Thuyết minh danh lam thắng cảnh (10 mẫu)

Thuyết minh danh lam thắng cảnh lớp 10 gồm dàn ý và 4 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 10 hay hơn.

1 508 29/05/2022
Tải về


Thuyết minh danh lam thắng cảnh - Ngữ văn 10

Dàn ý số 1

I. MỞ BÀI

- Giới thiệu: Chùa Hương là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam.

- Sau Tết Nguyên Đán là dịp chùa Hương mở hội, lễ hội kéo dài gần như suốt mùa xuân.

II. THÂN BÀI (Thuyết minh về chùa Hương)

- Vị trí của chùa Hương:

+ Thuộc xã Hương Sơn, huyện Mĩ Đức, tỉnh Hà Tây cũ. Nay thuộc Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng 70 km về phía Tây Nam.

+ Từ Hà Nội đi qua Hà Đông, qua Vân Đinh... đến bến Đục thì dừng xe, xuống đi dọc theo dòng suối Yến Vĩ chừng 3 km là đến đền Trinh.

- Đặc điểm chùa Hương:

+ Sự kết hợp hài hoà giữa núi non, sông suối và đồng ruộng, tạo nên khung cảnh thiên nhiên đa dạng, đẹp như một bức tranh sơn thuỳ.

+ Các ngôi chùa nằm rải rác từ chân núi lên đỉnh núi.

+ Động Hương Tích lớn nhất, đẹp nhất, được chúa Trịnh Sâm ban tặng 5 chữ: “Nam thiên đệ nhất động" (động đẹp nhất trời Nam).

+ Cảnh sắc kì diệu trong lòng động hiện ra trong ánh sáng huyền ảo. Chính giữa động có pho tượng Quán Thế Âm Bổ Tát. Xung quanh là những nhũ đá hình cây vàng, cây bạc, buồng tằm, nong kén, núi Cô, núi Cậu... và đặc biệt là hình chín con rồng trên vòm động.

- Giá trị tinh thần, văn hóa.

III. KẾT BÀI

- Cảm nghĩ của bản thân về cảnh đẹp chùa Hương.

- Chùa Hương không chỉ để lễ Phật cầu phúc mà còn để hoà mình với thiên nhiên tươi đẹp của quê hương, đất nước.

Dàn ý số 2

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần thuyết minh: danh lam thắng cảnh ở Hà Nội - chùa Một Cột.

2. Thân bài

a. Lịch sử hình thành

Chùa Một Cột nằm trong khu di tích chùa Diên Hựu, Thôn Thanh Bảo, Quảng Đức vào thời lý. Đến nay được gọi là Chùa Một Cột thuộc Ba Đình gần Lăng Bác, Hà Nội.

Chùa Một Cột được khởi công và xây dựng vào 10/1049 Âm lịch. Ngôi chùa được xây dựng theo một giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028 - 1054).

Có một lần vua Lý Thái Tông đã mơ thấy phật Quan Âm ngồi trên đài sen và dắt mình lên đài. Khi tỉnh dậy, Nhà Vua kể cho bề tôi nghe và được nhà sư Thiền Tuệ gợi ý nên xây dựng ngôi chùa và nhà vua đã dựa theo ý tưởng thiết kế của Thiền Tuệ để xây dựng Chùa Một Cột.

b. Kiến trúc của Chùa Một Cột

Ngôi chùa được thiết kế bằng gỗ ở phần dưới là cột đá tượng trưng cho thân sen, còn phía trên là đài sen.hùa gồm có đài Liên Hoa hình vuông, chiều dài mỗi cạnh chùa là 3m, mái cong cong, dựng trên cột đá cao 4m, đường kính 1,2m có cột đá là 2 khúc chồng lên nhau thành một khối.

Ngôi chùa được xây dựng vươn lên khỏi mặt nước là một kiến trúc độc đáo. Phía dưới là hồ hình vương bao quanh bởi gạch tráng men màu xanh.

c. Ý nghĩa văn hóa, lịch sử của chùa Một Cột

Chùa Một Cột là một trong những danh lam thắng cảnh được Bộ Văn hóa nước ta xếp hạng di tích lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc vào năm 4/1962.

Chùa Một Cột là biểu tượng của người Hà Nội ngàn năm văn hiến và được in đằng sau đồng tiền xu 5000 của Việt Nam.

3. Kết bài

Khái quát lại giá trị, ý nghĩa và vai trò của Chùa Một Cột.

Thuyết minh danh lam thắng cảnh (mẫu 1)

Trên mảnh đất hình chữ S nối dài hai đầu Tổ quốc không thiếu gì những danh lam thắng cảnh đẹp. Đó có thể là danh lam thắng cảnh tự nhiên nhưng cũng có thể là do bàn tay con người tạo nên, dù là bằng gì đi chăng nữa chúng ta cũng không thể phủ nhận một điều đó là thiên nhiên vô cùng ưu ái cho thiên nhiên con người Việt Nam. Trong những danh thắng nổi tiếng đó sẽ thật thiếu xót nếu bạn bỏ qua di tích chùa Hương. Một địa điểm văn hóa tâm linh không chỉ khiến khách du lịch trong nước mà ngay cả khách du lịch quốc tế cũng phải trầm trồ ca ngợi.

Chùa Hương nằm ở huyện Mỹ Đức tỉnh Hà Tây cách thủ đô Hà Nội khoảng 70km về phía tây nam. Từ Thủ đô bạn đi qua thị xã Hà Đông rồi đến thẳng bến đục thì dừng lại. Du khách xuống đò sẽ được hành hương dọc theo suối Yến Vĩ giữa hai cánh đồng lúa mênh mông. Một bức tranh phong cảnh như hoa như ngọc hiện lên với dãy núi trùng điệp trước mắt và cảnh trời mây giao hòa.

Điều đặc biệt đó là bức tranh thiên nhiên này được vun đắp nên từ bàn tay kì công của con người cùng với sự khéo léo của mẹ tạo hóa. Những ngôi chùa được xây dựng rải rác trên triền núi đá vôi thấp thoáng giữa không gian rừng xanh thẳm. Từ chân núi đi lên theo hàng ngàn bậc đá cheo leo bạn sẽ đến khu đền chùa với những tên gọi vô cùng độc đáo như: Chùa Giải Oan, Chùa Thiên Mụ với động Hinh Bồng và động Hương Tích. Ngôi chùa nào ở đây cũng có niên đại lâu năm không thể giấu đi được vẻ cổ kính và huyền bí lẫn trong một làn sương mờ ảo vô cùng linh thiêng. Đến đây bạn như được bỏ xuống tất cả những vướng bận phiền nhiễu đời thường tâm hồn vì thế cũng trở nên trong trẻo an tĩnh đến lạ thường.

Chùa Hương có rất nhiều những cảnh đẹp những không gian đẹp tuy nhiên nổi tiếng nhất có lẽ chính là động Hương Tích. Leo đến đây bạn sẽ thấy thật thoải mái thanh tịnh. Hoa mơ nở trắng như tuyết, hương thơm thoang thoảng trong gió, hòa với tiếng suối chảy róc rách vui tai. Từ trên cửa động bạn sẽ được hít thở bầu không khí vô cùng thanh sạch và thu trọn vào tầm mắt không gian cảnh vật nơi đây.

Động Hương Tích đã từng được chúa Trịnh Xâm ngợi ca như một “Nam thiên đệ nhất động”. Bên ngoài vào cửa động có hình như một con rồng khổng lồ ăn sâu trong lòng núi. Đáy rộng và phẳng có thể chứa đến mấy trăm người. Ánh đèn lung linh huyền ảo với muôn vàn hình nhũ đá, cột đá muôn hình vạn trạng lấp lánh như ánh sáng cầu vồng.

Khác với động Hương Tích, động Hinh Bồng lại khiến con người như được lạc vào một thế giới một xứ sở thần tiên với tiếng gió tiếng suối du dương trầm bổng khoan thai. Trên đỉnh núi này có một tảng đá lớn tương truyền đó chính là bàn cờ tiên. Mỗi năm nơi đây các vị tiên ông thường ngự để so tài cao thấp. Ngoài ra đến với chùa Hương bạn sẽ được lắng nghe rất nhiều những truyền thuyết vô cùng linh thiêng của một nơi phong cảnh huyền bí này.

Để dạo chơi thăm thú hết chùa Hương bạn phải bỏ rất nhiều thời gian vì không gian chùa vô cùng rộng lớn và có nhiều điểm du lịch hấp dẫn. Mỗi du khách đến đây ngoài việc cầu nguyện một năm mới an lành may mắn còn được đắm chìm trong một bức tranh thiên nhiên hữu tình. Du khách đến với chùa Hương khi quay gót ra về đều phải ngoái đầu nhìn lại và càng thêm tự hào vì một mảnh đất linh thiêng ngàn năm văn hiến nơi đây.

Thuyết minh danh lam thắng cảnh (4 mẫu) (ảnh 1)

Thuyết minh danh lam thắng cảnh (mẫu 2)

Lễ hội chùa Hương đã có từ lâu đời. Hằng năm, cứ sau Tết Nguyên Đán là lễ hội bắt đầu và kéo dài gần như suốt mùa xuân. Khách hành hương từ khắp mọi miền đất nước, Việt kiều và du khách nước ngoài nườm nượp đổ về đây vừa để cầu mong một năm mới tốt lành, vừa để được đắm mình trong khung cảnh thần tiên của Hương Sơn. Thắng cảnh Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 70 km về phía Tây Nam. Đi ô tô qua Hà Đông, Vân Đình, thẳng đến bến Đục thì dừng. Bắt đầu từ đây đã là địa phận Hương Sơn. Du khách xuống đò, lướt theo dòng suối Yến trong xanh chảy giữa hai bên là cảnh đồng lúa mơn mởn. Trước mắt là dãy núi trập trùng tím biếc, ẩn hiện trong mây trắng, đẹp vô cùng!

Có thể nói quần thể Hương Sơn là sự kết hợp tuyệt vời giữa kì công của tạo hoá với bàn tay khéo léo, tài hoa của con người. Các ngôi chùa được xây dựng rải rác trên triền núi đá vôi, thấp thoáng dưới rừng cây xanh thẳm. Từ chân núi trèo ngược lên hàng ngàn bậc đá cheo leo, gập ghềnh, khách hành hương sẽ lần lượt thắp nhang ở chùa Ngoài, rồi vào chùa Trong, lên chùa Giải Oan, chùa Thiên Trù với động Hinh Bồng... Chùa nào cũng cổ kính, uy nghi, đèn nến chập chờn giữa làn khói hương mờ mờ, ảo ảo, tạo nên không khí huyền bí, linh thiêng. Mỗi người đến chùa Hương với một tâm trạng, một ước nguyện riêng tư, nhưng điều chung nhất là cảm giác trút bỏ được những vướng bận hằng ngày của đời thường, cả thể xác lẫn tâm hồn đều lâng lâng, thoát tục. Trên con đường dốc quanh co, dòng người nối theo nhau lên xuống. Già, trẻ, gái, trai đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi miền quê. Lạ hoá thành quen qua câu chào: “Nam mô A Di Đà Phật". Nhiều cụ bà chít khăn mỏ quạ, áo tứ thân bằng the nâu thắt vạt, tràng hạt đeo trên cổ, tay chống cây gậy trúc, chân bước thoăn thoắt chẳng kém thanh niên. Tiếng “Nam mô” râm ran suốt mọi nẻo đường. 

Hương Sơn có rất nhiều hang động nhưng lớn nhất, kì thú nhất vẫn là động Hương Tích. Lên đến đây, du khách phóng tầm mắt nhìn bốn phía, mọi mệt nhọc sẽ tan biến hết, trong lòng lâng lâng niềm hứng khởi lạ thường. Trập trùng núi, trập trùng mây. Trên triền núi, dưới thung sâu, hoa mơ nở trắng như tuyết điểm, hương thơm thoang thoảng trong gió xuân. Tiếng chim ríu rít, tiếng suối róc rách văng vẳng lúc gần, lúc xa. Quả là một bức tranh thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình. Du khách khoan khoái hít căng lổng ngực không khí thơm tho, trong lành trước khi xuống động. Động Hương Tích được chúa Trịnh Sâm ca ngợi là “Nam thiên đệ nhất động”. Nhìn từ bên ngoài, cửa động giống như miệng một Con rồng khổng lồ đang há rộng. Động ăn sâu vào lòng núi. Đáy động bằng phẳng, có thể chứa được mấy trăm người. Ánh đèn, ánh nến lung linh. Những nhũ đá, cột đá muôn hình vạn trạng, lấp lánh bảy sắc cẩu vồng. Nào hòn Cậu, hòn Cô, nào nong tằm, né kén, nào cây bạc, cây vàng, cót thóc... Khách hành hương muốn cầu phúc, cầu lộc, cầu duyên... cứ việc thắp nhang rổi thành tâm khấn vái, biết đâu Trời sẽ thương, Phật sẽ độ trì cho được như ý.

Đi hội chùa Hương ít nhất phải hai ngày mới thăm hết được các chùa. Ngồi trong động Hinh Bổng, lắng tai nghe tiếng gió thổi tạo thành điệu nhạc du dương trầm bổng, ta sẽ đắm mình trong không khí mơ màng của cõi mộng. Trên đỉnh núi có tảng đá lớn và phẳng, tương truyền rằng đó là bàn cờ tiên. Mỗi năm một lần, các vị Tiên ông lại xuống trần, đọ tài cao thấp ở đó. Còn biết bao huyền thoại khác gắn liền với chùa Hương, tô đậm thêm vẻ kì bí và linh thiêng của danh lam thắng cảnh này.

Tạm biệt chùa Hương, trong tay mỗi du khách đểu có vài thứ mang về làm kỉ niệm. Chiếc khánh xà cừ buộc bằng chỉ đỏ đeo vào cổ lấy may, cây gậy trúc đã theo chân suốt cuộc hành trình, chuỗi hạt bồ đề, gói trà lão mai hay bó rau sắng xanh mướt mà nhà thơ Tản Đà đã nhắc đến trong thơ ông từ những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỉ trước: Muốn ăn rau sắng Chùa Hương/ Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa... Du khách lên xe ra về mà lòng bâng khuâng, lưu luyến, mong cho chóng đến mùa lễ hội năm sau. Chẳng ai bảo ai, mọi người cùng ngoái lại nhìn để in đậm thêm trong tâm tưởng bức tranh tuyệt mĩ của phong cảnh Hương Sơn, để càng thêm yêu mến, tự hào về giang sơn gấm vóc.

Thuyết minh danh lam thắng cảnh (mẫu 3)

Việt Nam ta tự hào khi sở hữu nhiều kỳ quan của tạo hóa, những di tích ghi dấu ấn tâm linh, cửa nhà Phật. Một trong những danh lam thắng cảnh trung hòa được cả vẻ đẹp thiên nhiên và vẻ đẹp Phật giáo không thể không kể đến chùa Hương.

Chùa Hương là một quần thể di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia, bao gồm nhiều ngôi đền, chùa, hang động đẹp, linh thiêng, nằm gần con sông Đáy, tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Về thời gian hình thành, chùa Hương được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ XVIII thời vua Lê – chúa Trịnh khi chúa Trịnh Sâm còn tại vị. Tuy ngôi chùa này rất nổi tiếng tại nước ta nhưng chùa Hương tại Hà Nội không phải là ngôi chùa Hương gốc, chùa là phiên bản của chùa Hương Tích tại Hà Tĩnh.

Lịch sử ghi chép lại rằng, sở dĩ xây dựng thêm chùa Hương tại Hà Nội vì phi tần của chúa Trịnh, đoạn đường từ kinh đô đến chùa Hương rất xa khiến chúa Trịnh không yên tâm mỗi dịp phi tần đi trẩy hội chùa Hương vì thế chúa Trịnh đã cho xây một ngôi chùa Hương khác tại vùng núi Hà Sơn Bình, góp phần tạo nên một chùa Hương kỳ ảo, thơ mộng.

Có thể nói, chùa Hương là sự giao thao hài hòa giữa nét đẹp thiên nhiên kỳ vĩ và vẻ đẹp tâm linh huyền bí, thiêng liêng. Ấn tượng đầu tiên khi đến với quần thể di tích chùa Hương là suối Yến trải dài, nhẹ nhàng trôi. Từ bến Trò qua một đoạn suối đến đến Trình thuộc quần thể chùa Hương, dâng hương báo cáo với thần Tướng người đến tham quan. Trên dòng suối Yến xuôi về khu vực chính của chùa Hương, du khách đi thuyền khoảng tiếng rưỡi thời gian, hai bên bờ suối có những núi, hòn trải dọc. Khu vực chính của chùa Hương được chia làm hai khu vực: chùa Ngoài và chùa Trong.

Chùa Ngoài tức là chùa Thiên Trù nằm tại chân núi Hà Sơn Bình có kiến trúc kiểu “ Ngũ môn tam cấp”, diện tích chùa rộng, đi sâu vào khu bảo thềm thứ ba là Tam Bảo nơi thờ Phật, dâng lễ, dâng hương. Đi tiếp qua Tam bảo là khu vực điện thờ thánh mẫu, gác tàng thư, nhà Tổ, tháp Thiên Thủy. Từ chùa Ngoài đến chùa Trong trên đỉnh núi là đoạn đường khá xa, khoảng 2 – 3 km, du khách có thể chọn đi bộ hoặc đi cáp treo, đường đến chùa Trong hầu hết là đường đất, có nhiều bậc thang, khá quanh co. Các chùa Giải Oan, chùa Hinh Bồng, chùa Tiên,…. Nằm phân bố trên đoạn đường lên núi.

Khác với chùa Thiên Trù, chùa Trong không phải do bàn tay con người xây dựng nên mà do thiên nhiên, tạo hóa ban tặng, chùa Trong hay “ Nam Thiên đệ nhất động” Hương Sơn động là hang động hùng vĩ ,huyền ảo. Từ chính diện cửa động đi vào là nơi thờ Phật chính, đặt tượng phật Bà Quan Âm, càng khám phá sâu bên trong động, càng thấy nhiều hòn mang hình thù gần gũi với con người như hòn Đụn gạo, núi Cô, núi Cậu,…..

Với vẻ đẹp kỳ ảo như vậy, chùa Hương đã trở thành một trong những điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước, mỗi dịp lễ hội chùa Hương, mùng 6 tháng Chạp Âm Lịch hàng năm, chùa Hương trở nên nhộn nhịp, có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như hát chèo, hát quan họ trên suối Yến. Không chỉ vậy, chùa Hương chính là nhân chứng của lịch sử, chứng kiến những thăng trầm, thay đổi triều đại, chiến tranh suốt ba thế kỉ, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp chùa Thiên Trù thuộc quần thể chùa Hương đã bị bom Pháp tàn phá nặng nề. Ngoài ra, chùa Hương đóng góp một phần không nhỏ giúp ngành du lịch nơi đây phát triển, mang lại nguồn lợi khổng lồ cho người dân.

Như vậy, quần thể di tích chùa Hương là sự hội tụ của những nét đẹp thiên nhiên, tạo hóa cùng với vẻ đẹp tâm linh, hơi thở Phật giáo, du khách vừa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp vừa được sống chậm lại, thư thái, bình yên tại đất linh thiêng.

Thuyết minh danh lam thắng cảnh (mẫu 4)

Việt Nam là một cư dân gốc nông nghiệp nên mang những nét đặc trưng của khu vực dân cư này, một trong số đó chính là tín ngưỡng sùng bái thần linh. Bởi vì làm nông nghiệp nên người nông dân luôn mong muốn cho thời tiết ôn hòa, mùa màng bội thu. Nhưng trong thực tế thì mưa bão, lũ lụt vẫn thường xuyên xảy ra làm cho mùa màng thất bát, thiệt hại không chỉ về tài sản mà còn về tính mạng con người. Vì vậy mà trong lịch sử lâu đời của dân tộc Việt Nam, người dân luôn tín ngưỡng, sùng bái các thế lực tự nhiên, thế lực thần tiên siêu nhiên để mong một cuộc sống tốt đẹp không còn khổ đau. Chùa chiền, đền đài được lập nên ở khắp nơi trên đất nước. Nhắc đến những ngôi chùa nổi tiếng của Việt Nam thì không thể không nhắc đến chùa Hương (hay còn gọi là Hương Tích).

Chùa Hương là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Việt Nam, chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mĩ Đức, thành phố Hà Nội. Ngôi chùa này được xây dựng vào khoảng thế kỉ mười bảy, nhưng trải qua cuộc chiến tranh ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Pháp thì chùa Hương đã bị tàn phá nặng nề năm 1947. Phải đến năm 1988 chùa Hương mới được phục dựng, tu sửa bởi Thượng tọa Thích Viên Thành. Tuy phụng dựng được những nét đặc trưng nhất, song diện mạo của Chùa Hương ngày nay vẫn không thể giống hoàn toàn như ngôi chùa Hương linh thiêng, tiên cảnh như năm xưa.

Nói về cảnh sắc chùa Hương linh thiêng, lại mang không khí như trên tiên cảnh, nhà thơ Chu Mạnh Chinh đã thể hiện niềm xúc động khôn xiết của mình khi được đặt chân đến mảnh đất Hương Sơn:

                                      Bầu trời cảnh bụt

                                      Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay

                                      Kìa non non, nước nước, mây mây

                                      Đệ nhất động hỏi rằng đây có phải?

                                      Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái

                                      Lững lờ khe yến cá nghe kinh

Chùa Hương thường được mở hội vào ngày mồng sáu tháng Giêng hàng năm và lễ hội kết thúc vào khoảng hạ tuần tháng ba âm lịch. Vào mỗi dịp Hương Sơn mở hội thì phật tử khắp bốn phương nô nức kéo về đây dâng hương lễ Phật tỏ lòng thành kính, cầu xin những điều tốt đẹp cho gia đình, bản thân. Hương Sơn từ lâu đã được coi là mảnh đất Phật, nơi quan thế âm Bồ Tát hiển linh tu hành, vì vậy mà chùa Hương vô cùng linh thiêng, chỉ cần thành tâm tu hành, cầu nguyện thì những ước nguyện trong cuộc sống của con người sẽ được thần linh giúp đỡ, tương trợ.

Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội lớn nhất ở khu vực miền Bắc mỗi dịp sau Tết Nguyên Đán, từ ngày mở hội, phật tử kéo về nơi đây nhiều như nước, khiến cho không gian lễ hội vô cùng tấp nập, nhộn nhịp. Từ chân núi Hương Sơn lên đỉnh núi phải đi bằng thuyền qua một con kênh nhỏ nhưng dài, uốn lượn vô cùng thi vị, cảnh sắc trên đường đi cũng khiến cho người ta cảm thấy choáng ngợp, ngỡ ngàng và hiểu được lí do vì sao mọi người lại gọi Hương Sơn là mảnh đất Tiên Phật, bởi nó quá đỗi đẹp đẽ, thoát tục. Hai bên đường đi chính là những cánh đồng cỏ, những cánh đồng lúa chín vàng làm cho bức tranh Hương Sơn thêm tươi đẹp, rực rỡ.

Ngày nay, bên cạnh phương tiện di chuyển chính là thuyền thì chính quyền huyện Hương Sơn còn cho xây dựng hệ thống cáp treo hiện đại, nhằm phục vụ cho mục đích đi lại của du khách thập phương và những du khách nước ngoài. Từ trên cáp treo nhìn xuống, du khách có thể đón nhận trọn vẹn nhất vẻ đẹp linh thiêng, kì vĩ của chùa Hương. Nếu trên đường đi không gian cảnh vật tuyệt vĩ vô thường thì khi đặt chân vào chùa Hương, ta sẽ có một cảm giác khác hẳn, đó chính là không gian linh thiêng của chùa chiền, là những nén nhang khói nghi ngút trong không gian, những mâm lễ đầy được dâng lên lễ phật.

Phật tử bốn phương thành tâm bái lạy khiến cho không gian linh thiêng, cổ kính. Dù có tín ngưỡng hay không nhưng một khi đã đặt chân vào chùa Hương thì mọi người đều có một cảm giác chung nhất đó chính là sự nhẹ nhõm trong tâm hồn. Lúc ấy con người trở về với những cảm xúc tự nhiên nhất, những gánh nặng, áp lực của cuộc sống cũng vô thức được buông bỏ. Mọi người đều thành tâm cầu xin những thứ tốt đẹp, may mắn cho mình và gia đình bằng sự thành tâm, chân thành nhất. Chính những điều kì diệu đó đã khiến cho chùa Hương là một địa điểm thu hút đông đảo du khách thập phương về đây mỗi năm.

Thuyết minh danh lam thắng cảnh (mẫu 5)

Chùa một cột nằm trong khu di tích chùa Diên Hựu, Thôn Thanh Bảo, Quảng Đức vào thời lý. Đến nay được gọi là Chùa Một Cột thuộc Ba Đình gần Lăng Bác, Hà Nội.

Được khởi công và xây dựng vào 10/1049 âm lịch. Trước kia chùa có rất nhiều tên khác nhau như chùa Mật (tiếng Hán-Nôm) và “Diên Hựu tự”, “Liên Hoa Đài”. Theo tìm hiểu của taxi 7 chỗ Hà Nội, Ngôi chùa được xây dựng theo một giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028-1054). Có một lần vua Lý Thái Tông đã mơ thấy phật quan âm ngồi trên đài sen và dắt mình lên đài. Khi tỉnh dậy, Nhà Vua kể cho bề tôi nghe và được nhà sư Thiền Tuệ gợi ý nên xây dựng ngôi chùa và nhà vua đã dựa theo ý tưởng thiết kế của Thiền Tuệ để xây dựng ngôi chùa.

Ngôi chùa được thiết kế bằng gỗ ở phần dưới là cột đã tượng trưng cho thân sen, còn phía trên là đài sen. Bên trong có tượng phật bà Quan Âm để thờ. Cho đến năm 1105, Vua Lý Nhân Tông cho mở rộng kiến trúc của chùa và xây dựng thêm hồ Linh Chiểu.Về sau, chùa chỉ còn lại ngôi chùa nhỏ như ngày nay. Gồm có đài Liên Hoa hình vuông, chiều dài mỗi cạnh chùa là 3m, mái cong cong, dựng trên cột đá cao 4 m, đường kính 1,2m có cột đá là 2 khúc chồng lên nhau thành một khối. Tiếp đến là hệ thống đòn bẩy để giữ thăng bằng cho ngôi chùa phía trên. Ngôi chùa được xây dựng vươn lên khỏi mặt nước là một kiến trúc độc đáo. Phía dưới là hồ hình vương bao quanh bởi gạch tráng men màu xanh.

Với vốn lịch sử mà taxi sân bay nội bài được biết thì cho đến năm 1840- 1850, ngôi chùa một cột được trùng tu và tôn tạo, lần tiếp theo là vào năm 1920. Vào năm 1955, Đài Liên Hoa được sửa chữa bởi kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng. Năm 1995, ngôi Tam bảo được trùng tu với tổng số tiền lên tới 500 triệu đồng. và tiếp theo là trùng tu nhà mẫu năm 1997 hết 200 triệu đồng.

Chùa một cột là một trong những danh lam thắng cảnh được bộ văn hóa nước ta xếp hạng di tích lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc vào năm 4/1962. Chùa Một Cột có một ý nghĩa lịch sử và văn hóa vô cùng to lớn. Đây cũng là biểu tượng của người Hà Nội ngàn năm văn hiến. Có một điều rất được được có thể bạn không để ý mà taxi nội bài Hà Nội sẽ nói đó là chùa một cột còn được in đằng sau đồng tiền xu 5000 của Việt Nam.

Nếu bạn có cơ hội du lịch 1 ngày Hà Nội thì chắc chắn các bạn không thể bỏ qua đó chính là Chùa Một Cột. Ngôi chùa tuy nhỏ bé nhưng nó là nét văn hóa của dân tộc và có nét kiến trúc riêng không đâu có được. Chính sử đặc biệt này mà hàng năm, khách du lịch đến đây rất đông và là nơi yêu thích của khách du lịch trong và ngoài nước.

Thuyết minh danh lam thắng cảnh (mẫu 6)

"Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời, càng tỏa mát hương hoa thơm Thủ đô...". Nhắc đến Hà Nội là nhắc đến hình ảnh Hồ Gươm trong xanh và bóng Tháp Rùa nghiêng nghiêng soi dáng. Hồ Gươm cùng quần thể kiến trúc của nó đã trở thành một biểu tượng đẹp đẽ và thiêng liêng về Hà Nội - trái tim hồng của cả nước.

Hồ Gươm đã tồn tại từ rất lâu. Cách đây khoảng 6 thế kỷ, theo những địa danh hiện nay, hồ gồm hai phần chạy dài từ phố Hàng Đào, qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt tới phố Hàng Chuối, thông với sông Hồng. Nước hồ quanh năm xanh biếc nên hồ Gươm cũng được gọi là hồ Lục Thuỷ.

Vào thế kỷ XV, hồ được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm. Sự kiện ấy gắn liền với truyền thuyết trả gươm thần cho Rùa Vàng của vị vua khai triều nhà Hậu Lê - người anh hùng của khởi nghĩa Lam Sơn chống lại giặc Minh (1417 - 1427), Lê Lợi. Truyền thuyết kể rằng khi Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, có người dân mò được một lưỡi gươm, sau đó chính ông nhặt được một cái chuôi ở trong rừng. Khi lưỡi gắn vào chuôi gươm thì thân gươm ánh lên hai chữ "Thuận Thiên" - "Thuận theo ý trời". Gươm báu này đã theo Lê Lợi trong suốt thời gian kháng chiến chống giặc Minh. Khi lên ngôi về đóng đô ở Thăng Long, trong một lần nhà vua đi chơi thuyền trên hồ Lục Thuỷ, bỗng một con rùa xuất hiện. Rùa vươn đầu cất tiếng nói: "Xin bệ hạ hãy hoàn lại gươm cho Long Quân". Lê Thái Tổ hiểu ra sự việc bèn rút gươm khỏi vỏ, giơ gươm ra thì gươm bay về phía con rùa. Rùa ngậm gươm lặn xuống đáy hồ, và từ đó hồ Lục Thuỷ có tên gọi mới là hồ Hoàn Kiếm (trả gươm) hay hồ Gươm. Chính truyền thuyết đặc sắc này đã khẳng định tấm lòng yêu chuộng hòa bình, ghét chiến tranh của người dân Thăng Long - Hà Nội nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Câu chuyện này đã được nhấn mạnh trong ngày lễ Hà Nội đón nhận danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình"

Sau đó, cũng vào thời Lê, hồ còn được dùng làm nơi tập luyện của thuỷ quân nên có lúc được gọi là hồ Thuỷ Quân.

Hồ Hoàn Kiếm là một thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Quanh hồ trồng nhiều loại hoa và cây cảnh. Đó là những hàng liễu rủ thướt tha, những nhành lộc vừng nghiêng nghiêng đổ hoa soi bóng dưới lòng hồ. Giữa hồ có tháp Rùa, cạnh hồ có đền Ngọc Sơn có "Đài Nghiên Tháp Bút chưa sờn"... Hình ảnh hồ Gươm lung linh giống như một tấm gương xinh đẹp giữa lòng thành phố đã đi vào lòng nhiều người dân Hà Nội. Người dân Hà Nội sống ở khu vực quanh hồ có thói quen ra đây tập thể dục vào sáng sớm, đặc biệt là vào mùa hè. Họ gọi các khu phố nằm quanh hồ là Bờ Hồ.

Không phải là hồ nước lớn nhất trong Thủ đô, song với nguồn gốc đặc biệt, hồ Hoàn Kiếm đã gắn liền với cuộc sống và tâm tư của nhiều người. Hồ nằm ở trung tâm một quận với những khu phố cổ chật hẹp, đã mở ra một khoảng không đủ rộng cho những sinh hoạt văn hóa bản địa. Hồ có nhiều cảnh đẹp. Và hơn thế, hồ gắn với huyền sử, là biểu tượng khát khao hòa bình (trả gươm cầm bút), đức văn tài võ trị của dân tộc (thanh kiếm thiêng nơi đáy hồ và tháp bút viết lên trời xanh). Do vậy, nhiều văn nghệ sĩ đã lấy hình ảnh Hồ Gươm làm nền tảng cho các tác phẩm của mình. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết:

"Hà Nội có Hồ Gươm

Nước xanh như pha mực

Bên hồ ngọn Tháp Bút

Viết thơ lên trời cao"

Và như thế, Hồ Gươm sẽ mãi sống trong tiềm thức mỗi người dân Thủ đô nói riêng và người dân cả nước nói chung như một biểu tượng thiêng liêng về lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc.

Thuyết minh danh lam thắng cảnh (mẫu 7)

Thành cổ Hà Nội là một khái niệm tương đối rộng và tùy theo cách hiểu của mỗi người nó có thể bao gồm những thành phần khác nhau. Chưa có một định nghĩa thống nhất cho cụm từ này. Theo cách hiểu của người viết bài, Thành cổ Hà Nội bao gồm Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn.

Mùa thu năm 1010, sau khi công bố Thiên đô chiếu, Lý Công Uẩn cùng các quần thần đã gấp rút xây dựng những công trình cơ bản của kinh thành Thăng Long. Đến đầu năm 1011 thì hoàn thành. Khi mới xây dựng, kinh thành Thăng Long được xây dựng theo mô hình Tam trùng thành quách gồm: vòng ngoài cùng gọi là La thành hay kinh thành, vòng thành thứ hai là Hoàng Thành, giữa hai lớp thành này là nơi sinh sống của cư dân, lớp thành còn lại là Tử cấm thành hay Cấm thành hay Long Phượng thành là nơi ở của nhà vua. Các thời sau đều theo cách ấy mà phân chia.

Năm 1029, Lý Thái Tôn xây dựng lại toàn bộ khu cấm thành sau khi nơi đây bị tàn phá bởi vụ Loạn Tam vương. Trên nền cũ điện Càn Nguyên, Lý Thái Tông cho dựng điện Thiên An làm nơi thiết triều. Hai bên tả hữu là điện Tuyên Đức và điện Thiên Phúc. Phía trước điện Diên An là sân Rồng có đặt một quả chuông lớn. Hai bên tả hữu sân Rồng có đặt gác chuông. Phía Đông, Tây sân Rồng là điện Văn Minh và điện Quảng Vũ, phía trước sân Rồng là là điện Phụng Tiên, trên điện có lầu Chính Dương là nơi báo canh báo khắc. Sau điện Diên An là điện Thiên Khánh hình bát giác. Sau điện Thiên Khánh là điện Trường Xuân. Trên điện Trường Xuân có gác Đồ Long. Từ điện Thiên Khánh nối với điện Thiên An ở phía sau đều có bắc cầu gọi là cầu Phượng Hoàng Năm 1203, vua Lý Cao Tôn bắt đầu một đợt xây dựng mới. Cung điện mới được xây ở phía Tây tẩm điện. Bên trái dựng điện Dương Minh, bên phải dựng điện Chính Nghi, ở trên xây điện Kính Thiên, thềm gọi là Lệ Giao. Ở giữa mở cửa Vĩnh Nghiêm, bên phải mở cửa Việt Thành, thềm gọi là Ngân Hồng. Đằng sau xây điện Thắng Thọ. Bên trái xây gác Nhật Kim, bên phải xây gác Nguyệt Bảo, xung quanh dựng hành lang thềm gọi là Kim Tinh. Bên trái gác Nguyệt Bảo là tòa Lương Thạch, phía Tây xây gác Dục Đường (nhà tắm). Phía sau xây gác Phú Quốc, thềm gọi là Phượng Tiêu. Phía sau dựng cửa Thấu Viên, ao Dưỡng Ngư trên ao xây đình Ngoạn Y. Ba mặt đình có trồng hoa thơm cỏ lạ, nước thông với sông. Ngoài ra các cung điện khác cũng được xây dựng liên tục, không đời nào không có, không mấy năm không có. Mỗi cung điện thường đều có tường bao xung quanh và làm cửa thông với cung điện khác. Ngoài cung điện, các vị vua nhà Lý còn cho xây dựng nhiều công trình văn hóa tín ngưỡng khác để phục vụ cho vua và hoàng tộc như: đền Quan Thánh, chùa Chân Giáo (nơi vua Lý Huệ Tông đã tu hành), đài Chúng Tiên dựng năm 1161 tầng trên lợp ngói bạc, hồ ao làm cảnh cũng được lập khá nhiều trong Hoàng Thành. Năm 1049, đào hồ Kim Minh vạn tuế, đắp núi đá cao ba ngọn trên mặt hồ và xây cầu Vũ Phượng đi vào, 10 năm sau lại xây thêm điện Hồ Thiên bát giác ở đấy. Năm 1051 đào hồ Thụy Thanh, hồ Ứng Minh. Năm 1098, đào hồ Phượng Liên và xây tại đây điện Sùng Uyên, bên trái lập điện Huy Dương, đình Lai Phượng bên phải dựng điện Ánh Thiềm, đình Át Vân, phía trước xây lầu Trường Minh, phía sau bắc cầu Ngoạn Hoa. Nhiều vườn ngự cũng được dựng nên trong Hoàng Thành. Mùa thu năm 1048, mở luôn 3 vườn ngự: vườn Quỳnh Lâm, vườn Thắng Cảnh và vườn Xuân Quang. Năm 1065, mở thêm vườn Thượng Lâm. Giữa thế kỷ XIV lại dựng một vườn ngự nữa nối liền với hậu cung. Theo sử cũ còn ghi giữa vườn có đào một cái hồ lớn: "Trong hồ chất đá làm núi, trên bờ hồ trồng thông, trúc và nhiều thứ kỳ hoa diệu thảo khác thêm vào đấy là chim quý thú lạ. Bốn mặt khai cho sông nước thông vào, gọi hồ ấy là hồ Lạc Thanh Trì. Về phía tây hồ trồng hai cây quế, dựng một tòa điện gọi là điện Lạc Thanh. Lại đào các hồ nhỏ khác, bắt người ở Hải Đông chở nước mặn chứa vào hồ ấy, đẻ nuôi các loài hải sản như đồi mồi cá biển và các loại ba ba. Rồi bắt người Hóa Châu bắt cá sấu thả vào đấy. Lại có hồ Thanh Ngư để nuôi cá Thanh Phụ (cá diếc đuôi đỏ vảy biếc)... Lại làm dãy hành lang ở tây điện thẳng đến cửa Hoàng Phúc, dựng dãy Trường Lang từ gác Nguyên Huyền đến cửa Đại Triều phía tây.

Sau khi chiến thắng giặc Minh, Lê Lợi vẫn đóng đô ở Thăng Long nhưng đổi tên là Đông Đô rồi Đông Kinh (1430). Về cơ bản Đông Đô thời Lê không khác nhiều Thăng Long đời Lý, Trần, Hồ chỉ có điều cung điện đền đài đã bị phá phách hết cả. Nhà Lê mới dần dần sửa chữa xây dựng thêm.

Từ năm 1490 cho đến thế kỷ XVI kinh thành mới có nhiều thay đổi. Trong thời gian này tường Hoàng thành cũng như Đại La thành luôn được xây đắp mở rộng thêm ra. Năm 1490, để đề phòng những nạn loạn đảng như Nghi Dân đang đêm trèo tường vào giết Lê Nhân Tôn ở trong cung, Lê Thánh Tôn cho xây lại Hoàng thành mở rộng thêm 8 dặm nữa. Công việc xây dựng trong 8 tháng mới xong. Trong Hoàng thành, Lê Thánh Tôn cũng cho xây thêm cung điện và lập vườn Thượng Lâm để nuôi bách thú. Năm 1512, Lê Tương Dực giao Vũ Như Tô đứng ra trông nom việc dựng hơn 100 nóc cung điện nguy nga, lại khởi công làm Cửu Trùng Đài mà sử cũ miêu tả là tuy chưa hoàn thành mà bóng rợp nửa hồ Tây. Năm 1514, Lê Tương Dực mở rộng Hoàng thành thêm mấy nghìn trượng (mỗi trượng là 3,6m) bao bọc cả điện Tường Quang, quán Trấn Vũ và chùa Kim Cổ Thiên Hoa. Từ năm 1516 đến năm 1527 là năm nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, kinh thành Thăng Long chìm trong loạn lạc. Hầu hết các cung điện kho tàng đền chùa cũng như phường phố bị thiêu đốt tàn phá nhiều lần. Trong nửa cuối thế kỷ XVI, cục diện Nam Bắc triều với một bên là nhà Mạc và một bên là Lê-Trịnh diễn ra quyết liệt với ưu thế ngày càng thuộc về phe Nam triều. Họ Trịnh lần lượt chiếm được nhiều tỉnh phía Bắc như Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Ninh... và đánh đến tận Thăng Long. Nhà Mạc phải rời bỏ kinh thành chạy lánh nạn nơi này nơi khác. Thăng Long ngày một điêu tàn. Đến năm 1585, không chịu nổi kiếp sống lưu vong trường kỳ như vậy, Mạc Mậu Hợp quyết định trở lại Thăng Long. Một đợt xây dựng đại quy mô được khởi động. Từ đó về sau cũng không có lần nào Hoàng thành được xây dựng quy mô như thế nữa. Năm 1599 Trịnh Tùng đuổi được nhà Mạc lên Cao Bằng tiến về tiếp quản Thăng Long. Hoàng Thành được tu sửa trong một tháng để đón vua Lê ra. Rồi từ ấy trở đi những cung điện mới xây ở đều nằm trong phủ Chúa. Hoàng thành bị bỏ hoang phế nhiều.

Năm 1788, Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh, Tôn Sĩ Nghị đem đại quân 29 vạn người sang chiếm Thăng Long không tốn một hòn tên mũi đạn. Dựa thế quân Thanh, Lê Chiêu Thống điên cuồng trả thù họ Trịnh. Phủ chúa bị Lê Chiêu Thống đốt trụi cháy ròng rã một tuần mới hết. Tất cả những gì liên quan đến chúa Trịnh ở Thăng Long bị phá sạch. Kinh thành lại một lần nữa ra tro. Đầu năm 1789, Quang Trung Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ ba đánh tan quân Thanh, Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, triều Hậu Lê kết thúc, Quang Trung định đô ở Phú Xuân. Thăng Long chỉ còn là Bắc thành. Năm 1802 sau khi tiêu diệt xong Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế. Kinh đô vẫn được đặt ở Phú Xuân. Thăng Long vẫn mang tên gọi là Thăng Long nhưng chữ "Long" là rồng bị chuyển thành chữ "Long" nghĩa là thịnh vượng, ý rằng nhà vua không còn ở đấy. Đồng thời những gì còn sót lại của Hoàng Thành sau những trận đại hủy diệt cuối thế kỉ XVIII cũng lần lượt bị các đời vua nhà Nguyễn chuyển nốt vào Phú Xuân phục vụ cho công cuộc xây dựng kinh thành mới. Chỉ duy có điện Kính Thiên và Hậu Lâu được giữ lại làm hành cung cho các vua Nguyễn mỗi khi ngự giá Bắc thành. Năm 1805, Gia Long cho phá bỏ tường của Hoàng Thành cũ vì cho rằng đây chỉ còn là Trấn Bắc thành mà Hoàng thành Thăng Long thì rộng lớn quá. Gia Long cho xây dựng thành mới theo kiểu Vauban của Pháp. Về quy mô thì nhỏ hơn thành cũ nhiều. Năm 1831, trong cuộc cải cách hành chính lớn, Minh Mạng đã cho đổi tên Thăng Long thành tỉnh Hà Nội. Cái tên này tồn tại cho đến năm 1888 khi nhà Nguyễn chính thức nhượng hẳn Hà Nội cho Pháp. Người Pháp đổi Hà Nội thành thành phố. Đến khi chiếm xong toàn Đông Dương, họ lại chọn đây là thủ đô của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp. Thành Hà Nội bị phá đi hoàn toàn để lấy đất làm công sở và trại lính cho người Pháp. Ngoại trừ cửa Bắc và cột cờ những gì còn sót lại của thành Hà Nội đến hôm nay chỉ là di chỉ khảo cổ và phục dựng.

Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu

Di tích này bao gồm tầng dưới cùng là một phần bên phía đông của thành Đại La dưới thời Cao Biền, nhà Đường, tầng trên là cung điện nhà Lý và nhà Trần, tiếp theo là một phần trung tâm của đông cung nhà Lê và trên cùng là một phần của trung tâm tòa thành tỉnh Hà Nội thế kỷ 19.

Thuyết minh danh lam thắng cảnh (mẫu 8)

Hồ Tây là hồ nước tự nhiên nằm ở phía Tây Bắc nội thành Hà Nội với diện tích khoảng 500ha, có đường vòng quanh hồ dài gần 20km. Ngành địa lý lịch sử đã chứng minh, Hồ Tây là hồ ngoại sinh, có dạng lòng chảo, là một đoạn của sông Hồng xưa trong quá trình ngưng đọng lại sau khi sông đổi dòng chảy. Hồ Tây trước đây còn có các tên gọi khác như Đầm Xác Cáo, Hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ. Mỗi tên gọi đều gắn với sự tích về nguồn cội của hồ Tây huyền thoại.

Sách Tây Hồ chí ghi rằng, Hồ Tây có từ thời Hùng Vương, bấy giờ nơi đây là một bến nằm giáp sông Hồng thuộc động Lâm Ấp, nên được gọi là bến Lâm Ấp thuộc thôn Long Đỗ. Ở vào thời Hai Bà Trưng, bến này thông với sông Hồng, bao bọc quanh hồ là rừng cây gồm nhiều loại thực vật chính như tre ngà, bàng, lim, lau sậy, gỗ tầm cùng một số loài thú quý hiếm sinh tồn.

Phía Tây hồ Tây ngày nay vẫn còn dấu vết nhiều làng cổ. Mỗi ngôi làng ở đây đều ít nhiều gắn với một huyền tích lịch sử. Làng Nghi Tàm, quê hương nhà thơ “Bà huyện Thanh Quan”. Làng Xuân Tảo với đền Sóc thờ Thánh Gióng. Làng Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh. Làng Thụy Khuê có chùa Bà Ðanh. Làng Nhật Tân với vườn hoa đào nổi tiếng. Có một nơi mà nhiều du khách muốn tới thăm là chùa Trấn Quốc. Chùa Trấn Quốc nằm trên bán đảo nhỏ giữa mênh mang sóng nước ngay bên đường Thanh Niên, con đường đẹp ngăn cách giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, có từ thế kỷ VI thời Lý Nam Đế. Hoà Thượng Thích Thanh Nhã, trụ trì chùa Trấn Quốc cho biết: “Vào năm 541-548 khởi đầu được gọi là chùa Khai Quốc, chùa được xây dựng ngoài bãi sông Hồng, sau này vào đời Hậu Lê ( thế kỷ 17) thì chuyển vào đây. Trước đây nơi này được gọi là bãi cá vàng, mà vua chúa thời xưa du xuân,du thuỷ, sau đó các vị cao tăng về đây tu hành. Ngôi chùa tính đến nay có lịch sử 1440 năm. Cư dân sinh sống ở đây rất thưa thớt, họ sống chủ yếu bằng nghề săn bắt thú rừng, tôm, cua, cá và trồng tỉa cây cối. Bên cạnh đó thì bờ phía Đông có Nha Lâm Động (nay là phố Yên Ninh, Hòe Nhai), bờ phía Nam có Bình Sa Động (thời Lý đổi là Giáp Cơ Xá (nay thuộc quận Hoàn Kiếm).

Ở thủ đô Hà Nội, hồ Tây là khu vực có hệ thống di sản, di tích đậm đặc. Chỉ riêng khu vực quanh hồ Tây hiện còn có hơn 20 ngôi đình, đền, chùa được xếp hạng với nhiều di tích nổi tiếng. Cứ mỗi khi xuân về, những di tích ấy thu hút hàng vạn khách thập phương trong và ngoài nước đến vãn cảnh, tham quan lễ chùa. Với lợi thế vị trí độc đáo, hồ Tây gần như bao trọn không gian văn hóa lịch sử gắn liền với nhiều truyền thuyết, các công trình nghệ thuật, kiến trúc, gắn với lịch sử ngàn năm thủ đô Hà Nội. Đây cũng là lý do mà nhiều du khách tới đây tìm hiểu khám phá hồ Tây. Với nhiều du khách, điều thích thú nhất là được tham quan hồ Tây bằng xe điện chạy quanh hồ. Ông Nguyễn Quang Lộc, nhà ở Quận Hai Bà Trưng cho biết: “Trước đây tôi chỉ nghe nói hồ Tây rộng, chứ chưa đi hết. Nhưng nay đi xe điện quanh hồ tôi biết thêm nhiều điều, hiểu thêm các làng nghề, các di tích, đình, chùa xung quanh hồ Tây”.

Ở thủ đô Hà Nội, hồ Tây là khu vực có hệ thống di sản, di tích đậm đặc. Chỉ riêng khu vực quanh hồ Tây hiện còn có hơn 20 ngôi đình, đền, chùa được xếp hạng với nhiều di tích nổi tiếng. Cứ mỗi khi xuân về, những di tích ấy thu hút hàng vạn khách thập phương trong và ngoài nước đến vãn cảnh, tham quan lễ chùa. Với lợi thế vị trí độc đáo, hồ Tây gần như bao trọn không gian văn hóa lịch sử gắn liền với nhiều truyền thuyết, các công trình nghệ thuật, kiến trúc, gắn với lịch sử ngàn năm thủ đô Hà Nội. Đây cũng là lý do mà nhiều du khách tới đây tìm hiểu khám phá hồ Tây. Với nhiều du khách, điều thích thú nhất là được tham quan hồ Tây bằng xe điện chạy quanh hồ. Ông Nguyễn Quang Lộc, nhà ở Quận Hai Bà Trưng cho biết: “Trước đây tôi chỉ nghe nói hồ Tây rộng, chứ chưa đi hết. Nhưng nay đi xe điện quanh hồ tôi biết thêm nhiều điều, hiểu thêm các làng nghề, các di tích, đình, chùa xung quanh hồ Tây”.

Hồ Tây ngày nay còn là lá phổi xanh của thành phố. Hồ Tây không chỉ đẹp bởi mặt nước xanh mênh mông, mà còn là vẻ đẹp thơ mộng bởi sắc tím của hoa bằng lăng, vẻ rực rỡ của những cánh hoa phượng hồng mỗi độ hè về. Mặt nước hồ luôn phảng phất những làn gió mát, khiến tâm hồn con người thêm thư thái. Với không gian như thế, hồ Tây thực sự là nơi đến thư giãn của nhiều người Hà Nội.

Từ chốn rừng rậm, đầm lầy hoang hóa, qua công lao khai khẩn xây dựng của bao thế hệ, trong đó có sự đóng góp rất lớn của một số vương phi các triều đại, Hồ Tây đã trở thành một thắng cảnh văn hóa - du lịch nổi tiếng của Kinh đô Thăng Long - Hà Nội. Vì vậy chúng ta hãy chung ta cùng bảo tồn và phát triển thắng cảnh này.

Thuyết minh danh lam thắng cảnh (mẫu 9)

Chùa Thiên Mụ là một ngôi chùa nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía tây. Chùa Thiên Mụ chính - khởi xây năm Tân Sửu (1601), đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng, vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong. Có thể nói Thiên Mụ là ngôi chùa cổ nhất của Huế.

Lúc đó, nó chỉ là một ngôi thảo am nhỏ do người dân mới di cư đến vùng lập nên. Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì vào năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng qua đây thấy cảnh trí đẹp và được nhân dân địa phương kể chuyện rằng: Có một tiên áo đỏ quần lục xuất hiện trên ngọn đồi này và nói rồi đây sẽ có bậc chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí cho bền long mạch. Nói dứt lời, bà tiên biến mất. Từ nhân dân gọi là đồi Thiên Mụ (người đàn bà nhà trời). Chúa liền cho dựng trên đồi và đặt tên là Linh Mụ Tự. Các đời chúa sau nhu Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) và Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) cũng đã tu bổ và mở rộng chùa thành một chùa lớn. Năm 1844, vua Thiệu Trị cho dựng tháp Phước Duyên.

Năm Giáp Thìn (1904), bão lớn ở Huế làm cho chùa bị đổ nát. Năm 1907 Thành Thái cho trùng tu, quy mô chùa từ đấy không còn to lớn như trước nhưng vẫn cổ kính, trang nghiêm.

Chùa được bao quanh bằng khuôn tường xây đá hai vòng trong, ngoài. Khuôn viên chùa được chia làm hai khu vực. Khu vực trước cửa Nghi Môn gồm có các công trình kiến trúc: Bến thuyền đúc bê tông có 24 bậc tam cấp lên xuống, cổng tam quan là bốn trụ biểu xây sát đường cái, từ cổng tam quan bước lên 15 bậc tam cấp là đình Hương Nguyện (nay chỉ còn lại nền đất và bộ móng xây bằng đá thanh), sau đình Hương Nguyện là tháp Phước Duyên xây bằng gạch vồ bảy tầng cao vòi vọi, hai bên Hương Nguyện có hai lầu hình tứ giác (dựng từ thời Triệu Trị lui về phía trong có hai lầu hình lục giác - một lầu để bia và một lầu để chuông (dựng thời Nguyễn Phúc Chu). Đây là những công trình có tính chất lưu niệm (bia, tháp). Khu vực phía trong của Nghi Môn gồm các điện: Đại Hùng, Địa Tạng, Quan Âm, nhà trai, nhà khách, vườn hoa, sau cùng là vườn thông tĩnh mịch.

Chùa Thiên Mụ là ngôi chùa cổ nhất, kiến trúc đồ sộ nhất và cũng là ngôi chui đẹp nhất của xứ Huế. Vua Thiệu Trị Liệt cánh chùa Thiên Mụ vào một trong 21 thắng cảnh được thể hiện trong bài thơ Thiên Mụ chung Thanh. Năm 1695, chúa Nguyễn Phúc Chu đã mở đại giới đàn rất long trọng tại chùa và mời ngài Thích Đại Sán - một vị cao tăng người Trung Quốc tới Phú Xuân.

Ngày nay, chùa Thiên Mụ vẫn huy hoàng, tráng lệ chính nhờ công lao trùng tu và xây dựng của nhiều vị chân tu và đạo hữu xa gần suốt mấy chục năm qua.

Thuyết minh danh lam thắng cảnh (mẫu 10)

Huế vốn là nơi qui tụ nhiều di tích thắng cảnh, nhiều ngôi chùa cổ kính nổi tiếng của Việt Nam. Nhưng ngôi chùa xưa nhất có lẽ phải kể đến chùa Thiên Mụ - nơi có sự tích ra đời gắn liền với bước chân mở đường của vị chúa Nguyễn đầu tiên xứ Đàng Trong.

Truyền thuyết kể rằng, khi Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên phía đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Hỏi ra mới biết, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê. Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh“. Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn (núi Thiên Mụ). Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng. Ông cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là “Thiên Mụ Tự” (chùa Thiên Mụ).

Trong thực tế, ở đây đã từng tồn tại một ngôi chùa của người Chàm - di tích được nhắc đến trong sách Ô châu cận lục của Dương Văn An vào năm 1553. Nhưng phải đến năm 1601 với quyết định của chúa Nguyễn Hoàng, chùa mới chính thức được xây dựng.

Theo đà phát triển và hưng thịnh của Phật giáo xứ Đàng Trong, chùa được xây dựng lại quy mô hơn dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Năm 1710, chúa cho đúc một chiếc chuông lớn có khắc một bài minh trên đó. Đến năm 1714, chúa lại cho đại trùng tu chùa với hàng chục công trình kiến trúc hết sức quy mô như điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, phòng Tăng, nhà Thiền... mà nhiều công trình trong số đó ngày nay không còn nữa. Ông còn đích thân viết bài văn bia nói về việc xây dựng các công trình kiến trúc ở đây, ca tụng triết lý của đạo Phật, ghi rõ sự tích Hòa thượng Thạch Liêm - người có công lớn trong việc giúp chúa Nguyễn chấn hưng Phật giáo ở Đàng Trong. Bia được đặt trên lưng một con rùa đá rất lớn, trang trí đơn sơ nhưng tuyệt đẹp.

Với quy mô được mở rộng và cảnh đẹp tự nhiên, ngay từ thời đó, chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong. Trải qua bao biến cố lịch sử, chùa Thiên Mụ đã từng được dùng làm đàn Tế Đất dưới triều Tây Sơn (khoảng năm 1788), rồi được trùng tu tái thiết nhiều lần dưới triều các vua nhà Nguyễn. Năm 1844, nhân dịp mừng lễ “bát thọ“ (mừng sinh nhật thứ tám mươi) của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ vua Gia Long, bà nội của vua Thiệu Trị), vua Thiệu Trị kiến trúc lại ngôi chùa một cách quy mô hơn: Xây thêm tháp Từ Nhân (sau đổi là Phước Duyên), đình Hương Nguyện và dựng 2 tấm bia ghi chép thơ văn của nhà vua.

Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp cao 21m, gồm bảy tầng, được xây dựng ở phía trước chùa. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng. Phía trước tháp là đình Hương Nguyện.

Chùa Thiên Mụ được xếp vào hai mươi thắng cảnh đất Thần Kinh với bài thơ “Thiên Mụ chung thanh” do đích thân vua Thiệu trị sáng tác và được ghi vào bia đá dựng gần cổng chùa. Năm 1862, dưới thời vua Tự Đức, để cầu mong có con nối dõi, nhà vua sợ chữ “Thiên” phạm đến Trời nên cho đổi từ “Thiên Mụ” thành “Linh Mụ” (Bà mụ linh thiêng). Mãi đến năm 1869, vua mới cho dùng lại tên Thiên Mụ như trước. Bởi vậy trong dân gian, người ta vẫn dùng cả hai tên khi muốn nhắc đến chùa này.

Trận bão khủng khiếp năm 1904 đã tàn phá chùa nặng nề. Nhiều công trình bị hư hỏng, trong đó đình Hương Nguyện bị sụp đổ hoàn toàn. Qua nhiều đợt trùng tu lớn nhỏ, ngoài những công trình kiến trúc như tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm... cùng bia đá, chuông đồng, chùa Thiên Mụ ngày nay còn là nơi có nhiều cổ vật qúi giá không chỉ về mặt lịch sử mà còn cả về nghệ thuật. Những bức tượng Hộ Pháp, tượng Thập Vương, tượng Phật Di Lặc, tượng Tam Thế Phật... hay những hoành phi, câu đối ở đây đều ghi dấu những thời kỳ lịch sử vàng son của chùa Thiên Mụ.

Trong khuôn viên của chùa là cả một vườn hoa cỏ được chăm sóc vun trồng hàng ngày. Ở đó, hòn non bộ của vị tổ nghề hát tuồng Việt Nam Đào Tấn được đặt gần chiếc xe ô tô - di vật của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức để lại trước khi châm lửa tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963. Cuối khu vườn là khu mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu, vị trụ trì nổi tiếng của chùa Thiên Mụ, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho những hoạt động ích đạo giúp đời.

Tọa lạc bên bờ sông Hương thơ mộng của miền Trung, chùa Thiên Mụ với kiến trúc cổ kính đã góp phần điểm tô cho bức tranh thiên nhiên nơi đây càng thêm duyên dáng, thi vị. Tiếng chuông chùa như linh hồn của Huế, vang vọng mãi theo dòng nước sông Hương chảy qua trước Kinh Thành, xuôi về cửa biển, đọng lại trong lòng khách phương xa đến Huế một nỗi niềm vương vấn chốn Thiền Kinh.

Xem thêm các bài văn mẫu Ngữ văn 10 hay, chi tiết khác:

Thuyết minh về tác giả văn học

Thuyết minh về Nguyễn Trãi

Thuyết minh về tác phẩm Bình Ngô đại cáo

Thuyết minh về Nguyễn Du

Thuyết minh về Trương Hán Siêu và Phú sông Bạch Đằng

1 508 29/05/2022
Tải về