Kể về một anh hùng dân tộc (30 mẫu) SIÊU HAY

Kể về một anh hùng dân tộc lớp 3 gồm dàn ý và 30 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 3 hay hơn.

1 12295 lượt xem
Tải về


Kể về một anh hùng dân tộc – Tiếng Việt 3

Dàn ý Kể về một anh hùng dân tộc

- Giới thiệu về người anh hùng định tả

- Giới thiệu chi tiết: (tên/ tuổi/ quê quán/ cuộc đời…)

- Kể về những thành tích, đóng góp của người anh hùng đó cho dân tộc.

- Người anh hùng đó chính là tấm gương cho cả dân tộc.

- Cảm nhận của em về người anh hùng dân tộc đó.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 1)

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị anh hùng dân tộc mà em kính ngưỡng nhất. Cả cuộc đời của người đã hi sinh tất cả cho sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước. Người đã dành cả tuổi trẻ để ra đi tìm đường cứu nước, để hoạt động cách mạng, để lo cho dân cho đất nước. Chẳng có khi nào Người nghĩ riêng cho bản thân mình. Người sống đơn giản hết mức từ đồ ăn, nơi ở đến trang phục. Nhờ Người, mà đất nước ta có thể vùng lên, đánh đuổi bè lũ thực dân độc ác, chấm dứt những năm tháng đen tối, khổ cực, để bước về phía ánh sáng của độc lập, tự do. Được sống trong những ngày hòa bình, hạnh phúc như thế này, em lại càng thêm kính trọng và cảm ơn sự hi sinh lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 2)

Nước Việt Nam ta là một đất nước của rất nhiều những anh hùng, trong đó, những nữ anh hùng cũng rất nhiều và xuất sắc. Trong đó, người mà em ấn tượng nhất là bà Nguyễn Thị Chiên.

Bà Nguyễn Thị Chiên sinh năm 1930 ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Trong phong trào du kích ở vùng tạm chiếm, những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp bà vừa là người phụ nữ duy nhất được giữ chức vụ bí thư, vừa là chỉ huy một trung đội du kích ở xã. Trong một lần hoạt động, bà không may bị giặc bắt được. Chúng đã tra tấn bà dã man, đến chết đi sống lại nhiều lần, nhưng bà vẫn nhất quyết không chịu khai. Thế là cuối cùng giặc buộc phải thả bà ra.

Sau khi được thả, bà trở về quê. Tại đây, bà lại được chi bộ bố trí nhiệm vụ trong đội du kích. Ngoài việc luyện tập canh gác chống giặc quấy rối và tấn công địch, bà còn lãnh đạo chị em khai hoang, cấy lúa, chăn nuôi gà để có lượng thực và bàn lấy tiền mua sắm vũ khí. Năm 1951, bằng tay không, bà đã dùng mưu bắt một tiểu đội địch ngay giữa chợ, thu được bảy khẩu súng. Sau đó bà lại dùng mưu bắt tên sĩ quan Pháp chỉ huy trong một trận càn quét của chúng ở xã.

Bà Nguyễn Thị Chiên là một vị nữ anh hùng kính trọng. Khiến cho em và rất nhiều người ngưỡng mộ. Em sẽ noi gương bà, học tập, rèn luyện hết sức mình để cống hiến cho tổ quốc.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 3)

Khi nói đến những nữ tướng dũng mãnh, tài hoa thời phong kiến, người ta thường nhắc ngay đến Hai Bà Trưng. Những đối với em, nữ tướng mà em ngưỡng mộ nhất chính là Bà Triệu - Triệu Thị Trinh.

Bà Triệu Thị Trinh còn được gọi là Triệu Trinh Nương, sinh ra tại miền núi Quan Yên, quận Cửu Chân, nay thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Từ nhỏ, bà đã tỏ ra là người mạnh mẽ, thông minh, tài sắc khác thường. Đến tuổi trưởng thành bà cùng anh là Triệu Quốc Đạt chiêu mộ trai tráng, tập hợp quân sĩ dấy binh khởi nghĩa ở đất Quan Yên, được dân chúng khắp vùng nô nức tham gia. Nghĩa quân nhanh chóng thu phục được các thành, ấp ở quận Cửu Chân và một số vùng của quận Giao Chỉ. Cuộc khởi nghĩa lan rộng như vũ bão và làm “ Chấn động Giao Châu” lúc bấy giờ.

Năm 248, Ngô Triều phải phái Lục Dận đem theo tám nghìn quân tinh nhuệ để đàn áp cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu. Do lực lượng nghĩa quân còn non trẻ, không đủ sức chống lại một đạo quân lớn hơn mình gấp bội. Nên trong một trận huyết chiến với quân thù, trước thế mạnh và mưu kế hiểm độc, đê hèn của giặc, bà Triệu đã tuẫn tiết ở núi Tùng, xã Phú Điền, huyện Hậu Lộc vào năm 248 khi bà chỉ mới 22 tuổi.

