Chương III Nghị định 08/2022/NĐ-CP : Phân vùng môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường , giấy phép môi trường , đăng ký môi trường
Số hiệu: | 08/2022/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Lê Văn Thành |
Ngày ban hành: | 10/01/2022 | Ngày hiệu lực: | 10/01/2022 |
Ngày công báo: | 30/01/2022 | Số công báo: | Từ số 169 đến số 170 |
Lĩnh vực: | Tài nguyên - Môi trường | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
04 nhóm ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề
Đây là nội dung tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Theo đó, không khuyến khích phát triển tại các làng nghề đối với 04 nhóm ngành, nghề sau:
- Ngành, nghề sản xuất không thuộc ngành nghề nông thôn theo quy định của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
- Ngành, nghề thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục II;
- Ngành, nghề sử dụng nhiên liệu, nguyên liệu hoặc hóa chất dễ cháy, dễ nổ, hóa chất nguy hiểm, hóa chất hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật về hóa chất;
- Ngành, nghề sử dụng dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị lạc hậu thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
Cơ sở, HGĐ sản xuất trong làng nghề thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển phải thực hiện các quy định về đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Nghị định 08/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/01/2022.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Việc phân vùng môi trường theo vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và vùng khác được thực hiện theo tiêu chí về yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường nhằm mục tiêu giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường đến sự sống và phát triển bình thường của con người và sinh vật.
2. Vùng bảo vệ nghiêm ngặt bao gồm:
a) Khu dân cư tập trung ở đô thị bao gồm: nội thành, nội thị của các đô thị đặc biệt, loại I, loại II, loại III theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị;
b) Nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước;
c) Khu bảo tồn thiên nhiên theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản;
d) Khu vực bảo vệ 1 của di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;
đ) Vùng lõi của di sản thiên nhiên (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
3. Vùng hạn chế phát thải bao gồm:
a) Vùng đệm của các vùng bảo vệ nghiêm ngặt quy định tại khoản 2 Điều này (nếu có);
b) Vùng đất ngập nước quan trọng đã được xác định theo quy định của pháp luật;
c) Hành lang bảo vệ nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước;
d) Khu dân cư tập trung là nội thành, nội thị của các đô thị loại IV, loại V theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị;
đ) Khu vui chơi giải trí dưới nước theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
e) Khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường khác cần được bảo vệ.
4. Vùng khác là khu vực còn lại trên địa bàn.
1. Việc xác định vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải trong quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia được quy định như sau:
a) Điều tra, đánh giá tổng quan các khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 22 Nghị định này;
b) Định hướng mục tiêu về bảo vệ môi trường đối với các khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 22 Nghị định này;
c) Định hướng về vị trí, quy mô, ranh giới của các vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải.
2. Việc xác định vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải trong quy hoạch tỉnh được quy định như sau:
a) Điều tra, đánh giá các khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 22 Nghị định này trên địa bàn quản lý;
b) Xác định mục tiêu bảo vệ môi trường đối với khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 22 Nghị định này trên địa bàn quản lý;
c) Xác định phương án về vị trí, quy mô, ranh giới của vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải trên địa bàn quản lý.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định về xác định vị trí, ranh giới của vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải trên địa bàn quản lý đã được xác định trong quy hoạch tỉnh trong kỳ quy hoạch.
4. Yêu cầu về bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường được quy định như sau:
a) Quy chuẩn kỹ thuật về nước thải, khí thải quy định giá trị giới hạn cho phép của các chất ô nhiễm phù hợp với yêu cầu bảo vệ của phân vùng môi trường đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải, bảo đảm không gây tác động xấu đến sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật;
b) Dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao công suất trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải phải thực hiện yêu cầu bảo vệ môi trường quy định tại điểm a khoản này;
c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại điểm a khoản này phải thực hiện chuyển đổi loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đổi mới công nghệ, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường khác bảo đảm đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành lộ trình thực hiện đối với cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải đã được xác định trên địa bàn quản lý phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều này.
1. Quy mô dự án đầu tư được quy định như sau:
a) Quy mô của dự án đầu tư được phân loại theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công, gồm dự án quan trọng quốc gia, nhóm A, nhóm B và nhóm C, trừ trường hợp quy định tại các điểm b, c và d khoản này;
b) Quy mô diện tích sử dụng đất, đất có mặt nước của dự án được phân thành 03 loại: lớn, trung bình và nhỏ;
c) Quy mô sử dụng khu vực biển được phân thành 02 nhóm theo thẩm quyền cấp giấy phép nhận chìm ở biển, giao khu vực biển và giao khu vực biển để lấn biển theo quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;
d) Quy mô khai thác tài nguyên thiên nhiên được phân thành 02 nhóm theo thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản, khai thác và sử dụng tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về khoáng sản, tài nguyên nước.
2. Công suất của dự án đầu tư thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này được xác định trong hồ sơ đề xuất dự án đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc các tài liệu tương đương của dự án được phân thành 03 loại: lớn, trung bình và nhỏ.
3. Loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gồm:
a) Danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
4. Việc xác định dự án có yếu tố nhạy cảm về môi trường quy định tại điểm c khoản 1 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường được quy định như sau:
a) Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này nằm trong nội thành, nội thị của đô thị theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị;
b) Dự án có xả nước thải vào nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước;
c) Dự án có sử dụng đất, đất có mặt nước của khu bảo tồn thiên nhiên theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp, thủy sản; rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản theo quy định của pháp luật về thủy sản; vùng đất ngập nước quan trọng và di sản thiên nhiên khác được xác lập, công nhận theo quy định tại Nghị định này (trừ các dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, phòng cháy chữa cháy rừng, lâm sinh được cấp có thẩm quyền phê duyệt);
d) Dự án có sử dụng đất, đất có mặt nước của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa (trừ các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, xây dựng công trình nhằm phục vụ việc quản lý, vệ sinh môi trường, bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các dự án bảo trì, duy tu bảo đảm an toàn giao thông);
đ) Dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên theo thẩm quyền quy định của pháp luật về đất đai; dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất có mặt nước của khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, vùng đất ngập nước quan trọng, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ (trừ các dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, phòng cháy chữa cháy rừng, lâm sinh được cấp có thẩm quyền phê duyệt);
e) Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư theo thẩm quyền quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư và pháp luật về xây dựng.
5. Danh mục chi tiết các dự án đầu tư nhóm I, II và III được quy định tương ứng tại Phụ lục III, Phụ lục IV và Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
1. Đối tượng tham vấn:
a) Cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi tác động môi trường do các hoạt động của dự án gây ra, bao gồm: cộng đồng dân cư, cá nhân sinh sống, sản xuất, kinh doanh tại khu vực đất, mặt nước, đất có mặt nước, khu vực biển bị chiếm dụng cho việc đầu tư dự án; cộng đồng dân cư, cá nhân nằm trong phạm vi tác động trực tiếp của nước thải, khí thải, bụi, tiếng ồn, chất thải rắn, chất thải nguy hại do dự án gây ra; cộng đồng dân cư, cá nhân bị ảnh hưởng do các hiện tượng sụt lún, sạt lở, bồi lắng bờ sông, bờ biển gây ra bởi dự án; cộng đồng dân cư, cá nhân bị tác động khác, được xác định thông qua quá trình đánh giá tác động môi trường.
Việc tham vấn cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp được thực hiện thông qua hình thức tham vấn họp lấy ý kiến;
b) Cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư, bao gồm: Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi thực hiện dự án; Ban quản lý, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp nơi dự án nằm trong ranh giới quản lý; cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi đối với dự án có xả nước thải vào công trình thủy lợi hoặc có chiếm dụng công trình thủy lợi; cơ quan quản lý nhà nước được giao quản lý các khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường (nếu có); Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoặc Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Công an cấp tỉnh đối với các dự án có liên quan đến yếu tố an ninh - quốc phòng (nếu có).
Việc tham vấn các cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư được thực hiện thông qua hình thức tham vấn bằng văn bản.
2. Nội dung tham vấn khác quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 33 Luật Bảo vệ môi trường bao gồm: phương án cải tạo phục hồi môi trường đối với dự án khai thác khoáng sản hoặc chôn lấp chất thải, phương án bồi hoàn đa dạng sinh học đối với dự án có phương án bồi hoàn đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật.
3. Hình thức tham vấn:
a) Tham vấn thông qua đăng tải trên trang thông tin điện tử:
Trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án gửi nội dung tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Bảo vệ môi trường đến đơn vị quản lý trang thông tin điện tử của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường để tham vấn các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này, trừ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị đăng tải của chủ dự án, đơn vị quản lý trang thông tin điện tử của cơ quan thẩm định có trách nhiệm đăng tải nội dung tham vấn. Việc tham vấn được thực hiện trong thời hạn 15 ngày; hết thời hạn tham vấn, đơn vị quản lý trang thông tin điện tử có trách nhiệm gửi kết quả tham vấn cho chủ dự án;
b) Tham vấn bằng tổ chức họp lấy ý kiến:
Chủ dự án chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án niêm yết báo cáo đánh giá tác động môi trường tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và thông báo thời gian, địa điểm tổ chức họp tham vấn lấy ý kiến các đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này trước thời điểm họp ít nhất là 05 ngày. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết báo cáo đánh giá tác động môi trường kể từ khi nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường cho đến khi kết thúc họp lấy ý kiến.
Chủ dự án có trách nhiệm trình bày nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường tại cuộc họp tham vấn. Ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp và các phản hồi, cam kết của chủ dự án phải được thể hiện đầy đủ, trung thực trong biên bản họp tham vấn cộng đồng theo mẫu do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định;
c) Tham vấn bằng văn bản:
Chủ dự án gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đến các đối tượng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này kèm theo văn bản tham vấn theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.
Các đối tượng được tham vấn bằng văn bản có trách nhiệm phản hồi bằng văn bản theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản tham vấn. Trường hợp không có phản hồi trong thời hạn quy định được coi là thống nhất với nội dung tham vấn.
4. Trách nhiệm của chủ dự án đầu tư trong việc thực hiện tham vấn:
a) Thực hiện các hình thức tham vấn theo quy định tại khoản 4 Điều 33 Luật Bảo vệ môi trường và tham vấn ý kiến các đối tượng theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp quy định tại các điểm e, g và h khoản này;
b) Đối với các dự án đầu tư có hoạt động nhận chìm vật, chất ở biển; dự án đầu tư có tổng lưu lượng nước thải từ 10.000 m3/ngày (24 giờ) trở lên, xả trực tiếp nước thải vào sông liên tỉnh, sông giáp ranh giữa các tỉnh hoặc xả trực tiếp nước thải ra biển ven bờ, chủ dự án thực hiện tham vấn thêm ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liền kề có sông liên tỉnh, sông giáp ranh hoặc biển ven bờ để phối hợp giải quyết những vấn đề môi trường trong khu vực;
c) Đối với các dự án quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này có lưu lượng nước thải xả trực tiếp ra môi trường từ 10.000 m3/ngày (24 giờ) trở lên hoặc lưu lượng khí thải từ 200.000 m3/giờ trở lên, chủ dự án thực hiện tham vấn ít nhất 05 chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến lĩnh vực hoạt động của dự án và chuyên gia môi trường. Đối với các dự án còn lại quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này, chủ dự án thực hiện tham vấn ít nhất 03 chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến lĩnh vực hoạt động của dự án và chuyên gia môi trường;
d) Đối với các dự án có nguy cơ bồi lắng, xói lở hoặc xâm nhập mặn do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; dự án có hoạt động nhận chìm vật, chất nạo vét xuống biển có tổng khối lượng từ 5.000.000 m3 trở lên; các dự án có lưu lượng nước thải công nghiệp từ 10.000 m3/ngày (24 giờ) trở lên (trừ các trường hợp đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước làm mát và nước thải của dự án nuôi trồng thủy sản) hoặc lưu lượng khí thải từ 200.000 m3/giờ trở lên, chủ dự án phải lấy ý kiến của tổ chức chuyên môn về kết quả tính toán của mô hình được áp dụng;
đ) Đối với các dự án đầu tư xây dựng có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên hoặc vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển từ 01 ha trở lên, chủ dự án phải lấy ý kiến của tổ chức chuyên môn về tác động của việc thực hiện dự án tới đa dạng sinh học;
e) Đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông và tuyến đường dây tải điện liên tỉnh, liên huyện, chủ dự án chỉ thực hiện tham vấn theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều này và tham vấn bằng văn bản đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nếu dự án nằm trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nếu dự án nằm trên địa bàn từ hai huyện trở lên;
g) Đối với các dự án đầu tư nằm trên vùng biển, thềm lục địa chưa xác định được trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp xã, chủ dự án chỉ thực hiện tham vấn theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều này và tham vấn bằng văn bản đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tiếp nhận chất thải vào bờ của dự án;
h) Đối với các dự án nằm trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, chủ dự án chỉ thực hiện tham vấn theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều này và tham vấn thêm Ban quản lý, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đó;
i) Chủ dự án có trách nhiệm tổng hợp trung thực, thể hiện đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của đối tượng được tham vấn; tiếp thu, giải trình kết quả tham vấn và hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung và kết quả tham vấn trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.
1. Trong thời hạn tối đa 12 tháng, kể từ ngày có văn bản yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án đầu tư hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường và gửi cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sau thời hạn này, việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo quy định tại Điều 34 Luật Bảo vệ môi trường.
2. Trong quá trình chuẩn bị, triển khai thực hiện dự án đầu tư trước khi vận hành, chủ dự án đầu tư có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường khi có một hoặc các thay đổi so với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường và được quy định chi tiết như sau:
a) Tăng quy mô, công suất của dự án tới mức phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
b) Thay đổi công nghệ sản xuất của dự án làm phát sinh chất thải vượt quá khả năng xử lý chất thải của các công trình bảo vệ môi trường so với phương án trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;
c) Thay đổi công nghệ xử lý chất thải của dự án có khả năng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;
d) Thay đổi địa điểm thực hiện dự án, trừ trường hợp dự án đầu tư trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có địa điểm thực hiện dự án thay đổi phù hợp với quy hoạch phân khu chức năng của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
đ) Thay đổi vị trí xả trực tiếp nước thải sau xử lý vào nguồn nước có yêu cầu cao hơn về quy chuẩn xả thải hoặc thay đổi nguồn tiếp nhận làm gia tăng ô nhiễm, sạt lở, sụt lún.
3. Thực hiện trách nhiệm quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 4 Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường.
1. Nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đi vào vận hành thử nghiệm, bao gồm:
a) Thông tin chung về dự án đầu tư: tên dự án, chủ dự án; địa điểm thực hiện dự án; cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng, cấp các loại giấy phép có liên quan đến môi trường, phê duyệt dự án; quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án; văn bản thay đổi (nếu có); quá trình thực hiện dự án; quy mô (phân loại theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công), công suất, công nghệ, sản phẩm sản xuất, lượng điện, nguồn và lượng nước sử dụng, nguồn tiếp nhận nước thải, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, hóa chất sử dụng và các thông tin khác có liên quan đến dự án;
b) Sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường (nếu có);
c) Kết quả hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường (công trình được bàn giao, nghiệm thu giữa chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị giám sát thi công theo quy định của pháp luật về xây dựng): các công trình, thiết bị thu gom, xử lý nước thải, bụi, khí thải; công trình lưu giữ, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại; công trình, biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung; công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và công trình bảo vệ môi trường khác. Các thông tin chính gồm: quy mô, công suất, quy trình vận hành; hóa chất, chế phẩm sinh học sử dụng để xử lý nước thải; hóa chất, chất xúc tác sử dụng để xử lý bụi, khí thải; các hệ thống thiết bị xử lý chất thải đồng bộ, hợp khối, thiết bị quan trắc tự động, liên tục (đối với trường hợp phải lắp đặt) và thiết bị xử lý khác (kèm theo CO/CQ của thiết bị); các thông số kỹ thuật cơ bản; tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng.
Đối với dự án đầu tư xử lý chất thải rắn tập trung, chất thải nguy hại phải nêu rõ các công trình, thiết bị, phương tiện thu gom và xử lý chất thải.
Đối với dự án đầu tư có sử dụng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất phải nêu rõ công nghệ sản xuất; điều kiện kho, bãi lưu giữ; hệ thống thiết bị tái chế; phương án xử lý tạp chất; phương án tái xuất phế liệu phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Đối với dự án đầu tư có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi phải nêu rõ việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với công trình thủy lợi;
d) Kế hoạch, tiến độ, kết quả thực hiện phương án cải tạo, phục hồi môi trường, phương án bồi hoàn đa dạng sinh học (nếu có);
đ) Đề xuất nội dung thay đổi so với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (nếu có) kèm theo đánh giá tác động đến môi trường từ việc thay đổi này;
e) Nội dung đề nghị cấp giấy phép môi trường quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường;
g) Kế hoạch, thời gian dự kiến thực hiện vận hành thử nghiệm, kèm theo kế hoạch quan trắc chất thải để đánh giá hiệu quả của công trình xử lý chất thải (lấy mẫu tổ hợp và mẫu đơn); trường hợp công trình, thiết bị xử lý hợp khối hoặc công trình xử lý chất thải thuộc dự án có công suất nhỏ theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này chỉ thực hiện lấy mẫu đơn để quan trắc; phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quá trình vận hành thử nghiệm và khi dự án đi vào vận hành;
h) Đề xuất nội dung thực hiện quan trắc chất thải (tự động, liên tục và định kỳ) theo quy định của pháp luật và các nội dung về bảo vệ môi trường khác (nếu có).
2. Nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư nhóm II không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường bao gồm:
a) Thông tin chung về dự án đầu tư: tên dự án, chủ dự án; địa điểm thực hiện dự án; cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng, cấp các loại giấy phép có liên quan đến môi trường, phê duyệt dự án; quy mô (phân loại theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công), công suất, công nghệ, sản phẩm sản xuất, lượng điện, nguồn và lượng nước sử dụng, nguồn tiếp nhận nước thải, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, hóa chất sử dụng và các thông tin khác có liên quan đến dự án;
b) Sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường (nếu có);
c) Đánh giá hiện trạng môi trường nơi thực hiện dự án đầu tư (trừ dự án đầu tư trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp không phải thực hiện); đánh giá việc lựa chọn công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải và các công trình bảo vệ môi trường khác; đánh giá, dự báo tác động của các nguồn thải, tiếng ồn, độ rung; đánh giá, dự báo tác động của dự án tới đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên, dòng chảy, sạt lở, bồi lắng, xâm nhập mặn và xã hội (nếu có);
d) Đề xuất kế hoạch, các biện pháp xử lý chất thải kèm theo thuyết minh và phương án thiết kế xây dựng (thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công đối với dự án chỉ yêu cầu thiết kế một bước) của các công trình bảo vệ môi trường, hạng mục công trình xử lý chất thải, các hệ thống thiết bị xử lý chất thải đồng bộ, hợp khối, thiết bị quan trắc tự động, liên tục (đối với trường hợp phải lắp đặt) và thiết bị xử lý khác (kèm theo CO/CQ, nếu có), phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, các công trình lưu giữ chất thải và công trình, thiết bị liên quan; kế hoạch xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo trì, quản lý hạng mục xả thải và công trình xử lý chất thải, kèm theo dự toán kinh phí xây dựng công trình bảo vệ môi trường và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường;
đ) Các nội dung bảo vệ môi trường đặc thù: Đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản, chôn lấp chất thải, trong báo cáo đề xuất phải có phương án cải tạo, phục hồi môi trường. Đối với dự án đầu tư khai thác cát, sỏi và khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa và vùng cửa sông, ven biển, trong báo cáo đề xuất phải có nội dung đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông, dòng chảy theo quy định của pháp luật. Đối với dự án đầu tư gây tổn thất, suy giảm đa dạng sinh học, trong báo cáo đề xuất phải có phương án bồi hoàn đa dạng sinh học. Đối với dự án đầu tư có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi, trong báo cáo đề xuất phải có đánh giá tác động và biện pháp bảo vệ môi trường đối với nguồn nước công trình thủy lợi;
e) Nội dung đề nghị cấp giấy phép môi trường quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường;
g) Kế hoạch, thời gian dự kiến thực hiện vận hành thử nghiệm, kèm theo kế hoạch quan trắc chất thải để đánh giá hiệu quả của công trình xử lý chất thải (lấy mẫu tổ hợp và mẫu đơn); trường hợp công trình, thiết bị xử lý hợp khối hoặc công trình xử lý chất thải thuộc dự án có công suất nhỏ theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này chỉ thực hiện lấy mẫu đơn để quan trắc; phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quá trình vận hành thử nghiệm và khi dự án đi vào vận hành;
h) Đề xuất nội dung thực hiện quan trắc chất thải (tự động, liên tục và định kỳ) theo quy định của pháp luật và nội dung về bảo vệ môi trường khác (nếu có).
3. Nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường đối với cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đang hoạt động có tiêu chí về môi trường tương đương với dự án nhóm I hoặc nhóm II bao gồm:
a) Thông tin chung về cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp: tên, địa chỉ, địa điểm thực hiện; văn bản thẩm định thiết kế xây dựng, các loại giấy phép có liên quan đến môi trường, phê duyệt dự án; quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 171 Luật Bảo vệ môi trường và giấy phép môi trường thành phần (nếu có); quy mô (phân loại theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công), công suất, công nghệ, sản phẩm sản xuất, lượng điện, nguồn và lượng nước sử dụng, nguồn tiếp nhận nước thải, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, hóa chất sử dụng và các thông tin khác có liên quan đến cơ sở. Đối với cơ sở có sử dụng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất phải nêu rõ công nghệ sản xuất, điều kiện kho, bãi lưu giữ, hệ thống thiết bị tái chế, phương án xử lý tạp chất và phương án tái xuất phế liệu không đáp ứng quy chuẩn phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc văn bản tương đương với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 171 Luật Bảo vệ môi trường (bao gồm cả hồ sơ kèm theo văn bản tương đương);
b) Sự phù hợp của cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường (nếu có);
c) Các nguồn chất thải phát sinh, bao gồm: quy mô, khối lượng, chủng loại chất thải rắn; quy mô, lưu lượng, thông số ô nhiễm bụi, khí thải, tiếng ồn, độ rung; quy mô, lưu lượng, thông số ô nhiễm nước thải, nguồn tiếp nhận nước thải; công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đã hoàn thành như quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
d) Kế hoạch, tiến độ, kết quả thực hiện phương án cải tạo, phục hồi môi trường, phương án bồi hoàn đa dạng sinh học (nếu có);
đ) Nội dung đề nghị cấp giấy phép môi trường quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường;
e) Kết quả quan trắc môi trường trong 02 năm trước liền kề đối với trường hợp phải thực hiện quan trắc chất thải theo quy định hoặc kết quả quan trắc mẫu chất thải bổ sung theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp đã có giấy phép môi trường thành phần không phải thực hiện quan trắc chất thải theo quy định;
g) Kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gần nhất, kèm theo các quyết định, kết luận (nếu có);
h) Đề xuất nội dung thực hiện quan trắc chất thải (tự động, liên tục và định kỳ) theo quy định của pháp luật và nội dung về bảo vệ môi trường khác (nếu có).
4. Nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường đối với dự án nhóm III bao gồm:
a) Thông tin chung về dự án đầu tư: tên dự án, chủ dự án; địa điểm thực hiện dự án; quy mô (phân loại theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công), công suất, công nghệ, sản phẩm sản xuất, lượng điện, nguồn và lượng nước sử dụng, nguồn tiếp nhận nước thải, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, hóa chất sử dụng và các thông tin khác có liên quan đến dự án;
b) Sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường (nếu có);
c) Mô tả hiện trạng môi trường nơi thực hiện dự án đầu tư (trừ dự án đầu tư trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp không phải thực hiện); mô tả công nghệ sản xuất được đề xuất lựa chọn;
d) Đề xuất kế hoạch, các biện pháp xử lý chất thải kèm theo thuyết minh và phương án thiết kế xây dựng (thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công đối với dự án chỉ yêu cầu thiết kế một bước) của các công trình bảo vệ môi trường, hạng mục công trình xử lý chất thải, các hệ thống thiết bị xử lý chất thải đồng bộ, hợp khối, thiết bị quan trắc tự động, liên tục (đối với trường hợp phải lắp đặt) và thiết bị xử lý khác (kèm theo CO/CQ, nếu có), phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, các công trình lưu giữ chất thải và công trình, thiết bị liên quan; kế hoạch xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo trì, quản lý hạng mục xả thải và công trình xử lý chất thải; biện pháp bảo vệ môi trường đối với nguồn nước công trình thủy lợi đối với dự án đầu tư có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi;
đ) Nội dung đề nghị cấp giấy phép môi trường quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường;
e) Kế hoạch, thời gian dự kiến thực hiện vận hành thử nghiệm, kèm theo kế hoạch quan trắc chất thải để đánh giá hiệu quả của công trình xử lý chất thải theo quy định; phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; đề xuất nội dung thực hiện quan trắc chất thải theo quy định của pháp luật.
5. Nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường đối với cơ sở đang hoạt động có tiêu chí về môi trường tương đương với dự án nhóm III bao gồm:
a) Thông tin chung về cơ sở: tên, địa chỉ, địa điểm thực hiện; các hồ sơ về môi trường liên quan; quy mô (phân loại theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công), công suất, công nghệ, sản phẩm sản xuất, lượng điện, nguồn và lượng nước sử dụng, nguồn tiếp nhận nước thải, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, hóa chất sử dụng và các thông tin khác có liên quan đến cơ sở;
b) Sự phù hợp của cơ sở với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường (nếu có);
c) Các nguồn chất thải phát sinh, bao gồm: quy mô, khối lượng, chủng loại chất thải rắn; quy mô, lưu lượng, thông số ô nhiễm bụi, khí thải, tiếng ồn, độ rung; quy mô, lưu lượng, thông số ô nhiễm nước thải, nguồn tiếp nhận nước thải; công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đã hoàn thành như quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
d) Nội dung đề nghị cấp giấy phép môi trường quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường;
đ) Kết quả quan trắc môi trường trong 01 năm trước liền kề đối với trường hợp phải thực hiện quan trắc chất thải theo quy định hoặc kết quả quan trắc mẫu chất thải bổ sung theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp đã có giấy phép môi trường thành phần nhưng không phải thực hiện quan trắc chất thải theo quy định; kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gần nhất, kèm theo các quyết định, kết luận (nếu có);
e) Đề xuất nội dung thực hiện quan trắc chất thải theo quy định của pháp luật.
6. Mẫu báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường đối với từng đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này được quy định tương ứng tại các Phụ lục VIII, IX, X, XI và XII ban hành kèm theo Nghị định này.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời hạn cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp (sau đây gọi chung là dự án đầu tư, cơ sở) thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường. Một số nội dung được quy định cụ thể như sau:
1. Tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường được quy định như sau:
a) Đối với dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường: bản sao báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xây dựng;
b) Đối với dự án đầu tư, cơ sở không thuộc quy định tại điểm a khoản này: chủ dự án, cơ sở không phải nộp tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường.
2. Thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường được quy định như sau:
a) Chủ dự án đầu tư thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường sau khi đã hoàn thành công trình xử lý chất thải cho toàn bộ dự án hoặc cho từng phân kỳ đầu tư của dự án (nếu dự án có phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn) hoặc cho hạng mục công trình xử lý chất thải độc lập của dự án;
b) Chủ dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường tự quyết định thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường sau khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định;
c) Chủ dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường đang vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải theo quy định của pháp luật trước ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành tự quyết định thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường để bảo đảm thời điểm phải có giấy phép môi trường sau khi kết thúc vận hành thử nghiệm nhưng chậm nhất trước 45 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của cấp bộ, trước 30 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, tính đến thời điểm phải có giấy phép môi trường.
Trường hợp không bảo đảm thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường theo quy định tại điểm này, chủ dự án đầu tư phải có thông báo gia hạn thời gian vận hành thử nghiệm theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 31 Nghị định này để được cấp giấy phép môi trường sau khi kết thúc vận hành thử nghiệm;
d) Chủ cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp tự quyết định thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường để bảo đảm thời điểm phải có giấy phép môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định này nhưng chậm nhất trước 45 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của cấp bộ, trước 30 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, tính đến thời điểm phải có giấy phép môi trường.
3. Chủ dự án đầu tư, cơ sở nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường cho cơ quan cấp giấy phép môi trường và thực hiện việc nộp phí thẩm định cấp giấy phép môi trường theo quy định.
4. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ (trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều này), cơ quan cấp giấy phép môi trường thực hiện các nội dung sau:
a) Công khai nội dung báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp phép hoặc cơ quan được ủy quyền, trừ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
b) Gửi văn bản tham vấn ý kiến đến cơ quan quản lý nhà nước quản lý công trình thủy lợi (nếu xả nước thải vào công trình thủy lợi), chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp (nếu dự án đầu tư, cơ sở nằm trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đó), trừ trường hợp dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và không thay đổi nội dung liên quan đến hoạt động xả nước thải so với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc cấp giấy phép môi trường trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, trừ trường hợp quy định tại khoản 9 Điều này; trường hợp quá thời hạn nêu trên mà không có văn bản trả lời thì được coi là đồng thuận với việc cấp giấy phép môi trường.
Đối với dự án đầu tư, cơ sở xả trực tiếp từ 10.000 m3/ngày (24 giờ) nước thải trở lên (trừ nước làm mát thiết bị, nước nuôi trồng thủy sản) vào sông, hồ liên tỉnh, sông, hồ giáp ranh giữa các tỉnh hoặc xả trực tiếp nước thải ra biển ven bờ, cơ quan cấp giấy phép môi trường lấy ý kiến tham vấn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liền kề có sông, hồ liên tỉnh, sông, hồ giáp ranh hoặc biển ven bờ của tỉnh liền kề để phối hợp giải quyết những vấn đề bảo vệ môi trường trong khu vực, trừ trường hợp dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và không thay đổi nội dung liên quan đến hoạt động xả nước thải so với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về nội dung được lấy ý kiến trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, trường hợp quá thời hạn nêu trên mà không có văn bản trả lời thì được coi là đồng ý với việc cấp giấy phép môi trường.
Đối với dự án đầu tư xả trực tiếp ra môi trường từ 10.000 m3/ngày (24 giờ) nước thải trở lên (trừ nước làm mát thiết bị, nước nuôi trồng thủy sản) hoặc xả bụi, khí thải có lưu lượng từ 200.000 m3/giờ trở lên, cơ quan cấp giấy phép môi trường lấy ý kiến tham vấn của tổ chức chuyên môn về kết quả tính toán của mô hình phát tán chất ô nhiễm, sự cố môi trường (nếu có), trừ trường hợp dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và không thay đổi nội dung liên quan đến hoạt động xả nước thải, bụi, khí thải so với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tổ chức chuyên môn được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về nội dung được lấy ý kiến trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến;
c) Trừ trường hợp quy định tại khoản 9 Điều này, tổ chức thẩm định cấp giấy phép môi trường theo quy định như sau:
Đối với trường hợp dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có nội dung sử dụng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất hoặc nội dung thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại, đồng thời thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường thành lập hội đồng thẩm định, không tổ chức kiểm tra thực tế.
Đối với trường hợp dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường, dự án đầu tư có sử dụng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, dự án đầu tư thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường thành lập tổ thẩm định cấp giấy phép môi trường, không tổ chức kiểm tra thực tế.
Đối với trường hợp dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường thành lập hội đồng thẩm định đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thành lập tổ thẩm định đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Hội đồng thẩm định, tổ thẩm định có trách nhiệm tổ chức khảo sát thực tế tại khu vực dự kiến triển khai dự án đầu tư.
Đối với trường hợp cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đang hoạt động, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường không thành lập hội đồng thẩm định, tổ thẩm định mà chỉ thành lập đoàn kiểm tra đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổ chức kiểm tra thực tế đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra có ít nhất 07 thành viên đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của cơ quan trung ương, ít nhất 05 thành viên đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tổ thẩm định có ít nhất 03 thành viên, trong đó Tổ trưởng là đại diện của cơ quan thẩm định.
Cơ cấu, thành phần của Hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra gồm: 01 chủ tịch hội đồng hoặc trưởng đoàn kiểm tra; 01 phó chủ tịch hội đồng hoặc phó trưởng đoàn kiểm tra trong trường hợp cần thiết; 01 thành viên thư ký; đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan; đại diện cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp (nếu có); các chuyên gia, cán bộ, công chức trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và lĩnh vực hoạt động của dự án đầu tư, cơ sở.
Thành viên hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra, tổ thẩm định có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường, viết bản nhận xét, đánh giá về các nội dung quy định tại Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến nhận xét, đánh giá của mình.
Chuyên gia tham gia xây dựng báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường của dự án đầu tư, cơ sở không được tham gia hội đồng thẩm định, tổ thẩm định, đoàn kiểm tra cấp giấy phép môi trường của dự án đầu tư, cơ sở đó;
5. Căn cứ kết quả thẩm định của hội đồng thẩm định, tổ thẩm định hoặc kết quả của đoàn kiểm tra, kết quả kiểm tra thực tế, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường xem xét, cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư, cơ sở trong trường hợp đủ điều kiện cấp giấy phép môi trường hoặc có văn bản thông báo trả hồ sơ cho chủ dự án, cơ sở và nêu rõ lý do trong trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy phép môi trường.
Trường hợp hồ sơ phải chỉnh sửa, bổ sung để bảo đảm đủ căn cứ cho việc cấp phép, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường có văn bản thông báo cho chủ dự án và nêu rõ các nội dung phải chỉnh sửa, bổ sung. Cơ quan cấp giấy phép môi trường không yêu cầu chủ dự án, cơ sở thực hiện các công việc khác ngoài các nội dung trong văn bản thông báo yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ này.
Thời gian trả kết quả hoặc thông báo chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ phải bảo đảm trong thời hạn cấp phép theo quy định.
6. Trừ trường hợp quy định tại khoản 9 Điều này, trong thời hạn 15 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, 10 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và 05 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp huyện, kể từ ngày nhận được hồ sơ cấp giấy phép môi trường đã được chỉnh sửa, bổ sung (trường hợp hồ sơ phải chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu của cơ quan cấp giấy phép môi trường), thủ trưởng cơ quan cấp giấy phép môi trường xem xét, cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư, cơ sở; trường hợp không cấp giấy phép môi trường phải có văn bản trả lời chủ dự án, cơ sở và nêu rõ lý do.
7. Việc tiếp nhận và trả kết quả giấy phép môi trường theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường phải bảo đảm đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo quy định của Chính phủ.
8. Việc tiếp nhận và trả kết quả cấp giấy phép môi trường được thực hiện trên môi trường điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của cơ quan cấp phép trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đối với các trường hợp sau đây:
a) Dự án đầu tư, cơ sở không thuộc đối tượng phải vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải;
b) Dự án đầu tư, cơ sở đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và đáp ứng các yêu cầu sau đây: không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; không thuộc trường hợp phải quan trắc khí thải tự động, liên tục, quan trắc định kỳ theo quy định tại Nghị định này.
9. Hoạt động thẩm định, cấp giấy phép môi trường đối với trường hợp quy định tại khoản 8 Điều này được thực hiện thông qua tổ thẩm định do cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường thành lập với không quá 05 thành viên đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; không quá 03 thành viên đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Cơ quan cấp giấy phép môi trường không tổ chức kiểm tra thực tế. Thời hạn lấy ý kiến đối với cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 4 Điều này là 05 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến. Thời hạn cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường xem xét, cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư, cơ sở hoặc có văn bản trả lời chủ dự án, cơ sở việc không cấp giấy phép môi trường quy định tại khoản 6 Điều này là 05 ngày.
10. Văn bản đề nghị cấp giấy phép môi trường của chủ dự án đầu tư, cơ sở thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Nghị định này.
11. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các mẫu văn bản liên quan đến quá trình thực hiện cấp giấy phép môi trường, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này.
1. Cấp đổi giấy phép môi trường theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Bảo vệ môi trường được thực hiện trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cấp đổi của chủ dự án đầu tư, cơ sở, kèm theo hồ sơ pháp lý có liên quan đến việc thay đổi. Cơ quan cấp giấy phép môi trường cấp đổi giấy phép môi trường cho chủ dự án đầu tư, cơ sở với thời hạn còn lại của giấy phép.
Việc cấp đổi giấy phép môi trường được thực hiện trên môi trường điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của cơ quan cấp phép hoặc cơ quan được ủy quyền và không phải nộp phí thẩm định theo quy định.
2. Chủ dự án đầu tư, cơ sở phải thực hiện điều chỉnh giấy phép môi trường trong thời hạn còn lại của giấy phép khi có thay đổi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 44 Luật Bảo vệ môi trường và các thay đổi khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều này, trừ trường hợp thay đổi giảm nội dung cấp phép môi trường hoặc thay đổi khối lượng, loại chất thải nguy hại phát sinh. Trường hợp thay đổi giảm nội dung cấp phép môi trường, việc thay đổi giấy phép môi trường được thực hiện khi có đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở. Trường hợp thay đổi khối lượng, loại chất thải nguy hại phát sinh, chủ dự án, cơ sở có trách nhiệm báo cáo việc thay đổi trong báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ của dự án, cơ sở.
Việc điều chỉnh giấy phép môi trường được thực hiện trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị điều chỉnh giấy phép môi trường của chủ dự án đầu tư, cơ sở và được thực hiện trên môi trường điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của cơ quan cấp phép hoặc cơ quan được ủy quyền cấp giấy phép môi trường theo quy định.
3. Việc xem xét, điều chỉnh giấy phép môi trường quy định tại điểm b khoản 2 Điều 44 và khoản 4 Điều 46 Luật Bảo vệ môi trường được thực hiện trong thời hạn 25 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm của chủ dự án đầu tư, cơ sở. Cơ quan cấp giấy phép môi trường, căn cứ báo cáo kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra việc vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; kết quả đo đạc, phân tích mẫu chất thải đối chứng, mẫu quan trắc chất thải bổ sung (nếu có) và báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm của chủ dự án đầu tư, cơ sở để thực hiện việc điều chỉnh giấy phép môi trường như sau:
a) Lấy ý kiến cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh, Ban quản lý các khu công nghiệp của tỉnh (nếu dự án đầu tư nằm trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung); ý kiến một số chuyên gia môi trường, trong đó có chuyên gia đã tham gia hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra cấp giấy phép môi trường về các nội dung điều chỉnh của dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
b) Thông báo với chủ dự án đầu tư, cơ sở về các nội dung điều chỉnh loại, khối lượng chất thải nguy hại được phép xử lý chất thải hoặc khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất để phù hợp với năng lực hoạt động thực tế của dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
Chủ dự án đầu tư, cơ sở có văn bản giải trình, bổ sung về các nội dung điều chỉnh quy định tại điểm này gửi cơ quan cấp giấy phép môi trường (nếu có);
c) Cơ quan cấp giấy phép môi trường cấp giấy phép môi trường (điều chỉnh) cho chủ dự án đầu tư, cơ sở với thời hạn còn lại của giấy phép để phù hợp với năng lực hoạt động thực tế của dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
4. Đối tượng cấp lại giấy phép môi trường và thời điểm chủ dự án đầu tư, cơ sở gửi hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép môi trường được quy định như sau:
a) Đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 44 Luật Bảo vệ môi trường gửi hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép môi trường trước khi hết hạn 06 tháng;
b) Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ sản xuất, trừ trường hợp dự án đầu tư thay đổi thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, gửi hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép môi trường trước khi thực hiện việc tăng, thay đổi và chỉ được triển khai thực hiện sau khi được cấp giấy phép môi trường;
c) Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có bổ sung ngành, nghề thu hút đầu tư, gửi hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép môi trường trước khi thực hiện thu hút đầu tư các ngành, nghề đó (trừ trường hợp ngành, nghề hoặc dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đó khi đi vào vận hành không phát sinh nước thải công nghiệp phải xử lý để bảo đảm đạt điều kiện tiếp nhận nước thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung);
d) Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có thay đổi tăng số lượng nguồn phát sinh nước thải, bụi, khí thải làm phát sinh các thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải; phát sinh thêm thông số ô nhiễm mới vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải; tăng lưu lượng nước thải, bụi, khí thải làm gia tăng hàm lượng các thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải; tăng mức độ ô nhiễm tiếng ồn, độ rung; thay đổi nguồn tiếp nhận nước thải và phương thức xả thải vào nguồn nước có yêu cầu bảo vệ nghiêm ngặt hơn, gửi hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép môi trường trước khi thực hiện việc thay đổi và chỉ được triển khai thực hiện sau khi được cấp giấy phép môi trường.
5. Việc cấp lại giấy phép môi trường quy định tại khoản 4 Điều này được thực hiện như sau:
a) Chủ cơ sở, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp quy định tại điểm a và điểm c khoản 4 Điều này gửi văn bản đề nghị cấp lại giấy phép môi trường và báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định này (trừ nội dung quy định tại điểm a và điểm c khoản 3 Điều 28 Nghị định này) hoặc khoản 5 Điều 28 Nghị định này (trừ nội dung quy định tại điểm a và điểm c khoản 5 Điều 28 Nghị định này) đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường. Trình tự, thủ tục cấp lại giấy phép môi trường được thực hiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định này.
Thời hạn cấp lại giấy phép môi trường không quá 30 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, không quá 20 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ;
b) Chủ dự án đầu tư, cơ sở quy định tại điểm b và điểm d khoản 4 Điều này gửi văn bản đề nghị cấp lại giấy phép môi trường và báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường quy định tại một trong các khoản 2, 3, 4 hoặc 5 Điều 28 Nghị định này (chỉ bao gồm những nội dung thay đổi so với báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường lần đầu) đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường. Thời gian, trình tự, thủ tục cấp lại giấy phép môi trường được thực hiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định này.
6. Dự án đầu tư, cơ sở được cấp đổi, cấp điều chỉnh, cấp lại giấy phép môi trường không phải vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, trừ các trường hợp quy định tại điểm b và điểm d khoản 4 Điều này.
7. Trường hợp phát hiện giấy phép môi trường phải bị thu hồi theo quy định tại khoản 5 Điều 44 Luật Bảo vệ môi trường trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, việc thu hồi giấy phép được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Việc cấp giấy phép môi trường được thực hiện theo quy định sau:
a) Trường hợp giấy phép môi trường được cấp không đúng thẩm quyền, trong thời hạn khắc phục hậu quả vi phạm, chủ dự án đầu tư, cơ sở thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép môi trường quy định tại Điều 29 Nghị định này;
b) Trường hợp giấy phép môi trường có nội dung trái quy định của pháp luật, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được giấy phép môi trường có nội dung trái quy định của pháp luật do người có thẩm quyền xử phạt chuyển đến, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường có trách nhiệm xem xét cấp thay thế giấy phép môi trường cho chủ dự án đầu tư, cơ sở, trong đó có điều chỉnh nội dung trái pháp luật.
8. Trường hợp phát hiện giấy phép môi trường phải bị thu hồi quy định tại khoản 5 Điều 44 Luật Bảo vệ môi trường nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này, việc thu hồi và cấp giấy phép môi trường được thực hiện như sau:
a) Cơ quan nhà nước phát hiện giấy phép môi trường phải bị thu hồi có văn bản gửi cơ quan đã cấp giấy phép môi trường để thông báo việc cấp phép không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung cấp phép trái quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
b) Cơ quan đã cấp giấy phép môi trường phải bị thu hồi có trách nhiệm xem xét, rà soát lại trình tự, thủ tục, nội dung thẩm định cấp giấy phép môi trường sau khi nhận được văn bản thông báo quy định tại điểm a khoản này.
Trường hợp giấy phép môi trường được cấp không đúng thẩm quyền theo quy định, cơ quan đã cấp giấy phép môi trường hướng dẫn chủ dự án đầu tư, cơ sở lập hồ đề nghị cấp giấy phép môi trường gửi cơ quan có thẩm quyền cấp phép để được cấp mới giấy phép môi trường theo quy định tại Điều 29 Nghị định này. Cơ quan đã cấp giấy phép môi trường thực hiện việc thu hồi giấy phép môi trường sau khi dự án đầu tư, cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền cấp mới giấy phép môi trường theo đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp giấy phép môi trường được cấp có nội dung trái quy định của pháp luật, cơ quan đã cấp giấy phép môi trường thực hiện cấp thay thế giấy phép môi trường cho dự án đầu tư, cơ sở, trong đó có điều chỉnh nội dung trái quy định của pháp luật. Việc thu hồi giấy phép môi trường có nội dung trái quy định của pháp luật được thực hiện đồng thời với thời điểm cấp thay thế giấy phép môi trường cho dự án đầu tư, cơ sở.
9. Báo cáo đề xuất cấp lại giấy phép môi trường của cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đang hoạt động có tiêu chí về môi trường tương đương với dự án nhóm I, nhóm II thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định này; báo cáo đề xuất cấp lại giấy phép môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động có tiêu chí về môi trường tương đương với dự án nhóm III thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Nghị định này; báo cáo đề xuất cấp lại giấy phép môi trường của dự án đầu tư quy định tại điểm b và điểm d khoản 4 Điều này có tiêu chí về môi trường tương đương với dự án nhóm II thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định này; báo cáo đề xuất cấp lại giấy phép môi trường của dự án đầu tư quy định tại điểm b và điểm d khoản 4 Điều này có tiêu chí về môi trường tương đương với dự án nhóm III thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định này; văn bản đề nghị cấp điều chỉnh, cấp lại giấy phép môi trường của chủ dự án đầu tư, cơ sở, mẫu văn bản đề nghị cấp đổi giấy phép môi trường của chủ dự án đầu tư, cơ sở thực hiện theo các mẫu quy định tương ứng tại Phụ lục XIII và Phụ lục XIV ban hành kèm theo Nghị định này.
10. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các biểu mẫu liên quan đến quá trình thực hiện cấp đổi, cấp điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường, trừ trường hợp quy định tại khoản 9 Điều này.
1. Công trình xử lý chất thải không phải thực hiện vận hành thử nghiệm gồm:
a) Hồ lắng của dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đá vôi;
b) Hồ sự cố của hệ thống xử lý nước thải (trừ hồ sự cố kết hợp hồ sinh học);
c) Hệ thống thoát bụi, khí thải đối với các trường hợp không yêu cầu có hệ thống xử lý bụi, khí thải, bao gồm cả hệ thống kiểm soát khí thải lò hơi sử dụng nhiên liệu là khí gas, dầu DO; hệ thống xử lý khí thải lò hỏa táng;
d) Công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ theo quy định tại khoản 3 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường (bao gồm cả bể tự hoại, bể tách mỡ nước thải nhà ăn và các công trình, thiết bị hợp khối đáp ứng yêu cầu theo quy định);
đ) Hệ thống xử lý nước làm mát có sử dụng Clo hoặc hóa chất khử trùng để diệt vi sinh vật;
e) Công trình xử lý chất thải của dự án mở rộng, nâng cao công suất nhưng không có thay đổi so với giấy phép môi trường đã cấp;
g) Công trình xử lý chất thải của các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường khi đề nghị cấp điều chỉnh giấy phép môi trường;
h) Công trình xử lý chất thải của cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp khi đề nghị cấp lại giấy phép môi trường nhưng không có thay đổi so với giấy phép môi trường thành phần hoặc giấy phép môi trường đã cấp.
2. Chủ dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải đánh giá tác động môi trường nhưng phải có giấy phép môi trường và có công trình xử lý chất thải không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải đó đồng thời với quá trình vận hành thử nghiệm toàn bộ dự án hoặc cho từng phân kỳ đầu tư của dự án (nếu dự án có phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn) hoặc cho hạng mục công trình xử lý chất thải độc lập của dự án khi đã hoàn thành việc thực hiện các nội dung sau đây:
a) Xây dựng các công trình xử lý chất thải theo giấy phép môi trường; lập hồ sơ hoàn thành công trình xử lý chất thải theo quy định của pháp luật về xây dựng (có biên bản bàn giao nghiệm thu giữa chủ đầu tư, nhà thầu thi công, giám sát thi công công trình xử lý chất thải) và có quy trình vận hành bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Chủ dự án đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ hoàn thành công trình xử lý chất thải;
b) Lắp đặt các thiết bị, hệ thống quan trắc nước thải, bụi, khí thải tự động, liên tục (đối với trường hợp phải lắp đặt) để giám sát chất lượng nước thải, khí thải theo quy định tại Nghị định này.
3. Chủ dự án đầu tư thuộc đối tượng phải đánh giá tác động môi trường và phải có giấy phép môi trường và có công trình xử lý chất thải không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải đó đồng thời với quá trình vận hành thử nghiệm toàn bộ dự án hoặc cho từng phân kỳ đầu tư của dự án (nếu dự án có phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn) hoặc cho hạng mục công trình xử lý chất thải độc lập của dự án theo giấy phép môi trường đã được cấp. Trường hợp có thay đổi kế hoạch vận hành thử nghiệm theo giấy phép môi trường đã được cấp thì phải thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 5 Điều này.
4. Chủ cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường phải thực hiện vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp theo quy định tại Điều này sau khi được cấp giấy phép môi trường, trừ trường hợp đã có giấy phép môi trường thành phần.
5. Chủ dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều này thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm công trình, hạng mục công trình xử lý chất thải của dự án cho cơ quan cấp giấy phép môi trường trước ít nhất 10 ngày kể từ ngày vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải để theo dõi, giám sát; trường hợp cơ quan cấp giấy phép môi trường là Bộ Tài nguyên và Môi trường thì phải gửi thêm cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh để phối hợp, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
6. Thời gian vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải được tính từ thời điểm bắt đầu vận hành thử nghiệm được quy định như sau:
a) Từ 03 đến 06 tháng đối với trường hợp dự án là khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và dự án đầu tư thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với công suất lớn quy định tại Cột 3 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Thời gian vận hành thử nghiệm đối với các dự án khác do chủ dự án đầu tư quyết định và tự chịu trách nhiệm nhưng không quá 06 tháng và phải bảo đảm đánh giá được hiệu quả của công trình xử lý chất thải theo quy định;
c) Trường hợp phải gia hạn quá trình vận hành thử nghiệm, chủ dự án đầu tư phải có văn bản thông báo, nêu rõ lý do gia hạn và thời gian gia hạn không quá 06 tháng. Đối với các dự án đầu tư có quy mô lớn, đầu tư theo từng giai đoạn, thời gian vận hành có thể được kéo dài theo quy định của cơ quan cấp phép.
7. Trong quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải, chủ dự án đầu tư có trách nhiệm thực hiện một số nội dung sau:
a) Phối hợp với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nơi triển khai dự án để được kiểm tra, giám sát quá trình vận hành thử nghiệm. Trường hợp dự án thuộc đối tượng quan trắc nước thải, bụi, khí thải tự động, phải tổ chức theo dõi, giám sát kết quả quan trắc nước thải, bụi, khí thải tự động, liên tục có camera theo dõi và kết nối, truyền số liệu về cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nơi triển khai dự án;
b) Tự thực hiện quan trắc khi đáp ứng theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc phối hợp với tổ chức có đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường để quan trắc chất thải, đánh giá hiệu quả của công trình xử lý chất thải. Việc quan trắc chất thải phải tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường và pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Việc quan trắc chất thải, lấy mẫu chất thải (mẫu đơn, mẫu tổ hợp) đối với các loại hình dự án thực hiện theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
c) Tự chịu trách nhiệm đối với nội dung kế hoạch vận hành thử nghiệm và toàn bộ quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải;
d) Có sổ nhật ký vận hành, ghi chép đầy đủ thông tin của quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải. Đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 46 Luật Bảo vệ môi trường phải ghi chép đầy đủ về khối lượng chất thải nguy hại, phế liệu sử dụng của từng hệ thống, thiết bị xử lý, tái chế;
đ) Tự đánh giá hoặc thuê tổ chức có đủ năng lực đánh giá hiệu quả xử lý của các công trình xử lý chất thải của dự án; tổng hợp, đánh giá số liệu quan trắc chất thải, phân định chất thải và lập báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, gửi cơ quan cấp giấy phép môi trường trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 46 Luật Bảo vệ môi trường; trường hợp cơ quan cấp giấy phép môi trường là Bộ Tài nguyên và Môi trường thì chủ dự án đầu tư gửi thêm cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh.
8. Trong quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án, nếu chất thải xả ra môi trường không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải, chủ dự án đầu tư phải thực hiện các biện pháp sau:
a) Dừng hoạt động hoặc giảm công suất của dự án đầu tư để bảo đảm các công trình xử lý chất thải hiện hữu có thể xử lý các loại chất thải phát sinh đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải và giấy phép môi trường;
b) Rà soát các công trình, thiết bị xử lý chất thải, quy trình vận hành hệ thống xử lý chất thải để xác định nguyên nhân gây ô nhiễm và đưa ra giải pháp khắc phục; cải tạo, nâng cấp, xây dựng bổ sung (nếu có) các công trình xử lý chất thải để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định;
c) Trường hợp gây ra sự cố môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường, chủ dự án đầu tư phải dừng ngay hoạt động vận hành thử nghiệm và báo cáo kịp thời tới cơ quan cấp giấy phép môi trường để được hướng dẫn giải quyết; trường hợp cơ quan cấp giấy phép môi trường là Bộ Tài nguyên và Môi trường thì phải gửi thêm cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh để phối hợp giải quyết các vấn đề về môi trường; chịu trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường, bồi thường thiệt hại và bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật;
d) Lập kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải hoặc từng hạng mục công trình xử lý chất thải không đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải để vận hành lại. Trình tự, thủ tục, thời gian vận hành thử nghiệm lại công trình xử lý chất thải được thực hiện như vận hành thử nghiệm lần đầu.
9. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm phối hợp kiểm tra, giám sát quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải đối với dự án đầu tư trên địa bàn theo đề nghị của cơ quan cấp giấy phép môi trường.
10. Trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép môi trường:
a) Thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 48 Luật Bảo vệ môi trường;
b) Thành lập đoàn kiểm tra thực tế quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 46 Luật Bảo vệ môi trường hoặc cử cán bộ, công chức kiểm tra thực tế quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư đối với các trường hợp khác; tiến hành đo đạc, lấy và phân tích mẫu chất thải xả ra môi trường. Trường hợp chất thải xả ra môi trường không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải, xử lý hoặc chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định và yêu cầu chủ dự án đầu tư phải thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 8 Điều này; tiếp tục tổ chức đo đạc, lấy và phân tích mẫu chất thải xả ra môi trường trong quá trình vận hành thử nghiệm lại của chủ dự án đầu tư;
c) Đối với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 46 Luật Bảo vệ môi trường, việc kiểm tra và quyết định điều chỉnh loại, khối lượng chất thải nguy hại được phép xử lý hoặc khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu và xử lý vi phạm (nếu có) thực hiện theo trình tự quy định tại khoản 3 Điều 30 Nghị định này;
d) Tiếp nhận, xử lý các kiến nghị của chủ dự án đầu tư liên quan đến việc vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải và hướng dẫn chủ dự án khắc phục ô nhiễm, sự cố môi trường (nếu có) trong quá trình vận hành thử nghiệm.
11. Báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án quy định tại khoản 4 Điều 46 Luật Bảo vệ môi trường thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục XV ban hành kèm theo Nghị định này.
12. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các mẫu văn bản liên quan đến vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải theo quy định tại Nghị định này trừ trường hợp quy định tại khoản 11 Điều này.
1. Dự án đầu tư, cơ sở quy định tại điểm a khoản 2 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường.
2. Dự án đầu tư khi đi vào vận hành và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không phát sinh chất thải hoặc chỉ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dưới 300 kg/ngày được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương; hoặc phát sinh nước thải dưới 05 m3/ngày, khí thải dưới 50 m3/giờ được xử lý bằng công trình thiết bị xử lý tại chỗ hoặc được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương.
3. Danh mục dự án đầu tư, cơ sở được miễn đăng ký môi trường quy định tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Nghị định này.
ENVIORNMENTAL ZONING, STRATEGIC ENVIRONMENTAL ASSESSMENT, ENVIRONMENTAL IMPACT ASESSMENT, ENVIRONMENTAL LICENSES, ENVIRONMENTAL REGISTRATION
Section 1. ENVIORNMENTAL ZONING, STRATEGIC ENVIRONMENTAL ASSESSMENT, ENVIRONMENTAL IMPACT ASESSMENT
Article 22. General regulations on environmental zoning
1. Environmental zoning by strict protection zone, low-emission zone and other zones shall comply with criteria concerning environmental sensitivity and vulnerability to impacts of environmental pollution in order to minimize impacts of environmental pollution on the life and normal development of humans and creatures.
2. Strict protection zone includes:
a) High density residential areas in urban areas include inner cities and inner district-level towns of special urban areas, urban areas of grades I, II and III according to regulations of law on urban classification;
b) Surface water used for domestic purpose in accordance with regulations of law on water resources;
c) Wildlife sanctuaries prescribed by regulations of law on biodiversity, forestry and fisheries;
d) Protection zones 1 of historical and cultural sites/monuments prescribed by regulations of law on cultural heritage;
dd) Core zone of the natural heritage site (if any) prescribed by regulations of the LEP.
3. Low-emission zone includes:
a) Buffer zone of strict protection zones specified in clause 2 of this Article (if any);
b) Important wetlands defined as prescribed by law;
c) Safeguard zones of surface water used for domestic purpose in accordance with regulations of law on water resources;
d) High density residential areas which are inner cities and inner district-level towns of urban areas of grades IV and V according to regulations of law on urban classification;
dd) Water recreation areas under decision of the provincial People’s Committee;
e) Other areas with environmental sensitivity and vulnerability to impacts of environmental pollution that need to be protected.
4. Other zones which are remaining areas in an administrative division.
Article 23. Determination of strict protection zones and low-emission zones
1. Defining strict protection zones and low-emissions zones in the national environmental protection planning is prescribed as follows:
a) Carry out overall investigation and assessment of areas with environmental sensitivity and vulnerability to impacts of environmental pollution prescribed in clauses 2 and 3 Article 22 of this Decree;
b) Set objectives for environmental protection of areas with environmental sensitivity and vulnerability to impacts of environmental pollution prescribed in clauses 2 and 3 Article 22 of this Decree;
c) Plan locations, size and boundaries of strict protection zones and low-emission zones.
2. Defining strict protection zones and low-emission zones in the provincial planning is prescribed as follows:
a) Carry out overall investigation and assessment of areas with environmental sensitivity and vulnerability to impacts of environmental pollution prescribed in clause 3 Article 22 of this Decree within provinces;
b) Determine objectives for environmental protection of areas with environmental sensitivity and vulnerability to impacts of environmental pollution prescribed in clauses 2 and 3 Article 22 of this Decree within provinces;
c) Determine plans regarding locations, size and boundaries of strict protection zones and low-emission zones within provinces.
3. The provincial People’s Committee shall issue a decision on determination of locations and boundaries of strict protection zones and low-emissions zones within its provinces already determined in the provincial planning during the planning period.
4. Requirements for environmental protection based on environmental zoning:
a) Technical regulations on wastewater and emissions shall provide for permissible limits of pollutants in conformity protection requirements required by environmental zoning for strict protection zones and low-emission zones without adversely affecting the life and normal development of human and creatures;
b) Projects on investment in and projects on increase in size and capacity of strict protection zones and low-emissions zones in shall comply with environmental protection requirements as prescribed in point a of this clause;
c) Any business that fails to satisfy the environmental protection requirements set out in point a of this clause shall convert its type of business, production or service, renovate its technology and implement other environmental protection measures in compliance with the environmental protection requirements based on environmental zoning.
5. The provincial People’s Committee shall introduce a roadmap to businesses operating within strict protection zones and low-emissions zones already determined within its province in compliance with the regulations set forth in clause 4 of this Article.
Article 24. List of national and regional strategies for industry and field development, national sector planning and technical and specialized planning subject to SEA
The list of national and regional strategies for industry and field development, national sector planning and technical and specialized planning subject to SEA is provided in the Appendix I enclosed herewith.
Article 25. Environmental criteria and classification of investment projects
1. Scale of an investment project is prescribed as follows:
a) Scale of an investment project shall be classified according to the criteria prescribed by regulations of law on public investment, including projects of national importance, projects of groups A, B and C, except for the regulations specified in points b, c and d of this clause;
b) Regarding the area of land used and land with water surface of the project, the scale of the project shall be classified into 03 types: large, medium and small;
c) Regarding the sea area used, the scale of the project shall be classified into 02 groups according to the power to issue permits for ocean dumping, sea area assignment and assignment of sea area for land reclamation in accordance with regulations of law on natural resources, and environment of sea and islands;
d) Regarding the exploitation of natural resources, the scale of the project shall be classified into 02 groups according to the power to issue mineral mining licenses, licenses for extraction and use of water resources in accordance with regulations of law on minerals and water resources.
2. Capacity of an investment projects involved in a type of production, business or services that is likely to cause environmental pollution specified in the Appendix II enclosed herewith is defined in the proposal for investment project, feasibility study report, economic-technical report or equivalent document of the project classified into 03 types: large, medium and small.
3. Types of production, business or services include:
a) Types of production, business and services that are likely to cause environmental pollution specified in the Appendix II enclosed herewith;
b) Other types of production, business and services other than those likely to cause environmental pollution.
4. Determination of whether a project has environmentally sensitive factors specified in point c clause 1 Article 28 of the LEP is prescribed as follows:
a) The project which is involved in a type of production, business or services that is likely to cause environmental pollution specified in the Appendix II enclosed herewith is located in an inner city or inner district-level town of an urban area in accordance with regulations of law on urban area classification;
b) The project discharges wastewater to surface water used for domestic purpose in accordance with regulations of law on water resources;
c) The project uses land or land with water surface of a wildlife sanctuary as prescribed by regulations of law on biodiversity, forestry and fisheries; special-use forest, protection forest or natural forest as prescribed by regulations of law on forestry; marine protected area or protected area of aquatic resources as prescribed by regulations of law on fisheries; significant wetlands and other natural heritage sites established and recognized as prescribed in this Decree (except for projects on construction of works serving management and protection of forests, nature and biodiversity conservation, forest fire prevention and fighting prescribed by regulations of law on biodiversity, natural heritage sites and silviculture which are approved by a competent authority);
d) The project uses land or land with water surface of a historical and cultural site/monument or scenic landscape ranked as prescribed by regulations of law on cultural heritage (except for projects on preservation, renovation, restoration and conservation of historical and cultural sites/monuments, scenic landscapes, construction of works in service of environmental hygiene and management, protection of historical and cultural sites/monuments, scenic landscapes and other maintenance and repair projects intended for ensuring traffic safety);
dd) The project requests repurposing of land meant for growing wet rice during 02 or more cropping seasons within the power prescribed by regulations of law on land; project requests repurposing land or land with water surface of a wildlife sanctuary, natural heritage site, biosphere reserve, significant wetland, natural forest or protection forest (except for projects on construction of works serving forest management and protection, nature and biodiversity conservation, forest fire prevention and fighting and silviculture which are approved by the competent authority);
e) The project requests relocation within the power prescribed by regulations of law on public investment and investment and law on construction.
5. The detailed lists of investment projects of group I, II and III are provided in the Appendices III, IV and V respectively enclosed with this Decree.
Article 26. Consultation during EIA
1. Consultees include:
a) Residential communities and individuals under direct environmental impact of the investment project activities, including residential communities, individuals living and carrying out business operations on land, water surface or land with water surface, sea area occupied for investment in projects; residential communities and individuals under direct impact of wastewater, emissions, dust, noise, solid waste and hazardous waste caused by projects; communities and individuals affected by subsidence, landslides, riverbank and coastal sedimentation caused by projects; other affected residential communities and individuals identified during EIA.
Consultation with residential communities and individuals under direct impact shall be conducted by holding a meeting to seek opinions;
b) Agencies and organizations directly related to investment projects, including communal People’s Committees, Vietnamese Fatherland Front Committee of communes where the projects are executed; management boards or investors in construction and commercial operation of infrastructure of dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters located in the boundaries under their management; regulatory bodies managing hydraulic structure with respect to projects discharging wastewater to hydraulic structure or appropriating hydraulic structure; regulatory bodies assigned to manage areas with environmentally sensitive factors (if any); Ministry of National Defense, Ministry of Public Security or provincial Military Command, provincial Police with respect to national security and defense-related projects (if any).
Consultation with agencies and organizations directly related to investment projects shall be held in writing.
2. Other consultation contents specified in point dd clause 3 Article 33 of the LEP include plans for environmental improvement and remediation for mineral mining projects or waste burial projects and biodiversity offsets schemes for projects having biodiversity offsets schemes as prescribed by law.
3. Consultation methods:
a) Holding a consultation by publishing its contents on website:
Before submitting an EIA report (EIAR) to a competent authority for appraisal, the project owner shall send contents of EIAR consultation specified in clause 3 Article 33 of the LEP to the website manager of the authority appraising the EIAR to consult the consultees specified in clause 1 of this Article, except for information classified as state secrets and secrets of enterprises as prescribed by law. Within 05 days from the date of receiving the project owner’s request for publishing consultation contents, the appraising authority’s website manager shall publish contents of the consultation. The consultation shall be conducted within 15 days; upon expiry of the time limit for consultation, the website manager shall send consultation results to the project owner;
b) Holding a consultation by organizing a meeting to seek opinions:
The project owner shall preside over and cooperate with the People’s Committee of the commune where the project is executed in posting the EIAR at the communal People’s Committee and notifying time and place of the meeting intended to seek opinions of the consultees specified in point a clause 1 of this Article at least 05 days before the meeting. The communal People’s Committee shall post the EIAR from the date of receiving the EIAR to the end of the meeting.
The project owner shall present contents of the EIAR at the consultation meeting. Opinions of the attendees, feedback and commitment of the project owner must be sufficiently and truthfully presented in the consultation meeting according to the form prescribed by MONRE;
c) Holding a written consultation:
The project owner shall send the EIAR of the project to the consultees as specified in point b clause 1 of this Article enclosed with the consultation document prepared using the form in the Appendix VI hereof.
The consultees shall give their written response according to the form in the Appendix VII hereof within 15 days from the date of receiving the consultation document. In case no response is given within the prescribed time limit, it is considered that such consultees agree to the consultation contents.
4. Responsibility of every investment project owner for holding consultation:
a) Adopt the consultation methods specified in clause 4 Article 33 of the LEP and consult the consultees specified in clause 1 of this Article, except for the cases in points e, g and h of this clause;
b) Regarding projects that involve ocean dumping of materials and matter; investment projects that discharge at least 10,000 m3 of wastewater per day (24 hours) or directly discharge wastewater into an inter-provincial river or a river bordering provinces or directly discharge wastewater into coastal sea, the project owners shall also consult with the People’s Committee of province having the inter-provincial river, the river bordering provinces or coastal sea to cooperate in dealing with environmental protection issues in the region;
c) Regarding the projects specified in the Appendix II hereof that directly discharge at least 10,000 m3 of wastewater per day (24 hours) or at least 200,000 m3 of emissions per hour, the project owners shall consult with at least 05 experts, scientists related to operating field of the project and environmental experts. Regarding the remaining projects specified in the Appendix II hereof, the project owners shall consult with at least 03 experts, scientists related to operating fields of the projects and environmental experts;
d) For the projects at risk of sedimentation, erosion or saltwater intrusion of which investment guidelines are decided by the National Assembly or the Prime Minister; project involving ocean dumping of dredged materials and matter with a total volume of 5,000,000 m3 or more; projects that discharge at least 10,000 m3 of industrial wastewater per day (24 hours) (except for cases of connection of wastewater to the centralized wastewater treatment system, cooling water and wastewater of the aquaculture project) or at least 200,000 m3 of emissions per hour, the project owners must consult with a specialized organization about the calculation results given by the applied model;
dd) For the investment projects that request repurposing land of a wildlife sanctuary or core zone of the biosphere reserve with an area of 01 ha or more, the project owners must consult with a specialized organization about impacts of project execution on biodiversity;
e) For projects on construction of traffic infrastructure, telecommunications infrastructure and inter-provincial and inter-district transmission lines, the project owners shall only hold a consultation as prescribed in point a clause 3 of this Article and a written consultation with the provincial People’s Committees if such projects are located in at least 02 provinces or district-level People’s Committees if such projects are located in at least 02 districts;
g) For the investment projects located within territorial waters or continental shelf to which responsibility of the communal People’s Committee for administrative management are yet to be assigned, the project owners shall only hold a consultation as specified in point a clause 3 of this Article and a written consultation with the People’s Committee of the province which receives the projects’ waste transported ashore;
h) For the projects located within a dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster, the project owners shall only hold a consultation as prescribed in point a clause 3 of this Article and also consult with the management boards, investors in construction and commercial operation of infrastructure of such dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster;
i) The project owner shall truthfully consolidate and specify all opinions and recommendations of the consultees; receive and respond to consultation results and complete the EIAR before submitting it to a competent authority for appraisal; take legal responsibility for contents and results of the consultation mentioned in the EIAR.
Article 27. Responsibility of investment project owner during completion of EIAR after receiving written request for modification; preparation and execution of projects before their operation in case of changes to the decision on approval of EIAR appraisal result
1. Within 12 months from the receipt of the written request for modification of the EIAR appraising authority, the investment project owner shall complete the EIAR and send it to the EIAR appraising authority. After this deadline, the appraisal of EIAR shall be carried out as prescribed in Article 34 of the LEP.
2. During the preparation and execution of an investment project before being put into operation, the investment project owner shall carry out EIA in case of change(s) to the decision on approval of EIAR appraisal result as specified in point a clause 4 Article 37 of the LEP. To be specific:
a) Increasing scale and capacity of the project to an extent that it is necessary to follow procedures for approval for adjustment of the investment guidelines or procedures for adjustment of the investment registration certificate in accordance with regulations of law on investment;
b) Changing production technology of the project resulting in discharging waste beyond the capacity for waste treatment of environmental protection works specified in the scheme in the decision on approval of EIAR appraisal result;
c) Changing waste treatment technology of the project likely to adversely affect the environment specified in the scheme in the decision on approval of EIAR appraisal result;
d) Changing the location of the project, except where the location of the investment project executed in the dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster is changed in conformity with the planning for zoning of dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster which is approved by the competent authority;
dd) Changing the location of direct discharge of treated wastewater into a source of water with more stringent requirements for waste discharge or changing the receiving body resulting in an increase in pollution, landslide or subsidence.
3. The responsibility specified in point b or point c clause 4 Article 37 of the LEP shall be fulfilled.
Section 2. ENVIRONMENTAL LICENSE AND ENVIRONMENTAL REGISTRATION
Article 28. Main contents of report on proposal for issuance of environmental license
1. Main contents of a report on proposal for issuance of the environmental license with respect to the investment project to which the decision on approval of EIAR appraisal result has been issued before its trial operation include:
a) General information about the investment project: names of the project and project owner; location of the project; authorities appraising the construction design, issuing environment-related licenses and approving the project; decision on approval of result of appraisal of the project’s EIAR; document about changes (if any); project execution process; scale (classified according to the criteria prescribed by regulations of law on public investment), capacity, technology, products manufactured, amount of electricity, source and amount of water used, receiving body of wastewater, raw materials, fuels, materials, scrap and chemicals used and other information relating to the project;
b) Conformity of the investment project with the national environmental protection planning, provincial planning, environmental zoning and environmental carrying capacity (if any);
c) Results of completion of environmental protection works and measures (works transferred and accepted between the investor, contractor and construction supervision unit in accordance with regulations of law on construction): works and equipment for collecting and treating wastewater, dust and emissions; works for storing and treating normal industrial solid waste, domestic solid waste and hazardous waste; works and measures for minimizing noise and vibration; works for environmental emergency prevention and response and other environmental protection works. Primary information, including: scale, capacity and operation process; chemicals and biological preparations used for waste treatment; chemicals and catalysts used to treat dust and exhaust gases; equipment for synchronous and packaged waste treatment, automatic and continuous monitoring equipment (if installation thereof is required) and other treatment equipment (accompanied by its CO/CQ); basic specifications; applicable standards and regulations.
For a project on centralized solid waste treatment and hazardous waste treatment, specify the works, equipment and vehicle for collecting and treating waste.
For an investment project that uses scrap imported abroad country as raw materials for production, specify the production technology; warehouses and yards for scrap storage; recycling equipment; impurity treatment scheme; scrap re-export scheme in conformity with the decision on approval of the EIAR appraisal result.
For an investment project that discharges wastewater into hydraulic structures, specify the satisfaction of requirements for environmental protection of hydraulic structures;
d) Plan, schedule and result of implementation of the environmental remediation and improvement, biodiversity offsets scheme (if any);
dd) Proposal for change(s) to the decision on approval of EIAR appraisal result (if any) enclosed with environmental impacts of such change(s);
e) Items to be licensed as specified in clause 2 Article 40 of the LEP;
g) Plan and expected time for trial operation enclosed with a waste monitoring plan intended to evaluate efficiency of the waste treatment work (aggregate and single sampling); if a packaged waste treatment work/equipment or waste treatment work belongs to a project with small capacity as prescribed in Appendix II enclosed herewith, only take single samples for monitoring purpose; plan to prevent and respond to environmental emergencies during trial operation and when the project is put into operation;
h) Proposed contents of waste monitoring (automatic, continuous and periodic) prescribed by law and other environmental protection contents (if any).
2. Main contents of a report on proposal for issuance of the environmental license with respect to the investment project of group II not subject to EIA include:
a) General information about the investment project: names of the project and project owner; location of the project; authorities appraising the construction design, issuing environment-related licenses and approving the project; scale (classified according to the criteria prescribed by regulations of law on public investment), capacity, technology, products manufactured, amount of electricity, source and amount of water used, receiving body of wastewater, raw materials, fuels, materials, scrap and chemicals used and other information related to the project;
b) Conformity of the investment project with the national environmental protection planning, provincial planning, environmental zoning and environmental carrying capacity (if any);
c) Evaluation of state of environment in the area where the investment project is located (except for investment projects located in dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters); evaluation of selected production and waste treatment technologies and other selected environmental protection works; evaluation and prediction of project’s impacts (if any) on biodiversity and natural heritage sites, flow, landslide, sedimentation, saltwater intrusion and society;
d) Proposed plan and measures for waste treatment enclosed with a description and alternative for construction design (fundamental design or construction drawing design (if the project only requires one single design step) of environmental protection works, waste treatment work items, equipment for synchronous and packaged waste treatment, automatic and continuous monitoring equipment (if installation thereof is required) and other treatment equipment (accompanied by its CO/CQ, if any), plan for environmental emergency prevention and response, works for waste storage and related works and equipment; plan for construction, installation, operation, maintenance and management of discharge works and waste treatment works, enclosed with an estimate of costs of construction of environmental protection and implementation of measures to minimize adverse effects on the environment;
dd) Specific environmental protection contents: for a project on mineral mining or waste burial, an environmental improvement and remediation plan is required. For a project on extraction of sand, gravel and other minerals on rivers, streams, canals, reservoirs, estuaries and coastal areas, contents of assessment of the impacts on the bed, banks, river terrace and flow are required. For an investment project that causes biodiversity loss or decline, a biodiversity offsets scheme is required. For an investment project that discharges wastewater into hydraulic structures, the assessment of impacts and measures for environmental protection of sources of water for hydraulic structures are required;
e) Items to be licensed as specified in clause 2 Article 40 of the LEP;
g) Plan and expected time for trial operation enclosed with a waste monitoring plan intended to evaluate efficiency of the waste treatment work (aggregate and single sampling); if a packaged waste treatment work/equipment or waste treatment work belongs to a project with small capacity as prescribed in Appendix II enclosed herewith, only take single samples for monitoring purpose; plan to prevent and respond to environmental emergencies during trial operation and when the project is put into operation;
h) Proposed contents of waste monitoring (automatic, continuous and periodic) prescribed by law and other environmental protection contents (if any).
3. Main contents of a report on proposal for issuance of environmental license to an operating business, dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster satisfying the environmental criteria equivalent to those applicable to a project of group I or group II include:
a) General information about the business, dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster: its name, address or location where the project is located; document about appraisal of the construction design, environment-related licenses and project approval; decision on approval of result of appraisal of the project’s EIAR as specified in clause 2 Article 171 of the LEP and component environmental license (if any); scale (classified according to the criteria prescribed by regulations of law on public investment), capacity, technology, products manufactured, amount of electricity, source and amount of water used, receiving body of wastewater, raw materials, fuels, materials, scrap and chemicals used and other information related to the business. For a business that uses scrap imported abroad country as raw materials for production, specify the production technology; warehouses and yards for scrap storage; recycling equipment, impurity treatment scheme and scrap re-export scheme that fails to satisfy the standards conforming to the decision on approval of the EIAR appraisal result or a document equivalent to the decision on approval of EIAR appraisal result as prescribed in clause 2 Article 171 of the LEP (including a file enclosed with the equivalent document);
b) Conformity of the business, dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster with the national environmental protection planning, provincial planning, environmental zoning and environmental carrying capacity (if any);
c) Sources of waste generated, including: scale, weight and type of solid waste; scale, flow rate and pollution parameters of dusts, emissions, noise and vibration; scale, flow rate and pollution parameters of wastewater, receiving bodies of wastewater; environmental protection works and measures completed as prescribed in point c clause 1 of this Article;
d) Plan, schedule and result of implementation of the environmental remediation and improvement, biodiversity offsets scheme (if any);
dd) Items to be licensed as specified in clause 2 Article 40 of the LEP;
e) Results of environmental monitoring carried out in the 02 previous years in the case where waste monitoring is required as prescribed or result of additional waste sample monitoring under the guidance of MONRE in the case where the component environmental license is available, thereby not required to undergo waste monitoring;
g) Latest results of inspection and handling of violations against regulations on environment given by the competent authority, enclosed with decisions and conclusions (if any);
h) Proposed contents of waste monitoring (automatic, continuous and periodic) prescribed by law and other environmental protection contents (if any).
4. Main contents of report on proposal for issuance of environmental license to a project of group III include:
a) General information about the investment project: names of the project and project owner; location of the project; scale (classified according to the criteria prescribed by regulations of law on public investment), capacity, technology, products manufactured, amount of electricity, source and amount of water used, receiving body of wastewater, raw materials, fuels, materials, scrap and chemicals used and other information related to the project;
b) Conformity of the investment project with the national environmental protection planning, provincial planning, environmental zoning and environmental carrying capacity (if any);
c) Description of state of environment in the area where the investment project is located (except for investment projects located in dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters); description of the production technology to be selected;
d) Proposed plan and measures for waste treatment enclosed with a description and alternative for construction design (fundamental design or construction drawing design (if the project only requires one single design step) of environmental protection works, waste treatment work items, equipment for synchronous and packaged waste treatment, automatic and continuous monitoring equipment (if installation thereof is required) and other treatment equipment (accompanied by its CO/CQ, if any), plan for environmental emergency prevention and response, works for waste storage and related works and equipment; plan for construction, installation, operation, maintenance and management of discharge works and waste treatment works; measures for environmental protection of sources of water for hydraulic structures with respect to the investment projects discharging wastewater into hydraulic structures;
dd) Items to be licensed as specified in clause 2 Article 40 of the LEP;
e) Plan and expected time for trial operation enclosed with a waste monitoring plan intended to evaluate efficiency of the waste treatment work as prescribed; environmental emergency prevention and response; proposed contents of waste monitoring as prescribed by law.
5. Main contents of a report on proposal for issuance of environmental license to an operating business satisfying the environmental criteria equivalent to those applicable to a project of group III include:
a) General information about the business: its name, address and location where the project is located; related environmental documents; scale (classified according to the criteria prescribed by regulations of law on public investment), capacity, technology, products manufactured, amount of electricity, source and amount of water used, receiving body of wastewater, raw materials, fuels, materials, scrap and chemicals used and other information related to the business;
b) Conformity of the business with the national environmental protection planning, provincial planning, environmental zoning and environmental carrying capacity (if any);
c) Sources of waste generated, including: scale, weight and type of solid waste; scale, flow rate and pollution parameters of dusts, emissions, noise and vibration; scale, flow rate and pollution parameters of wastewater, receiving bodies of wastewater; environmental protection works and measures completed as prescribed in point c clause 1 of this Article;
d) Items to be licensed as specified in clause 2 Article 40 of the LEP;
dd) Results of environmental monitoring carried out in the 01 previous year in the case where waste monitoring is required as prescribed or result of additional waste sample monitoring under the guidance of the MONRE in the case where the component environmental license is available, thereby not required to undergo waste monitoring as prescribed; latest results of inspection and handling of violations against regulations on environment given by the competent authority, enclosed with decisions and conclusions (if any);
e) Proposed contents of waste monitoring prescribed by law.
6. Forms of reports on proposal for issuance of environmental license to the subjects mentioned in clause 1 to 5 of this Article is provided in the Appendix VIII, IX, X, XI and XII hereof respectively.
Article 29. Applications and procedures for issuing environmental licenses
Applications, procedures and time limit for issuing environmental licenses to investment project, businesses, dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters (hereinafter referred to as “investment projects and businesses”) are specified in Article 43 of the LEP. Several contents are elaborated as follows:
1. Legal and technical documentation specified in point c clause 1 Article 43 of the LEP are prescribed as follows:
a) For an investment project not subject to EIA: a copy of the feasibility study report or document equivalent to the investment project’s feasibility study report in accordance with regulations of law on investment, public investment, PPP investment and construction;
b) For an investment project or business other than that specified in point a of this clause, the project or business owner is not required to submit legal and technical documentation together with the application for issuance of environmental license.
2. Time of submission of the application for issuance of environmental license is prescribed as follows:
a) The owner of the investment project not subject to EIA shall submit an application for issuance of environmental license after completing the waste treatment work for the entire project or for each investment phase of the project (if the project is divided into investment phases) or for the independent waste treatment work item of the project;
b) The owner of the investment project not subject to EIA shall decide the time of submission themself after having a sufficient application as prescribed;
c) The investment project owner specified in clause 2 Article 39 of the LEP that is conducting trial operation of the waste treatment work as prescribed by law before the effective date of the LEP shall decide the time of submission of application for issuance of environmental license themself to ensure that an environmental license has to be obtained after the trial operation but at least 45 days if the environmental license is issued by a ministerial agency and 30 days if the environmental license is issued by the provincial People’s Committee or district-level People’s Committee before the date on which the environmental license has to be obtained.
In case of failure to submit the application for issuance of environmental license within the time limit specified in this point, the investment project owner shall send a notification of extension of trial operation duration as prescribed in point c clause 6 Article 31 of this Decree to obtain the environmental license after the end of the trial operation;
d) Owner of a business, dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster shall decide the time of submission of the application for issuance of environmental license themself to ensure that an environmental license has to be obtained as prescribed by the LEP and this Decree but at least 45 days if the environmental license is issued by a ministerial agency and 30 days if the environmental license is issued by the provincial People’s Committee or district-level People’s Committee before the date on which the environmental license has to be obtained.
3. The owner of the investment project or business shall submit an application for issuance of environmental license to the authority issuing environmental license (hereinafter referred to as “licensing authority”) and pay fees for application appraisal as prescribed.
4. Within 05 working days from the receipt of a sufficient application (except for the case specified in clause 8 of this Article), the licensing authority shall:
a) publicize contents of the report on proposal for issuance of environmental license on the website of the licensing authority or authorized authority, except for information classified as state secrets or enterprise’s secrets as prescribed by law;
b) send an enquiry to the regulatory body managing hydraulic structures (in case of discharge of water into hydraulic structures), the investor in construction and commercial operation of infrastructure of the dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster (if the investment project or business is located in such dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster), except where the investment project has been issued with the decision on approval of EIAR appraisal result and does not change the contents related to wastewater discharge specified in the decision on approval of EIAR appraisal result.
The enquired authority shall give a written response to the issuance of environmental license within 07 days from the receipt of the enquiry, except for the case specified in clause 9 of this Article. If such time limit expires and a written response fails to be given, it is considered that such body agrees to the licensing.
Regarding an investment project that directly discharges at least 10,000 m3 of wastewater (except for equipment cooling water, aquaculture water) per day (24 hours) into an inter-provincial river or lake or a river or lake bordering provinces or directly discharges wastewater into coastal sea, the licensing authority shall consult with the People’s Committee of province having the inter-provincial river or lake, bordering river or lake or coastal sea of the bordering province to cooperate in dealing with environmental protection issues in the region, except where the investment project has been issued with the decision on approval of EIAR appraisal result and does not change the contents related to wastewater discharge specified in the decision on approval of EIAR appraisal result. The enquired provincial People’s Committee shall give a written response within 07 days from the receipt of the enquiry. If such time limit expires and a written response fails to be given, it is considered that such body agrees to the licensing
Regarding an investment project that directly discharges at least 10,000 m3 of wastewater (except for equipment cooling water, aquaculture water) per day (24 hours) or at least 200,000 m3 of dust or emissions per hour, the licensing authority shall consult with a specialized organization about the calculation results given by the pollutant dispersion model or environmental emergency (if any), except where the investment project has been issued with the decision on approval of EIAR appraisal result and does not change the contents related to wastewater, dust or emission discharge specified in the decision on approval of EIAR appraisal result. The enquired specialized organization shall give a written response within 20 days from the receipt of the enquiry;
c) Except for the case specified in clause 9 of this Article, the appraisal of the application for issuance of environmental license shall be carried out as follows:
For the investment project which has been issued with the decision on approval of EIAR appraisal, does not use scrap imported abroad country as raw materials for production or provides hazardous waste treatment services and falls into the case specified in point b clause 4 Article 37 of the LEP, the licensing authority shall establish an appraisal council and shall not carry out a site inspection.
For the investment project which has been issued with the decision on approval of EIAR appraisal result and does not fall into the case specified in point b clause 4 Article 37 of the LEP, investment project which uses scrap imported abroad country as raw materials for production, investment project which provides hazardous waste treatment services, the licensing authority shall establish an appraisal team and shall not carry out a site inspection.
For the investment project not subject to EIA, the licensing authority shall establish an appraisal council if the environmental license is issued by MONRE, Ministry of Public Security, Ministry of National Defense or provincial People’s Committee; establish an appraisal team if the environmental license is issued by the district-level People’s Committee. The appraisal council or appraisal team shall carry out a site inspection in the area where the investment project is expected to be executed.
For an business, dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster which is operating, the licensing authority shall establish an inspectorate instead of establishing an appraisal council or appraisal team if environmental license is issued by MONRE, Ministry of Public Security, Ministry of National Defense or provincial People’s Committee; shall carry out a site inspection if the environmental license is issued by the district-level People’s Committee.
The appraisal council and inspectorate shall each be composed of at least 07 members if the environmental license is issued by a central government authority and at least 05 members if the environmental license is issued by the provincial People’s Committee. The appraisal team shall be composed of at least 03 members, including a leader which is the appraising authority’s representative.
The appraisal council and inspectorate shall each be composed of 01 president or chief; 01 deputy president or deputy chief if necessary; 01 secretary; representatives of authorities and organizations concerned; representative of regulatory body managing hydraulic structures, investor in construction and commercial operation of infrastructure of the dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster (if any); experts and officials in the field of environmental protection and operating field of the investment project or business.
Every member of the appraisal council, inspectorate and appraisal team shall consider applications for issuance of environmental license, make remarks about the appraisal contents specified in Article 40 of the LEP and take legal responsibility for their remarks.
The expert participating in making the report on proposal for issuance of environmental license of the investment project or business shall not join the appraisal council, appraisal team or inspectorate responsible for appraising application for issuance of environmental license of such investment project or business;
5. According to the appraisal result of the appraisal council and appraisal team or result of the inspectorate or site inspection result, the licensing authority shall consider issuing environmental license to the investment project or business in case of eligibility to be issued with environmental license or send a notification of return of application to the project or business owner specifying reasons for ineligibility to be issued with environmental license.
If the application needs modifying to have sufficient grounds for issuing license, the licensing authority shall send a notification to the project owner clearly specifying the modifications. The licensing authority shall not request the project or business owner to perform tasks other than those specified in the notification.
Response (final result or necessary modifications) must be provided within licensing time limit as prescribed.
6. Except for the case specified in clause 9 of this Article, within 15 days if the environmental license is issued by MONRE, Ministry of National Defense or Ministry of Public Security, 10 days if the environmental license is issued by the provincial People’s Committee and 05 days if the environmental license is issued by the district-level People’s Committee, from the receipt of the modified application for issuance of environmental license (in case where the application has to be modified as requested by the licensing authority), the head of the licensing authority shall consider issuing the environmental license to the investment project or business; in case of failure to issue the environmental license, a written response specifying reasons therefor shall be given.
7. The receipt of applications and return of results specified in point c clause 4 Article 43 of the LEP must be carried out in a simplified manner that reforms administrative procedures and follows administrative procedures online in accordance with the Government’s regulations.
8. The receipt of applications and return of results shall be carried out online using level 4 online public services of the licensing authority within 15 days from the receipt of the valid applications in the following cases:
a) The investment project or business is not required to conduct trial operation of the waste treatment work;
b) The investment project or business connects wastewater to the centralized system for wastewater collection and treatment of the dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster and satisfies the following requirements: it is not involved in the type of production, business or services that is likely to cause environmental pollution; is not required to carry out automatic and continuous emission monitoring and periodic monitoring as prescribed in this Decree.
9. The appraisal of application for issuance of environmental license, and issuance of environmental license in the case specified in clause 8 of this Article shall be carried out through the appraisal team established by the licensing authority with no more than 05 members if the environmental license is issued by MONRE, Ministry of National Defense or Ministry of Public Security; no more than 03 members if the environmental license is issued by the provincial People’s Committee or district-level People’s Committee. The licensing authority shall not carry out a site inspection. The time limit for seeking opinions of the authorities and organizations specified in point b clause 4 of this Article is 05 days from the receipt of the enquiry. The time limit within which the licensing authority considers issuing environmental license to the investment project or business or gives a written response to the project or business owner specifying reasons for failure to issue environmental license as specified in clause 6 of this Article is 05 days.
10. The application form for issuance of environmental license of the investment project owner or business owner shall be made using the form specified in the Appendix XIII enclosed herewith.
11. The Minister of Natural Resources and Environment shall promulgate forms of documents relating to issuance of environmental license, except for the case specified in clause 10 of this Article.
Article 30. Renewal, adjustment, re-issuance and revocation of environmental licenses
1. Renew the environmental license as prescribed in clause 1 Article 44 of the LEP within 10 days from the receipt of application form for renewal of the investment project owner or business owner enclosed with the legal documentation relating to changes. The licensing authority shall issue a renewed environmental license which will have the same expiration date as that of the old license to the investment project owner or business owner.
The renewal of environmental license shall be carried out online using level 4 online public services of the licensing authority or authorized authority and appraisal fees are not required to be paid as prescribed.
2. The investment project owner or business owner shall adjust the environmental license within its remaining effective period when there is a change as prescribed in point a clause 2 Article 44 of the LEP and changes other than those specified in point b clause 3 and clause 4 of this Article, except for removal of items to be licensed or change to weight or type of hazardous waste generated. In case of removal of an item to be licensed, the change to environmental license shall be only made when requested by the investment project owner or business owner. In case of a change to weight or type of hazardous waste generated, the investment project owner or business owner shall specify the change in the periodic environmental protection report of the project or business.
The adjustment of environmental license shall be made within 15 days from the receipt of the application form for adjustment from the investment project owner or business owner and made online using level 4 online public services of the licensing authority or authority authorized to issue environmental licenses as prescribed.
3. The adjustment of the environmental license prescribed in point b clause 2 Article 44 and clause 4 Article 46 of the LEP shall be made within 25 days from the receipt of report on result of trial operation from the investment project owner or business owner. The licensing authority shall rely on the inspectorate’s report on inspection of trial operation of waste treatment work of the investment project or business; results of measurement and analysis of reference waste samples or additional waste monitoring samples (if any) and report on results of trial operation of the investment project owner or business owner in order to adjust the environmental license as follows:
a) Seek opinions of the provincial specialized environmental protection authority, management board of industrial parks of the province (if the investment project is located in the dedicated area for production, business operation and service provision); opinions of some environmental experts, including experts who have joined the appraisal council or inspectorate responsible for appraising application for issuance of environmental license about adjustments;
b) Notify the investment project owner or business owner of adjustments to type and weight of hazardous waste permitted to be treated or weight of scrap permitted to be imported as raw materials for production in order to suit the actual operating capacity of the investment project or business;
The investment project or business shall provide a written explanation for the adjustments (if any) specified in this point to the licensing authority;
c) The licensing authority shall issue an adjusted environmental license which will have the same expiration date as that of the old license to the investment project owner or business owner in order to suit the actual operating capacity of the investment project or business;
4. Subjects entitled to obtain re-issued environmental license and date on which the investment project owner or business owner submits an application for re-issuance of environmental license are prescribed as follows:
a) The subjects specified in point a clause 3 Article 44 of the LEP shall submit the application for re-issuance of environmental license 06 months before the expiry date of the environmental license;
b) Investment projects, businesses, dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters changing their scale, capacity or production technology, except where the investment projects making are not subject to EIA, shall submit the application for re-issuance of environmental license before making the changes and the changes shall be only made after being issued with the environmental license;
c) Dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters adding an industry or business line in which investment is encouraged shall submit the application for re-issuance of environmental license before attracting investment in such industry or business line (except where such industry or business line or investment project involved in such industry or business line, when put into operation, does not generate industrial wastewater subject to mandatory treatment so as to ensure the satisfaction of condition for receipt of wastewater of the centralized wastewater treatment system);
d) Investment projects, businesses, dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters increasing their sources of waste water, dusts and emissions resulting in generation of pollution parameters exceeding the permissible limits specified in the environmental technical regulation on waste; generating new pollution parameters exceeding permissible limits specified in environmental technical regulations on waste; increasing the flow of wastewater, dusts and emissions resulting in generation of pollution parameters exceeding permissible limits specified in environmental technical regulations on waste; changing their wastewater receiving bodies and method for discharge of wastewater into sources of water subject to more stringent protection requirements, shall submit the application for re-issuance of environmental license before making the changes and the changes shall be only made after being issued with the environmental license.
5. The re-issuance of environmental license specified in clause 4 of this Article shall be carried out as follows:
a) The business owner or investor in construction and commercial operation of infrastructure of a dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster specified in points a and c clause 4 of this Article shall submit an application for re-issuance of environmental license and report on proposal for issuance of environmental license as specified in clause 3 Article 28 of this Decree (except for the contents specified in points a and c clause 5 Article 28 of this Decree) to the licensing authority. Procedures for re-issuance of environmental license shall comply with Article 29 of this Decree.
The time limit for re-issuance of environmental license shall not exceed 30 days if the environmental license is issued by MONRE, Ministry of National Defense or Ministry of Public Security and 20 days if the environmental license is issued by the provincial People’s Committee and district-level People’s Committee, from the receipt of a sufficient and valid application;
b) The investment project owner or business owner specified in points b and d clause 4 of this Article shall submit an application form for re-issuance of environmental license and report on proposal for issuance of environmental license as specified in one of the clauses 2, 3, 4 and 5 Article 28 of this Decree (only including the contents that are different from those on the initial environmental license) to the licensing authority. Time and procedures for re-issuance of environmental license shall comply with Article 29 of this Decree.
6. Any investment project or business issued with a renewed, adjusted or re-issued environmental license is not required to conduct trial operation of waste treatment works, except for the cases specified in points b and d clause 4 of this Article.
7. If it is found that the environmental license has to be revoked as prescribed in clause 5 Article 44 of the LEP during the process of imposing penalties for administrative violations, the revocation of the license shall comply with regulations of law on penalties for administrative violations. The environmental license shall be issued as follows:
a) If the environmental license is issued ultra vires, within the time limit for taking remedial measures, the investment project owner or business owner shall follow procedures for issuing environmental license as prescribed in Article 29 of this Decree;
b) If the environmental license contains any content against regulations of law, within 07 days from the receipt of such environmental license transferred by the person competent to impose penalties, the licensing authority shall consider issuing another environmental license with rectified contents to the investment project owner or business owner.
8. If it is found that the environmental license has to be revoked as prescribed in clause 5 Article 44 of the LEP but does not fall into the case specified in clause 7 of this Article, the revocation and issuance of the environmental license shall be carried out as follows:
a) The regulatory body which finds that the environmental license has to be revoked shall send a notification that the environmental license is issued ultra vires or contains a content against regulations of law on environmental protection;
b) The authority issuing the environmental license that has to be revoked shall consider and review the procedures for and contents of appraisal of the application for issuance of environmental license after receiving the notification specified in point a of this clause.
If the environmental license is issued ultra vires as prescribed, authority issuing such environmental license shall instruct the investment project owner or business owner to prepare an application for issuance of environmental license to the licensing authority to obtain a new environmental license as prescribed in Article 29 of this Decree. The authority issuing the environmental license shall revoke the environmental license after the investment project or business has been issued with a new environmental license as prescribed by law.
If the issued environmental license contains any content against regulations of law, the authority issuing the environmental license shall issue another environmental license with rectified contents to the investment project or business. The unconformable license will be revoked when the new license is issued to the investment project owner or business owner.
9. The report on proposal for re-issuance of the environmental license to an operating business, dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster satisfying the environmental criteria equivalent to those applicable to a project of group I or group II shall be made using the form specified in the Appendix X enclosed herewith; report on proposal for re-issuance of the environmental license to an operating business satisfying the environmental criteria equivalent to those applicable to a project of group III shall be made using the form specified in the Appendix XII enclosed herewith; report on proposal for re-issuance of the environmental license to the investment project specified in points b and d clause 4 of this Article satisfying the environmental criteria equivalent to those applicable to a project of group II shall be made using the form specified in the Appendix IX enclosed herewith; report on proposal for issuance of the environmental license to the investment project specified in points b and d clause 4 of this Article satisfying the environmental criteria equivalent to those applicable to a project of group III shall be made using the form specified in the Appendix XI enclosed herewith; application form for adjustment or re-issuance of environmental license to an investment project owner or business owner and specimen of application form for renewal of environmental license of an investment project owner or business owner shall comply with the form respectively specified in the Appendix XIII and Appendix XIV enclosed herewith.
10. The Minister of Natural Resources and Environment shall promulgate forms related to renewal, adjustment, re-issuance or revocation of environmental licenses, except for the case specified in clause 9 of this Article.
Article 31. Trial operation of waste treatment works after being issued with environmental license
1. Waste treatment works not required to undergo trial operation include:
a) Sedimentation pond of a project on mining of minerals usable as common building materials, limestones;
b) Emergency pond of a wastewater treatment system (except for the emergency pond combined with stabilization pond);
c) Dust and emission release system in the case where dust and exhaust gas treatment systems are not required, including boiler emission control systems using fuel gas and DO; crematoria emissions treatment system;
d) In situ wastewater works and equipment specified in clause 3 Article 53 of the LEP (including septic tanks, grease separators of canteens and packaged wastewater treatment works and equipment satisfying prescribed requirements);
dd) Cooling water treatment systems using chlorine or disinfectant chemicals to kill microorganisms;
e) Waste treatment works of a project on expansion or increase in capacity without any change to the issued environmental license;
g) Waste treatment works of the subjects specified in clause 2 Article 39 of the LEP when applying for adjustment of the environmental license;
h) Waste treatment works of a business, dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster without any change to the component environmental license or issued environmental license.
2. The investment project owner not subject to EIA but required to obtain an environmental license and have a waste treatment work other than that specified in clause 1 of this Article shall conduct trial operation of such waste treatment work together with trial operation of the entire project or for each investment phase of the project (if the project is divided into investment phases) or for the independent waste treatment work item of the project after completing the following tasks:
a) Construct waste treatment works according to the environmental license; prepare a dossier on completion of the waste treatment work in accordance with regulations of law on construction (enclosed with a transfer and commissioning record between the investor, the construction contractor and the construction supervisor of the waste treatment work) and establish an operating process which satisfies environmental protection requirements. The investment project owner shall take legal responsibility for the dossier on completion of the waste treatment work;
b) Install automatic and continuous wastewater, dust and emission equipment and systems (if the installation is required) in order to supervise quality of wastewater and emissions as prescribed in this Decree.
3. The investment project owner subject to EIA and obtain an environmental license and have a waste treatment work other than that not specified in clause 1 of this Article shall conduct trial operation of such waste treatment work together with trial operation of the entire project or for each investment phase of the project (if the project is divided into investment phases) or for the independent waste treatment work item of the project according to the issued environmental license. If there is any change to the trial operation plan according to the issued environmental license, it is required to fulfill the responsibility specified in clause 5 of this Article.
4. The owner of the business, dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster specified in clause 2 Article 39 of the LEP shall conduct trial operation of the waste treatment work of the business, dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster as specified in this Article after being issued with the environmental license, except where the component environmental license has been obtained.
5. The investment project owner specified in clause 2 of this Article shall notify the plan for trial operation of the waste treatment work or waste treatment work item of the project to the licensing authority at least 10 days before the date of trial operation of the waste treatment work for supervision purpose; if the licensing authority is MONRE, send the plan to the provincial specialized environmental protection authority for cooperation in, inspection and supervision of the implementation thereof.
6. The duration of trial operation of the wastewater treatment work begins from the date of commencing trial operation. To be specific:
a) From 03 to 06 months if the project is a dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster and large capacity investment project involved in a type of production, business or service that is likely to cause environmental pollution specified in the Column 3 Appendix II enclosed herewith;
b) The investment project shall decide and be accountable for the duration of trial operation with respect to other projects but such duration must not exceed 06 months and must ensure that effectiveness of the waste treatment work is evaluated as prescribed;
c) If it is required to extend the duration of trial operation, the investment project owner shall send a notification specifying reasons for extension and the duration of extension must not exceed 06 months. For large scale investment projects divided into each investment phase, the duration of trial operation may be extended in accordance with regulations prescribed by the licensing authority.
7. During trial operation of waste treatment works, the investment project owner shall perform several tasks below:
a) Cooperate with the specialized environmental protection authority in the province where the project is executed to inspect and supervise the trial operation. If the project is required to undergo automatic wastewater, dust or emission monitoring, carry out monitoring and supervision of result of automatic and continuous wastewater, dust or emission monitoring using CCTV cameras which connect and transmit data to the specialized environmental protection authority in the province where the project is executed;
b) Carry out monitoring themself by following MONRE’s technical guidance or cooperate with the provider eligible to provide environmental monitoring services to monitor waste and evaluate effectiveness of the waste treatment work. The waste monitoring must comply with environmental standards, technical regulations and law on standards, measurement and quality. The waste monitoring and sampling (single and aggregate sampling) with respect to types of projects shall comply with regulations of MONRE;
c) Be held accountable for contents of the trial operation plan and entire process of trial operation of the waste treatment work;
d) Keep a logbook which fully documents information about trial operation of the waste treatment work. The subjects specified in clause 4 Article 46 of the LEP shall fully document information about weight of hazardous waste and scrap used by each treatment and recycling system and equipment;
dd) Carry out evaluation themself or hire a fully capable organization to carry out evaluation of waste treatment works of projects; aggregate and evaluate waste monitoring data, identify waste and prepare a report on results of trial operation of waste treatment works, and send it to the licensing authority within 10 days from the end of trial operation of the waste treatment works, except for the case specified in clause 4 Article 46 of the LEP; if the licensing authority is MONRE, the investment project owner shall end it to the provincial specialized environmental protection authority.
8. During trial operation of waste treatment works of a project, if the waste released into the environment fails to satisfy environmental technical regulations on waste, the investment project owner shall adopt the following measures:
a) Terminate or reduce capacity of the investment project to ensure the current wastewater treatment works are able to treat types of waste generated in accordance with the environmental technical regulation and environmental license.
b) Review waste treatment works and equipment and process for operating the waste treatment system to identify causes of pollution and introduce remedial measures; renovate and upgrade waste treatment works or build more waste treatment works (if any) to satisfy environmental protection requirements as prescribed;
c) In case of causing an environmental emergency or environmental pollution, the investment project owner shall immediately suspend the trial operation and promptly report it to the licensing authority for instructions; if the licensing authority is MONRE, report it to the provincial specialized environmental protection authority for cooperation in handling environmental issues; take responsibility for remediating the environmental emergency, provide compensation and incur penalties as prescribed by law;
d) Prepare a plan for trial operation of waste treatment works or each waste treatment work item that fails to satisfy environmental technical regulation on waste to resume the operation. Procedures and duration of resumption of trial operation of a waste treatment work are the same as procedures and duration of the first trial operation.
9. The provincial and district-level specialized environmental protection authority shall cooperate in inspecting and supervising the trial operation of waste treatment works regarding the investment projects located within the province and district at the request of the licensing authority.
10. Responsibilities of the licensing authority:
a) Fulfill the responsibility specified in Article 48 of the LEP;
b) Establish a site inspectorate during trial operation of waste treatment works of a project in the case specified in clause 4 Article 46 of the LEP or assign an official to carry out a site inspection of trial operation of waste treatment works of investment projects in other cases; measure, collect and analyze samples of waste released into the environment. If the waste released into the environment fails to satisfy the environmental technical regulation on waste, treat or transfer files to a competent person for imposition of penalties for the violation as prescribed and request the investment project owner to adopt the measures mentioned in clause 8 of this Article; continue to measure, collect and analyze samples of waste released into the environment during resumption of trial operation by the investment project owner;
c) For the case specified in clause 4 Article 46 of the LEP, the inspection and decision to adjust type or weight of hazardous waste permitted to be treated or weight of scrap permitted to be imported and imposition of penalties for any violation (if any) shall comply with the procedures mentioned in clause 3 Article 30 of this Decree;
d) Receive and handle propositions put forward by the investment project owner about the trial operation of waste treatment works and instruct the project owner to remediate pollution and environmental emergency (if any) during the trial operation.
11. The report on results of trial operation of waste treatment works of the projects specified in clause 4 Article 46 of the LEP shall be made using the form in the Appendix XV hereof.
12. The Minister of Natural Resources and Environment shall promulgate forms of documents relating to trial operation of waste treatment works prescribed in this Decree except for the case specified in clause 11 of this Article.
Article 32. Subjects exempt from environmental registration
1. Investment projects and businesses mentioned in point a clause 2 Article 49 of the LEP.
2. An investment project in case where it is put into operation and the business that does not generate waste or only generates less than 300 kg of domestic solid waste per day which is managed in accordance with the regulations laid down by the local government; or generates less than 05 m3 of wastewater per day or less than 50 m3 of emissions per hour which is treated using an in situ treatment work or equipment or managed in accordance with the regulations laid down by the local government.
3. List of investment projects and businesses exempt from environmental registration specified in the Appendix XVI hereof.
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực