Bài 6: Món ngon mùa nước nổi Tiếng Việt lớp 4 Tập 2 – Chân trời sáng tạo
Lời giải Tiếng Việt lớp 4 Bài 6: Món ngon mùa nước nổi sách Chân trời sáng tạo giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 2 Bài 6.
Bài 6: Món ngon mùa nước nổi – Tiếng Việt lớp 4
Đọc: Món ngon mùa nước nổi trang 29, 30
* Nội dung chính Món ngon mùa nước nổi
Bài đọc giới thiệu về một ăn đặc sản của người dân miền Tây, đó chính là cá linh – một loại cá có thể chế biến ra được rất nhiều món ngon.
* Khởi động
Câu hỏi trang 29 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Chia sẻ với bạn về một món ăn em thích dựa vào gợi ý:
Tham khảo:
Món trứng gà luộc. Nguyên liệu: trứng, nước sạch. Luộc trong 6 phút. Hương vị bùi, béo,...
* Khám phá và luyện tập
Đọc
Văn bản: Món ngon mùa nước nổi
Cá linh là món quà thiên nhiên ưu ái dành tặng người dân miền Tây vào mùa nước nổi. Vào mùa này, cá linh từ miệt thượng nguồn sông Mê Kông “trôi” về đồng bằng sông Cửu Long nhiều vô số kể. Người dân đặt dớn, mỗi ngày thu hoạch tới mấy giạ.
Cá linh chế biến được nhiều món. Nhưng món ăn dân dã được bà con nơi đây chuộng nhất là cá linh nấu canh chua. Cá linh non khi nấu canh để nguyên con, chỉ cần bỏ ruột. Bông điên điển nở rộ đầu mùa nước nổi, hải một chút là đủ ăn. Rau muống và bông súng mọc đầy đồng, tha hồ hái. Chỉ vài món đơn sơ như thế đã có thể nấu được một nồi canh chua ngon tuyệt. Khách phương xa đến ăn một lần rồi lưu luyến mãi miền Tây.
Còn dân ở đây, dù có đi đâu về đâu, hễ nghe nhắc tới canh chua cá linh thì dường như bao nỗi nhớ quê hương lại hiện về, ngập tràn kí ức.
Trương Chí Hùng
Câu hỏi, bài tập:
Câu 1 trang 30 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Tìm những chi tiết cho thấy vào mùa nước nổi, cá linh ở đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều
Trả lời: Vào mùa này, ca linh từ miệt thượng nguồn sông Mê Kông "trôi" về đồng bằng sông Cửu Long nhiều vô số kể. Người dân đặt dớn, mỗi ngày thu hoạch tới mấy giạ.
Câu 2 trang 30 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Người dân miền Tây nấu canh chua cá linh như thế nào?
Trả lời: Cá linh non khi nấu canh để nguyên con, chỉ cần bỏ ruột. Bông điên điển nở rộ đầu mùa nước nổi, hái một chút là đủ ăn. Rau muống và bông súng mọc đầy đồng, tha hồ hái. Chỉ vài món đơn sơ như thế đã có thể nấu được một nồi canh chua ngon tuyệt.
Câu 3 trang 30 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Những chi tiết nào chứng tỏ canh chua cá linh có sức hấp dẫn với người dân miền tây cũng như khách phương xa?
Trả lời: Khách phương xa đến ăn một lần rồi lưu luyến mãi miền Tây.
Còn dân ở đây, dù có đi đâu về đâu, hễ nghe nhắc tới canh chua cá linh thì dường như bao nỗi nhớ quê hương lại hiện về, ngập tràn kí ức.
Câu 4 trang 30 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Vì sao nói "cá linh là món quà thiên nhiên ưu ái dành tặng người dân miền Tây vào mùa nước nổi"?
Trả lời: Vì mỗi mùa nước nổi, cá linh lại "trôi" về sông Mê Kông rất nhiều và người dân miền Tây có thể dễ dàng bắt được rất nhiều cá linh. Cá linh có thể chế biến được nhiều món ngon.
Nói và nghe: Nói về một tấm gương lạc quan, yêu cuộc sống mà em biết trang 30
Gợi ý:
a. Xác định nội dung nói:
Giới thiệu chung về nhân vật.
Hoàn cảnh sống của nhân vật.
Những việc làm thể hiện tinh thần lạc quan hoặc tình yêu cuộc sống của nhân vật.
Kết quả nhân vật đó đạt được.
Suy nghĩ, tình cảm của em với nhân vật.
b. Xác định phương tiện hỗ trợ bài nói:
Tranh ảnh.
Sơ đồ, biểu đồ.
Đoạn nhạc, đoạn phim.
Tham khảo:
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, từng là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bác sinh ra trong hoàn cảnh đất nước bị xâm chiếm, điều này thúc đẩy Bác phải ra đi tìm đường cứu nước. Khi đang hoạt động cách mạng tại Trung Quốc, Bác bị bắt giam vào ngục. Trong hoàn cảnh bị bắt và bị giam vào ngục của Tưởng Giới Thạch, bị đày ải từ nhà tù này sang nhà tù khác, luôn phải sống trong cảnh nghèo khó và cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào nhưng Bác chưa bao giờ bi quan. Bằng chứng là trong hoàn cảnh đó, Bác vẫn sáng tác được “Nhật ký trong tù” thể hiện tinh thần rất lạc quan, yêu đời của Bác. Về sau, Bác được trả tự do và lãnh đạo nhân dân Việt Nam chống lại quân xâm lược. Em rất kính yêu và tự hào là cháu Bác Hồ.
Viết: Viết đoạn kết cho bài văn miêu tả cây cối trang 31
Câu 1 trang 31 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Đọc hai đoạn kết bài sau và trả lời câu hỏi:
a, Đoạn văn nào là đoạn kết bài sau khi tả các đặc điểm hoặc sự thay đổi của cây theo thời gian?
b, Đoạn văn nào là đoạn kết bài bằng cách nêu tình cảm, cảm xúc với cây chọn tả?
Đoạn 1: Ngày xuân dần hết, số hoa tăng lên, màu cũng đậm dần. Rồi hòa nhịp với ông mặt trời chói lọi, màu phượng mạnh mẽ kêu vang: Hè đến rồi! Khắp thành phố bỗng rực lên như đến Tết nhà nhà đều dán câu đối đỏ.
Theo Xuân Diệu
Đoạn 2: Cây phượng già đã gắn bó với chúng em suốt những năm tháng học tiểu học. Mai đây, khi xa trường, chúng em vẫn luôn nhớ về cây phượng với những kỉ niệm thân thương.
Mai Thi
Trả lời:
Đoạn kết bài sau khi tả các đặc điểm hoặc sự thay đổi của cây theo thời gian: 1
Đoạn kết bài bằng cách nêu tình cảm, cảm xúc với cây chọn tả: 2
Câu 2 trang 31 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Viết đoạn kết bài không mở rộng cho bài văn tả một cây bóng mát được trồng ở trường hoặc nơi em ở.
Trả lời: Cây hoa sữa không chỉ mang đến bóng râm, che mưa, che nắng cho con người mà để lại cho những ấn tượng khó phai cho bất cứ ai đi ngang vào mùa hoa nở.
* Vận dụng
Câu hỏi trang 31 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Đóng vai hướng dẫn viên, giới thiệu với du khách một món ăn ở địa phương em.
Trả lời:
Bún bò là một trong những đặc sản của xứ Huế, mặc dù món bún này phổ biến trên cả ba miền ở Việt Nam và cả người Việt tại hải ngoại. Món ăn có nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, giò heo, chả Huế, nạm bò,… cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng và vị sả và ruốc. Đôi khi tô bún còn được thêm vào thịt bò tái, chả cua, và các loại nguyên liệu khác tùy theo sở thích của người nấu. Sau khi xương bò được hầm chín tới, người ta thường thêm vào một ít chả heo hay chả cua được quết nhuyễn. Thịt bò có thể được cắt mỏng, nhúng vào nước dùng đang sôi trước khi cho vào tô bún (gọi là thịt bò tái). Thịt bò mềm, nước chan ngọt cùng với mùi thơm của bún sẽ là một ấn tượng khó phai đối với bất kỳ ai lần đầu ăn bún bò Huế.
Xem thêm các chương trình khác: