Giấy ủy quyền là gì?

1. Giấy ủy quyền viết tay là gì?

Giấy ủy quyền viết tay là một văn bản được lập ra giữa hai bên, trong đó bên ủy quyền giao phó cho bên được ủy quyền thực hiện một hoặc nhiều công việc nhất định. Giấy ủy quyền viết tay có thể được lập ra trong nhiều trường hợp khác nhau, chẳng hạn như:

- Bên ủy quyền không thể tự mình thực hiện công việc do lý do sức khỏe, địa lý, hoặc lý do khác.

- Bên ủy quyền muốn ủy quyền cho người khác thực hiện công việc để tiết kiệm thời gian và công sức.

- Bên ủy quyền muốn ủy quyền cho người khác thực hiện công việc có tính chất pháp lý, chẳng hạn như nhận lương hưu, nhận tiền bảo hiểm, làm thủ tục hành chính, v.v.

Giấy ủy quyền viết tay có thể được lập theo mẫu có sẵn hoặc tự viết theo ý muốn của bên ủy quyền. Tuy nhiên, dù được lập theo cách nào, giấy ủy quyền viết tay cũng cần đảm bảo các nội dung sau:

- Ngày, tháng, năm lập giấy ủy quyền.

- Họ tên, địa chỉ của bên ủy quyền và bên được ủy quyền.

- Nội dung công việc được ủy quyền.

- Thời hạn ủy quyền.

- Ký tên, ghi rõ họ tên của bên ủy quyền và bên được ủy quyền.

2. Hướng dẫn viết tay giấy ủy quyền

Mẫu giấy ủy quyền viết tay mới nhất

Hướng dẫn cách viết giấy ủy quyền viết tay:

- Ngày tháng năm lập ủy quyền.

- Thông tin cơ bản của người ủy quyền và người được ủy quyền như: Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính,CCCD/CMND...

- Ghi đầy đủ địa chỉ: Số nhà, ngõ (ngách, hẻm), đường phố, tổ (thôn, xóm, ấp), xã (phường, thị trấn), huyện (quận, thị xã, thành phố), tỉnh (thành phố);

- Ghi rõ nội dung ủy quyền. Nếu nội dung ủy quyền bao gồm cả làm đơn thì cũng phải ghi rõ làm ủy quyền làm đơn, các bên cần phải nêu rõ công việc ủy quyền. Làm loại thủ tục gì; nhận hồ sơ hưởng BHXH (bao gồm cả thẻ BHYT) nếu có; Nhận lương hưu hoặc loại trợ cấp gì; đổi thẻ BHYT, thanh toán BHYT, đổi sổ BHXH, điều chỉnh mức hưởng hoặc chế độ gì... trường hợp ủy quyền cho thực hiện toàn bộ thủ tục (bao gồm cả làm đơn, nộp, nhận hồ sơ, nhận tiền) thì phải ghi cụ thể.

- Thời hạn: Nêu rõ ngày tháng năm bắt đầu và kết thúc việc ủy quyền hoặc có thể ghi là “cho đến khi hoàn thành xong công việc ủy quyền”. Nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền. (Điều 563 Bộ luật Dân sự 2015).

- Chữ ký các bên: Bên ủy quyền và Bên được ủy quyền ký tên và ghi rõ họ tên.

Ngoài ra, giấy ủy quyền bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch tiếng Việt được chứng thực theo quy định của pháp luật.

3. Giấy ủy quyền viết tay có giá trị pháp lý hay không?

Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:

- Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

+ Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

+ Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

- Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Đồng thời, hình thức giao dịch dân sự như sau:

Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

Như vậy, giấy ủy quyền viết tay hoàn toàn có hiệu lực pháp lý, miễn đảm bảo các điều kiện có hiệu lực, hình thức, nội dung của giao dịch dân sự. Giấy ủy quyền viết tay có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức, pháp luật không quy định mẫu cụ thể cho giấy ủy quyền.

Thời hạn ủy quyền là bao lâu?

4. Thời hạn ủy quyền

Theo Điều 140 Bộ luật Dân sự 2015, thời hạn ủy quyền được xác định như sau:

+ Theo giấy ủy quyền;

+ Trong trường hợp giấy ủy quyền không xác định thời hạn ủy quyền thì sẽ xác định như sau:

+ Nếu quyền đại diện được xác định theo giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện được tính đến thời điểm chấm dứt giao dịch dân sự đó;

+ Nếu quyền đại diện không được xác định với giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện là 01 năm, kể từ thời điểm phát sinh quyền đại diện.

5. Giấy ủy quyền viết tay có cần công chứng hay không?

Theo quy định tại Luật Công chứng hiện nay thì không có thủ tục công chứng giấy ủy quyền mà chỉ đề cập tới việc công chứng ủy quyền.

Thông thường, giấy ủy quyền được sử dụng cho trường hợp ủy quyền đơn giản. Đối với những trường hợp phức tạp thì các bên sẽ sử dụng hợp đồng ủy quyền. Do vậy, giấy ủy quyền không phải công chứng.

Tại điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về các trường hợp chứng thực chữ ký có đề cập đến giấy ủy quyền như sau:

Chứng thực chữ ký trong giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.

Xem thêm bài viết liên quan:

Có thể ủy quyền cho người khác ký và nộp đơn khởi kiện thay mình không?

Mẫu 07/ĐK-NPT-TNCN đăng ký người phụ thuộc mới nhất 2024