Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa đổi Thông tư 156/2013/TT-BTC, 111/2013/TT-BTC, 219/2013/TT-BTC, 08/2013/TT-BTC, 85/2011/TT-BTC, 39/2014/TT-BTC và 78/2014/TT-BTC để cải cách, đơn giản thủ tục hành chính về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu: | 119/2014/TT-BTC | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Tài chính | Người ký: | Đỗ Hoàng Anh Tuấn |
Ngày ban hành: | 25/08/2014 | Ngày hiệu lực: | 01/09/2014 |
Ngày công báo: | 12/09/2014 | Số công báo: | Từ số 849 đến số 850 |
Lĩnh vực: | Bộ máy hành chính, Thuế - Phí - Lệ Phí | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Quy định mới về áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT
Ngày 25/8/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số quy định trước đây để cải cách, đơn giản các TTHC về thuế.
Theo đó, DN mới thành lập có đầu tư mua sắm TSCĐ thì được áp dụng phương pháp tính thuế khấu trừ, không phân biệt mức đầu tư trên hay dưới 01 tỷ đồng như trước.
Đối với DN mới thành lập đạt mức doanh thu dưới 01 tỷ đồng trong năm đầu nhưng vẫn thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật thì được đăng ký tự nguyện tiếp tục áp dụng phương pháp khấu trừ.
DN được áp dụng ổn định phương pháp tính thuế này trong 2 năm liên tục tiếp theo tính từ năm dương lịch đầu tiên từ khi thành lập.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/09/2014 và sửa đổi, bổ sung các Thông tư 156/2013/TT-BTC, 111/2013/TT-BTC, 219/2013/TT-BTC, 08/2013/TT-BTC, 85/2011/TT-BTC, 39/2014/TT-BTC, 78/2014/TT-BTC .
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 119/2014/TT-BTC |
Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 2014 |
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 156/2013/TT-BTC NGÀY 06/11/2013, THÔNG TƯ SỐ 111/2013/TT-BTC NGÀY 15/8/2013, THÔNG TƯ SỐ 219/2013/TT-BTC NGÀY 31/12/2013, THÔNG TƯ SỐ 08/2013/TT-BTC NGÀY 10/01/2013, THÔNG TƯ SỐ 85/2011/TT-BTC NGÀY 17/6/2011, THÔNG TƯ SỐ 39/2014/TT-BTC NGÀY 31/3/2014 VÀ THÔNG TƯ SỐ 78/2014/TT-BTC NGÀY 18/6/2014 CỦA BỘ TÀI CHÍNH ĐỂ CẢI CÁCH, ĐƠN GIẢN CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VỀ THUẾ
Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng số 31/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;
Căn cứ Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng;
Căn cứ Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010;
Căn cứ Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,
Thực hiện cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số nội dung như sau:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ như sau:
1. Ban hành kèm theo Thông tư này các mẫu sau:
a) Mẫu Tờ khai thuế GTGT dành cho người nộp thuế khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ (mẫu số 01/GTGT) thay thế cho mẫu Tờ khai thuế GTGT dành cho người nộp thuế khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ (mẫu số 01/GTGT) ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.
b) Mẫu Bảng kê hóa đơn, chứng từ của hàng hóa, dịch vụ bán ra (mẫu số 01-1/GTGT) thay thế cho mẫu Bảng kê hóa đơn, chứng từ của hàng hóa, dịch vụ bán ra (mẫu số 01-1/GTGT) ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.
c) Mẫu Bảng kê hóa đơn, chứng từ của hàng hóa, dịch vụ mua vào (mẫu số 01-2/GTGT) thay thế cho mẫu Bảng kê hóa đơn, chứng từ của hàng hóa, dịch vụ mua vào (mẫu số 01-2/GTGT) ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.
d) Mẫu Tờ khai thuế GTGT dành cho người nộp thuế mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý (mẫu số 03/GTGT) thay thế cho mẫu Tờ khai thuế GTGT dành cho người nộp thuế mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý (mẫu số 03/GTGT) ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.
đ) Mẫu Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ bán ra (mẫu số 04-1/GTGT) thay thế cho mẫu Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ bán ra (mẫu số 04-1/GTGT) ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.
e) Mẫu Thông báo nộp lệ phí trước bạ nhà, đất (mẫu số 01-1/LPTB) thay thế mẫu Thông báo nộp lệ phí trước bạ nhà, đất (mẫu số 01-1/LPTB) ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.
g) Mẫu Tờ khai thuế thu nhập cá nhân dành cho cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ nhận thừa kế và nhận quà tặng là bất động sản (mẫu số 11/KK-TNCN) thay thế cho mẫu Tờ khai thuế thu nhập cá nhân dành cho cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ nhận thừa kế và nhận quà tặng là bất động sản (mẫu số 11/KK-TNCN) ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.
2. Sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC như sau:
“b) Hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng tháng, quý áp dụng phương pháp khấu trừ thuế:
- Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo mẫu số 01/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này;
- Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ bán ra theo mẫu số 01-1/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này;
- Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01-2/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này;
- Bảng kê số thuế giá trị gia tăng đã nộp của doanh thu kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh theo mẫu số 01-5/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này.
- Bảng phân bổ thuế GTGT cho địa phương nơi đóng trụ sở chính và cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán (nếu có) theo mẫu số 01-6/GTGT kèm theo Thông tư này”.
3. Sửa đổi, bổ sung điểm a, d, đ và e khoản 8 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC như sau:
a) Sửa đổi điểm a khoản 8 Điều 11 như sau:
“a) Khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động đại lý
- Người nộp thuế là đại lý bán hàng hóa, dịch vụ hoặc là đại lý thu mua hàng hóa theo hình thức bán, mua đúng giá hưởng hoa hồng không phải khai thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ bán đại lý; hàng hóa thu mua đại lý nhưng phải khai thuế giá trị gia tăng đối với doanh thu hoa hồng đại lý được hưởng.
- Đối với các hình thức đại lý khác thì người nộp thuế phải khai thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ bán hàng đại lý; hàng hóa thu mua đại lý và thù lao đại lý được hưởng.”
b) Sửa đổi điểm d, đ, e khoản 8 Điều 11 như sau:
“d) Người nộp thuế kinh doanh dịch vụ cho thuê tài chính không phải nộp Tờ khai thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ cho thuê tài chính. Người nộp thuế phải nộp hồ sơ khai thuế đối với các tài sản cho đơn vị khác thuê mua tài chính.
đ) Khai thuế đối với người nộp thuế có hoạt động xuất, nhập khẩu uỷ thác hàng hóa:
Người nộp thuế nhận xuất, nhập khẩu ủy thác hàng hóa không phải khai thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhận xuất, nhập khẩu ủy thác (trong trường hợp hợp đồng ủy thác không có nội dung ủy thác về thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT thay cho đối tượng ủy thác) nhưng phải khai thuế giá trị gia tăng đối với thù lao ủy thác được hưởng.
e) Việc lập các Bảng kê hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra kèm theo Tờ khai thuế gửi cho cơ quan thuế trong một số trường hợp được thực hiện như sau:
- Đối với hàng hóa, dịch vụ bán lẻ trực tiếp cho đối tượng tiêu dùng như: điện, nước, xăng, dầu, dịch vụ bưu chính, viễn thông, dịch vụ khách sạn, ăn uống, vận chuyển hành khách, mua, bán vàng, bạc, đá quý, bán hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng khác thì được kê khai tổng hợp doanh số bán lẻ, không phải kê khai theo từng hóa đơn.
- Đối với hàng hóa, dịch vụ mua lẻ, bảng kê tổng hợp được lập theo từng nhóm mặt hàng, dịch vụ cùng thuế suất, không phải kê chi tiết theo từng hóa đơn.
- Đối với cơ sở kinh doanh ngân hàng có các đơn vị trực thuộc tại cùng địa phương thì các đơn vị trực thuộc phải lập Bảng kê hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra để lưu tại cơ sở chính. Khi tổng hợp lập Bảng kê hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra, cơ sở chính chỉ tổng hợp theo số tổng hợp trên Bảng kê của các đơn vị phụ thuộc”.
c) Bãi bỏ nội dung tại khoản 12 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b.2.1, khoản 2 Điều 16 như sau:
“b.2) Hồ sơ khai quyết toán
b.2.1) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công; thu nhập từ đại lý bảo hiểm; thu nhập từ đại lý xổ số; thu nhập từ bán hàng đa cấp khai quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế theo mẫu sau:
- Tờ khai quyết toán thuế mẫu số 09/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.
- Phụ lục mẫu số 09-1/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.
- Phụ lục mẫu số 09-3/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này nếu có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
- Phụ lục mẫu số 09-4/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.
- Bản chụp các chứng từ chứng minh số thuế đã khấu trừ, đã tạm nộp trong năm, số thuế đã nộp ở nước ngoài (nếu có). Cá nhân cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên bản chụp đó. Trường hợp tổ chức trả thu nhập không cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân do tổ chức trả thu nhập đã chấm dứt hoạt động thì cơ quan thuế căn cứ cơ sở dữ liệu của ngành thuế để xem xét xử lý hồ sơ quyết toán thuế cho cá nhân mà không bắt buộc phải có chứng từ khấu trừ thuế.
Trường hợp, theo quy định của luật pháp nước ngoài, cơ quan thuế nước ngoài không cấp giấy xác nhận số thuế đã nộp, người nộp thuế có thể nộp bản chụp Giấy chứng nhận khấu trừ thuế (ghi rõ đã nộp thuế theo tờ khai thuế thu nhập nào) do cơ quan trả thu nhập cấp hoặc bản chụp chứng từ ngân hàng đối với số thuế đã nộp ở nước ngoài có xác nhận của người nộp thuế.
- Bản chụp các hóa đơn, chứng từ chứng minh khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học (nếu có).
- Trường hợp cá nhân nhận thu nhập từ các tổ chức Quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán và nhận thu nhập từ nước ngoài phải có tài liệu chứng minh hoặc xác nhận về số tiền đã trả của đơn vị, tổ chức trả thu nhập ở nước ngoài kèm theo Thư xác nhận thu nhập năm mẫu số 20/TXN-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.”
b) Sửa đổi dấu cộng thứ nhất, gạch đầu dòng thứ hai, điểm c.2.1, khoản 2 Điều 16 như sau:
“- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai nơi trở lên thuộc diện tự quyết toán thuế thì nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế như sau:
+ Cá nhân đã tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại tổ chức, cá nhân trả thu nhập nào thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý tổ chức, cá nhân trả thu nhập đó. Trường hợp cá nhân có thay đổi nơi làm việc và tại tổ chức, cá nhân trả thu nhập cuối cùng có tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế quản lý tổ chức, cá nhân trả thu nhập cuối cùng. Trường hợp cá nhân có thay đổi nơi làm việc và tại tổ chức, cá nhân trả thu nhập cuối cùng không tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú).”
c) Sửa đổi, bổ sung điểm b.1, khoản 6 Điều 16 như sau:
“b) Hồ sơ khai thuế và hồ sơ miễn thuế
b.1) Đối với thừa kế, quà tặng là bất động sản, hồ sơ khai thuế thực hiện theo hướng dẫn tại tiết b.1, khoản 3 Điều này. Riêng Hợp đồng chuyển nhượng bất động sản thay thế bằng bản chụp giấy tờ pháp lý chứng minh quyền được nhận thừa kế, quà tặng và cá nhân cam kết chịu trách nhiệm vào bản chụp đó.
Trường hợp nhóm cá nhân nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản và làm thủ tục đồng sở hữu thì cá nhân đại diện khai thuế, các cá nhân khác ký tên xác nhận vào tờ khai mà không bắt buộc từng cá nhân phải khai thuế. Cơ quan thuế căn cứ tờ khai để xác định nghĩa vụ thuế riêng cho từng cá nhân nhận thừa kế, quà tặng.”
d) Sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 6, Điều 16 như sau:
“c) Nơi nộp hồ sơ khai thuế
- Cá nhân nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản (bao gồm cả nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai) nộp hồ sơ khai thuế theo hướng dẫn tại điểm c, khoản 3 Điều này.
- Cá nhân nhận thu nhập từ thừa kế, quà tặng là chứng khoán, phần vốn góp nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp phát hành chứng khoán, doanh nghiệp có phần vốn góp. Trường hợp cá nhân đồng thời nhận thừa kế, quà tặng của nhiều loại chứng khoán, phần vốn góp thì nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú).
- Cá nhân nhận thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là tài sản khác nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế nơi nộp hồ sơ khai lệ phí trước bạ”.
5. Bổ sung điểm b, Khoản 1, Điều 19 Thông tư số 156/2013/TT-BTC như sau:
“b) Hồ sơ kê khai lệ phí trước bạ nhà, đất
- Tờ khai lệ phí trước bạ theo mẫu 01/LPTB ban hành kèm theo Thông tư này;
- Giấy tờ chứng minh nhà, đất có nguồn gốc hợp pháp;
- Giấy tờ hợp pháp về việc chuyển giao tài sản ký kết giữa bên giao tài sản và bên nhận tài sản;
- Các giấy tờ chứng minh tài sản (hoặc chủ tài sản) thuộc đối tượng không phải nộp lệ phí trước bạ hoặc được miễn lệ phí trước bạ (nếu có).
Riêng đối với trường hợp tài sản nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản thì hồ sơ kê khai lệ phí trước bạ không cần phải có tờ khai lệ phí trước bạ theo mẫu 01/LPTB nêu trên. Cơ quan thuế căn cứ Tờ khai thuế thu nhập cá nhân theo mẫu số 11/KK-TNCN để tính số tiền lệ phí trước bạ phải nộp của chủ tài sản và ra thông báo theo mẫu 01-1/LPTB ban hành kèm theo Thông tư này”.
6. Sửa đổi, bổ sung khổ thứ 2, 3, 4 khoản 11 Điều 21 Thông tư số 156/2013/TT-BTC như sau:
“Số thuế Hộ nộp thuế khoán được miễn, giảm do tạm ngừng, nghỉ kinh doanh được xác định như sau:
Trường hợp Hộ nộp thuế khoán nghỉ liên tục từ trọn 01 (một) tháng (từ ngày mùng 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng đó) trở lên được giảm 1/3 số thuế phải nộp của quý; tương tự nếu nghỉ liên tục trọn 02 (hai) tháng trở lên được giảm 2/3 số thuế phải nộp của quý, nếu nghỉ trọn quý được giảm toàn bộ số thuế phải nộp của quý. Trường hợp Hộ nộp thuế khoán tạm ngừng, nghỉ kinh doanh không trọn tháng thì không được giảm thuế khoán phải nộp của tháng.
Trường hợp trong thời gian nghỉ kinh doanh, Hộ nộp thuế khoán vẫn kinh doanh thì phải nộp thuế theo thông báo của cơ quan thuế.”
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 22 Thông tư 156/2013/TT-BTC như sau:
a) Bổ sung khoản 1 Điều 22 như sau:
“1. Nguyên tắc khai thuế.
Hộ gia đình, cá nhân có tài sản cho thuê thuộc đối tượng phải khai, nộp thuế GTGT, thuế TNCN và nộp thuế môn bài theo thông báo của cơ quan thuế.
Riêng đối với hộ gia đình, cá nhân có tài sản cho thuê mà tổng số tiền cho thuê trong năm thu được từ một trăm triệu đồng trở xuống hoặc tổng số tiền cho thuê trung bình một tháng trong năm từ 8,4 triệu đồng trở xuống thì không phải khai, nộp thuế GTGT, thuế TNCN và cơ quan thuế không thực hiện cấp hóa đơn lẻ đối với trường hợp này”
b) Sửa đổi điểm b, khoản 5 Điều 22 Thông tư số 156/2013/TT-BTC như sau:
“5. Thời hạn nộp thuế
...
b) Đối với hình thức khai thuế theo từng hợp đồng phát sinh thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế”.
8. Sửa đổi, bổ sung khổ thứ 6, 7, 8, 9 khoản 3 Điều 28 Thông tư số 156/2013/TT-BTC như sau:
“Kho bạc nhà nước có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế đồng cấp trong việc khấu trừ thu thuế GTGT các công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn, đồng thời hạch toán thu ngân sách nhà nước đối với số thuế GTGT đã khấu trừ theo nguyên tắc:
Công trình xây dựng cơ bản phát sinh tại địa phương cấp tỉnh nào, thì số thuế GTGT khấu trừ sẽ được hạch toán vào thu ngân sách của địa phương cấp tỉnh đó.
Đối với các công trình liên tỉnh thì chủ đầu tư phải tự xác định doanh thu công trình chi tiết theo từng tỉnh gửi Kho bạc nhà nước để khấu trừ thuế GTGT và hạch toán thu ngân sách cho từng tỉnh.
Đối với các công trình liên huyện, nếu xác định được doanh thu công trình chi tiết theo từng huyện, thì số thuế GTGT khấu trừ sẽ được Kho bạc Nhà nước hạch toán vào thu ngân sách của từng huyện tương ứng với số phát sinh doanh thu công trình. Đối với các công trình liên huyện mà không xác định được chính xác doanh thu công trình chi tiết theo từng địa bàn huyện, thì chủ đầu tư xác định tỷ lệ doanh thu của công trình trên từng địa bàn gửi KBNN thực hiện khấu trừ thuế GTGT, trường hợp chủ đầu tư không xác định được tỷ lệ doanh thu của công trình trên từng địa bàn thì giao Cục trưởng Cục thuế xem xét quyết định.”
9. Bãi bỏ nội dung tại Khoản 2 Điều 29 Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung các khổ 1, 2, 3, 4 Điều 1 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân như sau:
“Điều 1. Người nộp thuế
Người nộp thuế là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 2 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (sau đây gọi tắt là Nghị định số 65/2013/NĐ-CP), có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP.
Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp thuế như sau:
Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập;
Đối với cá nhân là công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và là cá nhân cư trú tại Việt Nam thì nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân được tính từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam (được tính đủ theo tháng) không phải thực hiện các thủ tục xác nhận lãnh sự để được thực hiện không thu thuế trùng hai lần theo Hiệp định tránh đánh thuế trùng giữa hai quốc gia.
Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập”
Điều 3. Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng như sau:
1. Bổ sung điểm g khoản 7 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC như sau:
“g) Cơ sở kinh doanh không phải nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa đã xuất khẩu nhưng bị phía nước ngoài trả lại. Khi cơ sở kinh doanh bán hàng hóa bị trả lại này trong nội địa thì phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định”.
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC như sau:
“4. Giá tính thuế đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ.
Hàng hóa luân chuyển nội bộ như hàng hóa được xuất để chuyển kho nội bộ, xuất vật tư, bán thành phẩm, để tiếp tục quá trình sản xuất trong một cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ do cơ sở kinh doanh xuất hoặc cung ứng sử dụng phục vụ hoạt động kinh doanh thì không phải tính, nộp thuế GTGT.
Trường hợp cơ sở kinh doanh tự sản xuất, xây dựng tài sản cố định (tài sản cố định tự làm) để phục vụ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì khi hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao, cơ sở kinh doanh không phải lập hóa đơn. Thuế GTGT đầu vào hình thành nên tài sản cố định tự làm được kê khai, khấu trừ theo quy định.
Trường hợp xuất máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa dưới hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả, nếu có hợp đồng và các chứng từ liên quan đến giao dịch phù hợp, cơ sở kinh doanh không phải lập hóa đơn, tính, nộp thuế GTGT.
Ví dụ 24: Đơn vị A là doanh nghiệp sản xuất quạt điện, dùng 50 sản phẩm quạt lắp vào các phân xưởng sản xuất để phục vụ hoạt động kinh doanh của đơn vị thị đơn vị A không phải tính nộp thuế GTGT đối với hoạt động xuất 50 sản phẩm quạt điện này.
Ví dụ 25: Cơ sở sản xuất hàng may mặc B có phân xưởng sợi và phân xưởng may. Cơ sở B xuất sợi thành phẩm từ phân xưởng sợi cho phân xưởng may để tiếp tục quá trình sản xuất thì cơ sở B không phải tính và nộp thuế GTGT đối với sợi xuất cho phân xưởng may.
Ví dụ 26: Công ty cổ phần P tự xây dựng nhà nghỉ giữa ca cho công nhân ở trong khu vực sản xuất kinh doanh. Công ty cổ phần P không có đơn vị, tổ, đội trực thuộc thực hiện hoạt động xây dựng này. Khi hoàn thành, nghiệm thu nhà nghỉ giữa ca, Công ty cổ phần P không phải lập hóa đơn. Thuế GTGT đầu vào hình thành nhà nghỉ giữa ca được kê khai, khấu trừ theo quy định.
Ví dụ 27: Công ty Y là doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai, giá chưa có thuế GTGT 1 chai nước đóng chai trên thị trường là 4.000 đồng. Công ty Y xuất ra 300 chai nước đóng chai để phục vụ trong các cuộc họp công ty thì Công ty Y không phải kê khai, tính thuế GTGT.
Ví dụ 28: Công ty Y là doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai, giá chưa có thuế GTGT 1 chai nước đóng chai trên thị trường là 4.000 đồng. Công ty Y xuất ra 300 chai nước đóng chai với mục đích không phục vụ sản xuất kinh doanh thì Công ty Y phải kê khai, tính thuế GTGT đối với 300 chai nước xuất dùng không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nêu trên với giá tính thuế là 4.000 x 300 = 1.200.000 đồng.
Riêng đối với cơ sở kinh doanh có sử dụng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ, luân chuyển nội bộ phục vụ cho sản xuất kinh doanh như vận tải, hàng không, đường sắt, bưu chính viễn thông không phải tính thuế GTGT đầu ra, cơ sở kinh doanh phải có văn bản quy định rõ đối tượng và mức khống chế hàng hóa dịch vụ sử dụng nội bộ theo thẩm quyền quy định.”
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 3, 4 Điều 12 Thông tư số 219/2013/TT-BTC như sau:
“3. Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, bao gồm:
a) Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT dưới một tỷ đồng đã thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ.
b) Doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đang hoạt động nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.
Doanh nghiệp mới thành lập có thực hiện đầu tư theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.
Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có dự án đầu tư không thuộc đối tượng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư nhưng có phương án đầu tư được người có thẩm quyền của doanh nghiệp ra quyết định đầu tư phê duyệt thuộc đối tượng đăng ký áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.
c) Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có thực hiện đầu tư, mua sắm, nhận góp vốn bằng tài sản cố định, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ hoặc có hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh.
d) Tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ.
đ) Tổ chức kinh tế khác hạch toán được thuế GTGT đầu vào, đầu ra không bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã.
Doanh nghiệp, hợp tác xã hướng dẫn tại điểm a khoản này phải gửi Thông báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế GTGT cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là ngày 20 tháng 12 của năm trước liền kề năm người nộp thuế thực hiện phương pháp tính thuế mới.
Cơ sở kinh doanh hướng dẫn tại điểm b, c khoản này phải gửi Thông báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế GTGT tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Khi gửi Thông báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế GTGT tới cơ quan thuế trực tiếp, cơ sở kinh doanh không phải gửi các hồ sơ, tài liệu chứng minh như dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phương án đầu tư được người có thẩm quyền của doanh nghiệp ra quyết định đầu tư phê duyệt, hóa đơn đầu tư, mua sắm, hồ sơ nhận góp vốn, hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh. Cơ sở kinh doanh lưu giữ và xuất trình cho cơ quan thuế khi có yêu cầu. Trường hợp cơ sở kinh doanh mới thành lập từ ngày 01/01/2014 chưa đủ điều kiện đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế theo hướng dẫn tại điểm b, c khoản 3 Điều 12 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính, nếu đáp ứng được các điều kiện hướng dẫn tại điểm b, c khoản này thì được áp dụng theo hướng dẫn tại điểm b, c khoản 3 Điều 12 Thông tư này.
Cơ sở kinh doanh hướng dẫn tại điểm d khoản này phải gửi Thông báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế GTGT tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Cơ sở kinh doanh hướng dẫn tại điểm đ khoản này phải gửi Thông báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế GTGT tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 20 tháng 12 của năm trước liền kề năm người nộp thuế thực hiện phương pháp tính thuế mới.
Trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Thông báo về việc áp dụng phương pháp khấu trừ, cơ quan thuế phải có văn bản thông báo cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh biết việc chấp thuận hay không chấp thuận Thông báo về việc áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.
4. Các trường hợp khác:
a) Trường hợp cơ sở kinh doanh có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý thì cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng hoạt động này để nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư này.
b) Đối với doanh nghiệp đang nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có thành lập chi nhánh (bao gồm cả chi nhánh được thành lập từ dự án đầu tư của doanh nghiệp), nếu chi nhánh thuộc trường hợp khai thuế GTGT riêng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế thì xác định phương pháp tính thuế của Chi nhánh theo phương pháp tính thuế của doanh nghiệp đang hoạt động. Trường hợp chi nhánh không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu hoặc chi nhánh ở địa phương cấp tỉnh, thành phố cùng nơi doanh nghiệp có trụ sở chính nhưng không thực hiện kê khai riêng thì thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính của doanh nghiệp.
c) Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập khác không thuộc các trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này thì áp dụng phương pháp tính trực tiếp theo hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư này.
d) Khi hết năm dương lịch đầu tiên từ khi thành lập, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên theo cách xác định tại khoản 2 Điều này và thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ thì tiếp tục áp dụng phương pháp khấu trừ thuế; nếu doanh nghiệp, hợp tác xã không đạt mức doanh thu từ một tỷ đồng trở lên nhưng vẫn thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ thì được đăng ký tự nguyện tiếp tục áp dụng phương pháp khấu trừ thuế theo hướng dẫn tại điểm a khoản 3 Điều này. Sau năm dương lịch đầu tiên từ khi thành lập, doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng ổn định phương pháp tính thuế trong 2 năm liên tục.
Ví dụ 53: Công ty TNHH thương mại dịch vụ X thành lập và bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2014, Công ty TNHH thương mại dịch vụ áp dụng phương pháp tính trực tiếp các kỳ tính thuế GTGT trong năm 2014. Đến hết kỳ tính thuế tháng 11/2014, Công ty TNHH thương mại dịch vụ X xác định doanh thu như sau:
Lấy chỉ tiêu tổng doanh thu trên tờ khai thuế GTGT của kỳ tính thuế từ tháng 4 đến hết tháng 11 năm 2014 chia cho 8 tháng, sau đó nhân với 12 tháng.
Trường hợp doanh thu ước tính xác định được từ 1 tỷ đồng trở lên thì Công ty TNHH thương mại dịch vụ X chuyển sang áp dụng phương pháp khấu trừ thuế từ ngày 1/1/2015 và cho hai năm 2015, 2016. Trường hợp doanh thu ước tính theo cách xác định trên chưa đến 1 tỷ đồng và Công ty TNHH thương mại dịch vụ X thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ thì Công ty TNHH thương mại dịch vụ X thuộc trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều này. Nếu Công ty TNHH thương mại dịch vụ X tiếp tục đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thì Công ty TNHH thương mại dịch vụ X tiếp tục áp dụng phương pháp khấu trừ trong hai năm 2015, 2016.”
4. Sửa đổi khoản 1 Điều 13 Thông tư số 219/2013/TT-BTC như sau:
“1. Số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bằng giá trị gia tăng nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với hoạt động mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý.
Giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra trừ (-) giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào tương ứng.
Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra là giá thực tế bán ghi trên hóa đơn bán vàng, bạc, đá quý, bao gồm cả tiền công chế tác (nếu có), thuế giá trị gia tăng và các khoản phụ thu, phí thu thêm mà bên bán được hưởng.
Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào được xác định bằng giá trị vàng, bạc, đá quý mua vào hoặc nhập khẩu, đã có thuế GTGT dùng cho mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý bán ra tương ứng.
Trường hợp trong kỳ tính thuế phát sinh giá trị gia tăng âm (-) của vàng, bạc, đá quý thì được tính bù trừ vào giá trị gia tăng dương (+) của vàng, bạc, đá quý. Trường hợp không có phát sinh giá trị gia tăng dương (+) hoặc giá trị gia tăng dương (+) không đủ bù trừ giá trị gia tăng âm (-) thì được kết chuyển để trừ vào giá trị gia tăng của kỳ sau trong năm. Kết thúc năm dương lịch, giá trị gia tăng âm (-) không được kết chuyển tiếp sang năm sau”.
5. Bổ sung ví dụ số 58a tại khoản 4 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC như sau:
“Ví dụ số 58a: Doanh nghiệp A đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và nhà máy để sản xuất khép kín từ khâu nuôi trồng (bao gồm cả thuê gia công nuôi trồng mà doanh nghiệp A đầu tư toàn bộ giống, ao, hồ, hàng rào, hệ thống tưới tiêu, tàu thuyền và nguyên, vật liệu đầu vào khác như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, dịch vụ thú y…), đến khâu chế biến phi-lê cá tra đông lạnh để xuất khẩu và bán trong nước. Trong quá trình sản xuất doanh nghiệp A đã mua thêm cá tra của các doanh nghiệp khác hoặc của các hộ nông dân. Cá tra mua ngoài trước khi đưa vào nhà máy đều được tập trung nuôi tại ao hồ của doanh nghiệp A cùng cá tra do doanh nghiệp A tự nuôi. Cá tra do doanh nghiệp tự nuôi và cá tra mua ngoài được đưa vào nhà máy chế biến thành sản phẩm cá tra phi-lê (cá fillet) qua công đoạn và theo quy trình: Cá nguyên liệu - làm sạch - cắt đầu, lột da - bỏ nội tạng - cắt phi-lê - ướp muối - đông lạnh - xuất bán. Doanh nghiệp A được thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT như sau:
- Doanh nghiệp A được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định và của hàng hóa, dịch vụ mua vào không hình thành tài sản cố định tại nhà máy phục vụ khâu sơ chế cá tra phi-lê theo quy trình nêu trên.
- Cá tra phi-lê có nguồn gốc do doanh nghiệp A tự nuôi để xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0% và doanh nghiệp được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào có liên quan đến hoạt động xuất khẩu cá tra phi-lê. Trường hợp doanh nghiệp nuôi cá tra sau đó chế biến thành cá tra phi-lê vừa để xuất khẩu vừa để bán trong nước thì thuế GTGT đầu vào được phân bổ theo tỷ lệ % doanh thu xuất khẩu/Tổng Doanh thu (doanh thu xuất khẩu và doanh thu bán trong nước).”
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC như sau:
a) Sửa đổi khổ thứ nhất điểm c khoản 3 Điều 15 như sau:
“c) Đối với hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị hàng hóa, dịch vụ mua từ hai mươi triệu đồng trở lên, cơ sở kinh doanh căn cứ vào hợp đồng mua hàng hóa, dịch vụ bằng văn bản, hóa đơn giá trị gia tăng và chứng từ thanh toán qua ngân hàng của hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp để kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Trường hợp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng hoặc trước ngày 31 tháng 12 hàng năm đối với trường hợp thời điểm thanh toán theo hợp đồng sớm hơn ngày 31 tháng 12, cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào”.
b) Sửa đổi, bổ sung khổ đầu khoản 3 Điều 15 như sau:
“3. Chứng từ thanh toán qua ngân hàng được hiểu là có chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán (tài khoản của bên mua và tài khoản của bên bán phải là tài khoản đã đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế. Bên mua không cần phải đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế tài khoản tiền vay tại các tổ chức tín dụng dùng để thanh toán cho nhà cung cấp) mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo các hình thức thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành như séc, uỷ nhiệm chi hoặc lệnh chi, uỷ nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, sim điện thoại (ví điện tử) và các hình thức thanh toán khác theo quy định (bao gồm cả trường hợp bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua sang tài khoản bên bán mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân sang tài khoản bên bán nếu tài khoản này đã được đăng ký giao dịch với cơ quan thuế).”
c) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 4 Điều 15 như sau:
“c) Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào được thanh toán uỷ quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng (bao gồm cả trường hợp bên bán yêu cầu bên mua thanh toán tiền qua ngân hàng cho bên thứ ba do bên bán chỉ định) thì việc thanh toán theo uỷ quyền hoặc thanh toán cho bên thứ ba theo chỉ định của bên bán phải được quy định cụ thể trong hợp đồng dưới hình thức văn bản và bên thứ ba là một pháp nhân hoặc thể nhân đang hoạt động theo quy định của pháp luật.
Trường hợp sau khi thực hiện các hình thức thanh toán nêu trên mà phần giá trị còn lại được thanh toán bằng tiền có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng”.
7. Sửa đổi khoản 4 Điều 16 Thông tư số 219/2013/TT-BTC như sau:
“Hóa đơn thương mại. Ngày xác định doanh thu xuất khẩu để tính thuế là ngày xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan”.
Điều 4. Sửa đổi mẫu Giấy nộp tiền vào NSNN (mẫu C1-02/NS và C1-03/NS) tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 759/QĐ-BTC ngày 16/4/2013 của Bộ Tài chính về việc đính chính Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/1/2013 của Bộ Tài chính và mẫu Bảng kê nộp thuế (01/BKNT) ban hành kèm theo Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính như sau:
Ban hành kèm theo Thông tư này:
1. Mẫu Giấy nộp tiền vào NSNN (mẫu số C1-02/NS và C1-03/NS) thay thế cho mẫu Giấy nộp tiền vào NSNN ban hành kèm theo Quyết định số 759/QĐ-BTC ngày 16/4/2013 của Bộ Tài chính về việc đính chính Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/1/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (gọi tắt là TABMIS).
2. Mẫu Bảng kê nộp thuế (01/BKNT) thay thế cho mẫu Bảng kê nộp thuế (01/BKNT) ban hành kèm theo Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn quy trình tổ chức phối hợp thu ngân sách nhà nước giữa Kho bạc Nhà nước - Tổng cục Thuế - Tổng cục Hải quan và các ngân hàng thương mại.
Điều 5. Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 Thông tư số 39/2014/TT-BTC như sau:
“2. Các loại hóa đơn:
a) Hóa đơn giá trị gia tăng (mẫu số 3.1 Phụ lục 3 và mẫu số 5.1 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này) là loại hóa đơn dành cho các tổ chức khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ trong các hoạt động sau:
- Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong nội địa;
- Hoạt động vận tải quốc tế;
- Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
b) Hóa đơn bán hàng dùng cho các đối tượng sau đây:
- Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp khi bán hàng hóa, dịch vụ trong nội địa, xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu (mẫu số 3.2 Phụ lục 3 và mẫu số 5.2 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này).
- Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan” (mẫu số 5.3 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này).
Ví dụ:
- Doanh nghiệp A là doanh nghiệp khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ vừa có hoạt động bán hàng trong nước vừa có hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài. Doanh nghiệp A sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng cho hoạt động bán hàng trong nước và không cần lập hóa đơn GTGT cho hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài.
- Doanh nghiệp B là doanh nghiệp khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ vừa có hoạt động bán hàng trong nước vừa có hoạt động bán hàng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan. Doanh nghiệp B sử dụng hóa đơn GTGT cho hoạt động bán hàng trong nước và cho hoạt động bán hàng vào khu phi thuế quan.
- Doanh nghiệp C là doanh nghiệp chế xuất bán hàng vào nội địa và bán hàng hóa ra nước ngoài (ngoài lãnh thổ Việt Nam) thì sử dụng hóa đơn bán hàng khi bán vào nội địa, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan”; khi bán hàng hóa ra nước ngoài (ngoài lãnh thổ Việt Nam), doanh nghiệp C không cần lập hóa đơn bán hàng.
- Doanh nghiệp D là doanh nghiệp khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp, khi bán hàng hóa, dịch vụ trong nước, cho khu phi thuế quan, doanh nghiệp D sử dụng hóa đơn bán hàng. Khi xuất hàng hóa ra nước ngoài, doanh nghiệp D không cần lập hóa đơn bán hàng.
c) Hóa đơn khác gồm: tem; vé; thẻ; phiếu thu tiền bảo hiểm…
d) Phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế; chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng…, hình thức và nội dung được lập theo thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật có liên quan.”
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC như sau:
a) Sửa đổi điểm g khoản 1 Điều 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC như sau:
“g) Tên hàng hóa, dịch vụ; đơn vị tính; số lượng; đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền ghi bằng số và bằng chữ. Trường hợp tổ chức kinh doanh có sử dụng phần mềm kế toán theo hệ thống phần mềm của công ty mẹ là Tập đoàn đa quốc gia thì chỉ tiêu đơn vị tính được sử dụng bằng tiếng Anh theo hệ thống phần mềm của Tập đoàn.”
b) Sửa đổi điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC như sau:
“a) Tổ chức kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ có thể tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn không nhất thiết phải có chữ ký người mua, dấu của người bán trong trường hợp sau: hóa đơn điện; hóa đơn nước; hóa đơn dịch vụ viễn thông; hóa đơn dịch vụ ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện tự in theo hướng dẫn tại Thông tư này.
Trường hợp kinh doanh dịch vụ thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có tiêu thức “đơn vị tính””.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung hướng dẫn tại điểm b, c khoản 1 Điều 16 như sau:
“b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.
Nội dung trên hóa đơn phải đúng nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh; không được tẩy xóa, sửa chữa; phải dùng cùng màu mực, loại mực không phai, không sử dụng mực đỏ; chữ số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, không viết hoặc in đè lên chữ in sẵn và gạch chéo phần còn trống (nếu có). Trường hợp hóa đơn tự in hoặc hóa đơn đặt in được lập bằng máy tính nếu có phần còn trống trên hóa đơn thì không phải gạch chéo.
c) Hóa đơn được lập một lần thành nhiều liên. Nội dung lập trên hóa đơn phải được thống nhất trên các liên hóa đơn có cùng một số.
Đối với hóa đơn thu cước dịch vụ viễn thông, hóa đơn tiền điện, hóa đơn tiền nước, hóa đơn thu phí của các ngân hàng, vé vận tải hành khách của các đơn vị vận tải, các loại tem, vé, thẻ và một số trường hợp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, khi lập hóa đơn được thay thế liên 1 bằng bảng kê chi tiết số hóa đơn thực tế đã lập. Chi tiết mỗi số hóa đơn giao khách hàng được thể hiện trên một dòng của Bảng kê với đầy đủ các tiêu thức đã được đăng ký tại hóa đơn mẫu gửi cùng Thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Bảng kê được lập hàng tháng, được in ra giấy để lưu trữ bảo quản hoặc lưu trữ bằng phương tiện điện tử (Ví dụ như: bút nhớ (đĩa flash USB), đĩa CD và DVD, đĩa cứng gắn ngoài, đĩa cứng gắn trong). Việc bảo quản, lưu trữ bảng kê thực hiện theo quy định hiện hành về bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán. Nếu lưu trữ bằng giấy thì bảng kê phải có đầy đủ tên, chữ ký người lập bảng kê; tên, chữ ký thủ trưởng đơn vị; dấu đơn vị. Nếu lưu trữ bằng phương tiện điện tử thì bảng kê phải có chữ ký điện tử của đơn vị và nội dung bảng kê phải đảm bảo có thể truy cập kết xuất và in ra giấy khi cần tham chiếu. Các đơn vị phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và đầy đủ thông tin trên bảng kê hóa đơn đã lập trong ngày, trong tháng và phải đảm bảo lưu trữ để cung cấp cho cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác khi có yêu cầu”.
b) Bãi bỏ khổ thứ 7 điểm a khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC.
4. Sửa đổi khổ thứ hai Điều 27 Thông tư số 39/2014/TT-BTC như sau:
“Riêng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm không được sử dụng hóa đơn tự in, đặt in, doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế thuộc diện mua hóa đơn của cơ quan thuế theo hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư này thực hiện nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo tháng.”
Điều 6. Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 5 Thông tư số 78/2014/TT-BTC như sau:
“b) Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi (không bao gồm hàng hóa, dịch vụ sử dụng để tiếp tục quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp) được xác định theo giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương trên thị trường tại thời điểm trao đổi.
Ví dụ: Doanh nghiệp A có chức năng sản xuất phụ tùng ôtô và lắp ráp ôtô. Doanh nghiệp A dùng sản phẩm lốp ôtô do doanh nghiệp sản xuất để trưng bày, giới thiệu sản phẩm hoặc dùng lốp ôtô để tiếp tục lắp ráp thành ôtô hoàn chỉnh thì trong trường hợp này sản phẩm lốp ôtô của doanh nghiệp không phải quy đổi để tính vào doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ví dụ: Doanh nghiệp B là doanh nghiệp sản xuất máy tính. Trong năm doanh nghiệp B có xuất một số máy tính do chính doanh nghiệp sản xuất cho cán bộ công nhân viên để dùng làm việc tại doanh nghiệp thì các sản phẩm máy tính này không phải quy đổi để tính vào doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp”.
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC như sau:
“1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán và chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính có phát sinh khoản chi phí này).
Đối với các hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ đã thanh toán bằng tiền mặt phát sinh trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành thì không phải điều chỉnh lại theo quy định tại Điểm này.
Ví dụ 7: Tháng 8 năm 2014 doanh nghiệp A có mua hàng hóa đã có hóa đơn và giá trị ghi trên hóa đơn là 30 triệu đồng nhưng chưa thanh toán. Trong kỳ tính thuế năm 2014, doanh nghiệp A đã tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với giá trị mua hàng hóa này. Sang năm 2015, doanh nghiệp A có thực hiện thanh toán giá trị mua hàng hóa này bằng tiền mặt do vậy doanh nghiệp A phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kỳ tính thuế năm 2015).
Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định của pháp luật về hóa đơn; hóa đơn này nếu có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì doanh nghiệp căn cứ vào hóa đơn này và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định của pháp luật về hóa đơn; hóa đơn này nếu có giá trị dưới 20 triệu đồng và có thanh toán bằng tiền mặt thì doanh nghiệp căn cứ vào hóa đơn này và chứng từ thanh toán bằng tiền mặt của doanh nghiệp để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.”
3. Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC như sau:
“đ) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất (trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản) đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:
- Dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6 (sáu) nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 3 năm kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10 (mười) nghìn tỷ đồng/năm chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu (chậm nhất năm thứ 4 kể từ năm có doanh thu doanh nghiệp phải đạt tổng doanh thu tối thiểu đạt 10 (mười) nghìn tỷ đồng/năm).
- Dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6 (sáu) nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 3 năm kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và sử dụng trên 3.000 lao động chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu (chậm nhất năm thứ 4 kể từ năm có doanh thu doanh nghiệp phải đạt điều kiện sử dụng số lao động thường xuyên bình quân năm trên 3.000 lao động).
Số lao động quy định tại điểm này là số lao động có ký hợp đồng lao động làm việc toàn bộ thời gian, không tính số lao động bán thời gian và lao động hợp đồng ngắn hạn dưới 1 năm.
Số lao động sử dụng thường xuyên bình quân năm được xác định theo hướng dẫn tại Thông tư số 40/2009/TT-BLĐTBXH ngày 03 tháng 12 năm 2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trường hợp dự án đầu tư không đáp ứng các tiêu chí quy định tại điểm này (không kể bị chậm tiến độ do nguyên nhân khách quan trong khâu giải phóng mặt bằng, giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước hoặc do thiên tai, địch họa, hỏa hoạn và được cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư chấp thuận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) thì doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp phải kê khai, nộp số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp đã kê khai hưởng ưu đãi của các năm trước (nếu có) và nộp tiền chậm nộp tiền thuế theo quy định, nhưng doanh nghiệp không bị xử phạt về hành vi khai sai theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.”
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2014.
Đối với những trường hợp thực hiện thủ tục, biểu mẫu theo các Thông tư quy định tại khoản 2 Điều này mà doanh nghiệp cần thời gian chuẩn bị thì doanh nghiệp được chủ động lựa chọn thủ tục, biểu mẫu theo quy định hiện hành và theo quy định sửa đổi, bổ sung để tiếp tục thực hiện đến hết 31/10/2014 mà không cần thông báo, đăng ký với cơ quan thuế. Tổng cục Thuế có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện quy định này.
2. Bãi bỏ các hướng dẫn, mẫu biểu tại các Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013, Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 và Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ tại Thông tư này.
3. Các thủ tục hành chính về thuế khác không được hướng dẫn tại Thông tư này tiếp tục thực hiện theo các văn bản pháp luật hiện hành.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị, cơ sở kinh doanh phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để được nghiên cứu giải quyết./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
MINISTRY OF FINANCE |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
Hanoi, August 25, 2014 |
CIRCULAR
AMENDMENTS TO SOME ARTICLES OF CIRCULAR NO. 156/2013/TT-BTC DATED NOVEMBER 06, 2013, CIRCULAR NO. 111/2013/TT-BTC DATED AUGUST 15, 2013, CIRCULAR NO. 219/2013/TT-BTC DATED DECEMBER 31, 2013, CIRCULAR NO. 08/2013/TT-BTC DATED JANUARY 10, 2013, CIRCULAR NO. 85/2011/TT-BTC DATED JUNE 17, 2011, CIRCULAR NO. 39/2014/TT-BTC DATED MARCH 31, 2014, AND CIRCULAR NO. 78/2014/TT-BTC DATED JUNE 18, 2014 OF THE MINISTRY OF FINANCE IN ORDER TO SIMPLIFY TAX FORMALITIES
Pursuant to the Law on Tax administration No. 78/2006/QH11 dated November 29, 2006 and the Law No. 21/2012/QH13 dated November 20, 2012v on amendments to the Law on Tax administration;
Pursuant to the Law on Value-added tax No. 13/2008/QH12 dated June 03, 2008 and the Law No. 31/2013/QH13 dated June 19, 2013 on amendments to the Law on Value-added tax;
Pursuant to the Decree No. 83/2013/NĐ-CP dated June 22, 2013 on guidelines for the Law on Tax administration and the Law on the amendments to the Law on Tax administration;
Pursuant to the Government's Decree No. 209/2013/NĐ-CP dated December 18, 2013 on guidelines for the Law on Value-added tax;
Pursuant to the Government's Decree No. 51/2010/NĐ-CP dated May 14, 2010 on sale invoices and the Government's Decree No. 04/2014/NĐ-CP dated January 17, 2014 on amendments to Decree No. 51/2010/NĐ-CP dated May 14, 2010;
Pursuant to the Government's Decree No. 218/2013/NĐ-CP dated December 26, 2013 on guidelines for the Law on Corporate income tax;
Pursuant to the Government's Decree No. 215/2013/NĐ-CP dated December 23, 2013 defining the functions, tasks, entitlements and organizational structure of the Ministry of Finance;
At the request of the Director of the General Department of Taxation,
For the purpose of simplification of tax formalities, the Minister of Finance hereby introduces the amendments below:
Article 1. Circular No. 156/2013/TT-BTC dated November 06, 2013 on guidelines for the Law on Tax administration and the Law on amendments to the Law on Tax administration and the Decree No. 83/2013/NĐ-CP is amended as follows:
1. The forms below are enclosed with this Circular:
a) VAT declaration form for taxpayers that declare VAT using credit-invoice method (form 01/GTGT), which replaces form 01/GTGT enclosed with Circular No. 156/2013/TT-BTC dated November 06, 2013 of the Ministry of Finance.
b) List of invoices for sold goods/services (form 01-1/GTGT), which replaces form 01-1/GTGT enclosed with Circular No. 156/2013/TT-BTC dated November 06, 2013 of the Ministry of Finance.
c) List of invoices for purchased goods/services (form 01-2/GTGT), which replaces form 01-2/GTGT enclosed with Circular No. 156/2013/TT-BTC dated November 06, 2013 of the Ministry of Finance.
d) VAT declaration form for taxpayers who trade in or craft gold, silver, and gemstones (form 03/GTGT), which replaces form No. 03/GTGT enclosed with Circular No. 156/2013/TT-BTC dated November 06, 2013 of the Ministry of Finance.
dd) List of invoices for sold goods/services (form 04-1/GTGT), which replaces form 04-1/GTGT enclosed with Circular No. 156/2013/TT-BTC dated November 06, 2013 of the Ministry of Finance.
e) The notice of registration fee for real estate (form 01-1/LPTB), which replaces form 01-1/LPTB enclosed with Circular No. 156/2013/TT-BTC dated November 06, 2013 of the Ministry of Finance.
g) Personal income tax declaration form for individuals earning incomes from real estate transfer; inheritance or offer of real estate (form 11/KK-TNCN), which replaces form No. 11/KK-TNCNenclosed with Circular No. 156/2013/TT-BTC dated November 06, 2013 of the Ministry of Finance.
2. Point b Clause 3 Article 11 of Circular 156/2013/TT-BTC is amended as follows:
“b) Monthly and quarterly VAT declaration applying credit-invoice method:
- The VAT declaration form shall be made in accordance with form 01/GTGT is enclosed herewith;
- The list of purchased goods and services shall be compiled in accordance with form 01-1/GTGT enclosed herewith;
- A list of invoices proof of purchased goods/services using form 01-2/GTGT enclosed herewith;
- The statement of paid VAT on revenue from external business shall be made using form 01-5/GTGT enclosed herewith.
- The table of VAT distribution between the head office and the affiliates that do not keep accounting records (if any) shall be made in accordance with form 01-6/GTGT enclosed herewith.
3. Points a, d, dd, and e Clause 8 Article 11 of Circular 156/2013/TT-BTC is amended as follows:
a) Point a Clause 8 Article 11 is amended as follows:
“a) Declaring VAT on agent business
- Any taxpayer that is a agent selling goods/services or purchasing goods at fixed prices to earn commissions is not required to declare VAT on such goods and services, but shall be required to declare VAT on the commission earned.
- In other forms of agent business, the taxpayer must declare VAT on the goods/services sold, purchased by the agent, and the commission earned by the agent.
b) Point d, dd, e Clause 8 Article 11 is amended as follows:
“d) Payers of tax on finance lease are not required to submit the declaration of VAT on finance lease. The taxpayer must declare tax on the assets leased by other units under a lease purchase contract.
dd) Declaration tax incurred by authorized exporters and importers:
Any taxpayer entrusted to export, import goods is not required to declare VAT on the entrusted exports and imports (if the entrustment contract does not delegate tax obligation to the entrusted party), and shall declare VAT on the payment for entrustment.
e) In some cases, the list of purchased and sold goods/services enclosed with the tax declaration shall be compiled as follows:
- The revenue from direct retail of goods and services such as: electricity, water, gasoline, oil, postal and telecommunications services, hotel services, food and drink services, passenger transport, gold, silver, gemstones, goods that are not subject to VAT, other goods and services shall be declared as a total revenue instead of declaring revenue on each invoice separately.
- Goods and services purchased separately shall be listed by group of goods/services that incur the same rate of tax instead of listing separately by invoice.
- Affiliates of a bank in the same locality shall make and send the lists of purchased and sold goods/services to the head office. When making the list of purchased and sold goods/services, the headquarter shall only aggregate the lists sent by the affiliates”.
c) Clause 12 Article 11 of Circular No. 156/2013/TT-BTC is annulled.
4. Article 16 of Circular 156/2013/TT-BTC is amended as follows:
a) Point b.2.1 Clause 2 Article 16 is amended as follows:
“b.2) Tax finalization dossier
b.2.1) The individuals earning income from wages, insurance agents, lottery agents, or multi-level marketing that directly finalize tax to tax authorities shall use the forms below:
- Tax finalization form 09/KK-TNCN enclosed herewith.
- Appendix form 09-1/PL-TNCN enclosed herewith.
- Appendix form 09-3/PL-TNCN enclosed herewith if deductions for dependants is claimed.
- Appendix form 09-4/PL-TNCN enclosed herewith.
- Photocopies of documents proving the amount of tax deducted, paid in the year, or paid overseas (if any). The individual is responsible for the accuracy of such documents. If the income-paying organization does not provide proof of tax deduction because it has shut down, the tax authority shall process tax finalization dossiers of individuals without proof of tax deduction based on the tax database.
If the foreign tax authority does not verify tax payment according to their jurisdiction, the taxpayer may submit a photocopy of the Certificate of tax deduction (specifying the tax declaration number) issued by the income payer, or a photocopy of a banking notice of tax payment overseas, which is certified by the taxpayer.
- Photocopies of invoices proving the contributions to charitable funds, humanitarian funds, or scholarship funds (if any).
- If a individual receives income from a international organization, embassy, consulate, and receives income from abroad, it is required to have documents proving or certifying the amount of money paid by the foreign income payer, enclosed with a Certification of annual income (form 20/TXN-TNCN enclosed herewith).
b) The first “+" of the second “-“ of Point c.2.1 Clause 2 Article 16 are amended as follows:
"- The individuals earning income from two wage payers and have to finalize tax themselves shall finalize tax as follows:
+ The tax finalization dossier shall be submitted to the supervisory tax authority of the income payer with whom personal deductions for the individual taxpayer are registered. If the individual changes the workplace in the year and claims personal deductions, the tax finalization dossier shall be submitted to the supervisory tax authority of the last income payer. If the individual changes the workplace in the year without claiming personal deductions, the tax finalization dossier shall be submitted to the Sub-department of taxation where the individual resides (whether temporarily or permanently).”
c) Point b.1 Clause 6 Article 16 is amended as follows:
“b) Tax declaration dossier and application for tax exemption
b.1) If the inheritance or gift is real estate, instructions in Point b.1 Clause 3 of this Article shall be followed. The real estate transfer contract shall be replaced with a photocopy of a paper proving the right to the inheritance or gift, which bears the individual’s commitment to take responsibility.
If the inheritance or gift of real estate is received by a group of individuals and put under a co-ownership, the representative of the group shall declare tax and the other individuals shall append their signatures on the declaration (instead of each individual among which having to file separate a tax declaration). The tax authority shall determine the tax liability of each recipient of the inheritance or gift according to the declaration.”
d) Point c Clause 6 Article 16 is amended as follows:
c) Places to submit tax declarations
- The recipient of inheritance of gift that is real estate (including future constructions) shall submit a tax declaration in accordance with Point c Clause 3 of this Article.
- The recipient of inheritance of gift that is securities or capital contribution shall submit tax declarations to the supervisory tax authority of the securities issuer or the company to which capital is contributed. If an individual receives an inheritance or gift that consists of multiple types of securities or capital contributions, the tax declaration shall be submitted to the Sub-department of taxation where the individual resides (whether temporarily or permanently).
- Recipients of inheritance and gifts that are other assets shall submit tax declarations to the tax authorities where declarations of registration fees are submitted.
5. Point b Clause 1 Article 19 of Circular No. 156/2013/TT-BTC is amended as follows:
b) For real estate, a declaration dossier consists of:
- The declaration form 01/LPTB enclosed herewith.
- Papers proving legitimate origins of real estate;
- Documents about property transfer between the transferor and the transferee.
- Papers proving the eligibility of the property or property owner for exemption from registration fee (if any).
If the inheritance or gift is real estate, the declaration form No. 01/LPTB mentioned above may be omitted from the dossier. The tax authority shall calculate the registration fee payable by the property owner according to the declaration of personal income tax (form No. 11/KK-TNCN) and issue a notification using form No. 01-1/LPTB enclosed herewith".
6. The second, third, and forth paragraphs of Clause 11 Article 21 of Circular No. 156/2013/TT-BTC is amended as follows:
“When a household paying flat tax is granted tax exemption or tax reduction because of a business suspension, tax payable shall be determined as follows:
If the taxpayer suspends the business for a full month (from the 1st to the last day of the month) or longer shall have the amount tax payable in the quarter reduced by 1/3. Similarly, tax payable in the quarter shall be reduced by 2/3 if the business is suspended for 02 consecutive full months, and tax payable in the quarter shall be exempt in full if the business is suspended for the whole quarter. If taxpayer does not suspend the business for the full month, no tax reduction shall be given.
If the taxpayer keeps running the business during the suspension period, tax shall be paid as requested by the tax authority.”
7. Article 22 of Circular No. 156/2013/TT-BTC is amended as follows:
a) Clause 1 Article 22 is amended as follows:
“1. Tax declaration rules.
Any household or individual who leases out their property (hereinafter referred to as the lessor) must declare and pay VAT, personal income tax, and license tax as requested by the tax authority.
If the income a household or individual earns from the property lease in a year is VND 100 million or less, or the monthly rent in the year is VND 8.4 million or less, it is not required to declare and pay VAT or personal income tax, and the tax authority shall not issue separate invoices in this case”
b) Point b Clause 5 Article 22 of Circular No. 156/2013/TT-BTC is amended as follows:
“5. Deadlines for paying tax
...
b) If tax is declared whenever a contract is signed, the deadline for submitting the tax declaration is also the deadline for paying tax”.
8. 6th, 7th, 8th, and 9th paragraphs of Clause 3 Article 28 22 of Circular No. 156/2013/TT-BTC are amended as follows:
Each State Treasury shall cooperate with the tax authority at the same level in deducting VAT on local fundamental works funded by government budget, and record the deducted VAT as government revenues as follows:
Deducted VAT shall be recorded in the budget of the province where the fundamental work is located.
For extraprovincial works, the investor shall determine the revenue from each province and send a report to the State Treasury.
If a work extends over more than one district, deducted VAT shall be included to the budget of each of the district in proportion with the revenue each province earns from the work, provided such revenue can be determined. If the revenue each province earns from the work cannot be determined, the investor shall determine the proportion of revenue earned in each district and submit a report to the State Treasury in order to deduct VAT. If the investor fails to determine proportion of revenue in each district, the Director of the Provincial Department of Taxation shall consider making a decision."
9. Clause 2 Article 29 of Circular No. 156/2013/TT-BTC is annulled.
Article 2. Amendments to paragraphs 1, 2, 3, 4 Article 1 of Circular 111/2013/TT-BTC dated August 15, 2013 of the Ministry of Finance providing guidelines for implementation of the Law on Personal income tax, the Law on amendments to the Law on Personal income tax, and the Government's Decree No. 65/2013/NĐ-CP:
“Article 1. Taxpayers
Taxpayers being residents and non-residents mentioned in Article 2 of the Law on Personal income tax, Article 2 of the Government's Decree No. 65/2013/NĐ-CP dated June 27, 2013 on guidelines for the Law on Personal income tax and the Law on amendments to the Law on Personal income tax (hereinafter referred to as Decree No. 65/2013/NĐ-CP) who earn taxable income as prescribed in Article 3 of the Law on Personal income tax and Article 3 of Decree No. 65/2013/NĐ-CP.
Taxable income is determined as follows:
Taxable income earned by a resident is the income earned within and beyond Vietnam’s territory regardless of the place where income is paid;
Any individual who is a citizen of a country or territory that has entered into an agreement on double taxation and prevention of tax avoidance with Vietnam, and also a resident in Vietnam shall calculate personal income tax from the month that individual arrives at Vietnam (if the individual goes to Vietnam for the first time) to the month in which the labor contract expires and the individual leaves Vietnam without following procedures for consular certification to avoid double taxation according to the double taxation agreement between the two countries.
Taxable income of a non-resident is income earned in Vietnam, regardless of the place where income is paid and received"
Article 3. Amendments to Circular 219/2013/TT-BTC dated December 31, 2013 of the Ministry of Finance providing guidelines for implementation of the Law on Value-added tax and the Government's Decree No. 209/2013/NĐ-CP dated December 18, 2013 on guidelines for the Law on Value-added tax:
1. Point g Clause 7 Article 5 of Circular No. 219/2013/TT-BTC is amended as follows:
“g) The business establishment is not required to pay VAT on re-import of exported goods returned by the foreign buyer. VAT on returned domestic goods shall still be declared and paid as prescribed”.
2. Clause 4 Article 7 of Circular No. 219/2013/TT-BTC is amended as follows:
“4. Taxable prices for goods/services meant for internal use.
Goods internally circulated as supplies or semi-finished products serving the operation of a manufacturing or business establishment are exempt from VAT.
When a business establishment creates its own fixed assets (self-created) to serve the manufacture or sale of goods subject to VAT, the business establishment is not required to issue invoices when such fixed assets are completed and approved. Input VAT on self-created fixed assets shall be declared and deducted as prescribed.
When machinery, equipment, supplies, or goods are delivered as a loan, borrowing, or repayment, the business establishment is not required to issue invoices and pay VAT, provided contracts and relevant proof of payment are available.
Example 24: Unit A is a manufacturer of electric fans. Unit A installs 50 of these fans in its workshops to server its business operation. Unit A is not required to pay VAT on these 50 electric fans.
Example 25: Facility B has a weaving workshop and a tailoring workshop. Facility B delivers finished thread from the weaving workshop to the tailoring workshop to proceed the manufacture. Facility B is not required to calculate and pay VAT on the thread delivered to the tailoring workshop.
Example 26: Joint-stock company P builds a rest house for its workers. Company P does not have any specialized unit to execute the construction. When the house is finished, company P is not required to issue an invoice. Input VAT on self-created fixed assets shall be declared and deducted as prescribed.
Example 27: Company Y is a company that produces bottled water. The VAT-exclusive price for a bottle on the market is VND 4,000. When company Y uses 300 bottles during its meeting, VAT shall not be paid.
Example 28: Company Y is a company that produces bottled water. The VAT-exclusive price for a bottle on the market is VND 4,000. Company Y delivers 300 bottles for purposes other than business purposes, company Y must declare and calculate VAT on these 300 bottles. The taxable price is VND 4,000 x 300 = VND 1,200,000.
When a business establishment using internal goods/services for business such as transport, aviation, rail transport, postal services and telecommunications, it is not required to calculated output VAT. The business establishment must issue written regulations on the types and quantity of goods/services used internally.”
3. Clause 3 and Clause 4 Article 12 of Circular No. 219/2013/TT-BTC are amended as follows:
“3. Business establishments that voluntarily apply credit-invoice method include:
a) Any company or cooperative that earns an annual revenue of below VND 1 billion from selling goods or providing services subject to VAT and adhere to regulations on bookkeeping and invoicing.
b) Any new company derived from a project of a business establishment that pays VAT using credit-invoice method.
Any new company that is making investment in a project approved by a competent authority and voluntarily applies credit-invoice method.
Any new company or cooperative that has a project, which is not approved by a competent authority, an investment plan approved by a competent person of the company, and voluntarily applies credit-invoice method.
c) Any new company or cooperative that make investment, purchases, or receive capital contribution in the form of fixed assets, machinery, equipment, tools, or has a contract to lease business premises.
d) Any foreign entity doing business in Vietnam under a main contract or subcontract.
dd) Any business organization that can separate input VAT from output VAT, excluding companies and cooperatives.
Every company and cooperative mentioned in Point a of this Clause must send a notification of the applied VAT accounting method to the supervisory tax authority by December 20 of the year preceding the year in which the tax accounting method ix changed.
Every business establishment mentioned in Point b and Point c of this Clause must send a notification of the applied VAT accounting method to its supervisory tax authority. When sending the notification of applied VAT accounting method to the supervisory tax authority, the taxpayer is not required to send proving documents such as the project of investment approved by a competent authority, the investment plan approved by a competent person of the company, invoices, receipts for capital contribution, or the premises lease contract. The taxpayer shall keep and present those documents at the request of the tax authority. If a new business establishment that just operated from January 01, 2014, who is not eligible to apply credit-invoice method as prescribed in Point b and Point c Clause 3 Article 12 of Circular No. 219/2013/TT-BTC, satisfies the requirements mentioned in Point b and Point c of this Clause, they may apply credit-invoice method as prescribed in Point b and Point c Clause 3 Article 12 of this Circular.
Every business establishment in Point d of this Clause must send a notification of the applied VAT accounting method to its supervisory tax authority.
The companies and cooperatives mentioned in Point a of this Clause must send a notification of the VAT accounting method to the supervisory tax authority by December 20 of the year preceding the year in which the tax accounting method ix changed.
Within 05 working days from the receipt of the notification credit-invoice method application, the tax authority shall notify the taxpayer (in writing) that whether the application of credit-invoice method is approved or not.
4. Other cases:
a) If a business establishment trades in jewelry, it must separate revenue from this operation and apply direct method to pay VAT thereon in accordance with Article 13 of this Circular.
b) When a company applying credit-invoice method establishes branches (including those derived from its projects), the tax accounting method applied by the branches is the same as that applied by the company if such branches declare VAT independently. Any branch that does not sell goods, does not earn revenue, or any branch in the same province as the headquarter which does not declare tax independently shall have tax declared at the headquarter of the company.
c) Any new company or cooperative that is not mentioned in Clause 3 of this Article shall apply the direct method prescribed in Article 13 of this Circular.
d) At the end of the first calendar year from its inauguration date, if the company or cooperative earns a revenue of VND 1 billion or above and adheres to regulations on bookkeeping and accounting, credit-invoice method shall be applied; If the company or cooperative fails to earn a revenue of VND 1 billion but still adheres to regulations on bookkeeping and accounting, it may request permission to apply credit-invoice method as instructed in Point a Clause 3 of this Article. After the first calendar year from the inauguration date, the company or cooperative shall apply the same tax accounting method within 02 consecutive years.
Example 53: Company X is established and inaugurates in April 2014. It applies direct method to calculate VAT in the tax periods of 2014. At the end of the tax period of November 2014, company X determines its revenue as follows:
The total revenue on the VAT declarations from April to November 2014 is divided by (:) 8 months, then multiplied by (x) 12 months.
If the revenue determined is VND 1 billion or above, company X may apply credit-invoice method from January 01, 2015 until the end of 2016. If the revenue determined is below VND 1 billion but company X adheres to regulations on bookkeeping and invoicing, company X may request permission to apply credit-invoice method as instructed in Clause 3 of this Article. If company X wishes to keep applying credit-invoice method, it shall apply credit-invoice method in 2015 and 2016.”
4. Clause 1 Article 13 of Circular No. 219/2013/TT-BTC is amended as follows:
“1. VAT payable equals (=) value added multiplied by (x) VAT rate on jewelry trading.
Value added of jewelry equals (=) its selling price minus its buying price.
The selling price of jewelry is the price written on the invoice, inclusive of crafting cost, VAT, and surcharges to which the seller is entitled.
Buying price of jewelry is the VAT-inclusive value of jewelry purchased or imported for crafting or trading the jewelry sold.
In the tax period, any negative value added of jewelry shall be offset against its positive value added. If the positive value added is not available or not sufficient to completely offset against the negative value added, the negative value added shall transferred to the next period in the same year. At the end of the calendar year, any residual negative value added shall not be transferred to the next year”.
5. Example 58a is added to Clause 4 Article 14 of Circular No. 219/2013/TT-BTC:
“Example 58a: Company A invests in a raising zone and a factory to create a closed manufacture process from raising (including the lease of a raising zone in which the breeds, ponds, fences, irrigation system, ships, animal feeds, veterinary medicines, veterinary services, etc. are invested in by Company A) to processing pangasius fish fillets serving both the export and domestic markets. During the manufacture process, company A has bought pangasius fish from other companies and farmer households. Pangasius fish bought externally are gathered at company A’s ponds where company A’s pangasius fish are raised before being brought into the factory. Pangasius fish raised by the company and pangasius fish bought externally are processed into fish fillets in the factory. Company A shall declare VAT as follows:
- Company A may deduct the whole input VAT on fixed assets and purchased goods/services that are not fixed assets serving the preparation of pangasius processing.
- Exported fillets of pangasius fish raised by company A shall apply 0% tax. Company may deduct input VAT on export of pangasius fillets in full. Trường hợp doanh nghiệp nuôi cá tra sau đó chế biến thành cá tra phi-lê vừa để xuất khẩu vừa để bán trong nước thì thuế GTGT đầu vào được phân bổ theo tỷ lệ % doanh thu xuất khẩu/Tổng Doanh thu (doanh thu xuất khẩu và doanh thu bán trong nước).”
6. Article 15 of Circular No. 219/2013/TT-BTC is amended as follows:
a) The first paragraph of Point c Clause 3 Article 15 is amended as follows:
“c) With regard to purchase of goods/services under an instalment plan or deferred payment plan that is valued at VND 20 million or above, the business establishment shall declare input VAT according to the sale contract, VAT invoice, and bank transfer receipt. If the bank transfer receipt is not available because the payment is not due (or before December 31 if payment is due before December 31), the business establishment may declare and deduct input VAT”.
b) Clause 3 Article 15 is amended as follows:
“3. Bank transfer receipts are the documents proving the transfer of money from the buyer’s account to the seller’s account (theses accounts must be registered or notified to tax authorities; the buyer is not required to register or notify the tax authority of loan accounts opened at credit institutions which are used to pay suppliers) opened at providers of payment services in legitimate forms such as checks, payment order, collection order, banking card, credit card, SIM card (digital wallet), and other methods of payment (even when the buyer transfer money from the buyer’s account to the seller’s account held by an owner of a private company, or when the buyer transfer money from the buyer’s account held by an owner of a private company to the seller’s account if such account has been registered with the tax authority)
c) Point c Clause 4 Article 15 is amended as follows:
“c) If a third party is authorized to receive the payment for purchases by bank transfer (including the case in which the seller requests the buyer to wire the payment to a third party appointed by the seller), this authorization must be agreed in the contract, and the third party must be a lawful legal person or a natural person
After the payment is made this way, if the remaining value that is paid in cash is 20 million VND or more, tax shall only be deducted if bank transfer receipts are provided”.
7. Clause 4 Article 16 of Circular No. 219/2013/TT-BTC is amended as follows:
“Commercial invoice. The day to determine revenue from export to calculate tax is the day on which customs procedure completion is confirmed on the customs declaration”.
Article 4. Replacement of deposit form C1-02/NS and C1-03/NS in appendices of Decision No. 759/QĐ-BTC dated April 16, 2013 of the Ministry of Finance and tax declaration form No. 01/BKNT enclosed with Circular No. 85/2011/TT-BTC dated June 17, 2011 of the Ministry of Finance:
The forms below are enclosed with this Circular:
1. Deposit form C1-02/NS and C1-03/NS replace the forms in Decision No. 759/QĐ-BTC dated April 16, 2013 of the Ministry of Finance.
2. Tax declaration form No. 01/BKNT replaces form No. 01/BKNT enclosed with Circular No. 85/2011/TT-BTC dated June 17, 2011 of the Ministry of Finance.
Article 5. Amendments to Circular No. 39/2014/TT-BTC dated March 31, 2014 of Ministry of Finance providing guidance on Decree No. 51/2010/NĐ-CP and Decree No. 04/2014/NĐ-CP dated January 17, 2014 of Government providing goods sale and service provision invoices:
1. The Clause 2 Article 3 of the Circular No. 39/2014/TT-BTC shall be amended as follows:
“2. Types of invoices:
a) Organizations shall declare and calculate the VAT by the credit-invoice method using the VAT invoices (form No. 3.1 in Appendix 3 and form No. 5.1 in Appendix 5 enclosed herewith) when:
- Selling goods and providing services in Vietnam;
- Providing international transportation services;
- Exporting goods to the free trade zones and other cases considered export;
b) Sales invoices are used by:
- Entities that declare and calculate VAT using direct method when selling goods and providing services in Vietnam or exporting them to free trade zones, and other cases considered export (form No. 3.2 in Appendix 3 and form No. 5.2 in Appendix 5 enclosed herewith).
- Entities in free trade zones when selling goods and providing services in Vietnam and selling goods and providing services for other entities in the free trade zone. In this case, the invoices must specify “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan” (For entities in free trade zones) (form No. 5.3 in Appendix 5 enclosed herewith).
Example:
- Company A, who declares VAT using credit-invoice method, sells goods in Vietnam and concurrently exports goods. Company A. Company A shall use VAT invoices for goods sold in Vietnam and shall not be required to issue VAT invoices for exported goods.
- Company B, who declares VAT using credit-invoice method, sells goods to both domestic entities and entities in free trade zone. Company B shall use VAT invoices for goods sold in Vietnam and goods sold to the free trade zone.
- Company C is an export processing company that sells goods in Vietnam and export goods, thus company C shall use sales invoices specifying “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan” (For entities in free trade zones) for goods sold in Vietnam; Company C is not required to issue invoices for exporting goods.
- Company D, who declares VAT using direct method, shall use sales invoices when selling goods and providing services in Vietnam and for the free trade zone. Company D shall not be required to make sales invoices for exporting goods.
c) Other invoices include stamps, tickets, cards, receipts for insurance premium, etc.
d) Air freight receipts, receipt for international transport charges, receipts for banking service charges shall be issued in conformity with international practice and relevant laws.
2. Article 4 of the Circular No. 39/2014/TT-BTC is amended as follows:
a) Point g Clause 1 Article 4 of the Circular No. 39/2014/TT-BTC shall be amended as follows:
“g) Names of goods and services; units, quantity, unit prices of goods and services; amount must be written in numbers and words. If a company uses the accounting software in conformity with the software system of the parent company which is a multinational corporation, the units shall be written in English in the same way as the software system of such corporation.”
b) The Point a Clause 3 Article 4 of the Circular No. 39/2014/TT-BTC shall be amended as follows:
“a) Traders may create, publish, and use invoices without buyers' signatures or the seller’s seal in case of: electricity bills, water bills, telephone bills, banking service bills that are self-printed as prescribed in this Circular.
It is unnecessary to write the unit on the invoices for service provision”.
3. Article 16 of the Circular No. 39/2014/TT-BTC shall be amended as follows:
a) Point b and point c in Clause 1 Article 16 shall be amended as follows:
“b) Sellers must issue invoices for goods and services, including those used for trade promotion, advertising and as samples; goods and services used for donation, exchange, or paid as salaries for employees and those that are used internally (except for goods circulated internally to proceed production).
Information on invoices must matches the actual transactions; no erasure and change is allowed; the ink used must be consistent in color and indelible; do not use red ink; numbers and text must be written continuously without interruption; do not write or print on printed text; any blank space shall be crossed out. It is not required to cross out blank space on self-printed invoices or ordered invoice made by computers.
c) An invoice consists of multiple copies. Information on copies of the same invoice number must be consistent.
The copy 1 of any electricity bill, water bill, telephone bill, banking service bill, transport bill, stamp, card, ticket and other cases in accordance with instructions of the Ministry of Finance shall be replaced by a list of invoices that are actually made. Information about each customer invoice shall be written in one line of the List (as prescribed in the model invoice) that is sent together with the notice of invoice issuance to the supervisory tax authority.
Each List must be made monthly and printed in paper or stored in electronic devices (such as memory sticks, CDs, DVDs, hard disks). Every list shall be maintained and stored according to current regulations on maintenance and storage of accounting documents. Each written list must include the name and signature of the maker; name and signature of the head of the unit and seal of the unit. Each list that is stored by the electronic devices must bear the electronic signature of the division and can be accessed and printed if necessary. Every division must be responsible for the accuracy and sufficiency of the information on the lists and storage of such lists in order to provide them for the tax authorities and other functional agencies when requested".
b) The 7th paragraph in Point a Clause 2 Article 16 of the Circular No. 39/2014/TT-BTC is removed.
4. The 2nd paragraph in Article 27 of the Circular No. 39/2014/TT-BTC shall be amended as follows:
“ Any enterprise using self-printed invoices or ordered invoices that commits any violation must not use such invoices. Any enterprise facing high risk of tax and buying invoices from the tax authorities as prescribed in Article 11 this Circular shall submit monthly Report on use of invoices”
Article 6. Amendments to Circular No. 78/2014/TT-BTC dated June 18, 2014 of Ministry of Finance providing guidance on Decree No. 218/2013/NĐ-CP dated December 26, 2013 of Government providing guidance on the Law on Enterprise income tax:
1. The Point b Clause 3 Article 5 of the Circular No. 78/2014/TT-BTC shall be amended as follows:
“b) For goods and services used for exchange (excluding the goods and services used for sustaining production and business operation), it shall be determined according to the selling prices of products, goods or services of the same or similar categories on the market at the time of exchange;
Example: Company A produces automotive parts and assembles automobiles. If company A uses the tires it produces for display, product introduction, or assembling automobiles, the value of such tires shall not be included in the assessable income.
Example. Company B produces computers. The value of computers that Company B produces and provides for its employees to work at that company shall not be included in assessable income”.
2. Clause 1 Article 6 of the Circular No. 78/2014/TT-BTC shall be amended as follows:
“1. Except for the expenses prescribed in Clause 2 this Article, every expense incurred by the enterprise shall be deducted if all of these following requirements are satisfied:
a) The actual expenses incurred are related to the production and business activities of the enterprises;
b) There are sufficient valid invoices for and proof of the expenses under the regulations of the law.
c) There is proof of non-cash payment for each invoice for goods and services of at least VND 20 million (including VAT).
The proof of non-cash payment must comply with regulations of law on VAT.
In case of any invoice for goods and services that are worth at least VND 20 million but has not been settled and had the proof of non-cash payment at the time the expenses are recorded, the taxpayer may include such purchase in deductible expenses when determining taxable income. If enterprises have proof of non-cash payment for such payment, they shall make a declaration and reduce expenses proportional to the value of goods or services without proof of non-cash payment in the tax period in which the enterprises makes the cash payment (even when tax authorities and other authorities have issued Decision on inspection of the tax period in which such expenses arise).
The invoices for goods and services paid in cash arising before the effective date of this Circular shall not be adjusted under the regulations of this Point.
Article 7: In August 2014, company A bought goods with an invoice for VND 30 million but company A has not paid for it. In the tax period in 2014, company A has included such purchase in the deductible expenses when determining the taxable income proportional to the value of such goods. In 2015, company A pays for such purchase in cash so the company A must make a declaration and reduce expenses proportional to the value of such goods in the tax period in which such cash payment is made (the tax period in 2015).
If any enterprise purchases the goods and services related to the production and business operation of that enterprise and the invoice is printed by the cash register under the regulations of the law on invoices; the enterprise shall include such purchase in the deductible expenses according to such invoice and proof of non-cash payment when determining taxable income, provided that the value of such invoice is at least VND 20 million.
If any enterprise purchases the goods and services related to the production and business operation of that enterprise and the invoice is printed by the cash register under the regulations of the law on invoices; the enterprise shall include such purchase in the deductible expenses according to such invoice and proof cash payment when determining taxable income, provided that the value of such invoice is less than VND 20 million and such invoice is settled in cash.”
3. Point dd Clause 1 Article 19 of the Circular No. 78/2014/TT-BTC shall be amended as follows:
“dd) Incomes of enterprises from carrying out new production projects (except for the projects for producing the goods liable to special excise duty and mineral extraction projects) which satisfy either of the following requirements:
- A project with capital of at least VND 06 trillion, which is disbursed within 03 years from the issuance of the Investment certificate, has a total revenue of at least 10 trillion per year within 03 years from the first year in which revenue is earned ( within 04 years from the first year in which the enterprise revenue is earned, its total turnover must reach at least VND 10 trillion per year)
- A project with a capital of at least VND 6 trillion, which is disbursed within 03 years from the issuance of the Investment certificate, employs more than 3,000 employees within 03 years from the first year in which revenue is earned (within 04 years from the first year in which revenue is earned, the average number of regular employees employed each year must be over 3,000).
The employees prescribed in this Point are those signing fulltime labor contracts (excluding the part-time employees and the employees signing short-term contracts (less than one year).
The average number of regular employees shall be determined according to the instructions in the Circular No. 40/2009/TT-BLĐTBXH of the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs dated December 03, 2009.
In case their investment projects fail to satisfy the requirements prescribed in this Point (except for those with behind-schedule progress due to objective issues that arise during site clearance, following administrative procedures of the competent authorities, natural disasters, enemy sabotage or fire and that are approved by the authorities issuing Investment certificate and reported to the Prime Minister for approval) the enterprises shall not eligible for enterprise income tax incentives and shall declare and pay enterprise income tax amounts declared for enjoyment of incentives in the previous years (if any) and the late tax payment interest as prescribed. However, they will not be penalized for false declaration in accordance with the law on tax administration.
1. This Circular comes into effect from September 01, 2014.
When a company needs time to prepare for following the procedures and making the forms provided in the Circulars mentioned in Clause 2 this Article, it may choose the procedures and forms according to current regulations and the regulations on amendment by November 01, 2014 without being required to notify and register with the tax authorities. The General Department of Taxation shall provide instructions on the implementation of this regulation.
2. The instructions and forms provided in the Circular No. 156/2013/TT-BTC dated November 06, 2013, Circular No. 111/2013/TT-BTC dated August 15, 2013, Circular No. 219/2013/TT-BTC dated December 31, 2013, Circular No. 08/2013/TT-BTC dated January 10, 2013, Circular No. 85/2011/TT-BTC dated June 17, 2011, Circular No. 39/2014/TT-BTC dated March 31, 2014 and Circular No. 78/2014/TT-BTC dated June 18, 2014 of the Ministry of Finance that is amended, replaced or annulled by this Circular are invalidated.
3. Other administrative procedures for taxation that are not mentioned in this Circular shall be implemented according to applicable regulations of law.
Any difficulty or obstacle that arises during the implementation of this Circular should be reported to the Ministry of Finance for consideration./.
|
PP. THE MINISTER |
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực