Giải Khoa học tự nhiên 7 Bài 26 (Chân trời sáng tạo): Thực hành về hô hấp tế bào ở thực vật thông qua sự nảy mầm của hạt

Với lời giải bài tập Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 26: Thực hành về hô hấp tế bào ở thực vật thông qua sự nảy mầm của hạt sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi và làm bài tập KHTN 7 Bài 26.

1 18151 lượt xem
Tải về


Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 26: Thực hành về hô hấp tế bào ở thực vật thông qua sự nảy mầm của hạt

BÁO CÁO THỰC HÀNH

VỀ HÔ HẤP TẾ BÀO Ở THỰC VẬT

THÔNG QUA SỰ NẢY MẦM CỦA HẠT

Nội dung thực hành: Tìm hiểu về hô hấp tế bào ở thực vật thông qua sự nảy mầm của hạt.

Họ và tên: ………………………………………………………………………………

Học sinh lớp:…………………….Trường:…………………………………….............

1. Câu hỏi nghiên cứu:

- Quá trình hô hấp tế bào ở thực vật có tỏa nhiệt không?

- Trong quá trình hô hấp tế bào ở thực vật, sự trao đổi khí diễn ra như thế nào?

2. Giả thuyết nghiên cứu (hoặc dự đoán):

- Có sự tỏa nhiệt trong quá trình hô hấp tế bào ở thực vật.

- Có sự hấp thụ khí oxygen và thải khí carbon dioxide trong quá trình hô hấp tế bào ở thực vật.

3. Kế hoạch thực hiện:

3.1. Tiến hành thí nghiệm 1: Chứng minh nhiệt lượng được tạo ra trong quá trình hô hấp tế bào.

Tùy từng nhóm học sinh, có thể thiết kế bản thực hiện và theo dõi thực hành theo gợi ý sau:

Nhóm:…………………………………………………………………………………..

Thí nghiệm: Chứng minh nhiệt lượng được tạo ra trong quá trình hô hấp tế bào

Trước buổi thực hành

Chuẩn bị dụng cụ, mẫu vật thí nghiệm

- Dụng cụ: Bình thủy tinh 500 mL, bông gòn, nến, nhiệt kế có vạch chia độ, hộp nhựa/thùng xốp, ấm đun nước siêu tốc, xoong, bếp đun.

- Hóa chất: Nước cất.

- Mẫu vật: 400 g hạt (hạt thóc, hạt đỗ xanh, hạt ngô,…), mùn cưa hoặc xơ dừa.

Phân công nhiệm vụ

- Hs A: Chuẩn bị hạt thí nghiệm

- Hs B: Chuẩn bị thùng xốp.

- Hs D + E: Tiến hành bước 1, 2, 3 của thí nghiệm (thực hiện trước buổi thí nghiệm)

- Cả nhóm: Thực hiện bước 4 của thí nghiệm; trả lời các câu hỏi thí nghiệm, viết báo cáo (thực hiện trong buổi thí nghiệm)

Cách tiến hành thí nghiệm

- Bước 1:

+ Ngâm 100 g hạt trong cốc nước ấm (khoảng 40oC) từ 4 – 12 giờ (tùy loại hạt), vớt ra để nguội, sau đó cho vào bình thủy tinh A.

+ Luộc chín 100 g hạt, để nguội, sau đó, cho hạt đã luộc vào bình thủy tinh B.

- Bước 2: Đặt vào mỗi bình một nhiệt kế, dùng bông gòn ẩm đặt vào miệng bình để cố định nhiệt kế.

- Bước 3: Tiếp tục cho hai bình thủy tinh này vào hai hộp nhựa (hoặc thùng xốp) chứa mùn cưa và theo dõi sự thay đổi nhiệt độ của nhiệt kế sau khoảng 4 – 6 giờ.

- Bước 4: Quan sát, ghi nhận hiện tượng và kết luận về sự chuyển hóa năng lượng diễn ra trong quá trình hạt nảy mầm.

Bảng thời gian theo dõi nhiệt độ

Theo dõi, kiểm tra mẫu thí nghiệm

Trong buổi

thực hành

- Thực hiện bước 4 của thí nghiệm.

- Đọc chỉ số nhiệt độ ở các nhiệt kế.

- Trả lời các câu hỏi thí nghiệm.

- Viết báo cáo.

3.2. Tiến hành thí nghiệm 2: Chứng minh hô hấp tế bào hấp thụ oxygen và thải khí carbon dioxide

Tùy từng nhóm học sinh, có thể thiết kế bản thực hiện và theo dõi thực hành theo gợi ý sau:

Nhóm:…………………………………………………………………………………..

Thí nghiệm: Chứng minh hô hấp tế bào hấp thụ oxygen và thải khí carbon dioxide

Trước buổi thực hành

Chuẩn bị dụng cụ, mẫu vật thí nghiệm

- Dụng cụ: Dây kim loại, nến, bình tam giác có nút và ống dẫn, cốc, bình đựng, nước cất, ống nghiệm, ấm đun nước siêu tốc, xoong, bếp đun.

- Hóa chất: Nước vôi trong, nước cất.

- Mẫu vật: 400 g hạt (hạt thóc, hạt đỗ xanh, hạt ngô,…).

Phân công nhiệm vụ

- Hs A: Chuẩn bị hạt thí nghiệm

- Hs B + C: Tiến hành bước 1, 2, 3 của thí nghiệm (thực hiện trước buổi thí nghiệm)

- Hs D + E: Tiến hành bước 4, 5 của thí nghiệm (thực hiện trong buổi thí nghiệm)

- Cả nhóm: Trả lời các câu hỏi thí nghiệm, viết báo cáo (thực hiện trong buổi thí nghiệm)

Cách tiến hành thí nghiệm

- Bước 1: Ngâm 200 g hạt trong nước ấm (khoảng 40oC) từ 4 – 12 giờ (tùy loại hạt).

- Bước 2: Sau 4 – 12 giờ, vớt hạt, chia đôi và cho vào hai bình thủy tinh C và D (có lót bông ẩm).

- Bước 3: Khi hạt bắt đầu nảy mầm, đậy kín các bình thủy tinh và để vào chỗ tối một ngày.

- Bước 4: Ở bình C: Nhẹ nhàng mở nút bình, đưa nến đang cháy vào. Quan sát hiện tượng xảy ra với cây nến.

- Bước 5: Ở bình D: Cho đầu ngoài ống dẫn của bình tam giác vào ống nghiệm có chứa nước vôi trong. Sau đó, rót nước từ từ, từng ít một qua ống dẫn vào bình chứa hạt. Nước sẽ đẩy không khí từ bình vào ống nghiệm. Quan sát hiện tượng xảy ra trong ống nghiệm.

Theo dõi, kiểm tra mẫu thí nghiệm

Trong buổi

thực hành

- Thử nghiệm để xác định thành phần khí trong bình C, D (bước 4, bước 5).

- Trả lời các câu hỏi thí nghiệm.

- Viết báo cáo.

4. Kết quả thực hiện:

4.1. Thí nghiệm 1:

- Kết quả ghi nhận kết quả giá trị nhiệt độ ở hai bình thí nghiệm: Nhiệt độ ở bình thủy tinh A cao hơn nhiệt độ ở bình thủy tinh B.

- Giải thích:

+ Ở bình A, hạt đang nảy mầm nên có quá trình hô hấp tế bào diễn ra mạnh. Quá trình hô hấp tế bào có tỏa nhiệt nên nhiệt độ ở bình A tăng lên.

+ Ở bình B, hạt đã được luộc chín (hạt đã chết) nên không diễn ra quá trình hô hấp tế bào. Bởi vậy, nhiệt độ ở bình B không tăng.

4.2. Thí nghiệm 2:

- Ghi nhận kết quả:

+ Đưa nến đang cháy vào miệng bình C: Nến đang cháy bị tắt ngay.

+ Dẫn khí trong bình D vào ống nghiệm chứa nước vôi trong: Nước vôi trong vẩn đục.

- Giải thích:

+ Khi đưa nến đang cháy vào bình C, nến bị tắt ngay vì: Hạt đang nảy mầm nên có quá trình hô hấp tế bào diễn ra mạnh. Quá trình hô hấp tế bào hấp thu oxygen và thải khí carbon dioxide dẫn đến nồng độ oxygen trong bình xuống thấp, nồng độ carbon dioxide trong bình tăng cao khiến cho điều kiện trong bình không duy trì được sự cháy.

+ Dẫn khí trong bình D vào ống nghiệm chứa nước vôi trong, nước vôi trong vẩn đục vì: Hạt đang nảy mầm nên có quá trình hô hấp tế bào diễn ra mạnh. Quá trình hô hấp tế bào thải khí carbon dioxide. Khí carbon dioxide phản ứng với nước vôi trong hình thành nên kết tủa (vẩn đục trong ống nghiệm nước vôi trong).

5. Kết luận

Trong quá trình hô hấp tế bào, có xảy ra hiện tượng:

- Tỏa nhiệt.

- Hấp thụ khí oxygen, thải khí carbon dioxide.

 Xem thêm lời giải bài tập Khoa học tự nhiên lớp 7 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Bài 27: Trao đổi khí ở sinh vật

Bài 28: Vai trò của nước và các chất dinh dưỡng đối với cơ thể sinh vật

Bài 29: Trao đổi nước và các chất dinh dưỡng ở thực vật

Bài 30: Trao đổi nước và các chất dinh dưỡng ở động vật

Bài 31: Thực hành chứng minh thân vận chuyển nước và lá thoát hơi nước

1 18151 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: