TOP 10 mẫu Kể lại sự việc có thật liên quan đến Bác Hồ (2024) SIÊU HAY

Kể lại sự việc có thật liên quan đến Bác Hồ lớp 7 Kết nối tri thức gồm dàn ý và 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 7 hay hơn.

1 15,250 20/11/2024
Tải về


Kể lại sự việc có thật liên quan đến Bác Hồ

Đề bài: Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến Bác Hồ.

Kể lại sự việc có thật liên quan đến Bác Hồ (mẫu 1)

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Rất nhiều mẩu chuyện kể về cuộc đời của Người. Qua đó, chúng ta thấy được những đức tính tốt đẹp của người.

Vào giữa mùa thu năm 1954, Bác đến tham dự “Hội nghị rút kinh nghiệm cải cách ruộng đất” ở Hà Bắc. Tại hội nghị, khi biết có lệnh của Trung ương rút bớt một số cán bộ đi học lớp tiếp quản thủ đô. Ai cũng háo hức muốn đi, đặc biệt là những người quê ở Hà Nội. Sau nhiều năm xa cách quê hương, mọi người đều mong muốn được cấp trên chiếu cố. Tư tưởng cán bộ dự hội nghị có nhiều phân tán. Ban lãnh đạo ít nhiều thấy khó xử.

Trời đã vào thu nhưng vẫn còn khá nóng, mồ hôi ướt đẫm hai bên vai áo nâu của Bác. Mở đầu, Bác trò chuyện về tình hình thời sự. Khi nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng, Bác bỗng rút trong túi áo giơ ra một chiếc đồng hồ quả quýt. Rồi Bác hỏi các đồng chí cán bộ về chức năng của từng bộ phận của đồng hồ. Thế rồi, Bác mới hỏi:

- Trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng?

Mọi người đều im lặng, không ai trả lời:

- Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không?

- Thưa, không được ạ!- Các cán bộ lại đồng thanh đáp.

Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ cao chiếc đồng hồ lên và kết luận:

- Các chú ạ, các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, điều cần phải làm. Các chú thử nghĩ xem: Trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ… cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì còn là cái đồng hồ được không?

Nghe xong, cả hội trường trở nên im lặng. Mỗi người đều có những suy nghĩ riêng về lời nói của Bác.

Vào một dịp cuối năm 1954, Bác đến thăm một đơn vị pháo binh đóng ở Bạch Mai đang luyện tập để chuẩn bị cho cuộc duyệt binh đón mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Thăm nơi ăn, chốn ngủ của các chiến sĩ bộ đội xong, Bác đã đã trò chuyện với họ. Bác lấy ở túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt, chỉ vào từng chiếc kim, từng chữ số và hỏi anh em về tác dụng của từng bộ phận. Mọi người đều trả lời đúng cả. Song chưa ai hiểu tại sao Bác lại nói như vậy?

Bác vui vẻ nói tiếp:

- Đã bao nhiêu năm nay, chiếc kim đồng hồ vẫn chạy để chỉ cho ta biết giờ giấc, chữ số trên mặt vẫn đứng yên một chỗ, bộ máy vẫn hoạt động đều đặn bên trong. Tất cả đều nhịp nhàng làm việc theo sự phân công ấy. Nếu hoán đổi vị trí từng bộ phận cho nhau thì có còn là chiếc đồng hồ nữa không? Sau câu chuyện của Bác, anh chị em đều hiểu ý Bác dạy: Việc gì cách mạng phân công phải yên tâm hoàn thành.

Không chỉ vậy, chiếc đồng hồ quả quýt còn là một hiện vật vô giá thể hiện tình cảm Quốc tế đối với Bác, đó là chiếc đồng hồ do Tổ chức Quốc tế “Cứu Tế đỏ” tặng, Bác luôn giữ nó trong mình, trong những năm tháng bị cầm tù gian khổ cho đến ngày Việt Nam giành được độc lập.

Câu chuyện về chiếc đồng hồ đã cho thấy được những phẩm chất đẹp đẽ của Bác Hồ, cũng như bài học sâu sắc mà bác muốn dạy cán bộ, chiến sĩ của mình.TOP 5 mẫu Kể lại sự việc có thật liên quan đến Bác Hồ (2023) SIÊU HAY (ảnh 1)

Kể lại sự việc có thật liên quan đến Bác Hồ (mẫu 2)

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời của người là một tấm gương sáng ngời cho mỗi người dân Việt Nam noi theo. Và những câu chuyện về Người cũng luôn để lại bài học giá trị cho chúng ta.