Bà Triệu là một nữ anh hùng thực sự của đất nước ta với sự dũng cảm, can trường của mình. Noi gương bà, em sẽ cố gắng học tập thật giỏi, để khi lớn lên góp sức mình xây dựng đất nước vững mạnh hơn.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 4)

Trong những năm tháng chiến tranh, học sinh, sinh viên cũng là một lực lượng vô cùng đông đảo, nhiệt tình tham gia đấu tranh để giành lại độc lập cho tổ quốc. Trong đó, không thể không nhắc đến sinh viên Võ Thị Thắm.

Chị sinh ra và lớn lên từ tỉnh - Long An, vùng đất nổi tiếng trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc. Từ nhỏ, chị đã nhiệt tình tham gia vào các hoạt động cứu nước. Trong chiến dịch Tổng công kích Mậu Thân 1968, trong khi thực hiện nhiệm vụ thì chị không may bị giặc bắt. Chị bị giam giữ ròng rã suốt sáu năm, bị tra tấn, đày đọa dã man. Nhưng tinh thần yêu nước của chị vẫn không hề khuất phục. Mãi đến khi Hiệp định Paris được kí kết, thì chị và các đồng chí khác mới được thả về. Sau này, khi hòa bình lập lại, chị lại tiếp tục tham gia xây dựng, đóng góp cho đất nước.

Chị Võ Thị Thắm là một nữ anh hùng thực sự cả ở thời chiến và thời bình. Những đóng góp của chị là vô cùng to lớn đối với dân tộc.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 5)

Trần Quốc Tuấn, (Trần Hưng Đạo) sinh năm 1226 và mất năm 1300. Vào thế kỉ XIII (13), quân Nguyên Mông đã ba lần hùng hổ sang xâm lấn nước ta. Ông được vua nhà Trần phong tướng và cử cầm quân đánh giặc. Dưới sự lãnh đạo của ông, quân dân nhà Trần đã giành thắng lợi vẻ vang. Ông đã soạn ra sách dạy việc dùng binh gọi là "Binh thư yếu lược" để huấn luyện quân sĩ. Trong quá trình đánh giặc, ông còn viết ra một bài hịch rất thống thiết, hào hùng để khích lệ toàn quân chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù. Đó là bài Hịch Tướng Sĩ mà muôn đời sử sách còn lưu. Khi ông mất đi, nhân dân ta đã tôn vinh ông như một vị thần và lập đền thờ ở nhiều nơi. Nhân dân thường kính cẩn gọi ông là Đức Thánh Trần. Ông chính là một anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hóa Việt Nam.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 6)

Thuở xưa, nước ta bị quân Hán đô hộ. Chúng rất tàn ác, hà hiếp nhân dân ta và ra sức vơ vét của cải.

Bấy giờ ở huyện Mê Linh có hai người con gái tài giỏi: chị là Trưng Trắc và em là Trưng Nhị. Cả hai bà đều giỏi võ nghệ và nuôi chí giành lại non sông. Trưng Trắc có chồng là Thi Sách. Thi Sách là Lạc tướng cũng cùng chí hướng với vợ. Tướng giặc là Tô Định làm thứ sử Giao Châu thời ấy biết được bèn lập mưu giết chết Thi Sách. Nợ nước, thù nhà, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa. Quân của hai bà đi đến đâu, giặc tan đến đó. Với đoàn quân khởi nghĩa hừng hực khí thế chiến đấu và chiến thắng, Hai Bà tiến về giải phóng thành Luy Lâu. Tướng giặc Tô Định tháo chạy về nước. Hai Bà lên ngôi vua, xưng là Trưng Nữ Vương.

Năm 43, quân giặc cử Mã Viện, đại tướng lão luyện đốc quân đàn áp cuộc khởi nghĩa. Hai Bà lãnh đạo quân ta chiên đấu anh dũng nhưng vì thế giặc quá mạnh, yếu thế, Hai Bà nhảy xuống sông Hát Giang tuẫn tiết. Dân ta lại chìm trong vòng áp bức của giặc phương Bắc. Dù vậy, tấm gương oanh liệt của Hai Bà Trưng vẫn ngời sáng nghìn thu.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 7)

Vào thế kỉ thứ XVI, đất nước chìm vào nội chiến do hai chúa: Chúa Trịnh chuyên quyền lấn áp vua Lê ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ra sức xây dựng và mở mang thế lực ở Đàng Trong. Nội chiến của nước ta là điều kiện thuận lợi cho phong kiến phương Bắc tiến quân xâm lấn.

Năm 1786, ba anh em nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa và làm chủ được nhiều nơi. Năm 1788, quân Thanh ồ ạt đưa quân vào Thăng Long. Nguyễn Huệ lập tức lên ngôi vua và chỉ huy toàn lực lượng tiến quân ra Bắc. Hành quân thần tốc và chỉ trong năm ngày chiến đấu, vua Quang Trung Nguyễn Huệ giải phóng hoàn toàn Thăng Long, đánh đuổi quân Thanh ra khỏi đất nước ta.

Giải phóng hoàn toàn đất nước, vua Quang Trung bắt tay xây dựng Tổ quốc. Tiếc thay, mọi cải cách của ông đang tiến hành thì ông đột ngột từ trần. Người anh hùng áo vải, cờ đào khi ấy chỉ mới bốn mươi tuổi. Vua Quang Trung mất đi để lại trong lòng người dân Việt sự kính trọng, mến tiếc khôn nguôi và lòng tự hào về một anh hùng chống ngoại xâm lỗi lạc.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 8)

Năm 1285, quân Nguyên Mông ồ ạt sang xâm lấn nước ta lần thứ ba. Thế giặc rất mạnh nên triều đình lãnh đạo toàn quân và dân rút về cố thủ ở những nơi hiểm yếu, để mặc thành quách, làng mạc trống trải gây hoang mang cho địch và bảo toàn lực lượng. Trên đường rút quân, Hưng Đạo Vương lệnh cho các tướng chốt đóng tại những nơi hiểm yếu cản bước tiến của giặc để bảo vệ Thái Thượng Hoàng và Thượng Hoàng. Danh tướng Trần Bình Trọng chỉ huy quân Cấm Dực, trấn giữ bãi sông Thiên Mạc. Thế giặc rất mạnh, Trần Bình Trọng chẳng may sa vào tay giặc. Biết ông là tướng tài, giặc ra sức dụ dỗ ông, hứa sẽ phong cho ông làm vương đất Bắc. Trần Bình Trọng khẳng khái đáp:

- Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn là vương đất Bắc.

Biết không thể chiêu dụ ông, giặc trói ông ở bãi sông Thiên Mạc chờ nước triều dìm ông chết. Trần Bình Trọng hy sinh khi mới hai mươi sáu tuổi, tấm gương trung liệt của ông chói sáng nghìn thu.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 9)

Trần Quốc Tuấn (1231 - 1300), tước hiệu là Hưng Đạo Đại Vương. Ông là một danh tướng kiệt xuất của dân tộc thời Trần. Năm 1285 và năm 1287, quân Nguyên - Mông xâm lược nước ta, lần nào ông cũng được Trần Nhân Tông cử làm Tiết chế thống lĩnh các đạo quân. Cả hai lần ông đều lãnh đạo binh lính đánh bại quân giặc, giành được thắng lợi vẻ vang. Ông mất ở Vạn Kiếp (nay là xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Nhân dân tôn thờ ông là Đức thánh Trần và lập đền thờ ở nhiều trên đất nước. Hưng Đạo Đại Vương, Trần Quốc Tuấn là một vị anh hùng mà em vô cùng ngưỡng mộ, kính trọng.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 10)

Một trong những vị anh hùng chống giặc ngoại xâm mà em yêu thích và ấn tượng nhất, chính là Lý Thường Kiệt. Ông là một vị tướng tài giỏi và dũng cảm ở thời nhà Lý. Lúc đó, quân Tống lăm le xâm lược nước ta để thỏa mãn những tham vọng xấu xa của chúng. Là tướng quân của quân đội ta, Lý Thường Kiệt đã suy nghĩ, tìm cách chống lại kẻ thù. Cuối cùng, ông quyết định tấn công quân Tống trước, khiến chúng chẳng kịp trở tay. Vậy là, Lý Thường Kiệt đã dẫn đầu đại quân, tấn công vào kẻ địch ở biên giới, và còn tấn công cả hai châu của nhà Tống. Những trận đánh đó đã thành công vang dội, đập tan âm mưu xâm lược của nhà Tống. Đồng thời ghi danh Lý Thường Kiệt vào trang sử hào hùng, chói lọi của dân tộc ta.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 11)

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta có rất nhiều anh hùng được sử sách ghi danh, một trong số đó là lãnh tụ Hồ Chí Minh. Người mà được toàn thể nhân dân Việt Nam kính trọng gọi bằng Bác Hồ. Bác là người lãnh đạo nhân dân ta làm cuộc Cách mạng tháng 8, lập lên nước Việt nam dân chủ cộng hòa. Tiếp đó, Bác lại lãnh đạo hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành thắng lợi hoàn toàn thống nhất đất nước. Bác được UNESCO phong tặng danh hiệu " Anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới." Cả cuộc đời Bác là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng và lối sống giản dị của Bác để cho nhân dân noi theo. Nhờ có sự lãnh đạo của Bác mà Việt Nam đang là thuộc địa của thực dân Pháp nay đã thành một nước độc lập. Để biết ơn Bác, em nguyện ngoan ngoãn chăm học làm theo 5 điều Bác Hồ dạy.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 12)

Phan Bội Châu sinh năm 1867, mất năm 1940). Tên thuở nhỏ của ông là Phan Văn San. Ông quê ở làng Đan Nhiễm (nay là xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Phan Bội Châu là một nhà yêu nước, nhà cách mạng lớn nhất của dân tộc ta trong vòng hai mươi năm đầu thế kỉ XX. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông là người sáng lập ra hội Duy Tân, phong trào Đông Du có sức mạnh hưởng lớn đến hoạt động cách mạng. Ông cũng là người đầu tiên có tư tưởng ra nước ngoài để tìm đường cứu nước (sang Nhật) tuy nhiên đã thất bại. Mặc dù vậy, ông vẫn là người có đóng góp lớn cho hoạt động cách mạng của dân tộc. Phan Bội Châu là một tấm gương lớn về tinh thần yêu nước mà em cần học tập.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 13)

Ngô Quyền là vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam. Ông là người lãnh đạo nhân dân ta trong cuộc khởi nghĩa chống lại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Trận chiến này đã giúp nhân dân ta thoát khỏi hơn một nghìn năm bị triều đình phương Bắc đô hộ. Từ đó đã mở ra một thời kì độc lập cho dân tộc. Ngô Quyền ghi danh vào trang sử hào hùng của dân tộc không chỉ là vị tướng tài năng, mà còn là người đầu tiên "mở nước xưng Vương", đặt nền móng cho độc lập, tự chủ thực sự và lâu dài của dân tộc. Ông chính là vị anh hùng dân tộc mà em rất yêu mến và kính trọng.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 14)

Dân tộc Việt Nam trải qua hàng nghìn năm xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong suốt những năm đó, biết bao anh hùng đã đứng lên để lãnh đạo nhân dân giành lại độc lập cho dân tộc. Nhưng em cảm thấy ấn tượng nhất với Nguyễn Trãi - vị tướng tài ba đã giúp quân ta giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống lại quân Minh xâm lược. Nguyễn Trãi (1380 - 1442), quê ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Khi quân Minh đến xâm lược nước ta, Nguyễn Trãi đã tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, là quân sư cho Lê Lợi trong nhiều trận đánh quan trọng. Không chỉ có tài năng quân sự, mà ông còn là một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc với rất nhiều tác phẩm nổi tiếng. Ông được UNESCO công nhận là Danh nhân quân sự thế giới. Em rất ngưỡng mộ Nguyễn Trãi.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 15)

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người mà em vô cùng kính trọng. Suốt ba mươi năm bôn ba nước ngoài, Bác đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc. Không chỉ vậy, Người còn lãnh đạo nhân dân ta đánh bại thực dân Pháp, giành lại độc lập cho đất nước. Bác Hồ cũng là tấm gương sáng ngời về một nhân cách đạo đức cao đẹp. Bác được UNESCO phong tặng danh hiệu “Anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới”. Em sẽ cố gắng học tập theo tấm gương đạo đức của Bác.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 16)

Danh tướng Lý Thường Kiệt là một trong những vị anh hùng để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc trong em. Bài thơ Nam Quốc sơn hà mà rất nhiều thế hệ người Việt Nam thuộc nằm lòng chính là bài thơ được ông sáng tác:

Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!

(Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!)

Nhưng ngoài tài văn chương thơ phú, tấm lòng, tinh thần và những đóng góp của ông cho đất nước và dân tộc cũng là những vấn đề đáng được nói đến. Năm 1077, nhà Tống kéo quân sang xâm lược nước ta, Lý Thường Kiệt đã lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến chống quân giặc và giành thắng lợi. Chiến lược đánh giặc của ông cũng rất hay. Cũng chính nhờ bài thơ Nam quốc sơn hà trên của ông được lan truyền đi khắp nơi, đến tai quân giặc và khiến chúng hoang mang, hoảng sợ trước khí thế của dân tộc ta, đóng góp phần công sức tinh thần làm cho quân giặc đại bại, phải cầu hòa xin về nước.

Lý Thường Kiệt được ghi nhận là một trong số những anh hùng kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Một danh tướng văn võ song toàn rất đáng được ghi nhận. Em rất khâm phục tinh thần trượng nghĩa anh hùng và tấm lòng yêu nước thương dân của ông.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 17)

Ba ngàn năm dựng nước giữ nước có rất nhiều tấm gương sáng. Trong số đó, người đã để lại cho em nhiều ấn tượng nhất là ông Lý Thường Kiệt. Năm 1077, quân Tống sang xâm lược nước ta, ông đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống quân giặc và giành thắng lợi vẻ vang. Đặc biệt, trong lần đại chiến quân Tống, ông đã làm một bài thơ tứ tuyệt, sai người nấp trong đền thờ Thánh Tam Giang, đêm đến ngâm bài thơ sau:

(Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận tại sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!)

Từ hôm sau, bài thơ được lan truyền ra khắp nơi làm cho quân giặc khiếp sợ. Khí thế đã tăng, ông bèn mở cuộc tiến công, đánh cho quân giặc đại bại, phải cầu hòa và rút về nước. Ông được lịch sử ghi nhận là anh hùng kiệt xuất. Em rất tự hào và khâm phục ông.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 18)

Lịch sử nước ta có biết bao nhiêu cuộc vị anh hùng chống ngoại xâm cứu nước lỗi lạc mà xuất thân từ những người dân bình thường. Nguyễn Thị Minh Khai cũng vậy.

Lớn lên chứng kiến cảnh lầm than của quê hương, năm 16 tuổi bà đã tham gia hoạt động cách mạng. Trong đấu tranh bà rất kiên cường, nhanh trí khiến bọn giặc Pháp nhiều phen hoảng sợ và tìm mọi cách hãm hại bà. Năm 1940, Nguyễn Thị Minh Khai bị bắt, giặc tra tấn bà hết sức dã man nhưng sau mỗi trận đòn tra tấn đó Nguyễn Thị Minh Khai đã dùng máu của mình viết nên những câu thơ nêu cao khí tiết của người chiến sĩ cộng sản. Biết không thể khuất phục được bà chúng đã đem ra xử bắn.

Em rất tự hào được học dưới mái trường mang tên người anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 19)

Lịch sử nước ta có biết bao nhiêu cuộc đấu tranh để giữ nước và đòi lại độc lập chủ quyền. Chính vì vậy nước ta có rất nhiều vị anh hùng chống ngoại xâm cứu nước lỗi lạc mà xuất thân của họ từ chính những người dân bình thường. Hai Bà Trưng cũng vậy. Hai Bà Trưng ghi danh vào trang sử hào hùng với cuộc chiến chống ách đô hộ nhà Đông Hán (40-43) tại quê nhà Bắc Ninh của hai bà. Chồng của bà Trưng Trắc bị thái thú Tô Định giết hại một cách dã man, bà quyết định nổi binh cùng em gái là Trưng Nhị tại thành Luy Lâu, Thuận Thành, Bắc Ninh. Trước khi xuất binh, hai bà đã đọc vang lời thề:

Một xin rửa sạch nước thù

Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng

Ba kẻo oan ức lòng chồng

Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này

Trong cuộc khởi nghĩa của hai bà, có rất nhiều nữ tướng tham gia và họ cùng nhau lập những chiến công khiến cho quân giặc khiếp hồn, thái thú Tô Định phải bỏ chạy về nước. Sau khi làm chủ đất Mê Linh, Trưng Trắc lên làm vua lấy hiệu là Trưng Vương, hoàn thành sứ mệnh nối nghiệp họ Hùng. Năm 43, quân giặc tiến quân xâm lược, Hai Bà Trưng kiên cường chống trả, song quân địch quá đông và mạnh, Hai Bà thua trận và đã tự tử tại sông Hát. Tuy thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa của hai nữ tướng đã góp phần không nhỏ vào việc chống giặc ngoại xâm.

Hai bà mãi là những vị tướng tài của dân tộc, cả dân tộc không quên công lao to lớn ấy của hai bà.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 20)

Võ Thị Sáu - một người con gái sinh ra ở vùng Đất Đỏ thuộc vùng Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của nước Việt Nam ta ngày nay. Chị sinh năm 1933, là người con gái vô cùng thông minh, mưu trí, có tinh thần yêu nước và dũng cảm. Dù tuổi đời còn rất nhỏ nhưng chị đã tham gia làm liên lạc viên cho đoàn quân cách mạng của chúng ta và lập được rất nhiều chiến công hiển hách đáng khen thưởng.

Năm 1948, chị được cấp trên giao cho nhiệm vụ vô cùng quan trọng đó chính là phải đánh phá một buổi lễ mít tinh nhằm kỷ niệm ngày chào mừng Quốc khánh của thực dân Pháp để gây nhiễu loạn và phá hoại âm mưu của kẻ thù. Tại buổi lễ mít tinh đó chị Võ Thị Sáu đã tung lựu đạn vào khán đài có tỉnh trưởng Lê Thành Trường - một lãnh đạo cấp cao của bè lũ tay sai cho thực dân Pháp để giải tán đám đông. Chính chiến công này đã giúp cho chị Võ Thị Sáu của chúng ta lập thêm nhiều chiến công khác oanh liệt hơn.

Sau đó, chị Võ Thị Sáu được cơ quan trung ương Đảng giao cho nhiệm vụ tiêu diệt kẻ gian tế, nên tháng 2 năm 1950 trong khi đi làm nhiệm vụ chị đã bị kẻ thù bắt giữ. Bọn giặc ngoại xâm đã tra tấn chị Võ Thị Sáu của chúng ta vô cùng dã man, bắt chị khai ra những đồng đội của mình. Nhưng chị anh dũng kiên quyết không khai chúng dùng nhiều thủ đoạn tra tấn tàn bạo như dùng dùi điện cho điện giật vào người chị, hay dùng dùi nung lửa nóng khoan lên người chị…Nhưng mọi hình thức tra tấn dã man thời trung cổ đó càng làm chị thêm căm hận kẻ thù chị kiên quyết không hé răng nửa lời.

Cuối cùng không làm được gì chị Võ Thị Sáu chúng buộc lòng đày chị ra Côn Đảo là nơi chuyên giam giữ và đày đọa những người tù chính trị của nước ta, là nấm mồ chôn thân của rất nhiều người anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam ta.

Tới ngày 23/1/1952, chị Võ Thị Sáu anh hùng của chúng ta bị mang ra pháp trường xử tử khi tuổi đời chỉ tròn mười chín tuổi. Cho tới sau này khi đất nước chúng ta hoàn toàn sạch bóng kẻ thù năm 1993 chị Võ Thị Sáu được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, là một trong những chiến sĩ vô cùng trẻ tuổi của ta được vinh danh thiên cổ.

Tấm gương của chị Võ Thị Sáu làm cho chúng em vô cùng ngưỡng mộ, kính trọng vì những gì chị đã hy sinh cho quê hương, tổ quốc để chúng em hôm nay được hưởng cuộc sống thái bình.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 21)

Trần Quốc Toản là vị anh hùng nổi tiếng của dân tộc Việt Nam. Ông đã tham gia vào cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai, và hy sinh khi còn rất trẻ. Em đã từng đọc được câu chuyện về Trần Quốc Toản. Khi vua Trần Nhân Tông mở hội, cùng các quan bàn chuyện chống quân Nguyên. Vua thấy Trần Quốc Toản còn trẻ nên không cho vào dự. Ông cảm thấy tức giận mà bóp nát quả cam trong tay lúc nào không hay. Trần Quốc Toản đã đi vào lịch sử dân tộc với lòng dũng cảm, ý chí chiến đấu luôn luôn xung phong đi đầu, dám hy sinh mạng sống vì vua, vì đất nước vì nhân dân. Lịch sử đã lùi vào quá khứ nhưng hình ảnh của ông mãi mãi trong trái tim hàng triệu con người Việt Nam.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 22)

Theo truyền thuyết kể lại vua Lê Lợi được thần Long Quân sai rùa vàng trao kiếm dẹp giặc Minh. Lê Lợi là vị vua đầu tiên của nhà Hậu Lê - triều đại dài nhất trong lịch sử Việt Nam. Nhà vua sinh năm 1385. Khi vua hai mươi mốt tuổi, giặc Minh kéo sang xâm lược nước ta. Trước những cai trị độc ác, tàn bạo của kẻ thù, Lê Lợi nuôi chí lớn đánh đuổi giặc ra khỏi bờ cõi. Lê Lợi đã tập hợp quân lính để thực hiện điều đó. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nhanh chóng diễn ra. Sau chục năm chiến đấu gian khổ, vị tướng Lê Lợi và toàn quân đã thắng lợi, dẹp tan giặc Minh. Lê Lợi lên ngôi hoàng đế. Vị vua thành lập ra nhà Hậu Lê đã đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ. Lê Lợi quả thực là một anh hùng dân tộc ta.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 23)

Năm 34 sau tây lịch, nhà Đông Hán sai Tô Định sang làm Thái thú quận Giao Chỉ.

Tô Định là một người tham lam tàn bạo. Dân chúng vô cùng oán hận, Lạc hầu, Lạc tướng cũng căm hờn. Còn Lạc tướng huyện Châu Diên là Thi Sách, mưu tính việc chống quân Tàu. Tô Định hay được bèn giết Thi Sách đi. Vợ Thi Sách là Trưng Trắc nổi lên đánh Tô Định để báo thù cho chồng, rửa hận cho nước.

Trưng Trắc là con gái Lạc tướng Mê Linh, nay thuộc tỉnh Phúc Yên. Khi bà cùng em là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa thì các Lạc tướng và dân chúng hưởng ứng rất đông. Chẳng bao lâu, quân Hai Bà Trưng tràn đi khắp nơi, chiếm được 65 thành trì. Tô Định chống cự không lại trốn chạy về Tàu.

Hai Bà lên ngôi vua, đóng đô ở Mê Linh (năm 40 sau tây lịch). Dân chúng vui mừng độc lập.

Trưng Nữ Vương trị vì được hơn một năm thì nhà Đông Hán sai danh tướng là Mã Viện đem binh sang đánh. Quân cùa Mã Viện là quân thiện chiến, quân ta thì mới nhóm lên, nhưng nhờ sự dũng cảm, quân ta thắng được mấy trận đầu. Quân giặc phải rút về đóng ở vùng Lãng Bạc (tức gần Hồ Tây ở Hà Nội bấy giờ). Sau đó, Mã Viện được thêm viện binh, dùng mưu lừa quân ta kéo lên mạn thượng du rồi đánh úp. Hai Bà thua trận nên rút quân về giữ Mê Linh.

Mùa thu năm 43, Mã Viện đem binh vây đánh thành Mê Linh. Quân ít, thế cùng. Hai Bà phải bỏ chạy. Mã Viện xua quân đuổi theo. Hai Bà nhảy xuống sông Hát (chỗ sông Đáy đổ ra sông Hồng Hà) trầm mình để khỏi sa vào tay giặc.

Hai Bà Trưng làm vua không được bao lâu nhưng là hai vị anh thư cứu quốc đầu tiên của nước ta nên được hậu thế sùng bái đời đời.

Hiện nay, ở làng Hát Môn, thuộc huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây và làng Đồng Nhân, gần Hà Nội, có đền thờ Hai Bà, hàng năm, đến ngày mồng sáu tháng hai âm lịch là ngày hội để nhớ ơn hai vị nữ tướng.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 24)

Có nơi đâu đẹp tuyệt vời

Như sông như suối như người Việt nam

Đất nước Việt Nam trải qua hơn 4000 năm lịch sử với biết bao biến cố, thăng trầm, chịu rất nhiều cuộc xâm lăng của các nước lớn. Nhân dân ta tuy hiền lành tay cuốc, tay cày nhưng khi có kẻ thù giày xéo quê hương, lòng yêu nước lại trỗi dậy “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nhấn chìm bè lũ cướp nước và bán nước”. Trong làn sóng yêu nước ấy sinh ra biết bao vị anh hùng. Một trong những vị anh hùng làm em cảm phục là chị Võ Thị Sáu

Chị Võ Thị Sáu sinh năm 1933, tại xã Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Vũng Tàu-Côn Đảo. Tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi rồi nhanh chóng trở thành nữ chiến sĩ trinh sát nổi tiếng gan dạ của Đội Công an xung phong Đất Đỏ. Năm 1950, chị Sáu bị địch bắt trong lúc đang tham gia trận đánh tiêu diệt tề ở chợ quê gần nhà mình. Hơn 1 năm bị giam cầm trong khám Chí Hòa, "nếm" đủ thứ đòn roi và đủ "mùi" tra tấn..., nhưng chị Võ Thị Sáu vẫn nêu cao tấm gương dũng cảm vươn lên, không khuất phục kẻ thù.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 25)

Chị Võ Thị Sáu (1933-1952) xứng đáng với danh hiệu người anh hùng của dân tộc Việt Nam. Ngay từ năm 15 tuổi, chị đã hăng hái tham gia cách mạng, lập nhiều chiến công vang dội. Tháng 5/1950, bị giặc Pháp bắt, tra tấn dã man nhưng chị vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Năm 1952, giặc đày chị ra Côn Đảo và hành quyết. Năm 1993, Nhà nước đã trân trọng truy tặng chị Huân chương chiến công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Tấm gương của chị Võ Thị Sáu làm cho chúng em vô cùng ngưỡng mộ, kính trọng vì những gì chị đã hy sinh cho quê hương, tổ quốc để chúng em hôm nay được hưởng cuộc sống thái bình.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 26)

Với lịch sử hào hùng của dân tộc ta, chắc hẳn mọi người vẫn nhớ người anh hùng lịch sử Quang Trung – Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn trong cuộc đại phá Quân Thanh. Một cuộc chiến đấu đã đi sâu vào lịch sử nước ta.

Vào thế kỉ thứ XVI, đất nước chìm vào nội chiến do hai chúa: Chúa Trịnh chuyên quyền lấn áp vua Lê ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ra sức xây dựng và mở mang thế lực ở Đàng Trong. Nội chiến của nước ta là điều kiện thuận lợi cho phong kiến phương Bắc tiến quân xâm lấn.

Năm 1786, ba anh em nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa và làm chủ được nhiều nơi. Năm 1788, quân Thanh ồ ạt đưa quân vào Thăng Long. Nguyễn Huệ lập tức lên ngôi vua và chỉ huy toàn lực lượng tiến quân ra Bắc. Hành quân thần tốc và chỉ trong năm ngày chiến đấu, vua Quang Trung Nguyễn Huệ giải phóng hoàn toàn Thăng Long, đánh đuổi quân Thanh ra khỏi đất nước ta.

Giải phóng hoàn toàn đất nước, vua Quang Trung bắt tay xây dựng Tổ quốc.

Sau đó, Vua Quang Trung đột ngột từ trần. Qua đây ta càng cảm thấy khâm phục trước chiến công thần tốc của vua Quang Trung. Nó mang lại một ý nghĩa vô cùng lớn lao.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 27)

Anh Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền, người dân tộc Nùng, sinh năm 1929 Ở Thôn Nà Mạ, Xã Xuân Hòa, Huyện Hà Quảng, Tỉnh Cao Bằng. Cha anh bị thực dân Pháp Bắt đi Phu và bị chết. Kim Đồng theo cách mạng làm liên lạc, là một trong 5 đội viên đầu tiên của đội.Trong một lần đi liên lạc về giữa đường gặp địch phục kích, Kim Đồng nhanh trí nhử cho địch nổ súng về phía mình. Nhờ tiếng súng báo động ấy các đồng chí cán bộ ở gần đó đã nhanh chóng thoát lên rừng. Kim Đồng đã anh dũng hy sinh tại một địa điểm gần ngay ở suối Lê Nin. Hôm ấy là ngày 15/2/1943, anh vừa tròn 14 tuổi. Anh được nhà nước ta phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 28)

Lịch sử nước ta có rất nhiều vị anh hùng chống giặc ngoại xâm để giành lại non sông, đất nước. Em ấn tượng nhất là Hai Bà Trưng. Trưng Trắc và Trưng Nhị là hai chị em, quê ở Bắc Ninh. Hai bà tuy là nữ giới nhưng giàu lòng yêu nước. Lòng căm thù giặc ngoại xâm dâng cao, khi chồng của bà Trưng Trắc bị thái thú Tô Định giết hại một cách dã man. Nên Bà quyết định nổi binh cùng em gái là Trưng Nhị. Trong cuộc khởi nghĩa của hai bà, có rất nhiều nữ tướng tham gia và họ cùng nhau lập những chiến công khiến cho quân giặc khiếp sợ. Tuy nhiên vào năm 43, quân giặc tiến quân xâm lược trở lại. Hai Bà kiên cường chống trả nhưng do quân địch quá mạnh. Hai Bà thua trận và đã tự tử tại Hát giang. Tuy thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa của hai nữ tướng đã góp phần không nhỏ vào công cuộc chống giặc ngoại xâm. Hai bà mãi là những vị tướng tài ba của dân tộc Việt Nam. Các thế hệ con cháu đời sau luôn ghi nhớ công lao to lớn của hai bà.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 29)

Triệu Thị Trinh quê ở Thanh Hóa. Từ thời thiếu nữ bà đã bộc lộ tính cách mạnh mẽ, thích võ nghệ. Bà bắn cung rất giỏi, có lần đã bắn hạ một con báo hung dữ trước sự thản phục của trai tráng trong làng. Chứng kiến cảnh nhân dân bị giặc Ngô đánh đập, cướp bóc, Triệu Thị Trinh nung nấu ý chí trả thù nhà. Năm 248, bà cùng anh là Triệu Quốc Đạt lãnh đạo binh sĩ chống quân xâm lược. Tuy cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng tấm lòng anh dũng của bà sáng mãi với trang sử vàng của nước nhà.

Kể về một anh hùng dân tộc (mẫu 30)

“Bà Trưng quê ở Châu Phong,
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.”

Là con dân đất Việt, chắc hẳn chúng ta đều đã từng nghe danh tiếng của Bà Trưng được nhắc đến trong câu thơ. Hai Bà Trưng là hai nữ anh hùng bất khuất, gan dạ trong lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của đất nước ta.

Em đã được học câu chuyện về Hai Bà Trưng. Hai bà là hai chị em ruột, người chị tên là Trưng Trắc, người em tên là Trưng Nhị. Hai bà quê ở huyện Mê Linh, từ nhỏ đã nổi tiếng là hai người con gái tài giỏi. Cha hai bà mất sớm, nhờ mẹ dạy dỗ, hai chị em đều giỏi võ nghệ.

Thuở ấy, nước ta bị nhà Hán đô hộ. Chúng đàn áp dân lành hết sức tàn bạo. Chúng thẳng tay chém giết dân ta, cướp hết ruộng đất của dân. Nhân dân ta mang lòng oán hận ngút trời, chỉ chờ dịp để vùng lên đánh đuổi quân xâm lược. Chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách cũng mang trong mình chí hướng giành lại non sông. Tướng giặc là Tô Định biết vậy, bèn lập mưu giết chết Thi Sách.

Nhận được tin không lành, Hai Bà Trưng liền kéo quân về thành Luy Lâu hỏi tội kẻ thù. Hai Bà Trưng mặc giáp phục lộng lẫy, bước lên vành voi đầy uy nghi. Đoàn quân hùng hồn lên đường. Giáo lao, cung nỏ, rìu búa, khiên mộc cuồn cuộn tràn theo bóng voi ẩn hiện của hai bà. Đi đến đâu, tiếng trống đồng của quân ta dội vàng đất trời tới đó. Cuối cùng, thành trì của giặc lần lượt sụp đổ dưới đoàn quân khởi nghĩa. Tướng giặc sợ hãi, ôm đầu chạy về nước. Đất nước ta sạch bóng quân thù.

Hai Bà Trưng trở thành hai vị anh hùng chống ngoại xâm đầu tiên trong lịch sử đất nước ta. Để tưởng nhớ công ơn hai bà, dân ta đã lập đền thờ Hai Bà Trưng. Hằng năm, cứ độ xuân về, vùng Mê Linh lại rộn ràng tiếng chiêng, tiếng trống đón hội. Hai bà quả thực là những vị nữ tướng dũng cảm, anh hùng, đáng cảm phục.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 3 hay, chi tiết khác:

Kể những điều em biết về thành thị

Kể về gia đình em với một người bạn mới quen

Kể về lễ hội chọi gà

Kể về lễ hội chọi trâu

Kể về lễ hội Đền Hùng

1 12295 lượt xem
Tải về