Phần thứ ba Bộ luật tố tụng hình sự 1988: Xét xử sơ thẩm
Số hiệu: | 7-LCT/HĐNN8 | Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Võ Chí Công |
Ngày ban hành: | 28/06/1988 | Ngày hiệu lực: | 09/07/1988 |
Ngày công báo: | 15/11/1988 | Số công báo: | Số 21 |
Lĩnh vực: | Trách nhiệm hình sự, Thủ tục Tố tụng | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
01/07/2004 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Điều 145. Thẩm quyền xét xử của Toà án các cấp.
1- Toà án nhân dân cấp huyện và Toà án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những tội phạm mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt từ bảy năm tù trở xuống, trừ những tội sau đây:
a) Các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia;
b) Các tội quy định tại các Điều 89, 90, 91, 92, 93, 101 (khoản 3), 102, 179, 231, 232 Bộ luật hình sự.
2- Toà án nhân dân cấp tỉnh và Toà án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm không thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện và Toà án quân sự khu vực hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án cấp dưới mà mình lấy lên để xét xử.
3- Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao, Toà án quân sự cấp cao xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp.
4- Toà án quân sự xét xử những bị cáo thuộc thẩm quyền xét xử của mình theo quy định của pháp luật.
Điều 146. Thẩm quyền theo lãnh thổ.
1- Toà án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là Toà án nơi tội phạm được thực hiện. Trong trường hợp không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì Toà án có thẩm quyền xét xử là Toà án nơi kết thúc việc điều tra.
2- Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì do Toà án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở trong nước xét xử. Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo thì tuỳ trường hợp, Chánh án Toà án nhân dân tối cao ra quyết định giao cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử.
Bị cáo phạm tội ở nước ngoài, nếu thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự thì do Toà án quân sự cấp quân khu trở lên xét xử, theo quyết định của Chánh án Toà án quân sự cấp cao.
Điều 147. Thẩm quyền xét xử những tội phạm xảy ra trên máy bay hoặc tàu biển của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang hoạt động ngoài không phận hoặc lãnh hải Việt Nam.
Những tội phạm xảy ra trên máy bay hoặc tàu biển của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài thuộc thẩm quyền của Toà án Việt Nam, nơi có sân bay hoặc bến cảng trở về đầu tiên, hoặc nơi máy bay, tàu biển đó được đăng ký.
Điều 148. Việc xét xử bị cáo phạm nhiều tội thuộc thẩm quyền của các Toà án khác cấp.
Khi bị cáo phạm nhiều tội, trong đó có tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp trên thì Toà án cấp trên xét xử toàn bộ vụ án.
Khi thấy vụ án không thuộc thẩm quyền của mình thì Toà án chuyển vụ án cho Toà án có thẩm quyền xét xử. Việc chuyển vụ án cho Toà án ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính tương đương và ngoài phạm vi quân khu do Toà án nhân dân cấp tỉnh và Toà án quân sự cấp quân khu quyết định.
Chỉ được chuyển vụ án cho Toà án khác khi vụ án chưa được xét xử. Trong trường hợp này, việc chuyển vụ án do Chánh án Toà án quyết định. Nếu vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án quân sự hoặc Toà án cấp trên thì vụ án đã được đưa ra xét xử vẫn phải chuyển cho Toà án có thẩm quyền. Trong trường hợp này, việc chuyển vụ án do Hội đồng xét xử quyết định.
Việc chuyển vụ án phải được thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Điều 150. Giải quyết việc tranh chấp về thẩm quyền xét xử.
1- Việc tranh chấp về thẩm quyền xét xử do Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp quyết định.
2- Việc tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa Toà án nhân dân và Toà án quân sự do Chánh án Toà án nhân dân tối cao quyết định.
Điều 151. Thời hạn chuẩn bị xét xử.
1- Sau khi nhận hồ sơ vụ án, thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ, giải quyết các khiếu nại và yêu cầu của những người tham gia tố tụng và tiến hành những việc khác cần thiết cho việc mở phiên toà.
2- Trong thời hạn bốn mươi lăm ngày đối với tội ít nghiêm trọng, ba tháng đối với tội nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án, thẩm phán phải ra một trong những quyết định sau đây:
a) Đưa vụ án ra xét xử;
b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
c) Tạm đình chỉ vụ án;
d) Đình chỉ vụ án.
Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử thêm một tháng.
Sau khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, phải mở phiên toà trong thời hạn mười lăm ngày; trong trường hợp có lý do chính đáng thì có thể mở phiên toà trong thời hạn ba mươi ngày.
Đối với vụ án được trả lại để điều tra bổ sung thì trong thời hạn mười lăm ngày sau khi nhận lại hồ sơ, thẩm phán phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Điều 152. Áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn.
Ngay sau khi nhận hồ sơ, thẩm phán phải quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn. Việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án hoặc Phó chánh án Toà án cùng cấp quyết định.
Thời hạn tạm giam kể từ ngày Toà án nhận được hồ sơ và cáo trạng đến ngày mở phiên toà xét xử không được quá bốn mươi lăm ngày đối với vụ án do Toà án cấp huyện và Toà án quân sự khu vực thụ lý; ba tháng đối với vụ án do Toà án nhân dân cấp tỉnh trở lên và Toà án quân sự cấp quân khu trở lên thụ lý. Trong trường hợp đặc biệt, Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp có quyền gia hạn thêm một lần, nhưng không được quá một tháng.
Đối với vụ án do Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao hoặc Toà án quân sự cấp cao xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm thì Chánh án Toà án nhân dân tối cao có thể gia hạn thêm, nhưng không được quá một tháng.
Điều 153. Nội dung của quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi rõ:
1- Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nghề nghiệp, nơi cư trú của bị cáo;
2- Tội danh và điều khoản Bộ luật hình sự mà Viện kiểm sát viện dẫn đối với hành vi của bị cáo;
3- Ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm mở phiên toà;
4- Xử công khai hay xử kín;
5- Họ tên thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký phiên toà;
6- Họ tên kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên toà;
7- Họ tên người bào chữa, nếu có;
8- Họ tên người phiên dịch, nếu có;
9- Họ tên những người được triệu tập để xét hỏi tại phiên toà;
10- Vật chứng cần đưa ra xem xét tại phiên toà.
Điều 154. Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
1- Thẩm phán ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung trong những trường hợp sau đây:
a) Khi cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên toà được;
b) Khi có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác;
c) Khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Những vấn đề cần điều tra bổ sung phải được nói rõ trong quyết định yêu cầu điều tra bổ sung.
2- Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và báo cho Toà án biết.
Trong trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề mà Toà án yêu cầu bổ sung và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Toà án vẫn tiến hành xét xử.
Điều 155. Quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án.
Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi có căn cứ quy định tại Điều 135; ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại các điểm 3, 4, 5, 6, 7 Điều 89 Bộ luật này.
Quyết định đình chỉ vụ án phải ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 139 Bộ luật này.
Điều 156. Viện kiểm sát rút quyết định truy tố.
Nếu xét thấy có những căn cứ quy định tại Điều 89 Bộ luật này hoặc khi có căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo, Viện kiểm sát rút quyết định truy tố trước khi mở phiên toà và đề nghị Toà án đình chỉ vụ án.
Điều 157. Việc giao các quyết định của Toà án.
1- Quyết định đưa vụ án ra xét xử được giao cho bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ và người bào chữa, chậm nhất là mười ngày trước khi mở phiên toà.
Trong trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo thì quyết định đưa vụ án ra xét xử và bản cáo trạng được giao cho người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp của bị cáo; quyết định đưa vụ án ra xét xử còn phải được niêm yết tại trụ sở chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc nơi làm việc cuối cùng của bị cáo.
2- Các quyết định của Toà án về tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án phải được giao cho bị cáo, người bào chữa, người bị hại, người đại diện hợp pháp của bị cáo; những người khác tham gia tố tụng thì được gửi giấy báo.
Điều 158. Triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên toà.
Căn cứ vào quyết định đưa vụ án ra xét xử, thẩm phán triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên toà.
QUY ĐỊNH CHUNG VỀ THỦ TỤC TỐ TỤNG TẠI PHIÊN TOÀ
Điều 159. Xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục.
1- Toà án phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi và nghe ý kiến của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án, người làm chứng, người giám định, xem xét vật chứng và nghe lời bào chữa. Bản án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại phiên toà.
2- Việc xét xử phải tiến hành liên tục, trừ thời gian nghỉ.
Điều 160. Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm.
Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân. Trong trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, thì Hội đồng xét xử có thể gồm hai thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân.
Đối với vụ án mà bị cáo bị đưa ra xét xử về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình thì Hội đồng xét xử gồm hai thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân.
Thẩm phán chủ toạ phiên toà điều khiển và giữ kỷ luật phiên toà.
Điều 161. Thay thế thành viên của Hội đồng xét xử trong trường hợp đặc biệt
1- Các thành viên của Hội đồng xét xử phải xét xử vụ án từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc.
2- Trong quá trình xét xử, nếu có thẩm phán hoặc hội thẩm nhân dân không tiếp tục tham gia xét xử được thì Toà án vẫn có thể xét xử vụ án nếu có thẩm phán hoặc hội thẩm nhân dân dự khuyết. Thẩm phán hoặc hội thẩm nhân dân dự khuyết phải có mặt tại phiên toà từ đầu thì mới được tham gia xét xử.
3- Trong trường hợp không có thẩm phán, hội thẩm nhân dân dự khuyết để thay thế hoặc phải thay đổi chủ toạ phiên toà thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu.
Điều 162. Sự có mặt của bị cáo tại phiên toà.
1- Bị cáo phải có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của Toà án; nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên toà.
Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.
Nếu bị cáo trốn tránh thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo.
2- Toà án chỉ có thể xử vắng mặt bị cáo trong những trường hợp sau đây:
a) Bị cáo trốn tránh và việc truy nã không có kết quả;
b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên toà;
c) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử và họ đã được giao giấy triệu tập hợp lệ.
Điều 163. Giám sát bị cáo tại phiên toà.
1- Bị cáo đang bị tạm giam khi ra phiên toà chỉ được tiếp xúc với người bào chữa. Việc tiếp xúc với những người khác phải được phép của chủ toạ phiên toà.
2- Bị cáo không bị tạm giam phải có mặt tại phiên toà trong suốt thời gian xử án.
Điều 164. Sự có mặt của kiểm sát viên.
1- Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên toà. Đối với vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì hai kiểm sát viên có thể cùng tham gia phiên toà.
2- Nếu kiểm sát viên vắng mặt hoặc bị thay đổi thì Hội đồng xét xử hoãn phiên toà và báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Điều 165. Sự có mặt của người bào chữa.
Người bào chữa có nghĩa vụ tham gia phiên toà. Nếu người bào chữa vắng mặt, nhưng có gửi trước bản bào chữa thì Toà án vẫn mở phiên toà xét xử.
Trong trường hợp người bào chữa quy định tại khoản 2 Điều 37 Bộ luật này vắng mặt, thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên toà.
Điều 166. Sự có mặt của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án hoặc những người đại diện hợp pháp của họ.
1- Nếu người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án hoặc những người đại diện hợp pháp của họ vắng mặt thì tuỳ trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà hoặc vẫn tiến hành xét xử.
2- Nếu thấy sự vắng mặt của người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc bị đơn dân sự chỉ trở ngại cho việc giải quyết vấn đề bồi thường thì Hội đồng xét xử có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo thủ tục tố tụng dân sự.
Điều 167. Sự có mặt của người làm chứng.
Người làm chứng tham gia phiên toà để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án. Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở cơ quan điều tra thì chủ toạ phiên toà công bố những lời khai đó. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng vắng mặt thì tuỳ trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà hoặc vẫn tiến hành xét xử.
Điều 168. Sự có mặt của người giám định.
1- Người giám định tham gia phiên toà khi được Toà án triệu tập.
2- Nếu người giám định vắng mặt thì tuỳ trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà hoặc vẫn tiến hành xét xử.
Điều 169. Viện kiểm sát rút quyết định truy tố hoặc định tội danh nhẹ hơn tại phiên toà.
Tại phiên toà, sau khi xét hỏi, kiểm sát viên có thể rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về một tội danh nhẹ hơn, nhưng Hội đồng xét xử vẫn phải xét xử toàn bộ vụ án.
Điều 170. Giới hạn của việc xét xử.
Toà án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Toà án đã quyết định đưa ra xét xử.
1- Trước khi bắt đầu phiên toà, thư ký phải phổ biến nội quy phiên toà.
2- Mọi người ở trong phòng xử án đều phải có thái độ tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều khiển của chủ toạ phiên toà.
3- Mọi người ở trong phòng xử án đều phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án. Chỉ những người được Toà án triệu tập để xét hỏi mới được phát biểu và người nào muốn phát biểu phải được chủ toạ phiên toà cho phép. Người phát biểu phải đứng khi được hỏi, trừ trường hợp vì lý do sức khoẻ được chủ toạ phiên toà cho phép ngồi để phát biểu.
4- Những người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Toà án triệu tập để xét hỏi.
Điều 172. Những biện pháp đối với người vi phạm trật tự phiên toà.
Những người vi phạm trật tự phiên toà thì tuỳ trường hợp, có thể bị chủ toạ phiên toà cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án hoặc bị bắt giữ.
Cảnh sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ phiên toà và thi hành lệnh của chủ toạ phiên toà về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc bắt giữ người gây rối trật tự tại phiên toà.
Điều 173. Việc ra bản án và các quyết định của Toà án.
1- Bản án của Toà án quyết định việc bị cáo có phạm tội hay không phạm tội, hình phạt và các biện pháp tư pháp khác. Bản án phải được thảo luận và thông qua tại phòng nghị án.
2- Quyết định về việc thay đổi thành viên của Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch, thư ký phiên toà; chuyển vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án và về việc bắt giam hoặc trả tự do cho bị cáo phải được thảo luận và thông qua tại phòng nghị án và phải được viết thành văn bản.
3- Quyết định về vấn đề khác được Hội đồng xét xử thảo luận và thông qua tại phòng xử án, không phải viết thành văn bản, nhưng phải được ghi vào biên bản phiên toà.
1- Biên bản phiên toà phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm của phiên toà và mọi diễn biến ở phiên toà từ khi bắt đầu cho đến khi tuyên án.
2- Những câu hỏi và những câu trả lời đều phải được ghi vào biên bản.
3- Sau khi kết thúc phiên toà, chủ toạ phiên toà phải kiểm tra biên bản và cùng với thư ký phiên toà ký vào biên bản đó.
4- Bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án hoặc đại diện hợp pháp của những người đó được xem biên bản phiên toà, có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên toà và ký xác nhận.
Điều 175. Thủ tục bắt đầu phiên toà.
Khi bắt đầu phiên toà, chủ toạ phiên toà đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Sau khi nghe thư ký báo cáo danh sách những người được triệu tập đã có mặt, chủ toạ phiên toà kiểm tra căn cước của những người đó và giải thích cho họ biết quyền và nghĩa vụ của họ tại phiên toà.
Trong trường hợp bị cáo chưa được giao nhận bản cáo trạng theo quy định tại khoản 2 Điều 34 và quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ luật này và nếu bị cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên toà.
Điều 176. Giải quyết việc đề nghị thay đổi thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch, thư ký phiên toà.
Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng phải được hỏi xem họ có đề nghị thay đổi thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch, thư ký phiên toà hay không. Nếu có người yêu cầu thì Hội đồng xét xử xem xét và quyết định.
Điều 177. Giải thích quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch và người giám định.
Nếu có người phiên dịch và người giám định tham gia phiên toà thì chủ toạ phiên toà giới thiệu họ tên, nghề nghiệp hoặc chức vụ của những người đó và giải thích rõ những quyền và nghĩa vụ của họ. Những người này phải cam đoan làm tròn nhiệm vụ.
Điều 178. Giải thích nghĩa vụ và cách ly người làm chứng.
1- Sau khi đã hỏi họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi thường trú của từng người làm chứng, chủ toạ phiên toà giải thích rõ nghĩa vụ tố tụng của họ. Người làm chứng phải cam đoan không khai gian dối. Riêng người làm chứng chưa thành niên không phải cam đoan.
2- Trước khi người làm chứng được hỏi về vụ án, chủ toạ phiên toà có thể quyết định những biện pháp để cho những người làm chứng không nghe được lời khai của nhau hoặc tiếp xúc với những người có liên quan. Trong trường hợp lời khai của bị cáo và người làm chứng có ảnh hưởng lẵn nhau thì chủ toạ phiên toà có thể quyết định cách ly bị cáo với người làm chứng trước khi hỏi người làm chứng.
Điều 179. Giải quyết những yêu cầu về xem xét chứng cứ và hoãn phiên toà khi có người vắng mặt.
Chủ toạ phiên toà phải hỏi kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng xem có ai đề nghị triệu tập thêm người làm chứng hoặc đề nghị đưa thêm vật chứng và tài liệu ra xem xét hay không. Nếu có người tham gia tố tụng vắng mặt thì chủ toạ phiên toà cũng phải hỏi xem có ai đề nghị hoãn phiên toà hay không. Nếu có người yêu cầu thì Hội đồng xét xử xem xét và quyết định.
Trước khi tiến hành xét hỏi, kiểm sát viên đọc bản cáo trạng và trình bày những ý kiến bổ sung, nếu có.
1- Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ các tình tiết về từng sự việc và về từng tội của vụ án theo thứ tự xét hỏi hợp lý.
2- Khi xét hỏi từng người, chủ toạ phiên toà hỏi trước rồi đến các hội thẩm nhân dân, sau đó đến kiểm sát viên, người bào chữa. Những người tham gia phiên toà cũng có quyền đề nghị với chủ toạ phiên toà hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Người giám định được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định.
3- Trong khi xét hỏi, Hội đồng xét xử xem xét những vật chứng có liên quan trong vụ án.
Điều 182. Công bố những lời khai tại cơ quan điều tra.
1- Nếu người được xét hỏi có mặt tại phiên toà thì Hội đồng xét xử và kiểm sát viên không được nhắc hoặc công bố lời khai của họ tại cơ quan điều tra, trước khi họ khai tại phiên toà về những tình tiết của vụ án.
2- Chỉ được công bố những lời khai tại cơ quan điều tra trong những trường hợp sau đây:
a) Lời khai của người được xét hỏi tại phiên toà có mâu thuẵn với lời khai của họ tại cơ quan điều tra;
b) Người được xét hỏi không khai tại phiên toà;
c) Người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết.
1- Hội đồng xét xử phải hỏi riêng từng bị cáo. Nếu lời khai của bị cáo này có thể ảnh hưởng đến lời khai của bị cáo khác thì chủ toạ phiên toà phải cách ly họ. Trong trường hợp này, bị cáo bị cách ly được thông báo lại nội dung lời khai của bị cáo trước có quyền đặt câu hỏi đối với bị cáo đó.
2- Bị cáo trình bày ý kiến về bản cáo trạng và những tình tiết của vụ án. Hội đồng xét xử hỏi thêm về những điểm mà bị cáo trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẵn.
3- Nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi thì Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng.
Điều 184. Hỏi người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của những người đó.
Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền và lợi ích hợp pháp có liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của những người đó trình bày về những tình tiết của vụ án có liên quan đến họ. Sau đó, Hội đồng xét xử hỏi thêm về những điểm mà họ trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẵn.
Điều 185. Hỏi người làm chứng.
1- Hội đồng xét xử phải hỏi riêng từng người làm chứng và không để cho những người làm chứng khác biết được nội dung xét hỏi đó.
2- Khi hỏi người làm chứng, Hội đồng xét xử phải hỏi rõ về quan hệ giữa họ với bị cáo và các đương sự trong vụ án. Chủ toạ phiên toà yêu cầu họ trình bày rõ những tình tiết vụ án mà họ đã biết, sau đó hỏi thêm về những điểm mà họ khai chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẵn.
3- Nếu người làm chứng là người chưa thành niên thì chủ toạ phiên toà có thể yêu cầu cha, mẹ, người đỡ đầu hoặc thầy giáo, cô giáo giúp đỡ để hỏi.
4- Sau khi đã trình bày xong, người làm chứng ở lại phòng xử án để có thể được hỏi thêm.
1- Vật chứng, ảnh hoặc biên bản xác nhận vật chứng được đưa ra để xem xét tại phiên toà.
Khi cần thiết, Hội đồng xét xử có thể cùng với kiểm sát viên và những người tham gia phiên toà đến xem xét tại chỗ những vật chứng không thể đưa đến phiên toà được.
2- Kiểm sát viên, người bào chữa và những người tham gia phiên toà có quyền trình bày những nhận xét của mình về vật chứng. Hội đồng xét xử có thể hỏi thêm họ về những vấn đề có liên quan đến vật chứng.
Nếu xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể cùng với kiểm sát viên và những người tham gia phiên toà đến xem xét nơi đã xảy ra tội phạm hoặc những địa điểm khác có liên quan đến vụ án. Việc xem xét tại chỗ phải được lập biên bản theo thủ tục chung.
Điều 188. Việc trình bày, công bố các tài liệu của vụ án và nhận xét hoặc báo cáo của các cơ quan, tổ chức.
Nhận xét, báo cáo của cơ quan hoặc tổ chức về những tình tiết của vụ án do đại diện của cơ quan hoặc tổ chức đó trình bày; trong trường hợp không có đại diện của cơ quan hoặc tổ chức đó tham dự thì Hội đồng xét xử công bố nhận xét hoặc báo cáo tại phiên toà.
Các tài liệu đã có trong hồ sơ hoặc mới đưa ra khi xét hỏi đều phải được công bố tại phiên toà.
Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia phiên toà có quyền nhận xét về những tài liệu đó và hỏi thêm những vấn đề có liên quan.
Điều 189. Hỏi người giám định.
1- Người giám định trình bày kết luận của mình về vấn đề được giao giám định.
2- Tại phiên toà, người giám định có quyền giải thích, bổ sung trên cơ sở kết luận giám định.
3- Nếu người giám định vắng mặt thì chủ toạ phiên toà công bố kết luận giám định.
4- Kiểm sát viên, người bào chữa và những người tham gia phiên toà có quyền nhận xét về kết luận giám định, được hỏi những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẵn trong kết luận giám định.
5- Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại.
Khi nhận thấy các tình tiết của vụ án đã được xem xét đầy đủ thì chủ toạ phiên toà hỏi kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người khác tham gia phiên toà xem họ có yêu cầu xét hỏi vấn đề gì nữa không. Nếu có người yêu cầu và xét thấy yêu cầu đó là cần thiết thì chủ toạ phiên toà quyết định tiếp tục việc xét hỏi.
Điều 191. Trình tự phát biểu khi tranh luận.
1- Sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên toà, kiểm sát viên trình bày lời luận tội, đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng hoặc kết luận về tội danh nhẹ hơn; nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không có tội.
2- Bị cáo trình bày lời bào chữa, nếu bị cáo có người bào chữa thì người này bào chữa cho bị cáo. Bị cáo có quyền bổ sung ý kiến bào chữa.
3- Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ được trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác nhưng chỉ được phát biểu một lần đối với mỗi ý kiến mà mình không đồng ý. Chủ toạ phiên toà không được hạn chế thời gian tranh luận, nhưng có quyền cắt những ý kiến không có liên quan đến vụ án.
Điều 193. Trở lại việc xét hỏi.
Nếu qua tranh luận mà xét thấy cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử có thể quyết định trở lại xét hỏi. Xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận.
Điều 194. Bị cáo nói lời sau cùng.
Sau khi những người tham gia tranh luận không trình bày gì thêm, chủ toạ phiên toà tuyên bố kết thúc tranh luận.
Bị cáo được nói lời sau cùng. Không được đặt câu hỏi khi bị cáo nói lời sau cùng. Hội đồng xét xử có quyền yêu cầu bị cáo không được trình bày những điểm không liên quan đến vụ án, nhưng không được hạn chế thời gian đối với bị cáo. Nếu trong lời nói sau cùng, bị cáo trình bày thêm tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án thì Hội đồng xét xử phải quyết định trở lại việc xét hỏi.
Điều 195. Xem xét việc rút truy tố.
1- Khi kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố hoặc kết luận về một tội danh nhẹ hơn thì Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử vụ án.
2- Trong trường hợp kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì trước khi nghị án, Hội đồng xét xử yêu cầu những người tham gia tố tụng tại phiên toà trình bày ý kiến về việc rút truy tố đó.
1- Chỉ có thẩm phán và hội thẩm nhân dân mới có quyền nghị án. Các thành viên của Hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề một. Thẩm phán biểu quyết sau cùng. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được để vào hồ sơ.
2- Trong trường hợp kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì Hội đồng xét xử vẫn giải quyết những vấn đề của vụ án theo trình tự quy định tại khoản 1 Điều này. Nếu có căn cứ xác định bị cáo không có tội thì Hội đồng xét xử tuyên bố vô tội; nếu thấy việc rút truy tố không có căn cứ thì quyết định tạm đình chỉ vụ án và kiến nghị với Viện kiểm sát cấp trên.
3- Khi nghị án, chỉ được căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà.
4- Khi nghị án phải có biên bản ghi lại các ý kiến đã thảo luận và quyết định của Hội đồng xét xử.
Điều 197. Trở lại việc xét hỏi và tranh luận.
Qua việc nghị án nếu thấy có tình tiết của vụ án chưa được xét hỏi hoặc xét hỏi chưa đầy đủ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại xét hỏi và tranh luận.
1- Toà án ra bản án nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2- Trong bản án cần phải ghi rõ: ngày, giờ, tháng, năm và địa điểm phiên toà, họ tên của các thành viên Hội đồng xét xử và thư ký phiên toà; họ tên của kiểm sát viên; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hoá, thành phần xã hội và tiền án của bị cáo; ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi sinh, nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của bị cáo; họ tên của người bào chữa; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi cư trú của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án và những người đại diện hợp pháp của họ.
3- Trong bản án phải trình bày việc phạm tội của bị cáo, phân tích những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, xác định bị cáo có phạm tội hay không và nếu bị cáo phạm tội thì phạm tội gì, theo điều khoản nào của của Bộ luật hình sự, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ và cần phải xử lý như thế nào. Nếu bị cáo không phạm tội thì bản án phải ghi rõ những căn cứ xác định bị cáo vô tội và phải giải quyết việc khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Phần cuối cùng của bản án ghi những quyết định của Toà án và quyền kháng cáo đối với bản án.
Điều 199. Quyết định yêu cầu sửa chữa những khuyết điểm trong công tác quản lý.
1- Cùng với việc ra bản án, Toà án ra quyết định yêu cầu cơ quan hoặc tổ chức hữu quan áp dụng những biện pháp cần thiết để khắc phục những nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm tại các cơ quan, tổ chức đó. Trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày nhận được quyết định của Toà án, cơ quan, tổ chức đó phải báo cho Toà án biết những biện pháp được áp dụng.
2- Quyết định của Toà án có thể được đọc tại phiên toà cùng với bản án hoặc chỉ gửi riêng cho cơ quan hoặc tổ chức hữu quan.
Khi tuyên án mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy. Chủ toạ phiên toà đọc bản án và sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo.
Nếu bị cáo không biết tiếng Việt thì sau khi tuyên án, người phiên dịch phải đọc lại cho bị cáo nghe toàn bộ bản án sang thứ tiếng mà bị cáo biết.
Điều 201. Trả tự do cho bị cáo.
Trong những trường hợp sau đây Hội đồng xét xử phải tuyên bố trả tự do ngay tại phiên toà cho bị cáo đang bị tạm giam, nếu họ không bị tạm giam về một tội phạm khác:
1- Bị cáo không có tội;
2- Bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự hoặc được miễn hình phạt;
3- Bị cáo bị xử phạt bằng các hình phạt không phải là hình phạt tù;
4- Bị cáo bị xử phạt tù nhưng được hưởng án treo;
5- Thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam.
Điều 202. Bắt giam bị cáo sau khi tuyên án.
Nếu bị cáo không bị tạm giam nhưng bị phạt tù thì họ chỉ bị bắt giam để chấp hành hình phạt khi bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Toà án có thể quyết định bắt giam ngay bị cáo nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục gây án.
Chậm nhất là mười lăm ngày sau khi tuyên án, Toà án phải giao bản sao bản án cho bị cáo, Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa, gửi bản sao bản án cho những người bị xử vắng mặt và thông báo cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị cáo cư trú hoặc làm việc.
Trong trường hợp xử vắng mặt bị cáo theo quy định tại điểm a hoặc điểm b, khoản 2 Điều 162 Bộ luật này thì trong thời hạn nói trên bản sao bản án phải được niêm yết tại trụ sở chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc nơi làm việc cuối cùng của bị cáo.
Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và lợi ích hợp pháp có liên quan đến vụ án hoặc đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Toà án cấp trích lục bản án hoặc bản sao bản án.