Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 số 94/2015/QH13
Số hiệu: | 94/2015/QH13 | Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Nguyễn Sinh Hùng |
Ngày ban hành: | 25/11/2015 | Ngày hiệu lực: | 01/01/2018 |
Ngày công báo: | 30/12/2015 | Số công báo: | Từ số 1257 đến số 1258 |
Lĩnh vực: | Thủ tục Tố tụng, Quyền dân sự | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Luật này quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành tạm giữ, tạm giam; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành tạm giữ, tạm giam.
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
2. Cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
3. Cơ quan điều tra; cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
4. Viện kiểm sát nhân dân.
5. Tòa án nhân dân.
6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
2. Người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bao gồm bị can; bị cáo; người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ.
3. Chế độ tạm giữ, tạm giam là chế độ quản lý giam giữ người bị tạm giữ, người bị tạm giam và chế độ ăn, ở, mặc, tư trang, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo và tài liệu, gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
4. Cơ sở giam giữ là nơi tổ chức giam giữ, quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bao gồm trại tạm giam, nhà tạm giữ, buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng.
5. Trích xuất là việc đưa người bị tạm giữ, người bị tạm giam ra khỏi cơ sở giam giữ trong thời gian nhất định theo lệnh, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền để thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự, khám bệnh, chữa bệnh, thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự, thực hiện quyền, nghĩa vụ khác do luật định.
6. Danh bản là bản ghi thông tin tóm tắt về lý lịch, nhân dạng, ảnh chụp ba tư thế, in dấu vân hai ngón tay trỏ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam do cơ quan có thẩm quyền lập và lưu giữ.
7. Chỉ bản là bản ghi thông tin tóm tắt về lý lịch và in dấu vân tay của tất cả các ngón của người bị tạm giữ, người bị tạm giam do cơ quan có thẩm quyền lập và lưu giữ.
8. Thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại.
1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm quyền con người, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh lệnh, quyết định về tạm giữ, tạm giam, trả tự do của cơ quan, người có thẩm quyền.
3. Bảo đảm nhân đạo; không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
4. Bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan.
5. Áp dụng các biện pháp quản lý giam giữ phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, độ tuổi, giới tính, sức khỏe; bảo đảm bình đẳng giới, quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em và các đặc điểm nhân thân khác của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp và thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật này trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam theo quy định của Luật này, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Bộ luật tố tụng hình sự.
Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát hoạt động của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến hoạt động tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật.
1. Tra tấn, truy bức, dùng nhục hình; các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
2. Không chấp hành lệnh, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về tạm giữ, tạm giam, trả tự do.
3. Giam giữ người trái pháp luật; trả tự do trái pháp luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam; vi phạm quy định trong quản lý, canh gác, áp giải người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
4. Cản trở người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền thăm gặp thân nhân, quyền bào chữa, được trợ giúp pháp lý, tiếp xúc lãnh sự, khiếu nại, tố cáo, quyền con người, quyền và nghĩa vụ khác của công dân theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan.
5. Phá hủy cơ sở giam giữ, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cơ sở giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khỏi nơi giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khi đang bị áp giải; đánh tháo người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
6. Không chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ hoặc quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
7. Thực hiện hoặc tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, che giấu, ép buộc người khác vi phạm pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; trả thù, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác trong thi hành tạm giữ, tạm giam.
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các quyền sau đây:
a) Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ;
b) Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân;
c) Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu;
d) Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự;
đ) Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý;
e) Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;
g) Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam;
h) Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật;
i) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu bị giam, giữ trái pháp luật;
k) Được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang bị tạm giữ, tạm giam.
2. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các nghĩa vụ sau đây:
a) Chấp hành quyết định, yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam;
b) Chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ, quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
1. Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam trong Công an nhân dân bao gồm:
a) Cơ quan quản lý thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam trong phạm vi cả nước (sau đây gọi là cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Công an);
b) Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam trong địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh);
c) Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam trong địa bàn huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp huyện).
2. Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân bao gồm:
a) Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam (sau đây gọi là cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng);
b) Cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam đối với trại tạm giam, nhà tạm giữ khu vực thuộc phạm vi quản lý;
c) Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh thực hiện quản lý tạm giữ đối với Buồng tạm giữ của đồn biên phòng.
1. Cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam bao gồm:
a) Trại tạm giam thuộc Bộ Công an;
b) Trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng;
c) Trại tạm giam Công an cấp tỉnh; trại tạm giam thuộc quân khu và tương đương (sau đây gọi chung là trại tạm giam cấp quân khu);
d) Nhà tạm giữ Công an cấp huyện; nhà tạm giữ Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân;
đ) Buồng tạm giữ của đồn biên phòng ở hải đảo, biên giới xa trung tâm hành chính cấp huyện.
2. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập, giải thể, quy mô, thiết kế cơ sở giam giữ; ban hành nội quy của cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập, giải thể, quy mô, thiết kế cơ sở giam giữ; ban hành nội quy của cơ sở giam giữ trong Quân đội nhân dân.
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng:
a) Giúp Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 63 và Điều 64 của Luật này;
b) Tổ chức triển khai thi hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam;
c) Chỉ đạo nghiệp vụ, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam;
d) Quyết định việc điều chuyển người bị tạm giữ, tạm giam giữa các cơ sở giam giữ;
đ) Thanh tra, kiểm tra về tạm giữ, tạm giam theo thẩm quyền;
e) Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về thi hành tạm giữ, tạm giam;
g) Tổng kết công tác thi hành tạm giữ, tạm giam;
h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh, cấp quân khu:
a) Giúp Giám đốc Công an cấp tỉnh, thủ trưởng cấp quân khu quản lý công tác thi hành tạm giữ, tạm giam trên địa bàn;
b) Tổ chức thi hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam;
c) Chỉ đạo nghiệp vụ và kiểm tra công tác thi hành tạm giữ, tạm giam đối với trại tạm giam, nhà tạm giữ;
d) Quyết định việc điều chuyển người bị tạm giữ, tạm giam giữa các cơ sở giam giữ trong phạm vi tỉnh, quân khu;
đ) Thanh tra, kiểm tra về tạm giữ, tạm giam theo thẩm quyền;
e) Tổng kết công tác thi hành tạm giữ, tạm giam và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về công tác tạm giữ, tạm giam theo hướng dẫn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam thuộc Công an cấp huyện, cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân:
a) Giúp Trưởng Công an cấp huyện, thủ trưởng Cơ quan điều tra hình sự khu vực quản lý công tác thi hành tạm giữ, tạm giam trên địa bàn;
b) Chỉ đạo nghiệp vụ và kiểm tra công tác thi hành tạm giữ, tạm giam đối với nhà tạm giữ;
c) Tổng kết công tác thi hành tạm giữ, tạm giam và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo hướng dẫn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp trên;
d) Trực tiếp quản lý nhà tạm giữ thuộc Công an cấp huyện, Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân.
4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh:
a) Chỉ đạo nghiệp vụ và kiểm tra công tác thi hành tạm giữ đối với buồng tạm giữ của đồn biên phòng;
b) Tổng kết công tác thi hành tạm giữ và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo.
1. Nhà tạm giữ, trại tạm giam có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tiếp nhận, lập hồ sơ, lập danh bản, chỉ bản của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo lệnh, quyết định của người có thẩm quyền được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự hoặc người có quyết định điều chuyển theo quy định của Luật này;
b) Thực hiện các biện pháp quản lý giam giữ người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
c) Áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
d) Bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; giải quyết kiến nghị theo thẩm quyền hoặc chuyển kháng cáo, khiếu nại, tố cáo, yêu cầu, kiến nghị, đề nghị của người bị tạm giữ, người bị tạm giam đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết;
đ) Giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo lệnh trích xuất, quyết định điều chuyển của người có thẩm quyền;
e) Báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi có căn cứ cho rằng lệnh, quyết định tạm giữ, tạm giam, trả tự do là trái pháp luật;
g) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
h) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án 01 ngày trước khi hết thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ, 05 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, 10 ngày trước khi hết thời hạn gia hạn tạm giam và yêu cầu cơ quan đang thụ lý vụ án giải quyết theo pháp luật; trường hợp hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam, cơ quan đang thụ lý vụ án không giải quyết thì kiến nghị ngay Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam xử lý;
i) Trả tự do cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền;
l) Thực hiện thống kê, báo cáo về thi hành tạm giữ, tạm giam.
2. Đối với nhà tạm giữ Công an cấp huyện và trại tạm giam, ngoài nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại khoản 1 Điều này còn có nhiệm vụ, quyền hạn tiếp nhận, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.
3. Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của nhà tạm giữ, trại tạm giam quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;
b) Quyết định phân loại, tổ chức giam giữ người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
c) Quyết định kiểm tra, thu giữ, xử lý tài liệu, đồ vật thuộc danh mục cấm;
d) Ra lệnh trích xuất để khám, chữa bệnh và phục vụ công tác giam giữ; ra lệnh trích xuất hoặc quyết định cho gặp thân nhân, người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp để thực hiện một số quyền, nghĩa vụ do luật định;
đ) Thực hiện lệnh trích xuất hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam tiếp xúc lãnh sự hoặc các tổ chức nhân đạo;
e) Tổ chức bảo vệ an toàn cơ sở giam giữ; bảo đảm vệ sinh môi trường; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; thông báo cho cơ quan y tế nơi gần nhất khi có dịch bệnh xảy ra để phối hợp dập tắt dịch bệnh.
4. Phó Trưởng nhà tạm giữ, Phó Giám thị trại tạm giam có trách nhiệm giúp Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam theo sự phân công hoặc ủy quyền của Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam và chịu trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ được giao.
5. Trưởng nhà tạm giữ, Phó Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam, Phó giám thị trại tạm giam, người thi hành tạm giữ, tạm giam phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình trong việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; nếu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
1. Nhà tạm giữ được tổ chức như sau:
a) Nhà tạm giữ có buồng tạm giữ, buồng tạm giam, buồng kỷ luật, buồng quản lý phạm nhân; có các công trình phục vụ việc quản lý giam giữ, hoạt động tố tụng hình sự. Tùy quy mô giam giữ, nhà tạm giữ có thể có các công trình phục vụ sinh hoạt, chăm sóc y tế, giáo dục người bị tạm giữ, người bị tạm giam, thi hành án phạt tù; có các công trình làm việc, sinh hoạt của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, viên chức công tác tại nhà tạm giữ;
b) Tổ chức bộ máy của nhà tạm giữ trong Công an nhân dân gồm có Trưởng nhà tạm giữ, Phó Trưởng nhà tạm giữ, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, viên chức làm nhiệm vụ quản giáo, trinh sát, bảo vệ, hỗ trợ tư pháp, tham mưu tổng hợp, hậu cần, kỹ thuật, giáo dục, y tế, hồ sơ;
c) Tổ chức bộ máy của nhà tạm giữ Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân gồm có Trưởng nhà tạm giữ, Phó Trưởng nhà tạm giữ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng làm nhiệm vụ quản giáo, trinh sát, bảo vệ, hỗ trợ tư pháp, tham mưu tổng hợp, hậu cần, kỹ thuật, giáo dục, y tế, hồ sơ;
d) Trưởng nhà tạm giữ, Phó Trưởng nhà tạm giữ phải là người có trình độ đại học cảnh sát, đại học an ninh hoặc cử nhân luật trở lên và bảo đảm các tiêu chuẩn khác do Chính phủ quy định.
2. Trại tạm giam được tổ chức như sau:
a) Trại tạm giam có phân trại tạm giam, khu giam giữ, buồng tạm giam, buồng tạm giữ, buồng giam người đang chờ chấp hành án phạt tù, buồng giam người bị kết án tử hình, buồng kỷ luật, phân trại quản lý phạm nhân; các công trình phục vụ việc quản lý giam giữ, hoạt động tố tụng, thi hành án, sinh hoạt, chăm sóc y tế, giáo dục người bị tạm giữ, người bị tạm giam, thi hành án phạt tù; các công trình làm việc, sinh hoạt của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, viên chức công tác tại trại tạm giam;
b) Tổ chức bộ máy của trại tạm giam trong Công an nhân dân gồm có Giám thị, Phó Giám thị, Trưởng phân trại, Phó Trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó Đội trưởng, trưởng cơ sở y tế; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, viên chức và được tổ chức thành các đội, phân trại tạm giam, phân trại quản lý phạm nhân để làm nhiệm vụ quản giáo, trinh sát, bảo vệ, hỗ trợ tư pháp, thi hành án hình sự, tham mưu tổng hợp, hậu cần, kỹ thuật, giáo dục, y tế, hồ sơ;
c) Tổ chức bộ máy của trại tạm giam trong Quân đội nhân dân gồm có Giám thị, Phó Giám thị, Chính trị viên, Trưởng phân trại, Phó Trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó Đội trưởng, trưởng cơ sở y tế; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng có thể được tổ chức thành các đội để làm nhiệm vụ quản giáo, trinh sát, bảo vệ, hỗ trợ tư pháp, thi hành án hình sự, tham mưu tổng hợp, hậu cần, kỹ thuật, giáo dục, y tế, hồ sơ;
d) Giám thị, Phó Giám thị, Trưởng phân trại, Phó Trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó Đội trưởng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này phải là người có trình độ đại học cảnh sát, đại học an ninh hoặc cử nhân luật trở lên và bảo đảm các tiêu chuẩn khác do Chính phủ quy định.
3. Buồng tạm giữ, buồng tạm giam trong nhà tạm giữ, trại tạm giam được thiết kế, xây dựng kiên cố, có khóa cửa, có phương tiện kiểm soát an ninh, đủ ánh sáng, bảo đảm sức khỏe của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, vệ sinh môi trường, an toàn phòng cháy, chữa cháy, phù hợp với đặc điểm khí hậu của từng địa phương và yêu cầu công tác quản lý giam giữ.
Phòng làm việc của cơ quan, người tiến hành tố tụng, người bào chữa được thiết kế, xây dựng bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu điều tra, xử lý vụ án và bào chữa.
1. Đồn biên phòng đóng ở vùng sâu, vùng xa có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra được tổ chức buồng tạm giữ để quản lý, thực hiện chế độ tạm giữ đối với người bị tạm giữ theo quyết định của Đồn trưởng đồn biên phòng và của người có thẩm quyền khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
2. Buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng có Trưởng buồng tạm giữ và chịu sự quản lý trực tiếp của Đồn trưởng đồn biên phòng. Trưởng buồng tạm giữ có các nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý người bị tạm giữ như Trưởng nhà tạm giữ theo quy định tại khoản 3 Điều 13 của Luật này.
Khi tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, cơ sở giam giữ có trách nhiệm:
1. Kiểm tra thông tin để xác định đúng người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo lệnh, quyết định của người có thẩm quyền;
2. Lập biên bản giao nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, tài liệu, hồ sơ kèm theo; tổ chức khám sức khỏe, kiểm tra thân thể của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và trẻ em dưới 36 tháng tuổi đi theo (nếu có). Việc kiểm tra thân thể người bị tạm giữ, người bị tạm giam là nam giới do cán bộ nam thực hiện, nữ giới do cán bộ nữ thực hiện và được tiến hành ở nơi kín đáo;
3. Chụp ảnh, lập danh bản, chỉ bản và vào sổ theo dõi người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
4. Phổ biến, hướng dẫn, giải thích quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam và nội quy của cơ sở giam giữ; kiểm tra và xử lý đồ vật mang theo trước khi đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam.
1. Hồ sơ quản lý tạm giữ, tạm giam bao gồm:
a) Các lệnh, quyết định, biên bản về việc bắt, tạm giữ, tạm giam, gia hạn tạm giữ, gia hạn tạm giam, truy nã, trả tự do, trích xuất, điều chuyển nơi giam giữ; các quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân;
b) Biên bản giao nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, tài liệu, hồ sơ kèm theo; biên bản giao nhận tiền, tài sản khác của người bị tạm giữ, người bị tạm giam gửi lưu ký hoặc giao cho thân nhân, người đại diện hợp pháp của họ quản lý; quyết định, biên bản hủy đồ vật thuộc danh mục cấm;
c) Danh bản, chỉ bản, lý lịch và tài liệu về nhân thân; tài liệu liên quan đến việc chấp hành các quy định về giam giữ; biên bản, quyết định kỷ luật về việc vi phạm nội quy, pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; tài liệu về sức khỏe, khám, chữa bệnh; tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong thời gian bị giam giữ; tài liệu liên quan đến việc giải quyết chuyển kháng cáo, khiếu nại, tố cáo, yêu cầu, kiến nghị, đề nghị của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; tài liệu về thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự;
d) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền đưa người bị kết án phạt tù đến nơi chấp hành án; quyết định của Hội đồng thi hành án tử hình đưa người bị kết án tử hình đi thi hành án tử hình;
đ) Tài liệu khác có liên quan.
2. Đối với người bị tạm giam mà trước đó đã bị tạm giữ thì hồ sơ tạm giam còn bao gồm các tài liệu trong hồ sơ tạm giữ.
3. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chế độ quản lý, lưu trữ, khai thác, sử dụng hồ sơ quản lý tạm giữ, tạm giam.
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được bố trí theo khu và phân loại như sau:
a) Người bị tạm giữ;
b) Người bị tạm giam;
c) Người dưới 18 tuổi;
d) Phụ nữ;
đ) Người nước ngoài;
e) Người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;
g) Người thực hiện hành vi phạm tội có tính chất côn đồ; giết người; cướp tài sản thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm;
h) Người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia;
i) Người bị kết án tử hình;
k) Người đang chờ chấp hành án phạt tù;
l) Người thường xuyên vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ;
m) Người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng chưa được giám định, đang chờ kết quả giám định hoặc đang chờ đưa đi cơ sở bắt buộc chữa bệnh.
2. Không giam giữ chung buồng những người trong cùng một vụ án đang trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.
3. Trong trường hợp đặc biệt, do điều kiện thực tế mà nhà tạm giữ, trại tạm giam không thể đáp ứng được yêu cầu giam giữ riêng hoặc để bảo đảm yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm an toàn cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thì Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam, Trưởng buồng tạm giữ đồn biên phòng phối hợp với cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định bằng văn bản những người được giam giữ chung.
4. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam sau đây có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng:
a) Người đồng tính, người chuyển giới;
b) Người quy định tại các điểm e, i và m khoản 1 Điều này;
c) Phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng.
1. Cơ sở giam giữ phải được canh gác, bảo vệ, quản lý, kiểm tra, giám sát 24/24 giờ trong ngày.
2. Người bị tạm giữ phải ở trong buồng tạm giữ; người bị tạm giam phải ở trong buồng tạm giam. Khi có lệnh của thủ trưởng cơ sở giam giữ thì mới được ra khỏi buồng tạm giữ, buồng tạm giam để thực hiện lệnh trích xuất và các hoạt động khác theo quy định tại khoản 5 Điều 20 của Luật này và nội quy của cơ sở giam giữ.
3. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế quyền đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo. Trường hợp cần thiết thực hiện giao dịch dân sự thì phải thông qua người đại diện hợp pháp và được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án.
4. Việc điều chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam giữa các cơ sở giam giữ do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam quyết định sau khi thống nhất với thủ trưởng cơ quan đang thụ lý vụ án và thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Thẩm quyền điều chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam được quy định như sau:
a) Việc điều chuyển giữa các cơ sở giam giữ thuộc cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quân khu và tương đương do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh, cấp quân khu quyết định;
b) Việc điều chuyển giữa các cơ sở giam giữ không thuộc cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quân khu và tương đương do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh, cấp quân khu nơi chuyển đi quyết định sau khi thống nhất với thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh, cấp quân khu nơi nhận;
c) Việc điều chuyển giữa cơ sở giam giữ Công an cấp tỉnh, cấp quân khu với cơ sở giam giữ thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quyết định;
d) Việc điều chuyển giữa cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân với cơ sở giam giữ trong Quân đội nhân dân do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam nơi chuyển đi quyết định sau khi thống nhất với thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam nơi nhận.
1. Việc trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam chỉ được thực hiện khi có lệnh trích xuất của người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Luật thi hành án hình sự và Luật này, trong trường hợp sau đây:
a) Để phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
b) Đưa đi khám bệnh, chữa bệnh, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần;
c) Gặp thân nhân, người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp để thực hiện một số quyền, nghĩa vụ do luật định;
d) Người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam tiếp xúc lãnh sự hoặc tiếp xúc với các tổ chức nhân đạo theo quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo sự thỏa thuận giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc vì lý do đối ngoại đối với từng trường hợp cụ thể.
2. Trường hợp Giám thị trại tạm giam, Trưởng nhà tạm giữ, Trưởng buồng tạm giữ của đồn biên phòng trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam đi khám bệnh, chữa bệnh thì phải thông báo ngay cho cơ quan đang thụ lý vụ án và Viện kiểm sát có thẩm quyền.
3. Lệnh trích xuất phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Cơ quan, họ tên, chức vụ, cấp bậc người ra lệnh;
b) Họ tên, năm sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hành vi vi phạm pháp luật, ngày bị tạm giữ, ngày bị tạm giam của người được trích xuất;
c) Mục đích và thời hạn trích xuất;
d) Họ tên, chức vụ, cấp bậc, cơ quan của người làm nhiệm vụ áp giải người được trích xuất hoặc cơ quan làm nhiệm vụ áp giải;
đ) Họ tên, chức vụ, cấp bậc (nếu có) của người nhận trích xuất của cơ quan có thẩm quyền ra lệnh trích xuất;
e) Ngày, tháng, năm ra lệnh; chữ ký của người ra lệnh và đóng dấu.
4. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm kiểm tra, bàn giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam cho cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải. Cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải có trách nhiệm bàn giao người được trích xuất cho người có thẩm quyền ra lệnh trích xuất. Việc giao nhận phải được lập biên bản, có ghi rõ tình trạng sức khỏe của người đó và ghi sổ theo dõi.
Người có thẩm quyền ra lệnh trích xuất có trách nhiệm tiếp nhận người được trích xuất. Cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải phối hợp với cơ sở giam giữ và người có thẩm quyền ra lệnh trích xuất quản lý và bảo đảm thực hiện chế độ ăn, ở, sinh hoạt đối với người được trích xuất theo quy định của Luật này. Việc áp giải, quản lý và kinh phí bảo đảm thực hiện chế độ ăn, ở, sinh hoạt đối với người được trích xuất do Chính phủ quy định.
Khi chưa hết thời hạn trích xuất nhưng đã hoàn thành mục đích trích xuất hoặc hết thời hạn trích xuất, người có yêu cầu trích xuất bàn giao người được trích xuất cho cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải để giao người được trích xuất cho cơ sở giam giữ, trừ trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam được trả tự do theo bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền. Nếu có nhu cầu tiếp tục trích xuất thì phải có lệnh gia hạn trích xuất. Thời hạn trích xuất và gia hạn trích xuất không được dài hơn thời hạn tạm giữ, tạm giam còn lại.
5. Trong trường hợp thực hiện hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này bên trong khu vực cơ sở giam giữ thì thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định đưa người bị tạm giữ, người bị tạm giam ra khỏi buồng tạm giữ, buồng tạm giam mà không cần lệnh trích xuất.
Cơ sở giam giữ có trách nhiệm chuyển giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong các trường hợp sau đây:
1. Khi có quyết định của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam đến cơ sở giam giữ khác.
2. Khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền đưa người bị kết án phạt tù đến nơi chấp hành án.
3. Khi có quyết định của Hội đồng thi hành án tử hình đưa người bị kết án tử hình đi thi hành án tử hình.
1. Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ.
2. Người đến thăm gặp phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong trường hợp là thân nhân của họ. Việc thăm gặp phải chịu sự giám sát, theo dõi chặt chẽ của cơ sở giam giữ;
không làm ảnh hưởng đến các hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền; tuân thủ quy định về thăm gặp; trường hợp cơ quan thụ lý vụ án có yêu cầu thì phối hợp với cơ sở giam giữ để giám sát, theo dõi việc thăm gặp.
Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm thăm gặp; thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án về việc thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
3. Người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này tại buồng làm việc của cơ sở giam giữ hoặc nơi người bị tạm giữ, tạm giam đang khám bệnh, chữa bệnh; phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa.
4. Thủ trưởng cơ sở giam giữ không đồng ý cho thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong các trường hợp sau đây và phải nêu rõ lý do:
a) Thân nhân không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc cơ quan đang thụ lý vụ án có văn bản đề nghị không cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân do thấy có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án; người bào chữa không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
b) Trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ an toàn cơ sở giam giữ hoặc để tổ chức truy bắt người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn;
c) Khi có dịch bệnh xảy ra tại khu vực có cơ sở giam giữ;
d) Khi cấp cứu người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;
đ) Khi đang lấy lời khai, hỏi cung hoặc người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang tham gia các hoạt động tố tụng khác;
e) Người bị tạm giữ, người bị tạm giam không đồng ý thăm gặp; trường hợp này, người thăm gặp được trực tiếp gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc không đồng ý thăm gặp;
g) Người đến thăm gặp cố ý vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ từ hai lần trở lên;
h) Người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang bị kỷ luật theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này.
5. Việc thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này. Việc tiếp xúc lãnh sự, tổ chức nhân đạo được thực hiện theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo thỏa thuận quốc tế hoặc thỏa thuận về từng trường hợp cụ thể giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc với tổ chức nhân đạo. Việc tiếp xúc, thăm gặp có thể mời đại diện của cơ quan ngoại giao Việt Nam hoặc đại diện Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng tham dự.
Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị kỷ luật bằng một trong các hình thức sau đây:
a) Cảnh cáo;
b) Cách ly ở buồng kỷ luật từ 01 ngày đến 02 ngày và có thể bị gia hạn đến 02 ngày đối với người bị tạm giữ; cách ly ở buồng kỷ luật từ 03 ngày đến 07 ngày và có thể bị gia hạn đến 10 ngày đối với người bị tạm giam. Thời hạn cách ly không quá thời hạn tạm giữ, tạm giam còn lại.
2. Việc kỷ luật bằng hình thức cách ly được thực hiện nếu người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ hai lần trở lên hoặc có các hành vi quy định tại khoản 5 và khoản 7 Điều 8 của Luật này.
3. Người bị cách ly ở buồng kỷ luật nếu có hành vi chống phá quyết liệt cơ sở giam giữ, tự sát, tự gây thương tích cho bản thân, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác thì bị cùm một chân. Thời gian bị cùm chân do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định. Không áp dụng cùm chân đối với người bị kỷ luật là người dưới 18 tuổi, phụ nữ, người khuyết tật nặng trở lên, người đủ 70 tuổi trở lên. Trong thời gian bị cách ly ở buồng kỷ luật, người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế việc thăm gặp, gửi, nhận thư, nhận quà.
4. Việc kỷ luật và việc hạn chế thăm gặp, gửi, nhận thư, nhận quà đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định bằng văn bản. Biên bản về việc vi phạm và quyết định kỷ luật được đưa vào hồ sơ quản lý giam giữ. Nếu người bị kỷ luật có tiến bộ thì thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định bằng văn bản việc giảm thời hạn kỷ luật, bãi bỏ việc hạn chế thăm gặp, gửi, nhận thư, nhận quà đối với người đó.
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam chỉ được đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam đồ dùng cần thiết cho cá nhân. Đồ vật, tư trang, tiền và tài sản khác của họ mang theo phải gửi lưu ký tại nơi quy định của cơ sở giam giữ hoặc ủy quyền cho thân nhân, người đại diện hợp pháp của họ quản lý. Những đồ vật không thể bảo quản được trong thời hạn tạm giữ, tạm giam và những đồ vật thuộc danh mục cấm mang vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam nếu phải hủy bỏ thì thủ trưởng cơ sở giam giữ phải ra quyết định bằng văn bản hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Khi hủy bỏ phải có sự chứng kiến của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và phải lập biên bản về việc hủy bỏ. Nếu họ được trả tự do, chuyển nơi giam giữ khác thì đồ vật, tư trang, tiền, tài sản khác đã gửi lưu ký được trả lại; trường hợp cơ sở giam giữ làm hư hỏng hoặc mất thì phải bồi thường.
2. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam.
Căn cứ vào danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam, thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định không được đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam các đồ vật cụ thể có khả năng dùng để tự sát, trốn khỏi nơi giam giữ, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe, tính mạng của người đó hoặc người khác.
3. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được sử dụng tiền gửi lưu ký để mua đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt của họ bằng hình thức ký sổ.
1. Khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn, thủ trưởng cơ sở giam giữ phải tổ chức truy bắt ngay, lập biên bản; đồng thời, thông báo ngay cho cơ quan đang thụ lý vụ án và Viện kiểm sát có thẩm quyền phối hợp xử lý. Mọi trường hợp bỏ trốn đều phải được áp dụng các biện pháp truy bắt, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam đã bỏ trốn ra đầu thú thì cơ quan tiếp nhận lập biên bản, báo ngay cho cơ quan đang thụ lý vụ án và cơ sở giam giữ để xử lý theo quy định của pháp luật.
1. Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam thì thủ trưởng cơ sở giam giữ phải tổ chức bảo vệ hiện trường, thông báo ngay cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát có thẩm quyền để tiến hành xác định nguyên nhân chết; đồng thời, thông báo cho thân nhân, người đại diện hợp pháp của người chết. Đại diện cơ sở giam giữ phải chứng kiến việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Trường hợp người chết là người nước ngoài thì việc thông báo cho cơ quan lãnh sự và thân nhân, người đại diện hợp pháp của họ do cơ quan đang thụ lý vụ án thực hiện.
2. Cơ sở giam giữ làm thủ tục khai tử theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
3. Khi Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đồng ý cho làm các thủ tục an táng người chết thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm thông báo cho thân nhân của người chết.
Trường hợp thân nhân người chết có văn bản yêu cầu thì bàn giao thi hài đó cho họ, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường. Sau thời hạn 24 giờ kể từ khi thông báo mà họ không nhận thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm tổ chức an táng. Trường hợp thân nhân của người chết có đơn đề nghị được nhận tro cốt hoặc hài cốt sau khi an táng thì thủ trưởng cơ sở giam giữ trao đổi với chính quyền địa phương giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc an táng phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế và của chính quyền địa phương.
4. Người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam chết thì giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo thỏa thuận quốc tế hoặc sự thỏa thuận trực tiếp về từng trường hợp cụ thể giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, tạm giam chết. Trường hợp chưa có điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế tương ứng hoặc giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, tạm giam chết không thoả thuận thống nhất được về giải quyết trường hợp cụ thể hoặc không xác định được quốc tịch của người chết thì giải quyết như đối với người Việt Nam bị tạm giữ, tạm giam chết.
5. Kinh phí liên quan tới việc an táng do ngân sách nhà nước bảo đảm. Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
6. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết mà trước đó đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội hoặc đang được hưởng lương hưu thì chế độ tử tuất giải quyết theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau, thịt, cá, đường, muối, nước chấm, bột ngọt, chất đốt, điện, nước sinh hoạt. Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định việc hoán đổi định lượng ăn cho phù hợp với thực tế để bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam ăn hết tiêu chuẩn.
Ngày lễ, tết theo quy định của pháp luật, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được ăn thêm nhưng mức ăn không quá năm lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.
Căn cứ yêu cầu bảo đảm sức khỏe của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, Chính phủ quy định cụ thể định mức ăn phù hợp với điều kiện kinh tế, ngân sách và biến động giá cả thị trường.
2. Người bị tạm giữ được nhận quà của thân nhân gửi trong thời gian bị tạm giữ không quá một lần; nếu gia hạn tạm giữ thì mỗi lần gia hạn tạm giữ được nhận quà một lần. Người bị tạm giam được nhận quà của thân nhân gửi đến không quá ba lần trong 01 tháng. Định lượng quà là đồ ăn, uống cho mỗi lần gửi không được vượt quá ba lần tiêu chuẩn ăn ngày thường. Thủ trưởng cơ sở giam giữ tổ chức tiếp nhận, kiểm tra loại bỏ các vật bị cấm và giao đầy đủ cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kiểm tra, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi chiếm đoạt quà, đồ dùng sinh hoạt của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể loại quà mà thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam được phép gửi.
3. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được bảo đảm an toàn thực phẩm trong ăn, uống. Cơ sở giam giữ tổ chức bếp ăn và được cấp các dụng cụ cần thiết cho việc bảo quản lương thực, thực phẩm, nấu ăn, nước uống và chia đồ ăn theo khẩu phần tiêu chuẩn.
4. Chỗ nằm tối thiểu của mỗi người bị tạm giữ, người bị tạm giam là 02 mét vuông (m2), được bố trí sàn nằm và có chiếu.
1. Trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được sử dụng quần áo, chăn, chiếu, màn và các đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt của cá nhân; nếu thiếu thì cơ sở giam giữ cho mượn. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được cấp xà phòng, kem đánh răng; nếu là phụ nữ thì được cấp thêm đồ dùng cần thiết cho vệ sinh của phụ nữ.
Cán bộ trực tiếp quản lý giam giữ có trách nhiệm hướng dẫn, yêu cầu người bị tạm giữ, người bị tạm giam giữ gìn và bảo đảm vệ sinh; thu hồi đồ dùng đã cho mượn khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam ra khỏi cơ sở giam giữ.
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Người bị tạm giữ, người bị tạm giam chỉ được gửi hoặc nhận thư, sách, báo và tài liệu khi được cơ quan đang thụ lý vụ án cho phép. Thư, sách, báo và tài liệu phải để mở và chịu sự kiểm tra, kiểm duyệt của cơ sở giam giữ.
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được hưởng chế độ khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh. Trường hợp bị ốm đau, bệnh tật, thương tích thì được khám và điều trị tại cơ sở y tế của cơ sở giam giữ; nếu bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng của cơ sở giam giữ thì được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp huyện, cấp tỉnh, bệnh viện quân đội hoặc bệnh viện trung ương khám, điều trị. Cơ sở giam giữ phải thông báo cho thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người đó biết để phối hợp chăm sóc, điều trị. Chế độ ăn, sử dụng thuốc, bồi dưỡng do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được nhận thuốc chữa bệnh từ thân nhân và phải có đơn thuốc của thầy thuốc, chịu sự kiểm tra của cơ sở giam giữ.
2. Đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì cơ sở giam giữ yêu cầu cơ quan đang thụ lý vụ án trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Khi có quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với cơ sở giam giữ đưa người bị tạm giữ, người bị tạm giam đến cơ sở chữa bệnh nêu trong quyết định.
3. Kinh phí khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của Chính phủ. Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam có chế độ bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Cơ sở giam giữ được trang bị hệ thống truyền thanh. Trung bình hai mươi người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc cơ sở giam giữ có dưới hai mươi người bị tạm giữ, người bị tạm giam thì được cấp một tờ báo địa phương hoặc báo trung ương. Thủ trưởng cơ sở giam giữ tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam nghe đài phát thanh, đọc báo. Nếu có điều kiện thì tổ chức cho họ xem chương trình truyền hình địa phương và trung ương.
Việc tạm giữ, tạm giam đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi được thực hiện theo quy định tại Chương này và các quy định khác của Luật này.
Khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam đủ 18 tuổi hoặc phụ nữ có con đủ 36 tháng tuổi trở lên thì chế độ tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo quy định chung.
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng ăn như người bị tạm giữ, người bị tạm giam đã thành niên và được tăng thêm về thịt, cá nhưng không quá 20% so với định lượng.
2. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi được bố trí giam giữ riêng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18 của Luật này.
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai, được chăm sóc y tế, được hưởng chế độ ăn uống bảo đảm sức khỏe; nếu sinh con thì được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sĩ hoặc bác sĩ, được cấp thực phẩm, đồ dùng, thuốc men cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh, được bảo đảm thời gian cho con bú trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị đăng ký khai sinh. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở giam giữ đóng trụ sở có trách nhiệm đăng ký và cấp giấy khai sinh.
Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu là 03 mét vuông (m2).
2. Cơ sở giam giữ phải tổ chức việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có con từ đủ 36 tháng tuổi trở lên thì phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng; trường hợp không có thân nhân nhận nuôi dưỡng thì thủ trưởng cơ sở giam giữ đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có cơ sở giam giữ chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam sau khi được trả tự do được nhận lại con đang được cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng.
3. Chính phủ quy định chi tiết về chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi tại cơ sở giam giữ.
Chế độ đối với người bị kết án tử hình đang bị tạm giam được thực hiện theo quy định tại Chương này và các quy định khác của Luật này.
1. Người bị kết án tử hình đang bị tạm giam được hưởng chế độ ăn, mặc, sinh hoạt, chăm sóc y tế, nhận quà, gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu như người bị tạm giam khác.
2. Việc thăm gặp đối với người bị kết án tử hình mà bản án đã có hiệu lực pháp luật, đang chờ thi hành án do Giám thị trại tạm giam quyết định; đối với người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật thì thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Luật này. Việc tổ chức thăm gặp phải bảo đảm tuyệt đối an toàn.
3. Cơ sở giam giữ phải bảo đảm cho người bị kết án tử hình thực hiện quyền kháng cáo, quyền đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, quyền xin ân giảm án tử hình theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và các quyền khác của người bị tạm giam theo quy định của Luật này.
4. Trường hợp người bị kết án tử hình có quyết định ân giảm xuống tù chung thân hoặc có bản án giảm xuống tù chung thân, tù có thời hạn thì thủ trưởng cơ sở giam giữ chuyển người đó đến nơi giam giữ người chờ chấp hành án phạt tù. Trường hợp hủy án để điều tra lại thì thủ trưởng cơ sở giam giữ chuyển người bị kết án tử hình đến buồng tạm giam để phục vụ hoạt động điều tra.
5. Cơ sở giam giữ trả lại tiền, tài sản gửi lưu ký, đồ dùng cá nhân của người đã bị thi hành án tử hình cho thân nhân hoặc người được ủy thác của người đó.
6. Trại tạm giam phải tổ chức buồng riêng hoặc khu riêng để giam giữ người bị kết án tử hình. Trong quá trình quản lý tạm giam người bị kết án tử hình, nếu xét thấy họ có biểu hiện bỏ trốn, tự sát hoặc có hành vi nguy hiểm khác thì thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định việc cùm một chân và tổ chức theo dõi, quản lý, ngăn ngừa.
7. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết khoản 2 và khoản 6 Điều này.
1. Nhà nước bảo đảm biên chế, nhân lực cho cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam. Người làm công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam được đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
2. Nhà nước bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, bao gồm đất đai, trụ sở, công trình giam giữ và phụ trợ, trang bị, thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện giao thông, thông tin liên lạc, kỹ thuật nghiệp vụ và các điều kiện vật chất, kỹ thuật khác. Ưu tiên bảo đảm cơ sở vật chất cho cơ sở giam giữ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn trọng yếu về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
3. Nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam. Việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, binh sĩ Công an nhân dân, Quân đội nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ thi hành tạm giữ, tạm giam được sử dụng vũ khí, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ.
1. Cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam do Bộ Công an thống nhất quản lý và là một bộ phận của cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin phòng, chống tội phạm nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về thi hành tạm giữ, tạm giam.
2. Việc xây dựng, thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam do Chính phủ quy định.
1. Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, binh sĩ Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và công nhân, viên chức công an, quốc phòng làm nhiệm vụ quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam có thành tích thì được khen thưởng; nếu bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
1. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
2. Khi kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, Viện kiểm sát nhân dân có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Kiểm sát tại trại tạm giam, nhà tạm giữ, buồng tạm giữ; hỏi người bị tạm giữ, người bị tạm giam về việc tạm giữ, tạm giam;
b) Kiểm sát hồ sơ tạm giữ, tạm giam;
c) Yêu cầu Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam, Trưởng buồng tạm giữ Bộ đội Biên phòng tự kiểm tra việc tạm giữ, tạm giam và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc thi hành tạm giữ, tạm giam; thông báo tình hình thi hành tạm giữ, tạm giam; trả lời về quyết định, biện pháp hoặc việc làm vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam;
d) Quyết định trả tự do ngay cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam không có căn cứ và trái pháp luật;
đ) Kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, tạm giam; đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và yêu cầu xử lý người vi phạm pháp luật;
e) Khởi tố hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật;
g) Giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam theo quy định của Luật này, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Bộ luật tố tụng hình sự.
Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam, Trưởng buồng tạm giữ Bộ đội biên phòng có trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, quyết định sau đây của Viện kiểm sát nhân dân trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam:
1. Yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam phải được thực hiện ngay; yêu cầu thông báo tình hình tạm giữ, tạm giam, yêu cầu trả lời về quyết định, biện pháp hoặc việc làm vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam được thực hiện trong thời hạn 15 ngày; yêu cầu tự kiểm tra việc tạm giữ, tạm giam và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát nhân dân được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu;
2. Quyết định quy định tại điểm d khoản 2 Điều 42 của Luật này phải được thi hành ngay; nếu không nhất trí với quyết định đó thì vẫn phải thi hành, nhưng có quyền khiếu nại lên Viện kiểm sát nhân dân cấp trên có thẩm quyền. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên phải giải quyết;
3. Kháng nghị quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 42 của Luật này phải được giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kháng nghị; nếu không nhất trí với kháng nghị thì có quyền khiếu nại lên Viện kiểm sát nhân dân cấp trên có thẩm quyền; Viện kiểm sát nhân dân cấp trên phải giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại; quyết định của Viện kiểm sát nhân dân cấp trên là quyết định có hiệu lực pháp luật;
4. Kiến nghị quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 42 của Luật này phải được xem xét, giải quyết, trả lời cho Viện kiểm sát nhân dân trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị.
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2. Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 30 ngày kể từ ngày nhận hoặc biết được quyết định, hành vi trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam mà người khiếu nại cho rằng có vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp vì ốm đau, thiên tai, đi công tác, học tập ở xa hoặc vì trở ngại khách quan khác mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Thời hiệu lần khiếu nại tiếp theo là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền.
1. Quyết định, hành vi bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.
2. Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp, trừ trường hợp người khiếu nại là người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
3. Người đại diện không có giấy tờ chứng minh về việc đại diện hợp pháp của mình.
4. Thời hiệu khiếu nại đã hết.
5. Việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam của cơ quan, người có thẩm quyền thuộc trách nhiệm kiểm sát của mình.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với việc giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới; quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên là quyết định có hiệu lực pháp luật.
2. Cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam nhận được đơn khiếu nại quy định tại Điều 44 của Luật này, thì phải chuyển khiếu nại của người bị tạm giữ, người bị tạm giam cho Viện kiểm sát nhân dân trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại.
1. Người khiếu nại có các quyền sau đây:
a) Tự mình khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại; Người khiếu nại được trực tiếp khiếu nại hoặc gửi đơn khiếu nại thông qua cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam;
b) Rút khiếu nại trong bất kỳ thời gian nào của quá trình giải quyết khiếu nại;
c) Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại;
d) Tiếp tục khiếu nại trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu;
đ) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
2. Người khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:
a) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;
b) Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
1. Người bị khiếu nại có các quyền sau đây:
a) Đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của quyết định, hành vi trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam bị khiếu nại;
b) Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam của mình.
2. Người bị khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:
a) Giải trình về quyết định, hành vi trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam bị khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu;
b) Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
1. Tiếp nhận, giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi bị khiếu nại.
2. Yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc khiếu nại.
3. Thông báo bằng văn bản về việc thụ lý khiếu nại và gửi quyết định giải quyết cho người khiếu nại và người bị khiếu nại.
4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết khiếu nại của mình.
1. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu trong quản lý, thi hành tạm giữ là 02 ngày, trong quản lý, thi hành tạm giam là 05 ngày kể từ ngày thụ lý khiếu nại.
2. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai trong quản lý, thi hành tạm giữ là 03 ngày, trong quản lý, thi hành tạm giam là 10 ngày kể từ ngày thụ lý khiếu nại.
3. Trường hợp cần thiết, đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 05 ngày trong quản lý, thi hành tạm giữ, không quá 20 ngày trong quản lý, thi hành tạm giam kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại.
4. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định giải quyết khiếu nại, người ra quyết định giải quyết khiếu nại có trách nhiệm gửi quyết định cho người khiếu nại và người bị khiếu nại.
1. Hồ sơ giải quyết khiếu nại gồm có:
a) Đơn khiếu nại hoặc văn bản ghi nội dung khiếu nại;
b) Văn bản giải trình của người bị khiếu nại;
c) Biên bản thẩm tra, xác minh, kết luận;
d) Quyết định giải quyết khiếu nại;
đ) Tài liệu khác có liên quan.
2. Hồ sơ giải quyết khiếu nại phải được đánh số trang và lưu giữ tại cơ quan giải quyết khiếu nại.
1. Sau khi thụ lý khiếu nại, Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu tiến hành xác minh, yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc khiếu nại; làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại và ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
2. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực pháp luật nếu trong thời hiệu do Luật này quy định người khiếu nại không khiếu nại tiếp.
Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu phải bao gồm những nội dung sau đây:
1. Tên cơ quan, ngày, tháng, năm ra quyết định;
2. Họ tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại;
3. Nội dung khiếu nại;
4. Kết quả xác minh nội dung khiếu nại;
5. Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại;
6. Kết luận khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai;
7. Giữ nguyên, hủy bỏ hoặc yêu cầu sửa đổi, hủy bỏ một phần quyết định bị khiếu nại hoặc buộc chấm dứt việc thực hiện quyết định, hành vi bị khiếu nại;
8. Việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trái pháp luật gây ra;
9. Hướng dẫn quyền khiếu nại tiếp theo của đương sự.
1. Trường hợp tiếp tục khiếu nại thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và tài liệu liên quan cho Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.
2. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai có quyền yêu cầu Viện kiểm sát giải quyết khiếu nại lần đầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại; làm việc với người bị khiếu nại, người khiếu nại khi cần thiết; xác minh, tiến hành các biện pháp khác theo quy định của pháp luật để giải quyết khiếu nại. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi nhận được yêu cầu phải thực hiện đúng các yêu cầu đó. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực pháp luật.
Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải bao gồm những nội dung sau đây:
1. Tên cơ quan, ngày, tháng, năm ra quyết định;
2. Họ tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại;
3. Nội dung khiếu nại;
4. Kết quả xác minh nội dung khiếu nại;
5. Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại;
6. Kết luận về nội dung khiếu nại và việc giải quyết của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu;
7. Giữ nguyên, hủy bỏ hoặc yêu cầu sửa đổi, hủy bỏ một phần quyết định bị khiếu nại hoặc buộc chấm dứt thực hiện quyết định, hành vi bị khiếu nại;
8. Việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trái pháp luật gây ra.
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam và mọi người có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền nào trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam phải chuyển tố cáo cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được tố cáo.
1. Người tố cáo có các quyền sau đây:
a) Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền;
b) Yêu cầu giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích của mình;
c) Yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo;
d) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù.
2. Người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:
a) Trình bày trung thực về nội dung tố cáo;
b) Nêu rõ họ tên, địa chỉ của mình;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật.
1. Người bị tố cáo có các quyền sau đây:
a) Được thông báo về nội dung tố cáo;
b) Đưa ra bằng chứng để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật;
c) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được khôi phục danh dự, nhân phẩm, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo không đúng gây ra;
d) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người tố cáo sai sự thật.
2. Người bị tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:
a) Giải trình về hành vi bị tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu;
b) Chấp hành quyết định giải quyết tố cáo của cơ quan, người có thẩm quyền;
c) Bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi trái pháp luật của mình gây ra.
1. Việc giải quyết tố cáo phải được lập thành hồ sơ. Hồ sơ giải quyết tố cáo bao gồm:
a) Đơn tố cáo hoặc văn bản ghi nội dung tố cáo;
b) Quyết định thụ lý giải quyết tố cáo;
c) Biên bản xác minh, kết quả giám định, thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình giải quyết;
d) Văn bản giải trình của người bị tố cáo;
đ) Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo trong trường hợp người giải quyết tố cáo giao cho người khác tiến hành xác minh;
e) Kết luận nội dung tố cáo;
g) Quyết định xử lý;
h) Tài liệu khác có liên quan.
2. Hồ sơ giải quyết tố cáo phải được đánh số trang theo thứ tự tài liệu. Việc lưu giữ, khai thác, sử dụng hồ sơ giải quyết tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật, bảo đảm không tiết lộ thông tin về người tố cáo.
1. Thẩm quyền, thủ tục giải quyết tố cáo của Viện kiểm sát nhân dân được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 23 và Điều 29 của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.
2. Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết tố cáo có thể dài hơn, nhưng không quá 90 ngày.
3. Tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm được giải quyết theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
1. Cơ quan, người có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật; xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm cho quyết định giải quyết được thi hành nghiêm chỉnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
2. Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo mà không giải quyết, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết hoặc giải quyết trái pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
1. Thống nhất quản lý nhà nước về thi hành tạm giữ, tạm giam trong phạm vi cả nước.
2. Chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
3. Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong thi hành tạm giữ, tạm giam.
4. Định kỳ hàng năm báo cáo Quốc hội về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
Bộ Công an chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi hành tạm giữ, tạm giam và có trách nhiệm sau đây:
1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; tổ chức thực hiện pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam;
2. Chỉ đạo nghiệp vụ, hướng dẫn việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam;
3. Đình chỉ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ những quy định về thi hành tạm giữ, tạm giam trái với quy định của Luật này;
4. Quyết định phân bổ kinh phí, bảo đảm điều kiện cho hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam;
5. Ban hành các biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam;
6. Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam;
7. Thống kê nhà nước về thi hành tạm giữ, tạm giam; báo cáo Chính phủ về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam;
8. Kiểm tra, thanh tra, khen thưởng, xử lý vi phạm về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam;
9. Quản lý hệ thống tổ chức, biên chế, nhân lực; đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam;
10. Tổ chức sơ kết, tổng kết, nghiên cứu khoa học về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam;
11. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
1. Ban hành theo thẩm quyền văn bản pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; tổ chức thực hiện pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân.
2. Chỉ đạo nghiệp vụ, hướng dẫn việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân.
3. Đình chỉ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ những quy định về thi hành tạm giữ, tạm giam trái với quy định của Luật này.
4. Quyết định phân bổ kinh phí, bảo đảm điều kiện cho hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân; chỉ đạo cơ sở y tế trong Quân đội nhân dân bố trí khu, buồng riêng để khám bệnh, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
5. Ban hành các biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân.
6. Thống kê về thi hành tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân; phối hợp với Bộ Công an trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam.
7. Kiểm tra, thanh tra, khen thưởng và xử lý vi phạm về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật trong Quân đội nhân dân.
8. Quản lý hệ thống tổ chức, biên chế nhân lực; đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân.
9. Tổ chức sơ kết, tổng kết, nghiên cứu khoa học về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân.
1. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan hữu quan khác hướng dẫn thực hiện pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam.
2. Kiểm sát và chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp thực hiện việc kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
3. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về thi hành tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật.
1. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan hữu quan khác hướng dẫn thực hiện pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam.
2. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về thi hành tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật.
Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp huyện, cấp tỉnh xây dựng hoặc bố trí khu, buồng riêng để khám bệnh, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chỉ đạo các cơ sở y tế, cơ quan y tế hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ việc phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam tại các cơ sở giam giữ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là con của người bị tạm giữ, người bị tạm giam không có thân nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng lập dự toán kinh phí bảo đảm điều kiện cho hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng lập kế hoạch trang bị phương tiện, cơ sở vật chất, kỹ thuật để bảo đảm thi hành Luật này.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giao đất, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và quản lý cơ sở giam giữ tại địa phương mình và chỉ đạo các cơ quan nhà nước ở địa phương phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn cho cơ sở giam giữ.
NATIONAL ASSEMBLY |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
Law No: 94/2015/QH13 |
Hanoi, 25 November 2015 |
ON TEMPORARY DETENTION AND CUSTODY
Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;
The National Assembly issues the Law on temporary detention or custody;
Article 1. Scope of regulation
This Law provides for the principles, order and procedures for temporary detention or custody; organization, duties and power of the body managing and executing the temporary detention or custody; rights and obligations of persons in temporary detention or custody; responsibility of bodies, organizations and individuals related to the execution of temporary detention or custody.
Article 2. Subjects of application
1. The persons in temporary detention or custody.
2. Bodies and persons having the authority to manage and execute the temporary detention or custody.
3. Investigation bodies and bodies assigned tasks to conduct some investigation activities.
4. People's Procuracy
5. People's Court
6. Relevant bodies, organizations and individuals.
Article 3. Interpretation of terms
In this Law, the below terms are construed as follows:
1. Person in temporary detention is the person who is being manageled at the detention facility within the duration of temporary detention and extension of temporary detention under the provisions of the Criminal Procedure Code.
2. Person in temporary custody is the person who is being manageled at the detention facility within the duration of temporary custody and extension of temporary custody under the provisions of the Criminal Procedure Code, including the accused, defendant; persons sentenced to imprisonment, sentenced to death but the judgment has no legal effect or pending judgement enforcement; persons in temporary custody for extradition.
3. Regulation on temporary detention or custody is the regulation on management and custody of persons held in temporary custody and detention and regulation on diet accommodation, clothes, personal belongings, sending and receipt of letters, gifts, books, newspapers and materials, meeting of relatives, advocate, consular contact of the persons held in temporary detention or custody.
4. Custody and detention facility is the place where the custody and detention of persons held in temporary detention or custody are manageled including the custody center and detention center and detention cell of border post.
5. Extraction means to take the persons held in temporary detention or custody out of the custody center within a definite time by the order or decision of the competent body or person to conduct the criminal proceedings, checkup, treatment, meeting, consular contact and exercise of other prescribed rights and obligations.
6. Personal information form means the brief information about the résumé, identity, photo of three positions, fingerprint of index finger of the person held in temporary detention or custody and is made and kept by the competent authority.
7. Fingerprint information form means the brief information about the résumé and fingerprint of all fingers of the person held in temporary detention or custody and is made and kept by the competent authority.
8. Relative of the person held in temporary detention or custody is the person having the parental and maternal relation; is the natural parents, adoptive parents, spouse’s husband, spouse, siblings, natural child, adopted child, son-in-law, daughter-in-law, parental and maternal grandparents of the person held in temporary detention or custody;
Article 4. Principles of manage and execution of temporary detention or custody
1. Comply with the Constitution and the law; ensure the human rights and interests of the State, the legitimate rights and interests of organizations and individuals.
2. Ensure strict compliance with order and decision on temporary detention or custody and release of the competent body or person.
3. Ensure the humanity, no torture, coercion, corporal punishment or any other form of treatment that infringes the legitimate rights and interests of the person held in temporary detention or custody.
4. Ensure the exercise of human rights, citizen’s rights and obligations of the person held in temporary detention or custody if not being restricted by this Law or other relevant laws.
5. Application of measures of manage and custody must be based on the nature and seriousness of offense, age, sex, health; ensure gender equality, rights and legitimate interests of women, children and other personal characteristics of the persons held in temporary detention or custody.
Article 5. Coordination responsibility of bodies, organizations and individuals in management
The bodies, organizations and individuals within their duties and power must coordinate and comply with the requirements of the competent authorities as stipulated by this Law in management and execution of temporary detention or custody.
Article 6. Control and supervision of management and execution of temporary detention or custody.
The People’s Procuracy controls and supervises the compliance with law of relevant bodies, organizations and individuals in management and execution of temporary detention or custody in accordance with the provisions of this Law, the Law on organization of People’s Procuracy and the Criminal Procedure Code
Article 7. Supervision of execution of temporary detention or custody
The National Assembly, the People's Councils, the Vietnam Fatherland Front shall supervise the activties of the bodies managing and executing the temporary detention or custody and other bodies, organizations and individuals related to the temporary detention or custody in accordance with regulations of law.
1. Execute the torture, coercion, corporal punishment and the forms of brutal and inhumane treatment and punishment, and human humiliation or any other form of infringement of the legitimate rights and interests of persons held in temporary detention or custody.
2. Fail to obey the order or decision of the bodies or persons having the authority in temporary detention, custody and release.
3. Illegally detain or release the persons in temporary detention or custody; commit violation in managing, guarding and escorting the persons held in temporary detention or custody.
4. Hinder the persons held in temporary detention or custody to exercise their rights of relative visitation, counsel, legal assistance, consular contact, complaint, denunciation, human rights and other rights and obligations of citizens in accordance with this Law and other relevant laws.
5. Destroy the detention center, damage or intentionally damage the assets of detention center; organize the escape or escape from detention center or escape while being escorted; rescue the persons held in temporary detention or custody.
6. Fail to comply with the rules of detention center, regulations on custody management, decision or requirement of body or person having the authority to manage and execute the temporary detention or custody.
7. Exercise or organize, excite, incite, entice, seduce, assist, hide or force others to commit law violation on enforcement of temporary detention or custody; take revenge, infringe life, health, honor, dignity or assets of other persons in exercising the temporary detention or custody.
Article 9. Rights and obligations of persons held in temporary detention or custody
1. The persons held in temporary detention or custody have the following rights:
a) Their life, body and properties are protected; their honor and dignity are respected; they can disseminate their rights and obligations or rules of detention center;
b) They can exercise their election rights in accordance with regulation of the Law on Election of National Assembly deputies and People's Council deputies and referendum rights in accordance with the Law on referendum.
c) Their benefits of diet, accommodation, clothing, personal living supplies, medical care, mental activities, sending, receipt of letters, gifts, books, newspapers and materials;
d) They can meet their relatives, advocate or make consular contact;
dd) Receive instructions and explanation and exercise self-defense, ask for advocate and legal assistance;
e) Meet with legal representative to carry out civil transactions;
g) Require to be released upon the end of temporary detention or custody period.
h) Make complaint, denunciation of acts of law violation;
i) Receive compensation in accordance with the provisions of Law on compensation liability of the State in case of illegal detention or custody;
k) Be entitled to other rights of citizens if not being restricted by this Law or other relevant laws, except that such rights cannot be exercised because they are held in temporary detention or custody.
2. The persons held in temporary detention or custody have the following obligations:
a) Comply with decisions, requirements and instructions of the body and person having the authority to manage and exercise the temporary detention or custody.
b) Comply with the rules of detention center, the provisions of this Law and other relevant laws.
ORGANIZATION SYSTEM, DUTY AND POWER OF BODY MANAGING AND EXERCISING THE TEMPORARY AND CUSTODY DETENTION
Article 10. Organization system of body managing and exercising the temporary and custody detention
1. The bodies managing the temporary detention or custody in the people’s Public Security include:
a) The body managing the enforcement of criminal judgement and judicial assistance under the Ministry of Public Security shall manage the temporary detention or custody nationwide (hereafter referred to as the body managing the temporary detention or custody under the Ministry of Public Security).
b) The body enforcing the criminal judgement of Public Security of provinces and centrally-run cities shall manage the temporary detention or custody within the provinces and centrally-run cities (hereafter referred to as the body managing the temporary detention or custody at provincial level).
c) The body enforcing the criminal judgement of Public Security of districts, towns, provincial cities and cities under the centrally-run cities shall manage the temporary detention or custody within the districts, towns, provincial cities and cities under the centrally-run cities (hereafter referred to as the body managing the temporary detention or custody at district level).
2. The bodies managing the temporary detention or custody in the people’s Army include:
a) The body managing the exercise of criminal judgement under the Ministry of Defense shall manage the temporary detention or custody (hereafter referred to as the body managing the temporary detention or custody under the Ministry of Defense).
b) The bodies enforcing the criminal judgement of military zone and the equivalent shall manage the temporary detention or custody of the detention and custody centers of the areas under their management.
c) The Command of Border Guard at provincial level shall manage the temporary detention of detention cells of border posts.
Article 11. Organization system of bodies execising the temporary detention or custody
1. The bodies execising the temporary detention or custody include:
a) Detention center under the Ministry of Public Security;
b) Detention center under the Ministry of Defense;
c) Detention center of Public Security at provincial level and under the military zone and the equivalent (referred to as the detention center at military zone level);
d) Detention center of Public Security at district level and of criminal investigation Body in the people’s Army;
dd) Detention cells of boder posts in the island and border far away from district administrative center.
2. The Minister of Public Security shall decide the establishment, dissolution, size and design of detention facilities; issue rules of detention facilities in the people’s Public Security.
The Minister of Defense shall decide the establishment, dissolution, size and design of detention facilities; issue rules of detention facilities in the people’s Army.
Article 12. Duties and power of bodies managing the temporary detention or custody
1. Duties and power of bodies managing the temporary detention or custody under the Ministry of Defense:
a) Assist the Minister of Public Security and Minister of Defense to perform the duties and power specified in Article 63 and 64 of this Law;
b) Implement the law on temporary detention or custody;
c) Give professional direction and provide instructions on uniform application of law on temporary detention or custody;
d) Decide the transfer of persons held in temporary detention or custody between the detention centers;
dd) Perform the inspection and examination on temporary detention or custody under their authority;
e) Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về thi hành tạm giữ, tạm giam;
Implement the regulations on statistics and report on exercise of temporary detention or custody;
g) Summarize the activities of temporary detention or custody;
h) Perform other duties and power assigned by the Minister of Public Security and Minister of Defense.
2. Duties and power of bodies managing the temporary detention or custody at provincial and military zone level:
a) Assist the Director of Public Security at provincial level and military zone to manage the activities of temporary detention or custody in the area;
b) Implement the law on temporary detention or custody;
c) Give professional direction and inspect the activities of temporary detention or custody of detention centers and custody centers;
d) Decide the transfer of persons held in temporary detention or custody between the detention centers within province or military zone;
dd) Perform the inspection and examination on temporary detention or custody under their authority;
e) Summarize the activities of temporary detention or custody and perform the regulations on statistics and report on exercise of temporary detention or custody as guided by the bodies managing the temporary detention or custody under the Ministry of Public Security and the Ministry of Defense;
3. Duties and power of bodies managing the temporary detention or custody under the public security of district level and the criminal investigation bodies of area in the people’s Army:
a) Assist the Police Chief at district level and the Head of criminal investigation bodies of area to manage the activities of temporary detention or custody in the area;
b) Give professional directions and inspect the activities of temporary detention or custody of detention centers;
c) Summarize the activities of temporary detention or custody and perform the regulations on statistics and report as guided by the superior bodies managing the temporary detention;
d) Directly manage the detention centers under the district level Public Security and the criminal investigation bodies of area in the people’s Army.
4. Duties and power of the Command of provincial level Border Guard:
a) Give professional direction and inspect the activities of temporary detention of detention cells of border posts;
b) Summarize the activities of temporary detention and perform the regulations on statistics and report.
Article 13. Duties and power of detention centers and custody centers
1. The detention centers and custody centers have the following duties and powers:
a) Receive, prepare dossiers, personal information form and fingerprint information form of the persons held in temporary custody by the order and decision of the competent persons specified in the Criminal Procedure Code or the person having the transfer decision as stipulated by this Law.
b) Take measures to manage the persons held in temporary detention or custody;
c) Take measures to protect the life, body, properties and to respect the honor and dignity of persons held in temporary detention or custody;
d) Ensure the persons held in temporary detention or custody exercise their rights and obligations as stipulated by this Law and the relevant laws; handle the proposals under their authority or transfer the appeals, complaints, denunciations, requests and proposals of the persons held in temporary detention or custody to the competent authorities for settlement;
dd) Hand over the persons held in temporary detention or custody by the order of extraction or transfer decision of the competent persons.
e) Report to the competent authorites when there are the grounds that the decisions on temporary detention, custody or release are illegal;
g) Coordinate with the relevant bodies, organizations and individuals in investigation, adjudication and judgement enforcement;
h) Inform in writing to the body which is handling the case 01 day before the expiration of duration of temporary detention or extension of detention, 05 days before the expiration of temporary custody, 10 days before the expiration of extension of temporary custody duration and request the settlement from the body which is handling the case in accordance with the regulations of law; where the duration of temporary detention or custody is over but the body which is handling the case does not settle it, request the People’s Procuracy having the authority to control and supervise the management and execution of temporary detention or custody for settlement.
i) Release the persons held in temporary detention or custody under the decision of competent authority or person;
l) Do statistics and report on temporary detention or custody.
2. For the detention centers and custody centers of district public security, in addition to the duties and power specified in Clause 1 of this Article, they also have the duties and power to receive and manage the detention, custody, education and reform towards prisoners and perform other duties and powers in accordance with regulations of law on enforcement of criminal judgement.
3. The head of detention centers and Superintendent of custody centers have the following duties and powers:
a) Perform duties and power of detention centers and custody centers specified in Clause 1 and 2 of this Article;
b) Decide the classification and organize the custody towards the persons held in temporary detention or custody;
c) Decide the inspection, seizure and handling of documents and objects included in the banned list;
d) Give the extraction order for examination and treatment and for custody activity; decide the meeting with relatives, advocate or legal representative to exercise some rights and obligations presribed by law;
dd) Implement the extraction order or decision of competent authorities to the foreigners who are held in temporary detention or custody for consular contact or contact with humanitarian organizations.
e) Organize safe protection of detention centers; ensure environmental sanitation, prevention and control of natural disaster and diseases; inform the nearest medical body upon occurrence of disease for coordinated eradication of disease.
4. The Deputy Head of detention centers and Deputy Suprintendent of custody centers are responsible for assisting the Head of detention center and Suprintendent of custody center under the assignment or authorization of Head of detention center and Suprintendent of custody center and shall take responsibility within their assigned tasks.
5. The Head and Deputy Head of detention centers and the Suprintendent and Deputy Suprintendent of custody centers, the persons exercising the temporary detention or custody must take responsibility for their acts and decisions in compliance with law on enforcement of temporary detention or custody; in case of violation, depending on the nature and seriousness, they shall be disciplined or prosecuted for criminal liability.
Article 14. Structure and organization of detention center and custody centers
1. The detention center is organized as follows:
a) The detention center has detention cells, custody cells, solitary confinement, prisoner managing cells; has works in service of management of custody and criminal proceeding activities. Depending on custody scale, the detention center can have some works for living activities, healthcare and education towards the persons held in temporary detention or custody and enforcement of sentence; works of working and living activities for officers, professional servicemen, non-commissioned officers, soldiers, workers and officials working at the detention center;
b) The organization of detention center in the people’s Public Security includes the Head and the Deputy Head, officers, non-commissioned officers, soldiers, workers and officials working as educator-warden, reconnaissance, security, judicial assistance, general advice, logistics, engineering, education, health, dossier;
c) The organization of detention center of the criminal investigation body of area in the people’s Army includes the Head and Deputy Head, officers, professional servicemen, non-commissioned officers, soldiers, workers and defense officials working as educator-warden, reconnaissance, security, judicial assistance, general advice, logistics, engineering, education, health, dossier;
d) The Head and Deputy Head of detention centers must have police university degree or security university or law bachelor or higher education and ensure the other standards specified by the Government.
2. The custody center is organized as follows:
a) The custody center has custody sub-center, custody areas, custody cells, detention cells towards the persons who are waiting to abide by their imprisonment sentence, cells for persons with death sentence, solitary confinement, prisoner managing sub-center; works in service of custody management, proceedings, judgement enforcement, living, healthcare and education towards the persons held in temporary detention or custody, exercising the imprisonment, works of working and living activities for officers, professional servicemen, non-commissioned officers, soldiers, workers and officials working at the custody center;
b) The organization of custody center in the people’s Public Security includes the Suprintendent, Deputy Suprintendent, Head of sub-center, Deputy Head of sub-center, Team Leader, Deputy Team Leader, Head of medical facility, offficer, non-commissioned officers, soldiers, workers, officials and is organized into custody teams and sub-centers and prisoner managing sub-centers to carry out the duties of educator-warden, reconnaisance, security, judicial assistance, enforcement of criminal judgement, general advice, logistics, engineering, education, health, dossier;
c) The organization of custody center in the people’s Army includes the Suprintendent, Deputy Suprintendent, Political Instructor, Head and Deputy Head of sub-center, Team Leader, Deputy Team Leader, Head of medical facility, offficer, non-commissioned officers, soldiers, workers, defense officials that may be organized into teams to carry out the duties of educator-warden, reconnaisance, security, judicial assistance, enforcement of criminal judgement, general advice, logistics, engineering, education, health, dossier;
d) The Suprintendent, Deputy Suprintendent, Head and Deputy Head of sub-center, Deputy Team Leader specified under Point b and c, Clause 1 of this Article must have police university degree or security university or law bachelor or higher education and ensure the other standards specified by the Government.
3. The detention cells, custody cells in the detention centers and custody centers are designed and built solidly with locks and security control facilities and adequate lighting to ensure health of the persons held in temporary detention or custody, environmental sanitation, fire prevention and fighting safety in accordance with climate properties of each locality and requirements for custody management.
The working offices of body and persons conducting the proceedings and advocate are designed and built to ensure the safety and meet the requirements for investigation and handling of cases and defense.
Article 15. Detention cells of border posts
1. The border posts in remote areas have the authority to conduct some investigations and can organize their detention cells to manage and carry out the regulations on temporary detention towards the persons held in temporary detention under the decision of Head of border post and other competent persons in accordance with the provisions of the Criminal Procedure Code.
2. The detention cells of border posts have Heads who are under direct management of the Head of border post. The head of detention cell has duties and power in managing the persons held in temporary detention like the Head of detention center in accordance with the provisions in Clause 3, Article 13 of this Law.
REGULATION ON MANAGEMENT OF DETENTION AND CUSTODY
Article 16. Receiving the persons held in temporary detention or custody
When receiving the persons held in temporary detention or custody, the detention and custody centers must:
1. Check the information to identify the correct persons held in temporary detention or custody by the order and decision of the competent persons;
2. Make record of handover and receipt of persons held in temporary detention or custody and accompanying documents and dossiers; conduct health checkup, body check of persons held in temporary detention or custody and accompanying children under 36 months of age (if any). The body check shall be done by male officers if the persons held in temporary detention or custody are male and vice versa.
3. Take photos, prepare personal information form and fingerprint information form and record in the monitoring book.
4. Disseminate, provide instructions and give explaination about the rights and obligations of the persons held in temporary detention and the rules of detention and custody facility; check and handle the accompanying objects before entering the detention cells and custody cells.
Article 17. Dossier for management of temporary detention or custody
1. The dossier for management of temporary detention or custody includes:
a) The orders, decisions and records of arrest, detention, custody, extension of detention and custody, wanted notice, release, extraction, transfer, transfer from custody and approval decisions of the People’s Procuracy;
b) Record of handover and receipt of persons held in temporary detention or custody and accompanying documents and dossiers; record of handover and receipt of money and other properties of persons held in temporary detention or custody deposited or delivered to their relatives or legal representatives for management; decisions and records of destructions of objects included in the banned list.
c) The personal information form, fingerprint information form, résumé and documents of identity; documents related to the compliance with regulations on custody, discipline record and decision on breach of rules and laws on exercising the temporary detention or custody; documents of health, checkup and treatment; documents related to the implementation of rights and obligations of the persons held in temporary detention or custody during the time of custody; documents related to the transfer of appeal, complaint, denunciation, request, recommendation and proposal of the persons held in temporary detention or custody; documents of consular meeting and contact;
d) Decision of competent authority to take the persons sentenced to the place of judgement execution; decision of death sentence execution Board to take the persons with death judgement to place of execution;
dd) Other relevant documents.
2. For the persons in custody but held in detention before, the dossier of custody also includes documents of detention dossier.
3. The Minister of Public Security, Minister of Defense shall stipulate the regulation on management, storage and use of dossier of management of temporary detention or custody.
Article 18. Management classification of persons held in temporary detention or custody
1. The persons held in temporary detention or custody are arranged in areas and classified as follows:
a) Persons held in temporary detention;
b) Persons held in temporary custody;
c) Persons under 18 years of age;
d) Women;
dd) Foreigners;
e) Persons with infectious diseases of Group A;
g) Persons committing criminal acts with delinquent nature; killing; robbery subject to the type of particularly serious crime; dangerous recidivism;
h) Persons committing acts of national security infringement;
i) Persons with death sentence;
k) Persons waiting for execution of imprisonment;
l) Persons regularly breaching the rules of custody facility;
m) Persons with signs of mental illness or another illness which causes the loss of ability to perceive or ability to control their acts but have not been assessed, waiting for the results of the assessment or being sent to the compulsory medical facility.
2. The persons in the same case which is being investigated, prosecuted or judged must not be held in the same cell.
3. In special cases, due to the practical conditions, the detention center or custody center cannot meet the requirements for separate custody or in order to ensure the requirements for investigation, prosecution, judgement or ensure the safety to the persons held in temporary detention or custody, the Head of detention center, Suprintendent of custody center, Head of detention cell of border post shall coordinate with the body which is handling the case to decide in writing the persons who are detained in common.
4. The following persons held in temporary detention or custody can be detained in separate cells:
a) Gays/lesbiens, transgender people;
b) Persons specified under Points e, i and medical equipment, Clause 1 of this Article;
c) Pregnant women or women having child under 36 months of age sharing the same cell.
Article 19. Management regulation towards the persons held in temporary detention or custody
1. The custody facility must be guarded, protected, managed, inspected and monitor 24/24 hours a day.
2. The persons held in temporary detention or custody must be in the detention cell and custody cell and only go out of the detention cell and custody cell to comply with the extraction order and other activities specified in Clause 5, Article 20 of this Law and the rules of custody facility.
3. The travel, transaction, contact, communication, dissemination of belief and religion of persons held in temporary detention or custody are restricted. In case of required civil transaction, it must be done through the legal representative and with the consent of the body handling the case.
4. The transfer of persons held in temporary detention or custody between the custody facilities shall be decided by the head of body managing the temporary detention or custody after reaching an agreement with the head of body handling the case and notified to the Procuracy at the same level for information. The authority to transfer the persons held in temporary detention or custody is stipulated as follows:
a) The transfer between custody facilities in the same province or centrally-run city or of a military zone or the equivalent shall be decided by the head of custody or detention facility at provincial level or military zone level;
b) The transfer between custody facilities not in the same province or centrally-run city or of a military zone or the equivalent shall be decided by the head of custody or detention facility at provincial level or military zone level of the transferring place after reaching an agreement with the head of custody or detention facility at provincial level or military zone level of the receiving place;
c) The transfer between custody facilities of Public Security at provincial level or military zone level and the custody facilities of the Ministry of Public Security or Ministry of Defense shall be decided by the head of body managing the temporary detention or custody of the Ministry of Public Security or Ministry of Defense.
d) The transfer between custody facilities in people’s Public Security and the custody facilities in the people’s Army shall be decided by the head of body managing the temporary detention or custody of the transferring place after reaching an agreement with the head of body managing the temporary detention or custody of the receiving place;
Article 20. Extraction of persons held in temporary detention or custody
1. The extraction of persons held in temporary detention or custody is only done when there is the extraction order of the competent person as stipulated by the Criminal Procedure Code, the Law on Criminal Enforcement and this Law in the following cases:
a) For investigation, prosecution, judgment and execution;
b) For examination, treatment, forensic assessment, forensic psychiatric assessment;
c) For meeting relative, advocate or legal representative to exercise some rights and obligations prescribed by law;
d) The foreigners held in temporary detention or custody upon consular contact or contact with humanitarian organizations in accordance with the international agreements in which the Socialist Republic of Vietnam is a member or by the agreement between the Socialist Republic of Vietnam with the country having the persons held in temporary detention or custody or for foreign reasons for each specific case.
2. Where the Suprintendent of custody center, the Head of detention center and the Head of detention cell of border post carry out the extraction of persons held in temporary detention or custody for examination or treatment, they must inform immediately the body handling the case and the competent Procuracy.
3. The extraction order must have the following main contents:
a) Name of body, full name, position and rank of person giving the order;
b) Full name, date of birth, nationality, residence, acts of law violation, date of temporary detention or custody of the extracted person.
c) Purpose and duration of extraction;
d) Full name, position, rank and body of the person escorting the extracted person or the body carrying out the escorting;
dd) Full name, position, rank (if any) of the person receiving the extraction of the body having the authority to order the extraction;
e) Date, month and year of order and signature of the ordering person and seal.
4. The custody facilities must check and hand over the persons held in temporary detention or custody to the escorting body or person. Such escorting body or person must hand over the extracted person to the person having the authority to order the extraction. The handover and receipt must be recorded and the health condition of such persons is also recorded in the monitoring book.
The person having the authority to give the extraction order shall receive the extracted person. The escorting body or person shall coordinate with the custody facility and the person having the authority to give the extraction order to manage and ensure the implementation of diet, accommodation and living activities of the extracted persons in accordance with the provisions of this Law. The escorting, management and expenses to ensure the implementation of diet, accommodation and living activities of the extracted persons shall be stipulated by the Government.
When the duration of extraction is not over but its purpose is completed or when the duration of extraction is over, the person requesting the extraction shall hand over the extracted person to the escorting body or person to hand over such escorted person to the custody facility, except that the persons held in temporary detention or custody are released by the judgement or decision of the competent body or person. In case of need for further extraction, there must be an extraction extension order. The duration and extension of extraction must not be longer than the remaining duration of temporary detention or custody.
5. In case of performing the activities specified in Clause 1 of this Article inside the custody facility, the head of detention facility shall decide to remove the persons held in temporary detention or custody out of the detention or custody cells without extraction order.
Article 21. Handover of persons held in temporary detention or custody
The custody facilities must hand over the persons held in temporary detention or custody in the following cases:
1. When there is a decision of body managing the temporary detention or custody to transfer the persons held in temporary detention or custody to another custody facility.
2. When there is a decision of a competent body to take the sentenced persons to the place of judgement execution.
3. When there is a decision of death sentence execution Board to take the persons with death judgement to place of execution;
Article 22. Meeting of relatives, advocate or consular contact of persons held in temporary detention or custody
1. The persons held in temporary detention can meet their relatives one time during temporary detention and one time in each time of detention extension. The persons held in temporary custody can meet their relatives one time in a month; in case of increased times of meeting or the persons to be met are not their relatives, there must be the approval from the body handling the case. The time for each meeting is within an hour.
2. The persons coming for meeting must present their personal papers and papers demonstrating the relation with the persons held in temporary detention or custody if they are their relatives. The meeting must be under the strict control and monitoring of detention facility and does not affect the criminal proceedings of the competent body or person; must comply with regulations on meeting. In case of requirements from the body handling the case, coordinate with the custody facility to monitor and follow the meetings.
The head of custody facility shall decide the time of meeting and inform the body handling the case of such meeting.
3. The advocate can meet the persons held in temporary detention or custody for his/her advocacy in accordance with the provisions of the Criminal Procedure Code and this Law at the working room of the custody facility or the place where the persons held in temporary detention or custody are being examined or treated; must present personal papers and advocacy papers.
4. The head of custody facility shall not agree upon the meeting to the persons held in temporary detention or custody in the following cases with stated reasons:
a) The relatives fail to present their personal papers or papers demonstrating the relation with the persons held in temporary detention or custody or the body handling the case issues a written requirement not permitting the persons held in temporary detention or custody to meet their relatives due to possible serious effect on the settlement of the case; the advocate fails to present his/her personal papers or papers concerning the advocacy to the persons held in temporary detention or custody;
b) In case of emergency to safely protect the custody facility or arrest the persons held in temporary detention or custody who flee;
c) When there is disease occurrence in the area with custody facility;
d) When giving the emergency aid to the persons held in temporary detention or custody or when they are suffering from infectious diseases of Group A;
dd) When questioning or interrogating the persons held in temporary detention or custody or when they are involved in other procedural activities;
e) The persons held in temporary detention or custody do not want to have a meeting. In this case, the person coming for meeting can see the persons held in temporary detention or custody directly to confirm the refusal of meeting.
g) The persons coming for meeting intentionally breach the rules of custody facility or regulations on custody management from 02 times or more;
h) The persons held in temporary detention or custody are being disciplined in accordance with the provisions in Clause 3, Article 23 of this Law.
5. Meeting the persons held in temporary detention or custody who are foreigners shall comply with the provisions in Clauses 1, 2, 3 and 4 of this Article. The consular contact or contact with humanitarian organizations shall comply with the international treaties in which the Socialist Republic of Vietnam is a member or under the international agreements or agreements on each specific case between the Socialist Republic of Vietnam and the country having the persons held in temporary detention or custody or the humanitarian organizations. The representative of Vietnam’s diplomatic mission or representative of Vietnam Red Cross can be invited during the contact or meeting.
The government stipulates in detail this Clause.
Article 23. Disciplining the persons held in temporary detention or custody who breach rules of custody facility or regulations on custody management
1. Where the persons held in temporary detention or custody breach the rules of custody or regulations on custody management, depending on the nature and seriousness, they shall be disciplined by one of the following forms:
a) Caution;
b) Being isolated in solitary confinement from 01 to 02 days and can be extended up to 02 days for the persons held in temporary detention; being isolated in the discipline cell from 03 to 07 days and can be extended up to 10 days for the persons held in temporary custody. The duration of isolation shall not exceed the remaining duration of temporary detention or custody.
2. The discipline is exercised in the form of isolation if the persons held in temporary detention or custody breach the rules of custody facility or regulation on custody management from 02 times or more or have acts specified in Clause 5 and 7, Article 8 of this Law.
3. If the persons are isolated in the solitary confinement have drastic acts against the custody facility, commit suicide, self-injury, infringe the others’ life and health, they shall be shackled on one leg. The time of shackling shall be decided by the head of custody facility. Do not apply the shackling to the disciplined persons under 18 years of age, women, heavy disabled persons and persons of full 70 years of age or more. During the time of isolation in the solitary confinement, the persons held in temporary detention or custody are restricted to meet, send, receive letter or presents.
4. The discipline and restricted meeting, sending or receipt of letters or presents to the persons held in temporary detention or custody shall be decided in writing by the head of custody facility. The record of breach and discipline decision are included in the custody management dossier. If the disciplined persons make progress, the head of custody facility shall decide in writing the reduction of duration of discipline, cancel the restricted meeting, sending or receipt of letters or presents towards such persons.
Article 24. Management of objects, personal belongings, money, properties of the persons held in temporary detention or custody
1. The persons held in temporary detention or custody are permitted to bring with them the personal necessary objects into the detention or custody cells. Their other objects, personal belongings, money and properties must be deposited at the prescribed place of the custody facility or authorized to their relatives or legal representative for management. The objects which cannot be stored during the time of temporary detention or custody and the objects subject to the list banned from bringing into the detention cells and custody cells if being destroyed, the head of custody facility must issue a written decision or handle them in accordance with regulations of law. Upon destruction, there must be the presence of the persons held in temporary detention or custody and the destruction must be recorded. If they are released or transferred to other custody facilities, their other objects, personal belongings, money and properties deposited shall be returned to them. Where the custody facility damages or loses them, it shall make compensation.
2. The Minister of Public Security, Minister of Defense shall stipulate the list of objects banned from bringing into the detention or custody cells.
Based on the list of objects banned from bringing into the detention or custody cells, the head of custody facility shall not permit to bring into the detention or custody cells the objects which can be used to commit suicide, flee from custody, cause injury or harm to health or life of such persons or others.
3. The persons held in temporary detention or custody can use the deposited money to buy necessary things for their living activities in the form of book signing.
Article 25. Handling the case of fleeing of the persons held in temporary detention or custody
1. When the persons held in temporary detention or custody flee, the head of custody facility must organize the arrest immediately, make the record and notify the body handling the case and the competent Procuracy for coordinated settlement. All measures to arrest, investigate and handle any case of fleeing must be taken in accordance with regulations of law.
2. Where the persons held in temporary detention or custody have fled but gave themselves up, the receiving body shall record the case and notify immediately to the body handling the case and the custody facility for settlement as prescribed by law.
Article 26. Handling the case of death of the persons held in temporary detention or custody
1. Where the persons held in temporary detention or custody die during the time of temporary detention or custody, the head of custody facility must protect the scene and immediately inform the investigation body and the competent Procuracy to identify the cause of death while informing the relatives and legal representative of the deceased. The representative of custody must witness the the scene examination and autopsy. Where the deceased is a foreigner, the body handling the case shall inform the consular agency and his/her relatives or legal representative.
2. The custody facility shall do the death declaration procedure in accordance with law on civil status.
3. When the investigation body and the Procuracy permit the burial procedures for the deceased, the custody facility must infom the relatives of the deceased.
Where the relatives of the deceased have a written request, the body shall be handed over to them, except that there are the grounds that it affects the security, order and environmental sanitation. After a time limit of 24 hours from the notice but noone receives the body, the custody facility shall organize the burial. Where the relatives of the deceased request in writing to receive the ashes or bones after burial, the head of custody facility shall discuss with the local authorities for settlement in accordance with regulations of law. The burial must comply with the regulations of the Ministry of Health and the local authorities.
4. Where the foreigners held in temporary detention or custody die, apply the regulations of international treaties in which the Socialist Republic of Vietnam is a member or under international agreements or direct agreements on each specific case between the Socialist Republic of Vietnam and the country where the persons held in temporary detention or custody die. Where there is no corresponding international treaties or international agreements or between the Socialist Republic of Vietnam and the country where the persons held in temporary detention or custody die, there is no agreement on settlement of specific case or when the nationality of the deceased cannot be identified, the case shall be settled like the Vietnamese held in temporary detention or custody die.
5. The expenses related to the burial shall be born by the state budget. The Government stipulates in detail this clause.
6. Where the persons held in temporary detention or custody die but they have had the time to participate in social insurance or are enjoying their pension, the death benefits shall be applied by the provisions of the Law on social insurance.
BENEFITS OF PERSONS HELD IN TEMPORARY DETENTION OR CUSTODY
Article 27. Diet and accommodation benefits of the persons held in temporary detention or custody
1. The persons held in temporary detention or custody shall receive adequate quantity of rice, vegetables, meat, fish, sugar, salt, seasoning sauce, monosodium glutamate, fuel, electricity, water for living activities. The head of custody facility shall decide the change of food quantity to fit the reality to ensure the persons held in temporary detention or custody use adequate prescribed food standard.
On public holidays or New Year holidays, as stipulated by law, the persons held in temporary detention or custody can have additional food but the rate shall not exceed 05 times of food standard in normal days.
Based on the requirements for health assurance of the persons held in temporary detention or custody, the Government shall stipulate the food norm in accordance with the economic condition, budget and market price fluctuations.
2. The persons held in temporary detention can receive the presents from their relatives during the time of temporary detention not more than once and receive presents once for each time of extension of detention. The persons held in temporary custody can receive the presents from their relatives not more than 03 times/month. The quantity of present as food and drink for each time of receipt must not exceed 03 times of food standard of normal day. The head of custody facility shall organize the receipt, check and remove the prohibited objects and fully hand them over to the persons held in temporary detention or custody; check, prevent and stop the acts of misappropriation of presents or personal stuff of the persons held in temporary detention or custody. The Minister of Public Security and Minister of Defense shall specify the kind of present which the relatives of the persons held in temporary detention or custody can send.
3. The persons held in temporary detention or custody receives the food safety in eating and drinking. The custody facility shall organize the kitchen and is provided with equipment necessary for storage of food, foodstuff, cooking, drinking water and division of food according to the standard ration.
4. The minimum area of lying place of each person held in temporary detention or custody is 02 m2 with platform and mat.
Article 28. Benefits of clothes and personal belongings of the persons held in temporary detention or custody
1. During the time of temporary detention or custody, the persons held in temporary detention or custody can use their clothes, blanket, mat and other necessary things for personal living activities and can borrow them from the custody facility. The persons held in temporary detention or custody are provided with shampoo and toothpaste and additional items needed for women's hygiene if being female detainees.
The officer directly managing the custody shall provide instructions and require the persons held in temporary detention or custody to keep and ensure sanitation and recover the lent items when the persons held in temporary detention or custody go out of the custody facility.
2. The Government stipulates in detail this Article.
Article 29. Benfits of sending and receipt of letters, books, newspapers and documents of the persons held in temporary detention or custody
The persons held in temporary detention or custody only send or receive letters, books, newspapers and documents upon permission from the body handling the case. The letters, books, newspapers and documents are left open and checked by the custody facility.
Article 30. Benefits of healthcare for the persons held in temporary detention or custody
1. The persons held in temporary detention or custody shall be entitled to the benefits of checkup, treatment and disease prevention. In case of sickness and injury, they shall be examined and treated at the medical facility of the custody facility and shall be transferred to the district or provincial medical facility, military hospital or central hospital for examination or treatment in case of heavy disease or injury exceeding the ability of the custody facility. The custody facility must inform the relatives or legal representative of such persons for coordinated care and treatment. The diet and medication shall be decided by the medical facility. The persons held in temporary detention or custody can receive medications from their relatives with prescription and are checked by the custody facility.
2. For the persons held in temporary detention or custody with signs of mental illness or other diseases which cause the loss of cognitive ability or the ability to control their behavior, the custody facility shall request the body handling the case to perform the forensic psychiatric assessment. When there is a decision to apply compulsory treatment measures from the competent authorities, the handling the case shall coordinate with the custody facility to take the persons held in temporary detention or custody to the medical facility specified in the decision.
3. The expenses of checkup, treatment and disease prevention to the persons held in temporary detention or custody shall be born by the state budget in accordance with regulations of the Government. Where the persons held in temporary detention or custody have the benefits of health insurance, they shall enjoy the benefits of checkup and treatment in accordance with regulations of law on health insurance.
Article 31. Benefits of spiritual activities for the persons held in temporary detention or custody
The custody facility is equipped with the radio system. On average, twenty persons held in temporary detention or custody or the custody facility has less than twenty persons held in temporary detention or custody shall be provided with one local or central newspaper. The head of detention facility shall organize for the persons held in temporary detention or custody to listen to radio and read newspapers or watch the local or central television program if the condition permits.
BENEFITS TO THE PERSONS HELD IN TEMPORARY DETENTION OR CUSTODY WHO ARE UNDER 18 YEARS OF AGE, PREGNANT WOMEN OR WOMEN TAKING CARE OF CHILDREN UNDER 36 MONTHS OF AGE
Article 32. Scope of application
The temporary detention or custody to the persons under 18 years of age, pregnant women or women with children under 36 months of age shall comply with the provisions in this Chapter and other provisions of this Law.
When the persons held in temporary detention or custody are full 18 years of age or women with their children of full 36 months of age or more, the benefits of temporary detention or custody shall comply with the general regulations.
Article 33. Benefits of diet, accommodation and management to the persons held in temporary detention or custody under 18 years of age
1. The persons held in temporary detention or custody under 18 years of age shall receive the food quantity as the persons held in temporary detention or custody who are adults and receive additional quantity of meat and fish but not exceeding 20% compared with the quantity.
2. The persons held in temporary detention or custody under 18 years of age shall be held in custody separately, except for the cases specified in Clause 3, Article 18 of this Law.
Article 34. Benefits of meeting relatives, advocate, consular contact of the persons held in temporary detention or custody under 18 years of age
The persons held in temporary detention or custody under 18 years of age are permitted to meet their relatives, advocate or contact the consular officials specified in Article 22 of this Law with the times of meeting to be doubled compared with the persons held in temporary detention or custody who are over 18 years of age.
Article 35. Benefits of diet, accommodation and management to the persons held in temporary detention or custody as pregnant women or women with children under 36 months of age.
1. The persons held in temporary detention or custody as pregnant women shall receive the proper accommodation, healthcare and diet to ensure their health; in case of giving birth, they shall receive the diet standard and quantity as prescribed by the doctor; are provided with food, personal objects and medications necessary for taking care of newborn child; have time to breast-feed their babies during the time of breastfeeding. The custody facility is responsible for go through the procedures for birth registration. The communal People’s Committee where the custody facility is located shall register and issue the certificate of birth.
The persons held in temporary detention or custody as pregnant women or women with children under 36 months of age shall be arranged the lying area of at least 03 m2.
2. The custody facility must take care of and nurture the children under 36 months of age. The persons held in temporary detention or custody who have their children over 36 months of age must send their children to their relatives to nurture them. Where they have no relative, the head of custody facility shall request the Department of Labour, Invalids and Social Affairs where the custody facility is located to appoint a social welfare facility to receive and nurture such children. After being released, the persons held in temporary detention or custody shall get back their children from the social welfare facility.
3. The Government stipulates in detail the regulations on care and nurturing of children under 36 months of age at the custody facilities.
BENEFITS FOR THE PERSONS WITH DEATH SENTENCE HELD IN TEMPORARY CUSTODY
Article 36. Scope of application
The benefits for the persons with death sentence held in temporary custody shall comply with the provisions in this Chapter and other provisions of this Law.
Article 37. Benefits of diet, accommodation and management to the persons with death sentence
1. The person with death sentence are held in temporary custody shall receive the benefits of diet, clothing, living activities, healthcare, receipt of presents, sending and receipt of letters, books, newspapers and materials like other persons held in temporary custody.
2. The meeting towards the persons with death sentence and the judgement already has legal effect and pending the execution shall be decided by the Suprintendent of custody center; for the persons with death sentence but the judgement has not yet had legal effect, the provisions in Article 22 of this Law shall apply. The meeting organization must ensure the absolute safety.
3. The custody facility must ensure that the persons with death sentence shall exercise their rights of appeal, rights to request consideration by the procedures of cassation and retrial and the rights to request the commutation of death sentence in accordance with the provisions of the Criminal Procedure Code and other rights of the persons held in temporary custody as stipulated in this Law.
4. Where the persons with death sentence receive the commutation decision to life imprisonment or the judgement reduced to life imprisonment or sentence with term, the head of custody facility shall transfer such persons to the custody place pending the execution of sentence. In case of cancellation of judgement for re-investigation, the head of custody facility shall transfer the persons with death sentence to the custody cells for investigation.
5. The custody facility shall return the deposited money and properties and personal belongings of the persons whose death sentence has been executed to their relatives or authorized persons.
6. The custody center must have separate cell or area for persons with death sentence. During the time of management of temporary custody towards the persons with death sentence, if finding that they have signs of fleeing or committing suicide or other dangerous acts, the head of custody facility shall decide to shackle their one leg and conduct the monotoring, management and prevention.
7. The Minister of Public Security and Minister of Defense shall stipulate in detail Clause 2 and 6 of this Article.
TO ENSURE CONDITIONS OF MANAGEMENT AND EXECUTION OF TEMPORARY DETENTION OR CUSTODY
Article 38. To ensure staff, personnel, facilities and funding in service of management and execution of temporary detention or custody
1. The State ensures the staff and personnel for the bodies managing and executing the temporary detention or custody. The persons performing the management and execution of temporary detention or custody shall be trained, re-trained with professional skills and laws in line with their assigned duties and power.
2. The state ensures the facilities for the management and execution of temporary detention or custody including land, office, custody works and ancillary works, equipment, weapon, assistive tools, means of transportation and communication, professional techniques and other technical and material conditions. The priority of facilities is given to the custody facilities in remote areas, mountainous areas, social-economic area with particularly difficult conditions, critical areas of national security, social order and safety.
3. The State ensure the funding for activities to implement the benefits of temporary detention or custody. The estimation, use and settlement of funding to ensure the management and execution of temporary detention or custody shall comply with the provisions of the Law on the State Budget.
Article 39. Use of weapon, professional technical means and assistive tools
The officers, non-commissioned officers, professional servicemen, soldiers, people’s policemen and people’s Army soldiers are permitted to use weapons, professional technical means and assistive tools on duty of execution of temporary detention or custody.
Article 40. Database of execution of temporary detention or custody
1. The database of execution of temporary detention or custody is managed by the Ministry of Public Security and is a part of national database concerning the information on criminal prevention and fighting to serve the state management on execution of temporary detention or custody.
2. The development, collection, storage, processing, protection and use of database of execution of temporary detention or custody shall be stipulated by the Government.
Article 41. Benefits and policies to the bodies, organizations and individuals in management and execution of temporary detention or custody
1. The officers, non-commissioned officers, professional servicemen, soldiers, people’s policemen, people’s Army soldiers, workers and officials of public security and defense performing duties of management and execution of temporary detention or custody are entitled to the incentive benefits and policies in accordance with regulations of law.
2. The bodies, organizations and individuals involved in the management and execution of temporary detention or custody and having achievements shall be commended and shall be entitled to the benefits and policies in accordance with laws in case of damage to their life, health or properties.
CONTROL AND SUPERVISION OF MANAGEMENT AND EXECUTION OF TEMPORARY DETENTION OR CUSTODY
Article 42. Duties and power of the People’s Procuracy upon control and supervision of management and execution of temporary detention or custody
1. The People’s Procuracy shall control and supervise the compliance with law of the competent body and person in management and execution of temporary detention or custody.
2. When controlling and supervising the management and execution of temporary detention or custody, the People’s Procuracy has the following duties and power:
a) Performs the control and supervision at the custody center, detention center, detention cell and questions the persons held in temporary detention or custody about the temporary detention or custody;
b) Performs the control and supervision of dossiers of temporary detention or custody;
c) Requires the Head of detention center, the Suprintendent of custody center and the Head of detention cell of border guard to inspect by themselves the temporary detention or custody and inform the result to the Procuracy; provide dossiers and documents related to the temporary detention or custody; inform the reality of execution of temporary detention or custody; answer the decision, measures or illegal acts in temporary detention or custody;
d) Decides the immediate release to the persons held in temporary detention or custody without ground and in contradiction with law.
dd) Protests, proposes or requests the body or person having the authority in temporary detention or custody; suspends the execution, amends or invalidate the decisions which violate the law in management and execution of temporary detention or custody, stoppage of acts of law violation and requests the handling against the persons violating the law;
e) Brings the prosecution or requests the investigation body to bring the prosecution for criminal case when detecting the criminal signs in management and execution of temporary detention or custody in accordance with law.
g) Settles the complaints and denunciation and exercises other duties and power in controlling and supervising the management and execution of temporary detention or custody in accordance with the provisions of this Law, the Law on organization of People’s Procuracy and the Criminal Procedure Code.
Article 43. Responsibility to comply with the requirements, proposals, protests and decisions of the People’s Procuracy in management and execution of temporary detention or custody
The Head of detention center, the Suprintendent of custody center and the Head of detention cell of border guard must comply with the following requirements, proposals, protests and decisions of the People’s Procuracy in management and execution of temporary detention or custody:
1. The requirements for providing the dossiers and documents related to the management and execution of temporary detention or custody must be followed immediately; requirements for informing the reality of temporary detention or custody, requirements for answering the decisions and measures or illegal acts in temporary detention or custody must be followed within 15 days; requirements for self-inspection of temporary detention or custody and the result must be informed to the People’s Procuracy within 30 days from the date of receipt of requirement;
2. The decisions specified under Point d, Clause 2, Article 42 of this Law must be followed immediately; in case of disagreement with such decisions, they shall have to follow them but have the right to lodge the complaint to the competent superior People’s Procuracy. Within 10 days after receiving the complaint, the Head of superior People’s Procuracy must solve the case.
3. The protests specified under Point dd, Clause 2, Article 42 of this Law must be settled within 15 days after receiving the protest; in case of disagreement with such protests, they have the right to lodge the complaint to the competent superior People’s Procuracy which must settle the case within 15 days after receiving the complaint; the decision of the superior People’s Procuracy is the decision with legal effect;
4. The proposals specified under Point dd, Clause 2, Article 42 of this Law must be considered, settled and replied to the People’s Procuracy wthin 30 days after receiving the proposals.
COMPLAINT, DENUNCIATION AND SETTLEMENT OF COMPLAINT AND DENUNCIATION IN MANAGEMENT AND EXECUTION OF TEMPORARY DETENTION OR CUSTODY
Section 1. COMPLAINT AND SETTLEMENT OF COMPLAINT IN MANAGEMENT AND EXECUTION OF TEMPORARY DETENTION OR CUSTODY
Article 44. Complaint in management and execution of temporary detention or custody
1. The persons held in temporary detention or custody and other relevant bodies, organizations and individuals have the right to lodge complaint about decisions and acts of the bodies and persons having the authority in management and execution of temporary detention or custody if there are the grounds that such decisions and acts have infringed their legitimate rights and interests.
2. The first statute of limitations is 30 days from the day of receiving or knowing the decisions or acts in management and execution of temporary detention or custody the complainant think they violate the law.
In case of sickness, natural disaster, business travel or study in remote areas or due to other objective difficulties that make it difficult for the the complainant to do their rights of complaint in line with the statute of limitations. Therefore, the period of time with such obstacles shall not be included in the statute of limitations of complaint.
The next statute of limitations is 15 days after receiving the decision on complaint settlement from the competent person.
Article 45. Cases of complaint about management and execution of temporary detention or custody which cannot be handled and settled
1. The decisions and acts complained are not directly related to the complainant’s legitimate rights and interests.
2. The complainants do not have adequate capacity and civil acts and legal representative, except that the complainants are the persons held in temporary detention or custody.
3. The representatives do not have papers evidencing their legal representation.
4. The statute of limitations is over.
5. The complaints already have complaint settlement decisions with legal effect.
Article 46. Authority to settle complaints in management and execution of temporary detention and custody
1. The Head of district People’s Procuracy, Head of provincial People’s Procuracy, Head of military Procuracy of area and Head of military Procuracy of military zone and the equivalent shall settle the complaints about the illegal decisions and acts in management and execution of temporary detention and custody from the competent body and person under their control and supervision responsibility.
The Head of superior People’s Procuracy has the authority to settle the complaints about the complaint settlement of the Head of inferior People’s Procuracy; the decision on complaint settlement of the Head of superior People’s Procuracy is the decision with legal effect.
2. When the bodies and persons having the authority in management and execution of temporary detention and custody receive the complaint petition specified in Article 44 of this Law, they have to transfer the complaint of the persons held in detention or custody to the People’s Procuracy within 24 hours after receiving the such complaints.
Article 47. Rights and obligations of complainants in management and execution of temporary detention and custody
1. The complainants have the following rights:
a) Lodge a complaint by themselves or through their legal representatives for complaint; the complainant can make a complaint directly or send the complaint petition through the body or person having the authority in management and execution of temporary detention and custody;
b) Withdraw their complaints in any time of the process of complaint settlement;
c) Receive the decision on complaint settlement;
d) Continue their complaints in case of not disagreement with the first complaint settlement decision;
dd) Their infringed legitimate rights and interests are restored and their damages are compensated in accordance with regulations of law.
2. The complainants have the following obligations:
a) Truthfully present the case, provide information and documents for the persons handling their complaints and take responsibility before law for the presented contents and the provision of such information and documents;
b) Comply with the decision on complaint settlement with legal effect.
Article 48. Rights and obligations of complainees in management and execution of temporary detention and custody
1. The complainees have the following rights:
a) Provide evidence of legality of the complained decisions and acts in management and execution of temporary detention and custody;
b) Receive the complaint settlement decisions on their acts and decisions in management and execution of temporary detention and custody.
2. The complainees have the following obligations:
a) Explain about their acts and decisions in management and execution of temporary detention and custody which have been complained; provide relevant information and documents upon requirements from the competent bodies and persons;
b) Comply with the complaint settlement decisions with legal effect.
Article 49. Duties and power of the People’s Procuracy upon complaint settlement in management and execution of temporary detention and custody
1. Receives and settles the complaints about the complained decisions and acts.
2. Requires the complainants and complainees to explain and provide information and documents related to the complaints.
3. Informs in writing of complaint handling and sends the complaint settlement decision to the complainants and complainees.
4. Take responsibility before law concerning its complaint settlement.
Article 50. Time limit for settlement of complaint and sending of complaint settlement decision in management and execution of temporary detention and custody
1. The time limit for first complaint settlement in management and execution of temporary detention is 02 days and 05 days for management and execution of temporary custody from the date of handling of complaint.
2. The time limit for second complaint settlement in management and execution of temporary detention is 03 days and 10 days for management and execution of temporary custody from the date of handling of complaint.
3. In case of necessity, for the complex cases, the time limit for complaint settlement may last but must not exceed 05 days in management and execution of temporary detention and 20 days in management and execution of temporary custody from the expiry date of complaint settlement.
4. Within 24 hours after the complaint settlement decisions, the person issuing the complaint settlement decisions must send such decision to the complainants and complainees.
Article 51. Dossier for complaint settlement in management and execution of temporary detention and custody
1. The dossier for complaint settlement includes:
a) Complaint petition or document recording the complaint contents;
b) Written explanation of the complainee;
c) Record of verification and conclusion;
d) Complaint settlement decisions;
dd) Other relevant documents.
2. The pages of dossier for complaint settlement must be numbered and the dossiers shall be stored at the body settling the complaints.
Article 52. Order of first complaint settlement in management and execution of temporary detention and custody
1. After handling the complaints, the Procuracy having the authority to settle the complaints for the first time shall conduct the verification and require the complainants and the complainees to explain and provide information and documents related to the complaints; work with the relevant bodies, organizations and individuals to clarify the complaint contents and issue the first complaint settlement decision.
2. The first complaint settlement decision shall take legal effect if the complainant shall not make further complaint.
Article 53. Contents of first complaint settlement decision in management and execution of temporary detention and custody
The first complaint settlement decision must include the following contents:
1. Name of body, date of decision;
2. Full name and address of the complainant and the complainee;
3. Content of complaint;
4. Verification result of complaint content;
5. Legal grounds for complaint settlement;
6. Conclusion of complaint is correct, partially correct or wrong;
7. Keep integrity, cancel or require the modification or cancel a part of complained decision or force termination of compliance with the complained decisions or acts.
8. Compensation for damages and remedy of consequences caused by such illegal decisions and acts;
9. Instruction on rights to make further complaints of the persons concerned.
Article 54. Procedures for second complaint settlement in management and execution of temporary detention and custody
1. In case of futher complaint, the complainants must send their petition with the copy of the first complaint settlement decision and other relevant documents to the Procuracy having the authority to settle the second complaint.
2. During the process of complaint settlement, the Procuracy having the authority to settle the second complaint has the right to request the Procuracy which has settled the first complaint and the relevant bodies, organizations and individuals to provide the information and documents related to the complaint contents; work with the complainees and complainants when necessary; verify and take other measures in accordance with regulations of law for complaint settlement. When the bodies, organizations and individuals receive the requirements, they must follow such requirements. The second complaint settlement decision shall take legal effect.
Article 55. Content of second complaint settlement decision in management and execution of temporary detention and custody
The second complaint settlement decision must include the following contents:
1. Name of body, date of decision;
2. Full name and address of the complainant and the complainee;
3. Content of complaint;
4. Verification result of complaint content;
5. Legal grounds for complaint settlement;
6. Conclusion of complaint content and settlement of person having the authority to settle the complaint the first time.
7. Keep integrity, cancel or require the modification or cancel a part of complained decision or force termination of compliance with the complained decisions or acts.
8. Compensation for damages and remedy of consequences caused by such illegal decisions and acts;
Section 2. DENUNCIATION AND SETTLEMENT OF DENUNCIATION IN MANAGEMENT AND EXECUTION OF TEMPORARY DETENTION AND CUSTODY
Article 56. Denunciation in management and execution of temporary detention and custody
1. The persons held in temporary detention and custody and anyone have the right to denounce the illegal acts of any competent person in management and execution of temporary detention and custody causing damages or threatening to cause damages to the interests of the State and legitimate rights and interests of bodies, organizations and individuals.
2. The bodies and persons having the authority in management and execution of temporary detention and custody must transfer the denunciation to the Procuracy at the same level within 24 hours after receiving it.
Article 57. Rights and obligations of denouncer in management and execution of temporary detention and custody
1. The denouncer has the following rights:
a) Sends petition or directly makes denunciation to the competent body or person;
b) Requests to keep secret his/her name, address and autograph;
c) Requests to be informed of result of denunciation settlement;
d) Requests the competent bodies to protect upon being threatened or revenged.
2. The denouncer has the following obligations:
a) Truthfully presents the denunciation contents;
b) Specifies full name and address;
c) Take responsibility before law for making false denunciation.
Article 58. Rights and obligations of denounced persons in management and execution of temporary detention and custody
1. The denounced persons have the following rights:
a) Being informed of the denunciation contents;
b) Show evidence to demonstrate the denunciation contents are not true;
c) Their infringed legitimate rights and interests, honor and dignity are restored and compensated due to improper denunciation;
d) Request the competent bodies, organizations or individuals to handle the persons making false denunciation.
2. The denounced persons have the following obligations:
a) Explain about their acts of denunciation; provide relevant information and documents upon requirement from the competent bodies or persons;
b) Comply with the denunciation settlement decision of the competent bodies or persons;
c) Make compensation for damages and remedy consequences due to their illegal acts.
Article 59. Dossier for denunciation settlement in management and execution of temporary detention and custody
1. The denunciation settlement must be documented. The dossier for denunciation settlement includes:
a) Denunciation petition or document recordding the denunciation contents;
b) Decision on handling the denunciation settlement;
c) Verification record, assessment result, information, documents and evidence collected during the course of settlement.
d) Written explanation of the denounced person;
dd) Report on result of verification of denunciation contents where the person handling the denunciation assigns the others to conduct the verification;
e) Conclusion of denunciation contents;
g) Handling decision;
h) Other relevant documents.
2. The pages of dossier for denunciation settlement must be numbered in order of documents. The storage and use of dossier for denunciation settlement shall comply with regulations of law and ensure no disclosure of information about the denouncer.
Article 60. Authority, procedures and time limit for denunciation settlement
1. The authority and procedures for denunciation settlement of the People’s Procuracy shall comply with the provisions in Clause 4, Article 23 and 29 of the Law on organization of People’s Procuracy.
2. The time limit for denunciation settlement is 60 days from the date of handling; for complex cases, the time limit may be longer but must not exceed 90 days.
3. The denunciation of illegal acts with criminal signs shall be settled in accordance with the provisions of the Criminal Procedure Code.
Article 61. Responsibility of the persons having the authority to settle denunciation
1. The bodies and persons having the authority within their duties and power must receive and settle in a timely manner and in accordance with the laws; strictly handle the violators; take necessary measures to prevent damages which can occur; ensure the settlement decisions must be properly followed and they must take responsibility before law for their decisions.
2. The persons having the authority to settle the denunciations but fail to do so or lack responsibility in settlement or conduct the illegal settlement, depending on the nature and seriousness of violation, they shall be disciplined or prosecuted for criminal liability or make compensation in accordance with regulations of law.
RESPONSIBILTY IN MANAGEMENT AND EXECUTION OF TEMPORARY DETENTION AND CUSTODY
Article 62. Responsibility of the Government
1. Unifies the state management over the execution of temporary detention and custody nationwide.
2. Provides directions for the bodies of the Government and provincial People’s Committees in management and execution of temporary detention and custody.
3. Coordinates with the Supreme People’s Court and the Supreme People’s Procuracy in execution of temporary detention and custody.
4. Make annual report to the National Assembly on the management and execution of temporary detention and custody.
Article 63. Responsibility of the Ministry of Public Security
The Ministry of Public Security is responsible for assisting the Government to conduct the state management on execution of temporary detention and custody and has the following responsibilities:
1. Issues under its authority or requests the competent authorities to issue the legal normative documents on execution of temporary detention and custody; follows the law on execution of temporary detention and custody;
2. Provides professional directions and guidance on uniform application of regulations of law on execution of temporary detention and custody;
3. Suspends and annul under its authority or request the competent level to annul the regulations on execution of temporary detention and custody in contradiction with the provisions of this Law.
4. Decides the allocation of funding and ensure the conditions for the management and execution of temporary detention and custody;
5. Issues the forms, papers and books concerning the management and execution of temporary detention and custody;
6. Develops and manages the database on execution of temporary detention and custody;
7. Makes state statistics on execution of temporary detention and custody; report to the Government on the management and execution of temporary detention and custody;
8. Performs the inspection, commend and handle violation of management and execution of temporary detention and custody;
9. Manages the system of organization, staff and personnel; provide training and re-training of professional skills on management and execution of temporary detention and custody;
10. Organizes the preliminary and final sum-up, scientific research on management and execution of temporary detention and custody;
11. Performs the international cooperation in the field of management and execution of temporary detention and custody.
Article 64. Responsibility of the Ministry of Defense
1. Issues under its authority the legal documents on execution of temporary detention and custody and follows the law on execution of temporary detention and custody in the people’s Army.
2. Provides professional directions and guidance on uniform application of regulations of law on execution of temporary detention and custody in the people’s Army.
3. Suspends and annul under its authority or request the competent level to annul the regulations on execution of temporary detention and custody in contradiction with the provisions of this Law.
4. Decide the allocation of funding; ensure the conditions for the management and execution of temporary detention and custody in the people’s Army; requires the medical facilities in the people’s Army to arrange separate areas or rooms for checkup and treatment for the persons held in temporary detention and custody.
5. Issues the forms, papers and books concerning the management and execution of temporary detention and custody in the people’s Army;
6. Does the statistics on temporary detention and custody in the people’s Army and coordinate with the Ministry of Public Security in developing the database on execution of temporary detention and custody.
7. Performs the inspection, commend and handle violation of management and execution of temporary detention and custody in accordance with regulations of law in the people’s Army;
8. Manages the system of organization, staff and personnel; provide training and re-training of professional skills on management and execution of temporary detention and custody in the people’s Army;
9. Organizes the preliminary and final sum-up, scientific research on management and execution of temporary detention and custody in the people’s Army;
Article 65. Responsibility of the Supreme People’s Procuracy
1. Coordinates with the Ministry of Public Security and Ministry of Defense and other relevant bodies to provide the guidance on following the law on execution of temporary detention and custody.
2. Controls, supervises and directs the Procuracy at all levels to carry out their control and supervision over the management and execution of temporary detention and custody and settlement of complains and denunciation in accordance with this Law and other relevant laws.
3. Follows the regulations on statistics and report on execution of temporary detention and custody in accordance with this Law.
Article 66. Responsibility of Supreme People’s Procuracy
1. Coordinates with the Ministry of Public Security and Ministry of Defense and other relevant bodies to provide the guidance on following the law on execution of temporary detention and custody.
2. Follows the regulations on statistics and report on execution of temporary detention and custody in accordance with this Law.
Article 67. Responsibility of the Ministry of Health
The Ministry of Health shall direct the medical facilities at district and provincial level to build or arrange separate areas or rooms for checkup and treatment for the persons held in temporary detention and custody; directs the medical facilities and medical bodies to provide the guidance, assistance or support for the disease prevention and control; provide the checkup and treatment for the persons held in temporary detention and custody at the custody facilities.
Article 68. Responsibility of the Ministry of Labor - Invalids and Social Affairs
The Ministry of Labor - Invalids and Social Affairs shall direct the Departments of Labor - Invalids and Social Affairs and other social welfare facilities to receive, take care and nurture the children of the persons held in temporary detention and custody having no relative to take care or nurture them in accordance with the provisions of this Law and other relevant laws.
Article 69. Responsibility of the Ministry of Finance
The Ministry of Finance shall coordinate with the Ministry of Public Security, Ministry of Defense to prepare the estimate to ensure the conditions for the management and execution of temporary detention and custody.
Article 70. Responsibility of the Ministry of Planning and Investment
The Ministry of Planning and Investment shall coordinate with the Ministry of Public Security, Ministry of Defense to make plan for equipment of technical means and facilities to ensure the implementation of this Law.
Article 71. Responsibility of provincial People’s Committee
The provincial People’s Committees shall allocate land and provide funding from the local budget and facilitate the building and management of custody facilities in their locality and direct the local state bodies to coordinate and ensure the security and safety for the custody facilities.
This Law shall take effect from 01/07/2016.
Article 73. Detailed stipulation
The Government and competent bodies stipulate in detail the articles and clauses stated in this Law.
This Law was adopted by the 13th National Assembly XIII at the 10th session of the Socialist Republic of Vietnam on 25/11/2015./.
|
CHAIRMAN OF NATIONAL ASSEMBLY |
Văn bản liên quan
Cập nhật
Điều 20. Thực hiện trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam
Điều 26. Giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết
Điều 27. Chế độ ăn, ở của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
Điều 28. Chế độ mặc và tư trang của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
Điều 30. Chế độ chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam