Thời gian thử việc tối đa của người lao động là bao lâu?
Thời gian thử việc tối đa của người lao động là bao lâu?

1. Hợp đồng thử việc là gì?

Hợp đồng thử việc không được định nghĩa cụ thể, tuy nhiên tại khoản 1, Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

“Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc”.

Như vậy, có thể hiểu hợp đồng thử việc là thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động về công việc làm thử trước khi có thể làm chính thức. Trong thời gian thử việc người lao động và người sử dụng lao động sẽ phải thực hiện các quy định và nghĩa vụ như đã thỏa thuận trong hợp đồng thử việc.

Nội dung của hợp đồng thử việc và hợp đồng làm việc chính thức có nhiều điểm giống nhau và khác nhau. Các nội dung về chế độ nâng bậc, nâng lương, các nội dung về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hay đào tạo nâng cao trình độ được loại ra.

Nội dung chính của hợp đồng thử việc:

Nội dung chính của hợp đồng thử việc gồm các nội dung được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 23 của Bộ Luật lao động 2019. Cụ thể gồm có:

- Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp;

- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động;

- Công việc và địa điểm làm việc;

- Thời hạn của hợp đồng lao động;

- Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

Lưu ý: Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.

2. Thời gian thử việc tối đa của người lao động là bao lâu?

Thời gian thử việc ghi trong hợp đồng lao động được ấn định theo thỏa thuận giữa 2 bên là người sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, thời gian thử việc đồng thời sẽ phải tuân theo những quy định tại Điều 25 Bộ Luật lao động 2019. Cụ thể các quy định về thời gian thử việc như sau:

- Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

- Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

Như vậy, thời gian tối đa thử việc là không quá 180 ngày tuy nhiên sẽ chỉ áp dụng trong trường hợp đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp. Đa số các công việc hiện nay có thời gian thử việc thông thường sẽ là 60 hoặc 30 ngày. Trong một vài trường hợp người lao động có thể đề xuất thời gian thử việc ngắn hơn hoặc không thử việc do đã có kinh nghiệm làm việc tốt trong lĩnh vực và vị trí tương đương.

Thời gian thử việc tối đa của người lao động là bao lâu?
Thời gian thử việc tối đa của người lao động là bao lâu?

3. Quy định về tiền lương thử việc và kết thúc thời gian thử việc

- Tiền lương thử việc:

Căn cứ theo Điều 26 Bộ Luật lao động 2019 thì tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận. Tuy nhiên, tiền lương thử việc ít nhất phải bằng 85% mức lương chính thức của công việc đó.

Nếu người lao động làm việc cho doanh nghiệp thuộc vùng có mức lương tối thiểu vùng, thì mức lương thử việc không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng và phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với công việc đã qua học nghề, đào tạo nghề.

- Kết thúc thời gian nghỉ việc:

Theo Điều 27 Bộ luật Lao động 2019, khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.

Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc. Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.

Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

4. Lương thử việc có đóng thuế TNCN không?

Theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, Thông tư 111/2013/TT-BTC và các quy định khác liên quan thì khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động phải chịu thuế TNCN.

Do đó, tiền lương thử việc của người lao động cũng được tính là khoản thu nhập chịu thuế TNCN. Theo đó, việc khấu trừ thuế TNCN đối với khoản thu nhập từ tiền lương thử việc của người lao động như sau:

(1) Trường hợp 1: Người lao động thử việc ký hợp đồng thử việc hoặc thử việc với hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên

Trường hợp người lao động thử việc ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên thì tiền thuế TNCN đối với khoản thu nhập từ tiền lương thử việc của người lao động sẽ được tính theo Biểu thuế lũy tiến từng phần theo quy định tại Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

Theo đó, căn cứ tính thuế TNCN là thu nhập tính thuế và thuế suất.

Trong đó, thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ đi các khoản giảm trừ sau:

- Các khoản giảm trừ gia cảnh.

- Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện.

- Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

(2) Trường hợp 2: Người lao động ký hợp đồng thử việc hoặc thử việc với hợp đồng lao động dưới 03 tháng

Theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký HĐLĐ (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC) hoặc ký HĐLĐ dưới 03 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 2.000.000 đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.

Tuy nhiên, nếu người lao động chỉ có duy nhất thu nhập nêu trên nhưng tổng mức thu nhập chịu thuế sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì có thể làm cam kết gửi người sử dụng lao động để không bị khấu trừ thuế.

Lương thử việc có đóng thuế TNCN không?
Lương thử việc có đóng thuế TNCN không?

5. Đang thử việc có được đóng BHXH bắt buộc không?

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định một trong những trường hợp người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là có hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng,...

Theo quy định trên, người lao động làm việc theo hợp đồng thử việc sẽ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Do đó, thời gian thử việc của người lao động trong trường hợp này sẽ không được tính tham gia BHXH bắt buộc.

Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 cho phép người lao động thử việc theo hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động.

Việc lựa chọn giao kết theo một trong hai loại hợp đồng trên là thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Điều này sẽ có ảnh hưởng đến việc người lao động được đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian thử việc hay không.

Vì thế, nếu người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận về nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động thì người lao động sẽ trở thành đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Khi đó, thời gian thử việc của người lao động sẽ được tính vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.

Tóm lại, người lao động thử việc sẽ được đóng BHXH bắt buộc nếu như người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận về nội dung thử việc được ghi trong hợp đồng lao động đã ký kết.

6. Quyền và nghĩa vụ của người lao động

Quyền và nghĩa vụ của người lao động được quy định theo Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

- Người lao động có các quyền sau:

+ Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

+ Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;

+ Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật;

+ Yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;

+ Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;

+ Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

+ Đình công;

+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

- Người lao động có các nghĩa vụ sau:

+ Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác;

+ Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;

+ Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Người sử dụng lao động trả lương 18k/giờ có vi phạm pháp luật không?

Vi phạm nội quy công ty có bị phạt vào tiền lương không?

Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng, người lao động được bồi thường như thế nào?

Trường hợp nào người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động?

Người lao động đi làm vào ngày nghỉ bù thì có được tính lương không? Khi nào được nghỉ bù và cách tính lương nghỉ bù?