Bản sắc dân tộc: cái gốc của mọi công dân toàn cầu - Tác giả tác phẩm Ngữ văn lớp 9 - Chân trời sáng tạo

Tóm tắt kiến thức trọng tâm tác phẩm Bản sắc dân tộc: cái gốc của mọi công dân toàn cầu Ngữ văn lớp 9 sách Chân trời sáng tạo đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 9. Mời các bạn đón xem:

1 135 27/11/2024


Tác giả tác phẩm: Bản sắc dân tộc: cái gốc của mọi công dân toàn cầu - Ngữ văn 9

I. Tác giả văn bản Bản sắc dân tộc: cái gốc của mọi công dân toàn cầu

- Nam Lê, Như Ý.

II. Tìm hiểu văn bản Bản sắc dân tộc: cái gốc của mọi công dân toàn cầu

1. Thể loại

- Tác phẩm Bản sắc dân tộc: cái gốc của mọi công dân toàn cầu thuộc thể loại: văn bản nghị luận.

2. Xuất xứ

- Theo Bản sắc dân tộc: cái gốc của mọi công dân toàn cầu, https://giaoducthoidai.vn/, ngày 03/11/2019.

3. Phương thức biểu đạt

- Phương thức biểu đạt: nghị luận

4. Bố cục Bản sắc dân tộc: cái gốc của mọi công dân toàn cầu

- Phần 1 (từ đầu đến …lớn nhất của thế giới): giới thiệu, dẫn dắt vấn đề.

- Phần 2 (tiếp theo đến…một bản sắc chung): bằng chứng chứng minh cho vấn đề đề cập.

- Phần 3 (đoạn còn lại): khẳng định lại tính đúng đắn của vấn đề.

5. Tóm tắt Bản sắc dân tộc: cái gốc của mọi công dân toàn cầu

Văn bản Bản sắc dân tộc: cái gốc của mọi công dân toàn cầu đề cập đến vấn đề mỗi công dân toàn cầu trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Văn bản đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng nhằm nhấn mạnh trách nhiệm của mỗi công dân, nhấn mạnh nền tảng để trở thành công dân toàn cầu và nhấn mạnh điều tất yếu để một đất nước hướng tới xu thế toàn cầu hóa là cần gìn giữ bản sắc trong mọi thời đại.

6. Giá trị nội dung

- Văn bản khẳng định vai trò và trách nhiệm của công dân toàn cầu trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa không đồng nghĩa với việc hòa tan bản sắc, mà là sự giao thoa và tôn trọng sự đa dạng văn hóa.

7. Giá trị nghệ thuật

- Luận điểm rõ ràng, thuyết phục.

- Bố cục bài viết hợp lí, chặt chẽ, các ý được dẫn dắt tự nhiên.

III. Tìm hiểu chi tiết văn bản Bản sắc dân tộc: cái gốc của mọi công dân toàn cầu

1. Mối quan hệ giữa luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong văn bản

- Luận đề: công dân toàn cầu trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

- Luận điểm:

+ Trách nhiệm của mỗi công dân.

+ Bản sắc văn hóa dân tộc là nền tảng để trở thành công dân toàn cầu.

+ Giữ gìn bản sắc trong thời đại toàn cầu hóa là điều hoàn toàn khả thi.

+ Trách nhiệm của công dân toàn cầu.

- Lí lẽ:

+ Toàn cầu hóa mà là sự giao thoa và tôn trọng sự đa dạng văn hóa.

+ Mỗi công dân, mỗi dân tộc là một mảnh ghép độc đáo trong bức tranh chung của nhân loại.

+ Bản sắc văn hóa giúp mỗi người định hình bản thân và đóng góp giá trị riêng cho cộng đồng toàn cầu.

+ Văn hóa truyền thống là sức mạnh giúp con người thích nghi và hội nhập.

- Bằng chứng:

+ Khả năng giữ gìn bản sắc trong môi trường toàn cầu của Trung Quốc, Châu Âu.

+ Vai trò của các yếu tố như giáo dục, gia đình, cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa.

+ Trích dẫn ý kiến của các nhà văn hóa, danh nhân về tầm quan trọng của bản sắc văn hóa.

Bản sắc dân tộc: cái gốc của mọi công dân toàn cầu - Tác giả tác phẩm (mới 2024) | Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo

IV. Đọc văn bản Bản sắc dân tộc: cái gốc của mọi công dân toàn cầu

BẢN SẮC DÂN TỘC: CÁI GỐC CỦA MỌI CÔNG DÂN TOÀN CẦU

- Nam Lê, Như Ý -

Xu thế toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ. Điều này đặt ra cho những công dân toàn cầu việc giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc. Việc gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc không phải chỉ mang ý nghĩa phân biệt giữa con người của quốc gia này với quốc gia khác, mà còn thể hiện bảo tồn những giá trị tinh hoa văn hoa của nhân loại.

Khi một người tự hào nói rằng “tôi là công dân toàn cầu”, có nghĩa là những việc anh ta đã và đang làm góp phần tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn. Những công dân toàn cầu tương lai sẽ không chỉ chèo lái con tàu đất nước mà còn tham gia vào những công việc chung, ở phạm vi toàn cầu. Bởi lẽ họ hiểu rằng, có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhân loại, từ biến đổi khí hậu cho đến các đại dịch truyền nhiễm, hoàn toàn không thể bị đặt trong một khuôn khổ hay không gian giới hạn nào. Những vấn đề đó chỉ có thể được giải quyết bởi những người tin rằng bản thân thuộc về toàn nhân loại và sẵn sàng hành động vì niềm tin đó để giải quyết những thách thức lớn nhất của thế giới.

Đặc trưng của toàn cầu hoá là sự đón nhận và trân trọng đóng góp của tất cả các dân tộc trong bản hoà ca của nhân loại. Ở đó, người ta chia sẻ giá trị của mình vào cái chung, tạo nên một bức tranh lớn đa sắc màu nhưng vẫn nhất quán và đầy tính nhân bản. Nhiều ý kiến cho rằng khi “thế giới phẳng", các nền văn hoá giao thoa sẽ dần hoà lẫn với nhau, mỗi người đều giống hệt nhau và mất đi văn hoá đặc trưng của dân tộc mình. Điều đó là không đúng, bởi mỗi công dân, mỗi dân tộc là một mảnh ghép vừa vặn trong bức tranh chung của nhân loại nhưng vẫn mang trong mình một sắc màu đặc trưng của dân tộc.

Thực tế đã chứng minh quy mô rộng lớn của việc toàn cầu hoá không phải là rào cản thể hiện bản sắc. Có gần 1,4 tỉ người Trung Quốc trên hành tinh, nhưng họ không gặp vấn đề gì trong việc tạo ra và gắn kết với bản sắc Trung Hoa của mình. Các nước châu Âu là nơi nhất thể hoá2 gần như không có biên giới, nhưng người Đức và người Bỉ không bị lẫn vào nhau, người Hà Lan vẫn giữ được văn hoá riêng, các dân tộc không hề bị xoá nhoà. Bên cạnh đó, mỗi một quốc gia cũng chính là một cộng đồng rộng lớn đối với mọi người, nơi mà các thành viên không bao giờ gặp mặt trực tiếp hết tất cả những thành viên khác. Họ gắn kết với nhau nhờ gốc rễ chung là văn hoá dân tộc. Không cần gặp mặt hay chạm tay trực tiếp, họ thống nhất với nhau nhờ vào việc hiểu và chấp nhận, thể hiện một bản sắc chung.

Như vậy, các công dân toàn cầu là những người kế thừa sự hiểu biết và cảm thông, rồi phát triển nó thêm một bước cao hơn chứ không chối bỏ nguồn gốc, cội rễ của mình. Đúng như ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định: “Công dân toàn cầu phải hiểu được toàn cầu hoá không loại bỏ bản sắc riêng. Anh làm toàn cầu trở nên phong phú hơn khi anh cũng đưa bản sắc của dân tộc anh vào. Một người công dân toàn cầu thực sự sẽ bổ sung giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình vào nền văn hoá chung toàn cầu”. Khi giới thiệu về bản thân, chẳng hạn “tôi là công dân Việt Nam”, chúng ta cần nhận thức rõ đó không chỉ nói về quốc tịch, mà quan trọng hơn, là nói về sự trân trọng, tự hào về đất nước đã nuôi dưỡng chúng ta, cho chúng ta một nền tảng tri thức, văn hoá, bản sắc để bước vào đời và hội nhập với thế giới.

1 135 27/11/2024