Nguyên tắc hành nghề Luật sư và Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam

Nguyên tắc hành nghề Luật sư và Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam

1. Luật sư và điều kiện hành nghề luật sư

Theo cách hiểu đơn giản, Luật sư là một công việc yêu cầu chuyên môn trong lĩnh vực pháp lý. Người hành nghề này được đào tạo chuyên sâu về luật pháp, hiểu biết rõ về các quy định pháp luật và sở hữu kỹ năng tranh tụng tại tòa. Luật sư thực hiện các công việc như tư vấn pháp lý cho cá nhân hoặc tổ chức, đại diện cho khách hàng trong giải quyết các tranh chấp pháp lý, bảo vệ quyền lợi của họ trước pháp luật và tham gia vào quá trình xây dựng, hiệu chỉnh các điều lệ pháp lý.

Còn theo quy định của pháp luật, căn cứ tại Điều 2 Luật Luật sư 2006, sửa đổi, bổ sung 2012: Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là khách hàng).

Để trở thành một luật sư, cá nhân hành nghề luật sư cần có điều kiện thỏa Điều 11 Luật Luật sư 2006, sửa đổi, bổ sung 2012:

Điều 11. Điều kiện hành nghề luật sư

Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật Luật sư 2006, sửa đổi, bổ sung 2012 muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.

Điều 10. Tiêu chuẩn luật sư

Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư.”

2. Các nguyên tắc hành nghề luật sư

Nguyên tắc hành nghề luật sư bao gồm các tiêu chí cơ bản giúp đảm bảo hoạt động của luật sư được thực hiện một cách chuyên nghiệp, công bằng và có trách nhiệm. Các nguyên tắc này quy định tại Điều 5 Luật Luật sư 2006, sửa đổi, bổ sung 2012 bao gồm:

“Điều 5. Nguyên tắc hành nghề luật sư

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

2. Tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam

3. Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.

4. Sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.

5. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp luật sư.”

Nguyên tắc hành nghề Luật sư và Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam
Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam

3. Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam

Tại Điều 2 Quyết định 201/QĐ-HĐLST đã định nghĩa: “ Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam là cơ sở để xây dựng các giá trị chuẩn mực của nghề luật sư; thực hiện việc giám sát, xem xét khen thưởng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật đối với luật sư trong phạm vi tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư.

Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư mới nhất được ban hành kèm theo Quyết định 201/QĐ-HĐLSTQ, bao gồm 32 quy tắc:

- Quy tắc 1: Sứ mệnh của luật sư

- Quy tắc 2: Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan

- Quy tắc 3: Giữ gìn danh dự, uy tín và phát huy truyền thống của luật sư

- Quy tắc 4: Tham gia hoạt động cộng đồng

- Quy tắc 5: Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng

- Quy tắc 6: Tôn trọng khách hàng

- Quy tắc 7: Giữ bí mật thông tin

- Quy tắc 8: Thù lao

- Quy tắc 9: Những việc luật sư không được làm trong quan hệ khách hàng

- Quy tắc 10: Tiếp nhận vụ việc của khách hàng

- Quy tắc 11: Những trường hợp luật sư phải từ chối khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng

- Quy tắc 12: Thực hiện vụ việc của khách hàng

- Quy tắc 13: Từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc của khách hàng

- Quy tắc 14: Giải quyết khi luật sư đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý

- Quy tắc 15: Xung đột về lợi ích

- Quy tắc 16: Thông báo kết quả thực hiện vụ việc

- Quy tắc 17: Tình đồng nghiệp của luật sư

- Quy tắc 18: Tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp

- Quy tắc 19: Cạnh tranh nghề nghiệp

- Quy tắc 20: Ứng xử khi có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp

- Quy tắc 21: Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp

- Quy tắc 22: Ứng xử của luật sư trong tổ chức hành nghề luật sư

- Quy tắc 23: Ứng xử của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân

- Quy tắc 24: Quan hệ với người tập sự hành nghề luật sư

- Quy tắc 25: Quan hệ của luật sư với tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư

- Quy tắc 26: Quy tắc chung khi tham gia tố tụng

- Quy tắc 27: Ứng xử tại phiên tòa

- Quy tắc 28: Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng

- Quy tắc 29: Ứng xử của luật sư trong quan hệ với các cơ quan nhà nước khác

- Quy tắc 30: Ứng xử trong quan hệ với các tổ chức, cá nhân khác

- Quy tắc 31: Thông tin, truyền thông

- Quy tắc 32: Quảng cáo

4. Các hành vi bị nghiêm cấm đối với luật sư

Các hành vi bị nghiêm cấm đối với luật sư được quy định tại Điều 9 Luật Luật sư 2006, sửa đổi, bổ sung 2012 bao gồm:

- Cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án hình sự, vụ án dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự, các việc khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là vụ, việc);

- Cố ý cung cấp hoặc hướng dẫn khách hàng cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật; xúi giục người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự khai sai sự thật hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện trái pháp luật;

- Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;

- Sách nhiễu, lừa dối khách hàng;

- Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý;

- Móc nối, quan hệ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cán bộ, công chức, viên chức khác để làm trái quy định của pháp luật trong việc giải quyết vụ, việc;

- Lợi dụng việc hành nghề luật sư, danh nghĩa luật sư để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

- Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích khác khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho các khách hàng thuộc đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; từ chối vụ, việc đã đảm nhận theo yêu cầu của tổ chức trợ giúp pháp lý, của các cơ quan tiến hành tố tụng, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc theo quy định của pháp luật;

- Có lời lẽ, hành vi xúc phạm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình tham gia tố tụng;

- Tự mình hoặc giúp khách hàng thực hiện những hành vi trái pháp luật nhằm trì hoãn, kéo dài thời gian hoặc gây khó khăn, cản trở hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác.

5. Ý nghĩa và tác động của nguyên tắc và bộ quy tắc

Nguyên tắc hành nghề và Bộ Quy tắc Đạo đức không chỉ là công cụ quản lý nghề nghiệp mà còn là nền tảng xây dựng niềm tin của xã hội đối với nghề luật. Việc tuân thủ các quy tắc này sẽ giúp luật sư:

- Xây dựng uy tín: Luật sư có thể xây dựng uy tín cá nhân và uy tín nghề nghiệp, từ đó thu hút được nhiều khách hàng hơn.

- Bảo vệ quyền lợi khách hàng: Đảm bảo quyền lợi của khách hàng được bảo vệ một cách tốt nhất, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý.

- Góp phần nâng cao chất lượng tư pháp: Luật sư làm việc một cách chuyên nghiệp sẽ góp phần cải thiện chất lượng tư pháp, giúp hệ thống pháp luật vận hành hiệu quả hơn.

Xem thêm các bài viết liên quan

Khi nào được đặc cách xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức ?