TOP 10 mẫu Bài văn kể lại hoạt động thể hiện tình yêu quê hương, đất nước (2024) SIÊU HAY

Bài văn kể lại hoạt động thể hiện tình yêu quê hương, đất nước  gồm 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 8 hay hơn.

1 866 16/09/2024


Bài văn kể lại hoạt động thể hiện tình yêu quê hương, đất nước

Đề bài: Em hãy viết bài văn kể lại một hoạt động xã hội: hoạt động thể hiện tình yêu quê hương, đất nước (như thiết kế poster, vẽ tranh về chủ quyền biển đảo...)

TOP 10 mẫu Bài văn kể lại hoạt động thể hiện tình yêu quê hương, đất nước  (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

Bài văn kể lại hoạt động thể hiện tình yêu quê hương, đất nước - mẫu 1

Cuộc thi vẽ tranh quốc tế Toyota “Chiếc ô tô mơ ước” được tổ chức thường niên trên toàn cầu kể từ năm 2004.

Tại Việt Nam, kể từ năm học 2011-2012, sân chơi này đã trở thành một trong những cuộc thi vẽ tranh có quy mô lớn nhất trên toàn quốc, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình và tham gia đông đảo từ các học sinh với hơn 5 triệu tranh dự thi sau 12 năm tổ chức, chiếm 69% tổng số lượng tranh tham dự trên toàn thế giới.

Cuộc thi là dịp để các em thể hiện năng khiếu hội họa, sự sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú về một chiếc ô tô hoặc một phương tiện giao thông giúp con người di chuyển trong tương lai, hay một phương tiện di chuyển giúp biến ước mơ thành hiện thực.

Cuộc thi năm nay tiếp tục được tổ chức dành cho các học sinh 15 tuổi trở xuống trên cả nước ở 3 nhóm tuổi (dưới 8 tuổi, 8-11 tuổi và 12-15 tuổi) với 2 vòng thi.

Theo ban tổ chức cuộc thi, cấp độ quốc gia gồm 160 giải thưởng (với tổng giá trị 280 triệu đồng): Thí sinh gửi bài dự thi từ 15-11-2023 đến hết ngày 30-11-2023. Kết quả của cuộc thi dự kiến sẽ được công bố vào tháng 1-2024.

Ban tổ chức sẽ chọn ra 9 bức tranh xuất sắc nhất tại vòng thi cấp quốc gia để gửi tham dự cuộc thi cấp quốc tế tại Nhật Bản vào tháng 3-2024. Kết quả cuộc thi cấp quốc tế dự kiến sẽ được thông báo trong tháng 8-2024. Cấp quốc tế gồm 26 giải thưởng dành cho cá nhân và 5 giải thưởng dành cho trường học (tổng giá trị 138.000 USD.

Các tác phẩm dự thi thuộc 2 hình thức: Tác phẩm vẽ tay hoặc tác phẩm đồ họa. Các thí sinh có thể gửi tham dự tối đa 2 bức tranh cho Ban tổ chức theo một trong 2 địa chỉ sau: Hệ thống đại lý Toyota chính hãng trên toàn quốc hoặc Văn phòng Ban tổ chức cuộc thi tại Hà Nội (tầng 8, Trung tâm Lotte Hà Nội, 54 Liễu Giai, Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội).

Bài văn kể lại hoạt động thể hiện tình yêu quê hương, đất nước - mẫu 2

Ngày 17/4, cơ sở Anh văn Hội Việt Mỹ tại Vĩnh Long (VUS Vĩnh Long) đồng hành cùng UBND phường 4, TP Vĩnh Long và Trường Tiểu Học Trần Đại Nghĩa tổ chức hội thi vẽ tranh tuyên truyền "Chủ quyền biển đảo, biên giới" cho đoàn viên, thanh thiếu nhi.

Tham dự hội thi có bà Huỳnh Thị Thu Vân - Thành Ủy viên, Bí thư Thành Đoàn Vĩnh Long; ông Nguyễn Văn Trong - Phó bí thư thường trực Đảng Ủy phường 4; ông Nguyễn Thiên Anh - Quản lý trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS) tỉnh Vĩnh Long cùng đại diện ban lãnh đạo Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa.

Chương trình có sự góp mặt của hơn 1.000 em học sinh, thanh thiếu nhi trên địa bàn đã tham gia cuộc thi vẽ tranh, cùng các phụ huynh.

