Trái phiếu là gì? Điều kiện phát hành trái phiếu năm 2024 và những lưu ý quan trọng về trái phiếu
Trái phiếu là gì? Điều kiện phát hành trái phiếu năm 2024 và những lưu ý quan trọng về trái phiếu

1. Trái phiếu là gì? Trái phiếu Chính phủ là gì?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật chứng khoán 2019:

“Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành”.

Theo Điều 4 Nghị định 153/2020/NĐ-CP, một số loại trái phiếu có thể kể đến như sau:

  • “Trái phiếu doanh nghiệp” là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.
  • “Trái phiếu doanh nghiệp xanh” (trái phiếu xanh) là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành để đầu tư cho dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.
  • “Trái phiếu chuyển đổi” là loại hình trái phiếu do công ty cổ phần phát hành, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của chính doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.
  • “Trái phiếu có bảo đảm” là loại hình trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; hoặc được bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính ở nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế theo quy định của pháp luật.”
  • “Trái phiếu kèm chứng quyền” là loại hình trái phiếu được công ty cổ phần phát hành kèm theo chứng quyền, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông của doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.

Khoản 1 Điều 2 Nghị định 01/2011/NĐ-CP giải thích về trái phiếu Chính phủ như sau:

“Trái phiếu Chính phủ” là loại trái phiếu do Bộ Tài chính phát hành nhằm huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc huy động vốn cho chương trình, dự án đầu tư cụ thể thuộc phạm vi đầu tư của nhà nước.

Trái phiếu là gì? Trái phiếu Chính phủ là gì?
Trái phiếu là gì? Trái phiếu Chính phủ là gì?

2. Điều kiện phát hành trái phiếu năm 2024

Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về đối tượng phát hành trái phiếu theo đó:

“Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.”

Như vậy, trái phiếu sẽ do công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam phát hành.

Theo quy định pháp luật hiện nay, có 02 hình thức chào bán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp là chào bán trái phiếu ra công chúngchào bán trái phiếu riêng lẻ. Tùy theo mỗi hình thức chào bán mà pháp luật quy định những điều kiện khác nhau, cụ thể:

2.1. Điều kiện phát hành, chào bán trái phiếu ra công chúng năm 2024

Căn cứ Điều 19 Nghị định 155/2019/NĐ-CP, điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng được quy định như sau:

  • Đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 15 Luật Chứng khoán, cụ thể:
    • Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
    • Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm;
    • Có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua;
    • Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác;
    • Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;
    • Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích;
    • Có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ về các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng;
    • Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua trái phiếu của đợt chào bán;
    • Tổ chức phát hành có cam kết và phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán.
  • Tổ chức phát hành hoặc trái phiếu đăng ký chào bán phải được xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong các trường hợp sau:
    • Tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất trong các báo cáo sau: báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét (trường hợp tổ chức phát hành là đối tượng phải công bố báo cáo tài chính bán niên được soát xét) bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận; hoặc
    • Tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất trong các báo cáo sau: báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét (trường hợp tổ chức phát hành là đối tượng phải công bố báo cáo tài chính bán niên được soát xét) bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.

2.2. Điều kiện phát hành, chào bán trái phiếu riêng lẻ năm 2024

  • Đối với Công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng:

Theo Điều 128 Luật Doanh nghiệp 2020, chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng được quy định như sau:

  • Chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng được quy định như sau là chào bán không thông qua phương tiện thông tin đại chúng cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và đáp ứng điều kiện về đối tượng mua trái phiếu riêng lẻ như sau:
    • Nhà đầu tư chiến lược đối với trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ và trái phiếu kèm theo chứng quyền riêng lẻ;
    • Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với trái phiểu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm theo chứng quyền riêng lẻ và loại trái phiếu riêng lẻ khác.
  • Công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng chào bán trái phiếu riêng lẻ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
    • Công ty đã thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã chào bán và đã đến hạn thanh toán hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt chào bán trái phiếu (nếu có), trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho các chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn;
    • Có báo cáo tài chính của năm trước liền kề năm phát hành được kiểm toán;
    • Bảo đảm điều kiện về tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định pháp luật;
    • Điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Đối công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán:

Theo Điều 31 Luật Chứng khoán 2019, các điều kiện bao gồm:

“1. Điều kiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ của công ty đại chúng bao gồm:

a) Có quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán; xác định rõ tiêu chí, số lượng nhà đầu tư;

b) Đối tượng tham gia đợt chào bán chỉ bao gồm nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

c) Việc chuyển nhượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu là 03 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu là 01 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật;

d) Các đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán gần nhất;

đ) Việc chào bán cổ phiếu, chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.

2. Điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Có quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thông qua phương án phát hành và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán; xác định rõ tiêu chí, số lượng, nhà đầu tư;

b) Đối tượng tham gia đợt chào bán chỉ bao gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

c) Việc chuyển nhượng trái phiếu chào bán riêng lẻ chỉ được thực hiện giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật;

d) Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã chào bán hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt chào bán trái phiếu (nếu có), trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho các chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn;

đ) Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận;

e) Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật (nếu có).

3. Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng chào bán cổ phiếu riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này bao gồm:

a) Có quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua phương án phát hành và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán; xác định rõ tiêu chí, số lượng nhà đầu tư;

b) Đáp ứng quy định tại các điểm b, c, đ và e khoản 2 Điều này.

5. Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu hiện có phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a và điểm d khoản 1 Điều này”.

Điều kiện phát hành trái phiếu năm 2024
Điều kiện phát hành trái phiếu năm 2024

3. Bảo lãnh phát hành trái phiếu là gì? Trái phiếu Chính phủ được phát hành bằng phương thức bảo lãnh phát hành không?

Bảo lãnh phát hành trái phiếu được giải thích tại Khoản 5 Điều 2 Nghị định 01/2011/NĐ-CP, theo đó “Bảo lãnh phát hành trái phiếu” là phương thức phát hành trái phiếu mà chủ thể phát hành bán trái phiếu thông qua các tổ chức bảo lãnh phát hành.

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 14 Nghị định 95/2018/NĐ-CP về phương thức phát hành trái phiếu chính phủ:

“7. Phương thức phát hành: Trái phiếu Chính phủ được phát hành theo phương thức đấu thầu phát hành, bảo lãnh phát hành và phát hành riêng lẻ theo quy định tại Điều 15, Điều 16 và Điều 17 Nghị định này”.

Như vậy, trái phiếu Chính phủ được phát hành bằng phương thức bảo lãnh phát hành.

4. Phân biệt cổ phiếu và trái phiếu theo quy định năm 2024

Tiêu chí

Trái phiếu

Cổ phiếu

Chủ thể phát hành

Chính phủ, doanh nghiệp (Doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn)

Công ty cổ phần

Bản chất

“Chứng khoán nợ” - người giữ trái phiếu sẽ trở thành chủ nợ của công ty, không làm tăng vốn của chủ sở hữu công ty.

“Chứng khoán vốn” - người mua cổ phiếu sẽ trở thành một phần của công ty, mang mục đích tăng vốn cho chủ sở hữu công ty

Lãi suất

Có 2 loại lãi suất chính là trả lãi định kỳ và không định kỳ

Không có lãi suất

Lợi nhuận

Chỉ có một mức giá cố định kèm với mức lãi suất đã quy định ban đầu

Phụ thuộc chủ yếu vào lợi nhuận của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp kinh doanh tốt thì cổ đông sẽ được trả lợi tức cao, đồng thời cổ phiếu nắm giữ càng có giá trị và ngược lại.

Nguồn trả lãi của doanh nghiệp

Là khoản chi phí trước thuế, được khấu trừ khi tính thuế

Nguồn trả cổ tức được trích từ lợi nhuận sau thuế

Thời gian đáo hạn

Có thời hạn xác định do doanh nghiệp/Chính phủ quy định

Không có thời gian xác định

Quyền điều hành đối với doanh nghiệp

Người mua trái phiếu là chủ nợ của doanh nghiệp, là người cho vay, nên sẽ không có bất kỳ các quyền điều hành gì với doanh nghiệp

Người mua cổ phiếu sẽ trở thành cổ đông công ty cổ phần, nắm một phần quyền sở hữu của doanh nghiệp. Do đó sẽ có một số quyền điều hành nhất định trong doanh nghiệp như: họp hội đồng hay bỏ phiếu bầu cử các chức vụ trong ban quản trị. Cổ đông sở hữu càng nhiều cổ phần, cổ phiếu thì quyền lợi được hưởng sẽ càng nhiều