Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất (10 mẫu)

Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất lớp 10 gồm dàn ý và 4 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 10 hay hơn.

1 2,927 26/05/2022
Tải về


Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất - Ngữ văn 10

Dàn ý số 1

I. MỞ BÀI

- Giới thiệu mối quan hệ của bản thân với người mà mình đã có được kỉ niệm giàu ấn tượng và sâu sắc (ông bà, cha mẹ, bạn bè, thầy cô…).

- Kể lại hoàn cảnh nảy sinh kỉ niệm ấy (trong một lần về thăm quê, trong một lần cùng cả lớp đi chơi, đi học nhóm hoặc trong một lần được điểm tốt, hay một lần mắc lỗi được thầy cô rộng lượng phân tích và tha thứ...).

II. THÂN BÀI

1. Giới thiệu chung về tình cảm của bản thân với người mà ta sắp xếp (tình cảm gắn bó lâu bền hay mới gặp, mới quen, mới được thầy (cô) dạy bộ môn hay chủ nhiệm…).

2. Kể về kỉ niệm.

- Câu chuyện diễn ra vào khi nào?

- Kể lại nội dung sự việc.

+ Sự việc xảy ra thế nào?

+ Cách ứng xử của mọi người ra sao?

Ví dụ: Vào giờ kiểm tra, tôi không học thuộc bài nhưng không nói thật. Tôi tìm đủ lí do để chối quanh co (do mẹ tôi bị ốm…). Nhưng không ngờ hôm trước cô có gọi điện cho mẹ trao đổi về tình hình học tập của tôi. Nhưng ngay lúc ấy cô không trách phạt. Để giữ thể diện cho tôi, cô mời tôi cuối giờ ở lại để "hỏi thăm" sức khoẻ của mẹ tôi…

- Kỉ niệm ấy đã để lại trong bản thân điều gì? (Một bài học, thêm yêu quý ông bà, bạn bè, thầy cô hơn…).

III. KẾT BÀI

- Nhấn mạnh lại ý nghĩa của kỉ niệm ấy.

- Tự hào và hạnh phúc vì có được người ông (bà, cha mẹ, bạn, thầy cô …) như thế.

Dàn ý số 2

I. Mở bài

Giới thiệu về câu chuyện mà em định kể lại (về người thân, thầy cô hay bạn bè).

II. Thân bài

1. Giới thiệu chung về đối tượng

- Đối tượng đó là ai: ông, bà, bố, mẹ, anh, chị, thầy cô, bạn bè…

- Một vài nét về ngoại hình, tính cách.

2. Kể lại kỉ niệm sâu sắc

- Thời gian diễn ra câu chuyện.

- Diễn biến của câu chuyện.

- Kết quả của câu chuyện.

- Cảm xúc của em đối với người đó sau kỷ niệm.

III. Kết bài

Nêu tình cảm của em dành cho người đó.

Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất (mẫu 1)

Ba mẹ tôi chia tay từ sớm, mẹ đưa tôi rời bỏ quê hương đến một vùng đất mới để sinh sống. Khi ấy tôi còn nhỏ tôi chưa biết thế nào là cực khổ, vất vả, tôi chỉ biết gia đình tôi nghèo hơn những gia đình khác. Nếu mâm cơm bình thường mọi nhà mỗi người sẽ có một quả trứng, thì nhà tôi chỉ có duy nhất một quả cho hai mẹ con. Nếu nhà mọi người được làm bằng gỗ, láng si măng thì nhà tôi được quây lại bằng những phên nứa ọp ẹp mà chỉ cần một cơn mưa to là có thể đổ ập. Nhưng mẹ tôi là một người phụ nữ kiên cường. Những năm đói khổ ấy mẹ vẫn vững vàng trước mọi giông tố nuôi tôi khôn lớn.

Mẹ tôi nhỏ người, thấp và gầy. Khuôn mặt mẹ tròn và những đường nét trên mặt rất đẹp. Dù phải chịu nhiều vất vả, khổ cực nhưng cũng không làm phai mờ nét đẹp đó của mẹ. Đôi lông mày đen dài dài, uốn cong cong, ôm trọn lấy đôi mắt trong, sáng và có hồn. Đôi mắt mẹ, tôi ít thấy tươi vui, trong mắt ngập đầy nỗi buồn và ưu tư. Nhưng cũng có đôi khi tôi thấy đôi mắt ấy cười, nhất là những ngày mẹ đi làm được nhiều tiền hơn, hôm ấy bữa ăn đủ đầy và nhìn thấy tôi ăn ngon miệng, hết bát này đến bát khác. Niềm vui của mẹ thật bình dị. Da mẹ trước đây rất trắng, hồng hào, tôi đã từng xem một bức ảnh của mẹ, nhưng từ ngày dời quê hương, phải vất vả kiếm sống da mẹ đã sạm dần, những vết nhăn cũng xuất hiện trên mặt. Tôi thích giọng mẹ nói, giọng mẹ hát ru. Những trưa hè nghe tiếng mẹ ru ngọt ngào: “Đôi làn môi con ….” dù có nóng nực cũng khiến tôi chìm sâu vào giấc ngủ.

 Những năm đầu sống ở đây cuộc sống của hai mẹ con rất chật vật, vất vả. Mẹ tôi làm đủ nghề, đi chợ huyện, bán hàng,… để trang trải cuộc sống. Mẹ hay cáu gắt và khe khắt với tôi. Bất cứ lỗi nào, dù nhỏ mẹ cũng mắng và tệ hơn là đánh. Đôi khi tôi rất ghét mẹ, vì mẹ đã đối xử tệ bạc với tôi. Nhưng tôi đâu thấu hiểu nỗi lòng của một bà mẹ phải tự mình nuôi con. Sợ tôi được nuông chiều đâm hư hỏng, nên mẹ khắt khe với tôi hơn những người mẹ khác.

Nhưng có lẽ để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi chính là ngày hôm ấy. Trước khi mẹ được nhận làm giáo viên ở trường mầm non và cuộc sống hai mẹ con bớt chật vật, sáng nào mẹ cũng dậy từ 3 giờ, đi chợ huyện để bán hàng. Hôm ấy như mọi ngày mẹ đi chợ vào sáng sớm và để tôi ở nhà tự lo liệu mọi việc. Nhưng hôm ấy thay vì như mọi lần tôi ở nhà ngoan ngoãn, đợi mẹ về thì tôi lại cùng chúng bạn vào rừng lấy củi từ sớm. Tôi muốn tạo cho mẹ một bất ngờ, tôi muốn cho mẹ thấy tôi đã trưởng thành và có thể giúp đỡ của mẹ. Mọi chuyện vẫn êm đẹp nếu tôi không nổi hứng cùng chúng bạn nhảy xuống sông nghịch nước. Ban đầu tôi men ở gần bờ, rồi sau đi ra ngày một xa mà không hề biết. Tôi bất ngờ trượt chân vào vùng nước sâu, tôi chới với, khua chân, đập tay cầu cứu. Rồi tôi lả dần, lịm đi và không còn biết gì nữa.

Có lẽ sau đó ai đấy nhìn thấy nên đã ra cứu tôi, mang tôi về nhà, có lẽ lúc ấy tôi đã như một con cá mắc cạn, người lả đi, môi tím tái. Tôi không biết gì cả cho đến sáng hôm sau, lờ mờ mở mắt ra thì thấy mẹ ngủ gục bên cạnh. Trên mặt mẹ vẫn còn ướt đẫm nước mắt, những giọt nước mặt vẫn còn vương trên mi, tay mẹ nắm chặt lấy tay tôi. Tôi thấy người mỏi và nóng nên khẽ cựa mình. Thấy tôi cử động, mẹ choàng tỉnh, cuống cuồng hỏi han và ôm lấy tôi. Mẹ ghì chặt tôi vào lòng, có cảm giác tôi không thể thở được nữa. Có lẽ mẹ sợ mất tôi. Người thân duy nhất còn lại bên mẹ. Mẹ để tôi nằm xuống không mắng mỏ, không quát tháo, chỉ nhìn, nhìn thấu tôi,… đôi mắt vừa sầu bi, buồn thảm vừa vui mừng,… tôi không biết diễn tả sao cho hết ánh mắt ấy. Chỉ biết đến tận bây giờ tôi vẫn ám ảnh.

Một đêm thức chăm tôi mẹ gầy rộc đi, có lẽ vì lo cho tôi mà mẹ gầy nhanh đến vậy, mẹ bỏ bê cả buôn bán, chợ búa – việc mà mẹ yêu nhất trên đời, mẹ chưa bỏ buổi chợ nào kể cả những ngày mưa bão hay gió lạnh. Mẹ ở nhà quanh quẩn bên tôi, tôi cần gì mẹ sẽ đem đến tận nơi. Lần đầu tiên tôi thấy mẹ mình như vậy. Nhà tôi vốn nghèo nên chẳng có gì tẩm bổ, nên những bữa cơm hôm đó mẹ nhường cả quả trứng bé tí hon cho tôi ăn. Mẹ chỉ ăn rau và luôn nói, có rau là đủ chất rồi. Còn tôi, tôi lại nghĩ rằng đó là mẹ nói thật, tôi ăn hết cả quả trứng mà chẳng hề suy tư, chẳng hề biết rằng đó là lời mẹ nói dối. Mãi sau này khi lớn lên, khi đã hiểu chuyện hơn tôi mới thấu hiểu những lời mẹ mắng, những lần mẹ đánh và cả những lời mẹ nói dối khi xưa.

Giờ cuộc sống của hai mẹ con đã dần ổn hơn, mẹ đã không còn vất vả như xưa nữa. Nhưng mỗi lần nghĩ về mẹ, nghĩ về những năm tháng nhọc nhằn nuôi tôi khôn lớn tôi lại thầm cảm ơn mẹ. Nếu không có mẹ có lẽ sẽ không có tôi mạnh mẽ, trưởng thành và khôn lớn như ngày hôm nay. Cảm ơn mẹ của con.

ĐỀ SỐ 4 (VIẾT BÀI LÀM VĂN SỐ 2): Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất (4 mẫu) (ảnh 1)

Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất (mẫu 2)

Đêm đã về khuya, trời tối dần. Cảnh vật im lìm xung quanh khiến tôi bỗng cảm thấy nhớ nhà đến lạ thường. Sống xa nhà đã một năm nay, vì thế mà mỗi khi nhớ về gia đình, trong tôi lại trào dâng một nỗi nhớ da diết. Gia đình nhỏ của tôi có rất nhiều kỉ niệm bên nhau, nhưng tôi nhớ nhất, là mùa hè năm trước, khi nhà tôi gặp một biến cố.

Gia đình tôi vốn ít làm quen với bệnh viện và thuốc men. Ai cũng nghĩ rằng bản thân có một sức khỏe phi thường cho nên chẳng bao giờ có bệnh tật gì hết. Nhưng đúng là chẳng ai có thể thắng nổi tuổi tác và thời gian. Mẹ tôi cũng không còn trẻ nữa, công việc căng thẳng khiến bà trở nên yếu hơn, tới bệnh viện, bác sĩ nói mẹ tôi bị sỏi mật, chùm sỏi đã lớn lắm rồi, cần làm phẫu thuật cắt bỏ túi mật ngay. Những cơn đau bụng kéo dài khiến mẹ tôi cảm thấy mệt mỏi và đau đớn. Bố tôi quyết định đưa mẹ vào bệnh viện để làm phẫu thuật, tiến hành cắt bỏ túi mật như lời bác sĩ đã dặn dò.

Mẹ tôi luôn là người quán xuyến hết mọi việc gia đình. Từ ngày mẹ tôi vào viện, công việc nhà lại dồn cả vào tôi. Thế là tôi phải là người thay mẹ quán xuyến hết việc nhà, cũng bởi từ bé tôi chưa quen nhiều việc, nên ban đầu tôi cảm thấy rất lúng túng. Con bé tôi của mùa hè năm trước còn vụng về hậu đậu, tôi loay hoay một mình mà cũng chẳng biết cầu cứu sự trợ giúp của ai. Trải qua những ngày tháng như thế tôi mới hiểu các bà, các mẹ đã vất vả như nào để có thể giữ gìn cho tổ ấm của mình luôn gọn gàng, ấm cúng. Hết dọn việc nhà, tôi còn phải nấu cháo, đưa bố mang vào viện cho mẹ. Nhiều lúc tôi chỉ muốn òa khóc lên vì mọi việc cứ dồn dập lên đầu, mẹ nhập viện, tôi phải ở nhà một mình, còn bao nhiêu việc trên đời lại đổ dồn hết vào tôi. Ở bệnh viện, mẹ tôi vẫn thường gọi điện cho tôi hỏi han, dặn dò. Tôi chỉ biết cố nhịn khóc để mẹ khỏi lo, rồi lại lặng lẽ khóc một mình.

Ngày mẹ phẫu thuật đã tới. Nhìn mẹ được đưa vào phòng mổ mà tim tôi thắt lại. Từ trước đến giờ chưa bao giờ tôi nhìn thấy mẹ phải nhập viện, nếu có người đi bệnh viện thì đó chính là tôi. Từ trước đến nay tôi luôn là người được chở che chăm sóc. Tôi đã quên rằng, bố mẹ tôi không còn trẻ, và người cần chăm sóc sức khỏe nhất, chính là bố mẹ của tôi.

Ca phẫu thuật thành công, mẹ tôi được đẩy vào phòng hồi sức. Ngồi trên băng ghế dài của bệnh viện, tôi không được gặp mẹ, lại càng lo lắng thêm bội phần. Mẹ đã vào viện điều trị được 2 tuần, chỉ có 2 tuần thôi mà sao tôi thấy thời gian trôi qua lâu đến thế. Nhà cửa, vườn tược vắng bóng người, sự lo lắng quây quanh tôi khiến lòng tôi bất an vô cùng. Liệu mẹ đã tỉnh chưa nhỉ? Liệu bao lâu nữa mẹ mới được xuất viện? Những câu hỏi dồn dập khiến tôi cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi khi ngồi chờ mẹ ở hành lang.

Mấy ngày sau, mẹ tôi được xuất viện. Vết mổ vẫn còn đau, mẹ tôi cũng không dám đi lại như người bình thường. Bố tôi lại trở về đi làm sau những ngày xin nghỉ phép để chăm sóc cho mẹ tôi. Tôi ở nhà, nấu cháo cho mẹ, dọn dẹp nhà cửa, cho gà vịt ăn. Tôi bưng một bát cháo đầy lên cho mẹ, mẹ ăn mà tôi thấy hình như mắt mẹ ươn ướt.

- Mẹ, sao mẹ lại khóc?

- Con gái của mẹ lớn thật rồi đấy nhỉ?

Tôi chợt sững sờ. Thì ra, khoảng thời gian mà mẹ nhập viện, tôi đã lớn hơn nhiều lắm. Không còn là cô nhóc thích làm nũng mẹ ngày xưa nữa, cũng không còn trẻ con hay lười biếng như xưa. Tôi đã trở thành người biết suy nghĩ hơn, biết cáng đáng mọi việc hơn, và cũng trở nên trưởng thành hơn nữa. Mẹ ốm, tôi đã biết chăm sóc mẹ như ngày xưa mẹ đã từng chăm sóc cho tôi. Lòng tôi chợt cảm thấy vui. Từ nay, tôi sẽ quan tâm và chăm sóc cho bố mẹ nhiều hơn nữa vì bố mẹ tôi cũng không còn trẻ nữa rồi. Đứa con như tôi, đã từng nhận được rất nhiều tình yêu và sự chăm sóc của bố mẹ, đến nay khi đã lớn khôn, bổn phận còn lại là phải phụng dưỡng cha mẹ cho thật tốt.

Một năm đã trôi qua. Tôi rời gia đình đi theo học ở trường chuyên cấp 3 ngoài tỉnh. Mỗi lần nhớ nhà, nhớ bố mẹ, tôi lại nghĩ đến kỉ niệm thuở nào mà tự nở một nụ cười. Trong hoạn nạn, khó khăn, mới thấy tình cảm gia đình quý giá biết nhường nào. Và chỉ khi có gian nan thử thách, con người ta mới thấy được giá trị của tình yêu mà cố gắng giữ gìn.

Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất (mẫu 3)

Trong cả cuộc đời mình, con người ta đã gặp và kết bạn với hàng trăm người. Những mối quan hệ ấy là sợi dây gắn kết con người trong xã hội lại với nhau. Nhưng dù có hàng trăm, hàng nghìn sợi dây liên kết xã hội như thế, con người ta vẫn không thể từ bỏ gia đình – cái nôi nuôi dưỡng ta và những điều bình dị nhất.

Từ trước đến giờ tôi vẫn luôn là một đứa con ngoan của bố mẹ, một người chị tốt của thằng em trai, là học trò cưng của thầy cô giáo và là hình mẫu được dùng để bố mẹ lũ bạn mang ra dạy dỗ chúng. Nhưng chẳng ai biết, cuộc sống của tôi thật sự chỉ xoay quanh việc đi học và về nhà. Tôi không có bạn thân, không có những buổi tụ tập, hẹn hò lê la phố xá với lũ bạn như học sinh khác. Tan trường tôi sẽ trở về nhà để học bài và chơi với thằng em trai. Có lẽ vì thế mà tôi cũng không được trải nghiệm nhiều thứ. Những kỉ niệm thời cấp hai và cả học trò của tôi chỉ là những giờ lên lớp, những buổi đi học thêm. Chỉ là học và học.

Năm tôi học lớp 9, bài vở nặng hơn rất nhiều. Thời gian tôi đến trường và ở các lớp học thêm còn nhiều hơn thời gian tôi ở nhà. Đầu óc tôi luôn trong tình trạng căng như dây đàn. Tôi đã bắt đầu học với cường độ cao từ hè năm lớp 8. Vì bố mẹ và mọi người đều tin rằng tôi chắc chắn sẽ đỗ vào chuyên Anh của trường chuyên thành phố.

Càng đến ngày thi, tôi lại càng thấy căng thẳng và mệt mỏi. Những con số, những tờ đề cứ thế cuốn lấy tôi. Tôi bắt đầu cảm thấy sợ hãi. Tôi sợ mỗi buổi sáng thức dậy tôi sẽ phải tiếp tục quay cuồng với đống bài vở và những lớp học nối tiếp nhau. Tôi sợ phải ngồi lì hàng giờ trong căn phòng kín với tiếng điều hòa ro ro mát lạnh để cắm đầu vào những con số. Tôi sợ những bữa ăn vội vã trên đường khi đi từ lớp học này đến lớp học khác. Tôi sợ tiếng mở cửa của gia sư mỗi buổi tối. Tôi sợ những câu hỏi quan tâm của cha mẹ, về tình hình học tập của tôi bây giờ. Tất cả những hứng thú của tôi cho việc học đều bị năm học này phá hỏng hết rồi. Tôi không còn học vì thích thú, vì đam vmee và muốn tìm hiểu nữa. Tôi học vì tôi phải học. Tôi học vì bố mẹ tôi muốn thế. Chỉ đơn giản là thế thôi. Tôi thấy mệt mỏi vô cùng.

Một tháng trước ngày thi, tôi khủng hoảng thực sự. Bài vở càng lúc càng nhiều. Thời gian ngủ của tôi cũng không không cón nhiều nữa. Tôi gầy đi trông thấy. Bố mẹ cũng lo lắng, nhìn tôi và bảo:

- Mệt quá thì thôi con ạ. Nghỉ ngơi đi!

Những ngày gần thi, bố mẹ tôi tự nhiên không còn quá áp lực với tôi về việc điểm số, trường thi nữa. Bố mẹ nhẹ nhàng và nhắc nhở tôi nghỉ ngơi nhiều hơn. Có lẽ thấy việc học của tôi vất vả và áp lực quá nên bố mẹ không muốn gây thêm áp lực cho tôi nữa. Những ngày cuối cùng, tôi dồn hết sức để ôn tập và bước vào phòng thi thật tự tin. Thật may mắn, năm tôi thi, trường chuyên của thành phố cho phép học sinh có thể đăng kí thi hai chuyên một lúc. Tức là tôi vừa có thể thi chuyên Anh, vừa thi chuyên Văn như tôi mong muốn.

Hôm tôi đi thi là một ngày trời nắng nóng. Cái nắng hè gay gắt đổ xuống khiến mặt đường bốc lên từng đợt hơi nóng thật khó chịu. Tôi thi môn Văn vào buổi sáng, Toán vào buổi chiểu và hai môn chuyên sẽ thi vào ngày hôm sau. Tôi làm bài các môn đều ổn, kể cả hai môn chuyên. Ra khỏi phòng thi, bố mẹ và em trai tôi đã chờ sẵn. Khuôn mặt mọi người đều lo lắng. Mẹ nhìn thấy tôi, đi nhanh đến hỏi:

- Có mệt không con? Làm bài thế nào?

- Ổn mẹ ạ! - tôi đáp

Mẹ tôi mỉm cười thật tươi, lấy chiếc khăn trong túi lau mồ hôi trên trán cho tôi. Chúng tôi lên xe trở về nhà. Kết thúc những tháng ngày  ôn thi căng thẳng và vất vả. Tôi trở về nhà với tâm lí thật thoải mái. Mẹ đưa cho tôi một tờ kế hoạch. Đó là kế hoạch mẹ đã chuẩn bị từ trước, khi thấy tôi quay cuồng với lịch học, ôn. Tôi nhìn bản kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ của mẹ, thấy mắt mình cay cay. Tôi là một con bé nhút nhát. Mẹ cũng biết cuộc sống của tôi thực đơn giản. Chỉ đi học rồi về nhà. Có lẽ bố mẹ lo lắng tôi không có bạn. Tôi sẽ buồn. Nhưng quả thực, bố mẹ không biết, chỉ cần có mọi người là đủ.

Lúc nhận kết quả thi, tôi đủ điểm đỗ cả hai chuyên, cả lớp chọn của trường. Đó là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực suốt một năm qua của tôi. Không cần tôi báo, chắc bố mẹ cũng đã biết rồi. Vì bố mẹ còn hồi hộp hơn tôi nhiều lần. Tôi thấy bố mẹ xem kết quả với một khuôn mặt mãn nguyện. Nụ cười của mẹ lúc này thật hạnh phúc. Tôi còn để ý thấy trong bữa tối, mẹ len lén lau nước mắt. Tôi biết mọi cố gắng của mình lúc này đều xứng đáng. Bữa tối gia đình thật đơn giản. Nhưng ai cũng cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Thằng em trai gắp cho tôi một miếng sườn và bảo:

- Cho chị Bống, chị giỏi. Em cũng muốn học giỏi như chị!

- Bin còn giỏi hơn chị cơ - tôi cười, xoa đầu nó.

Gia đình là điều quan trọng nhất đối với tôi. Bởi lẽ, ở đó bố mẹ sẽ yêu tôi vô điều kiện. Mọi người sẽ chăm sóc và lo lắng cho tôi mỗi khi tôi mệt mỏi. Và quan trọng nhất, gia đình sẽ không bao giờ quay lưng và bỏ tôi lại một mình.

Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất (mẫu 4)

Trong đời mỗi người, ai ai cũng mong muốn tìm cho mình một điểm tựa. Đó là gia đình, cha mẹ. Tuy nhiên những ai đã bước qua tuổi học trò “nhất quỷ nhì ma” với những kỉ niệm vô cùng đáng nhớ: là sân trường, hàng ghế đá, bục giảng … thầy cô và bè bạn. Nơi ấy có một điểm tựa thật bình yên, nơi ấy những con thuyền đã cập bến rồi đi. Nhưng thầy cô – những người lái đò vẫn miệt mài theo năm tháng, trở đầy tình thương và tri thức cho cuộc đời.

Đúng vậy, tôi đã đi trên rất nhiều con thuyền để đến bến đỗ cuối cùng. Và tôi cũng đã được đi trên con thuyền trở đầy tình yêu và học vấn của thầy Tuấn – thầy giáo dạy văn của tôi. Tôi vẫn còn nhớ như in ngày đầu tiên thầy bước vào lớp tôi. Cả lớp đang ngồi im lặng học bài thì Hoàng reo ầm lên:

- Các bạn ơi, lớp mình có thành viên mới này!

Cả lớp ngước lên ồ ồ như chợ vỡ. Tôi mạnh dạn đứng lên kéo “bạn mới” vào ngồi chỗ trống bên cạnh tôi. Cả lớp xúm lại hỏi han ầm ĩ. “Bạn mới” bắt đầu giới thiệu về bạn thân mình. Cho đến khi giới thiệu đến tuổi và nghề nghiệp thì cả lớp tôi ú ớ, mặt đứa nào đứa nấy ngơ ngác như nai. Thầy rời chỗ bước lên bục giảng:

- Thầy là thầy Tuấn. Từ hôm nay thầy sẽ là thầy giáo dạy văn của lớp này.

Thầy khẽ cười một cái. Tôi ngỡ ngàng bởi vẻ ngoài khá trẻ con của thầy. Thầy là thầy giáo mới chăng? Trường tôi đâu có thầy giáo trẻ thế này. Tiết học hôm ấy, thầy chưa dạy bài cho bọn tôi mà nói về những quy định trong học tập của thầy. Tôi nhớ, mấy đứa trong nhóm “Ngũ quỷ” của tôi hồi ấy rất bướng và nghịch ngợm. Vì thấy thầy trẻ con nên bọn tôi nghĩ cách chọc thầy. Tiết học sau của thầy Tuấn, tôi và đám bạn kiếm vỏ chuối rải đầy bục giảng chọc tức thầy. Vừa bước vào lớp thấy cảnh tượng ấy, đôi mắt thầy mở to, trán nhăn lại. Thầy quay lại nhìn chúng tôi. Bọn tôi vui sướng khi thấy vẻ mặt của thầy, tôi biết chắc là thầy sẽ mắng. Nhưng vui lắm đây khi thầy mắng mà vẫn cứ tức giận vì không biết rõ ai làm trò này. Nhưng không, chẳng có tiếng quát mắng nào cả. Thầy từ từ tránh những vỏ chuối rồi đi xuống cuối lớp. Tôi sững người, thầy cầm cây chổi bước lên bục giảng quét dọn hết những thứ rác rưởi ô uế kia đi. Rồi thầy bắt đầu bài giảng một cách say sưa.

Càng thấy như vậy, bọn tôi càng muốn bày trò chọc phá để thầy phải chuyển lớp. Hôm thì đổ đầy nước lên ghế thầy ngồi, hôm nháy máy thầy trong giờ học, hôm lại ném máy bay giấy khi thầy quay đi,… Không biết hồi đó bọn tôi đã dùng bao nhiêu trò để chọc thầy nhưng thầy luôn xử lí bằng những cách điềm đạm nhất. Tôi đã nhầm, thầy không trẻ con mà chính bọn tôi mới là những đứa con nít. Thầy chững chạc và hiểu mọi chân lí. Bao nhiêu thầy cô giáo đã từng dạy lớp tôi đều không thể chịu đựng được những trò chọc phá ma quái của nhóm “Ngũ quỷ” nên đều xin chuyển lớp. Bọn tôi đã bị thầy “hạ gục”.

Nhóm tôi đành dừng những trò trêu đùa lại. Tôi đã thử chú tâm nghe thầy giảng một lần. Tôi bất ngờ quá! Thầy giảng bài thật hay, giọng thầy trầm và ấm lạ thường. Khuôn mặt “trẻ con” của thầy đã nghiêm nghị hẳn lên. Giờ tôi mới để ý thấy. Tự dưng tôi thấy tội thầy quá. Bất ngờ, cuối buổi học thầy gọi tôi lên. Thầy nhìn tôi trìu mến:

- Em à, cuộc đời con người là bản nhạc lúc thăng lúc trầm. Không có bản nhạc nào là chỉ có những nốt thăng đẹp đẽ, phải có những khoảng lặng sâu lắng thì ta mới cảm nhận đựợc cuộc sống này ý nghĩa.

Tôi nhớ mãi câu nói này của thầy và nhớ cả khuôn mặt xấu hổ của tôi lúc đấy nữa. Tôi thấy trách bản thân mình quá. Tại sao mình lại có những hàng động cư xử như thế?

Từ hôm đó trở đi, tôi rời nhóm “Ngũ quỷ”. Lớp cũng đi vào trật tự hơn. Thầy đã làm nên lịch sử của trường tôi. Thầy nhẹ nhàng, không quá khắt khe mà khiến cho lớp tôi thay đổi. Còn những thầy cô hết sức nghiêm khắc lại đành xin hàng.

- Cả lớp ơi, thầy Tuấn sắp phải đi rồi.

Tiếng trống vang lên làm tôi điếng người. Mới có ba tháng thôi, thầy mới ở bên bọn tôi ba tháng thôi mà. Thầy bước vào lớp, gương mặt thoáng buồn:

- Thầy xin lỗi vì thầy không thể ở bên các em thật lâu. Thầy cảm ơn vì khi dạy các em thầy đã nhận được những món quà thật tuyệt vời.

- Em xin lỗi thầy! – Tôi đứng lên rồi bật khóc ngon lành như một đứa trẻ lạc mẹ.

- Thầy sẽ quay trở lại và thầy mong chờ một em trưởng thành hơn.

Thầy khẽ mỉm cười bước đy để lại sau lưng những gương mặt buồn rầu, đôi mắt đỏ hoe. Lớp tôi ngồi lặng suốt tiết ấy.

Đúng, thầy đã nói không sai. Cuộc đời như bản nhạc, không có những khoảng lặng thì sao thấy được ý nghĩa của nó. Tôi sẽ chờ ngày thầy quay lại – để thấy một tôi mới trưởng thành hơn

Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất (mẫu 5)

Ba gọi điện chiều nay sẽ trở về sau chuyến công tác dài ngày, mẹ nhoẻn cười hiền lành, không giấu nổi cái khấp khởi của người phụ nữ đã hai con, xa chồng lâu ngày.

Cúp điện thoại là mẹ vội vàng gõ cửa phòng ồ ạt thông báo liền cho hai thằng nhỏ đang “chiến game” ở trong. Nói rồi, mẹ hào hứng cầm rổ ra sau vườn ngắt vài ngọn khoai cho vào tủ lạnh trước khi xách giỏ đi chợ.

Dù có chuẩn bị bữa tối tinh tươm đến đâu thì rau lang luộc vẫn không thể vắng mặt trong những dịp như thế này - món ăn kỉ niệm của cả nhà mình. Nhìn đĩa rau xanh hãy còn bốc khói trên bàn, nhớ quá đi thôi một thời xa lắc chính nó là món ăn cứu tinh cho cái gia đình bé nhỏ qua một thời đói khát, lo cho ba đi học tiếp, cũng chính những ngọn khoai ấy đưa chúng con vào giảng đường.

Khoảng đất trống ở góc vườn, mẹ thả mấy dây khoai lang hòng lấy ngọn cải thiện bữa ăn. Hết rau lang luộc chấm ruốc rồi lại ngọn lang xào tỏi, cứ đều đều ăn riết thành quen, đâm nghiện lúc nào không hay.

Mùi nhựa rau hăng hắc khi cho bắc chảo xào, rồi cái mùi ê ê của nước rau cho thêm tí mì chính, tí đường cũng thành món canh húp nước ngon lành. Nhìn dây khoai tốt ngọn óng mượt bò tràn lan trên mặt đất, ai cũng bảo “chắc lắm củ đấy”. Vậy mà, đến ngọn còn không đủ làm thức ăn cho cả nhà lấy đâu mà ra củ. Nhiều bữa thấy mẹ phải ngắt luôn cả hàng lá ở gần sát ngọn, rồi sợ lá già sẽ đắng và cứng, mẹ cho vào nước luộc trước khi đem xào dầu.

Dạo ấy, ba đi học tiếp trên thị xã, mẹ phải tăng ca làm thêm tất bật mới đủ sức nuôi “ba đứa học trò trong nhà”. Cứ mỗi chiều thứ Bảy ba lại đạp xe về. Ba cha con tự nhiên đến nỗi tự biết xách rổ ra sau vườn hái ngọn lang vào luộc làm bữa chính bởi cả cha cả con thừa hiểu nếu có về mẹ cũng chỉ đủ tiền mua mớ tép con con cho có cái gọi là tanh tanh một chút. Ấy vậy mà đấy được coi là bữa ăn xa xỉ nhất trong tuần.

Cơm chiều dọn ra, mẹ ân cần xúc bỏ vào chén ba, chén tụi nhỏ mấy con tép vàng vàng, còn ngọn rau luộc xanh xanh mẹ cẩn thận chấm nước cho vào chén mình, tươi cười mẹ ngồi lặng lẽ nhìn ba bố con ăn ngon lành. Cái vị bùi bùi, giòn giòn lại ê ê, vậy đó mà cả nhà vét đến hạt cơm cuối cùng, thấy thế là sướng rơn và vui vẻ không gì bằng.

Cuộc sống tằn tiện chắt chiu, song vẫn không thể bền bỉ như thế được lâu. Ba tự túc xin đi học thêm lên, kinh phí tự bỏ ra, tụi con lớn lên sách vở cũng phải tăng trang, mỗi bữa cơm dọn ra càng tố cáo nỗi eo hẹp của cái gia đình bé nhỏ ấy.

Đồ đạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi theo từng đợt học phí, chỉ có một đám dây khoai ở góc vườn là không ngừng được nới rộng đất trồng. Thực đơn của mẹ cũng vì thế mà thêm phần sáng tạo: Ngọn lang xào tỏi, rau luộc chấm ruốc, canh rau lang nấu dầu... Hiếm có bữa nào, mâm cơm lại thiếu đi màu xanh quen thuộc.

Thời gian tím sắc trôi theo từng đợt hoa lang nở rộ, bung cánh tím biếc cả một góc sân rộng. Nhà mình bây giờ khá hơn nhiều, cuộc sống đã theo kịp nhịp của một gia đình phố thị. Bữa cơm không còn theo chủ nghĩa “độc tôn một món”, nhất rau xanh như trước đây nữa!

Chúng con mỗi đứa có được một phòng riêng, cũng chẳng còn cảnh cả nhà ba người đàn ông và một người khác giới phải trải chiếu dưới nền nhà ẩm mốc lăn đùng ra ngủ sau một ngày thở dốc. Song, dù có tiện nghi đến mấy, mỗi thành viên vẫn không khỏi thấy nhớ và thương đến đắng lòng từng đám ngọn lang xanh rì bò dọc ngang trong vườn nhà.

Ba trở về, mẹ khấp khởi mừng thầm. Chiều nay, cả nhà mình lại chung mâm cơm có món rau quen thuộc và có cả kí ức đầm ấm một thời bên nhau.

Vòng tay qua ôm trọn lấy vòng eo vốn đã không còn thon thả nhưng vẫn còn đủ sức cho cái mặn mà một thời đắm say của mẹ, bên bữa cơm chiều, giọng ba thỏ thẻ:

Anh đi anh nhớ vợ anh
Hết rau lang luộc, lại đem xào dầu...
Thương lắm từng đọt ngọn lang ơi...!

Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất (mẫu 6)

Đã bao giờ bạn tin rằng sau một giấc mơ những điều bạn hằng mong ước bấy lâu sẽ trở thành sự thật? Đã có lúc tôi rất tin vào điều đó và luôn nhớ khoảnh khắc kỳ diệu mà giấc mơ đã đem đến cho tôi.

Hôm ấy là một buổi tối cuối tuần, trời đầy sao và gió thì dịu nhẹ. Tôi nằm trên trần nhà mơ mộng đếm những vì sao. Bỗng nhiên tôi thấy cả không gian như bừng sáng. Trong vầng hào quang sáng lấp lánh, ông tôi cười hiền từ bước về phía tôi. Tôi sung sướng đến nghẹt thở ngắm nhìn gương mặt phúc hậu, hồng hào và mái tóc bạc phơ của người ông yêu quý. Ông tôi vẫn thế: dáng người cao đậm, bộ quân phục giản dị và cái nhìn trìu mến! Tôi ngồi bên ông, tay nắm bàn tay của ông, tận hưởng niềm vui được nâng niu như thuở còn thơ bé... Tôi muốn hỏi những ngày qua ông sống như thế nào? Ông ở đâu? Ông có nhớ đến gia đình không... Tôi muốn hỏi nhiều chuyện nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu cả.

Ông kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích mà ngày xưa ông vẫn kể. Giọng ông vẫn thế: rủ rỉ, trầm và ấm. Ông hỏi tôi chuyện học hành, kiểm tra sách vở của tôi. Đôi mày ông nhíu lại khi thấy tôi viết những trang vở cẩu thả. Ông không trách mà chỉ ân cần khuyên nhủ tôi cố gắng học tập chăm chỉ hơn. Ông nhìn tôi rất lâu bằng cái nhìn bao dung và khích lệ. Ông còn bảo những khát vọng mà ông làm dang dở, cháu hãy giúp ông biến nó thành hiện thực. Những khát vọng ấy ông ghi lại cả trong trang giấy này. Muốn làm được điều ấy chỉ có con đường học tập mà thôi...

Ông dẫn tôi đi trên con đường làng đầy hoa thơm và cỏ lạ. Hai ông cháu vừa đi vừa nói chuyện thật vui. Ông bảo đến chợ hoa xuân, ông muốn đem cả mùa xuân về căn nhà của cháu. Ông chọn một cành đào, cành khẳng khiu nâu mốc nhưng hoa thì tuyệt đẹp: màu phấn hồng, mềm, mịn và e ấp như đang e lệ trước gió xuân. Nụ hoa chi chít, cánh hoa thấp thoáng như những đốm sao. Tôi tung tăng đi bên ông, lòng sung sướng như trẻ nhỏ. Ông cầm cành đào trên tay. Có lẽ mùa xuân đang nấp cả trong những nụ đào e ấp ấy... Xung quanh ông cháu tôi, kẻ mua, người bán, ồn ào và náo nhiệt. Họ cũng đang chuẩn bị đón xuân về!

Tôi đang bám vào tay ông, ríu rít trò chuyện về những ngày xuân mới sắp đến, chợt nghe tiếng mẹ gọi rất to. Tôi giật mình tỉnh dậy, thấy mình vẫn đang nằm trên trần nhà. Lòng luyến tiếc nhận ra tất cả chỉ là một giấc mơ thôi...

Giấc mơ chỉ là khoảnh khắc kỳ diệu đáp ứng niềm mong nhớ của tôi. Tôi nuối tiếc song cũng học được nhiều điều từ giấc mơ đó. Và quan trọng nhất là tôi được gặp ông, được ông truyền cho niềm tin và sự nỗ lực cố gắng thực hiện những ước mơ của chính mình.

Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất (mẫu 7)

Trong gia đình mình, có lẽ người gắn nhất chính là ông nội của tôi. Tuy rằng hiện tại ông đã không còn nữa, nhưng những kỉ niệm về ông vẫn sống mãi trong lòng tôi.

Ông nội của tôi có dáng người khá cao. Đôi bàn tay đầy những nếp nhăn đã suốt đời làm lụng vất vả để nuôi con cháu. Khuôn mặt phúc hậu, anh mắt hiền từ lúc nào cũng nhìn chúng tôi rất trìu mến.

Ông rất yêu thích công việc trồng cây nên vườn nhà lúc nào cũng đầy những cây trái. Khu vườn được ông chăm sóc nên cây cối quanh năm đều xanh tốt. Những cây ăn quả đã cho trái ngọt không biết bao nhiêu mùa. Sau khi làm xong những công việc vặt trong nhà, ông thường ra vườn chăm sóc cây cối. Lúc đó, tôi lại chạy theo ông để đòi được tưới tắm cho cây cối trong vườn. Ông còn dạy tôi cách lắng nghe âm thanh của khu vườn nữa. Phải nhắm mắt và cảm nhận từng sự chuyển động để thấy được những điều kỳ diệu.

Còn nhớ lúc nhỏ, tôi thường ngồi trong lòng ông nội, nghe ông kể những câu chuyện về thời xa xưa. Đó không phải là những truyện cổ tích mà bà thường hay kể, mà là những chuyện về cuộc sống của chính ông thời xưa. Những lúc như vậy, tôi thường chăm chú lắng nghe, sau đó còn hỏi ông rất nhiều câu chuyện ngây ngô.

Qua những câu chuyện của ông, tôi dần lớn lên. Còn ông ngày càng già đi. Ông không còn khỏe mạnh như trước nữa. Nhưng vẫn rất lo lắng cho con cháu của mình. Lo lắng từ cái ăn, cái mặc đến việc học hành của chúng tôi. Cuộc sống hiện đại dường như đã kéo tôi xa rời những câu chuyện ngày bé mà ông vẫn thường kể. Tôi cũng không còn quấn quýt bên ông như hồi nhỏ nữa. Rồi đến khi ông đổ bệnh, tôi mới chợt nhận ra bấy lâu nay mình đã quá vô tâm. Những ngày cuối đời của ông, tôi cố gắng ở bên ông nhiều hơn. Tôi cùng trò chuyện với ông, ăn cơm và chơi cờ cùng ông. Những lúc như vậy, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi nhìn thấy nụ cười của ông. Và cho đến bây giờ, tôi vẫn chẳng thể nào quên được ánh mắt ông nhìn tôi lần cuối. Ánh mắt vẫn đầy trìu mến và yêu thương.

Tuy bây giờ, ông đã không còn nữa. Nhưng tôi vẫn nhớ đến ông với những kỉ niệm thật đẹp. Kỷ niệm nào cũng sâu sắc và đáng trân trọng biết bao nhiêu.

Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất (mẫu 8)

Trong cuộc đời mỗi người chắc hẳn ai cũng đều có người để yêu thương và quý mến nhưng đã có ai từng nghĩ: “Ai là người mình yêu nhất và ai là người để lại cho mình những kỉ niệm không thể phai mờ?”. Đối với mọi người có thể người ấy là bạn thân, ông bà hay anh, chị, em nhưng riêng đối với tôi, người mà tôi luôn yêu mến và mãi sẽ yêu là Mẹ - người đã trao cho tôi cuộc sống.

Mẹ tôi năm nay đã gần bốn mươi tuổi. Mọi người vẫn khen mẹ tôi trẻ và xinh nhưng đôi khi tôi gần mẹ, tâm sự với mẹ, tôi thấy mẹ như đã già đi nhiều. Đôi mắt mẹ ánh lên vẻ ấm áp, trìu mến, giờ đây đã xuất hiện những vết chân chim. Vầng trán mẹ đã có nhiều nếp nhăn. Nổi bật nhất trên khuôn mặt mẹ là chiếc mũi cao dọc dừa và đôi môi đỏ. Tôi vẫn còn nhớ như in những nụ hôn ấm áp mẹ trao cho khi tôi còn bé. Làn da mẹ mềm mại, trắng hồng nhưng đã điểm những nốt tàn nhang của tuổi bốn mươi. Trước đây, khi tôi còn nhỏ, mẹ có mái tóc dài, mượt mà, mái tóc đen của mẹ như một đoạn của dải của Ngân Hà, đen mượt và óng ả. Khi tôi học lớp Năm, mẹ tôi đã thay đổi kiểu tóc, mẹ đã cắt mái tóc dài và thay vào đó là mái tóc xoăn. Mái tóc ngắn, xoăn, màu nâu đỏ thả bồng bềnh trên vai có lẽ hợp với khuôn mặt trái xoan của mẹ hơn, nhưng tôi vẫn thích mẹ để tóc dài như trước.

Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên tôi đi học. Tối hôm đó, sau bữa tối, mẹ đã mang vào phòng tôi một bọc quà rất to. Tôi cứ nghĩ là được mẹ mua cho đồ chơi hay là một bộ lego mà tôi hằng mong muốn. Tôi háo hức mở bọc quà, thì ra đó toàn là sách, vở, đồ dùng học tập và có cả một chiếc cặp sách in hình siêu nhân mà tôi rất thích. Bộ đồng phục đã được mẹ là phẳng phiu. Mọi thứ đã sẵn sàng, tôi rất thích thú đợi đến ngày mai — ngày đầu tiên tôi gấp thành nếp và được xếp lại ngay ngắn bước vào lớp Một. Sáng hôm sau, mẹ âu yếm dắt tôi đến trường. Tôi vẫn nhớ cảm giác hồi hộp và lo sợ lúc đó, tôi không biết mình sẽ làm gì và mình sẽ như thế nào khi không có mẹ ở bên. Rời tay mẹ, tôi bước vào cổng trường, tôi thấy mình thật bơ vơ và lạc lõng. “Cố lên con, rồi con sẽ quen với cô giáo và các bạn, đừng lo!”. Đi được mấy bước tôi vẫn nghe thấy tiếng mẹ ở đằng sau. Tôi vội quay lại ôm mẹ rồi khóc thật to.

Mẹ ôm tôi vào lòng âu yếm: “Con lớn rồi mà, từ hôm nay con đã là học sinh lớp Một rồi. Hãy tự tin lên nào!”. Tôi nghe lời mẹ, vào lớp học. Ngày hôm đó đối với tôi thật dài, tôi rất nhớ mẹ, chưa bao giờ tôi lại thấy yêu mẹ và cần mẹ hơn lúc này.

Đã tám năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên đi học nhưng tôi không thể nào quên được hình ảnh thân thương của mẹ và những cảm xúc của mình trong cái ngày đáng nhớ ấy. Mẹ đã giúp tôi tự tin, vững vàng bước những bước đi đầu tiên trên con đường tri thức.

Đã có lần, tôi vô lễ với mẹ và tôi nhớ mãi để không bao giờ tái phạm nữa. Tôi còn nhớ như in, đó là một ngày mưa, khi tôi còn là một cậu học sinh lớp Sáu. Tôi đi học về với một vẻ mặt buồn bã. Mẹ rất quan tâm, mẹ hỏi han rất nhiều. Nhưng vi quá bực bội nên tôi đã gắt lên với mẹ: “Con ghét mẹ lắm, mẹ đừng nói nữa!”. Nói rồi tôi bật khóc và chạy lên phòng, đóng sập cửa lại. Tôi khóc rất to, mắt đã đỏ hoe. Chỉ vì thằng bạn thân hiểu nhầm tôi mà chúng tôi cãi nhau to. Cả ngày hôm nay, tôi không có tâm trí nào mà tập trung vào việc học được nữa và hậu quả là tôi đã không làm được bài kiểm tra môn Toán. Nghĩ đến những việc đó, đầu óc tôi lại như phát điên. Tôi nằm bẹp suốt một giờ đồng hồ. Cảm giác cô đơn và lạnh lẽo khiến tôi tỉnh táo hẳn. Tôi nghĩ đến mẹ, nghĩ đến câu mình vừa nói với mẹ. Trời ơi, tôi đã mắc phải một sai lầm lớn! Tại sao mình lại có thể nói vô lễ với người luôn yêu thương, chăm sóc mình được chứ? Tôi ân hận lắm! Chỉ vì bị bạn hiểu lầm mà tôi đã trút giận lên mẹ. Tôi bật dậy, định chạy ra ngoài xin lỗi mẹ thì mẹ tôi đã mở cửa phòng bước vào. Như đoán được suy nghĩ của tôi, mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến và ngồi xuống bên tôi. “Mẹ ơi, con xin lỗi, con sai rồi!”. Tôi nói trong tiếng nấc nghẹn ngào. Mẹ nhẹ nhàng vuốt tóc tôi rồi nói thật nhẹ nhàng: “Mẹ cũng có lỗi vì đã không thông cảm và hỏi han con”. Tôi rất ân hận vì đã làm mẹ — người tôi luôn yêu thương bấy lâu nay, phải buồn. Chính những lời nói nhẹ nhàng, cử chỉ âu yếm của mẹ làm tôi thêm day dứt vì lỗi lầm của mình hơn. Tôi đã kể cho mẹ nghe mọi chuyện. Mẹ đã an ủi và động viên khiến tôi phấn chấn hơn nhiều. Từ lần đó, tôi luôn tự hứa phải suy nghĩ kĩ trước khi nói và không được làm mẹ buồn nữa.

Có những lần tôi bị ốm, mẹ đã chăm sóc tôi tận tình và dành cho tôi tình yêu thương nồng ấm để tôi mau khỏi bệnh. Những đêm tôi ôn thi, mẹ đã thức cùng tôi, ở bên động viên và giúp tôi học.

Với tôi, mẹ như một làn mây che cho tôi mưa nắng, mẹ là ngọn lửa thôi thúc con tim tôi để vững bước trên đường đời. Dù mai đây nếu mẹ có mất đi thì trong tôi, mẹ luôn sống và theo tôi suốt cuộc đời.

Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất (mẫu 9)

“Mẹ là gì?” - Nếu có ai hỏi tôi câu này chắc tôi sẽ bối rối ghê lắm. Trong từ điển ngôn ngữ, người ta định nghĩa thế này: “Mẹ là người đàn bà đã sinh ra bạn”. Chỉ có thế thôi sao? Tôi thì nhất định không đồng ý với định nghĩa như thế được. Trong kinh Vu Lan, Đức Phật đã dạy:

“Ví có người ân sâu dốc trả
Cõng mẹ cha tất cả hai vai
Giáp Tu Di núi chẳng sai
Đến trăm ngàn kiếp ân kia chưa vừa.”

Vâng, tình mẹ nói sao cho vừa. Tấm lòng của mẹ là biển cả bao la.

Mẹ tôi không phải là một hoa hậu thế giới hay một nữ hoàng Victoria nào đó, mẹ chỉ là một người phụ nữ bình thường như bao người khác. Hằng đêm, khi tôi đang say giấc nồng, thì mẹ vẫn cặm cụi làm việc, đương đầu trước mọi chông gai của cuộc đời. Bàn tay mẹ gầy gầy xương xương như chứng tỏ sự khổ cực mà mẹ phải trải qua. Dáng mẹ nhỏ nhắn. Mái tóc đen đã lấm tấm vài sợi bạc. Tuổi đời đã ngoài bốn mươi nhưng mẹ vẫn chăm sóc cho tôi từng li từng tí. Sáng sớm khi tôi thức dậy đã thấy mẹ đi làm, nhưng trên bàn vẫn thơm phức tô mì mà mẹ đã dành cho tôi để tôi no bụng trước khi đi học. Trưa, khi tôi về vừa kịp ăn chén cơm mẹ nấu thì lại thấy cái dáng nhỏ nhắn của mẹ tất tả đi làm tiếp ca thứ hai. Tối, khi tôi đang học bài thì mẹ lại đang dọn dẹp nhà cửa. Bận rộn đủ việc nhưng mẹ rất quan tâm đến việc học hành của tôi. Những lúc tôi đạt điểm cao, trên gương mặt gầy gầy của mẹ lại nở một nụ cười tươi tắn hơn bao giờ hết.

Tuổi thơ tôi không được hạnh phúc như bao đứa trẻ khác. Mẹ tôi và ba tôi đã chia tay nhau khi tôi mới vào lớp một. Kể từ đấy, tôi sống với mẹ, gia đình tôi cũng từ dạo ấy vắng đi tiếng cười đùa vui vẻ ngày nào. Gia đình tôi vốn cũng không khá giả gì, mẹ tôi làm ở một xí nghiệp may, lương một tháng cũng chẳng là bao. Từ khi chia tay với ba, mọi gánh nặng kinh tế của gia đình đổ dồn lên đôi vai gầy của mẹ. Từng cái áo, từng quyển vở, từng miếng ăn, giấc ngủ đều một tay mẹ tôi chăm chút. Nhưng tôi lại là một cô bé trẻ thơ và ngây ngô. Tôi ham chơi và vui đùa cùng chúng bạn mà không quan tâm gì đến mẹ. Đôi khi mẹ tôi mắng: “Tại sao mẹ kêu con ăn xong phải rửa chén mà con cứ để ở đây?”, “Tại sao con đi học về mà giày dép cứ vứt lung tung thế kia?”. Những lúc ấy, tôi lại đóng sập cửa và bật tivi ồn đến mức không nghe được tiếng mẹ mắng nữa.

Hôm đó, lúc tôi đi học, tôi nói dối với mẹ rằng chiều tôi sẽ về trễ vì phải đi học nhóm. Sau khi đi học, tôi cùng mấy nhỏ bạn thân đi lòng vòng quanh phố. Khi về nhà thì thấy mẹ đang cặm cụi làm việc. Thật kì lạ là mẹ chẳng mắng tôi lấy một lời. Nghĩ thế nên trong lòng tôi đắc chí lắm. Nhưng không may, trên đường về trời đổ mưa rất to, tôi bị cảm nặng. Tối hôm ấy, tôi chỉ biết nằm mê man trên giường. Mẹ đã túc trực bên tôi suốt đêm, lo cho tôi đến xanh xao cả người. Mẹ đút cho tôi từng muỗng cháo, cho tôi uống từng viên thuốc. Lúc ấy tôi mới thấu hiểu câu: “Con ho lòng mẹ tan tành. Con khóc lòng mẹ như bình nước sôi.” Sau lần đó tôi rất hối hận. Từ hôm ấy tôi mới hiểu được tình mẫu tử là như thế nào.

Mặc dù tôi là một cô bé rất gan lì nhưng mỗi khi có một ai nhắc đến mẹ là nước mắt tôi rơm rớm. Có nhiều người hỏi tôi rằng có khi nào tôi cảm thấy tủi thân khi không có sự chăm sóc của ba không. Khi ấy, tôi vẫn quả quyết: “Có thể tôi không được sinh ra trong một ngôi sao may mắn nhưng tôi biết mình vẫn hạnh phúc hơn nhiều người khác vì vẫn còn có mẹ.”

Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất (mẫu 10)

Mẹ - chỉ một tiếng gọi nhưng lại chứa đựng những tình cảm đấy tha thiết. Có lẽ trong cuộc đời không ai là không khao khát được sống trong sự yêu thương của mẹ.

Năm nay, mẹ tôi đã gần bốn mươi tuổi. Tuy vậy, nhưng dấu vết của thời gian cũng không làm mất đi vẻ xinh đẹp của mẹ. Mẹ tôi không cao lắm. Dáng người khá đầy đặn. Mái tóc mẹ vẫn còn rất dày và đen bóng. Dường như tôi đã được thừa hưởng nước da trắng hồng từ mẹ. Mẹ có một khuôn mặt phúc hậu. Mẹ tôi là một bác sĩ nên công việc hằng ngày vô cùng bận rộn. Nhưng mẹ vẫn dành thời gian quan tâm và chăm sóc cho gia đình.

Nhớ lại khi còn nhỏ, không ít lần tôi đã khiến mẹ phải lo lắng. Đó có thể là những khi tôi bị ốm, mẹ phải thức suốt đêm để chăm sóc. Đó có thể là khi tôi mải chơi cùng lũ bạn quên về nhà. Đó có thể là khi tôi không chịu học bài và bị điểm kém… Mỗi lần như vậy, mẹ đều nhẹ nhàng khuyên bảo. Đặc biệt, có một kỉ niệm mà tôi vẫn ấn tượng mãi. Năm học lớp sáu, tôi rất lười học, thường xuyên bị có giáo gọi điện về nhà cho bố mẹ để nhắc nhở. Những lúc ấy, mẹ đều nhẹ nhàng khuyên bảo tôi. Tôi chỉ nghe và xin lỗi mẹ, rồi cũng quên ngay sau đó. Một hôm, sau giờ học, nhóm bạn trong lớp rủ tôi đi chơi điện tử. Tôi không cần suy nghĩ mà đồng ý luôn. Do mải chơi nên đến khi nhận ra thì cũng đã khoảng chín giờ tối. Tôi cảm thấy khá sợ và nhanh chóng đạp xe trở về nhà. Đến đoạn đường tối, tôi bỗng đâm phải một chiếc xe máy. Tôi ngã ra, cảm thấy chân tay đều rất đau. Người đi xe máy nhanh chóng hỏi han và gọi điện cho mẹ đến.

Khi tỉnh dậy, tôi đã nằm ở bệnh viện và nhìn thấy mẹ ngồi bên. Lúc đó, một cảm giác hối hận dường như bao trùm lấy tôi. Tôi rất muốn cất tiếng xin lỗi mẹ nhưng không dám. Mẹ chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt dịu dàng. Nhưng tôi biết trong lòng mẹ đang rất buồn. Cũng rất may mắn là do người đi xe máy kịp phanh gấp, nên tôi chỉ bị xây xát nhẹ. Chỉ sau hai, ba ngày là có thể về nhà. Bố đưa tôi trở về. Về đến nhà, tôi thấy mẹ đang ở trong bếp cặm cụi nấu ăn. Tôi nhẹ nhàng đi vào, toàn những món mà tôi thích đang bày trên bàn ăn. Tôi chạy đến và ôm lấy mẹ, khẽ nói: “Con xin lỗi mẹ ạ!”. Mẹ quay lại, mỉm cười nhìn tôi và nói: “Không sao đâu con, chỉ cần con nhận ra lỗi lầm và chịu thay đổi là được!”. Lúc ấy, tôi chợt bật khóc. Tôi biết rằng mình đã khiến cho bố mẹ lo lắng rất nhiều. Từ đó, tôi cố gắng chăm chỉ học hành, không ham chơi nữa.

Quả thật, người mẹ vô cùng quan trọng đối với mỗi người. Nghĩ về mẹ là nghĩ đến tình mẫu tử thiêng liêng. Chính vì vậy, hãy ghi nhớ lời răn dạy đầy sâu sắc:

“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ, kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Xem thêm các bài văn mẫu Ngữ văn 10 hay, chi tiết khác:

Phân tích cảm hứng yêu nước trong bài Phú sông Bạch Đằng

Phân tích nhân vật khách trong Phú sông Bạch Đằng

Phân tích Phú sông Bạch Đằng

Phân tích Bình Ngô đại cáo

Phân tích đoạn 4 Bình Ngô đại cáo

1 2,927 26/05/2022
Tải về