Truyện kể rằng trong những năm tháng sống ở Việt Bắc, mỗi lần đi công tác, Bác đều có hai đồng chí đi cùng. Sợ Bác mệt, hai đồng chí đã bày tỏ ý muốn mang ba lô giúp Bác. Nhưng Bác không đồng ý. Bác nói:

- Đi đường rừng, leo núi ai mà chẳng mệt, tập trung đồ vật cho một người mang đi thì người đó càng chóng mệt. Cứ phân đều ra cho cả ba người.

Hai đồng chí đành làm theo lời Bác, đem chia vật dụng vào ba chiếc ba lô. Bác hỏi lại:

- Các chú đã chia đều rồi chứ?

Hai đồng chí trả lời:

- Thưa Bác, rồi ạ!

Sau đó, cả ba cùng lên đường. Qua một chặng, lúc nghỉ, Bác đến chỗ các đồng chí và xách chiếc ba lô lên. Bác hỏi:

- Tại sao ba lô của các chú nặng mà của Bác lại nhẹ?

Bác liền mở ra xem thì thấy bên trong ba lô của mình chỉ có chăn màn.

Bác tỏ ra không hài lòng, rồi nói:

- Chỉ có lao động thật sự mới đem lại hạnh phúc cho con người.

Sau đó, Bác lại yêu cầu hai đồng chí chia đều vật dụng vào ba chiếc ba lô mới chịu tiếp tục lên đường.

Câu chuyện nhỏ nhưng để lại bài học lớn. Có thể thấy, Bác là một người yêu lao động. Bác suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc, từ những việc lớn như cứu nước đến việc nhỏ như trồng cây trong vườn. Việc gì có thể tự làm, Bác đều tự mình hoàn thành. Cách sống của Bác giúp cho mỗi người nhận ra giá trị của lao động, cũng như có ý thức tự giác học tập và làm việc hơn.

Quả thật, những câu chuyện về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật ý nghĩa. Từ đó, chúng ta luôn nhận ra được nhiều bài học bổ ích cho bản thân.

Kể lại sự việc có thật liên quan đến Bác Hồ (mẫu 3)

Bác Hồ là vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc Việt Nam. Bác hội tụ nhiều phẩm chất tốt đẹp cho chúng ta học tập và noi theo. Bác không chỉ có lối sống trách nhiệm, chu toàn, giản dị mà ở Người còn lấp lánh vẻ đẹp của tình yêu thương. Câu chuyện kể về Bác với anh cán bộ làm em nhớ mãi.

Chuyện kể rằng, có khoảng thời gian Bác phải ở nhờ nhà một người cán bộ. Mỗi sáng Bác đều dậy rất sớm tập thể dục rồi dọn dẹp nhà cửa. Ngôi nhà chật chội, lụp xụp của anh qua bàn tay Bác đã trở nên gọn gàng, sạch sẽ. Trong nhà có tất cả năm người bao gồm vợ chồng anh cán bộ, đứa con trai tên Hải, anh Kiên và Bác. Ban ngày anh bận cắt tóc, Bác vẫn thường chẻ củi, nấu cơm hộ. Vợ anh buôn gạo nên kì nào có gạo về, Bác cũng ra vác giúp.

Có lần gạo về đúng lúc anh đang bận học, chẳng có ai khiêng đỡ, vợ anh bực tức gắt gỏng vì không có người. Thấy vậy, anh giận vợ, đi từ trên gác rút guốc đánh mấy cái. Vợ anh chưa kịp làm to chuyện thì Bác xuất hiện. Hành động chẳng mấy hay ho của anh đã bị Bác nhìn thấy. Bác phê bình anh: "Sao anh lại làm như thế?". Rồi Bác rủ anh Kiên bê gạo vào nhà. Đến tối, Bác lại phê bình anh chuyện lúc sáng. Bác ôn tồn giải thích lý do tại sao một người đàn bà nghèo khổ phải trở nên gắt gỏng rồi truy đến nỗi khổ của những người bị bóc lột. Bác hỏi anh rằng: "Tại sao một người Đảng viên như anh mà lại hành động như thế?". Bác nói: "Về việc đoàn thể thì rất có thể chỉ vì hành động sai lầm cỏn con như thế mà lộ bí mật." Những lời nói đầy thấm thía của Bác khiến anh phải nể phục mà tiếp thu.

Nhớ lại những ngày đầu gặp gỡ, Bác luôn giúp đỡ gia đình anh, quan tâm đến mọi người cả về đời sống tinh thần lẫn vật chất nên tạo được nếp sống khác hẳn. Nhất là đối với thằng con trai anh - cháu Hải, Bác luôn chăm sóc cho nó thật chu đáo. Nó ngủ ngoẹo đầu thì Bác sắp gối, chỉnh cho nó nằm thẳng lại. Bác dậy mấy lần ban đêm chỉ để đắp chăn cho nó. Để phòng nó ốm đau vặt vãnh, Bác đều lo cho nó mặc thật ấm. Thấy nó ăn no, Bác nới rộng giải rút cho thằng bé. Tuy chỉ là khách trong nhà, nhưng Bác giống như thành viên trong gia đình từ lâu.

Qua câu chuyện ngắn kể về Bác, em càng hiểu thêm về những đức tính cao đẹp của một con người, một nhân cách lớn lao. Câu chuyện kể về Bác đã cho em thấy được nếp sống kỉ luật, gọn gàng, khoa học và sự tận tình, chu đáo của Bác đối với mọi người xung quanh. Hình ảnh giản dị của Bác đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu đậm, là tấm gương sáng để các thế hệ học tập và noi theo.TOP 5 mẫu Kể lại sự việc có thật liên quan đến Bác Hồ (2023) SIÊU HAY (ảnh 1)

Kể lại sự việc có thật liên quan đến Bác Hồ (mẫu 4)

Bác Hồ là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Ở Bác, hội tụ nhiều vẻ đẹp về phẩm chất, là tấm gương sáng cho chúng ta học tập và noi theo. Bác không chỉ có lối sống trách nhiệm, chu toàn, giản dị mà ở Người còn lấp lánh vẻ đẹp của tình yêu thương. Bác luôn dành những tình cảm ấm áp trìu mến nhất cho các cháu thiếu nhi. Câu chuyện kể về Bác với các cháu nhỏ làm em nhớ mãi.

Chuyện kể rằng, vào một buổi sáng đẹp trời, Bác Hồ đến thăm một trại nhi đồng. Tại trại, ai nấy đều mong chờ vì đây là lần đầu tiên được gặp Bác. Khi các em nhỏ vừa thấy sự xuất hiện Bác đã nhanh chóng chạy ùa tới với gương mặt hớn hở, em nào cũng vui vầy quanh Bác. Trong thâm tâm, ai cũng háo hức muốn được nhìn thấy Bác cho thật rõ.

Tay Bác dắt hai em nhỏ nhất, đi giữa đoàn học sinh. Ánh mắt sáng ngời, đầy yêu thương và trìu mến. Rồi Bác cùng các cháu thiếu nhi đi thăm phòng ngủ, phòng ăn, nhà bếp, nơi tắm rửa, sinh hoạt hàng ngày của các cháu.

Khi trở về phòng họp, giữa sự quây quần của các cháu nhỏ, Bác ân cần hỏi:

– Các cháu chơi có vui không?

Đồng thanh vang lên những lời non nớt:

– Thưa Bác, vui lắm ạ!

Rồi Bác hỏi:

– Các cháu ăn có no không?

– Dạ, chúng cháu ăn no ạ.

Các cô trong trại có mắng phạt các cháu không?

– Dạ, không ạ!

Rồi Bác mỉm cười, hài lòng khen ngợi:

-Thế thì tốt lắm! Các cháu có thích kẹo ngọt không? Bây giờ Bác sẽ chia kẹo cho các cháu nhé!

Trong niềm hân hoan, tất cả cháu nhỏ cùng reo:

– Có ạ! Có ạ!

Rồi trong đám đông, một em bé giơ tay, xin phép Bác cho ý kiến:

– Thưa Bác, vậy ai ngoan thì được ăn kẹo, còn nếu không ngoan thì không được ăn kẹo ạ!

Bác từ tốn:

– Các cháu có đồng ý với đề xuất của bạn không?

– Dạ, đồng ý ạ!

Nói rồi, các em nhỏ lần lượt đứng thành vòng tròn rộng. Bác nhẹ nhàng cầm gói kẹo đến bên chia cho từng em. Khi đến lượt Tộ, cậu bé nhìn Bác, rụt rè không dám nhận, chỉ khẽ thưa:

– Dạ Thưa Bác, hôm nay cháu không ngoan, cháu….cháu… không vâng lời cô ạ. Vì cháu chưa ngoan nên phần kẹo này cháu không nhận đâu ạ.

Lúc này, Bác cười rồi nhìn Tộ, trìu mến bảo:

– Cháu biết nhận lỗi, biết sai mà sửa lỗi là tốt. Cháu ngoan lắm! Cháu vẫn được phần kẹo như các bạn khác nhé!

Tộ vui mừng nhận lấy kẹo từ Bác, cảm ơn rối rít và hứa sẽ không tái phạm nữa.

Câu chuyện về Bác cùng các cháu thiếu nhi khiến em càng yêu quý Bác hơn. Bác vẫn luôn bao dung và dạy dỗ những điều hay lẽ phải. Qua lời Bác cùng hành động của Tộ, em thấy chúng ta cần phải biết trung thực, cảm thông và bao dung với người khác. Luôn biết yêu thương mọi người, đặc biệt là các em nhỏ.

Kể lại sự việc có thật liên quan đến Bác Hồ (mẫu 5)

Một nhân vật lịch sử mà em luôn vô cùng ngưỡng mộ và kính trọng chính là chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ là một tấm gương sáng với những phẩm chất tốt đẹp. Trong đó nổi bật chính là về việc giữ lời hứa.

Hồi bác còn ở Pác Pó, Bác sống rất chan hòa với mọi người nên ai ai cũng yêu quý Bác. Đặc biệt là các bạn thiếu nhi, bạn nào cũng quấn quýt bên bác. Một lần nọ, Bác đi công tác xa dài ngày, nên đến tạm biệt bà con. Lúc này, có một bé gái chạy lại ôm Bác và xin Bác một chiếc vòng bạc làm quà. Bác mỉm cười trìu mến và gật đầu đồng ý.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, hai năm sau, Bác mới trở về với Pác Pó. Người dân trong làng kéo nhau ra đón chào Bác nồng nhiệt. Ai cũng vui vẻ và phấn khởi. Sau khi chào hỏi mọi người, Bác bỗng lấy từ trong túi ra một chiếc vòng bạc và trao vào tay một cô bé đứng cạnh đó. Cầm món quà của Bác, cô bé hạnh phúc và cảm động lắm. Chính cô và cả mọi người xung quanh, ai cũng bất ngờ, bởi dù đã hai năm trôi qua, Bác vẫn nhớ và giữ lời hứa của mình với một đứa trẻ. Thật đáng kính trọng biết bao!

Sự kiện ấy là chuyện đã thật sự xảy ra ở Pác Pó, được mọi người kể lại đến tận bây giờ. Bởi đó không chỉ là một sự kiện bình thường, mà còn là một bài học ý nghĩa về việc giữ lời hứa cho chúng ta noi theo.

Kể lại sự việc có thật liên quan đến Bác Hồ (mẫu 6)

Một trong những nhân tố quan trọng trong cuộc sống chính là thời gian - thứ mà đã trôi đi thì không bao giờ quay trở lại. Và thời gian cũng là một trong những thứ Bác Hồ thấy quý giá nhất. Đã có muôn vàn nhưng câu chuyện, những sự kiện mà Bác cho chúng ta thấy thời gian là thứ rất quan trọng mà chúng ta phải nắm bắt và không thể bỏ lỡ nó.

Trong một buổi nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khóa V Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Bác đã gửi giấy mời cho các cán bộ rằng đúng 8 giờ phải có mặt để bắt đầu tuy nhiên 10 phút trôi qua, một số người vẫn chưa thấy đến. Sau khi mọi người tập trung đông đủ, Bác đã thẳng thắn góp ý về cách làm việc không đúng thời gian này và nói với mọi người rằng thời gian là thứ rất quý báu.

Cũng về thời gian, trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí sĩ quan cấp tướng đến làm việc với Bác chậm 15 phút, tuy là có lý do nhưng Bác vẫn thẳng thắn phê bình rằng: "Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan không chuẩn bị đủ phương án, nên chú không giành được chủ động”. Có thể thấy tuy có lý do đến muộn nhưng đó cũng là do chúng ta không chuẩn bị các phương án dự phòng. Cùng một thời gian, cùng một địa điểm, hoàn cảnh có người đến sớm được có người không nên đó cũng là lỗi của mình. Qua câu nói của Bác, mỗi người chúng ta có thể rút ra được bài học kinh nghiệm cho bản thân rằng trong mỗi một công việc, một cuộc hẹn, chúng ta nên chủ động và có cách phương án dự phòng cho những tình huống xấu xảy ra, không nên bị động phụ thuộc vào người khác, đến sớm cũng được, chờ cũng được còn hơn là đến muốn vì thời gian rất là quý báu.

Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Đồng chí đó đến muộn 10 phút. Mười phút đó mọi người vẫn nghĩ là ngắn, là không đáng bao nhiêu thời gian tuy nhiên nó sẽ rất dài nếu theo cách tính thời gian của Bác Hồ. Mười phút không chỉ là của người tới muộn mà nó còn là mười phút của những người tới đợi nên nếu nhân lên thời gian của mười người, một trăm người đợi thì mười phút đến muộn đó sẽ rất nhiều. Do đó có thể rút ra bài học rằng, thời gian không chỉ là của mình mà còn của rất nhiều người. Việc mình lãng phí thời gian không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn ảnh hưởng đến nhiều người khác. Do đó chỉ trừ những lý do hết sức đặc biệt, bạn nên cố găng không để thời gian trôi một cách phí phạm vì nó sẽ không chờ đời ai.

Cũng là một câu chuyện về việc biết trân trọng thời gian của Bác là vào một buổi mưa xối xả năm 1953, khi Bác trên đường đến thăm lớp chỉnh huấn của anh em trí thức, anh em làm việc bên cạnh Bác đã khuyên bác nên hoãn lại buổi gặp mặt này nhưng Bác nhất quyết không chịu, thà chịu ướt còn hơn là hẹn mà không đến. Có thể thấy việc Bác trân quý thời gian và lời hưa thật đáng trân trọng biết bao. Trong cuộc sống đôi khi chỉ vì một vài giọt mưa, mấy tia nắng, hay những cơn buồn ngủ khiến ta trì trệ, trễ hẹn trong các cuộc hẹn, mà không biết rằng người hẹn bạn đang rất mong chờ để được gặp bạn. Đây đúng là một việc làm lãng phí thời gian và không trân trọng người mà bạn hẹn gặp.

Chỉ với việc lãng phí thời gian mà đôi khi chúng ta bõ lỡ rất nhiều thứ. Thế mới thấy Bác Hồ cùng những bài học của Bác đáng trân trọng biết bao. Khó có ai mà hiểu đời, hiểu người được như Bác. Thế hệ con, cháu người Việt Nam nên luôn luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Kể lại sự việc có thật liên quan đến Bác Hồ (mẫu 7)

Bác Hồ là người anh hùng lịch sử vĩ đại được nhân dân kính yêu, không chỉ ở Việt Nam ta mà còn trên toàn thế giới. Xoay quanh cuộc đời Bác, có rất nhiều những sự việc hay và ý nghĩa, giúp nhân dân hiểu thêm về bậc vĩ nhân này. Một trong số đó là mẩu chuyện về Bác và bác sĩ Chánh.

Chuyện kể rằng, hồi đó bác sĩ Chánh được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe đặc biệt cho Bác Hồ. Nhưng khi bác sĩ đến nơi, Bác Hồ lại cho rằng mình không bị ốm thì không cần bác sĩ riêng túc trực. Nên đã dặn dò bác sĩ Chánh xuống chỗ chú Phan Mỹ để ở và chăm sóc cho các chú ở đó. Hành động ấy không chỉ thể hiện sự thanh bạch, giản dị ở Bác Hồ, mà còn thể hiện sự yêu thương, quan tâm của Bác với đồng bào.

Một lần khác, khi Bác Hồ biết tin có một đoàn công tác mới đến gần nơi đóng quân. Trong đoàn có vợ của bác sĩ Chánh mà hai người thì vì nhiệm vụ nên rất lâu chưa gặp mặt được. Vì vậy, Bác Hồ đã cử bác sĩ Chánh đi công tác ở nơi vợ làm việc, có ý cho hai người gặp mặt nhau. Nhưng sau khi hoàn thành nhiệm vụ, để đảm bảo thời gian, bác sĩ Chánh lại trở về ngay. Thấy bác sĩ về, Bác Hồ ngỏ lời hỏi thăm sức khỏe vợ ông, thì mới biết ông không hề ghé qua gặp vợ. Điều này làm Bác không vui, cho rằng bác sĩ chưa biết quan tâm đến vợ.

Hai mẩu chuyện nhỏ ấy được bác sĩ Chánh kể lại. Nhờ vậy, chúng ta biết thêm một chút về Bác Hồ. Bên trong con người vĩ đại ấy, là một trái tim ấm áp, luôn nghĩ cho người khác. Sự quan tâm chu đáo, tinh tế ấy của Bác khiến em xúc động vô cùng.

Kể lại sự việc có thật liên quan đến Bác Hồ (mẫu 8)

Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 2.9.1969) là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và cách mạng Việt Nam.

Những câu chuyện kể về Bác khá nhiều. Qua mỗi câu chuyện, người đọc, người nghe lại thấy được những phẩm chất tốt đẹp của Bác. Truyện kể rằng trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, có một đồng chí cán bộ Trung đoàn thường hay quát mắng chiến sĩ. Đồng chí này đã từng làm giao thông, bảo vệ Bác đi ra nước ngoài trước Cách mạng tháng Tám.

Nghe nhân dân phản ảnh về đồng chí, một hôm, Bác cho gọi lên Việt Bắc. Bác dặn trạm đón tiếp, dù đồng chí này có đến sớm, cũng giữa trưa mới cho đồng chí ấy vào gặp Bác. Trời mùa hè, nắng chang chang, đi bộ đúng giờ ngọ nên đồng chí Trung đoàn vã cả mồ hôi, người như bốc lửa. Đến nơi, Bác đã chờ sẵn. Trên bàn đặt hai cốc nước, một cốc nước sôi có ý chừng vừa như mới rót, bốc hơi nghi ngút, còn cốc kia là nước lạnh.

Sau khi chào hỏi xong, Bác chỉ vào cốc nước nóng nói:

- Chú uống đi.

Đồng chí cán bộ kêu lên:

- Trời! Nắng thế này mà Bác lại cho nước nóng làm sao cháu uống được.

Bác mỉm cười:

- À ra thế. Thế chú thích uống nước nguội, mát không?

- Dạ có ạ!

Bác nghiêm nét mặt nói:

- Nước nóng, cả chú và tôi đều không uống được. Khi chú nóng, cả chiến sĩ của chú và cả tôi cũng không tiếp thu được. Hòa nhã, điềm đạm cũng giống như cốc nước nguội dễ uống, dễ tiếp thu hơn.

Đồng chí cán bộ nghe đến đây, hiểu được lời Bác muốn nói và hứa rằng sẽ sửa chữa.

Câu chuyện gửi gắm bài học về cách ứng xử. Có thể thấy, Bác Hồ là một nhân cách lớn để mỗi người noi gương.

Kể lại sự việc có thật liên quan đến Bác Hồ (mẫu 9)

Bản Tuyên ngôn Độc lập (1945) có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn được viết bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam mới.

Sự ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Mốc thời gian đầu tiên phải kể đến là vào ngày 4 tháng 5 năm 1945, Bác Hồ rời Pác Bó về Tân Trào. Giữa tháng năm, Người đã yêu cầu trung úy Giôn, báo vụ của OSS (Cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ) điện về Côn Minh, đề nghị thả dù cho Người cuốn Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kì.

Đến ngày 22 tháng 8 năm 1945, Bác rời Tân Trào về Hà Nội. Tối 25 tháng 8 năm 1945, Người vào nội thành, ở tầng 2 tại căn nhà số 48 Hàng Ngang. Sáng 26 tháng 8 năm 1945, Bác đã cho triệu tập một cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng, để bàn về các vấn đề như chủ trương đối nội, đối ngoại trong tình hình mới; công bố danh sách các thành viên Chính phủ lâm thời; chuẩn bị ra Tuyên ngôn Độc lập, tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ lâm thời ra mắt toàn thể nhân dân.

Vào ngày 27 tháng 8 năm 1945, Người tiếp các bộ trưởng mới tham gia Chính phủ đưa ra đề nghị Chính phủ ra mắt quốc dân, đọc Tuyên ngôn Độc lập mà Người đã chuẩn bị. Bác đưa ra bản thảo và đề nghị các thành viên phải xét duyệt kĩ vì không chỉ đọc cho đồng bào cả nước nghe mà còn độc cho Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp, các nước đồng minh nghe.

Trong hai ngày 28 và 29 tháng 8 năm 1945, Bác đến làm việc tại 12 Ngô Quyền (trụ sở chính của Chính phủ lâm thời) và dành phần lớn thời gian để soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Buổi tối tại căn nhà số 48 Hàng Ngang, Bác đã tự đánh máy bản Tuyên ngôn Độc lập trên một cái bàn tròn.

Vào ngày 30 tháng 8 năm 1945, Bác cho mời các đồng chí đến để trao đổi, đóng góp ý kiến cho bản Tuyên ngôn độc lập. Bác đọc cho mọi người nghe, hỏi ý kiến của từng người. Đến ngày 31 tháng 8, Bác đã bổ sung một số ý vào bản Tuyên ngôn. Bản Tuyên ngôn Độc lập chính thức được hoàn thiện.

Đúng 14 giờ ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Có thể khẳng định rằng, Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện lịch sử tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về việc chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta, đánh dấu kỉ nguyên độc lập, tự do của nước Việt Nam mới. Quá trình viết Tuyên ngôn Độc lập đã cho thấy sự chuẩn bị kĩ lưỡng cũng như trí tuệ và tầm nhìn của một vị lãnh tụ - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kể lại sự việc có thật liên quan đến Bác Hồ (mẫu 10)

Bác Hồ là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Người không chỉ tìm ra con đường cứu nước cũng như lãnh đạo nhân dân đấu tranh để giành lại độc lập cho đất nước.

Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam mới.

Sự ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Mốc thời gian đầu tiên phải kể đến là vào ngày 4 tháng 5 năm 1945, Bác Hồ rời Pác Bó về Tân Trào. Giữa tháng năm, Người đã yêu cầu trung úy Giôn, báo vụ của OSS (Cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ) điện về Côn Minh, đề nghị thả dù cho Người cuốn Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kì.

Đến ngày 22 tháng 8 năm 1945, Bác rời Tân Trào về Hà Nội. Tối 25 tháng 8 năm 1945, Người vào nội thành, ở tầng 2 tại căn nhà số 48 Hàng Ngang. Sáng 26 tháng 8 năm 1945, Bác đã cho triệu tập một cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng, để bàn về các vấn đề như chủ trương đối nội, đối ngoại trong tình hình mới; công bố danh sách các thành viên Chính phủ lâm thời; chuẩn bị ra Tuyên ngôn Độc lập, tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ lâm thời ra mắt toàn thể nhân dân.

Vào ngày 27 tháng 8 năm 1945, Người tiếp các bộ trưởng mới tham gia Chính phủ đưa ra đề nghị Chính phủ ra mắt quốc dân, đọc Tuyên ngôn Độc lập mà Người đã chuẩn bị. Bác đưa ra bản thảo và đề nghị các thành viên phải xét duyệt kĩ vì không chỉ đọc cho đồng bào cả nước nghe mà còn độc cho Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp, các nước đồng minh nghe.

Trong hai ngày 28 và 29 tháng 8 năm 1945, Bác đến làm việc tại 12 Ngô Quyền (trụ sở chính của Chính phủ lâm thời) và dành phần lớn thời gian để soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Buổi tối tại căn nhà số 48 Hàng Ngang, Bác đã tự đánh máy bản Tuyên ngôn Độc lập trên một cái bàn tròn.

Vào ngày 30 tháng 8 năm 1945, Bác cho mời các đồng chí đến để trao đổi, đóng góp ý kiến cho bản Tuyên ngôn độc lập. Bác đọc cho mọi người nghe, hỏi ý kiến của từng người. Đến ngày 31 tháng 8, Bác đã bổ sung một số ý vào bản Tuyên ngôn. Bản Tuyên ngôn Độc lập chính thức được hoàn thiện.

Đúng 14 giờ ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Có thể khẳng định rằng, Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện lịch sử tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về việc chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta, đánh dấu kỉ nguyên độc lập, tự do của nước Việt Nam mới. Quá trình viết Tuyên ngôn Độc lập đã cho thấy sự chuẩn bị kĩ lưỡng cũng như trí tuệ và tầm nhìn của một vị lãnh tụ - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

1 15,250 20/11/2024
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: