Nghỉ phép năm là gì? Nghỉ phép năm quy định mới nhất 2025 thế nào?
Nghỉ phép năm là gì? Nghỉ phép năm quy định mới nhất 2025 thế nào?

1. Nghỉ phép năm là gì?

Nghỉ phép năm hay còn được gọi là nghỉ hằng năm là một trong những quyền lợi cơ bản mà người lao động được hưởng trong một năm khi làm việc cho cho một doanh nghiệp, hay tổ chức.

Nghỉ hàng năm hiện nay được quy định tại Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, theo đó, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng. Tùy vào quy định của mỗi doanh nghiệp, tính chất công việc mà người lao động sẽ được hưởng chế độ nghỉ phép năm khác nhau.

2. Nghỉ phép năm quy định mới nhất 2025 thế nào?

2.1. Số ngày nghỉ phép trong năm quy định mới nhất 2025. Cách tính số ngày nghỉ phép năm theo thâm niên?

Số ngày nghỉ phép trong năm là 12, 14 hoặc 16 ngày tùy thuộc vào tính chất công việc, điều kiện làm việc. Theo quy định Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định về số ngày nghỉ phép trong năm như sau:

Điều 113. Nghỉ hằng năm

1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Ngoài ra, người lao động cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động được tăng thêm tương ứng 01 ngày.

Cụ thể, tại Điều 114 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:

Ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc

Cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 01 ngày.

Ví dụ: Người lao động làm việc đủ 12 tháng, làm công việc trong điều kiện bình thường được nghỉ phép trong năm là 12 ngày làm việc. Khi có đủ từ 5 năm làm việc cho 1 người lao động trở lên thì số ngày nghỉ phép năm tăng lên 13 ngày.

2.2. Nghỉ phép phải xin trước mấy ngày?

Hiện tại Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn liên quan không có quy định về thời gian báo trước khi xin nghỉ phép.

Trên thực tế, việc nghỉ phép năm yêu cầu người lao động phải thông báo trước với người sử dụng lao động, thời gian thông báo cụ thể không được quy định rõ trong luật mà phụ thuộc vào nội quy lao động của từng doanh nghiệp. Thông thường, các công ty yêu cầu người lao động nộp đơn xin nghỉ phép ít nhất từ 1 đến 3 ngày trước ngày dự kiến nghỉ, đặc biệt với trường hợp nghỉ dài ngày có thể cần thông báo sớm hơn. Đối với các tình huống nghỉ phép ngắn hạn hoặc đột xuất vì lý do cá nhân khẩn cấp, người lao động cần thông báo ngay lập tức hoặc sớm nhất có thể.

Nghỉ phép phải xin trước mấy ngày?
Nghỉ phép phải xin trước mấy ngày?

2.3. Tiền lương những ngày chưa nghỉ phép năm được tính thế nào?

Tại Khoản 3 Điều 67 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định như sau:

Tiền tàu xe, tiền lương trong thời gian đi đường, tiền lương ngày nghỉ hằng năm và các ngày nghỉ có hưởng lương khác

…3. Tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm theo khoản 3 Điều 113 của Bộ luật Lao động là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề tháng người lao động thôi việc, bị mất việc làm.

Theo đó, tiền lương ngày phép chưa nghỉ được tính theo công thức sau:

Tiền lương ngày phép chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết = (Tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề : Số ngày làm việc bình thường của tháng trước liền kề) x Số ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết

Giả sử:

  • Tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề: 10.000.000 đồng.
  • Số ngày làm việc bình thường của tháng trước liền kề: 20 ngày.
  • Số ngày phép chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết: 3 ngày.
  • Bước 1: Tính tiền lương một ngày làm việc

=> Tiền lương một ngày = 10.000.000 : 20 = 500.000 đồng.

  • Bước 2: Tính tiền lương ngày phép chưa nghỉ

=> Tiền lương ngày phép chưa nghỉ = 500.000 x 3 = 1.500.000 đồng.

Kết quả: Nhân viên sẽ nhận thêm 1.500.000 đồng cho 3 ngày phép chưa nghỉ.

Tiền lương những ngày chưa nghỉ phép năm được tính thế nào?
Tiền lương những ngày chưa nghỉ phép năm được tính thế nào?

3. Các câu hỏi thường gặp

3.1. Thời gian thử việc có được tính để hưởng ngày nghỉ hằng năm không?

Có, nếu sau thời gian thử việc, người lao động được nhận vào làm việc chính thức tại doanh nghiệp.

3.2. Nghỉ vì tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp có được tính là ngày làm việc để tính phép năm không?

Có, nhưng tổng thời gian nghỉ do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp không được vượt quá 06 tháng cộng dồn trong một năm.

3.3. Nghỉ hưởng chế độ thai sản có được tính để hưởng ngày nghỉ hằng năm không?

Có, toàn bộ thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định pháp luật bảo hiểm xã hội được tính là thời gian làm việc để hưởng ngày nghỉ hằng năm.

3.4. Nếu nhân viên gắn bó trên 5 năm thì cứ 1 năm sẽ được tính bao nhiêu ngày nghỉ?

Để được cộng thêm số ngày phép theo thâm niên, người lao động phải làm việc cho 01 người sử dụng lao động từ đủ 05 năm trở lên. Cứ đủ 05 năm làm việc, người lao động sẽ nghỉ thêm 01 ngày phép.­

3.5. Làm 10 năm thì được bao nhiêu ngày phép?

Làm việc từ năm thứ 10 đến hết năm thứ 15, người lao động được cộng thêm 02 ngày phép/năm, tức là có 14 phép/1 năm trong trường hợp lao động điều kiện bình thường.

3.6. Người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ lễ?

Theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, mỗi năm người lao động có tất cả 11 ngày nghỉ lễ, Tết và được hưởng nguyên lương, cụ thể:

  • Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
  • Tết Âm lịch: 05 ngày;
  • Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
  • Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
  • Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
  • Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

3.7. Có được chuyển ngày nghỉ phép sang năm sau không?

Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để chuyển ngày phép của năm nay sang năm sau.