Giải Sinh học 11 Bài 11 (Cánh diều): Khái quát về cảm ứng ở sinh vật

Với giải bài tập Sinh học 11 Bài 11: Khái quát về cảm ứng ở sinh vật sách Cánh diều hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Sinh học 11 Bài 11.

1 982 18/09/2024


Giải Sinh học 11 Bài 11: Khái quát về cảm ứng ở sinh vật

Giải Sinh học 11 trang 75

Mở đầu trang 75 Sinh học 11: Quan sát hình 11.1 cho biết rễ cây mọc hướng về phía nào? Vì sao?

Quan sát hình 11.1 cho biết rễ cây mọc hướng về phía nào?

Lời giải:

- Trong trường hợp trên, rễ cây sẽ mọc hướng về phía nguồn nước.

- Giải thích: Để tìm kiếm được nguồn nước cho cây, rễ cây có tính hướng nước (mọc hướng về phía có nguồn nước).

I. Khái quát về cảm ứng ở sinh vật

Câu hỏi trang 75 Sinh học 11: Quan sát hình 11.2, mô tả hiện tượng cảm ứng ở thực vật, động vật và con người.

Quan sát hình 11.2, mô tả hiện tượng cảm ứng ở thực vật, động vật và con người

Lời giải:

Hình

Mô tả hiện tượng cảm ứng trong hình

(a)

Khi được chiếu sáng về một phía, ngọn cây có hiện tượng hướng về phía nguồn sáng.

(b)

Vịt con mới nở đi theo vật di chuyển đầu tiên mà chúng nhìn thấy (trong trường hợp này là con gà).

(c)

Khi trời nóng, cơ thể người có phản ứng tăng tiết mồ hồi, đồng thời, con người cũng chủ động mặc quần áo mỏng hơn và tìm đến các biện pháp chống nắng khác. Khi trời lạnh, cơ thể người có phản ứng run rẩy, giảm tiết mồ hôi, đồng thời, con người cũng chủ động mặc quần áo dày hơn và tìm đến các biện pháp chống lạnh khác.

Luyện tập trang 75 Sinh học 11: Lấy thêm ví dụ về cảm ứng ở thực vật và động vật.

Lời giải:

- Một số ví dụ về hiện tượng cảm ứng ở thực vật:

+ Lá cây trinh nữ cụp lại khi tay chạm vào.

+ Lá cây me cụp lại khi trời tối.

+ Rễ cây mọc hướng về phía có nguồn chất dinh dưỡng và mọc tránh xa nguồn hóa chất độc hại.

+ Thân cây trầu cuốn xung quanh thân cây cau.

+ Hoa của cây nghệ tây và hoa tulip nở vào buổi sáng và khép lại lúc chạng vạng tối.

- Một số ví dụ về hiện tượng cảm ứng ở động vật:

+ Thủy tức, giun đất co mình lại khi có vật thể chạm vào nó.

+ Khi nhìn thấy mèo, con chuột sẽ bỏ chạy.

+ Chó tiết nước bọt khi ngửi mùi thức ăn.

+ Người lập tức rụt tay lại khi lỡ chạm tay vào vật nóng.

+ Khi nhìn thấy đèn đỏ, người tham gia giao thông dừng lại.

II. Cơ chế cảm ứng ở sinh vật

Giải Sinh học 11 trang 76

Câu hỏi trang 76 Sinh học 11: Quan sát hình 11.3, cho biết cây cà chua và con cuốn chiếu phản ứng với những thay đổi của môi trường như thế nào?

Quan sát hình 11.3, cho biết cây cà chua và con cuốn chiếu phản ứng với những thay đổi của môi trường như thế nào?

Lời giải:

- Phản ứng của cây cà chua: Khi được đặt ở nơi có nguồn ánh sáng ở một phía, ngọn của các cây cà chua sẽ dần dần sinh trưởng uốn cong hướng về phía có ánh sáng.

- Phản ứng của con cuốn chiếu: Khi bị chạm vào, con cuốn chiếu sẽ ngay lập tức cuộn tròn người lại để tự vệ.

Luyện tập trang 76 Sinh học 11: Điều gì xảy ra khi ánh sáng từ một vật phản chiếu vào mắt người?

Lời giải:

Hiện tượng xảy ra khi có ánh sáng từ một vật phản chiếu vào mắt người: Ánh sáng đi từ vật qua giác mạc, đồng tử, thủy tinh thể và hội tụ ở võng mạc, tác động lên tế bào thụ cảm ánh sáng ở mắt (tế bào nón và tế bào que). Tế bào thụ cảm ánh sáng phản ứng với ánh sáng và gây khởi phát xung thần kinh. Xung thần kinh theo neuron hướng tâm đến neuron trung ương thần kinh (trung khu thị giác ở thùy chẩm trên vỏ não). Trung khu thị giác ở thùy chẩm trên vỏ não phân tích cho ta cảm nhận về hình ảnh, màu sắc của vật.

III. Vai trò của cảm ứng đối với sinh vật

Giải Sinh học 11 trang 77

Luyện tập trang 77 Sinh học 11: Nêu ví dụ minh họa về sự tự điều chỉnh của cơ thể sinh vật.

Lời giải:

Ví dụ minh họa về sự tự điều chỉnh của cơ thể sinh vật: Ở người, trong điều kiện ánh sáng có cường độ mạnh chiếu vào mắt, mắt có phản ứng trả lời rất nhanh là nheo lại và đồng tử mắt thu hẹp nhằm không để quá nhiều ánh sáng đi vào mắt. Ngược lại, trong điều kiện ánh sáng có cường độ yếu, mắt có phản ứng là mở rộng và đồng tử mắt dãn ra nhằm mục đích thu thập nhiều ánh sáng hơn.

Vận dụng trang 77 Sinh học 11: Nêu một số ứng dụng hiểu biết về cảm ứng của sinh vật trong đời sống.

Lời giải:

Một số ứng dụng hiểu biết về cảm ứng của sinh vật trong đời sống:

- Ứng dụng tính hướng nước và hướng hóa của rễ, người ta có thể làm tăng kích thước bộ rễ bằng cách bón phân và tưới nước xung quanh gốc để kích thích rễ sinh trưởng theo cả chiều rộng và chiều sâu.

- Ứng dụng tính hướng tiếp xúc, người ta làm giàn thúc đẩy các cây thân leo sinh trưởng, phát triển.

- Ứng dụng tập tính giao phối của nhiều loài côn trùng gây hại, người ta tạo ra các cá thể đực bất thụ để làm suy giảm số lượng côn trùng gây hại và tiêu diệt chúng.

- Ứng dụng tập tính sinh sản của ong mắt đỏ, người ta nuôi thả ong mắt đỏ để chúng đẻ trứng vào sâu đục thân, sâu xanh, sâu tơ; ong non nở ra từ trứng sẽ ăn thịt sâu hại.

- Ứng dụng tập tính bỏ chạy khi nhìn thấy con người của một số động vật, người ta đặt bù nhìn rơm hình người trong ruộng lúa hoặc trong nương rẫy để đuổi chim, chuột phá hoại cây trồng.

Lý thuyết Sinh học 11 Bài 11: Khái quát về cảm ứng ở sinh vật

I. Khái quát về cảm ứng ở sinh vật

- Môi trường sống luôn thay đổi và tác động đến sinh vật. Sinh vật nhận tín hiệu từ môi trường nhờ các thụ thể và đáp ứng lại các tín hiệu, đảm bảo thích nghi với những thay đổi phức tạp của môi trường.

- Cảm ứng ở sinh vật là khả năng cơ thể sinh vật tiếp nhận và phản ứng thích hợp với các kích thích từ môi trường, đảm bảo cho sinh vật tồn tại và phát triển. Tuỳ thuộc vào phương thức sống, đặc điểm cấu tạo mà các loài sinh vật có cơ chế và biểu hiện cảm ứng khác nhau.

Lý thuyết Sinh học 11 Bài 11 (Cánh diều): Khái quát về cảm ứng ở sinh vật (ảnh 1)

II. Cơ chế cảm ứng ở sinh vật

Cơ chế cảm ứng ở sinh vật gồm: thu nhận kích thích, dẫn truyền kích thích, trả lời kích thích. Ở động vật có hệ thần kinh có cơ chế phân tích và tổng hợp thông tin.

Lý thuyết Sinh học 11 Bài 11 (Cánh diều): Khái quát về cảm ứng ở sinh vật (ảnh 1)

1. Thu nhận kích thích

Thực vật thu nhận kích thích từ môi trường thông qua các thụ thể trên màng tế bào hoặc trong tế bào chất. Động vật thu nhận kích thích từ môi trường thông qua các giác quan hoặc các tế bào thụ cảm.

2. Dẫn truyền kích thích

Ở thực vật, tín hiệu kích thích từ môi trường được chuyển đổi thành tín hiệu thứ cấp và được dẫn truyền trong tế bào. Ở động vật đa bào có tế bào thần kinh (neuron), tế bào thụ cảm tiếp nhận kích thích, hình thành xung thần kinh. Kích thích được neuron thụ cảm tiếp nhận, truyền theo neuron hướng tâm đến neuron trung gian ở trung ương thần kinh, rồi truyền sang neuron li tâm đến cơ quan trả lời.

3. Phân tích và tổng hợp thông tin

Ở sinh vật có hệ thần kinh, kích thích được dẫn truyền đến bộ phận phân tích và tổng hợp thông tin, quyết định hình thức và mức độ phản ứng của sinh vật, đáp ứng với những thay đổi của môi trường. Bộ phận phân tích và tổng hợp thông tin là các neuron.

4. Trả lời kích thích

Ở mức độ cơ thể, thực vật và động vật đáp ứng với tác nhân kích thích từ môi trường theo các cách rất khác nhau. Thực vật thường phản ứng với các kích thích của môi trường bằng cách điều chỉnh hình thái, phản ứng sinh lí hoặc sự vận động của các cơ quan. Các phản ứng của thực vật được điều khiển bởi các hormone thực vật. Động vật đáp ứng với kích thích thông qua phản xạ. Cơ quan trả lời ở động vật là cơ hoặc tuyến. Cơ trả lời kích thích bằng cách co hoặc dãn. Tuyến trả lời kích thích bằng cách tăng hoặc giảm tiết các chất.

III. Vai trò của cảm ứng đối với sinh vật

Cảm ứng ở sinh vật được thực hiện bằng các cơ chế, hình thức khác nhau giúp sinh vật thích ứng được với những thay đổi từ môi trường, đồng thời duy trì môi trường bên trong tối ưu cho các hoạt động sống của cơ thể, nhờ đó sinh vật tồn tại, sinh trưởng và thích nghi với môi trường.

Xem thêm các bài giải SGK Sinh học 11 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Ôn tập chủ đề 1

Bài 12: Cảm ứng ở thực vật

Bài 13: Cảm ứng ở động vật

Bài 14: Tập tính ở động vật

Ôn tập chủ đề 2

1 982 18/09/2024


Xem thêm các chương trình khác: