TOP 10 mẫu Trình bày nội dung chính của buổi thảo luận về một vấn đề lịch sử, xã hội (2024) SIÊU HAY

Trình bày nội dung chính của buổi thảo luận về một vấn đề lịch sử, xã hội lớp 8 gồm 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 8 hay hơn.

1 584 16/09/2024


Trình bày nội dung chính của buổi thảo luận về một vấn đề lịch sử, xã hội

Đề bài: Em được thay mặt lớp tham gia trao đổi, thảo luận về một vấn đề lịch sử, xã hội (ví dụ: ý nghĩa của việc hiểu biết tri thức lịch sử, địa lí địa phương; cách bồi dưỡng tình yêu lịch sử và truyền thống dân tộc; cách ứng xử với những công trình văn hoá, lịch sử,...); sau đó, trình bày nội dung chính của buổi thảo luận cho cả lớp nghe.

Trình bày nội dung chính của buổi thảo luận về một vấn đề lịch sử, xã hội (mẫu 1)

TOP 10 mẫu Trình bày nội dung chính của buổi thảo luận về một vấn đề lịch sử, xã hội (2023) SIÊU HAY (ảnh 1)

Nhà văn khoa học viễn tưởng Mỹ Heinlein đã từng nói: “Một thế hệ ngoảnh mặt với lịch sử là một thế hệ không có quá khứ - và cũng không có tương lai”. Mỗi quốc gia, dân tộc đều được tạo dựng bởi những trang sử làm nên giá trị riêng biệt, điều mà thế hệ sau chúng ta nên làm là phải biết trân trọng những giá trị lịch sử đó. Giá trị lịch sử là cội nguồn của dân tộc, là những yếu tố hình thành nên nền văn hóa, truyền thống do thế hệ đi trước gây dựng, giữ gìn, lưu truyền và được kế thừa, phát huy. Trân trọng những giá trị lịch sử chính là những hành động để bày tỏ sự biết ơn, tri ân sâu sắc đến thế hệ đi trước - những người đã đem công sức, mồ hôi, xương máu để kiến tạo, gìn giữ và lưu truyền đến đời sau. 78 năm qua, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, chiến đấu với thế lực xâm lăng, thiên tai, bệnh dịch hay những thử thách trên mặt trận kinh tế, đất nước ta cũng không nhụt chí, không đầu hàng để rồi ngày hôm nay hai chữ Việt Nam càng thêm vững vàng trên bản đồ thế giới. Chúng ta - những người trẻ tuổi sinh ra trong thời bình, càng phải biết nhận thức, tự hào sâu sắc về những trang sử vẻ vang ấy. Mỗi cá nhân có ý thức trân trọng lịch sử sẽ tạo nên khối đại đoàn kết dân tộc, tạo thành sức mạnh nội tại để chống lại những âm mưu thù địch, những căn “bệnh dịch” ngoại lai, nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Đồng thời, có ý thức trân trọng, con người sẽ nhận thức được trách nhiệm của bản thân với những giá trị lịch sử của dân tộc, biết suy nghĩ và hành động đúng đắn để góp phần công sức riêng vào sự nghiệp chung của Tổ quốc. Bằng tấm lòng yêu thương, trân trọng, dự án phi lợi nhuận Việt Sử kiêu hùng với sứ mệnh kết nối những giá trị lịch sử của dân tộc với thế hệ người trẻ Việt đã được ra đời vào tháng 6/2017 và gây quỹ thành công hơn 3 tỷ đồng, có được sự đón nhận từ hàng triệu khán giả và là dự án có ảnh hưởng tích cực nhất được trao giải tại Wechoice Award 2020. Đó không còn là dự án của một vài cá nhân mà tồn tại bởi sức mạnh cộng đồng, với khát khao tìm lại và lưu giữ những giá trị lịch sử của cha ông, đóng góp một phần sức mình cho những điều tốt đẹp. Những hành động thiết thực đó là minh chứng rõ nét cho một thế hệ người Việt không bao giờ “ngoảnh mặt” với lịch sử dân tộc. Ở đâu đó vẫn còn những người con sinh ra trên đất Việt nhưng vô tình quay lưng với lịch sử dân tộc, nhưng Tổ quốc Việt Nam, nhân dân Việt Nam với những trái tim bao dung sẽ luôn dang rộng vòng tay, sẵn sàng đón nhận những người biết quay đầu trở lại, biết yêu đời, yêu người, yêu lịch sử của nước nhà.

Trình bày nội dung chính của buổi thảo luận về một vấn đề lịch sử, xã hội (mẫu 2)

Trao đổi, thảo luận về một vấn đề lịch sử, xã hội: Ý nghĩa của việc trân trọng các giá trị lịch sử

- Giải thích: giá trị lịch sử là cội nguồn của dân tộc, là những yếu tố hình thành nên nền văn hóa, truyền thống do thế hệ đi trước gây dựng, giữ gìn, lưu truyền và được kế thừa, phát huy.

=> Giá trị lịch sử làm nên giá trị riêng của mỗi đất nước, dân tộc.

- Trân trọng giá trị lịch sử là thái độ, hành vi của con người đối với những truyền thống, văn hóa lịch sử của dân tộc: học hỏi, giữ gìn, bảo vệ, kế thừa, phát huy,...

- Ý nghĩa của việc trân trọng những giá trị lịch sử trong đời sống dân tộc:

+ Thể hiện sự biết ơn với công lao của bao thế hệ đi trước đã gây dựng.

+ Là sức mạnh nội tại để cá nhân và cộng đồng chung tay, góp phần đẩy lùi sự “xói mòn” về văn hóa, tư tưởng trong thời điểm giao lưu văn hóa toàn cầu.

+ Giúp con người chủ động tìm hiểu, từ đó có nhận thức sâu rộng hơn về cội nguồn, quê hương, đất nước.

=> Có ý thức, trách nhiệm về vai trò của bản thân.

+ Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của dân tộc.

Trình bày nội dung chính của buổi thảo luận về một vấn đề lịch sử, xã hội (mẫu 3)

Trong giai đoạn hiện nay, giáo dục lòng yêu nước cho học sinh, thế hệ đang lớn lên nhằm có nhận thức, thái độ và hành động đúng đắn, lòng tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc; khát vọng, hoài bão, ý chí thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đây là một nội dung quan trọng trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Người, mục tiêu của học tập là học để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, muốn làm được điều đó thì trước hết thì phải có lòng yêu nước và ý thức dân tộc ngay từ lứa tuổi thiếu niên nhi đồng. Điều này thể hiện trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng, mà điều đầu tiên chính là yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

Yêu nước, một trong những giá trị cốt lõi được đưa vào Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) bên cạnh nhân ái, trung thực, chăm chỉ, trách nhiệm để giáo dục rèn luyện cho học sinh hiện nay trong nhà trường.

Như vậy, giáo dục lòng yêu nước là quá trình chuyển hóa từ lòng yêu nước dân tộc thành lòng yêu nước cá nhân. Đây là quá trình phát triển lòng yêu nước của cá nhân, giúp họ có nhận thức và hành động đúng đắn trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Có thể thấy giáo dục học sinh về lòng yêu nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập phải gắn liền với tinh thần dân tộc, tình cảm dân tộc, tình yêu gia đình, yêu quý và bảo vệ môi trường. Cần gắn chủ nghĩa yêu nước với tình yêu con người, truyền thống văn hoá dân tộc, truyền thống cách mạng của Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại. Cùng với ý chí quyết tâm xây dựng con người Việt Nam, phát triển toàn diện, trưởng thành mọi mặt, xứng đáng là nguồn nhân lực chất lượng cao của công cuộc đổi mới đất nước, làm chủ quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và tham gia tích cực, có hiệu quả hội nhập quốc tế.

Giáo dục góp phần to lớn vào việc “Nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài để hình thành đội ngũ công nhân lành nghề, có năng lực hành nghề, tự lực tự cường, năng động và sáng tạo, có đạo đức cách mạng, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội”.

Luật Giáo dục khẳng định: Mục tiêu giáo dục là phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mĩ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế (Điều 2 Luật Giáo dục).

Có thể nói, sự nhất quán trong quan điểm giáo dục của Đảng và Nhà nước là luôn coi trọng giáo dục lý tưởng đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tình yêu gia đình, tình yêu quê hương đất nước. Trong trường học, lịch sử là môn học chiếm ưu thế trong việc thực hiện các mục tiêu giáo dục lòng yêu nước.

Giáo dục lòng yêu nước phải bắt nguồn từ tình cảm yêu gia đình, ông bà, cha mẹ, truyền thống anh dũng, bất khuất của dân tộc, tự hào với quá khứ hào hùng của dân tộc.

Ưu thế trong dạy học môn Lịch sử là có thể dễ dàng tiếp cận và giáo dục lòng yêu nước cho học sinh. Đặc điểm nổi bật của môn Lịch sử là nhằm dựng lại một bức tranh toàn cảnh về quá khứ một cách sống động, khách quan, về truyền thống đấu tranh bất khuất trong dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam anh hùng. Mỗi bài học lịch sử có thể gợi lên những thăng trầm của Tổ quốc, gợi lên tiếng gươm khua, ngựa hí, rợp bóng cờ chiến thắng thấm đẫm những giọt nước mắt đắng cay. “Lịch sử không chỉ giáo dục cho học sinh tình cảm yêu ghét trong đấu tranh giai cấp mà còn bồi dưỡng cho các em năng lực đối xử với mọi người xung quanh, biết yêu quý cái đẹp, yêu lao động, sự căm thù quân cướp nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khơi dậy ở học sinh sự thông cảm sâu sắc và lòng kính yêu đối với quần chúng nhân dân”.

Môn Lịch sử và Địa lí ở tiểu học nói chung và phân môn Lịch sử nói riêng cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về một số sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử tiêu biểu theo dòng thời gian lịch sử của Việt Nam. Từ đó, khơi dậy lòng yêu nước, hình thành thái độ đúng đắn với bản thân, gia đình, cộng đồng, kích thích sự ham hiểu biết khoa học của học sinh, phát huy mọi khả năng xây dựng một tương lai xứng đáng với lịch sử dân tộc.

Đối với nhà trường tiểu học hiện nay, thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần quan trọng vào việc hoàn thành mục tiêu đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa, có lòng yêu nước và tinh thần quốc tế. Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Triết học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, hiện nay, ở tầm vĩ mô, Việt Nam đang thiếu một chiến lược giáo dục ý thức dân tộc; ở tầm vi mô, chúng ta đang thiếu chương trình, giáo trình, công cụ, phương pháp và đội ngũ nhà giáo - những người trực tiếp truyền lửa, giáo dục lòng yêu nước và ý thức dân tộc cho thế hệ trẻ. Khách quan mà nói, tuy chưa có chiến lược giáo dục ý thức dân tộc, song ý thức dân tộc và tinh thần yêu nước vẫn được giảng dạy thường xuyên trong môi trường giáo dục, nhất là thông qua lồng ghép trong các môn học. Cũng theo ông, giáo dục ý thức dân tộc không chỉ dừng lại ở sách vở, mà phải thật sự đi vào chiều sâu, tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức, tình cảm và hành vi của thanh, thiếu niên. Điều đó có nghĩa, tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước phải luôn hiện hữu trong tâm trí và trái tim thế hệ trẻ Việt Nam, sẵn sàng chuyển hóa thành những hành động cụ thể và thiết thực.

Tóm lại: Giáo dục lòng yêu nước, giáo dục lòng tự hào dân tộc cho học sinh thông qua dạy học Lịch sử là một bộ phận của giáo dục toàn diện giúp cho các em hiểu biết được nội dung, ý nghĩa của lòng yêu nước, lòng tự hào của dân tộc mình qua môn học Lịch sử. Giáo dục ý thức của các em đối với Tổ quốc nhằm nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của các em với lòng yêu nước, tự hào về dân tộc mình, từ đó giúp các em bồi đắp tình cảm lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh, tôn trọng, yêu quý học tập và phấn đấu rèn luyện bản thân mình trở thành con ngoan, trò giỏi, bạn tốt, đội viên tốt, người công dân tương lai của đất nước, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh.

Trình bày nội dung chính của buổi thảo luận về một vấn đề lịch sử, xã hội (mẫu 4)

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra vô cùng cam go, ác liệt. Những chiến dịch của quân và dân ta đã phải chịu nhiều hy sinh, mất mát. Nhưng cũng từ đó, mà đất nước ta đã giành lại được độc lập, tự do. Điều đó có được phải kể đến chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy.

Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:

“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”

Từ đó, chúng ta mới thấy được ý nghĩa của chiến dịch này. Trước hết, chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954. Ba đợt tiến công diễn ra trong năm mươi sáu ngày đêm. Đợt 1 (từ 13 đến 17 tháng 3), chúng ta tiêu diệt được hai cứ điểm quan trọng là Him Lam và Độc Lập, mở toang cánh cửa phía Bắc và Đông Bắc cho quân ta tiến xuống lòng chảo và khu trung tâm. Đợt 2 (từ 30 tháng 3 đến 30 tháng 4), ta đã kiểm soát các điểm cao, khu trung tâm Điện Biên Phủ nằm trong tầm bắn các loại sống của ta. Còn quân địch rơi vào thể bị động mất tinh thần cao độ. Đợt 3 (từ 1 đến 7 tháng 5), quân ta tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đến ngày 7 tháng 5 năm 1954, chiến dịch toàn thắng.

Chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa vô cùng to lớn. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã chấm dứt chín năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ của nhân dân Việt Nam. Từ đó, thực dân Pháp buộc phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (7/1954) về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại các nước Đông Dương. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thể hiện niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và cổ vũ toàn Đảng, toàn dân một lòng chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Đồng thời, chiến thắng này cũng cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các nước ở châu Á, châu Phi và Mĩ La-tinh.

Có thể khẳng định rằng, chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.

Trình bày nội dung chính của buổi thảo luận về một vấn đề lịch sử, xã hội (mẫu 5)

Một trong những sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn với thế giới là Cách mạng tháng Mười Nga (1917).

Cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai năm 1917 đã lật đổ chế độ Nga hoàng, nhưng cục diện chính trị ở nước Nga đang tồn tại hai chính quyền song song là Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản và Xô viết đại biểu công nhân, nông dân và binh lính. Trước hoàn cảnh đó, Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích đã chuẩn bị kế hoạch tiếp tục làm cách mạng, dùng bạo lực lật đổ Chính phủ lâm thời, chấm dứt tình trạng hai chính quyền song song tồn tại.

Đầu tháng mười, không khí cách mạng đã sục sôi trên khắp cả nước. Ngày 7 tháng 10 (20-10), Lê-nin bí mật rời Phần Lan về Pê-tơ-rô-grát, trực tiếp chỉ đạo công việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Nhiều đội Cận vệ đỏ được thành lập. Kế hoạch khởi nghĩa được vạch ra cụ thể, chu đáo và được quyết định hết sức nhanh chóng. Đêm 24 tháng 10 (6 - 11), Lê-nin đến điện Xmô-nưi trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa. Ngay đêm đó, quân khởi nghĩa đã chiếm được toàn bộ Pê-tơ-rô-grát và bao vây Cung điện Mùa Đông, nơi ẩn náu cuối cùng của Chính phủ tư sản. Đến đêm 25 tháng 10 (7 -11), Cung điện Mùa Đông bị chiếm, các bộ trưởng của Chính phủ bị bắt, Chính phủ lâm thời tư sản sụp đổ hoàn toàn. Tiếp đó, khởi nghĩa giành thắng lợi ở Mát-xcơ-va. Đầu năm 1918, Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười đã giành được thắng lợi hoàn toàn trên đất nước Nga rộng lớn.

Cuộc Cách mạng tháng Mười Nga có ý nghĩa lịch sử không chỉ với nước Nga mà còn đối với toàn thế giới. Đối với nước Nga, thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga đã làm thay đổi hoàn toàn vận mệnh đất nước và số phận của những người dân Nga. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân lao động được nắm chính quyền, xây dựng chế đội mới. Một kỉ nguyên mới mở ra trên khắp đất nước: giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc được giải phóng khỏi mọi áp bức bóc lột, đứng lên làm chủ đất nước và vận mệnh của mình. Không chỉ vậy, cuộc Cách mạng tháng Mười Nga có có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với phong trào cách mạng trên thế giới. Cuộc Cách mạng đã để lại nhiều bài học quý giá cho cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp vô sản, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức. Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng đã tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào cộng sản và phong trào công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Tóm lại, cuộc Cách mạng tháng Mười Nga đã đem đến nhiều ý nghĩa to lớn cho nước Nga và thế giới.

Trình bày nội dung chính của buổi thảo luận về một vấn đề lịch sử, xã hội (mẫu 6)

Dân tộc Việt Nam đã phải trải qua hơn một nghìn năm Bắc thuộc. Nhưng ở bất cứ triều đại nào cũng có những con người đứng lên lãnh đạo nhân dân chống lại kẻ thù xâm lược. Một trong số đó phải kể sự kiện vua Quang Trung đại phá hai mươi vạn quân Thanh.

Năm 1788, Lê Chiêu Thống đã nhu nhược cho người sang cầu cứu nhà Thanh (Trung Quốc) với mưu đồ tiêu diệt quân Tây Sơn. Lợi dụng cơ hội này, Tôn Sĩ Nghị dẫn hơn hai mươi vạn quân Thanh ồ ạt tràn qua biên giới nước ta, tiến công vào thành Thăng Long. Chúng đã gây ra biết bao tội ác với nhân dân ta. Tháng 11, năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung, chỉ huy quân tiến ra Bắc, liên tục tuyển thêm quân. Vua Quang Trung chia quân làm năm đạo tiến ra Bắc Hà, đạo chủ lực do Quang Trung chỉ hủy tiến thẳng vào Thăng Long. Chỉ trong vỏn vẹn mười ngày từ tối 30 đến mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), nghĩa quân của Quang Trung đã chiến đấu và chiến thắng hơn hai mươi vạn quân Thanh. Đầu tiên, nghĩa quân tấn công nghĩa binh trấn thủ ở sông Gián, bắt sống không để sót một tên, ngăn cản chúng báo tin cho quân đội ở hai đồn Hà Hồi và Ngọc Hồi. Đến nửa đêm ngày mùng 3, vua Quang Trung dẫn binh lính tiến đánh và giành được Hà Hồi, tịch thu hết lương thực và vũ khí của kẻ thù. Đến ngày mùng 5 thì quân ta giành được đồn Ngọc Hồi. Chủ tướng giặc là Tôn Sĩ Nghị trước đó nghe tin cấp báo đã chạy trốn. Vua Lê Chiêu Thống ở trong cung nghe tin cũng tìm cách thoát chạy trong tình cảnh hết sức thảm hại. Nghĩa quân của ta đã dẹp tan quân Thanh, giành lại được kinh thành Thăng Long.

Chiến thắng của nghĩa quân Tây Sơn đã phá tan âm mưu xâm lược quân Thanh. Đồng thời, giành lại nền độc lập và tự do cho dân tộc. Từ nay, nhân dân có thể được hưởng một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc. Thắng lợi này góp phần thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ đất nước của nhân dân ta.

Như vậy, sự kiện trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đất nước ta. Từ đó, chúng ta cần phải ghi nhớ công ơn của các vị anh hùng dân tộc đã có công bảo vệ đất nước.

Trình bày nội dung chính của buổi thảo luận về một vấn đề lịch sử, xã hội (mẫu 7)

Một trong những sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại với đất nước Việt Nam là ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Nhưng để có được bản Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chủ tịch đã có một thời gian chuẩn bị khá dài. Ngày 4 tháng 5 năm 1945, Hồ Chí Minh rời Pác Bó về Tân Trào. Ngày 22 tháng 8, Bác rời Tân Trào về Hà Nội. Tối ngày 25 tháng 8, Người vào nội thành ở tầng 2 nhà 48 Hàng Ngang. Sáng ngày 26 tháng 8, Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng. Đến ngày 27 tháng 8, Người tiếp các bộ trưởng mới tham gia Chính phủ. Ngày 28 và 29, buổi sáng, Bác làm việc ở 12 Ngô Quyền, soạn Tuyên ngôn Độc lập; buổi tối, tại 48 Hàng Ngang, Bác tự đánh máy Tuyên ngôn độc lập. Ngày 30 tháng 8, Bác mời một số đồng chí đến để trao đổi ý kiến. Đúng 14 giờ ngày 2 tháng 9, Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ở quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sự kiện lịch sử trên đã đem đến một ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn. Nó có ý nghĩa trọng đại với toàn thể nhân dân Việt Nam. Bản Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử đánh dấu chấm hết cho chính quyền cai trị của thực dân Pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời khẳng định Việt Nam đã là một quốc gia độc lập, có chủ quyền lãnh thổ và quyền tự quyết. Toàn thể nhân dân Việt Nam có quyền tự do dân chủ. Đây là những quyền được luật pháp quốc tế công nhận.

Như vậy, sự kiện trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Trình bày nội dung chính của buổi thảo luận về một vấn đề lịch sử, xã hội (mẫu 8)

Dân tộc Việt Nam đã trải qua những năm tháng dưới sự cai trị của thực dân Pháp. Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 diễn ra dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã giành lại nền độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

Diễn biến chính của cuộc Tổng khởi nghĩa: Ngày 9 tháng 3 năm 1945, trong đêm Nhật - Pháp bắn nhau, Hội nghị Thường vụ mở rộng dưới sự chỉ đạo của Tổng bí thư Trường Chinh. Đến ngày 12 tháng 3 năm 1945, Ban thường vụ trung ương Đảng đã họp hội nghị mở rộng, ra Chỉ thị nêu rõ “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 năm 1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ra Quân lệnh số 1. Ngày 16 tháng 8 năm 1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa. Đến chiều cùng ngày, một đơn vị Quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy từ Tân Trào tiến về giải phóng Thái Nguyên, mở đầu cho Cách mạng tháng Tám. Ngày 17 tháng 8 năm 1945, Ủy ban giải phóng dân tộc ra mắt quốc dân và làm lễ tuyên thệ trước sân đình Tân Trào. Vào ngày 18 tháng 8 năm 1845, nhân dân bốn tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 19 tháng 8 năm 1945, cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi tại thủ đô Hà Nội. Từ ngày 20 tháng 8, cuộc tổng khởi nghĩa lan rộng ra trên khắp các tỉnh thành phố. Ngày 30 tháng 8 năm 1945, Hoàng đế Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn thoái vị. Cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám toàn thắng. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử của dân tộc. Mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỉ nguyên của độc lập, tự do, nhân dân lao động lên nắm chính quyền, làm chủ đất nước… Từ đây, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành Đảng cầm quyền, chuẩn bị điều kiện cho những thắng lợi tiếp theo. Đồng thời, thắng lợi trên đã góp phần tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, cũng như cổ vũ tinh thần đấu tranh của các nước thuộc địa.

Với sự thành công cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do.

Trình bày nội dung chính của buổi thảo luận về một vấn đề lịch sử, xã hội (mẫu 9)

Năm 1945, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa để phá bỏ xiềng xích nô lệ hơn tám mươi năm dưới ách thống trị của thực dân Pháp, mở ra một bước ngoặt mới cho đất nước Việt Nam.

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, trong đêm Nhật - Pháp bắn nhau, Hội nghị Thường vụ mở rộng dưới sự chỉ đạo của Tổng bí thư Trường Chinh. Đến ngày 12 tháng 3 năm 1945, Ban thường vụ trung ương Đảng đã họp hội nghị mở rộng, ra Chỉ thị nêu rõ “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.

Từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 năm 1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ra Quân lệnh số 1. Ngày 16 tháng 8 năm 1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa. Đến chiều cùng ngày, một đơn vị Quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy từ Tân Trào tiến về giải phóng Thái Nguyên, mở đầu cho Cách mạng tháng Tám.

Ngày 17 tháng 8 năm 1945, Ủy ban giải phóng dân tộc ra mắt quốc dân và làm lễ tuyên thệ trước sân đình Tân Trào. Vào ngày 18 tháng 8 năm 1845, nhân dân bốn tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 19 tháng 8 năm 1945, cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi tại thủ đô Hà Nội. Từ ngày 20 tháng 8, cuộc tổng khởi nghĩa lan rộng ra trên khắp các tỉnh thành phố.

Ngày 30 tháng 8 năm 1945, Hoàng đế Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn thoái vị. Cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám toàn thắng. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa đã mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỉ nguyên của độc lập, tự do, nhân dân lao động lên nắm chính quyền, làm chủ đất nước. Từ đây, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành Đảng cầm quyền, chuẩn bị điều kiện cho những thắng lợi tiếp theo. Đồng thời, thắng lợi trên đã góp phần tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, cũng như cổ vũ tinh thần đấu tranh của các nước thuộc địa.

Tóm lại, cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám đã có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với đất nước và nhân dân ta.

Trình bày nội dung chính của buổi thảo luận về một vấn đề lịch sử, xã hội (mẫu 10)

Một dân tộc sẽ là con số 0 nếu mất đi lịch sử của mình. Chính lịch sử mang trong nó vận mệnh lớn lao, những chất chứa cả mấy nghìn năm để làm điểm tựa cho dân tộc ta vững bước đi tới tương lai. Môn học lịch sử không chỉ dạy sự kiện, đó là môn khoa học nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Tìm về lịch sử, chúng ta gặp lại tổ tiên ta, những con người anh hùng “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” đã gìn giữ, xây dựng Tổ quốc, từ đó, thấy mình cần làm những việc xứng đáng với tiền nhân.

Lịch sử bản thân nó đã là một môn học hay và hấp dẫn. Vì trong đó có ân oán tình thù, có mưa rơi máu chảy, có âm mưu tranh đoạt, có chiến tranh vệ quốc... Tất cả cùng nhau hòa quyện, vừa khoa học vừa ly kỳ như một bộ phim làm cho người ta thích. Nhưng chúng ta đối xử thế nào để khiến cho học sinh Việt Nam lại không thích bộ phim ấy? Phải chăng khi ép các em phải “học thuộc” các sự kiện biên niên dẫn đến tâm lý “sợ” học lịch sử như một môn học khô khan và “hãi hùng”.

Quan điểm cần thay đổi rõ ràng nhất: lịch sử không đơn thuần là một môn học, càng không nên là một môn học thuộc lòng, phải hiểu lịch sử là một giá trị quý báu của dân tộc để kể, để trao truyền, dặn dò thì ta sẽ nghiêm túc với lịch sử. Người làm giáo dục cần thoát ra khỏi suy nghĩ “Môn lịch sử”, để bước cao lên mà dạy cho các em biết về “Giá trị lịch sử”, thì đấy là lúc học sinh mới tìm về được cái chân chính của hai chữ Lịch sử.

Chúng ta đang thiếu sự liên kết của lịch sử với cuộc sống, cần đưa lịch sử vào cuộc sống để gạt đi nỗi thờ ơ của học sinh. Tại sao không phải Hai Bà Trưng, Bà Triệu hay Mai Thúc Loan, mà chính Ngô Quyền mới là người chấm dứt một nghìn năm Bắc Thuộc? Đơn giản là vì những vị anh hùng khác không có được nền tảng chính trị như Ngô Quyền. Cần làm cho học sinh hiểu rõ, trước khi giành chiến thắng trận tiền ở sông Bạch Đằng, chấm dứt một nghìn năm Bắc thuộc, Ngô Quyền đã được dòng họ Khúc mà cụ thể là Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo… đặt nền móng tự chủ như thế nào? Mở rộng ra, bài học ấy có thể làm những “chỉ dẫn” cho học tập và cuộc sống. Giả dụ như học dở Toán, Lý, Hóa, nếu mất gốc thì phải học lại từ căn bản. Trong cuộc sống, muốn cất cánh bay cao, trước tiên phải biết cội nguồn, gốc rễ, nền tảng của mình từ đâu, lợi thế, điểm tựa của mình là gì... Câu chuyện về khởi nghĩa Lam Sơn cũng là một bài học quý. Lê Lợi khi dựng cờ khởi nghĩa ở Thanh Hóa thường tiến lên phía trước để sớm đến Thăng Long. Kết quả, ngài thất bại liên tục. Nhưng sau nghe lời Nguyễn Chích, lùi lại về Nghệ An, thế là lật ngược thế cờ, mở ra các chiến thắng cho đến ngày độc lập. Bài học được đưa ra là “Lùi một bước biển rộng trời cao”. Sống trên đời cũng vậy, biết lùi đôi khi tốt hơn nhiều, lùi để tiến lại mạnh hơn.

Nếu chúng ta dạy như thế, mỗi câu chuyện lịch sử là một bài học cho cuộc sống thì thử hỏi học sinh sao không yêu lịch sử?

Có một lối dạy và học cũ. Đó là giáo viên dạy lịch sử nói “Các em, lật vở ra, kiểm tra bài cũ”. Học sinh học thuộc trong trí nhớ ngắn hạn, trả bài và sau đó là quên. Các đề thi, các bài kiểm tra luôn là kể diễn biến, kết quả, ý nghĩa của một trận đánh. Đấy chính là cái sai lầm lớn nhất trong việc dạy sử ở trường học.

Tất cả học sinh phổ thông ở ta đều thiếu một điều rất quan trọng: tư duy lịch sử. Giáo dục lịch sử không nên quên rằng trong lịch sử có đầy đủ phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu khoa học và các loại hình tư duy: tổng hợp, phân tích, tranh luận và phản biện. Đề thi lịch sử của Vương Quốc Anh có câu sau: “Nếu bạn là Napoleon, bạn sẽ làm gì để không thua trận Waterloo?”. Còn chúng ta có thể sẽ là câu hỏi? “Trận Waterloo, công tước Wellington đã loại khỏi vòng chiến mấy nghìn quân Pháp?” Thay vì yêu cầu học sinh thống kê thành tích của một vị tướng, nếu ta hỏi: “Theo em, 10 vị tướng tài năng nhất của nhân loại là những ai?” thì chắc chắn học sinh sẽ thích thú tìm câu trả lời hơn.

Quá thiếu câu chuyện trong giảng dạy cũng là một vấn đề trong giáo dục lịch sử hiện nay. Trong khi chính các câu chuyện mới là điều khiến học sinh yêu thích môn lịch sử. Hãy kể các câu chuyện và tạo ra hứng thú cho học sinh, hơn là đi thống kê các báo cáo về quân số thiệt hại. Xin dẫn lại làm ví dụ một câu chuyện lịch sử như sau: “Năm 1442, vua Lê Thái Tông băng hà trong vụ án Lệ Chi Viên. Nguyễn Trãi và gia tộc bị “tru di tam tộc”. Trước khi mất, Lê Thái Tông sinh ra 4 người con, đấy là Nghi Dân, Bang Cơ, Khắc Xương và Tư Thành. Khi 4 người con ấy đi vào cuộc tranh thiên hạ, đã tạo nên cuộc giành ngôi vương thảm khốc nhất lịch sử phong kiến Việt Nam: Bang Cơ lên ngôi, Nghi Dân giết, Tư Thành lên ngôi, Khắc Xương tự sát. Đó là câu chuyện về “Tứ vương đoạt đích” của Việt Nam”. Đọc lên những dòng ấy, có phải chúng ta “gai cả người” lên? Nhưng có mấy ai dành thời gian kể cho các em nghe các chuyện này? Dù cho chính các câu chuyện như thế mới là con đường dẫn các em tới say mê, chứ không phải là bắt các em lên kiểm tra bài cũ và kể ra ngày sinh tháng đẻ của Lê Thái Tông hay Lê Thánh Tông? Lịch sử là câu chuyện, không phải là con số thống kê. Chúng ta đang dạy sử theo cách bắt con em học thuộc sử như học công thức vật lý. Điều này không khác gì chuyện bạn đi học thuộc công thức tính động năng dài tới 4 hàng cả.

Trong bối cảnh internet, mạng xã hội phát triển như hiện nay, người trẻ càng có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận với thông tin, nguồn dữ liệu về mọi khoa học, trong đó có lịch sử. Và đó cũng là cơ hội để sử học đến với công chúng nói chung, người trẻ nói riêng bằng nhiều con đường, nhiều kênh khác nhau. Nhiều trang Fanpage đã được lập ra thu hút hàng nghìn thành viên với những mục đích tích cực, lan tỏa tình yêu với lịch sử, truyền thụ kiến thức lịch sử. Những người yêu thích tìm hiểu văn hóa truyền thống Đại Việt có thể tham gia trang Đại Việt Cổ Phong hoặc Hoa Văn Đại Việt, thích các bộ phim diễn họa lịch sử thì không thể không đến với Việt Sử Kiêu Hùng, thích nghe các câu chuyện lịch sử thì có thể cùng chia sẻ ở các fanpage như The Xfile of History, hoặc người trẻ cùng gặp gỡ kể sử cho nhau qua Sử Talk, trên youtube... Những người hứng thú với lịch sử thế giới, lịch sử chiến tranh thì có “Hội những người thích tìm hiểu về thế chiến thứ 2” hoặc “Tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam (Viet Nam War)”. Thậm chí, mới mẻ hơn nữa là đến với dự án trò chơi thẻ bài huyền sử Việt Nam là Sử Hộ Vương. Chưa kể còn rất nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội tranh luận về lịch sử. Dẫu thế, vẫn phải nhấn mạnh rằng môi trường mạng xã hội dù rằng dễ lan tỏa nhưng cũng đầy rủi ro về thông tin thật - giả. Người đọc cần có một cách tiếp cận khoa học, trái tim “nóng” để say mê, và cái đầu “lạnh” để phân biệt đúng - sai. Để những kênh lan tỏa tình yêu lịch sử này phát huy được ưu thế, rất cần có những người có kiến thức tốt trong cả giới hàn lâm, khoa học lịch sử lẫn giới “sử học bình dân” tham gia cùng người trẻ để chia sẻ góc nhìn, cung cấp thông tin, để định hướng, để truyền cảm hứng.

Vậy nên mới nói, để học sinh yêu lịch sử, hẳn nhiên không phải là “trận đánh” của riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo mà phải là trách nhiệm và nỗ lực, ý thức từ mỗi một người yêu sử, từ giới hàn lâm học thuật cho đến giới “bình dân sử học” cũng như mỗi cơ quan chức năng có liên quan làm cây cầu đưa lịch sử đi cùng đời sống.

1 584 16/09/2024