TOP 13 mẫu Phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi (2024) SIÊU HAY

Viết bài văn phân tích nhân vật Mên, Mon trong "Bầy chim chìa vôi" lớp 7 Kết nối tri thức gồm dàn ý và 13 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 7 hay hơn.

1 87,731 25/10/2024
Tải về


Phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi

Đề bài: Viết bài văn phân tích nhân vật Mên, Mon trong "Bầy chim chìa vôi"

Bài giảng Ngữ văn 7 Bầy chim chìa vôi

Dàn ý Phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi

- Mở bài: Giới thiệu tác phẩm văn học và nhân vật; nêu khái quát ấn tượng về nhân vật.

- Thân bài: Phân tích đặc điểm của nhân vật

+ Nhân vật đó xuất hiện như thế nào?

+ Các chi tiết miêu tả hành động của nhân vật đó.

+ Ngôn ngữ của nhân vật

+ Những cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật như thế nào?

+ Mối quan hệ của nhân vật đó với các nhân vật khác

- Kết bài: Nêu ấn tượng và đánh gái về nhân vật.

Phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi (mẫu 1)

Bầy chim chìa vôi” là một trong những truyện ngắn vô cùng ý nghĩa dành cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là thanh thiếu niên. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều khi đăng tải truyện ngắn đã nhắn nhủ: “Hy vọng những cậu bé, cô bé – những công dân tương lai của chúng ta mang một tấm lòng nhân ái để bảo vệ thế gian này đang bị chính người lớn chúng ta tàn phá.” Đây cũng chính là điều mà hai nhân vật chính Mon và Mên trong câu chuyện đã làm được. Hai cậu bé cho người đọc một cảm giác gần gũi, nhẹ nhàng, vừa dũng cảm, đáng yêu.

“Bầy chim chìa vôi” là tác phẩm truyện ngắn kể về hai cậu bé Mon và Mên cùng những suy nghĩ, hành động bảo vệ tổ chim chìa vôi trong đêm bão, câu chuyện được kể theo ngôi thứ ba thú vị, hấp dẫn, cùng với nghệ thuật miêu tả nhân vật qua lời đối thoại đặc sắc đã làm nổi bật lên hình ảnh hai cậu bé Mon và Mên vừa dễ thương, vừa giàu lòng nhân ái.

Mở đầu câu chuyện là khoảng thời gian đêm khuya với sự trằn trọc của hai cậu bé. Mon tuy là em trai, nhưng cậu bé lại chính là người bắt đầu những câu hỏi thể hiện sự lo lắng về tổ chim chìa vôi. Cậu bé liên tục hỏi anh Mên: “Anh ơi… em bảo…”, sau đó là hàng loạt những câu hỏi thắc mắc về tổ chim chìa vôi: “Thế bãi cát giữa sông đã ngập chưa?”; “Thế anh bảo chúng có bơi được không?”; “Sao nó lại không làm tổ trên bờ hả anh?”; “Thế làm thế nào bây giờ?”… Liên tục những câu hỏi lặp lại cho thấy suy nghĩ non nớt nhưng vô cùng lo lắng cho tổ chim chìa vôi ở bãi cát giữa sông. “Những con chim chìa vôi non bị chết đuối mất”. Thậm chí, có thể do quá lo lắng, em Mon còn đặt ra thắc mắc tại sao những chú chim chìa vôi lại làm tổ trên bãi cát giữa sông như vậy? Tại sao chúng không lựa một nơi an toàn, cao và khô ráo hơn, để chúng an toàn trong đêm mưa bão, và cũng để cho hai anh em Mon và Mên bớt lo lắng, suy nghĩ về sự an toàn của bầy chim.

Sau một hồi xoay mình qua lại, thì thầm khó ngủ, cố gắng suy nghĩ sang chuyện khác thì Mon vẫn không thể ngủ được, bèn thủ thỉ với anh mình, ngập ngừng gọi “anh ơi…” rồi đưa ra quyết định rằng “mình phải đem chúng vào bờ, anh ạ”. Đây là một quyết định quả quyết, thể hiện Mon là một cậu bé mạnh mẽ, quá quyết, không thể bỏ rơi tổ chim chìa vôi trong đêm nước sông đang lên, từ những lo lắng đã biến thành quyết định. Quyết định đi cứu những chú chim non không đến từ anh Mên mà lại đến từ chính Mon, đây là điều thể hiện sự dũng cảm, nhân hậu và lòng quyết tâm của Mon.

Trái ngược với sự quan tâm trực tiếp từ Mon, anh trai của cậu bé – Mên lại có một cách lo lắng kín đáo hơn, tuy có chút cọc cằn nhưng lại vô cùng ấm áp. Khi em trai trằn trọc giữa đêm không ngủ, thực chất anh Mên cũng chưa ngủ được, cũng vì thế nên cậu bé mới trả lời em trai một cách tỉnh táo và ráo hoảnh tới vậy. Thay vì lo lắng trực tiếp và liên tục đặt ra câu hỏi, Mên lại đáp lại em trai một cách cục cằn: “Gì đấy? Mày không ngủ à?...”; “Bảo cái gì mà lắm thế?” hay “Tao không biết”. Dẫu vậy, anh Mên cũng bày tỏ nỗi lo lắng “Ừ nhỉ”, “Tao cũng sợ”. Để nỗi lo lắng qua đi, Mon và Mên đã nghĩ đến câu chuyện bắt cá cùng bố, cười “hi hi” khi nghe em Mon kể trò nghịch ngợm, nhưng dường như hai cậu bé vẫn không yên tâm chìm vào giấc ngủ. Khi em Mon nhắc lại một lần nữa: “Tổ chim sẽ bị chìm mất”, Mên im lặng nhưng một lúc sau hỏi lại: Thế làm thế nào bây giờ?, cuối cùng im lặng một phút sau khi em trai đưa ra quyết định đi cứu tổ chim, đưa ra câu hỏi “Đi bây giờ à?”. Đây không phải một câu hỏi thể hiện sự chần chừ của Mên mà chỉ là một lời nói giúp em trai Mon chắc chắn về quyết định của mình, chắc chắn hai anh em sẽ đi cùng nhau. Điều này cho thấy Mên là một người anh cọc cằn, hay tỏ ra gắt gỏng với em trai nhưng cũng có một tấm lòng ấm áp, nhân hậu, sự quan tâm của cậu bé thể hiện qua suy nghĩ và hành động chứ không qua lời nói.

Hai anh em sau thời gian rạng sáng vật lộn trên bờ sông với chiếc đò, cuối cùng đã đưa con đò về vị trí cũ, trời đã “tang tảng sáng”. Khung cảnh bình minh hiện lên với vẻ đẹp lạ kì cùng nhiều cảm xúc. Hai đứa trẻ chạy ngược lên đoạn bờ sông dối diện với dải cát, trong khi Mon tò mò về dải cát đã bị nhấn chìm hay chưa, thì anh Mên ngồi thụp xuống, căng mắt nhìn sát mặt sông. Thật may, bãi cát chưa bị nước nhấn chìm hết. Bình minh đã đủ sáng để soi rõ những hạt mưa trên mặt sông, con nước bắt đầu dần lên và nuốt chửng dải cát. Trong những giây cuối cùng, bầy chim chìa vôi non cất cánh bay lên không trung tạo nên một “cảnh tượng như huyền thoại” trong mắt hai đứa trẻ. Đây là thời điểm chín muồi, chim non đủ cứng cáp và ý thức được sự nguy hiểm của dòng nước sắp nuốt chửng chúng, cũng là thời điểm mà trong lòng hai anh em Mon và Mên trào lên cảm giác hạnh phúc, thành tựu và hạnh phúc khó tả. Hai anh em đứng không nhúc nhích, gương mặt tái nhợt vì nước mưa nhưng đã hửng lên ánh mặt trời ấm áp, hạnh phúc. Hai anh em quay lại nhìn nhau, đã khóc từ bao giờ.

Hai anh em Mon và Mên đều là những cậu bé dũng cảm, nhân hậu nhưng cũng vô cùng trong sáng, đáng yêu. Khung cảnh bầy chim chìa vôi bay lên từ bãi cát giữa sông đã tác động đến cảm xúc của hai đứa trẻ, đó là một cảnh đẹp, kì diệu và gỡ bỏ bao nhiêu lo lắng, bất an của hai anh em.

Qua hai nhân vật Mon và Mên, chúng ta càng thấy rõ hơn những phẩm chất tốt đẹp mà bất cứ thiếu niên nào cũng nên có: nhân hậu, dũng cảm, biết yêu thương loài vật, con người. Là một thiếu niên, hãy cùng nhau nuôi dưỡng và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của mình, để có thể giống như mong muốn của tác giả: những công dân tương lai của chúng ta mang một tấm lòng nhân ái để bảo vệ từng thứ nhỏ bé nhất trên thế giới này.TOP 12 mẫu Phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi (2023) SIÊU HAY (ảnh 1)

Phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi (mẫu 2)

“Bầy chim chìa vôi” là một truyện ngắn vô cùng đáng yêu, trong sáng nói lên tình cảm thương yêu vạn vật của 2 đứa trẻ. Chúng, hai anh em Mon và Mên biết quan tâm, lo lắng cho số phận của những chú chim chìa vôi ở bãi cát giữa sông. Hạnh phúc khi thấy bầy chim non an toàn bay vào bờ. Sau khi đọc tác phẩm này của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, em cảm nhận được những nét đẹp trong tâm hồn hai bạn nhỏ mà bất cứ người trẻ nào cũng có thể nhìn thấy mình và học tập được nhiều điều trong đó.

Truyện ngắn bắt đầu từ cuộc hội thoại và suy nghĩ của hai anh em Mên và Mon về tổ chìa vôi có thể bị nước sông nhấn chìm. Với tấm lòng nhân hậu, hai anh em quyết định đi tới sông ngay trong đêm mưa. Tận mắt nhìn thấy những chú chim non bay lên từ bãi cát giữa sông vào lúc bình minh, trong lòng hai anh em trào lên sự vui vẻ, cảm động khó tả.

Câu chuyện được kể theo ngôi thứ ba thú vị, hấp dẫn, cùng nghệ thuật miêu tả nhân vật qua lời đối thoại đặc sắc, ngôn ngữ gần gũi giúp cho những lời đối thoại của các nhân vật được thể hiện một cách chân thực, sinh động… cũng nhờ đó mà việc cảm nhận và hình dung hai nhân vật Mon và Mên từ người đọc trở nên thú vị, chân thực và đặc biệt hơn.

Giữa đêm mưa, Mon và Mên đều khó ngủ, lí do bắt nguồn từ sự lo lắng nước sông dâng cao ngập bãi sông, hai anh lo lắng cho những chú chim chìa vôi non sẽ bị chết đuối. Dễ nhận thấy, em Mon là một cậu bé với tấm lòng nhân hậu liên tục nhắc về tổ chim và hỏi anh trai của mình – anh Mên về những câu hỏi cả hai không có lời đáp. Có lẽ, những câu hỏi trên với chi tiết “anh bảo…” được lặp đi lặp lại 4 lần đi kèm với các dữ kiện: mưa to không, nước sông lên có to không, bãi cát giữa sông đã ngập chưa, những con chìa vôi… không nhằm mục đích nhận được câu trả lời, em Mon hỏi vì muốn giải tỏa nỗi lo lắng về bầy chim, anh Mên cũng không có câu trả lời mà chỉ cọc cằn đáp lại, để cuối cùng dẫn đến quyết định hai anh em sẽ đi “cứu” bầy chim, mang chúng vào bờ.

Lí do có sự lo lắng này đến từ thói quen làm tổ và đẻ trứng của bầy chim chìa vôi ở bãi sông quê. Vào mùa cạn, những đám rong héo dần làm thành một lớp đệm trên cát, những con chim chìa vôi bay ra bãi cát đẻ trứng, đây chính là bản năng sẵn có của bầy chim. Mon và Mên tuy đã cố gắng chìm vào giấc ngủ, nhưng những suy nghĩ miên man của Mon cùng với những câu hỏi ngập ngừng khiến hai đứa trẻ không ngừng suy nghĩ. Tuy không trực tiếp lo lắng như Mon, nhưng anh Mên vẫn có cách quan tâm của riêng mình. Mỗi lần em hỏi, Mên đều trả lời ráo hoảnh như vẫn luôn thức, trả lời em đầy gắt gỏng nhưng bên trong cậu bé lại suy nghĩ, thầm lo lắng cho những chú chim chìa vôi non đến mức nằm im những không ngủ. Vì vậy, nếu như Mon là một cậu bé mạnh mẽ, quá quyết, không thể bỏ rơi tổ chim chìa vôi trong đêm nước sông đang lên, từ những lo lắng đã biến thành quyết định đi cứu tổ chim trong đêm mưa, thì Mên là một người anh cọc cằn, hay tỏ ra gắt gỏng với em trai nhưng cũng có một tấm lòng ấm áp, nhân hậu, sự quan tâm của cậu bé thể hiện qua suy nghĩ và hành động chứ không qua lời nói.

Sau khi trải qua cả đêm vật lộn, bình minh đã đến, hai anh em cũng đã tới bãi sông. Khung cảnh bình minh hiện ra đẹp kì diệu, ánh bình minh rọi sáng những hạt mưa trên mặt sông thì một cảnh tượng như huyền thoại hiện ra, từ mặt nước những cánh chim bé bỏng và ướt át đột ngột bứt khỏi dòng nước khổng lồ bay lên. Cuộc cất cánh của bầy chim chìa vôi non xảy ra một cách bất ngờ và ngoạn mục, khiến hai anh em im lặng, hai đứa đứng không nhúc nhích, xúc động đến phát khóc khi thấy bầy chim non bay lên và hạ cánh an toàn bên một lùm dứa dại bờ sông. Đây là một khung cảnh vô cùng cảm động trong mắt hai bạn nhỏ, bởi với những chú chim, bầy chim non thực hiện xong chuyến bay đầu tiên, quan trọng trong cuộc đời của chúng, còn với Mon và Mên, đây là khung cảnh vỡ òa sau bao lo lắng, bất an của hai anh em. Qua đây chúng ta thấy được tâm hồn trẻ thơ nhạy cảm, trong sáng, giàu tình yêu thương của 2 đứa trẻ dành cho những chú chú chim chìa vôi bé nhỏ. Qua truyện ngắn “Bầy chim chìa vôi”, ta cảm nhận được những điều ý nghĩa từ những câu chuyện nhỏ, thấy được sự ngây thơ nhưng vô cùng nhân hậu, sự quyết tâm và dũng cảm của hai bạn nhỏ, đây cũng là một điều mà chúng ta, thậm chí là những người lớn vẫn còn phải học, phải yêu.

Phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi (mẫu 3)

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều luôn được đánh giá là cây bút đa năng là sung sức, xuất hiện thường xuyên trên văn đàn, báo chí. Bên cạnh thơ, tiểu luận, dịch thuật, Nguyễn Quang Thiều sáng tác khá nhiều tác phẩm cho thiếu nhi, trong đó phải kể đến truyện ngắn “Bầy chim chìa vôi” mà em đã được đọc và tìm hiểu. Qua tác phẩm, em vô cùng ấn tượng về hai nhân vật Mon và Mên, từ những câu nói, hành động của hai bạn nhỏ, em cảm nhận được nhiều điều thú vị, ý nghĩa.

“Bầy chim chìa vôi” kể về tâm trạng của hai anh em Mên và Mon trong đêm mưa lũ kéo đến. Chúng lo lắng khi cơn mưa to kéo đến bầy chim chìa vôi non ở trên dải cát giữa bãi sông sẽ bị nước lũ nhấn chìm. Vì vậy, hai anh em Mên và Mon quyết định chèo đò ra sông vào giữa đêm để cứu giúp, mang bầy chim non vào bờ. Khi đến nơi, hai anh em nhìn thấy những cánh chim bé bỏng và ướt át đột ngột bứt khỏi dòng nước bay lên, tạo nên một dòng cảm xúc khó tả, cảm động bất ngờ trong lòng hai bạn nhỏ.

Đọc truyện ngắn, ta dễ nhận thấy dù là em nhỏ, nhưng Mon có những suy nghĩ, lo lắng xuất phát từ một cậu bé tốt bụng, biết quan sát, lanh lợi và đáng yêu. Cậu bé không thể chìm vào giấc ngủ vì lo cho những chú chim có thể bị dòng nước sông trong đêm mưa cuốn trôi, liên tục đặt cho anh những câu hỏi với chi tiết lặp lại: “anh bào…” đi kèm với các dữ kiện: mưa to không, nước sông lên có to không, bãi cát giữa sông đã ngập chưa, những con chìa vôi… Dù Mon đã tự nghĩ sang những câu chuyện vui vẻ khác, nhưng dường như tất cả chúng vẫn hướng suy nghĩ của em tới bầy chim chìa vôi trên sông, em rất lo tổ chim chìa vôi ở bãi cát giữa sông. “Những con chim chìa vôi non bị chết đuối mất”.

Nghĩ vậy, sự ngập ngừng đã dần trở nên quyết đoán, khiến Mon đưa ra đề xuất với anh Mên: “Hay mình mang chúng nó vào bờ?” và dần tự thành một câu nói khẳng định, quả quyết: “Mình phải đem chúng nó vào bờ, anh ạ”. Mon là một cậu bé mạnh mẽ, quả quyết, không thể bỏ rơi tổ chim chìa vôi trong đêm nước sông đang lên, từ những lo lắng đã biến thành quyết định. Quyết định đi cứu những chú chim non không đến từ anh Mên mà lại đến từ chính Mon điều này thể hiện sự dũng cảm, nhân hậu và lòng quyết tâm của Mon.

Người anh trai Mên xuất hiện trong truyện ngắn khá yên tĩnh, có phần cọc cằn và gắt gỏng, nhưng dường như bên trong đó lại là một cậu bé biết suy nghĩ, ấm áp và giàu lòng nhân hậu. Dễ dàng nhận thấy, tuy không đặt ra nhiều câu hỏi như em Mon, nhưng Mên vẫn trả lời những câu hỏi đó bằng một thái độ tỉnh táo, hóa ra cậu bé cũng không ngủ được, có lẽ vì cơn mưa, mà nhiều phần hơn có lẽ đến từ những lo lắng cho những chú chim ngoài dải cát. Mên cũng nằm im, cố đưa mình vào giấc ngủ, nhưng khi em Mon nhắc lại một lần nữa: “Tổ chim sẽ bị chìm mất”, Mên im lặng nhưng một lúc sau hỏi lại: Thế làm thế nào bây giờ? Mên là một cậu bé có một trái tim ấm áp ẩn sâu bên trong những lời nói có phần cục cằn, cáu kỉnh. Im lặng một phút sau khi em trai đưa ra quyết định đi cứu tổ chim, đưa ra câu hỏi “Đi bây giờ à?”, đây không phải một câu hỏi thể hiện sự chần chừ của Mên mà chỉ là một lời nói giúp em trai Mon chắc chắn về quyết định của mình, chắc chắn hai anh em sẽ đi cùng nhau.

Trải qua khoảng thời gian vật lộn trên sông cùng con đò, Mon và Mên đã đến được khu vực chim chìa vôi làm tổ, lúc này bình minh cũng bắt đầu ló rạng. Hai đứa trẻ chạy ngược lên đoạn bờ sông dối diện với dải cát, Mon thì tò mò về dải cát đã bị nhấn chìm hay chưa, anh Mên thì ngồi thụp xuống, căng mắt nhìn sát mặt sông, đến khi thấy trời sáng đủ để thấy bãi cát chưa bị nước ngập đến, hai anh em mới reo lên vì mừng rỡ. Lúc này, những chú chim chìa vôi non bắt đầu vỗ cánh bay lên không trung, những cánh chim đột ngột và ướt át đột ngột bứt khỏi dòng nước khổng lồ bay lên như huyền thoại trong mắt hai đứa trẻ. Hai anh em Mon và Mên im lặng chứng kiến cảnh này, trên gương mặt tái nhợt vì nước mưa lại hửng lên ánh ngày, trong lòng cũng từ đó mà dâng lên sự ấm áp, hạnh phúc. Mên lặng lẽ quay lại nhìn em, hai anh em nhận ra mình đã khóc, chúng thắc mắc vì sao lại khóc nhưng đều không thể lí giải được. Có lẽ đó là nước mắt của hạnh phúc, của niềm mong mỏi được đền đáp, hoặc chỉ đơn giản là giọt nước mắt cảm động vì bầy chim con. Nhưng tất cả những lí do đó đều thể hiện được cho người đọc sự ngây thơ, trong sáng, đáng yêu và đáng quý của hai anh em Mon và Mên.

Hai anh em Mon và Mên đều là những cậu bé dũng cảm, nhân hậu nhưng cũng vô cùng trong sáng, đáng yêu. Khung cảnh bầy chim chìa vôi bay lên từ bãi cát giữa sông đã tác động đến cảm xúc của hai đứa trẻ, đó là một cảnh đẹp, kì diệu và gỡ bỏ bao nhiêu lo lắng, chằn chọc của hai anh em, cũng chính là điều làm nên cái hay, cái đẹp của tác phẩm.

Phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi (mẫu 4)

Đọc đoạn trích “Bầy chim chìa vôi”, ta thấy một nhân vật Mon sống tình cảm, biết yêu thương và quan tâm đến mọi thứ xung quanh. Qua sự việc mưa to, nước dâng cao ngoài bãi sông đã bộc lộ tính cách yêu thương động vật của Mon. Sự lo lắng của em được thể hiện rõ nhất thông qua cuộc trò chuyện với anh Mên: “Thế cái bãi cát đã ngập chưa?”, “Em sợ những com chim chìa vôi non bị chết đuối mất” và em đã mất ngủ vì lo lắng cho những chú chim. Tình yêu động vật của em cũng được bộc lộ qua việc em lấy trộm con cá của bố rồi thả nó xuống sông, rủ anh Mên mang tổ chim vào bờ. Như vậy, Mon là cậu bé sống tình cảm, có tình yêu thương sâu sắc với động vật và thế giới tự nhiên.

Phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi (mẫu 5)

Mon là một cậu bé trong sáng, đáng yêu và đặc biệt là có tình yêu thương động vật sâu sắc. Em đã lo lắng đến mất ngủ khi thấy trời mưa to, nước dâng cao sẽ khiến tổ chim chìa vôi bị ngập. Em cứ hỏi đi hỏi lại anh Mên rằng “Thế anh bảo…mưa có to không?... Nước sông lên có to không?… Cái bãi giữa sông đã ngập chưa?...”. Dù chỉ là những chú chim ngoài thiên nhiên nhưng em vẫn quan tâm đến chúng, lo lắng cho sự sống của chúng “Em sợ những con chim chìa vôi non bị chết mất”. Tình yêu thương động vật của em không chỉ thể hiện qua lời nói mà còn được thể hiện bằng hành động. Chi tiết em lấy trộm con cá của bố rồi thả nó xuống sống, trả nó về với tự do, rồi chi tiết em rủ anh Mên đi cứu tổ chim chìa vôi vào bờ. Qua đoạn trích “Bầy chim chìa vôi”, ta thấy một cậu bé Mon sống tình cảm, yêu thương và quan tâm đến mọi thứ xung quanh, đặc biệt là tình yêu dành cho thiên nhiên, động vật.

Phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi (mẫu 6)

Nguyễn Quang Thiều là một nhà văn có nhiều sáng tác viết cho thiếu nhi. Một trong số đó là truyện ngắn “Bầy chim chìa vôi”. Nổi bật trong truyện là nhân vật Mon - một cậu bé tốt bụng.

"Bầy chim chìa vôi” xoay quanh câu chuyện của hai nhân vật là Mon và Mên. Khoảng hai giờ sáng, Mon tỉnh giấc, rồi quay sang gọi Mên. Cậu cảm thấy lo lắng cho bầy chim chìa vôi làm tổ ở ngoài bãi sông. Mưa lớn khiến tổ chim chìa vôi ở dải cát giữa sông dần bị nhấn chìm. Sau một lúc trò chuyện, cả hai quyết định sẽ ra đưa bầy chim vào bờ. Từ chiều qua, nước đã dâng lên nhanh hơn. Nước dâng lên đến đâu, chim bố và chim mẹ lại dẫn bầy con tránh nước đến đó. Cứ thế, chúng tiến đến phần cao nhất của dải cát. Đến sáng, bầy chim đã bứt khỏi dòng nước, bay lên cao. Tấm thân của nó vụt ra khỏi mặt nước, bay cao hơn hẳn lần cất cánh đầu tiên. Chứng kiến cảnh đó, Mon và Mên đều cảm thấy hạnh phúc, sung sướng.

Dù chỉ là một đứa trẻ, nhưng Mon đã có suy nghĩ, lo lắng cho đàn chim chìa vôi làm tổ ở ngoài sông. Mon lo lắng những chú chim có thể bị nước sông cuốn trôi. Cậu liên tục đặt câu hỏi cho anh trai: “Anh bảo mưa to không?”, “Nước sông lên có to không?”, “Bãi cát giữa sông đã ngập chưa, bầy chim còn ở đấy không?”. Dù cậu đã tự nghĩ đến những chuyện vui khác, nhưng vẫn nghĩ đến bầy chim: “Những con chim chìa vôi non bị chết đuối mất”.

Điều đó khiến Mon đưa ra đề xuất với anh trai: “Hay mình mang chúng nó vào bờ?” và rồi cậu quả quyết: “Mình phải đem chúng nó vào bờ, anh ạ”. Thế rồi, Mon và Mên cùng nhau ra ngoài bờ sông để Khi nhìn thấy bầy chim đã an toàn, Mon đã khóc khi nhìn thấy bầy chim chìa vôi có thể cất cánh bay lên, đó là giọt nước mắt của hạnh phúc và niềm vui. Mon hiện lên là một cậu bé nhân hậu, giàu tình yêu thương động vật.

Với nhân vật Mon, tác giả đã giúp cho người đọc hiểu được bài học về lòng nhân hậu, cùng với tình yêu thiên nhiên.

Phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi (mẫu 7)

Nguyễn Quang Thiều là một nhà văn nổi tiếng, với nhiều tác phẩm tiêu biểu. Trong đó có truyện ngắn Bầy chim chìa vôi. Trong truyện, nhân vật Mon được khắc họa là một cậu bé giàu tình yêu thương.

Truyện kể về cuộc trò chuyện của hai anh em Mon và Mên. Gần hai giờ sáng, Mon tỉnh dậy. Cơn mưa lớn khiến nước sông dâng nhanh. Cậu lo lắng cho bầy chim chìa vôi làm tổ ở ngoài bãi sông. Sau một hồi trò chuyện, Mon đã đề nghị với Mên sẽ chèo đò ra sông vào giữa đêm để cứu giúp, mang bầy chim non vào bờ. Khi đến nơi, cả hai nhìn thấy những cánh chim bé bỏng và ướt át đột ngột bứt khỏi dòng nước bay lên, tạo nên một dòng cảm xúc khó tả, cảm động bất ngờ trong lòng hai bạn nhỏ.

Nhân vật Mon hiện lên là một cậu bé tốt bụng. Vì lo cho đàn chim chìa vôi, cậu không thể ngủ ngon giấc. Mon tỉnh dậy lúc hai giờ sáng, rồi đánh thức anh trai là Mên đang nằm bên cạnh dậy. Cậu liên tiếp hỏi Mên những câu hỏi như: “Anh bảo mưa to không?”, “Nước sông lên có to không?”, “Bãi cát giữa sông đã ngập chưa, bầy chim còn ở đấy không?”. Liên tục những câu hỏi lặp lại cho thấy sự lo lắng của Mon. Cuối cùng, cậu nói với anh trai: “Em sợ những con chim chìa vôi non bị chết đuối mất”. Dường như vì quá lo lắng, Mon còn hỏi Mên rằng tại sao những chú chim chìa vôi lại làm tổ trên bãi cát giữa sông. Tại sao chúng không lựa một nơi an toàn, cao và khô ráo hơn, để chúng an toàn trong đêm mưa bão.

Mặc dù Mon đã nằm xuống, cố gắng để ngủ lại, nhưng cậu vẫn không thể ngủ được, bèn thủ thỉ với anh mình, ngập ngừng gọi “Anh ơi…” rồi đưa ra quyết định rằng “mình phải đem chúng vào bờ, anh ạ”. Có thể thấy, đây là một quyết định rất quả quyết, thể hiện Mon là một cậu bé mạnh mẽ, quá quyết, không thể bỏ rơi tổ chim chìa vôi trong đêm nước sông đang lên, từ những lo lắng đã biến thành quyết định. Quyết định đi cứu những chú chim non không đến từ người anh trai là Mên mà lại đến từ chính Mon.

Như vậy, qua nhân vật Mon, tác giả đã gửi gắm thông điệp sâu sắc về tình yêu thương, trân trọng dành cho loài vật.

Phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi (mẫu 8)

Nhân vật Mên được miêu tả đầu tiên là thông qua chi tiết nhỏ trong đoạn hội thoại với em trai Mon. Trước câu hỏi của em trai, Mên cũng gắt gỏng bởi thời gian không còn sớm. Đứa em trai lại đặt quá nhiều câu hỏi khiến người anh trai càng mất kiên nhẫn. Tuy vậy, khi nghe tới câu nói, có thể những con chim nhỏ sẽ không vượt qua được, Mên cũng vô cùng lo lắng cho những sinh mạng nhỏ đó. Cuối cùng, vượt qua sự buồn ngủ và khó khăn trong cơn mưa bão, cậu chàng cũng cùng em trai ra bờ sông.

Qua chi tiết này, ta thấy được Mên là một người bên ngoài tuy cứng rắn, thực chất lại là người có tình thương: thương em trai, cũng thương những loài động vật nhỏ. Trong khung cảnh tối tăm, ngoài trời thì mưa không dứt, Mên dũng cảm lao mình ra bên ngoài để cứu tổ chim non. Khi bình minh vừa hé, những chú chim cất cánh rộn ràng, nhân vật chàng trai gắt gỏng ban đầu lại thấy được sự dịu dàng kì lạ. Tâm hồn mong nhanh ấy được thể hiện rõ nhất qua đôi mắt long lanh hướng theo bầy chim nhỏ. Đến đây, người đọc phải thốt lên ngạc nhiên, hóa ra Mên là một người giàu tình thương đến vậy.

Thông qua những hành động, những cảm xúc nhỏ của nhân vật Mên, tác giả đã thành công khắc họa một cậu chàng tuy hơi cáu gắt nhưng lại biết lắng nghe, giàu tình thương vật, thương người. Lời kể vô cùng chân thực, ngôn từ cũng gần gũi với người đọc. Đặc biệt, những mẩu chuyện vô cùng trong sáng giúp gợi nhớ tuổi thơ, cũng ca ngợi tấm lòng thiện lương bắt đầu từ việc nhỏ nhất của con người.

Phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi (mẫu 9)

Một nhân vật nổi bật khác xuất hiện trong truyện là em trai Mon. Tuy còn nhỏ tuổi, Mon đã có tâm hồn nhạy cảm và tinh tế, lo lắng cho đàn chim chìa vôi nhỏ trong cơn mưa sáng sớm. Cậu sốt ruột, liên tục hỏi anh trai: “Anh bảo mưa to không?”, “Nước sông lên có to không?”, “Bãi cát giữa sông đã ngập chưa, bầy chim còn ở đấy không?”. Cậu bé vô cùng tốt bụng, lối suy nghĩ vượt qua những đứa trẻ khác cùng tuổi. Cậu bé cứ đến việc những chú chim non sẽ bị nước cuốn trôi mất thì không thể ngủ được, thuyết phục anh trai đem tổ chim vào bờ. Lờ đi thời gian và thời tiết, cậu quả quyết quyết định cùng anh ra bờ sông đưa tổ chim vào bờ.

Tác giả đã cho người đọc thấy được một cậu bé nhỏ tuổi nhưng lại có tấm lòng hơn bất cứ ai. Những sinh mệnh nhỏ bé cất cánh dưới mặt trời vừa rạng chính là một minh chứng rõ ràng nhất. Thử hỏi, trong hoàn cảnh của cậu bé, mấy ai có thể đưa ra quyết định dứt khoát được như vậy? Qua những chi tiết, hình ảnh, tác giả cũng đã làm nổi bật hình ảnh cậu bé gắn liền với thông điệp mà tác phẩm muốn thể hiện.

Hai cậu bé trong Bầy chim chìa vôi của tác giả Nguyễn Quang Thiều đã làm nổi bật được tinh thần yêu thương đối với muôn loài của dân tộc Việt Nam. Hai anh em Mên và Mon cũng làm người đọc bất ngờ về tình người và giá trị nhân đạo mà tác giả muốn thể hiện. Chắc chắn rằng, hình ảnh hai anh em ngước nhìn những chú chim chìa vôi nhỏ bay lượn mà rơi nước mắt sẽ khắc sâu ấn tượng vào lòng người đọc.

Phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi (mẫu 10)

Truyện ngắn "Bầy chim chìa vôi" là một trong những tập truyện ngắn nổi bật của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Nhân vật Mon trong văn bản được tác giả làm nổi bật với tình yêu thương vạn vật và tấm lòng trân trọng sự sống.

Trong đêm mưa, Mon không ngủ mà trằn trọc lắng lo cho sự an nguy của bầy chim chìa vôi. Cậu liên tục hỏi anh Mên "Anh bảo có mưa to không?", "Nhưng anh bảo nước sông lên có to không?", "Thế cái bãi cát giữa sông đã ngập chưa?", "Thế anh bảo chúng nó có bơi được không?". Mặc kệ, thái độ cáu gắt của Mên, Mon vẫn kiên nhẫn hỏi anh về tình hình bên ngoài. Cứ chốc chốc, Mên lại thì thào gọi, rồi hỏi "Anh đã nhìn thấy chim chìa vôi nó bay từ bãi cát vào bờ bao giờ chưa?", "Thế làm thế nào bây giờ?". Thậm chí, Mon không màng tới thời tiết ngoài kia, thương xót bầy chim đến nỗi rủ Mên đi mang bầy chim vào bờ. Thông qua những câu hỏi và lời nói của Mon, ta có thể thấy được tình yêu thương động vật sâu sắc mà Mon dành cho bầy chim chìa vôi.

Không chỉ dừng lại ở suy nghĩ cứu bầy chim đem vào bờ, Mon quyết định theo Mên ra bờ sông xem con nước đã ngập hết bãi cát hay chưa. Trời nhá nhem tối, hai anh em vẫn căng mắt nhìn ra giữa sông. Sự vui mừng thể hiện rõ khi Mon chợt kêu lên: "Anh ơi, kia kìa, bãi cát.". Chứng kiến cảnh những chú chim bứt ra khỏi dòng nước bay lên, Mon choáng ngợp tới nỗi không nói được lời nào. Có lẽ, trong khoảnh khắc "như huyền thoại ấy", cậu vừa bất ngờ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, vừa hạnh phúc khi thấy bầy chim vẫn còn sống. Sau tất cả những gì vừa diễn ra, Mon thấy tim mình đập những nhịp hối hả. Mon khóc lúc nào mà không hề hay biết bởi "Cuối cùng bầy chim non đã thực hiện xong chuyến bay quan trọng, đầu tiên và kì vĩ nhất trong đời chúng.". Đó là những giọt nước mắt của sự sung sướng, bật ra từ một tâm hồn mong manh, nhạy cảm và tràn đầy niềm yêu thương.

Bằng ngôn từ trong sáng, hình ảnh gần gũi và cách xây dựng nhân vật thông qua lời nói, hành động, tác giả đã khắc họa thành công nhân vật Mon với tình yêu động vật và tấm lòng trân trọng sự sống sâu sắc.

Phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi (mẫu 11)

Đọc truyện ngắn Bầy chim chìa vôi của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, em thích nhất là nhân vật cậu bé Mon.

Mon là một cậu bé tuy nhỏ tuổi, nhưng lại có trái tim yêu thương động vật vô cùng mạnh mẽ và to lớn. Tình cảm ấy được thể hiện rõ nét qua từng hành động và lời thoại của em. Như khi thấy bố bắt được con cá bống, Mên đã lén bắt cá và thả đi. Dù em khá sợ bố, nhưng cũng chẳng hề hấn gì tới việc em “giải cứu” cho chú cá cả. Tình yêu thương động vật của Mon, thể hiện rõ nhất là đối với tổ chim chìa vôi non ở bãi cát giữa sông. Giữa đêm mưa gió, em tỉnh giấc không ngủ được vì lo cho bầy chim non. Bao suy nghĩ của em đều xoay quanh những chú chim ấy, lo chúng bị ướt, lo chúng bị nhấn chìm. Là một đứa trẻ, những suy nghĩ của em dễ bị phân tán, nhưng rồi em vẫn quay về tiếp tục hỏi anh Mên về đàn chim non. Chính em còn quyết tâm rủ anh Mên cùng nhau đi ra bờ sông giữa đêm mưa gió, bất chấp nguy hiểm để “mang chúng nó vào bờ”. Sự quyết tâm ấy của Mon khiến em vô cùng nể phục. Bởi ẩn sau một cơ thể bé nhỏ lại là một tinh thần dũng cảm và trái tim to lớn đến thế.

Bên cạnh đó, nhân vật Mon cũng là một người em trai hết sức yêu quý và tin tưởng anh mình. Trong truyện ngắn, hầu hết các lời thoại của nhân vật đều bắt đầu bằng cụm từ “Anh ơi”, “Anh Mên”. Lúc nào Mon cũng gọi anh của mình bằng sự tin yêu và gắn bó. Trong tình huống khó khăn, em đặt trọn niềm tin ở anh trai mình, và rất mong có anh ở bên, cùng đồng hành. Điều đó khiến em vô cùng cảm động trước tình cảm anh em thân mật của Mon dành cho Mên.

Nhờ những đặc điểm ấy, mà nhân vật Mon đã khiến em vô cùng yêu quý và ấn tượng, ngay từ lần đọc truyện đầu tiên.

Phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi (mẫu 12)

Tác giả Nguyễn Quang Thiều đã xây dựng thành công nhân vật Mên trong truyện ngắn "Bầy chim chìa vôi". Mên hiện lên với sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ cùng tấm lòng yêu thương động vật và trân trọng sự sống.

Trong đêm khuya, nghe thấy Mon băn khoăn hỏi mình về việc bãi bồi sẽ ngập nước nếu như trời mưa, Mên không tránh khỏi lo lắng cho số phận của những chú chim chìa vôi. Sau một hồi nói chuyện, Mên quyết định cùng em lấy đò của ông Hao bất chấp thời tiết mưa gió vô cùng nguy hiểm. Đây thực sự là một lựa chọn gan dạ và liều lĩnh của hai anh em.

Tới nơi, Mên hành động rất dứt khoát "quấn cái dây buộc đò vào người nó và gò lưng kéo". Mặc dù trời nhá nhem không thể nhìn thấy nhưng Mên vẫn căng mắt ngồi từ bên bờ này nhìn sang dải cát. Cậu bé nỗ lực nhìn xem liệu bãi bồi đã ngập đến đâu rồi. Nghe tiếng Mon kêu lên "Anh ơi, kia kìa, bãi cát", Mên hạnh phúc mà tiếp lời "Ừ đúng rồi. Vẫn chưa ngập hết. Còn bằng cái mũ thôi". Vẻ vui mừng hiện rõ qua lời nói của Mên vì cậu biết rằng nếu nước chưa ngập hết thì đàn chim vẫn có thể sống sót.

Trong khoảnh khắc bầy chim chìa vôi "bứt khỏi dòng nước khổng lồ bay lên", giọt nước mắt mãn nguyện của Mên còn cho thấy Mên là một cậu bé có tâm hồn nhạy cảm, dạt dào tình yêu thương với động vật. Mên sung sướng vì bầy chim chìa vôi non hoàn thành "chuyến bay đầu tiên và kì vĩ nhất trong đời chúng" một cách an toàn, không có chú chim non nào bị đuối nước. Dường như "chúng nghe thấy trong ngực mình nhịp đập của những trái tim hối hả nhưng đều đặn.".

Tác giả đã khắc họa nhân vật thông qua những lời nói và hành động cụ thể. Ngôn từ giản dị, hình ảnh trong sáng, gần gũi đã miêu tả chính xác tâm lí của trẻ thơ.

Có thể nói, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã đem đến cho bạn đọc những suy tư về hành động đầy tình yêu của hai đứa trẻ với tự nhiên. Qua đó, bày tỏ thái độ trân quý, ngợi ca tình yêu thiên nhiên và trân trọng sự sống đầy trong trẻo, hồn nhiên của trẻ thơ.

Phân tích nhân vật Mên, Mon trong Bầy chim chìa vôi (mẫu 13)

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều có nhiều tác phẩm hay, trong đó phải kể đến truyện ngắn Bầy chim chìa vôi. Nổi bật trong truyện là nhân vật Mon.

Mon là một trong hai nhân vật được nhắc đến trong truyện. Nhà văn không tập trung vào giới thiệu về nguồn gốc hay miêu tả ngoại hình của Mon. Mà nhân vật này chủ yếu được khắc họa qua lời nói, hành động và suy nghĩ để từ đó nổi bật lên nét tính cách của Mon.

Nội dung truyện xoay quanh sự việc vào khoảng hai giờ sáng, Mon tỉnh giấc, rồi quay sang gọi Mên. Cậu bé bày tỏ sự lo lắng của mình dành cho bầy chim chìa vôi làm tổ ở ngoài bờ sông bằng những câu hỏi liên tục dành cho Mên. Mưa lớn khiến tổ chim chìa vôi ở dải cát giữa sông bị nhấn chìm. Sau một lúc trò chuyện, Mon và Mên đã quyết định sẽ ra bờ sông để đưa những chú chim vào bờ. Khi ra đến nơi, Mon và Mên chứng kiến cảnh bầy chim bay lên và cảm thấy hạnh phúc, sung sướng.

Dù còn nhỏ tuổi, mang nét hồn nhiên nhưng Mon là một cậu bé hiểu chuyện. Cậu đã có những trăn trở, lo lắng của riêng mình. Mon lo lắng bầy chim chìa vôi làm tổ ngoài bờ sông có thể bị nước sông dâng lên cuốn trôi. Những câu hỏi của Mon dành cho anh trai đã thể hiện được điều đó: “Anh bảo mưa to không?”, “Nước sông lên có to không?”, “Bãi cát giữa sông đã ngập chưa, bầy chim còn ở đấy không?”. Mặc dù Mon tự trấn an bản thân bằng cách nghĩ về chuyện khác, nhưng rồi cậu lại vẫn nghĩ đến bầy chim: “Những con chim chìa vôi non bị chết đuối mất”.

Thế rồi, Mon đề nghị với anh trai là Mên: “Hay mình mang chúng nó vào bờ?” và rồi cậu quả quyết: “Mình phải đem chúng nó vào bờ, anh ạ”. Nghĩ là làm, hai anh em đã cùng nhau ra ngoài bờ sông. Qua lời nói, hành động có thể thấy Mon là một cậu bé yêu thương động vật, giàu lòng nhân ái.

Chỉ đến khi chứng kiến bầy chim được an toàn, Mon mới cảm thấy an tâm. Đặc biệt, ở cuối truyện, chi tiết Mon khóc khi nhìn thấy bầy chim chìa vôi có thể cất cánh bay lên, đó là giọt nước mắt của hạnh phúc và niềm vui. Chi tiết này thể hiện Mon rất giàu tình cảm.

Qua nhân vật Mon, Nguyễn Quang Thiều đã gửi gắm thông điệp ý nghĩa, giá trị về tình yêu thương và trân trọng thiên nhiên.

Xem thêm các bài văn mẫu Ngữ văn lớp 7 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Phân tích nhân vật An, Cò trong Đi lấy mật

Phân tích nhân vật người cha trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ

Phân tích nhân vật người thầy trong Người thầy đầu tiên

Cảm nhân đoạn thơ: Ôi thuở ấu thơ đến Lá xanh như dải lụa mềm lửng lơ

Biểu cảm về con người hoặc sự việc đã để lại cho em những tình cảm, ấn tượng sâu sắc

1 87,731 25/10/2024
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: