TOP 10 mẫu Tả một ngôi chùa ở quê hương em (2024) SIÊU HAY
Tả một ngôi chùa ở quê hương em lớp 5 gồm dàn ý và 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 5 hay hơn.
Tả một ngôi chùa ở quê hương em
Dàn ý Tả một ngôi chùa ở quê hương em
1. Mở bài: Giới thiệu chung:
- Cảnh em định tả là cảnh gì? ở đâu? (Chùa Hương thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
- Em đến thăm vào thời gian nào? (Cách đây hơn một năm, vào dịp chùa mở hội).
2. Thân bài: Tả cảnh (từ ngoài vào trong, từ thấp lên cao):
- Chùa Hương nằm trong dãy núi đá vôi Hương Sơn.
- Du khách muốn vào chùa phải đi đò dọc từ bến Đục, trên suối Yến.
- Đặt chân lên đền Trình, bắt đầu leo núi.
- Các ngôi chùa cổ dựng rải rác trên núi cao, đường lên gập ghềnh, khúc khuỷu.
- Du khách rất đông, hành hương lễ Phật cầu may và thưởng ngoạn phong cảnh tuyệt đẹp của Hương Sơn.
- Động Hương Tích có nhiều nhũ đá lấp lánh, đủ mọi hình thù rất đẹp.
- Từ trên cao nhìn xuống, bầu trời, mặt đất thu gọn trong tầm mắt.
3. Kết bài: Cảm nghĩ của em:
- Chùa Hương là danh lam thắng cảnh nổi tiếng của nước ta.
- Cảnh đẹp làm say lòng du khách.
- Em tạm biệt chùa Hương mà lòng lưu luyến, hẹn ngày gặp lại.
Tả một ngôi chùa ở quê hương em (mẫu 1)
Tôi cũng như bao người khác đều có một ký ức tuổi thơ về quê hương, làng xóm. Trong đó ký ức của tôi về sinh hoạt và vui chơi ở nơi ngôi chùa Làng, cho đến giờ tôi vẫn không thể nào quên.
Đó là ngôi chùa của Làng, ngôi chùa tương đối cổ kính, không biết được xây dựng từ khi nào nhưng khi tôi lớn lên là ngôi chùa đã hiện diện và cổ kính rồi, tôi được biết theo “Địa phương ký làng Sơn Tùng” của tác giả chú Văn Hữu Tuất thì ngôi chùa làng đầu tiên được thành lập rất sớm vào khoảng năm 1754 (Giáp Tuất) do Ngài Tin Đức Bá Đoàn Phúc Hòa Vệ Long Võ cùng bà con dân làng trùng tu xây dựng.
Những năm gần đây, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng với kinh tế của nhân dân trong làng có phần cải thiện nên phong trào tham gia tự nguyện cúng dường, đóng góp công, sức, tiền của để sửa chữa, tô quét lại ngôi chùa và vật kiến trúc của chùa ngày càng khang trang và đẹp đẽ, đặc biệt là tượng đá “ Phật Quan Âm Bồ Tát” do đệ tử Đoàn Mai Lương cúng dường được dựng ngay trước sân chùa..
Sau bao nhiêu năm tôi xa cách ngôi chùa, những lần về thăm quê, tôi đều đến thăm, viếng ngôi chùa thân thương ở làng, khi đó bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ ấu của tôi hiện ra, làm cho tôi cảm xúc dâng trào, khó tả nổi, chỉ biết ngậm ngùi, thương nhớ và đầy lưu luyến. Đây là tâm trạng của tôi cũng như bao bao nhiêu người con xa quê hương khi nghĩ về quê hương, nơi có ngôi chùa làng thân thương.
Tả một ngôi chùa ở quê hương em (mẫu 2)
Nếu tới Tràng An ta đắm chìm trong vẻ đẹp nguyên sơ của cảnh sông nước thì đến khu du lịch văn hóa Bái Đính, ta lại chứng kiến vẻ trang nghiêm của tượng đài, chùa chiền. Bái Đính được coi là quần thể ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á có lẽ không chỉ bởi diện tích rộng lớn mà còn bởi kiến trúc tinh tế, kĩ xảo.
Dọc dãy hành lang, năm trăm bức tượng vị la hán tạc bằng đá mỗi người một tư thế tạo ấn tượng mạnh mẽ với du khách. Tới điện Pháp Chủ, điện Tam Thế, bao trùm lên không gian là sự tĩnh lặng, trang nghiêm. Ai cũng thành tâm lễ bái để tâm hồn được thảnh thơi, cầu bình an, may mắn. Nơi đây được coi là quần thể ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á. Ngắm nhìn bức tượng Phật bằng đồng dát vàng, bức tượng Di Lặc bằng đồng, ta mới thấy được nghệ thuật thuần Việt qua đó thể hiện sự coi trọng văn hóa tín ngưỡng của dân tộc ta.
Điện Quan Âm, được làm bằng gỗ thiết- loại gỗ quý. Điện Quan Âm gồm 7 gian với gian giữa của điện đặt tượng Quan Âm Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt để thể hiện sự bao quát cứu vớt và phổ độ chúng sinh của Phật bà trên thế gian. Tượng Phật bà đúc bằng đồng nặng 80 tấn, cao 9.57 mét. Tòa bảo tháp ở Chùa Bái Đính hiện đang trưng bày xá lợi Phật linh thiêng từ Ấn Độ và Miến Điện. Trần bảo tháp được thiết kế theo phong cách Ấn Độ huyền bí thu hút khách thập phương. Hàng nghìn bức tượng nhỏ được đặt trang trí quanh bảo tháp tạo thành thế vững trãi, uy nghi. Với ưu thế của một quần thể chùa rộng, lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội lớn, thu hút đông du khách tham gia nhất là lễ hội xuân.
Cụm di sản văn hóa thiên nhiên Tràng An, Bái Đính được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới với thiên nhiên hùng vĩ tráng lệ vừa hoang sơ, bí ẩn vừa thơ mộng cùng dòng nước uốn quanh các hang động.
Tả một ngôi chùa ở quê hương em (mẫu 3)
Huế có tất cả 99 ngôi chùa; nhiều chùa được nhắc đến trong dân ca; tô điểm cho Huế "đẹp và thơ":
"Đông Ba, Gia Hội hai cầu,
Có chùa Diệu Đế bốn lầu hai chuông".
Nhưng đẹp nhất, cổ kính nhất, kì vĩ nhất là chùa Thiên Mụ. Chùa được xây dựng trên Thiên Mụ Sơn (núi Bà Trời) từ đầu thế kỉ XVII, sau đó được trùng tu nhiều lần. Đứng trên cầu Tràng Tiền, du khách nhìn thấy tháp Phước Duyên hình bát giác, bảy tầng, cao 22 mét vút lên giữa trời xanh. Chuông chùa Thiên Mụ được đúc vào năm 1710 nặng trên 3 tấn; tiếng chuông ngân buông vào lúc sáng sớm, lúc hoàng hôn làm cho bài thơ tình xứ Huế thêm diễm lệ.
Nhớ đến thăm vườn chùa, nhiều loài hoa đẹp và quý bao bọc lấy những bia đá cẩm thạch dựng trên lưng rùa đồ sộ, được chạm trổ tinh vi. Và còn có hàng trăm, hàng nghìn pho tượng bằng đồng, bằng gỗ mít sơn son thiếp vàng bày đặt trong các điện Đại Hùng, Địa Tạng, Quan Âm,...
Chùa Thiên Mụ đã soi bóng xuống Hương Giang hơn 400 năm. Nhưng chùa xưa ngày một thêm huy hoàng, tráng lệ.
Tả một ngôi chùa ở quê hương em (mẫu 4)
Chùa Keo tên chữ là chùa Thần Quang, nằm ở Vũ Thư, Thái Bình. Theo sử cũ, chùa Keo được xây dựng từ thời nhà Lý Thánh Tông, đến nay đã nhiều lần trùng tu.
Trong những di tích còn lại thì chùa Keo là một di tích có quy mô to lớn. Có lẽ ở nước ta chưa có một ngôi chùa nào lại được tới 57.000m2 với 107 gian chùa lớn (trước là 154 gian) làm toàn bằng gỗ lim. Những con đường dài hàng trăm mét, lát toàn đá xanh rộng gần 2m và 350 vây cột lim lớn nhỏ, đều được kê trên những hòn đá tảng lớn, cổ bồng, chạm cánh sen.
Toàn bộ khu chùa là một quần thể kiến trúc lớn, gồm cột cờ, sân lát đá, tam quan ngoài, ao trước chùa, tam quan trong, sân đất, chùa Hộ, chùa Phật, sân gạch, tòa Giá Roi, tòa Thiên Hương, tòa Phục quốc, tòa Thượng Điện, gác chuông, nhà Tổ… Ngoài ra, là hai dãy hành lang dài hai bên, từ chùa Hộ trở vào.
Tổ chức không gian kiến trúc ở đây thật tài tình, phức tạp một cách trật tự, theo kiểu “tiền Phật hậu Thần”. Khu chùa phía trước và khu đền thờ Không Lộ thiền sư phía sau. Bố cục kiến trúc dường như là phá quy luật, như việc đặt gác chuông ba tầng vào cuối dây chuyền của quần thể. Kiến trúc của gác chuông là sự đồ sộ của hình khối, sự phong phú hài hòa của nhịp điệu và chi tiết, chỉ ba tầng cao 11,06m nhưng lại gây được ấn tượng đồ sộ. Bốn cây cột lim chính cao suốt hai tầng, cùng với hệ thống cột niên và những hàng lan can con tiện, đã được kết nối khéo léo. Các tảng cột gác chuông thuần bằng đá, tạc kiểu hình lớn, chạm hình hoa sen kép rất đẹp. Độc đáo nhất là hệ thống dụi bay, tầng tầng lớp lớp vươn lên đỡ mái. Các đầu dụi bay phía ngoài vươn ra, choãi xuống theo chiều mái, làm tăng thêm chiều cao của công trình. Đứng xa trông như 200 cánh tay Phật Bà Quan Âm từ mái tầng hai, tầng ba vươn ra vẫy chào khách thập phượng! Tôi đã thấy những người khách nước ngoài dừng lại hàng giờ trước tòa gác chuông ba tầng này, sửng sốt và ngắm nghía mãi tầng tầng lớp lớp mái cong cổ kính và hàng ngàn bộ phận chạm trổ tinh vi, mà ngay đến những người thợ lành nghề nhất được mời đến trùng tu cũng không biết hết tên gọi!
Trong gác chuông có treo hai quả chuông niên đại: Hoàng Triều Cảnh Thịnh Tứ Niên, một di tích quý về sự nghiệp “văn trị” của triều Tây Sơn trên đất Thái Bình. Quai đỉnh chuông đúc từ thời Tây Sơn rất đẹp, chạm hình hai con rồng nối đuôi nhau. Ớ gác một chùa Keo có một khánh đá rất to, không biết đục từ bao giờ, tiếng khánh âm vang.
Hầu như bất cứ bộ phận kiến trúc nào của chùa Keo cũng thấy dấu vết của những bàn tay chạm khắc khéo léo. Ngay ở tam quan nội, một công trình tưởng như nhỏ, nhưng hai cánh cửa trung quan cung được chạm khắc rất công phu. Cánh cửa cao 2,4m, mỗi cánh rộng 1,2m, được chạm một đôi rồng chầu bán nguyệt. Rồng ở đây to, khỏe. Con lớn vươn cổ lên, miệng ngậm hạt châu, râu bờm uốn sóng, rồi choái ra thành những hình lưỡi mác, ngực rồng ưỡn về phía trước, đuôi vắt lên đỉnh tấm cửa. Hàng trăm đám mây lửa ngùn ngụt bốc lên. Rồng như bay lượn trong biển lửa. Có lẽ những người thợ tài ba muốn kí thác những dấu vết của lịch sử trong bức chạm gỗ này. Khép hai cánh cửa lại, chúng ta nhìn thấy một bức tranh hoàn chỉnh: rồng chầu nguyệt. Cái khéo của bức chạm này là trên cùng một mặt phẳng, người thợ đã chạm những vết nổi, nét chìm, con rồng to, rồng nhỏ, gần xa, như cả một bầy rồng bay thong dong trong mây.
Hàng năm, “xuân thu nhị kì” vào ngày 4 tháng giêng và trung tuần tháng 9 âm lịch, khách thập phương cuồn cuộn đổ về dự hội chùa. Từ xa, trên đê sông Hồng, mọi người đã nhìn thấy lá cờ thần to bằng gian nhà, bay trên đỉnh cột cờ cao 21m. Cột cờ lớn chốt vào bệ đá sâu hàng mét, vậy mà cờ bay còn rúng cả cột!
Tả một ngôi chùa ở quê hương em (mẫu 5)
Ai đã từng đến thăm một lần thì khó có thể quên được vẻ đẹp của chùa Một Cột. Nằm giữa một hồ sen, chùa giống như một bông sen quý nhất đang toả hương. Những cây đại đứng cạnh chùa như tô điểm thêm không gian cổ kính.
Mái chùa cong với nhiều đường nét tinh tế. Chùa ngự mình trên những thanh gỗ chắc chắn và có lẽ đã rất nhiều năm tuổi. Thân chùa là một cái cột rất lớn, màu nâu trầm tĩnh. Những bậc thang lên chùa đã bạc màu vì sương gió.
Mấy chậu hoa hai bên lối vào chúa đứng lặng lẽ như những chàng lính chăm chỉ canh gác ngày đêm. Vào những ngày hè, khi ánh nắng vàng chiếu xuống chùa Một Cột sáng rực lên như nụ sen hồng nở tung mình khoe sắc vẻ đẹp ấy thật cổ kính và thiêng liêng.
Tả một ngôi chùa ở quê hương em (mẫu 6)
Chuyến đi thăm chùa Hương cùng với ông bà, cha mẹ cách đây đã hơn một năm nhưng em vẫn nhớ như in vẻ đẹp thần tiên của phong cảnh Hương Sơn.
Mùng sáu tháng Giêng, chùa Hương bắt đầu mở hội. Du khách từ khắp miền đất nước nườm nượp đổ về đây để lễ Phật và thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình hiếm có. Hương Sơn quả là một kì quan mà Tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho con người.
Ngồi trên con đò xuôi bến Đục, em khoan khoái đưa tay khoát nước. Nước suối Yến mát lạnh. Thỉnh thoảng, một chú chim bói cá màu xanh cánh trả cụp cánh lao vút như một mũi tên xuống dòng nước trong văn vắt, nhìn thấy rõ rong rêu mọc ven bờ. Trước mắt em là dãy núi tím biếc trập trùng, ẩn hiện trong màn sương lãng đãng. Những con đò nối đuôi nhau chở du khách vào đền Trình dưới chân núi.
Đường lên chùa gập ghềnh, quanh co và khá dốc nhưng hầu như không ai thấy mệt. Các cụ bà đầu đội khăn, mặc áo dài nâu, quần thâm, cổ đeo tràng hạt, tay chống gậy vừa đi vừa niệm Nam mô, bước chân vẫn dẻo dai, chẳng kém thanh niên.
Em theo ông bà, cha mẹ đi từ chùa Ngoài vào chùa Trong, thăm chùa Giải Oan, lên tới chùa Thiên Trù… Chùa nào cũng cổ kính, uy nghi, trầm mặc trong khói hương nghi ngút. Không khí lễ hội vừa náo nhiệt lại vừa thành kính, thiêng liêng. Đến đây, mọi người đều có chung cảm giác là trút bỏ được những phiền lụy của cuộc sống đời thường, tâm hồn lâng lâng, thanh thản.
Dòng người nối đuôi nhau trên những con đường hẹp, đi theo vách đá. Tiếng suối róc rách văng vẳng đâu đây hòa với tiếng mõ, tiếng chuông ngân nga trong khoảng không êm đềm, tĩnh lặng. Lúc mỏi chân, du khách tạt vào quán lá, uống một bát nước lão mai lại thấy khỏe khoắn hẳn ra, vui vẻ tiếp tục cuộc hành trình.
Động Hương Tích được mệnh danh là Nam thiên đệ nhất động.
Lên đến đây, từ trên cao nhìn xuống, cả bầu trời, mặt đất thu gọn trong tầm mắt. Ruộng nương trông bé như bàn tay. Rừng mơ, rừng mận nở hoa trắng xóa cả vùng đồi núi xung quanh.
Động ăn sâu trong lòng núi, trông giống như một chiếc hàm rồng khổng lồ. Lòng động phẳng và rộng, có thể chứa mấy trăm người. Ánh đèn, ánh nến lung linh, những nhũ đá, cột đá muôn hình vạn trạng, lấp lánh bảy sắc cầu vồng. Nào hòn Cậu, hòn Cô, nào nong tằm, né kén, nào cây bạc, cây vàng… Khách hành hương lầm rầm cầu nguyện, mong một cuộc sống bình an, no đủ và hạnh phúc.
Hai ngày liền mới thăm hết được phong cảnh Hương Sơn. Lúc lên xe ra về em ngoái đầu lại lưu luyến ngắm nhìn. Xa xa, nơi những dãy núi trập trùng, sương bốc lên mù mù như khói tỏa. Khung cảnh đẹp như trong mơ, làm say lòng biết bao du khách.
Tả một ngôi chùa ở quê hương em (mẫu 7)
Chùa Tây Phương là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Ngôi chùa mang giá trị nghệ thuật điêu khắc độc đáo và là nơi lưu trữ nhiều pho tượng phật quý giá.
Chùa Tây Phương nằm trên đồi Câu Lâu ở thôn Yên xã Thạch Xá – huyện Thạch Thất – Thành phố Hà Nội. Theo các tư liệu để lại thì chùa xây từ đời Cao Biền (865 -875). Vào niên hiệu Chính Hòa (1680 – 1705). Tây Vương Trịnh Tạc đi qua thấy cảnh trí trang nghiêm, bèn truyền cho sửa lại chùa và xây tam quan. Sau đó chùa bị tàn phá do chiến tranh. Đến nay Chùa Tây Phương đã được xây lại trên nền chùa cũ vào khoảng năm 1788 – 1789 dưới triều Tây Sơn với tên mới là “Tây Phương cổ tự”. Một số sách báo hay những tài liệu sử cũ còn ghi lại, núi chùa Tây Phương tên cổ gọi là núi Ngưu Lĩnh. Theo truyền thuyết phong thủy, thềm núi Ba Vì về phía Nam có dãy núi đất chạy xuống huyện Quốc Oai tựa như đàn trâu, có một ngọn núi như quay lại đón nước sông Tích phát nguyên từ các dòng suối trên núi Ba Vì chảy xuống quả núi đó được gọi là Ngưu Lĩnh sơn (núi con trâu) – chính là núi Tây Phương hiện nay. Chính vì thế, chùa Tây Phương hiện nay với kiểu kiến trúc cổ Việt Nam mang dáng dấp “Thượng sơn lâu đài, hạ sơn lưu thủy” là nơi địa linh của non sông đất nước ta.
Chùa Tây Phương là nơi tập trung nhiều pho tượng Phật được coi là nhiều kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo. Khi thuyết minh về danh lam thắng cảnh Chùa Tây Phương, ta có thể miêu tả chi tiết về những bức tượng phật nơi đây. Theo một số tài liệu lịch sử, nguồn gốc của những pho tượng phật trong chùa chính là hiện thực cuộc sống nghèo nàn khổ chực và nạn đói mà nhân dân phải chịu ở thế kỷ XVIII. Chùa có 72 pho tượng phật được tạc bằng gỗ mít sơn son thiếp vàng trong đó có 18 pho tượng thuộc nhóm tượng La Hán chính là hình tượng đã được các nghệ nhân điêu khắc mượn sự tích tu hành của các vị đệ tử Phật nhằm mô tả những con người sống trong xã hội đương thời. Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân dân gian, các pho tượng hiện ra mỗi người một vẻ, một phong cách khác nhau với những đường nét, hình khối, dáng điệu vô cùng sinh động.Mỗi pho tượng ở đây có sự hài hòa về nội tâm và ngoại hình, mang biểu tượng một nỗi đau khôn nguôi của con người: buồn vui lẫn lộn, suy tưởng, giả say, thiếu ngủ…Nét mặt khắc khổ từ bi, từng nếp nhăn trên vầng trán, từng mạch máu, đường gân, thớ thịt, khớp xương, đôi môi, con mắt đến trang phục xiêm y đều được bàn tay nghệ nhân khắc họa diệu kỳ.
Chùa Tây Phương là niềm tự hào của người dân Thạch Xá nói riêng và của Việt Nam nói chung. Nó xứng đáng được bảo tồn và lưu truyền mãi mãi về sau. Nếu có dịp về thăm quê hương tôi, tôi sẽ sẵn sàng làm hướng dẫn viên du lịch để thuyết minh về danh lam thắng cảnh chùa Tây Phương để các bạn hiểu rõ hơn.
Xem thêm các chương trình khác: