Sách bài tập KHTN 9 Bài 43 (Cánh diều): Cơ chế tiến hoá

Với giải sách bài tập Khoa học tự nhiên 9 Bài 43: Cơ chế tiến hoá sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT KHTN 9 Bài 43.

1 123 05/11/2024


Giải SBT KHTN 9 Bài 43: Cơ chế tiến hoá

Bài 43.1 trang 107 Sách bài tập KHTN 9: Phát biểu nào dưới đây không đúng theo quan điểm của Lamarck về cơ chế tiến hóa?

A. Sinh vật có động lực nội tại để biến đổi thích nghi với điều kiện sống và tự trở nên phức tạp hơn, hoàn thiện hơn.

B. Môi trường thay đổi chậm nên sinh vật thích nghi kịp thời với sự thay đổi đó.

C. Biến đổi xảy ra trong đời sống cá thể được di truyền cho con và tiếp tục được tích luỹ ở các thế hệ tiếp theo.

D. Chỉ những cá thể mang biến dị có lợi mới sống sót và trở nên phổ biến trong quan thể.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

D. Sai. Theo quan điểm của Lamarck, sinh vật có động lực nội tại để biến đổi thích nghi với môi trường sống. Khi môi trường sống thay đổi, sinh vật thay đổi cách thức sử dụng các bộ phận của cơ thể khiến các bộ phận đó biến đổi phù hợp với cách thức sử dụng mới. Do đó, không cá thể nào bị đào thải.

Bài 43.2 trang 108 Sách bài tập KHTN 9: Giải thích cho sự đa dạng của sinh giới, những phát biểu nào đúng theo quan điểm của Lamarck?

(1) Các dạng sống đơn giản được tạo ra độc lập, liên tục từ các chất vô cơ và tự biến đổi thành các loài sinh vật với mức độ phức tạp tăng dần.

(2) Tác động của chọn lọc tự nhiên theo các điều kiện sống khác nhau có thể tạo nên nhiều loài từ một loài ban đầu.

(3) Sự đa dạng của sinh vật là do chúng có thời gian tiến hóa khác nhau.

A. (1), (2).

B. (2), (3).

C. (1), (3).

D. (1), (2), (3).

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

- Giải thích cho sự đa dạng của sinh giới, Lamarck cho rằng:

+ Các dạng sống đơn giản được tạo ra độc lập, liên tục từ các chất vô cơ và tự biến đổi thành các loài sinh vật với mức độ phức tạp tăng dần.

+ Các loài sinh vật khác nhau là vì chúng có thời gian tiến hóa khác nhau.

- (2) Sai. Đây là quan điểm của Darwin khi giải thích nguồn gốc chung của các loài.

Bài 43.3 trang 108 Sách bài tập KHTN 9: Giải thích sự hình thành loài hươu cao cổ theo quan điểm của Darwin gồm các phát biểu nào dưới đây?

(1) Quần thể ban đầu toàn hươu cổ ngắn.

(2) Quần thể ban đầu có cả hươu cổ ngắn và hươu cổ cao.

(3) Môi trường thay đổi, thức ăn trở nên khan hiếm, các con hươu cổ ngắn phải vươn cổ để ăn lá cây trên cao, dần dần cổ của chúng dài ra hình thành loài hươu cao cổ.

(4) Môi trường thay đổi, thức ăn trở nên khan hiếm, các con hươu cổ ngắn không lấy được thức ăn ở trên cao làm số lượng hươu cổ ngắn trong quần thể giảm xuống; hươu cổ cao lấy được thức ăn, số lượng tăng dần lên hình thành quần thể hươu cao cổ.

A. (1), (3).

B. (1), (4).

C. (2), (3).

D. (2), (4).

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Giải thích sự hình thành loài hươu cao cổ theo quan điểm của Darwin:

(2) Quần thể ban đầu có cả hươu cổ ngắn và hươu cổ cao.

(4) Môi trường thay đổi, thức ăn trở nên khan hiếm, các con hươu cổ ngắn không lấy được thức ăn ở trên cao làm số lượng hươu cổ ngắn trong quần thể giảm xuống; hươu cổ cao lấy được thức ăn, số lượng tăng dần lên hình thành quần thể hươu cao cổ.

Giải thích sự hình thành loài hươu cao cổ theo quan điểm của Darwin gồm các phát biểu

Bài 43.4 trang 108 Sách bài tập KHTN 9: Những nhận định nào dưới đây là của Darwin?

(1) Mọi biến dị phát sinh trong đời sống cá thể đều được di truyền cho con cháu.

(2) Chỉ những biến dị di truyền mới có ý nghĩa đối với tiến hóa của sinh vật.

(3) Biến dị luôn tồn tại trong quần thể.

(4) Các cá thể phải đấu tranh sinh tồn để giành lấy cơ hội sống sót và sinh sản.

(5) Sinh vật biến đổi do tập quán hoạt động, thay đổi cách thức sử dụng các bộ phận của cơ thể.

A. (1), (2), (3).

B. (2), (3), (4).

C. (3), (4), (5).

D. (1), (4), (5).

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Những nhận định của Darwin là: (2), (3), (4).

(1), (5) là quan điểm của Lamarck.

Bài 43.5 trang 109 Sách bài tập KHTN 9: Các nhận định trong bảng dưới đây là đúng hay sai? Đánh dấu x vào ô thích hợp.

Nhận định

Đúng

Sai

(1) Darwin cho rằng sinh vật biến đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác dưới tác động của chọn lọc tự nhiên.

(2) Darwin đã nêu được cơ chế tiến hóa chính hình thành nên các loài là chọn lọc tự nhiên còn Lamarck mặc dù có thừa nhận loài có biến đổi nhưng lại không nêu được cơ chế đúng giải thích cho quá trình biến đổi của loài.

(3) Darwin giải thích được nguồn gốc cũng như tính di truyền của biến dị.

(4) Darwin cho rằng tác động của chọn lọc tự nhiên theo điều kiện sống khác nhau tạo nên nhiều loài từ một loài ban đầu.

Lời giải:

(1) Đúng. Darwin cho rằng sinh vật biến đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác dưới tác động của chọn lọc tự nhiên.

(2) Đúng. Darwin đã nêu được cơ chế tiến hóa chính hình thành nên các loài là chọn lọc tự nhiên còn Lamarck mặc dù có thừa nhận loài có biến đổi nhưng lại không nêu được cơ chế đúng giải thích cho quá trình biến đổi của loài.

(3) Sai. Darwin cho rằng chỉ những biến dị di truyền mới có ý nghĩa đối với tiến hóa của sinh vật nhưng ông không giải thích được nguồn gốc cũng như tính di truyền của biến dị.

(4) Đúng. Darwin cho rằng tác động của chọn lọc tự nhiên theo điều kiện sống khác nhau tạo nên nhiều loài từ một loài ban đầu.

Bài 43.6 trang 109 Sách bài tập KHTN 9: Phát biểu nào dưới đây không đúng?

A. Thuyết tiến hóa tổng hợp chính là thuyết tiến hóa của Darwin.

B. Thuyết tiến hóa tổng hợp giải thích được nguồn gốc và tính di truyền của các biến dị.

C. Tiến hóa nhỏ là quá trình thay đổi cấu trúc di truyền của quần thể dưới tác động của các nhân tố tiến hóa.

D. Tiến hóa lớn là quá trình hình thành hoặc tuyệt chủng loài, các bậc phân loại trên loài.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

A. Sai. Thuyết tiến hóa tổng hợp dựa trên hiểu biết mới về khoa học nói chung và đặc biệt là trong lĩnh vực di truyền học được kết hợp vào thuyết tiến hóa của Darwin.

Bài 43.7 trang 109 Sách bài tập KHTN 9: Cho các phát biểu dưới đây.

(1) Biến dị di truyền trong quần thể là biến dị tổ hợp.

(2) Trong quần thể, biến dị luôn xảy ra tạo nên nguồn nguyên liệu phong phú cho quá trình chọn lọc.

(3) Nhân tố tiến hóa là nhân tố làm thay đổi cấu trúc di truyền của quần thể.

(4) Chọn lọc tự nhiên là điều kiện sống chọn lọc giữ lại cá thể mang allele hoặc kiểu gene có lợi.

(5) Thuyết tiến hóa tổng hợp chỉ nghiên cứu về tiến hoá nhỏ.

(6) Giao phối ngẫu nhiên là một trong những nhân tố tiến hóa.

Theo thuyết tiến hóa tổng hợp, số phát biểu đúng là

A. 2.

B. 3.

C. 4.

D. 5.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

(1) Sai. Biến dị di truyền trong quần thể bao gồm biến dị sơ cấp và biến dị thứ cấp. Biến dị sơ cấp là các allele hoặc gene mới được tạo ra do đột biến. Biến dị thứ cấp là biến dị tổ hợp.

(2) Đúng. Trong quần thể, biến dị luôn xảy ra tạo nên nguồn nguyên liệu phong phú cho quá trình chọn lọc.

(3) Đúng. Nhân tố tiến hóa là nhân tố làm thay đổi cấu trúc di truyền của quần thể, được thể hiện ở sự thay đổi về tỉ lệ các allele, tỉ lệ các kiểu gene trong quần thể.

(4) Đúng. Chọn lọc tự nhiên là điều kiện sống chọn lọc giữ lại cá thể mang allele hoặc kiểu gene có lợi.

(5) Sai. Thuyết tiến hóa tổng hợp nghiên cứu về tiến hoá nhỏ và tiến hóa lớn.

(6) Sai. Giao phối ngẫu nhiên không phải nhân tố tiến hóa vì giao phối ngẫu nhiên có xu hướng duy trì ổn định cấu trúc di truyền của quần thể.

Bài 43.8 trang 110 Sách bài tập KHTN 9: Nhân tố tiến hóa nào dưới đây có vai trò sàng lọc và giữ lại cá thể có kiểu gene quy định kiểu hình thích nghi?

A. Chọn lọc tự nhiên.

B. Đột biến.

C. Di - nhập gene.

D. Yếu tố ngẫu nhiên.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Chọn lọc tự nhiên có vai trò sàng lọc và giữ lại cá thể có kiểu gene quy định kiểu hình thích nghi.

Bài 43.9 trang 110 Sách bài tập KHTN 9: Nối nhân tố tiến hóa với ví dụ sao cho phù hợp.

Nối nhân tố tiến hóa với ví dụ sao cho phù hợp trang 110 Sách bài tập Khoa học tự nhiên 9

Lời giải:

(1) - d; (2) - a; (3) - c; (4) - b; (5) - e.

Bài 43.10 trang 110 Sách bài tập KHTN 9: Vì sao đột biến gene được xem là nguồn nguyên liệu chính cho quá trình tiến hóa?

Lời giải:

Đột biến gene được xem là nguồn nguyên liệu chính cho quá trình tiến hóa vì so với đột biến nhiễm sắc thể thì:

- Đột biến gene tạo ra alele mới, là nguồn nguyên liệu sơ cấp của tiến hóa.

- Đột biến gene phổ biến hơn. Tuy tần số đột biến của từng gene là thấp nhưng tần số đột biến chung của tất cả các gene trong mỗi quần thể là khá lớn, do ở mỗi loài có hàng nghìn gene khác nhau.

- Đột biến gene ít ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức sống và sự sinh sản của cơ thể.

Bài 43.11 trang 110 Sách bài tập KHTN 9: Vì sao nói yếu tố ngẫu nhiên và giao phối không ngẫu nhiên là nhân tố tiến hóa làm nghèo vốn gene của quần thể?

Lời giải:

Nói yếu tố ngẫu nhiên và giao phối không ngẫu nhiên là nhân tố tiến hóa làm nghèo vốn gene của quần thể vì:

- Yếu tố ngẫu nhiên như động đất, cháy rừng,... khi xảy ra có thể loại bỏ ngẫu nhiên allele nào đó.

- Giao phối không ngẫu nhiên làm tăng dần tỉ lệ kiểu gene đồng hợp, giảm tỉ lệ kiểu gene dị hợp.

Lý thuyết KHTN 9 Bài 43: Cơ chế tiến hoá

Nội dung đang cập nhật...

1 123 05/11/2024