Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu
Số hiệu: | 63/2014/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 26/06/2014 | Ngày hiệu lực: | 15/08/2014 |
Ngày công báo: | 12/07/2014 | Số công báo: | Từ số 663 đến số 664 |
Lĩnh vực: | Đầu tư, Xây dựng - Đô thị | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
27/02/2024 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Đã có Nghị định hướng dẫn Luật đấu thầu 2013
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 63/2014/NĐ-CP để kịp thời hướng dẫn Luật đấu thầu có hiệu lực vào 01/07/2014.
Nghị định đưa ra nguyên tắc ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, gồm:
- Ưu tiên cho nhà thầu có đề xuất chi phí trong nước cao hơn hoặc sử dụng nhiều lao động địa phương hơn;
- Nguyên tắc chỉ được hưởng một loại ưu đãi cao nhất;
- Đối với gói thầu hỗn hợp, nhà thầu được hưởng ưu đãi khi có đề xuất chi phí trong nước từ 25% trở lên giá trị công việc của gói thầu.
Hàng hóa trong nước chỉ được hưởng ưu đãi khi nhà thầu chứng minh được hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên trong giá hàng hóa. Nghị định cũng quy định chi tiết cách tính ưu đãi.
Đối với nhà thầu trong nước: hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất phải có tổng số lao động là nữ giới, thương binh, người khuyết tật chiếm tỷ lệ 25% trở lên có HĐLĐ tối thiểu 03 tháng…
Trường hợp gói thầu xây lắp có giá thầu không quá 05 tỷ chỉ cho phép nhà thầu là DN cấp nhỏ và siêu nhỏ tham gia đấu thầu.
Nghị định có hiệu lực từ 15/08/2014.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 1 của Luật Đấu thầu.
2. Việc lựa chọn nhà thầu trong lĩnh vực dầu khí quy định tại Khoản 4 Điều 1 của Luật Đấu thầu áp dụng đối với dự án đầu tư phát triển quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 1 của Luật Đấu thầu, trừ việc lựa chọn nhà thầu liên quan trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí.
3. Trường hợp điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có quy định việc áp dụng thủ tục lựa chọn nhà thầu thì thực hiện theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 3 của Luật Đấu thầu. Thủ tục trình, thẩm định và phê duyệt thực hiện theo quy định của Nghị định này.
4. Trường hợp điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế không có quy định về việc áp dụng thủ tục lựa chọn nhà thầu, việc lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định này.
1. Nhà thầu tham dự quan tâm, tham dự sơ tuyển phải đáp ứng quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 6 của Luật Đấu thầu.
2. Nhà thầu tham dự thầu gói thầu hỗn hợp phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công cho gói thầu đó, trừ trường hợp các nội dung công việc này là một phần của gói thầu hỗn hợp.
3. Nhà thầu tư vấn có thể tham gia cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ tư vấn cho cùng một dự án, gói thầu bao gồm: Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, tư vấn giám sát.
4. Nhà thầu được đánh giá độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu khác; với nhà thầu tư vấn; với chủ đầu tư, bên mời thầu quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 6 của Luật Đấu thầu khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Không cùng thuộc một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý đối với đơn vị sự nghiệp;
b) Nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau;
c) Nhà thầu không có cổ phần hoặc vốn góp trên 20% của nhau khi cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế;
d) Nhà thầu tham dự thầu với nhà thầu tư vấn cho gói thầu đó không có cổ phần hoặc vốn góp của nhau; không cùng có cổ phần hoặc vốn góp trên 20% của một tổ chức, cá nhân khác với từng bên.
5. Trường hợp đối với tập đoàn kinh tế nhà nước, nếu sản phẩm, dịch vụ thuộc gói thầu là ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của tập đoàn và là đầu ra của công ty này, đồng thời là đầu vào của công ty kia trong tập đoàn thì tập đoàn, các công ty con của tập đoàn được phép tham dự quá trình lựa chọn nhà thầu của nhau. Trường hợp sản phẩm, dịch vụ thuộc gói thầu là đầu ra của công ty này, đồng thời là đầu vào của công ty kia trong tập đoàn và là duy nhất trên thị trường thì thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
1. Trường hợp sau khi tính ưu đãi, nếu các hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất xếp hạng ngang nhau thì ưu tiên cho nhà thầu có đề xuất chi phí trong nước cao hơn hoặc sử dụng nhiều lao động địa phương hơn (tính trên giá trị tiền lương, tiền công chi trả).
2. Trường hợp nhà thầu tham dự thầu thuộc đối tượng được hưởng nhiều hơn một loại ưu đãi thì khi tính ưu đãi chỉ được hưởng một loại ưu đãi cao nhất theo quy định của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
3. Đối với gói thầu hỗn hợp, việc tính ưu đãi căn cứ tất cả các đề xuất của nhà thầu trong các phần công việc tư vấn, cung cấp hàng hóa, xây lắp. Nhà thầu được hưởng ưu đãi khi có đề xuất chi phí trong nước (chi phí tư vấn, hàng hóa, xây lắp) từ 25% trở lên giá trị công việc của gói thầu.
1. Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn:
a) Trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất, nhà thầu không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 7,5% giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) vào giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của nhà thầu đó để so sánh, xếp hạng;
b) Trường hợp áp dụng phương pháp giá cố định hoặc phương pháp dựa trên kỹ thuật, nhà thầu thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi được cộng thêm 7,5% điểm kỹ thuật của nhà thầu vào điểm kỹ thuật của nhà thầu đó để so sánh, xếp hạng;
c) Trường hợp áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá, nhà thầu thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi được cộng thêm 7,5% điểm tổng hợp của nhà thầu vào điểm tổng hợp của nhà thầu đó để so sánh, xếp hạng.
2. Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp:
a) Trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất, nhà thầu không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 7,5% giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) vào giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của nhà thầu đó để so sánh, xếp hạng;
b) Trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá, nhà thầu không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 7,5% giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) vào giá đánh giá của nhà thầu đó để so sánh, xếp hạng;
c) Trường hợp áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá, nhà thầu thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi được cộng thêm 7,5% điểm tổng hợp của nhà thầu vào điểm tổng hợp của nhà thầu đó để so sánh, xếp hạng.
3. Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, việc ưu đãi đối với hàng hóa trong nước thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Nghị định này.
1. Hàng hóa chỉ được hưởng ưu đãi khi nhà thầu chứng minh được hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên trong giá hàng hóa. Tỷ lệ % chi phí sản xuất trong nước của hàng hóa được tính theo công thức sau đây:
D (%) = G*/G (%)
Trong đó:
- G*: Là chi phí sản xuất trong nước được tính bằng giá chào của hàng hóa trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trừ đi giá trị thuế và các chi phí nhập ngoại bao gồm cả phí, lệ phí;
- G: Là giá chào của hàng hóa trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trừ đi giá trị thuế;
- D: Là tỷ lệ % chi phí sản xuất trong nước của hàng hóa. D ³ 25% thì hàng hóa đó được hưởng ưu đãi theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
2. Cách tính ưu đãi:
a) Trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất, hàng hóa không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 7,5% giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của hàng hóa đó vào giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của nhà thầu để so sánh, xếp hạng;
b) Trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá, hàng hóa không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 7,5% giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của hàng hóa đó vào giá đánh giá của nhà thầu để so sánh, xếp hạng;
c) Trường hợp áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá, hàng hóa thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi được cộng điểm ưu đãi vào điểm tổng hợp theo công thức sau đây:
Điểm ưu đãi = 0,075 x (giá hàng hóa ưu đãi /giá gói thầu) x điểm tổng hợp
Trong đó: Giá hàng hóa ưu đãi là giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của hàng hóa thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi.
1. Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, việc ưu đãi đối với hàng hóa trong nước thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Nghị định này.
2. Hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu có tổng số lao động là nữ giới hoặc thương binh, người khuyết tật chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên và có hợp đồng lao động tối thiểu 03 tháng; nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Luật Đấu thầu được xếp hạng cao hơn hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi trong trường hợp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của các nhà thầu được đánh giá ngang nhau.
3. Đối với gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 05 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp tham gia đấu thầu.
4. Trường hợp sau khi ưu đãi nếu các hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất xếp hạng ngang nhau thì ưu tiên xếp hạng cao hơn cho nhà thầu ở địa phương nơi triển khai gói thầu.
1. Trách nhiệm cung cấp thông tin:
a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và người có thẩm quyền có trách nhiệm cung cấp thông tin nêu tại Điểm g Khoản 1 Điều 8 của Luật Đấu thầu lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc cho Báo đấu thầu;
b) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin nêu tại Điểm h Khoản 1 Điều 8 của Luật Đấu thầu lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
c) Bên mời thầu có trách nhiệm cung cấp thông tin quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 của Luật Đấu thầu lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
d) Bên mời thầu có trách nhiệm cung cấp các thông tin quy định tại các Điểm b, c, d và đ Khoản 1 Điều 8 của Luật Đấu thầu và các thông tin liên quan đến việc thay đổi thời điểm đóng thầu (nếu có) lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc cho Báo đấu thầu;
đ) Nhà thầu có trách nhiệm tự cung cấp và cập nhật thông tin về năng lực, kinh nghiệm của mình vào cơ sở dữ liệu nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 5 và Điểm k Khoản 1 Điều 8 của Luật Đấu thầu;
e) Cơ sở đào tạo, giảng viên về đấu thầu, chuyên gia có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến đào tạo, giảng dạy, hoạt động hành nghề về đấu thầu của mình cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại Điểm k Khoản 1 Điều 8 của Luật Đấu thầu.
2. Trách nhiệm đăng tải thông tin:
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trong việc đăng tải thông tin về đấu thầu;
b) Thông tin hợp lệ theo quy định được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trên Báo đấu thầu. Khi phát hiện những thông tin không hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thông báo trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo đấu thầu để các đơn vị cung cấp thông tin biết, chỉnh sửa, hoàn thiện để được đăng tải.
3. Thông tin về lựa chọn nhà thầu qua mạng được bên mời thầu tự đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhưng phải bảo đảm hợp lệ theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.
4. Đối với những dự án, gói thầu thuộc danh mục bí mật nhà nước, việc công khai thông tin thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo đảm bí mật nhà nước.
5. Khuyến khích cung cấp và đăng tải thông tin về đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo đấu thầu và các phương tiện thông tin đại chúng khác đối với những gói thầu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu.
1. Trường hợp tự đăng tải thông tin lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia:
a) Các đối tượng có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 của Nghị định này thực hiện đăng ký tham gia hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại Điều 87 của Nghị định này và tự đăng tải thông tin lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
b) Đối với thông tin quy định tại các Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều 8 của Luật Đấu thầu, bên mời thầu phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo thời gian quy định trong thông báo mời nộp hồ sơ quan tâm, thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng nhưng bảo đảm tối thiểu là 03 ngày làm việc, kể từ ngày đầu tiên các thông tin này được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
c) Đối với thông tin quy định tại các Điểm a, d, đ, g và h Khoản 1 Điều 8 của Luật Đấu thầu, các tổ chức chịu trách nhiệm đăng tải thông tin phải bảo đảm thời điểm tự đăng tải thông tin không muộn hơn 07 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản được ban hành.
2. Trường hợp cung cấp thông tin cho Báo đấu thầu:
a) Đối với thông tin quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều 8 của Luật Đấu thầu, thời hạn Báo đấu thầu nhận được thông tin tối thiểu là 05 ngày làm việc trước ngày dự kiến phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Các thông tin này được đăng tải 01 kỳ trên Báo đấu thầu;
b) Đối với thông tin quy định tại các Điểm d, đ và g Khoản 1 Điều 8 của Luật Đấu thầu, thời hạn Báo đấu thầu nhận được thông tin không muộn hơn 07 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản được ban hành. Các thông tin này được đăng tải 01 kỳ trên Báo đấu thầu.
3. Trong vòng 02 ngày làm việc, kể từ khi các tổ chức tự đăng tải thông tin quy định tại các Điểm b, c, d, đ và g Khoản 1 Điều 8 của Luật Đấu thầu lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo đấu thầu có trách nhiệm đăng tải 01 kỳ trên Báo đấu thầu.
4. Trong vòng 02 ngày làm việc, kể từ khi Báo đấu thầu nhận được thông tin quy định tại các Điểm b, c, d, đ và g Khoản 1 Điều 8 của Luật Đấu thầu, Báo đấu thầu có trách nhiệm đăng tải lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và trên Báo đấu thầu. Đối với thông tin quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều 8 của Luật Đấu thầu, bên mời thầu phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo thời gian quy định trong thông báo mời nộp hồ sơ quan tâm, thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng nhưng bảo đảm tối thiểu là 03 ngày làm việc, kể từ ngày đầu tiên các thông tin này được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc trên Báo đấu thầu.
5. Việc cung cấp và đăng tải thông tin đối với đấu thầu qua mạng thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 88 của Nghị định này.
1. Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, chủ đầu tư quyết định mức giá bán một bộ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu (bao gồm cả thuế) đối với đấu thầu trong nước nhưng tối đa là 2.000.000 đồng đối với hồ sơ mời thầu và 1.000.000 đồng đối với hồ sơ yêu cầu; đối với đấu thầu quốc tế, mức giá bán theo thông lệ đấu thầu quốc tế.
2. Chi phí lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển:
a) Chi phí lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được tính bằng 0,05% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng;
b) Chi phí thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được tính bằng 0,03% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng.
3. Chi phí lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu:
a) Chi phí lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 50.000.000 đồng;
b) Chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính bằng 0,05% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 50.000.000 đồng.
4. Chi phí đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất:
a) Chi phí đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển được tính bằng 0,05% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng;
b) Chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 50.000.000 đồng.
5. Chi phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu kể cả trường hợp không lựa chọn được nhà thầu được tính bằng 0,05% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 50.000.000 đồng.
6. Đối với các gói thầu có nội dung tương tự nhau thuộc cùng một dự án, dự toán mua sắm, các gói thầu phải tổ chức lại việc lựa chọn nhà thầu thì các chi phí: Lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển; lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính tối đa là 50% mức chi phí quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này. Trường hợp tổ chức lại việc lựa chọn nhà thầu thì phải tính toán, bổ sung chi phí lựa chọn nhà thầu vào dự án, dự toán mua sắm phù hợp với thực tế của gói thầu.
7. Chi phí quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này áp dụng đối với trường hợp chủ đầu tư, bên mời thầu trực tiếp thực hiện. Đối với trường hợp thuê tư vấn đấu thầu để thực hiện các công việc nêu tại các Khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này, việc xác định chi phí dựa trên các nội dung và phạm vi công việc, thời gian thực hiện, năng lực kinh nghiệm của chuyên gia tư vấn và các yếu tố khác.
8. Chi phí cho Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị của nhà thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu là 0,02% giá dự thầu của nhà thầu có kiến nghị nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 50.000.000 đồng.
9. Chi phí đăng tải thông tin về đấu thầu, chi phí tham gia hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và việc sử dụng các khoản thu trong quá trình lựa chọn nhà thầu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.
1. Toàn bộ hồ sơ liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu được lưu giữ đến tối thiểu là 03 năm sau khi quyết toán hợp đồng, trừ hồ sơ quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều này.
2. Hồ sơ đề xuất về tài chính của các nhà thầu không vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật được trả lại nguyên trạng cho nhà thầu theo thời hạn sau đây:
a) Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn: Trong vòng 10 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn;
b) Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ: Cùng thời gian với việc hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu của nhà thầu không được lựa chọn.
Trường hợp trong thời hạn quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này, nhà thầu không nhận lại hồ sơ đề xuất về tài chính của mình thì bên mời thầu xem xét, quyết định việc hủy hồ sơ đề xuất về tài chính nhưng phải bảo đảm thông tin trong hồ sơ đề xuất về tài chính của nhà thầu không bị tiết lộ.
3. Trường hợp hủy thầu, hồ sơ liên quan được lưu giữ trong khoảng thời gian 12 tháng, kể từ khi ban hành quyết định hủy thầu.
4. Hồ sơ quyết toán, hồ sơ hoàn công và các tài liệu liên quan đến nhà thầu trúng thầu của gói thầu được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
1. Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, bao gồm:
b) Thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu.
2. Tổ chức lựa chọn nhà thầu, bao gồm:
a) Mời thầu;
b) Phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu;
c) Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu;
d) Mở thầu.
3. Đánh giá hồ sơ dự thầu, bao gồm:
a) Kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu;
b) Đánh giá chi tiết hồ sơ dự thầu;
c) Xếp hạng nhà thầu.
4. Thương thảo hợp đồng.
5. Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu.
6. Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.
1. Căn cứ lập hồ sơ mời thầu:
a) Quyết định phê duyệt dự án hoặc Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án, quyết định phê duyệt dự toán mua sắm đối với mua sắm thường xuyên và các tài liệu liên quan. Đối với gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án thì căn cứ theo quyết định của người đứng đầu chủ đầu tư hoặc người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án trong trường hợp chưa xác định được chủ đầu tư;
b) Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt;
c) Tài liệu về thiết kế kèm theo dự toán được duyệt đối với gói thầu xây lắp; yêu cầu về đặc tính, thông số kỹ thuật đối với hàng hóa (nếu có);
d) Các quy định của pháp luật về đấu thầu và các quy định của pháp luật liên quan; điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế (nếu có) đối với các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi;
đ) Các chính sách của Nhà nước về thuế, phí, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu và các quy định khác liên quan.
2. Hồ sơ mời thầu phải quy định về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất); tiêu chuẩn xác định giá đánh giá (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá). Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
3. Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa bao gồm:
a) Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm
Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, trong đó phải quy định mức yêu cầu tối thiểu để đánh giá là đạt đối với từng nội dung về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu. Cụ thể như sau:
- Kinh nghiệm thực hiện các gói thầu tương tự; kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính có liên quan đến việc thực hiện gói thầu;
- Năng lực sản xuất và kinh doanh, cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ cán bộ chuyên môn có liên quan đến việc thực hiện gói thầu;
- Năng lực tài chính: Tổng tài sản, tổng nợ phải trả, tài sản ngắn hạn, nợ ngắn hạn, doanh thu, lợi nhuận, giá trị hợp đồng đang thực hiện dở dang và các chỉ tiêu cần thiết khác để đánh giá năng lực về tài chính của nhà thầu.
Việc xác định mức độ yêu cầu cụ thể đối với từng tiêu chuẩn quy định tại Điểm này cần căn cứ theo yêu cầu của từng gói thầu cụ thể. Nhà thầu được đánh giá đạt tất cả nội dung nêu tại Điểm này thì đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm.
b) Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật
Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt hoặc phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100 hoặc 1.000 để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, trong đó phải quy định mức điểm tối thiểu và mức điểm tối đa đối với từng tiêu chuẩn tổng quát, tiêu chuẩn chi tiết khi sử dụng phương pháp chấm điểm. Việc xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật dựa trên các yếu tố về khả năng đáp ứng các yêu cầu về số lượng, chất lượng, thời hạn giao hàng, vận chuyển, lắp đặt, bảo hành, uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và các yêu cầu khác nêu trong hồ sơ mời thầu. Căn cứ vào từng gói thầu cụ thể, khi lập hồ sơ mời thầu phải cụ thể hóa các tiêu chí làm cơ sở để đánh giá về kỹ thuật bao gồm:
- Đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo và công nghệ;
- Tính hợp lý và hiệu quả kinh tế của các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa;
- Mức độ đáp ứng các yêu cầu về bảo hành, bảo trì;
- Khả năng thích ứng về mặt địa lý, môi trường;
- Tác động đối với môi trường và biện pháp giải quyết;
- Khả năng cung cấp tài chính (nếu có yêu cầu);
- Các yếu tố về điều kiện thương mại, thời gian thực hiện, đào tạo chuyển giao công nghệ;
- Tiến độ cung cấp hàng hóa;
- Uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó;
- Các yếu tố cần thiết khác.
c) Xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất):
- Xác định giá dự thầu;
- Sửa lỗi;
- Hiệu chỉnh sai lệch;
- Trừ giá trị giảm giá (nếu có);
- Chuyển đổi giá dự thầu sang một đồng tiền chung (nếu có);
- Xác định giá trị ưu đãi (nếu có);
- So sánh giữa các hồ sơ dự thầu để xác định giá thấp nhất.
d) Tiêu chuẩn xác định giá đánh giá (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá):
Công thức xác định giá đánh giá:
GĐG = G ± ∆G + ∆ƯĐ
Trong đó:
- G = (giá dự thầu ± giá trị sửa lỗi ± giá trị hiệu chỉnh sai lệch) - giá trị giảm giá (nếu có);
- ∆G là giá trị các yếu tố được quy về một mặt bằng cho cả vòng đời sử dụng của hàng hóa bao gồm:
+ Chi phí vận hành, bảo dưỡng;
+ Chi phí lãi vay (nếu có);
+ Tiến độ;
+ Chất lượng (hiệu suất, công suất);
+ Xuất xứ;
+ Các yếu tố khác (nếu có).
∆ƯĐ là giá trị phải cộng thêm đối với đối tượng không được hưởng ưu đãi theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 5 của Nghị định này.
4. Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu xây lắp bao gồm:
a) Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm
Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, trong đó phải quy định mức yêu cầu tối thiểu để đánh giá là đạt đối với từng nội dung về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu. Cụ thể như sau:
- Kinh nghiệm thực hiện các gói thầu tương tự về quy mô, tính chất kỹ thuật, điều kiện địa lý, địa chất, hiện trường (nếu có); kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính có liên quan đến việc thực hiện gói thầu;
- Năng lực kỹ thuật: Số lượng, trình độ cán bộ chuyên môn chủ chốt, công nhân kỹ thuật trực tiếp thực hiện gói thầu và số lượng thiết bị thi công sẵn có, khả năng huy động thiết bị thi công để thực hiện gói thầu;
- Năng lực tài chính: Tổng tài sản, tổng nợ phải trả, tài sản ngắn hạn, nợ ngắn hạn, doanh thu, lợi nhuận, giá trị hợp đồng đang thực hiện dở dang và các chỉ tiêu cần thiết khác để đánh giá về năng lực tài chính của nhà thầu;
Việc xác định mức độ yêu cầu cụ thể đối với từng tiêu chuẩn quy định tại Điểm này cần căn cứ theo yêu cầu của từng gói thầu. Nhà thầu được đánh giá đạt tất cả nội dung nêu tại Điểm này thì đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm.
b) Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật
Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt hoặc phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100 hoặc 1.000 để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, trong đó phải quy định mức điểm tối thiểu và mức điểm tối đa đối với từng tiêu chuẩn tổng quát, tiêu chuẩn chi tiết khi sử dụng phương pháp chấm điểm. Việc xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật dựa trên các nội dung về khả năng đáp ứng các yêu cầu về hồ sơ thiết kế, tiên lượng mời thầu, uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và các yêu cầu khác nêu trong hồ sơ mời thầu. Căn cứ vào từng gói thầu cụ thể, khi lập hồ sơ mời thầu phải cụ thể hóa các tiêu chí làm cơ sở để đánh giá về kỹ thuật bao gồm:
- Tính hợp lý và khả thi của các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức thi công phù hợp với đề xuất về tiến độ thi công;
Trừ những trường hợp do tính chất của gói thầu mà hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu phải thực hiện theo đúng biện pháp thi công nêu trong hồ sơ mời thầu, trong hồ sơ mời thầu cần quy định nhà thầu được đề xuất biện pháp thi công khác với biện pháp thi công nêu trong hồ sơ mời thầu.
- Tiến độ thi công;
- Các biện pháp bảo đảm chất lượng;
- Bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường và các điều kiện khác như phòng cháy, chữa cháy, an toàn lao động;
- Mức độ đáp ứng các yêu cầu về bảo hành, bảo trì;
- Uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó;
- Các yếu tố cần thiết khác.
c) Xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất) thực hiện theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều này;
d) Tiêu chuẩn xác định giá đánh giá (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá)
Công thức xác định giá đánh giá:
GĐG = G ± ∆g + ∆ƯĐ
Trong đó:
- G = (giá dự thầu ± giá trị sửa lỗi ± giá trị hiệu chỉnh sai lệch) - giá trị giảm giá (nếu có);
- ∆G là giá trị các yếu tố được quy về một mặt bằng cho cả vòng đời sử dụng của công trình bao gồm:
+ Chi phí vận hành, bảo dưỡng;
+ Chi phí lãi vay (nếu có);
+ Tiến độ;
+ Chất lượng;
+ Các yếu tố khác (nếu có).
- ∆ƯĐ là giá trị phải cộng thêm đối với đối tượng không được hưởng ưu đãi theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 4 của Nghị định này.
5. Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn và gói thầu hỗn hợp
Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu và quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều này để xác định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất) hoặc tiêu chuẩn xác định giá đánh giá (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá) cho phù hợp.
6. Không sử dụng phương pháp đánh giá kết hợp giữa kỹ thuật và giá đối với gói thầu áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn một túi hồ sơ.
7. Hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa. Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì được nêu nhãn hiệu, catalô của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalô đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có) để tạo thuận lợi cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Chỉ yêu cầu nhà thầu nộp Giấy phép hoặc Giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất hoặc Giấy chứng nhận quan hệ đối tác trong trường hợp hàng hóa là đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế.
8. Quy định về sử dụng lao động:
a) Đối với đấu thầu quốc tế, khi lập hồ sơ mời thầu phải quy định sử dụng lao động trong nước đối với những vị trí công việc mà lao động trong nước đáp ứng được và có khả năng cung cấp, đặc biệt là lao động phổ thông. Chỉ được sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước không đáp ứng yêu cầu. Nhà thầu không tuân thủ quy định về việc sử dụng lao động khi thực hiện hợp đồng, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu tại Việt Nam theo quy định tại Khoản 4 Điều 122 của Nghị định này;
b) Đối với những gói thầu cần sử dụng nhiều lao động phổ thông, hồ sơ mời thầu phải yêu cầu nhà thầu đề xuất phương án sử dụng lao động địa phương nơi triển khai thực hiện dự án, gói thầu;
c) Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tuân thủ quy định tại Điểm a Khoản này trong quá trình lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng;
d) Hồ sơ dự thầu của nhà thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu về sử dụng lao động quy định tại Điểm a Khoản này sẽ bị loại.
1. Mời thầu:
Bên mời thầu đăng tải thông báo mời thầu theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 và Điểm b Khoản 1 hoặc Điểm a Khoản 2 Điều 8 của Nghị định này.
2. Phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu:
a) Hồ sơ mời thầu được phát hành cho các nhà thầu tham gia đấu thầu rộng rãi hoặc cho các nhà thầu có tên trong danh sách ngắn. Đối với nhà thầu liên danh, chỉ cần một thành viên trong liên danh mua hoặc nhận hồ sơ mời thầu, kể cả trường hợp chưa hình thành liên danh khi mua hoặc nhận hồ sơ mời thầu;
b) Trường hợp sửa đổi hồ sơ mời thầu sau khi phát hành, bên mời thầu phải gửi quyết định sửa đổi kèm theo những nội dung sửa đổi hồ sơ mời thầu đến các nhà thầu đã mua hoặc nhận hồ sơ mời thầu;
c) Trường hợp cần làm rõ hồ sơ mời thầu thì nhà thầu phải gửi văn bản đề nghị đến bên mời thầu tối thiểu 03 ngày làm việc (đối với đấu thầu trong nước), 05 ngày làm việc (đối với đấu thầu quốc tế) trước ngày có thời điểm đóng thầu để xem xét, xử lý. Việc làm rõ hồ sơ mời thầu được bên mời thầu thực hiện theo một hoặc các hình thức sau đây:
- Gửi văn bản làm rõ cho các nhà thầu đã mua hoặc nhận hồ sơ mời thầu;
- Trong trường hợp cần thiết, tổ chức hội nghị tiền đấu thầu để trao đổi về những nội dung trong hồ sơ mời thầu mà các nhà thầu chưa rõ. Nội dung trao đổi phải được bên mời thầu ghi lại thành biên bản và lập thành văn bản làm rõ hồ sơ mời thầu gửi cho các nhà thầu đã mua hoặc nhận hồ sơ mời thầu;
- Nội dung làm rõ hồ sơ mời thầu không được trái với nội dung của hồ sơ mời thầu đã duyệt, Trường hợp sau khi làm rõ hồ sơ mời thầu dẫn đến phải sửa đổi hồ sơ mời thầu thì việc sửa đổi hồ sơ mời thầu thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản này;
d) Quyết định sửa đổi, văn bản làm rõ hồ sơ mời thầu là một phần của hồ sơ mời thầu.
3. Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu:
a) Nhà thầu chịu trách nhiệm trong việc chuẩn bị và nộp hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu;
b) Bên mời thầu tiếp nhận và quản lý các hồ sơ dự thầu đã nộp theo chế độ quản lý hồ sơ mật cho đến khi công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; trong mọi trường hợp không được tiết lộ thông tin trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu này cho nhà thầu khác, trừ các thông tin được công khai khi mở thầu. Hồ sơ dự thầu được gửi đến bên mời thầu sau thời điểm đóng thầu sẽ không được mở, không hợp lệ và bị loại. Bất kỳ tài liệu nào được nhà thầu gửi đến sau thời điểm đóng thầu để sửa đổi, bổ sung hồ sơ dự thầu đã nộp đều không hợp lệ, trừ tài liệu nhà thầu gửi đến để làm rõ hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của bên mời thầu hoặc tài liệu làm rõ, bổ sung nhằm chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu;
c) Khi muốn sửa đổi hoặc rút hồ sơ dự thầu đã nộp, nhà thầu phải có văn bản đề nghị gửi đến bên mời thầu. Bên mời thầu chỉ chấp thuận việc sửa đổi hoặc rút hồ sơ dự thầu của nhà thầu nếu nhận được văn bản đề nghị trước thời điểm đóng thầu;
d) Bên mời thầu phải tiếp nhận hồ sơ dự thầu của tất cả các nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu trước thời điểm đóng thầu, kể cả trường hợp nhà thầu tham dự thầu chưa mua hoặc chưa nhận hồ sơ mời thầu trực tiếp từ bên mời thầu. Trường hợp chưa mua hồ sơ mời thầu thì nhà thầu phải trả cho bên mời thầu một khoản tiền bằng giá bán hồ sơ mời thầu trước khi hồ sơ dự thầu được tiếp nhận.
4. Mở thầu:
a) Việc mở thầu phải được tiến hành công khai và bắt đầu ngay trong vòng 01 giờ, kể từ thời điểm đóng thầu. Chỉ tiến hành mở các hồ sơ dự thầu mà bên mời thầu nhận được trước thời điểm đóng thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu trước sự chứng kiến của đại diện các nhà thầu tham dự lễ mở thầu, không phụ thuộc vào sự có mặt hay vắng mặt của các nhà thầu;
b) Việc mở thầu được thực hiện đối với từng hồ sơ dự thầu theo thứ tự chữ cái tên của nhà thầu và theo trình tự sau đây:
- Yêu cầu đại diện từng nhà thầu tham dự mở thầu xác nhận việc có hoặc không có thư giảm giá kèm theo hồ sơ dự thầu của mình;
- Kiểm tra niêm phong;
- Mở hồ sơ và đọc rõ các thông tin về: Tên nhà thầu; số lượng bản gốc, bản chụp hồ sơ; giá dự thầu ghi trong đơn dự thầu; giá trị giảm giá (nếu có); thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu; thời gian thực hiện hợp đồng; giá trị, hiệu lực của bảo đảm dự thầu; các thông tin khác liên quan;
c) Biên bản mở thầu: Các thông tin nêu tại Điểm b Khoản này phải được ghi vào biên bản mở thầu. Biên bản mở thầu phải được ký xác nhận bởi đại diện của bên mời thầu và các nhà thầu tham dự lễ mở thầu. Biên bản này phải được gửi cho các nhà thầu tham dự thầu;
d) Đại diện của bên mời thầu phải ký xác nhận vào bản gốc đơn dự thầu, thư giảm giá (nếu có), giấy ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của nhà thầu (nếu có); thỏa thuận liên danh (nếu có); bảo đảm dự thầu; các nội dung đề xuất về tài chính và các nội dung quan trọng khác của từng hồ sơ dự thầu.
1. Việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu, căn cứ vào hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu.
2. Việc đánh giá được thực hiện trên bản chụp, nhà thầu phải chịu trách nhiệm về tính thống nhất giữa bản gốc và bản chụp. Trường hợp có sự sai khác giữa bản gốc và bản chụp nhưng không làm thay đổi thứ tự xếp hạng nhà thầu thì căn cứ vào bản gốc để đánh giá.
3. Trường hợp có sự sai khác giữa bản gốc và bản chụp dẫn đến kết quả đánh giá trên bản gốc khác kết quả đánh giá trên bản chụp, làm thay đổi thứ tự xếp hạng nhà thầu thì hồ sơ dự thầu của nhà thầu bị loại.
1. Sau khi mở thầu, nhà thầu có trách nhiệm làm rõ hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của bên mời thầu. Trường hợp hồ sơ dự thầu của nhà thầu thiếu tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung tài liệu để chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm. Đối với các nội dung đề xuất về kỹ thuật, tài chính nêu trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu, việc làm rõ phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu đã nộp, không thay đổi giá dự thầu.
2. Trường hợp sau khi đóng thầu, nếu nhà thầu phát hiện hồ sơ dự thầu thiếu các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm thì nhà thầu được phép gửi tài liệu đến bên mời thầu để làm rõ về tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của mình. Bên mời thầu có trách nhiệm tiếp nhận những tài liệu làm rõ của nhà thầu để xem xét, đánh giá; các tài liệu bổ sung, làm rõ về tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm được coi như một phần của hồ sơ dự thầu.
3. Việc làm rõ hồ sơ dự thầu chỉ được thực hiện giữa bên mời thầu và nhà thầu có hồ sơ dự thầu cần phải làm rõ và phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi bản chất của nhà thầu tham dự thầu. Nội dung làm rõ hồ sơ dự thầu phải thể hiện bằng văn bản và được bên mời thầu bảo quản như một phần của hồ sơ dự thầu.
1. Sửa lỗi là việc sửa lại những sai sót trong hồ sơ dự thầu bao gồm lỗi số học và các lỗi khác được tiến hành theo nguyên tắc sau đây:
a) Lỗi số học bao gồm những lỗi do thực hiện các phép tính cộng, trừ, nhân, chia không chính xác khi tính toán giá dự thầu. Trường hợp hồ sơ mời thầu có yêu cầu phải phân tích đơn giá chi tiết thì phải lấy số liệu trong bảng phân tích đơn giá dự thầu chi tiết làm cơ sở cho việc sửa lỗi số học. Trường hợp không nhất quán giữa đơn giá và thành tiền thì lấy đơn giá làm cơ sở cho việc sửa lỗi; nếu phát hiện đơn giá có sự sai khác bất thường do lỗi hệ thập phân (10 lần, 100 lần, 1.000 lần) thì thành tiền là cơ sở cho việc sửa lỗi;
b) Các lỗi khác:
- Tại cột thành tiền đã được điền đầy đủ giá trị nhưng không có đơn giá tương ứng thi đơn giá được xác định bổ sung bằng cách chia thành tiền cho số lượng; khi có đơn giá nhưng cột thành tiền bỏ trống thì giá trị cột thành tiền sẽ được xác định bổ sung bằng cách nhân số lượng với đơn giá; nếu một nội dung nào đó có điền đơn giá và giá trị tại cột thành tiền nhưng bỏ trống số lượng thì số lượng bỏ trống được xác định bổ sung bằng cách chia giá trị tại cột thành tiền cho đơn giá của nội dung đó. Trường hợp số lượng được xác định bổ sung nêu trên khác với số lượng nêu trong hồ sơ mời thầu thì giá trị sai khác đó là sai lệch về phạm vi cung cấp và được hiệu chỉnh theo quy định tại Khoản 2 Điều này;
- Lỗi nhầm đơn vị tính: Sửa lại cho phù hợp với yêu cầu của hồ sơ mời thầu;
- Trường hợp có khác biệt giữa những nội dung thuộc đề xuất kỹ thuật và nội dung thuộc đề xuất tài chính thì nội dung thuộc đề xuất kỹ thuật sẽ là cơ sở cho việc sửa lỗi.
2. Hiệu chỉnh sai lệch:
a) Trường hợp có sai lệch về phạm vi cung cấp thì giá trị phần chào thiếu sẽ được cộng thêm vào, giá trị phần chào thừa sẽ được trừ đi theo mức đơn giá tương ứng trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu có sai lệch;
Trường hợp trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu có sai lệch không có đơn giá thì lấy mức đơn giá chào cao nhất đối với nội dung này trong số các hồ sơ dự thầu khác vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật để làm cơ sở hiệu chỉnh sai lệch; trường hợp trong hồ sơ dự thầu của các nhà thầu vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật không có đơn giá thì lấy đơn giá trong dự toán làm cơ sở hiệu chỉnh sai lệch; trường hợp không có dự toán gói thầu thì căn cứ vào đơn giá hình thành giá gói thầu làm cơ sở hiệu chỉnh sai lệch;
Trường hợp chỉ có một nhà thầu duy nhất vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật thì tiến hành hiệu chỉnh sai lệch trên cơ sở lấy mức đơn giá tương ứng trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu này; trường hợp hồ sơ dự thầu của nhà thầu không có đơn giá thì lấy mức đơn giá trong dự toán của gói thầu; trường hợp không có dự toán gói thầu thì căn cứ vào đơn giá hình thành giá gói thầu làm cơ sở hiệu chỉnh sai lệch;
b) Trường hợp nhà thầu chào thiếu thuế, phí, lệ phí phải nộp theo yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu thì bên mời thầu phải cộng các chi phí đó vào giá dự thầu. Phần chi phí này không được tính vào sai lệch thiếu theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 43 của Luật Đấu thầu;
c) Trường hợp nhà thầu có thư giảm giá, việc sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch được thực hiện trên cơ sở giá dự thầu chưa trừ đi giá trị giảm giá. Tỷ lệ phần trăm (%) của sai lệch thiếu được xác định trên cơ sở so với giá dự thầu ghi trong đơn dự thầu;
d) Trường hợp nhà thầu có hồ sơ dự thầu được hiệu chỉnh sai lệch xếp hạng thứ nhất được mời vào thương thảo hợp đồng, khi thương thảo hợp đồng phải lấy mức đơn giá chào thấp nhất trong số các hồ sơ dự thầu khác vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật để thương thảo đối với phần sai lệch thiếu.
3. Sau khi sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, bên mời thầu phải thông báo bằng văn bản cho nhà thầu biết về việc sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch đối với hồ sơ dự thầu của nhà thầu. Trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của bên mời thầu, nhà thầu phải có văn bản thông báo cho bên mời thầu về việc chấp thuận kết quả sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch theo thông báo của bên mời thầu. Trường hợp nhà thầu không chấp thuận với kết quả sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch theo thông báo của bên mời thầu thì hồ sơ dự thầu của nhà thầu đó sẽ bị loại.
1. Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu, bao gồm:
a) Kiểm tra số lượng bản gốc, bản chụp hồ sơ dự thầu;
b) Kiểm tra các thành phần của hồ sơ dự thầu, bao gồm: Đơn dự thầu, thỏa thuận liên danh (nếu có), giấy ủy quyền ký đơn dự thầu (nếu có); bảo đảm dự thầu; các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ; tài liệu chứng minh năng lực và kinh nghiệm; đề xuất về kỹ thuật; đề xuất về tài chính và các thành phần khác thuộc hồ sơ dự thầu;
c) Kiểm tra sự thống nhất nội dung giữa bản gốc và bản chụp để phục vụ quá trình đánh giá chi tiết hồ sơ dự thầu.
2. Đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu:
Hồ sơ dự thầu của nhà thầu được đánh giá là hợp lệ khi đáp ứng đầy đủ các nội dung sau đây:
a) Có bản gốc hồ sơ dự thầu;
b) Có đơn dự thầu được đại diện hợp pháp của nhà thầu ký tên, đóng dấu (nếu có) theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu; thời gian thực hiện gói thầu nêu trong đơn dự thầu phải phù hợp với đề xuất về kỹ thuật; giá dự thầu ghi trong đơn dự thầu phải cụ thể, cố định bằng số, bằng chữ và phải phù hợp, logic với tổng giá dự thầu ghi trong biểu giá tổng hợp, không đề xuất các giá dự thầu khác nhau hoặc có kèm theo điều kiện gây bất lợi cho chủ đầu tư, bên mời thầu. Đối với nhà thầu liên danh, đơn dự thầu phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có) hoặc thành viên đứng đầu liên danh thay mặt liên danh ký đơn dự thầu theo phân công trách nhiệm trong văn bản thỏa thuận liên danh;
c) Hiệu lực của hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu theo quy định trong hồ sơ mời thầu;
d) Có bảo đảm dự thầu với giá trị và thời hạn hiệu lực đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Đối với trường hợp quy định bảo đảm dự thầu theo hình thức nộp thư bảo lãnh thì thư bảo lãnh phải được đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam ký tên với giá trị và thời hạn hiệu lực, đơn vị thụ hưởng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu;
đ) Không có tên trong hai hoặc nhiều hồ sơ dự thầu với tư cách là nhà thầu chính (nhà thầu độc lập hoặc thành viên trong liên danh);
e) Có thỏa thuận liên danh được đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có);
g) Nhà thầu không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
h) Nhà thầu bảo đảm tư cách hợp lệ theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Luật Đấu thầu.
Nhà thầu có hồ sơ dự thầu hợp lệ được xem xét, đánh giá về năng lực và kinh nghiệm.
3. Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm:
a) Việc đánh giá về năng lực và kinh nghiệm thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ mời thầu;
b) Nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu được xem xét, đánh giá về kỹ thuật.
4. Đánh giá về kỹ thuật và giá:
a) Việc đánh giá về kỹ thuật thực hiện theo tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá quy định trong hồ sơ mời thầu;
b) Nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật được xem xét xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất), giá đánh giá (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá).
5. Sau khi lựa chọn được danh sách xếp hạng nhà thầu, tổ chuyên gia lập báo cáo gửi bên mời thầu để xem xét. Trong báo cáo phải nêu rõ các nội dung sau đây:
a) Danh sách nhà thầu được xem xét, xếp hạng và thứ tự xếp hạng nhà thầu;
b) Danh sách nhà thầu không đáp ứng yêu cầu và bị loại; lý do loại bỏ nhà thầu;
c) Nhận xét về tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Trường hợp chưa bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, phải nêu rõ lý do và đề xuất biện pháp xử lý;
d) Những nội dung của hồ sơ mời thầu chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu dẫn đến có cách hiểu không rõ hoặc khác nhau trong quá trình thực hiện hoặc có thể dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu; đề xuất biện pháp xử lý.
1. Nhà thầu xếp hạng thứ nhất được mời đến thương thảo hợp đồng. Trường hợp nhà thầu được mời đến thương thảo hợp đồng nhưng không đến thương thảo hoặc từ chối thương thảo hợp đồng thì nhà thầu sẽ không được nhận lại bảo đảm dự thầu.
2. Việc thương thảo hợp đồng phải dựa trên cơ sở sau đây:
a) Báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu;
b) Hồ sơ dự thầu và các tài liệu làm rõ hồ sơ dự thầu (nếu có) của nhà thầu;
c) Hồ sơ mời thầu.
3. Nguyên tắc thương thảo hợp đồng:
a) Không tiến hành thương thảo đối với các nội dung mà nhà thầu đã chào thầu theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu;
b) Việc thương thảo hợp đồng không được làm thay đổi đơn giá dự thầu của nhà thầu sau khi sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch và trừ đi giá trị giảm giá (nếu có). Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng, nếu phát hiện khối lượng mời thầu nêu trong bảng tiên lượng mời thầu thiếu so với hồ sơ thiết kế thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu phải bổ sung khối lượng công việc thiếu đó trên cơ sở đơn giá đã chào; trường hợp trong hồ sơ dự thầu chưa có đơn giá thì bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định việc áp đơn giá nêu trong dự toán đã phê duyệt đối với khối lượng công việc thiếu so với hồ sơ thiết kế hoặc đơn giá của nhà thầu khác đã vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật nếu đơn giá này thấp hơn đơn giá đã phê duyệt trong dự toán gói thầu;
c) Việc thương thảo đối với phần sai lệch thiếu thực hiện theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 17 của Nghị định này.
4. Nội dung thương thảo hợp đồng:
a) Thương thảo về những nội dung chưa đủ chi tiết, chưa rõ hoặc chưa phù hợp, thống nhất giữa hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu, giữa các nội dung khác nhau trong hồ sơ dự thầu có thể dẫn đến các phát sinh, tranh chấp hoặc ảnh hưởng đến trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng;
b) Thương thảo về các sai lệch do nhà thầu đã phát hiện và đề xuất trong hồ sơ dự thầu (nếu có), bao gồm cả các đề xuất thay đổi hoặc phương án thay thế của nhà thầu nếu trong hồ sơ mời thầu có quy định cho phép nhà thầu chào phương án thay thế;
c) Thương thảo về nhân sự đối với gói thầu xây lắp, hỗn hợp:
Trong quá trình thương thảo, nhà thầu không được thay đổi nhân sự chủ chốt đã đề xuất trong hồ sơ dự thầu để đảm nhiệm các vị trí chủ nhiệm thiết kế, chủ nhiệm khảo sát (đối với gói thầu xây lắp, hỗn hợp có yêu cầu nhà thầu phải thực hiện một hoặc hai bước thiết kế trước khi thi công), vị trí chỉ huy trưởng công trường, trừ trường hợp do thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu kéo dài hơn so với quy định hoặc vì lý do bất khả kháng mà các vị trí nhân sự chủ chốt do nhà thầu đã đề xuất không thể tham gia thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp đó, nhà thầu được quyền thay đổi nhân sự khác nhưng phải bảo đảm nhân sự dự kiến thay thế có trình độ, kinh nghiệm và năng lực tương đương hoặc cao hơn với nhân sự đã đề xuất và nhà thầu không được thay đổi giá dự thầu;
d) Thương thảo về các vấn đề phát sinh trong quá trình lựa chọn nhà thầu (nếu có) nhằm mục tiêu hoàn thiện các nội dung chi tiết của gói thầu;
đ) Thương thảo về các nội dung cần thiết khác.
5. Trong quá trình thương thảo hợp đồng, các bên tham gia thương thảo tiến hành hoàn thiện dự thảo văn bản hợp đồng; điều kiện cụ thể của hợp đồng, phụ lục hợp đồng gồm danh mục chi tiết về phạm vi công việc, biểu giá, tiến độ thực hiện (nếu có).
6. Trường hợp thương thảo không thành công, bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo; trường hợp thương thảo với các nhà thầu xếp hạng tiếp theo không thành công thì bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định hủy thầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Luật Đấu thầu.
1. Trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, bên mời thầu trình kết quả lựa chọn nhà thầu, trong đó nêu rõ ý kiến của bên mời thầu về các nội dung đánh giá của tổ chuyên gia.
2. Kết quả lựa chọn nhà thầu phải được thẩm định theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 4 Điều 106 của Nghị định này trước khi phê duyệt.
3. Kết quả lựa chọn nhà thầu phải được phê duyệt bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu.
4. Trường hợp lựa chọn được nhà thầu trúng thầu, văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu phải bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tên nhà thầu trúng thầu;
b) Giá trúng thầu;
c) Loại hợp đồng;
d) Thời gian thực hiện hợp đồng;
đ) Các nội dung cần lưu ý (nếu có).
5. Trường hợp hủy thầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Luật Đấu thầu, trong văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc văn bản quyết định hủy thầu phải nêu rõ lý do hủy thầu và trách nhiệm của các bên liên quan khi hủy thầu.
6. Sau khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, bên mời thầu phải đăng tải thông tin về kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 và Điểm c Khoản 1 hoặc Điểm b Khoản 2 Điều 8 của Nghị định này; gửi văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu cho các nhà thầu tham dự thầu trong thời hạn quy định tại Điểm n Khoản 1 Điều 12 của Luật Đấu thầu. Nội dung thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu bao gồm:
a) Thông tin quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 4 Điều này;
b) Danh sách nhà thầu không được lựa chọn và tóm tắt về lý do không được lựa chọn của từng nhà thầu;
c) Kế hoạch hoàn thiện, ký kết/hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn.
1. Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, bao gồm:
a) Lựa chọn danh sách ngắn (nếu cần thiết);
b) Lập hồ sơ mời thầu;
c) Thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu.
2. Tổ chức lựa chọn nhà thầu, bao gồm:
a) Mời thầu;
b) Phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu;
c) Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu;
d) Mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật.
3. Đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, bao gồm:
a) Kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;
b) Đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;
c) Phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.
4. Mở và đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính, bao gồm:
a) Mở hồ sơ đề xuất về tài chính của các nhà thầu trong danh sách được duyệt;
b) Kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về tài chính;
c) Đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về tài chính;
d) Xếp hạng nhà thầu.
5. Thương thảo hợp đồng.
6. Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu.
7. Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.
Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, có thể áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn nhằm lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu của gói thầu để mời tham gia đấu thầu. Việc áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn do người có thẩm quyền quyết định và phải được ghi rõ trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
1. Đối với đấu thầu rộng rãi:
a) Lập hồ sơ mời sơ tuyển:
- Hồ sơ mời sơ tuyển bao gồm các nội dung sau đây: Thông tin tóm tắt về dự án, gói thầu; chỉ dẫn việc chuẩn bị và nộp hồ sơ dự sơ tuyển; tiêu chuẩn về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu;
- Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển. Trong tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển phải quy định mức tối thiểu để đánh giá là đạt đối với từng nội dung về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu;
b) Việc phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển phải bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định hồ sơ mời sơ tuyển;
c) Thông báo mời sơ tuyển thực hiện theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 và Điểm b Khoản 1 hoặc Điểm a Khoản 2 Điều 8 của Nghị định này;
d) Phát hành hồ sơ mời sơ tuyển:
Hồ sơ mời sơ tuyển được phát hành miễn phí cho các nhà thầu tới trước thời điểm đóng thầu;
đ) Tiếp nhận và quản lý hồ sơ dự sơ tuyển:
Bên mời thầu tiếp nhận và quản lý các hồ sơ dự sơ tuyển đã nộp theo chế độ quản lý hồ sơ mật cho đến khi công khai kết quả sơ tuyển;
e) Mở và đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển:
- Hồ sơ dự sơ tuyển nộp theo thời gian và địa điểm quy định trong hồ sơ mời sơ tuyển sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu. Việc mở hồ sơ dự sơ tuyển phải được ghi thành biên bản và gửi biên bản mở thầu cho các nhà thầu nộp hồ sơ dự sơ tuyển. Hồ sơ dự sơ tuyển được gửi đến sau thời điểm đóng thầu sẽ không được mở, không hợp lệ và bị loại;
- Việc đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ mời sơ tuyển. Nhà thầu có hồ sơ dự sơ tuyển được đánh giá đạt ở tất cả các nội dung về năng lực và kinh nghiệm được đưa vào danh sách ngắn.
g) Trình, thẩm định và phê duyệt kết quả sơ tuyển:
- Trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, bên mời thầu trình phê duyệt kết quả sơ tuyển, trong đó nêu rõ ý kiến của bên mời thầu về các nội dung đánh giá của tổ chuyên gia;
- Kết quả sơ tuyển phải được thẩm định theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 106 của Nghi định này trước khi phê duyệt;
- Kết quả sơ tuyển phải được phê duyệt bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định kết quả sơ tuyển;
- Trường hợp lựa chọn được danh sách ngắn, văn bản phê duyệt kết quả sơ tuyển phải bao gồm tên các nhà thầu trúng sơ tuyển và các nội dung cần lưu ý (nếu có). Trường hợp không lựa chọn được danh sách ngắn, văn bản phê duyệt kết quả sơ tuyển phải nêu rõ lý do không lựa chọn được danh sách ngắn.
h) Công khai danh sách ngắn: Danh sách ngắn phải được đăng tải theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 và Điểm c Khoản 1 hoặc Điểm b Khoản 2 Điều 8 của Nghị định này và gửi thông báo đến các nhà thầu nộp hồ sơ dự sơ tuyển.
2. Đối với đấu thầu hạn chế:
a) Xác định, phê duyệt danh sách ngắn: Xác định, phê duyệt danh sách ngắn gồm tối thiểu 03 nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu và có nhu cầu tham dự thầu;
b) Công khai danh sách ngắn: Sau khi phê duyệt, danh sách ngắn phải được đăng tải theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 và Điểm c Khoản 1 hoặc Điểm b Khoản 2 Điều 8 của Nghị định này.
3. Các nhà thầu có tên trong danh sách ngắn không được liên danh với nhau để tham dự thầu.
1. Căn cứ lập hồ sơ mời thầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Nghị định này.
2. Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất); tiêu chuẩn xác định giá đánh giá (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá); xác định điểm giá và tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp (đối với trường hợp áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá). Đối với gói thầu đã thực hiện sơ tuyển, trong hồ sơ mời thầu không cần quy định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu song cần yêu cầu nhà thầu cập nhật thông tin về năng lực của nhà thầu. Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
3. Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật thực hiện theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 3 và Điểm a, Điểm b Khoản 4 Điều 12 của Nghị định này.
4. Xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất) thực hiện theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 12 của Nghị định này.
5. Tiêu chuẩn xác định giá đánh giá (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá) thực hiện theo quy định tại Điểm d Khoản 3 và Điểm d Khoản 4 Điều 12 của Nghị định này.
6. Tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp (đối với trường hợp áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá) thực hiện theo quy định tại Điều 24 của Nghị định này.
7. Về nhãn hiệu, xuất xứ của hàng hóa theo quy định tại Khoản 7 Điều 12 của Nghị định này.
8. Về sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 8 Điều 12 của Nghị định này.
9. Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn và gói thầu hỗn hợp:
Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu và quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều này để xác định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất); tiêu chuẩn xác định giá đánh giá (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá); xác định điểm giá và tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp (đối với trường hợp áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá) cho phù hợp.
Tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp áp dụng đối với phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá, cụ thể như sau:
1. Xác định điểm giá:
Sử dụng thang điểm 100 hoặc 1.000 thống nhất với thang điểm về kỹ thuật để xác định điểm giá. Điểm giá được xác định như sau:
Điểm giáđang xét = |
Gthấp nhất x (100 hoặc 1.000) |
Gđang xét |
Trong đó:
- Điểm giáđang xét: Là điểm giá của hồ sơ đề xuất về tài chính đang xét;
- Gthấp nhất: Là giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất trong số các nhà thầu được đánh giá chi tiết về tài chính;
- Gđang xét: Là giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của hồ sơ đề xuất về tài chính đang xét.
2. Tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp:
Tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa kỹ thuật và giá. Tùy theo quy mô, tính chất của từng gói thầu cần xác định tỷ trọng điểm về kỹ thuật và tỷ trọng điểm về giá cho phù hợp bảo đảm tỷ trọng điểm về kỹ thuật cộng với tỷ trọng điểm về giá bằng 100%, cụ thể như sau:
a) Đối với gói thầu xây lắp: Tỷ trọng điểm về kỹ thuật (K) từ 10% đến 15%, tỷ trọng điểm về giá (G) từ 85% đến 90%;
b) Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa: Tỷ trọng điểm về kỹ thuật (K) từ 10% đến 30%, tỷ trọng điểm về giá (G) từ 70% đến 90%;
c) Đối với gói thầu mua thuốc: Tỷ trọng điểm về kỹ thuật (K) từ 20% đến 30%, tỷ trọng điểm về giá (G) từ 70% đến 80%;
d) Xác định điểm tổng hợp
Điểm tổng hợpđang xét = K x Điểm kỹ thuậtđang xét + G x Điểm giáđang xét
Trong đó:
- Điểm kỹ ` xét: Là số điểm được xác định tại bước đánh giá về kỹ thuật;
- Điểm giáđangxét: Là số điểm được xác định tại bước đánh giá về giá;
- K: Tỷ trọng điểm về kỹ thuật quy định trong thang điểm tổng hợp;
- G: Tỷ trọng điểm về giá quy định trong thang điểm tổng hợp;
- K + G = 100%. Tỷ trọng điểm về kỹ thuật (K) và về giá (G) phải được xác định cụ thể trong hồ sơ mời thầu.
1. Mời thầu:
a) Thông báo mời thầu được áp dụng đối với trường hợp không tiến hành thủ tục lựa chọn danh sách ngắn và được thực hiện theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 và Điểm b Khoản 1 hoặc Điểm a Khoản 2 Điều 8 của Nghị định này;
b) Gửi thư mời thầu đến các nhà thầu có tên trong danh sách ngắn.
2. Phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu:
Việc phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 của Nghị định này.
3. Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu:
Việc chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này.
4. Mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật:
a) Mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật: Việc mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật phải được tiến hành công khai và bắt đầu ngay trong vòng 01 giờ, kể từ thời điểm đóng thầu. Chỉ tiến hành mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật mà bên mời thầu nhận được trước thời điểm đóng thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu trước sự chứng kiến của đại diện các nhà thầu tham dự lễ mở thầu, không phụ thuộc vào sự có mặt hay vắng mặt của các nhà thầu;
b) Việc mở thầu được thực hiện đối với từng hồ sơ dự thầu theo thứ tự chữ cái tên của nhà thầu và theo trình tự sau đây:
- Kiểm tra niêm phong;
- Mở hồ sơ và đọc rõ các thông tin về: Tên nhà thầu; số lượng bản gốc, bản chụp hồ sơ đề xuất về kỹ thuật; đơn dự thầu thuộc hồ sơ đề xuất về kỹ thuật; thời gian có hiệu lực của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật; thời gian thực hiện hợp đồng; giá trị, hiệu lực của bảo đảm dự thầu; các thông tin khác liên quan;
c) Biên bản mở thầu: Các thông tin nêu tại Điểm b Khoản này phải được ghi vào biên bản mở thầu. Biên bản mở thầu phải được ký xác nhận bởi đại diện của bên mời thầu và nhà thầu tham dự lễ mở thầu. Biên bản này phải được gửi cho các nhà thầu tham dự thầu;
d) Đại diện của bên mời thầu phải ký xác nhận vào bản gốc đơn dự thầu, giấy ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của nhà thầu (nếu có); thỏa thuận liên danh (nếu có); bảo đảm dự thầu; các nội dung quan trọng của từng hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;
đ) Hồ sơ đề xuất về tài chính của tất cả các nhà thầu phải được bên mời thầu niêm phong trong một túi riêng biệt và được đại diện của bên mời thầu, nhà thầu tham dự lễ mở thầu ký niêm phong.
1. Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, bao gồm:
a) Kiểm tra số lượng bản gốc, bản chụp hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;
b) Kiểm tra các thành phần của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, bao gồm: Đơn dự thầu thuộc hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, thỏa thuận liên danh (nếu có), giấy ủy quyền ký đơn dự thầu (nếu có); bảo đảm dự thầu; các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ; tài liệu chứng minh năng lực và kinh nghiệm; đề xuất về kỹ thuật; các thành phần khác thuộc hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;
c) Kiểm tra sự thống nhất nội dung giữa bản gốc và bản chụp để phục vụ quá trình đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về kỹ thuật.
2. Đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật:
Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật của nhà thầu được đánh giá là hợp lệ khi đáp ứng đầy đủ các nội dung sau đây:
a) Có bản gốc hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;
b) Có đơn dự thầu thuộc hồ sơ đề xuất về kỹ thuật được đại diện hợp pháp của nhà thầu ký tên, đóng dấu (nếu có) theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu; trong đơn dự thầu, nhà thầu phải nêu rõ tiến độ thực hiện gói thầu phù hợp với đề xuất về kỹ thuật. Đối với nhà thầu liên danh, đơn dự thầu phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có) hoặc thành viên đứng đầu liên danh thay mặt liên danh ký đơn dự thầu theo phân công trách nhiệm trong văn bản thỏa thuận liên danh;
c) Hiệu lực của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật đáp ứng yêu cầu theo quy định trong hồ sơ mời thầu;
d) Có bảo đảm dự thầu với giá trị và thời hạn hiệu lực đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Đối với trường hợp quy định bảo đảm dự thầu theo hình thức nộp thư bảo lãnh thì thư bảo lãnh phải được đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam ký tên với giá trị và thời hạn hiệu lực, đơn vị thụ hưởng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu;
đ) Không có tên trong hai hoặc nhiều hồ sơ đề xuất kỹ thuật với tư cách là nhà thầu chính (nhà thầu độc lập hoặc thành viên trong liên danh);
e) Có thỏa thuận liên danh được đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có);
g) Nhà thầu không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
h) Nhà thầu bảo đảm tư cách hợp lệ theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Luật Đấu thầu.
Nhà thầu có hồ sơ đề xuất về kỹ thuật hợp lệ được xem xét, đánh giá về năng lực và kinh nghiệm. Đối với gói thầu đã thực hiện sơ tuyển, không tiến hành đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu.
3. Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm:
a) Việc đánh giá về năng lực và kinh nghiệm thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ mời thầu;
b) Nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu được xem xét, đánh giá về kỹ thuật;
c) Nhà thầu đã vượt qua bước sơ tuyển, có hồ sơ đề xuất về kỹ thuật hợp lệ, có năng lực được cập nhật đáp ứng yêu cầu của gói thầu được xem xét, đánh giá về kỹ thuật.
4. Đánh giá về kỹ thuật:
a) Việc đánh giá về kỹ thuật thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ mời thầu;
b) Nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật được xem xét, đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính.
5. Danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật phải được phê duyệt bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định kết quả đánh giá về kỹ thuật. Bên mời thầu phải thông báo danh sách các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đến tất cả các nhà thầu tham dự thầu, trong đó mời các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đến mở hồ sơ đề xuất về tài chính.
1. Kiểm tra niêm phong túi đựng các hồ sơ đề xuất về tài chính.
2. Mở hồ sơ đề xuất về tài chính:
a) Chỉ tiến hành mở hồ sơ đề xuất về tài chính của nhà thầu có tên trong danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật trước sự chứng kiến của đại diện các nhà thầu tham dự lễ mở hồ sơ đề xuất về tài chính, không phụ thuộc vào sự có mặt hay vắng mặt của các nhà thầu;
b) Yêu cầu đại diện từng nhà thầu tham dự mở hồ sơ đề xuất về tài chính xác nhận việc có hoặc không có thư giảm giá kèm theo hồ sơ đề xuất về tài chính của mình;
c) Việc mở hồ sơ đề xuất về tài chính được thực hiện đối với từng hồ sơ đề xuất về tài chính theo thứ tự chữ cái tên của nhà thầu có tên trong danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và theo trình tự sau đây:
- Kiểm tra niêm phong;
- Mở hồ sơ và đọc rõ các thông tin về: Tên nhà thầu; số lượng bản gốc, bản chụp hồ sơ đề xuất về tài chính; đơn dự thầu thuộc hồ sơ đề xuất về tài chính; thời gian có hiệu lực của hồ sơ đề xuất về tài chính; giá dự thầu ghi trong đơn dự thầu; giá trị giảm giá (nếu có); điểm kỹ thuật của các hồ sơ dự thầu được đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật; các thông tin khác liên quan.
3. Biên bản mở hồ sơ đề xuất về tài chính:
a) Các thông tin nêu tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này phải được ghi vào biên bản mở hồ sơ đề xuất về tài chính. Biên bản mở hồ sơ đề xuất về tài chính phải được ký xác nhận bởi đại diện của bên mời thầu và nhà thầu tham dự mở hồ sơ đề xuất về tài chính. Biên bản này phải được gửi cho các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật;
b) Đại diện của bên mời thầu phải ký xác nhận vào tất cả các trang bản gốc của hồ sơ đề xuất về tài chính.
1. Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về tài chính, bao gồm:
a) Kiểm tra số lượng bản gốc, bản chụp hồ sơ đề xuất về tài chính;
b) Kiểm tra các thành phần của hồ sơ đề xuất về tài chính, bao gồm: Đơn dự thầu thuộc hồ sơ đề xuất về tài chính; bảng giá tổng hợp, bảng giá chi tiết; bảng phân tích đơn giá chi tiết (nếu có); các thành phần khác thuộc hồ sơ đề xuất về tài chính;
c) Kiểm tra sự thống nhất nội dung giữa bản gốc và bản chụp để phục vụ quá trình đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về tài chính.
2. Đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về tài chính:
Hồ sơ đề xuất về tài chính của nhà thầu được đánh giá là hợp lệ khi đáp ứng đầy đủ các nội dung sau đây:
a) Có bản gốc hồ sơ đề xuất về tài chính;
b) Có đơn dự thầu thuộc hồ sơ đề xuất về tài chính được đại diện hợp pháp của nhà thầu ký tên, đóng dấu (nếu có) theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu; giá dự thầu ghi trong đơn dự thầu phải cụ thể, cố định bằng số, bằng chữ và phải phù hợp, logic với tổng giá dự thầu ghi trong biểu giá tổng hợp, không đề xuất các giá dự thầu khác nhau hoặc có kèm theo điều kiện gây bất lợi cho chủ đầu tư, bên mời thầu. Đối với nhà thầu liên danh, đơn dự thầu phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có) hoặc thành viên đứng đầu liên danh thay mặt liên danh ký đơn dự thầu theo phân công trách nhiệm trong văn bản thỏa thuận liên danh;
c) Hiệu lực của hồ sơ đề xuất về tài chính đáp ứng yêu cầu theo quy định trong hồ sơ mời thầu.
Nhà thầu có hồ sơ đề xuất về tài chính hợp lệ sẽ được đánh giá chi tiết về tài chính.
3. Đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về tài chính và xếp hạng nhà thầu:
a) Việc đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về tài chính và xếp hạng nhà thầu thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ mời thầu;
b) Sau khi lựa chọn được danh sách xếp hạng nhà thầu, tổ chuyên gia lập báo cáo gửi bên mời thầu xem xét. Trong báo cáo phải nêu rõ các nội dung sau đây:
- Danh sách nhà thầu được xem xét, xếp hạng và thứ tự xếp hạng;
- Danh sách nhà thầu không đáp ứng yêu cầu và bị loại; lý do loại bỏ nhà thầu;
- Nhận xét về tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Trường hợp chưa bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, phải nêu rõ lý do và đề xuất biện pháp xử lý;
- Những nội dung của hồ sơ mời thầu chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu dẫn đến có cách hiểu không rõ hoặc khác nhau trong quá trình thực hiện hoặc có thể dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu (nếu có); đề xuất biện pháp xử lý.
1. Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, bao gồm:
a) Lựa chọn danh sách ngắn (nếu cần thiết);
b) Lập hồ sơ mời thầu;
c) Thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu.
2. Tổ chức lựa chọn nhà thầu, bao gồm:
a) Mời thầu;
b) Phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu;
c) Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu;
d) Mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật.
3. Đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, bao gồm:
a) Kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;
b) Đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;
c) Phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.
4. Mở và đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính, bao gồm:
a) Mở hồ sơ đề xuất về tài chính của các nhà thầu trong danh sách được duyệt;
b) Kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về tài chính;
c) Đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về tài chính;
d) Xếp hạng nhà thầu.
5. Thương thảo hợp đồng.
6. Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu.
7. Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.
Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, có thể áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn nhằm lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu của gói thầu để mời tham gia đấu thầu. Việc áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn do người có thẩm quyền quyết định và phải được ghi rõ trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
1. Đối với đấu thầu rộng rãi:
a) Lập hồ sơ mời quan tâm:
- Hồ sơ mời quan tâm bao gồm các nội dung sau đây: Thông tin tóm tắt về dự án, gói thầu; chỉ dẫn việc chuẩn bị và nộp hồ sơ quan tâm; tiêu chuẩn về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, trong đó bao gồm yêu cầu về số lượng, trình độ và kinh nghiệm của chuyên gia;
- Sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100 để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ quan tâm, trong đó phải quy định mức điểm yêu cầu tối thiểu không thấp hơn 60% tổng số điểm và điểm đánh giá của từng nội dung về năng lực, kinh nghiệm, nhân sự không thấp hơn 50% điểm tối đa của nội dung đó.
b) Việc phê duyệt hồ sơ mời quan tâm phải bằng văn bản và căn cứ tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định hồ sơ mời quan tâm;
c) Thông báo mời quan tâm thực hiện theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 và Điểm b Khoản 1 hoặc Điểm a Khoản 2 Điều 8 của Nghị định này;
d) Phát hành hồ sơ mời quan tâm:
Hồ sơ mời quan tâm được phát hành miễn phí cho các nhà thầu tới trước thời điểm đóng thầu;
đ) Tiếp nhận và quản lý hồ sơ quan tâm:
Bên mời thầu tiếp nhận và quản lý các hồ sơ quan tâm đã nộp theo chế độ quản lý hồ sơ mật cho đến khi công khai kết quả mời quan tâm;
e) Mở và đánh giá hồ sơ quan tâm:
- Hồ sơ quan tâm nộp theo thời gian và địa điểm quy định trong hồ sơ mời quan tâm sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu. Việc mở hồ sơ quan tâm phải được ghi thành biên bản và gửi biên bản mở thầu cho các nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm. Hồ sơ quan tâm được gửi đến sau thời điểm đóng thầu sẽ không được mở, không hợp lệ và bị loại;
- Việc đánh giá hồ sơ quan tâm thực hiện: theo tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ mời quan tâm. Hồ sơ quan tâm của nhà thầu có số điểm được đánh giá không thấp hơn mức điểm yêu cầu tối thiểu được đưa vào danh sách ngắn; hồ sơ quan tâm của nhà thầu có số điểm cao nhất được xếp thứ nhất; trường hợp có nhiều hơn 06 nhà thầu đạt yêu cầu thì lựa chọn 06 nhà thầu xếp hạng cao nhất vào danh sách ngắn;
g) Trình, thẩm định và phê duyệt kết quả mời quan tâm:
- Trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, bên mời thầu trình phê duyệt kết quả mời quan tâm, trong đó nêu rõ ý kiến của bên mời thầu về các nội dung đánh giá của tổ chuyên gia;
- Kết quả mời quan tâm phải được thẩm định theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 106 của Nghị định này trước khi phê duyệt;
- Kết quả mời quan tâm phải được phê duyệt bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định kết quả mời quan tâm;
- Trường hợp lựa chọn được danh sách ngắn, văn bản phê duyệt kết quả mời quan tâm phải bao gồm tên các nhà thầu được lựa chọn vào danh sách ngắn ,và các nội dung cần lưu ý (nếu có). Trường hợp không lựa chọn được danh sách ngắn, văn bản phê duyệt kết quả mời quan tâm phải nêu rõ lý do không lựa chọn được danh sách ngắn;
h) Công khai danh sách ngắn: Danh sách ngắn phải được đăng tải theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 và Điểm c Khoản 1 hoặc Điểm b Khoản 2 Điều 8 của Nghị định này và gửi thông báo đến các nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm.
2. Đối với đấu thầu hạn chế:
a) Xác định, phê duyệt danh sách ngắn: Xác định, phê duyệt danh sách ngắn gồm tối thiểu 03 nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu và có nhu cầu tham dự thầu;
b) Công khai danh sách ngắn: Sau khi phê duyệt, danh sách ngắn phải được đăng tải theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 và Điểm c Khoản 1 hoặc Điểm b Khoản 2 Điều 8 của Nghị định này.
3. Các nhà thầu có tên trong danh sách ngắn không được liên danh với nhau để tham dự thầu.
1. Căn cứ lập hồ sơ mời thầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Nghị định này.
2. Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất); tiêu chuẩn xác định giá cố định (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá cố định); xác định điểm giá và tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp (đối với trường hợp áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá). Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
3. Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật: Sử dụng phương pháp chấm điểm để đánh giá theo thang điểm 100 hoặc 1.000, cụ thể như sau:
a) Kinh nghiệm và năng lực nhà thầu: Từ 10% đến 20% tổng số điểm;
b) Giải pháp và phương pháp luận để thực hiện gói thầu: Từ 30% đến 40% tổng số điểm;
c) Nhân sự thực hiện gói thầu: Từ 50% đến 60% tổng số điểm;
d) Tổng tỷ trọng điểm của nội dung quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này bằng 100%;
đ) Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật được đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật khi có điểm về kỹ thuật không thấp hơn 70% (80% đối với gói thầu tư vấn có yêu cầu kỹ thuật cao, đặc thù) tổng số điểm và điểm của từng nội dung yêu cầu về kinh nghiệm và năng lực, về giải pháp và phương pháp luận, về nhân sự không thấp hơn 60% (70% đối với gói thầu tư vấn có yêu cầu kỹ thuật cao, đặc thù) điểm tối đa của nội dung đó.
4. Xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất) thực hiện theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 12 của Nghị định này.
5. Xác định giá cố định (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá cố định):
a) Xác định giá dự thầu;
b) Sửa lỗi;
c) Hiệu chỉnh sai lệch;
d) Trừ giá trị giảm giá (nếu có);
đ) Chuyển đổi giá dự thầu sang một đồng tiền chung (nếu có);
e) Xác định giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu đã được xác định cụ thể và cố định trong hồ sơ mời thầu.
6. Tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp (đối với trường hợp áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá):
a) Xác định điểm giá:
Sử dụng thang điểm 100 hoặc 1.000 thống nhất với thang điểm về kỹ thuật. Điểm giá được xác định như sau:
Điểm giáđang xét = |
Gthấp nhất x (100 hoặc 1.000) |
Gđang xét |
Trong đó:
- Điểm giáđang xét: Điểm giá của hồ sơ đề xuất về tài chính đang xét;
- Gthấp nhất: Giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất trong số các nhà thầu được đánh giá chi tiết về tài chính;
- Gđang xét: Giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của hồ sơ đề xuất về tài chính đang xét.
b) Tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp:
Điểm tổng hợp được xác định theo công thức sau đây:
Điểm tổng hợpđangxét = K x Điểm kỹ thuậtđangxét + G x Điểm giáđangxét
Trong đó:
- Điểm kỹ thuậtđang xét: Là số điểm được xác định tại bước đánh giá về kỹ thuật;
- Điểm giáđang xét: Là số điểm được xác định tại bước đánh giá về giá;
- K: Tỷ trọng điểm về kỹ thuật quy định, trong thang điểm tổng hợp, chiếm tỷ lệ từ 70% đến 80%;
- G: Tỷ trọng điểm về giá quy định trong thang điểm tổng hợp, chiếm tỷ lệ từ 20% đến 30%;
- K + G= 100%.
1. Mời thầu:
a) Thông báo mời thầu được áp dụng đối với trường hợp không tiến hành thủ tục lựa chọn danh sách ngắn và được thực hiện theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 và Điểm b Khoản 1 hoặc Điểm a Khoản 2 Điều 8 của Nghị định này;
b) Gửi thư mời thầu đến các nhà thầu có tên trong danh sách ngắn.
2. Phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu:
Việc phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 của Nghị định này.
3. Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu:
Việc chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này.
4. Mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật:
Việc mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 26 của Nghị định này nhưng không bao gồm nội dung về bảo đảm dự thầu.
1. Kiểm tra và đánh giá về tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật:
a) Việc kiểm tra và đánh giá về tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật thực hiện theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 28 của Nghị định này, trừ nội dung kiểm tra và đánh giá tính hợp lệ của bảo đảm dự thầu;
b) Nhà thầu có hồ sơ đề xuất về kỹ thuật hợp lệ sẽ được đánh giá chi tiết về kỹ thuật.
2. Đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về kỹ thuật:
a) Việc đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về kỹ thuật thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ mời thầu;
b) Nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật hoặc đạt điểm kỹ thuật cao nhất (đối với phương pháp dựa trên kỹ thuật) được xem xét, đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính;
c) Danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật hoặc nhà thầu đạt điểm kỹ thuật cao nhất (đối với phương pháp dựa trên kỹ thuật) phải được phê duyệt bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Bên mời thầu phải thông báo danh sách các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật hoặc nhà thầu đạt điểm kỹ thuật cao nhất (đối với phương pháp dựa trên kỹ thuật) đến tất cả các nhà thầu tham dự thầu, trong đó mời các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật hoặc nhà thầu đạt điểm kỹ thuật cao nhất (đối với phương pháp dựa trên kỹ thuật) đến mở hồ sơ đề xuất về tài chính.
1. Việc thương thảo hợp đồng phải dựa trên các cơ sở quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 19 của Nghị định này.
2. Nguyên tắc thương thảo hợp đồng:
Không tiến hành thương thảo đối với các nội dung mà nhà thầu đã đề xuất theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
3. Nội dung thương thảo hợp đồng:
a) Thương thảo về những nội dung chưa đủ chi tiết, chưa rõ hoặc chưa phù hợp, thống nhất giữa hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu, giữa các nội dung khác nhau trong hồ sơ dự thầu với nhau dẫn đến các phát sinh, tranh chấp hoặc ảnh hưởng đến trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng;
b) Thương thảo về các sai lệch do nhà thầu đã phát hiện và đề xuất trong hồ sơ dự thầu (nếu có), bao gồm cả thương thảo về các đề xuất thay đổi hoặc phương án thay thế của nhà thầu nếu trong hồ sơ mời thầu có quy định cho phép nhà thầu chào phương án thay thế;
c) Thương thảo về nhân sự:
Trong quá trình thương thảo, nhà thầu không được thay đổi nhân sự đã đề xuất trong hồ sơ dự thầu, trừ trường hợp do thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu kéo dài hơn so với quy định hoặc vì lý do bất khả kháng mà các vị trí nhân sự chủ chốt do nhà thầu đã đề xuất không thể tham gia thực hiện hợp đồng thì nhà thầu mới được thay đổi nhân sự khác nhưng phải bảo đảm các nhân sự dự kiến thay thế có trình độ, kinh nghiệm và năng lực tương đương hoặc cao hơn với nhân sự đã đề xuất và nhà thầu không được thay đổi giá dự thầu;
d) Thương thảo về các vấn đề phát sinh trong quá trình lựa chọn nhà thầu (nếu có) nhằm mục tiêu hoàn thiện các nội dung chi tiết của gói thầu;
đ) Thương thảo về các chi phí liên quan đến dịch, vụ tư vấn trên cơ sở phù hợp với yêu cầu của gói thầu và điều kiện thực tế;
e) Thương thảo về các nội dung cần thiết khác.
4. Trong quá trình thương thảo hợp đồng, các bên tham gia thương thảo tiến hành hoàn thiện dự thảo văn bản hợp đồng; điều kiện cụ thể của hợp đồng, phụ lục hợp đồng gồm danh mục chi tiết về phạm vi công việc, biểu giá, tiến độ thực hiện (nếu có).
5. Trường hợp thương thảo không thành công, bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo; trường hợp thương thảo với các nhà thầu xếp hạng tiếp theo không thành công thì bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định hủy thầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Luật Đấu thầu.
1. Bên mời thầu tổ chức lập điều khoản tham chiếu, dự thảo hợp đồng đối với vị trí tư vấn cá nhân cần tuyển chọn và xác định danh sách từ 03 đến 05 tư vấn cá nhân trình chủ đầu tư phê duyệt. Trường hợp xác định chỉ có duy nhất 01 tư vấn cá nhân đáp ứng yêu cầu để thực hiện hợp đồng, bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định. Nội dung điều khoản tham chiếu bao gồm:
a) Mô tả tóm tắt về dự án;
b) Yêu cầu về phạm vi, khối lượng, chất lượng và thời gian thực hiện hợp đồng;
c) Yêu cầu về năng lực, trình độ của chuyên gia tư vấn;
d) Các điều kiện và địa điểm thực hiện hợp đồng;
đ) Các nội dung cần thiết khác (nếu có).
2. Tư vấn cá nhân có thể bao gồm một hoặc một nhóm chuyên gia. Trường hợp tư vấn là nhóm chuyên gia thì các chuyên gia phải cử đại diện để giao dịch với bên mời thầu, chủ đầu tư.
3. Căn cứ hồ sơ do bên mời thầu trình, chủ đầu tư xem xét, phê duyệt điều khoản tham chiếu và danh sách tư vấn cá nhân.
1. Sau khi điều khoản tham chiếu và danh sách tư vấn cá nhân được phê duyệt, bên mời thầu gửi thư mời và điều khoản tham chiếu đến các tư vấn cá nhân có tên trong danh sách, trong đó nêu rõ thời hạn và địa chỉ nhận hồ sơ lý lịch khoa học.
2. Nộp hồ sơ lý lịch khoa học:
Tư vấn cá nhân chuẩn bị hồ sơ lý lịch khoa học theo yêu cầu nêu trong điều khoản tham chiếu và đề xuất kỹ thuật (nếu có) nộp cho bên mời thầu theo thời gian, địa chỉ trong thư mời.
3. Đánh giá hồ sơ lý lịch khoa học:
Căn cứ nội dung của điều khoản tham chiếu, bên mời thầu đánh giá hồ sơ lý lịch khoa học của từng tư vấn cá nhân. Tư vấn cá nhân có tư cách hợp lệ theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 của Luật Đấu thầu; có hồ sơ lý lịch khoa học và đề xuất kỹ thuật (nếu có) tốt nhất, đáp ứng yêu cầu của điều khoản tham chiếu sẽ được bên mời thầu mời vào thương thảo, hoàn thiện hợp đồng.
4. Thương thảo, hoàn thiện hợp đồng.
5. Việc phê duyệt kết quả lựa chọn tư vấn cá nhân phải bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ lý lịch khoa học của các tư vấn cá nhân, kết quả thương thảo hợp đồng. Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn tư vấn cá nhân, kết quả thương thảo hợp đồng và nội dung của điều khoản tham chiếu.
1. Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, có thể áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn nhằm lựa chọn được các nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu của gói thầu để mời tham gia đấu thầu. Việc áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn do người có thẩm quyền quyết định và phải được ghi rõ trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu; trường hợp áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn, việc lựa chọn danh sách ngắn thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Nghị định này.
2. Lập hồ sơ mời thầu giai đoạn một:
a) Căn cứ lập hồ sơ mời thầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Nghị định này;
b) Hồ sơ mời thầu giai đoạn một bao gồm các nội dung sau đây: Thông tin tóm tắt về dự án, gói thầu; chỉ dẫn việc chuẩn bị và nộp hồ sơ dự thầu giai đoạn một; ý tưởng yêu cầu về phương án kỹ thuật của gói thầu; yêu cầu về phương án tài chính, thương mại để các nhà thầu đề xuất về phương án kỹ thuật, phương án tài chính, thương mại, làm cơ sở cho bên mời thầu xem xét, hoàn chỉnh hồ sơ mời thầu giai đoạn hai; không yêu cầu nhà thầu đề xuất về giá dự thầu và thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu.
Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
3. Thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu:
a) Hồ sơ mời thầu phải được thẩm định theo quy định tại Điều 105 của Nghị định này trước khi phê duyệt;
b) Việc phê duyệt hồ sơ mời thầu phải bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu.
1. Việc mời thầu giai đoạn một thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Nghị định này.
2. Phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu:
Việc phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 của Nghị định này.
3. Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu:
Việc chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này.
4. Mở thầu:
a) Việc mở thầu phải được tiến hành công khai và bắt đầu ngay trong vòng 01 giờ, kể từ thời điểm đóng thầu. Chỉ tiến hành mở các hồ sơ dự thầu mà bên mời thầu nhận được trước thời điểm đóng thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu trước sự chứng kiến của đại diện các nhà thầu tham dự lễ mở thầu, không phụ thuộc vào sự có mặt hay vắng mặt của các nhà thầu;
b) Việc mở thầu được thực hiện đối với từng hồ sơ dự thầu theo thứ tự chữ cái tên của nhà thầu và theo trình tự sau đây:
- Kiểm tra niêm phong;
- Mở hồ sơ và đọc rõ các thông tin về: Tên nhà thầu; số lượng bản gốc, bản chụp hồ sơ; thông tin chính ghi trong đơn dự thầu; thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu; các thông tin khác liên quan.
c) Biên bản mở thầu: Các thông tin nêu tại Điểm b Khoản này phải được ghi vào biên bản mở thầu. Biên bản mở thầu phải được ký xác nhận bởi đại diện của bên mời thầu và nhà thầu tham dự mở thầu. Biên bản này phải được gửi cho các nhà thầu tham dự thầu;
d) Đại diện của bên mời thầu phải ký xác nhận vào bản gốc đơn dự thầu, giấy ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của nhà thầu (nếu có); thỏa thuận liên danh (nếu có).
5. Trao đổi về hồ sơ dự thầu giai đoạn một:
Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu giai đoạn một, căn cứ các yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu và đề xuất của nhà thầu trong hồ sơ dự thầu giai đoạn một, bên mời thầu tiến hành trao đổi với từng nhà thầu nhằm chuẩn xác yêu cầu về kỹ thuật, tài chính của gói thầu phục vụ cho việc hoàn chỉnh hồ sơ mời thầu giai đoạn hai. Bên mời thầu phải bảo đảm thông tin trong hồ sơ dự thầu giai đoạn một của các nhà thầu không bị tiết lộ.
1. Lập hồ sơ mời thầu giai đoạn hai:
a) Căn cứ lập hồ sơ mời thầu:
Ngoài các căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Nghị định này, khi lập hồ sơ mời thầu giai đoạn hai, phải tham khảo đề xuất của các nhà thầu tham dự thầu giai đoạn một;
b) Nội dung hồ sơ mời thầu:
Hồ sơ mời thầu phải quy định về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm (đối với gói thầu đã thực hiện sơ tuyển, trong hồ sơ mời thầu không cần quy định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu song cần yêu cầu nhà thầu cập nhật thông tin về năng lực của nhà thầu), tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; tiêu chuẩn xác định giá đánh giá (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá), xác định điểm giá và tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp (đối với trường hợp áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá) và các nội dung liên quan khác theo quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5, 7, 8 Điều 12 và Điều 24 của Nghị định này. Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
2. Thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu:
a) Hồ sơ mời thầu phải được thẩm định theo quy định tại Điều 105 của Nghị định này trước khi phê duyệt;
b) Việc phê duyệt hồ sơ mời thầu phải bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu.
3. Tổ chức đấu thầu:
a) Bên mời thầu mời các nhà thầu đã nộp hồ sơ dự thầu giai đoạn một đến nhận hồ sơ mời thầu giai đoạn hai. Việc phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu giai đoạn hai thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 của Nghị định này;
b) Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu:
Việc chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này.
4. Mở thầu:
Việc mở thầu thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 14 của Nghị định này.
1. Nguyên tắc đánh giá hồ sơ dự thầu thực hiện theo quy định tại Điều 15 của Nghị định này.
2. Việc làm rõ hồ sơ dự thầu thực hiện theo quy định tại Điều 16 của Nghị định này.
3. Việc sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Nghị định này.
4. Việc đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng giai đoạn hai thực hiện theo quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Nghị định này.
1. Trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này.
2. Hoàn thiện và ký kết hợp đồng:
Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, biên bản thương thảo hợp đồng, hồ sơ dự thầu, hồ sơ mời thầu và các tài liệu liên quan khác.
1. Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, có thể áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn nhằm lựa chọn được các nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu của gói thầu để mời tham gia đấu thầu. Việc áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn do người có thẩm quyền quyết định và phải được ghi rõ trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu; trường hợp áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn, việc lựa chọn danh sách ngắn thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Nghị định này.
2. Lập hồ sơ mời thầu giai đoạn một:
a) Căn cứ lập hồ sơ mời thầu theo quy định tại
Khoản 1 Điều 12 của Nghị định này;
b) Nội dung hồ sơ mời thầu:
Hồ sơ mời thầu phải quy định về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm (đối với gói thầu đã thực hiện sơ tuyển, trong hồ sơ mời thầu không cần quy định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu song cần yêu cầu nhà thầu cập nhật thông tin về năng lực của nhà thầu), tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, yêu cầu nhà thầu đề xuất về tài chính và các nội dung liên quan khác theo quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5, 7, 8 Điều 12 và Điều 24 của Nghị định này. Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
3. Thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu:
a) Hồ sơ mời thầu phải được thẩm định theo quy định tại Điều 105 của Nghị định này trước khi phê duyệt;
b) Việc phê duyệt hồ sơ mời thầu phải bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu.
1. Việc mời thầu giai đoạn một thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Nghị định này.
2. Phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu:
Việc phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 của Nghị định này.
3. Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu:
Việc chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này.
4. Mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật:
Việc mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 26 Nghị định này. Hồ sơ đề xuất về tài chính sẽ được mở ở giai đoạn hai.
5. Đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật:
a) Việc đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật thực hiện theo quy định tại Điều 28 của Nghị định này;
b) Trong quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, căn cứ các yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu và đề xuất của nhà thầu trong hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, bên mời thầu tiến hành trao đổi với từng nhà thầu nhằm xác định các nội dung hiệu chỉnh về kỹ thuật so với hồ sơ mời thầu.
6. Danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật trong giai đoạn một phải được phê duyệt bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định kết quả đánh giá về kỹ thuật. Bên mời thầu phải thông báo danh sách các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đến tất cả các nhà thầu tham dự thầu giai đoạn một, trong đó mời các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật trong giai đoạn một tham dự thầu giai đoạn hai.
1. Lập hồ sơ mời thầu giai đoạn hai:
a) Căn cứ lập hồ sơ mời thầu:
Ngoài các căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Nghị định này, hồ sơ mời thầu giai đoạn hai còn phải căn cứ vào biên bản trao đổi giữa bên mời thầu với các nhà thầu tham dự thầu trong giai đoạn một;
b) Nội dung hồ sơ mời thầu:
Hồ sơ mời thầu giai đoạn hai được lập trên cơ sở hồ sơ mời thầu giai đoạn một, phù hợp với các nội dung hiệu chỉnh về kỹ thuật đã trao đổi với các nhà thầu.
2. Thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu:
a) Hồ sơ mời thầu phải được thẩm định theo quy định tại Điều 105 của Nghị định này trước khi phê duyệt và chỉ tiến hành thẩm định đối với các nội dung liên quan đến việc hiệu chỉnh về kỹ thuật so với hồ sơ mời thầu giai đoạn một;
b) Việc phê duyệt hồ sơ mời thầu phải bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu.
3. Phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu:
Bên mời thầu mời các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật trong giai đoạn một đến nhận hồ sơ mời thầu giai đoạn hai. Việc phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu giai đoạn hai thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 của Nghị định này.
4. Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu:
Việc chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này. Hồ sơ dự thầu bao gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu giai đoạn hai tương ứng với nội dung hiệu chỉnh về kỹ thuật.
5. Mở thầu:
a) Việc mở thầu phải được tiến hành công khai và bắt đầu ngay trong vòng 01 giờ, kể từ thời điểm đóng thầu. Chỉ tiến hành mở các hồ sơ dự thầu mà bên mời thầu nhận được trước thời điểm đóng thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu trước sự chứng kiến của đại diện các nhà thầu tham dự lễ mở thầu, không phụ thuộc vào sự có mặt hay vắng mặt của các nhà thầu;
b) Việc mở thầu được thực hiện đối với từng hồ sơ dự thầu theo thứ tự chữ cái tên của nhà thầu và theo trình tự sau đây:
- Yêu cầu đại diện từng nhà thầu tham dự mở thầu xác nhận việc có hoặc không có thư giảm giá kèm theo hồ sơ đề xuất về tài chính trong giai đoạn một và hồ sơ dự thầu giai đoạn hai của mình;
- Kiểm tra niêm phong của túi đựng các hồ sơ đề xuất về tài chính trong giai đoạn một, hồ sơ đề xuất về tài chính trong giai đoạn một của các nhà thầu tham dự thầu giai đoạn hai, hồ sơ dự thầu của các nhà thầu tham dự thầu giai đoạn hai;
- Mở hồ sơ đề xuất về tài chính trong giai đoạn một của các nhà thầu tham dự thầu giai đoạn hai và mở hồ sơ dự thầu giai đoạn hai bao gồm đề xuất về kỹ thuật, đề xuất về tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu giai đoạn hai tương ứng với nội dung hiệu chỉnh về kỹ thuật;
c) Biên bản mở thầu: Các thông tin nêu tại Điểm b Khoản này phải được ghi vào biên bản mở thầu. Biên bản mở thầu phải được ký xác nhận bởi đại diện của bên mời thầu và nhà thầu tham dự mở thầu. Biên bản này phải được gửi cho các nhà thầu tham dự thầu giai đoạn hai;
d) Đại diện của bên mời thầu phải ký xác nhận vào bản gốc các đơn dự thầu, thư giảm giá (nếu có), giấy ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của nhà thầu (nếu có); bảo đảm dự thầu; các nội dung đề xuất về tài chính và các nội dung quan trọng khác của từng hồ sơ dự thầu.
1. Việc đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng giai đoạn hai thực hiện theo quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Nghị định này; không đánh giá lại những nội dung đã thống nhất về kỹ thuật ở giai đoạn một.
2. Nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật trong giai đoạn hai sẽ được xem xét đánh giá về tài chính. Việc đánh giá về tài chính thực hiện trên cơ sở đề xuất về tài chính của nhà thầu trong giai đoạn một và đề xuất về tài chính trong giai đoạn hai; căn cứ đề xuất về kỹ thuật của nhà thầu trong giai đoạn một và những đề xuất về kỹ thuật hiệu chỉnh của nhà thầu trong giai đoạn hai.
1. Trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này.
2. Hoàn thiện và ký kết hợp đồng:
Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, biên bản thương thảo hợp đồng, hồ sơ dự thầu, hồ sơ mời thầu và các tài liệu liên quan khác.
Gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu bao gồm:
1. Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công;
2. Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.
1. Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu:
a) Lập hồ sơ yêu cầu:
Việc lập hồ sơ yêu cầu phải căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Nghị định này. Nội dung hồ sơ yêu cầu bao gồm các thông tin tóm tắt về dự án, gói thầu; chỉ dẫn việc chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất; tiêu chuẩn về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật và xác định giá chỉ định thầu. Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt để đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và đánh giá về kỹ thuật;
b) Thẩm định và phê duyệt hồ sơ yêu cầu và xác định nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu:
- Hồ sơ yêu cầu phải được thẩm định theo quy định tại Điều 105 của Nghị định này trước khi phê duyệt;
- Việc phê duyệt hồ sơ yêu cầu phải bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định hồ sơ yêu cầu;
- Nhà thầu được xác định để nhận hồ sơ yêu cầu khi có tư cách hợp lệ theo quy định tại các Điểm a, b, c, d, e và h Khoản 1 Điều 5 của Luật Đấu thầu và có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu.
2. Tổ chức lựa chọn nhà thầu:
a) Hồ sơ yêu cầu được phát hành cho nhà thầu đã được xác định;
b) Nhà thầu chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của hồ sơ yêu cầu.
3. Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về các đề xuất của nhà thầu:
a) Việc đánh giá hồ sơ đề xuất phải được thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ yêu cầu. Trong quá trình đánh giá, bên mời thầu mời nhà thầu đến thương thảo, làm rõ hoặc sửa đổi, bổ sung các nội dung thông tin cần thiết của hồ sơ đề xuất nhằm chứng minh sự đáp ứng của nhà thầu theo yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, tiến độ, khối lượng, chất lượng, giải pháp kỹ thuật và biện pháp tổ chức thực hiện gói thầu;
b) Nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: Có hồ sơ đề xuất hợp lệ; có năng lực, kinh nghiệm và đề xuất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của hồ sơ yêu cầu; có giá đề nghị chỉ định thầu không vượt dự toán gói thầu được duyệt.
4. Trình, thẩm định; phê duyệt và công khai kết quả chỉ định thầu theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này.
5. Hoàn thiện và ký kết hợp đồng:
Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu, biên bản thương thảo hợp đồng, hồ sơ đề xuất, hồ sơ yêu cầu và các tài liệu liên quan khác.
1. Đối với gói thầu quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu, trừ gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước:
Chủ đầu tư hoặc cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý gói thầu xác định và giao cho nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thực hiện ngay gói thầu. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày giao thầu, các bên phải hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu bao gồm: Chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu trong đó xác định yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được và giá trị tương ứng để thương thảo, hoàn thiện hợp đồng. Trên cơ sở kết quả thương thảo hợp đồng, chủ đầu tư hoặc cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý gói thầu phê duyệt kết quả chỉ định thầu và ký kết hợp đồng với nhà thầu được chỉ định thầu. Việc công khai kết quả chỉ định thầu theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 và Điểm c Khoản 1 hoặc Điểm b Khoản 2 Điều 8 của Nghị định này.
2. Đối với gói thầu trong hạn mức chỉ định thầu theo quy định tại Điều 54 của Nghị định này:
a) Bên mời thầu căn cứ vào mục tiêu, phạm vi công việc, dự toán được duyệt để chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu được chủ đầu tư xác định có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu. Nội dung dự thảo hợp đồng bao gồm các yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được, giá trị tương ứng và các nội dung cần thiết khác;
b) Trên cơ sở dự thảo hợp đồng, bên mời thầu và nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu tiến hành thương thảo, hoàn thiện hợp đồng làm cơ sở để phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng;
c) Ký kết hợp đồng:
Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, biên bản thương thảo hợp đồng và các tài liệu liên quan khác.
1. Chào hàng cạnh tranh theo quy trình thông thường áp dụng đối với gói thầu quy định tại Khoản 1 Điều 23 của Luật Đấu thầu có giá trị không quá 05 tỷ đồng.
2. Chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn áp dụng đối với gói thầu quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 23 của Luật Đấu thầu có giá trị không quá 500 triệu đồng, gói thầu quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều 23 của Luật Đấu thầu có giá trị không quá 01 tỷ đồng, gói thầu đối với mua sắm thường xuyên có giá trị không quá 200 triệu đồng.
1. Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu:
a) Lập hồ sơ yêu cầu:
Việc lập hồ sơ yêu cầu phải căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Nghị định này. Nội dung hồ sơ yêu cầu bao gồm các nội dung thông tin tóm tắt về dự án, gói thầu; chỉ dẫn việc chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất; tiêu chuẩn về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật và xác định giá thấp nhất. Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt để đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và đánh giá về kỹ thuật;
b) Thẩm định và phê duyệt hồ sơ yêu cầu:
- Hồ sơ yêu cầu phải được thẩm định theo quy định tại Điều 105 của Nghị định này trước khi phê duyệt;
- Việc phê duyệt hồ sơ yêu cầu phải bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định hồ sơ yêu cầu.
2. Tổ chức lựa chọn nhà thầu:
a) Bên mời thầu đăng tải thông báo mời chào hàng theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 và Điểm b Khoản 1 hoặc Điểm a Khoản 2 Điều 8 của Nghị định này.
Hồ sơ yêu cầu được phát hành cho các nhà thầu có nhu cầu tham gia theo thời gian quy định trong thông báo mời chào hàng nhưng bảo đảm tối thiểu là 03 ngày làm việc, kể từ ngày đầu tiên các thông tin này được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc trên Báo đấu thầu;
b) Việc sửa đổi, làm rõ hồ sơ yêu cầu thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 của Nghị định này;
c) Nhà thầu nộp hồ sơ đề xuất đến bên mời thầu bằng cách gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện. Mỗi nhà thầu chỉ được nộp một hồ sơ đề xuất;
d) Bên mời thầu chịu trách nhiệm bảo mật các thông tin trong hồ sơ đề xuất của từng nhà thầu. Ngay sau thời điểm đóng thầu, bên mời thầu tiến hành mở các hồ sơ đề xuất và lập biên bản mở thầu bao gồm các nội dung: Tên nhà thầu; giá chào; thời gian có hiệu lực của hồ sơ đề xuất; giá trị, thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu; thời gian thực hiện hợp đồng và gửi văn bản này đến các nhà thầu đã nộp hồ sơ đề xuất.
3. Đánh giá các hồ sơ đề xuất và thương thảo hợp đồng:
a) Bên mời thầu đánh giá các hồ sơ đề xuất được nộp theo yêu cầu của hồ sơ yêu cầu. Nhà thầu được đánh giá đáp ứng yêu cầu khi có hồ sơ đề xuất hợp lệ; đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm; tất cả yêu cầu về kỹ thuật đều được đánh giá là “đạt”;
b) Bên mời thầu so sánh giá chào của các hồ sơ đề xuất đáp ứng về kỹ thuật để xác định hồ sơ đề xuất có giá chào thấp nhất. Nhà thầu có giá chào thấp nhất sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) và không vượt giá gói thầu sẽ được mời vào thương thảo hợp đồng;
c) Việc thương thảo hợp đồng thực hiện theo quy định tại Điều 19 của Nghị định này.
4. Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu:
Việc trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này.
5. Hoàn thiện và ký kết hợp đồng:
Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả chào hàng cạnh tranh, biên bản thương thảo hợp đồng, hồ sơ đề xuất, hồ sơ yêu cầu và các tài liệu liên quan khác.
6. Thời gian trong chào hàng cạnh tranh thông thường:
a) Thời gian chuẩn bị hồ sơ đề xuất tối thiểu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày đầu tiên phát hành hồ sơ yêu cầu;
b) Trường hợp cần sửa đổi hồ sơ yêu cầu, bên mời thầu phải thông báo cho các nhà thầu trước thời điểm đóng thầu tối thiểu 03 ngày làm việc để nhà thầu có đủ thời gian chuẩn bị hồ sơ đề xuất;
c) Thời gian đánh giá hồ sơ đề xuất tối đa là 20 ngày, kể từ ngày mở thầu đến khi bên mời thầu có tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu kèm theo báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất;
d) Thời gian thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu tối đa là 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình thẩm định;
đ) Thời gian phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tối đa là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của bên mời thầu và báo cáo thẩm định của đơn vị thẩm định;
e) Các khoảng thời gian khác thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Luật Đấu thầu.
1. Chuẩn bị và gửi bản yêu cầu báo giá:
a) Bản yêu cầu báo giá được lập bao gồm các nội dung về phạm vi công việc, yêu cầu về kỹ thuật, thời hạn hiệu lực của báo giá, thời điểm nộp báo giá, các yêu cầu về bảo hành, bảo trì, đào tạo, chuyển giao, dự thảo hợp đồng, thời gian chuẩn bị và nộp báo giá (tối thiểu 03 ngày làm việc, kể từ ngày đầu tiên phát hành bản yêu cầu báo giá) và các nội dung cần thiết khác, không nêu yêu cầu về bảo đảm dự thầu;
b) Sau khi bản yêu cầu báo giá được duyệt, bên mời thầu đăng tải thông báo mời chào hàng trên một tờ báo được phát hành rộng rãi trong một ngành, một tỉnh hoặc hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc gửi trực tiếp bản yêu cầu báo giá cho tối thiểu 03 nhà thầu có khả năng thực hiện gói thầu. Trường hợp gửi trực tiếp, nếu trước thời điểm đóng thầu có bất kỳ nhà thầu nào khác đề nghị được tham gia chào hàng thì bên mời thầu phải gửi bản yêu cầu báo giá cho nhà thầu đó. Bản yêu cầu báo giá được phát hành miễn phí theo hình thức gửi trực tiếp, gửi qua đường bưu điện, thư điện tử (email) hoặc bằng fax.
2. Nộp và tiếp nhận báo giá:
a) Nhà thầu chuẩn bị và nộp 01 báo giá theo bản yêu cầu báo giá. Việc nộp báo giá có thể thực hiện theo hình thức gửi trực tiếp, gửi qua đường bưu điện, thư điện tử (email) hoặc bang fax;
b) Bên mời thầu chịu trách nhiệm bảo mật các thông tin trong báo giá của từng nhà thầu. Ngay sau khi kết thúc thời hạn nộp báo giá, bên mời thầu lập văn bản tiếp nhận các báo giá được nộp trước thời điểm đóng thầu bao gồm các nội dung như: Tên nhà thầu, giá chào, thời gian có hiệu lực của báo giá và gửi văn bản tiếp nhận này đến các nhà thầu đã nộp báo giá.
3. Đánh giá các báo giá:
a) Bên mời thầu so sánh các báo giá theo bản yêu cầu báo giá. Báo giá được xác định đáp ứng tất cả các yêu cầu trong bản yêu cầu báo giá và có giá chào sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất và không vượt giá gói thầu sẽ được đề nghị lựa chọn;
b) Trong quá trình đánh giá, trường hợp cần thiết bên mời thầu mời nhà thầu có giá chào thấp nhất sau khi sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch và trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) đến thương thảo hợp đồng.
4. Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu:
Việc trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này.
5. Hoàn thiện và ký kết hợp đồng:
Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả chào hàng cạnh tranh, biên bản thương thảo hợp đồng và các tài liệu liên quan khác.
6. Thời gian trong chào hàng cạnh tranh rút gọn:
a) Thời gian đánh giá các báo giá tối đa là 10 ngày, kể từ ngày hết hạn nộp báo giá đến khi bên mời thầu có tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu kèm theo báo cáo đánh giá các báo giá;
b) Thời gian thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu tối đa là 04 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình thẩm định;
c) Thời gian phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tối đa là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của bên mời thầu và báo cáo thẩm định của đơn vị thẩm định.
1. Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu:
a) Lập hồ sơ yêu cầu:
Việc lập hồ sơ yêu cầu phải căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Nghị định này. Hồ sơ yêu cầu bao gồm các nội dung thông tin tóm tắt về dự án, gói thầu; yêu cầu nhà thầu cập nhật thông tin về năng lực; yêu cầu về tiến độ cung cấp và cam kết cung cấp hàng hóa bảo đảm kỹ thuật, chất lượng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu trước đó; yêu cầu về đơn giá của hàng hóa. Trường hợp hàng hóa thuộc gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp là một trong nhiều loại hàng hóa thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó thì quy mô của hàng hóa áp dụng mua sắm trực tiếp phải nhỏ hơn 130% quy mô của hàng hóa cùng loại thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó;
b) Hồ sơ yêu cầu phải được thẩm định theo quy định tại Điều 105 của Nghị định này trước khi phê duyệt;
c) Việc phê duyệt hồ sơ yêu cầu phải bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định hồ sơ yêu cầu.
2. Hồ sơ yêu cầu được phát hành cho nhà thầu đã được lựa chọn trước đó. Trường hợp nhà thầu này không có khả năng tiếp tục thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp thì phát hành hồ sơ yêu cầu cho nhà thầu khác nếu nhà thầu này đáp ứng quy định tại Khoản 3 Điều 24 của Luật Đấu thầu.
3. Nhà thầu chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của hồ sơ yêu cầu.
4. Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về các đề xuất của nhà thầu:
a) Đánh giá hồ sơ đề xuất:
- Kiểm tra các nội dung về kỹ thuật và đơn giá;
- Cập nhật thông tin về năng lực của nhà thầu;
- Đánh giá tiến độ thực hiện, biện pháp cung cấp hàng hóa, giải pháp kỹ thuật và biện pháp tổ chức thực hiện gói thầu;
- Các nội dung khác (nếu có).
b) Trong quá trình đánh giá, bên mời thầu mời nhà thầu đến thương thảo, làm rõ các nội dung thông tin cần thiết của hồ sơ đề xuất nhằm chứng minh sự đáp ứng của nhà thầu theo yêu cầu về năng lực, tiến độ, chất lượng, giải pháp kỹ thuật và biện pháp tổ chức thực hiện gói thầu;
c) Bên mời thầu phải bảo đảm đơn giá của các phần việc thuộc gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp không được vượt đơn giá của các phần việc tương ứng thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó, đồng thời phù hợp với giá cả thị trường tại thời điểm thương thảo hợp đồng.
5. Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả mua sắm trực tiếp:
a) Kết quả lựa chọn nhà thầu phải được ,thẩm định theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 4 Điều 106 của Nghị định này trước khi phê duyệt;
b) Việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu phải bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt và báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu;
c) Kết quả lựa chọn nhà thầu phải được thông báo bằng văn bản cho tất cả các nhà thầu tham gia nộp hồ sơ đề xuất và công khai theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 và Điểm c Khoản 1 hoặc Điểm b Khoản 2 Điều 8 của Nghị định này.
6. Hoàn thiện và ký kết hợp đồng:
Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp, biên bản thương thảo hợp đồng, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ đề xuất và các tài liệu liên quan khác.
Việc áp dụng hình thức tự thực hiện phải được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu" trên cơ sở tuân thủ quy định tại Điều 25 của Luật Đấu thầu và đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
1. Có chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động và ngành nghề kinh doanh phù hợp với yêu cầu của gói thầu;
2. Phải chứng minh và thể hiện trong phương án tự thực hiện về khả năng huy động nhân sự, máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu về tiến độ thực hiện gói thầu;
3. Đơn vị được giao thực hiện gói thầu không được chuyển nhượng khối lượng công việc với tổng số tiền từ 10% giá gói thầu trở lên hoặc dưới 10% giá gói thầu nhưng trên 50 tỷ đồng.
1. Chuẩn bị phương án tự thực hiện và dự thảo hợp đồng hoặc thỏa thuận giao việc:
Hồ sơ về phương án tự thực hiện được lập bao gồm yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc, giá trị, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần thực hiện và dự thảo hợp đồng hoặc thỏa thuận giao việc. Trường hợp gói thầu do đơn vị hạch toán phụ thuộc thực hiện thì trong phương án thực hiện phải bao gồm dự thảo hợp đồng. Trường hợp tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng gói thầu không có đơn vị hạch toán phụ thuộc thì trong phương án thực hiện phải bao gồm dự thảo về thỏa thuận giao việc cho một đơn vị thuộc mình thực hiện.
2. Hoàn thiện phương án tự thực hiện và thương thảo, hoàn thiện hợp đồng hoặc thỏa thuận giao việc:
Thương thảo về những nội dung chưa đủ chi tiết, chưa rõ hoặc chưa phù hợp, thống nhất trong phương án tự thực hiện, dự thảo hợp đồng hoặc thỏa thuận giao việc và các nội dung cần thiết khác.
3. Ký kết hợp đồng hoặc thỏa thuận giao việc:
Tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng gói thầu tiến hành ký kết hợp đồng với đơn vị phụ thuộc hoặc ký thỏa thuận giao việc với đơn vị được giao để tự thực hiện gói thầu.
4. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định các nội dung công việc thuộc gói thầu phải được giám sát khi thực hiện, tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng gói thầu lựa chọn theo quy định của Luật Đấu thầu một nhà thầu tư vấn giám sát độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với mình để giám sát quá trình thực hiện gói thầu; trường hợp pháp luật chuyên ngành không có quy định hoặc không có tư vấn giám sát độc lập quan tâm hoặc không lựa chọn được tư vấn giám sát độc lập do gói thầu được thực hiện tại các vùng sâu, vùng xa, gói thầu có giá trị dưới 01 tỷ đồng thì tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng gói thầu phải tự tổ chức thực hiện giám sát.
Gói thầu quy mô nhỏ là gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa có giá trị gói thầu không quá 10 tỷ đồng; gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá trị gói thầu không quá 20 tỷ đồng.
1. Quy trình lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu quy mô nhỏ thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương II và Chương V của Nghị định này.
2. Thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu:
a) Hồ sơ mời thầu được phát hành theo thời gian quy định trong thông báo mời thầu nhưng bảo đảm không ngắn hơn 03 ngày làm việc, kể từ ngày đầu tiên các thông tin này được đăng tải thành công trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc trên Báo đấu thầu;
b) Thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 10 ngày, kể từ ngày đầu tiên phát hành hồ sơ mời thầu;
c) Trường hợp cần sửa đổi hồ sơ mời thầu, bên mời thầu phải thông báo cho các nhà thầu trước thời điểm đóng thầu tối thiểu là 03 ngày làm việc để nhà thầu có đủ thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu;
d) Thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu tối đa là 25 ngày, kể từ ngày mở thầu đến khi bên mời thầu có tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu kèm theo báo cáo về kết quả lựa chọn nhà thầu;
đ) Thời gian thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu tối đa là 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình thẩm định;
e) Thời gian phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tối đa là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của bên mời thầu và báo cáo thẩm định của đơn vị thẩm định;
g) Các khoảng thời gian khác thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Luật Đấu thầu.
3. Giá trị bảo đảm dự thầu từ 1% đến 1,5% giá gói thầu; giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng từ 2% đến 3% giá hợp đồng.
1. Cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ tại địa phương được coi là có tư cách hợp lệ để tham gia thực hiện các gói thầu quy định tại Điều 27 của Luật Đấu thầu khi người dân thuộc cộng đồng dân cư hoặc tổ, nhóm thợ hoặc các hội viên của tổ chức đoàn thể sinh sống, cư trú trên địa bàn triển khai gói thầu và được hưởng lợi từ gói thầu.
2. Người đại diện của cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật, không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, được cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ lựa chọn để thay mặt cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ ký kết hợp đồng.
1. Chủ đầu tư dự thảo hợp đồng trong đó bao gồm các yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, chất lượng, tiến độ công việc cần đạt được, giá hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên.
2. Chủ đầu tư niêm yết thông báo công khai về việc mời tham gia thực hiện gói thầu tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và thông báo trên các phương tiện truyền thông cấp xã, các nơi sinh hoạt cộng đồng để các cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể và tổ, nhóm thợ trên địa bàn biết. Thông báo cần ghi rõ thời gian họp bàn về phương án thực hiện gói thầu.
3. Cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ quan tâm nhận dự thảo hợp đồng để nghiên cứu và chuẩn bị hồ sơ năng lực bao gồm: Họ tên, độ tuổi, năng lực và kinh nghiệm phù hợp với tính chất gói thầu của các thành viên tham gia thực hiện gói thầu.
4. Chủ đầu tư xem xét, đánh giá lựa chọn ra cộng đồng dân cư hoặc tổ chức đoàn thể hoặc tổ, nhóm thợ tốt nhất và mời đại diện vào đàm phán và ký kết hợp đồng.
Trường hợp chỉ có một cộng đồng dân cư hoặc tổ chức đoàn thể hoặc tổ, nhóm thợ quan tâm thì xem xét giao cho cộng đồng dân cư hoặc tổ chức đoàn thể hoặc tổ, nhóm thợ đó thực hiện. Trường hợp không thể giao cho cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể thực hiện hoặc không có cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể quan tâm thì giao cho tổ, nhóm thợ thực hiện.
5. Thời gian tối đa từ khi thông báo công khai về việc mời tham gia thực hiện gói thầu đến khi ký kết hợp đồng là 30 ngày.
1. Cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ được chủ đầu tư tạm ứng, thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản thông qua người đại diện của cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện giám sát thi công, Ủy ban nhân dân cấp xã và các tổ chức đoàn thể có trách nhiệm tham gia giám sát việc thi công công trình của cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ.
3. Chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu công trình hoàn thành. Các thành phần tham gia nghiệm thu bao gồm:
a) Đại diện chủ đầu tư;
b) Đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ thi công công trình;
c) Đại diện cộng đồng dân cư hưởng lợi công trình;
d) Các thành phần có liên quan khác do chủ đầu tư quyết định.
1. Việc mua sắm tập trung phải được thực hiện thông qua đơn vị mua sắm tập trung thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp. Trường hợp đơn vị mua sắm tập trung không đủ năng lực thì đơn vị mua sắm tập trung thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp thực hiện việc lựa chọn nhà thầu.
2. Đối với những hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục phải áp dụng mua sắm tập trung, đơn vị có nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phải công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, nội dung thỏa thuận khung và ký kết hợp đồng với nhà thầu đã được lựa chọn thông qua mua sắm tập trung trên cơ sở thỏa thuận khung. Trường hợp ký kết hợp đồng với nhà thầu khác không được lựa chọn thông qua mua sắm tập trung thì không được thanh toán hợp đồng.
3. Việc áp dụng đấu thầu qua mạng đối với mua sắm tập trung được thực hiện theo lộ trình do Thủ tướng Chính phủ quy định.
4. Trường hợp lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu có nội dung tương tự nhau thuộc nhiều người có thẩm quyền khác nhau, người có thẩm quyền của các gói thầu thỏa thuận, ủy quyền cho một người có thẩm quyền thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 73 của Luật Đấu thầu; trong trường hợp này, người có thẩm quyền giao cho một đơn vị trực thuộc có đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện việc tổ chức lựa chọn nhà thầu và thực hiện các trách nhiệm khác quy định tại Điều 69 của Nghị định này.
1. Đơn vị mua sắm tập trung thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật Đấu thầu, đối với quy định tại Khoản 2 Điều 74 và Điểm c Khoản 2 Điều 75 của Luật Đấu thầu được thực hiện theo một trong hai cách sau:
a) Trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 44 của Luật Đấu thầu;
b) Ký văn bản thỏa thuận khung theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 44 của Luật Đấu thầu.
2. Cấp trên của đơn vị mua sắm tập trung thực hiện trách nhiệm của người có thẩm quyền quy định tại Điều 73 của Luật Đấu thầu.
1. Quy trình mua sắm tập trung tổng quát:
a) Tổng hợp nhu cầu;
b) Lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
c) Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;
d) Tổ chức lựa chọn nhà thầu;
đ) Đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng;
e) Thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;
g) Hoàn thiện, ký kết thỏa thuận khung;
h) Hoàn thiện, ký kết và thực hiện hợp đồng với nhà thầu trúng thầu. Trường hợp đơn vị mua sắm tập trung trực tiếp ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu thì không tiến hành ký kết thỏa thuận khung theo quy định tại Điểm g Khoản này;
i) Quyết toán, thanh lý hợp đồng.
2. Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu thực hiện mua sắm tập trung có thể chia thành nhiều phần để tổ chức đấu thầu lựa chọn một hoặc nhiều nhà thầu trúng thầu.
1. Hàng hóa, dịch vụ được đưa vào danh mục mua sắm tập trung khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
a) Hàng hóa, dịch vụ mua sắm với số lượng lớn hoặc chủng loại hàng hóa, dịch vụ được sử dụng phổ biến tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị;
b) Hàng hóa, dịch vụ có yêu cầu tính đồng bộ, hiện đại.
2. Trách nhiệm ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung:
a) Bộ Tài chính ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia. Riêng danh mục thuốc mua sắm tập trung do Bộ Y tế ban hành;
b) Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung thuộc phạm vi quản lý của mình.
Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, đơn vị mua sắm tập trung quy định cụ thể về nội dung chi tiết của thỏa thuận khung trong hồ sơ mời thầu cho phù hợp nhưng phải bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Phạm vi cung cấp hàng hóa, dịch vụ; bảng kê số lượng hàng hóa, dịch vụ;
2. Thời gian, địa điểm giao hàng, cung cấp dịch vụ dự kiến;
3. Điều kiện bàn giao hàng hóa, dịch vụ; tạm ứng, thanh toán, thanh lý hợp đồng;
4. Mức giá trần tương ứng với từng loại hàng hóa, dịch vụ;
5. Điều kiện bảo hành, bảo trì; đào tạo, hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ;
6. Trách nhiệm của nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ;
7. Trách nhiệm của đơn vị trực tiếp ký hợp đồng mua sắm, sử dụng hàng hóa, dịch vụ;
8. Trách nhiệm của đơn vị mua sắm tập trung;
9. Thời hạn có hiệu lực của thỏa thuận khung;
10. Xử phạt do vi phạm hợp đồng;
11. Các nội dung liên quan khác.
Nội dung mua sắm thường xuyên (trừ trường hợp mua sắm vật tư, trang thiết bị thuộc dự án; mua sắm trang thiết bị, phương tiện đặc thù chuyên dùng cho quốc phòng, an ninh) bao gồm:
1. Mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc theo quy định của Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của các cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước;
2. Mua sắm vật tư, công cụ, dụng cụ bảo đảm hoạt động thường xuyên;
3. Mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn, phục vụ an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy;
4. May sắm trang phục ngành (gồm cả mua sắm vật liệu và công may);
5. Mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin gồm: Máy móc, thiết bị, phụ kiện, phần mềm và các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin khác, bao gồm cả lắp đặt, chạy thử, bảo hành (nếu có) thuộc dự án công nghệ thông tin sử dụng vốn sự nghiệp theo quy định của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;
6. Mua sắm phương tiện vận chuyển: Ô tô, xe máy, tàu, thuyền, xuồng và các phương tiện vận chuyển khác (nếu có);
7. Sản phẩm in, tài liệu, biểu mẫu, ấn phẩm, ấn chỉ, tem; văn hóa phẩm, sách, tài liệu, phim ảnh và các sản phẩm, dịch vụ để tuyên truyền, quảng bá và phục vụ cho công tác chuyên môn nghiệp vụ;
8. Thuê các dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, trang thiết bị, phương tiện làm việc, phương tiện vận chuyển; dịch vụ thuê trụ sở làm việc và hàng hóa khác; dịch vụ thuê đường truyền dẫn; dịch vụ bảo hiểm; dịch vụ cung cấp điện, nước, điện thoại cố định và các dịch vụ khác;
9. Dịch vụ tư vấn bao gồm: Tư vấn lựa chọn công nghệ, tư vấn để phân tích, đánh giá hồ sơ dự thầu và các dịch vụ tư vấn trong mua sắm khác;
10. Bản quyền sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ (nếu có);
11. Các loại hàng hóa, dịch vụ khác được mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
Việc lựa chọn nhà thầu trong mua sắm thường xuyên được thực hiện theo quy định về lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu thuộc dự án nêu tại Chương II và Chương III của Luật Đấu thầu.
1. Việc mua thuốc thông qua các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định trong Luật Đấu thầu phải bảo đảm các nguyên tắc chung sau đây:
a) Thuốc trúng thầu có mức giá hợp lý tương ứng với chất lượng, điều kiện giao hàng, bảo quản thuốc và các điều kiện liên quan khác;
b) Nhà thầu trúng thầu cung cấp thuốc phải bảo đảm cung cấp thuốc theo đúng các thỏa thuận đã ký kết trong hợp đồng;
c) Nhà thầu trúng thầu cung cấp thuốc phải bảo đảm thuốc đáp ứng yêu cầu về chất lượng trong tất cả các khâu của quá trình thực hiện hợp đồng từ nguyên liệu, sản xuất, đóng gói, vận chuyển, bảo quản, bàn giao thuốc;
d) Phải thực hiện mua sắm tập trung đối với những loại thuốc trong nước chưa sản xuất được, trừ những loại thuốc thuộc danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá;
đ) Đối với gói thầu mua thuốc quy mô nhỏ nhưng mặt hàng thuốc cần được lựa chọn trên cơ sở kết hợp giữa chất lượng và giá thì có thể áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ.
2. Việc lựa chọn nhà thầu cung cấp vật tư y tế thực hiện như đối với gói thầu mua sắm hàng hóa.
1. Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu:
a) Bộ trưởng; Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở y tế công lập thuộc phạm vi quản lý;
b) Người đại diện theo pháp luật của cơ sở y tế ngoài công lập chịu trách nhiệm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc của đơn vị mình trong trường hợp có ký hợp đồng tham gia khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội.
2. Thẩm quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu:
a) Thủ trưởng các cơ sở y tế công lập chịu trách nhiệm phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc của đơn vị mình;
b) Trường hợp mua thuốc tập trung theo quy định tại Mục 1 Chương này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Khoản 1 Điều 69 của Nghị định này;
c) Người đại diện theo pháp luật của cơ sở y tế ngoài công lập chịu trách nhiệm phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc của đơn vị mình trong trường hợp có ký hợp đồng tham gia khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội.
1. Bộ Y tế có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc mua tập trung, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá trên cơ sở đề xuất của Hội đồng tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc;
b) Tổ chức mua thuốc tập trung ở cấp quốc gia, chủ trì đàm phán giá;
c) Xây dựng lộ trình và hướng dẫn mua thuốc tập trung ở cấp quốc gia, cấp địa phương, bảo đảm từ năm 2016 thực hiện trên phạm vi toàn quốc;
d) Căn cứ các tiêu chí cơ bản như: Số đăng ký đã được công bố, giá thuốc mà doanh nghiệp sản xuất trong nước đã kê khai với cơ quan có thẩm quyền, số lượng số đăng ký tối thiểu theo dạng bào chế và hợp chất và các tiêu chí cần thiết khác để ban hành danh mục thuốc trong nước sản xuất được, đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp;
đ) Định kỳ hàng năm, tiến hành sơ tuyển để lựa chọn danh sách các nhà sản xuất, nhà cung cấp thuốc đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm và uy tín để làm cơ sở cho việc mời tham gia đấu thầu hạn chế.
2. Hội đồng tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định thành lập bao gồm đại diện Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp dược và đại diện các tổ chức khác có liên quan. Hội đồng có trách nhiệm tư vấn cho Bộ Y tế trong các vấn đề sau đây:
a) Nghiên cứu, đề xuất danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc mua tập trung, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá;
b) Tham gia tư vấn trong quá trình lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc đối với mua thuốc tập trung ở cấp quốc gia;
c) Tham gia tư vấn trong quá trình lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc đối với hình thức đàm phán giá ở cấp quốc gia.
3. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm sau đây:
a) Tham gia vào quá trình lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc từ khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đến khi có kết quả lựa chọn nhà thầu;
b) Công khai giá từng loại thuốc trúng thầu được thanh toán, giá thuốc trúng thầu trung bình được thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế của từng bệnh viện, địa phương, Bộ Y tế trên trang thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
1. Gửi thông báo mời đàm phán đến các nhà thầu cung cấp thuốc (nhà sản xuất, nhà cung cấp) trong đó nêu rõ địa điểm, thời gian, loại thuốc cần đàm phán về giá.
2. Nhà thầu cung cấp thuốc căn cứ thông báo mời đàm phán để lập hồ sơ chào giá thuốc trong đó phải nêu rõ đặc tính dược lý, xuất xứ, số lượng, giá chào, điều kiện giao hàng và các nội dung liên quan khác.
3. Hội đồng đàm phán tiến hành đàm phán giá với từng nhà thầu cung cấp thuốc để xác định nhà thầu đáp ứng yêu cầu về chất lượng, số lượng, điều kiện bảo quản, giao hàng, các yêu cầu khác liên quan đến kỹ thuật, chất lượng và xác định giá chào của nhà thầu.
4. Trường hợp có từ 02 nhà thầu cung cấp thuốc trở lên tham gia đàm phán giá, sau khi đàm phán, căn cứ kết quả đàm phán, Hội đồng đàm phán đề nghị các nhà thầu cung cấp thuốc chào lại giá; trong văn bản đề nghị chào lại giá phải nêu rõ thời hạn, địa điểm tiếp nhận hồ sơ chào lại giá, thời điểm mở các hồ sơ chào lại giá đồng thời mời các nhà thầu cung cấp thuốc tham dự lễ mở hồ sơ chào lại giá. Khi chào lại giá, nhà thầu không được chào giá cao hơn giá đã đàm phán trước đó. Nhà thầu có giá chào lại thấp nhất được công nhận trúng thầu.
5. Cơ sở y tế trực tiếp sử dụng thuốc ký kết hợp đồng với nhà thầu cung cấp thuốc được công nhận trúng thầu thông qua đàm phán giá.
Chỉ định thầu rút gọn áp dụng đối với việc mua thuốc trong các trường hợp sau đây:
1. Gói thầu nằm trong hạn mức được chỉ định thầu quy định tại Điều 54 của Nghị định này;
2. Thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm phát sinh đột xuất theo nhu cầu đặc trị được Bộ Y tế ban hành nhưng chưa đưa vào kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
3. Thuốc chưa có trong danh mục thuốc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc trong năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ hoạt động chuyên môn trong trường hợp cấp bách như: Dịch bệnh, thiên tai, địch họa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh;
4. Thuốc đã có trong danh mục thuốc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc trong năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc không lựa chọn được nhà thầu trúng thầu, cần mua gấp nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ hoạt động chuyên môn trong trường hợp cấp bách;
5. Thuốc đã có trong danh mục thuốc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc đã được duyệt nhưng trong năm nhu cầu sử dụng vượt số lượng kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
1. Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp.
2. Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm: Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt, trong đó phải quy định mức yêu cầu tối thiểu để đánh giá đạt của từng nội dung về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu. Cụ thể như sau:
a) Kinh nghiệm thực hiện các gói thầu tương tự; kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc;
b) Năng lực sản xuất và kinh doanh; cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà máy sản xuất, địa điểm bảo quản thuốc;
c) Năng lực tài chính: Tổng tài sản, tổng nợ phải trả, tài sản ngắn hạn, nợ ngắn hạn, doanh thu, lợi nhuận, giá trị hợp đồng đang thực hiện dở dang và các chỉ tiêu cần thiết khác để đánh giá năng lực về tài chính của nhà thầu.
Việc xác định mức độ yêu cầu cụ thể đối với từng tiêu chuẩn quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này cần căn cứ theo yêu cầu của từng gói thầu hoặc chủng loại thuốc cụ thể. Nhà thầu đạt tất cả nội dung nêu tại Khoản này được đánh giá đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm.
3. Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật: Sử dụng phương pháp chấm điểm để đánh giá theo thang điểm 100 hoặc 1.000, cụ thể như sau:
a) Chất lượng thuốc: Từ 60% đến 80% tổng số điểm;
b) Đóng gói, bảo quản, giao hàng: Từ 20% đến 40% tổng số điểm;
Tổng tỷ trọng điểm của nội dung quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này bằng 100%;
c) Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật được đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật khi có điểm về kỹ thuật không thấp hơn 80% tổng số điểm và điểm của từng nội dung yêu cầu về chất lượng thuốc; về đóng gói, bảo quản, giao hàng không thấp hơn 60% điểm tối đa của nội dung đó.
1. Việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc theo các hình thức đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế được thực hiện theo quy định tại Chương II của Nghị định này; theo các hình thức chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp và tự thực hiện được thực hiện theo quy định tại Chương V của Nghị định này.
2. Mua thuốc tập trung thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương này.
Quy trình lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công được thực hiện theo quy trình lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, gói thầu mua sắm hàng hóa thuộc dự án.
1. Các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu:
a) Gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công có giá gói thầu trong hạn mức chỉ định thầu quy định tại Khoản 1 Điều 54 của Nghị định này;
b) Gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công mà chỉ có 01 nhà cung cấp duy nhất trên địa bàn có khả năng thực hiện và đáp ứng được yêu cầu của gói thầu.
2. Điều kiện chỉ định thầu:
Nhà thầu được chỉ định thầu thực hiện gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công phải có đủ năng lực về vốn, trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất, trình độ quản lý và đội ngũ người lao động đáp ứng được các yêu cầu của hợp đồng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.
3. Căn cứ chỉ định thầu:
a) Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công;
b) Đơn giá hoặc giá của gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công được xác định trên cơ sở áp dụng các định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí hiện hành do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Đối với sản phẩm, dịch vụ công thuộc danh mục phải thẩm định giá thì đơn giá chỉ định thầu là đơn giá nêu trong thông báo thẩm định giá của cơ quan quản lý chuyên ngành theo quy định của pháp luật về giá và quy định của pháp luật có liên quan;
c) Số lượng, khối lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ công cần thực hiện theo chỉ tiêu được người có thẩm quyền phê duyệt;
d) Thời gian triển khai và thời gian hoàn thành;
đ) Dự toán được người có thẩm quyền giao.
4. Quy trình chỉ định thầu gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công:
a) Quy trình chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ công có giá gói thầu không quá 500 triệu đồng, đối với gói thầu cung cấp sản phẩm công có giá gói thầu không quá 01 tỷ đồng được thực hiện theo quy trình chỉ định thầu rút gọn quy định tại Điều 56 của Nghị định này;
b) Quy trình chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ngoài trường hợp nêu tại Điểm a Khoản này thì thực hiện theo quy trình chỉ định thầu thông thường quy định tại Điều 55 của Nghị định này.
1. Lựa chọn nhà thầu qua mạng được thực hiện đối với các gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và hỗn hợp có hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp và chỉ định thầu.
2. Việc áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng thực hiện theo lộ trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định.
1. Khi thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng, bên mời thầu, nhà thầu phải thực hiện đăng ký một lần trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
2. Bên mời thầu phát hành miễn phí hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
3. Đối với mỗi gói thầu, nhà thầu chỉ nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất một lần trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
4. Bên mời thầu tiến hành mở thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ngay sau thời điểm đóng thầu. Trường hợp không có nhà thầu nộp hồ sơ, bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét tổ chức lại việc lựa chọn nhà thầu qua mạng; trường hợp có ít hơn 03 nhà thầu nộp hồ sơ thì bên mời thầu mở thầu ngay mà không phải xử lý theo quy định tại Khoản 4 Điều 117 của Nghị định này.
5. Các văn bản điện tử giao dịch qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, các thông tin được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được coi là văn bản gốc, có giá trị pháp lý và có hiệu lực như văn bản bằng giấy, làm cơ sở phục vụ công tác đánh giá, thẩm định, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và giải ngân.
Chi phí trong lựa chọn nhà thầu qua mạng bao gồm: Chi phí tham gia hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; chi phí nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; chi phí nhà thầu trúng thầu; chi phí sử dụng hợp đồng điện tử và chi phí sử dụng hệ thống mua sắm điện tử. Các chi phí nêu trên thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.
1. Khi tham gia hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, đối tượng đăng ký sử dụng chứng thư số quy định tại Khoản 5 Điều 4 của Luật Đấu thầu đăng ký với cơ quan vận hành hệ thống.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chi tiết về đối tượng đăng ký, quy trình đăng ký, hồ sơ đăng ký, thông tin phải nhập khi đăng ký và việc sử dụng chứng thư số trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
1. Bên mời thầu, nhà thầu tiến hành đăng ký tham gia hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại Điều 87 của Nghị định này.
2. Bên mời thầu tự đăng tải thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời quan tâm, thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, bên mời thầu công khai quy cách hàng hóa cần mua sắm.
3. Bên mời thầu phát hành miễn phí hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đồng thời với thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời quan tâm, thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng. Trường hợp có sự sai khác giữa văn bản điện tử đính kèm và nội dung điền trong mẫu thì văn bản điện tử đính kèm sẽ có giá trị pháp lý.
4. Nhà thầu nộp hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia phải phản hồi cho nhà thầu là đã nộp hồ sơ thành công hay không thành công, đồng thời ghi lại thời điểm, trạng thái nộp trên hệ thống làm căn cứ giải quyết tranh chấp (nếu có). Nhà thầu thực hiện nộp bảo lãnh dự thầu thông qua ngân hàng có kết nối đến hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Trường hợp rút hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, nhà thầu thông báo đến bên mời thầu và ngân hàng thực hiện bảo lãnh (nếu có) trước thời điểm đóng thầu.
5. Bên mời thầu mở và giải mã hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ngay sau thời điểm đóng thầu. Biên bản mở hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất được đăng tải công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong thời hạn không quá 02 giờ sau thời điểm đóng thầu.
6. Sau khi đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, bên mời thầu nhập kết quả lựa chọn nhà thầu lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Kết quả lựa chọn nhà thầu được đăng tải công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ngay sau khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết về thời gian và quy trình lựa chọn nhà thầu qua mạng.
1. Hợp đồng được ký kết giữa các bên là hợp đồng dân sự; được thỏa thuận bằng văn bản để xác lập trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện toàn bộ phạm vi công việc thuộc hợp đồng. Hợp đồng đã được các bên ký kết, có hiệu lực và phù hợp với quy định của pháp luật là văn bản pháp lý ràng buộc trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.
2. Nội dung của hợp đồng phải được lập theo mẫu quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, đồng thời phù hợp với kết quả thương thảo hợp đồng, kết quả lựa chọn nhà thầu trên cơ sở yêu cầu của gói thầu và hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
3. Trước khi ký kết hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận việc sử dụng trọng tài để giải quyết các tranh chấp xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng. Nội dung liên quan đến việc sử dụng trọng tài phải được quy định cụ thể trong hợp đồng.
1. Giá hợp đồng phải được xác định rõ trong hợp đồng kèm theo nguyên tắc quản lý các thay đổi, điều chỉnh (nếu có).
2. Giá hợp đồng cần được thể hiện chi tiết ở mức độ phù hợp trong bảng giá hợp đồng theo mẫu đã được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và được thương thảo, hoàn thiện trước khi ký kết hợp đồng.
1. Đồng tiền sử dụng để thanh toán hợp đồng phải được quy định cụ thể trong hợp đồng và phù hợp với yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và không được trái với các quy định của pháp luật.
2. Các chi phí trong nước phải được thanh toán bằng đồng Việt Nam, các chi phí bên ngoài lãnh thổ Việt Nam được thanh toán bằng đồng tiền nước ngoài theo quy định trong hợp đồng.
3. Hình thức thanh toán có thể bằng tiền mặt, chuyển khoản và các hình thức khác do các bên thỏa thuận theo quy định của pháp luật và phải được ghi trong hợp đồng.
1. Tạm ứng hợp đồng là khoản kinh phí được ứng trước cho nhà thầu để triển khai thực hiện các công việc theo hợp đồng.
2. Tùy theo quy mô, tính chất của gói thầu để xác định mức tạm ứng phù hợp. Trong hợp đồng phải nêu rõ về mức tạm ứng, thời điểm tạm ứng, bảo lãnh tạm ứng, thu hồi tạm ứng; trách nhiệm của các bên trong việc quản lý, sử dụng kinh phí tạm ứng; thu giá trị của bảo lãnh tạm ứng trong trường hợp sử dụng kinh phí tạm ứng không đúng mục đích.
3. Nhà thầu chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả. Nghiêm cấm việc tạm ứng mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.
4. Đối với việc sản xuất các cấu kiện, bán thành phẩm có giá trị lớn, một số vật liệu phải dự trữ theo mùa thì trong hợp đồng phải nêu rõ về kế hoạch tạm ứng và mức tạm ứng để bảo đảm tiến độ thực hiện hợp đồng.
1. Việc điều chỉnh giá hợp đồng phải được quy định rõ trong hợp đồng về nội dung điều chỉnh, nguyên tắc và thời gian tính điều chỉnh, cơ sở dữ liệu đầu vào để tính điều chỉnh.
2. Điều chỉnh đơn giá:
Đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, trong hợp đồng phải quy định rõ các nội dung sau đây:
a)Thời điểm để tính toán đơn giá gốc (thông thường xác định tại thời điểm 28 ngày trước thời điểm đóng thầu) để làm cơ sở xác định chênh lệch giữa đơn giá trúng thầu và đơn giá điều chỉnh;
b) Các cơ sở dữ liệu đầu vào để tính toán điều chỉnh đơn giá, trong đó chỉ số giá để làm cơ sở tính điều chỉnh đơn giá lấy theo chỉ số giá do Tổng cục Thống kê công bố hoặc chỉ số giá xây dựng do Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố;
c) Phương pháp, công thức tính điều chỉnh đơn giá:
Việc xác định phương pháp, công thức tính điều chỉnh đơn giá phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp tính chất của gói thầu. Khuyến khích vận dụng các phương pháp tính đang áp dụng rộng rãi trên thị trường quốc tế như các mẫu quy định của Hiệp hội quốc tế các kỹ sư tư vấn (FIDIC), hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
3. Điều chỉnh khối lượng:
a) Nguyên tắc điều chỉnh khối lượng phải được quy định rõ trong hợp đồng nếu tại thời điểm ký hợp đồng chưa xác định được đầy đủ khối lượng cần phải thực hiện;
b) Những khối lượng công việc tăng do lỗi chủ quan của nhà thầu gây ra thì không được phép điều chỉnh;
c) Đối với những khối lượng công việc trong bảng giá hợp đồng mà thực tế thực hiện chênh lệch quá 20% khối lượng quy định ban đầu thì hai bên phải thỏa thuận nguyên tắc điều chỉnh đơn giá hợp lý, phù hợp với điều kiện thay đổi khối lượng (tăng hoặc giảm) khi thanh toán cho phần khối lượng thực hiện chênh lệch quá 20% này;
d) Những khối lượng phát sinh ngoài điều kiện quy định điều chỉnh ban đầu của hợp đồng hoặc trường hợp cần phải có sự tham gia của cả hai bên trong hợp đồng để ngăn ngừa, khắc phục các rủi ro thuộc trách nhiệm một bên thì hai bên cùng bàn bạc thống nhất biện pháp xử lý.
4. Trường hợp có phát sinh chi phí hoặc thay đổi tiến độ thực hiện thì hai bên phải báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định và ký kết phụ lục bổ sung hợp đồng để làm cơ sở thực hiện.
1. Giá hợp đồng và các điều khoản cụ thể về thanh toán được ghi trong hợp đồng là cơ sở để thanh toán cho nhà thầu. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thanh toán theo đúng thời hạn trong hợp đồng thì chịu trách nhiệm trả lãi đối với phần giá trị thanh toán chậm cho nhà thầu theo quy định trong hợp đồng.
2. Việc thanh toán không căn cứ theo dự toán cũng như các quy định, hướng dẫn hiện hành của Nhà nước về định mức, đơn giá; không căn cứ vào đơn giá trong hóa đơn tài chính đối với các yếu tố đầu vào của nhà thầu như vật tư, máy móc, thiết bị và các yếu tố đầu vào khác.
3. Trong một hợp đồng có nhiều loại hợp đồng khác nhau thì áp dụng nguyên tắc thanh toán tương ứng với từng loại hợp đồng.
1. Nguyên tắc thanh toán:
Việc thanh toán đối với hợp đồng trọn gói được thực hiện nhiều lần sau mỗi lần nghiệm thu với giá trị tương ứng với khối lượng công việc đã thực hiện hoặc một lần sau khi nhà thầu hoàn thành các trách nhiệm theo hợp đồng với giá trị bằng giá hợp đồng trừ đi giá trị tạm ứng (nếu có). Trường hợp không thể xác định được chi tiết giá trị hoàn thành tương ứng với từng hạng mục công việc hoặc giai đoạn nghiệm thu hoàn thành thì có thể quy định thanh toán theo tỷ lệ phần trăm (%) giá trị hợp đồng.
2. Hồ sơ thanh toán đối với hợp đồng trọn gói bao gồm:
a) Biên bản nghiệm thu khối lượng thực hiện trong giai đoạn thanh toán có xác nhận của đại diện nhà thầu, chủ đầu tư và tư vấn giám sát (nếu có). Biên bản xác nhận khối lượng này là xác nhận hoàn thành công trình, hạng mục công trình, công việc của công trình phù hợp với thiết kế mà không cần xác nhận khối lượng hoàn thành chi tiết;
b) Đối với công việc mua sắm hàng hóa: Tùy tính chất của hàng hóa để quy định hồ sơ thanh toán cho phù hợp như hóa đơn của nhà thầu, danh mục hàng hóa đóng gói, chứng từ vận tải, đơn bảo hiểm, Giấy chứng nhận chất lượng, biên bản nghiệm thu hàng hóa, Giấy chứng nhận xuất xứ và các tài liệu, chứng từ khác liên quan.
1. Nguyên tắc thanh toán:
a) Giá trị thanh toán được tính bằng cách lấy đơn giá cố định trong hợp đồng nhân với khối lượng, số lượng công việc thực tế mà nhà thầu đã thực hiện;
b) Đối với công việc xây lắp, trường hợp khối lượng công việc thực tế mà nhà thầu đã thực hiện để hoàn thành theo đúng thiết kế ít hơn khối lượng công việc nêu trong hợp đồng, nhà thầu chỉ được thanh toán cho phần khối lượng thực tế đã thực hiện. Trường hợp khối lượng công việc thực tế mà nhà thầu đã thực hiện để hoàn thành theo đúng thiết kế nhiều hơn khối lượng công việc nêu trong hợp đồng, nhà thầu được thanh toán cho phần chênh lệch khối lượng công việc này với đơn giá không thay đổi nêu trong hợp đồng;
c) Chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu chịu trách nhiệm xác nhận vào biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành để làm cơ sở thanh toán cho nhà thầu.
2. Hồ sơ thanh toán bao gồm:
a) Biên bản nghiệm thu khối lượng thực hiện trong giai đoạn thanh toán có xác nhận của đại diện nhà thầu, chủ đầu tư và tư vấn giám sát (nếu có);
b) Bản xác nhận khối lượng điều chỉnh tăng hoặc giảm so với hợp đồng có xác nhận của đại diện nhà thầu, chủ đầu tư và tư vấn giám sát (nếu có);
c) Bảng tính giá trị đề nghị thanh toán trên cơ sở khối lượng công việc hoàn thành đã được xác nhận và đơn giá ghi trong hợp đồng;
d) Đề nghị thanh toán của nhà thầu, trong đó nêu rõ khối lượng đã hoàn thành và giá trị hoàn thành, giá trị tăng (giảm) so với hợp đồng, giá trị đã tạm ứng, giá trị đề nghị thanh toán trong giai đoạn thanh toán;
đ) Đối với công việc mua sắm hàng hóa: Tùy tính chất của hàng hóa để quy định hồ sơ thanh toán cho phù hợp như hóa đơn của nhà thầu, danh mục hàng hóa đóng gói, chứng từ vận tải, đơn bảo hiểm, Giấy chứng nhận chất lượng, biên bản nghiệm thu hàng hóa, Giấy chứng nhận xuất xứ và các tài liệu, chứng từ khác liên quan.
1. Nguyên tắc thanh toán:
a) Giá trị thanh toán được tính bằng cách lấy đơn giá điều chỉnh ghi trong hợp đồng nhân với khối lượng, số lượng công việc thực tế mà nhà thầu đã thực hiện;
b) Đối với công việc xây lắp, trường hợp khối lượng công việc thực tế mà nhà thầu đã thực hiện để hoàn thành theo đúng thiết kế ít hơn khối lượng công việc nêu trong hợp đồng, nhà thầu chỉ được thanh toán cho phần khối lượng thực tế đã thực hiện. Trường hợp khối lượng công việc thực tế mà nhà thầu đã thực hiện để hoàn thành theo đúng thiết kế nhiều hơn khối lượng công việc nêu trong hợp đồng, nhà thầu được thanh toán cho phần chênh lệch khối lượng công việc này;
c) Chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu chịu trách nhiệm xác nhận vào biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành để làm cơ sở thanh toán cho nhà thầu.
2. Hồ sơ thanh toán bao gồm:
a) Biên bản nghiệm thu khối lượng thực hiện trong giai đoạn thanh toán có xác nhận của đại diện nhà thầu, chủ đầu tư và tư vấn giám sát (nếu có);
b) Bản xác nhận khối lượng điều chỉnh tăng hoặc giảm so với hợp đồng có xác nhận của đại diện nhà thầu, chủ đầu tư và tư vấn giám sát (nếu có);
c) Bảng tính giá trị đề nghị thanh toán trên cơ sở khối lượng công việc hoàn thành đã được xác nhận và đơn giá ghi trong hợp đồng hoặc đơn giá được điều chỉnh theo quy định của hợp đồng;
d) Đề nghị thanh toán của nhà thầu, trong đó nêu rõ khối lượng đã hoàn thành và giá trị hoàn thành, giá trị tăng (giảm) so với hợp đồng, giá trị đã tạm ứng, giá trị đề nghị thanh toán trong giai đoạn thanh toán;
đ) Đối với công việc mua sắm hàng hóa: Tùy tính chất của hàng hóa để quy định hồ sơ thanh toán cho phù hợp như hóa đơn của nhà thầu, danh mục hàng hóa đóng gói, chứng từ vận tải, đơn bảo hiểm, Giấy chứng nhận chất lượng, biên bản nghiệm thu hàng hóa, Giấy chứng nhận xuất xứ và các tài liệu, chứng từ khác liên quan.
1. Nguyên tắc thanh toán:
a) Mức thù lao cho chuyên gia được tính bằng cách lấy lương của chuyên gia và các chi phí liên quan đến lương như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nghỉ lễ, nghỉ tết và các chi phí khác được nêu trong hợp đồng hoặc được điều chỉnh theo quy định nhân với thời gian làm việc thực tế (theo tháng, tuần, ngày, giờ). Trường hợp thời gian làm việc thực tế của chuyên gia ít hơn hoặc nhiều hơn so với thời gian trong hợp đồng đã ký, việc thanh toán căn cứ theo thời gian làm việc thực tế mà chuyên gia đã thực hiện;
b) Các khoản chi phí liên quan (ngoài chi phí lương của chuyên gia quy định tại Điểm a Khoản này) bao gồm: Chi phí quản lý của đơn vị quản lý, sử dụng chuyên gia (nếu có); chi phí đi lại, khảo sát, thuê văn phòng làm việc, thông tin liên lạc và các chi phí khác thì thanh toán theo phương thức quy định trong hợp đồng. Đối với mỗi khoản chi phí này, trong hợp đồng cần quy định rõ phương thức thanh toán như thanh toán theo thực tế dựa vào hóa đơn, chứng từ hợp lệ do nhà thầu xuất trình hoặc thanh toán trên cơ sở đơn giá thỏa thuận trong hợp đồng:
2. Hồ sơ thanh toán:
Tùy tính chất của công việc tư vấn để quy định hồ sơ thanh toán cho phù hợp như biên bản nghiệm thu kết quả của công việc tư vấn, tài liệu xác nhận tiến độ thực hiện hợp đồng và các tài liệu, chứng từ khác liên quan.
1. Hợp đồng được thanh lý trong trường hợp sau đây:
a) Các bên hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký;
b) Hợp đồng bị chấm dứt (hủy bỏ) theo quy định của pháp luật.
2. Việc thanh lý hợp đồng phải được hoàn tất bằng biên bản thống nhất ký giữa hai bên. Biên bản thanh lý hợp đồng có thể được lập riêng hoặc như một phần của biên bản nghiệm thu đợt cuối cùng hoặc biên bản thống nhất chấm dứt hợp đồng với nội dung phù hợp với trách nhiệm các bên đã quy định trong hợp đồng và hợp đồng sẽ được coi là đã thanh lý trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày các bên tham gia hợp đồng hoàn thành các trách nhiệm trong biên bản thanh lý hợp đồng nêu trên; đối với những hợp đồng có quy mô lớn, phức tạp thì việc thanh lý hợp đồng được thực hiện trong thời hạn 90 ngày.
1. Đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư mà mình không phải là chủ đầu tư:
a) Có ý kiến bằng văn bản về kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo yêu cầu;
b) Thực hiện các công việc khác về lựa chọn nhà thầu theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.
2. Đối với dự án do mình quyết định đầu tư:
a) Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
b) Thực hiện công việc khác thuộc trách nhiệm của người có thẩm quyền quy định tại Điều 73 của Luật Đấu thầu.
3. Đối với dự án do mình là chủ đầu tư:
a) Phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
b) Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;
c) Thực hiện công việc khác thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư quy định tại Điều 74 của Luật Đấu thầu.
1. Đối với dự án do mình quyết định đầu tư:
a) Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
b) Thực hiện công việc khác thuộc trách nhiệm của người có thẩm quyền quy định tại Điều 73 của Luật Đấu thầu.
2. Đối với dự án do mình là chủ đầu tư:
a) Phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
b) Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;
c) Thực hiện công việc khác thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư quy định tại Điều 74 của Luật Đấu thầu.
3. Thực hiện các công việc khác về lựa chọn nhà thầu theo ủy quyền của cấp trên.
1. Đối với dự án do mình quyết định đầu tư:
a) Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
b) Thực hiện công việc khác thuộc trách nhiệm của người có thẩm quyền quy định tại Điều 73 của Luật Đấu thầu.
2. Đối với dự án do mình là chủ đầu tư:
a) Phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
b) Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;
c) Thực hiện công việc khác thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư quy định tại Điều 74 của Luật Đấu thầu và theo ủy quyền.
1. Đối với dự án do mình quyết định đầu tư:
a) Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
b) Thực hiện công việc khác thuộc trách nhiệm của người có thẩm quyền quy định tại Điều 73 của Luật Đấu thầu.
2. Đối với dự án do mình thực hiện chức năng chủ đầu tư:
a) Phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
b) Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;
c) Thực hiện công việc khác thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư quy định tại Điều 74 của Luật Đấu thầu.
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định các nội dung sau đây:
a) Kế hoạch lựa chọn nhà thầu thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ;
b) Phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu và các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định các nội dung sau đây:
a) Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các dự án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư, trừ các gói thầu quy định tại Khoản 3 Điều này;
b) Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu thuộc dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là chủ đầu tư khi được yêu cầu, trừ các gói thầu quy định tại Khoản 3 Điều này.
3. Sở Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua thuốc, vật tư y tế do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là người có thẩm quyền.
4. Cơ quan, tổ chức được Bộ trưởng; Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; người đứng đầu doanh nghiệp giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm thẩm định các nội dung sau đây:
a) Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Bộ trưởng; Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; người đứng đầu doanh nghiệp;
b) Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu thuộc dự án do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, doanh nghiệp là chủ đầu tư khi được yêu cầu.
5. Bộ phận có chức năng về kế hoạch, tài chính cấp huyện chịu trách nhiệm thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
6. Bộ phận giúp việc liên quan chịu trách nhiệm thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án thuộc thẩm quyền, quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, thủ trưởng các cơ quan khác ở địa phương, Hội đồng quản trị của doanh nghiệp liên doanh, công ty cổ phần và đại diện hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh.
7. Chủ đầu tư giao cho tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan mình thực hiện thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.
Trường hợp tổ chức, cá nhân được giao thẩm định không đủ năng lực thì chủ đầu tư tiến hành lựa chọn một tổ chức tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm để thẩm định. Trong mọi trường hợp, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về việc thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển và kết quả lựa chọn nhà thầu.
1. Hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt bao gồm:
a) Tờ trình đề nghị phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của bên mời thầu;
b) Dự thảo hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
c) Bản chụp các tài liệu: Quyết định phê duyệt dự án, dự toán mua sắm, quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
d) Tài liệu khác có liên quan.
2. Nội dung thẩm định bao gồm:
a) Kiểm tra các tài liệu là căn cứ để lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
b) Kiểm tra sự phù hợp về nội dung của hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu so với quy mô, mục tiêu, phạm vi công việc, thời gian thực hiện của dự án, gói thầu; so với hồ sơ thiết kế, dự toán của gói thầu, yêu cầu về đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa (nếu có); so với biên bản trao đổi giữa bên mời thầu với các nhà thầu tham dự thầu trong giai đoạn một (đối với gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn); so với quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan;
c) Xem xét về những ý kiến khác nhau (nếu có) giữa tổ chức, cá nhân tham gia lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
d) Các nội dung liên quan khác.
3. Báo cáo thẩm định bao gồm các nội dung sau đây:
a) Khái quát nội dung chính của dự án và gói thầu, cơ sở pháp lý để lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
b) Nhận xét và ý kiến của đơn vị thẩm định về cơ sở pháp lý, việc tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan; ý kiến thống nhất hoặc không thống nhất về nội dung dự thảo hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
c) Đề xuất và kiến nghị của đơn vị thẩm định về việc phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; về biện pháp xử lý đối với trường hợp phát hiện hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan; về biện pháp giải quyết đối với những trường hợp chưa đủ cơ sở phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
d) Các ý kiến khác (nếu có).
4. Trước khi ký báo cáo thẩm định, đơn vị thẩm định có thể tổ chức họp giữa các bên để giải quyết các vấn đề còn tồn tại nếu thấy cần thiết.
1. Nguyên tắc chung:
a) Kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu phải được thẩm định trước khi phê duyệt;
b) Đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ chỉ tiến hành thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu;
c) Đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ phải thẩm định danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật trước khi phê duyệt;
d) Đối với gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, không tiến hành thẩm định trong giai đoạn một, việc thẩm định trong giai đoạn hai thực hiện như đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ;
đ) Đối với gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ, giai đoạn một chỉ tiến hành thẩm định danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, việc thẩm định trong giai đoạn hai thực hiện như đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ và tương ứng với những nội dung được hiệu chỉnh về kỹ thuật so với giai đoạn một;
e) Không tiến hành thẩm định danh sách xếp hạng nhà thầu trước khi phê duyệt, danh sách xếp hạng nhà thầu được phê duyệt trên cơ sở đề nghị của bên mời thầu;
g) Trước khi ký báo cáo thẩm định, đơn vị thẩm định có thể tổ chức họp giữa các bên để giải quyết các vấn đề còn tồn tại nếu thấy cần thiết.
2. Thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển:
a) Hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt bao gồm:
- Tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển của bên mời thầu, trong đó phải nêu rõ ý kiến của bên mời thầu đối với các đề xuất, kiến nghị của tổ chuyên gia;
- Báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển của tổ chuyên gia;
- Bản chụp các hồ sơ, tài liệu: Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, biên bản đóng thầu, mở thầu, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển của các nhà thầu và những tài liệu khác có liên quan.
b) Nội dung thẩm định bao gồm:
- Kiểm tra các tài liệu là căn cứ của việc mời quan tâm, tổ chức sơ tuyển;
- Kiểm tra việc tuân thủ quy định về thời gian trong quá trình mời quan tâm, tổ chức sơ tuyển;
- Kiểm tra việc đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển; việc tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan trong quá trình đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển;
- Xem xét về những ý kiến khác nhau (nếu có) giữa bên mời thầu với tổ chuyên gia; giữa các cá nhân trong tổ chuyên gia;
- Các nội dung liên quan khác.
c) Báo cáo thẩm định bao gồm các nội dung sau đây:
- Khái quát nội dung chính của dự án và gói thầu, cơ sở pháp lý đối với việc mời quan tâm, tổ chức sơ tuyển;
- Tóm tắt quá trình mời quan tâm, tổ chức sơ tuyển và đề nghị của bên mời thầu về kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển;
- Nhận xét và ý kiến của đơn vị thẩm định về cơ sở pháp lý, việc tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan; về sự bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong quá trình mời quan tâm, tổ chức sơ tuyển; ý kiến thống nhất hoặc không thống nhất về kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển;
- Đề xuất và kiến nghị của đơn vị thẩm định về kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển; về biện pháp xử lý đối với trường hợp phát hiện sự không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan trong quá trình mời quan tâm, tổ chức sơ tuyển; về biện pháp giải quyết đối với những trường hợp chưa đủ cơ sở kết luận về kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển;
- Các ý kiến khác (nếu có).
3. Thẩm định danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật:
a) Hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt bao gồm:
- Tờ trình đề nghị phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của bên mời thầu, trong đó phải nêu rõ ý kiến của bên mời thầu đối với các đề xuất, kiến nghị của tổ chuyên gia;
- Báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật của tổ chuyên gia;
- Bản chụp các hồ sơ, tài liệu: Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, biên bản đóng thầu, mở thầu, hồ sơ đề xuất về kỹ thuật của các nhà thầu và những tài liệu khác có liên quan.
b) Nội dung thẩm định bao gồm:
- Kiểm tra việc đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật; việc tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan trong quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;
- Xem xét về những ý kiến khác nhau (nếu có) giữa bên mời thầu với tổ chuyên gia; giữa các cá nhân trong tổ chuyên gia;
- Các nội dung liên quan khác.
c) Báo cáo thẩm định bao gồm các nội dung sau đây:
- Tóm tắt quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu (từ khi đăng tải thông báo mời thầu đến khi trình thẩm định, phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật) và đề nghị của bên mời thầu về danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật;
- Nhận xét và ý kiến của đơn vị thẩm định về cơ sở pháp lý, việc tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan; về sự bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong quá trình lựa chọn danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật; ý kiến thống nhất hoặc không thống nhất về kết quả lựa chọn danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật; đề xuất biện pháp xử lý đối với trường hợp phát hiện sự không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan trong quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật; đề xuất biện pháp giải quyết đối với những trường hợp chưa đủ cơ sở kết luận về kết quả lựa chọn danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật;
- Các ý kiến khác (nếu có).
4. Thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu:
a) Hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt bao gồm:
- Tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của bên mời thầu, trong đó phải nêu rõ ý kiến của bên mời thầu đối với các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của tổ chuyên gia;
- Báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của tổ chuyên gia;
- Biên bản thương thảo hợp đồng;
- Bản chụp các hồ sơ, tài liệu: Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, biên bản đóng thầu, mở thầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của các nhà thầu và những tài liệu khác có liên quan; trường hợp đã tiến hành thẩm định danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thì chỉ gửi biên bản mở hồ sơ đề xuất về tài chính và bản chụp hồ sơ đề xuất về tài chính của các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.
b) Nội dung thẩm định bao gồm:
- Kiểm tra các tài liệu là căn cứ của việc tổ chức lựa chọn nhà thầu;
- Kiểm tra việc tuân thủ quy định về thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu;
- Kiểm tra việc đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, hai giai đoạn một túi hồ sơ và hai giai đoạn hai túi hồ sơ; việc tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu;
- Kiểm tra việc đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ; việc tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan trong quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính;
- Kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan trong quá trình thương thảo hợp đồng; kiểm tra sự phù hợp giữa kết quả thương thảo hợp đồng so với kết quả lựa chọn nhà thầu, danh sách xếp hạng nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu được mời vào thương thảo hợp đồng;
- Xem xét về những ý kiến khác nhau (nếu có) giữa bên mời thầu với tổ chuyên gia; giữa các cá nhân trong tổ chuyên gia;
- Các nội dung liên quan khác.
c) Báo cáo thẩm định bao gồm các nội dung sau đây:
- Khái quát về nội dung chính của dự án và gói thầu, cơ sở pháp lý đối với việc tổ chức lựa chọn nhà thầu;
- Tóm tắt toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu từ khi lựa chọn danh sách ngắn (nếu có) đến khi trình thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, kèm theo các hồ sơ, tài liệu đã báo cáo theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;
- Tóm tắt đề xuất, kiến nghị của bên mời thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu;
- Nhận xét và ý kiến của đơn vị thẩm định về cơ sở pháp lý, việc tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan; về sự bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong quá trình lựa chọn nhà thầu; ý kiến thống nhất hoặc không thống nhất về kết quả lựa chọn nhà thầu; đề xuất biện pháp xử lý đối với trường hợp phát hiện sự không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu; đề xuất biện pháp giải quyết đối với những trường hợp chưa đủ cơ sở kết luận về kết quả lựa chọn nhà thầu;
- Các ý kiến khác (nếu có).
1. Cơ sở đào tạo đáp ứng điều kiện quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 19 của Luật Đấu thầu lập hồ sơ đăng ký cơ sở đào tạo gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Hội đồng để thẩm định hồ sơ đăng ký của cơ sở đào tạo về đấu thầu.
3. Cơ sở đào tạo được Hội đồng thẩm định đánh giá đáp ứng điều kiện quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 19 của Luật Đấu thầu sẽ được công nhận là cơ sở đào tạo về đấu thầu và được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
4. Cơ sở đào tạo về đấu thầu sẽ bị xóa tên khỏi hệ thống mạng đấu thầu quốc gia khi vi phạm một trong các quy định sau đây:
a) Thay đổi địa chỉ của trụ sở giao dịch nhưng trong vòng 60 ngày, kể từ ngày thay đổi địa chỉ của trụ sở giao dịch mà không thông báo bằng văn bản cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
b) Không sử dụng giảng viên về đấu thầu có tên trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu;
c) Không thực hiện hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trên cơ sở chương trình khung về đào tạo đấu thầu;
d) Cấp chứng chỉ cho các cá nhân không tham gia lớp đào tạo đấu thầu hoặc các cá nhân có tham gia nhưng không đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 111 của Nghị định này;
đ) Không lưu trữ hồ sơ các khóa đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu mà mình tổ chức theo quy định;
e) Không báo cáo định kỳ hàng năm hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của mình.
1. Cơ sở đào tạo về đấu thầu chỉ được tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Có tên trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
b) Có phòng học, phương tiện, thiết bị giảng dạy và học tập đáp ứng yêu cầu;
c) Có tài liệu giảng dạy phù hợp với chương trình khung theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kèm theo bộ đề kiểm tra của chương trình đào tạo về đấu thầu cơ bản;
d) Có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng giảng dạy với giảng viên về đấu thầu.
2. Các khóa đào tạo về đấu thầu có cấp chứng chỉ phải được tổ chức học tập trung, mỗi lớp không quá 150 học viên. Kết thúc khóa học, người đứng đầu cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm cấp chứng chỉ đào tạo về đấu thầu cho các cá nhân đạt yêu cầu.
3. Kết thúc mỗi khóa đào tạo về đấu thầu có cấp chứng chỉ, cơ sở đào tạo có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả đào tạo kèm theo danh sách các cá nhân được cấp chứng chỉ đào tạo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
4. Đối với những khóa học mà tất cả học viên đều thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, cơ sở đào tạo được phép điều chỉnh nội dung tài liệu giảng dạy cho phù hợp với yêu cầu đặc thù về đấu thầu của địa phương nhưng vẫn phải bảo đảm thời lượng khóa học theo chương trình khung.
1. Tốt nghiệp từ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành pháp luật, kỹ thuật, kinh tế.
2. Có tối thiểu 05 năm kinh nghiệm liên tục làm các công việc liên quan trực tiếp đến hoạt động đấu thầu hoặc có tổng thời gian tối thiểu 06 năm kinh nghiệm làm các công việc liên quan trực tiếp đến hoạt động đấu thầu nhưng không liên tục.
3. Có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.
4. Hoàn thành các khóa bồi dưỡng giảng viên về đấu thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
1. Cá nhân đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 109 của Nghị định này lập hồ sơ đăng ký giảng viên về đấu thầu gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Hội đồng để thẩm định hồ sơ đăng ký của giảng viên về đấu thầu.
3. Giảng viên về đấu thầu được Hội đồng thẩm định đánh giá đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại Điều 109 của Nghị định này sẽ được công nhận là giảng viên về đấu thầu và được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
4. Giảng viên về đấu thầu có trách nhiệm sau đây:
a) Giảng dạy theo đúng chương trình khung do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định;
b) Cập nhật kiến thức, cơ chế, chính sách pháp luật trong trường hợp có chính sách mới;
c) Định kỳ hàng năm báo cáo hoặc báo cáo theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình hình hoạt động giảng dạy về đấu thầu của mình.
5. Giảng viên về đấu thầu sẽ bị xóa tên khỏi hệ thống mạng đấu thầu quốc gia khi vi phạm một trong các quy định sau đây:
a) Không giảng dạy theo đúng chương trình khung do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định;
b) Không thường xuyên cập nhật kiến thức, cơ chế, chính sách pháp luật trong trường hợp có chính sách mới;
c) Không báo cáo định kỳ hàng năm hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình hình hoạt động giảng dạy về đấu thầu của mình.
1. Cá nhân được cấp chứng chỉ đào tạo về đấu thầu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Tham dự ít nhất 90% thời lượng của khóa học. Trường hợp học viên không bảo đảm thời lượng tham dự khóa học nhưng có lý do chính đáng, cơ sở đào tạo cho phép học viên bảo lưu thời lượng đã học và học tiếp tại khóa học khác của cùng một cơ sở đào tạo trong thời gian tối đa là 03 tháng, kể từ ngày đầu tiên của khóa học tham gia trước đó;
b) Làm bài kiểm tra và có kết quả kiểm tra cuối khóa học được đánh giá từ đạt yêu cầu trở lên;
c) Có đầy đủ hành vi dân sự, không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu;
b) Tốt nghiệp đại học trở lên;
c) Có đầy đủ hành vi dân sự, không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Có tối thiểu 04 năm kinh nghiệm liên tục làm các công việc liên quan trực tiếp đến hoạt động đấu thầu hoặc có tổng thời gian tối thiểu 05 năm làm các công việc liên quan trực tiếp đến hoạt động đấu thầu nhưng không liên tục hoặc đã trực tiếp tham gia lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu tối thiểu 05 gói thầu quy mô lớn hoặc 10 gói thầu quy mô nhỏ;
đ) Đạt kỳ thi sát hạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
3. Chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp, có hiệu lực trong vòng 05 năm, kể từ ngày cấp. Cá nhân đã được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề.
1. Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về giảng viên đấu thầu, cơ sở đào tạo, cá nhân được cấp chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.
2. Xây dựng và ban hành chương trình khung và tài liệu đào tạo về đấu thầu để áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước.
3. Hướng dẫn chi tiết về đăng ký, thẩm định và công nhận cơ sở đào tạo, giảng viên về đấu thầu.
4. Tổ chức các kỳ thi sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.
5. Tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ cho giảng viên về đấu thầu.
6. Ban hành mẫu chứng chỉ chứng nhận giảng viên về đấu thầu, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề.
7. Ban hành quyết định công nhận cơ sở đào tạo về đấu thầu đối với các cơ sở đào tạo đáp ứng yêu cầu quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 19 của Luật Đấu thầu.
8. Ban hành quyết định công nhận giảng viên về đấu thầu đối với các cá nhân đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 109 của Nghị định này.
9. Ban hành quyết định xóa tên cơ sở đào tạo, giảng viên về đấu thầu vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 107 và Khoản 5 Điều 110 của Nghị định này.
10. Kiểm tra việc thực hiện, tuân thủ các quy định pháp luật về đấu thầu đối với cơ sở đào tạo và giảng viên.
11. Tổng hợp tình hình hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo, giảng viên thông qua báo cáo công tác đấu thầu của Bộ, ngành và địa phương, báo cáo của cơ sở đào tạo, giảng viên về đấu thầu.
1. Có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền cấp, trong đó có ngành nghề được phép hoạt động, kinh doanh là đại lý đấu thầu hoặc tư vấn đấu thầu hoặc có chức năng thực hiện nhiệm vụ chuyên trách về đấu thầu.
2. Có bộ máy quản lý đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn và nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đại lý đấu thầu, tư vấn đấu thầu, chuyên trách về đấu thầu.
3. Nhân sự có đạo đức nghề nghiệp, trung thực, khách quan, công bằng trong quá trình thực hiện công việc.
4. Có quy trình quản lý và kiểm soát chất lượng quá trình thực hiện công việc.
1. Tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 113 của Nghị định này lập hồ sơ đề nghị công nhận là tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Hội đồng để thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận là tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp.
3. Tổ chức được Hội đồng thẩm định đánh giá đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại Điều 113 của Nghị định này sẽ được công nhận là tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp và được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
1. Tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp chỉ được phép hoạt động khi đã có tên trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
2. Tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp được ký kết hợp đồng làm đại lý đấu thầu hoặc tư vấn đấu thầu cho các chủ đầu tư, bên mời thầu.
1. Cá nhân tham gia tổ chuyên gia phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu, trừ cá nhân quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này.
2. Tùy theo tính chất và mức độ phức tạp của gói thầu, thành phần tổ chuyên gia bao gồm các chuyên gia về lĩnh vực kỹ thuật, tài chính, thương mại, hành chính, pháp lý và các lĩnh vực có liên quan.
3. Cá nhân không thuộc quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Luật Đấu thầu, khi tham gia tổ chuyên gia phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu;
b) Có trình độ chuyên môn liên quan đến gói thầu;
c) Am hiểu các nội dung cụ thể tương ứng của gói thầu;
d) Có tối thiểu 03 năm công tác trong lĩnh vực liên quan đến nội dung kinh tế, kỹ thuật của gói thầu.
4. Trong trường hợp đặc biệt cần có ý kiến của các chuyên gia chuyên ngành thì không bắt buộc các chuyên gia này phải có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu.
1. Trường hợp có lý do cần điều chỉnh giá gói thầu hoặc nội dung gói thầu, phải điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo các quy định của pháp luật trước thời điểm mở thầu, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 8 Điều này.
2. Trường hợp dự toán được phê duyệt của gói thầu cao hơn hoặc thấp hơn giá gói thầu ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt thì dự toán đó sẽ thay thế giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo nguyên tắc sau đây:
a) Trường hợp dự toán được duyệt cao hơn giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng bảo đảm giá trị cao hơn đó không làm vượt tổng mức đầu tư của dự án, dự toán mua sắm được duyệt thì không phải điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trường hợp giá trị cao hơn đó làm vượt tổng mức đầu tư của dự án, dự toán mua sắm được duyệt thì phải điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu; nếu hình thức lựa chọn nhà thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt không còn phù hợp thì phải điều chỉnh hình thức lựa chọn nhà thầu;
b) Trường hợp dự toán được duyệt thấp hơn giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu mà không làm thay đổi hình thức lựa chọn nhà thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt thì không phải điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu; trường hợp cần điều chỉnh hình thức lựa chọn nhà thầu cho phù hợp với giá trị mới của gói thầu theo dự toán được duyệt thì phải tiến hành điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
3. Trường hợp sau khi lựa chọn danh sách ngắn, chỉ có ít hơn 03 nhà thầu đáp ứng yêu cầu thi căn cứ điều kiện cụ thể của gói thầu xử lý theo một trong hai cách sau đây:
a) Tiến hành lựa chọn bổ sung nhà thầu vào danh sách ngắn;
b) Cho phép phát hành ngay hồ sơ mời thầu cho nhà thầu trong danh sách ngắn.
4. Trường hợp tại thời điểm đóng thầu đối với gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, có ít hơn 03 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất thì phải xem xét, giải quyết trong thời hạn không quá 04 giờ, kể từ thời điểm đóng thầu theo một trong hai cách sau đây:
a) Cho phép gia hạn thời điểm đóng thầu nhằm tăng thêm số lượng nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất. Trong trường hợp này phải quy định rõ thời điểm đóng thầu mới và các thời hạn tương ứng để nhà thầu có đủ thời gian sửa đổi hoặc bổ sung hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đã nộp theo yêu cầu mới;
b) Cho phép mở thầu ngay để tiến hành đánh giá.
5. Trường hợp gói thầu được chia thành nhiều phần thì thực hiện theo các quy định sau đây:
a) Trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu cần nêu rõ điều kiện chào thầu, biện pháp và giá trị bảo đảm dự thầu cho từng phần hoặc nhiều phần và phương pháp đánh giá đối với từng phần hoặc nhiều phần để các nhà thầu tính toán phương án chào thầu theo khả năng của mình;
b) Việc đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và xét duyệt trúng thầu sẽ được thực hiện trên cơ sở bảo đảm tổng giá đề nghị trúng thầu của gói thầu là thấp nhất (đối với gói thầu áp dụng phương pháp giá thấp nhất); tổng giá đánh giá của gói thầu là thấp nhất (đối với gói thầu áp dụng phương pháp giá đánh giá); tổng điểm tổng hợp cao nhất (đối với gói thầu áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá) và giá đề nghị trúng thầu của cả gói thầu không vượt giá gói thầu được duyệt mà không so sánh với ước tính chi phí của từng phần;
c) Trường hợp có một phần hoặc nhiều phần thuộc gói thầu không có nhà thầu tham gia đấu thầu hoặc không có nhà thầu đáp ứng yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, chủ đầu tư báo cáo người có thẩm quyền để điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu của gói thầu theo hướng tách các phần đó thành gói thầu riêng với giá gói thầu là tổng chi phí ước tính tương ứng của các phần; việc lựa chọn nhà thầu đối với các phần có nhà thầu tham gia và được đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật vẫn phải bảo đảm nguyên tắc đánh giá theo quy định tại Điểm b Khoản này;
d) Trường hợp 01 nhà thầu trúng thầu tất cả các phần thì gói thầu có 01 hợp đồng. Trường hợp nhiều nhà thầu trúng thầu các phần khác nhau thì gói thầu có nhiều hợp đồng.
6. Trường hợp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất có đơn giá thấp khác thường, ảnh hưởng đến chất lượng gói thầu thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu giải thích, làm rõ bằng văn bản về tính khả thi của đơn giá khác thường đó. Nếu sự giải thích của nhà thầu không đủ rõ, không có tính thuyết phục thì không chấp nhận đơn giá chào thầu đó, đồng thời coi đây là sai lệch và thực hiện hiệu chỉnh sai lệch theo quy định như đối với nội dung chào thiếu của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất so với yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo quy định tại Điều 17 của Nghị định này.
7. Trường hợp nhà thầu xếp hạng thứ nhất có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) vượt giá gói thầu và ít nhất 01 nhà thầu trong danh sách xếp hạng có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp hơn giá gói thầu thì được phép mời nhà thầu xếp hạng thứ nhất vào đàm phán về giá nhưng phải bảo đảm giá sau đàm phán không được vượt giá gói thầu được duyệt. Trường hợp đàm phán không thành công, được mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào đàm phán.
8. Trường hợp giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của tất cả các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và nằm trong danh sách xếp hạng đều vượt giá gói thầu đã duyệt thì xem xét xử lý theo một trong các cách sau đây:
a) Cho phép các nhà thầu này được chào lại giá dự thầu nếu giá gói thầu đã bao gồm đầy đủ các yếu tố cấu thành chi phí thực hiện gói thầu;
b) Cho phép đồng thời với việc các nhà thầu chào lại giá dự thầu, bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét lại giá gói thầu, nội dung hồ sơ mời thầu đã duyệt, nếu cần thiết.
Trường hợp cho phép các nhà thầu được chào lại giá dự thầu thì cần quy định rõ thời gian chuẩn bị và nộp hồ sơ chào lại giá dự thầu nhưng không quá 10 ngày, kể từ ngày bên mời thầu gửi văn bản đề nghị chào lại giá dự thầu cũng như quy định rõ việc mở các hồ sơ chào lại giá dự thầu theo quy trình mở thầu quy định tại Điều 29 của Nghị định này. Trường hợp cần điều chỉnh giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt thì người có thẩm quyền có trách nhiệm phê duyệt điều chỉnh trước ngày mở hồ sơ chào lại giá dự thầu nhưng tối đa là 10 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị điều chỉnh song phải bảo đảm trước thời điểm hết hạn nộp hồ sơ chào lại giá dự thầu;
c) Cho phép mời nhà thầu xếp hạng thứ nhất vào đàm phán về giá nhưng phải bảo đảm giá sau đàm phán không được vượt giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất. Trường hợp cần điều chỉnh giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt thì người có thẩm quyền có trách nhiệm phê duyệt điều chỉnh trong thời gian tối đa là 10 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị điều chỉnh. Trường hợp đàm phán không thành công thì mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào đàm phán. Cách thức này chỉ áp dụng đối với trường hợp gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế của dự án, gói thầu.
9. Trường hợp giá đề nghị trúng thầu thấp dưới 50% giá gói thầu được duyệt thì được phép thành lập tổ thẩm định liên ngành để yêu cầu nhà thầu làm rõ các yếu tố cấu thành chi phí chào thầu, xem xét các bằng chứng liên quan theo hướng sau đây:
a) Các yếu tố kinh tế liên quan đến biện pháp thi công, quy trình sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ;
b) Giải pháp kinh tế được áp dụng hoặc các lợi thế đặc biệt của nhà thầu dẫn đến lợi thế về giá cả;
c) Nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ, nhân sự cung cấp cho gói thầu, trong đó phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật;
Trường hợp thỏa mãn được các điều kiện quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này thì hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu vẫn được chấp nhận trúng thầu. Trường hợp để đề phòng rủi ro, chủ đầu tư có thể quy định giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng lớn hơn 10% nhưng không quá 30% giá trúng thầu và phải được người có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản. Nhà thầu nhận được sự trợ cấp của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng thì hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu sẽ bị loại.
10. Trường hợp trong hồ sơ mời thầu quy định nhà thầu được đề xuất biện pháp thi công khác với biện pháp thi công nêu trong hồ sơ mời thầu, phần sai khác giữa khối lượng công việc theo biện pháp thi công nêu trong hồ sơ mời thầu và khối lượng công việc theo biện pháp thi công do nhà thầu đề xuất sẽ không bị hiệu chỉnh sai lệch theo quy định tại Điều 17 của Nghị định này. Phần sai khác này không bị tính là sai lệch thiếu.
11. Trường hợp nhà thầu thực hiện gói thầu vi phạm hợp đồng, không còn năng lực để tiếp tục thực hiện hợp đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả của gói thầu thì chủ đầu tư xem xét, báo cáo người có thẩm quyền quyết định cho phép chấm dứt hợp đồng với nhà thầu đó, phần khối lượng công việc chưa thực hiện được áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc các hình thức lựa chọn nhà thầu khác trên cơ sở bảo đảm chất lượng, tiến độ của gói thầu. Giá trị phần khối lượng công việc chưa thực hiện giao cho nhà thầu mới được tính bằng giá trị ghi trong hợp đồng trừ đi giá trị của phần khối lượng công việc đã thực hiện trước đó. Trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, người có thẩm quyền phải bảo đảm nhà thầu được chỉ định có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu. Trường hợp việc thực hiện hợp đồng chậm tiến độ không do lỗi của nhà thầu thì không được phép chấm dứt hợp đồng để thay thế nhà thầu khác. Trường hợp phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm để thay thế nhà thầu mới, trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm, chủ đầu tư phải gửi thông báo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, đăng tải thông tin nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Báo đấu thầu; trong thông báo phải nêu rõ lý do nhà thầu vi phạm dẫn tới phải chấm dứt hợp đồng, hình thức lựa chọn nhà thầu thay thế, tên nhà thầu được chỉ định trong trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu.
12. Trường hợp nhà thầu đang trong quá trình tham dự thầu nhưng bị sáp nhập hoặc chia tách thì được xem xét, quyết định việc cho phép nhà thầu đã bị sáp nhập hoặc chia tách đó tiếp tục tham gia đấu thầu.
13 Trường hợp tại thời điểm ký kết hợp đồng, nhà thầu trúng thầu không đáp ứng điều kiện về năng lực kỹ thuật, tài chính quy định tại Khoản 2 Điều 64 của Luật Đấu thầu thì mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo hợp đồng. Trong trường hợp này, nhà thầu được mời vào thương thảo hợp đồng phải khôi phục lại hiệu lực của hồ sơ dự thầu và bảo đảm dự thầu trong trường hợp hồ sơ dự thầu hết hiệu lực và bảo đảm dự thầu của nhà thầu đã được hoàn trả hoặc giải tỏa.
14. Trường hợp sau khi đánh giá, có nhiều nhà thầu được đánh giá tốt nhất, ngang nhau thì xử lý như sau:
a) Trao thầu cho nhà thầu có điểm kỹ thuật cao hơn đối với trường hợp gói thầu áp dụng phương pháp giá thấp nhất;
b) Trao thầu cho nhà thầu có giá đề nghị trúng thầu thấp hơn đối với gói thầu áp dụng phương pháp giá đánh giá hoặc phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá.
15. Ngoài trường hợp nêu tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 Điều này, khi phát sinh tình huống thì chủ đầu tư xem xét, quyết định trên cơ sở bảo đảm các mục tiêu của đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
1. Đơn kiến nghị là của nhà thầu tham dự thầu.
2. Đơn kiến nghị phải có chữ ký của người ký đơn dự thầu hoặc đại diện hợp pháp của nhà thầu, được đóng dấu (nếu có).
3. Người có trách nhiệm giải quyết kiến nghị nhận được đơn kiến nghị theo quy định tại Điều 92 của Luật Đấu thầu.
4. Nội dung kiến nghị đó chưa được nhà thầu khởi kiện ra Tòa án.
5. Chi phí giải quyết kiến nghị theo quy định tại Khoản 8 Điều 9 của Nghị định này được nhà thầu có kiến nghị nộp cho bộ phận thường trực giúp việc của Hội đồng tư vấn đối với trường hợp kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu do người có thẩm quyền giải quyết.
1. Chủ tịch Hội đồng tư vấn:
a) Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp Trung ương là đại diện có thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hội đồng tư vấn cấp Trung ương có trách nhiệm tư vấn về việc giải quyết kiến nghị trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ yêu cầu;
b) Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương (sau đây gọi là Hội đồng tư vấn cấp Bộ) là đại diện có thẩm quyền của đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý về hoạt động đấu thầu thuộc các cơ quan này. Hội đồng tư vấn cấp Bộ có trách nhiệm tư vấn về việc giải quyết kiến nghị đối với tất cả các gói thầu thuộc dự án do Bộ trưởng; Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương quyết định đầu tư hoặc quản lý theo ngành, trừ gói thầu quy định tại Điểm a Khoản này;
c) Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp tỉnh là đại diện có thẩm quyền của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Hội đồng tư vấn cấp tỉnh có trách nhiệm tư vấn về việc giải quyết kiến nghị đối với tất cả các gói thầu thuộc dự án trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm các gói thầu của doanh nghiệp đăng ký thành lập, hoạt động trên địa bàn, trừ gói thầu quy định tại Điểm a Khoản này.
2. Thành viên Hội đồng tư vấn:
Thành viên Hội đồng tư vấn gồm đại diện của người có thẩm quyền, đại diện của hiệp hội nghề nghiệp liên quan. Tùy theo tính chất của từng gói thầu và trong trường hợp cần thiết, ngoài thành viên nêu trên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn có thể mời thêm các cá nhân tham gia với tư cách là thành viên của Hội đồng tư vấn. Thành viên Hội đồng tư vấn không được là thân nhân (cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột) của người ký đơn kiến nghị, của các cá nhân trực tiếp tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của các cá nhân trực tiếp thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu và của người ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
3. Hoạt động của Hội đồng tư vấn:
a) Chủ tịch Hội đồng tư vấn ra quyết định thành lập Hội đồng trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu. Hội đồng tư vấn hoạt động theo từng vụ việc;
b) Hội đồng tư vấn làm việc theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số, có Báo cáo kết quả làm việc trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định; từng thành viên được quyền bảo lưu ý kiến và chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến của mình.
4. Bộ phận thường trực giúp việc của Hội đồng tư vấn:
a) Bộ phận thường trực giúp việc là đơn vị được giao quản lý về hoạt động đấu thầu nhưng không gồm các cá nhân tham gia trực tiếp thẩm định gói thầu mà nhà thầu có kiến nghị;
b) Bộ phận thường trực giúp việc thực hiện các nhiệm vụ về hành chính do Chủ tịch Hội đồng tư vấn quy định; tiếp nhận và quản lý chi phí do nhà thầu có kiến nghị nộp.
1. Thời gian giải quyết kiến nghị quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 92 của Luật Đấu thầu được tính từ ngày bộ phận hành chính của người có trách nhiệm giải quyết kiến nghị nhận được đơn kiến nghị.
2. Người có trách nhiệm giải quyết kiến nghị thông báo bằng văn bản cho nhà thầu về việc không xem xét, giải quyết kiến nghị trong trường hợp kiến nghị của nhà thầu không đáp ứng điều kiện nêu tại Điều 118 của Nghị định này.
3. Nhà thầu được quyền rút đơn kiến nghị trong quá trình giải quyết kiến nghị nhưng phải bằng văn bản.
4. Trong văn bản trả lời về kết quả giải quyết kiến nghị cho nhà thầu phải có kết luận về nội dung kiến nghị; trường hợp kiến nghị của nhà thầu được kết luận là đúng phải nêu rõ biện pháp, cách thức và thời gian để khắc phục hậu quả (nếu có), đồng thời bộ phận thường trực giúp việc có trách nhiệm yêu cầu các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên đới chi trả cho nhà thầu có kiến nghị số tiền bằng số tiền mà nhà thầu có kiến nghị đã nộp cho Hội đồng tư vấn. Trường hợp kiến nghị của nhà thầu được kết luận là không đúng thì trong văn bản trả lời phải giải thích rõ lý do.
1. Cảnh cáo, phạt tiền được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
2. Cấm tham gia hoạt động đấu thầu được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại Điều 89 của Luật Đấu thầu và Khoản 8 Điều 12 của Nghị định này.
3. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu mà cấu thành tội phạm theo quy định pháp luật về hình sự.
4. Đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Tùy theo mức độ vi phạm mà áp dụng hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với tổ chức, cá nhân, cụ thể như sau:
1. Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 03 năm đến 05 năm đối với một trong các hành vi vi phạm các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 89 của Luật Đấu thầu;
2. Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 01 năm đến 03 năm đối với một trong các hành vi vi phạm các Khoản 8 và 9 Điều 89 của Luật Đấu thầu;
3. Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 06 tháng đến 01 năm đối với một trong các hành vi vi phạm các Khoản 6 và 7 Điều 89 của Luật Đấu thầu;
4. Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 01 năm đến 05 năm đối với hành vi vi phạm việc sử dụng lao động quy định tại Khoản 8 Điều 12 của Nghị định này.
1. Hủy thầu là biện pháp của người có thẩm quyền, chủ đầu tư và bên mời thầu để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu và các quy định khác của pháp luật liên quan của tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động đấu thầu bằng cách ban hành quyết định hủy thầu theo quy định tại Khoản 4 Điều 73, Khoản 10 Điều 74 và Điểm e Khoản 2 Điều 75 của Luật Đấu thầu.
2. Đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, tuyên bố vô hiệu đối với các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu, cụ thể như sau:
a) Đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu được áp dụng khi có bằng chứng cho thấy tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu hoặc các quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến không bảo đảm mục tiêu của công tác đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế hoặc làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu;
b) Biện pháp đình chỉ được áp dụng để khắc phục ngay vi phạm đã xảy ra và được thực hiện đến trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Biện pháp không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu được thực hiện từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đến trước khi ký kết hợp đồng; trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng sau khi ký kết hợp đồng;
c) Trong văn bản đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ lý do, nội dung, biện pháp và thời gian để khắc phục vi phạm về đấu thầu;
d) Biện pháp tuyên bố vô hiệu đối với các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu do người có thẩm quyền quyết định khi phát hiện các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu không phù hợp quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan.
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại và các quy định khác của pháp luật liên quan.
1. Kiểm tra hoạt động đấu thầu được thực hiện theo kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất khi có vướng mắc, kiến nghị, đề nghị hoặc yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người có thẩm quyền của cơ quan kiểm tra về công tác đấu thầu theo quy định tại Khoản 2 Điều này. Phương thức kiểm tra bao gồm kiểm tra trực tiếp, yêu cầu báo cáo.
2. Bộ trưởng; Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước chỉ đạo việc kiểm tra hoạt động đấu thầu đối với các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình và các dự án do mình quyết định đầu tư nhằm mục đích quản lý, điều hành và chấn chỉnh hoạt động đấu thầu bảo đảm đạt được mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, tăng cường hiệu quả của công tác đấu thầu và kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổ chức kiểm tra hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước, Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện; các doanh nghiệp nhà nước chủ trì, tổ chức kiểm tra hoạt động đấu thầu khi có yêu cầu của người có thẩm quyền của cơ quan kiểm tra về công tác đấu thầu. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, tổ chức kiểm tra hoạt động đấu thầu tại địa phương mình.
4. Kiểm tra đấu thầu bao gồm kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất.
a) Nội dung kiểm tra định kỳ bao gồm:
- Kiểm tra việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác đấu thầu, phân cấp trong đấu thầu;
- Kiểm tra công tác đào tạo về đấu thầu;.
- Kiểm tra việc cấp chứng chỉ đào tạo về đấu thầu, chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu;
- Kiểm tra việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu;
- Kiểm tra nội dung hợp đồng ký kết và việc tuân thủ các căn cứ pháp lý trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng;
- Kiểm tra trình tự và tiến độ thực hiện các gói thầu theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt;
- Kiểm tra tình hình thực hiện báo cáo về công tác đấu thầu;
- Kiểm tra việc triển khai thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát, theo dõi về công tác đấu thầu.
b) Nội dung kiểm tra đột xuất: Căn cứ theo yêu cầu kiểm tra đột xuất, quyết định kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra quy định các nội dung kiểm tra cho phù hợp.
5. Sau khi kết thúc kiểm tra, phải có báo cáo, kết luận kiểm tra. Cơ quan kiểm tra có trách nhiệm theo dõi việc khắc phục các tồn tại (nếu có) đã nêu trong kết luận kiểm tra. Trường hợp phát hiện có sai phạm thì cần đề xuất biện pháp xử lý hoặc chuyển cơ quan thanh tra, điều tra để xử lý theo quy định.
6. Nội dung kết luận kiểm tra bao gồm:
a) Tình hình thực hiện công tác đấu thầu tại đơn vị được kiểm tra;
b) Nội dung kiểm tra;
c) Nhận xét;
d) Kết luận;
đ) Kiến nghị.
1. Người có thẩm quyền cử cá nhân hoặc đơn vị có chức năng quản lý về hoạt động đấu thầu tham gia giám sát, theo dõi việc thực hiện của chủ đầu tư, bên mời thầu trong quá trình lựa chọn nhà thầu để bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.
2. Người có thẩm quyền quyết định và chỉ đạo việc giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu đối với các gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm do mình quyết định khi thấy cần thiết; tập trung giám sát, theo dõi đối với các chủ đầu tư, bên mời thầu có thắc mắc, kiến nghị, đối với các gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu, các gói thầu có giá trị lớn, đặc thù, yêu cầu cao về kỹ thuật.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổ chức việc giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý về hoạt động đấu thầu thuộc các cơ quan này có trách nhiệm chủ trì, tổ chức giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu đối với trường hợp Bộ trưởng; Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương là người có thẩm quyền. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì; tổ chức việc giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu đối với các dự án do địa phương quyết định đầu tư hoặc quản lý.
4. Nội dung giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu trong việc tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu, bao gồm:
a) Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu: Lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
b) Tổ chức lựa chọn nhà thầu: Phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
c) Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất: Chất lượng báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thương thảo hợp đồng;
d) Thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;
đ) Hoàn thiện và ký kết hợp đồng: Quá trình hoàn thiện hợp đồng, nội dung hợp đồng ký kết và việc tuân thủ các căn cứ pháp lý trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng.
5. Phương thức giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu:
a) Đối với các gói thầu cần được tổ chức giám sát, theo dõi thì người có thẩm quyền thông báo bằng văn bản tới các chủ đầu tư, bên mời thầu;
b) Bên mời thầu có trách nhiệm công khai tên, địa chỉ liên hệ của cá nhân hoặc đơn vị giám sát, theo dõi cho các nhà thầu đã mua hoặc nhận hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
c) Bên mời thầu có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu cho cá nhân hoặc đơn vị giám sát, theo dõi khi nhận được yêu cầu bằng văn bản;
d) Khi phát hiện hành vi, nội dung không phù hợp quy định pháp luật về đấu thầu, cá nhân hoặc đơn vị thực hiện việc giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu phải có trách nhiệm báo cáo kịp thời bằng văn bản đến người có thẩm quyền để có những biện pháp xử lý thích hợp, bảo đảm hiệu quả của quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu.
6. Trách nhiệm của cá nhân hoặc đơn vị giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu:
a) Trung thực, khách quan; không gây phiền hà cho chủ đầu tư, bên mời thầu trong quá trình giám sát, theo dõi;
b) Yêu cầu chủ đầu tư, bên mời thầu cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan phục vụ quá trình giám sát, theo dõi;
c) Tiếp nhận thông tin phản ánh của nhà thầu và các tổ chức, cá nhân liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu của gói thầu đang thực hiện giám sát, theo dõi;
d) Bảo mật thông tin theo quy định;
đ) Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan.
1. Mẫu hồ sơ đấu thầu bao gồm: Mẫu kế hoạch lựa chọn nhà thầu; mẫu hồ sơ mời quan tâm; mẫu hồ sơ mời sơ tuyển; mẫu hồ sơ mời thầu; mẫu hồ sơ yêu cầu; mẫu báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; mẫu báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu và các mẫu khác.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm ban hành mẫu hồ sơ đấu thầu.
1. Trách nhiệm của nhà thầu:
a) Phải đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 5 của Luật Đấu thầu;
b) Thường xuyên cập nhật thông tin về năng lực, kinh nghiệm của mình trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
c) Đối với nhà thầu nước ngoài, ngoài các trách nhiệm quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này, còn phải thực hiện các trách nhiệm sau đây:
- Sau khi được lựa chọn để thực hiện các gói thầu trên lãnh thổ Việt Nam, nhà thầu nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về nhập cảnh, xuất cảnh; nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa; đăng ký tạm trú, tạm vắng; chế độ kế toán, thuế và các quy định khác của pháp luật Việt Nam liên quan, trừ trường hợp có quy định khác trong điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết;
- Trong vòng 15 ngày, kể từ ngày hợp đồng ký kết với nhà thầu nước ngoài có hiệu lực, chủ đầu tư các dự án có trách nhiệm gửi báo cáo bằng văn bản về thông tin nhà thầu trúng thầu đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ quản lý ngành và Sở Kế hoạch và Đầu tư ở địa phương nơi triển khai dự án để tổng hợp và theo dõi;
d) Nhà thầu nước ngoài được lựa chọn theo quy định của Luật Đấu thầu không phải xin cấp giấy phép thầu.
2. Quản lý đối với nhà thầu phụ:
a) Nhà thầu chính được ký kết hợp đồng với các nhà thầu phụ trong danh sách các nhà thầu phụ nêu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất. Việc sử dụng nhà thầu phụ sẽ không làm thay đổi các nghĩa vụ của nhà thầu chính. Nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm về khối lượng, chất lượng, tiến độ và các trách nhiệm khác đối với phần công việc do nhà thầu phụ thực hiện;
b) Nhà thầu chính không được sử dụng nhà thầu phụ cho công việc khác ngoài công việc đã kê khai sử dụng nhà thầu phụ nêu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; việc thay thế, bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất chỉ được thực hiện khi được chủ đầu tư chấp thuận;
c) Nhà thầu chính chịu trách nhiệm lựa chọn, sử dụng các nhà thầu phụ có năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện các công việc được giao. Trường hợp là nhà thầu phụ quan trọng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, việc đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu phụ được thực hiện theo quy định nêu trong hồ sơ mời thầu;
d) Nhà thầu chính chịu trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng tiến độ cho nhà thầu phụ theo đúng thỏa thuận giữa nhà thầu chính với nhà thầu phụ.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu nhà thầu; danh sách nhà thầu vi phạm pháp luật về đấu thầu; tổng hợp, cung cấp thông tin về nhà thầu cho các tổ chức và cá nhân có liên quan nhằm phục vụ việc công khai, minh bạch thông tin và cạnh tranh lành mạnh trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
1. Đối với những gói thầu đã phê duyệt kế hoạch đấu thầu nhưng đến ngày 01 tháng 7 năm 2014 chưa phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, nếu không phù hợp với Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 thì phải phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đấu thầu.
Đối với hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được phát hành trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009, Nghị định số 68/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ, Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư liên quan.
2. Trong thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, việc triển khai thực hiện lựa chọn nhà thầu phải căn cứ theo Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Trong thời gian Nghị định này chưa có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của Nghị định số 85/2009/NĐ-CP, Nghị định số 68/2012/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn có liên quan, nhưng bảo đảm không trái với quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.
3. Đối với việc mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 1 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức đặt hàng, giao kế hoạch được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013; các hình thức lựa chọn nhà thầu khác được thực hiện theo quy định tại Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định này.
4. Cá nhân đã được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành vẫn được tham gia các hoạt động đấu thầu theo quy định tại Điều 16 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 nhưng phải tự cập nhật các nội dung quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu hiện hành.
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm:
a) Quy định lộ trình áp dụng và hướng dẫn thực hiện chi tiết các nội dung sau đây:
- Đăng ký thông tin nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 5 và Điểm e Khoản 2 Điều 22 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13;
- Cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu cho các cá nhân thuộc diện phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 và Điểm c Khoản 1 Điều 19 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13;
- Hoạt động của các tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp theo quy định tại Điều 32 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13;
b) Hướng dẫn thực hiện các nội dung cần thiết khác của Nghị định này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.
6. Bộ Tài chính:
a) Hướng dẫn thực hiện chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;
b) Công bố danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung;
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện mua sắm tập trung;
d) Hướng dẫn về các chi phí liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu.
7. Bộ Y tế chủ trì hướng dẫn thực hiện việc đấu thầu thuốc phục vụ công tác phòng bệnh, khám bệnh và chữa bệnh từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn quỹ bảo hiểm y tế và các nguồn thu hợp pháp khác trong các cơ sở y tế.
8. Bộ Công Thương:
a) Hướng dẫn thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa của các nhà thầu trúng thầu;
b) Công bố danh mục hàng hóa trong nước sản xuất được, danh mục hàng hóa thông dụng được phép nhập khẩu, chào bán tại Việt Nam.
9. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý ngành liên quan để ban hành quy định về mức lương của các loại chuyên gia tư vấn trong nước, làm cơ sở cho việc xác định giá trị hợp đồng tư vấn áp dụng loại hợp đồng theo thời gian quy định tại Khoản 4 Điều 62 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.
10. Bộ Xây dựng ban hành hướng dẫn định mức nhân công trong các hoạt động tư vấn: xây dựng làm cơ sở cho việc xác định giá hợp đồng tư vấn áp dụng loại hợp đồng theo thời gian quy định tại Khoản 4 Điều 62 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.
11. Các Bộ, ngành trong phạm vi quản lý của mình phải công bố danh mục hàng hóa trong nước đã sản xuất được và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng.
12. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi quản lý của mình hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Nghị định này (nếu cần thiết) nhưng bảo đảm không trái với các quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định này.
13. Bộ trưởng; Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phân công lãnh đạo phụ trách trực tiếp, chịu trách nhiệm về công tác đấu thầu và giao nhiệm vụ cho một đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm quản lý hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của ngành hoặc địa phương mình. Trong quá trình thực hiện Nghị định này, nếu có những phát sinh, vướng mắc cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Định kỳ hàng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập phải gửi báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2014.
Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng, Nghị định số 68/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ và Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hết hiệu lực thi hành.
|
TM. CHÍNH PHỦ |
THE GOVERNMENT |
THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
Hanoi, June 26, 2014 |
DECREE
DETAILING THE IMPLEMENTATION OF SEVERAL PROVISIONS OF THE LAW ON BIDDING REGARDING THE SELECTION OF CONTRACTORS
Pursuant to the Law on Government organization dated December 25, 2001;
Pursuant to the Law on Bidding No.43/2013/QH13 dated November 26, 2013;
At the request of the Minister of Planning and Investment,
The Government promulgates the Decree on detailing the implementation of several provisions of the law on bidding regarding the selection of contractors
GENERAL PROVISIONS
1. This Decree hereby details the implementation of several provisions of the Bidding Law regarding the selection of contractors who are eligible to be awarded contracts which are governed by the regulations stated in Clause 1 and Clause 2 Article 1 of the Bidding Law.
2. The selection of contractors for petroleum contracts as stipulated in Clause 4 Article 1 of the Bidding Law shall be applicable to the investment and development projects as regulated in Point a, b and c Clause 1 Article 1 of the Bidding Law, except for the selection of contractors directly involved in petroleum exploration, extraction and mine development.
3. In case international treaties and agreements provide for the application of procedures for the selection of contractors, regulations specified in Clause 3 and Clause 4 of Article 3 of the Bidding Law shall apply. Procedures for submission, verification and approval shall be followed in accordance with this Decree.
4. In case international treaties and agreements do not provide for procedures for selection of contractors, regulations specified in the Bidding Law and this Decree must be observed.
Section 2: ENSURING COMPETITIVENESS IN BIDDING
Article 2: Ensuring competitiveness in the bidding
1. The contractors submit their EOI (expression of interest) responses or applications for the prequalification held by the procuring entity must adhere to Clause 1 and Clause 2 Article 6 of the Bidding Law.
2. Contractors who bid for mixed contracts must be legally and financially independent from those who conduct feasibility study reports, technical design proposals and construction drawings for the purpose of the contract award, except for these accepted as a part of mixed contracts.
3. Consulting service suppliers participating in the bidding can provide one or a lot of consulting service(s) for the same project or contract, including the formation of pre-feasibility study reports, feasibility study reports, technical design documents, construction drawing records as well as the provision of consultancy and supervision services.
4. Contractors shall be considered legally and financially independent from other contractors, consulting service providers, investors or procuring entities as regulated in Clause 1, 2 and 3 of Article 6 of the Bidding Law when they meet the following requirements:
a) They must come from different agencies or are not directly managed by the same organization if they are public service providers;
b) Contractors, investors and procuring entities do not hold more than 30% of shares or contributed capital of each other;
c) Contractors do not hold more than 20% shares or contributed capital of each other when all of bidders participate in selective bidding for a contract;
d) Bidders and contractors who provide consulting services for that contract are not allowed to hold mutual shares and contributed capital; shares and contributed capital of either bidder or consulting contractor held by other organizations and individuals account for above 20%.
5. In respect of state-owned economic corporations, if products and services specified in the contract are defined as their main production and trading sectors which are considered the outflow of this company and the inflow of the other company affiliated with these corporations, their subsidiaries have the right to participate in the selection of contractors held by each of these subsidiaries. In case products and services are the outflow of this company and concurrently the inflow of the other company as well as are seen as the exclusive ones on the market, the bidding must comply with the Prime Minister’s regulations.
Section 3: BID PREFERENCES IN THE SELECTION OF CONTRACTORS
Article 3. Rules of bid preferences
1. In case bid package and proposal documentation are ranked at the same position after bid preferences that has been counted, bidders who quote more domestic expenses or employ more local employees (based on their wage and salary).
2. In case bidders are granted more than one bid preference, they are only allowed to get access to the optimal bid preference as prescribed in the bidding documents and request for proposals.
3. With respect to mixed contracts, bid preferences are based on all of bidder’s proposals for the contracts for consulting service and goods supply as well as construction works. Bidders shall be granted proper bid preferences if they propose expenses incurred by the execution of domestic contracts (consulting services, goods and construction works) which account for more than 25% of the total value of the contracts.
Article 4. Bid preferences for the international bidding
1. In terms of contracts for the consulting service supply:
a) In case of the application of lowest bid method, bidders who are not granted bid preferences must provide an additional monetary amount accounting for 7,5% of these bidders’ quoted bid after correction of errors, adjustment of deviations and deduction of discounts (if any) in order to carry out bidder’s comparison and rating;
b) In case of the application of fixed price method or technical method, bidders who receive the bid preferences are given additional 7.5% of technical score to these bidders' total technical score to serve the purpose of comparison and rating;
c) In case of the application of combined technical and price-based method, bidders who receive the bid preferences are given additional 7.5% of combined scores to total combined scores of these bidders for comparison and rating.
2. In terms of contracts for non-consulting service supply, construction works and mixed contracts:
a) In case of the application of lowest bid method, bidders who are not granted bid preferences must provide an additional monetary amount accounting for 7.5% of these bidders’ quoted bid after correction of errors, adjustment of deviations and deduction of discounts (if any) for comparison and rating;
b) In case of the application of lowest bid method, bidders who are not granted bid preferences must add a monetary amount accounting for 7.5% of these bidders’ quoted bid after correction of errors, adjustment of deviations and deduction of discounts (if any) to the evaluated price of these bidders for comparison and rating;
c) In case of the application of combined technical and price-based method, bidders who receive the bid preferences are given additional 7.5% of combined scores to total combined scores of these bidders for comparison and rating.
3. In terms of the contract for goods procurement, the bid preference applied to domestic goods shall be implemented as regulated in Article 5 of this Decree.
Article 5. Bid preference for domestic goods
1. Goods are eligible for bid preferences provided that bidders prove that domestic production costs account for above 25% of total price. Percentage (%) of domestic production cost of goods is calculated according to the following formula:
D (%) = G*/G (%)
Where:
- G*: Domestic production cost calculated by quoted price of goods defined in the bid envelope and proposal which subtracts tax values and external costs, inclusive of fees and charges;
- G: Quoted price of goods defined in the bid envelope and proposal subtracting tax values;
- D: Percentage (%) of domestic production cost of goods. D3 gains the rate of 25%, which can enable goods to receive the bid preferences as regulated in Clause 2 of this Article.
2. Bid preference calculation:
a) In case of the application of lowest bid method, goods that do not receive bid preferences must add a monetary amount accounting for 7.5% of quoted bid after correction of errors, adjustment of deviations and deduction of discounts (if any) of these goods to the quoted bid price after correction of errors, adjustment of deviations and deduction of discounts (if any) of bidders for comparison and rating;
b) In case of the application of evaluated price method, goods that do not receive bid preferences must add a monetary amount accounting for 7.5% of quoted bid after correction of errors, adjustment of deviations and deduction of discounts (if any) of these goods to the evaluated price of these bidders for comparison and rating;
c) In case of the application of combined technical and price-based method, goods that receive the bid preferences are given additional preferential scores to total combined scores as follows:
Preferential score = 0.075 x (preferential goods price / bid price) x combined scores
Where: Preferential goods price is quoted bid after correction of errors, adjustment of deviations and deduction of discounts (if any) of goods that receive bid preferences.
Article 6. Bid preferences for the domestic bidding
1. In terms of the contract for goods procurement, the preference applied to domestic goods shall be implemented according to the regulations specified in Article 5 of this Decree.
2. Bid envelopes and proposals from bidders who employ total female workers and wounded soldiers or invalid employees accounting for above 25% and signing minimum 03 month’s labor contracts and who are small enterprises granted bid preferences as regulated in Clause 3 Article 14 of the Bidding Law shall achieve higher ranks than those of bidders who are not granted bid preferences in case their bid envelopes and proposals are ranked at the same position.
3. In case of construction contracts worth less than VND 05 billion, only small and ultra small enterprises are allowed to participate into the bidding as stipulated by laws.
4. In case bid envelopes and proposals from bidders achieve the same rank after bid preferences that have been granted, those of local bidders shall be given priority over others during the contract award.
Section 4: INFORMATION SUPPLY, ADVERTISEMENT AND DISSEMINATION; INCURRED EXPENSES; SAFE CUSTODY FOR BIDDING DOCUMENTS DURING THE SELECTION OF CONTRACTORS
Article 7. Supply, advertisement and dissemination of the bidding information
1. Responsibility for the information supply:
a) Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, Central bodies, provincial People’s Committees and competent persons are responsible to disseminate the bidding information mentioned at Point g Clause 1 Article 8 of the Bidding Law on the national bidding network or the Vietnam Public Procurement Review Journal;
b) Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies and other centrally-governed bodies, provincial People’s Committees are responsible to advertise the bidding information mentioned at Point h Clause 1 Article 8 of the Bidding Law on the national bidding network;
c) Procuring entities are responsible to supply the bidding information regulated at Point a Clause 1 Article 8 of the Bidding Law on the national bidding network;
d) Procuring entities are responsible to provide the bidding information regulated at Point b, c, d and dd Clause 1 Article 8 of the Bidding Law as well as other information regarding the change in the bidding schedule (if any) on the national bidding network or the Vietnam Public Procurement Review Journal;
dd) Bidders are responsible to provide and update the information about their competence and experience into the database of bidders on the bidding network system according to regulations stated at Point d Clause 1 Article 5 and Point k Clause 1 Article 8 of the Bidding Law;
e) Bidding training institutions, lecturers and experts who hold certificates of the bidding practices are responsible to provide the information regarding their bidding training, lecturing and practice for the Ministry of Planning and Investment to post on the national bidding network system as stipulated in Point k Clause 1 Article 8 of the Bidding Law.
2. Responsibility for the information dissemination:
The Ministry of Planning and Investment is responsible for the advertisement of the bidding information;
b) All of proper information shall be advertised on the national bidding network system or the Vietnam Public Procurement Review Journal. Whenever any improper information is detected, the Ministry of Planning and Investment is responsible to make their announcement on the national bidding network system or the Vietnam Public Procurement Review Journal in order for information suppliers to make any possible adjustment, correction and completion prior to postings.
3. The information about the online selection of contractors shall be disseminated by procuring entities on the national bidding network system but must ensure the compliance with regulations specified at Point b Clause 2 of this Article.
4. In case of projects or contracts identified in the list of national secrets, the dissemination of information to the public must be carried out according to the laws on national secret protection.
5. The supply and dissemination of bidding information posted on the national bidding network, the Vietnam Public Procurement Review Journal and through other means of mass media are encouraged for the contracts that are not regulated by the Bidding Law.
Article 8. Time limit and procedures for the supply and dissemination of the bidding information
1. In case of the self-advertisement of information posted on the national bidding network:
a) Concerned entities who are responsible to supply information as regulated at Clause 1 Article 7 of this Decree carry out the registration of participants into the national bidding network system according to regulations specified in Article 87 of this Decree and perform the self-advertisement of their information on the national bidding network system according to the guidance from the Ministry of Planning and Investment;
b) In respect of the information regulated in Point b, c Clause 1 Article 8 of the Bidding Law, procuring entities shall release the Request for Expression of Interest (hereinafter abbreviated as EOI), Prequalification, Invitation for Bids and Request for Proposals, which complies with the bidding schedule announced in the notification of EOI Request, Prequalification, Invitation for Bids and Request for Offers but takes place within a minimum of 03 working days from the first date on which the information is posted on the national bidding network system;
c) In respect of the information regulated in Point a, d, dd, g and h Clause 1 Article 8 of the Bidding Law, organizations responsible for the advertisement of bidding information must ensure that their self-advertisement of bidding information is not later than 07 working days from the date on which the bidding documents are released.
2. 2. In terms of the supply of bidding information to the Vietnam Public Procurement Review Journal:
a) As regards the information regulated in Point b, c Clause 1 Article 8 of the Bidding Law, the time limit for the Vietnam Public Procurement Review Journal’s receipt of the information is not later than minimum 05 working days before the proposed date on which the Request for EOI, Prequalification, Invitation for Bids and Request for Proposals are released. These pieces of information must be posted on 01 publication of the Vietnam Public Procurement Review Journal;
b) In respect of the information regulated in Point d, dd and g Clause 1 Article 8 of the Bidding Law, the time limit for the Vietnam Public Procurement Review Journal’s receipt of the information is not later than 07 working days from the date on which the bidding documents are released. These pieces of information must be posted on 01 publication of the Vietnam Public Procurement Review Journal.
3. Within a period of 02 working days from the date of the self-advertisement of information as regulated in Point b, c, d, dd and g Clause 1 Article 8 of the Bidding Law to be posted on the national bidding network system, the Vietnam Public Procurement Review Journal is responsible to disseminate their received information on 01 publication of the Vietnam Public Procurement Review Journal.
4. Within a period of 02 working days from the date on which the Vietnam Public Procurement Review Journal receives the information as regulated in Point b, c, d, dd and g Clause 1 Article 8 of the Bidding Law, the Vietnam Public Procurement Review Journal is responsible to post these pieces of information on the national bidding network system and their publication as well. In respect of the information regulated in Point b, c Clause 1 Article 8 of the Bidding Law, procuring entities shall release the Request for EOI, Prequalification, Invitation for Bids and Request for Proposals, which complies with the bidding schedule identified in the notification of EOI Request, Prequalification, Invitation for Bids and Request for Goods Quotations but ensures that it is received within a minimum of 03 working days from the first date on which the information is posted on the national bidding network system or the Vietnam Public Procurement Review Journal;
5. The supply and dissemination of information in the aim of the online bidding shall observe the regulations specified in Clause 2 Article 88 of this Decree.
Article 9. Expenses incurred during the selection of contractors
1. Based on the size and nature of the contracts, investors decide the selling price of one set of bidding documents and request for proposals (taxes included) for the domestic bidding, including the maximum price of VND 2,000,000 for the bid envelope and VND 1,000,000 for the Request for Proposals; as for the international bidding, such selling prices shall adhere to the international bidding practices.
2. Expenses incurred by the composition and evaluation of the Request for EOI and Prequalification:
a) Expenses incurred by the composition of the Request for EOI and Prequalification account for 0.05% of the bid price but are identified at the minimum price of VND 1,000,000 and the maximum price of VND 30,000,000;
b) Expenses incurred by the evaluation of the Request for EOI and Prequalification account for 0.03% of the bid price but are identified at the minimum price of VND 1,000,000 and the maximum price of VND 30,000,000;
3. Expenditure on compilation and evaluation of the Invitation for Bids and Request for Proposals:
a) Expenses incurred by the composition of the Invitation for Bids and Request for Proposals account for 0.1% of the bid price but are identified at the minimum price of VND 1,000,000 and the maximum price of VND 50,000,000;
b) Expenses incurred by the evaluation of the Invitation for Bids and Request for Proposals account for 0.05% of the bid price but are identified at the minimum price of VND 1,000,000 and the maximum price of VND 50,000,000;
4. Expenses incurred by the evaluation of the EOI Response, Prequalification, Bid Envelope and Proposals:
a) Expenses incurred by the evaluation of the EOI Response and Prequalification account for 0.05% of the bid price but are identified at the minimum price of VND 1,000,000 and the maximum price of VND 30,000,000;
b) Expenses incurred by the evaluation of Bid Envelopes and Proposals account for 0.1% of the bid price but are identified at the minimum price of VND 1,000,000 and the maximum price of VND 50,000,000.
5. Expenses incurred by the evaluation of the result of the selection of contractors, even when there are none of selected contractors, account for 0.05% of the bid price but are identified at the minimum price of VND 1,000,000 and the maximum price of VND 50,000,000.
6. In respect of the contracts that elaborate the same contents in the same project and purchase estimate as well as the contracts that require redoing the selection of contractors, expenses incurred by the composition and evaluation of the Request for EOI and Prequalification; Invitation for Bids and Request for Proposals account for maximum 50% of the expense regulated in Clause 2 and Clause 3 of this Article. In case of the contracts that require another selection of contractors, expenses on the selection of contracts for the project and purchase estimates must be accounted for and supplemented to meet the actual requirements mentioned in the contracts.
7. Expenses prescribed in Clause 2, 3, 4, 5 and 6 of this Article shall be applicable to investors and procuring entities who are directly involved in the bidding. In case bidder’s consultants are hired to carry out the contents specified in Clause 2, 3, 4, 5 and 6 of this Article, expenses are defined on the basis of the content, scope of work, execution period, competence and experience of consultants and other elements.
8. Expenses paid to a council in charge of considering the contractor's recommendations on the selection of contractors (hereinafter referred to as Advisory Council) account for 0.02% of the quoted bid of the bidders who have made recommendations but are identified at the minimum price of VND 1,000,000 and the maximum price of VND 50,000,000.
9. Expenses incurred by the dissemination of bidding information and participation in the national bidding network and the use of receipts during the selection of contractors shall follow the instructions from the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance.
Article 10. Safe custody for bid packages during the selection of contractors
1. All of documents regarding the selection of contractors shall be kept to a minimum of 03 years after the contract finalization, except for those prescribed in Clause 2, 3 and 4 of this Article.
2. If the Proposals for financial contents by the bidders that do not pass the technical evaluation shall be fully returned to the bidders as scheduled below:
a) In terms of consulting service supply contract: Within the period of 10 days from the date on which the contract with selected contractors are signed;
b) In terms of the contracts for non-consulting service, goods purchase, construction works and mixed contracts applying the single-stage two-envelope bidding process: scheduled at the same time when the tender guarantee of eliminated bidders is refunded or cleared.
Within the time limit regulated at Point a, b of this Clause, if bidders that do not reclaim their financial proposals, procuring entities shall consider and decide the cancellation of financial proposals but ensure the confidentiality of information enclosed in these financial proposals.
3. In case of the bid cancellation, all of relevant documents shall be kept within the period of 12 months from the date on which the decision on the bid cancellation is made.
4. Financial statements, as-built dossiers and other documents regarding the selected bidders shall be kept in a safe manner according to legal regulations on the document custody.
THE SINGLE-STAGE PROCESS OF OPEN AND LIMITED BIDDING FOR NON-CONSULTING SERVICE, GOODS PURCHASE, CONSTRUCTION WORKS AND MIXED CONTRACTS
Section 1: SINGLE-STAGE ONE-ENVELOPE BIDDING PROCESS
1. Pre-selection of contactors must include:
a) Composing bidding document;
b) Verifying and approving the bidding document.
2. Selection of contactors must include:
a) Soliciting bidders;
b) Issuing, amending and clarifying the bidding documents;
c) Preparing, submitting, receiving, managing, amending and withdrawing the bid envelope;
d) Opening the bid packages.
3. Evaluation of the bid envelope must include:
a) Examining and evaluating the validation of the bid envelope;
b) Specifically evaluating the bid envelope;
c) Rating the bidder.
4. Discussing the agreement.
5. Reporting, verifying, approving, and announcing the result of contractor selection.
6. Completing and signing the contract.
Article 12. Composition of the bidding documents
1. Bases of the composition of bidding documents:
a) Decision on Project Approval or the Investment Certificate for the project; Decision on the Approval of Purchase Estimates for the recurring purchase and other documents. In respect of the contracts that need executing prior to the decision on the approval of the project, the decisions made by the heads of project or unit in charge of the project preparation shall be followed if the investor of the project has not been defined yet;
b) Approved plan for the selection of contractors;
c) Technical dossiers along with approved estimates for the construction or engineering contracts; required standards of technical features and specifications for commodities (if applicable);
d) Bidding regulations and other relevant laws; international treaties and agreements (if applicable) for the projects funded by the official development assistance capital or concessional loans;
dd) State policies on taxes, fees and the bid preferences in the selection of contractors and other relevant regulations.
2. Bidding documents must provide for the evaluation criteria of the bid envelopes including bidder's competence and experience; technical capability; the definition of lowest bid (in case of the application of the lowest bid method); the identification of evaluated price (in case of the application of evaluated price method). The bidding documents are not allowed to mention any terms and conditions that aim to restrict the participation of bidders or give priority to one or several bidder(s), which can cause unfair competition among bidders.
3. Criteria of the bid evaluation for the goods purchasing contracts include:
a) Competence and experience
“Pass” or “fail” system shall be used to form the evaluation criteria of bidder’s competence and experience in which the minimum criteria are set to give "pass" score for each content of bidder’s competence and experience. The criteria are specified as follows:
- Experience in implementing the same contracts; experience in performing their main production and business regarding the contract execution;
- Manufacturing and trading capability, facilities, skill and expertise of those who are involved in the contract execution;
- Financial competence: Total asset and liability, short-term asset and liability, revenue, profit, work-in-progress value and other essential criteria.
The definition of specific requirements that must be obtained for each criterion or standard as prescribed in this Point should rely on the requirements of a single contract. If bidders shall be given the “pass” criteria of all contents mentioned in this Point, it means that they have met all requirements for their competence and experience.
b) Technical capability
When using the pass, fail criteria system or 100 or 1,000-point grading scale to set standards of the technical evaluation, the minimum and maximum point of each general and specific standard in the grading scale must be defined. The criteria setting for the technical evaluation shall be based on relevant factors like the satisfaction with requirements for amount, quality and expiry date of delivery, shipping, installation, warranty and reliability of bidders through their previous performance of similar projects and other requirements mentioned in the bidding solicitation. Based on each contract, the bidding documents must provide criteria to serve as the basis of technical evaluation, including:
- Technical features and specifications of goods as well as production, fabrication and technological standards;
- Practicality and economic efficiency of technical solutions, goods supply and assembling methods;
- The satisfaction with requirements for warranty and maintenance;
- Geographical and environmental adaptation;
- Environmental impact and solutions;
- Possibility of financial provision (if required);
- Other requirements for trading, execution duration, training and technology transfer;
- Punctuality of goods supply;
- Bidder’s trust defined by evaluating their execution of previous contracts;
- Other essential factors.
c) Determination of lowest bid (in case of the application of lowest bid method):
- Determination of quoted bid;
- Error correction;
- Deviation adjustment;
- Discount deduction (if any);
- Conversion of quoted bid into a common currency (if any);
- Determination of preferential value (if any);
- Comparison of bidding documents to determine the lowest bid.
d) Criteria for determining evaluated price (in respect of the application of evaluated price):
Formula of the determination of evaluated price:
GĐG = G ± ∆G + ∆ƯĐ
Where:
- G = (quoted bid ± value of errors ± value of deviations) – value of discounts (if any);
∆G denotes value of elements embedded on the same level for the life circle of goods, including:
+ Operation and maintenance cost;
+ Loan interest (if any);
+ Progress;
+ Quality (efficiency and capacity);
+ Origin;
+ Other factors (if any).
∆ƯĐ denotes the added value for those who are not granted bid preferences according to the regulations mentioned at Point b Clause 2 Article 5 of this Decree.
4. Criteria of the bid evaluation for the construction contracts include:
a) Competence and experience
“Pass” or “fail” criteria system shall be used to form the evaluation criteria for bidder’s competence and experience in which the minimum requirements are set to give "pass" score for each of these contents. The criteria are specified as follows:
- Experience in implementing contracts with the same size, technical features, geographical, geological and site conditions (if any); experience in performing their main production and business regarding the contract execution;
- Technical capability: Amount and qualification of key personnel and engineers who will directly execute the contracts and quantity of available construction equipment, capability of construction facility mobilization for the contract execution;
- Financial competence: Total asset and liability, short-term asset and liability, revenue, profit, work-in-progress value and other essential criteria.
The determination of specific requirements for each criteria prescribed in this Point should rely on requirements of each contract. Those who are evaluated to pass all criteria mentioned in this point shall satisfy the requirements for their competence and experience.
b) Technical capability
When using the pass or fail criteria or 100 or 1,000-point grading scale to set standards of technical evaluation, the minimum and maximum point of each overall and specific standard in the grading scale must be defined. The criteria setting for the technical evaluation shall be based on relevant factors like the satisfaction with requirements for design documentation, bill of quantities, bidder's quality of performance on the previous contracts and other requirements mentioned in the bidding documents. Based on each contract, the bidding documents must provide detailed criteria as the basis of technical evaluation, including:
- Suitability and feasibility of technical solutions, construction arrangement and method in conformity with proposals for the construction progress;
Except the case in which bidders are requested to adhere to the construction method specified in the bidding documents due to a particular contract, the bidding documents should provide regulations on enabling bidders to propose a construction method different from the one specified in the bidding documents.
- Construction progress;
- Quality assurance methods;
- Assurance about environmental hygiene and other requirements like fire fighting, prevention and occupational safety;
- Satisfaction with requirements for warranty and maintenance;
- Bidder’s quality of previous performance on similar contracts;
- Other essential factors.
c) Determination of lowest bid price (in case of the application of lowest bid price) shall adhere to the regulations mentioned in Point c Clause 3 of this Article;
d) Criteria for determining evaluated price (in respect of the application of evaluated price method)
Formula of the determination of evaluated price:
GĐG = G ± ∆G + ∆ƯĐ
Where:
- G = (quoted bid ± value of errors ± value of deviations) – value of discounts (if any);
- ∆G denotes value of elements embedded on the same level for the life circle of construction works, including:
+ Operation and maintenance cost;
+ Loan interest (if any);
+ Progress;
+ Quality;
+ Other factors (if any).
- ∆ƯĐ denotes the added value for those who are not granted bid preferences according to the regulations mentioned at Point b Clause 2 Article 4 of this Decree.
5. In terms of non-consulting service supply and mixed contracts
Based on the size and nature of contracts as well as regulations specified in Clause 2, 3 and 4 of this Article, the evaluation criteria of competence and experience; technical capability and lowest bid price (in case of the application of lowest bid price method) or standards in the determination of evaluated price (in case of the application of evaluated price method) shall be properly defined.
6. The application of combined technical and price evaluation method for the contractor selected through single-stage one-envelope bidding process shall not be applied.
7. Bidding documents are not permitted to inquire about the brand and origin of goods. In case of failure to describe the specifications according to technical features, technological designs and standards, brand and catalogue of a specific product can serve as a reference and illustration for technical features of goods but must write the phrase “or equivalences” after brand and catalogue as well as clearly specify equivalent contents of such illustrating and reference goods in terms of technical features, functions, technological standards and other contents (if any) to facilitate the preparation of the bid packages. Bidders are requested to submit the License or Authorization of goods sale from manufacturers or the Certificate of Partnership only if particular and complicated goods require the obligations of manufacturers to supply the after-sale services such as warranty, maintenance, repair and replacement components or materials.
8. Regulations on employee recruitment and utilization:
a) In terms of the international bidding, the bidding documents must set out the regulations on the recruitment of domestic employees if these employees are qualified and the domestic market is able to supply employments, especially manual labors. The employment of foreign workers in the contracts is only permitted when domestic workers are not qualified. Bidders who do not observe the regulations on the employee utilization upon the contract execution, depending on the severity of their violations, shall be prohibited from participating in the bidding in Vietnam under the regulations specified in Clause 4 Article 122 of this Decree;
b) In terms of the contract that needs a lot of manual labors, the bidding documents must require bidders to propose their solutions to the use of their local workers at which their projects or contracts are executed;
c) Investors take legal responsibility for their compliance with regulations specified in Point a of this Clause during the composition of the bidding documents, evaluation of bid packages, approval of the contractor selection result, signing and execution of the contracts;
d) Bid envelopes that fail to satisfy the requirement for the employee utilization specified in the bidding documents as prescribed in Point a of this Clause shall be eliminated.
Article 13. Verification and approval of the bidding documents
1. Bidding documents must be verified as prescribed in Article 105 of this Decree prior to approval.
2. The approval for the bidding documents must be in writing with reference to the submission statement on the approval and report on verification of the bidding documents.
Article 14. Arrangement for the selection of contactors
1. Soliciting bidders:
Procuring entities advertise the bid solicitation as prescribed in Point d Clause 1 Article 7 and Point b Clause 1 or Point a Clause 2 Article 8 of this Decree.
2. 2. Issuing, amending and clarifying the bid solicitation:
a) The bidding documents are released for contractors to participate in the open bidding or for those who are short-listed bidders. In case of bidders as joint ventures or consortiums, only one of the partners is required to purchase or receive the bid solicitation, even if the joint venture or consortium has not been founded yet when purchasing or receiving the bid solicitation;
b) In case of correcting the bid solicitation after release, procuring entities must make the decision on this correction as well as specify the corrected contents in the bid solicitation, which shall notify the bidders who have purchased or received the bid solicitation;
c) In case the bid solicitation need to be clarified, bidders must send the written requests to procuring entities within a minimum period of 03 working days (applicable to domestic bidding) and 05 working days (applicable to international bidding) before the deadline for the submission of bid packages for any possible consideration and solution. The clarification of the bid solicitation shall be undertaken by procuring entities by means of one or more form(s) as follows:
- Dispatch their clarification in writing to bidders;
- When necessary, a pre-bid conference must be held to discuss and clarify these confusing contents. Discussion contents for the clarification of the bid solicitation must be recorded in the form of the minutes and documented to send to bidders;
- Clarified contents must not contrast with approved contents in the bid solicitation. If the bid solicitation needs amending or modifying after this clarification, this amendment or modification to the bid solicitation must be carried out as prescribed in Point b of this Clause;
d) The written decision on the amendment or modification as well as the record of the bid solicitation constitutes the bid solicitation.
3. c) Preparing, submitting, receiving, managing, amending and withdrawing the bid packages:
a) Bidders are responsible for the preparation and submission of their bid packages as prescribed in the bidding documents;
b) Procuring entities shall receive and monitor the bid packages, which adheres to the regulations on the management of confidential files until the result of contractor selection is made known to the public; under no circumstances is the information of the bid packages revealed to any other bidders, except for the information that need disclosing during the bid opening. Those sent to procuring entities after the deadline for the bid submission shall not be opened and considered invalid and subject to being eliminated. Any further document that arrives after the deadline for bid submission with the aim of amending the existing bid packages shall be invalid, except for any document sent to clarify the bid packages as requested by the procuring entities or any of such documents that serve to certify the validation, competence and experience of the bidders;
c) Upon wishing to amend or withdraw the bid packages, bidders must lodge a written request to procuring entities. Procuring entities shall only give consent to this amendment or withdrawal from bidders if written requests are submitted prior to the deadline for the submission of bid packages;
d) Procuring entities are obliged to receive all of the bid packages from all bidders that arrive before the deadline for bid submission, even those who have not purchased or received the bid solicitation directly released by the procuring entities. In case bidders have not yet purchased the bidding documents, they must pay a sum equal to the selling price of the bidding documents to procuring entities to enable the bid packages to be accepted.
4. d) Open the bid packages:
a) The opening of the bid packages must be performed in the witness of all bidders and start in 01 hour after the deadline for bid submission expires. Only bid packages that have been submitted by the required deadline shall be opened in the witness of legal representatives of bidders who attend the bid-opening session, which is not dependent on the presence or absence of bidders;
b) Bid packages shall be opened in the alphabetical order of bidder’s names and the following processes must be observed:
- Request each legal representative of bidders to confirm whether letter of discount is attached to the bid packages or not;
- Check whether the seal is broken;
- Open the bid packages and clearly read the information regarding bidder’s names, amount of originals and copies of the bid packages; the quoted bid specified in their bid packages; discount value (if any); validity period of the bid packages; defined time of contract execution; value and validity of tender guarantee and other relevant information;
c) Records on the bid opening: All information mentioned in Point b of this Clause must be recorded. Records on the bid opening must be countersigned by representatives of procuring entities and bidders who participate in the bid opening session. Such records must be delivered to the participating bidders;
d) Representatives of procuring entities must also append their signature in the original bid, letter of discount (if any), authorization letter conferred on bidder's legal representatives (if any); joint venture or consortium agreement (if any); tender guarantee; financial proposals as well as other significant contents of the bid packages.
Article 15. Rules for the bid evaluation
1. The evaluation of the bid packages must follow the standards of the bid evaluation, different requirements specified in the bidding documents, the bid envelopes, demonstration or explanation of the bid envelopes to select the right contractors who prove their proper competence, experience and feasible solutions to executing contracts.
2. Since the evaluation is based on the bid copies, bidders must be responsible to ensure that they are identical to the originals. In case of any difference between the originals and copies without leading to any change in the rating of bidders, the originals are important to make critical evaluations.
3. In case of any difference between the originals and copies which leads to the difference between the evaluation result of original bid packages and that of duplicate bid packages as well as change to the rating of bidders, such bid packages shall be eliminated.
Article 16. Clarification of the bid packages
1. Upon completion of the bid opening, bidders are responsible to clarify their bid packages as requested by the procuring entities. In case bidder's evidence for their validation, competence and experience have been lacked, procuring entities request bidders to clarify and provide further documents to prove their validation, competence and experience. In respect of technical and financial proposals of bidders, the clarification must ensure no change in the basic contents of bid packages and quoted bids.
2. In case bidder's evidence for their validation, competence and experience have been lacked after the bid closing, bidders are allowed to send further documents for clarification. Procuring entities are responsible to accept the documents on clarification for consideration and evaluation; further documents on clarifying bidder's validation, competence and experience shall be considered a part of the whole bid packages.
3. This clarification is only involved by procuring entities and participating bidders, which must ensure rules for no change to the actual nature of concerned bidders. The clarification contents must be shown in writing and kept by procuring entities as a part of the bid packages.
Article 17. Error correction and deviation adjustment
1. Error correction involves correcting errors contained in the bid packages including numerical errors and others, which shall be performed under the following rules:
a) Numerical errors include those incurred in the inaccurate operations of addition, abstraction, multiplication and division during the estimation of quoted bid. In case the bidding documents require the detailed analysis on unit price, the figures in the detailed breakdown of quoted bid must be used as the basis of the correction of numerical errors. In case there is some inconsistency between unit price and total price, unit price shall serve as the basis of the error correction; if any dramatic errors in unit price has been found due to decimal errors (i.e., the decimal powers like 10, 100 or 1,000), total price shall serve as the basis of the error correction;
b) Other errors:
- At the column of total price that has been fully calculated without equivalent unit price, the unit price shall be additionally defined by dividing the total price by the quantity; when unit price has been defined but total price remains blank, the value in the total price column shall be identified by multiplying the quantity by unit price; if the unit price and the value of any item has been defined in the total price column but the quantity remains blank, this blank value shall be filled with the number generated by dividing the value in the total price column by the unit price of that item. In case the aforesaid quantity that has been additionally defined is different from the quantity mentioned in the bid packages, that value difference is the deviation in the scope of supply, which shall be adjusted under regulations specified in Clause 2 of this Article;
- Error or mistake of calculating unit must be corrected to satisfy the requirements specified in the bidding documents;
- In case there is any difference in the contents of technical and financial proposals, technical proposals shall serve as the basis of the error correction.
2. Adjustment of deviation:
a) In case there exists the deviation in the scope of supply, the deficient quoted value shall be added and the excess quoted value shall be subtracted to correspond to the equivalent unit price specified in the bid packages containing such deviations;
In the event of no unit price defined in the bid packages, the highest quoted price out of that of other bid packages that pass the technical evaluation shall be accepted as the basis of deviation adjustment on the same item; in case the bid packages of bidders that have passed the technical evaluation are provided with no unit price, the unit price specified in the bid estimates shall serve as the basis of the deviation adjustment; in case there is no bid estimate, the unit price forming the bid price shall serve as the basis of the deviation adjustment;
In the event that only one bidder passed the technical evaluation, the deviation adjustment shall be carried out on the basis of accepting the equivalent offer price; if the bid packages do not specify the unit price, the unit price in the bid estimate shall be accepted; if there is no bid estimate, the unit price forming the bid price shall be used as the basis of deviation adjustment;
b) If the offer price is quoted with a deficiency in taxes, fees and charges payable as requested in the bidding documents, procuring entities must add these expenses to the quoted bid. These expenses shall not be amounted to the negative deviation according to the regulations specified in Point d Clause 1 Article 43 of the Bidding Law;
c) If bidders present their letters of discount, error correction and deviation adjustment shall be performed on the basis of the quoted bid before discount. Percentage (%) of the negative deviation is determined on the basis of the quoted bid specified in the bid packages;
d) If the bid packages with adjusted deviations are ranked at the first position to be eligible for the contract negotiation, the lowest quoted offer out of other bid packages that pass the technical evaluation shall be accepted to negotiate the negative deviation.
3. After error correction and deviation adjustment as prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article, procuring entities must send a written notification to concerned bidders about these corrections and adjustments. Within a period of 03 working days from the date on which bidders receive written notification from procuring entities, bidders must send their written notice to procuring entities about their consents to these error corrections and deviation adjustments. If bidders refuse to accept the result of error corrections and deviation adjustments on receipt of written notification from procuring entities, the bid package of these bidders shall be eliminated.
Article 18. Evaluation of the bid packages
1. Examining the validation of the bid packages must include:
a) Check the number of original and duplicate bid packages;
b) Examine ingredients of the bid packages, including the bid letter, agreement on founding joint venture or consortium (if any), authorization for the validation of the bid letter (if any); tender guarantee; proof of bidder’s validation; proof of bidder's competence and experience; technical proposal; financial proposal; other relevant ingredients.
c) Examine the consistency of contents described in the original and duplicate, which supports the detailed evaluation of bid packages.
2. Evaluation of the validation of bid packages:
A bid package is considered valid when it fully meets the following requirements:
a) Keep an original of the bid package available;
b) Hold the bid letter signed and sealed by a bidder’s legal representative (if any) as required in the bidding documents; identify definite time for the contract execution specified in the bid letter to correspond to the technical proposal; detail and fix the offer price in numbers and words, which must logically match total offer price quoted in the general pricelist; do not propose different quoted bids or invent any disadvantageous terms and conditions to investors or procuring entities. As for a bidder as a joint venture or consortium, the bid letter must be signed and sealed by a legal representative of each partner (if any) or the head on behalf of joint venture or consortium must sign the bid letter with reference to the duties assigned in the agreement on founding joint venture or consortium;
c) Validate the bid package to conform to the regulations specified in the bidding documents;
d) Hold the tender guarantee with its validity and expiry date conforming to requirements given in the bidding documents. In the event of the tender guarantee in the form of a guarantee letter, it must be issued by the legal representative of credit institutions or foreign bank's branches in compliance with Vietnam laws, which specify the value, expiry date and beneficiary as required by the bidding documents;
dd) Do not take part in two or more bid packages in which they are considered the main contractor (independent contractor or a partner of joint venture or consortium);
e) Show the agreement on founding the joint venture or consortium, signed and sealed by every partners (if any);
g) Prove that bidders are not prohibited from participating in the bidding according to bidding laws;
h) Ensure their valid status under regulations specified in Clause 1 Article 5 of the Bidding Law.
Those who submit their validated bid packages shall be considered and evaluated to verify their competence and experience.
3. Evaluation of competence and experience:
a) Competence and experience evaluation shall comply with the evaluation criteria prescribed in the bidding documents;
b) Bidders with satisfactory competence and experience shall be considered and evaluated to examine their technical capability.
4. Technical and price-based evaluation:
a) Evaluation of bidder’s offer price and technical capability must adhere to the evaluation standards and methods prescribed in the bidding documents;
b) Bidders who satisfy technical requirements shall be considered to define the lowest price (in respect of the application of the lowest bid price method) and evaluated price (in respect of the application of evaluated price method).
5. After finalizing the rating of bidders, the expert group shall compile reports to procuring entities for their consideration. Reports must clarify the following contents:
a) List of bidders who have been qualified for further consideration and rating together with bidder’s positions in this rating;
b) List of bidders who are not qualified and eliminated; reasons for elimination;
c) Remarks on bidder's competitiveness, fairness, transparency and economic efficiency of the contractor selection. If competitiveness, fairness, transparency and economic efficiency have not been ensured, reasons and recommendations for any possible solution must be stated as well;
d) Any content of the bidding documents that has not conformed to bidding laws, which can result to any possible confusion or ambiguity in further implementation or lead to any possible deviations on the result of contractor selection; recommendations and solutions.
Article 19. Contract negotiation
1. The bidder who has seized the first position in the bidder's rating shall be eligible for the contract negotiation. If any bidder who is invited to negotiate the contract has not turned up or refused to proceed to the contract negotiation, they are not allowed to reclaim their tender guarantee.
2. Contract negotiation shall be based on the followings:
a) Report on evaluation of the bidding documents;
b) Bid package and bidder’s records of clarification of bid package;
c) Bidding solicitation.
3. Rules of the contract negotiation:
a) Contents of the bid package that satisfy the requirements of the bidding documents do not need to be negotiated;
b) Contract negotiation is not allowed to change the quoted bid after error correction, deviation adjustment and discount deduction (if any). While evaluating bid packages and negotiating contracts, if workloads specified in the bill of quantities are lower than these mentioned in the design documentation, the soliciting party must request contractors to make up for this inadequacy on the basis of the quoted price; if a bid package has not provided the quoted price, procuring entities shall send reports to investors for consideration and decision on fixing the price in the approved estimate for these inadequate workloads or the price quoted by other bidders who have passed the technical evaluation
c) Negotiation over the negative deviation value shall comply with regulations specified in Point d Clause 2 Article 17 of this Decree.
4. Contents of contract negotiation:
a) Unspecified, inappropriate and inconsistent contents between bidding documents and bid packages or in the same bid package shall be negotiated to prevent any possible dispute or unexpected impact on the contractual obligations of contracting parties;
b) Deviations that have been found by the contractor and contractor’s recommendations (if any), including possible alternatives which contractors are allowed to provide according to relevant bidding regulations;
c) Personnel issues in respect of construction and mixed contracts:
In the course of negotiation, selected bidder is not allowed to change their key personnel as proposed in the bid package for those who are in charge of design and survey (in respect of construction and mixed contracts that require contractors to implement one or two design steps prior to construction), construction site, except the case in which the evaluation time is extended longer than the regulated time or because of unexpected events that dissuade these key personnel from participating in the contract execution. In such case, contractors have the right to change other personnel but must ensure the substitute employees prove qualification, experience and capability equivalent to or higher than proposed personnel and bidders are not allowed to change their quoted bids;
d) Any issue that arises during the selection of contractors (if any) in the aim of completing detailed contents of the contract;
dd) Other necessary issues.
5. In the course of contract negotiation, negotiating parties must proceed to draft and complete the official agreement, specific terms and conditions and annexes that determine detailed list of workloads, price list and contract execution progress (if any).
6. If the negotiation fails, procuring entities must report investors for their consideration and decision on soliciting bidders who are ranked at the next positions for contract negotiation; if the successive negotiations also fail, procuring entities must report investors for their consideration and decision on the bid cancellation as regulated in Clause 1 Article 17 of the Bidding Law.
Article 20. Report, verification, approval and announcement of the result of contractor selection.
1. On the basis of the report on the result of the evaluation of bid packages, procuring entities must submit the contractor selection result in which opinions on the evaluation contents performed by expert group must be clarified.
2. Result of contractor selection must be verified as prescribed in Clause 1 and Clause 4 Article 106 of this Decree prior to approval.
3. Result of contractor selection must be approved in writing and adhere to the documents on applying for the approval as well as the reports on verification of contractor selection.
4. If the winning contractor has been selected, the documents on approving the result of contractor section must include the followings:
a) Winning contractor’s name;
b) Winning bid;
c) Type of contract;
d) Contract execution period;
dd) Other notes (if any).
5. In case of the bid cancellation as prescribed in Clause 1 Article 17 of the Bidding Law, documents on approving the result of contractor selection or deciding the bid cancellation must clarify reasons for this cancellation and responsibility for concerned parties.
6. On receipt of the decision on approving the result of contractor selection, procuring entities must disseminate the information about the result of contractor selection according to Point d Clause 1 Article 7 and Point c Clause 1 or Point b Clause 2 Article 8 of this Decree; send a written notification about the result of contractor selection to the bidding contractors within the required period as regulated in Point n Clause 1 Article 12 of the Bidding Law. The notification must specify the following contents:
a) Information specified in Point a, b, c and d Clause 4 of this Article;
b) List of unselected bidders and a summary of reasons for elimination;
c) Plan for completing and signing the contract with selected bidders.
Section 2: SINGLE-STAGE ONE-ENVELOPE BIDDING PROCESS
1. Pre-selection of contactors must include:
a) Short-listing (when necessary);
b) Composing the bidding documents;
c) Verify and approve bidding documents.
2. Selection of contactors must include:
a) Inviting bidding contractors;
b) Issuing, revising and clarifying bidding solicitation;
c) Preparing, submitting, receiving, managing, adjusting and withdrawing bid packages;
d) Opening technical proposals.
3. Evaluation of technical proposals must include:
a) Examining and evaluating the validation of technical proposals;
b) Specifically evaluating technical proposals;
c) Approving list of bidders who satisfy the technical requirements.
4. Opening and evaluation of financial proposals must include:
a) Opening financial proposals formulated by bidding contractors in the approved list;
d) Examining and evaluating the validation of financial proposals;
c) Specifically evaluating financial proposals;
d) Ranking bidding contractors.
5. Negotiating the contract.
6. Reporting, verifying, approving, and announcing the result of contractor selection.
7. Completing and signing the contract.
Based on the size and nature of a contract, short-listing process can be performed to select the qualified contractors who have proper competence and experience for the contract execution to send out the Invitation for Bids. The application of short-listing process shall be decided by competent entities and must be clarified in the plan for the contractor selection.
1. In terms of open bidding:
a) Composing application for the prequalification:
- Application for prequalification must include the following contents: Summary of project or contract information; instructions on preparing and applying for the prequalification; standards in the competence and experience of the bidding contractors;
- Pass/fail system shall be used to set standards in the evaluation of application for prequalification. In the criteria for evaluating applications for prequalification, the minimum requirement must stipulate that all specific contents of bidder’s competence and experience must receive "pass" score;
b) Approving the applications for prequalification must be performed in writing and based on the statements on approving and reporting verification of the request for prequalification;
c) Request for prequalification must observe regulations stated in Point d Clause 1 Article 7 and Point b Clause 1 or Point a Clause 2 Article 8 of this Decree;
d) Releasing the requests for prequalification:
Requests for prequalification shall be released free of charge to bidders prior to the deadline for bid submission;
dd) Receiving and managing the applications for prequalification:
Procuring entities must receive and manage the prequalification applications according to regulations on the management of confidential documents till the announcement of the prequalification result;
e) Opening and evaluating applications for prequalification:
- Applications for prequalification that have been submitted at the venue and time as regulated in the request for prequalification shall be opened right after the deadline for bid submission. The opening of application for prequalification shall be documented and records on the bid opening shall be sent to participating contractors. Any application for prequalification after the deadline for bid submission is not eligible to be opened and is considered invalid or eliminated;
- Evaluation of applications for prequalification shall be implemented as prescribed in the request for prequalification; Contractors whose applications for prequalification are given "pass" score in terms of all contents regarding contractors' competence and experience shall be short-listed.
g) Reporting, verifying and approving the prequalification result:
- On the basis of the report on the result of the evaluation of prequalification applications, procuring entities must seek the approval of prequalification result in which expert group’s opinions on the evaluation result must be clarified;
- Prequalification result must be verified as prescribed in Clause 1 and Clause 2 Article 106 of this Decree prior to approval;
- The approval of prequalification result must be conducted in writing with reference to the statements on approving and reporting the verification of prequalification result.
- In case short-listed bidders have been selected, the document on approving the prequalification result must include selected bidder's name and other notes (if any). In case short-listed bidders have not been selected, the document on approving the prequalification result must determine the reasons why they are not short-listed.
h) Announcement of the short-list: The short-list must be publicized as prescribed in Point d Clause 1 Article 7 and Point c Clause 1 or Point b Clause 2 Article 8 of this Decree and contractors who apply for the prequalification shall be notified as well.
2. In terms of limited bidding:
a) Defining and approving the short-list: the short-list must include minimum 03 bidders who prove their proper competence and experience to satisfy the requirements of the contract and wish to be awarded the bids;
b) Announcement of the short-list: After approval, the short-list must be publicized as prescribed in Point d Clause 1 Article 7 and Point c Clause 1 or Point b Clause 2 Article 8 of this Decree.
3. Short-listed bidders are not allowed to enter into a joint venture when participating in the same bidding.
Article 23. Composition of the bidding solicitation
1. Bases of the composition of bid solicitation shall adhere to regulations mentioned in Clause 1 Article 12 of this Decree.
2. The evaluation criteria of the bid packages must include contractor's competence and experience; technical capability; identification of lowest price (in case of the application of the lowest bid price method); identification of evaluated price (in case of the application of evaluated price method); identification of pricing score and general evaluation standards (in case of the application of combined technical and price-based method). As for the contract that has undergone the prequalification, it is not necessary to regulate the evaluation standards of contractor’s competence and experience but bidder's information about their competence must be updated. The bidding documents are not allowed to mention any terms and conditions that aim to restrict the participation of bidders or give priority to one or several bidder(s), which can cause unfair competition among bidders.
3. Criteria for evaluating bidder’s competence, experience and technical credentials shall adhere to regulations stated in Point a, Point b Clause 3 and Point a, Point b Clause 4 Article 12 of this Decree.
4. Determination of lowest bid price (in case of the application of lowest bid price method) shall adhere to the regulations mentioned in Point c Clause 3 Article 12 of this Decree.
5. Criteria for identifying evaluated price (in case of the application of evaluated price method) shall comply with regulations mentioned in Point d Clause 3 and Point d Clause 4 Article 12 of this Decree.
6. Criteria of the general evaluation (in case of the application of technical and price-base method) shall comply with regulations stated in Article 24 of this Decree.
7. Brand and origin of goods must comply with regulations set out in Clause 7 Article 12 of this Decree.
8. The recruitment and hire of employee must comply with regulations stated in Clause 8 Article 12 of this Decree.
9. In terms of non-consulting service supply and mixed contracts:
Based on the size and nature of the contract as well as regulations stated in Clause 2, 3, 4, 5, 6, 7 and 8 of this Article, the evaluation criteria of contractor's competence and experience; technical capability; identification of lowest price (in case of the application of the lowest bid price method); identification of evaluated price (in case of the application of evaluated price method); identification of pricing score and general evaluation standards (in case of the application of combined technical and price-based method) shall be properly set.
Article 24. General evaluation criteria
The general evaluation criteria set out for the application of combined technical and price-based method shall be specified as follows:
1. Identifying the pricing score:
100 or 1,000 – point system is made identical to technical point scales to identify the pricing score. Pricing score is calculated by the formula:
Pricing scoreunder consideration |
Gmin x (100 or 1,000) |
Gunder consideration |
Where:
- Pricing scoreunder consideration: the pricing score of technical proposal in consideration;
- Gmin: the lowest quoted bid after error correction, deviation adjustment and discount deduction (if any) out of the quoted bids whose financial proposals are evaluated;
- Gin consideration: the bid after error correction, deviation adjustment and discount deduction (if any) specified in the financial proposal that has been taken into account.
2. General evaluation criteria:
General evaluation criteria are set on the basis of the combined technical and price-based method. Depending on the size and nature of each contract, the proportion of technical and price-based scores must be identified to ensure that both are added together to equal 100%, which is specified as follows:
a) In respect of the construction contract: Proportion of technical score (K) ranging from 10% to 15% and proportion of price-base score ranging from 85% to 90%;
b) In respect of the goods procurement contract: Proportion of technical score (K) ranging from 10% to 30% and proportion of price-base score ranging from 70% to 90%;
c) In respect of the medicine purchase contract: Proportion of technical score (K) ranging from 20% to 30% and proportion of price-base score ranging from 70% to 80%;
d) Identifying the overall score:
Overall score under consideration = K x Technical score under consideration + G x Price-based score under consideration
Where:
- Technical score under consideration is identified at the technical evaluation step;
- Price-based score under consideration is identified at the price-based evaluation step;
- K: Proportion of technical scores regulated in the overall scoring scale;
- G: Proportion of price-based score regulated in the overall scoring scale;
- K + G = 100%. Proportion of technical score (K) and price-based score (G) must be specifically identified in the bid solicitation.
Article 25. Verifying and approving the bidding documents
1. Bidding documents must be verified as prescribed in Article 105 of this Decree prior to obtaining the approval.
2. The approval of bidding documents must be granted in writing with reference to the statements on approving and reporting the verification of bidding documents.
Article 26. Contractor selection
1. 1. Soliciting contractors;
a) Notification of Invitation for Bids shall be applied in the event that the short-listing is not carried out and this shall be performed according to the regulations specified in Point d Clause 1 Article 7 and Point b Clause 1 or Point a Clause 2 Article 8 of this Decree;
b) Send out the Invitation for Bids to short-listed contractors.
2. Releasing, correcting and clarifying the bidding documents:
The release, adjustment and clarification of bidding documents shall comply with regulations specified in Clause 2 Article 14 of this Decree.
3. Preparing, submitting, receiving, managing, adjusting and withdrawing bid packages:
This process shall comply with regulations specified in Clause 3 Article 14 of this Decree.
4. 4. Opening technical proposals:
a) Opening technical proposals must be public and starts within 01 hour from the bid closing. Technical proposals that are submitted prior to the deadline shall be opened as required in the bidding solicitation and witnessed by bidder’s participating representatives without reference to the presence or absence of bidders;
b) The bid opening shall be carried out in the alphabetical order of bidder's name and follow the processes hereunder:
- Check the seal of bid packages;
- Open the bid packages and clearly read the information about bidder’s name; quantity of originals and copies of technical proposals; bid letter contained in technical proposals; validity period of technical proposals; time of contract execution; validity and expiry date of tender guarantee and other relevant information;
c) A record on the bid opening: All information specified in Point b of this Clause must be recorded in the record on the bid opening. The record on the bid opening shall be countersigned by representatives of procuring entities and participating bidders. This record must be sent to participating bidders;
d) Procuring entity’s representatives must be countersigned in the bid letter, authorization of bidder’s legal representatives (if any); agreement on founding the joint venture or consortium (if any); tender guarantee and other significant contents enclosed in each technical proposal;
dd) Financial proposals from all of bidders must be sealed in a separate envelope by the procuring entity and countersigned by representatives of procuring entities and participating bidders.
Article 27. Rules of evaluation and clarification of bid packages as well as error correction and deviation adjustment
1. Rules of evaluation of bid packages shall comply with regulations specified in Article 15 of this Decree.
2. The clarification of bid packages must adhere to regulations specified in Article 16 of this Decree.
3. Error correction and deviation adjustment shall adhere to regulations specified in Article 17 of this Decree.
Article 28. Evaluation of bidder’s technical proposals
1. a) Examining the validation of bidder’s technical proposals must include:
a) Examine the amount of original and duplicate technical proposals of bidders;
b) Check all parts of a technical proposal, including bid letter and agreement on founding the joint venture or consortium (if any), authorization of the signing on the bid letter (if any); tender guarantee; proofs of bidder’s valid status; proofs of bidder’s proper competence and experience; technical proposals and others contained in the technical proposals;
c) Check the consistent contents of originals and copies to serve as the detailed evaluation of technical proposals.
2. Evaluating the validation of technical proposals:
Bidder’s technical proposals shall be considered valid when they can satisfy the following requirements:
a) The original technical proposal is kept available;
b) Their bid letter contained in the technical proposal must be signed and sealed by bidder’s legal representatives (if any) as required in the bid documents; in the bid letter, bidders must specify the progress of contract execution which matches requirements of technical proposal. As for joint venture or consortium bidders, bid letter must be signed and sealed by legal representatives of joint venture or consortium partners (if any) or the heads of joint venture or consortium according to the duties assigned in the agreement on founding joint venture or consortium;
c) The validity of technical proposals is enabled to meet the requirements specified in the bidding documents;
d) The tender guarantee is shown in which the value and validity period must meet requirements specified in the bidding documents. In case the tender guarantee is required in the form of the guarantee letter, this letter must be signed by legal representatives of credit institutions or foreign bank’s branches that have been founded under Vietnam laws, which must determine the value, validity period and beneficiary of the tender guarantee according to requirements specified in the bidding documents;
dd) They are not involved in two or more technical proposals in which they serve as the main contractor (independent contractor or partner of joint venture or consortium);
e) Agreement on founding the joint venture or consortium is signed and sealed by each partner’s legal representatives (if any);
g) Contractors are not affected by any ban on participating in the bidding according to legal regulations on bidding;
h) Contractors must ensure their valid status according to regulations specified in Clause 1 Article 5 of the Bidding Law.
Contractors who have sent their valid technical proposals shall be considered and evaluated to confirm their competence and experience. As for a contract that has passed the prequalification stage, their competence and experience do not need to be evaluated.
3. Evaluating bidder’s competence and experience:
a) Evaluation of bidder’s competence and experience shall adhere to regulations specified in the bidding documents;
b) Contractors who have proved their proper competence and experience shall be considered and evaluated to confirm their technical credentials.
c) Bidders that have passed the prequalification stage, shown their valid technical proposals and had their current competence meet the requirements of contracts shall be considered and evaluated to confirm their technical capability.
4. Evaluation of technical capability:
a) Evaluation of bidder’s technical capability shall adhere to the evaluation standards set out in the bidding documents;
b) Contractors who have proved their proper technical capability shall be considered and evaluated to confirm their financial credentials.
5. List of bidders who can meet technical requirements must be approved in writing and referred to the statement on approving and reporting the verification of technical evaluation result. Procuring entity must announce the list of bidders who meet technical requirements to all of participating bidders, in which those who meet the technical requirements shall be invited to open their financial proposals.
Article 29. Opening the financial proposal
1. Examining the sealed envelope containing financial proposals.
2. Opening the financial proposal:
a) Only financial proposal that meets the technical requirements shall be opened in the witness of participating bidders who attend the opening of financial proposal without reference to the presence or absence of bidders;
b) The representative of bidders who participate in the opening of financial proposals shall be requested to certify that their discount letters attached to their financial proposals are available or not;
c) The opening of financial proposals shall be done in the alphabetical order of bidders who meet the technical proposal and follow the processes hereunder:
- Examining the unbroken seal of proposal envelope;
- Opening and reading aloud the information about bidder’s names; quantity of originals and copies of financial proposals; bid letter contained in the financial proposal; effective date of financial proposal; quoted bids specified in the bid letter; discount value (if any); technical scores of the bid packages that meet the technical requirements and other relevant information.
3. The record on the opening of financial proposal:
a) All information specified Clause 1 and Clause 2 must be recorded in the record on the opening of financial proposals. The record on the opening of financial proposals must be countersigned by representatives of procuring entity and participating bidders. This record must be sent to bidders who meet the technical requirements;
b) Representatives of procuring entity must append their signature on all pages of the original financial proposals.
Article 30. Evaluating the financial proposal
1. Examining the validation of bidder’s financial proposals must include:
a) Examine the amount of original and duplicate financial proposals;
b) Examine all parts of the financial proposal, including the bid letter contained in the financial proposal; overall and detailed price list; analysis of unit price (if any) and other parts contained in the financial proposal;
c) Examine the consistency of originals and duplicates to serve for the purpose of performing the specific evaluation of financial proposals.
2. Evaluating the validation of financial proposals:
Financial proposals of bidders shall be considered valid when satisfying the following requirements:
a) The original of financial proposal is kept available;
b) Their bid letter contained in the financial proposal must be signed and sealed by bidder’s legal representatives (if any) as required in the bidding documents; in the bid letter, the quoted bid must be specified and fixed in numbers or words and must correspond to total bid specified in the overall price list as well as is not allowed to make different quotations or provide terms and conditions that cause disadvantages to investors or procuring entities. As for joint venture or consortium bidders, financial proposal must be signed and sealed by legal representatives of joint venture or consortium partners (if any) or the heads of joint venture or consortium according to the duties assigned in the agreement on founding joint venture or consortium;
c) Validity of financial proposals must meet the requirements specified in the bidding documents;
Those who keep valid financial proposals shall be qualified for the detailed evaluation.
3. Detailed evaluation of financial proposals and rating of bidders:
a) Detailed evaluation of financial proposals and rating of bidders shall comply with the evaluation standards regulated in the bidding documents;
b) After finalizing the rating of bidders, expert group shall compile the report to procuring entities for consideration. The report must specify the following contents:
- List of bidders who are put under consideration, ranked as well as bidder's ranks;
- List of bidders who fail to meet the requirements and are eliminated; reasons for this elimination;
- Remarks on the competitiveness, equality, transparency and economic efficiency of the selection of contractors. In case of a lack of competitiveness, equality, transparency and economic efficiency, reasons and handling measures should be clarified and suggested;
- Any content that fails to conform to legal regulations on the bidding, possibly results to ambiguity or controversies during the implementation or create certain deviations of the contractor selection result (if any); any recommendation and handling measures.
Article 31. Negotiating the contract; submitting, verifying, approving and publicly announcing the result of contractor selection.
1. The bidder who is ranked at the first position shall be invited to negotiate the contract with procuring entities.
2. The contract negotiation shall comply with the regulations specified in Article 19 of this Decree.
3. Submitting, verifying, approving and publicly announcing the result of contractor selection shall adhere to regulations specified in Article 20 of this Decree.
OPEN AND LIMITED BIDDING PROCESSES FOR THE CONTRACT FOR CONSULTING SERVICE SUPPLY
Section 1: BIDDERS AS ORGANIZATIONS
1. Pre-selection stage must include :
a) Short-listing bidders (when necessary);
b) Composing the bidding solicitation;
c) Verifying and approving the bidding documents.
2. Contractor selection stage must include :
a) Soliciting contractors ;
b) Releasing, amending and clarifying the bidding documents;
c) Preparing, submitting, receiving, managing, adjusting and withdrawing bid packages;
d) Opening technical proposals.
3. Evaluation of technical proposals must include:
a) Examining and evaluating the validation of technical proposals;
b) Evaluating details of technical proposals;
c) Approving list of bidders who prove their proper technical capability.
4. Opening and evaluating the financial proposal must include:
a) Opening financial proposals of bidders who are present in the approved list;
b) Examining and evaluating the validation of financial proposals;
c) Evaluating details of financial proposals;
d) Rating bidders.
5. Negotiating the contract.
6. Submitting, verifying, approving and publicly announcing the result of contractor selection.
7. Completing and entering into the contract.
Based on the size and nature of the contract, the short-listing can be applied to select the bidder who prove their proper competence and experience as required in the contract for participation in the bidding. The application of the short-listing process shall be decided by competent persons as well as clarified in the plan for the selection of contractors.
1. In respect of the open bidding :
a) Generating the request for Expression of Interest :
- The request for EOI must include the following contents: a summary of project and contract information ; instructions on the preparation and submission of EOIs; required standards in contractor’s competence and experience which consists of requirements for the amount, capability and experience of bidding experts;
- 100-point scoring system shall be applied to set the evaluation criteria of responses to EOIs, which must stipulate that the minimum score is not lower than 60% of the total score as well as provide the specific evaluating scores for competence, experience and personnel, which must not be lower than 50% of maximum score of such contents.
b) Approving the request for EOI must be performed in writing and referred to the statements on approving and reporting the verification of the request for EOI;
c) The notification of EOI requests must comply with regulations specified in Point a Clause 1 Article 7 and Point b Clause 1 or Point a Clause 2 Article 8 of this Decree;
d) Releasing the EOI requests:
The EOI request shall be released free of charge to contractors prior to the deadline for bid submission;
dd) Receiving and managing EOIs:
Procuring entities must receive and manage EOIs according to the regulations on the secret file management till the result of EOIs is given;
e) Opening and evaluating EOIs:
- EOIs that have been submitted at the time and venue regulated in the request for EOIs shall be opened right after the deadline for bid submission. The opening of EOIs must be recorded and the record on the bid opening shall be sent to contractors who respond to these EOIs. EOIs that have arrived after the deadline for bid submission are considered ineligible to be opened, invalid and will be eliminated ;
- Evaluation of EOIs shall adhere to the evaluation standards set out in the request for EOIs. EOIs of contractors that gain evaluating scores not lower than the minimum required score shall be accepted in the short list ; any EOI that gains the highest score shall be ranked at the first position ; if there are more than 06 contractors who meet the requirements, only 06 top bidders shall be accepted to present in the short list;
g) Submitting, verifying and approving the EOI result :
- Based on the report on the evaluation result of the EOIs, procuring entities shall submit the approval of the result of EOIs which must clarify procuring entity’s opinions about the evaluation contents given by the expert group;
- The result of EOIs must be verified as prescribed in Clause 1 and Clause 2 Article 106 of this Decree prior to the approval;
- Result of EOIs must be approved in writing and referred to the statements on approving and reporting the verification result of EOIs;
- As for the short-listing, the written approval of the EOI result must comprise short-listed bidder’s name and notes (if any). In case the short-listing is failed, documents on approving the EOI result must clarify reasons for the failure to short-listing the contractors;
h) Publicly announcing the short list : The short list must be widely disseminated as prescribed in Point a Clause 1 Article 7 and Point c Clause 1 or Point b Clause 2 Article 8 of this Decree and sending notifications to contractors who have submitted their responses to EOIs.
2. In respect of the limited bidding:
a) Determining and approving the short list : The determination and approval of the short list must be carried out to minimum 03 bidders who prove their proper competence and experience to match the requirements of the contract and wish to participating in the bidding;
b) Publicly announcing the short list: after approval, the short list must be publicly announced according to regulations specified in Point d Clause 1 Article 7 and Point c Clause 1 or Point b Clause 2 Article 8 of this Decree.
3. Bidders present in the short list are not allowed to form the joint venture or consortium together to participate in the same bidding.
Article 34. Composing the bidding solicitation
1. The composition of bidding documents must adhere to regulations stated in Clause 1 Article 12 of this Decree.
2. Standards in the evaluation of bid packages comprise technical standards; identification of lowest quoted price (in case of the application of the lowest price method); identification of fixed price (in case of the application of fixed price method); identification of pricing score and overall evaluation standards (in case of the application of combined technical and price-based method). The bidding solicitation is not allowed to provide any terms and conditions to restrict bidder’s participation in the bidding or aim to give priority to one or several bidders, which causes unfair competitiveness.
3. Technical evaluation criteria: 100 or 1,000-point system shall be used for evaluation as follows:
a) Experience and competence of bidders must obtain the score accounting for 10% to 20% of total score;
b) Solution and methodology of the contract execution must obtain the score accounting for 30% to 40% of total score;
c) Personnel for the contract execution must obtain the score accounting for 50% to 60% of total score;
d) Total score proportion of the content specified in regulations stated in Point a, b, c of this Clause must equal 100%;
dd) Technical proposals are evaluated to meet the technical requirements when their technical scores are not lower than 70% (equivalent to 80% of total score in terms of the consulting contracts that set out high and particular technical criteria). Additionally, the score of each content in terms of the competence, experience, solution, methodology and personnel of bidders is not lower than 60% (equivalent to 70% applied to the consulting contracts that set out high and particular technical criteria) of the maximum score that that content can obtain.
4. The identification of lowest price (in case of the application of the lowest bid price method) shall be carried out as prescribed in Point c Clause 3 of this Decree.
5. The identification of fixed price (in case of the application of the fixed bid price method) shall be based on :
a) Determining the quoted bid price;
b) Correcting errors ;
c) Adjusting deviations ;
d) Deducting discounts (if any);
dd) Conversing the quoted bid price into a common currency (if any);
e) Identifying the winning quoted price, not exceeding the bid price that has been specified and fixed in the bidding documents.
6. Standards in the overall evaluation (in case of the application of the combined technical and price-based method) shall be set out as follows :
a) Determining the pricing score:
100 or 1,000-point scale shall be used to correspond to the technical scoring system. The pricing score shall be identified as follows:
Pricing score under consideration = |
Gmin x (100 or 1,000) |
G under consideration |
Where:
- Pricing score under consideration : The pricing score of financial proposal that has put under consideration;
- Gmin : The lowest quoted bid price out of the quoted bid price of bidders of which their financial capability is specifically evaluated after error correction, deviation adjustment and discount deduction (if any);
- G under consideration : The quoted bid price after error correction, deviation adjustment and discount deduction (if any), specified in the financial proposal under consideration.
b) Overall evaluation criteria:
Overall score shall be identified as follows:
Overall score under consideration = K x Technical score under consideration + G x Pricing score under consideration
Where:
- Technical score under consideration : The score identified in the technical evaluation stage;
- Pricing score under consideration : The score identified in the price-based evaluation stage;
- K: The proportion of technical score regulated in the overall scoring scale that accounts for 70% to 80%;
- G: The proportion of price-based score regulated in the overall scoring scale that accounts for 20% to 30%;
- K + G= 100%.
Article 35. Verifying and approving the bidding documents
1. Bidding documents must be verified as prescribed in Article 105 of this Decree prior to the approval;
2. b) Approving bidding documents must be performed in writing and referred to the statements on approving and reporting the verification of bidding documents;
Article 36. Contractor selection
1. Soliciting contractors;
a) The notification of Invitation for Bids is applied to the case in which the short-listing is not performed and adheres to the regulations stated in Point d Clause 1 Article 7 and Point b Clause 1 or Point a Clause 2 Article 8 of this Decree;
b) Send out Invitation for Bids to contractors who are present in the short list.
2. Release, amend and clarify the bidding documents;
Releasing, amending and clarifying bidding documents must adhere to regulations specified in Clause 2 Article 14 of this Decree.
3. Prepare, submit, receive, manage, adjust and withdraw bid packages:
Preparing, submitting, receiving, managing, adjusting and withdrawing bid packages shall be implemented as prescribed in Clause 3 Article 14 of this Decree.
4. Open technical proposals:
The opening of technical proposals must adhere to regulations specified in Clause 4 Article 26 of this Decree and shall not include the content regarding the tender guarantee.
Article 37. Rules of evaluation and clarification of bid packages as well as error correction and deviation adjustment
1. The evaluation of bid packages shall comply with rules regulated in Article 15 of this Decree.
2. The clarification of bid packages must adhere to regulations specified in Article 16 of this Decree.
3. Error correction and deviation adjustment shall adhere to regulations specified in Article 17 of this Decree.
Article 38. Evaluation of technical proposals
1. a) Examining and evaluating the validation of technical proposals:
a) The examination and evaluation of the validity of technical proposal shall be implemented as prescribed in Clause 1 and Clause 2 Article 28 of this Decree, except for the content regarding the evaluation of the validity of tender guarantees;
b) Those who keep valid technical proposals shall be qualified for the next specific evaluation.
2. Evaluating details of technical proposals:
a) Evaluation of bidder’s technical capability shall adhere to the evaluation standards set out in the bidding documents;
b) Bidders who have met the technical requirements or gained the highest technical score (in case of the application of the technical method) shall be considered and their financial proposals shall be evaluated;
c) List of bidders who have met technical requirements or gained the highest technical score (in case of the application of technical method) must be approved in writing and referred to the statements on approving and reporting the verification of list of bidders who meet technical requirements. Procuring entity must announce the list of bidders who meet technical requirements or gain the highest technical score (in case of the application of the technical method) to all of participating bidders in which those who meet the technical requirements or gain the highest technical score (in case of the application of technical method) shall be invited to open their financial proposals.
Article 39. Opening and evaluating the financial proposal
1. The opening of financial proposals shall be implemented as prescribed in Clause 2 Article 29 of this Decree.
2. The evaluation of financial proposals shall be implemented as prescribed in Article 30 of this Decree.
Article 40. Negotiating the contract
1. The contract negotiation shall comply with the regulations specified in Clause 1 and Clause 2 of this Decree.
2. Rules of contract negotiation:
The bidders' proposals that satisfy the requirements of the bidding documents shall not be negotiated.
3. The content of contract negotiation:
a) Unclear and improper contents or those that cause inconsistency between bidding documents and bid packages as well as different contents of the same bid package during the contract execution;
b) Deviations that have been detected and recommendations on possible adjustment in the bid package (if any), including the proposals for changes or alternatives of bidders if bidding documents set out regulations on allowing bidders to provide the alternatives;
c) Negotiation on personnel issue:
In the course of negotiation, contractors are not allowed to change their proposed personnel, except for the case in which the evaluation of bid packages is prolonged more than the regulated time or, due to the unexpected reasons that prevent their key proposed personnel from participating in the contract, bidders are allowed to use different personnel provided that these substitutes can prove expertise, experience and capability equivalent to or better than the proposed personnel. Despite this change, bidders are not allowed to adjust their quoted bid price;
d) Any issue that arises during the selection of contractors (if any) in the aim of providing full of detailed contents given in the bid package;
dd) Any expense incurred by the provision of consulting services on the basis of satisfying the requirements set out in the bid package as well as actual conditions;
e) Other essential contents.
4. In the course of contract negotiation, negotiating parties must draft the official contract; terms and conditions of contract, annexes consisting of detailed list of workloads, price list and the implementation progress (if any).
5. In the event that the negotiation fails, procuring entities shall send reports to investors so that they can decide whether another bidder who is ranked at the second position will be invited to negotiate the contract; if the consecutive negotiation with the second bidder is not successful, procuring entities must compile report to investors for consideration or decision on the bid cancellation as prescribed in Clause 1 Article 17 of the Bidding Law.
Article 41. Submitting, verifying, approving and publicly announcing the result of contractor selection
Submitting, verifying, approving and publicly announcing the result of contractor selection shall be carried out as prescribed in Article 20 of this Decree.
Section 2: BIDDERS AS INDIVIDUALS
Article 42. Providing, submitting and approving reference terms and list of consultants of individual bidders
1. Procuring entities must provide the reference terms and draft contract for the position of consultants of individual bidders that need to be selected as well as determine the list from 03 to 05 of consultants of individual bidders that will be then submitted for approval. In case there is only one consultant of individual bidders that meet the expected requirements for the contract execution, procuring entities send a report to investors for their consideration and decision. The content of reference terms must include:
a) A concise description of projects;
b) Requirements for coverage, workload, quality and time of the contract execution;
c) Requirements for capability and expertise of the consultants;
d) Conditions and venues for the contract execution;
dd) Other essential contents (if any).
2. Consultants of bidders as individuals may include one individual consultant or a group of consultants. If the consulting party is a group of consulting experts, they must appoint their representatives to carry out transactions with procuring entities and investors.
3. Based on all documents that procuring entities submit, investors must consider and approve reference terms and list of consultants of individual bidders.
Article 43. Sending out the invitation letters and evaluating the scientific background record of consultants of individual bidders ; approving and signing the contract
1. After reference terms and list of consultants of individual bidders have been approved, procuring entities shall send out the invitation letters and reference terms to consultants of individual bidders in the list in which the deadline and address for the receipt of scientific background record must be clarified.
2. Submitting the scientific background record:
Consultants of individual bidders must prepare their scientific background records as required in the reference terms as well as technical proposals (if any) submitted to procuring entities according to the time and venue specified in the invitation letters.
3. Evaluating the scientific background record:
Based on the content mentioned in the reference terms, procuring entities must evaluate the scientific background record of each consultant of individual bidder. Individual bidder’s consultants, who have their legal status as stipulated in Clause 2 Article 5 of the Bidding Law as well as keep their best scientific background record and technical proposal (if any) in compliance with the reference terms, shall be invited to negotiate and complete the contract with procuring entities.
4. Negotiating and completing the contract.
5. Approving the result of the selection of individual bidder’s consultants must be carried out in writing and referred to the statements on approving and reporting the result of evaluating the scientific background records of individual bidder's consultants as well as the result of contract negotiation. The official contract must accord with the decision on approving the result of the selection of individual bidder's consultants, the result of contract negotiation and contents enclosed in the reference terms.
TWO-STAGE PROCEDURES FOR OPEN BIDDING AND SELECTIVE BIDDING FOR SALE CONTRACTS, CONSTRUCTION CONTRACTS, AND MIXED CONTRACTS
Section 1: TWO-STAGE ONE-EVELOPE PROCEDURES
Article 44. Preparation for the first stage of bidding
1. Depending on the scale and nature of the contract, the short-listing method may be employed to invite capable and experienced contractors that satisfy the requirements of the contract to bid for the contract. The employment of short-listing method shall be decided by a competent person, and must be specified in the bidding plan; bidders shall be short-listed in accordance with Article 22 of this Decree.
2. Making the invitation for bids in the first stage:
a) The basis for making the invitation for bids is specified in Clause 1 Article 12 of this Decree;
b) The invitation for bids in the first stage contains: summary of the project/contract; instructions on preparation and submission of bids in the first stage; technical requirements of the contract; financial requirements in order for bidders to propose their technical plans and financial plans, which are the basis for the procuring party to complete the invitation for bids at the second stage; bidders are not requested to submit their bids or take measures to ensure their participation in the bidding.
The invitation for bids must not contain any clause that restricts participation of bidders or gives advantage to certain bidders, which causes unfair competition.
3. Evaluating and approving the invitation for bids:
a) The invitation for bids must be evaluated in accordance with Article 105 of this Decree before it is approved;
b) The approval for invitation for bids must be granted in writing in accordance with the report on evaluation of the invitation for bids.
Article 45. Holding the first stage of bidding
1. a) The first stage of bid invitation shall be carried out in accordance with Clause 1 Article 26 of this Decree;
2. Issuing, adjusting, clarifying the invitation for bids:
The invitation for bids shall be issued, adjusted, and clarified in accordance with Clause 2 Article 14 of this Decree.
3. Preparing, submitting, receiving, managing, adjusting, and withdrawing bid-envelopes:
Bid-envelopes shall be prepared, submitted, received, managed, adjusted, and withdrawn in accordance with Clause 3 Article 14 of this Decree.
4. Bid opening:
a) Bid-envelopes shall be opened publicly within 01 hours from the deadline for submitting bids. Only open the bid-envelopes received by the procuring entity before the bid closing time as required by the invitation for bids in the presence of representatives of bidders during the bid opening ceremony, regardless of the presence of the bidders;
b) Bid envelops shall be opened one by one in alphabetical order as follows:
- Check the seal;
- Open the envelop, read out loud the name of the bidder, the number of original copies and photocopies, primary information in the bid form; effective date of the bid-envelope, and relevant information.
c) Bid opening record: information mentioned in Point b of this Clause must be written in the bid opening record. The bid opening record must be signed by representatives of the procuring party and bidders that attend the bid opening. The record must be sent to every bidder that attends the bid opening;
d) The representative of the procuring entity must sign the original copy of the bid form, the letter of attorney of the bidder (if any), and the partnership agreement (if any).
5. Discussion about bid-envelopes in the first stage:
While evaluating bid-envelopes in the first stage, according to requirements in the invitation for bids and proposals of bidders in the bid-envelopes, the procuring entity shall discuss with each bidder in order to clarify the technical and financial requirements of the contract, which is necessary for completion of the invitation for bids at the second stage. The procuring entity must ensure that information in bid-envelopes in the first stage of bidders is not revealed.
Article 46. Preparing, organizing the second stage of bidding
1. Making the invitation for bids in the second stage:
a) Basis for making invitation for bids:
Apart from the basis specified in Clause 1 Article 12 of this Decree, when making the invitation for bids in the second stage, it is required to refer to proposals of bidders that participate in the first stage.
b) Contents of the invitation for bids:
The invitation for bids must specify criteria for evaluating bid-envelopes, including criteria for evaluating bidders’ competence and experience (If bidders have undergone prequalification, the criteria for evaluating bidders’ experience may be omitted in the invitation for bids; however, bidders must be requested to update information about their competence), criteria for technical evaluation; criteria for determination of evaluated prices (if applied), prices, and overall evaluation criteria (in case of combination of technical and pricing evaluation) and relevant contents mentioned in Clauses 2, 3, 4, 5, 7, 8 of Article 12, and Article 24 of this Decree. The invitation for bids must not contain any clause that restricts the participation of bidders or favor certain bidders, which creates unfair competition.
2. Evaluating and approving the invitation for bids:
a) The invitation for bids must be evaluated in accordance with Article 105 of this Decree before it is approved;
b) The approval for invitation for bids must be granted in writing in accordance with the report on evaluation of the invitation for bids.
3. Holding the bidding:
a) Every bidder who has submitted the bid-envelope in the first stage shall receive the invitation for bids in the second stage. The invitation for bids in the second stage shall be issued, adjusted, and clarified in accordance with Clause 2 Article 14 of this Decree;
b) Preparing, submitting, receiving, managing, adjusting, and withdrawing bid-envelopes:
Bid-envelopes shall be prepared, submitted, received, managed, adjusted, and withdrawn in accordance with Clause 3 Article 14 of this Decree.
4. Bid opening:
Bid-envelopes shall be opened in accordance with Clause 4 Article 14 of this Decree.
Article 47. Evaluation of bid-envelopes and contract negotiation in the second stage
1. Bid-envelopes shall be evaluated in accordance with the rules in Article 15 of this Decree.
2. Bid-envelopes shall be clarified in accordance with Article 16 of this Decree.
3. Error correction and adjustment of deviations shall be carried out in accordance with Article 17 of this Decree.
4. Evaluation of bid-envelopes and contract negotiation shall be carried out in accordance with Article 18 and Article 19 of this Decree.
Article 48. Submitting, verifying, approving, and announcing contractor selection result; drafting and concluding contract
1. The result of contractor selection shall be submitted, verified, approved, and announced in accordance with Article 20 of this Decree.
2. Drafting and concluding the contract:
The contract between both parties must conform to the decision to approve the contractor selection result, the contract negotiation record, the bid-envelope, the invitation for bids, and relevant documents.
Section 2: TWO-STAGE TWO-EVELOPE PROCEDURES
Article 49. Preparation for first stage of bidding
1. Depending on the scale and nature of the contract, the short-listing method may be employed to invite capable and experienced contractors that satisfy the requirements of the contract to bid for the contract. The employment of short-listing method shall be decided by a competent person, and must be specified in the bidding plan; bidders shall be short-listed in accordance with Article 22 of this Decree.
2. Making the invitation for bids of the first stage:
a) The basis for making the invitation for bids is specified in Clause 1 Article 12 of this Decree;
b) Contents of the invitation for bids:
The invitation for bids must specify criteria for evaluating bid-envelopes, including criteria for evaluating bidders’ competence and experience (If the bidders have undergone prequalification, the criteria for evaluating bidders’ experience may be omitted in the invitation for bids; however, bidders must be requested to update info about their competence), criteria for technical evaluation; request for bidders’ financial proposals, and relevant contents mentioned in Clauses 2, 3, 4, 5, 7, 8 of Article 12, and Article 24 of this Decree. The invitation for bids must not contain any clause that restricts the participation of bidders or favor certain bidders, which creates unfair competition.
3. Evaluating and approving the invitation for bids:
a) The invitation for bids must be evaluated in accordance with Article 105 of this Decree before it is approved;
b) The approval for invitation for bids must be granted in writing in accordance with the report on evaluation of the invitation for bids.
Article 50. Holding the first stage of bidding
1. a) The first stage of bid invitation shall be carried out in accordance with Clause 1 Article 26 of this Decree.
2. Issuing, adjusting, clarifying the invitation for bids:
The invitation for bids shall be issued, adjusted, and clarified in accordance with Clause 2 Article 14 of this Decree.
3. Preparing, submitting, receiving, managing, adjusting, and withdrawing bid-envelopes:
Bid-envelopes shall be prepared, submitted, received, managed, adjusted, and withdrawn in accordance with Clause 3 Article 14 of this Decree.
4. Opening technical proposals:
Technical proposals shall be opened in accordance with Clause 4 Article 26 of this Decree. Financial proposals shall be opened in the second stage.
5. Evaluation of technical proposals:
a) Technical proposals shall be evaluated in accordance with Article 28 of this Decree.
b) While evaluating technical proposals, according to requirements in the invitation for bids and technical proposals of bidders, the procuring entity shall discuss with each bidder in order to make technical adjustment to the invitation for bids.
6. The list of bidders that meet technical requirements in the first stage must be approved in writing based on the report on verification of technical evaluation result . The procuring party must send the list of bidders that meet technical requirements to all bidders that participate in the first stage, then invite the bidders that meet technical requirements in the first stage to participate in the second stage.
Article 51. Preparing, organizing the second stage of bidding
1. Making the invitation for bids in the second stage:
a) Basis for making invitation for bids:
Apart from the basis specified in Clause 1 Article 12 of this Decree, when making the invitation for bids in the second stage, it is required to refer to the discussions with bidders that participate in the first stage;
b) Contents of the invitation for bids:
The invitation for bids in the second stage is made based on the invitation for bids in the first stage and must conform to technical adjustments agreed with bidders.
2. Evaluating and approving the invitation for bids:
a) The invitation for bids must be evaluated in accordance with Article 105 of this Decree before it is approved; only the contents related to technical adjustments compared to the invitation for bids in the first stage shall be evaluated;
b) The approval for invitation for bids must be granted in writing in accordance with the report on evaluation of the invitation for bids.
3. Issuing, adjusting, clarifying the invitation for bids:
Every bidder who satisfies technical requirements in the first stage shall receive the invitation for bids in the second stage. The invitation for bids in the second stage shall be issued, adjusted, and clarified in accordance with Clause 2 Article 14 of this Decree.
4. Preparing, submitting, receiving, managing, adjusting, and withdrawing bid-envelopes:
Bid-envelopes shall be prepared, submitted, received, managed, adjusted, and withdrawn in accordance with Clause 3 Article 14 of this Decree. A bid-envelope consists of a technical proposal and a financial proposal as requested in the invitation for bids in the second stage, which are conformable with technical adjustments.
5. Bid opening:
a) Bids shall be opened publicly within 01 hours from dead line for bid submission. Only open the bid-envelopes received by the procuring entity before the bid closing time as required by the invitation for bids in the presence of representatives of bidders during the bid opening ceremony, regardless of the presence of the bidders;
b) Bids shall be opened one by one in alphabetical order as follows:
- Request the representative of each bidder who participates in the bid opening to confirm the inclusion of letter of price reduction in their financial proposal in the first stage and the bid-envelope in the second stage;
- Check the seals of the envelopes that contain financial proposals in the first stage, financial proposals in the first stage of the bidders that participate in the second stage, and bid-envelopes of the bidders that participate in the second stage of bidding;
- Open the financial proposals in the first stage of the bidder that participate in the second stage, and open the bid-envelopes in he second stage, each of which consists of a technical proposal and a financial proposal in the second stage, which are conformable with technical adjustments;
c) Bid opening record: information mentioned in Point b of this Clause must be written in the bid opening record. The bid opening record must be signed by representatives of the procuring entity and bidders that attend the bid opening, and be sent to every bidder that participate in the second stage of bidding;
d) The representative of the procuring entity must sign the original copy of the bid form, the letter of price reduction (if any), the letter of attorney of the bidder (if any), the tender guarantee; the financial proposal, and other contents of each bid-envelope.
Article 52. Evaluation of bid-envelopes and contract negotiation in the second stage
1. Evaluation of bid-envelopes and contract negotiation in the second stage shall be carried out in accordance with Article 18 and Article 19 of this Decree. The technical contents that have been concurred with in the first stage shall not be evaluated again.
2. Every bidder who satisfies technical requirements in the second stage shall have their financial proposal evaluated. Financial evaluation shall be carried out in consideration of the bidder’s financial proposal in the first stage and financial proposal in the second stage, technical proposal in the first stage, and technical adjustments proposed by the bidder in the second stage.
Article 53. Submitting, verifying, approving, and announcing contractor selection result; drafting and concluding contract
1. The result of contractor selection shall be reported, verified, approved, and announced in accordance with Article 20 of this Decree.
2. Drafting and concluding the contract:
The contract between both parties must conform to the decision to approve the contractor selection result, the contract negotiation record, the bid-envelope, the invitation for bids, and relevant documents.
NO-BID CONTRACT AWARDING, SHOPPING, DIRECT PROCUREMENT, AND SELF-SUPPLY
Section 1: NO-BID CONTRACT AWARDING
Article 54: Limits on no-bid contract awarding
Limits on no-bid contract awarding prescribed in Point e Clause 1 Article 22 of the Law on Bidding:
1. Contracts for consulting services, non-consulting services, and public services: VND 500 million; contracts for goods procurement, construction, installation, procurement of medicines, medical equipment, public procurement, mixed contracts: VND 01 billion;
2. Contracts for regular procurements: VND 100 million.
Article 55. Standard process of no-bid contract awarding
1. Preparation for contractor selection:
a) Making the request for proposals:
The request for proposals must be made in accordance with Clause 1 Article 12 of this Decree. The request for proposals shall contain summary of the project/contract; instructions on preparation and submission of the proposal; requirements with regard to the contractor’s competence and experience; criteria for technical evaluation and price determination. The contractor’s competence and experience shall be assessed as satisfactory or unsatisfactory;
b) Evaluating and approving the request for proposals, selection of the no-bid contractor:
- The request for proposals must be evaluated in accordance with Article 105 of this Decree before it is approved;
- b) The approval for invitation for bids must be granted in writing in accordance with the report on evaluation of the request for proposals.
- The eligible contractor defined in Points a, b, c, d, e and h Clause 1 Article 5 of the Law on Bidding, who is experienced and capable enough to execute the contract, shall receive the request for proposals.
2. Contractor selection:
a) The request for proposals shall be issued to the selected contractor;
b) The contractor shall prepare and submit the proposal as requested in the request for proposals.
3. Proposal evaluation and negotiation:
a) The proposal shall be evaluated in accordance with the criteria specified in the request for proposals. During the evaluation, the procuring entity shall request the contractor to enter into a negotiation, clarify, or adjust information in the proposal in order to prove that the contractor meets all requirements with regard to experience, competence, punctuality, quality, technical solutions, and administration serving the contract execution;
b) The contractor shall be selected when all of the following requirements are satisfied: the contractor has a valid proposal; the bidder’s experience, competence, and technical proposal satisfy requirements in the request for proposals; the quoted prices do not exceed the approved estimates.
4. The result of no-bid contract awarding shall be reported, verified, approved, and announced in accordance with Article 20 of this Decree.
5. Drafting and concluding the contract:
The contract between both parties must conform to the decision to approve the no-bid contract, the contract negotiation record, the proposal, the request for proposals, and relevant documents.
Article 56. Shortened process of no-bid contract awarding
1. The shortened process is applied to contracts defined in Point a Clause 1 Article 22 of the Law on Bidding, except for those that must be executed to ensure state secrets:
The investor or the regulatory body in charge of the contract shall appoint an experienced and capable contractor to execute the contract. Within 15 days from the appointment, both parties must complete the no-bid contract awarding procedures, including: preparing and sending the draft contract to the contractor, which specifies the tasks, schedule, quality, and corresponding value, then concluding the contract. According to the result of contract negotiation, the investor or the regulatory body shall approve the no-bid contract and sign the contract with the selected contractor. The contractor selection shall be announced in accordance with Point d Clause 1 Article 7 and Point c Clause 1 or Point b Clause 2 Article 8 of this Decree.
2. If the contract does not exceed the limits on no-bid contracts prescribed in Article 54 of this Decree:
a) In consideration of the targets, tasks, and approved estimates, the procuring entity shall prepare and send the draft contract to the contractor, who is considered experienced and capable enough to execute the contract by the investor. The draft contract shall specify the tasks, schedule, quality, corresponding value, and relevant contents;
b) Based on the draft contract, the procuring entity and the selected contractor shall enter into a negotiation and complete the contract, which is the basis for approving the contractor selection and contract conclusion;
c) Contract conclusion:
The contract signed by the parties must conform to the decision to the contractor selection result, the contract negotiation record, and relevant documents.
1. Standard process of shopping applies to any of the contracts defined in Clause 1 Article 23 of the Law on Bidding, the value of which does not exceed VND 05 billion.
2. Shortened process of shopping applies to any of the contracts defined in Point a Clause 1 Article 23 of the Law on Bidding whose value does not exceed VND 500 million; any of the contracts defined in Point b and Point c Clause 1 Article 23 of the Law on Bidding whose value does not exceed VND 1 billion; and regular procurement contracts whose value does not exceed VND 200 million.
Article 58. Standard process of shopping
1. Preparation for contractor selection:
a) Making the request for proposals:
The request for proposals must be made in accordance with Clause 1 Article 12 of this Decree. The request for proposals shall contain summary of the project/contract; instructions on preparation and submission of the proposal; requirements with regard to the contractor’s competence and experience; criteria for technical evaluation and determination of lowest prices. The contractor’s competence and experience shall be assessed as satisfactory or unsatisfactory;
b) Evaluating and approving the request for proposals:
- The request for proposals must be evaluated in accordance with Article 105 of this Decree before it is approved;
- The approval for the request for proposals must be granted in writing in accordance with the report on evaluation of the request for proposals.
2. Contractor selection:
a) The procuring entity shall post the request for offers in accordance with Point d Clause 1 Article 7 and Point b Clause 1 or Point a Clause 2 Article 8 of this Decree.
The request for proposals shall be issued to any bidder that wishes to participate by the deadline written in the request for offers (at least 03 working days from the day on which the request is posted on the national procurement system or the Vietnam Public Procurement Review Journal);
b) The request for proposals shall be adjusted and clarified in accordance with Clause 2 Article 14 of this Decree;
c) Bidders shall send their proposals to the procuring entity directly or by post. Each bidder may submit only one proposal;
d) The procuring entity is responsible for protect the confidentiality of information in the proposals submitted by bidders. Right after the deadline for submitting proposals, the procuring entity shall open the proposals and make a bid opening record, which contains: names of bidders, offered prices, validity periods of proposals; values and validity periods of tender guarantee; contract duration. This record shall be sent to every bidder that has submitted their proposals.
3. Evaluation of Proposal evaluation and negotiation:
a) The procuring entity shall evaluate the proposals submitted. A bidder is “passed” if that bidder’s proposal is valid, the bidder’s experience and competence are satisfactory, and all technical requirements are satisfied.
b) The procuring entity shall compare offered prices in the proposals that satisfy technical requirements in order to determine the proposal that offers the lowest price. The bidder that offers the lowest price which does not exceed the contract value after error correction, adjustment of deviation, and deduction of discount (if any) shall be invited to enter into the contract negotiation;
c) The contract negotiation shall be carried out in accordance with Article 19 of this Decree.
4. Reporting, verifying, approving, and announcing contractor selection result:
The result of contractor selection shall be reported, verified, and announced in accordance with Article 20 of this Decree.
5. Drafting and concluding the contract:
The contract between both parties must conform to the decision to approve the result of shopping, the contract negotiation record, the proposal, the request for proposals, and relevant documents.
6. Schedule for standard process of shopping:
a) The minimum time limit for preparing the proposal is 05 working days from the day on which the request for proposals is issued;
b) If the request for proposals must be adjusted, the procuring entity must notify the bidder at least 03 working days before the deadline for submitting proposals;
c) Proposals shall be evaluated within 20 days from the bid opening date. Then, the procuring entity shall make a request for approval for the result of contractor selection, which is enclosed with the report on proposal evaluation.
d) The result of contractor selection shall be verified within 07 working days from the day on which the request for verification is received;
dd) The result of contractor selection shall be approved within 05 working days from receipt of request for approval from the procuring entity and the verification report from the verifying unit;
e) Other deadlines are specified in Clause 1 Article 12 of the Law on Bidding.
Article 59. Shortened process of shopping
1. Preparing and sending the request for proposals:
a) The request for quotation shall specify the tasks, technical requirements, validity period of the quotation, quotation submission date, requirements with regard to warranty, maintenance, training, transfer, contract drafting, time for preparation and submission of the quotation (at least 03 working days from the date of issue of the request for quotation) and other relevant information. Guarantee for participation in bidding shall be omitted;
b) After the request for quotations is approved, the procuring entity shall post it on a provincial newspaper, or the national procurement system, or send it directly to at least 03 capable bidders. If the request for quotations is send directly, the procuring entity shall send the request to any bidder that wishes to offers their quotations by the deadline for submitting quotations. The request for quotations shall be issued free of charged and sent directly, by post, email, or fax.
2. Submitting and receiving quotations:
a) Each contractor shall prepare and submit 01 quotation as requested. The quotation may be submitted directly, by post, email, or fax;
b) The procuring entity is responsible for protect the confidentiality of information in the quotations submitted by bidders. Right after the deadline for submitting quotations, the procuring entity make a note of receipt of quotations submitted by the deadline, which specify information such as: contains: names of bidders, quoted prices, validity periods of quotations. This note shall be sent to every bidder who has submitted their quotation.
3. Evaluation of quotations:
a) The procuring entity shall compare the quotations according to the request for quotations. Any quotation that satisfies all requirements in the request and the quoted price in which is lowest and does not exceed the contract value after error correction, adjustment of deviation, and deduction of discount (if any) shall be selected;
b) During the evaluation, procuring entity may invite the bidder that offers the lowest price after error correction, adjustment of deviation, and deduction of discount (if any) to enter into a contract negotiation.
4. Reporting, verifying, approving, and announcing contractor selection result:
The result of contractor selection shall be reported, verified, and announced in accordance with Article 20 of this Decree.
5. Drafting and concluding the contract:
The contract between both parties must conform to the decision to approve the result of shopping, the contract negotiation record, and relevant documents.
6. Schedule of shortened process of shopping:
a) Quotations shall be evaluated within 10 days from the bid opening date. Then, the procuring entity shall make a request for approval for the result of contractor selection, which is enclosed with the report on quotation evaluation.
b) The result of contractor selection shall be verified within 04 working days from the day on which the request for verification is received;
c) The result of contractor selection shall be approved within 03 working days from receipt of the request for approval from the procuring entity and the verification report from the verifying unit;
Article 60: Direct procurement process
1. Preparation for contractor selection:
a) Making the request for proposals:
The request for proposals must be made in accordance with Clause 1 Article 12 of this Decree. The request for proposals shall contain the summary of the project/contract; request that the contactor update information about their competence; requirements with regard to punctuality and commitment to provide technically satisfactory goods with high quality as described in the invitation for bids, and requirements for the unit prices. If goods in the direct procurement contract is one of those in a similar contract that was signed earlier, the value of such goods must be lower than 130% of the value of the goods in the earlier contract;
b) The request for proposals must be evaluated in accordance with Article 105 of this Decree before it is approved;
c) The approval for the request for proposals must be granted in writing in accordance with the report on evaluation of the request for proposals.
2. The request for proposals shall be issued to the selected contractor; If this contractor is not capable of performing the direct procurement contract, the request for proposals shall be issued to another bidder who satisfies the requirements in Clause 3 Article 24 of the Law on Bidding.
3. The contractor shall prepare and submit the proposal as requested.
4. Proposal evaluation and negotiation:
a) Proposal evaluation:
- Check information about techniques and prices;
- Update information about the bidder’s competence;
- Assess the progress, goods supply solution, technical solutions, and measures to perform the contract;
- Other contents (if any).
b) During the evaluation, the procuring entity shall request the contractor to enter into a negotiation, clarify information in the proposal in order to prove that the contractor meets all requirements with regard to experience, competence, punctuality, quality, technical solutions, and measures to perform the contract;
c) The procuring entity must ensure that the prices for items of the direct procurement contracts do not exceed the prices for similar items of an earlier contract, and that they are conformable with market prices at the time of contract negotiation.
5. Reporting, verifying, approving, and announcing contractor selection result:
a) The result of contractor selection must be verified in accordance with Clause 1 and Clause 4 Article 106 of this Decree before it is approved;
b) The result of contractor selection must be approved in writing according to the written request for approval and the verification report;
c) The result of contractor selection shall be notified to every bidder that submits the proposal, and shall be disclosed in accordance with Point d Clause 1 Article 7 and Point c Clause 1 or Point b Clause 2 Article 8 of this Decree.
6. Drafting and concluding the contract:
The contract between both parties must conform to the decision to approve the result of direct procurement, the contract negotiation record, the proposal, the request for proposals, and relevant documents.
The employment of self-supply method must be approved in the contractor selection plan in accordance with Article 25 of the Law on Bidding, and satisfy preconditions below:
1. The licensed business lines are suitable for the contract requirements;
2. The ability to mobilize manpower and equipment to ensure punctuality must be proven in the self-supply plan;
3. The unit appointed to perform the contract must not transfer any part thereof if its value is 10% of the contract value or higher than VND 50 billion, whichever come first.
Article 62: Self-supply process
1. Preparing the self-supply plan and draft the contract or assignment note:
The self-supply plan shall specify the tasks, value, duration, quality thereof, the draft contract or assignment note. If the contract is performed by a financially dependent unit, the plan must include the draft contract. If a financially dependent unit is not available, the plan must include a draft of the assignment note, which assigns an internal unit to perform the contract.
2. Completing the self-supply plan; negotiating, completing the contract or assignment note:
Discuss the information that is not clear or conformable in the self-supply plan, the draft contract, or the assignment note, and other necessary contents.
3. Signing the contract or assignment note:
The procuring entity shall sign the contract or assignment note with a unit to perform the contract.
4. If specialized law prescribes that the contract performance must be supervised, the procuring entity must select a supervisory contractor who is legally and financially independent to supervise the contract performance; If specialized laws do not require this or an independent supervisory contractor is not available because the contract has to be performed in an remote area or the contract value is below VND 01 billion, the procuring entity shall supervise the contract performance itself.
SELECTION OF CONTRACTORS FOR MINOR CONTRACTS OR CONTRACTS PARTICIPATED BY LOCAL COMMUNITIES
Section 1: SELECTION OF CONTRACTORS FOR MINOR CONTRACTS
Article 63. Limits on minor contracts
A minor contract is a contract for provision of non-consulting services or goods purchase valued at up to VND 10 billion; a construction contract or mixed contract valued at up to VND 20 billion.
Article 64. Selection of contractors for minor contracts
1. The contractor selection process applied to minor contracts is the same at that specified in Section 1 Chapter II and Chapter V of this Decree.
2. Contractor selection schedule:
a) The invitation for bids shall be issued within the time limits in the bidding notice, which is not shorter than 03 working days from the day on which it is posted on the national procurement network or the Vietnam Public Procurement Review Journal;
b) The time limit for preparing the bid-envelope shall not be shorter than 10 days from the date of issue of the invitation for bids;
c) When the invitation for bids must be adjusted, the procuring entity must notify the bidders at least 03 working days before the deadline for submitting bids in order for them to have enough time to prepare their bid-envelopes;
d) Bid-envelopes shall be evaluated within 25 days from the bid opening date, then the procuring entity shall submit a written request for approval for the contractor selection result, which is enclosed with a report on contractor selection result;
dd) The contactor selection result shall be verified within 10 days from the receipt of the request for verification;
e) The
g) Other deadlines are specified in Clause 1 Article 12 of the Law on Bidding.
3. The value of tender guarantee varies from 1% to 1.5% of the contract value; the value of performance guarantee varies from 2% to 3% of the agreed price.
Section 2: SELECTION OF CONTRACTORS FOR CONTRACTS PARTICIPATED BY LOCAL COMMUNITIES
Article 65. Eligibility of local communities, associations, group of workers to participate in performance of contracts
1. A local community, association, or group of workers is considered eligible to participate in performance of any of the contracts prescribed in Article 27 of the Law on Bidding when its member performs the contract and benefits from it.
2. The representative of the local community, association, or group of workers must be capable of civil acts, not facing any criminal prosecution, and is designated by other members to sign the contract on their behalf.
Article 66. Selection of a local community, association, or group of workers as a contractor
1. The investor shall draft contract shall specify the tasks, schedule, quality, contract value, rights and obligations of both parties.
2. The investor shall publicly post the invitation at the People’s Committee of the commune, through the mass media of the commune, and other public places. The invitation must specify the time for discussing the contract performance plan.
3. The interested communities, associations, or groups of workers shall study the draft contract and prepare introduction documents, specifying the members’ names, ages, competence, and experience, which suit the demands of the contract.
4. The investor shall invite the best community, association, or group of workers to enter into a contract negotiation.
If there is only one community, association, or group of workers shows their interest, the investor shall consider giving the contract to such community, association, or group of workers. If the contract cannot be given to a community or association, it shall be given to a group of worker.
5. The contract shall be concluded within 30 days from the day on which the invitation is announced.
Article 67. Advance, payment, project supervision and approval
1. The local community, association, or group of worker shall receive advance and payment from the investor in cash or by wire transfer via a representative thereof in accordance with instructions of the Ministry of Finance.
2. Investor shall supervise the construction, the People’s Committee of the commune and other associations shall participate in the supervision.
3. The investor shall carry out an inspection and consider approving the construction after it is finished. Participants in the inspection:
a) A representative of the investor;
b) Representatives of the local community, association, or group of workers that execute the construction;
c) Representatives of the community that benefits from the construction;
d) Other participants decided by the investor.
BULK PURCHASING, REGULAR PURCHASES, PURCHASES OF MEDICINES, MEDICAL EQUIPMENT, AND PUBLIC PROCUREMENT
Article 68. Rules for bulk purchasing
1. The purchases must be made via a unit specialized in bulk purchasing (hereinafter referred to as bulk-purchasing unit) of a Ministry, ministerial agency, Governmental agency, a central agency, the People’s Committee of a province, or a company. If the bulk-purchasing unit is not capable, it shall hire a professional bidding organizer to select a contractor.
2. With regard to goods and services on the list of goods/services that must be purchased in bulk, the buyer shall recognize the result of contractor selection, the framework agreement, and sign a contract with the selector contractor via shopping pursuant to the framework agreement. If the contract is signed with a contractor other than that selected via shopping, the contract shall not be paid for.
3. Application of online bidding to bulk purchasing shall be carried out under the roadmap approved by the Prime Minister.
4. When selecting contractors to perform similar contracts within the competence of different persons, such persons shall reach an agreement on authorizing a competent person as prescribed in Article 73 of the Law on Bidding; in this case, the competent person shall appoint a unit capable of selecting a contractor and fulfill other obligations prescribed in Article 69 of this Decree.
Article 69. Responsibilities to bulk purchasing
1. The bulk-purchasing unit shall fulfill the obligations in Article 74 and Article 75 of the Law on Bidding. Regulations in Clause 2 Article 74 and Point c Clause 2 Article 75 of the Law on Bidding shall be implemented as follows:
a) Directly sign a contract with the selected contractor as prescribed in Point a Clause 3 Article 44 of the Law on Bidding;
b) Sign a written agreement as prescribed in Point b Clause 3 Article 44 of the Law on Bidding.
2. The entity superior to the bulk-purchasing unit shall discharge its duties prescribed in Article 73 of the Law on Bidding.
Article 70. Overall bulk purchasing process
1. Overall bulk purchasing process:
a) Survey the needs;
b) Make, evaluate, and approve the contractor selection plan;
c) Prepare for contractor selection;
d) Carry out the contractor selection;
dd) Evaluate bid-envelopes and negotiate the contract;
e) Verify, approve, and announce the result of contractor selection;
g) Complete and sign the framework agreement;
h) Complete, sign, and perform the contract with the selected contractor. If the bulk-purchasing unit directly signs a contract with the selected contractor, the framework agreement mentioned in Point g of this Clause may be omitted;
i) Pay for and finalize the contract.
2. Depending on the scale and characteristics of the contract, the bulk-purchasing process may be divided into multiple parts, each of which may be performed by a separate contractor.
Article 71: List of goods and services purchased in bulk
1. Goods and services shall be put on the list of goods and services purchased in bulk when:
a) They are purchased in large quantities or commonly used at many organizations;
b) Goods or services must be consistent and modern.
2. Responsibility to issue the list of goods/services purchased in bulk:
a) The Ministry of Finance shall issue to issue the national list of goods/services purchased in bulk. The Ministry of Health shall issue the list of medicines purchased in bulk;
b) Ministries, regulatory bodies, local governments and companies shall issue their own lists of goods/services purchased in bulk.
Article 72. Contents of the framework agreement
Depending on the scale and characteristics of the contract, the bulk-purchasing unit shall specify the contents of the framework agreement in the invitation for bids, which consist of:
1. The goods/services provided; quantities of goods/services;
2. Intended delivery time and location;
3. Conditions for transfer of goods/services; advances, payments, and contract finalization;
4. Ceiling prices of goods/services;
5. Warranty, maintenance; training, instructions on using goods/services;
6. Responsibilities of the goods/services provider;
7. Responsibilities of the unit that directly signs the sale contract;
8. Responsibilities of the bulk-purchasing unit;
9. Effective period of the framework agreement;
10. Penalties for contract breaches;
11. Relevant contents.
Regular purchases (except for purchases of supplies and equipment for the project; specialized equipment and vehicles serving national defense and security) include:
1. Purchases of working equipment under government’s regulations on standards and limits on working equipment of state agencies, officials and civil servants;
2. Purchases of supplies, tools, and equipment serving regular operation;
3. Purchases of machinery and equipment serving professional operation, assurance of occupational safety and fire safety;
4. Purchases of professional outfits (including payment for materials and tailoring services);
5. Purchases of IT products: machines, equipment, accessories, software, and other IT products, including installation, test run, warranty (if any) IT projects funded by government budget according to government’s regulations on management of IT applications funded by government budget.
6. Purchases of means of transport: cars, bikes, ships, boats, and other vehicles (if any);
7. Publications, documents, forms, stamps, books, videos, and propagation products serving professional operation;
8. Maintenance, repair of machines, equipment, vehicles; lease of the office building and other goods; lease of the transmission lines; insurance, supply of electricity, water; telephone line, and other services;
9. Consulting services include: consultancy on technology selection; bid-envelope evaluation, and other consulting services;
10. Industrial property rights, intellectual property rights (if any);
11. Other goods/services purchased for the purpose of sustaining the normal operation of the unit.
Article 74. Regular purchase process
The selection of a contractor for regular purchase must comply with regulations on selection of contractors for the projects mentioned in Chapter II and Chapter II of the Law on Bidding.
Section 3: Purchase of medicines and medical equipment
Article 75: PURCHASE OF MEDICINES AND MEDICAL EQUIPMENT
1. Purchase of medicines by selection of contractor as prescribed in the Law on Investment must comply with the rules below:
a) The selected medicines have reasonable prices and satisfy requirements with regard to quality, delivery, preservation, and relevant clauses;
b) The selected contractor must supply medicines in accordance with the concluded contract;
c) The selected contractor must ensure that the supplied medicines satisfy quality requirements with regard to all stages of the contract, including raw materials, manufacture, packaging, delivery, preservation, and transfer;
d) Medicines that cannot be manufactured in Vietnam shall be purchased in bulk, except for those with negotiable prices;
dd) Single-stage two-envelope bidding process may be applied to minor contracts for medicine supply if both quality and prices of medicines must be considered.
2. The selection of contractor for supply of medical equipment is similar to the process applied to goods purchase contracts.
Article 76. Entitlements to medicine purchase
1. Entitlements to approve the contractor selection plan:
a) Ministers; Heads of ministerial agencies, Heads of Governmental agencies and other central agencies; Presidents of the People’s Committee of provinces shall consider approving the plans for selection of medicines supplier of public medical facilities under their management;
b) Legal representatives of non-public medical facilities shall consider approving the plans for selection of their medicine suppliers if contracts for medical services covered by health insurance are signed with social insurance authorities.
2. Entitlements to approve the contractor selection plan:
a) Heads of public medical facilities shall consider approving invitations for bids, requests for proposals, and result of selection of their medicine suppliers;
b) When buying medicines in bulk as prescribed in Section 1 of this Chapter, the President of the People’s Committee of the province shall delegate the Director of the Service of Health to consider approving the invitation for bids and the selected medicine suppliers of the units under their management as prescribed in Clause 1 Article 69 of this Decree;
c) Legal representatives of non-public medical facilities shall consider approving the invitations for bids, requests for proposals, and result of selection of their medicine suppliers if contracts for medical services covered by health insurance are signed with social insurance authorities.
Article 77. Responsibilities of various authorities to medicine purchasing
1. The Ministry of Health shall:
a) Issue lists of medicines purchased via bidding, medicines purchased in bulk, and medicines with negotiable prices according to proposals of the National Medicine Bidding Council;
b) Hold national bulk purchases of medicines and preside price negotiations;
c) Formulate a roadmap and provide guidance on purchase of medicines for local governments, ensure bulk purchases of medicines are nationwide from 2016.
d) Compile a list of medicines that can be manufactured in Vietnam, which meet the requirements with regard to effectiveness, prices, and supply, according to registration numbers, medicine prices declared by domestic manufacturers, minimum registered quantity according to dosage form and compound, and other criteria;
dd) Annually make a short list of medicine manufacturers and suppliers that are experienced, competent, and reliable, which is the basis for holding selective bidding.
2. The National Medicine Bidding Council, the establishment of which is decided by the Minister of Health, consists of representatives of the Ministry of Health, the Ministry of Finance, Social Insurance Office, Vietnam Pharmacy Company Association, and relevant organizations. The Council shall provide the Ministry of Health with consultancy on:
a) Compilation of lists of medicines purchased via bidding, medicines purchased in bulk, and medicines with negotiable prices;
b) Selection of medicine suppliers during national bulk purchasing process;
b) Selection of medicine suppliers during national price negotiation process;
3. Social Insurance Office shall:
a) Participate in the selection of medicines suppliers;
b) Announce prices of selected medicines and average prices of selected medicines that are covered by health insurance fund of each hospital, local budget, and the Ministry of Health on the website of Social Insurance Office.
Article 78. Medicine price negotiation process
1. An invitation to negotiate shall be sent to medicine suppliers (manufacturers, suppliers) specifying the location, time, and types of medicines.
2. Based on the invitation, each invited medicine supplier shall make a quotation for medicines, which specifies their pharmacology, origins, quantity, offered prices, delivery clause, and relevant contents.
3. The negotiation council shall enter into a price negotiation with each medicine supplier to determine the one that satisfy requirements with regard to quality, quantity, preservation, delivery, and other relevant requirements pertaining to specifications, quality, and price determination.
4. If two or more medicine suppliers enter into the price negotiation, the negotiation council shall request the suppliers to make another quotation after the negotiation. The request for another quotation must specify the deadline and location for receiving the quotation, the time for opening quotations, and invite the suppliers to attend the quotation opening ceremony. Prices in the new quotation must not exceed the negotiated prices. The supplier that offers the lowest price shall win the contract.
5. The medical facility that directly uses medicines shall sign a contract with the medicine supplier selected via price negotiation.
Article 79. Shortened no-bid contract awarding
Medicines shall be purchased under no-bid contracts in the following cases:
1. The contract does not exceed the limits on no-bid contracts prescribed in Article 54 of this Decree;
2. The medicines are rare, urgently needed, but not included in the contractor selection plan.
3. The medicines that are used for emergencies (epidemics, natural disasters, hostilities that seriously threaten patients’ health) are not on the list of bidding for medicine supply in the year, which is approved by a competent authority,
4. The medicines are on the list of bidding for medicine supply in the year, which is approved by a competent authority, but the result of contractor selection is not available or no contractor is selected while such medicines are urgently needed for emergencies;
5. The medicines are on an approved list of bidding for medicine supply in the year, but the demand exceeds the plan approved by a competent authority.
Article 80. Criteria for medicine evaluation
1. The criteria for evaluating bid-envelopes include criteria for evaluating experience and competence, criteria for technical evaluation, and criteria for overall evaluation.
2. Experience and competence shall be assessed as satisfactory or not satisfactory. The criteria must specify the minimum requirements for being satisfactory In particular:
a) Experience in performing similar contracts; experience in manufacture/sale of medicines;
b) Competence in manufacturing and sale; technical infrastructure of the medicine factory and the medicine storage;
c) Financial capacity: total assets, total debts, short-term assets, short-term debts, revenue, profit, value of unfinished contracts, and other criteria for evaluating the contractor’s financial capacity.
The each criterion mentioned in Points a, b, and c of this Clause depends on the requirements of each contract or category of medicines. Any contractor that satisfies all requirements in this Clause is considered satisfactory in terms of experience and competence.
3. Technical assessment criteria: on a scale from 1 to 100 or 1 to 1,000, particularly:
a) Medicine quality: 60% to 80%
b) Packaging, preservation, delivery: 20% to 40%;
c) The technical proposal is considered technically satisfactory if the technical score is not smaller than 80%, and the score of quality, packaging, preservation, delivery is not smaller than 60%.
Article 81. Selection of medicine suppliers and bulk purchase of medicines
1. The selection of medicine suppliers in the form of open bidding and selective bidding shall comply with Chapter II of this Decree; the selection in the form of no no-bid contract awarding, shopping, direct procurement, and self-supply shall comply with Chapter V of this Decree.
2. Bulk purchase of medicines shall comply with Section 1 of this Chapter.
Section 4: SELECTION OF CONTRACTORS SERVING PUBLIC PROCUREMENT
Article 82. Contractor selection process
The selection of a contractor serving public procurement is the same as the selection of a contractor to enter into a contract for non-consulting services or goods procurements of a project.
Article 83. No-bid contracts for public procurement
1. Public procurement shall be carried out under a no-bid contract in the cases below:
a) The value of the public procurement contract does not exceed the limits prescribed in Clause 1 Article 54 of this Decree;
b) There is only 01 contractor who satisfies the requirements of the contract for public procurements.
2. Conditions for no-bid contract awarding:
A contractor selected without bidding to perform a public procurement contract must satisfy requirements of the contract with regard to capital , technology, management capacity, and personnel.
3. Basis for no-bid contract awarding:
a) A decision to approve the plan for contractor selection.
b) A price list of the value of the public procurement contract based on technical/economic norms and budget limits issued by competent authorities. If goods/services in the public procurement contract must be valuated, the prices shall be decided by a specialized authority in accordance with regulations of law on pricing and relevant laws;
c) Quantity and quality of goods/services provided, which are approved by a competent person.
d) Time for commencement and completion;
dd) The budget set by a competent person.
4. Procedures for no-bid contract awarding:
a) The shortened process of no-bid contract awarding prescribed in Article 56 of this Decree shall apply to contracts for public services that do not exceed VND 500 million and contracts for public goods that do not exceed VND 01 billion;
b) The standard process of no-bid contract awarding prescribed in Article 55 of this Decree shall apply to public procurement contracts other than those mentioned in Point a of this Clause.
SELECTING CONTRACTORS ONLINE
1. Selection of contractor online shall apply to consulting services, non-consulting services, goods procurement, construction & installation, and mixed contracts that are awarded through open bidding, selective bidding, shopping, direct procurement, and no-bid contract awarding.
2. Online contractor selection shall follow the roadmap issued by the Ministry of Planning and Investment.
Article 85. Rules for selecting contractors online
1. When selecting contractors online, the procuring entity and bidders shall make a registration on the national bidding network.
2. Each procuring entity shall issue free of charge the request for expression of interest, request for prequalification, invitation for bids, or request for proposals on the national bidding network.
3. Each bidder shall submit only one bid-envelope or proposal on the national bidding network for each contract.
4. The procuring entity shall open the bids on the national bidding network right after the deadline for submitting bids. If no bidders are interested, procuring entity shall request the investor to consider rearranging the online contractor selection; If fewer than 03 bidders submit their bids, the procuring entity shall open the bids immediately without following the procedures in Clause 4 Article 117 of this Decree.
5. Electronic transaction documents and information posted on the national bidding network are considered original and as valid as paper documents, which are the basis for evaluation, verification, inspection, audit, and disbursement.
Article 86. Cost of online contractor selection
The cost of online contractor selection consists of: The fee for participation in the national bidding network; fee for submission of bid-envelopes or proposals; fee for contract award; fee for electronic contracts, and fee for using electronic procurement system. Such cost must comply with instructions of the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance.
Article 87. Registering participation on national bidding network
1. When participating in the national bidding network, the registered holders of digital certificates prescribed in Clause 5 Article 4 of the Law on Bidding shall register with the network operator .
2. The Ministry of Planning and Investment shall provide detailed instructions on participants, registration procedures, required information, and use of digital certificates on the national bidding network.
Article 88. Online contractor selection process
1. Procuring entity and bidders shall register their participation in the national bidding network as prescribed in Article 87 of this Decree.
2. The procuring entity shall post the notifications of request for expression of interest, request for prequalification, invitation for bids, or request for proposals on the national bidding network. Procuring entity must specify their wanted goods if the contract is a goods procurement contract.
3. The procuring entity shall issue the notifications of request for expression of interest, request for prequalification, invitation for bids, or request for proposals on the national bidding network together with the aforesaid notifications. In case of discrepancy between the electronic document and information on the form, the electronic document shall prevail.
4. Bidders shall submit their application for prequalification, EOI responses, bid-envelopes, and proposals on the national bidding network. The network must confirm the receipt of bidders’ documents, display the time and status on the network, which are the basis for dispute settlement (if any). Bidders shall pay for tender guarantee via any bank that connects to the national bidding network. When withdrawing the application for prequalification, bid-envelope, EOI response, or proposal, the bidder shall notify the procuring entity and the guaranteeing bank (if any) before the deadline for submitting bids.
5. The procuring entity shall open and decode applications for prequalification, EOI responses, bid-envelopes, and proposals on the national bidding network right after the deadline for submitting bids. The opening record shall be posted on the national bidding network right within 02 hours from the deadline for submitting bids.
6. After applications for prequalification, EOI responses, bid-envelopes, and proposals are evaluated, the procuring entity shall post the result of contractor selection on the national bidding network. The result of contractor selection shall be publicly posted on the national bidding network after it is approved in writing.
7. The Ministry of Planning and Investment shall specify the time and procedures for selecting contractors online.
CONTRACT
Article 89. General principles of contracts
1. The written contracts are civil contracts which assign the parties the responsibilities to perform the tasks prescribed in such contracts. The valid contracts which are concluded by the parties and comply with the regulations of the law are the legal documents that assign the parties the responsibilities during the execution of such contracts.
2. The contracts must be drawn up according to the prescribed forms in the invitation for bid, proposals, and suitable to the conclusion of the contract negotiations, the results of the selection of contractors according to the requests of the contracts and guidance given by the regulatory authorities.
3. The parties can choose referees to settle disputes during the execution of the contracts before signing such contracts. The disputes needing settled by the referees must be prescribed in the contracts.
Article 90. Contractual prices
1. The contractual prices must be specifically prescribed in the contracts attached to the management rules about the amendments (if any).
2. The contractual prices must be specific and conformable with the contractual price brackets using the prescribed forms in the invitation for bid, request for proposals and concluded before the contracts are signed.
Article 91. Currency and methods of payment for contracts
1. The currency used for paying any contract must be specifically prescribed in such contract and conformable with the requests of the invitation for bid, request for proposals and the regulations of the law.
2. The expenditures arising within Vietnam’s territory shall be paid in VND, others shall be paid in foreign currencies under the regulations in the contract.
3. The contract can be paid in cash, via wire transfer or other methods agreed by the parties under the regulations of the law and prescribed in the contract.
1. An advance on the contract is an amount that is advanced to the contractor to carry out the contractual tasks.
2. The advance shall be determined according to the scope and nature of the contract. A contract must prescribe: the advance, time for advance, advance guarantee, withdrawal of advance; responsibilities of the parties to administer and use the advance; revocation of the guarantee if the advance is used for wrong purposes.
3. The contractor shall administer the advance as long as such advance is effectively used for the right purposes and objects. The advance must not be left idle or used for the wrong purposes.
4. Regarding the production of high value building components, semi-finished products and some materials need seasonally storing, the contract must prescribe the advance plan and the advance to ensure the progress of the contract.
Article 93. Adjustment to contractual prices workload
1. A contract must specify the adjustment to the contractual price including the adjustments, principles, time to calculate the adjustment and database to calculate the adjustment.
2. Adjustment to the unit prices:
Any contract using variable unit prices must specify:
a) The time to calculate the initial unit price (which is usually fixed 28 days before the deadline for bid submission) to determine the difference between the successful unit price and the variable unit prices;
b) The database to adjust the unit prices of which the price indexes to adjust the unit prices is the price indexes provided by the General Statistics Office or the construction price indexes provided by the Ministry of Construction and the People’s Committees of provinces;
c) Unit price adjustment formula:
The science-based unit price adjustment formulas must be conformable with the contract. The preferable formula is the popular formula such as the formula of the International Federation of Consulting Engineers (FIDIC), guidance of the World Bank (WB), Asian Development Bank (ADB).
3. Adjustment to the workload:
a) A contract must prescribe the principles to adjust the workload if the workload is not determined at the time such contract is signed;
b) The increased workload due to the subjective faults of the contractor must not be adjusted;
c) If the differential rate of the actual workload and the workload prescribed in the contractual price list is more than 20%, the parties must reach an agreement on suitable principles to adjust the unit price which is conformable with the conditions for the change in the workload when such difference is paid.
d) In case of the workloads that are not prescribed in the initial conditions for the change in the contract or the cases requiring the cooperation of two parties in preventing or minimizing the risks under the responsibility of one party, the parties shall discuss to find the handling measures.
4. Any expenditure arising or change in the progress must be reported to the competent authorities for consideration and the contract must be added appendices which serves as a basis for the implementation.
1. A contractor shall be paid depending on the contractual price and specific clauses on payment in the contract. If an investor does not make the payment later than the stipulated time in the contract, (s)he shall be liable to the late payment interest under the term of the contract.
2. The payment does not depend on the estimate as well as the currents regulations and instructions of the State on the limits and unit prices; unit prices in the invoice for the purchase items such as materials, machinery, equipment and other items.
3. In case there are various types of contracts in a contract, each type of contract shall be applied corresponding payment principles.
Article 95. Payment for lump sum contracts
1. Payment principles:
A lump sum contract can be paid several times after each inspection in proportion to each completed workload or can be paid in lump sum after the contractor completes all of the work in the contract by subtracting the advance (if any) from the contractual price. In case the specific payment amount in proportion to each work item or inspection stage cannot be determined, such amount can be determined based on the rate (%) of the contract value.
2. Payment documents on a lump sum contract include:
a) A record on the inspection of the workload which is confirmed by the contractor, investor and supervisor (if any). This record shall confirm the completion of the work, work item and work tasks conformable with the design. It is not required to confirm the specific completed workload;
b) With regard to the goods purchase: Depending on the nature of the goods, the payment documents may include: invoices of the contractor, list of packaged goods, transportation receipts, insurance form, Certificate of quality, record on the goods inspection, Certificate of Origin and other relevant documents.
Article 96. Payment for fixed unit price contracts
1. Payment principles:
a) The payment is calculated by multiplying the fixed unit price in the contract and the actual workload that the contractor has completed;
b) With regard to construction, if the actual workload that the contractor has completed following the design is less than the workload prescribed in the contract, the contractor shall be paid the payment for the actual workload. If the actual workload that the contractor has completed following the design is more than the workload prescribed in the contract, the contractor shall receive the payment for such difference using the fixed unit price in the contract;
c) The contractor shall receive the payment calculated on the basis of the record on the inspection of the completed workload which is confirmed by the investor, supervisor and contractor.
2. Payment documents include:
a) A record on the inspection of the workload which is confirmed by the contractor, investor and supervisor (if any);
b) A confirmation of the adjusted workload in comparison with the workload in the contract which is confirmed by the representative of the contractor, investor and supervisor (if any);
c) The spreadsheet of proposed payment based on the confirmed workload that is completed and the unit prices in the contract;
d) The proposal for payment of the contractor specifying the completed workload and value there of, differences compared to the contract, advances, and amounts payable;
dd) With regard to the goods purchase: Depending on the nature of the goods, the payment documents may include: invoices of the contractor, list of packaged goods, transportation receipts, insurance form, Certificate of quality, record on the goods inspection, Certificate of Origin and other relevant documents.
Article 97. Payment for variable unit price contracts
1. Payment principles:
a) The payment is calculated by multiplying the variable unit price in the contract and the actual workload that the contractor has completed;
b) With regard to construction, if the actual workload that the contractor has completed following the design is less than the workload prescribed in the contract, the contractor shall be paid the payment for the actual workload. If the actual workload that the contractor has completed following the design is more than the workload prescribed in the contract, the contractor shall receive the payment for such difference;
c) The contractor shall receive the payment calculated on the basis of the record on the inspection of the completed workload which is confirmed by the investor, supervisor and contractor.
2. Payment documents include:
a) A record on the inspection of the workload which is confirmed by the contractor, investor and supervisor (if any);
b) A confirmation of the adjusted workload compared with the workload in the contract which is confirmed by the representative of the contractor, investor and supervisor (if any);
c) The spreadsheet of proposed payment based on the confirmed workload that is completed and the unit prices in the contract or the adjusted unit price prescribed in the contract;
d) The proposal for payment of the contractor specifying the completed workload and value there of, differences compared to the contract, advances, and amounts payable;
dd) With regard to the goods purchase: Depending on the nature of the goods, the payment documents may include: invoices of the contractor, list of packaged goods, transportation receipts, insurance form, Certificate of quality, record on the goods inspection, Certificate of Origin and other relevant documents.
Article 98. Payment for time based contracts
1. Payment principles:
a) An expert shall receive the payment which is calculated by multiplying the expert’s salary, its relevant expenditures such as social insurance, medical insurance, unemployment insurance, days off, other expenditures prescribed in the contract or adjusted under the regulations and the actual working time (expressed as month, week, day or hour). If the actual working time of an expert is different from the working time prescribed in the contract, the expert shall receive the payment for the actual working time;
b) The relevant expenditures (excluding the salary of the expert prescribed in Point a this Clause) including: administrative expense of the regulatory unit and employment of experts (if any); expenditures on transportation, survey, leasing working office, communication and other expenditures shall be paid by the payment method prescribed in the contract. The payment for the expenditure must be specified such as paying the expenditure based on the valid invoices and documents provided by the contractor or paying such expenditure based on the unit prices prescribed in the contract.
2. Payment documents include:
Depending on the nature of the consultancy, the payment documents may include the record on the inspection of the result of the consultancy, documents on the progress on the execution of the contract and relevant documents.
Article 99. Contract finalization
1. A contract shall be finalized when:
a) The parties fulfill their obligations under the terms of the contract;
b) The contract is cancelled under the regulations of the law.
2. The contract finalization shall be recorded in writing and such record must be signed by both parties. The record on the contract finalization can be filed separately or part of the record on the final inspection or the record on the consensus on the end of the contract whose contents conformable to the responsibilities of the parties prescribed in the contract. The contract shall be considered to be finalized after 45 days from the day on which the parties to the contract fulfill their responsibilities prescribed in the abovementioned record on the contract finalization. If the contract is big and complicated, it shall be finalized within 90 days.
DIVISION OF RESPONSIBILITY FOR ASSESSMENT AND APPROVAL FOR CONTRACTORS
Article 100. Responsibilities of Ministers; Heads of ministerial-level agencies, Governmental authorities, other central authorities; Presidents of the People’s Committees of provinces
1. Regarding the projects approved by the Prime Minister of which they are not the investors:
a) Give written opinions about the plans to select the contractors as required;
d) Perform other tasks to select the contractors with the authorization from the Prime Minister.
2. Regarding the projects approved by themselves:
a) Approve the plans to select the contractors;
b) Perform other tasks under the responsibilities of the competent persons prescribed in Clause 73 of the Law on Bidding.
3. Regarding the projects of which they are the investors:
a) Approve the invitation for bid, request for proposals;
a) Approve the selected contractors;
c) Perform other tasks under the responsibilities of the investors prescribed in Clause 74 of the Law on Bidding.
Article 101. Responsibilities of Presidents of the People’s Committees of districts and communes and Heads of other local authorities
1. Regarding the projects approved by themselves:
a) Approve the plans to select the contractors;
b) Perform other tasks under the responsibilities of the competent persons prescribed in Clause 73 of the Law on Bidding.
2. Regarding the projects of which they are the investors:
a) Approve the invitation for bid or EOI request;
a) Approve the selected contractors;
c) Perform other tasks under the responsibilities of the investors prescribed in Clause 74 of the Law on Bidding.
3. d) Perform other duties to select the contractors with the authorization from the superiors.
Article 102. Responsibilities of Board of Directors and Chiefs of enterprises
1. Regarding the projects approved by themselves:
a) Approve the plans to select the contractors;
b) Perform other tasks under the responsibilities of the competent persons prescribed in Clause 73 of the Law on Bidding.
2. Regarding the projects of which they are the investors:
a) Approve the invitation for bid or EOI request;
a) Approve the selected contractors;
c) Perform other tasks under the responsibilities of the investors prescribed in Clause 74 of the Law on Bidding and with the authorization.
Article 103. Responsibilities of Board of Directors of and Chiefs of joint ventures , joint-stock companies and legal representatives of parties to business agreements
1. Regarding the projects approved by themselves:
a) Approve the plans to select the contractors;
b) Perform other tasks under the responsibilities of the competent persons prescribed in Clause 73 of the Law on Bidding.
2. Regarding the projects of which they are the investors:
a) Approve the invitation for bid or EOI request;
a) Approve the selected contractors;
c) Perform other tasks under the responsibilities of the investors prescribed in Clause 74 of the Law on Bidding.
Article 104. Responsibilities of assessing units
1. The Ministry of Planning and Investment shall assess:
a) The plans to select the contractors within the approval authority of the Prime Minister;
b) The plans to select the contractors in special cases that are considered and decides by the Prime Minister under the regulations in Article 26 of the Law on Bidding and other cases requested by the Prime Minister.
2. The provincial Departments of Planning and Investment shall assess:
a) The plans to select the contractors regarding the projects approved by the Presidents of the People’s Committees of provinces, except for the contracts prescribed in Clause 3 this Article;
b) The EOIs, invitations for prequalification, invitation for bid, request for proposals, result of the evaluation of EOIs, applications for prequalification, result of the selection of contractors regarding the contracts of the projects of which the People’s Committees of provinces are the investors when required, except for the contracts prescribed in Clause 3 this Article.
3. The provincials Departments of Health shall evaluate the plans to select the contractors regarding the contracts for purchase of medicines and medical materials that are approved by the Presidents of the People’s Committees of provinces.
4. The authorities and organizations that is assigned by the Ministers, Heads of ministerial-level authorities, Governmental authorities, other central authorities and Chiefs of enterprises to assess:
a) The plans to select the contractors regarding the projects within the authority of the Ministers, Heads of ministerial-level authorities, Governmental authorities, other central authorities and Chiefs of enterprises;
b) The EOI requests, invitations for prequalification, invitation for bid, EOI request, result of the evaluation of EOIs, applications for prequalification, result of the selection of contractors regarding the contracts of the projects of which the Ministries, ministerial-level authorities, Governmental authorities, other central authorities and enterprises when required.
5. Divisions of districts in charge of plans and finance shall evaluate the plans to select the contracts regarding the projects within the authority of the Presidents of the People’s Committees of districts.
6. Relevant assisting bodies shall evaluate the plans to select the contractors regarding the projects within the authority of the Presidents of the People’s Committees of communes, heads of other local authorities, Boards of Directors of joint ventures, joint-stock companies and legal representatives of the parties to the business agreements.
7. b) The investors shall assign the organizations and individuals under their management to evaluate the EOI requests, invitations for prequalification, invitation for bid, EOI request, result of the evaluation of EOIs, applications for prequalification, result of the selection of contractors other than the cases prescribed in Clause 2 this Article.
In case such assigned organizations or individuals are ineligible, the investors shall appoint qualified advisory organizations to conduct assessment. In any case, the investors must be responsible for assessing the EOI requests, invitations for prequalification, invitation for bid, request for proposals, results of the evaluation of EOI response, evaluation of applications for prequalification and the selection of contractors.
Article 105. Evaluation of EOI requests, invitations of prequalification, invitation for bid, request for proposals
1. An application for evaluation and approval includes :
a) An application form for the evaluation of the EOI request, invitation for prequalification, request for proposals of the procuring entity;
b) Drafts of EOI request, invitations for prequalification, invitation for bid, request for proposals;
c) Photocopies of : Decision on approval for the project and budget estimate, Decision on approval for the plan to select the contractor;
d) Relevant document.
2. Evaluation tasks include:
a) Reviewing the documents which serve as a basis to file the EOI request, invitation for prequalification, invitation for bid, request for proposals;
b) Checking the conformity between the EOI request, invitation for prequalification, invitation for bid, request for proposals and the scope, targets of the activities, duration to carry out the project and contract; the dossier on design and budget of the contract, requirements for characters, technical parameter of the goods (if any); the minutes of the meeting between the procuring entity and the bidders in the first stage (regarding the two-stage bidding); regulations of the law on bidding and other law provisions;
c) Review different opinions (if any) of the organizations and individual filing the EOI request, invitation for prequalification, invitation for bid, request for proposals;
d) Other relevant tasks.
3. A report on evaluation includes:
a) A summary of the project and contract, legal grounds for compiling the EOI request, invitations for prequalification, invitation for bid, request for proposals;
b) Comments and opinions of assessing units about the legal grounds, adherence to the regulations of the law on bidding and other law provisions; consensus about the drafts of the EOI request, application for prequalification, invitation for bid and request for proposals;
c) Suggestions of the assessing unit for the approval for the EOI request, invitation for prequalification, invitation for bid, request for proposals; handling measures in case the EOI request, invitation for prequalification, invitation for bid, request for proposals do not comply with the regulations of the law on bidding and other law provisions; solutions to the cases in which the EOI request, invitation for prequalification, invitation for bid, request for proposals cannot be approved due to lack of information;
d) Other opinion (if any).
4. Any assessing unit can hold a meeting between the parties to deal with the remaining issues before signing the report on evaluation if necessary.
Article 106. Verification of evaluation result of EOI responses, applications for prequalification, lists of bidders meeting technical requirements, result of selection of contractors
1. General principles:
a) The evaluation result of EOI responses, applications for prequalification, result of selection of contractors must be verified before they are approved;
b) Only the result of the selection of contractor shall be verified regarding any single-stage one-envelope contract;
c) The list of bidders meeting technical requirements must be verified before it is approved regarding any single-stage two-envelope contract;
d) With regard to any two-stage one-envelope, only the result of the selection of contractor shall be verified in the second stage (there is no verification in the first stage);
dd) With regard to any two-stage two-envelope, only the list of bidders meeting technical requirements shall be verified in the first stage and only the result of the selection of contractor shall be verified in the second stage and equivalent to the adjusted technical contents compared with that of the first stage;
e) The ranked list of bidders shall not be verified before it is approved, such list shall be approved when the procuring entity requests;
g) The verifying unit may hold a meeting between the parties to remedy the remaining issues before sending the Report on verification if necessary.
2. Verification of result of the evaluation of EOI responses and applications for prequalification:
a) An application for verification and approval includes:
- A written request for the verification of the evaluation result of the EOI response and application for prequalification, of which the opinions of procuring entity about recommendations of the expert group shall be specified;
- A report on the evaluation result of the EOI response and application for prequalification;
- Photocopies of: EOI request, invitation for prequalification, record on the deadline for submitting bids and bid opening, EOI response, applications for prequalification of the bidders and other relevant documents.
b) The verification involves:
- Verifying the documents which serve as a basis for the EOI request and prequalification;
- Checking the compliance with the regulations on the deadlines during the EOI request and prequalification;
- Verifying the evaluation of the EOI responses, applications for prequalification; the compliance with the regulations of the law on bidding and other relevant law provisions during the evaluation of the EOI responses and applications for prequalification;
- Considering different opinions (if any) between the procuring entity and the expert group; among the members of the expert group;
- Other relevant tasks.
b) A report on the verification includes:
- An overview of the main contents of the project and contract, the legal grounds for the EOI request and prequalification;
- A brief summary of the process of the EOI request, prequalification and the request of the procuring entity for the evaluation result of EOI response and application for prequalification;
- Comments and opinions of the verifying unit about the legal grounds, the compliance with the regulations on bidding and other relevant law provisions; guarantee of competitiveness, impartiality and transparency during the EOI request and prequalification; consensus or different opinions about the evaluation of the EOI response and application for prequalification;
- Recommendations of the verifying unit about the evaluation result of the EOI response and application for prequalification; handling measures for noncompliance with the regulations of the law on bidding and other relevant law provisions during the EOI request and prequalification; and handling measures for the cases in which the evaluation result of the EOI response and application for prequalification can not be concluded due to lack of information;
- Other opinions (if any).
3. Verification of the lists of bidders meeting technical requirements:
a) An application for verification and approval includes:
- A written request for the approval for the list of bidders meeting technical requirements of the procuring entity, of which the opinions of the procuring entity about the recommendations of the expert group must be specified;
- A report on the evaluation result of the written technical proposal of the expert group;
- Photocopies of: invitation for bid, request for proposals, records on bid closing and bid opening, written technical proposal of the bidders and other relevant documents.
b) The verification involves:
- Verifying the evaluation of the written technical proposal; compliance with the regulations of the law on bidding and other relevant law provisions during the evaluation of such proposal;
- Considering different opinions (if any) between the procuring entity and the expert group; among the members of the expert group;
- Other relevant tasks.
b) A report on the verification includes:
- A brief summary of the process of selecting the contractor (from the announcement of invitation to bid to the submission of the verification of the list of bidders meeting the technical requirements) and the request of the procuring entity for the list of bidders meeting the technical requirements;
- Comments and opinions of the verifying unit about the legal grounds, the compliance with the regulations on bidding and other relevant law provisions; guarantee of competitiveness, impartiality and transparency during the compilation of the list of bidders meeting technical requirements; consensus or different opinions about the list of bidders meeting technical requirements; handling measures for the noncompliance with the regulations of the law on bidding an other relevant law provisions during the evaluation of the written technical proposal, handling measures for the cases in which the result of the compilation of the list of bidders meeting technical requirements cannot be concluded due to lack of information;
- Other opinions (if any).
4. Verification of the bidding result:
a) An application for verification and approval includes:
- A written request for the approval for the bidding result of the procuring entity, of which the opinion of the procuring entity about the recommendations of the expert group must be specify;
- A report on the evaluation result of the bid-envelop and written proposal of the expert group;
- A record on the negotiation of the contract;
- Photocopies of: invitation for bid, request for proposals, records on bid closing and bid opening, bid-envelop, written proposals of the bidders and other relevant documents; cases in which the list of bidders meeting technical requirements has been verified, only the record on the opening of the financial proposals and the photocopies of the financial proposals of the bidders meeting technical requirements.
b) The verification involves:
- Verifying the documents which serve as a basis for the selection of contractor;
- Checking the compliance with the regulations on the deadlines during the selection of contractor;
- Verifying the evaluation of the bid-envelopes regarding the single-stage one-envelope contract, two-stage one-envelope contract and two-stage two-envelope contract; the compliance with the regulations of the law on bidding and other relevant law provisions during the evaluation of the bid-envelopes;
- Verifying the evaluation of the financial proposals regarding the single-stage two-envelope contract; the compliance with the regulations of the law on bidding and other relevant law provisions during the evaluation of the financial proposals;
- Checking the compliance with the regulations of the law on bidding and other relevant law provisions during the negotiation of the contract; checking the conformity between the result of the contract negotiation with the bidding result, the ranked list of bidders, invitation for bid, request for proposals and the bid-envelopes and proposals of the bidders entering into the contract negotiation;
- Considering different opinions (if any) between the procuring entity and the expert group; among the members of the expert group;
- Other relevant tasks.
b) A report on the verification includes:
- A summary of the main contents of the project and contract, the legal grounds for the selection of the contractor;
- A brief summary of the selection of the contractor from the short-listing (if any) to the request for the verification and approval for the bidding result, attached with the submitted documents prescribed in Clause 2 and Clause 3 this Article;
- A brief summary of the opinion of procuring entity about the bidding result;
- Comments and opinions of the verifying unit about the legal grounds and the compliance with the regulations of the law on bidding and other relevant law provisions; the guarantee of competitiveness, impartiality and transparency and economic effectiveness during the selection of contractor; consensus or different opinions about the bidding result; handling measures for the noncompliance with the regulations of the law on bidding and other relevant law provisions during the selection of contractor; measures for cases in which the bidding result cannot be concluded due to lack of information;
- Other opinions (if any).
PROVISION OF TRAINING IN BIDDING, PROFESSIONAL BIDDING ORGANIZERS AND REQUIREMENTS FOR MEMBERS OF EXPERT GROUPS
Section 1: PROVISION OF TRAINING IN BIDDING, PROFESSIONAL BIDDING ORGANIZERS AND REQUIREMENTS FOR MEMBERS OF EXPERT GROUPS
Article 107. Application, verification, recognition and disqualification of training centers for bidding
1. Any training center meeting the requirements prescribed in Points a, b and c Clause 1 Article 19 of the Law on Bidding shall submit an application for recognition as a training center for bidding to the Ministry of Planning and Investment.
2. The Ministry of Planning and Investment shall form a Council to verify such application.
3. The training center confirmed by the Council that is satisfies the requirements prescribed in Points a, b and c Clause 1 Article 19 of the Law on Bidding shall be recognized as training center for bidding and published on the national bidding system.
4. A training center for bidding shall be deleted from the national bidding system when it:
a) changes the transaction office without sending any written notification to the Ministry of Planning and Investment within 60 days from such change.
b) employs lecturers that are not listed in the national bidding system to deliver lectures to the bidding training classes;
c) provides training unconformable with the framework programme of bidding;
d) issues Certificates to the persons who do not attending the bidding training classes or persons who do not satisfies all of the requirements prescribed in Clause 1 Article 111 of this Decree;
dd) does not store the documents on the bidding training courses that it offers under the regulation;
e) does not send annual reports or irregular reports at the request of the Ministry of Planning and Investment on its training activities.
Article 108. Provision of training in bidding
1. Any training center for bidding wishing to offer bidding training courses must:
a) be listed in the national bidding system;
b) have classrooms and teaching aids that meet the requirements;
c) have teaching material conformable with the framework programme under the regulations of the Ministry of Planning and Investment attaching the dossiers on tests of fundamental bidding training programme;
d) sign labor contracts or teaching contracts with lecturers in bidding.
2. A bidding training course issuing Certificates must be a fulltime course. There are at most 150 learners in each class. After each course, the Head of the training center shall issue Training certificates of bidding to the qualified learners.
3. After each training course in bidding after which Certificates are issued, the training center shall send the training result attached with a List of learners issued with Certificates to the Ministry of Planning and Investment to be published on the national bidding system.
4. Regarding the courses for the learners living in remote areas or severely disadvantaged areas, the training center can use the adjusted teaching material that is conformable with the peculiar requirements for local bidding but the duration of such courses must follow the framework programme.
Article 109. Requirements for lecturers in bidding
1. Have at least Bachelor's Degrees in law, technology, and economics.
2. Have at least 05 continuous years’ experience in bidding or at least 06 years’ experience in bidding (in case of discontinuity in the duration).
3. Have practice certificates of bidding.
4. Complete the training courses for lecturers in bidding offered by the Ministry of Planning and Investment.
Article 110. Application, assessment, recognition and disqualification of lecturers in bidding
1. Any lecturer meeting all of the regulations in Article 109 of this Decree shall send an application for recognition as lecturer in bidding to the Ministry of Planning and Investment.
2. The Ministry of Planning and Investment shall form a Council to verify such application.
3. The lecturer in bidding confirmed by the Council that (s)he satisfies the requirements prescribed in Article 109 of this Decree shall be recognized as lecturer in bidding and published on the national bidding system .
4. A lecturer in bidding shall:
a) give lectures following the framework programme prescribed by the Ministry of Planning and Investment;
b) sharpen their knowledge and learn the policies if there are new policies;
c) send annual reports or irregular reports at the request of the Ministry of Planning and Investment on their teaching of bidding.
5. A lecturer in bidding shall be deleted from the national bidding system if (s)he:
a) give lectures unconformable with the framework programme prescribed by the Ministry of Planning and Investment;
b) does not learn new knowledge and policies;
c) does not send annual reports or irregular reports at the request of the Ministry of Planning and Investment on their teaching of bidding.
Article 111. Requirements for issuance of Training certificates of bidding and practice certificates of bidding
1. A learner shall be issued with the Training certificate of bidding if (s)he:
a) attends at least 90% of course lectures. If the learner has legitimate excuses for their absence, such learner can continue to take another course offered by the same training center within 03 months from the first day of the previous course;
b) passes the final exam;
c) is capable of civil act and not facing any criminal prosecution.
2. A person shall be issued with the practice certificate of bidding if (s)he:
a) has a certificate of training in bidding;
b) has at least a Bachelor’s degree;
c) is capable of civil acts and not facing any criminal prosecution.
d) has at least continuous 04 years’ experience in works directly related to the bidding or at least 05 years’ experience in bidding (in case of discontinuity in the duration); or directly make or verify the EOI request, invitation for prequalification, invitation for bid, request for proposals; evaluate the EOI response, application for prequalification, bid-envelopes, proposals; verify the evaluation result of EOI response, evaluation result of application for prequalification and the bidding result of at least 05 large-scale contracts or 10 small-scale contracts;
dd) Pass the exam held by the Ministry of Planning and Investment.
3. Each practice certificate of bidding issued by the Ministry of Planning and Investment shall be effective in 05 years from the issuance. If anyone issued with the practice certificate of bidding commits any violation against the law in bidding, their practice certificate shall be revoked depending on the nature and severity of the violations.
Article 112. Responsibilities of the Ministry of Planning and Investment for management of bidding training
1. Create and manage the database of lecturers in bidding, training centers for bidding, persons issued with Training Certificates and practice certificates of bidding.
2. Establish and provide the nationwide framework programme, learning and teaching materials.
3. Give detailed instructions on application, inspection and recognition of bidding training centers and lecturers.
4. Hold examinations to issue the practice certificates of bidding.
5. Provide training and issue Certificates to the lecturers in bidding.
6. Provide the forms for Certificates of lecturers in bidding, training certificates and practice certificates.
7. Issue the Decision on recognition for training centers meeting the requirements prescribed in Points a, b and c Clause 1 Article 19 of the Law on Bidding.
8. Issue Decision on recognition for lecturers meeting requirements prescribed in Article 119 of this Decree.
9. Issue Decision on disqualification of bidding training centers and lecturers committing violations against the regulations in Clause 4 and Clause 5 Article 110 of this Decree.
10. Inspect the compliance of the training centers and lecturers with the regulations of the law on bidding.
11. Summarize the training activities provided by training centers and lecturers according to the Reports on bidding of the Ministries, regulatory authorities and local authorities and Reports of the training centers and lecturers.
Section 2: PROFESSIONAL BIDDING ORGANIZERS
Article 113: Requirements for professional bidding organizations
1. Such organizer must have permits for establishment and operation issued by the competent authorities which allow them to act as bidding agents or bidding consultancy or organizations in charge of bidding.
2. Employ the regulatory bodies meeting the professional requirements to perform the functions and duties as bidding agents, bidding consultancies, or organizations in charge of bidding.
3. Their personnel have professional ethics, honesty and impartiality during their work.
4. They use procedures for management and control of the quality of their work.
Article 114: Consideration, recognition and announcement of professional bidding organizers’ information
1. Any organization meeting all of the requirements prescribed in Article 113 of this Decree shall send an application for recognition as professional bidding organizer to the Ministry of Planning and Investment.
2. The Ministry of Planning and Investment shall form a Council in charge of verifying such application.
3. The organization approved by the verifying Council shall be recognized as a professional bidding organizer and announced in the national bidding system.
Article 115: Operation of professional bidding organizations
1. A professional bidding organizer is allowed to operate after it is announced in the national bidding system.
2. A professional bidding organizer can sign contracts to act as bidding agent or provider of bidding consultancy for investors and procuring entities.
1. Each expert of such group must have a practice certificate of bidding, except for the persons prescribed in Clause 3 and Clause 4 this Article.
2. An expert group may consist of experts in technology, finance, commerce, administrative affairs, legality and relevant fields depending on the nature and complexities of the contract.
3. Any person other than the persons prescribed in Clause 2 Article 16 of the Law on Bidding wising to participate in the expert group must:
a) have a Training certificate of bidding;
b) work in the field related to the contract;
c) have deep knowledge about the corresponding contents in the contract;
d) have at least 03 years’ experience in the field related to economic and technical contents of the contract.
4. Cases in which the opinions of other experts are needed, such experts are not required to have training certificates of bidding.
HANDLING OF BIDDING CASES AND CONSIDERATION OF BIDDING PETITIONS
Section 1: HANDLING OF BIDDING CASES
Article 117: Handling of bidding cases
1. If the value or contents of a contract need adjusting, the plan to select the contractor must be adjusted under the regulations of the law before the bid opening (other than the cases prescribed in Clause 2 and Clause 8 this Article).
2. If the approved contract estimate is different from the contract value in the approved plan to select the contractor, such contract estimate shall replace such contract value as follows:
a) If the approved estimate is higher than the contract value in the plan to select the contractor but such estimate is lower than the total investment of the project and the approved budget estimate, the plan to select the contractor shall not be adjusted. If the approved estimate is higher than the total investment of the project and the approved budget estimate, the plan to select the contractor shall be adjusted; if the method for selecting the contractor in such plan is no longer conformable, such method shall be adjusted;
b) If the approved estimate is lower than the contract value in the plan to select the contractor but the method for selecting the contractor in such plan is not changed, the plan shall not be adjusted; if the method for selecting the contractor needs adjusting to be conformable with the new value of the contract according to the approved estimate, the plan shall be adjusted.
3. If there are fewer eligible short-listed bidders, depending on each contract, such case shall be handled by:
a) Adding more bidders to the short-list;
b) Allowing the invitation for bid to be sent to the short-listed bidders.
4. After the deadline for submitting bids regarding the opening bidding, limited bidding or competitive bidding, there are fewer bidders submitting the bid-envelopes and proposals, such case shall be handled within 04 hours from such deadline by either:
a) extending the deadline in order to attract more bidders to submit the bid-envelopes and proposals. In this case, the new deadline for submitting bids and corresponding deadline must be specified so that the bidders can adjust the submitted bid-envelopes and proposals according to the new requirements;
b) Immediately opening bid-envelopes to carry out evaluation.
5. In case of a contract containing several items:
a) The invitation for bid, request for proposals must prescribed the conditions for submitting bids, measures and value of tender guarantee for each item or various items and method of evaluation of each item or some items so that the bidders can make appropriate bids;
b) The evaluation of bid-envelopes, proposals and consideration for contract award must ensure that the total successful bid for the contract is the lowest bid (if the contract is awarded according to the lowest bid); total evaluated price is the lowest (if the contract is awarded according to the evaluation); overall score is the highest (if the contract is awarded according to the application of combined technical and price-based method) and the successful bid for the contract is lower than the approved price for the contract without compared with the estimated cost of each item of the contract;
c) In case there is an item of some items of a contract which no bidders are interest in or no bidders satisfy the requirements prescribed in the invitation for bid and request for proposals, the investor shall send a report to the competent persons to adjust the plan to select the contractor by making the item(s) into an independent contract whose value is the total estimated cost of such item(s); the selection of contractors meeting the technical requirements with regard to the items to which bidders submitting bid-envelopes must ensure the evaluation principles prescribed in Point b this Clause;
d) There will be one contract if a contractor wins all of the contract items. There will be several contracts if several contractors win different contract items.
6. If the unit prices in the bid-envelope and proposals are remarkably low, which seriously affects the contract, the procuring entity shall request the bidder to make a written explanation for the feasibility of such unit prices. If the explanation of the bidder is not clear and persuasive, such unit prices shall not be accepted. Such case shall be considered deviation and such deviation shall be adjusted under the regulations similar to the regulations on the deficient quoted value and proposals compared with the requirements in the invitation for bid and request for proposals in accordance with the regulations in Article 17 of this Decree.
7. If the bid by the bidder ranked first exceeds the contract value (after error correction, adjustment of deviation, and deduction of discount) and the by one ranked bidder is lower than the contract value (after error correction, adjustment of deviation and deduction of discount), the bidder ranked first shall be invited to the price negotiation provided that the negotiated price shall not exceed the approved contract value. If such negotiation collapses, the bidder ranked next shall be invited.
8. If the bids by the bidders meeting the technical requirements and included in the ranked list exceed the approved contract value (after error correction, adjustment of deviation, and deduction of discount), such case shall be handled by either:
a) allowing such bidders to submit new bids if the contract value includes the constituents of the contractual cost;
b) allowing such bidders to summit new bids and the procuring entity to request the investor to reconsider the approved contract value and invitation for bid, if necessary.
If the bidders are allowed to submit new bids, the deadline for the preparation and submission of new bids must be specified. The bidders shall submit new bids within 10 days from the day on which the procuring entity send the written request for the submission of new bids. The opening of bid-envelopes submitting new bids shall be specified according to the procedures for bid opening prescribed in Article 29 of this Decree. If the contract value in the approved plan to select the contractor needs adjusting, the competent persons shall give a decision on such adjustment within 10 days from the receipt of such adjustment and before the deadline for the submission of new bids;
c) allowing the bidder ranked first to enter into the price negotiation provided that the negotiated price shall not exceed the bid (after error correction, adjustment of deviation, and deduction of the lowest discount). If the contract value in the approved plan to select the contractor needs adjusting, the competent persons shall give a decision on such adjustment within 10 days from the receipt of the request for such adjustment. If such negotiation collapses, the bidder ranked next shall be invited. This method shall apply on only the open bidding contracts and the investors shall be responsible for the competitiveness, impartiality, transparency and economic effectiveness of the contracts.
9. If a successful bid is lower than 50% of the approved contract value, an interdisciplinary assessing group shall be established to request the contractor to clarify constituents of the contractual cost and to consider relevant evidences such as:
a) the factors related to the execution of work, manufacturing process or provision of cervices;
b) the applied economic solutions or the considerable advantages of the contractor leading to the advantages in prices;
c) the origin of the goods, services and personnel provided for the contract provides that the regulations of the law must be complied with;
If all requirements prescribed in Points a, b and c this Clause are satisfied, the bid-envelope and proposal of the bidder are accepted to win the contract. The investor can set the value of tender guarantee higher than 10% but less than 30% of the successful bid which must approved by the competent persons. Such approval must be recorded in writing. In case of any bidder supported by any entity, which leads to unhealthy competition, the bid-envelope and proposal of such bidder shall be invalidated.
10. If the invitation for bid allow the bidders to propose construction methods other than the construction methods prescribed in the invitation for bid, the difference between the workload according to the construction methods in the invitation for bid and the workload according to the construction methods proposed by the bidders shall not be adjusted in accordance with the regulations in Article 17 of this Decree. Such difference shall not be considered negative deviation.
11. If the contractor violates the contract or is ineligible to continue executing the contract, which seriously affects the progress, quality and effectiveness of the contract, the investor shall request the competent persons consider approving the cancellation of the contract with such contractor. The remaining work shall be applied the no-bid contract of methods of selection of another contractor provided that the quality and progress of the contract is ensured. The value of the remaining work given to the new contractor is calculated by subtracting the value of the completed work from the contract value. In case of no-bidding contract awarding, the competent persons must ensure that the contractor must be qualified enough to carry out the remaining work. If the contractor is not responsible for the delay in conducting the contract, the contract signed with such contractor shall not be cancelled. In case the contract signed with the delinquent contractor must be ended, the investor must send a report to the Ministry of Planning and Investment for consideration and announcement of such delinquent contractor on the national bidding system and the Vietnam Public Procurement Review Journal within 05 working days from the issuance of Decision on the contract cancellation; such report must specify the reasons for the contract cancellation, method of selection of new contractor and appointed contractor in case of no-bidding contract awarding.
12. In case any bidder is separated or merged during the bidding, such bidder shall be allowed to continue participating in the bidding.
13. When signing the contract, if the contractor does not satisfy the requirements for technical and financial competence prescribed in Clause 2 Article 64 of the Law on Bidding, the bidder ranked next shall be invited to the contract negotiation. In this case, such bidder must revalidate their bid-envelope and tender guarantee if the bid-envelope is invalid and the tender guarantee is refunded or cleared.
14. That more than one bidder is considered equal after evaluation shall be handled by:
a) Awarding the contract to the bidder that has the highest technical score if the contract is awarded according to the lowest bid;
b) Awarding the contract to the bidder that has the lowest bid if the contract is awarded according to the evaluation or application of combined technical and price-based method.
15. Any case other than the cases prescribed in Clauses 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13 and 14 of this Article arising shall be considered by the investor provided that the bidding must be competitive, impartial, transparent and economically effective.
Section 2: CONSIDERATION OF BIDDING PETITIONS
Article 118. Requirements for consideration of petition
1. The petition is submitted by the bidder.
2. The petition must bear the sign of the person signing the bid-envelopes or legal representative of the bidder and the stamp (if any).
3. The person in charge of considering the competitiveness receives the competitiveness under the regulations in Article 92 of the Law on Bidding.
4. Such proposal has not taken to court by the bidder.
5. The expenditure on handling of the any petition prescribed in Clause 8 Article 9 of this Decree shall be paid by the bidder submitting such petition to the standing assisting division of the Advisory Council in case of petition against the bidding result handled by the competent persons.
1. President of Advisory Council
a) The President of the Central Advisory Council is the competent representative of the Ministry of Planning and Investment. The Central Advisory Council shall give advice on the consideration of the petitions as required by the Prime Minister;
b) The President of the Advisory Council of Ministries, ministerial-level authorities, Governmental authorities and other central authorities (hereinafter referred to as Ministerial Advisory Council) is the competent representative of the units in charge of administering the bidding of such authorities). b) The Ministerial Advisory Council shall give advice on the consideration of the petitions regarding the contracts of the projects approved and administered by the Ministers, Heads of ministerial-level authorities, Governmental authorities and other central authorities other than the contracts prescribed in Point a this Clause;
c) The President of the provincial Advisory Council is the competent representative of the provincial Departments of Planning and Investment. The provincial Advisory Council shall give advice on the consideration of the competitiveness regarding the contracts of the projects in the provinces including the contracts of the enterprises established and operated in such provinces other than the contracts prescribed in Point a this Clause.
2. Members of Advisory Council:
Members of Advisory Council are the representatives of the competent persons and relevant professional association. Depending on the nature of each contract, in addition to the abovementioned members, the President of the Advisory Council can invite other individuals for the Advisory Council. The members of the Advisory Council must not be the relatives (biological parents, parents in law, biological children, adopted children, in-laws, biological sisters and brothers) of the persons signing the petition, of the persons directly evaluating the bid-envelopes and proposals, of the persons directly assessing the result of the selection of contractors and of the person approving the result of the selection of the contractors.
3. Activities of Advisory Council:
a) The President of the Advisory Council shall make a Decision to form the Advisory Council within 05 working days from the receipt of the petitions of the bidders. The Advisory Council shall be formed depending on each case;
b) The Advisory Council shall work on the principle of collectives, conduct polls based on the majority rule and send Reports to the competent persons for consideration; each member can stick to their opinion and take legal responsibility for it.
4. Standing assisting division of Advisory Council:
a) The standing assisting division shall be in charge of administering the bidding excluding the persons directly assessing the contracts for which the bidders file the petitions;
b) The standing assisting division shall be assigned the administrative tasks by the President of the Advisory Council; receive and manage the cost paid by the bidders submitting the petitions.
Article 120. Handling of petitions for selection of contractors
1. The duration of the consideration of any petition prescribed in Clause 1 and Clause 2 Article 92 of the Law on Bidding counted from the day on which the administrative division of the person in charge of considering such petition receives the petition.
2. The person in charge of considering the competitiveness shall send the bidder a written report that the petition shall not be considered if such petition does not meet the requirements prescribed in Article 118 of this Decree.
3. The bidder can send a written request for the withdrawal of the petition during the consideration of such petition.
4. The conclusion of the petition must be written on the reply to the petition; in case such petition is approved, there must be measures, methods and time to remedy the consequences (if any) and the standing assisting division shall request the relevant entities to reimburse the amount that the bidder submitting the petition pay to the Advisory Council. In case of disapproval, the written reply must specify the reasons.
IMPOSITION OF PENALTIES FOR VIOLATIONS AND SUPERVISION OF BIDDING
Section 1: IMPOSITION OF PENALTIES FOR VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON BIDDING
Article 121. Penalties for violations against regulations on bidding
1. Any entity committing any violation against the law on bidding shall be given a warning or a fine under the regulations of the law on imposition of penalties for administrative violations in the field of planning and investment.
2. Any entity committing any violation prescribed in Article 89 of the Law on Bidding and Clause 8 Article 12 of this Decree shall be prohibited from participating in the bidding.
3. Any individual committing any violation against the law on bidding which constitutes crimes under the regulations of the Criminal law shall be liable to criminal prosecution.
4. Any official committing any violation against the law on bidding shall be penalized under the regulation of the law on officials.
Article 122. Prohibition of participation in selection of contractors
Depending on the degree of the violation, an entity shall be:
1. Prohibited from participating in the bidding for 03 year to 05 years when committing any violation against the regulations in Clauses 1, 2, 3, 4 and 5 Article 89 of the Law on Bidding;
2. Prohibited from participating in the bidding for 01 year to 03 years when committing any violation against the regulations in Clauses 8 and 9 Article 89 of the Law on Bidding;
3. Prohibited from participating in the bidding for 06 months to 01 year when committing any violation against the regulations in Clauses 6 and 7 Article 89 of the Law on Bidding;
4. Prohibited from participating in the bidding for 01 year to 05 years when committing any violation against the regulations on use of employees prescribed in Clause 8 Article 12 of this Decree.
Article 123. Bidding cancellation, bidding suspension and invalidation of bidding result
1. The competent persons, investors and procuring entities may cancel the bidding when the bidders commit violations against the regulations of the law on bidding and other law provisions by issuing the Decisions on bidding cancellation in accordance with the regulations in Clause 4 Article 73, Clause 10 Article 74 and Point e Clause 2 Article 75 of the Law on Bidding.
2. The bidding suspension, invalidation of bidding result and decisions of the investors and procuring entities are prescribed as follows:
a) The bidding suspension and invalidation of bidding result shall be applied when there are evidences that the bidders commit violations against the regulations of the law on bidding and other relevant law provisions, which makes the bidding uncompetitive, partial and economically ineffective or falsifies the bidding result;
b) The bidding shall be suspended right after the violations are committed before the bidding result is approved. The bidding result shall be invalidated from the approval for the bidding result to the contract signing; or after the contract signing if necessary;
c) The record on the bidding suspension and invalidation of bidding result must specify the reasons, measures and time to remedy the violations against the regulations of the law on bidding;
d) The competent persons shall invalidate the decisions of the investors and procuring entities if such decisions are unconformable with the regulations of the law on bidding and relevant law provisions.
Article 124. Compensation for damage due to violations against law on bidding
Any wrongdoer committing violations against the law on bidding and causing damage must compensate for such damage under the regulations of the law on compensation for damage and other law provisions.
Section 2: INSPECTION AND SUPERVISION OF BIDDING
Article 125. Inspection of bidding
1. The bidding shall be inspected periodically or irregularly at the request of the Prime Minister, Presidents of the People’s Committees of provinces, competent persons of the inspecting authorities in charge of bidding in accordance with the regulations in Clause 2 this Article. Methods of inspection can be direct inspection or report.
2. The Ministers, Heads of ministerial-level authorities, Governmental authorities, other central authorities, Presidents of the People’s Committees of provinces; Directors of the provincial Departments of Planning and Investment, Heads of Departments under the management of the People’s Committees of provinces; Presidents of the People’s Committees of districts; ; Chiefs of state-owned enterprises shall direct the inspection of bidding of the units under their management and the projects approved by themselves to administer the bidding in order to enhance the progress and effectiveness of the bidding and detect, prevent and deal with the violations against the law on bidding.
3. The Ministry of Planning and Investment shall take charge and inspect the bidding across Vietnam; the Ministers, Heads of ministerial-level authorities, Governmental authorities, other central authorities; the People’s Committees of provinces; the provincial Departments of Planning and Investment and departments under the management of the People’s Committees of provinces and the People's Committees of districts; the state-owned enterprises shall take charge and inspect the bidding as required by the competent persons of the inspecting authorities in charge of bidding. The provincial Departments of Planning and Investment shall assist the People’s Committees of provinces in taking charge and conducting local inspection of bidding.
4. Inspection of bidding including periodic inspection and surprise inspection.
a) A periodic inspection involves:
- Inspecting the issuance of guiding documents on bidding, and division of responsibility for bidding;
- Inspecting the training in bidding;
- Inspecting the issuance of the Training certificates of bidding; practice certificates of bidding;
- Inspecting the formulation of and approval for the plan to select the contractors, EOI request, invitation for prequalification, invitation for bid, request for proposals, result of the selection of the contractors;
- Inspecting the contract and the adherence to the legal grounds for the signing and execution of the contract;
- Inspecting the procedures for and progress of the execution of the contract according to the approved plan to select the contractors;
- Inspecting the report on the bidding;
- Inspecting the inspection and supervision of the bidding.
b) According to each request for surprise inspection, and Decision on inspection, the chief inspector shall regulate the suitable inspection activities.
5. There must be inspection report and conclusion after each inspection ends. The inspecting authorities shall monitor the handling of the problems (if any) mentioned in the inspection conclusion. In case of any violation, it is required to impose the handling measures or send a report to the inspecting authorities for consideration.
6. An inspection conclusion includes:
a) The bidding at the inspected unit;
b) Inspected contents;
c) Comments;
d) Conclusion;
dd) Recommendations.
Article 126: Supervision of bidding
1. The competent persons shall appoint the regulatory individuals or bodies in charge of bidding to supervise the execution of the investors, procuring entities during the selection of the contractors to endure the adherence to the regulations of the law on bidding.
2. The competent persons shall decide and direct the supervision of the bidding regarding the contracts of the projects and budget estimates approved by themselves if necessary; supervise the sole source contracts, high value contracts of which the investors and procuring entities posing questions.
3. The Ministry of Planning and Investment shall take charge and supervise the bidding regarding the projects within the competence of the Prime Minister or at the request of the Prime Minister. The Ministries, ministerial-level authorities, Governmental authorities, other central authorities, units assigned to administer the bidding under the management of such authorities shall take charge and supervise the bidding in case the Ministers, Heads of ministerial-level authorities, Governmental authorities, and other central authorities are the competent persons. The provincial Departments of Planning and Investment shall take charge and supervise the bidding regarding the local projects.
4. A supervision of the compliance of the bidding with the regulations of the law on bidding involves supervising:
a) the compilation of invitation for bid, request for proposals (when preparing for the selection the contractor);
a) the release of the invitation for bid, request for proposals (when selecting the contractor);
c) the result of the evaluation of the bid-envelope, proposals, negotiation of the contract (when assessing the bid-envelope and proposals);
d) the assessment of and approval for the selection of the contractor;
dd) The process of the completion of the contract, contents of the contract and the adherence to the legal grounds for the signing and execution of the contract (when completing and signing the contract)
5. Methods of supervision of bidding:
a) The competent persons shall send written requests to the investors and procuring entities regarding the contracts needing supervising;
b) The procuring entities shall send the names and addresses of the supervising entities to the contractors having the invitations for bid and the proposals;
c) The procuring entities shall provide the information about the selection of the contractors for the supervising entities on receiving written requests;
d) The supervising entities in charge of bidding shall send written reports on the violations against the law on bidding to the competent persons for consideration to ensure the effectiveness of the selection of the contractors.
6. Responsibilities of every supervising entity in charge of bidding:
a) Stay honest and impartial; do not harass the investors and procuring entities during the supervision;
b) Request the investors and procuring entities to provide relevant information and documents which facilitate the supervision;
c) Receive the reflections of the contractors and other entities related to the selection of contractors on the supervised contracts;
d) Protect the information under the regulations;
dd) Fulfill other obligations under the regulations of the law on bidding and other law provisions.
OTHER ISSUES
Article 127. Forms for bid-envelopes
1. Forms for a bid-envelope include: Form for plan to select the contractor; form for EOI request; form for invitation for prequalification, form for invitation for bid; form for request for proposals; form for report on evaluation result of the bid-envelope, proposals; form for evaluation of result of selection of contractor and other forms.
2. The Ministry of Planning and Investment shall provide the forms for bid-envelopes.
Article 128. Management of contractors
1. Responsibilities of every contractor:
a) Register the national bidding system under the regulations in Point d Clause 1 Article 5 of the Law on Bidding;
b) Regularly update the information about their competence and experience on the national bidding system;
c) In addition to the responsibilities prescribed in Point a and Point b this Clause, every foreign contractor shall:
- Comply with the regulations of the law of Vietnam on exit and entry; import and export of goods; registration of residence; accounting and tax scheme and other relevant of law of Vietnam unless there are different regulations in the international agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory or international agreements that the competent authorities of the Socialist Republic of Vietnam have signed after selected to carry out the contracts.
- The investors shall send written reports on the successful bidders to the Ministry of Planning and Investment, managing Ministries and the Departments of Planning and Investment of provinces where the projects are carried out within 15 days from the effective date of the contracts signed with the foreign contractors.
d) Any foreign contractor selected under the regulations of the Law on Bidding does not have to request for the issuance of bidding license.
2. Management of subcontractors:
a) Any prime contractor can sign a contract with the subcontractors in the List of the contractors mentioned in the bid-envelope and proposals. The prime contractor must fulfill their obligations even when hiring the subcontractors. The prime contractor shall be responsible for the workload, quality, progress and other responsibilities for the parts of the contract carried out by the subcontractors;
b) The prime contractor must not request the subcontractors to carry out the tasks other than the tasks of the subcontractors mentioned in the bid-envelope and proposals; the subcontractors can be replaced or new subcontractors can be added to the List of the subcontractors prescribed in the bid-envelope and proposals only when the investor agrees;
c) The prime contractor shall select and employ the eligible subcontractors. In case of important contractors at the request of the invitation for bid, the competence and experience of them shall be evaluated under the regulations in the invitation for bid;
d) The prime contractor shall pay the subcontractors under the agreement between the prime contractor and the subcontractors.
3. The Ministry of Planning and Investment shall maintain the database of the contractors, list of contractors committing violations against the law on bidding; summarize and provide the information about the contractors for the relevant organizations and individuals, which facilitates the healthy competitive during the selection of contractors.
IMPLEMENTATION
1. With regard to the contracts whose bidding plans have been approved but the EOI requests, invitations for prequalification, invitations for bid, request for proposals has not released before July 01, 2014, the adjustment to such bidding plans must be approved if they do not comply with the regulations in the Law on Bidding No. 43/2013/QH13.
If the EOI requests, invitations for prequalification, invitations for bid, requests for proposals released before July 01, 2014, the implementation shall comply with the regulations of the Law on Bidding No. 61/2005/QH11, the Law on the amendment and supplementation of the laws related to fundamental construction No. 38/2009/QH12 dated June 19th 2009, Decree No. 85/2009/ND-CP dated October 15, 2009, Decree No. 68/2012/ND-CP dated September 12, 2012 of the Government, the Decision No. 50/QĐ-TTg of the Prime Minister dated November 09, 2012 and relevant Circulars.
2. From July 01, 2014 to the effective date of this Decree, the contractors shall be selected according to the Law on Bidding No. 43/2013/QH13. Before the effective date of this Decree, the contractors shall be selected in accordance with the regulations of the Decree No. 85/2009/ND-CP, Decree No. 68/2012/ND-CP and other relevant guiding documents, which must not violate the Law on Bidding No 43/2013/QH13.
3. With regard to the purchase funded by the state capital to provide the public goods and services in accordance with the regulations on Point dd Clause 1 Article 1 of the Law on Bidding No. 43/2013/QH13, the selection of contractors in the form of purchase order must comply with the regulations in the Decree No. 130/2013/ND-CP dated October 16, 2013; other forms of selection of contractors must comply with the regulations in the Law on Bidding No. 43/2013/QH13 and this Decree.
4. Any individual issued with the Certificate of professional training in bidding before the effective date of this Decree shall continue to participate in bidding under the regulations in Article 16 of the Law on Bidding No. 43/2013/QH13. However, (s)he is require to update the information prescribed in the current legislative documents on bidding.
5. The Ministry of Planning and Investment shall:
a) provide the roadmap for application and instructions on:
- Registration of contractors in the National bidding system in accordance with the regulations in Point d Clause 1 Article 5 and Point e Clause 2 Article 22 of the Law on Bidding No. 43/2013/QH13;
- Issuance of the practice certificates of bidding to the individuals required to have the practice certificates under the regulations of Clause 2 Article 16 and Point c Clause 1 Article 19 of the Law on Bidding No. 43/2013/QH13;
- Activities of the professional bidding organizers in accordance with the regulations in Article 32 of the Law on Bidding No. 43/2013/QH13;
b) provide instructions on other necessary contents of this Decree to facilitate the management of the bidding.
6. The Ministry of Finance shall:
a) provide specific instructions on the purchase funded by the state capital to maintain the activities of the competent authorities, units affiliated to People’s armed forces, public service providers, political organizations, socio-political organizations, socio-political and professional organizations, social organizations, socio-professional organizations;
b) provide the lists of goods and services applied bulk purchasing;
c) take chare and cooperate with the Ministry of Planning and Investment in giving guidance on the bulk purchasing;
d) give guidance on the fees for the selection of contractors.
7. The Ministry of Health shall be in charge of giving guidance on bidding for medicines to facilitating disease prevention, examination and treatment which is funded by the State budget, medical insurance fund and other resources in the medical facilities.
8. The Ministry of Industry and Trade shall:
a) provide instructions on the procedures for the import and export of goods for the successful bidders;
b) publish the List of the goods that can be produced in Vietnam, List of popular goods allowed to be imported into and sold in Vietnam.
9. The Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall take charge and cooperate with the Ministry of Finance and relevant regulatory authorities in promulgating the regulations on the wages of the Vietnamese consulting specialists, which serves as a basis to determine the value of the time-based consulting contracts prescribed in Clause 4 Article 62 of the Law on Bidding No. 43/2013/QH13.
10. The Ministry of Construction shall giving instructions on labor costs of the consulting services which serve as a basis to determine the time-based consulting contracts prescribed in Clause 4 Article 62 of the Law on Bidding No. 43/2013/QH13.
11. The Ministries and regulatory authorities must provide the List of satisfactory goods that can be produced in Vietnam within their authority.
12. The Ministries, ministerial-level authorities, Governmental authorities, other central authorities, the People’s Committees of provinces shall detail some contents of this Decree (if necessary) within their competence, which complies with the regulations in the Law on Bidding No. 43/2013/QH13 and this Decree.
13. The Ministers, Heads of ministerial-level authorities, Governmental authorities, other central authorities, the Presidents of the People’s Committees shall assign Chiefs directly in charge of bidding and affiliated units to administer bidding within their competence. Difficulties that arise during the implementation of this Circular should be reported to the Prime Minister for consideration. The Ministries, ministerial-level authorities, Governmental authorities, other central authorities, the People’s Committees of provinces, enterprises approved by the Prime Minister must send annual reports on the bidding to the Ministry of Planning and Investment to summarize and notify the Prime Minister.
This Decree takes effect from August 15, 2014.
The Decree No. 85/2009/NÐ-CP of the Government giving instructions on the Law on Bidding and selection of building contractors under the Law on Construction dated October 15, 2009, Decree No. 68/2012/NÐ-CP dated September 12, 2012 of the Government on the amendment to some Articles of the Decree No. 85/2009/NÐ-CP of the Government dated October 15, 2009 and the Decision No. 50/QÐ-TTg of the Prime Minister on the application of limited bidding regarding the contracts considered and decided the Prime Minister dated November 09, 2012 shall expire from the effective date of this Decree.
|
ON BEHALF OF THE GOVERNMENT |
Văn bản liên quan
Cập nhật
Điều 2. Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu
Điều 6. Ưu đãi đối với đấu thầu trong nước
Điều 7. Cung cấp và đăng tải thông tin về đấu thầu
Điều 8. Thời hạn, quy trình cung cấp và đăng tải thông tin về đấu thầu
Điều 17. Sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch
Điều 18. Đánh giá hồ sơ dự thầu
Điều 20. Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu
Điều 28. Đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật
Điều 54. Hạn mức chỉ định thầu
Điều 56. Quy trình chỉ định thầu rút gọn
Điều 57. Phạm vi áp dụng chào hàng cạnh tranh
Điều 58. Quy trình chào hàng cạnh tranh thông thường
Điều 60. Quy trình mua sắm trực tiếp
Điều 64. Lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu quy mô nhỏ
Điều 68. Nguyên tắc trong mua sắm tập trung
Điều 69. Trách nhiệm trong mua sắm tập trung
Điều 87. Đăng ký tham gia hệ thống mạng đấu thầu quốc gia
Điều 102. Trách nhiệm của Hội đồng quản trị, người đứng đầu doanh nghiệp
Điều 104. Trách nhiệm của đơn vị thẩm định
Điều 107. Đăng ký, thẩm định, công nhận và xóa tên cơ sở đào tạo về đấu thầu
Điều 112. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc quản lý hoạt động đào tạo về đấu thầu
Điều 117. Xử lý tình huống trong đấu thầu
Điều 118. Điều kiện để xem xét, giải quyết kiến nghị
Điều 120. Giải quyết kiến nghị đối với lựa chọn nhà thầu
Điều 121. Các hình thức xử lý vi phạm trong đấu thầu
Điều 122. Hình thức cấm tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu
Điều 123. Hủy, đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu