Giải KHTN 9 Bài 47 (Kết nối tri thức): Di truyền học với con người

Với giải bài tập Khoa học tự nhiên 9 Bài 47: Di truyền học với con người sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập KHTN 9 Bài 47.

1 384 18/04/2024


Giải KHTN 9 Bài 47: Di truyền học với con người

Giải KHTN 9 trang 201

Mở đầu trang 201 Bài 47 KHTN 9: Vì sao Luật Hôn nhân và Gia đình ở nước ta cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời?

Trả lời:

Luật Hôn nhân và Gia đình ở nước ta cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời là có cơ sở khoa học: Kết hôn gần làm cho các đột biến lặn có hại được biểu hiện ở cá thể đồng hợp với tần số tăng lên đáng kể so với tự nhiên. Những người có họ hàng thân thuộc thường mang một số gene giống nhau, trong đó có các gene lặn có hại; do đó, khoảng 20 – 30% số con của những cặp vợ chồng kết hôn cận huyết chết non hoặc mắc các bệnh, tật di truyền.

I. Tính trạng ở người

Hoạt động 1 trang 201 KHTN 9: Quan sát Hình 47.1, xác định những tính trạng quan sát được. Xác định kiểu hình của em đối với mỗi tính trạng vừa nêu.

Quan sát Hình 47.1, xác định những tính trạng quan sát được

Trả lời:

Các tính trạng quan sát được được là: màu da (nâu hoặc trắng), màu tóc (nâu hoặc đen), dạng tóc (xoăn hoặc thẳng), chiều cao (cao hoặc thấp),…

Hoạt động 2 trang 201 KHTN 9: Ngoài những tính trạng quan sát được ở Hình 47.1, nêu thêm một số ví dụ về tính trạng ở người.

Ngoài những tính trạng quan sát được ở Hình 47.1, nêu thêm một số ví dụ về tính trạng ở người

Trả lời:

Một số ví dụ khác về tính trạng ở người như má lúm đồng tiền, nhóm máu, mắt một mí/hai mí, mũi cao/thấp,…

II. Bệnh và tật di truyền ở người

Giải KHTN 9 trang 203

Câu hỏi 1 trang 203 KHTN 9: Đọc thông tin trong mục II và quan sát các Hình 47.2, 47.3, 47.4, cho biết đặc điểm nào giúp phân biệt bệnh và tật di truyền.

Trả lời:

Đặc điểm giúp phân biệt bệnh và tật di truyền:

+ Các hội chứng và bệnh di truyền là những rối loạn sinh lí trong toàn bộ cơ thể.

+ Tật di truyền là những khiếm khuyết hình thái bên ngoài cơ thể, tật di truyền có thể khắc phục và tạo hình thẩm mĩ nhờ phẫu thuật chỉnh hình.

Câu hỏi 2 trang 203 KHTN 9: Nêu thêm một số hội chứng, bệnh và tật di truyền ở người.

Trả lời:

Một số hội chứng, bệnh và tật di truyền ở người:

- Ví dụ về hội chứng di truyền ở người: hội chứng Patau, hội chứng Jacob, hội chứng tiếng mèo kêu (Cri – du – chat),…

+ Người mắc hội chứng Patau, thừa một NST ở cặp NST số 13 (2n = 47): Hơn 80% trẻ sinh ra với hội chứng này tử vong trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, vẫn có trẻ có thể sống tới tuổi vị thành niên mặc dù rất hiếm.

+ Người bị hội chứng Jacob có NST giới tính kí hiệu XYY (hội chứng siêu nam): thường có rối loạn về hệ vận động (cơ, xương) và hệ thần kinh.

+ Người mắc hội chứng tiếng mèo kêu (Cri – du – chat) có NST số 5 bị đột biến mất đoạn trên nhánh nhỏ: Trẻ sơ sinh có tiếng khóc the thé, âm độ cao, gần giống với tiếng mèo kêu; chậm phát triển trí tuệ và các kĩ năng vận động phối hợp;…

- Ví dụ về bệnh di truyền ở người: bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh máu khó đông, bệnh mù màu,…

- Ví dụ về tật di truyền ở người: tật khoèo chân, tật có túm lông trên vành tai, tật dính ngón tay 2 và 3,…

III. Một số tác nhân gây bệnh di truyền

Giải KHTN 9 trang 204

Câu hỏi trang 204 KHTN 9: Cần làm gì để hạn chế tác nhân gây bệnh di truyền?

Trả lời:

Một số biện pháp hạn chế tác nhân gây bệnh di truyền:

+ Sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hóa học đúng liều lượng và sử dụng dụng cụ bảo hộ khi tiếp xúc.

+ Tránh tiếp xúc trực tiếp quá mức với các chất phóng xạ.

+ Không tiếp xúc trực tiếp quá lâu dưới ánh nắng mặt trời.

+ Sử dụng dụng cụ bảo hộ khi tiếp xúc và làm việc trong điều kiện làm việc có hóa chất.

+ Giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.

Câu hỏi trang 204 KHTN 9: Vận dụng những kiến thức về di truyền học, giải thích cơ sở của tiêu chí hôn nhân một vợ chồng và không nên sinh con quá sớm hoặc quá muộn.

Trả lời:

- Cơ sở của hôn nhân một vợ một chồng: Tỉ lệ nam : nữ xấp xỉ 1 : 1, do đó kết hôn một vợ một chồng đảm bảo cân bằng trong xã hội.

- Cơ sở của việc không nên sinh con quá sớm hoặc quá muộn:

+ Không sinh con quá sớm vì cơ thể phát triển chưa hoàn chỉnh, tiềm ẩn nguy hiểm cho cả người mẹ và con; khả năng chăm sóc và nuôi dạy con cũng không đảm bảo. Luật Hôn nhân và gia đình quy định tuổi kết hôn của nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.

+ Tuy nhiên, cũng không nên sinh con quá muộn. Người mẹ không nên sinh con ở độ tuổi ngoài 35, vì tuổi tăng cao tăng nguy cơ bất thường về NST và phân bào, dẫn đến con sinh ra có những bất thường di truyền, ví dụ: tuổi mẹ tăng tỉ lệ thuận với tỉ lệ trẻ sơ sinh mắc hội chứng Down. Bên cạnh đó sinh con muộn cũng tiềm ẩn những nguy hiểm cho sức khỏẻ của người mẹ.

Câu hỏi 1 trang 204 KHTN 9: Lựa chọn giới tính trong sinh sản dẫn đến nguy cơ gì?

Trả lời:

Lựa chọn giới tính trong sinh sản, sinh con theo ý muốn dẫn đến mất cân bằng giới tính. Mất cân bằng giới tính kéo theo nhiều hệ lụy về mặt xã hội, số lượng nam nhiều hơn nữ, dẫn đến khó khăn trong việc kết hôn; nguy cơ xuất hiện các tệ nạn xã hội như mại dâm, buôn bán phụ nữ;..

Câu hỏi 2 trang 204 KHTN 9: Thái độ và hành động của em như thế nào trước hiện tượng lựa chọn giới tính thai nhi và trọng nam khinh nữ?

Trả lời:

Không đồng ý với hiện tượng lựa chọn giới tính thai nhi và trọng nam khinh nữ vì hiện tượng này gây mất cân bằng giới tính kéo theo nhiều hệ lụy. Để hạn chế hiện tượng này cần tăng cường tuyên truyền về bình đẳng nam nữ; tác hại của việc lựa chọn giới tính, phá thai;…

Xem thêm lời giải bài tập Khoa học tự nhiên lớp 9 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 46: Đột biến nhiễm sắc thể

Bài 48: Ứng dụng công nghệ di truyền vào đời sống

Bài 49: Khái niệm tiến hoá và các hình thức chọn lọc

Bài 50: Cơ chế tiến hoá

Bài 51: Sự phát sinh và phát triển sự sống trên Trái Đất

1 384 18/04/2024