Người sử dụng lao động trả lương 18k/giờ có vi phạm pháp luật không?

Hiện nay, rất nhiều sinh viên đi làm thêm tại các thành phố lớn chỉ nhận lương 18 nghìn đồng một giờ. Vậy sinh viên đi làm thêm được trả lương tính theo giờ là bao nhiêu? Mức lương tối thiểu giờ áp dụng cho sinh viên làm thêm là gì? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chính xác về vấn đề này!

1. Đối tượng được áp dụng mức lương tối thiểu giờ từ 01/7/2022?

Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định về đối tượng áp dụng mức lương tối thiểu giờ bao gồm:

- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

- Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, bao gồm:

+ Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

+ Cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.

- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định này.

Như vậy, đối với người lao động, để được áp dụng mức lương tối thiểu theo giờ thì người lao động phải làm việc theo hợp đồng lao động quy định của Bộ luật lao động bao gồm:

+ Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

+ Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

2. Mức lương tối thiểu giờ theo quy định mới nhất?

Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu giờ như sau:

Vùng

Mức lương tối thiểu vùng

(đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ

(đồng/giờ)

Vùng I

4.680.000

22.500

Vùng II

4.160.000

20.000

Vùng III

3.640.000

17.500

Vùng IV

3.250.000

15.600

Một số khu vực thuộc vùng I, vùng II của hai thành phố lớn Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là:

- Vùng I :

+ Các quận và các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây thuộc thành phố Hà Nội;

+ Các quận, thành phố Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thuộc thành phố Hồ Chí Minh;

- Vùng II:

+ Các huyện còn lại thuộc thành phố Hà Nội;

+ Huyện Cần Giờ thuộc thành phố Hồ Chí Minh;

Như vậy, hiện nay mức lương tối thiểu mà sinh viên làm việc theo giờ sẽ được trả tùy thuộc theo vùng nơi sinh viên làm việc, cụ thể là từ 15.600 đồng/giờ đến 22.500 đồng/giờ. Bạn cần phải xem nơi mình lao động thuộc vùng nào trong Phụ lục ban hành kèm Nghị định trên để có thể căn cứ quy định về mức lương trên làm thỏa thuận với người sử dụng lao động.

3. Cơ chế đảm bảo quyền lợi của những đối tượng làm việc không có hợp đồng lao động như sinh viên, người phục vụ nhà hàng?

Quy định về mức lương tối thiểu giờ chỉ áp dụng đối với đối tượng người lao động có giao kết hợp đồng lao động. Vậy trong trường hợp những người lao động làm thêm giờ như học sinh, sinh viên,… làm các công việc bán thời gian để kiếm thêm thu nhập mà không có hợp đồng lao động thì được bảo vệ về mức lương tối thiểu như sau:

Căn cứ theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động 2019 quy định về người lao động làm việc không trọn thời gian như sau:

Điều 32. Làm việc không trọn thời gian

1. Người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.

2. Người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động làm việc không trọn thời gian khi giao kết hợp đồng lao động.

3. Người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương; bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.”

Theo đó, người lao động như học sinh, sinh viên làm các công việc không trọn thời gian vẫn được hưởng lương và có các quyền bình đằng như người lao động làm việc trọn thời gian. Do đó, người lao động bán thời gian vẫn được ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật và được áp dụng mức lương tối thiểu giờ theo quy định của Nghị định 38/2022/NĐ-CP.

Như vậy, sinh viên và có nguyện vọng đi làm thêm cần phải yêu cầu với người sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động với mình để sinh viên có thể hưởng mức lương tối thiểu theo giờ.

4. Đi làm thêm không được trả tiền thì phải làm sao?

Trường hợp thứ nhất nếu người lao động và người sử dụng lao động không kí kết hợp đồng lao động

Do giữa người lao động và người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động nên trường hợp này không thể căn cứ vào hợp đồng lao động để yêu cầu người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho người lao động. Bởi vậy để có căn cứ đòi lại tiền lương người sử dụng lao động không thanh toán, người lao động cần chứng minh được mình đã có khoảng thời gian làm việc thực tế.

Về việc chứng minh: Người lao động có thể nhờ đến sự làm chứng của những người làm cùng ca với người lao động (lập thành văn bản) để chứng minh cho việc người lao động đã làm việc trong thời gian qua. Sau đó người lao động nộp giấy tờ này cho người sử dụng lao động để yêu cầu trả lương cho người sử dụng lao động, trường hợp nếu người sử dụng lao động vẫn cố tình không giải quyết thì người lao động có thể làm đơn khởi kiện đến Sở lao động thương binh và xã hội, để nhờ cơ quan này can thiệp và hòa giải. Nếu sự hòa giải này vẫn không mang lại kết quả cho người lao động, thì người lao động có thể khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện (nơi đặt trụ sở của công ty) để Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Trường hợp thứ hai nếu người lao động và người sử dụng lao động có kí hợp đồng lao động

Trường hợp người lao động và người sử dụng lao động ký hợp đồng lao động thì người lao động có thể căn cứ vào hợp đồng lao động để yêu cầu người sử dụng lao động trả lương cho người lao động, nếu người sử dụng lao động không chịu trả thì người lao động có thể làm đơn khởi kiện đến Sở lao động thương binh và xã hội, để nhờ cơ quan này can thiệp và hòa giải. Nếu sự hòa giải này vẫn không mang lại kết quả cho người lao động, thì người lao động có thể khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện (nơi đặt trụ sở của công ty) để Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.