Soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 12 Tập 1 (trang 9) Kết nối tri thức

Với soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 12 Tập 1 trang 9 Ngữ văn lớp 12 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 12.

1 537 03/04/2024


Soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 12 Tập 1 trang 9

1. Tiểu thuyết hiện đại

- Tiểu thuyết là loại tác phẩm tự sự quy mô lớn, có khả năng thể hiện các nội dung đa dạng và bao quát một phạm vi hiện thực rất rộng, trải ra trên nhiều không gian, thời gian khác nhau nhưng dành sự chú ý đặc biệt cho đời tư hay số phận của con người cá nhân. Từ những hình thái đầu tiên xuất hiện ở thời cổ đại, tiểu thuyết phát triển theo nhiều hướng khác nhau, tùy thuộc vào những tiền đề lịch sử, xã hội, văn hóa, thẩm mĩ nhất định. Đến thời cận đại, hiện đại, tiểu thuyết đạt được bước tiến lớn, trở thành một thể loại chính của đời sống văn học và tác động mạnh mẽ đến sự biến đổi, phát triển của nhiều thể loại khác.

- Tiểu thuyết hiện đại là loại tiểu thuyết thể hiện một cách tư duy mới, mang tính hiện đại về đời sống, phân biệt với tiểu thuyết cổ điển ra đời trước thời đại tư bản chủ nghĩa. Trong tiểu thuyết hiện đại, giữa các xu hướng tìm tòi khác nhau có khoảng cách rất lớn. Điều này làm cho việc xác định diện mạo tiểu thuyết hiện đại trở nên phức tạp. Tuy nhiên, nếu tạm bỏ qua những nét quá đặc biệt của từng xu hướng, có thể nói đến các đặc điểm lớn sau của tiểu thuyết hiện đại:

+ Nhìn cuộc sống từ góc độ đời tư; quan tâm đến cái thường ngày, cái đang diễn biến với cách tiếp cận gần gũi; không lí tưởng hóa hiện thực.

+ Nhân vật là “con người nếm trải”, không bất biến, có quá trình phát triển nhiều khi quanh co, phức tạp về tính cách, tâm lí.

+ Có kết cấu nhiều tầng lớp, tuyến tình hoặc phi tuyến tính; có sự đan xen của nhiều bè ngôn ngữ, phản ánh sự tồn tại, xung đột thường xuyên giữa các ý thức xã hội.

+ Có khả năng tổng hợp cao mọi kinh nghiệm nghệ thuật của thể loại văn học khác để hình thức luôn ở trong trạng thái biến đổi không ngừng.

2. Phong cách hiện thực

Phong cách hiện thực là phong cách nghệ thuật chú trọng thể hiện mối quan hệ giữa hoàn cảnh xã hội với sự hình thành tính cách con người, quan tâm miêu tả một cách chi tiết, “như thật” những hình ảnh phong phú, phức tạp của hiện thực cuộc sống, thường loại trừ sự “tô vẽ” hay lí tưởng hóa. Phong cách này có lịch sử phát triển lâu dài, tồn tại trong các thể loại khác nhau của văn học, nghệ thuật như: thơ, truyện (bao gồm tiểu thuyết), kí, kịch, tác phẩm tạo hình,.. Trong văn học, phong cách hiện thực đạt đến đỉnh cao với những sáng tạo thuộc trường phái hiện thực mà các đại diện tiêu biểu là S. Đích-ken (Ch. Dickens - Anh), H. đờ Ban-dắc (H. de Balzac - Pháp), L.Tôn-xtôi (L. Tolstoy - Nga), Ph. Đốt-xtôi-ép-xki (F.Dostoyevsky - Nga), Lỗ Tấn (Trung Quốc),… Trong văn học Việt Nam nửa đầu thể kỉ XX, phong cách hiện thực gắn với tên tuổi và sáng tác của các nhà văn như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao,.. Phong cách hiện thực thường được đặt trong tương quan so sánh, đối lập với phong cách lãng mạn - một phong cách ưu tiên việc thể hiẹne cảm nhânj chủ quan, đôi khi lí tưởng hóa đối tượng được đề cập và coi trọng sự tưởng tượng, liên tưởng phóng tùng.

3. Nói mỉa và nghịch ngữ

Nói mỉa là biện pháp tu từ thể hiện thái độ mỉa mai hay sự đánh giá mang tính phủ định ngầm ẩn của người nói, người viết về sự vật, sự việc được đề cập.

Trong nói mỉa, người nói, người viết tạo ra sự mâu thuẫn cố ý giữa phần hiển ngôn và phần hàm ngôn của một lời nói hay của cả chuỗi phát ngôn. Phần hiển ngôn dường như thể hiện thái độ tán thành, khen ngợi hoặc trung lập, khách quan trước đối tượng được nói tới nhưng phần hàm ngôn lại cho biết một thái độ khác: phủ nhận (ở những mưc độ khác nhau) hoặc dè bỉu. Nói mỉa chủ yếu được nhận ra nhờ hiệu quả châm biếm mà lời nói mang lại. Trong các yếu tố tạo nên nói mỉa có thể có nghịch ngữ.

Nghịch ngữ là biện pháp tu từ, ở đó, người nói, người viết dùng một cụm từ gây ấn tượng mạnh, làm nổi bật tình chất hai mặt của một tình thế, tâm trạng nào đó, hoặc làm phát lộ sự thật về đối tượng theo quan điểm của mình.

Nghĩa của nghịch ngữ đối lập với nghĩa của các cụm từ khác trong câu hoặc trong các câu khác gần kề, nhấn mạnh sự phát hiện mới hay cảm nhận, liên tưởng chủ quan của người nói, người viết về một đối tượng vốn có thể được nhìn nhận khác hẳn.

Nghịch ngữ thường xuất hiện trong nói mỉa. Ở những trường hợp đó, mỉa mai được nhìn nhận là mục địch của phát ngôn, còn nghịch ngữ được xem là phương tiện thực hiện mục đích này.

1 537 03/04/2024


Xem thêm các chương trình khác: