Giải Lịch sử 10 Bài 7 ( Cánh diều ): Một số nền văn minh Phương Tây

Với giải bài tập Lịch sử 10 Bài 7: Một số nền văn minh Phương Tây sách Cánh diều hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Lịch sử 10 Bài 7.

1 17736 lượt xem
Tải về


Giải Lịch sử lớp 10 Bài 7: Một số nền văn minh Phương Tây

Bài giảng Lịch sử lớp 10 Bài 7: Một số nền văn minh Phương Tây (Tiết 1)

Bài giảng Lịch sử lớp 10 Bài 7: Một số nền văn minh Phương Tây (Tiết 2)

Mở đầu trang 45 Lịch sử 10: Không có cở sở văn minh Hy Lạp và La Mã thì cũng không có châu Âu hiện đại”. Đây là nhận định của Ph.Ăng-ghen trong tác phẩm Chống Đuy-rinh về ý nghĩa của nền văn minh Hy Lạp, La Mã. Hai nền văn minh này là một trong những cơ sở cho sự hình thành nền văn minh thời Phục hưng ở Tây Âu và văn minh phương Tây sau này.

Vậy văn minh Hy Lạp, La Mã và văn minh thời Phục hưng được hình thành trên những cơ sở nào và thành tựu của các nền văn minh này có ý nghĩa ra sao?

Trả lời:

a/ Cơ sở hình thành và ý nghĩa của văn minh Hy Lạp, La Mã

- Văn minh Hy Lạp, La Mã được hình thành dựa trên những cơ sở về: điều kiện tự nhiên; kinh tế; chính trị; xã hội; dân cư

- Ý nghĩa:

+ Để lại cho nhân loại nhiều thành tựu to lớn, rực rỡ.

+ Là sản phẩm của trí tuệ, sự lao động sáng tạo của cư dân Hy Lạp, La Mã

+ Nhiều thành tựu văn minh của Hy Lạp, La Mã cổ đại đã đóng góp cho sự phát triển của các lĩnh vực trong nền văn minh thế giới và vẫn được sử dụng cho tới hiện nay.

b/ Bối cảnh hình thành và ý nghĩa của văn minh thời Phục hưng

- Văn minh thời Phục hưng hình thành và phát triển vào thời hậu kì trung đại khi trong lòng xã hội phong kiến Tây Âu có những bước chuyển biến quan trọng về kinh tế; chính trị - xã hội…

- Ý nghĩa của văn minh thời Phục hưng:

+ Là cuộc đấu tranh công khai đầu tiên của giai cấp tư sản chống giai cấp phong kiến đã lỗi thời.

+ Góp phần giải phóng con người khỏi sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến và Giáo hội; đóng vai trò tích cực trong việc phát động quần chúng chống lại chế độ phong kiến, đề cao những giá trị tốt đẹp, cao quý của con người.

+ Mở đường cho sự phát triển cao của văn hóa châu Âu và nhân loại trong những thế kỉ sau đó;

+ Làm phong phú thêm kho tàng văn hóa nhân loại.

1. Văn Minh Hy Lạp, La Mã

Câu hỏi trang 46 Lịch sử 10: Đọc thông tin và quan sát các lược đồ 7.1, 7.2 hãy phân tích tác động của điều kiện tự nhiên, dân cư, kinh tế đến việc hình thành nền văn minh Hy Lạp và La Mã.

Giải Lịch sử 10 Bài 7: Một số nền văn minh Phương Tây - Cánh diều (ảnh 1)

Trả lời:

- Điều kiện tự nhiên: ở bán đảo Italia và bán đảo Ban-căng: phần lớn địa hình là đổi núi, xen giữa là những cánh đồng nhỏ hẹp; đất đai khô cằn, trong lòng đất có nhiều khoáng sản; bờ biển dài, nhiều vũng, vịnh kín gió.

=> Tác động:

+ Do đất đai canh tác xấu nên phải đến khi công cụ bằng sắt xuất hiện, việc trồng trọt mới có hiệu quả; xã hội phân chia giai cấp và nhà nước xuất hiện.

+ Lãnh thổ bị chia cắt nên khó có điều kiện tập trung đông dân cư. Đây cũng chính là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến việc ở Hy Lạp, La Mã tồn tại nhiều tiểu quốc nhỏ

+ Xu hướng phát triển kinh tế của cư dân Hy Lạp và La Mã là: phát triển thủ công nghiệp và thương nghiệp

+ Vị trí địa lí thuận lợi cho việc giao lưu, học tập, tiếp thu văn hóa.

- Cơ sở kinh tế: ở Hy Lạp và La Mã cổ đại, kinh tế thủ công nghiệp và thương nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Hình thức kinh tế điển trang trong nông nghiệp cũng phát triển.

=> Tác động: nền kinh tế công – thương nghiệp phát triển đã giúp cư dân Hy Lạp và La Mã có điều kiện giao lưu, tiếp xúc với nhiều quốc gia, dân tộc khác, từ đó cư dân Hy Lạp, La mã có điều kiện tiếp thu, học hỏi những thành tựu của nhiều nền văn minh khác để phát triển nền văn minh của mình ở trình độ cao hơn

- Cơ sở dân cư:

+ Cư dân Hy Lạp cổ đại gồm nhiều tộc người, như người E-ô-li-êng, người I-ô-niêng. người A-kê-ăng và người Đô-ni-êng

+ Cư dân La Mã cổ đại chủ yếu là người I-ta-li-an, hay còn gọi là người I-ta-li-ốt, sống ở đồng bằng I-ta-li-um. Về sau, một bộ phận người I-ta-li-ốt dụng lên thành Rô-ma nên gọi là người Rô-ma. Ngoài ra còn có người Gô-loa, E-tơ-rux-cơ, người Hy Lạp….

=> Tác động: sự đa dạng về thành phần tộc người sẽ góp phần tạo nên sự đa dạng về văn hóa, văn minh (do mỗi tộc người sẽ có những nét văn hóa khác nhau)

Câu hỏi trang 47 Lịch sử 10: Đọc thông tin và quan sát các hình 7.1, 7.2 hãy phân tích những cơ sở chính trị, xã hội và sự kế thừa nền văn minh phương Đông đối với sự hình thành nền văn minh Hy Lạp, La Mã cổ đại.

Giải Lịch sử 10 Bài 7: Một số nền văn minh Phương Tây - Cánh diều (ảnh 1)

Trả lời:

- Cơ sở chính trị:

+ Nhà nước ở Hy Lạp và La Mã ra đời khoảng thế kỉ VIII - VI TCN. Hy Lạp là quốc gia thành bang (Aten và Xpac), ở La Mã là nền cộng hòa quý tộc, nhà nước đế chế.

+ Chế độ dân chủ cổ đại là cơ sở chính trị quan trọng để hình thành văn minh Hy Lạp và La Mã.

- Cơ sở xã hội:

+ Xã hội phân chia thành các giai cấp (chủ nô, bình dân, nô lệ). Trong đó nô lệ bị chủ nô bóc lột nặng nề và bị xem như “ công cụ biết nói”.

+ Chế độ bóc lột nô lệ tàn bạo là cơ sở xã hội quan trọng để hình thành văn minh Hy Lạp, La Mã cổ đại.

- Sự kế thừa văn minh phương Đông:

+ Văn minh Hy Lạp và La Mã ra đời sau nên có điều kiện tiếp thu, kế thừa những thành tựu của văn minh phương Đông.

+ Cư dân Hy Lạp và La Mã đã tiếp thu Lịch pháp, Toán học, Thiên văn học,... và sáng tạo, phát triển những thành tựu đó ở mức cao hơn, khái quát hơn…

Câu hỏi trang 49 Lịch sử 10: Đọc thông tin và quan sát các hình từ 7.3 đến 7.7 hãy:

- Cho biết cư dân Hy Lạp và La Mã có những thành tựu văn minh cơ bản nào? Những thành tựu đó có ý nghĩa ra sao?

- Giới thiệu một thành tựu tiêu biểu nhất.

Giải Lịch sử 10 Bài 7: Một số nền văn minh Phương Tây - Cánh diều (ảnh 1)

Trả lời:

Yêu cầu số 1:

(*) Thành tựu văn minh Hy Lạp và La Mã:

- Chữ viết: cư dân Hy Lạp đã sáng tạo ra hệ chữ cái a, b, c và La Mã đã kế thừa, phát triển thành chữ La-tinh.

- Văn học: phong phú, nhiều thể loại và đạt nhiều thành tựu lớn. Trong đó, nổi bật là sử thi I-li-át và Ô-đi-xê của Hô-me, kịch Ơ-đíp làm vua của Xô-phôc-lơ.

- Triết học: chia làm hai trường phải chính: triết học duy vật và triết học duy tâm

+ Triết học duy vật gồm những đại diện tiêu biểu: Ta-lét, Hê-ra-clít.

+ Triết học duy tâm gồm những đại diện tiêu biểu: A-rít-xtốt, Xô-crát, Pờ-la-tông.

- Tôn giáo: Thiên Chúa giáo ra đời vào khoảng thế kỉ I. Từ thế kỉ IV, Thiên Chúa giáo được lan toả mạnh mẽ và trở thành một trong những tôn giáo lớn trên thế giới

- Lịch pháp và thiên văn học: làm lịch dựa theo sự chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời; tính được một năm có 365 ngày 6 giờ, chia thành 12 tháng.

- Khoa học: đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực khác nhau, gắn liền với tên tuổi của các nhà khoa học nổi tiếng: Toán học có Pi-ta-go, Ta-lét, Ơ-clít, Vật lí có Ác-si-mét, Y học có Hi-pô-crát, Sử học có Hê-rô-đốt, Tuy-xi-đít…

- Kiến trúc - điêu khắc: sáng tạo ra nhiều công trình tinh xảo, tráng lệ, như đến Pác-tê-nông ở A-ten; Tượng Ác-si-mét (Hy Lạp), đấu trường Cô-li-dê ở Rô-ma, tượng lực sĩ ném đĩa, tượng thần Vệ nữ ở Mi-lô,...

- Thể thao: Ô-lim-pic là Đại hội thể thao nổi tiếng Hy Lạp cổ đại.

- Ngoài ra cư dân Hy Lạp và La Mã cổ đại còn có những thành tựu trên lĩnh vực Sử học, Luật pháp…

* Ý nghĩa:

- Văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại đã tạo nên nền văn minh rực rỡ trên nhiều lĩnh vực, có đóng góp lớn cho sự phát triển của lịch sử văn minh nhân loại.

- Những thành tựu trên có tính thực tiễn và vận dụng vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống hiện nay. Đồng thời nền văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại là cơ sở cho nền văn minh phương Tây sau này.

- Nhiều thành tựu văn minh Hy Lạp, La Mã vẫn được sử dụng cho tới hiện nay.

(*) Giới thiệu về: thế vận hội Ô-lim-pic

- Đại hội Ô-lim-pic là lễ hội nổi tiếng nhất của Hy Lạp cổ đại, được tổ chức bốn năm một lần. Theo truyền thuyết, thần Hê-ra-clét tổ chức lễ hội lần đầu tiên vào năm 776 TCN để tôn vinh cha mình là thần Dớt.

- Các cuộc tranh tài thể thao ở Ô-lim-pic theo tinh thần “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”. Những người thắng cuộc được đội trên đầu một vòng hoa nguyệt quế và cầm trên tay một cành ô liu thể hiện khát vọng hoà bình. Một trong những nghi lễ quan trọng là lễ rước đuốc.

- Thế vận hội An-tuốc (Bỉ) tổ chức năm 1920 có thêm nghi lễ kéo lá cờ thế vận hội với năm vòng tròn có năm màu khác nhau.

Giải Lịch sử 10 Bài 7: Một số nền văn minh Phương Tây - Cánh diều (ảnh 1)

Lá cờ mang biểu tượng của thế vận hội Ô-lim-pic

- Đến nay, thế giới đã tổ chức hơn 30 lần Thế vận hội mùa Hè và hơn 20 lần Thế vận hội mùa Đông để tiếp nối thượng võ của Đại hội Ô-lim-pic, phát triển tinh thần đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

2. Văn minh thời Phục Hưng

Câu hỏi trang 50 Lịch sử 10: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát các hình 7.8, 7.9 hãy cho biết văn minh thời Phục hưng diễn ra trong bối cảnh lịch sử nào. Vì sao Phờ-lo-ren (I-ta-li-a) lại là nơi khởi nguồn của nền văn minh thời Phục hưng?

Giải Lịch sử 10 Bài 7: Một số nền văn minh Phương Tây - Cánh diều (ảnh 1)

Trả lời:

- Bối cảnh lịch sử diễn ra văn minh Phục Hưng:

+ Văn minh Phục Hưng hình thành trong bối cảnh quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa hình thành ở Tây Âu. Sự thống trị của chế độ phong kiến cùng với sự khắt khe của Giáo hội Thiên Chúa giáo đã kìm hãm sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa.

+ Giai cấp tư sản ra đời, cần có hệ tư tưởng và nền văn hoá riêng để phục vụ cho đời sống tinh thần của mình. Đồng thời đấu tranh chống lại hệ tư tưởng lỗi thời của Giáo hội Thiên Chúa giáo và của quý tộc, phong kiến đang cản trở sự phát triển của xã hội.

=> Hệ tư tưởng của Hy Lạp và La Mã cổ đại có nét tương đồng với tư sản, đối lập với phong kiến. Giai cấp tư sản muốn khôi phục lại nền văn hóa Hy Lạp và La Mã cổ đại nhằm đề cao giá trị con người, đòi quyền tự do cá nhân, coi trọng khoa học kĩ thuật. Trào lưu Phục hưng ra đời, bắt nguồn từ Phờ-lo-ren (Italia), sau đó lan rộng ra các nước ở châu Âu.

- Giải thích: Thành phố Phờ-lo-ren (I-ta-li-a) lại là nơi khởi nguồn của nền văn minh thời Phục hưng vì:

+ Ở đây có những điều kiện thuận lợi về địa lí, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời sớm, phát triển chủ yếu về công nghiệp.

+ Thành phố Phờ-lo-ren là nơi cư trí của dòng họ Mê-đê-xi. Dòng dòng họ Mê-đê-xi nhiều đời có người là chủ ngân hàng lớn, có vai trò quan trọng trong chính trị và chủ trương khuyến khích nghệ thuật. Họ tiến hành xây dựng những lâu đài tráng lệ - là nơi để những nhà họa sĩ, điêu khắc làm nên những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao.

Câu hỏi trang 52 Lịch sử 10: Đọc thông tin và quan sát các hình từ 7.10 đến 7.13 hãy nêu thành tựu và ý nghĩa của thành tựu văn minh thời Phục hưng.

Giải Lịch sử 10 Bài 7: Một số nền văn minh Phương Tây - Cánh diều (ảnh 1)

Trả lời:

* Thành tựu cơ bản:

- Văn học đạt nhiều thành tựu lớn, tiêu biểu là các tác phẩm Thần khúc (A. Đan-tê), Đôn Ki-hô-tê (M. Xéc-van-téc), Rô-mê-ô và Giu-li-ét (Sếch-xpia)....

- Triết học: kịch liệt phê phán triết học duy tâm, lên án chế độ phong kiến, đề cao tri thức, lí trí của con người. Đại diện tiêu biểu là Mi-chen đơ Mông-ten-nhơ (Pháp), Ê-ra-xmơ (Hà Lan), La Ra-mê (Pháp),...

- Khoa học: gắn liền với sự đóng góp của các nhà khoa học trên lĩnh vực Toán học, Thiên văn học…. Tiêu biểu là Cô-péc-nich, Bru-nô và Ga-li-lê với Thuyết Nhật tâm.

- Nghệ thuật đạt được nhiều thành tựu lớn, tiêu biểu là bức hoạ Nàng Mô-na Li-sa, Bữa ăn tối cuối cùng (Lê-ô-na đơ Vanh-xi), Tượng Đa-vít, Sự sáng tạo A-đam (Mi-ken-lăng-giơ), lâu đài Sam-bô (Pháp), nhà thờ Xanh Pi-tơ (Va-ti-căng),...

(*) Ý nghĩa:

- Là cuộc đấu tranh công khai đầu tiên của giai cấp tư sản chống giai cấp phong kiến đã lỗi thời.

- Góp phần giải phóng con người khỏi sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến và Giáo hội; đóng vai trò tích cực trong việc phát động quần chúng chống lại chế độ phong kiến, đề cao những giá trị tốt đẹp, cao quý của con người.

- Mở đường cho sự phát triển cao của văn hóa châu Âu và nhân loại trong những thế kỉ sau đó;

- Làm phong phú thêm kho tàng văn hóa nhân loại.

Luyện tập và Vận dụng (trang 52)

Luyện tập 1 trang 52 Lịch sử 10: Hãy vẽ sơ đồ tư duy thể hiện cơ sở hình thành, thành tựu và ý nghĩa của văn minh Hy Lạp và La Mã thời cổ đại, văn mình thời Phục hưng.

Trả lời:

(*) Sơ đồ tham khảo

Giải Lịch sử 10 Bài 7: Một số nền văn minh Phương Tây - Cánh diều (ảnh 1)

 Giải Lịch sử 10 Bài 7: Một số nền văn minh Phương Tây - Cánh diều (ảnh 1)

Vận dụng 2 trang 52 Lịch sử 10: Đóng vai là hướng dẫn viên du lịch, hay giới thiệu một thành tựu của nền văn minh Hy Lạp và La Mã (hoặc văn minh thời Phục hưng).

Trả lời:

(*) Giới thiệu về Đấu trường Cô-li-dê

Xin chào các bạn, tôi là………, trong vai trò là hướng dẫn viên du lịch,hôm nay, tôi sẽ giới thiệu tới các bạn về một thành tựu rực rỡ của nền văn minh La Mã cổ đại đó là Đấu trường Cô-li-đê ở Rô Ma (nay là Đấu trường La Mã ở Italia).

Đấu trường Cô-li-đê tại Italia là một công trình kiến trúc đặc sắc, được coi là một trong bảy kỳ quan "hiện đại" của thế giới. Cho đến tận ngày nay, nó vẫn luôn mang đến một cảm giác ngưỡng mộ đến sửng sốt cho bất cứ ai đã một lần được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc tuyệt vời này của thời Đế Chế La Mã.

Đấu trường Cô-li-đê được xây dựng vào năm 70 và 72 sau công nguyên. Đây là đấu trường lớn nhất thủ đô Rome, trong quá khứ nó có thế chứa đến 50,000 khán giả. Ngày nay, dù chỉ còn giữ lại chưa tới 1/3 cấu trúc ban đầu nhưng nó vẫn được coi là biểu tượng của đế chế La Mã và là một trong những tuyệt tác trường tồn cùng với thời gian.

Đấu trường La Mã với chiều cao 48m, dài 189m và rộng 156m. Ước tính tường bên ngoài có chu vi 545 m và cần phải dùng 100.000 m3 đá hoa cương được giữ với nhau bằng 300 tấn vòng kẹp sắt.

Trong thời cổ đại, nơi này được ví như con đường đến địa ngục. Đấu trường sử dụng cho các võ sỹ giác đấu và nô lệ có nguồn gốc tù binh chiến tranh thi đấu. Theo ước tính, hơn 500.000 người và hơn 1 triệu động vật chết khi tham gia các trò chơi sinh tử đẫm máu ở đấu trường La Mã nhằm mua vui cho mọi người trong thời gian công trình này hoạt động.

Đấu trường đã có những sự thay đổi lớn trong thời kì Trung Cổ. Một nhà thờ nhỏ được xây dựng ở bên trong của đấu trường vào cuối thế kỉ 6, và sân đấu thì trở thành một nghĩa trang. Nhiều khoảng không bên dưới những bậc thang được sử dụng làm chỗ ở hoặc xưởng thủ công, và người ta tiếp tục thuê nhà ở đó cho tới tận thế kỉ 12. Năm 1349, một trận động đất lớn đã làm sụp đổ toàn bộ phần tường bên ngoài của mặt phía nam.

Qua hơn 2000 năm, sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, những thay đổi ít nhiều đã được tạo ra và hình thành một đấu trường La Mã như ngày nay. Nó xứng đáng với danh hiệu “Chứng nhân lịch sử” của mình.

Vừa rồi tôi đã giới thiệu cho các bạn về Đấu trường La Mã ở Iatalia, cảm ơn các bạn đã lắng nghe và cho tôi một số phản hồi nhé. Cảm ơn các bạn!

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Vận dụng 3 trang 52 Lịch sử 10: Tại sao nói phong trào Văn hóa Phục hưng đã sản sinh ra “những người khổng lồ”?

Trả lời:

- Phong trào Văn hóa Phục hưng đã sản sinh ra “những người khổng lồ” vì: trong phong trào Phục hưng đã xuất hiện nhiều nhà văn hóa, nhà khoa học thiên tài được người đời sau kính trọng, ngưỡng mộ. ví dụ:

+ Danh họa: Lê-ô-na Đơ-vanh-xi.

+ Nhà khoa học: Cô-péc-nic, Ga-li-lê…

Xem thêm lời giải bài tập Lịch sử lớp 10 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 8: Cách mạng công nghiệp thời kì cận đại

Bài 9: Cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại

Bài 10: Cơ sở hình thành văn minh Đông Nam Á thời kì cổ - trung đại

Bài 11: Hành trình phát triển và thành tựu của văn minh Đông Nam Á thời kì cổ - trung đại

Bài 12: Văn minh Văn Lang - Âu Lạc

1 17736 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: