Thanh toán trước hạn khoản vay có thế chấp thì có bị phạt không?

1. Vay thế chấp ngân hàng là gì?

Căn cứ tại Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau

“Điều 317. Thế chấp tài sản

1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.”

Cũng căn cứ tại khoản 7 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì:

“7. Cho vay là hình thức cấp tín dụng thông qua việc bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định, trong một thời gian nhất định, theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi theo thỏa thuận cho bên cho vay.”

Từ các quy định trên thì vay thế chấp ngân hàng là hình thức vay vốn ngân hàng sử dụng tài sản có giá trị để đảm bảo cho khoản vay, với điều kiện tài sản phải thuộc quyền sở hữu của khách hàng vay vốn. Như vậy, khi vay có thế chấp thì bạn phải có tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để đảm bảo khoản vay thì mới vay theo hình thức thế chấp ngân hàng.

2. Thanh toán trước hạn khoản vay có thế chấp thì có bị phạt không?

Căn cứ theo Điều 470 Bộ Luật dân sự 2015 có quy định về việc thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn như sau:

- Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.

- Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Căn cứ quy định trên thì người vay khi muốn thanh toán khoản vay trước kỳ hạn thì phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, không bị phạt do thanh toán trước hạn.

Thanh toán trước hạn khoản vay có thế chấp thì có bị phạt không?

3. Khi vay người vay phải trả những khoản phí nào?

Theo quy định tại Điều 14 Thông tư 39/2016/TT-NHNN thì tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về việc thu các khoản phí liên quan đến hoạt động cho vay bao gồm:

- Phí trả nợ trước hạn trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn.

- Phí trả cho hạn mức tín dụng dự phòng.

- Phí thu xếp cho vay hợp vốn.

- Phí cam kết rút vốn kể từ thời điểm thỏa thuận cho vay có hiệu lực đến ngày giải ngân vốn vay lần đầu.

- Các loại phí khác có liên quan theo quy định.

Theo đó, các khoản phí người vay phải trả cho tổ chức tín dụng sẽ tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của mỗi tổ chức tín dụng mà người vay có thể phải trả hoặc không phải trả những khoản phí này.

4. Tranh chấp về phí thanh toán nợ trước hạn với khách hàng xử lý như thế nào?

Khi có phát sinh tranh chấp về những trường hợp trong hợp đồng cho vay không thể hiện rõ phí trả nợ trước hạn hoặc thời hạn tất toán thì khách hàng có quyền khiếu nại trực tiếp với ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng đó.

Theo Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì hợp đồng cho vay là hợp đồng dân sự nên khách hàng vay có thể đề nghị Tòa án cấp huyện để giải quyết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Cũng theo quy định tại Khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì nếu phía ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng vi phạm cam kết trong hợp đồng nhưng không có thiện chí giải quyết tranh chấp một cách ổn thỏa thì khách hàng có thể gửi đơn kiện đến tòa án.

Trên đây là những nội dung liên quan đến thanh toán trước hạn khoản vay có thế chấp thì có bị phạt không? mà chúng tôi muốn cập nhật với bạn đọc. Hi vọng những kiến thức này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những vấn đề liên quan đến thanh toán trước hạn khoản vay có thế chấp.

Xem thêm các bài viết có liên quan:

Lãi suất cho vay của ngân hàng nhà nước Việt Nam là bao nhiêu?

Mẫu giấy vay tiền cá nhân mới nhất và cách viết