Nhà xưởng sản xuất, kho chứa hóa chất nguy hiểm phải đạt những yêu cầu nào?

Nhà xưởng sản xuất, kho chứa hóa chất nguy hiểm phải đạt những yêu cầu nào?

1. Hóa chất là gì?

Hóa chất là đơn chất, hợp chất hoặc hỗn hợp chất được con người khai thác hoặc tạo ra từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, nguyên liệu nhân tạo. Nói một cách đơn giản, hóa chất là những chất có thành phần hóa học xác định và có thể tham gia vào các phản ứng hóa học.

Ví dụ: muối ăn (NaCl), đường (C₁₂H₂₂O₁₁), axit sulfuric (H₂SO₄), xăng, dầu, nhựa, thuốc trừ sâu,... đều là hóa chất.

Hóa chất được phân loại dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, chẳng hạn như:

- Tính chất: Hóa chất hữu cơ (chứa carbon), hóa chất vô cơ (không chứa carbon), hóa chất độc hại, hóa chất dễ cháy,...

- Công dụng: Hóa chất công nghiệp, hóa chất nông nghiệp, hóa chất y tế,...

- Trạng thái: Hóa chất rắn, lỏng, khí,...

2. Hóa chất như thế nào được xem là hóa chất nguy hiểm?

Căn cứ theo Mục I Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05A:2020/BCT về An toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm là hóa chất có một hoặc một số đặc tính nguy hiểm sau đây theo nguyên tắc phân loại của GHS: dễ nổ; ôxy hóa mạnh; ăn mòn mạnh; dễ chảy; độc cấp tính, độc mãn tính; gây kích ứng với con người; gây ung thư hoặc có nguy cơ gây ung thư; gây biến đổi gen; độc đối với sinh sản; tích luỹ sinh học; ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ; độc hại đến môi trường.

3. Điểm khác biệt chính giữa hóa chất và hóa chất nguy hiểm

Điểm khác biệt chính giữa hóa chất và hóa chất nguy hiểm
Điểm khác biệt chính giữa hóa chất và hóa chất nguy hiểm

Tất cả hóa chất đều có tính chất hóa học riêng. Tuy nhiên, hóa chất nguy hiểm thường có thêm các tính chất đặc biệt như độc tính, dễ cháy, nổ, ăn mòn, gây kích ứng...

Đặc điểm

Hóa chất

Hóa chất nguy hiểm

Định nghĩa

Chất đơn chất, hợp chất hoặc hỗn hợp chất

Hóa chất có khả năng gây hại

Tính chất

Đa dạng

Độc tính, dễ cháy, nổ, ăn mòn...

Tác hại

Có thể có hoặc không

Gây hại cho sức khỏe và môi trường

Quy định

Thường chung

Nghiêm ngặt hơn

4. Khoảng cách an toàn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm được xác định như thế nào?

Căn cứ theo Điều 22 Nghị định 113/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hóa chất như sau:

"Điều 22. Xác định khoảng cách an toàn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm

1. Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật về khoảng cách an toàn cụ thể đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, cất giữ, sử dụng hóa chất nguy hiểm quy định tại Phụ lục IV Nghị định này.

2. Trách nhiệm thực hiện thiết lập khoảng cách an toàn

a) Các dự án đầu tư có hoạt động sản xuất, kinh doanh, cất giữ, sử dụng hóa chất nguy hiểm quy định tại Phụ lục IV Nghị định này được cơ quan có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở sau ngày quy chuẩn kỹ thuật về khoảng cách an toàn có hiệu lực phải thiết lập khoảng cách an toàn đối với các điểm dân cư, công trình công cộng, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu dự trữ thiên nhiên, vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn loài sinh cảnh, khu bảo tồn biển, nguồn nước sinh hoạt trong báo cáo nghiên cứu khả thi;

b) Tổ chức, cá nhân không được xây dựng nhà ở và công trình khác trong phạm vi khoảng cách an toàn, trừ công trình chuyên dụng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

c) Tổ chức, cá nhân phải đảm bảo duy trì khoảng cách an toàn khi tiến hành lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, lựa chọn địa điểm xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, các dự án liên quan."

Căn cứ Mục II Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05A:2020/BCT nhà xưởng sản xuất, kho chứa hóa chất nguy hiểm phải đạt những yêu cầu sau:

- Nhà xưởng sản xuất, kho chứa hóa chất nguy hiểm, khi thiết kế xây dựng mới hoặc cải tạo phải thực hiện theo quy định tại QCVN 06: 2020/BXD; TCVN 4604: 2012 và các quy định pháp luật có liên quan, phù hợp với tính chất, quy mô và công nghệ sản xuất, lưu trữ hóa chất.

- Đường, lối thoát nạn của nhà xưởng, kho chứa hóa chất phải được thiết kế, xây dựng theo quy định tại QCVN 06: 2020/BXD và các quy định hiện hành.

- Hệ thống thông gió của nhà xưởng, kho chứa hóa chất nguy hiểm phải được lắp đặt để đảm bảo giá trị cho phép vi khí hậu tại nơi làm việc quy định tại QCVN 26 : 2016/BYT.

- Hệ thống chiếu sáng nhà xưởng sản xuất, kho chứa hóa chất nguy hiểm phải đảm bảo mức cho phép chiếu sáng nơi làm việc theo quy định tại QCVN 22: 2016/BYT.

- Nhà xưởng, kho chứa hóa chất nguy hiểm phải có hệ thống thu lôi chống sét hoặc nằm trong khu vực được chống sét an toàn và được định kỳ kiểm tra theo các quy định hiện hành.

- Nhà xưởng, kho chứa hóa chất nguy hiểm phải được kiểm tra định kỳ hàng năm về an toàn và biện pháp đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão. Biên bản kiểm tra phải được lưu giữ đến kỳ kiểm tra tiếp theo.

- Sàn nhà xưởng, kho chứa hóa chất phải chịu được tải trọng, chịu được ăn mòn hóa chất, không trơn trượt.

- Nhà xưởng, kho chứa có hóa chất nguy hiểm phải có ít nhất 2 lối ra, vào. Các lối ra, vào, cửa thoát nạn, lối đi cho người đi bộ không bị cản trở.

- Nhà xưởng, kho chứa hóa chất nguy hiểm phải lắp đặt thiết bị rửa mắt khẩn cấp và tắm khẩn cấp đảm bảo khoảng cách từ khu vực có thao tác tiếp xúc với hóa chất nguy hiểm đến thiết bị rửa mắt, tắm khẩn cấp trong phạm vi bán kính 10 m, nhưng không gần hơn 2 m.

- Kho chứa hóa chất nguy hiểm phải được bố trí, phân chia khu vực sắp xếp theo tính chất của từng loại, nhóm hóa chất.

- Các hóa chất có đặc tính không tương thích phải được bảo quản bằng cách phân lập khu vực theo khoảng cách an toàn hoặc cách ly trong các khu vực riêng biệt bằng tường chắn để đảm bảo không tiếp xúc với nhau kể cả khi xảy ra sự cố. Các hóa chất có đặc tính không tương thích được quy định chi tiết tại Phụ lục B của Quy chuẩn này.

- Khi xếp hóa chất trong kho phải đảm bảo yêu cầu an toàn cho người lao động và hàng hóa như

- Sắp xếp hóa chất trên các kệ, giá đỡ, tủ,... chứa hóa chất phải đảm bảo an toàn tải trọng thiết kế và tải trọng cho phép của sàn.

- Xếp chồng các phương tiện chứa hóa chất phải đảm bảo khả năng chịu tải cho phép của pa-lết Không xếp nhiều hơn ba (03) tầng đối với phương tiện chứa dung tích dưới 1.000 I. Không xếp nhiều hơn hai (02) tầng đối với phương tiện chứa dung tích trên 1.000 l.

- Nhà xưởng, kho chứa hóa chất nguy hiểm dạng lỏng phải có hệ thống bờ, rãnh thu gom để đảm bảo; hóa chất không thoát ra môi trường; hóa chất không tiếp xúc với các loại hóa chất có khả năng phản ứng trong trường hợp xảy ra sự cố tràn đổ, rò rỉ hóa chất nguy hiểm khác.

- Khu vực lưu chứa hóa chất tràn đổ, hóa chất thải bỏ, bao bì, thiết bị chứa đã qua sử dụng, các hóa chất hết hạn sử dụng phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và quản lý chất thải nguy hại.

Xem thêm các bài viết có liên quan:

Tổng giá trị các hóa đơn trong ngày trên 20 triệu có được thanh toán bằng tiền mặt không?

Miễn thuế đối với hàng nhập khẩu gia công

Phạm vi bảo hiểm bắt buộc công trình xây dựng