước khi bắt đầu khai thác;
c) Dự án, cơ sở khai thác dầu khí có nước khai thác thải đấu nối vào hệ thống xử lý nước khai thác thải tập trung mà hệ thống này đã được cấp giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần thì không phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường.
2. Quy định về quản lý chất thải:
a) Chất thải nguy hại và không nguy hại phát sinh từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí được đưa về đất liền bằng tàu có giấy chứng nhận vận chuyển hàng nguy hiểm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp. Chất thải nguy hại phải và không nguy hại sau khi chuyển về bờ được chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý;
b) Việc quản lý chất thải từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí không thuộc quy định tại điểm a khoản này được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và pháp luật có liên quan.
3. Quy định về quan trắc môi trường:
a) Tổ chức, cá nhân khi tiến hành hoạt động dầu khí trên biển không phải thực hiện quan trắc nước thải tự động đối với nước khai thác thải; tần suất quan trắc định kỳ đối với nước khai thác thải tối thiểu 03 tháng/lần với các thông số tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường đặc thù đối với nước khai thác thải từ các công trình dầu khí trên biển;
b) Việc quan trắc môi trường đối với hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí không thuộc quy định tại điểm a khoản này được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và pháp luật có liên quan.
1. Khu mai táng, hỏa táng phải phù hợp với quy định của Chính phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng, trừ trường hợp đặc thù quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Dự án đầu tư cơ sở dịch vụ mai táng, hỏa táng phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau:
a) Địa điểm mai táng không ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho sinh hoạt; cơ sở hỏa táng phải đặt ở cuối hướng gió chủ đạo so với khu dân cư;
b) Dự án đầu tư cơ sở dịch vụ hỏa táng phải có ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
c) Khí thải phát sinh từ việc hỏa táng phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
d) Chất thải rắn phát sinh từ cơ sở mai táng, hỏa táng phải được thu gom, xử lý bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường;
đ) Nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải bảo đảm tỷ lệ cây xanh, thảm cỏ theo quy định pháp luật về xây dựng; có hệ thống thu gom và thoát nước riêng cho nước mưa;
e) Khoảng cách an toàn môi trường từ hàng rào nghĩa trang, cơ sở hỏa táng tới khu dân cư, công trình công cộng phải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng.
3. Việc mai táng, hỏa táng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người theo tôn giáo tại khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh thất tôn giáo và các cơ sở tôn giáo khác thực hiện theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều này. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn hoạt động mai táng, hỏa táng phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng và bảo đảm vệ sinh môi trường.
ENVIRONMENTAL PROTECTION DURING PRODUCTION, PROVISION OF SERVICES, IN URBAN AND RURAL AREAS AND IN SOME FIELDS
Section 1. ENVIRONMENTAL PROTECTION IN CRAFT VILLAGES
Article 33. Conditions for environmental protection in craft villages
1. A recognized craft village shall satisfy the requirements laid down in clause 1 Article 56 of the LEP.
2. The communal People’s Committee shall formulate and submit to the district-level People’s Committee for approval of a plan for environmental protection of craft village suitable for actual local conditions, plan for conversion of industries and business lines that are not recommended in craft villages and plan for relocation of establishments and households from craft villages which has been approved by the provincial People’s Committee.
3. Contents of a plan for environmental protection of a craft village consist of:
a) General information about the craft village;
b) Type and scale of production of the craft village;
c) Discharge of emissions, wastewater, domestic solid waste, normal industrial solid waste, hazardous waste; environmental protection works of the craft village;
d) Plan for construction and operation of environmental protection works, and adoption and implementation of environmental protection measures: treatment of emissions, wastewater, solid waste aggregation areas, solid waste treatment areas (if any) and other environmental protection works and measures;
dd) Waste monitoring and surveillance program designed as prescribed;
e) Organizing implementation of the environmental protection plan; funding for implementation of the environmental protection plan;
g) Plan for conversion of manufacturing establishments and households’ industries and business lines that are not recommended in the craft village or plan for relocation of manufacturing establishments and households from craft villages prescribed by regulations of the provincial People’s Committee.
4. An autonomous environmental protection organization in a craft village shall be established by the communal People’s Committee; operate according to the regulations imposed by the communal People’s Committee and assume the following responsibilities:
a) Participate in managing, operating, maintaining and renovating works of environmental protection infrastructure of the craft village as assigned by the communal People’s Committee;
b) Disseminate, supervise and expedite the implementation of regulations on environmental protection in Article 34 of this Decree by manufacturing establishments and households;
c) Participate in formulating and organizing the implementation of the plan for environmental protection of the craft village; environmental protection contents specified in the craft village’s village regulations and conventions; encourage the people to eliminate abolish unsound customs and habits which are unhygienic and harmful to the environment;
d) Participate and cooperate in inspecting the implementation of regulations on environmental protection by establishments in the craft village as requested by a competent authority;
dd) Report to the communal People’s Committee the operating status, collection, transport and collection of waste; when detecting any sign of environmental pollution, environmental emergency or violations against regulations on environmental protection in the craft village;
e) Perform other environmental protection tasks at the request of the communal People’s Committee.
Article 34. Requirements for environmental protection by manufacturing establishments and households in craft villages
Every manufacturing establishment and household in a craft village must implement regulations on EIA, issuance of environmental licenses or environmental registration pursuant to regulations of law on environmental protection. An environmental protection work of the manufacturing establishment and household in the craft village shall comply with the following requirements:
1. Have a rainwater and wastewater collection and drainage system build under the local authority’s regulations and suitable for the craft village’s environmental protection infrastructure.
2. Have a wastewater treatment work or in situ wastewater treatment work or equipment which meets environmental technical regulations if the environmental protection infrastructure of the craft village has a centralized wastewater treatment system.
3. Have an emission treatment work or in situ emission treatment work or equipment which meets environmental technical regulations in case of generating emissions subject to mandatory treatment as prescribed by law.
4. Adopting technical solutions in order to reduce noise, vibration, light, dusts and heat radiation without polluting the ambient environment.
5. Have measures and works for collecting and storing solid waste as prescribed by law.
Article 35. Relocation of businesses and households from craft villages and conversion of industries and business lines that are not recommended in craft villages
1. Manufacturing industries and business lines that are not recommended in craft villages include:
a) Manufacturing industries and business lines which are not agriculture professions in accordance with the Government’s regulations on development of agriculture professions;
b) Industries and business lines in a type of production, business or service that is likely to cause environmental pollution specified in the Appendix II enclosed herewith;
c) Industries and business lines using fuels, raw materials, flammable and explosive chemicals, dangerous chemicals, chemicals restricted from business in accordance with regulations of law on chemicals;
d) Industries and business lines using technology lines, machinery and obsolete technologies on the list of technologies restricted from transfer in accordance with regulations of law on technology transfer.
2. Manufacturing establishments and households in craft villages involved in industries and business lines not recommended in such craft villages specified in clause 1 of this Article shall implement the regulations set out in Article 34 of this Decree and stick to the plan for conversion of industries and business lines or relocation in the plan for environmental protection in craft village prescribed in point g clause 3 Article 33 of this Decree.
3. An establishment causing serious environmental pollution in a craft village is a business in the craft village committing an act of violating against regulations on discharge of wastewater, dust and emissions, causing noise pollution and vibration in excess of the permissible limits specified in the technical regulation on waste or burying, dumping or discharging solid waste or hazardous waste against regulations on environmental protection to such an extent that an additional penalty which is suspension of its operation is imposed according to regulations of law on penalties for violations against regulations on environmental protection.
4. An establishment causing long-lasting environmental pollution in a craft village is a business in the craft village committing an act of violating regulations on discharge of wastewater, dust and emissions, causing noise pollution and vibration in excess of the permissible limits specified in the technical regulation on waste or burying, dumping or discharging solid waste or hazardous waste against regulations on environmental protection for which a penalty has been imposed but such violation is repeated and the consequences of the violation fails to be rectified within time limit for rectification.
5. The formulation and approval of a plan for conversion of an industry or business line not recommended in a craft village or relocation of manufacturing establishments and households from a craft village shall be carried out as follows:
a) The communal People’s Committee shall review and submit to the district-level People’s Committee a list of manufacturing establishments and households’ involved in an industry or business line not recommended in the craft village; establishments and households that fail to implement the plan for conversion of the industry or business line and the cases specified in clauses 3 and 4 of this Article;
b) The district-level People’s Committee shall submit to the provincial People’s Committee for consideration and approval of the plan for conversion of the industry or business line not recommended in the craft village;
c) The provincial People’s Committee shall approve the plan for conversion of the industry or business line not recommended in the craft village and plan for relocation of businesses and households from the craft village in a manner that suits the actual local conditions.
Section 2. ENVIRONMENTAL IMPROVEMENT AND REMEDIATION DURING MINERAL MINING
Article 36. Formulation and approval of a scheme for environmental remediation and improvement during mineral mining
1. The formulation and approval of a scheme for environmental remediation and improvement during mineral mining shall comply with the following regulations:
a) The owner of the mineral mining project specified in point a clause 2 Article 67 of the LEP shall formulate an environmental remediation and improvement scheme during EIA and be appraised during the appraisal of EIAR;
b) The owner of the mineral mining facility specified in point b clause 2 Article 67 of the LEP operating before the effective date of this Decree but failing to have an environmental remediation and improvement scheme as prescribed shall incur penalties for administrative violations against regulations on environmental protection. If the facility is required to obtain an environmental license, prepare an application for issuance of environmental license consisting of an environmental remediation and improvement scheme which will be appraised during the appraisal of the application for issuance of environmental license; if the facility is not required to obtain an environmental license, prepare an environmental remediation and improvement scheme which will be appraised as prescribed in clauses 2 through 9 of this Article;
c) If the owner of the mineral mining facility specified in point b clause 2 Article 67 of the LEP that is required to obtain an environmental license changes any environmental improvement and remediation content specified in the approved plan, prepare an application for issuance of environmental license consisting of an environmental remediation and improvement scheme which contains the change(s) and will be appraised during the appraisal of the application for issuance of environmental license; if the facility is not required to obtain an environmental license, prepare an environmental remediation and improvement scheme which will be appraised as prescribed in clauses 2 through 9 of this Article;
d) The owner of the mineral mining facility specified in point c clause 2 Article 67 of the LEP shall formulate an environmental remediation and improvement scheme which is part of the mine closure plan the mineral mining project and will appraised during the appraisal of the mine closure plan.
2. The application for appraisal of the environmental remediation and improvement scheme in the case where the facility is not required to obtain an environmental license as prescribed in points b and c clause 1 of this Article is composed of:
a) 01 application form for appraisal of the facility owner;
b) 01 environmental remediation and improvement scheme;
c) 01 copy of the EIAR or environmental protection plan or commitment to environmental protection or registration of satisfaction of environmental standard or simple environmental protection scheme or detailed environmental protection scheme which has been approved or certified.
3. The time limit for appraising the environmental remediation and improvement scheme in the case specified in clause 2 of this Article shall not exceed 30 days from the receipt of the valid application. Within the time limit specified in this clause, the appraising authority shall notify the facility owner in writing of the appraisal result. The period of time over which the facility owner modifies the environmental remediation and improvement scheme at the appraising authority’s request and over which an approval decision is considered to be issued as specified in clause 6 of this Article shall not be included in the time limit for appraisal.
4. An appraisal of the environmental remediation and improvement scheme focuses on:
a) Legal bases, conformity of format and contents of the environmental remediation and improvement scheme with applicable regulations;
b) Conformity of contents of the environmental remediation and improvement scheme with the environmental protection requirements, national sector planning, provincial planning (if any) and land use planning concerned;
c) Bases for calculation of volume of items serving environmental remediation and improvement and costs of environmental remediation and improvement; accuracy and adequacy of volume and cost estimate, conformity of the deposit payment method.
5. The appraisal of the environmental remediation and improvement scheme in the case specified in clause 2 of this Article shall be carried out by an appraisal council established by the competent authority specified in clause 8 of this Article. The appraisal council shall include at least 07 members, including a Chair, a Deputy Chair (where necessary) and at least 1/3 of the total members must be experts. The expert must have expertise in environment, minerals or other related fields and working experience as specified in point b clause 3 Article 34 of the LEP.
The expert participating in formulating an environmental remediation and improvement scheme is not required to join such council appraising such scheme.
Where necessary, the appraising authority shall carry out a site inspection and seek opinions of organizations and experts to facilitate its appraisal of the environmental remediation and improvement scheme.
During the appraisal, if the environmental remediation and improvement scheme needs modifying, the appraising authority shall notify the investment project owner in writing of the necessary modifications. Within 12 months from the date on which the notification of necessary modifications is received, the facility owner shall complete the environmental remediation and improvement scheme and send it together with a document providing explanation for the appraisal opinions to the appraising authority. By the aforementioned deadline, the environmental remediation and improvement scheme shall be carried out as prescribed in clause 2 of this Article.
6. Result of appraisal of the environmental remediation and improvement scheme shall be included in a decision on approval of appraisal result. Within 15 days from the receipt of the dossier on the environmental remediation and improvement scheme modified as requested (if any), the appraising authority shall issue a decision on approval of appraisal result; in case of failure to grant approval, give a written response specifying reasons therefor to the facility owner. The dossier on the environmental remediation and improvement scheme modified as requested (if any) includes:
a) 01 document providing explanation for appraisal opinions;
b) 01 modified environmental remediation and improvement scheme;
7. The submission of application for appraisal of environmental remediation and improvement scheme and notification of scheme appraisal result shall be carried out by adopting any of the methods: in person, by post or online public service system according to the roadmap introduced by a competent authority.
8. The power to appraise the environmental remediation and improvement scheme in the case prescribed in clause 2 of this Article is as follows:
a) MONRE shall organize appraisal of environmental remediation and improvement schemes of the mineral mining facilities to which the mining license is issued by MONRE;
b) The provincial People’s Committee shall organize appraisal of environmental remediation and improvement schemes of the mineral mining facilities to which the mining license is issued by the provincial People’s Committee.
9. The Minister of Natural Resources and Environment shall promulgate form of the application form and prescribe operation of councils appraising environmental remediation and improvement schemes specified in this Article.
Article 37. Payment and refund of deposits on environmental remediation and improvement during mineral mining
1. The deposits shall be calculated in such a way that provides adequate funding for environmental remediation and improvement and according to the environment improvement contents approved by the competent authority.
2. Local norms and unit prices available at the time of formulating the environmental remediation and improvement scheme shall apply to calculation of deposits. If a local government does not set any norm or unit price, norm or unit price set by the equivalent ministry or branch shall apply. If the ministry or branch does not set any unit price, the market price shall apply.
3. Calculation of deposits:
a) The total deposit (exclusive of the inflation factor) equals the total funding for work items for environmental remediation and improvement. The methods for calculating and estimating the costs of environmental remediation and improvement shall comply with MONRE’s guidance;
b) The annual deposit (exclusive of the inflation factor) equals the total deposit minus the initial deposit then divided equally for the remaining years of the project or mining license duration;
c) The inflation factor must be taken into account when paying annual deposit, which equals the annual deposit specified in point b of this clause multiplied by the consumer price index in the previous years beginning from the date on which the scheme or additional scheme is approved. The annual consumer price index applied is the one applied in the area where the project is executed as announced by the General Statistics Office or the one announced by a competent authority.
4. Term of deposit:
a) If the organization or individual applying for issuance of a new mining license, the term of deposit shall be determined according to duration of the investment project appraised by the competent authority but shall not exceed 30 years;
b) If the organization or individual has been issued with a mining license, the term of deposit shall be determined according to the remaining effective period of the mining license beginning from the date on which the scheme is approved;
c) If the mining duration specified in the mining license is different from that specified in the approved scheme, the organization or individual shall make an adjustment and calculate the deposit according to the duration specified in the issued mining license and send the scheme to an authority competent to approve the scheme for consideration and adjustment.
5. Method of deposit payment:
a) If the organization or individual has a mining license whose effective period is less than or equal to 01 year, they shall make a lump-sum payment of the deposit; The deposit is 100% of the approved amount and must be inflation-adjusted according to the inflation rate at that time;
b) If the organization or individual has a mining license whose effective period is at least 01 year, they are permitted to pay the deposit in instalments; The initial deposit must be inflation-adjusted according to the inflation rate at that time and is determined as follows:
If the effective period of the mining license is less than 10 years, the initial deposit equals 25% of the total deposit;
If the effective period of the mining license is 10 years to less than 20 years, the initial deposit equals 20% of the total deposit.
If the effective period of the mining license is 20 years or more, the initial deposit equals 15% of the total deposit;
c) The inflation-adjusted deposit shall be declared, paid and notified by the organization or individual themself to the environment protection fund to which the deposit is paid;
d) The deposit is entitled to the interest which is equal to the borrowing interest of the environmental protection fund environment protection fund to which the deposit is paid and is calculated from the time of deposit payment.
6. Time of deposit payment and receipt of deposits:
a) The organization or individual that is mining minerals shall make a deposit for the first time within 30 days from the date on which the scheme or additional scheme is approved;
b) If the organization or individual issued with a new license shall pay the deposit for the first time before the starting date of mine capital construction;
c) In case of paying deposit in instalments, from the second time onwards, the deposit shall be paid within 07 days from the date on which the competent authority announces the consumer price index in the year preceding the year in which the deposit was paid;
d) The deposit receiving authority is specified in point a clause 4 Article 137 of the LEP;
dd) The deposit receiving authority shall check the correctness of the deposit and issue a certificate of deposit to the organization or individual.
7. The deposit refund shall be made depending on the completion of environmental remediation and improvement by the organization or individual. The authority competent to approve the mine closure plan of the mineral mining project shall inspect the completion of the environmental remediation and improvement scheme during the commissioning of result of implementation of the mine closure plan. The completion of the environmental remediation and improvement scheme serves as part of the mine closure decision:
a) Within 90 days from the date of receiving the mine closure decision, the deposit receiving authority shall refund the deposit to the organization or individual;
b) The organization or individual is only entitled to withdraw their interest at one time after receiving the mine closure decision;
c) The refund of the deposit to the organization or individual returning their mining license or having their mining license revoked shall be made after receiving the mine closure decision.
8. In case of change of the mining license holder, the new license holder shall continue to fulfill environmental remediation and improvement obligations, pay deposits on environmental remediation and improvement, and notify the authority appraising the environmental remediation and improvement scheme and provincial specialized environmental protection authority.
9. If the organization or individual mining minerals has paid a deposit but has dissolved or goes bankrupt and has not carried out environmental remediation and improvement according to the approved environmental remediation and improvement scheme, the authority competent to approve the mine closure plan of the mineral mining project shall use their deposit including interest to carry out environmental remediation and improvement.
10. The Ministry of Finance shall provide guidelines for management and use of deposits on environmental remediation and improvement during mineral mining paid to environment protection funds.
Section 3. ENVIRONMENTAL PROTECTION DURING MANAGEMENT OF PERSISTENT POLLUTANTS AND RAW MATERIALS, FUELS, MATERIALS, PRODUCTS, GOODS AND EQUIPMENT CONTAINING PERSISTENT POLLUTANTS
Article 38. Registering specific exemptions for persistent pollutants under Stockholm Convention
1. Persistent organic pollutants (hereinafter referred to as “POPs”) must be registered for specific exemptions under the Stockholm Convention registration as specified in the Appendix XVII hereof.
MONRE shall register specific exemptions for POPs with the Secretariat of the Stockholm Convention as required by the Stockholm Convention in consideration of current and forecasted registration of specific exemptions for POPs by relevant organizations and individuals. If the Stockholm Convention changes the requirements for specific exemptions, the newest requirements shall apply.
2. Any organization or individual importing, producing or using a POP in the Appendix XVII enclosed herewith as direct raw materials for production shall register specific exemptions for POPs and submit an application for registration of specific exemptions for that POP to MONRE. The application includes:
a) 01 application form for registration of specific exemptions for POP, which is made using the form in the Appendix XVIII enclosed herewith;
b) 01 report on registration of specific exemptions for POP, which is made using the form in the Appendix XIX enclosed herewith;
c) Latest environmental monitoring and surveillance result prescribed by law.
3. Procedures for registering specific exemptions for a POP:
a) The organization or individual shall prepare an application for registration of specific exemptions for POP as prescribed in clause 2 of thus Article and submit it in person or by post or electronically through the online public service system of MONRE.
b) Within 05 days from the receipt of the application, MONRE shall consider its adequacy and validity; notify the organization or individual in writing of the adequacy and validity;
c) After receiving an adequate and valid application, MONRE shall establish an inspectorate to evaluate it as prescribed;
d) Within 45 days from the receipt of an adequate and valid application, according to the inspection result, MONRE shall send a notification of approval for registration of specific exemptions for POP to the organization or individual according to the form in the Appendix XX enclosed herewith; in case of failure to grant approval for registration of specific exemptions for OPO, provide a written explanation to the organization or individual.
4. As of January 01, 2023, the notification of approval for registration of specific exemptions for POPs sent by MONRE shall serve as the basis for the customs authority to consider granting permission for initiation of customs procedures for POPs.
5. Any organization or individual authorized to import POPs in the Appendix XVII enclosed herewith for an organization or individual granted approval for registration of specific exemptions by MONRE for POPs as direct raw materials for production is only permitted to import POPs according to the type and weight specified in the notification of approval for registration of specific exemptions for POPs issued to the organization or individual registering specific exemptions for POPs. The organization or individual authorized to import POPs in the Appendix XVII enclosed herewith shall transfer all imported POPs to the authorizing organization or individual under the authorization contract.
6. If the time limit for registering specific exemptions as required by the Stockholm Convention expires, the POPs in the Appendix XVII enclosed herewith shall be managed under regulations on management of hazardous waste.
Article 39. Labeling and publishing of information about raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants
1. According to environmental technical regulations on limits of persistent pollutants in raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment, the importers, producers and traders of raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants shall attach labels and publish information as prescribed in clauses 2 and 3 of this Article.
2. Labeling of materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants shall be subject to the following requirements:
a) Location, size, color, image, symbol and language of a label attached to raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants shall comply with regulations of law on goods labels;
b) The information shown on the label attached to in raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants includes names and content of the persistent pollutants specified in environmental technical regulation on limits of persistent pollutants in raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants or information about compliance with the international standard related to the persistent pollutants and other information in accordance with regulations of law on goods labels.
3. For finished raw materials, fuels, materials and products without consumer packaging, the importers, producers and traders thereof raw shall send a notification to MONRE according to the from prescribed by MONRE and publish information about persistent pollutants in raw materials, fuels and materials according to point b clause 2 of this Article on their websites.
4. Producers of raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants shall attach labels and publish information about the persistent pollutants in raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment as prescribed in clauses 2 and 3 of this Article after carrying out assessment of conformity as prescribed in clause 3 Article 40 of this Decree and before selling them on the market.
5. Importers, producers and traders that fail to correctly implement regulations on labeling of and publishing information about materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants are required to take remedial measures, recall and handle them pursuant to regulations of law on environmental protection and law on management of quality of products and goods.
Article 40. Assessment of conformity and inspection of persistent pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants
1. Importers and producers shall send MONRE a document enclosed with the result of assessment of conformity of raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants after being granted customs clearance and before being sold on the market.
2. Vietnam recognizes results of the assessment of conformity of raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants carried out by qualified international and national organizations.
3. Importers and producers of persistent pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants shall, before attaching labels and publishing information, select a conformity assessment body to carry out testing, inspection, assessment and certification of quality in accordance with respective environmental technical regulations.
4. Conformity assessment body is a body which is issued with the certificate of eligibility to provide environmental monitoring services for persistent pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants by MONRE.
5. The inspection of persistent pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants shall be carried out in accordance with regulations of law on environmental protection and law on management of quality of products and goods. Forms of inspectorate establishment decision, inspection record and conformity assessment result shall be prescribed by MONRE. If persistent pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants are found failing to satisfy the respective environmental technical regulation, the importers, producers and trader thereof shall incur penalties for administrative violations against regulations on environmental protection and law on management of quality of products and goods, and disclose information in accordance with regulations of law on management of quality of products and goods.
Article 41. Responsibilities of importers, producers, traders and users of persistent pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants
1. Importers, producers and traders of persistent pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants shall ensure that they do not exceed the permissible limits prescribed by law; assume responsibility for safe destruction and disposal of persistent pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants exceeding the permissible limits by adopting the self-disposal method using an inappropriate technology satisfying environmental protection requirements or assume total responsibility and pay all costs of destruction and disposal in accordance with prevailing regulations.
2. An importer of a POP in the Appendix XVII enclosed herewith shall send MONRE a notification of weight and name of the POP before the import of each shipment.
3. Producers of persistent pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants and users of persistent pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants usable as direct raw materials for production shall:
a) submit to MONRE an annual report on weight and types of persistent pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants specified in environmental technical regulation on limits of persistent pollutants in raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment. Contents of the report shall be incorporated into the environmental protection report;
b) have a plan to terminate production and use of persistent pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants in case of exceeding the permissible limits as prescribed;
c) implement measures to collect, store, safe disposal and management of persistent pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants as prescribed;
d) transfer waste containing persistent pollutants to fully capable organizations and individuals for treatment as prescribed.
4. Organizations and individuals causing soil environment shall assess and warn risks, remediate and improve environment in areas where soil is contaminated with persistent pollutants as prescribed in Article 13 of this Decree.
Article 42. Responsibilities of Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committees for management of persistent pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants
1. MONRE shall preside over and organize the registration of specific exemptions for POPs and supervise the termination of import, production and use of POPs as raw materials for production in accordance with regulations on registration of specific exemptions for POPs; assess demands for production and use of POPs; control sources, assess conformity and carry out inspections of persistent pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants as prescribed by law; sign agreements on mutual recognition in relation to conformity assessment of raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants with sufficiently competent international and national organizations as prescribed by law.
2. Responsibilities of Ministries, ministerial agencies concerned and provincial People’s Committees:
a) The Ministry of Industry and Trade, Ministry of Finance (the General Department of Vietnam Customs), Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committees shall cooperate with MONRE in fulfilling with environmental protection requirements, providing and sharing information in the industries and fields under their management about export, import, production, trading and use of persistent pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants as prescribed in Article 38, 39 and 40 of this Decree and relevant regulations of law;
b) The Ministry of National Defense, Ministry of Public Security and provincial People’s Committees shall assess, determine and warn risks, remediate and improve environment in areas where soil pollution caused by a historic event occurs or in the case of failure to identify the entity causing pollution as prescribed in Article 14 of this Decree.
Section 4. ENVIRONMENTAL PROTECTION DURING IMPORT AND BREAKING OF USED SHIPS AND IMPORT OF SCRAP
Article 43. Eligible entities and environmental protection conditions to be satisfied by facilities importing used ships for breaking
1. Entities permitted to import used ships for breaking shall comply with the Government’s regulations on import and breaking of used ships.
2. Environmental protection conditions regarding infrastructure to be satisfied by a ship breaking facility:
a) There are specialized ship breaking areas and equipment fit for each type of ship and ship weight and it is certain that untreated and unmanaged waste cannot leak or disperse outside the breaking area to cause water, soil and air pollution;
b) There is an area for storage of materials and equipment after breaking with a foundation height to avoid flooding; the floor must ensure tightness, have no cracking and be made of a waterproofing material and durable enough to withstand the load of the highest amount of materials and equipment. If a storage yard is used, a system of collection and treatment of rainwater overflow satisfying environmental technical regulations on environment must be provided;
c) There is an area for storage of hazardous waste; area for storage of normal industrial solid waste and domestic solid waste produced during ship breaking which meets the prescribed requirements.
3. Waste and scrap treatment measures should be in place during the breaking of a used ship as follows:
a) Collect fuel, oil, bilge water, ballast water, other liquids and other flammable or explosive materials. Provide air ventilation, provide enough oxygen for enclosed spaces on the ship (such as cargo holds, double bottoms, storage tanks) to ensure safe working conditions. This process must be maintained throughout the breaking process.
b) Abate asbestos and PCBs: Before cutting the ship into parts, it is required to remove, collect and transport asbestos and PCBs out of the cutting positions. After the parts of the ship are brought ashore, it is required to keep collecting all of remaining asbestos and PCBs when it is easily accessible. Asbestos abatement and collection areas should be enclosed to reduce the spread of asbestos fibers to the surrounding environment and prevent unauthorized entry. Asbestos must be moistened before and during the abatement process. At least 02 workers equipped with personal protective equipment must be in place to remove asbestos, including 01 person who is responsible for moistening and 01 person who is responsible for abating asbestos. The asbestos abatement area on the shore must be located in a separate area with the same process;
c) After being abated, asbestos must be contained in sealed special packaging, with at least 02 layers, then transported to hazardous waste storage and transferred for handling as per the law;
d) Liquid waste containing PCBs must be stored in rigid packaging or storage equipment placed on the lifting plates and not allowed to be stacked. The storage area of waste containing PCBs (in solid or liquid form) must be isolated from other waste and safety is assured before being transferred for treatment as prescribed;
dd) Oil and fuel must be pumped to separate tanks or containers (not mixed) before being transported to storage areas and transferred for treatment as prescribed;
e) For non-metallic materials removed from metals, they must be identified, classified and disposed of according to waste management regulations;
g) Radioactive waste produced from the breaking process must be collected, stored, treated and managed in accordance with regulations on management of used radioactive waste and radiation sources in accordance with regulations of law on atomic energy;
h) After completing the breaking of a ship, within 45 days, the facility shall transfer transfer entire hazardous waste and industrial waste subject to mandatory treatment to the competent authority as prescribed.
4. Every ship breaking facility must apply environment management system in accordance with Vietnam’s Standard ISO 14001 or certified ISO 14001.
Article 44. Environmental protection conditions applicable to used ships imported for breaking
1. Used ships imported for breaking shall satisfy requirements concerning types permitted to be imported in compliance with the Government’s regulations on import and breaking of used ships.
2. A ship imported for breaking shall satisfy the following requirements:
a) Radioactive waste and radiation sources must not exceed the permissible limits in accordance with regulations of law on atomic energy;
b) C.F.C gas in equipment must be recovered before being imported into Vietnam;
c) Ballast water must not contain invasive alien species or potentially invasive species on the list promulgated by MONRE;
d) The ship does not contain weapons, ammunition and explosives;
dd) All goods stored on the ship have been removed.
3. The environmental technical regulation on used ships imported for breaking shall be complied with. The certification of conformity with national technical regulations on environment for used ships imported for breaking shall be carried out by a certification body in accordance with regulations of law on products and goods.
Article 45. Requirements for environmental protection and responsibilities of organizations and individuals importing scrap from abroad as raw materials for production
Organizations and individuals are only permitted to import scrap from abroad as raw materials for production for their investment projects or manufacturing establishments and must comply with the environmental protection requirements set out in clause 2 Article 71 of the LEP. Several specific requirements and conditions for environmental protection are prescribed as follows:
1. There are technologies and equipment for recycling or reusing scrap meeting environmental protection requirements as prescribed.
2. There are technologies and equipment for treating impurities accompanying scrap meeting environmental technical regulations. If there is no technology or equipment for treating the accompanying impurities, such impurities shall be transferred to a licensed unit for treatment.
3. Imported scrap warehouses and storage yards:
a) Regarding an imported scrap warehouse:
Have a separate rainwater collection system; a system for collecting and treating types of wastewater generated during the storage meeting technical regulations on environment as prescribed;
Have a foundation which is high enough to avoid flooding; design the floor in the storage area to prevent avoid rainwater from overflowing from outside; build the floor which ensures tightness, is waterproof and durable enough to tolerate the maximum amount of scrap as properly calculated;
Have walls and partitions made of fire-resistant materials; build sun-proof and rain-proof roofs for the entire area of storage which are made of fire-resistant materials; propose any measure or design to restrict wind from getting inside;
b) Regarding an imported scrap storage yard:
Have a system for collecting and treating overflowing the storage yard of imported scrap and types of wastewater generated during the storage of scrap meeting environmental technical regulations as prescribed;
Have a foundation which is high enough to avoid flooding; build the floor which ensures tightness, is waterproof and durable enough to tolerate the maximum amount of scrap as properly calculated;
Take measures to minimize dust generated from the storage yard of scrap.
4. It is required to obtain an environmental license which covers the use of scrap imported as raw materials for production or component environmental license which is the certificate of eligibility for environmental protection during import of scrap as raw materials for production as prescribed in point d clause 2 Article 42 of the LEP, except for the case specified in clause 18 Article 168 of this Decree and import of scrap generated from activities of non-tariff zones, export-processing zones and export processing enterprises.
5. Environmental protection deposits shall be paid as prescribed in Article 46 of this Decree.
6. An importer of scrap may choose to follow customs procedures at the customs authority of import checkpoint or at the customs authority where the manufacturer using imported scrap is located; may choose to undergo inspection of imported scrap at the import checkpoint or at the customs authority where the manufacturer using imported scrap is located or at the manufacturer using imported scrap. The imported scrap is only permitted to be unloaded to a port if the following requirements are met:
a) The consignee mentioned in the E-Manifest must obtain an environmental license or component environmental license specified in clause 4 of this Article which remains valid and has unused quota for imported scrap;
b) The consignee mentioned in the E-Manifest must obtain a confirmation of payment of deposit on the imported scrap written on the E-Manifest as prescribed in point b clause 3 Article 46 of this Decree.
The customs authority must check the information prescribed in points a and b of this Clause before permitting the unloading of scrap to the port.
7. Assessment of conformity of environmental technical regulations on imported scrap used as raw materials for production
a) Bodies carrying out assessment of conformity of environmental technical regulations on imported scrap used as raw materials for production include: inspection bodies appointed as per the law; foreign inspection bodies accredited as per the law;
b) A body carrying out assessment of conformity of environmental technical regulations is entitled to provide services within Vietnam’s territory after satisfying all conditions in accordance with regulations of law on quality of products and goods, Government’s regulations on conditions for provision of conformity assessment services and regulations of law on specialized inspection.
8. The importer of scrap used as raw materials for production shall declare and submit an e-dossier on imported scrap to follow customs procedures in compliance with regulations of law on customs. Apart from the documents prescribed by regulations of law on customs, the dossier on imported scrap shall have the following documents:
a) A certificate of quality of the exporting country (if any); certificate of origin (if any); photos or description of scrap;
b) A confirmation of payment of deposit on imported scrap (a scan from the original bearing e-signature of the importer);
c) A certificate of inspection of quality of imported scrap shipment;
d) A commitment to re-export or dispose of scrap in a case where the imported scrap fails to meet environmental protection requirements according to the form specified in the Appendix XXI enclosed herewith.
9. Every import or user of scrap used as raw materials for production shall:
a) Import scrap with permitted type and quantity specified in the environmental license or component environmental license specified in clause 4 of this Article;
b) Use all of imported scrap usable as raw materials for production to manufacture products and goods as prescribed in this Decree;
c) Identify and classify waste generated during the process of using imported scrap to propose an appropriate waste treatment plan;
d) Take legal responsibility for import and use of imported scrap used as raw materials for production; cooperate with industry associations in conducting environmental protection activities as prescribed; pay all costs incurred in connection with treatment of imported scrap involved in violations.
10. MONRE shall provide technical guidance on assessment of conformity, and certification and accreditation of bodies carrying out assessment of conformity of environmental technical regulations and inspection of quality of imported scrap used as raw materials for production as specified in this Article.
Article 46. Payment of environmental protection deposit during import of scrap from abroad as raw materials for production
1. Purposes and methods for payment of environmental protection deposit during import of scrap from abroad as raw materials for production:
a) The payment of environmental protection deposit during import of scrap usable as raw materials for production is to ensure that every importer of scrap assumes their responsibility for handling risks and risks of environmental pollution that may arise from shipments of imported scrap;
b) The importer of scrap shall pay deposit to the Vietnam Environment Protection Fund (VEPF) or provincial environment protection fund or credit institution where the importer opens their account (hereinafter referred to as “deposit receiving organization”). The deposit shall apply to each shipment or each contract specifying information and value of the imported scrap shipment;
c) The deposit shall be paid or refunded in Vietnamese dong and the deposit interest shall be earn as agreed as per the law.
2. The deposit on environmental protection during import of scrap from abroad as raw materials for production:
a) The importer of scrap iron and steel shall pay a deposit on environmental protection during import of scrap from abroad as raw materials for production as follows:
Regarding an imported quantity of less than 500 tonnes, it is required to pay a deposit of 10% of total value of imported scrap shipment;
Regarding an imported quantity ranging from 500 tonnes to less than 1,000 tonnes, it is required to pay a deposit of 15% of total value of imported scrap shipment;
Regarding an imported quantity of 1,000 tonnes or more, it is required to pay a deposit of 20% of total value of imported scrap shipment;
b) The importer of scrap paper and plastic shall pay a deposit on environmental protection during import of scrap from abroad as raw materials for production as follows:
Regarding an imported quantity of less than 100 tonnes, it is required to pay a deposit of 15% of total value of imported scrap shipment;
Regarding an imported quantity ranging from 100 tonnes to less than 500 tonnes, it is required to pay a deposit of 18% of total value of imported scrap shipment;
Regarding an imported quantity of 500 tonnes or more, it is required to pay a deposit of 20% of total value of imported scrap shipment;
c) An importer of scrap other than that specified in points a and b of this clause shall pay a deposit on environmental protection during import of scrap from abroad as raw materials with an amount of 10% of total value of imported scrap shipment.
3. Procedures for paying environmental protection deposit during import of scrap from abroad as raw materials for production:
a) The importer of scrap shall pay a deposit before the scrap is unloaded in case of import through seaway checkpoint or import to Vietnam’s territory in other cases;
b) Immediately after receiving the deposit, the deposit receiving organization shall confirm the deposit payment by the importer of scrap in the written request for deposit payment. The confirmation of deposit payment shall at least contain: name of the escrow account; total deposit calculated as prescribed in this Decree; time limit for refund of the deposit after the goods are granted customs clearance; time limit for account freezing (if any);
c) The deposit receiving organization shall send the importer of scrap 02 originals of confirmation of deposit payment on imported scrap. The importer of scrap shall send 01 original of the confirmation of deposit payment to the customs authority where the customs clearance procedures are followed.
4. Management and use of deposit on environmental protection during import of scrap from abroad as raw materials for production:
a) The deposit receiving organization to which the importer of scrap pays the deposit on environmental protection during import of scrap from abroad as raw materials for production shall freeze the deposit as prescribed by law;
b) The deposit receiving organization shall refund the deposit to the importer of scrap after receiving the written request of such importer enclosed with information about number of customs declaration associated with the imported scrap shipment which is granted customs clearance or information about cancellation of import customs declaration by the customs authority or completion of compliance with the decision on re-export or destruction as prescribed by regulations of law on waste management;
c) If the imported scrap is not granted customs clearance and cannot be re-exported, the deposit shall be used to pay the cost incurred in connection with treatment and disposal of the violating scrap. If the deposit on imported scrap is not enough to fully pay the cost incurred in connection with treatment and destruction of the violating scrap, such cost shall be at the importer’s expense. Any value generated from the product after treatment and destruction imported scrap shall be confiscated as per the law (excluding the product made from materials, additives or other scrap mixed under production process of the unit assigned to treat the violating imported scrap) and such value may not be accounted for as cost incurred in connection with treatment and destruction of violating imported scrap.
The treatment and destruction of violating imported scrap shall be carried out as prescribed by regulations on waste management. The cost incurred in treatment and destruction of the waste and scrap involved in violation shall be agreed upon between the violating importer and the organization fully capable of treatment of waste and scrap; the unit in charge of treatment and destruction of scrap involved in violation shall be specified in the penalty decision issued by the person competent to impose penalties for administrative violations as per the law. If the violating importer is unidentifiable, the cost incurred in connection with treatment and destruction of scrap involved in violation shall be covered by the state as per the law.
d) If the deposit that remains after making payments for treatment of imported scrap involved in violation, within 05 days from receipt of a written opinion on the completion of treatment and destruction of scrap issued by the authority competent to impose penalty as per the law on penalties for administrative violations against regulations on environmental protection, the deposit receiving organization shall refund the remaining deposit to the scrap importer.
Section 5. ENVIRONMENTAL PROTECTION IN DEDICATED AREAS FOR PRODUCTION, BUSINESS OPERATION AND SERVICE PROVISION, INDUSTRIAL CLUSTERS AND IN SOME FIELDS
Article 47. General provisions on environmental protection in dedicated areas for production, business operation and service provision
1. Dedicated areas for production, business operation and service provision must be planned to satisfy the following conditions: minimize the impacts of their types of production, business and services likely to cause environmental pollution on other types of production, business and services; facilitate the environmental emergency prevention and response; promote reuse and recycling of waste, energy saving and industrial symbiosis.
2. The projects located in every dedicated area for production, business operation and service provision must maintain a safe environmental distance in accordance with national technical regulation on technical infrastructure in order to minimize their impacts on other establishments and socio-economic subjects in the vicinity of the dedicated area for production, business operation and service provision.
3. The reuse of waste, application of cleaner production technologies, energy saving, industrial symbiosis and circular economy are encouraged.
4. It is advisable to establish or convert dedicated areas for production, business operation and service provision applying the eco-industrial park model.
Article 48. Requirements for technical infrastructure for environmental protection in dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters
1. Technical infrastructure for environmental protection shall be provided appropriately for types of investment in a dedicated area for production, business operation and service provision and industrial cluster to minimize its adverse impacts on ambient environment and shall be constructed and completed before the establishments in the dedicated area for production, business operation and service provision and industrial cluster are put in to operation.
2. The rainwater drainage and collection system must satisfy the following requirements:
a) Separate the rainwater drainage system from the wastewater drainage and collection system;
b) There must be a manhole for sedimentation and oil scum must be separated before being discharged into the shared rainwater drainage system of the area;
c) It must be regularly dredged and periodically maintained and cared to ensure its normal operation.
3. The treated wastewater drainage and collection system must satisfy the following environmental protection requirements:
a) Manholes must be located at positions and have depths for easy connection to establishments’ wastewater discharging points and ensure the wastewater drainage capacity of the dedicate areas for production, business operation and service provision; the wastewater connection points must lie along the collection route of the water drainage system of the industrial park and outside the premises of establishments;
b) The treated drainage and collection system must be solid, waterproof and resistant to wastewater leakage according to design standards and regulations on construction or product and goods quality standards;
c) At treated wastewater discharging point, there must be signs and a working area of at least 01 m2 and a passage that facilitates the inspection and control of waste sources;
d) It must be regularly dredged and periodically maintained and cared to ensure its normal operation.
4. The centralized wastewater treatment system must satisfy the following environmental protection requirements:
a) It may be divided into various modules suitable for the schedule of occupancy and operation of the dedicated area for production, business operation and service provision but must ensure that the entire generated wastewater volume is treated in accordance with environmental technical regulations and issued environmental license;
b) It has an independent electric meter;
c) It has an automatic and continuous monitoring system specified in clause 4 Article 97 of this Decree;
d) It must be operated regularly according to the technological process to ensure that treated wastewater satisfies environmental technical regulations before being discharged into a receiving body; must be periodically maintained and care to ensure its normal operation;
dd) Sludge of the centralized wastewater treatment system must be collected, transported and treated or reused in accordance with regulations of law on waste management;
e) Equipment for collection and works for storage of domestic waste, normal solid waste and hazardous waste and treatment of emissions (if any) must satisfy the environmental protection requirements specified in Chapter V of this Decree;
g) The operation of the centralized wastewater treatment system must be specified in an operation logbook which sufficiently documents the following: flow (input, output), typical parameters of input and output wastewater (if any); amount of electricity used; type and amount of chemicals used, sewage sludge generated. The operation logbook must be written in Vietnamese language and retained for at least 02 years;
h) The input wastewater standard applicable to the centralized wastewater treatment system must be recorded in the decision on EIAR approval, environmental license, environmental registration certificate and regulations on environmental protection of dedicated area for production, business operation and service provision and industrial cluster.
5. It has works and equipment for environmental emergency response and prevention as prescribed by law.
Article 49. Responsibilities of organizations and individuals for environmental protection in dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters
1. Every investor in construction and commercial operation of infrastructure of a dedicated area for production, business operation and service provision shall comply with the regulations set out in clause 4 Article 51 of the LEP; investor in construction and commercial operation of infrastructure of an industrial cluster shall comply with the regulations set out in clause 3 Article 52 of the LEP. Several contents shall be elaborated as follows:
a) The acceptance of a new project or increase in capacity of the operating project that generates wastewater in the dedicated area for production, business operation and service provision must be suitable for the wastewater receipt and treatment capacity of the centralized wastewater treatment system. New projects in the dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster must connect wastewater to the collection point before transporting it to the centralized wastewater treatment system;
b) It is not permitted to accept a new project or increase capacity of the operating project that generates wastewater in the dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster in the following cases: the new project is involved in an industry or business line not included in the list of industries and business lines in which investment is encouraged of the dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster; the dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster fails to have or satisfy one of the requirements for environmental protection infrastructure as prescribed in Article 48 of this Decree;
c) Wastewater shall not be diluted before reaching the discharging point of the dedicated area for production, business operation and service provision and industrial cluster;
d) If the dedicated area for production, business operation and service provision is operating before the effective date of this Decree but fails to have a centralized wastewater treatment system and the businesses therein have been exempted from connection as prescribed by law, such area is only permitted to accept a new investment project after satisfying the regulations laid down in Article 48 of this Decree, except where the new investment project does not discharge industrial wastewater into the environment when put into official operation;
dd) The investor in construction and commercial operation of infrastructure of a dedicated area for production, business operation and service for which the EIAR appraisal result have been approved or which has been issued with the environmental license shall, before formulating a plan for registration of certification of eco-industrial park, make review, assessment and adjustment as prescribed in Articles 27 and 30 of this Decree (if any);
e) Fulfill other specific responsibilities prescribed in this Decree.
2. Every owner of a dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster shall comply with the regulations set forth in clause 1 Article 53 of the LEP. Several contents shall be elaborated as follows:
a) New investment projects in the dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster must preliminarily treat and connect wastewater to the centralized wastewater treatment system of the dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster. Wastewater transferred for treatment must have their weight and pollution parameters not exceeding the input wastewater standard of the centralized wastewater treatment system; satisfy the conditions set out in the written agreement with the investor in construction and commercial operation of infrastructure of the dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster and environmental license of such dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster; except where the establishment has been exempted from connection as prescribed;
b) The operating establishments which have connected treated wastewater to the wastewater drainage system and the establishments which have been exempted from connection to the centralized wastewater drainage and collection system of the dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster in accordance with previous regulations shall fulfill responsibilities of the establishments exempted from connection as prescribed in point b clause 2 Article 52 of the LEP.
c) The operating establishments which discharge treated wastewater to the rainwater drainage and collection system must cooperate with the investor in construction and commercial operation of the industrial cluster’s infrastructure shall fulfill the responsibilities prescribed in point a clause 2 Article 51 of the LEP.
3. Management boards of industrial parks, export-processing zones and hi-tech zones of provinces and central-affiliated cities shall comply with the regulations set forth in clauses 2 and 3 Article 51 of the LEP and fulfill the following responsibilities:
a) Provide guidance on and inspect the implementation of the regulations set forth in clauses 1 and 2 of this Article by the investors in commercial operation of infrastructure of dedicated areas for production, business operation and service provision and owners of establishments therein;
b) During the approval of the investment guidelines or investment decision within their power with respect to new projects or operating projects whose capacity is increased which generate wastewater in dedicated areas for production, business operation and service provision, consider the conformity with the requirements for environmental protection infrastructure specified in Article 48 of this Decree.
4. District-level People’s Committees shall comply with the regulations specified in clause 5 Article 52 of the LEP and fulfill the following responsibilities:
a) Provide guidance on and inspect the implementation of the regulations set forth in clauses 1 and 2 of this Article by the investors in commercial operation of industrial clusters’ infrastructure and owners of establishments in industrial clusters;
b) During the approval of the investment guidelines or investment decision within their power with respect to new projects or operating projects whose capacity is increased which generate wastewater in the dedicated area for production, business operation and service provision, consider their conformity with the requirements for environmental protection infrastructure specified in Article 48 of this Decree.
5. Provincial People’s Committees shall comply with the regulations set out in clause 5 Article 51 and clause 6 Article 52 of the LEP and fulfill the following responsibilities:
a) In the course of providing instructions on approval of investment decisions for new projects or operating projects whose capacity is increased which generate wastewater in dedicated areas for production, business operation and service provision, request a specialized authority to consider their conformity with the requirements for environmental protection infrastructure specified in Article 48 of this Decree;
b) Provide guidelines and process requests of investors in construction and commercial operation of infrastructure of dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters for designating locations of emergency ponds and approval of adjustments to planning of such dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters;
c) Build a roadmap for relocation of residents living in dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters (if any); roadmap for conversion from craft villages to industrial clusters and dedicated areas for production, business operation and service provision as specified in point c clause 6 Article 52 of the LEP.
Article 50. Seeking opinions of specialized environmental protection authorities about in situ wastewater treatment works and equipment
1. The authority appraising construction designs or issuing construction permits in the cases specified in clause 2 Article 59 and clause 1 Article 66 of the LEP shall seek written opinions of specialized environmental protection authorities at the same level about the dossier on the in situ wastewater treatment works and equipment and equipment for collection and temporary storage of waste of the project as prescribed in clause 2 of this Article, except where the project for which the EIAR appraisal result has been approved or which has been issued with the environmental license.
2. The documentation submitted to seek opinions about in situ wastewater treatment works and equipment and equipment for collection and temporary storage of waste consists of:
a) A written request for opinions about the in situ wastewater treatment works and equipment and equipment for collection and temporary storage of waste submitted by the authority appraising construction designs or issuing construction permits to the specialized environmental protection authority at the same level;
b) A report on fundamental design plan and documentation, description of treatment technology of the in situ wastewater treatment works and equipment satisfying environmental technical regulations on in situ wastewater treatment equipment, including a plan to discharge treated wastewater into the receiving body, plan to reuse wastewater, plan to treat sludge and sediment generated from the wastewater treatment process, the plan to treat odor, emissions and harmful chemicals (if any); a plan enclosed with a detailed description of the area and equipment for collection and temporary storage of waste.
3. The project owner shall provide components of the documentation submitted to seek opinions about the in situ wastewater treatment works and equipment and equipment for collection and temporary storage of waste of the project specified in point b clause 2 of this Article to the authority appraising construction designs or issuing construction permits.
4. Within 07 days from the receipt of the written request for opinions, the specialized environmental protection authority shall send a written response to the in situ wastewater treatment works and equipment and equipment for collection and temporary storage of waste to the authority appraising construction designs or issuing construction permits. In the case of disagreement, reasons shall be clearly stated.
Article 51. Use of livestock waste as organic fertilizers, for plant watering or for other purposes
1. Organic solid waste and livestock wastewater generated from farmer household livestock production shall be used as fertilizers, for plant watering or for other purposes without causing environmental pollution.
2. The use of organic solid waste and livestock wastewater generated from farmer household livestock production shall be used as fertilizers, for plant watering or as fish feeds shall comply with the following regulations:
a) Livestock waste may be only used as fertilizers, for plant watering or as fish feeds when it satisfies the national environmental regulation specified in clause 4 of this Article;
b) The livestock waste shall be transported out of a livestock farm using a closed vehicle or equipment which does not cause any spill or leak and environmental pollution.
3. The use of organic solid livestock waste generated from livestock farming as raw materials, fuels and materials for production shall comply with the regulations set out in point b clause 2 of this Article and shall not cause environmental pollution during their use.
4. Ministry of Agriculture and Rural Development shall promulgate a national technical regulation on organic solid livestock waste used in crops or as fish feeds; national technical regulations on livestock wastewater used in crops.
Article 52. Safe environmental distance from residential areas
1. Safe environmental distance:
a) For businesses and warehouses specified in points a, b, c and d clause 2 Article 53 of the LEP, the safe environmental distance is the minimum distance from a business or warehouse to the current and lawful works of a residential area including detached houses, apartment buildings, educational and health works to ensure environmental safety;
b) For the businesses and warehouses likely to cause water pollution specified in points dd clause 2 Article 53 of the LEP, the safe environmental distance is the minimum distance from the wastewater discharging point of a business or warehouse to the water collection point or urban water supply structure.
2. Determine safe environmental distance from a residential area:
a) The safe environmental distance from the business and warehouse specified in points a, b and c clause 2 Article 53 of the LEP to a residential area shall be determined according to the scale and capacity of the business and warehouse and characteristics of the flammable, explosive, radioactive substances, radioactive waste, radioactive equipment or substances hazardous to human beings and creatures;
b) The safe environmental distance from the business and warehouse specified in points d and dd clause 2 Article 53 of the LEP to a residential area shall be determined according to the scale and capacity of the business and warehouse and characteristics of dust, unpleasant smell, noise and risks of pollution of sources of water used for domestic purpose;
c) If the business and warehouse has multiple sources of waste, the safe environmental distance is from its nearest source of waste to the residential area. In case of failure to identify the source of waste or having no source of waste, the safe environmental distance is from the wall of the business and warehouse, house or work containing the source of pollution, flammable or explosive substances, radioactive substances, radioactive waste, radioactive equipment or substances hazardous to human beings and creatures;
d) For businesses and warehouses concurrently falling into at least 02 cases as prescribed in points a, b, c and d clause 2 Article 53 of the LEP, the value of the maximum distance shall be applied.
3. The safe environmental distance from the business and warehouse specified in points a, b, c and dd clause 2 Article 53 of the LEP shall comply with regulations on safe distance prescribed by the law on fire safety, management of explosive materials, radiation safety, chemical safety, water resources and other relevant regulations of law.
4. MONRE shall preside over formulating and promulgating environmental technical regulation on safe environmental distance from the business and warehouse specified in point d clause 2 Article 53 of the LEP, except for the regulations specified in clause 3 of this Article.
5. A competent authority shall consider applying safe environmental distance to investment projects of businesses and warehouses when approving locations to be included in the planning or recommending locations of investment projects; or when approving and deciding investment guidelines, deciding investment and issuing investment registration certificates.
Article 53. Roadmap for application of best available techniques
1. Every owner of an investment project involved in the type of production, business or services likely to cause environmental pollution shall consider applying best available techniques to at least one production activity or production stage according to the following roadmap:
a) Before January 01, 2027 for the investment project at level I in the Appendix II hereof;
b) Before January 01, 2028 for the investment project at level II in the Appendix II hereof;
c) Before January 01, 2029 for the investment project at level III in the Appendix II hereof;
2. Every owner of a business involved in the type of production, business or services likely to cause environmental pollution shall consider applying best available techniques to at least one production activity or production stage according to the following roadmap:
a) Before January 01, 2028 for the business at level I in the Appendix II hereof;
b) Before January 01, 2029 for the business at level II in the Appendix II hereof;
c) Before January 01, 2030 for the business at level III in the Appendix II hereof;
3. Owners of projects and businesses involved in types of production, business and services likely to cause environmental pollution are encouraged to consider applying best available techniques to at least one production activity or production stage according to the roadmap specified in clauses 1 and 2 of this Article to receive incentives and assistance as prescribed in this Decree.
Article 54. Specific requirements for environmental protection during trial operation, waste management, use of non-aqueous drilling fluids and environmental monitoring in case of oil and gas exploration, production and transport and relevant services at sea
1. Regulations on trial operation:
a) Environmental protection works of oil and gas production projects are not required to undergo trial operation;
b) If the projects specified in point a of this clause are required to obtain an environmental license, an application for issuance of the environmental license (including waste treatment works and other environmental protection works) shall be prepared prior to production;
c) The oil and gas production projects and establishments that have their discharged produced water connected to the centralized discharged produced water treatment system issued with the environmental license or component environmental license are not required to prepare an application for issuance of the environmental license.
2. Regulations on waste management:
a) Hazardous and non-hazardous waste generated from oil and gas exploration and production shall be transported to the mainland on ships issued with the certificate of dangerous goods transport issued by a competent authority. After being transported to the mainland, hazardous and non-hazardous waste shall be transferred to a licensed unit for treatment;
b) The management of waste generated from oil and gas exploration and production other than that specified in point a of this clause shall adhere to the guidelines provided by MONRE and relevant regulations of law.
3. Regulations on environmental monitoring:
a) Any organization or individual carrying out oil and gas activities at sea is not required carry out automatic monitoring of wastewater with respect to discharged produced water; discharged produced water shall be monitored at least every 03 months using the parameters prescribed by specific environmental technical regulation on discharged produced water from offshore oil and gas facilities;
b) The environmental monitoring of oil and gas exploration and production activities other than those specified in point a of this clause shall adhere to the guidelines provided by MONRE and relevant regulations of law.
Article 55. Environmental protection during burial and cremation
1. Burial and cremation sites shall conform to the Government’s regulations on construction, management and use of cemeteries and crematoria, except for the specific cases specified in clause 3 of this Article.
2. A project on investment in a cemetery or crematorium shall satisfy the following environmental protection requirements:
a) The burial site must not affect the sources of water used for domestic purpose; when being sited in the proximity to a residential area, the crematorium must be downwind of the prevailing wind directions;
b) The project on investment in a cremation service provider must request comments about its technology in accordance with regulations of law on technology transfer;
c) Emissions produced during cremation shall be treated in accordance with environmental technical regulations;
d) Solid waste produced by the cemetery or crematorium must be collected and treated according to the environmental protection requirements;
dd) The cemetery or crematorium must achieve the green and grass coverage ratio prescribed by regulations of law on construction; build a separate rainwater drainage and collection;
e) The safe environmental distance from the fence of the cemetery or crematorium to the residential area or public work must comply with the technical regulation on construction planning.
3. The burial and cremation by ethnic minorities, religious followers within churches, pagodas, temples and other religious establishment shall comply with regulations of law on religion and folk belief and meet the environmental protection requirements specified in points c and d clause 2 of this Article. Provincial People’s Committees shall provide guidance on burial and cremation activities which is suitable for traditional customs, practices and beliefs and ensures environmental safety.
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực