TOP 10 mẫu Hãy lựa chọn và giới thiệu với các bạn cùng lớp một kịch bản văn học hoặc một bộ phim (2024) SIÊU HAY

Hãy lựa chọn và giới thiệu với các bạn cùng lớp một kịch bản văn học hoặc một bộ phim gồm 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 11 hay hơn.

1 605 23/07/2024


Hãy lựa chọn và giới thiệu với các bạn cùng lớp một kịch bản văn học hoặc một bộ phim

Đề bài: Em hãy lựa chọn và giới thiệu với các bạn cùng lớp một kịch bản văn học hoặc một bộ phim em thích nhất hoặc em biết.

TOP 10 mẫu Hãy lựa chọn và giới thiệu với các bạn cùng lớp một kịch bản văn học hoặc một bộ phim (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

Dàn ý: Hãy lựa chọn và giới thiệu với các bạn cùng lớp một kịch bản văn học hoặc một bộ phim

1. Mở bài:

- Lời chào và giới thiệu bản thân.

- Giới thiệu và nêu đánh giá khái quát về kịch bản văn học/ bộ phim đã chọn.

2. Thân bài:

* Nguồn gốc, xuất xứ:

- Kịch bản văn học/ bộ phim đó có nguồn gốc từ đâu?

- Ai là tác giả/ biên kịch/ đạo diễn/... ?

* Nội dung chính:

- Tác phẩm đề cập đến chủ đề gì?

- Tác phẩm diễn giải chủ đề đó như thế nào?

* Điểm thành công/ hạn chế của tác phẩm:

- Về nội dung (đề tài, chủ đề, thông điệp được gửi gắm,...)

- Về nghệ thuật (cách xây dựng cốt truyện, cách chọn lựa diễn viên, bối cảnh, đồ họa,...)

* Ý nghĩa của tác phẩm:

- Tác phẩm truyền tải thông điệp gì đến khán thính giả?

- Tác phẩm mang lại giá trị gì đối với cộng đồng?

3. Kết bài:

- Khẳng định lại giá trị của kịch bản văn học/ bộ phim đó đối với ngành nghệ thuật nói chung và bản thân em nói riêng.

- Lời kết.

Hãy lựa chọn và giới thiệu với các bạn cùng lớp một kịch bản văn học hoặc một bộ phim - mẫu 1

Xin chào cô và các bạn! Vấn đề sắc tộc, màu da từ lâu đã nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo mọi người trên thế giới. Thậm chí, cho đến ngày hôm nay, ta vẫn có thể bắt gặp một vài trường hợp phân biệt chủng tộc một cách tiêu cực. Vậy hôm nay, mình xin phép giới thiệu một bộ phim về chủ đề này: "12 Years a Slave" (12 năm nô lệ). Bộ phim dựa trên cuốn hồi kí cùng tên do Solomon Northup viết. Ông là một người Mỹ gốc Phi, sinh ra tại New York nhưng sau đó bị bắt làm nô lệ suốt 19 năm ròng rã. Với tài năng của mình, đạo diễn Steve McQueen và biên kịch John Ridley đã biến tấu, nhào nặn tác phẩm thành bộ phim hoàn chỉnh. "12 năm nô lệ" không chỉ phản ánh vô cùng chân thực những năm tháng lịch sử đen tối của nước Mỹ mà còn đem đến cái nhìn trực diện về nạn buôn bán nô lệ vào thế kỉ XIX. Báo VnExpress đã nhận xét: "Giống như cách "Schindler's List" từng lên án những tội ác vô nhân tính của phát xít Đức, cách tái hiện lịch sử của "12 Years a Slave" rất xót xa nhưng cần thiết". Có lẽ chính bởi đạo diễn cũng là người da màu nên ông rất thấu hiểu nỗi thống khổ mà người da đen ở Mỹ phải chịu đựng suốt bao thế kỉ. Dàn diễn viên thực lực với những cái tên danh giá như Chiwetel Ejiofor, Lupita Nyong'O, Brad Pitt, Benedict Cumberbatch,... cũng đóng vai trò lớn làm nên thành công của bộ phim. Nhân vật Solomon (hóa thân bởi Chiwetel Ejiofor) đã thực sự chiếm được cảm tình, sự khâm phục của khán giả. Anh ta kiên cường, nhẫn nại suốt hơn 10 năm dù cho có phải chịu bao bất công, gian khổ. Nhân vật người hầu gái Patsey (thủ vai bởi Lupita Nyong'O) cũng rất ấn tượng. Đặc biệt, cảnh cô nhờ Solomon kết liễu mạng sống của mình giữa đêm khuya thực sự đã khiến người xem không khỏi xúc động, thương xót. Hay như cả vai diễn ông chủ Epps (do Michael Fassbender thủ vai) cũng gây ám ảnh về một gã say rượu, đa nghi, gia trưởng, ngạo mạn.

Với những yếu tố trên, "12 năm nô lệ" đã nhận được giải Oscar danh giá trong lễ trao giải lần thứ 86 với danh hiệu Phim xuất sắc nhất, Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Bên cạnh đó, phim cũng gặt hái thêm nhiều thành tựu khác như giải Quả cầu vàng cho phim chính kịch hay nhất, giải thưởng của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh quốc,...

"12 năm nô lệ" thực sự là bộ phim giàu tính nhân văn. Hi vọng mọi người có thể tự mình trải nghiệm, thưởng thức tác phẩm này ít nhất một lần.

Trên đây là phần trình bày của mình. Cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe!

Hãy lựa chọn và giới thiệu với các bạn cùng lớp một kịch bản văn học hoặc một bộ phim - mẫu 2

Hôm nay tôi sẽ giới thiệu cho các bạn cùng nghe về một vở kịch vô cùng nổi tiếng. Cùng lắng nghe nhé!

Nhắc tới nền văn học Phục hưng, người ta thường nhớ ngay tới tên tuổi của William Shakespeare, người được mệnh danh là linh hồn của thời đại. Dường như không một tác phẩm nào của ông không đề cập đến tình yêu, những tình yêu muôn hình vạn trạng như chính cuộc sống. Trong đó, Romeo và Juliet là vở bi kịch thành công nhất của Shakespeare. Qua vở kịch, tác giả đã làm nổi bật được sức mạnh của tình yêu, đồng thời, tác phẩm cũng đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật kịch.

Kịch bản văn học là một tác phẩm văn học, mang đầy đủ đặc điểm của nghệ thuật ngôn từ. Đặc trưng của kịch thường là các yếu tố: xung đột và cách giải quyết xung đột, hành động kịch, ngôn ngữ kịch,… Dựa theo nội dung, ý nghĩa có thể phân loại kịch thành ba loại: hài kịch, bi kịch, chính kịch. Romeo và Juliet là vở bi kịch tình huống, ở đó, nhân vật do hoàn cảnh éo le, ngang trái mà dẫn đến những nỗi đau và cái chết. Nói đến bi kịch là nói đến sự thắt nút và mở nút của xung đột kịch - mà kết thúc bao giờ cũng là sự tiêu vong của nhân vật chính.

Chủ đề của vở kịch là tình yêu, đó là bản tình ca bất tử ca ngợi sức mạnh của tình yêu đã chiến thắng oán thù và những thế lực đen tối trong xã hội. Nội dung vở kịch xoay quanh mối tình của đôi trai gái thành Veron. Tình yêu của Romeo và Juliet là một tình yêu trong sáng, thơ mộng và mãnh liệt, thủy chung. Tình yêu đó rất mực giản dị, đời thường nhưng cũng rất cao thượng, đối lập với những dục vọng thấp kém. Romeo đã bất chấp mối thù truyền kiếp, vượt bức tường thành lễ giáo phong kiến. Juliet cũng không để cho những hận thù vô nghĩa ngăn cản, đã mạnh mẽ, dám bộc lộ tình yêu của mình, thứ tình yêu mãnh liệt mà duyên dáng, táo bạo mà thơ ngây. Vượt lên mọi ràng buộc, mọi quy định của gia đình quý tộc, nàng dám nói lên một cách thành thực tình yêu say đắm của mình: “Chàng Montaghiu tuấn tú ơi, em yêu chàng say đắm,... ngờ em là kẻ trăng hoa”. Lời nói của Juliet cũng là lời tuyên ngôn của những người trẻ tuổi. Romeo và Juliet đã biết cách trân trọng từng khoảnh khắc ngắn ngủi mà quý giá khi gặp nhau và cũng sẵn sàng hi sinh để bảo vệ lời thề chung thủy. Đồng thời, Romeo và Juliet đã cho thấy cuộc đấu tranh quyết liệt cho hạnh phúc và tình yêu chống lại những thành kiến và uy quyền của lễ giáo phong kiến. Tác phẩm khép lại bằng cái chết của cả hai nhân vật, song lại mở ra chiến thắng của chủ nghĩa nhân văn, điều đó được minh chứng bởi cái bắt tay của hai dòng họ Montaghiu và Capiulet để đời đời ghi nhớ câu chuyện tình yêu bất tử ấy. Thắng lợi của vở kịch là thắng lợi của chủ nghĩa nhân văn đối với tính vô nhân đạo của nền phong kiến trung cổ. Cái chết đã cảm hóa lòng người, biến đổi được mối quan hệ giữa hai dòng họ, vậy nên nhà nghiên cứu Mecanxki vẫn gọi đây là “vở bi kịch lạc quan”.

Bút pháp lãng mạn và chất liệu hiện thực đã tạo ra một vẻ đẹp kì diệu trong tình cảm của Romeo và Juliet. Cuộc gặp gỡ của họ chan chứa sức mạnh của thơ trữ tình, xen lẫn những đoạn “bi” đầy khổ đau, lâm li. Shakespeare đã khiến vở kịch trở nên chân thực, giống với cuộc đời hơn cả khi kết hợp tính đa dạng và biến hóa của hành động kịch, xen lẫn cái bi với cái hài, cái cao cả với cái thấp hèn, giữa vui - buồn, hạnh phúc - đau khổ,... Ông cũng rất thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, những tính cách vô cùng sinh động và chân thực. Ngoài ngoại hình lý tưởng, tác giả cũng chú trọng mô tả nội tâm nhân vật sao cho phù hợp với chuỗi hành động. Ngôn ngữ kịch đặc sắc, vốn từ đồ sộ nhưng rất đỗi giản dị, thân thuộc - đó là những từ nhân dân hiểu, là ngôn ngữ của quần chúng nhưng không vì vậy mà tầm thường.

Bằng thiên tài nghệ thuật của mình, Shakespeare đã tỏa sáng và ghi dấu ấn sâu đậm, chiếm lĩnh ngôi chủ soái kịch trường. Chủ đề tình yêu với cách khai thác riêng biệt, nghệ thuật kịch đặc sắc đã làm nên chất trữ tình thi vị, chất men say ngây ngất có sức cuốn hút kì diệu của Romeo và Juliet. Khi đọc kiệt tác này, độc giả nhớ tới biết bao mối tình ngang trái không đi tới được cái kết viên mãn song đều đẹp đẽ, thiêng liêng:

“Nợ tình chưa trả cho ai

Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan,...”

Hãy lựa chọn và giới thiệu với các bạn cùng lớp một kịch bản văn học hoặc một bộ phim - mẫu 3

Những chiếc máy quay full HD, 4K hẳn là thứ mà nhiều người làm phim trong quá khứ cực kỳ thèm khát. Màu sắc sặc sỡ trên phim hẳn là điều mong mỏi của hàng triệu khán giả mê điện ảnh khi xưa. Và âm thanh, những cuộc hội thoại hẳn là một tiến bộ vĩ đại trong công cuộc đưa điện ảnh ngày càng phát triển, ngày càng gần gũi với cuộc sống thực. Thế nhưng, “The Artist” mặc dù được sản xuất năm 2011, lại đơn phương độc mã đi theo một con đường hoàn toàn khác, đưa dòng phim câm, trắng đen một lần nữa lên màn ảnh rộng và đưa tên mình vào danh sách những bộ phim dành giải Oscars ở 5 hạng mục danh giá, trong đó có Phim xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

“The Artist” là câu chuyện về George Valentin – một chàng diễn viên điển trai, giàu có và tài năng, đang đứng trên đỉnh cao danh vọng của thể loại phim câm. Thế rồi, bi kịch đời anh ập đến khi thời thế thay đổi, công nghệ mới lên ngôi, người ta đưa được âm thanh, tiếng động vào từng thước phim. Và anh với những thước phim im lặng của anh trở thành thừa thãi, bị lãng quên vào quá khứ. George từ đỉnh cao, nay đã xuống tận đáy của cuộc đời. Anh mất tất cả: nhà cửa, tài sản, quần áo và người vợ với cuộc hôn nhân không hạnh phúc đã lâu. Anh chỉ còn lại những cuộn phim từng kiếm cho anh bộn tiền, chú chó Uggie và người tài xế trung thành. George cũng mất cả lòng kiêu hãnh của một người đàn ông khi cô vũ công anh từng phải lòng và giúp đỡ, nay lại trở thành một minh tinh của dòng phim nói. Cô đã vô tình xúc phạm anh và thể loại phim câm cũ kỹ mà anh đại diện. Phim là chuyện đời, chuyện nghề và chuyện tình của những người nghệ sỹ chân chính.

Phim Oscars hiếm có phim nào mang nhiều yếu tố giải trí, hài hước hay dễ xem. Thế nhưng đó hẳn chỉ là định kiến dập khuôn bởi “The Artist” hoàn toàn là một bộ phim như thế. “The Artist” không có những twist lồng twist bất ngờ để ta phải ồ à, há hốc mồm. Cũng không có những pha hành động máu lửa để câu khách. Các nhà làm phim cũng không hề biến nền công nghiệp điện ảnh thành cái gì bi kịch, giật gân. “The Artist” cũng không khó hiểu đến nỗi khán giả xem xong chả hiểu nổi. Vậy, bộ phim này có gì?

Phim đặc biệt ở chỗ nó loại bỏ tất cả các yếu tố gây phân tâm cho khán giả như màu sắc, tiếng động nhỏ nhặt hay thậm chí là những đoạn hội thoại không cần thiết để khán giả chỉ tập trung vào nội dung và diễn xuất. Là phim câm, “The Artist” có lối kể chuyên rất riêng. Người diễn viên khi nhập vai hẳn phải chịu rất nhiều thách thức khi không thể biểu hiện quá lố cảm xúc để người xem dễ chú ý, cũng không thể giấu quá kỹ biểu cảm để rồi người xem không nhận ra rằng nhân vật đang vui hay buồn, hơn nữa, người diễn viên cũng không thể dùng câu thoại để thể hiện mình. Thế nhưng, với màn trình diễn xuất sắc của Jean Dujardin và Bérénice Bejo, ta có thể khẳng định rằng im lặng không bao giờ là một chướng ngại vật quá lớn. Jean và Bérénice đều hóa thân trở thành những người nghệ sỹ chân chính, hoạt bát và cá tính nhưng cũng rất thường, rất đời. Cũng chính nhờ việc chỉ cần ngôn ngữ hình thể mà người ta không cần tuyển diễn viên ở cùng một quốc gia, không cần có chất giọng phù hợp với nhân vật họ nhập vai. Chính vì vậy mà mặc dù lấy bối cảnh ở Hollywood hào nhoáng nhưng hai diễn viên chính lại mang quốc tịch Pháp và Argentina.

Một yếu tố thành công khác của “The Artist” chính là nhạc phim tuyệt vời. Chính vì không thể biểu hiện quá lộ liễu cảm xúc, không thể nói lời thoại nên nhạc phim lại có một vị trí vô cùng quan trọng – quan trọng hơn nhiều so với vị trí của nó trong dòng phim hiện đại. Nhạc trong phim có tác dụng rất lớn trong việc dẫn dắt, điều khiển nhịp phim, đồng thời cũng bộc lộ tinh tế tính cách, cảm xúc nhân vật. Khi George thành công, ta nghe được hòa thanh vui nhộn, hối thúc của cả dàn nhạc. Ở những phân cảnh đầu tiên của Peppy Miller, ta lại cảm nhận được nét hóm hỉnh, mộng mơ nhưng cũng đầy nữ tính của giai điệu. Khi George và Peppy khiêu vũ, nhìn sâu vào đôi mắt nhau và nảy sinh tình cảm, ta lại thấy những giai điệu nhẹ nhàng, tế nhị của tình yêu. Và ta cũng ứa nước mắt khi George mất tất cả, trở về trong căn buồng chật hẹp, nghĩ về hào quang quá khứ và anh của hiện tại. Tiếng nhạc buồn bã, xót xa vang lên.

“The Artist” không hề giống những bộ phim đạt giải “Phim xuất sắc nhất” của Viện Hàn Lâm trong những năm gần đây, có lẽ cũng bởi vị đạo diễn người Pháp Michel Hazanavicius đã làm những điều mà chẳng ai trong những cộng sự Hollywood của ông dám làm. Ông đã tìm về “quá khứ tươi đẹp”, tìm về những giá trị mà lâu nay bị lãng quên. Câu chuyện của George trong phim hẳn cũng giống chúng ta, luôn phải tập quen và thích nghi với những thứ mới mẻ để tồn tại và phát triển. Rõ ràng, phim không hề chê bai hay phản đối nền công nghiệp điện ảnh hiện đại với những thước phim màu sắc nét, rực rỡ cùng âm thanh, kỹ xảo đẹp mắt. “The Artist” là một cái quay đầu lại đằng sau để nhìn thấy nơi ta bắt đầu, tìm lại những vẻ đẹp thuần khiết, nguyên sơ của điện ảnh ta từng có, để từ đó tiếp tục kế thừa và phát triển cho tương lai.

Hãy lựa chọn và giới thiệu với các bạn cùng lớp một kịch bản văn học hoặc một bộ phim - mẫu 4

Xin chào cô và các bạn!

Chắc hẳn mọi người ai cũng đã từng ít nhất một lần nghe thấy cái tên "Romeo và Juliet". Đây là một kịch bản văn học vô cùng nổi tiếng, thuộc hàng kinh điển của thế giới do đại thi hào William Shakespeare sáng tác. Cho đến tận ngày hôm nay, vở kịch này vẫn thường xuyên được diễn lại ở khắp nơi trên thế giới.

Tác phẩm xoay quanh chuyện tình bi kịch của cặp đôi Romeo (nhà Montague) và Juliet (nhà Capulet). Vốn thuộc hai gia tộc với mối thù hận lâu đời, Romeo và Juliet lại phải lòng nhau ngay từ lần đầu gặp mặt. Họ đã bí mật làm đám cưới dưới sự chứng giám của tu sĩ Laurence. Vì xung đột, Romeo đã giết chết Tybalt - anh họ Juliet và bị trục xuất khỏi Verona. Juliet ở nhà bị ép gả cho bá tước Paris. Đau khổ, cô tìm đến tu sĩ Laurence nhờ giúp đỡ và được cho một liều thuốc ngủ để giả chết. Tuy nhiên, Romeo lại hiểu lầm là Juliet qua đời thật, gấp rút chạy về. Romeo đến đám tang người yêu, giết chết bá tước Paris rồi uống thuốc độc. Đúng lúc này Juliet tỉnh lại. Thấy xác Romeo, cô đau khổ tự vẫn. Cái chết của đôi trẻ đã làm thức tỉnh hai dòng họ. Từ đó, họ bỏ qua thù hận và bắt tay làm hòa.

Có thể nói, câu chuyện tình yêu giữa Romeo và Juliet đã trở thành bất hủ. Đó là bài ca ca ngợi tình yêu mãnh liệt, tự do của tuổi trẻ. Đồng thời, phản ánh mặt trái trong sự mâu thuẫn giữa người với người trong xã hội. Bi kịch của đôi trẻ có thể đã khép lại thù hằn giữa hai gia tộc, nhưng nó vẫn sẽ là vết thương lớn khó nguôi ngoai, để lại nhiều suy tư, nỗi niềm trong lòng người đọc, người xem.

Không chỉ được diễn trên các sân khấu kịch lớn, tác phẩm còn được chuyển thể thành phim, diễn như vở opera,... Giá trị của tác phẩm sẽ vẫn còn mãi trong lòng công chúng ngày nay và cả mai sau.

Mình xin kết thúc bài nói tại đây. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp từ phía cô và cả lớp!

Hãy lựa chọn và giới thiệu với các bạn cùng lớp một kịch bản văn học hoặc một bộ phim - mẫu 5

Xin chào cô và các bạn!

Mỗi con người chúng ta, ai cũng có một ước mơ, một đam mê riêng mà mình khao khát theo đuổi. Nhưng khi bước vào thực tế, rất nhiều yếu tố sẽ ảnh hưởng, cản bước ta, khiến ta phải suy nghĩ rất nhiều về con người, cuộc đời.

"Soul", hay "Cuộc sống nhiệm màu", là một bộ phim như vậy. Phim được tạo nên bởi bàn tay tài hoa của đạo diễn Pete Docter và biên kịch Kemp Powers. Với màu sắc nhẹ nhàng, tích cực, "Soul" cứ vậy đi vào lòng người xem, khơi gợi trong mỗi chúng ta tình yêu với cuộc sống này.

Phim xoay quanh câu chuyện một giáo viên dạy nhạc tên Joe Gardner. Anh ta yêu nhạc Jazz, ước mơ trở thành một nghệ sĩ chơi nhạc Jazz. Nhưng thực tế cuộc sống với những gánh nặng tài chính không cho phép Joe sống với đam mê của mình. Vào một lần, Joe có cơ hội được tham gia biểu diễn cùng thần tượng. Do quá vui mừng, anh đã gặp tai nạn, khiến cơ thể và linh hồn bị tách ra. Không chấp nhận được hiện thực, Joe vùng vẫy, trốn chạy đến The Great Before (Cõi Trước - nơi những linh hồn chuẩn bị đến với Trái Đất). Ở đây, anh gặp một linh hồn gọi là 22 và cùng nhau bắt đầu cuộc hành trình giúp Joe quay lại với cơ thể cũ.

Với cốt truyện đơn giản, "Soul" đã mang đến những bài học vô cùng ý nghĩa. Đó là quá trình hoàn thiện của Joe. Trước đây, anh chỉ biết nghĩ cho bản thân, không quan tâm đến cảm xúc của người khác. Nhưng bây giờ, anh đã nhận ra thêm nhiều vẻ đẹp của cuộc sống. Từ đó, biết hi sinh vì hạnh phúc của người mình yêu thương. Còn 22 từ một linh hồn bất trị đã dần thấy được vẻ đẹp cuộc sống. Cả hai nhân vật đều có được bài học cho chính mình. Đồng thời, khiến khán giả có thêm nhiều suy ngẫm, chiêm nghiệm.

Không chỉ thành công ở mặt nội dung, "Soul" còn chiếm trọn trái tim người xem bằng mảng đồ họa xuất sắc. Hình ảnh phim vô cùng chân thực, tái hiện hoàn hảo gam màu tươi sáng của thành phố New York náo nhiệt. Hay như ở The Great Before, không gian cũng được xây dựng đậm chất kì ảo. Một điểm cộng nữa chính là nhạc phim. Với âm hưởng nhẹ nhàng của những bản nhạc Jazz, "Soul" như đưa người xem về thế kỉ trước, bỏ qua mọi phiền não thường ngày.

Đặc biệt, bộ phim được ra đời vào đúng giai đoạn biến động khi đại dịch Covid 19 đang hoành hành. "Soul" lúc này như một liều thuốc tinh thần gửi đến người dân, mang lại cho họ sự lạc quan cùng tình yêu với cuộc sống.

Và vừa rồi cũng là phần kết thúc cho bài trình bày của mình hôm nay. Rất cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe và mình mong sẽ nhận được đánh giá, góp ý từ phía mọi người để rút kinh nghiệm cho lần sau.

Hãy lựa chọn và giới thiệu với các bạn cùng lớp một kịch bản văn học hoặc một bộ phim - mẫu 6

Xin chào thầy cô và các bạn,

Tôi là [Tên của bạn], học sinh lớp [lớp học], trường [tên trường].

Những tác phẩm của Shakespeare luôn là một kho tàng vô giá mà các thế hệ sau này vẫn khai thác và khám phá. Điển hình như vở bi kịch "Bi kịch của Hăm-lét, hoàng tử Đan Mạch", trong đó, tác phẩm "Sống hay không sống - đó là vấn đề" mang đến cho chúng ta không chỉ bức tranh chân thực về thời đại mà còn những thông điệp sâu sắc về giá trị nhân sinh.

Văn bản này không chỉ phản ánh tinh thần của thời đại mà còn đưa ra những câu hỏi triết học sâu xa về mục đích sống của con người. Trong một xã hội đầy mưu mô, xấu xa, tác giả đã giúp chúng ta thấy cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ giữa cái thiện và cái ác, giữa lý tưởng sống cao cả và thực tại đau khổ.

Nghệ thuật xây dựng nhân vật của Shakespeare cũng rất tài hoa, từ Hăm-lét suy nghĩ sâu sắc đến vua Clô-đi-út nham hiểm, từ Pô-lô-ni-út giả dối đến nàng Ô-phê-li-a thủy chung nhưng sợ lễ giáo. Mỗi nhân vật đều được tạo hình rõ ràng và có màu sắc riêng biệt, với ngôn ngữ kịch điêu luyện và sắc bén.

Với những xung đột nội tâm và triết lý sâu sắc, "Sống hay không sống - đó là vấn đề" không chỉ là một văn bản bi - hài kịch độc đáo mà còn là một tác phẩm vĩ đại của văn hào Shakespeare, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả.

Đó là những điều tôi muốn chia sẻ về văn bản "Sống hay không sống - đó là vấn đề" trong vở kịch "Bi kịch của Hăm-lét, hoàng tử Đan Mạch". Rất mong nhận được sự góp ý từ tất cả các bạn. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã dành thời gian lắng nghe.

Hãy lựa chọn và giới thiệu với các bạn cùng lớp một kịch bản văn học hoặc một bộ phim - mẫu 7

Xin chào thầy cô và các bạn. Tôi là………………., học sinh lớp….., trường ……………….

Các bạn thân mến! Những vở kịch của Sếch-xpia luôn là nguồn tài nguyên giá trị để các thế hệ sau khai thác, khám phá. Không chỉ lột tả được bức tranh chân thực của thời đại, ông còn đem đến cho nhân loại vô vàn thông điệp, giá trị nhân sinh sâu sắc. Điều đó cũng được thể hiện rất rõ qua văn bản "Sống hay không sống - đó là vấn đề", trích trong vở bi - hài kịch "Bi kịch của Hăm-lét, hoàng tử Đan Mạch".

Về nội dung, tác phẩm mang đến rất nhiều thông điệp giá trị, ý nghĩa đối với nhân loại. Theo các nhà nghiên cứu nhận xét, "Sống hay không sống - đó là vấn đề" đã phản ánh được tinh thần của thời đại. Trong xã hội nơi sự mưu mô, xấu xa bao trùm, vẫn có những con người luôn hướng tới cái lương thiện, tốt đẹp. Ở đó, ta thấy cuộc đấu tranh không hồi kết giữa cái thiện và cái ác, giữa lí tưởng sống cao cả của con người với thực tại đổ vỡ, tối tăm. Qua đây, tác giả muốn hướng con người tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đồng thời, đưa ra được câu hỏi mang bản chất triết học của loài người: "Sống hay không sống?". Đây là vấn đề đề cập đến mục đích sống của từng cá nhân. Để trả lời câu hỏi ấy, con người cần ý thức được thực tại vô định, bất công. Từ đó suy xét và hình thành suy nghĩ: "Hành động hay không hành động?". Tất cả đều nhằm hướng tới một cuộc sống tốt đẹp, công bằng và hạnh phúc cho nhân loại.

Về nghệ thuật, đầu tiên phải kể tới nghệ thuật xây dựng nhân vật vô cùng tài hoa của Sếch-xpia. Đó là Hăm-lét- người suy nghĩ bằng cả trái tim và trí óc, dám lên tiếng hoài nghi cả xã hội; là tên vua Clô-đi-út nham hiểm, được ngụy tạo bằng những lời nói đường mật; tên Pô-lô-ni-út giả dối, độc đoán hay nàng Ô-phê-li-a thủy chung nhưng sợ lễ giáo, cường quyền;... Tất cả đã tạo nên một hệ thống các nhân vật điển hình với những màu sắc rõ ràng, riêng biệt. Ngôn ngữ kịch cũng được Sếch-xpia sử dụng vô cùng điêu luyện. Nhìn vào những cuộc đối thoại trong văn bản, ta thấy rất rõ sự biến chuyển linh hoạt: từ đau đớn, tự vấn đến giễu cợt, gay gắt, mỉa mai. Bên cạnh đó, ngôn ngữ độc thoại đặc sắc đã góp phần quan trọng thể hiện tư tưởng, góc nhìn của nhân vật cũng như của tác giả. Không chỉ vậy, những xung đột trong kịch cũng được gắn liền với xung đột nội tâm nhân vật Hăm-lét. Từ niềm tin mãnh liệt vào con người, Hăm-lét dần chuyển sang hoang mang, lo sợ trước thực tại đổ vỡ. Từ đó, có thái độ hoài nghi, chán nản với nhân sinh. Sau cùng, trải qua bao sóng gió, chàng đã nhận thức lại thế giới và nảy sinh nghị lực phản kháng.

Như vậy, có thể nói tác phẩm "Sống hay không sống - đó là vấn đề" đã thể hiện vô cùng rõ nét tài năng cũng như tầm nhìn mang tính vĩ mô của đại văn hào Sếch-xpia. Qua đó, để lại cho nhân loại một kiệt tác mà đến tận bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.

Trên đây là phần giới thiệu của tôi về kịch bản văn học - văn bản "Sống hay không sống - đó là vấn đề", trích trong vở bi - hài kịch "Bi kịch của Hăm-lét, hoàng tử Đan Mạch". Rất mong được sự góp ý của tấc cả các bạn. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.

Hãy lựa chọn và giới thiệu với các bạn cùng lớp một kịch bản văn học hoặc một bộ phim - mẫu 8

So sánh về tuổi đời, điện ảnh thuộc lớp những ngành nghệ thuật còn non trẻ ở Việt Nam. Thế nhưng, không vì thế mà điện ảnh ít được đón nhận. Bộ phim “Mùi cỏ cháy” chính là một minh chứng cho sức hấp dẫn của phim điện ảnh chất lượng tại Việt Nam.

“Mùi cỏ cháy” được công chiếu vào năm 2012. Sức hấp dẫn của bộ phim được thể hiện trên nhiều khía cạnh, đầu tiên là về mặt đề tài. Đề tài chiến tranh không phải là đề tài mới mẻ, xa lạ với các sáng tạo nghệ thuật. Có biết bao những tác phẩm văn chương, âm nhạc, nhiếp ảnh về đề tài này đã trở nên nổi tiếng và đi vào đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Thế nhưng, người dân nước ta khi ấy vẫn còn ít tiếp xúc với điện ảnh. Việc khai thác một đề tài kinh điển bằng chất liệu mới đã thu hút được sự chú ý và khơi gợi sự trân trọng ở công chúng. Không chỉ vậy, chính tên tuổi biên kịch cùng nguyên tác, đơn vị sản xuất cũng là yếu tố góp phần gây tiếng vang cho tác phẩm. Kịch bản của bộ phim được viết bởi nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm – một nhà thơ và cũng là một người chiến sĩ từng từ giã mái trường để lên đường chống Mỹ. Xúc động hơn, tác phẩm được dựa trên cuốn nhật kí bất hủ “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Đơn vị sản xuất là Hãng phim truyện Việt Nam. Chỉ từng ấy yếu tố thôi, “Mùi cỏ cháy” đã hứa hẹn là tác phẩm lấy đi nhiều nước mắt của khán giả khi tái hiện những năm kháng chiến hào hùng của đất nước cùng vẻ đẹp con người Việt Nam giữa lửa đạn chiến tranh.

Nếu những yếu tố trên thu hút công chúng đến với phòng vé thì chính nội dung hấp dẫn, chân thực và cảm động đã khiến “Mùi cỏ cháy” có sức sống lâu bền. Từ Hà Nội cổ kính rêu phong đến Quảng Trị kiên cường máu lửa, tất cả đều hiện lên vô cùng sống động. Nhân vật chính của tác phẩm là những chàng sinh viên đang độ tuổi đôi mươi, quyết tâm gác lại việc học để lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Bốn chàng trai Hoàng, Thành, Thăng, Long mang trong mình bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, tâm hồn ngây thơ trong sáng, sự tinh nghịch lạc quan, khát khao hạnh phúc và trên hết và tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, tinh thần quyết tâm xả thân vì độc lập tự do của dân tộc. Những sự kiện, địa danh trong phim như 81 ngày đêm khốc liệt tại Thành cổ, dòng sông Thạch Hãn, những đợt ném bom của Mĩ,… đều là những điều có thật. Hơn hết, “Mùi cỏ cháy” không dừng lại ở mức tái hiện khô cứng hiện thực lịch sử. Tác phẩm không khoác lên chiến tranh bộ chiến bào lấp lánh, oai hùng mà khắc họa tận cùng những mất mát, đau thương của con người. Ta tìm thấy trong tác phẩm nỗi buồn khi rời xa gia đình, sự đau xót khi chứng kiến đồng đội lần lượt hi sinh của những người lính kiên cường hơn sắt thép. Ngày ra đi, bốn chàng trai cùng nhau chụp một tấm ảnh hẹn ngày chiến thắng trở về. Đến khi đất nước đã không còn bóng giặc thì Thành, Thăng, Long cũng đã nằm lại nơi chiến trường, chỉ còn lại mình Hoàng. Mỗi nụ cười, mỗi ánh mắt của các nhân vật trong bộ phim đều để lại trong tâm hồn người xem biết bao day dứt, khắc khoải. Tác phẩm thực sự là khúc bi hùng ca về con người và đất nước Việt Nam.

Không chỉ thành công về mặt nội dung ý nghĩa truyền tải đến người xem, “Mùi cỏ cháy” còn là tác phẩm thành công về nghệ thuật làm phim. Tiến trình của phim đi theo mạch hồi tưởng của nhân vật Hoàng – khi ấy đã là một cựu chiến binh già tạo nên sự chân thực và gây xúc động mạnh cho người xem. Bên cạnh đó, đây còn là tác phẩm kết hợp hài hòa giữa chất thơ và chất hiện thực. Trong phim xuất hiện nhiều hình ảnh ẩn dụ như dòng máu chảy trên tượng cô gái khi Thành, Thăng, Long hy sinh hay tấm ruy đô Long mang từ nhà,...Bối cảnh của phim cũng được chau chuốt kĩ lưỡng để tái hiện đầy đủ vẻ đẹp làng quê Việt Nam với giếng nước, đốc ga. Các cảnh chiến trận được đoàn làm phim chuẩn bị vô cùng kì công với khoảng thời gian lên tới bốn tháng.

Với những nét hấp dẫn trên, “Mùi cỏ cháy” đã xứng đáng “Bông sen Bạc” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 cùng 4 giải “Cánh diều vàng” tại Lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2011. Đến nay, câu chuyện về bốn chàng thanh niên Hoàng, Thành, Thăng, Long vẫn được yêu mến và lấy đi nước mắt của khán giả. Lời nhận xét của đạo diễn Hữu Mười có lẽ đã đủ tổng kết giá trị của bộ phim: “Vinh danh Mùi cỏ cháy, là vinh danh quá khứ... Chúng ta không bao giờ được pphesp quên quá khú, nếu quên quá khứ sẽ không có tương lai”.

Hãy lựa chọn và giới thiệu với các bạn cùng lớp một kịch bản văn học hoặc một bộ phim - mẫu 9

Xã trưởng - Mẹ Đốp là đoạn trích được trích từ vở chèo Quan Âm Thị Kính, bằng ngôn ngữ đực trưng của chèo và các vai nhân vật, người đọc thấy được cuộc trao đổi giữa xã trưởng (người quản lí xã) với mẹ Đốp (vợ của người mõ làng) về việc đi rao mõ, thông báo cho cả làng biết tin Thị Mầu mang thai khi chưa có chồng. Qua đó thấy sự phê phán đối với những tầng lớp chức dịch như xã trưởng nhưng lại có tính trêu ghẹo, đùa cợt người khác, ham sắc và khinh người, tự cao và không có đạo đức.

Mở đầu đoạn trích là thông tin Thị Mầu mang thai khi chưa có chồng, bị rêu rao khắp làng xóm và bị phạt. Thông tin hết sức ngắn gọn được xã trưởng nêu lên để triệu tập bố Đốp ra làm việc. Thông tin ấy phần nào thể hiện xã hội cổ hủ, lạc hậu xưa với những giáo điều, quy định khắt khe.

Tiếp theo là màn đối đáp giữa xã trưởng (người quản lí xã) với mẹ Đốp (vợ của người mõ làng) về việc đi rao mõ, các màn kịch lần lượt được hiện lên. Đầu tiên là màn kịch phơi bày bộ mặt gian trá, dốt nát, kém hiểu biết của xã trưởng, sự tinh lanh, nhanh nhẹn hoạt ngôn của mẹ Đốp: “Một mình tôi cả xã ngóng trông/ Điều phải trái tôi nay trước bảo”. Rồi khi mẹ Đốp đọc thơ, xã trưởng cũng lấy làm hay thì mẹ Đốp bảo thầy chép về mà treo…

Tiếp đó là màn kịch của một tên háo sắc, nhũng nhiễu dân lành. Đường đường là người đứng đầu một làng một xã, lẽ ra phải là người ăn nói chỉn chu, lịch sự nhã nhặn với dân. Nhưng không, xã trưởng ở đây ngang nhiên gạ gẫm dân lành “nhà Đốp lớp này coi ra bảnh gái dễ coi lắm nhỉ… hôm nào mát trời tao sang gửi một đứa nhỉ”. Những ngôn ngữ “bảnh gái, gửi đứa” chỉ phù hợp với lứa trẻ đang tán tỉnh, trêu đùa nhau, không hề phù hợp với người cán bộ, người đứng đầu.

Và màn kịch cuối là màn kịch sử dụng ngôn ngữ đối thoại của hài kịch để khắc hoạ nổi bật tính cách của các nhân vật, cùng với sự dẫn dắt mâu thuẫn khéo léo, bất ngờ, hành động giàu kịch tính. Yếu tố hài hước được tạo nên từ những thủ pháp như sử dụng từ đồng âm ''bằng'' (“Bố cháu trẩy tỉnh lĩnh bằng rồi ạ/ Làm cái thứ mõ thì bằng với sắc cái gì/ Bố cháu cắp tráp theo hầu cụ Bá lên tỉnh lĩnh bằng rồi”); sử dụng âm vận “ôi” (Thánh đế lên ngôi/Chẳng giấu gì mẹ đốp là tôi; giấy quan về là phải báo với tôi/ tôi chưa ra là làng chửa được ngồi)… cùng những từ ngữ dân dã, xưng hô xuồng xã: con mẹ Đốp, con này, bảnh gái, mộc đạc… Qua đó nhân vật hiện lên rõ nét: mẹ Đốp là nhân vật nhân vật hài hước, gây cười, là người nhanh nhẹn, hoạt bát, mồm năm miệng mười. Còn xã trưởng là người tự hào khi mình được chọn làm lí trưởng, ra oai với dân làng, khinh bỉ, coi thường những người có địa vị thấp kém hơn mình. Sự xuất hiện hai nhân vật đối lập trong kịch bản chèo: giúp thể hiện rõ tư tưởng, triết lí dân gian bởi lời nói cử chỉ của nhân vật vừa gây cười nhưng rất thâm thúy, sâu sa, thể hiện rõ tư tưởng của tác giả dân gian.

Đoạn trích tiêu biểu cho nghệ thuật chèo truyền thống. Xây dựng xung đột kịch lôi cuốn, hấp dẫn. Xây dựng nhân vật tiêu biểu, đại diện cho giai cấp tầng lớp trong xã hội (xã trưởng- quan lại kém hiểu biết, lố lăng háo sắc; mẹ Đốp- nông dân khéo ăn khéo nói). Những làn điệu chèo phù hợp, giúp diễn tả tâm trạng, tính cách nhân vật. Nhân vật mang tính quy ước, thiện – ác phân chia làm hai tuyến rõ ràng. Qua việc xây dựng nhân vật và xung đột kịch hấp dẫn góp phần thể hiện văn hóa dân gian, thể hiện rõ tư tưởng của tác giả dân gian.

Hãy lựa chọn và giới thiệu với các bạn cùng lớp một kịch bản văn học hoặc một bộ phim - mẫu 10

Xã hội Việt Nam những năm trước Cách mạng là một đề tài được rất nhiều người quan tâm, chú ý. Đã có vô số tác phẩm lấy bối cảnh của giai đoạn đó để phản ánh, truyền tải những thông điệp về sự nhân văn, nhân đạo trong cuộc sống. Đặc biệt phải kể đến bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy". Đây là một trong số ít những tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam vào thế kỉ XX.

"Làng Vũ Đại ngày ấy" là tác phẩm được đạo diễn Phạm Văn Khoa sản xuất năm 1982. Bằng tài năng cùng sự khéo léo của mình, đội ngũ biên kịch đã tạo nên một kịch bản chuyển thể vô cùng xuất sắc, tái hiện hoàn hảo ba tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nam Cao: tiểu thuyết "Sống mòn" và hai truyện ngắn "Chí Phèo", "Lão Hạc". Không những kết nối, hòa quyện được bối cảnh giữa các truyện, đạo diễn còn nhào nặn bộ phim bằng cá tính sáng tạo độc đáo và nghệ thuật dựng phim độc đáo của mình. Với dàn diễn viên thực lực, "Làng Vũ Đại ngày ấy" đã đem đến cho khán tính giả những trải nghiệm xem phim hết sức giá trị.

Về nội dung, bộ phim thành công tái hiện hoàn hảo bối cảnh nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đó là ngôi làng nhỏ với đầy đủ các tầng lớp trong xã hội; là con ngõ với hàng xây xác xơ, đìu hiu; là những mái nhà tranh xập xệ với con người gầy gò, ốm o, quần áo rách tả tơi như tổ đỉa. Không chỉ vậy, "Làng Vũ Đại ngày ấy" còn phản ảnh chân thực những bi kịch trong xã hội lúc bấy giờ - điều mà Nam Cao đã làm rất thành công trong các tác phẩm văn học của mình. Nào là cha con Bá Kiến - những kẻ đại diện cho tầng lớp cường hào ác bá nham hiểm, mưu mô, luôn tìm mọi cách để chèn ép người dân nghèo. Hay như ông giáo Thứ (do nghệ sĩ Hữu Mười thủ vai) - đại diện cho lớp người tri thức thất thế trước thời cuộc, phải sống mòn mỏi trong bế tắc. Đặc biệt, hình ảnh người nông dân nghèo trước Cách mạng cũng được tái hiện hoàn hảo. Tác phẩm mang đến một Chí Phèo (nghệ sĩ Bùi Cường thủ vai) "kinh điển" của thời đại. Đó là anh nông dân lương thiện bị chính xã hội thực dân nửa phong kiến làm cho tha hóa cả về nhân hình lẫn nhân tính, bị đẩy đến cùng đường tuyệt lộ. Đồng thời, ta cũng thấy hình ảnh khắc khổ, bế tắc mà lão Hạc (nhà văn Kim Lân thủ vai) phải chịu đựng. Tất cả đã cùng nhau đưa đến những thông điệp nhân văn sâu sắc mà đội ngũ làm phim muốn truyền tải.

Không chỉ có những thành công về mặt nội dung, bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" còn chứng tỏ giá trị nghệ thuật của chính mình. Điều này được thể hiện ở rất nhiều phương diện khác nhau. Đầu tiên chính là sự sáng tạo của đạo diễn và đội ngũ làm phim. Việc kết hợp ba tác phẩm "Sống mòn", "Chí Phèo" và "Lão Hạc" vô cùng khó, đòi hỏi rất nhiều sự khéo léo, tinh tế. Và đội ngũ sản xuất đã làm được. Họ vừa thể hiện sự sáng tạo, làm ra mối liên kết tài tình giữa các chi tiết, vừa bám sát và tuân thủ đúng nguyên tác. Cách quay dựng phim cũng góp phần không nhỏ làm nên thành công của tác phẩm. Tuy đây chỉ là một bộ phim đen trắng với độ phân giải thấp nhưng thông điệp mà đạo diễn muốn truyền tải vẫn được thể hiện vô cùng rõ nét, chạm được đến trái tim của người xem suốt bao thế hệ. Bên cạnh đó, các diễn viên với tạo hình chân thực, phù hợp cùng thực lực không phải bàn cãi đã đem đến những câu chuyện giàu giá trị, tái hiện hoàn hảo các chi tiết văn học đắt giá trong tác phẩm của Nam Cao (bát cháo hành của thị Nở, cái lò gạch cũ, chi tiết lão Hạc bán chó,...).

Nhìn chung, "Làng Vũ Đại ngày ấy" là một tác phẩm điện ảnh xuất sắc cả về mặt nội dung và nghệ thuật. Với những thành tựu kể trên, bộ phim đã giành được không ít giải thưởng danh giá. Từ đó, trở thành một tượng đài trong làng nghệ thuật nước nhà. Những giá trị mà phim mang lại vẫn sẽ còn mãi trong lòng khán giả, đem đến nhiều bài học ý nghĩa cho các thế hệ sau này.

1 605 23/07/2024


Xem thêm các chương trình khác: