Thủ tục làm giấy khai sinh cho con năm 2024

Giấy khai sinh là gì? Và trách nhiệm khi làm giấy khai sinh cho con

1. Giấy khai sinh là gì? Và trách nhiệm khi làm giấy khai sinh cho con

Theo khoản 6 Điều 4 Luật hộ tịch 2014 thì giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân cụ thể:

- Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;

- Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;

- Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.

Tại Điều 15 Luật hộ tịch 2014, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

Ngoài ra, Công chức tư pháp - hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động

Giấy khai sinh là một tài liệu pháp lý, giúp xác định và chứng minh danh tính của mỗi cá nhân. Nó cung cấp thông tin cần thiết về tên, ngày tháng năm sinh, giới tính và quốc tịch của người mới sinh. Giấy khai sinh cũng ghi nhận thông tin về cha mẹ và địa chỉ hiện tại của gia đình. Nhờ vào tài liệu này, chính quyền, tổ chức và cá nhân khác có thể xác định và chứng minh danh tính của người đó đảm bảo cho việc quản lý nhà nước chặt chẽ hơn.

2. Để làm giấy khai sinh cho con cần làm ở đâu?

Việc làm Giấy khai sinh cho con sẽ tùy vào từng trường hợp để lựa chọn cơ quan đăng ký cho phù hợp. Cụ thể:

Điều kiện

Nơi thực hiện

Luật áp dụng

Trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cả cha và mẹ đều là người Việt Nam

Người có trách nhiệm (cha, mẹ; ông hoặc bà hoặc người thân thích khác; cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ) sẽ làm Giấy khai sinh cho con tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ

Điều 13 Luật Hộ tịch 2014

1. Trẻ em được sinh ra tại Việt Nam:

a) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;

b) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

c) Có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

d) Có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;

2. Trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam:

a) Có cha và mẹ là công dân Việt Nam;

b) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.

Giấy khai sinh cho trẻ có yếu tố nước ngoài thì được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ

Điều 35 Luật Hộ tịch 2014

Trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại địa bàn xã đó còn mẹ hoặc cha là công dân nước láng giềng thường trú tại đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam tiếp giáp với xã ở khu vực biên giới của Việt Nam nơi công dân Việt Nam thường trú

Việc làm giấy khai sinh được thực hiện tại Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới

Điểm d khoản 1 Điều 7 Luật Hộ tịch 2014, khoản 1 Điều 17 Nghị định 123/2015/NĐ-CP

Trẻ là công dân Việt Nam có cha và mẹ cư trú ở nước ngoài nếu việc đăng ký đó không trái pháp luật của nước tiếp nhận và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên

Làm Giấy khai sinh tại Cơ quan đại diện

Điều 53 Luật Hộ tịch 2014

3. Thủ tục làm giấy khai sinh cho con cần chuẩn bị những đầu giấy tờ gì?

Tùy vào việc làm Giấy khai sinh có yếu tố nước ngoài hay không có yếu tố nước ngoài, hồ sơ chuẩn bị nộp lên cơ quan nhà nước sẽ khác nhau, cụ thể:

Thủ tục làm giấy khai sinh cho con năm 2024

Làm giấy khai sinh cho con cần chuẩn bị những đầu giấy tờ gì?

3.1. Hồ sơ làm Giấy khai sinh trong trường hợp không có yếu tố nước ngoài bao gồm:

3.1.1. Giấy tờ phải xuất trình:

- Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký khai sinh;

- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để chứng minh thẩm quyền đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn (trong giai đoạn chuyển tiếp).

Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực các giấy tờ phải xuất trình nêu trên.

3.1.2. Giấy tờ phải nộp:

- Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu.

- Bản chính Giấy chứng sinh; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;

- Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì phải có biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập.

- Trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ.

- Văn bản ủy quyền (được chứng thực) theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh.

(Mục II.1 phần II Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 1872/QĐ-BTP)

3.2. Hồ sơ làm Giấy khai sinh trong trường hợp có yếu tố nước ngoài bao gồm:

3.2.1. Giấy tờ phải xuất trình:

- Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký khai sinh;

- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền đăng ký khai sinh.

- Giấy chứng nhận kết hôn nếu cha, mẹ đã đăng ký kết hôn.

- Trường hợp trẻ em sinh ra ở nước ngoài, có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam hoặc cha và mẹ đều là công dân Việt Nam, chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài, về cư trú tại Việt Nam thì xuất trình giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam (như: hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh) và văn bản xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền về việc trẻ em đang cư trú tại Việt Nam.

Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực các giấy tờ phải xuất trình nêu trên.

3.2.2. Giấy tờ phải nộp:

- Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu.

- Giấy chứng sinh.

Trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có văn bản của người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.

Trường hợp trẻ em sinh ra tại nước ngoài thì nộp Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp xác nhận về việc trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ - con (nếu có);

- Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha, mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc lựa chọn quốc tịch cho con. Trường hợp cha, mẹ lựa chọn quốc tịch nước ngoài cho con, thì ngoài văn bản thỏa thuận lựa chọn quốc tịch còn phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước mà trẻ được chọn mang quốc tịch về việc trẻ có quốc tịch phù hợp quy định pháp luật của nước đó.

- Văn bản ủy quyền (được chứng thực) theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh.

(Mục I.1 phần II Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 1872/QĐ-BTP)

4. Làm Giấy khai sinh cho con mang họ mẹ được không?

Theo quy định tại Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch 2014 thì có 2 trường hợp con khai sinh có thể mang họ mẹ.

Trường hợp 1: Do bố, mẹ thỏa thuận

Khoản 1 Điều 4 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch 2014: Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán.

Trường hợp 2: Không xác định được bố

Khoản 2 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch 2014 quy định: Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.

5. Mức phạt khi đăng ký khai sinh muộn, quá hạn

Mức phạt đối với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký đúng thời hạn quy định tại Điều 27 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ghi rõ: “Cảnh cáo đối với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký đúng thời hạn quy định”.

Tuy nhiên, theo Điều 37 Nghị định 82/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/09/2020 đã bỏ quy định phạt CẢNH CÁO khi đăng ký khai sinh muộn. Do vậy, kể từ ngày nghị định 82/2020/NĐ-CP có hiệu lực việc đăng ký khai sinh có thể thực hiện bất cứ thời điểm nào.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Xin cấp lại khi bị mất giấy khai sinh

Bản sao giấy khai sinh có thời hạn bao lâu? Xin trích lục bản sao giấy khai sinh cần phải chuẩn bị những gì?

Có được lấy họ của cha là người nước ngoài để đăng ký khai sinh cho con ở Việt Nam không?

Hồ sơ, thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ được sinh ra do mang thai hộ

Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi? Trẻ bị bỏ rơi theo họ của ai?

Thủ tục làm Giấy khai sinh cho con khi chưa đăng ký kết hôn