Cuộc thi đã thu hút hơn 200 tác phẩm chất lượng gửi về ban tổ chức. Bằng trí tưởng tượng, sự hiểu biết và năng khiếu, các họa sĩ nhí đã sáng tạo nên những bức tranh đặc sắc, gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa.

Đồng hành cùng cuộc thi, VUS Vĩnh Long dành tặng 30 suất học bổng cùng nhiều phần quà có giá trị cho 30 em học sinh đạt giải với tổng giá trị giải thưởng lên đến 47 triệu đồng. Trong đó bao gồm 5 giải nhất, 5 giải nhì và 5 giải ba, 15 giải khuyến khích.

Trong bài phát biểu tại hội thi, ông Nguyễn Văn Trong - Phó bí thư thường trực Đảng ủy phường 4 - nhận xét: "Đây là một cuộc thi được các em hưởng ứng rất nhiệt tình. Nhiều bức tranh thể hiện đúng với chủ đề; bố cục chặt chẽ, hợp lý; tương quan màu sắc được giải quyết hài hòa, hấp dẫn, chứa đựng nhiều cảm xúc thẩm mỹ tốt đẹp; ý tưởng sáng tạo, độc đáo…".

Thay mặt ban giám hiệu nhà trường, ông Trần Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa - nhấn mạnh: "Hội thi vẽ tranh tuyên truyền có ý nghĩa rất thiết thực, thông qua hội thi sáng tạo và các tác phẩm dự thi, các em học sinh đã gửi gắm tình cảm của mình tới những chiến sĩ, đồng bào ta đang ngày đêm không quản ngại khó khăn, gian khổ quyết tâm giữ vững biển - đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Qua đó, khích lệ, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và nâng cao nhận thức của các em đối với chủ quyền biển đảo và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam thân yêu".

Cũng trong khuôn khổ chương trình, VUS Vĩnh Long đã trao tặng 10 suất quà hỗ trợ đến các em học sinh trên địa bàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập.

Ông Nguyễn Thiên Anh - Quản lý trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ VUS tỉnh Vĩnh Long - cho biết: "Là một trong những cơ sở hệ thống giáo dục lớn và lâu đời tại Việt Nam, kể từ khi thành lập, Hệ thống Anh Văn Hội Việt Mỹ - VUS luôn đề cao trách nhiệm phụng sự cho cộng đồng. Bởi giáo dục chính là nền tảng của xã hội và những mầm non hôm nay chính là tương lai mai sau của đất nước. Thông qua sự kiện lần này, VUS mong muốn nuôi dưỡng tình yêu biển đảo và nâng cao ý thức về chủ quyền quốc gia cho các thế hệ tương lai của đất nước. Đồng thời, khuyến khích các em đề cao tinh thần học tập và không ngừng phát triển bản thân để khơi mở ra tương lai tươi sáng".

Tọa lạc tại số 56/2 tòa nhà Lotteria, Phạm Thái Bường, phường 4, TP Vĩnh Long, VUS Vĩnh Long là cơ sở thuộc hệ thống Anh ngữ chuẩn quốc tế NEAS với các chương trình học chất lượng cùng mức học phí cạnh tranh. VUS được các tổ chức quốc tế chứng nhận về chất lượng dịch vụ và đào tạo cũng như nhận được sự tin tưởng của 2,7 triệu gia đình Việt Nam trong gần 30 năm.

Tính đến tháng 4/2023, VUS đã có 177.258 học viên chinh phục các chứng chỉ Cambridge, IELTS, giữ kỷ lục "Hệ thống Anh ngữ có số lượng học viên đạt chứng chỉ Anh ngữ quốc tế nhiều nhất Việt Nam" được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận lần đầu tiên vào năm 2018.

Với sự kết hợp cùng các nhà xuất bản giáo dục quốc tế như Oxford University Press, Macmillan Education, National Geographic Learning, Cambridge University Press & Assessment… tại VUS Vĩnh Long, các phụ huynh và học viên sẽ dễ dàng tìm thấy một khóa học phù hợp theo bất kỳ độ tuổi nào, từ SmartKids (4-6 tuổi), SuperKids (6-11 tuổi), Young Leaders (11-15 tuổi), luyện thi IELTS, English Hub….

Bài văn kể lại hoạt động thể hiện tình yêu quê hương, đất nước - mẫu 3

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục về biển đảo của ngành giáo dục - đào tạo tỉnh Quảng Trị đã góp phần giáo dục tư tưởng, nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh (HS), phụ huynh trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tại Trường THPT thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, vấn đề biển đảo được nhà trường đưa vào lồng ghép với hoạt động ngoại khóa bằng những hình thức đa dạng để giúp HS dễ tiếp thu. Thông qua hoạt động ngoại khóa, nhà trường cung cấp cho HS những kiến thức cơ bản về biển đảo Việt Nam. Đồng thời, giáo dục cho các em ý thức bảo vệ môi trường, tài nguyên biển đảo; giáo dục về lòng yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Hoạt động ngoại khóa còn tạo ra sân chơi bổ ích, giúp HS hứng thú hơn trong quá trình học tập các bộ môn xã hội; qua đó rèn luyện cho các em những kỹ năng sống, ứng xử, trải nghiệm sáng tạo ngoài giờ học trên lớp.

Tôi đã có dịp dự buổi ngoại khóa của Trường THPT thị xã Quảng Trị, được tổ chức bằng hình thức diễn đàn "Tự hào biển đảo Việt Nam". Mở đầu diễn đàn là những tiết mục văn nghệ, các bài hát ngợi ca về biển đảo Việt Nam như "Mái đình làng biển", "Tôi yêu Việt Nam"... với những điệu nhảy trẻ trung, sôi động. Tiếp theo, HS trình bày tham luận về vị trí, tầm quan trọng của biển đảo và vai trò, trách nhiệm của thế hệ thanh niên trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thú vị nhất là vở kịch "Khi Tổ quốc cần", do chính các em diễn xuất. Vở kịch đưa ra những thông điệp cho thế hệ trẻ: "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên"; "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay".

Nói về các hoạt động ngoại khóa bổ ích của Trường THPT thị xã Quảng Trị, cô Nguyễn Thị Hoài Thanh, Bí thư Đoàn trường, chia sẻ: "Nhà trường đã tích hợp nội dung biển đảo vào chương trình học chính khóa các môn như địa lý, lịch sử, giáo dục công dân, quốc phòng. Bên cạnh đó là các hoạt động ngoại khóa "Tự hào biển đảo Việt Nam", cuộc thi "Rung chuông vàng" tìm hiểu về biển đảo quê hương; thi vẽ tranh về biển đảo quê hương đất nước... Các hoạt động này nhằm giáo dục cho các em tình yêu, trách nhiệm với quê hương đất nước nói chung và biển đảo Việt Nam nói riêng".

Không chỉ thực hiện các hoạt động ngoại khóa, vừa qua, Trường THPT thị xã Quảng Trị còn phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị tổ chức "Triển lãm số Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý". Triển lãm giúp HS có cái nhìn toàn diện hơn nữa về Hoàng Sa, Trường Sa và chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Trong nhà trường phổ thông, mỗi bài giảng về quê hương là chất keo gắn kết giữa HS với quê hương, Tổ quốc. Bởi lẽ, nguồn gốc của lòng yêu Tổ quốc bắt đầu từ tuổi thơ, yêu nơi chôn rau cắt rốn của mình. Trong tác phẩm "Thử lửa" viết vào năm 1942 - thời kỳ ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Liên Xô chống phát xít Đức (1941-1945), văn hào Nga Ilya Grigoryevich Ehrenburg đã bày tỏ: "Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc. Có thể nào quan niệm được sức mãnh liệt của tình yêu mà không đem nó vào lửa đạn gay go thử thách...".

Lịch sử xác lập chủ quyền biển đảo là một bộ phận của lịch sử dân tộc. Những chất liệu của lịch sử biển đảo Việt Nam sẽ giúp HS cảm thụ những bài học thêm sống động, cụ thể hơn, hiểu sâu sắc hơn về biển đảo quê hương mình, hun đúc thêm tình yêu quê hương đất nước. Từ đó, các em sẽ có ý thức, trách nhiệm bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Hoạt động ngoại khóa về biển đảo như cách làm của Trường THPT thị xã Quảng Trị mang lại hiệu quả tích cực trong giáo dục tình yêu quê hương, tình yêu biển đảo của đất nước cho HS, rất cần được nhân rộng. Bởi lẽ, đây là hoạt động có vai trò rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông mới, phù hợp với Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, với một trong những định hướng quan trọng: "Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc".

Việc nhà trường đưa vấn đề biển đảo Việt Nam vào giảng dạy chính khóa hay ngoại khóa như nêu trên là phù hợp với định hướng cũng như mục tiêu mà Nghị quyết 29 đã đề ra; không những giúp HS phát huy tính sáng tạo mà còn giúp các em nuôi dưỡng lòng yêu nước, ý thức hơn về chủ quyền, tình yêu biển đảo của Tổ quốc.

Bài văn kể lại hoạt động thể hiện tình yêu quê hương, đất nước - mẫu 4

Em sinh ra và lớn lên ở huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Huyện của em được biết đến với quần đảo Trường Sa - một trong hai quần đảo lớn của nước ta. Trên đảo, có các chiến sĩ hải quân ngày đêm canh gác, tuần tra để bảo vệ bình yên cho cuộc sống của người dân. Vì nghĩa vụ cao cả, các chiến sĩ không rời khỏi đảo, dù ở hoàn cảnh nào. Để thể hiện tình yêu thương và kính trọng, biết ơn đến các anh, xã em đã tổ chức hoạt động nấu bánh chưng để gửi tặng các chiến sĩ cùng ăn Tết.

Hoạt động nấu bánh chưng xanh là hoạt động thường niên, được thực hiện vào rằm tháng Chạp hàng năm của xã em. Hoạt động này được biết đến với tên gọi “Bánh chưng xanh - Tết an lành”. Ngoài bánh chưng, ban tổ chức còn chuẩn bị thêm các loại bánh, mứt, kẹo, hạt dưa… để gửi tặng cho các chiến sĩ hải quân. Hoạt động này nhằm thể hiện tình cảm của nhân dân dành cho các chiến sĩ, đồng thời giúp gắn kết, thắt chặt tình quân dân. Năm nay cũng vậy, từ đầu tháng Chạp, ban tổ chức hoạt động đã bắt đầu kêu gọi người dân trên địa bàn cùng quyên góp và lên kế hoạch mua sắm. Mục đích là để cho các phần quà được tươm tất, và gửi kịp chuyến tàu cuối cùng ra đảo trước Tết Nguyên Đán.

Sáng ngày diễn ra hoạt động gói bánh chưng xanh, em có mặt ở nhà văn hóa từ sớm. Ở đó đã trải sẵn khá nhiều chiếu, trên đó là các thùng gạo nếp, đậu xanh đã đãi sạch sẽ. Lá chuối, lá dong, dây lạt, thịt lợn cũng đã sẵn sàng. Các cô, các chú, các bác đều rửa tay sạch sẽ và ngồi vào chiếu sẵn sàng gói bánh. Không khí ở sân nhà văn hóa đông vui và rộn ràng lắm. Ai cũng vui vẻ và phấn khởi khi được tự tay mình gói bánh để gửi cho các chú bộ đội. Em được nhận nhiệm vụ dùng dây lạt buộc hai chiếc bánh chưng vào với nhau, tạo thành một cặp. Tuy chỉ là một việc nhỏ bé, nhưng em vẫn rất vui và hạnh phúc khi được góp sức của mình cho hoạt động ý nghĩa. Khi việc gói bánh sắp kết thúc, em liền chạy về phía các kệ bếp được dựng tạm thời ở góc sân nhà văn hóa để trông lửa. Việc trông lửa cho các nồi bánh là việc dành cho các bạn học sinh giống như em. Mỗi khi nước gần cạn, em sẽ đổ thêm nước vào. Việc luộc bánh diễn ra từ giữa sáng đến tối mịt mới dừng lại. Nhờ vậy, những chiếc bánh chưng đều dẻo bùi, thơm ngon vô cùng. Trong khi chúng em trông lửa nồi bánh, người lớn trên sân lại cùng nhau đóng các phần quà gửi cho các chú lính hải quân. Từ bánh kẹo mứt tết, đến xà phòng, bột giặt, mì tôm… Tất cả đều được sắp xếp gọn gàng vào từng thùng, và dán nhãn ghi số lượng các món đồ ở mặt ngoài. Những thùng quà ấy chứa đựng tình cảm yêu mến, kính trọng của người dân trên toàn xã dành cho người lính cụ Hồ. Khi trời gần tối, bánh được vớt ra khỏi nồi, cho vào từng mẹt tre để cho ráo nước. Sáng hôm sau, từ tờ mờ sáng, các bác đã đến nhà văn hóa, đóng bánh vào thùng để gửi đi cho kịp chuyến tàu.

Nhờ hoạt động gói bánh chưng này, mà em được thể hiện tình cảm của mình với các chú lính hải quân. Đồng thời, còn giúp các chú ấy cảm nhận được mùa xuân trên đất liền, vơi bớt đi nỗi nhớ nhà. Hoạt động này là vô cùng ý nghĩa và thiết thực trong việc khẳng định tình yêu quê hương, đất nước trong thời bình.

Bài văn kể lại hoạt động thể hiện tình yêu quê hương, đất nước - mẫu 5

Những hoạt động xã hội thường mang đến nhiều giá trị nhân văn tốt đẹp. Một trong những hoạt động xã hội mà tôi vẫn thường tham gia là ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra do trường học tổ chức.

Mỗi năm, miền Trung thường phải hứng chịu những cơn bão. Dù người dân đã có những biện pháp phòng chống như gia cố nhà cửa, cất trữ lương thực lên cao hay di tản khỏi vùng tâm bão. Nhưng sau mỗi cơn bão, hậu quả ngay ra cho con người vẫn rất nặng nề. Chính vì vậy, nhân dân khắp cả nước đã cùng hướng về miền Trung ruột thịt với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Trong đó, trường học của tôi đã phát động hoạt động: “Vì miền Trung ruột thịt”. Cuối tuần trước, cô tổng phụ trách đã tổ chức một buổi họp với cán bộ lớp. Với vai trò là lớp trưởng, tôi đã đến lắng nghe và ghi chép lại toàn bộ thông tin cần thiết. Sau đó, tôi đã phổ biến với các bạn trong lớp vào giờ sinh hoạt đầu tuần này. Hoạt động sẽ diễn ra trong một tuần, từ thứ hai đến thứ sáu tuần này. Chúng tôi có thể ủng hộ quần áo, thực phẩm, đồ dùng học tập hoặc một số tiền nhỏ... Các lớp trưởng sẽ tiến hành tổng hợp lại rồi đem nộp cho nhà trường vào thứ sáu. Sau đó, các thầy cô sẽ tổ chức một chuyến đi vào miền Trung để đem những món quà này cho người dân ở đó.

Khi nghe tôi phổ biến, các thành viên trong lớp đều rất hưởng ứng. Tôi đã xin mẹ một số tiền nhỏ để ra hiệu sách để mua một số đồ dùng học tập như bút bi, thước kẻ, hộp bút.... Trở về nhà, tôi còn lấy những cuốn sách giáo khoa của năm học trước vẫn còn mới và gói lại cẩn thận. Bố còn cho tôi hai trăm nghìn đồng để mang đến ủng hộ. Trong một tuần, các bạn trong lớp đã đem đến rất nhiều món đồ giá trị.

Sau một tuần nhận ủng hộ, chuyến xe nghĩa tình của trường đã xuất phát để đem vào những món quà cho người dân miền Trung, đặc biệt là các bạn học sinh. Tôi cảm thấy hoạt động này thật ý nghĩa. Tôi sẽ tích cực tham gia nhiều hoạt động như vậy hơn nữa.

Những việc làm tốt sẽ đem đến niềm vui cho con người. Chúng ta cần tích cực tham gia các hoạt động xã hội giàu ý nghĩa để biết lan tỏa yêu thương, nhận lại những điều tích cực cho bản thân.

Bài văn kể lại hoạt động thể hiện tình yêu quê hương, đất nước - mẫu 6

Em sinh ra là lớn lên ở một ngôi làng nhỏ ở dưới chân núi. Ở đây, đã nhiều đời nay người dân gắn bó với việc làm nón lá. Tuy nhiên, theo nhịp sống xô bồ của cuộc sống hiện đại, nghề làm nón truyền thống dần bị mai một. Để giúp bảo vệ và phát huy nghề truyền thống của địa phương, ủy ban nhân dân xã em đã tổ chức Ngày hội nón.

Ngày hội nón là một hoạt động được tổ chức vào tháng 10 hàng năm, với sự tham gia của các đội thi đến từ trên toàn xã. Ngày hội vừa tổ chức thi làm nón, vừa chia sẻ và quảng bá nón lá đến bạn bè khắp nơi. Từ đó giúp tôn vinh một nghề truyền thống lâu đời của người dân, và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nón lá, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Từ sáng sớm ngày diễn ra hoạt động, sân nhà văn hóa lớn nhất xã đã rất đông đúc người dân trên toàn xã đến xem. Trên khoảng sân rộng, trải sẵn sáu tấm chiếu với các dụng cụ để làm nón, chuẩn bị cho các đội thi trổ tài. Sau sân khấu, các thí sinh dự thi có cả các bác, các dì, và cả các anh chị trẻ tuổi đang dán số báo danh lên ngực. Đúng 8h, ban tổ chức ổn định người dân đến tham gia để chính thức bắt đầu hoạt động. Đầu tiên, trưởng ban tổ chức bước ra giữa sân khấu được dựng đơn giản trên sảnh trước nhà văn hóa, để chào tất cả mọi người. Sau đó, bác tuyên bố lý do, mục đích của hoạt động Ngày hội nón, cùng các hoạt động sẽ diễn ra trong ngày hôm nay.

Theo đó, ngay sau khi bài phát biểu của trưởng ban tổ chức kết thúc, ngày hội chính thức bắt đầu. Phần đầu tiên chính là cuộc thi làm nón. Các dụng cụ đã có sẵn trên sân, các đội thi chỉ cần bắt tay vào làm. Mỗi đội gồm ba thành viên, phối hợp với nhau rất nhịp nhàng để làm nên một chiếc nón lá. Các người thợ rất nhanh nhẹn, bàn tay cứ thoăn thoắt, thoăn thoắt như bàn tay rô-bốt đã được lập trình sẵn. Khi tiếng còi trọng tài vang lên, tất cả các đội thi cũng kịp hoàn thành sản phẩm. Người chấm chất lượng nón lá được tạo ra, chính là các cụ già có kinh nghiệm làm nón vài chục năm trời ở trong xã. Tuy nhiên, điểm số này chưa phải là kết quả cuối cùng, mà được giữ bí mật đến phút cuối. Bởi vì tiếp theo, là phần thuyết trình ngắn gọn của mỗi đội về vẻ đẹp, công dụng và ý nghĩa của chiếc nón lá đối với cuộc sống hiện đại ngày nay. Mỗi đội sẽ có 5 phút để trình bày bài thi của mình. Phần thi này sẽ do chính bà con làng xóm đang có mặt ở hội trường chấm điểm, dựa vào hình thức bỏ phiếu. Cuối cùng, dựa vào tổng điểm của hai đội thi, ban giáo khảo sẽ chọn ra đội thắng cuộc. Với phần thưởng là một chiếc cúp có hình nón lá rất tinh xảo.

Kết thúc phần thi và trao giải, là những giờ phút giải lao với các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn. Đó là những bài hát dân ca quan họ, bài hát hiện đại, bài múa truyền thống… Mỗi tiết mục sẽ có cái hay, cái hấp dẫn riêng. Nhưng điểm chung, là tiết mục nào cũng sử dụng nón lá để làm đạo cụ. Từ đó khẳng định với người tham gia ngày hội vẻ đẹp và tính ứng dụng cao của nón lá. Cuối cùng, là phần quan trọng nhất của ngày hội. Đó chính là phần “chợ”. Toàn bộ sân nhà văn hóa, được dựng nên các gian hàng bày bán các chiếc nón lá với nhiều kích thước, họa tiết trang trí khác nhau. Người đến tham gia ngày hội sẽ được đội thử, ướm thử và chọn lựa chiếc nón yêu thích để sử dụng, hoặc làm quà tặng cho bạn bè, người thân. Người đến, người đi vô cùng tấp nập, đông đúc. Em cũng đã được mẹ mua cho một chiếc nón nhỏ, có thêu hình ảnh một cô gái mặc áo dài màu tím rất đẹp. Cầm chiếc nón trên tay, em rất tự hào về tay nghề của những người thợ làm nón quê hương mình.

Chương trình “Ngày hội nón” là một chương trình ý nghĩa và có giá trị thiết thực trong việc bảo tồn và phát huy một nét truyền thống của địa phương. Em mong rằng, sẽ có thêm nhiều hoạt động như thế này được tổ chức, để nghề làm nón quê em ngày càng được nhiều người biết đến hơn. Và những chiếc nón lá sẽ được yêu quý và sử dụng rộng rãi hơn trong cuộc sống hiện đại.

1 866 16/09/2024