Lý thuyết Sinh học 8 Bài 49 (mới 2023 + Bài Tập): Cơ quan phân tích thị giác

Tóm tắt lý thuyết Sinh 8 Bài 49: Cơ quan phân tích thị giác ngắn gọn, chi tiết sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm Sinh 8 Bài 49.

1 6,437 02/03/2023
Tải về


Lý thuyết Sinh học 8 Bài 49: Cơ quan phân tích thị giác

Bài giảng Sinh học 8 Bài 49: Cơ quan phân tích thị giác

I. CƠ QUAN PHÂN TÍCH

- Cơ quan phân tích gồm 3 bộ phận sau:

+ Cơ quan thụ cảm.

+ Dây thần kinh hướng tâm.

+ Bộ phận phân tích ở trung ương (vùng thần kinh ở đại não).

- Sự tổn thương một trong ba bộ phận thuộc một cơ quan phân tích nào đó sẽ làm mất cảm giác với kích thích tương ứng.

- Vai trò: Giúp cơ thể nhận biết được tác động của môi trường.

II. CƠ QUAN PHÂN TÍCH THỊ GIÁC

- Cơ quan phân tích thị giác gồm 3 bộ phận sau:

+ Cơ quan thụ cảm thị giác (gồm các tế bào thụ cảm thị giác trong màng lưới của cầu mắt).

+ Dây thần kinh thị giác (dây số II).

+ Vùng thị giác ở thùy chẩm.

1. Cấu tạo của cầu mắt

- Cầu mắt nằm trong hốc mắt của xương sọ, phía ngoài được bảo vệ bởi các mi mắt, lông mày và lông mi nhờ tuyến lệ luôn luôn tiết nước mắt làm mắt không bị khô.

- Cầu mắt vận động được là nhờ cơ vận động mắt.

a. Các màng mắt

- Màng cứng: Nằm ở ngoài cùng, làm nhiệm vụ bảo vệ cầu mắt.

- Màng mạch: Nằm ở giữa màng cứng và màng lưới, có nhiều mạch máu và sắc tố đen làm nhiệm vụ nuôi dưỡng mắt và tạo phòng tối trong cầu mắt.

- Màng lưới: Nằm ở trong cùng, có chứa các tế bào thụ cảm thị giác (tế bào nón, tế bào que).

b. Môi trường trong suốt

- Môi trường trong suốt gồm: Màng giác, thuỷ dịch, thể thủy tinh, dịch thủy tinh.

- Môi trường trong suốt giúp cho ánh sáng đi vào trong màng lưới.

2. Cấu tạo của màng lưới

- Màng lưới có tế bào thụ cảm gồm:

+ Tế bào nón: Tiếp nhận kích thích ánh sáng mạnh và màu sắc.

+ Tế bào que: Tiếp nhận kích thích ánh sáng yếu. Lúc ánh sáng yếu, tế bào nón không hoạt động, chỉ có các tế bào que hoạt động mà tế bào que không có khả năng phân biệt màu sắc, nên mắt ta không phân biệt được màu sắc vật khi ánh sáng yếu.

- Điểm vàng: Là nơi tập trung nhiều tế bào nón, mỗi tế bào hình nón liên hệ với một tế bào thần kinh thị giác. Ảnh của vật rơi vào điểm vàng thì mắt sẽ nhìn thấy rõ nhất.

- Điểm mù: Là nơi đi ra của dây thần kinh thị giác, không tập trung các tế bào thụ cảm thị giác. Ảnh của vật rơi vào điểm mù thì mắt không nhìn thấy.

3. Sự tạo ảnh ở màng lưới

- Ánh sáng phản chiếu từ vật qua môi trường trong suốt tới màng lưới →  kích thích tế bào thụ cảm làm hưng phấn các tế bào này (xuất hiện luồng thần kinh) → luồng thần kinh tới dây thần kinh thị giác → luồng thần kinh tới vùng thị giác của đại não cho ta cảm nhận về hình ảnh của vật.

- Đồng tử của mắt có khả năng co dãn để điều tiết lượng ánh sáng vào phòng tối: Ánh sáng mạnh, đồng tử co hẹp lại, hạn chế lượng ánh sáng vào mắt, tránh hiện tượng “lóa mắt”. Ánh sáng yếu, đồng tử dãn rộng, tăng lượng ánh sáng vào mắt giúp nhìn rõ vật.

- Thể thủy tinh có khả năng điều tiết để ảnh của vật luôn rơi đúng màng lưới giúp ta có thể nhìn rõ vật ở xa cũng như tiến lại gần.

Xem thêm các bài tổng hợp lý thuyết Sinh học lớp 8 đầy đủ, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 50: Vệ sinh mắt

Lý thuyết Bài 51: Cơ quan phân tích thính giác

Lý thuyết Bài 52: Phản xạ có điều kiện và không có điều kiện

Lý thuyết Bài 53: Hoạt động thần kinh cấp cao ở người

Lý thuyết Bài 54: Vệ sinh hệ thần kinh 

1 6,437 02/03/2023
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: