Tình yêu và thù hận - Tác giả tác phẩm Ngữ văn lớp 9 - Chân trời sáng tạo

Tóm tắt kiến thức trọng tâm tác phẩm Tình yêu và thù hận Ngữ văn lớp 9 sách Chân trời sáng tạo đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 9. Mời các bạn đón xem:

1 121 28/11/2024


Tác giả tác phẩm: Tình yêu và thù hận - Ngữ văn 9

I. Tác giả Uy-li-am Sếch-xpia

- Uy-li-am Sếch-xpia (1564 – 1616), là nhà thơ, nhà soạn kịch thiên tài người Anh thời Phục hưng. Ông đã soạn 37 vở kịch gồm lịch sử, hài kịch và bi kịch.

- Kịch của ông phản ánh tinh thần thời đại, là tiếng nói của lương tri tiến bộ, khát vọng tự do và tấm lòng nhân ái đối với con người.

- Tác phẩm tiêu biểu như: Hen-ry VI (Henry VI - 1592), Giấc mộng đêm hè (1594), Người lái buôn thành Vơ-ni-dơ (Venice - 1594), Vua Giôn (1594), Hăm-lét (Hamlet - 1601), Ô-ten-lô (Othello - 1604), Vua Lia (Lear - 1607), ...

Tình yêu và thù hận - Tác giả tác phẩm (mới 2024) | Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo

II. Tìm hiểu văn bản Tình yêu và thù hận

1. Thể loại

- Tác phẩm Tình yêu và thù hận thuộc thể loại: bi kịch

2. Xuất xứ

- In trong Tuyển tập Sếch-xpia, Đặng Thế Bính dịch, NXB Sân Khấu, 1995.

3. Phương thức biểu đạt

- Phương thức biểu đạt: tự sự, biểu cảm

4. Bố cục đoạn trích

- Phần 1 (từ lời thoại 1 đến 6): Lời độc thoại thổ lộ tình yêu thầm kín của Romeo và Juliet.

- Phần 2 (còn lại): Lời đối thoại của Romeo và Juliét.

5. Tóm tắt Tình yêu và thù hận

Rô-mê-ô và Giu-li-et là vở bi kịch nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của U.Sếch-xpia. ở thành Vêrôna nước ý có hai dòng họ phong kiến vốn có mối thù truyền kiếp với nhau là Mông-te-ghiu và Ca-piu-let. Chàng Rô-mê-ô là con trai họ Mông-ta-ghiu yêu Giu-li-et, con gái họ Ca-piu-let. Họ là một đôi trai tài gái sắc. Hai người làm lễ thành hôn thầm kín. Nhưng cùng trong ngày hôm đó, do một cuộc cãi lộn, Rô-mê-ô đâm chết Ti-bân, anh họ Giu-li-et và bị kết tội biệt xứ. Gia đình Giu-li-et ép nàng phải lấy bá tước Pa-rix. Nàng định tự sát, nhưng được tu sĩ Lô-rân giúp kế tránh cuộc hôn nhân đó: tu sĩ cho nàng một liều thuốc ngủ, uống vào sẽ như người đã chết; sau khi gia đình đặt thi thể nàng vào hầm mộ, tu sĩ sẽ báo cho Rô-mê-ô đến cứu nàng trốn khỏi thành Vê-rô-na. Nhưng người của tu sĩ chưa kịp báo tin thì người nhà Môn-ta-ghiu lại đến trước báo cho Rô-mê-ô tin nàng Giu-li-et đã tự sát. Rô-mê-ô tưởng nàng đã chết, nên đã tự sát bên nàng. Giu-li-et tỉnh dậy, cũng tự sát theo. Và trước cái chết của hai người, hai họ đã quên mối thù truyền kiếp. Tác phẩm kết thúc bằng cái chết của hai nhân vật chính và sự hoà giải của hai dòng họ. Một kết thúc đầy bi kịch nhưng âm hưởng chung của tác phẩm lại thể hiện cái nhìn lạc quan của tác giả đối với sự chiến thắng của lí tưởng nhân văn chủ nghĩa. Tình yêu say đắm thuỷ chung của hai người trẻ tuổi đã xoá bỏ những tập tục thành kiến và thù địch của hai dòng họ suốt hàng trăm năm.

6. Giá trị nội dung

- Câu chuyện xoay quanh tình yêu cao đẹp bất chấp thù hận giữa hai dòng họ của Rô-mê-ô và Giu-li-ét. Thông qua câu chuyện tình yêu của Romeo và Juliet, tác giả ca ngợi và khẳng định vẻ đẹp của tình người, tình đời theo lý tưởng chủ nghĩa nhân văn.

7. Giá trị nghệ thuật

- Diễn biến tâm trạng của nhân vật, cách so sánh ví von, cách nói của hai người và bối cảnh thiên nhiên thanh bình của đêm gặp gỡ thề nguyền

III. Tìm hiểu chi tiết văn bản Tình yêu và thù hận

1. Tâm trạng của Rô-mê-ô sau khi gặp Giu-li-ét

- Choáng váng trước vẻ đẹp trong trắng thánh thiện của nàng, thấy ngây ngất vì đã trúng mũi tên của thần Tình yêu.

- Chàng quyết định trở lại khu vườn nhà Giu-li-ét ngay trong đêm để nhìn nàng một lần nữa.

- Trước đôi mắt của những người đang yêu vẻ đẹp của người mình yêu là tuyệt vời hơn hết thảy: Giu-li-ét như vầng dương đẹp tươi, sự xuất hiện của nàng khiến ả Hằng Nga héo hon, nhợt nhạt, đôi mắt nàng là hai ngôi sao đẹp nhất bầu trời,.....

⇒ Nghệ thuật so sánh thật đặc sắc rất chân thành được lồng trong thứ ngôn ngữ của sự đắm say, của sự nồng nhiệt khi ngọn lửa tình yêu đang thiêu đốt.

- Rô-mê-ô bộc lộ lòng mình (độc thoại) bằng cảm xúc tha thiết say đắm. Khi Giu-li-ét phát hiện ra và trò chuyện với chàng thì cảm xúc ấy trở nên mãnh liệt bất chấp nguy hiểm là mối thù truyền kiếp của hai dòng họ.

- Chàng sẵn sàng từ bỏ dòng họ của mình để đến với tình yêu.

⇒ Tác giả đã thật tài tình khi miêu tả hết sức thành công đạt đến mức điển hình tâm trạng mãnh liệt của con người đang yêu.

Tình yêu và thù hận - Tác giả tác phẩm (mới 2024) | Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo

2. Tâm trạng Giu-li-ét

- Khi nghĩ đến Rô-mê-ô điều đầu tiên làm nàng bận tâm là môi thù giữa hai nhà nhưng mối thù ấy không thể ngăn cản nổi tình yêu của nàng: Ôi, Rô-mê-ô, chàng Rô-mê-ô! Sao chàng lại là Rô-mê-ô nhỉ?..... con cháu nhà Ca-piu-lét nữa.

- Nhận ra giọng nói của Rô-mê-ô, nàng vừa vui mừng lại vừa lo sợ cho chàng: Nếu càng bị họh àng nhà em bắt gặp nơi đây.....

- Nàng khẳng định dù Rô-mê-ô thuộc dòng họ đối địch thì mười phân chàng vẫn vẹn mười.

⇒ Tâm trạng nàng nhiều rối bời, chứa chan niềm băn khoăn, day dứt rối bời trước hoàn cảnh éo le.

3. Sự giống nhau giữa hai người

- Cả hai cùng bị tình yêu sét đánh cùng rung động mãnh liệt và có sự đồng điệu diệu kì trong tâm hồn.

- Tình yêu trong sáng của họ vượt lên trên mối thù dai dẳng giữa hai dòng họ Môn-ta-ghiu và Ca-piu-lét.

4. Nghệ thuật

- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, đặc biệt thành công ở những đoạn độc thoại nội tâm.

- Cách nói lối nói hồn nhiên của hai nhân vật, cách sử dụng lối nói của nhau để xóa đi sự ngăn cách mà hận thù tạo ra.

IV. Đọc văn bản Tình yêu và thù hận

TÌNH YÊU VÀ THÙ HẬN

- Uy-li-am Sếch-xpia -

[…]

Hồi II

Cảnh 2

Vườn nhà Ca-piu-lét

[Ngay sau đêm dạ hội, Rô-mê-ô lại tìm gặp Giu-li-ét. Họ tha thiết tỏ bày tình yêu và cùng nhau thề hẹn, bất chấp mọi ngăn cách và hận thù giữa hai dòng họ.]

Rô-mê-ô ra

Rô-mê-ô: - Kẻ chưa từng bị thương thì há sợ gì sẹo. (Giu-li-ét xuất hiện trên cửa số). Ấy, khe khẽ chứ! Ánh sáng nào vừa lóe trên cửa sổ kia? Đấy là phương đông, và nàng Giu-li-ét là mặt trời! - Vừng dương đẹp tươi ơi, hãy hiện lên đi, và giết chết ả Hằng Nga đố kị, héo hon và nhợt nhạt vì đau khổ khi thấy cô hầu của ả lại đẹp hơn ả rất nhiều. Ả ghen với em thế thì em theo ả làm gì? Bộ cánh đồng cốt của ả xanh xao, nhợt nhạt, chỉ hợp với những đồ ngu xuẩn, em hãy vứt nó đi. Đấy là người ta quý. Ôi! Đấy là người ta yêu! Ôi, giá nàng biết nhỉ! Nàng đang nói kìa, nhưng nàng có nói gì đâu: Vậy là gì thế? Đôi mắt nàng lên tiếng, ta sẽ đáp lời. Ta liều quá: Có phải nàng nói với ta đâu, chẳng qua hai ngôi sao đẹp nhất bầu trời có việc phải đi vắng, đã thiết tha nhờ mắt nàng lấp lánh, chờ đến lúc sao về. Ù, nếu mắt nàng lên thay cho sao, và sao xuống nằm dưới đôi lông mày kia thì thế nào nhỉ? Vẻ rực rỡ của đôi gò má nàng sẽ làm cho các vì tinh tú ấy phải hổ ngươi, như ánh sáng ban ngày làm cho đèn nến phải thẹn thùng; còn cặp mắt nàng trên bầu trời sẽ rọi khắp không gian một làn ánh sáng tưng bừng đến nỗi chim chóc sẽ lên tiếng hót vang và tưởng là đêm đã tàn. Kìa, nàng tì má lên bàn tay! Ôi! Ước gì ta là chiếc bao tay, để được mơn trớn gò má ấy!

Giu-li-ét: - Ôi chao!

Rô-mê-ô: - Nàng lên tiếng! Hỡi nàng tiên lộng lẫy, hãy nói nữa đi! Bởi đêm nay, nàng toả ánh hào quang, trên đầu ta, như một sứ giả nhà trời có cánh, đang cưỡi những áng mây lững lờ lướt nhẹ trong không trung, khiến những kẻ trần tục phải cố ngước đôi mắt trắng dã lên mà chiêm ngưỡng.

Giu-li-ét: - Ôi, Rô-mê-ô, chàng Rô-mê-ô! Sao chàng lại là Rô-mê-ô nhỉ? Chàng hãy khước từ cha chàng và từ chối dòng họ của chàng đi; hoặc nếu không thì chàng hãy thề là yêu em đi, và em sẽ không còn là con cháu của nhà Ca-piu-lét nữa.

Rô-mê-ô: - (nói riêng) Mình cứ nghe thêm nữa, hay mình nên lên tiếng nhỉ?

Giu-li-ét: - Chỉ có tên họ chàng là thù địch của em thôi. Nếu chẳng phải là người họ Môn-ta-ghiu thì chàng vẫn cứ là chàng. Môn-ta-ghiu là cái gì nhỉ? Đó đâu phải là bàn tay, hay bàn chân, hay cánh tay, hay mặt mũi, hay một bộ phận nào đấy của cơ thể con người. Chàng ơi! Hãy mang tên họ nào khác đi! Cái tên nó có nghĩa gì đâu? Bông hồng kia, giá chúng ta gọi bằng một tên khác thì hương thơm cũng vẫn ngọt ngào. Vậy nếu chàng Rô-mê-ô chẳng mang tên Rô-mê-ô nữa, thì mười phân chàng vẫn cứ vẹn mười ... Rô-mê-ô chàng ơi, chàng hãy vứt bỏ tên họ của chàng đi; chàng hãy đem tên họ ấy, nó đâu phải xương thịt của chàng, đổi lấy cả em đây!

Rô-mê-ô: - Đúng là miệng em nói thế đấy nhé! Chỉ cần em gọi tôi là người yêu, tôi sẽ thay tên đổi họ; từ nay, tôi sẽ không bao giờ còn là Rô-mê-ô nữa.

Giu-li-ét: - Người là ai, mà khuất trong đêm tối, chợt biết được điều tôi ấp ủ trong lòng?

Rô-mê-ô: - Tôi không biết xưng danh cùng em thế nào. Nàng tiên yêu quý của tôi ơi, tôi thù ghét cái tên tôi, vì nó là kẻ thù của em. Nếu chính tay tôi đã viết tên đó, thì tôi xé nát nó ra.

Giu-li-ét: - Tai tôi nghe chưa trọn một trăm tiếng thốt từ miệng đó ra mà tôi đã nhận ra tiếng ai rồi. Chẳng phải anh Rô-mê-ô, và là họ nhà Môn-ta-ghiu đấy ư?

Rô-mê-ô: - Hỡi nàng tiên kiều diễm, chẳng phải

Rô-mê-ô: cũng chẳng phải Môn-ta-ghiu, nếu em không ưa tên họ đó.

Giu-li-ét: - Anh làm thế nào tới được chốn này, anh ơi, mà tới làm gì thế? Tường vườn này cao, rất khó trèo qua; và nơi tử địa, anh biết mình là ai rồi đấy, nếu anh bị họ hàng nhà em bắt gặp nơi đây.

Rô-mê-ô: - Tôi vượt được tường này là nhờ đôi cánh nhẹ nhàng của tình yêu; mấy bức tường đá ngăn sao được tình yêu; mà cái gì tình yêu có thể làm là tình yêu dám làm; vậy người nhà em ngăn sao nổi tôi.

Giu-li-ét: - Họ mà bắt gặp anh, họ sẽ giết chết anh.

Rô-mê-ô: - Em ơi! Ánh mắt của em còn nguy hiểm cho tôi hơn hai chục lưỡi kiếm của họ; em hãy nhìn tôi âu yếm là tôi chẳng ngại gì lòng hận thù của họ nữa đâu. Giu-li-ét - Em chẳng đời nào muốn họ anh nơi đây.

[…]

V. Dàn ý phân tích Tình yêu và thù hận

1. Mở bài

- Giới thiệu sơ lược về cuộc đời và sự nghiệp của Uy-li-am Sếch-xpia.

- Rô-mê-ô và Giu-li-ét là vở bi kịch kinh điển về tình yêu, là kiệt tác văn học ra đời dựa trên mối thù hận có thực của hai dòng họ Môn-ta-ghiu và Ca-piu-lét tại I-ta-li-a thời trung cổ.

- Tình yêu và thù hận trích trong lớp hai, hồi II của vở kịch là những lời tâm sự tận đáy lòng của đôi trai tài gái sắc, hai trái tim cùng hướng về thứ tình yêu đích thực, sẵn sàng từ bỏ, vượt qua những rào cản thù hận dòng họ để đến bên nhau.

2. Thân bài

a. Tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-ét:

- Là tình yêu trên nền thù hận, và Giu-li-ét sự thù hận của hai dòng họ được nhắc đến như một nỗi sợ, nỗi ám ảnh thường trực.

- Với Rô-mê-ô chàng luôn mang tâm thế sẵn sàng, vượt lên trên thù hận với thái độ quyết đoán, sẵn sàng từ bỏ cả tên họ, từ bỏ cả dòng tộc vì tình yêu và Giu-li-ét, nhưng chàng lại băn khoăn và e dè vì chưa xác định được tình yêu của Giu-li-ét.

b. Những lời muốn ngỏ của hai nhân vật thông qua màn độc thoại nội tâm:

* Rô-mê-ô với 6 lời thoại:

- Bối cảnh: Đêm khuya thanh vắng, tĩnh mịch có ánh trăng, có những vì tinh tú, phù hợp để giãi bày tâm sự.

- Rô-mê-ô có những lời tán dương đầy si mê cho Giu-li-ét ví nàng như "mặt trời"với nhiều ẩn ý:

  • Vẻ đẹp của người con gái trẻ trung, rực rỡ, vẻ đẹp ấy giống như ánh dương ấm áp sáng chói tâm hồn hồn chàng.
  • Vẻ đẹp của nàng tỏa ra thứ ánh sáng cạnh tranh với thiên nhiên, thậm chí lấn át của ánh trăng khiến cho nó trở nên nhợt nhạt xanh xao.
  • Xuất phát từ thần thoại La Mã về mặt trăng, mà bản thân Rô-mê-ô lại ao ước một tình yêu thực tế, tươi đẹp gần sát với trần thế => Giu-li-ét phải xứng đáng với hình tượng mặt trời ấm áp.
  • Giu-li-ét lại xuất lúc chàng rơi vào tuyệt vọng, chính tình yêu của nàng đã hồi sinh tâm hồn chàng.

=> Chính Giu-li-ét đã mang đến sức mạnh, củng cố nguồn sống, là sự hiện diện tuyệt đối cần thiết trong cuộc đời chàng.

- Ví mắt nàng như vì tinh tú.

=> Chủ nghĩa nhân văn thời Phục Hưng, vẻ đẹp của con người đã được tôn vinh để sánh ngang với vẻ đẹp của vũ trụ, thổi bùng lên ngọn lửa yêu đương mãnh liệt ở Rô-mê-ô.

* Giu-li-ét với 3 lời thoại:

- "Ôi chao", cảm xúc chất chứa dồn nén ở trong ấy, đó là tình cảm gói ghém dành cho mối tình đầu tiên của mình, nhưng cũng là tiếng thở dài lo lắng, là nỗi băn khoăn của nàng về tình yêu của Rô-mê-ô.

- Đề ra giải pháp là một trong hai người họ phải từ bỏ dòng họ, có thể thấy rằng tình yêu của Giu-li-ét dành cho Rô-mê-ô là vô cùng lớn lao, là lời mách bảo chân thành của trái tim.

- Dùng lý lẽ để bảo vệ, biện minh cho việc từ bỏ dòng họ vì tình yêu "Chỉ có tên họ...đổi lấy cả em đây!".

=> Dường như Giu-li-ét đã không còn là cô bé 14 tuổi nữa mà đã vụt trưởng thành, chín chắn.

c. Cuộc chạm mặt trực tiếp để bày tỏ tình cảm:

* Giu-li-ét:

- Luôn ám ảnh nỗi sợ hãi thường trực, nàng luôn gợi nhắc về mối thù của hai đại gia tộc mà hiện thân của nỗi lo lắng ấy chính là bức tường đá.

- Bức tường đá bảo vệ dòng họ khỏi sự đột nhập của những kẻ có ý đồ bất chính, là sự ngăn trở tình yêu, là rào cản, là mối thù sâu đậm của hai dòng họ, nó còn là biểu tượng cho nỗi lo lắng của Giu-li-ét về tình yêu của Rô-mê-ô.

* Rô-mê-ô:

- Suy nghĩ của Rô-mê-ô lại thoáng và nhẹ nhàng hơn rất nhiều, lập tức khẳng định chàng sẵn sàng từ bỏ tên họ để xóa bỏ mối thù.

- Xóa tan mọi băn khoăn lo lắng của Giu-li-ét về tình yêu của chàng bằng cách khẳng định chắc chắn về tình yêu mãnh liệt dành cho nàng.

- Hình bóng bức tường trở thành đòn bẩy, là công thức chính minh cho tình yêu của Rô-mê-ô.

3. Kết bài

­- Khẳng định lại giá trị nội dung tư tưởng của đoạn trích.

1 121 28/11/2024