Giải Sinh học 11 Bài 19 (Cánh diều): Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở động vật

Với giải bài tập Sinh học 11 Bài 19: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở động vật sách Cánh diều hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Sinh học 11.

1 1,087 18/09/2024


Giải bài tập Sinh học 11 Bài 19: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở động vật

Giải Sinh học 11 trang 125

Mở đầu trang 125 Sinh học 11: Để tăng năng suất của vật nuôi, người nông dân thường sử dụng những biện pháp gì? Tại sao?

Lời giải:

- Để tăng năng suất của vật nuôi, người nông dân thường sử dụng những biện pháp như: Chọn lọc và cải tạo giống; chọn lọc giới tính vật nuôi; sử dụng một số loại hormone giúp kích thích sinh trưởng; sử dụng thức ăn phù hợp, bổ sung thêm vitamin, enzyme tiêu hóa,… đúng cách; kiểm soát điều kiện ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm,… chuồng trại; vệ sinh chuồng trại, tiêm vaccine.

+ Vì đây là các biện pháp tác động dựa trên ảnh hưởng của các nhân tố bên trong và bên ngoài đến sinh trưởng và phát triển của vật nuôi, nhằm điều khiển sự sinh trưởng và phát triển của vật nuôi tùy theo mục đích, nhằm tăng năng suất vật nuôi.

I. Các nhân tố bên trong ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở động vật

Giải Sinh học 11 trang 126

Câu hỏi trang 126 Sinh học 11: Quan sát hình 19.1 và hình 19.2, đọc thông tin, hoàn thành bảng 19.1.

Quan sát hình 19.1 và hình 19.2, đọc thông tin, hoàn thành bảng 19.1

Quan sát hình 19.1 và hình 19.2, đọc thông tin, hoàn thành bảng 19.1

Lời giải:

Côn trùng

Người

Tên hormone

Cơ quan tiết

Tác dụng

Tên hormone

Cơ quan tiết

Tác dụng

Juvenile

Thể Allata

Ở nồng độ cao, kích thích lột xác, ức chế sự biến thái. Khi giảm xuống một ngưỡng nhất định, sâu sẽ hóa nhộng.

GH

Tuyến yên

- Kích thích phân chia tế bào.

- Kích thích tổng hợp protein làm tăng kích thước tế bào.

- Kích thích phát triển xương.

Ecdysteroid

Tuyến trước ngực

Gây lột xác, kích thích hóa nhộng và hóa bướm.

Thyroxine

Tuyến giáp

- Kích thích quá trình trao đổi chất.

Testosterone

Tinh hoàn

- Kích thích sự phát triển và hoàn thiện cơ quan sinh dục ở giai đoạn dậy thì (phát triển xương, phân hóa tế bào, tăng tổng hợp protein giúp phát triển cơ, hình thành đặc điểm sinh dục thứ cấp).

Estrogen

Buồng trứng

- Kích thích sự phát triển và hoàn thiện cơ quan sinh dục nữ ở giai đoạn dậy thì (phát triển xương, phân hóa tế bào, hình thành đặc điểm sinh dục thứ cấp).

Giải Sinh học 11 trang 127

Luyện tập trang 127 Sinh học 11: Nếu một người bị nhược năng tuyến yên (giảm khả năng tiết hormone của tuyến yên) trong giai đoạn trước tuổi dậy thì thì chiều cao của người đó sẽ thay đổi như thế nào so với chiều cao của người bình thường? Giải thích?

Lời giải:

Nếu một người bị nhược năng tuyến yên (giảm khả năng tiết hormone của tuyến yên) trong giai đoạn trước tuổi dậy thì thì chiều cao của người đó sẽ thấp hơn người bình thường. Do tuyến yên sản xuất hormone GH có vai trò kích thích phát triển xương, kích thích phân chia tế bào, kích thích tổng hợp protein làm tăng kích thước tế bào → Hormone này tiết ra ít làm xương kém phát triển; gây thấp, lùn.

II. Các nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở động vật

Luyện tập trang 127 Sinh học 11: Nêu ví dụ ảnh hưởng của các nhân tố bên ngoài đến sinh trưởng và phát triển ở gia súc.

Lời giải:

Ví dụ ảnh hưởng của các nhân tố bên ngoài đến sinh trưởng và phát triển ở gia súc:

- Chế độ dinh dưỡng: Nếu chế độ ăn của gia súc thiếu protein thì vật nuôi sẽ chậm lớn và gầy yếu.

- Điều kiện môi trường: Khi trời lạnh, nếu trâu, bò không được bổ sung thêm thức ăn thì sự sinh trưởng của chúng sẽ giảm, do chúng mất nhiều năng lượng để duy trì nhiệt độ cơ thể.

- Tác nhân gây bệnh: Ở trâu, vi khuẩn Pasteurella multocida type B gây ra bệnh tụ huyết trùng. Trâu bị bệnh có triệu chứng sốt, chảy dịch mũi, nước dãi, ho,… Làm giảm sự sinh trưởng của trâu, thậm chí là chết.

III. Ứng dụng kiến thức về sinh trưởng và phát triển ở động vật vào thực tiễn

Giải Sinh học 11 trang 128

Câu hỏi trang 128 Sinh học 11: Để cải thiện chất lượng cuộc sống ở người và tăng năng suất vật nuôi cần có những biện pháp nào?

Lời giải:

• Để cải thiện chất lượng cuộc sống ở người cần có những biện pháp như:

- Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng.

- Nâng cao đời sống vật chất, ổn định quy mô dân số.

- Bảo vệ môi trường, tiêm vaccine, luyện tập thể dục, thể thao đều đặn.

- Tư vấn di truyền thai kì.

- Thực hiện bình đẳng giới.

- Sử dụng liệu pháp hormone trong điều trị một số bệnh.

• Để cải thiện năng suất vật nuôi cần có những biện pháp như:

- Chọn lọc và cải tạo giống.

- Chọn lọc giới tính vật nuôi.

- Sử dụng một số loại hormone giúp kích thích sinh trưởng.

- Sử dụng thức ăn phù hợp, bổ sung thêm vitamin, enzyme tiêu hóa,… đúng cách.

- Kiểm soát điều kiện ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm,… chuồng trại.

- Vệ sinh chuồng trại, tiêm vaccine.

Luyện tập trang 128 Sinh học 11: Nêu cơ sở khoa học của một số thành tựu giúp điều khiển sinh trưởng và phát triển đang được sử dụng trong chăn nuôi.

Lời giải:

Cơ sở khoa học của một số thành tựu giúp điều khiển sinh trưởng và phát triển đang được sử dụng trong chăn nuôi là dựa trên sự hiểu biết về ảnh hưởng của các nhân tố bên trong và bên ngoài đến sinh trưởng và phát triển của vật nuôi.

Giải Sinh học 11 trang 129

Câu hỏi trang 129 Sinh học 11: Việc chăn nuôi cần tuân thủ theo quy chuẩn như VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices), VietGAHP (Vietnamese Good Animal Husbandry Practices) hoặc Global GAP (Global Good Agricultural Practices),… Quy trình chăn nuôi theo những tiêu chuẩn này cần đảm bảo những tiêu chí gì?

Lời giải:

Quy trình chăn nuôi theo những tiêu chuẩn tiêu chuẩn này cần đảm bảo các tiêu chí sau:

- An toàn thực phẩm - không gây nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

- An toàn sinh học và môi trường - ngăn ngừa, hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân sinh học từ chăn nuôi gây hại đến con người, gia súc, hệ sinh thái và môi trường xung quanh.

- An toàn lao động cho người sản xuất, chăn nuôi.

- An tâm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

- Đúng điều kiện vệ sinh, đây là một yếu tố rất quan trọng trong chăn nuôi, các trang trại nuôi cần có đầy đủ các trang thiết bị vệ sinh, tiêu độc, khử trùng cũng như các quy trình vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trong quá trình nuôi để đảm bảo ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập, lây lan, cũng như tiêu diệt các mầm bệnh.

- Đúng loại, nghĩa là loại thuốc thú y, kháng sinh, vắc xin và thức ăn sử dụng trong chăn nuôi phải có trong danh mục được phép sử dụng, được phép lưu hành, không sử dụng các loại bị cấm sử dụng hoặc sử dụng không đúng đối tượng cho vật nuôi.

- Đúng cách, nghĩa là việc sử dụng vắc xin, kháng sinh, thuốc thú y phải theo đúng liều lượng và đúng lúc. Việc sử dụng kháng sinh, thuốc cần theo hướng dẫn của kỹ sư chăn nuôi thú y và của nhà sản xuất và sử dụng theo đúng thời điểm để đảm bảo hiệu quả phòng ngừa và điều trị bệnh động vật.

- Đúng thời gian cách ly, nghĩa là ở thời điểm thu hoạch vật nuôi thương phẩm (bán lấy thịt/sữa) phải đảm bảo thời gian cách ly vật nuôi không sử dụng thuốc thú y hoặc kháng sinh (ví dụ: thời gian cách ly 14 ngày mới được phép bán) để đảm bảo không còn tồn dư dư lượng kháng sinh hoặc thuốc thú y trên sản phẩm vật nuôi cho người ăn (thịt/sữa).

Vận dụng trang 129 Sinh học 11: Sử dụng thực phẩm có tồn dư hormone tăng trưởng hoặc thuốc kháng sinh có thể gây ra hậu quả gì?

• Tìm hiểu một số biện pháp giúp nâng cao năng suất trong chăn nuôi ở địa phương em. Theo em, các biện pháp đó có ưu, nhược điểm gì?

• Thiến động vật (cắt bỏ tinh hoàn ở cá thể đực) có làm tăng năng suất trong chăn nuôi không? Giải thích.

• Nêu một số biện pháp giúp nâng cao tầm vóc và thể lực cho con người?

Lời giải:

• Sử dụng thực phẩm có tồn dư hormone tăng trưởng hoặc thuốc kháng sinh có thể gây ra các hậu quả như: Gây mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng; gây tình trạng kháng thuốc kháng sinh và gây ảnh hưởng đến môi trường.

• Một số biện pháp giúp nâng cao năng suất trong chăn nuôi ở địa phương em và ưu, nhược điểm của các biện pháp đó:

Biện pháp

Ưu điểm

Nhược điểm

Kiểm soát điều kiện ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm,… chuồng trại.

- Tạo môi trường sống lí tưởng cho vật nuôi; cải thiện sức khỏe vật nuôi.

- Dễ thực hiện.

- Tăng năng suất trong chăn nuôi.

- Một số biện pháp đòi hỏi chi phí đầu tư cao.

Tiêm vaccine

- Giúp phòng ngừa bệnh tật; giảm tỉ lệ tử vong.

- Cần sự hỗ trợ của chuyên gia thú y hoặc người tiêm cho vật nuôi cần có kiến thức.

- Một số trường hợp vật nuôi bị sốc, phản ứng sau khi tiêm.

Sử dụng một số loại hormone kích thích sinh trưởng

- Thúc đẩy sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, tăng năng suất; rút ngắn thời gian sinh trưởng; giảm bớt chi phí, công sức và nguồn lực chăm sóc.

- Cần có kiến thức chuyên môn và kĩ năng.

- Sử dụng quá liều tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe con người.

• Thiến động vật (cắt bỏ tinh hoàn ở cá thể đực) có thể làm tăng năng suất đối với một số loại vật nuôi. Vì tinh hoàn là nơi sản xuất hormone testosterone – hormone kích thích phân hóa tế bào để hình thành các đặc điểm sinh dục thứ cấp ở con đực, khi cắt tinh hoàn trong cơ thể con đực sẽ không có hormone testosterone do đó cơ thể không hình thành các tính trạng sinh dục phụ thứ cấp; làm giảm sự hung hăng, hiếu động của con đực, chu kì động dục, do đó ít tiêu hao năng lượng hơn, khiến cho con đực lớn nhanh và béo. Hormone testosterone còn có vai trò kích thích phát triển cơ bắp nên khi con đực không có hormone này sẽ không phát triển cơ bắp, tích lũy mỡ dẫn đến béo. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ tăng năng suất với một số loại vật nuôi, phụ thuộc vào mục đích thu hoạch của người chăn nuôi.

• Một số biện pháp giúp nâng cao tầm vóc và thể lực cho con người như:

- Có chế độ dinh dưỡng cân bằng, ăn uống đủ chất.

- Rèn luyện thể dục, thể thao hợp lí, đều đặn, vừa sức.

- Hạn chế sử dụng các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá,…).

- Có lối sống lành mạnh, tránh căng thẳng, suy nghĩ tích cực.

- …

Lý thuyết Sinh học 11 Bài 19: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở động vật

I. Các nhân tố bên trong ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở động vật

1. Di truyền

- Hệ gene quy định đặc điểm sinh học đặc trưng cho loài như kích thước, tuổi thọ, khả năng kháng bệnh...

- Bên cạnh đó, hệ gene quy định hiệu quả chuyển đổi thức ăn, tốc độ, giới hạn và thời gian sinh trưởng, phát triển.

- Cơ chế điều khiển của hệ gene gồm nhiều bước, được điều chỉnh bởi các yếu tố phiên mã đặc hiệu. Các yếu tố này quyết định vị trí và thời điểm biểu hiện gene điều khiển các quá trình sinh trưởng, phát triển ở động vật từ giai đoạn phôi thai.

2. Giới tính

- Ở từng thời kì, quá trình sinh trưởng, phát triển giữa giới đực và giới cái không giống nhau do có sự khác biệt về hormone.

- Sự khác biệt về tốc độ sinh trưởng, phát triển cũng như thành phần các loại mô giữa giới dực và giới cái dẫn đến sự khác nhau về kích thước.

3. Hormone

Lý thuyết Sinh học 11 Bài 19 (Cánh diều): Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở động vật (ảnh 1)

Các hormone điều hoà quá trình sinh trưởng và phát triển của động vật bao gồm:

- Ở động vật không xương sống: juvenile và ecdysteroid.

- Ở động vật có xương sống: GH (growth hormone), thyroxine, testosterone, estrogen.

II. Các nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở động vật

- Các nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở động vật bao gồm chế độ dinh dưỡng, điều kiện môi trường và tác nhân gây bệnh. Sự ảnh hưởng này thông qua tác động đến các quá trình sinh lí trong cơ thể, bao gồm hoạt động của hệ thần kinh và các tuyến nội tiết, quá trình trao đổi chất, khả năng miễn dịch, cân bằng hệ vi sinh đường ruột,...

- Chế độ dinh dưỡng: là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của động vật qua các giai đoạn. Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng làm giảm cân nặng và sản lượng trứng. Ở người, thiếu protein, calcium và vitamin D gây còi xương, chậm lớn ở trẻ em.

- Điều kiện môi trường: Điều kiện sống của động vật bao gồm nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, hàm lượng Oxi,... ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất ở động vật. Ở người, trẻ em được tắm nắng dùng cách giúp biến tiền vitamin D thành vitamin D, có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hoá calcium.

- Tác nhân gây bệnh: Những tác nhân có hại trong không khí hoặc thức ăn như virus, vi khuẩn, nấm, kí sinh trùng.... gây bệnh cho động vật dẫn đến kìm hãm quá trình sinh trưởng và phát triển, thậm chí gây tử vong hàng loạt. Do đó, sử dụng vaccine, thuốc trị kí sinh trùng theo đúng chỉ dẫn và vệ sinh đúng cách giúp quá trình sinh trưởng, phát triển của động vật diễn ra thuận lợi hơn.

III. Ứng dụng kiến thức về sinh trưởng và phát triển ở động vật vào thực tiễn

Dựa trên sự hiểu biết về ảnh hưởng của các nhân tố bên trong và bên ngoài đến sinh trưởng và phát triển, con người sử dụng nhiều biện pháp giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng hiệu quả chăn nuôi (hình 19.3).

Lý thuyết Sinh học 11 Bài 19 (Cánh diều): Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở động vật (ảnh 1)

- Hiện nay, nhiều công nghệ hiện đại đã và đang được áp dụng trong chăn nuôi như sử dụng nanobiotic-Ag (hạt bạc có kích thước từ 0,1 – 100 nm) giúp kích thích hoạt động chuyển hoả tế bào; hệ thống chiếu sáng, làm mát chuồng trại có cảm biến tự động; gắn chíp diện tử để theo dõi sức khoẻ của con vật,...

- Việc sử dụng thuốc kháng sinh, vaccine, hormone cần thực hiện đúng loại, liều lượng, thời điểm, thời gian ngừng sử dụng trước khi thu hoạch vật nuôi thương phẩm (bán lấy thịt, sữa,...) theo quy định và hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Xem thêm Lời giải bài tập Sinh học 11 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 18: Sinh trưởng và phát triển ở động vật

Ôn tập chủ đề 3

Bài 20: Khái quát về sinh sản ở sinh vật

Bài 21: Sinh sản ở sinh vật

Bài 22: Sinh sản ở động vật

1 1,087 18/09/2024


Xem thêm các chương trình khác: