TOP 10 mẫu Bài văn kể lại hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương (2024) SIÊU HAY

Bài văn kể lại hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương gồm 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 8 hay hơn.

1 967 16/09/2024


Bài văn kể lại hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương

Đề bài: Em hãy viết bài văn kể lại một hoạt động xã hội như: hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương (di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh...)

TOP 10 mẫu Bài văn kể lại hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

Bài văn kể lại hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương - mẫu 1

Lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam đã đi qua với biết bao chiến công anh dũng để ngày nay thế hệ trẻ khi lật giở những trang sử hào hùng ấy mà không khỏi xúc động, tự hào. Không chỉ qua sử sách, những địa điểm, những di tích, địa chỉ đỏ là chứng nhân đại diện cho một quá khứ vàng son, kiên cường và bền bỉ của dân tộc Việt Nam.

Di tích lịch sử, địa chỉ đỏ là di sản có giá trị cả về mặt tinh thần lẫn phát triển kinh tế, thế nên ở bất cứ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam, di tích cũng được trân quý và bảo tồn, gìn giữ bởi những di tích ấy chứa đựng cả câu chuyện, cả tinh thần mà cha ông ta, Nhân dân đất Việt ta đã dày công xây dựng và vun đắp. Chính vì vậy mỗi công dân, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay cần phải tham gia bảo vệ, gìn giữ các di tích lịch sử.

Với thế hệ trẻ ngày nay, đặc biệt là người trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh những di tích lịch sử đã không còn xa lạ mà trở thành điểm đến thú vị và đặc biệt trong các ngày cuối tuần trong các dịp lễ tết. Giới trẻ ngày nay tìm đến những di tích để tham quan, chụp ảnh và để tìm hiểu về di tích lịch sử, địa chỉ đỏ của thành phố, của dân tộc. Từ đó, đã nâng cao tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc trong lòng mỗi bạn trẻ khi đến những di tích, địa chỉ đỏ của Thành phố. Điển hình trong giai đoạn 2023 - 2028 đã có hơn 1,9 triệu lượt đội viên, học sinh tham gia các hành trình đến Bảo tàng.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, những di tích lịch sử, địa chỉ đỏ còn hiện hữu giữa sự phát triển theo năm tháng của thành phố, đó là những nơi lưu giữ và tái hiện lại phần nào khung cảnh, hình ảnh Sài Gòn - Gia Định những tháng ngày chiến tranh. Ngày nay, những di tích ấy đã được trùng tu, sửa mới song vẫn giữa được vẹn nguyên giá trị và để lại nhiều ấn tượng trong lòng người tham quan. Cũng chính vì những thay đổi đó đã thu hút nhiều hơn và mở rộng đối tượng tìm đến.

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc tìm kiếm những thông tin sự kiện lịch sử trở nên dễ dàng nhưng không ít người dân, học sinh, sinh viên chọn cách đến tham quan trực tiếp tại các di tích lịch sử. Điều đó thể hiện lên tình cảm và sự quan tâm của nhân dân về các địa điểm lịch sử, về nguồn cội. Nhưng có một vấn đề đã và đang diễn ra tại các địa điểm di tích lịch sử hiện nay đó chính là việc một bộ phận người dân, bạn trẻ đang có những hành vi gây hại đến các di tích lịch sử.

Hiện tượng làm bẩn di tích, xả rác bừa bãi hoặc có lối ăn mặc không phù hợp khi đến các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ, thờ ơ với tìm hiểu lịch sử đã bị dư luận phê phán từ rất lâu. Đã có nhiều giải thích về nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục, tuy nhiên cho đến nay, chuyện này vẫn tiếp diễn. Đây là hành động xuất phát từ sự vô thức của một số cá nhân đã để lại những hình ảnh không đẹp về các di tích lịch sử hào hùng của dân tộc. Có thể họ chưa hiểu được những giá trị của di tích lịch sử ấy và chỉ đơn thuần nghĩ rằng phải để lại dấu ấn của mình ở những nơi mà mình đi qua.

Nói đến những hành vi tiêu cực làm ảnh hưởng đến những di tích lịch sử, một bộ phận giới trẻ cũng đang là nhân vật chính gây nên những tiêu cực ấy. Hiện nay trên các diễn đàn như mạng xã hội Facebook, nền tảng Tiktok,... đã có rất nhiều bài đăng, hình ảnh ghi lại việc một phận giới trẻ thả ngay chiếc vỏ bánh vừa ăn xong xuống sân; một nhóm bạn trẻ cùng nhau để lại dấu tích bằng cách vẽ, khắc tên lên tường, cột của các di tích hay một số bạn trẻ với thói quen chụp ảnh, quay video "sống ảo" mà giẫm đạp lên bãi cỏ, bồn hoa ở các di tích lịch sử.

Bảo vệ di tích lịch sử, địa chỉ đỏ là cách thể hiện niềm tự hào về truyền thống dân tộc, nối liền quá khứ với hiện tại và tương lai, từ đó hình thành nên một yếu tố văn hóa quan trọng tham gia vào sự phát triển bền vững của đất nước. Nhiệm vụ này không chỉ là trách nhiệm của một tổ chức, một cá nhân nào, mà là sự quan tâm, cùng chung tay góp sức của toàn xã hội, đặc biệt là của giới trẻ. Những việc làm gây hại đến các di tích lịch sử văn hóa có thể nói là vấn đề thuộc về ý thức của mỗi con người. Chính vì vậy, mỗi bạn trẻ cần phải có tính tự nguyện, tự giác và tự ý thức về việc làm, hành vi của mình. Bạn trẻ ngày nay cần phải tìm hiểu về lịch sử, dân tộc thông qua các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ nhiều hơn để từ đó có được những nghĩa cử tốt đẹp khi đến các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ.

Như thời gian qua, nhằm góp phần tuyên truyền, giúp cho các bạn học sinh có cơ hội tìm hiểu về các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ với sự phát triển của Thành phố. Mùa hè vừa qua, các chương trình tổ chức tham quan học tập “Hành trình Thành phố tôi yêu”; “Hành trình Nghìn năm lịch sử” đã được tổ chức gắn với chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ lần thứ 18 của Thành phố. Hoạt động về nguồn, tham quan di tích lịch sử, địa chỉ đỏ từ lâu đã là một phần thiết thực trong các cấp bậc giáo dục phổ thông, hoạt động của Đoàn - Hội - Đội bởi những chuyến đi ấy sẽ giúp các bạn học sinh hình ý thức, tình yêu với lịch sử dân tộc. Đây là hoạt động ý nghĩa vừa tuyên truyền vừa xây dựng hình ảnh đẹp của tuổi trẻ Thành phố Bác luôn gắn liền với tình yêu, niềm tự hào về đất nước.

Cùng với sự phát triển của mạng Internet, ngày nay đã có rất nhiều những trang thông tin như các trang mạng Facbook, Tiktok,... chia sẻ về các chủ đề lịch sử, di tích lịch sử, địa chỉ đỏ nổi tiếng đã chia sẻ những hình ảnh, khoảnh khắc đẹp về những câu chuyện lịch sử hay các di tích lịch sử nổi tiếng đến với mọi người. Những bạn trẻ là những cá nhân, tổ chức đang tham gia vào việc sáng tạo nội dung trên các nền tảng trực tuyến đã chọn chủ đề về lịch sử để có thể lan tỏa đến người xem của họ. Đó là những hành động đẹp đã và đang góp phần phát triển việc tuyên truyền những điều tốt đẹp của dân tộc ta đến với người dân và bạn bè quốc tế. Điều đó giúp cho việc nhiều người dân dần chọn việc tham quan du lịch, trải nghiệm văn hóa - lịch sử tại các khu dích tích lịch sử ngày càng nhiều góp phần phát triển nền kinh tế du lịch và hiệu quả quảng bá hình ảnh đất nước song phát huy giá trị lịch sử vẻ vang của nước nhà.

Di tích lịch sử, địa chỉ đỏ là dấu vết còn lại của lịch sử mà lịch sử thì luôn có giá trị một cách trọn vẹn khi nó được giữ nguyên là chính nó và chỉ khi những di tích lịch sử được bảo vệ và phát huy đúng cách thì mới có thể mang lại giá trị tích cực. Vì vậy, mỗi bạn trẻ ngày nay có nhiệm vụ xây dựng ý thức bảo vệ lịch sử và di tích lịch sử dân tộc, phải mang trong mình niềm tự hào và tình yêu quê hương đất nước, sẵn sàng cống hiến, bảo vệ Tổ quốc.

Bài văn kể lại hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương - mẫu 2

Em sinh ra là lớn lên ở một ngôi làng nhỏ ở dưới chân núi. Ở đây, đã nhiều đời nay người dân gắn bó với việc làm nón lá. Tuy nhiên, theo nhịp sống xô bồ của cuộc sống hiện đại, nghề làm nón truyền thống dần bị mai một. Để giúp bảo vệ và phát huy nghề truyền thống của địa phương, ủy ban nhân dân xã em đã tổ chức Ngày hội nón.

Ngày hội nón là một hoạt động được tổ chức vào tháng 10 hàng năm, với sự tham gia của các đội thi đến từ trên toàn xã. Ngày hội vừa tổ chức thi làm nón, vừa chia sẻ và quảng bá nón lá đến bạn bè khắp nơi. Từ đó giúp tôn vinh một nghề truyền thống lâu đời của người dân, và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nón lá, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Từ sáng sớm ngày diễn ra hoạt động, sân nhà văn hóa lớn nhất xã đã rất đông đúc người dân trên toàn xã đến xem. Trên khoảng sân rộng, trải sẵn sáu tấm chiếu với các dụng cụ để làm nón, chuẩn bị cho các đội thi trổ tài. Sau sân khấu, các thí sinh dự thi có cả các bác, các dì, và cả các anh chị trẻ tuổi đang dán số báo danh lên ngực. Đúng 8h, ban tổ chức ổn định người dân đến tham gia để chính thức bắt đầu hoạt động. Đầu tiên, trưởng ban tổ chức bước ra giữa sân khấu được dựng đơn giản trên sảnh trước nhà văn hóa, để chào tất cả mọi người. Sau đó, bác tuyên bố lý do, mục đích của hoạt động Ngày hội nón, cùng các hoạt động sẽ diễn ra trong ngày hôm nay.

Theo đó, ngay sau khi bài phát biểu của trưởng ban tổ chức kết thúc, ngày hội chính thức bắt đầu. Phần đầu tiên chính là cuộc thi làm nón. Các dụng cụ đã có sẵn trên sân, các đội thi chỉ cần bắt tay vào làm. Mỗi đội gồm ba thành viên, phối hợp với nhau rất nhịp nhàng để làm nên một chiếc nón lá. Các người thợ rất nhanh nhẹn, bàn tay cứ thoăn thoắt, thoăn thoắt như bàn tay rô-bốt đã được lập trình sẵn. Khi tiếng còi trọng tài vang lên, tất cả các đội thi cũng kịp hoàn thành sản phẩm. Người chấm chất lượng nón lá được tạo ra, chính là các cụ già có kinh nghiệm làm nón vài chục năm trời ở trong xã. Tuy nhiên, điểm số này chưa phải là kết quả cuối cùng, mà được giữ bí mật đến phút cuối. Bởi vì tiếp theo, là phần thuyết trình ngắn gọn của mỗi đội về vẻ đẹp, công dụng và ý nghĩa của chiếc nón lá đối với cuộc sống hiện đại ngày nay. Mỗi đội sẽ có 5 phút để trình bày bài thi của mình. Phần thi này sẽ do chính bà con làng xóm đang có mặt ở hội trường chấm điểm, dựa vào hình thức bỏ phiếu. Cuối cùng, dựa vào tổng điểm của hai đội thi, ban giáo khảo sẽ chọn ra đội thắng cuộc. Với phần thưởng là một chiếc cúp có hình nón lá rất tinh xảo.

Kết thúc phần thi và trao giải, là những giờ phút giải lao với các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn. Đó là những bài hát dân ca quan họ, bài hát hiện đại, bài múa truyền thống… Mỗi tiết mục sẽ có cái hay, cái hấp dẫn riêng. Nhưng điểm chung, là tiết mục nào cũng sử dụng nón lá để làm đạo cụ. Từ đó khẳng định với người tham gia ngày hội vẻ đẹp và tính ứng dụng cao của nón lá. Cuối cùng, là phần quan trọng nhất của ngày hội. Đó chính là phần “chợ”. Toàn bộ sân nhà văn hóa, được dựng nên các gian hàng bày bán các chiếc nón lá với nhiều kích thước, họa tiết trang trí khác nhau. Người đến tham gia ngày hội sẽ được đội thử, ướm thử và chọn lựa chiếc nón yêu thích để sử dụng, hoặc làm quà tặng cho bạn bè, người thân. Người đến, người đi vô cùng tấp nập, đông đúc. Em cũng đã được mẹ mua cho một chiếc nón nhỏ, có thêu hình ảnh một cô gái mặc áo dài màu tím rất đẹp. Cầm chiếc nón trên tay, em rất tự hào về tay nghề của những người thợ làm nón quê hương mình.

Chương trình “Ngày hội nón” là một chương trình ý nghĩa và có giá trị thiết thực trong việc bảo tồn và phát huy một nét truyền thống của địa phương. Em mong rằng, sẽ có thêm nhiều hoạt động như thế này được tổ chức, để nghề làm nón quê em ngày càng được nhiều người biết đến hơn. Và những chiếc nón lá sẽ được yêu quý và sử dụng rộng rãi hơn trong cuộc sống hiện đại.

Bài văn kể lại hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương - mẫu 3

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt của Chiến lược phát triển văn hóa. Trong thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm, chú trọng.

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt của Chiến lược phát triển văn hóa. Trong thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm, chú trọng.

Nhằm thống nhất quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1036/QĐ-UBND ngày 08/7/2013 về việc phê duyệt danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2013; Quyết định số 1454/2013/QĐ-UBND ngày 10/9/2013 ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 11/2014/CT-UBND ngày 18/8/2014 về việc tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/2015/NQ-HĐND ngày 14/12/2015 về việc hỗ trợ kinh phí cho người trực tiếp trông coi di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Hằng năm, UBND tỉnh giao chỉ tiêu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể và hồ sơ khoa học di tích.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong thực hiện các chế độ chính sách, công tác quản lý, tu bổ tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đến Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện thành phố, cán bộ văn hóa cơ sở; hằng năm, thực hiện việc khảo sát, kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di tích trình cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích đảm bảo đạt chỉ tiêu UBND tỉnh giao.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 02 di tích Quốc gia đặc biệt; 06 di tích Quốc gia; 38 di tích cấp tỉnh. Các di tích sau khi được xếp hạng đã thành lập Ban Quản lý di tích tại cơ sở, có quy chế hoạt động cụ thể. Công tác bảo vệ, trông coi tại di tích được quan tâm; nhiều di tích đã có các bảng giới thiệu khái quát, tổ chức các lớp ngoại khóa cho học sinh tham quan, tìm hiểu…

Trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2018, UBND tỉnh đã giao ngành chuyên môn thực hiện việc đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi 07 di tích gồm: Khuổi Linh (xã Nghĩa Tá), Nà Pậu (xã Lương Bằng), Bản Ca (xã Bình Trung) thuộc huyện Chợ Đồn; Đèo Giàng (xã Lãng Ngâm), Địa điểm lưu niệm nơi Bác Hồ dừng chân trên đường từ Pác Bó về Tân Trào tháng 5 năm 1945 - Hoàng Phài (xã Cốc Đán) thuộc huyện Ngân Sơn; Nà Tu (xã Cẩm Giàng), Đồn Phủ Thông (thị trấn Phủ Thông) thuộc huyện Bạch Thông. Đối với các di tích còn lại, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục nghiên cứu, tham mưu lập dự án mới để triển khai bảo quản, tu bổ, phục hồi theo quy định.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành và UBND các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích. Nhiều di tích đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn như: Chùa Thạch Long (xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới); Đền Thắm (thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới); Đền Thác Giềng (xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới); Đồn Phủ Thông (thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông); Chùa Phố Cũ (thị trấn Ba Bể, huyện Ba Bể); Đền An Mã (Khu du lịch Ba Bể, huyện Ba Bể), góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, đóng góp quan trọng cho ngân sách của địa phương và góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc điều tra, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc trên địa bàn tỉnh; triển khai lập 18 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc thiểu số trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; thực hiện Dự án khôi phục, bảo tồn Lễ hội Lồng tồng tại xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn và Dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018-2020”.

Hiện nay, toàn tỉnh có 291 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số được kiểm kê, phân loại thuộc 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể; có 14 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã giao ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo lộ trình từ năm 2019-2025, tập trung ưu tiên lập hồ sơ khoa học để xếp hạng 53 di tích (gồm 44 di tích lịch sử; 01 di tích lịch sử - văn hóa; 05 di tích danh lam thắng cảnh; 03 di tích khảo cổ) trên tổng số 106 di tích đã kiểm kê nhưng chưa được xếp hạng theo Quyết định số 1036/QĐ-UBND của UBND tỉnh; đồng thời xây dựng dự án bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm mục tiêu gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá một cách bền vững, tạo nguồn lực để phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu văn hóa tại nơi các di sản văn hóa phi vật thể được công bố, góp phần chuyển hóa về mặt nhận thức, tạo được sự trân trọng của cộng đồng đối với di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Bài văn kể lại hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương - mẫu 4

Cuộc đời mỗi người là sự nối tiếp của những chuyến đi. Mỗi chuyến đi đều mang lại những ý nghĩa, để lại ấn tượng khác nhau. Trong số những chuyến đi ấy, có một chuyến tham quan mà tôi nhớ nhất là chuyến tham quan khu vực Lăng Bác và khu di tích Phủ Chủ tịch.

Cuối năm học lớp 5, nhà trường bất ngờ tổ chức cho lớp tôi chuyến tham quan Phủ Chủ tịch tại thủ đô Hà Nội vào hai ngày cuổi tuần. Đây là chuyến đi xa đầu tiên của cả lớp trong suốt năm năm học nên ai cũng háo hức, giờ ra chơi nào cũng tụm đầu lại với nhau, bàn tán sôi nổi về chuyến đi này.

Ngày xuất phát, khuôn mặt ai cũng rạng rỡ, vui tươi. Các thầy cô quyết định sắp xếp di chuyển từ trường vào buổi chiều thứ 7 để được viếng Lăng Bác vào sáng chủ nhật hôm sau. Xe lăn bánh, mỗi đứa một ba lô, tạm biệt miền quê giản dị thanh bình để hướng về thủ đô. Xe chạy bon bon suốt 3 tiếng đồng hồ mà cả lũ cứ mở tròn mắt, chỉ chỉ cảnh vật bên đường đầy thích thú. Tới thủ đô thì đã chiều muộn, cả đoàn dừng chân tại khách sạn, ăn cơm rồi tắm rửa và về phòng, nghỉ ngơi để buổi sáng dậy sớm.

Một đêm nhanh chóng qua đi, đúng 6 giờ chúng tôi đã có mặt tại sảnh lớn của khách sạn, ăn mặc quần áo học sinh nghiêm trang, lịch sự. Theo sự hướng dẫn của các thầy cô rồi đi đến lăng Bác. Dù đã liên lạc với người quản lý viếng lăng từ trước nhưng chủ nhật, khách tham quan đến viếng quá đông, chúng tôi phải chờ gần một tiếng đồng hồ mới được vào lăng viếng Bác.

Người trưởng đoàn đọc bài viếng, giới thiệu tên đoàn xong thì cả đoàn cùng đứng ngay ngắn, chầm chậm bước theo hai người lính gác lăng dâng hoa phía trước tiến vào lăng Bác. Khác hẳn với nhiệt độ bên ngoài nắng chói chang, trong lăng mát lạnh và yên tĩnh, ai cũng tỏ lòng thành kính với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu, bước đi nhẹ nhàng không một tiếng động. Người nằm trên giường ở giữa lăng, ánh sáng nhu hòa màu vàng chiếu lên khuôn mặt hiền từ của Người, yên bình vô cùng…

Mặt trời lên cao thì chúng tôi cũng rời khỏi lăng, theo dòng người đông đúc hướng về khu di tích phủ Chủ tích. Địa điểm đầu tiên là nhà sàn Bác Hồ, căn nhà được phục chế theo nhà sàn mà Bác ở những ngày cuối cuộc đời vĩ đại của mình. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm khiêm tốn tại một góc, hòa vào thiên nhiên bình dị, xinh đẹp.

Cô hướng dẫn viên nói, trong nhà những kỉ vật của Bác vẫn còn lưu giữ lại, nơi này nơi kia là nơi Bác ngồi đọc công văn, viết và sửa di chúc, gửi thư cho đồng bào, cho thiếu nhi. Chúng tôi dường như tưởng tưởng ra được hình ảnh Bác trầm ngâm bên khung cửa sổ, nắn nót viết từng dòng chữ chứa đựng tình yêu thương bao la rộng lớn.

Con đường dẫn vào nhà sàn ôm ấp lấy ao cá Bác Hồ với diện tích khá lớn, nước hồ trong veo, cá chép đủ màu sắc thi nhau bơi lội tung tăng trong nước mát. Có những con cá rất to, hai bên miệng còn có râu, cô giáo tôi bảo nó chắc hẳn đã già lắm rồi. Vừa đi, cô hướng dẫn viên vừa giới thiệu về lịch sử của ao cá, kể những câu chuyện của Bác với ao cá ấy. Du khách trong nước và quốc tế xen lẫn với nhau, ai cũng trầm trồ về vẻ đẹp của ao cá.

Vì phải trở về vào buổi chiều nên chúng tôi không được tham quan toàn bộ khu di tích, sau khi tham quan ao cá, địa điểm cuối cùng là Khu Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. Viện Bảo tàng trang nghiêm, trưng bày rất nhiều hiện vật, tư liệu về cuộc đời và con người của Bác. Bên cạnh mỗi hiện vật đều chú thích tên, thời gian mà Bác sử dụng và những câu chuyện xung quanh. Có rất nhiều câu chuyện mà chúng tôi chưa bao giờ nghe đến. Vừa tham quan, chúng tôi vừa cảm thán về cuộc đời và những năm tháng kháng chiến của Người, tiếp thu được bao điều ý nghĩa và thú vị.

Thời gian trôi qua nhanh, chiều đến, chuyến tham quan của chúng tôi cũng phải kết thúc. Cả đoàn cùng chụp một bức ảnh lưu niệm rồi lên xe ra về. Dù chuyến đi ngắn ngủi nhưng để lại rất nhiều ấn tượng, lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn thấy một phần cuộc đời của Bác Hồ kính yêu. Để rồi sau này, cảm giác tự hào và xúc động khi vào lăng viếng Bác vẫn còn in đậm mãi trong tôi.

Bài văn kể lại hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương - mẫu 5

Việt Nam ta là một đất nước có nền văn hóa vô cùng đa dạng, phong phú và lâu đời. Suốt hơn hai nghìn năm tồn tại và phát triển, đã nhiều lần nước ta phải đương đầu với những cuộc xâm lăng, đô hộ của dân tộc khác. Tuy nhiên, dù muon vàn khó khăn, chúng ta vẫn vùng dậy dành lại độc lập dân tộc, và bảo tồn được những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Đó là niềm tự hào của con cháu đất Việt. Cho đến nay, nhân dân ta vẫn làm rất tốt điều đó, thông qua những hoạt động văn hóa được tổ chức thường niên tại từng địa phương. Tỉnh Phú Thọ quê em cũng góp sức mình vào công cuộc đó với Lễ hội Đền Hùng được tổ chức hằng năm vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm Lịch.

Đền Hùng nằm trên ngọn núi Nghĩa Lĩnh, Xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là nơi yên nghỉ của các thế hệ Vua Hùng - những con người đã có công dựng nên nước Việt Nam ta. Công lao của các vị tổ tiên ấy là vô cùng to lớn, vì vậy con cháu đời sau vẫn mãi nhớ ơn các ngài, năm nào cũng tổ chức lễ hội lớn. Cũng chính vì vậy mà Lễ hội Đền Hùng cùa quê hương em được đánh giá là một lễ hội mang cấp quốc gia.

Dân gia vẫn có câu ca dao rằng “Dù ai đi ngược về xuôi, Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”. Nhưng trên thực tế, lễ hội Đền Hùng kéo dài trong mười ngày từ mùng 1 đến mùng 10 tháng 3 Âm Lịch. Trong đó, ngày mùng 10 là ngày quan trọng nhất. Cũng như tên gọi, Lễ hội Đền Hùng được chia thành hai phần, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ với nhiều hoạt động diễn ra, trong đó phần tế lễ được coi trọng nhất, nên được tổ chức vào ngày mùng 10. Hoạt động này bắt đầu bằng lễ dâng hương của người dân, trong đó có cả các đại diện của nhà nước. Đồ trên mâm lễ ngoài mâm ngũ quả, còn có bánh chưng bánh dày. Hai loại bánh này được dùng để gợi nhắc về công lao các Vua Hùng đã dạy dân cách trồng lúa nước, đồng thời phổ cập các món bánh làm từ lúa gạo. Cùng với phần tế lễ, trang trọng không kém chính là phần rước thần, rước voi, rước kiệu... của các làng Tiên Cương, Hy Cương, Phượng Giao, Cổ Tích…. Với trang phục và các cỗ kiệu được trang trí tỉ mỉ, nhằm thể hiện các nét đẹp văn hóa về từng thời kì của các làng truyền thống lâu đời ở khu vực Phú Thọ. Bên cạnh đó, phần hội cũng náo nhiệt và rộn ràng vô cùng với các nhóm múa hát xoan (ở đền Thượng), hát ca trù (ở đền Hạ) và nhiều trò chơi dân gian khác.

Tất cả những hoạt động đó, tuy khách nhau về nội dung, cách tổ chức, nhưng cùng có điểm chung chính là giúp bảo tồn và quảng bá mạnh mẽ những đặc sắc trong nền văn hóa của dân tộc ta từ bao đời nay. Thông qua lễ hội Đền Hùng, không chỉ con cháu đất Việt mà cả những người nước ngoài đến tham gia lễ hội. Họ được chứng kiến những nghi thức trang trọng, những hoạt động rước kiệu, những trò chơi… mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được truyền qua cả ngàn năm. Nhờ vậy, mà ngày càng nhiều người biết đến hơn về lễ hội này, về hát Xoan, về lễ rước thần, về trò ném gòn… Điều đó đã gián tiếp quảng bá đồng thời làm bàn đạp để duy trì những nét đẹp văn hóa đó của người dân Phú Thọ nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung không bị phai nhạt theo thời gian.

Từ lễ hội Đền Hùng ở Phú Thọ, chúng ta thấy được giá trị và vai trò của việc tổ chức lễ hội đối với việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Bởi suy cho cùng, so với việc đọc và nghe những lời kể, những trang sách viết về văn hóa dân tộc. Thì việc được trực tiếp tham gia, chiêm ngưỡng các lễ hội ấy sẽ giúp người dân dễ cảm nhận và khắc ghi trong trái tim mình hơn. Cùng với đó, những lễ hội còn giúp phát triển du lịch và thúc đẩy kinh tế của các địa phương. Giúp cho người dân ai ai cũng ghi nhớ và mong chờ, đầu tư cho các mùa lễ hội diễn ra vào năm sau.

Bài văn kể lại hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương - mẫu 6

Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là một tư tưởng luôn được đề cao trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước của nhân dân Việt Nam, được thể hiện qua nhiều hình thức, một trong số đó là việc tổ chức các lễ hội. Lễ hội là một trong những nét văn hóa của dân tộc ta, nó không chỉ là nơi để vui chơi giải trí mà nó còn là để cho nhân dân ta thể hiện mong ước hay nhớ ơn tổ tiên ông bà ta. Mỗi một quê hương có những lễ hội riêng, tiêu biểu có thể kể đến lễ hội cầu ngư – lễ hội cá ông.

Có thể nói nhắc đến cái tên lễ hội ấy thì chúng ta hẳn cũng biết là lễ hội của những ai. Nói đến cá thì chỉ có nói đến nhân dân vùng ven biển sinh sống bằng nghề đánh bắt cá. Chính đặc trưng ngành nghề ấy đã quyết định đến tín ngưỡng của họ. Những người sống ven biển miền trung thường có tục thờ ngư ông. Chính vì thế cho nên hàng năm họ thường tổ chức vào các năm giống như những hội ở miền Bắc. Họ quan niệm rằng là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung. Điều này đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến trong các thế hệ ngư dân ở các địa phương nói trên.

Ở mỗi địa phương thì thời gian diễn ra lễ hội truyền thống lại diễn ra khác nhau. Ở Vũng Tàu thì được tổ chức vào 16, 17, 18 tháng 8 âm lịch hàng năm. Ở thành phố Hồ Chí Minh thì lại được tổ chức vào 14 – 17/18 âm lịch hàng năm. Nói chung dù diễn vào thời gian nào thì tất cả những lễ hội ấy đều nói lên được nét đặc trưng văn hóa của nhân dân ven biển. Đồng thời nó thể hiện khát vọng bình yên, cầu mong cuộc sống ấm no hạnh phúc thịnh vượng của họ. Lễ hội Ngư Ông còn là nơi cho mọi người tưởng nhớ đến việc báo nghĩa, đền ơn, uống nước nhớ nguồn.

Tiếp đến chúng ta đi vào phân tích phần lễ hội ngư ông. Trước hết là phần lễ thì bao gồm có hai phần:

Thứ nhất là lễ rước kiệu, lễ rước đó là của Nam hải Tướng quân xuống thuyền rồng ra biển. Khi ấy những ngư dân sống trên biển và bà con sẽ bày lễ vật ra nghênh đón với những khói nhang nghi ngút. Cùng với thuyền rồng rước thủy tướng, có hàng trăm ghe lớn nhỏ, trang hoàng lộng lẫy, cờ hoa rực rỡ tháp tùng ra biển nghênh ông. Không khí đầy những mùi hương của hương án và bày trước mắt mọi người là những loại lễ. Trên các ghe lớn nhỏ này có chở hàng ngàn khách và bà con tham dự đoàn rước. Đoàn rước quay về bến nơi xuất phát, rước ông về lăng ông Thủy tướng. Tại bến một đoàn múa lân, sư tử, rồng đã đợi sẵn để đón ông về lăng. Có thể thấy lễ rước ông không những có sự trang nghiêm của khói hương nghi ngút mà còn có sự đầy đủ của lễ vật và âm nhạc rộn rã của múa lân.

Thứ hai là phần lễ tế. Nó diễn ra sau nghi thức cúng tế cổ truyền. Đó là các lễ cầu an, xây chầu đại bội, hát bội diễn ra tại lăng ông Thủy tướng.

Tiếp đến là phần hội thì trước thời điểm lễ hội, hàng trăm những chiếc thuyền của ngư dân được trang trí cờ hoa đẹp mắt neo đậu ở bến. Phần hội gồm các nghi thức rước Ông ra biển với hàng trăm ghe tàu lớn nhỏ cùng các lễ cúng trang trọng. Đó là không khí chung cho tất cả mọi nhà trên thành phố đó thế nhưng niềm vui ấy không chỉ có ở thành phố mà nó còn được thể hiện ở mọi nhà. Ở tại nhà suốt ngày lễ hội, các ngư dân mời nhau ăn uống, kể cả khách từ nơi xa đến cũng cùng nhau ăn uống, vui chơi, trò chuyện thân tình.

Như vậy qua đây ta thấy hiểu thêm về những lễ hội của đất nước, ngoài những lễ hội nổi tiếng ở miền Bắc thì giờ đây ta cũng bắt gặp một lễ hội cũng vui và ý nghĩa không kém là ngư ông. Có thể nói qua lễ hội ta thêm hiểu hơn những mong muốn tốt lành của những người ngư dân nơi vùng biển đầy sóng gió. Đặc biệt nó cũng trở thành một lễ hội truyền thống của những người dân nơi biển xa.

Bài văn kể lại hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương - mẫu 7

Việt Nam ta là một đất nước nghìn năm văn hiến với nền văn hóa đa dạng, giàu giá trị lịch sử vẫn và đang được bảo tồn qua nhiều thế hệ. Thông qua các lễ hội ở địa phương giúp chúng em hiểu biết nhiều hơn về quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Một trong những lễ hội thường được tổ chức ở địa phương em là hội Đền Cổ Loa vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Lễ hội đền Cổ Loa là một trong những lễ hội từ lâu đời của văn hóa Việt Nam. Hằng năm, khi ăn tết cổ truyền xong thì vào ngày mùng 6 tết người dân Đông Anh quê em lại nô nức tổ chức lễ hội đền Cổ Loa để tưởng công đức của vua An Dương Vương - Người có công thành lập nên nhà nước đầu tiên của nước ta.

Đền Cổ Loa hay còn gọi là thành Cổ Loa là điểm tham quan tại Hà Nội vốn được xây dựng dưới thời vua An Dương Vương với bao truyền thuyết ly kỳ và bi tráng của một thời kỳ lịch sử của dân tộc ta. Nơi đây lưu giữ biết bao giá trị lịch sử từ thời vua An Dương Vương để lại. Theo lời xưa thì ngày mùng 6 tháng giêng là ngày vua An Dương Vương nhập cung, sau đó 3 ngày là ngày mùng 9 thì lên ngôi vua và mở hội khao toàn bộ lực lượng quân binh, thế nên người dân cũng tổ chức lễ hội ăn mừng. Lễ hội đền Cổ Loa cũng xuất hiện từ đây và gìn giữ đến tận bây giờ.

Đền Cổ Loa là một chiến tích lịch sử đã chứng kiến một câu chuyện buồn về sự ngu muội của một nàng công chúa quá tin chồng nên đã đẩy để đất nước rơi vào tay giặc và là bài học về sự mất cảnh giác trong một vài thời khắc đã để lại hậu quả khôn lường. Song trải qua thời gian thì đền Cổ Loa vẫn là một niềm tự hào của dân tộc ta.

Lễ hội đền Cổ Loa nhằm giáo dục cho nhân dân về truyền thống uống nước nhớ nguồn đồng thời bảo tồn những hoạt động văn hóa di sản xưa và là một lễ hội lớn mà các bạn không nên bỏ qua để hiểu biết thêm về lịch sử nước nhà.

Như vậy, thông qua lễ hội đền Cổ Loa hàng năm đã cho chúng ta thấy được vai trò to lớn của lễ hội đối với việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Người xưa có câu: Trăm nghe không bằng một thấy. Chính vì vậy được đến tận nơi chiêm ngưỡng tòa thành cũng như tham gia vào các hoạt động của lễ hội sẽ giúp chúng ta dễ dàng khắc ghi những kiến thức lịch sử để từ đó lưu giữ và bảo tồn những truyền thống này tốt hơn.

Bài văn kể lại hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương - mẫu 8

Ở quê hương đất Tổ của em có một lễ hội lớn lắm, đó là Lễ Hội Đền Hùng (Giỗ tổ Hùng Vương) được tổ chức vào ngày mồng Mười tháng Ba âm lịch hàng năm.

Lễ hội Đền Hùng là một lễ hội lớn, để tưởng nhớ các vua Hùng, những người đã có công dựng nước. Nó đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt chúng ta. Hàng năm, hội Đền Hùng được tổ chức long trọng với sự “hành hương trở về cội nguồn dân tộc” của các địa phương trên cả nước về đất Tổ– Phú Thọ. Lễ hội được diễn ra tại địa phận xã Huy Cương, thành phố Việt Trì, thu hút rất nhiều người dân trên cả nước về tụ hội.

Lễ hội bắt đầu từ ngày mồng 8 đến ngày 11 tháng 3 âm lịch. Trước hết đó là phần lễ, với các nghi thức được tổ chức một cách trang trọng như dâng hương, dâng lễ vật từ các địa phương tưởng nhớ 18 vị vua Hùng và công lao của các ngài. Năm nào cũng vậy, trong lễ hội Đền Hùng đều có tổ chức cuộc thi kiệu của các làng chung quanh. Chính bởi những lễ rước kiệu này mà không khí lễ hội trở nên náo nhiệt và đông vui hơn. Trẻ con thích thú hò hét chạy theo đoàn người ăn mặc đẹp đẽ rước kiệu. Mỗi làng đều cố gắng bỏ công sức và tiền bạc để tạo ra những chiếc kiệu đẹp nhất bởi người dân tin rằng, nếu kiệu của làng nào giành được giải tức là họ đã được các vua Hùng tin tưởng và phù hộ.

Phần hội với rất nhiều trò chơi dân gian đặc trưng của địa phương em như ném còn, chơi đu, đấu vật, chọi gà,… Được bố mẹ cho đi hội Đền Hùng thường xuyên nhưng có lẽ phần hát Xoan ở đền Hạ làm em cảm thấy thích nhất. Không khí ở đây vừa mát lại vừa thoáng, được thưởng thức những câu hát mộc mạc, bình dị đậm chất dân tộc thì không gì bằng.Hát Xoan là một trong những di sản của Phú Thọ quê em. Em rất tự hào vì làn điệu dân ca quê hương mình.

Lễ hội Đền Hùng thật sự rất ý nghĩa và hấp dẫn. Đó không chỉ là tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng mà còn là nét đẹp của dân tộc Việt ta, hướng về cội nguồn.

Bài văn kể lại hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương - mẫu 9

Lịch sử dân tộc Việt Nam là những trang sử hào hùng về những tháng năm dựng nước và giữ nước. Đất nước rạng rỡ ngày hôm nay được bắt đầu từ thuở Hùng Vương lập nước. Đến muôn đời sau, con dân nước Việt vẫn nhớ ơn Vua Hùng. Truyền thống ấy được Bác Hồ ca ngợi: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải giữ lấy nước” và thể hiện ở lễ hội Đền Hùng hằng năm.

Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt đã hình thành trong tâm thức của mình Vua Hùng là vị vua dựng nước. Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm là ngày để cả dân tộc tưởng nhớ, biết ơn tiền nhân đã có công sinh thành giống nòi, khai mở bờ cõi, tạo dựng hình hài đất nước. Ngày lễ trọng đại ấy đã đi vào ca dao:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không phân biệt huyết thống, dòng họ, không phân chia địa lý, vùng miền, dân tộc, làm nên giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam và sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.

Lễ hội Đền Hùng hàng năm được tổ chức tại Đền Hùng, tọa lạc trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội thường kéo dài từ ngày 6/3 đến hết ngày 10/3 âm lịch, tùy theo thời gian từng năm. Trong những ngày đó, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng triển khai rất nhiều hoạt động, chương trình chào mừng đặc sắc khác để du khách gần xa có thể đến tham gia.

Phần lễ của lễ hội này được tổ chức rất trang trọng, hoành tráng, có sự tham dự của các chính khách ở Trung ương và những vị chức sắc, vai vế lớn trong làng. Mở đầu buổi lễ, khi tiếng nhạc phường bát âm bắt đầu phát ra, chủ tế sẽ đọc lời cầu nguyện trước ngai thờ của vua Hùng. Kết thúc mỗi lần đọc sẽ kèm theo một hồi trống và chiêng hiệu, sau đó đoàn tế tiến lên phía trước tiền đường, thực hiện nghi thức quỳ lạy rồi lùi về sau. Tham gia phần lễ, bạn sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh lễ hội Đền Hùng rực rỡ với những đoàn kiệu sơn son thiếp vàng, cờ hoa, ô lọng đầy màu sắc, được rước bởi những nam thanh nữ tú trong làng.

Về phần hội của lễ hội Đền Hùng có rất nhiều hoạt động hấp dẫn. Đầu tiên phải kể đến việc chiêm ngưỡng các tác phẩm, ấn phẩm, tư liệu về Hùng Vương. Bạn có thể đến Bảo tàng, khu di tích Đền Hùng để ngắm nhìn những tác phẩm, tư liệu liên quan đến Hùng Vương cũng như phong tục, tín ngưỡng thờ cúng của người dân. Không chỉ vậy, ta còn có thể thưởng thức những tiết mục biểu diễn văn hóa dân gian đặc sắc như: đánh trống đồng, hát xoan, đâm đuống, trình diễn múa rối nước,... Ngoài ra, các hội thi thú vị mang đậm văn hóa cội nguồn là một nét đẹp không thể thiếu. Hàng loạt hội thi nấu bánh chưng và giã bánh dày siêu thú vị, thi bơi chải trên Hồ công viên Văn Lang,... đã từng nhận được rất nhiều sự quan tâm của du khách.

Hiện nay, trên cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương, trải khắp các vùng, miền, riêng tỉnh Phú Thọ - vùng đất cội nguồn dân tộc có 345 di tích. Lễ hội Đền Hùng còn có ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống tâm linh của người dân Việt Nam, được tổ chức để tưởng nhớ và tôn vinh công lao dựng nước và giữ nước của các vị vua Hùng. Việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống lễ hội dân gian tại các di tích này đã tạo thành hệ thống di sản vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm như một niềm tự hào hãnh diện với thế giới về một di sản văn hóa vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Qua đó, nhân dân ta tiếp tục khơi dậy, phát huy sức mạnh truyền thống đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng vững mạnh và phát triển.

Bài văn kể lại hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương - mẫu 10

Những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là những kho báu vô song mà mỗi thế hệ chúng ta nên trân trọng, giữ gìn và phát huy. Để làm điều này, việc tổ chức một lễ hội tại quê nhà không chỉ là cách tuyệt vời để kỷ niệm và tôn vinh những giá trị ấy mà còn là một điểm nhấn quan trọng trong việc giao lưu, đoàn kết cộng đồng, và đặc biệt là truyền đạt những đặc sắc văn hóa cho thế hệ trẻ.

Lễ hội không chỉ là nơi hội tụ những hoạt động văn hóa truyền thống mà còn là dịp để cộng đồng kết nối, tạo ra sức mạnh đoàn kết mạnh mẽ. Những nét đặc trưng về phục trang, âm nhạc, và đặc sản ẩm thực của dân tộc sẽ được thể hiện rõ nét, góp phần làm nổi bật những đặc điểm độc đáo và quý báu của văn hóa dân tộc.

Lễ hội cũng là dịp để mọi người hiểu rõ hơn về những truyền thống, tập tục, và giáo lý của dân tộc mình. Qua các hoạt động như triển lãm, diễn đàn, và buổi nói chuyện, mọi người có thể chia sẻ kiến thức, tạo nên một môi trường học thuật và giáo dục.

Ngoài ra, việc kích thích du lịch văn hóa cũng là một lợi ích lớn của việc tổ chức lễ hội. Du khách có cơ hội trải nghiệm sâu sắc văn hóa, thưởng thức đặc sản địa phương, và trở thành những đại sứ văn hóa, giúp lan tỏa hình ảnh tích cực về dân tộc và đất nước.

Cuối cùng, việc tổ chức lễ hội không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chính trị và tổ chức, mà còn là nhiệm vụ của mỗi người dân. Sự tích cực và đóng góp của cả cộng đồng sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ để lễ hội trở thành một sự kiện thành công, góp phần tăng cường và phát triển văn hóa dân tộc.

Vậy nên, bằng cách tổ chức lễ hội tại quê em, chúng ta không chỉ giữ gìn mà còn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo nên một không khí đoàn kết, vui tươi, và đầy ắp năng lượng tích cực cho cộng đồng.

1 967 16/09/2024