Soạn bài Viết bài tập làm văn số 5 – Văn lập luận chứng minh | Ngắn nhất Soạn văn 7

Soạn bài Viết bài tập làm văn số 5 – Văn lập luận chứng minh lớp 7 ngắn nhất mà vẫn đủ ý giúp học sinh dễ dàng trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa Ngữ văn 7 Tập 2 từ đó soạn văn lớp 7 một cách dễ dàng.

1 336 lượt xem
Tải về


Soạn bài Viết bài tập làm văn số 5 – Văn lập luận chứng minh (ngắn nhất)

Soạn bài  Viết bài tập làm văn số 5 – Văn lập luận chứng minh ngắn gọn:

Đề 1 (trang 58 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Ít lâu nay, một số bạn trong lớp có phần lơ là học tập. Em hãy viết 1 bài văn để thuyết phục bạn: Nếu khi còn trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích.

Dàn ý

I. Mở bài:

- Dẫn dắt để giới thiệu được tình hình của lớp (có nhiều bạn lơ là học tập)

- Đưa ra chân lí: Nêu khi trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên ta sẽ chẳng làm được việc gì có ích.

II. Thân bài:

- Kể lại tình hình của lớp thời gian qua (tưởng tượng về chuyện có nhiều bạn lơ là học tập, say mê vào các trò chơi như: điện tử, cờ bạc, chat…)

- Chứng minh cho các bạn thấy: Nếu không chịu khó học tập từ khi còn trẻ, thì sẽ có nhiều cái hại:

+ Sẽ không có thời gian để bổ sung kiến thức

+ Không có kiến thức để làm việc sau này

+ Bị tụt hậu so với sự phát triển của xã hội nói chung

+ Ảnh hưởng đến gia đình và xã hội sau này

III. Kết bài: Khẳng định lại chân lí vừa nêu. Động viên các bạn tập trung việc học.

Bài làm

Trong mỗi chúng ta ai cũng có cho mình một ước mơ riêng, được trở thành những con người có ích cho xã hội. Và để đạt được giấc mơ đó mỗi người cần phải học tập và rèn luyện thật nhiều. Thế nhưng bên cạnh những con người đang cần mẫn học tập trau dồi kiến thức bản thân cũng có rất nhiều bạn trẻ lơ đãng trong học tập và còn mải chơi. Và nó thật đúng với câu ca dao mà các cụ bao đời vẫn nhắc nhở nhau rằng.

“Giàu đâu những kẻ ngủ trưa

Sang đâu những kẻ say sưa tối ngày”.

Thật vậy cuộc sống ngày càng phát triển thì nhu cầu về tri thức lại càng được đề cao. Dù bạn có ở bất kì đâu làm trong bất kì ngành nghề lĩnh vực nào thì cũng yêu cầu có bằng cấp học vấn. Dù có là những nghề cao quý như giáo viên, hay bác sĩ… cho đến những nghề tưởng chừng chỉ là dùng tay chân như công nhân, nông dân. Thế nhưng bạn đừng nghĩ những người lao động chân tay là không cần tri thức chỉ biết dùng sức lực để kiếm tiền. Bởi vì nếu không có tri thức thì họ sẽ bị lệ thuộc vào người khác, và nếu không có tri thức họ sẽ không thể phát minh ra những công cụ sản xuất tiên tiến giúp hạn chế sức người, tăng năng suất lao động.

Trong bất cứ xã hội nào thì cũng luôn trọng dụng những người có tri thức. Từ lịch sử xa xưa những người có tri thức luôn được đề cao đó là những anh hùng dân tộc như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… Hay đến những người có đóng góp đáng kể cho nền văn học nước nhà như : Nguyễn Du, Nguyễn Trãi… cho đến Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm… Lịch sử sẽ mãi chẳng thể nhớ mặt đặt tên cho họ nếu họ không dùng tri thức của mình để chinh phục nhân loại.

Thời xa xưa khi mà đất nước ta vẫn còn chịu ách thống trị của thực dân phong kiến nhà nước không quan tâm đến vấn đề giáo dục nhân dân nghèo nàn lạc hậu. Những người nghèo khổ phải chịu sự áp bức bóc lột đô hộ của quan tham. Lúc ấy họ chỉ biết than thân trách phận rằng cuộc sống họ khổ cực lầm than nhưng không hề hay biết chính cái dốt cái thiếu hiểu biết đã đẩy họ đến bước đường cùng như vậy. Xót xa nhất phải kể đến những người phụ nữ vì tư tưởng phong kiến lạc hậu không cho họ được học hành như cánh mày râu, suốt ngày chỉ biết quanh quẩn chuyện bếp núc nội trợ chính vì thế nên suốt đời họ không có tiếng nói không dám đấu tranh giành giật hạnh phúc cho riêng mình. Phải đến cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thì phụ nữ mới ý thức được thân phận thực sự của mình. Hay cuộc đời bà chú thơ Nôm Hồ Xuân Hương, một người phụ nữ có học vấn đã dám đứng lên dùng ngòi bút chiến đấu dũng cảm nói lên sự bất bình đẳng trong xã hội.

Tuổi trẻ là một giai đoạn mà con người chưa hoàn thiện về nhận thức, suy nghĩ cũng vô cùng nông nổi, dễ bị cuốn vào những thói ăn chơi đàn đúm. Các cụ thường nói “cái tốt khó học cái xấu dễ lây”, những thứ cám dỗ sẽ khiến bạn trở nên sa đọa nhanh hơn và khó lòng rút chân ra được. Thế nhưng tuổi trẻ cũng là lúc con người ta có nhiều đam mê và quyết tâm nhất để học tập và lao động. Nếu bạn không biết tận dụng nó để học để trau dồi kiến thức, đạo đức mà trượt dài trong tệ nạn thì có nghĩa là bạn đã đánh mất mình rồi đấy.

Các cụ ngày xưa đã từng dạy rằng “ có công mài sắt có ngày nên kim”. Để đạt được thành công thì con người ta phải đánh đổi đó không phải là những thứ gì quá xa xôi mà chính là thời gian, công sức mồ hôi và nước mắt. Chỉ có học thì con người ta mới có thể mở mang kiến thức và mang đến những đỉnh vinh quang mới. Đến một nhà hiền triết như Lê nin cũng từng nói “ Học, học nữa học mãi”. Vì thế khi còn trẻ bạn hãy tự cho mình cái quyền được vấp ngã được thử thách để tôi luyện chất thép trong con người. Trên con đường thành công sẽ không bao giờ có dấu chân của những kẻ lười biếng. Chỉ khi nào chúng ta trải qua khổ tận rồi mới tới được ngày cam lai mà thôi. Hãy sống làm sao để sau này chính bạn không phải thốt lên hai từ “Giá như…”

Con đường học vấn không bao giờ và chưa bao giờ là dễ dàng cả. Để đạt được thành công có khi bạn phải trải qua một chặng đường vô cùng gian nan và khổ ải. Vì thế ngay từ lúc này khi bạn còn trẻ còn nhiệt huyết và đam mê hãy cháy hết mình vì nó để tương lai của bạn sáng lạn và tươi đẹp hơn.

Đề 2 (trang 58 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Hãy chứng minh rằng bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

Dàn ý

I. Mở bài

- Thiên nhiên ưu đãi cho nước ta không chỉ biển bạc mà còn cả rừng vàng.

- Rừng mang lại cho con người chúng ta những nguồn lợi vô cùng to lớn về vật chất. Và hơn thế nữa, thực tế cho thấy rằng, cao hơn cả giá trị vật chất, rừng còn là chính cuộc sống của chúng ta.

II. Thân bài

- Bảo vệ rừng là góp phần bảo vệ môi trường sống:

+ Rừng là ngôi nhà chung của muôn loài thực vật, trong đó có những loài vô cùng quý hiếm.

+ Rừng là lá phổi xanh của trái đất. Chỉ riêng hình ảnh lá phổi cũng đã nói lên sự quan trọng vô cùng của rừng với cuộc sống con người.

+ Rừng ngăn nước lũ, chống xói mòn, điều hòa khí hậu. Hầu như mọi hiện tượng bất thường của khí hậu đều có nguồn gốc từ việc con người không bảo vệ rừng.

+ Ở Việt Nam chúng ta, suốt từ Bắc đến Nam, lũ lụt, hạn hán xảy ra liên miên trong nhiều năm qua là bởi rừng đã bị con người khai thác, chặt phá không thương tiếc.

- Bảo vệ rừng là bảo vệ những nguồn lợi kinh tế to lớn mà rừng đem lại cho con người.

+ Rừng cho gỗ quý, dược liệu, thú, khoáng sản…

+Rừng thu hút khách du lịch sinh thái.

- Rừng đã góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng.

+ Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.

+ Rừng đã cùng con người đánh giặc.

III. Kết bài

- Khẳng định lại vai trò to lớn của rừng.

- Khẳng định ý nghĩa của việc bảo vệ rừng.

- Nêu trách nhiệm cụ thể: bảo vệ rừng tức là khai thác có kế hoạch; không chặt phá, đốt rừng bừa bãi; trồng rừng, khôi phục những khu rừng bị tàn phá.

Bài làm

Rừng là lá phổi xanh của thế giới. Bởi vậy mà bảo vệ rừng có một vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của nhân loại. Có thể khẳng định rằng: “Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta”.

Rừng được hiểu là một hệ sinh thái bao gồm quần thể thực vật, động vật, vi sinh vật… cùng sinh trưởng và phát triển trên những vùng đất cao rộng, đặc biệt là đồi núi. Rừng là một phần không thể thiếu trong môi trường tự nhiên. Đối với mỗi quốc gia, rừng được coi là tài sản quý giá. Đặc biệt khi ở Việt Nam 3/4 diện tích là đồi núi, thì rừng lại có vai trò càng quan trọng hơn. Bởi vậy mà việc bảo vệ rừng là cần thiết. Rừng là ngôi nhà chúng của rất nhiều loài động, thực vật. Một khi ngôi nhà đó bị phá hoại thì các loài động, thực vật đó cũng không thể sống sót. Điều đó sẽ khiến cho hệ sinh thái bị mất cân bằng. Cây xanh có khả năng lọc không khí, giúp cho bầu không khí trong lành hơn. Chính vì vậy mà con người mới coi rừng như một lá phổi tự nhiên của nhân loại. Rừng cũng giúp ngăn nước lũ, chống xói mòn, điều hòa khí hậu. Khi con người chặt phá rừng, thì mưa lớn sẽ khiến cho lớp đất đá bị cuốn trôi gây ra hiện tượng sạt lở đất, lũ lụt ở vùng núi. Nhờ có tán lá xoè rộng như chiếc ô, nước mưa không xối thẳng xuống mặt đất, nắng không đốt cháy mặt đất, nên lớp đất trên mặt khó bị rửa trôi theo nước mưa.

Không chỉ bảo vệ cuộc sống của con người. Rừng còn đem lại giá trị kinh tế lớn. Bởi vậy mà ông cha ta mới có câu: “Rừng vàng biển bạc” là thế. Trong rừng có rất nhiều loài động vật hoang dã, có giá trị kinh tế cao. Nhiều loại cây cung cấp nguồn nguyên liệu quý cho công nghiệp và dược phẩm, là nguồn gen hoang dại có giá trị trong lai tạo giống mới cho nông nghiệp và chăn nuôi. Rừng còn là một địa điểm du lịch thú vị cho những người ưa thích khám phá mạo hiểm. Ngoài ra, rừng đôi khi còn trở thành bạn của con người. Trong chiến tranh, bộ đội ta phải sống trong rừng. Rừng giúp chúng ta ẩn nấp, rừng giúp vây bắt quân thù. Đặc biệt, với đất nước có diện tích rừng lớn như Việt Nam. Thì rừng còn trở thành ranh giới tự nhiên với các nước láng giềng, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng…

Với tầm quan trọng như vậy, thì bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi con người. Chúng ta cần có những biện pháp tích cực như: trồng cây gây rừng, không chặt phá rừng bừa bãi, khai thác rừng đúng cách, không đốt rừng làm nương rẫy, hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây”... Những hành động nhỏ bé sẽ góp phần tích cực trong việc bảo vệ rừng.

Qua đây, mỗi người đã thấy được vai trò của rừng trong cuộc sống. Việc bảo vệ rừng không phải chỉ riêng một cá nhân, mà còn là của toàn nhân loại. Hãy cùng nhau bảo vệ rừng.

Đề 3 (trang 59 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Dân gian ta có câu tục ngữ: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Nhưng có bạn lại bảo: “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng” . Em hãy viết một bài văn chứng minh thuyết phục bạn ấy theo ý kiến của em.

Dàn ý

I. Mở bài:

- Giới thiệu chung về vấn đề.

- Đưa ra hai quan điểm? Là bạn, bạn sẽ giải thích sao về điều này?

II. Thân bài:

1. Giải thích:

- Cả hai ý kiến đều đề cập đến hình ảnh mực và đèn, đây là những hình ảnh biểu tượng.

- “Mực” tượng trưng cho những điều xấu. “Đèn” lại là sự ẩn dụ cho những điều tươi sáng.

- Cùng dùng chung những hình ảnh giàu tính biểu tượng, song nội dung hai ý kiến lại trái ngược nhau.

- Ý kiến thứ nhất khẳng định sự thay đổi của mỗi con người trong cuộc đời phụ thuộc vào hoàn cảnh sống, những người xung quanh mà ta tiếp xúc hàng ngày.

- Ý kiến thứ hai lại phủ định lại điều nói trên khi cho rằng mỗi người có sự độc lập hoàn toàn với những tác động, ảnh hưởng của cuộc sống xung quanh.

- Hai ý kiến không phủ định nhau mà bổ sung cho nhau, góp phần đem đến cho người đọc cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề: trong từng hoàn cảnh, những tác động từ bên ngoài có thể ảnh hưởng đến bản thân mỗi người và ngược lại.

2. Chứng minh:

a. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng:

- Mọi thứ ta trải qua, mọi điều ta giải quyết đều phải đặt trong những hoàn cảnh riêng của nó, không thể tách biệt hoàn toàn bản thân mình với hoàn cảnh sống, hoàn cảnh xã hội.

- Khi hoàn cảnh sống tác động đến mỗi người, bản thân họ phải biết thay đổi để thích nghi, một khi thích ứng được với hoàn cảnh thì họ mới có thể tồn tại, không trở nên lập dị, khác thường.

b. Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng:

- Ẩn sâu trong mỗi người luôn là nghị lực, ước mơ, hoài bão thôi thúc con người ta phát triển bản thân để đóng góp cho xã hội.

- Nếu ta biết tĩnh tâm, không hám những thứ danh lợi hào nhoáng mà nhất thời, không vững bền thì ta vẫn có thể phát triển dù cho có bị hoàn cảnh dập vùi nghiệt ngã.

- Ngược lại, dù ở trong một môi trường sống tốt nhưng bản thân không biết trân trọng và nỗ lực, dùng cái tài, cái trí và cái tâm mình vào việc có ích thì họ cũng sẽ là những người “gần đèn chưa chắc đã rạng”.

c. Đánh giá:

- Hai ý kiến có tính chất bổ sung cho nhau.

- Cuộc sống luôn vận động biến đổi không ngừng, bản thân mỗi người nên biết cách linh hoạt trong việc thay đổi bản thân để thích nghi với hoàn cảnh, thời thế hoặc kiên định với quan điểm của mình để không dễ dàng bị lôi kéo, dụ dỗ làm những điều xấu.

- Cần biết cân bằng giữa hai lối sống: thay đổi và bị thay đổi để từng ngày trôi qua đều thật tốt đẹp và ý nghĩa.

III. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề.

Bài làm

Từ xưa trong cuộc sống lao động và chiến đấu của mình, nhân dân ta đã rút ra biết bao bài học, kinh nghiệm quý báu, đó là cách nhìn nhận của nhân dân ta về mối quan hệ giữa môi trường xã hội và nhân cách con người, để diễn tả cách nhìn nhận này, nhân dân ta đã thể hiện qua câu tục ngữ:

"Gần mực thì đen gần đèn thì rạng"

Mực và đèn đều là những hình ảnh của sự vật có quan hệ với tư cách của con người được ông cha ta sử dụng để thể hiện ý của mình. Mực có màu đen tượng trưng cho những cái không tốt đẹp, những gì xấu xa, đèn là vật phát ra ánh sáng, soi rõ mọi vật xung quanh, tượng trưng cho cái tốt đẹp, sáng sủa. Từ hai hình ảnh tương phản nhau là mực và đèn, câu tục ngữ đã đưa ra một kết luận đúng đắn: gần người tốt thì sẽ tốt gần người xấu thì sẽ xấu.

Dựa vào thực tế cuộc sống con người ta thấy câu tục ngữ rất đúng khi xét trong mối quan hệ giữa môi trường xã hội với việc hình thành nhân cách mỗi người vì con người không sống lẻ loi cô độc một mình mà luôn có mối liên hệ với mọi người xung quanh. Ở trong gia đình nhà trường và ngoài xã hội, do đó sẽ bị ảnh hưởng tốt hoặc xấu, dẫn chứng: Lưu Bình sống cạnh Dương Lễ nên đã thành tài trở thành người hữu ích cho xã hội. Thuở nhỏ để tạo điều kiện tốt cho con học tập mà mẹ của Khổng Tử đã phải dời nhà mấy lần.

Trong kho tàng văn học dân gian cũng có một số câu thơ, tục ngữ nói về quan niệm đó như: "Ở bầu thì tròn ở ống thì dài" hay "Thói thường gần mực thì đen, anh em bạn hữu phải nên chọn người". Nhưng trong vài trường hợp đặc biệt thì có một vài trường hợp gần mực chưa chắc đã đen gần đèn chưa chắc đã rạng. Đối với trường hợp gần mực chưa chắc đã đen ta có thể nói đến Nguyễn Văn Trỗi, Trần Văn Ơn trong thời Mỹ đang chiếm đóng miền nam nước ta các anh là những bông sen thơm ngát tỏa hương trong bùn lầy hôi tanh như bài ca dao:

"Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn"

Câu tục ngữ trên xứng đáng là một lời khuyên quý báu, giúp cho chúng ta xác lập được ý chí của mình khi đứng trước mọi cám dỗ và sẽ mãi là ngọn đèn tỏa sáng trong bóng đen của cuộc sống.

 Đề 4 (trang 59 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Hãy chứng minh rằng đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu mỗi người không có ý thức bảo vệ môi trường sống

Dàn ý

I. Mở bài

- Giới thiệu vai trò của môi trường sống đối với đời sống con người; vai trò quan trọng.

II. Thân bài

- Môi trường sống là gì? (những điều kiện vật chất bao quanh sự sống của con người: đất, nước, không khí...)

- Vai trò của môi trường sống đối với đời sống con người:

+ Tạo điều kiện vật chất cho cuộc sống con người: không khí để thở, nước để uống, cây xanh cung cấp oxy.

+ Bảo vệ sức khỏe con người: Môi trường trong lành ngăn cản sự phát triển của các vi sinh vật có hại (không khí sạch ngăn cản vi khuẩn, virus, nước sạch ngăn cản của bọ gậy, muỗi...)

- Những hành động thiếu ý thức của con người làm tổn hại đến môi trường sống và tác hại của chúng:

+ Xả rác bừa bãi làm ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí.

+ Rác thải công nghiệp làm ô nhiễm không khí, thủng tầng ozon, xói mòn đất...

- Tính cấp thiết của việc bảo vệ, gìn giữ môi trường sống trong lành: môi trường sống trong nhiều năm trở lại đây bị ô nhiễm và tổn hại nghiêm trọng vì vậy đòi hỏi con người phải có những biện pháp cấp thiết bảo vệ môi trường sống.

III. Kết bài

- Bài học rút ra cho bản thân, những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường sống: không xả rác bừa bãi, bảo vệ rừng và cây xanh.

Bài làm

Từ thuở con người xuất hiện trên trái đất, môi trường là một điều kiện tự nhiên không thể thiếu với sự tồn tại và phát triển của sự vật cũng như con người. Hiện nay, do nhu cầu đời sống vật chất cao nên ít ai quan tâm đến và làm cho môi trường ngày càng trở nên xấu đi do những kẻ vô lương tâm phá hoại.

Trước hết, có thể hiểu đơn giản môi trường là không gian sống của con người, động vật... , bao gồm tất cả những gì xung quanh ta. Môi trường được phân làm hai loại: môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo. Đặc biệt nhất là môi trường tự nhiên, có vai trò quan trọng đối với con người. Môi trường có không khí cho con người trao đổi chất. Nhưng bầu không khí đó lại đang bị ô nhiễm. Nguyên nhân là do khí thải hóa học của các nhà máy, xí nghiệp hay khí thải của ô tô, xe máy. Tất cả khiến cho bầu không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tầng ôzon ngăn cản ánh sáng bức xạ không tốt từ mặt trời đã bị thủng ngày một lớn hơn. Trái đất ngày một nóng lên khiên cho băng tan chảy gây ra ngập lụt, bão, và sóng thần. Không chỉ thế, không khí bị ô nhiễm gây ra mưa a-xít làm hư hại mùa màng, phá hủy nhiều rừng cây và đời sống của các sinh vật cũng bị đe dọa.

Cây xanh là nguồn cung cấp không khí trong lành. Cây còn ngăn lũ, cho bóng mát, bảo vệ đời sống con người. Vì thế, cây xanh cũng rất quan trọng trong môi trường. Nhưng có một số người không hiểu điều đó, chặt phá cây, đốt rừng, xuất hiện đất trống đồi trọc. Màu xanh dần dần biến mất, khí hậu trở nên ngột ngạt. Lũ lụt tràn về gây nhiều thiệt hại. Những nguồn lợi quý giá như gỗ, nguyên liệu làm thuốc, dường như cũng bị cuốn vào những lưỡi cưa phá hoại rừng. Chỉ một hành động tàn nhẫn đó đã phá hoại vẻ đẹp thiên nhiên, mà con người không thể tạo ra. Đâu chỉ có vậy, rừng còn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã, quý báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta. Con người đã săn bắn thú quý hiếm bán cho nhau. Chỉ vì cái lợi trước mắt mà tàn phá thiên nhiên. Bây giờ một số loài đã và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Chúng ta nên bảo vệ, xây dựng nhiều khu bảo tồn để bảo vệ các thú vật quý hiếm.

Thành phần tiếp theo cũng có không ít vai trò quan trọng đó chính là nước. Nước là vật chất không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của con người và sự vật. Con người có thể không ăn uống trong nhiều ngày nhưng sẽ không thể nào thiếu nước uống được. Ông cha ta vẫn luôn tự hào về những gì thiên nhiên đã đem lại “rừng vàng, biển bạc” mà giờ đây mặt biển lại bập bềnh toàn rác thải. Những ao, hồ bị ô nhiễm do rác của con người quá nhiều làm cho cá, tôm chết, nhiễm bệnh hàng loạt. Nguồn nước bị ô nhiễm chẳng những không sử dụng được mà còn gây ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, sự ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động. Chúng ta nên bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực. Không khí bị ô nhiễm thì cần phải có những biện pháp lọc không khí. Nguồn nước bị ô nhiễm thì phải bảo vệ và tiết kiệm nước. Rừng bị tàn phá thì phải trồng thêm cây. Tích cực tham gia các hoạt động phong trào như: Mùa hè xanh, Ngày chủ nhật. Nếu mỗi người đóng góp một ít thì chẳng bao lâu môi trường sẽ ngày càng xanh tươi.

Môi trường sống là rất quan trọng. Nếu không có môi trường thì sẽ không có chúng ta, không có sự sống. Nhưng đã có nó thì phải biết giữ gìn, bảo vệ. Chúng ta không nên có thêm hành động nào phá hoại môi trường. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất để hành tinh luôn xanh tươi.

 Đề 5 (trang 59 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Hãy chứng tỏ rằng Bác Hồ sống vô cùng giản dị, thanh bạch.

Dàn ý

I. Mở bài

- Giới thiệu về lối sống giản dị, thanh bạch của Bác mặc dù Bác trên cương vị tối cao của đất nước.

II. Thân bài

Chứng minh Bác giản dị qua các phương diện:

1. Bác giản dị trong cách ăn

- Bữa ăn chỉ có vài ba món rau, dưa, khi ăn Bác không để rơi một hạt cơm nào.

- Dịp lễ tết, có món gì lạ, ngon Bác đều mời anh chị phục vụ ăn cùng.

- Thức ăn còn lại Bác sắp xếp tươm tất, Bác không muốn để người khác ăn phần thừa của mình.

2. Bác Hồ giản dị trong cách mặc

- Bộ quần áo cũ sờn vai, đôi dép lốp đã mòn.

- Được tặng nhiều quần áo mới nhưng Bác đem tặng lại những chiến sĩ, đồng bào thiếu thốn.

3. Giản dị trong cách ở

- Ở nhà sàn, căn phòng bày trí đơn giản nhưng gọn gàng ngăn nắp “Nhà lá đơn sơ một góc vườn/Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn”.

- Những ngày ở Việt Bắc Bác sống trong hang đá, cuộc sống cháo bẹ, rau măng nhưng vẫn lạc quan.

- Khi đất nước thống nhất Người được đó về dinh chủ tịch nhưng Người vẫn muốn sống ở ngôi nhà sàn đơn sơ.

- Bác giản dị, tiết kiệm trong chi tiêu, sinh hoạt. Bác tự trồng rau, nuôi cá, nếu có chi tiêu gì Bác cũng trích từ lương của mình.

4. Bác còn thể hiện sự giản dị trong lời nói và bài viết

- Khi sáng tác văn, thơ Bác đặt ra câu hỏi viết cho ai và viết như thế nào. Bác sử dụng lời ăn tiếng nói hằng ngày rất gần gũi với người dân.

- Lúc người đọc “Tuyên Ngôn Độc Lập”, Người đã dừng lại và hỏi một câu rất thân tình “Tôi nói mọi người có nghe rõ không”...

III. Kết bài

- Khẳng định lại lối sống giản dị, thanh bạch của Bác.

- Rút ra bài học về tính giản dị cho học sinh và mọi người.

 Bài làm

Sinh thời, Bác Hồ thường căn dặn đồng bào, đồng chí phải biết “Cần, kiệm, liêm, chính” và chính bản thân Bác đã gương mẫu thực hiện lối sống rất mực văn minh đó. Trong đời sống hàng ngày, Người vô cùng giản dị, thanh bạch.

Với cương vị một Chủ tịch nước, Bác có quyền được hưởng những chế độ đãi ngộ đặc biệt xứng đáng với vị trí của mình. Nhưng thật lạ kỳ, dù khi cách mạng còn trong thời kỳ khó khăn, gian nan hay khi đã thành công, Bác vẫn giữ lối giản dị từ cái ăn, cái mặc, cái ở đến cách làm việc đời thường. Bữa ăn của Bác rất thanh đạm, thường chỉ có dưa cà, mắm muối. Trong thời kì trước cách mạng, khi ở bất kỳ nơi nào Bác cùng tự trồng rau, nuôi gà để tăng gia, cải thiện bữa ăn. Sau này, cách mạng thành công, bữa cơm của Người vẫn thanh đạm như thế, có món gì ngon, Người lại mời các cô chú phục vụ lên ăn cùng. Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết về Bác: “Bác thường bỏ miếng thịt gà mà ăn trọn quả cà xứ Nghệ”.

Trong cách ăn mặc hàng ngày, Bác Hồ cũng giản dị, gần gũi với nhân dân như thế. Nhắc đến Bác, ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh. Người trong bộ quần áo kaki trắng, đôi dép lốp cao su đã sờn và chiếc gậy ba toong. Trong kháng chiến gian lao, vào mùa đông rét mướt, Bác được một đồng chí nước ngoài tặng một chiếc áo ấm nhưng Bác lại lấy đó làm quà tặng những người chiến sĩ ngoài chiến trường. Sau này, khi Bác đã đi xa, những gì còn lại của Người khiến lòng ta không khỏi xúc động:

“Đôi dép đơn sơ, đôi dép Bác Hồ
Bác đi khắp nẻo quê nhà Bác ơi!
Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn…”

Không chỉ vậy, những ngôi nhà Bác từng ở cũng theo Người đi vào huyền thoại. Chẳng ai có thể quên được hang Pắc Bó, núi Các Mác, suối Lênin nơi Bác ở trong những năm 1941 khi vừa về nước. Kháng chiến thành công Người lại lần lượt ở những ngôi nhà ba gian rồi nhà sàn “lộng gió thời đại” như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng ca ngợi. Những ngôi nhà ấy có thể khác nhau về kiểu dáng nhưng đều chung nhau ở sự nhỏ nhắn, đơn giản. Những vật dụng trong đó cũng rất ít ỏi, ngoài những đồ đạc tôi thiết phục vụ cuộc sống và công việc của Người: chiếc giường, chiếc tủ, chiếc bàn, chiếc đèn, chiếc giá sách... cũng chỉ có một lọ hoa nhỏ để trang trí. Bác đã từng được tặng một chiếc điều hòa, các đồng chí phục vụ Bác từng rất háo hức gắn thêm vào đó một lọ nước hoa nhỏ nhưng cuối cùng Bác lại từ chối nó để tặng những người thương binh mà theo Bác là “cần nó hơn”.

Trong cách làm việc hàng ngày, Hồ Chí Minh cũng là một biểu tượng mẫu mực của sự giản dị. Bác thường tự làm những việc có khả năng để tránh phiền hà cho người khác. Nơi làm việc của Bác được sắp xếp gọn gàng để có thể tìm được những thứ mình cần một cách nhanh chóng. Chuyện kể rằng, vào một ngày mưa các cô chú phục vụ định mang cơm từ bếp lên nhà mời Bác nhưng Bác gạt đi Bác đã che ô đi từ nhà xuống bếp ăn bởi Bác đi thì một mình Bác vất vả, mang cơm lên cho Bác thì nhiều người vất vả. Tất thảy mọi người đều xúc động vô cùng…

Bác Hồ là vậy! Sự giản dị, thanh bạch trong đời sống của Người lã một tấm gương sáng cho những thế hệ người Việt chúng ta noi theo.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 7 ngắn gọn, hay khác:

Soạn bài Ý nghĩ văn chương

Soạn bài Chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động (tiếp theo)

Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn chứng minh

Soạn bài Ôn tập văn nghị luận

Soạn bài Dùng cụm chủ - vị để mở rộng câu

1 336 lượt xem
Tải về