Ký giả chữ ký bị xử lý như thế nào? Cách nhận diện và phòng tránh việc giả chữ ký?

Ký giả chữ ký bị xử lý như thế nào? Cách nhận diện và phòng tránh việc giả chữ ký?

1. Thế nào là giả mạo chữ ký?

Chữ ký là một biểu tượng viết tay của con người, có thể là tên, biệt danh hay một ký hiệu bất kỳ để thể hiện dấu ấn của một người. Do vậy, chữ ký của mỗi người sẽ do chính người ấy sáng tạo ra nên thường khó có sự trùng lặp.

Giả mạo chữ ký được hiểu là hành vi tạo ra biểu tượng viết tay không thực của người khác nhằm mục đích vụ lợi hoặc mục đích cá nhân khác. Chủ thể thực hiện hành vi này gồm cả những người có chức vụ, quyền hạn và những người không có chức vụ, quyền hạn.

Giả mạo chữ ký hiện nay được thực hiện dưới nhiều dạng với nhiều mục đích khác nhau gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác, đồng thời làm giảm uy tín của các cơ quan Nhà nước. Tùy theo hành vi và mức độ hậu quả gây ra, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự về tội tương ứng. Trong đó, hành vi giả mạo chữ ký để chiếm đoạt tài sản là hành vi phạm tội phổ biến nhất.

2. Dấu hiệu pháp lý của tội phạm tội làm giả chữ ký người khác

Chủ thể: Đủ điều kiện về độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự, là người có chức vụ, quyền hạn ở trong một lĩnh vực nào đó.

Khách thể: Tác động làm sai lệch,tài liệu, giấy tờ của cá nhân cơ quan tổ chức, làm mất uy tín đến cá nhân tổ chức có tài liệu đó.

Mặt khách quan: Là việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người có thẩm quyền dẫn đến hậu quả cho xã hội.

Mặt chủ quan: Người thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp bởi xuất phát từ động cơ vụ lợi hoặc là vì động cơ cá nhân, nên sẽ thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp.

Khi tham gia vào quan hệ giao dịch dân sự mà người nào thực hiện thủ đoạn đoạn gian dối như hành vi giả mạo chữ ký để lừa người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

3. Xử phạt hành chính hành vi giả mạo chữ ký

Căn cứ vào từng tính chất của từng vụ việc, mục đích của hành vi giả mạo chữ ký mà người giả mạo chữ ký có thể bị xử lý bằng các biện pháp xử phạt hành chính được quy định tại Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 gồm:

– Cảnh cáo

– Phạt tiền

– Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn

– Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính

– Trục xuất

Ngoài ra trong một số trường hợp cụ thể, pháp luật có những quy định riêng như:

- Giả mạo chữ ký trong hoạt động công chứng, chứng thực:

Theo quy định tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP, mức xử phạt vi phạm hành chính như sau:

+ Phạt tiền từ 25 - 35 triệu đồng trong trường hợp giả mạo chũ ký của công chứng viên (điểm b khoản 6 Điều 15);

+ Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng trong trường hợp giả mạo chữ ký của người thực hiện chứng thực (điểm a khoản 2 Điều 34).

- Giả mạo chữ ký trong hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của người yêu cầu đăng ký trong phiếu yêu cầu đăng ký hoặc chữ ký trong văn bản thông báo về việc kê biên hoặc giải toả kê biên tài sản để thi hành án dân sự.

- Giả mạo chữ ký trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm. Đồng thời, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

- Giả mạo chữ ký trong lĩnh vực kiểm toán:

Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 8 Nghị định 41/2018/NĐ-CP, phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng với trường hợp chữ ký của một người không thống nhất hoặc không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký.

4. Tội giả mạo chữ ký bị xử lý thế nào?

-Hành vi giả mạo chữ ký nhằm chiếm đoạt tài sản

Giả mạo chữ ký nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thường xuất hiện trong trường hợp mua bán hợp đồng, hợp đồng vay vốn, hợp đồng… Người thực hiện hành vi giả mạo chữ ký có thể bị xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, mức phạt thấp nhất Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm trong trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá từ 02 - dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp:

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

+ Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội: Tội trộm cắp tài sản; Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản;… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Mức phạt cao nhất của Tội này là phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân với trường hợp:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;

+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Hành vi giả mạo chữ ký trong công tác

Hành vi giả mạo chữ ký trong trường hợp này được thực hiện bởi người có quyền hạn, chức vụ. Cụ thể, theo Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn thì bị phạt tù từ 01 - 05 năm, mức phạt cao nhất là phạt tù từ 12 - 20 năm.

5. Cách nhận diện và phòng tránh việc giả chữ ký

Cách nhận diện và phòng tránh việc giả chữ ký?

Theo như số liệu thống kê thì thông thường sẽ có những cách giả mạo chữ ký phổ biến nhất như sau:

Ký giả theo trí nhớ

Thông thường thì những đối tượng có thể áp dụng được cách giả mạo chữ ký này đều đã phải có một thời gian dài để quan sát chữ ký thật của người bị làm giả. Họ để ý từng chi tiết sau đó nhớ lại các đặc điểm để ký theo.

Để có thể luyện thành thạo phương pháp ký giả này thì yêu cầu tốc độ ký phải khá nhanh cũng như có độ điêu luyện và mức độ liên kết cao. Nhìn chung qua thì hình dáng khá giống so với chữ ký thật.

Cách giả mạo chữ ký theo trí nhớ được nhiều đối tượng áp dụng

Cách nhận biết:

Việc dựa trên quan sát để làm ký giả thì khi so sánh đối chiếu vẫn sẽ có một số các kẽ hở. Ở một số chữ thì sẽ có nét thừa hoặc thậm chí là nét thiếu, tại các nét bắt đầu và nét kết thúc cũng như hướng đi của chữ ký là những điểm dễ nhận biết nhất.

Làm giả chữ ký

Cách giả mạo chữ ký này thường bị nhầm lẫn với phương pháp ký giả theo trí nhớ. Tuy nhiên những người làm giả chữ ký của người khác thì sẽ có một bản mẫu sẵn chữ ký thật và nhìn theo đó để ký theo.

Cách nhận biết:

Khi so sánh thì kiểu chữ ký này có tốc độ ký khá chậm và không hề trơn. Ngoài ra nét bắt đầu và nét kết thúc cũng sẽ không được tự nhiên.

Sử dụng chữ ký in

Các đối tượng sử dụng phương pháp này thì sẽ dùng các thiết bị in ấn để in lại chữ ký gốc. Nếu như chỉ nhìn thoáng qua thì rất khó để phân biệt vì đặc điểm hình thức giống hoàn toàn so với chữ ký thật.

Cách nhận biết:

Khi đối chiếu thì không hề có vết hằn trên giấy, màu mực khi ký cũng không được tự nhiên và ở giữa của nét mực thì sẽ không có vết kéo của đầu bút.

Tô đồ lại chữ ký

Các đối tượng sử dụng cách giả mạo chữ ký này thường sẽ dựa trên chữ ký thật rồi sử dụng một số phương tiện để tô lại qua ánh sáng ngược hoặc giấy than, thậm chí là vết hằn trên tài liệu.

Đối với việc tô lại qua ánh sáng ngược thì sẽ đặt tài liệu có chữ ký thật lên trên một tấm kính trong suốt. Tiếp tục sẽ đặt tài liệu cần có chữ ký giả bên trên rồi thông qua chữ ký thật phản chiếu trên tài liệu để tô lại các đường nét chữ ký thật.

Đối với việc tô lại qua giấy than thì cũng đặt tài liệu có chữ ký thật lên trên tài liệu cần chữ ký giả qua lớp giấy than. Các đối tượng sẽ sử dụng bút chì để tô theo đường nét chữ kỹ thuật.

Cách nhận biết:

Nhìn chung thì nhìn qua rất khó để có thể phân biệt được chữ ký thật và chữ ký giả vì cấu tạo và hình dáng khá giống nhau. Tuy nhiên thì tốc độ ký của chữ ký giả theo cách này đều chậm và nét không trơn. Mực ở các nét cũng không đều nhau. Ngoài ra thì đối với trường hợp tôi qua giấy than cũng có thể bị hằn vết bẩn của giấy than ở tài liệu.

6. Những lưu ý để tránh bị giả mạo chữ ký

Loại bỏ những kiểu chữ ký quá đơn giản

Thông thường thì chữ ký sẽ do một người tự tạo ra cho mình và khi mới bắt đầu thì bất cứ ai cũng luôn lựa chọn những loại chữ ký rất đơn giản. Tuy nhiên có lẽ bạn chưa nghĩ đến hậu quả của vấn đề này.

Chính vì thế nếu như bạn vẫn còn giữ những kiểu chữ ký có đường nét chữ cái quá thông thường và dễ để bắt chước thì tốt nhất là nên đổi để tránh trường hợp bị giả mạo. Như đã nói ở trên thì khi chữ ý càng đơn giản thì kẻ lừa đảo càng dễ mô phỏng.

Hạn chế sử dụng những đường nét quá đơn giản khi ký

Ngoài ra thì bạn cũng nên tự cá nhân hóa chữ ký của mình. Đừng nên lựa chọn những mẫu khí tự quá quen thuộc mà hãy đưa vào một vài điểm nhấn cá nhân để có thể phân biệt. Những phong cách đặc trưng thì thường rất khó bị làm giả.

Phức tạp hoá chữ ký bằng những đường giao nhau và những điểm chuyển ngoặt

Những kiểu chữ ký có nhiều đường giao nhau và có nhiều điểm chuyển ngoặt thì thường sẽ khó giả mạo hơn. Việc đa dạng hóa thay đổi trong hướng bút sẽ giúp cho chữ ký của bạn trở nên phức tạp và màu mè hơn. Chính những việc tạo điểm nhấn trên các đường nét như vậy thì sẽ khiến cho hướng đi của bút bị rối và rất khó để mô phỏng lại hoàn hảo.

Tốc độ ký nhanh

Những người có tốc độ ký quá chậm thường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những kẻ lừa đảo hoặc những kẻ giả mạo chữ ký. Trước hết thì bạn hãy quyết định ký một kiểu thống nhất nhưng không phải là những chữ ký giống nhau như một.

Khi bạn có tốc độ ký nhanh và cử động ký lưu loát thì sẽ có những độ nét thanh đậm khác nhau và để một kẻ giả mạo làm lại được điều này thì cũng rất khó.

Trên đây là những quy định xử lý hành vi giả chữ ký và cách nhận diện, phòng tránh hành vi giả mạo chữ ký.

Xem thêm các bài viết liên quan tại:

Trẻ em phạm tội có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Tổng hợp các quy định về trách nhiệm dân sự

Giá trị và ý nghĩa của chứng nhận phòng cháy chữa cháy? Điều kiện và thủ tục để được cấp chứng nhận phòng cháy chữa cháy

Xử lý hành vi liên quan đến các tệ nạn xã hội. Trách nhiệm của từng cá nhân và tổ chức